You are on page 1of 4

Đặc điểm của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam:

Trong quá trình xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước cách mạng Việt Nam dưới sự
lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, cho đến nay Nhà nước ta đã ban hành bốn bản Hiến
pháp dân chủ, tiến bộ, đó là Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980 và Hiến pháp
1992, trong đó quy định về chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc
phòng; quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định về tổ chức bộ máy nhà
nước phù hợp thực tiễn các giai đoạn phát triển của cách mạng nước ta.

Từ thực tiễn nêu trên, các nội dung đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt
Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân ngày càng được định hình, có thể nêu lên một
số đặc trưng sau đây:

Thứ nhất, xây dựng nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, nhà nước ta là nhà nước của
nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

Dân chủ vừa là bản chất của nhà nước pháp quyền vừa là điều kiện, tiền đề của chế độ nhà
nước. Mục tiêu của nhà nước pháp quyền là xây dựng và thực thi một nền dân chủ, đảm bảo
quyền lực chính trị thuộc về nhân dân. Nhân dân thực hiện quyền dân chủ của mình thông qua
dân chủ trực tiếp; dân chủ đại diện.

Nội dung này luôn được khẳng định là một trong những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo việc xây
dựng nhà nước. Hiến pháp 1946, bản hiến pháp đầu tiên đã quy định tại Ðiều 1: "Nước Việt
Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân
Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Nguyên tắc đó
được tiếp tục khẳng định trong các hiến pháp tiếp theo và đến Hiến pháp 1992 được thể hiện
toàn diện hơn, sâu sắc hơn: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà
nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông
dân và đội ngũ trí thức" (Ðiều 2).

Khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân không chỉ là nguyên tắc cơ bản được ghi
nhận trong các Hiến pháp nước ta mà còn gắn với việc thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện
quyền lực thực sự của nhân dân, là tư tưởng chỉ đạo bao quát toàn bộ nội dung của các hiến
pháp, được thể hiện cụ thể trong các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy
nhà nước từ trung ương đến địa phương; của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Thứ hai, nhà nước được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở của Hiến pháp và pháp luật.
Trong tất cả các hoạt động của xã hội, pháp luật đươc đặt ở vị trí tối thượng để ddirruf chỉnh
các quan hệ xã hội.

Hiến pháp và pháp luật luôn giữ vai trò điều chỉnh cơ bản đối với toàn bộ hoạt động Nhà nước
và hoạt động xã hội, quyết định tính hợp hiến và hợp pháp của mọi tổ chức và hoạt động của
bộ máy nhà nước. Tuy nhiên không phải mọi chế độ lập hiến, mọi hệ thống pháp luật đều có
thể đưa lại khả năng xây dựng nhà nước pháp quyền, mà chỉ có Hiến pháp và hệ thống pháp
luật dân chủ, công bằng mới có thể làm cơ sở cho chế độ pháp quyền trong nhà nước và xã
hội.

Pháp luật phải thể hiện đúng đắn ý chí của nhân dân, phù hợp với hiện thực khách quan, thúc
đẩy tiến bộ xã hội. Pháp luật phải được chính Nhà nước, cán bộ, công chức trong các cơ quan
nhà nước và mọi người, mọi tổ chức trong xã hội tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Trong
các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta, đặc biệt Hiến pháp - đạo luật cơ bản đã xác
định: "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội
chủ nghĩa. Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân
và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh phòng
ngừa và chống các tội phạm, các vi phạm Hiến pháp và pháp luật" (Ðiều 12 Hiến pháp 1992).
Nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật không loại trừ đối với bất cứ ai. Ngay Ðảng Cộng
sản Việt Nam, được toàn thể nhân dân Việt Nam thừa nhận vị trí, vai trò lãnh đạo đất nước và
Hiến pháp xác định: Ðảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì cũng tại Ðiều 4 của
Hiến pháp 1992 khẳng định: Mọi tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và
pháp luật.

