You are on page 1of 312

NGUYỄN VĂN MẠNH (Chủ biên)

NGUYỄN XUÂN HÒNG, NGUYỄN CHỈ NGÀN


NGUYỄN VĂN QUẢNG

ĨM
S' ' - - - '

ĐAI CƯƠNG
in 5»

ệ. ẹ
NHÀ XUÂTBẢN ĐẠI HỌC HUẾ
NGUYỄN VĂN MẠNH (Chủ biên)
NGUYỄN XUÂN HỒNG, NGUYỄN CHÍ NGÀN
NGUYỄN VĂN QUẢNG

NHÂN HỌC ĐẠI CƯƠNG

NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUẾ


Huế, 2016
Biên mục trên xuất bản phẩm của Thu viện Quốc gia Việt Nam

Nhân học đại cương/ Nguyễn Văn Manh (ch.b.), Nguyễn Xuân Hồng,,
Nguyễn Chí Ngàn, Nguyễn Văn Quảng. - Huế : Đại học Huế, 2016. -
312tr. : ảnh ; 24cm

Thư mục cuối mỗi chương

ISBN 9786049126529

1. Nhân học

301.0711 -dc23

DUF0129p-CrP

Mã số sách: TK/104-2016
LỜI GIỚ I THIỆU

Những năm qua, thực hiện chù trương đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục Việt Nam, ở các cơ sở đào tạo đại học đã có những thay
đổi trong cơ cấu ngành học và phương pháp giảng dạy. Những thay đổi
này không chỉ giúp cho việc tiếp cận các chương trình đào tạo tiên tiến
của thế giới, mà quan trọng hơn là thúc đẩy giáo dục Việt Nam hội nhập
trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Để đáp ứng được yêu cầu đổi mới
này, các cơ sở đào tạo đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng chương
trình đào tạo và mờ những ngành học mới. Một trong số những ngành
học mới đó có Nhân học, mà đối tượng nghiên cứu của ngành học này là
văn hóa tộc người trong suốt chiều dài lịch sử trên phạm vi toàn thế giới
cũng như từng quốc gia, khu vực cụ thể.
Tộc người (Nation, Ethnic) và văn hóa tộc người từ lâu đã là đối
tượng nghiên cứu của ngành Nhân học. Tộc người là một cộng đồng
người có sức sống xuyên thời gian và mỗi tộc người có một nền văn hoá
riêng. Văn hóa gắn liền với một tộc người và góp phần làm nên sức manh
để tộc người đó phát triển và giữ được bản sắc của mình. Trong bối cảnh
hiện nay, khi toàn cầu hoá như là một xu thế tất yếu, việc nghiên cứu các
khía cạnh tộc người và văn hoá tộc người là một đòi hỏi và cũng là một
yêu cầu khách quan, góp phần vào sự phát triển và phát triển bền vững
J cùa các quốc gia, các tộc .người trên bình diện thế giới cũng như ở
Việt Nam. Để có thể làm tốt được công việc nhiều khó khăn và thách
thức này, tuy mới ra đời nhưng ngành Nhân học, bằng những kinh
nghiệm của thế giới và sự nỗ lực cũng như kế thừa của những thành tựu
nghiên cứu và giảng dạy trước đây, có đủ năng lực để thực hiện sứ mạng
của ngành.
Trước những yêu cầu thực hiện chủ trương đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục đại học Việt Nam, ngoài việc hoàn thiện các chương trình
đào tạo, là việc các giảng viên nỗ lực biên soạn giáo trình nhằm cung cấp
những kiến thức nền tảng cho các môn học. Nhăn học đại cương của
PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh và các đồng nghiệp ra đời trong bối cảnh đó,
đã góp phần vào việc thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại
học, nâng cao chất lượng dạy và học hiện nay.
PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh và các đồng nghiệp ở Trường Đại học
Khoa học Đại học Huế là những cán bộ giảng dạy lâu năm, có nhiều kinh
nghiệm trong công tác quản lý, đã trực tiếp tổ chức và triển khai nhiều
nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Các kiến thức chuyên môn và nguồn tư
liệu thu thập trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giảng dạy, nghiên
cứu khoa học đã giúp PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh và các đồng nghiệp
hoàn thành cuốn sách, mà bạn đọc đang có trong tay. Trong công trình
này, nhờ một tinh thần làm việc nghiêm túc, công phu, một cách tư duy
mới trong tiếp cận và giải quyết vấn đề, nên những nội dung, được trình
bày cô đọng và ngắn gọn, chứa đựng những kiến thức khá sâu rộng và
bao quát về một lĩnh vực khoa học đang thu hút sự quan tâm của toàn
xã hội.
Cuốn Nhân học đại cương của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh và các
đồng nghiệp là một tài liệu hữu ích cho đội ngũ những người làm công
tác nghiên cứu, giảng dạy ờ các trường đại học về các ngành nhân học,
văn hoá học, xã hội học,Việt Nam học, du lịch hoc, công tác xã hội...
Tôi trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc Nhân học đại cương và hy
vọng cuốn sách của PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh và đồng nghiệp sẽ góp
phần tích cực vào việc nghiên cứu và giảng dạy những vấn đề cơ bản của
ngành Nhân học trong bối cảnh mà những tài liệu có liên quan đến ngành
học này còn ít ỏi và tản mạn như hiện nay.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 9 năm 2016

NGND.GS.TS. Ngô Văn Lệ


Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NVĐHQGHCM
LỜI NÓI ĐÀU

Nhân học đại cương, một môn học thuộc kiến thức cơ bản rất quan
trọng cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng khối ngành khoa học xã
hội và nhân văn. Môn học này không chỉ truyền đạt cho sinh viên những
vấn đề lý luận mang tính học thuật về nguồn gốc loài người, chủng tộc,
tộc người, quá trình tộc người, văn hóa tộc người, ngôn ngữ tộc người,
môi trường và kinh tế, thân tộc, dòng họ, hôn nhân, gia đình, tổ chức xã
hội, phân tầng xã hội,... mà còn cung cấp những hiểu biết thực tiễn về
nhân học ứng dụng, như văn hóa vì phát triển, nhân học môi trường, nhân
học kinh tế, nhân học y tế, nhân học giáo dục, nhân học du lịch, nhân học
đô thị... Đặc biệt, môn học này còn cung cấp cho sinh viên những hiểu
biết về đặc điểm các dân tộc ờ Việt Nam, bản sắc văn hóa các dân tộc
Việt Nam, cũng như nội dung và quá trình thực hiện chính sách dân tộc
của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lịch sử.
Nhận thức được tầm quan trọng của môn học này trong quá trình
đào tạo sinh viên, bộ môn Nhân học - Khảo cổ học - Văn hóa du lịch mà
tiền thân là bộ môn Dân tộc học thuộc Trường Đại học Tổng hợp Huế
được hình thành từ năm 1976, đã đặc biệt chú trọng kết hợp giữa giảng
dạy, nghiên cứu khoa học và biên soạn các bài giảng liên quan đến nội
dung, kiến thức trong chương trình giảng dạy môn Nhân học đại cương.
Cuốn sách Nhân học đại cương biên soạn là kết quả của quá trình giảng
dạy, nghiên cứu khoa học, cũng như kế thừa các bài giảng đã có từ trước
cùa tập thể cán bộ bộ môn Nhân học - Khảo cổ học - Văn hóa du lịch của
Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.
Mặc dù hiện nay, một số trường đại học và cao đẳng trên cả nước,
trong chương trình đào tạo vẫn còn giữ nguyên tên gọi môn học Dân tộc
học đại cương - môn học đã được bộ giáo dục và đào tạo đưa vào chương
trình bắt buộc của sinh viên một số ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội
và nhân văn, như Sử học, Đông phương học, Việt Nam học, Quan hệ
quốc tế, Triết học, Công tác xã hội, Du lịch học,... nhưng, từ năm 2000
đến nay trong xu thế chung của cả nước, các trường đại học lớn ở Việt Nam
như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
và nhiều trường đại học khác đã lần lượt chuyển đổi môn học Dân tộc
V
học đại cương, ngành học dân tộc học sang môn học Nhân học đại
cương, ngành học nhân học trên cả 3 cấp: Đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Vì
vậy, để cập nhật nhu cầu và xu hướng chung ở trong nước và thế giới,
chúng tôi tổ chức biên soạn cuốn Nhân học đại cương trên cơ sở có sự
kết họp với giáo trình Dân tộc học đại cicơng.
Trong quá trình biên soạn cuốn sách này, chúng tôi đã dựa vào
những gợi ý đề cương cũng như một số mặt về kiến thức của các giáo
trình đi trước, như giáo trình Dân tộc học của Phan Hữu Dật, Dân tộc
học đại cương của Lê Sỹ Giáo (Chủ biên), Nhân học đại cương của tập
thể cán bộ khoa Nhân học Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh,
Nhân học văn hóa của Vũ Minh Chi, Nhân học một quan điểm về tình
trạng nhân sinh của EMily A. Schultz và Robert H. Lavenda... Bên cạnh
đó, nhóm tác giả biên soạn đã sử dụng thêm nhiều tài liệu trong nước và
ngoài nước để bổ sung minh họa làm rõ thêm các luận điểm trong nội
dung tập sách này.
Trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những giáo trình đi trước, kết hợp
các tài liệu nghiên cứu liên quan đến nhân học, dân tộc học trong và
ngoài nước, cũng như những thành tựu có được của ngành dân tộc học,
nhân học ở Việt Nam trong gần 50 năm qua, chúng tôi đã biên cuốn sách
Nhân học đại cương bao gồm 11 chương với sự tham gia của các thành
viên sau đây:
Chương 1. Những vẩn đề chung (PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh)
Chương 2. Nguồn gốc loài người (ThS. Nguyễn Văn Quảng)
Chương 3. Chủng tộc (PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh)
Chương 4. Tộc người (PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh)
Chương 5. Văn hóa tộc người (PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh)
Chương 6. Ngôn ngữ tộc người (ThS. Nguyễn Chí Ngàn)
Chương 7. Nhân học tôn giáo (PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh)
Chương 8. Thân tộc, dòng họ, hôn nhân và gia đình
(TS. Nguyễn Xuân Hồng)
Chương 9. Nhân học kinh tế (PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh)
Chương 10. Tổ chức xã hội và phân tầng xã hội (PGS.TS.
Nguyễn Văn Mạnh)
Chương 11. Nhân học ứng dụng (PGS.TS. Nguyễn Văn Mạnh)
Đây là cuốn sách có nhiều nội dung hết sức phức tạp, một số vấn
đề trong sự giao thoa giữa khoa học dân tộc học và nhân học chưa có
được sự đồng thuận cao trong giới khoa học, nên công trình này không
thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Rất mong nhận được ý kiến
đóng góp của các nhà khoa học, quý đồng nghiệp và bạn đọc để cuốn
sách được hoàn thiện hon trong lần tái bản sau.
Nhân đây, tập thể ban biên soạn xin chân thành cảm ơn NGND.
GS.TS. Ngô Văn Lệ đã đọc bản thảo và đóng góp những ý kiến quý báu;
cám ơn Ban Giám hiệu, Ban chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường Đại học
Khoa học Đại học Huế đã động viên, tạo điều kiện để tập sách này sớm
đến tay bạn đọc.
Huế, 2016
Nhóm biên soạn
CÁC CHỮVIÉT TẮT

1. BM: Bộ môn

2. Cb: Chủ biên

3. CHNL: Chiếm hữu nô lệ

4. CTHC: Chính trị Hành chính


5. CTQG: Chính trị Quốc gia
6. CXNT: Công xã nguyên thủy

7. DT: Dân tộc

8. ĐHKHXH&NVHN: Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn


Hà Nội
9. ĐHKHXH&NVTPHCM: Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn
Thành phố Hồ Chí Minh

10. ĐHQGHN: Đại học Quốc gia Hà Nội

11. ĐHQGTPHCM: Đại học Quốc gia Thành phổ Hồ Chí Minh

12. ĐH&THCN: Đại học và Trung học Chuyên nghiệp

13. ĐNA: Đông Nam Á


14. GD: Giáo dục

15. H: Hà Nội

16. KHKT: Khoa học kỹ thuật

17. KHXH: Khoa học xã hội

18. LĐ: Lao động

19. LLCT: Lý luận Chính trị

20. NN&PL: Nhà nước và pháp luật

21. NST: Nhiễm sắc thể

22. Nxb: Nhà xuất bản

ix
23. PK : Phong kiến
24. ST: Sự thật
25. TBCN: Tư bản chủ nghĩa
26. TC: Tạp chí
27. T. Tập Toàn tập
28. Tr: Trang

29. XB: Xuất bản

30. XHCN: Xã hội chủ nghĩa

31. VHDG: Văn hóa dân gian

X
MỤC LỤC
Trang

Lời giới thiệu iii

Lời nói đầu V

CHƯƠNG 1. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG 1

1.1. Đối tượng, chức năng và nhiệm vụ 1

1.2. Các phương pháp nghiên cứu của nhân học 12

1.3. Lịch sử hình thành và phát triển khoa học nhân học 22

CHƯƠNG 2. NGƯÒN GỐC LOÀI NGƯỜI 48

2.1. Con người là gì? Bản chất của con người 48

2.2. Những quan điểm khác nhau về nguồn gốc loài người 50

2.3. Thời gian và không gian xuất hiện loài người 56

2.4. Nguyên nhân và động lực của quá trình chuyển biến từ 57
vượn thành người

CHƯƠNG 3. CHỦNG TỘC 65

3.1. Bản chất của chủng tộc 65

3.2. Thời gian hình thành chủng tộc 66

3.3. Không gian hình thành chùng tộc 68

3.4. Nguyên nhân hình thành các chủng tộc trên thế giới 71

3.5. Đặc điểm các chủng tộc trên thế giới 73

3.6. Mối quan hệ giữa chủng, dân tộc và văn hóa 81

3.7. Vấn đề chủng tộc ở Việt Nam 86

CHƯƠNG 4. TỘC NGƯỜI 92

4.1. Khái niệm 92

xi
4.2. Một số quan điểm của dân tộc học và nhân học về các đặc 94
trưng của tộc người (các tiêu chí để xác định thành phần tộc người)

4.3. Phân loại tộc người 99

4.4. Các khối cộng đồng tộc người trong lịch sừ 100

4.5. Các đặc trưng tộc người và sự thay đổi của nó trong lịch sử 110

4.6. Các quá trình tộc người và quá trình tộc người ở Việt Nam 123

4.7. Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam 128

CHƯƠNG 5. VĂN HÓA TỘC NGƯỜI 137

5.1. Khái niệm 137

5.2. Chức năng văn hoá với tộc người 139

5.3. Thuộc tính của văn hoá 141

5.4. Phân loại hệ thống văn hoá 144

5.5. Một số lý thuyết về văn hoá trong nghiên cứu nhân học 146

5.6. Một số lĩnh vực nghiên cứu liên quan đến văn hoá trong 154
nhân học

CHƯƠNG 6. NGÔN NGỮ T ộ c NGƯỜI 160


6.1. Bản chẩt và nguồn gốc ngôn ngữ 160

6.2. Vai trò của ngôn ngữ đối với tộc người 167

6.3. Ngữ hệ 172

6.4. Vai trò của ngôn ngữ với sự phát triển tộc người 176

CHƯƠNG 7. NHÂN HỌC TỒN GIÁO 182

7.1. Cơ sở lý luận về tôn giáo 182

7.2. Các hình thái tôn giáo nguyên thuỷ được nghiên cứu trong 188
nhân học tôn giáo

xii
7.3. Một số khía cạnh của tôn giáo trong nghiên cứu nhân học 197

CHƯƠNG 8. THÂN TỘC, DÒNG HỌ, HÔN NHÂN, 206


GIA ĐÌNH
8.1. Thân tộc và hệ thống thân tộc 206

8.2. Dòng họ 214

8.3. Hôn nhân 220

8.4. Gia đình 224

CHƯƠNG 9. NHÂN HỌC KINH TẾ 235

9.1. Nhân học kinh tế là gì? 235

9.2. Các trường phái nghiên cứu trong nhân học kinh tế 236

9.3. Mối quan hệ giữa con người và môi trường 238

9.4. Cách tiếp cận sinh thái trong nhân học kinh tế 241

9.5. Các phương thức hoạt động kinh tế của con người 246

9.6. Các hệ thống kinh tế 251

CHƯƠNG 10. TỒ CHỨC XÃ HỘI VÀ PHÂN TÀNG XÃ HỘI 261

10.1. Tổ chức xã hội 261

10.2. Phân tầng xã hội 271

CHƯƠNG 11. NHÂN HỌC ỨNG DỤNG 279

11.1. Lược sử về nhân học ứng dụng 280

11.2. Chức năng/ vai trò của nhân học ứng dụng 285

11.3. Một số lĩnh vực nghiên cứu của nhân học ứng dụng 288

xiii
C hưong1

NHỮNG VẤN ĐÈ CHUNG

1.1. ĐÓI TƯỢNG, CHỨC NÀNG VÀ NHIỆM v ụ


1.1.1. Nhân học là gì? Đối tượng nghiên cứu của nhân học
Thuật ngữ nhân học, tiếng Anh là Anthropology, tiếng Pháp là
Anthropologie, đều bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: Anthropos nghĩa là con
người và Logos nghĩa là lý luận, khải quát, học thuyết. Nhân học, vì vậy
theo duy danh định nghĩa là khoa học nghiên cứu về con người1. Nhưng
con người ở đây bao hàm cả về con người sinh học - chủng tộc, cả con
người xã hội, cả về nguồn gốc con người, cả về con người lịch sử xã hội
loài người trong quá khứ và hiện nay2.
Như vậy, nhân học là một ngành khoa học xã hội và nhân văn,
nghiên cứu tổng thể về bản chất con người, bao gồm con người sinh học
(mặt tự nhiên của con người) và con người văn hóa (mặt xã hội của con
người) trong cả tiến trình lịch sử của xã hội loài người. Nói cách khác,
nhân học là: “Khoa học về con người - nghiên cứu về bản chất con
người, xã hội loài người và lịch sử loài người”3; là “ngành khoa học
nghiên cứu tổng hợp về bản chất của con người trên các phương diện

1 Ở Việt Nam, một số tài liệu còn đồng nhất nhân học với tên gọi nhân loại học, hay
nhân chủng học. Thực ra, nhân chủng học là một ngành học nghiên cứu về các chủng
tộc trên thế giói - một lĩnh vực trong nhản học.
2 Trong lúc đó, dân tộc học được hiểu là sự kết hợp cùa hai khái niệm, bắt nguồn tù hai
thuật ngữ: Tiếng Anh là Ethnography và Ethnology, tiếng Pháp Ethnographie và
Ethnologie, cũng đều bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, Ethnos là tộc người/dân tộc và graphie
là mô tả, logos là lý luận, khái quát; nó được hiểu là một ngành thuộc khoa học Lịch sử.
Như vậy, nếu theo từ nguyên, dân tộc học là khoa học miêu tả và lý luận/khái quát các
tộc người, trong tiến trình lịch sù từ nguyên thủy cho đến nay. Thực ra, dân tộc học mô
tà và lý luận không tách rời nhau. Chúng ta cũng không thể đồng tình với quan điểm cho
rằng, Ethnographie (miêu tả) chi là giai đoạn khởi đầu cùa quá trình nghiên cứu con người, đến
Ethnologie (lý luận) là giai đoạn thứ hai/nhận định khái quát về con người và Anthropologie là
giai đoạn thứ ba là nghiên cứu bản chất con người, xã hội con người một cách toàn diện, như
Claude Levi Strauss đã tùng đề xướng (theo Phan Hữu Dật, 2015, ữ. 76).
3 Vũ Minh Chi, 2004, tr. 9.

1
sinh học, xã hội, văn hóa của các nhóm người, các cộng đồng dãn tộc
khác nhan, cả về quá khứ của con người cho tới hiện nay.” ; là “ngành
học về bản chất con người, xã hội con người, và quá khứ con người. Đảy
là một ngành học có mục đích miêu tả thế nào là con người theo một
nghĩa rộng nhất có thế có được”5.
Tóm lại, nhân học là một ngành khoa học thuộc khối ngành xã hội
nhân văn, nghiên cứu tổng thể về bản chất của con người trên tất cả các
lĩnh vực, từ con người sinh học đến con người xã hội, văn hóa, cả về quá
khứ của con người cho tới hiện nay6. Đúng như Claude - Strauss, nhà
nhân học tiên phong của thế kỷ XX, đã nói: Nhân học lấy con người làm
mục đích nghiên cứu của nó, nhưng không giống như các khoa học khác
về con người, nó cố gắng hiểu đối tượng của nó qua các biểu hiện đa
dạng nhất. Nhân học cho thấy con người cỏ thể khác biệt nhau như thế
nào, nhưng nó cũng tìm ra những điểm chung giữa tất cả con người và
như Tim Ingold định nghĩa: “Nhân học là triết lý về con n g ư ờ r7.
Như vậy, khách thể nghiên cứu của nhân học là con người với
phạm vi rộng lớn toàn nhân loại, với các lĩnh vực rộng lớn cả nhân học tự
nhiên/ nhân chủng học và nhân học văn hóa, xã hội, với quá trình lịch sừ
rộng lớn cả nhân học lịch sừ/quá khứ xã hội người và nhân học hiện đại8.

4 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.5.