Thứ ba, xác định quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công rõ ràng, có cơ chế phối
hợp nhịp nhàng và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp, tư pháp.

Ðây vừa là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước ta, vừa là quan điểm chỉ
đạo quá trình tiếp tục thực hiện việc cải cách bộ máy nhà nước. "Quyền lực nhà nước là thống
nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền
lập pháp, hành pháp, tư pháp". Ðó là hai mặt của một vấn đề trong tổ chức, xây dựng nhà
nước. Quán triệt quan điểm quyền lực nhà nước thống nhất sẽ tác động trực tiếp đến việc tăng
cường trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ cấu thực hiện quyền lực của bộ máy nhà nước,
bảo đảm cho bộ máy nhà nước vận hành đồng bộ, thống nhất và có hiệu lực, hiệu quả. Mặt
khác, tăng cường việc phân công, phân nhiệm rành mạch, hợp lý, rõ ràng và chú trọng phối
hợp chặt chẽ trên tinh thần "vì dân, do dân" giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền
lập pháp, hành pháp và tư pháp chính là điều kiện để phát huy tốt hiệu lực của quyền lực nhà
nước thống nhất.

Xuyên suốt các bản hiến pháp của nước ta đều thể hiện rõ quan điểm nêu trên trong việc xây
dựng nhà nước. Quốc hội luôn được xác định là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ
quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan duy nhất có quyền lập hiến và lập pháp, quyết
định những vấn đề cơ bản, quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao.
Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của
nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các
nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của Nhà nước.

Vị trí, vai trò của cơ quan tư pháp nước ta mà trung tâm là hệ thống các Tòa án luôn được đề
cao. Các nguyên tắc: "khi xét xử, Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật";
"Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số"; "Quyền bào chữa của bị cáo được
bảo đảm" luôn phải được tôn trọng trong hoạt động tư pháp.
Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương được thể hiện qua các hiến pháp với việc
hình thành HÐND mà các vị đại biểu HÐND do nhân dân địa phương trực tiếp bầu ra và việc
HÐND bầu các thành viên của UBND.

Thực tiễn chứng minh rằng, việc phân công và phối hợp trong thực hiện quyền lực nhà nước ở
Việt Nam mấy chục năm qua đã tạo điều kiện để bộ máy nhà nước vận hành thông suốt; đồng
thời bảo đảm tăng cường ngày càng có chất lượng hơn cơ chế kiểm tra và tự kiểm tra, thanh
tra của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, cơ chế kiểm sát đối với các hoạt động tư pháp
của Viện kiểm sát, cơ chế giám sát của Quốc hội, HÐND các cấp đối với các cơ quan nhà
nước và cơ chế giám sát thường xuyên của nhân dân đối với hoạt động của bộ máy nhà nước
và cán bộ, công chức nhà nước.

Thứ tư, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo, phù hợp với điều 4 Hiến pháp năm 2018. Hoạt động của Nhà nước được giám sát
bởi nhân dân với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thông qua các tổ
chức, các cá nhân được nhân dân ủy nhiệm.

Lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước từ thời kỳ đầu của cách mạng
Việt Nam cho đến nay đã có một thời kỳ ở nước ta tồn tại nhiều đảng chính trị hoạt động
trong đời sống xã hội; tuy nhiên, qua thử thách của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mấy
chục năm vô cùng ác liệt và công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước đầy gay go quyết liệt,
nhân dân Việt Nam đã thừa nhận vị trí, vai trò lãnh đạo duy nhất của Ðảng Cộng sản Việt
Nam đối với Nhà nước và xã hội. Sự lãnh đạo của Ðảng được chính thức ghi nhận trong Hiến
pháp, đó là sự khẳng định thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân ta. Hiến pháp 1992
khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội; đồng
thời cũng quy định rõ các tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp
luật.

Tuy chúng ta có một Ðảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nhưng chúng ta có Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoạt động tích cực để đoàn kết rộng rãi và
đại diện cho lợi ích hợp pháp của tất cả các giai cấp, các tầng lớp trong xã hội.