5 Emily A.Schultz & Robert H.Lavenda, 2001, tr. 10-11.
6 Trong khi đó, dân tộc học được xác định là một ngành của khoa học lịch sử6, chuyên
nghiên cứu các dân tộc, từ nguồn gốc các dân tộc, cấu tạo thành phần các dân tộc, sự
phân bố của các dân tộc, đến văn hóa vật chất, văn hóa xã hội và văn hóa tinh thần cùa
các dân tộc, cũng như mối quan hệ qua lại về văn hóa - lịch sử giữa các dân tộc (Theo
Phan Hữu Dật, 1973, tr. 10).
7 Dẩn theo ĐHQGTPHCM, 2006, tr. 9-10.
8 Trong sự so sánh với dân tộc học, có ý kiến cho đổi tượng nghiên cứu của nhân học
rộng lớn hơn, vì dân tộc học đặt con người trong phạm vi từng tộc người, từng dân tộc,
nhân học đặt con người trong phạm vi toàn nhân loại; về thời gian, dân tộc học hướng
về truyền thống, nhân học nghiên cứu cà truyền thống và hiện đại. Tuy nhiên cũng có ý
kiến phản đổi quan điểm trên: Dân tộc học cũng nghiên cứu các dân tộc trên thế giới,
dân tộc học cũng nghiên cứu những vấn đề hiện đại. Thật ra, mọi sự so sánh đều mang
tính tương đối, nhung rõ ràng, nhân học tiếp cận những vấn đề nghiên cứu thiên về quốc
tế và hiện đại hom, dân tộc học thiên về tộc người, dân tộc và truyền thống hơn.
Tuy nhiên, do tính chât rộng lớn như vậy, nên vê đôi tượng nghiên
cứu cụ thể và các lĩnh vực nghiên cứu của nhân học còn phức tạp và chưa có
sự thống nhất9. Có ý kiến cho rằng, trong nhân học có hai lĩnh vực cơ bản:
nhân học hình thể và nhân học văn hóa. Trong nhân học văn hóa lại chia
thành ba chuyên ngành: Khảo cổ học, nhân học ngôn ngữ và nhân học văn
hóa - xã hội. Cũng theo quan điểm này, vào những năm gần đây, còn có
thêm chuyên ngành nhân học ứng dụng10. Ý kiến khác lại cho rằng, uDo tính
đa dạng về nội dung học thuật, nhân học khó được xếp vừa vặn vào trong
bảng phân loại chuẩn các ngành học thuật. Ngành học này thường được xếp
vào ngành khoa học xã hội, nhưng nó cũng vươn tới các khoa học tự nhiên
và các ngành nhân vãn nữa Theo đó, nhân học bao gồm năm chuyên
ngành lớn: Nhân học hình thể, nhân học văn hóa, nhân học ngôn ngữ, khảo
cổ học và nhân học ứng dụng.12 Có ý kiến cho ràng, trường phải Anh nhân
học là một ngành độc lập và gọi là nhân học xã hội (social anthropology),
còn trường phái Mỹ thiên về nhân học văn hóa (cultural anthropology) với
quan niệm nhân học hình thành từ bốn lĩnh vực là nhân học tự nhiên, nhân
học văn hóa, khảo cổ học và nhân học ngôn ngữ. Và “Từ nửa sau thế kỷ XX,
ngay trong cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, nhân học ứng dụng (applied
anthropology) đã ra đời và phát triển mạnh như một phần quan trọng của
nhân học nhằm góp phần giải quyết những vấn đề liên quan đến con người
theo yêu cầu của thời đại, nhất là các chính sách đối với con ngườf,ìĩ.
Mặc dù, có những ý kiến chưa thống nhất về các chuyên ngành của
nhân học, nhưng quan điểm khá phổ quát hiện nay là nhân học bao gồm
năm chuyên ngành: nhân học hình thể, nhân học văn hóa, nhân học ngôn
ngữ, khảo cổ học và nhân học ứng dụng. Trong đó, nhân học văn hóa ở
nước ta được gọi là nhân học văn hóa - xã hội và rất gần nếu không muốn

9 Trong khi đó, dân tộc học có đối tượng nghiên cứu và lĩnh vực nghiên cứu được xác
định khá cụ thể và thống nhất là con người trong phạm vi từng tộc nguời/dân tộc cụ thể
trên toàn thế giới.
10 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.10-12.
11 Emily A.Schultz & Robert H.Lavenda, 2001, ừ. 13.
12 Emily A.Schultz & Robert H.Lavenda, 2001, tr. 14-20.
13 Vũ Minh Chi, 2004, tr. 9-10.

3
nói là đồng nhất với dân tộc học; “Xu hướng chung hiện nay là người ta
kết hợp cả nhân học văn hóa và xã hội gọi chung là nhân học văn hóa - xã hội.
Trong nhiều trường hợp người ta còn gọi là dân tộc học. Theo truyền
thống các nước Bắc Mỹ và các nước nói tiếng Anh gọi là nhân học văn
hóa - xã hội, trong khi đó ở trường phái Pháp, Nga và các nước chịu ảnh
hưởng (trong đỏ cỏ Việt Nam) gọi là Dãn tộc học14”.

S ơ đồ 1. C ác chuyên ngành của N hân học

1.1.1.1. Nhân học hình thể (physical anthropology, anthropologie physique)


Nhân học hình thể/nhân chủng học/ chủng tộc học là một chuyên
ngành ra đời đầu tiên của nhân học. Nó là một lĩnh vực khoa học chuyên
tìm hiểu về nguồn gốc, quá trình hình thành con người và về đặc điểm
sinh học hình thể. Hay nói cách khác, “Nhân học hình thể tìm kiếm câu
trả lời cho hai dạng câu hỏi riêng biệt. Dạng đầu tiên gồm những câu hỏi
về sự xuất hiện con người và sự tiến hóa sau này để tìm hiểu nguồn gốc
và quá trình hình thành con người. Phân ngành của nhân học hình thể
nghiên cứu về vấn đề này gọi là cổ nhân học (Human paleontology hay
paleanthropoỉogy). Dạng câu hỏi thứ hai trả lời về vấn đề như thể nào và
tại sao các cư dân đương đại khác nhau về mặt sinh học (tập trung đề
cập đến sự đa dạng của con người human variation)”15.

14 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 10-13-14.


15 ĐHQGTPHCM, 2008, fr.ll.

4
Thuộc chuyên ngành này là những nhà Linh trường học chuyên
nghiên cứu các động vật có họ hàng gần gũi với con người và các nhà cổ
nhân học chuyên nghiên cứu các hóa thạch của con người - tổ tiên xa xưa
nhất của con người. Họ tìm tòi dưới mặt đất để kiếm tìm các bộ xương
hóa thạch và so sánh với người hiện đại để làm sáng tỏ nguồn gốc của
con người, cũng như “sảng tỏ nguyên nhân của sự tương đồng và dị biệt
giữa con người với các sinh thể khác... công việc này chỉ là một phần
trong sự nghiên cứu toàn diện về bản chất con người, xã hội con người
và quá khứ con ngườFxố.
Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của Nhân học hình thể là nghiên
cứu sự đa dạng của con người, sự khác nhau về đặc điểm sinh học hình
thể, về hình dáng cơ thể, màu da, tóc, mắt... Loại Nhân học hình thể này
được gọi là Nhân chủng học/ hay Chủng tộc học. Ngành học này ra đời
khá sớm ở châu Âu; nó lấy đối tượng nghiên cứu là các chủng tộc trên
thế giới. Các nhà nhân chủng học bằng kỹ thuật đo đạc đặc điểm các
cộng đồng cư dân khác nhau, bao gồm hình dáng, màu da, màu tóc, màu
m ắt,... để “tìm những chứng cứ khoa học khả dì cho phép họ sắp xếp tất
cả các dân tộc trên thế giới vào những loại hình dứt khoát và rõ ràng
dựa trên các đặc tỉnh sinh học. Những loại hình như thế gọi là chủng
tộc”17. Theo đó, các nhà nhân chủng học châu Âu đã phân chia các thứ
bậc các chủng tộc trên thế giới không chỉ có đặc điểm sinh học hình thái
mà còn cả đặc điểm trí tuệ và văn hóa của họ nữa. Người châu Ầu da
trắng được xem là giống người thượng đẳng, có văn hóa, văn minh cao,
còn các chủng tộc da màu được xem là chủng tộc hạ đẳng, có văn hóa,
văn minh thấp kém. “Như thế, các nhà nhân học hình thể của thời kỳ đầu
đã giúp vào việc phát triển những lý thuyết có thể dùng để biện minh cho
chù nghĩa phân biệt chủng tộc: Sự áp bức có hệ thống những thành viên
của một hoặc nhiều chủng tộc xác định về mặt xã hội, bởi một chủng tộc
khác cũng xác định về mặt xã hội; sự áp bức này được biện hộ bằng một
giả định về tỉnh ưu việt vốn có về mặt sinh học của những người cai trị
và giả định về sự thấp kém vốn có về mặt sinh học của những người bị họ

16 Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 16.


17 Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 15.

5
cai trĩ' . Tuy nhiên, càng ngày luận điểm phân biệt chùng tộc càng bị
các nhà khoa học chân chính phê phán và bác bỏ. Những đặc trưng khác
nhau về cấu trúc sinh lý học hình thái giữa các chủng tộc không liên quan
đến trí tuệ và văn hóa của các tộc người trên thế giới.
Càng về sau, nghiên cứu về nhân học hình thể càng tập trung vào
việc đo đạc những đặc điểm bên trong cơ thể người, như loại máu, cấu trúc
gien.. để bổ sung vào tính đa dạng của cơ thể con người, góp phần vào việc
xác định thuộc tính của các chủng tộc. Theo đó, “Bác bỏ lối suy nghĩ mong
màu sắc chủng tộc của thế kỷ XIX, nhiều nhà nhân học hiện đại,... không
nghiên cứu chủng tộc nữa, và thay vào đó, họ quan tâm đến những dạng
thức dị biệt của loài người nói chung. Có người truy tìm những tương
đồng và dị biệt về mặt hóa học trong hệ miễn dịch của con người,... có
người nghiên cứu mối tương quan giữa dinh dưỡng và phát triến cơ thế”'9.
Như vậy, nhìn chung đối tượng nghiên cứu của các nhà nhân học
hình thể tập trung nhiều vào các cộng đồng người với sự khác biệt về mặt
sinh học. Tuy nhiên, mối quan tâm đó có sự khác nhau nhất định, có
người tập trung sự nghiên cứu của mình về các xương, răng hóa thạch, có
xu hướng tập trung vào sự khác nhau về cấu trúc sinh học hình thái, có
xu hướng gần đây lại chú ý đến nhóm máu, gien, hệ miễm nhiễm, môi
trường, dinh dưỡng và cơ thể con người...

1.1.1.2. Khảo cồ học (archeology, archẻologie)


Khảo cổ học được coi là một chuyên ngành khác của nhân học, mà
đối tượng của nó là những trang sử di tích, di vật về quá khứ của con
người; nói như các nhà khảo cổ: Khảo cổ học là khoa học giở trang sách
đất để mở trang sách đời. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu của khảo cổ học
chính là văn hóa về quá khứ của con người. Nó giúp cho nhà nhân học
hiểu biết về lịch sử của con người, nhất là lịch sử thời kỳ tiền, sơ sử và
lịch sử các xã hội thời kỳ văn minh nông nghiệp. Nên nhớ rằng, văn minh
chữ viết của xã hội loài người chỉ mới tồn tại khoảng trên dưới 5 - 6 ngàn
năm, trong lúc quá trình hình thành con người trên dưới 2 triệu năm; và

18 Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 15.


19 Etnily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 16.

6
chính khoảng thời gian rất dài con người chưa có chữ viết, thì việc tái
hiện lịch sử chủ yếu chỉ dựa vào các phương pháp nghiên cứu khảo cổ,
các tư liệu khảo cổ, như rìu đá, mảnh tước, đồ trang sức, những mảnh
gốm vỡ... Ngoài ra, khảo cổ học còn nghiên cứu các nền văn minh khác
nhau trên thế giới qua những tài liệu vật thật của lịch sử còn lưu giữ lại.
Đó là những nguồn tư liệu trực tiếp, sử liệu thật, vật thật, “tồn tại độc lập
ngoài ỷ thức của chúng to”20.
Bời vậy, những tri thức của khảo cổ học sẽ giúp ích rất nhiều cho
các nhà nhân học. Từ những di vật hài cốt của người xưa mà các nhà
khảo cổ phát hiện được, sẽ góp vào việc dựng lại quá trình tiến hóa của
các loài linh trưởng đến việc phát hiện những tầng văn hóa khảo cổ,
những di tích, di vật văn hóa vật chất của các lóp người, nhà khảo cổ góp
cho nghiên cứu nhân học những tư liệu quý làm sáng tỏ bề dày lịch sừ
của nhân loại, cũng như giúp hiểu thêm về sự đa dạng của văn hóa các cư
dân, các tộc người trên trái đất.
Như vậy, đối tượng nghiên cứu của khảo cổ học là “nghiên cứu quá
khứ loài người căn cứ vào những sử liệu bằng vật thật. Khảo cổ học có
nhiệm vụ thu lượm, miêu tả, nghiên cứu những di tích, di vật quá khứ của
loài người còn để lại đến ngày nạy”21.
1.1.1.3. Nhân học ngôn ngữ (linguistics, linguistique)
Nhân học ngôn ngữ là một chuyên ngành của nhân học. Vì rằng,
khi lấy con người làm khách thể nghiên cứu, nhân học không thể bỏ qua
những hiểu biết về ngôn ngữ. Bởi “Người ta dùng ngôn ngữ để nói tất cả
mọi khía cạnh trong đời sổng, từ vật chất tới tinh thần. Như vậy ngôn
ngữ là chìa khóa quan trọng cho sự hiếu biết một nhóm người nào đó và
nếp sống của họ”22 . Nhưng khác với ngôn ngữ học nghiên cứu mọi mặt
về lĩnh vực ngôn ngữ, nhân học ngôn ngữ chủ yếu nghiên cứu nguồn gốc
ngôn ngữ và sự biến đổi của nó theo thời gian, cũng như những hình thức
trao đổi thông tin, sự chuyển biến văn hóa các tộc người thông qua ngôn

20 Hà Văn Tấn, 2005, Đến với lịch sử văn hóa Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, tr. 10.
21 Hán Văn Khẩn (Cb), 2008, tr. 20.
22 Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 18.

7
ngữ. Theo đó, “Khác với các nhà ngôn ngữ, các nhà nhân học ngôn ngữ
quan tâm chủ yếu đến lịch sử và cấu trúc của các ngôn ngữ không có chữ
viết trước đây,... cũng như mối quan hệ cội nguồn của chủng, gọi là
ngôn ngữ học lịch sử 2S”.
Như vậy, nhân học ngôn ngữ tập trung việc nghiên cứu của mình đến
nguồn gốc, lịch sử biến đổi của các ngôn ngữ, cũng như tìm hiểu cách phiên
âm, quy luật ngữ âm, để “ghi lại những quy tắc quy định các âm và từ được
ghép với nhau như thế nào ừong lời nói,... cũng như đi sâu vào vai trò của
ngôn ngữ và các hình thức trao đổi thông tin khác ảnh hưởng đến quá trình
phát sinh phổ biển các khái niệm, như quan hệ quyền lực, ỷ thức hệ, những
biểu hiện phần hóa về mặt văn hóa, phân tầng giai cấp, tính đồng nhất dán
tộc, sự khác biệt giữa các nhóm địa phương, giới tỉnh ... 24'\
1.1.1.4. Nhân học văn hóa (cultural anthropology, anthropologie
culturellej, còn gọi là nhân học xã hội (social anthropology,
anthropologie sociale) hoặc nhân học văn hoá - xã hội (socio-cultural
anthropology, anthropologie socio-culturelle)
Nhân học văn hóa là một chuyên ngành rất quan trọng của nhân
học. Hiện nay, nhiều trường phái nhân học trên thế giới, trong đó có
Việt Nam gọi chuyên ngành này là nhân học văn hóa - xã hội; nó rất gần
với dân tộc học, thậm chí có thể đồng nhất với dân tộc học, như Mạc
Đường đề xuất, nhân học chỉnh là dân tộc học hiện đại23. Chuyên ngành
này, ở Mỹ thường phổ biến nhân học văn hóa, còn ở Anh là nhân học xã
hội. Hai chuyên ngành này mặc dù tên gọi có khác nhau, đối tượng
nghiên cứu có khác nhau ít nhiều, vì nhân học văn hóa hướng đến các
hiện tượng văn hóa của con người, còn nhân học xã hội là các thiết chế
xã hội; nhưng thực chất văn hóa và thiết chế xã hội không tách rời nhau,
nên trong nhiều trường hợp người ta gọi là nhân học văn hóa - xã hội và
thậm chí nếu có gọi nhân học văn hóa hay nhân học xã hội thì trong đó
đã bao hàm cả văn hóa và xã hội. Vì vậy, ở đây chúng ta nên thống nhất

23 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.13.


24 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.13.
25 Mạc Đường, 2002, ứ. 17.

8
gọi chuyên ngành thứ tư của nhân học là nhân học văn hóa. Đối với
chuyên ngành này, đối tượng nghiên cứu của nó tập trung vào mọi lĩnh
vực trong hoạt động văn hóa của con người, bao gồm mọi lĩnh vực của
đời sống văn hóa. Mục đích của nhân học văn hóa là lý giải sự khác nhau
cùa mọi người trên trái đất về nhu cầu, sở thích trong cuộc sống, khác
nhau về tính cách, lối sống và theo đó con người khắp mọi nơi đều dùng
văn hóa để thích ứng với môi trường họ đang sống đã tạo nên những nội
lực cho sự phát triển như thế nào... Nhân học văn hóa “giải thích tại sao
mọi người trên thế giới không ăn mặc giống nhau, không nói cùng một
ngôn ngữ, không cầu nguyện cùng một thần, không phải ai cũng ăn côn
trùng vào bữa ăn tối26”. Vì vậy, các nhà nhân học văn hóa chú trọng tìm
hiểu các dạng thức khác nhau của đời sống vật chất và tinh thần tồn tại
trong những nhóm dân cư khác nhau, như sự khác biệt phong tục, tập
quán, các điệu múa, hát, âm nhạc, thi ca, tôn giáo nhà ở, trang phục, công
cụ sản xuất... Tuy nhiên, nhân học văn hóa không chỉ coi trọng nghiên
cứu sinh hoạt văn hóa của con người với tư cách là thành viên của xã hội,
mà còn chú trọng nghiên cửu tất cả xã hội loài người từ nguyên thủy cho
đến hiện đại. Đây là điểm khác nhau cơ bản giữa xã hội học và nhân học
văn hóa, vì rằng xã hội học chủ yếu nghiên cứu xã hội công nghiệp/văn
minh, còn nhân học văn hóa nghiên cứu tất cả các xã hội, từ xã hội
nguyên thủy, xã hội nông thôn/nông nghiệp đến xã hội đô thị/văn minh.
Và khi nghiên cứu sinh hoạt văn hóa của con người ờ tất cả các xã hội,
nhân học văn hóa đặc biệt coi trọng bản chất của sự khác biệt giữa người
này với người kia, giữa nhóm xã hội này với nhóm xã hội khác.
Cùng mối liên hệ mật thiết với nhân học văn hóa còn có các phân
ngành khác, như nhân học môi trường, nhân học y tế, nhân học về giới,
nhân học du lịch, nhân học đô th ị... Nhưng nhiều khi các phân ngành này
cũng được coi là nhân học ứng dụng. Thực chất, rất khó phân biệt một
cách rạch ròi vấn đề nghiên cứu này thuộc nhân học văn hóa, lĩnh vực kia
thuộc nhân học ứng dụng, vì nói đến nhân học văn hóa là đề cập đến
nghiên cứu thuộc tính văn hóa của con người tác động đến đời sống xã
hội, còn nhân học ứng dụng là sử dụng những thành quả nghiên cứu của

26 Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 16.

9
nhiều chuyên ngành khác của nhân học, mà chủ yếu là chuyên ngành
nhân học văn hóa để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong
cuộc sống. Vì vậy, các phân ngành, như nhân học môi trường, nhân học y
tế, nhân học giáo dục,... như đã nêu trên có sự giao thoa giữa nhân học
văn hóa và nhân học ứng dụng là điều tất yếu.

1.1.1.5. Nhân học ứng dụng (applied anthropology)


Nhân học ứng dụng ra đời vào đầu thế kỷ XX và được các nhà
nhân học trên thế giới công nhận là chuyên ngành thứ năm của nhân học
(ở một số nước còn gọi nhân học ứng dụng là nhân học phát triển). Dù có
những tên gọi khác nhau nhưng tên gọi nhân học ứng dụng chú trọng đến
tính thực tiễn và hiệu quả của nghiên cứu nhân học trong đời sống xã hội.
Nhân học ứng dụng sử dụng những tri thức có được từ việc nghiên cứu
các chuyên ngành khác cùa nhân học để giải quyết những vấn đề thực
tiễn của đời sống xã hội. Các nhà nhân học ứng dụng tập trung nghiên
cứu chính sách xã hội và cung cấp những thông tin hiểu biết của mình về
các nhóm xã hội cho các nhà hoạch định chính sách. Nhân học ứng dụng
còn là những người đánh giá chính sách, họ triển khai nghiên cứu đo
lường, lượng hóa hiệu quả của các chính sách xã hội. Các nhà nhân học
ứng dụng còn tổ chức tập huấn cho các nhà doanh nghiệp nước ngoài
hiểu về văn hóa các dân tộc, các quốc gia trong quá trình đầu tư vào cộng
đồng dân cư nào đó. Đặc biệt, các nhà nhân học ứng dụng tham gia phàn
biện các dự án xã hội để thấy được các vấn đề họrp lý và bất hợp lý liên
quan đến vấn đề di dân, tái đầu tư, tổ chức hoạt động sinh kế thích ứng
cho người dân. Họ là người thẩm định nội dung chất lượng dự án phát
triển xã hội; họ biện hộ, bênh vực cho người dân trong việc thực hiện dự
án cộng đồng, họ tổ chức tập huấn kỹ năng cho cộng đồng để thích nghi
với môi trường sống mới hoặc hỗ trợ cho người dân viết các dự án phát
triển cộng đồng ở các quy mô khác nhau. Nhân học ứng dụng còn tổ
chức nghiên cứu các vấn đề đặt ra cấp bách trong thực tiễn cuộc sống của
các cộng đồng dân cư, như xóa đói giảm nghèo, sinh kế, tái định cư, di
dân... Vì vậy, các nhà nhân học ứng dụng là những người thực thi mối
quan hệ trung gian giữa chính sách xã hội và người dân nhận chính
sách đó.

10
Như vậy, đối tượng nghiên cứu của nhân học khá đa dạng và phức
tạp vì mục đích của ngành khoa học này là tìm hiểu tất cả bản chất của
con người. Nó bao gồm đối tượng của nhiều chuyên ngành khoa học
khác nhau, như nhân chủng học, khảo cổ học, ngôn ngừ học, nhân học
văn hóa - xã hội, nhân học ứng dụng...