Thứ năm, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam luôn tôn trọng quyền con
người, coi con người là chủ thể, là trung tâm của sự phát triển. Quyền dân chủ của nhân dân
được thực hành một cách rộng rãi; “nhân dân có quyền bầu và bãi miễn những đại biểu không
xứng đáng”; đồng thời tăng cường sự nghiêm minh của pháp luật.

Quyền con người là tiêu chí đánh giá tính pháp quyền của chế độ nhà nước. Mọi hoạt động
của Nhà nước đều phải xuất phát từ sự tôn trọng và đảm bảo quyền con người, tạo mọi điều
kiện cho công dân thực hiện quyền của mình theo đúng các quy định của luật pháp. Mối quan
hệ giữa cá nhân và nhà nước được xác định chặt chẽ về phương diện luật pháp và mang tính
bình đẳng. Mô hình quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân được xác định theo nguyên tắc: Đối
với cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép; đối với công dân được làm tất
cả trừ những điều luật cấm.
Ðây là một đặc trưng mà kể từ khi thành lập nước Việt Nam DCCH cho đến nay, Nhà nước ta
đặc biệt quan tâm. Trong các văn bản pháp luật, các nội dung về quyền con người đều được
quy định đầy đủ. Hiến pháp 1992 đã dành trọn một chương (Chương V) với 34 điều quy định
về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Sinh thời, Bác Hồ đã viết: "Tôi chỉ có một sự ham
muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn
toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành" .

Như vậy, nguyện vọng thiết tha và mục tiêu cao cả của Ðảng ta và Bác Hồ về giá trị con
người đã được chú trọng đề cao trong thực tế, được thể chế hóa thành pháp luật và Nhà nước
luôn quan tâm phấn đấu thực hiện.

Thứ sáu, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự
phân công, phân cấp, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, nhưng bảo đảm quyền lực là thống nhất
và sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.

Quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền được tổ chức và thực hiện theo các nguyên
tắc dân chủ: phân công quyền lực và kiểm soát quyền lực. Tính chất và cách thức phân công,
kiểm soát quyền lực nhà nước rất đa dạng, tuỳ thuộc vào chính thể nhà nước ở các nước khác
nhau, nhưng đều có điểm chung là quyền lực nhà nước không thể tập trung vào một người,
vào một cơ quan, mà phải được phân công (phân chia) giữa các cơ quan nhà nước trong việc
thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Đồng thời, việc tổ chức và thực
thi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ với các cơ chế kiểm soát quyền lực cụ thể kể cả
bên trong bộ máy nhà nước và bên ngoài bộ máy nhà nước.

Qua những nội dung trình bày trên đây có thể thấy rằng, trong quá trình xây dựng Nhà nước
pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tiếp thu được
những tinh hoa của văn minh nhân loại - các chế định pháp lý được thừa nhận chung của cộng
đồng quốc tế như: tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, sự tôn trọng và bảo vệ các
quyền và tự do của con người như là những giá trị xã hội cao quý nhất, sự ngự trị của pháp
luật trong các lĩnh vực sinh hoạt của xã hội, tính tối cao của pháp luật trong các lĩnh vực hoạt
động của nhà nước và trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Tuy nhiên, trong việc tổ chức thực
hiện quyền lực nhà nước, chúng ta không chấp nhận "Tam quyền phân lập" gắn với chế độ đa
nguyên chính trị, đa đảng đối lập như ở các nước tư sản. Trái lại, ở nước ta, quyền lực nhà
nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực
hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp dưới sự lãnh đạo của một chính Ðảng duy nhất
- Ðảng Cộng sản Việt Nam. Ðây là nét đặc trưng khác biệt giữa Nhà nước pháp quyền XHCN
Việt Nam với nhà nước pháp quyền tư sản; đồng thời cũng là kinh nghiệm vô cùng quý giá
mà nhân dân ta đã đúc kết được trong quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam.

You might also like