1.1.2. Chức năng và nhiệm vụ của nhân học


o • • •

1.1.2.1. Chức năng

Nhân học nghiên cứu bản chất con người với tất cả các mặt khác
nhau của nó trong tiến trình lịch sử từ truyền thống đén hiện đại. Nhân
học đặt mục đích nghiên cứu của mình là ứả lời việc con người với tư
cách các nhóm xã hội sinh ra từ đâu, có những đặc điểm nhân chủng gì,
sở thích thói quen tâm lý khác nhau của họ,... để cung cấp những tri thức
về bản chất của con người phục vụ cho sự phát triển xã hội. Vì vậy, có
thể nói, nhân học nghiên cứu toàn bộ tiến trình phát triển của xã hội loài
người, gắn với nhân học lịch sừ và nhân học hiện đại, nhưng xu hướng
chính là nghiên cứu hiện đại, coi trọng nghiên cứu phát triển và đặt nghiên
cứu bảo tồn trong xu hướng phát triển27. Đặc biệt, phân ngành nhân học
ứng dụng đặt mục tiêu trực tiếp của mình là nghiên cứu phát triển, như
nhân học du lịch, nhân học y tế, nhân học môi trường, nhân học đô thị,
nhân học giáo dục, nhân học về giới...

1.1.2.2. Nhiệm vụ
về cơ bản, nhân học có hai nhiệm vụ chính như sau:
Thứ nhất, nghiên cứu toàn diện về bản chất con người, với tư cách
là một con người xã hội, bao gồm cung cấp những hiểu biết về đặc điểm
nhân chủng con người, những hiểu biết về đời sống văn hóa xã hội của
các nhóm dân cư về các di sản văn hóa còn lưu giữ lại (khảo cổ học), về
các đặc trưng ngôn ngữ của các nhóm người (ngôn ngữ học), về các đặc
điểm sinh hoạt văn hóa xã hội của các nhóm người trên thế giói. Đây
được coi là một nhiệm vụ rất rộng lớn với mục đích là hiểu biết toàn diện

27 Dân tộc học lấy mục đích nghiên của mình là tìm hiểu bản sắc văn hóa của các tộc
người trên thế giới. Vì vậy, chức năng chính của ngành khoa học này là nghiên cứu
truyền thống, nghiên cứu bảo tồn, phát triển trong bảo tồn.

11
về bàn chất con người. Vì vậy, nhân học góp phần trả lời câu hỏi con
người sinh ra từ đâu? Tại sao các nhóm xã hội lại khác nhau về màu da,
màu tóc? Tại sao với nhóm xã hội này cái gật đầu là đồng ý, còn nhóm xã
hội khác lại lắc đầu khi đồng ý (như người Ẩn Độ), nhóm xã hội này đi
bên phải là thuận, nhóm xã hội khác đi bên trái là họp lý...
Thứ hai, từ sự hiểu biết về bản chất con người, nhân học đặt ra
nhiệm vụ ứng dụng những tri thức về bản chất con người vào đời sống xã
hội (nhân học ứng dụng/ nhân học phát triển)28.
Những nhiệm vụ trên của nhân học góp phần giải quyết các vấn đề
đặt ra của nhân học lịch sử, nhân học hiện đại, nhân học ứng dụng, như
di dân, tái định cư, đói nghèo, sinh kế, ô nhiễm môi trường, đô thị hóa...

1.2. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN c ứ u CỦA NHÂN HỌC

1.2.1. Phương pháp điền dã trong nhân học29


Cũng như dân tộc học, phương pháp nghiên cứu hàng đầu của nhân
học là phương pháp điền dã. Đây là một phương pháp nghiên cứu tổng
hợp mang đặc trưng nghiên cứu thực địa. Nhà nhân học phải trực tiếp
nghiên cứu tại cộng đồng dân cư. Ở đây, họ tiến hành các bước nghiên
cứu của mình bằng công việc đầu tiên là cùng ăn, cùng ờ, cùng làm với

28 Trong khi đỏ, dân tộc học tập trung vào 4 nhiệm vụ chính sau đây: Nghiên cứu nguồn gốc
các tộc người trên thế giới; xác minh thành phần tộc người ở các quốc gia trên thế giới;
đời sống văn hóa, bàn sắc văn hóa các tộc người trên thế giới; quá trình tộc người và
mối quan hệ các tộc người trên thế giới. Cũng có thể nêu lên 5 nhiệm vụ của dân tộc
học, như trong Lê Sĩ Giáo, (Cb), 2000, tr. 9 -17: Nghiên cứu ngôn ngữ tộc người như là
một giá trị văn hóa đặc biệt; nghiên cứu ý thức tự giác tộc người; nghiên cứu lãnh thổ
tộc người, nghiên cứu sinh hoạt văn hỏa cả truyền thống và hiện đại của các tộc người,
nghiên cứu quá trình tộc người.
29 Trong Giáo trình Nhân học của ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 29 nêu lên phương pháp
điền dã dân tộc học đối với nghiên cứu nhân học, nhưng đồng thời trong phương pháp
điền dã dân tộc học lại có phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn... Trong Nhân học, một
quan điểm về tình trạng nhân sinh của Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 54
cũng sử dụng phương pháp điền dã dân tộc học trong nghiên cứu nhân học với phương
thức nghiên cứu điền dã của nhà nhân học. Có người đề xuất nên thay điền dã dân tộc
học trong nhân học bằng phương pháp quan sát tham dự. Ý kiến này không nhận được
sự đồng thuận cao trong giới khoa học.

12
người dân. Họ tiến hành lập đề cương nghiên cứu, bằng các bảng hỏi cấu
trúc và bán cấu trúc để thu thập tư liệu. “Có thể nói, đặc tính quan trọng
nhất của phương pháp điền dã (field work) là tính “emic - etic ”, tức là
việc cổ gắng lý giải văn hóa từ góc độ “người nội bộ ” trong xã hội (hay tập
thể) đối tượng nghiên cứu. Quan sát tham gia (participant observation) chính
lù một phương pháp nhằm mục đích ẩy. Với phương pháp này, nhà
nghiên cứu bằng mọi cách có thể tham gia vào mọi hoạt động sống của
người dân vùng đối tượng quan sát (trong phạm vi họ cho phép) rồi
thông qua những trải nghiêm của chính bản thân để cổ gắng lý giải xem
những người dân đó đã hành động với cảm giác và suy nghĩ như thế nào,
với ỷ nghĩ ra sao30”. Trong quá trình triển khai nghiên cứu điền dã, các
nhà nhân học đặc biệt chú trọng đến phương pháp mô tả. Họ ghi chép lại
một cách tương đối đầy đủ về các hiện tượng văn hóa liên quan đến cộng
đồng dân cư. Họ còn chú trọng nghiên cứu hồi cổ để ghi chép lại những
hiện tượng văn hóa đã lùi xa về quá khứ. Trong khi nghiên cứu thực địa,
các nhà nhân học thường sử dụng tổng thể các giác quan của mình để thu
thập tư liệu: thị giác để quan sát mô tả, thính giác để lắng nghe ghi chép,
xúc giác để đo đạc tỉ mỉ từng sự vật. “Thứ nhất, nhà nghiên cứu sẽ tham
dự vào nhịp điệu cuộc sống thường nhật, phát triển các mối quan hệ lâu
dài với con người trong bối cảnh ấy và quan sát tất cả những gì đang
diễn ra... Thứ hai, nhà nghiên cứu sẽ viết lại một cách đều đặn và có hệ
thống những gì mình quan sát và học hỏi được khi tham dự vào chu kỳ
cuộc sống thường nhật của người khác... Hai hoạt động có liên quan với
nhau này tạo thành cốt lõi của nghiên cứu điển dã31”.
Rõ ràng, để làm tốt phương pháp điền dã, người nghiên cứu không
thể quan sát mô tả một cách thụ động. Trong quá trình nghiên cứu mô tả
họ đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu đối sánh, giữa sự vật này với sự vật
kia để phát hiện bản chất liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Bên cạnh đó,
các nhà nhân học còn chú trọng đến các phương pháp nghiên cứu liên

30 Vũ Minh Chi, 2004, ừ. 81.


31 Robert M. Emerson - Rachel I. Fretz - Linđa L. Shaw, 2014, tr. 27.
ngành mà một trong những phương pháp được sử dụng nhiều nhất là
phương pháp điều tra thu thập bảng hỏi trong nghiên cứu xã hội học.
Đặc biệt, phương pháp điền dã trong nhân học32 còn chú trọng đến
phương pháp định tính, định lượng và phương pháp nghiên cứu tham
gia33; họ không chỉ tự mình tham gia vào đời sống cộng đồng, mà còn
đưa người dân tham gia vào quá trình nghiên cứu. Phương pháp này còn
được gọi là nghiên cứu tham dự/ tham gia cộng đồng. Theo đó, “Trong
nghiên cứu tham dự, một số thành viên của cộng đồng nằm trong phạm
vi nghiên cứu được gắn với nhiệm vụ tìm kiếm thông tin và ỷ tưởng để
hướng dẫn cho các hành động tương lai của họ34”.
Nhìn chung, phương pháp điền dã trong nhân học phải triển khai
các nguyên tắc sau đây:
- Các nhà nhân học phải rời khỏi nơi cư trú của mình để đến các
cộng đồng dân cư để trực tiếp thu thập tư liệu và “bước vào một ma trận
các ý nghĩa của đối tượng nghiên cứu, tham dự vào hệ thống các hoạt
động có tổ chức và cảm nhận được việc mình trở thành đối tượng chịu
ảnh hưởng của các quy tắc đạo đức của họ35”.
- Họ đều phải thực hiện phương pháp nghiên cứu tham dự/ tham
gia để cùng sinh sống trực tiếp với người dân và dùng các giác quan/ mắt
thấy tai nghe để ghi chép các tư liệu điền dã thực địa của mình, để “Khắc
ghi các thực tại được trải nghiệm/ quan sát36".

32 Điền dã dân tộc học truyền thống nặng về mô tả định tính với cách nhìn tồng thể/
nặng về hình thức nghiên cứu chuyên gia, đặt tất cả cộng đồng dân cư thành khách
thể/đối tượng nghiên cứu.
33 Không nên sử dụng thuật ngữ nghiên cứu tham dự, vì theo nghĩa tham dự, cả về phía
người dân cũng như các nhà khoa học/ điền dã quan sát tham dự (H. Rusel Bemard,
2007; Robert M. Emerson - Rachel I. Fretz - Linda L. Shaw, 2014), đều bị động, thiếu
tự tin trong quá trình nghiên cứu và tham gia nghiên cứu.
34 Mare p. Lammerink, Ivan Wolffers (1996), Một số ví dụ chọn lọc về nghiên cứu tham
dự, Tài liệu Chương trình nghiên cứu Việt Nam - Hà Lan (VNRP), tr. 16-17.
35 Robert M. Emerson - Rachel I. Fretz - Linda L. Shaw, 2014, tr. 30.
36 Robert M. Emerson - Rachel I. Fretz - Linda L. Shaw, 2014, tr. 43.

14
- Lập kế hoạch điều tra theo từng câu hỏi bán cấu trúc/ đề cương
điền dã, để định hướng/ hướng dẫn quá trình nghiên cứu thực địa. Nhà
nhân học phải lập kế hoạch “quyết định nơi sẽ đi, những gì sẽ quan sát,
hỏi và nói, nhằm trải nghiệm đầy đủ một lối sống khác cùng với những
mối quan tâm của «ớ37”.
- Thu thập tư liệu theo đề cương các bộ câu hỏi bán cấu trúc đã
định trước, theo các kỹ năng điền dã, như kỹ năng ghi nhật ký các vấn đề
theo từng ngày hoặc kỹ năng nghi chép tư liệu theo từng chủ đề/ câu hỏi
bán cấu trúc. Ngoài ra, các nhà nhân học phải dùng kỹ năng mã hóa để
ghi tóm tắt và tốc ký/ ghi nhanh trong quá trình mô tả sự vật và hiện
tượng. Trong trường hợp này, nhà nghiên cứu “ghi chép ngắn gọn về các
sự kiện và ấn tượng được nắm bắt trong các cụm từ và từ khỏa quan
trọng38”, hoặc chỉ viết một hai từ ngay lúc đó để cuối mỗi ngày nhớ lại
có thể bổ sung ghi chép đầy đủ hơn ý nghĩa của hiện tượng đó. Quá trình
ghi chép điền dã, nhà nhân học có thể sử dụng cả hai cách: ghi chép lại
một cách trung thành/ nguyên bản với những gì mắt thấy tai nghe, và ghi
chép tư liệu thực địa với chủ quan có ý thức vào mục đích nghiên cửu.
Cả hai cách này thường được kết hợp với nhau trong quá trình điền dã.
- Trong quá trình nghiên cứu điền dã, nhà nhân học còn đặc biệt
chú ý đến kỹ năng suy luận và phán đoán sự vật, kết nối giữa “ghi chép
điền dã” với “suy luận, phán đoán” để phát hiện những giá trị sâu kín
tiềm ẩn bên trong của các sự vật, hiện tượng, để luận giải tại sao sự vật,
hiện tượng đó lại biểu hiện như thế này mà không như thế khác. Ví dụ,
tại sao khi canh tác nương rẫy người dân thường sử dụng gậy chọc lỗ mà
không sử dụng cuốc? Có phải đằng sau việc sử dụng gậy chọc lỗ là kỹ
thuật sản xuất bảo vệ môi trường, chóng xói mòn đất rẫy?

1.2.2. Phưong pháp phân tích và tầng họp


Đây là phương pháp xử lý tư liệu sau nghiên cứu điền dã. Nhìn
chung, phương pháp này được coi là giai đoạn chuyển từ nghiên cứu
ngoài trời sang nghiên cứu trong nhà/ trên bàn. Có thể coi đây là giai

37 Robert M. Emerson - Rachel I. Fretz - Linda L. Shaw, 2014, tr. 57.


38 Robert M. Emerson - Rachel I. Fretz - Linda L. Shaw, 2014, tr. 68.

15
đoạn thứ hai của quá trình nghiên cứu điền dã: “Một mặt, nhà nghiên cứu
phải tìm lối thâm nhập vào các thế giới mới và những mối liên hệ mới.
Mặt khác, anh ta phải học hỏi đế tái hiện thành văn cái mà anh ta đã
thấy và hiểu biết từ các trải nghiêm ấy39”. Cũng có thể có những nhà
nhân học “dựa vào tư liệu thu được của các nhà thảm hiểm, người du
lịch để tiến hành phân tích nghiên cứu nên sau đó người ta phê phán
phương pháp của họ là phương pháp của các nhà triết gia trên nghế
bành (armchair philosofa), ám chi những học giả chỉ lý luận dựa vào
phương pháp tư biện hoàn toàn trừu tượng40”. Tuy nhiên, có những
nghiên cứu lấy tư liệu điền dã của người khác, rồi sử dụng phương pháp
phân tích tổng hợp để hoàn thành công trình nghiên cứu của mình một
cách xuất sắc; ví dụ tác phẩm nổi tiếng của C.Mác và F.Ảngghen về
Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước là công
trình đã sử dụng tài liệu nghiên cứu thực địa về Xã hội cồ đại của
Morgan. Chính c. Mác và F. Ăngghen đã thừa nhận, “Xã hội cổ đại (1871),
tác phẩm được dùng làm cơ sở cho sách này41'”. Phương pháp này là
quá trình tổng hợp, phân tích các nguồn tư liệu sơ cấp, thứ cấp/ tư liệu
điền dã thực địa và tư liệu thành văn để so sánh đối chiếu tìm ra những
nét tương đồng, dị biệt, những mặt còn thiếu hoặc chưa chính xác giữa
các nguồn tư liệu. Trên cơ sở đó, nhà nhân học tìm ra những luận điểm/
những tham biến cơ bản của vấn đề nghiên cứu, rồi sừ dụng các nguồn
tư liệu/ tư liệu thực địa và tư liệu thành văn để lập luận, minh chứng
những vấn đề nghiên cứu của mình. Ở đây, nhà nhân học có thể sử dụng
hai phương pháp phân tích: phương pháp diễn giải và quy nạp. Hai
phương pháp này đều có thể sử dụng ngang bàng nhau, chỉ khác cách
tiếp cận: Diễn giải tiếp cận từ trên xuống, còn quy nạp tiếp cận từ
dưới lên42.

39 Robert M. Emerson - Rachel I. Fretz - Linda L. Shaw, 2014, tr. 52.


40 Vũ Minh Chi, 2004, tr. 80.
41 c. Mác và F. Ăngghen, 1962, tr. 286.
42 Phương pháp này về cơ bản giữa dân tộc học và nhân học không có sự khác nhau lớn,
chi có cách tiếp cận khi phân tích và tổng họp: Dân tộc học thiên về mô tả định tính,
còn nhân học chú trọng hơn về phân tích định tính và định lượng.

16
1.2.3. Phưong pháp so sánh đồng đại và lịch đại

Đây là phương pháp nghiên cứu được sử dụng khá phổ biến trong
khoa học nhân học. Để nêu bật bản chất của một yếu tố, hiện tượng văn
hóa, nhà nghiên cứu so sánh nó trong biên độ thời gian và không gian
khác nhau. Ví dụ, nghiên cứu ngôi nhà của người Tà Ôi, nhà nhân học so
sánh ngôi nhà đó trong thời điểm hiện nay với ngôi nhà dài truyền thống
trước đây, nghiên cứu ngôi nhà của người Tà Ôi ở huyện A Lưới tỉnh
Thừa Thiên Huế với ngôi nhà của dân tộc này ở huyện Đăkrông tỉnh
Quảng Trị, để tìm ra điểm tương đồng và dị biệt của nó. Ở đây cần chú ý,
nghiên cứu so sánh thường chủ yếu được tiến hành ờ cùng một yếu tố,
hiện tượng văn hóa. Trong đó so sánh lịch đại phải chú ý phương pháp
hồi cố, dẫn chuyện, kể chuyện; phải đứng trên sự vật hiện tại để lần tìm
về quá khứ trong sự đối sánh. Còn so sánh đồng đại phải tiến hành cùng
loại hình văn hóa và cùng thời điểm về thời gian nhưng khác không gian.
Ngoài ra, nghiên cứu so sánh phải chú ý đến các yếu tố khác, như
khi so sánh lịch đại cần xem xét các nguyên nhân dẫn đến biến đổi, mức
độ của quá trình biến đổi, tính sai biệt của quá trình biến đổi của sự vật
hiện tượng đó trong quá trình lịch sử; còn trong so sánh đồng đại, có
nhiều trường hợp, điều kiện không cho phép nhà nghiên cứu tiến hành
đồng thời ở các địa điểm khác nhau. Hơn nữa với nhiều yếu tố văn hóa,
nhất là văn hóa phi vật thể, nghiên cứu so sánh ít mang lại kết quả, vì các
yếu tố văn hóa đó thay đổi không nhiều theo không gian văn hóa
tộc người.
Bên canh đó, nghiên cứu so sánh còn được triển khai giữa tư liệu
thu thập được trong quá trình điền dã với tư liệu thành văn, để phát hiện
những điểm giống vầ khác nhau về một sự vật, hiện tượng của các nguồn
tư liệu khác nhau, nhằm giúp cho nhà nghiên cứu kiểm chứng, đánh giá
độ chính xác của các nguồn tư liệu.
Vì vậy, khi nghiên cứu so sánh cần chú ý kết họp so sánh đồng đại,
lịch đại, so sánh giữa các loại hình tư liệu khác nhau để thấy được điểm
tương đồng, dị biệt, sự biến đổi của những yếu tố, hiện tượng văn hóa của
các tộc người.

17
1.2.4. Các phưong pháp nghiên cứu liên ngành trong nhân học

Trước hết, khoa học càng phát triển càng chú trọng đến nghiên cứu
liên ngành cả về hai phương diện: kế thừa thành quả nghiên cứu và sử
dụng các phương pháp nghiên cứu của các ngành khoa học khác liên
quan đến lĩnh vực khoa học của mình. Đối với nhân học, phương pháp
nghiên cứu liên ngành trước hết là phương pháp điều tra xã hội học.
Phương pháp này giúp cho nhà nhân học lập các bảng câu hỏi bán cấu
trúc và cấu trúc. Câu hỏi cấu trúc là loại câu hỏi mở nhằm định hướng
cho nhà khoa học triển khai thu thập tư liệu thực địa. Loại câu hỏi nảy
thường sừ dụng để điều tra hộ gia đình, hoặc triển khai thu thập tư liệu
theo lối chuyên gia, đi sâu vào từng vấn đề nghiên cứu. Việc xác định các
câu hỏi bán cấu trúc, thực chất là tìm ra các tham biến định tính, như biến
độc lập, biến phụ thuộc, biến can thiệp, biến kiểm tra,... để làm rõ bản
chất của vấn đề nghiên cứu. Quá trình xác định các tham biến cũng là
quá trình nghiên cứu định tính, thực hiện các phương pháp nghiên cửu
liên ngành khác trong khoa học tự nhiên, như phương pháp ma trận,
thống kê và xác suất,... để lựa chọn các mẫu/ các biến, nhằm đánh giá
bản chất sự vật. Còn lập các câu hỏi cấu trúc, thực chất là phương pháp
điều tra bảng hỏi/ một phương pháp nghiên cứu trong xã hội học. Thực
hiện phương pháp này, nhà nghiên cứu không thu thập tư liệu bằng cáich
ghi chép thông qua đối thoại mà bằng cách đưa các câu hỏi đóng, vừa
đóng vừa mờ, câu hỏi mở in sẵn trên giấy để nhận được các kết quả trả
lời của người được hỏi. Tiến hành phương pháp này, nhà khoa học có tỉhể
gửi bảng hỏi đến người được hỏi trước, hoặc tự mình, hoặc nhờ người
khác phỏng vẩn theo bộ câu hỏi đã soạn sẵn để nhận được kết quả trả liời
từ người được hỏi. Tuy nhiên, việc chọn đối tượng được hỏi phải có sự
cân nhắc làm sao người được hỏi đại diện cho cộng đồng đối với kháich
thể nghiên cứu của mình. Vì vậy, giá trị khoa học của phương pháp này
còn lệ thuộc vào ba yếu tố: Chọn mẫu, thiết kế bảng hỏi và xử lý kết qiuả
điều tra. Chọn mẫu phải vừa mang tính ngẫú nhiên vùa mang tính đại
diện, tránh chọn mẫu theo chủ quan của nhà nghiên cứu. Cách thiết kể
bảng hỏi phải là quá ừình nghiên cứu định tính công phu, phải tiến hành
điều tra thử nghiệm. Cách sắp xếp bảng hỏi phải mang tính logic đi từ
tổng quát đến cụ thể, từ hiện tượng đến bàn chất. Các câu hỏi phải được
xây dựng kèm theo phương án trả lời đã có sẵn “Có”, “Không”, hoặc đưa
ra nhiều phương án trả lời khác nhau và yêu cầu người được hỏi trả lời
bao nhiêu trường hợp, hoặc trả lời ý kiến mình trong trường hợp câu hỏi
mở. Còn xừ lý kết quả điều tra, nhà khoa học phải dựa trên cơ sờ toán
thống kê bằng chương trình SPSS (Statistic Package For Social studies).
Tuy nhiên, dù có sự hỗ trợ của chương trình xử lý thống kê, nhưng những
phán đoán, suy luận của con người vẫn luôn chiếm vị trí mang tính quyết
định trong quá trình nghiên cứu.
Một phương pháp được sừ dụng khá phổ biến trong nghiên cứu
nhân học là phương pháp lịch sử và logic trong nghiên cứu lịch sử. Tiếp
cận phương pháp lịch sử đòi hòi nhà nghiên cứu thu thập tư liệu theo một
trật tự của tiến trình lịch sử và đặt các hiện tượng, yếu tố văn hóa trong
hoàn cảnh sản sinh ra nó, cũng như trong môi trường xã hội nhất định.
Còn tiếp cận phương pháp logic là tiếp cận sự vật, hiện tượng một cách
khái quát, hệ thống, trong mối quan hệ tác động qua lại, quan hệ nhân
quả để phát hiện bản chất của vấn đề nghiên cứu.
Ngoài ra, các nhà nhân học còn sử dụng những thành tựu nghiên
cứu, cũng như các phương pháp nghiên cứu liên ngành khác, như nhân
học - dân tộc học, nhân học - ngôn ngữ học, nhân học - địa lý học, nhân
học - dân số học...
1.2.5. Phương pháp định tính và định lượng43
Đối với nghiên cứu định tính, chủ yếu nhà khoa học thu thập dữ liệu
bằng các tham biến thể hiện đặc điểm của sự vật, hiện tượng từ quan điểm
của nhà nhân học. Phương pháp này chú ừọng diễn giải, giải thích, phát hiện
bản chất của sự vật và hiện tượng dưới dạng các tham biến giả thiết.
Phương pháp định tính (qualitative) chủ yếu sử dụng các nghiên
cứu sau đây:
- Nghiên cứu tham gia/ tham dự/ phương pháp chuyên gia: Phuơng
pháp này, đòi hỏi nhà nhân học trực tiếp tham gia vào đời sống của các
cộng đồng dân cư để thu thập tư liệu thực địa.

43 Trong dân tộc học nghiên cứu định tính và định lượng, chưa trờ thành phương pháp
nghiên cứu đặc trưng như trong nhân học.

19
- Phỏng vấn sâu/ Phỏng vấn không cấu trúc: Ở đây, đòi hỏi nhà
nhân học tiếp cận trực tiếp đến những người am hiểu về vấn đề nghiên
cứu để lắng nghe, ghi chép tư liệu.
- Phỏng vấn bán cấu trúc: Nhà nhân học phải xây dựng trước bộ
câu hỏi bán cấu trúc để triển khai thu thập tư liệu.
- Thảo luận nhóm: về cơ bản bao gồm nhóm tập trung đểngười
dân cùng bàn bạc các vấn đề nghiên cứu.
- Phương pháp PRA (Participatory Rural Appraisal) “đánh giá nông
thôn có sự tham gia của người dân”: Đây là phương pháp cùng chia sẻ,
phân tích thông tin và hành động giữa các bên tham gia. Trong đó, người
dân đóng vai trò chủ đạo để xác định những khó khăn của cộng đồng,
thảo luận các giải pháp và lập kế hoạch hành động để giải quyết các khó
khăn đó; nó bao gồm việc: Xác định khó khăn - Thảo luận nguyên nhân -
Giải pháp - Lập kế hoạch hành động.
Trên cơ sờ đó, nhà nhân học tìm ra các tham biến/ thuộc tính liên
quan đến bản chất của vấn đề nghiên cứu và hình thành các thông tin
tổng quát mang tính giả thuyết.
Phương pháp định tính là hướng tiếp cận nhằm thăm dò mô tả và giải
thích sự vật, hiện tượng dựa vào các nghiên cứu nêu trên. Trong phương
pháp định tính, dữ liệu cần thu thập chủ yếu ờ dạng định tính (dạng chữ,
không thể đo lường bằng số lượng). Dữ liệu định tính là các dữ liệu ứả lời
cho các câu hỏi: thế nào, cái gì, tại sao... Ví dụ, khi chúng ta cần biết thái độ
của người dân sống trong ngôi nhà định canh định cư, chúng ta có thể đặt
các câu hỏi sau: Anh/chị có thích sống trong ngôi nhà này không? Ngôi nhà
này có cái gì mới? Tại sao anh/ chị thích sống trong ngôi nhà này?... Vì vậy,
nghiên cứu định tính có thể hướng chúng ta đến việc xây dựng các giả
thuyết về một sự vật, hiện tượng. Mặc dù nghiên cứu định tính cũng dùng
các phương pháp thu thập dữ liệu như: nghiên cứu tính huống (case study)
phỏng vấn, quan sát, ghi hình, ghi âm, gửi thư, nhật ký và các tài liệu khác...
nhưng mềm dẻo linh hoạt.
Còn với phương pháp định lượng (quantitative) mẫu thu thập sổ
liệu được xây dựng trước và chủ yếu thu thập dữ liệu bằng số và xác
minh các giả thiết của nghiên cứu định tính là đúng.
20
Đây là nghiên cứu sử dụng các phương pháp khác nhau, chủ yếu là
thống kê để lượng hóa, đo lường, phản ánh và diễn giải các mối quan hệ
giữa các tham biến/ các biến với nhau.
Mục đích của phương pháp định lượng là đo các biến số theo các
mục tiêu và xem xét sự liên quan giữa chúng dưới dạng các sổ đo và số
thống kê. Ưu điểm của nghiên cứu định lượng là khách quan, người
nghiên cứu đứng bên ngoài sự vật và hiện tượng. Dữ liệu thu thập không
bị thiên vị, hay lệch theo hướng chủ quan. Nhưng hạn chế của cách tiếp
cận định lượng là dù trên một thang đo chuẩn hóa nhưng có thể giải thích
khác nhau tùy theo người nghiên cứu.
Mặc dù đa số các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cái này hoặc cái khác,
nhưng các phương pháp định tính và định lượng có thể phối họp và sử
dụng cho cùng một nghiên cứu. Nghiên cứu định tính có thể hỗ trợ cho
nghiên cứu định lượng bàng cách xác định các biến phù hợp với phương
pháp điều tra. Nghiên cứu định lượng có thể hỗ trợ cho nghiên cứu định
tính bằng cách cụ thể hóa các tham biến của sự vật, hiện tượng bằng các
con số lượng hóa. Thêm vào đó, trong nghiên cứu định tính cũng cần sử
dụng nghiên cứu định lượng, vì rằng tìm ra bao nhiêu các biến, các thuộc
tính là đảm bảo làm rõ bản chất của sự vật và hiện tượng lại cần đến
nghiên cứu định lượng, thậm chí trong nhiều trường hợp “miêu tả định
tính là một loại đo lường định lượng44'1'. Ví dụ, trong nghiên cứu định
tính về nguyên nhân của đỏi nghèo, nhà khoa học đưa ra các biến, thiếu
vốn, thiếu nguồn nhân lực, thiếu tri thức, thiếu tài sản,... và cần phải tìm
ra bao nhiêu bién là đảm bảo cho việc xác định bản chất của vấn đề
nghiên cứu lại cần sự hỗ trợ của nghiên cứu định lượng. Bên cạnh đó,
chính đo lường định lượng càng giúp tăng giá trị khoa học của nghiên
cứu định tính. Ví dụ, nghiên cứu định tính có thể giúp nhà khoa học kết
luận độ che phủ của rừng Việt Nam hiện nay bị suy giảm nghiêm trọng,
không còn là lá phổi của sự sống, là bể chứa nước khổng lồ nữa... Kết
luận đó không sai, nhưng nếu có sự hỗ trợ của nghiên cứu định lượng, nó
sẽ có sức thuyết phục hơn, như, hiện nay độ che phủ của rừng Việt Nam

44 H. Rusel Bernard, 2007, tr.22.


21
chỉ còn dưới 40%, còn 60% rừng nước ta là lau lách, thậm chí trên 30%
là đất trống đồi núi trọc...

1.3. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIẺN CỦA KHOA HỌC


NHÂN HỌC
Trước hết, phải nói đến việc nhân học cũng như dân tộc học ra đời
khá muộn, vào khoảng giữa thế kỷ XIX, nhưng những tri thức về ngành
khoa học này lại xuất hiện tà rất sớm, gắn với sự xuất hiện chữ viết. Có
thể phân chia tiến trình hình thành và phát triển cùa khoa học nhân học
thế giới thành ba giai đoạn: Tri thức về nhân học thời kỳ cổ trung đại;
những tiền đề và sự hình thành phát triển của khoa học nhân học thời cận
đại; sự phát triển của khoa học nhân học thời hiện đại.

1.3.1. Tri thức về nhân học thòi cổ trung đại

Có thể nói rằng, những hiểu biết của con người đối với các cộng
đồng xã hội khác có từ thời nguyên thủy - thời đại chưa có chữ viết, thời
đại của tri thức thông thường.
Tuy nhiên, những tri thức về nhân học bắt đầu xuất hiện phải kể
đến các tài liệu được ghi bằng chữ viết ở các nền văn minh cổ đại ở
Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp, La Mã. Đó là các tác
phẩm tiêu biểu, như Ngũ kinh của Khổng Tử vào khoảng thế kỷ VI TCN,
bao gồm Kinh thi (sưu tập các bài thơ dân gian), Kinh thư (truyền thuyết
về các đời vua), Kinh lễ (ghi chép các lễ nghi thời trước), Kinh dịch (nói
về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại), Kinh Xuân Thu
(ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê của Khổng Tử); Sử kỷ của
Tư Mã Thiên vào khoảng thế kỷ I TCN; bộ Lịch sử gồm 9 cuốn của
Hêrôđôt thé kỷ V TCN - người được coi là cha đẻ của nền sử học thế
giới; Kỷ sự về cuộc chiến tranh ở xứ Galơ của Xêda, thế kỷ I TCN; Tính
chất của sự vật của Lucrexo Car, thế kỷ I TCN45, về các bộ lạc Đức cổ
đại của Taxit, thế kỷ I SCN...

45 Ở công trình này, tác giả đã đề cập đến lịch sử phát triển kỹ thuật của loài nguời gồm 3 giai
đoạn: đá, đồng, sắt và nêu lên thuyết 3 giai đoạn trong lịch sử phát triển kinh tế: săn bắn, chăn
nuôi, trồng trọt. (Phan Hữu Dật, 1973, tr. 64).
22
Nhìn chung, các tri thức nhân học thời cồ đại được thể hiện trong
các tác phẩm về lịch sử, địa lý, thơ ca, truyền thuyết... Tuy nhiên, những
tri thức về nhân học ờ các tác phẩm thời cổ đại “phần nhỏ có giá trị nhất
định, nhưng phần lớn là không chỉnh xác, có khi hoang đường46'".
Bước sang thời trung đại, những tri thức nhân học cũng tiếp tục
được thể hiện trong các tác phẩm của các ngành khoa học khác trong
điều kiện bị chi phối bởi Giáo hội, nhà thờ. Tuy nhiên, có những nhà lịch
sử, địa lý học, như Prôcopi, Kêxarixki,... đã có những khảo cứu về các
dân tộc châu Âu vào thế kỷ VI - VII SCN. Còn ở phương Đông phải kể
đến các ghi chép về phong tục tập quán của các dân tộc để phục vụ cho
việc buôn bán và truyền bá đạo Hồi của một số học giả người Arập, như
Ip Phát Lan với tác phẩm Cuộc du lịch của Ip Phát Lan (thế kỷ thứ X)
trên sông Vônga. Ngoài ra, cũng còn phải kể đến các tác phẩm của người
Trung Quốc viết về thời kỳ này, "như trong các tài liệu nói về những
cuộc hành hương (vỉ dụ, nhà sư Huyền Trang thế kỷ thứ VII), đều có
chứa đựng,... nhiều nét về sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quản của các
dân tộc ở Trung Ả, Bắc Ả, Nam Ả, Đông Nam Á 47" ...
1.3.2. Những tiền đề và sự hình thành khoa học nhân học thòi cận đại
Sau thời kỳ cổ trung đại là một giai đoạn mới cho việc hình thành
những tiền đề ra đời khoa học nhân học. Trước hết, phải kể đến là các
cuộc phát kiến địa lý thòi Phục Hưng, nó giúp cho thế giới, mà trước hết là
châu Âu, mở rộng sự hiểu biết của mình ra các châu lục khác. Đó là các phát
kiến địa lý của Côlômbô tìm ra châu Mỹ vào năm 1492; Vaxcoo đơ Gama từ
châu Âu theo triền phía tây của châu Phi, xuống cực nam châu Phi, qua
mũi Hảo Vọng và đến Ẩn Độ vào năm 1497 và F. Magienlan với những
chiếc thuyền buồm đi vòng quanh thế giới, năm 1519 - 1522. Tiền đề thứ
hai, là việc xác lập CNTB ở châu Âu vào nửa đầu thế kỷ XVII. Sự ra đời
của CNTB đặt ra nhu cầu thị trường, thuộc địa ở các dân tộc ngoài châu
Âu. Theo đó, CNTB cần có một ngành khoa học tìm hiểu về lối sổng,
tính cách, tâm lý, phong tục tập quán của các thổ dân ở châu Phi, châu
Mỹ, châu Á, châu Đại Dương. Nhu cầu đó chỉ được đáp ứng với sự ra đời
khoa học nhân học. Tiền đề thứ ba, là sự phát triển tri thức khoa học của

46 Phan Hữu Dật, 1973, tr.65.


47 Phan Hữu Dật, 1973, tr.66.

23
nhân loại “với sự khẳng định thế giới quan tiến hóa dựa vào giả thiết
nguồn gốc vũ trụ của E. Kant (1755) và Laplace (1796) áp dụng trong
thiên văn học... Trong lĩnh vực sinh vật học, với sự ra đời của những
nghiên cứu giải phẫu, sinh lý học cơ thể người, trong thời kỳ Phục Hưng,
nhờ đó mà kho tàng kiến thức của con người về chính mình và các loài
đồng vật có vú phong phủ hơn4*”. Tiếp theo, hàng loạt các học thuyết ra
đời, như thuyết tiến hóa, trước hết là Carolus Linneaus với tác phẩm Hệ
thống tự nhiên, năm 1735, sau nữa là J. B. Lamarrck (1744 - 1829) với
tác phẩm Triết học động vật và Charles Darwin, với tác phẩm Nguồn gốc
các loài năm 1859 , tác phẩm Sự phát sinh loài người và chọn lọc giới
tỉnh, năm 1871; Phép biện chứng của F. Ăngghen, năm 187150. .. Tất cả
những điều đó đã là tiền đề cơ bản cho sự hình thành khoa học cổ sinh
học, sinh học hình thể/ nhân chủng học (một phân ngành của nhân học) ở
các nước tư bản châu Âu. Và như là một tất yếu, “nhân chủng học hình
thể thời kỳ đầu đã giúp vào việc phát triển những lý thuyết có thể dùng để
biện minh cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc,... về tính ưu việt vốn có về
mặt sinh học của những người cai trị và giả định về sự thấp kém vốn có
về mặt sinh học của những người bị họ cai trị ”51'52.
Như vậy, khoa học nhân học vói phân ngành nhân chủng học được ra
đời vào nửa sau thế kỷ XIX cùng thòi với sự hình thành khoa học dân tộc học.
1.3.3. Sư• rphát triển của khoa hoc

nhân hoc

thòi hiên

đai

Vào khoảng đầu thế kỳ XX, khi phong trào giải phóng dân tộc đang
phát triển đều khắp các châu lục, hơn nữa nhân học không thể chỉ dừng

48 Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.8.
49, Charles Darwin (1809 - 1882).
50 F. Ảngghen bắt đầu viết Biện chứng của tự nhiên năm 1870.
51 Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, tr. 15.
52 Cùng thời gian này, nhu cầu hiểu biết các dân tộc ngoài châu Âu càng trở nên bức
thiết đối với CNTB. Theo đó, một ngành khoa học chuyên mô tả/ tìm hiểu phong tục tập
quán, tâm lý tính cách và rộng hơn là sinh hoạt văn hóa các dân tộc/ thồ dân ngoài
châu Âu dần được ra đời: Khoa học dân tộc học. Trong tình hình đó, một số nước
châu Âu đã bắt đầu thành lập các hội nghiên cứu về dân tộc học, “Hội dân tộc học Paris
được thành lập đầu tiên vào năm 1839... Hội dân tộc học Mỹ vào năm 1842. Hội dân
tộc học Anh ra đời vào năm 187152u.

24
lại phương diện sinh học mà cần phải mở rộng đổi tượng nghiên cứu của
mình ra các vấn đề văn hóa, xã hội. Từ đó, dân tộc học Anh chuyển sang
nghiên cứu các vấn đề xã hội không chỉ các dân tộc ngoài châu Âu mà
còn cả các nền văn minh công nghiệp ở châu Âu và lấy tên gọi là nhân
học xã hội, hình thành nên trường phái Anh “xuất hiện khoảng năm ỉ 910
và tồn tại cho đến ngày nay53”. Cũng trong khoảng thời gian này, một
trường phái khác nhấn mạnh đến đối tượng văn hóa gọi là nhân học văn
hóa đã ra đời ở Mỹ. Chính “Frank Boas, người đã thành lập khoa nhân
học đầu tiên ở Hoa Kỳ vào đầu thập niên ỉ 90054", “Tạo thành ba trường
phái có tên gọi khác nhau nhưng cùng nhằm đến một cái đích là tìm hiểu
về nhân loại55”. Ba trường phái đó là: Ở Pháp, Đức, Áo, Nga truyền
thống nghiên cứu phát triển theo trường phái dân tộc học (ethnology), ở
Anh là trường phái nhân học xã hội (social anthropology), và ở Mỹ là
trường phái nhân học văn hóa (cultural anthropology).
Nhìn chung, cả nhân học và dân tộc học đều được hình thành vào
khoảng giữa thế kỷ XIX với những trường phái và tên gọi khác nhau (dân
tộc học và nhân học hình thể), nhưng buổi đầu đều có chung một đối
tượng là nghiên cứu chủ yếu cư dân ngoài châu Âu, đặc biệt là các dân
tộc còn lạc hậu, còn bảo lưu nhiều lối sống nguyên thủy. Đến đầu thế kỷ XX,
ở Anh, Mỹ bắt đầu chuyển sang nhân học văn hóa, xã hội56. Theo đó, các
nước TBCN cũng lần lượt chuyển sang nhân học và đến những năm 90
của thế kỷ XX, các nước theo hệ thống XHCN đã dần chuyển đổi theo xu
hướng kết hợp giữa dân tộc học và nhân học (ở Liên Xô và sau đó là các
nước trong khối Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), Viện Dân tộc

53 Từ điển nhân học văn hóa, Kobundo, 2000, ừ. 340, 370; dẫn theo Vũ Minh Chi,
2004, tr. 64.
54 Emily A.Schultz & Robert H.Lavenda, 2001, ừ. 15.
55 Vũ Minh Chi, 2004, tr. 17.
56 Tác giả Vũ Minh Chi cũng theo quan điểm này về quá trình hình thành dân tộc học và
nhân học (Vũ Minh Chi, 2004, tr. 17), nhưng quan điểm của Khoa Nhân học thành phố
Hồ Chí Minh cho ràng, nhân học và dân tộc học cùng ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XIX,
tiếp nối sau sự ra đời của thuyết Tiến hóa của Darwin, dân tộc học ờ Pháp, Đức, Nga,
còn ờ Anh là nhân học xã hội và ờ Mỹ là nhân học văn hóa (ĐHQGTPHCM), 2008,
tr. 8 - 9).

25
học đã chuyển sang Viện Dân tộc học và nhân học; ở Trung Quốc Viện
Dân tộc học cũng chuyển sang Viện Dân tộc học và nhân học); ở Việt Nam,
năm 2004 Hội Dân tộc học đã chuyển sang Hội Dân tộc học và nhân học,
Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh
thành lập khoa Nhân học thay bộ môn Dân tộc học năm 2004; Trường
ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập bộ môn Nhân học
thay bộ môn Dân tộc học năm 2010 và đến năm 2015 là Khoa Nhân học.

1.3.4. Quá trình hình thành và phát triển dân tộc học và nhân học
ViêtNam57

1.3.4.1. Quá trình tích lũy tri thức dân tộc học và nhân học

Dưới thời tiền sừ/ gắn với các văn hóa khảo cổ học thời đá cũ, như
Núi Đọ, Sơn Vi, đến thời đá mới, như Hòa Bình, Bắc Sơn, khảo cổ học
Việt Nam đã chứng minh cư dân thời kỳ này đã bắt đầu quá trình từ vùng
núi rừng tiến xuống đồng bằng và cả vùng đồng bằng ven biển. Quá trình
di chuyển môi trường sinh sống đó tất yếu diễn ra sự giao thoa văn hóa
giữa các cộng đồng dân cư với nhau. Đặc biệt đến thời sơ sử/ thời kim
khí với văn hóa Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu đến Đông Sơn, cư
dân nước ta đã có sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các vùng miền khác
nhau, như vùng rừng núi, trung du, đồng bàng đến vùng ven biển. Giữa
họ tất yếu phải có mối quan hệ giao lun văn hóa qua lại với nhau. Trong
quá trình giao lưu đó, họ phải hiểu biết phong tục tập quán của các nhóm
cư dân khác nhau, các tộc người khác nhau, cả tính cách, lối sống của
những con người khác nhau trong một cộng đồng và ngoài cộng đồng.
Đó được coi là những tri thức dân tộc học và nhân học đầu tiên ờ nước ta
được tích lũy qua những tri thức dân gian truyền miệng. Đến thời Đông
Sơn có niên đại khoảng 2.700 BP58, những cứ liệu về dấu vết chữ viết đã
được phát hiện, trên những phiến đá ở các thung lũng Sa Pa, trên lưỡi cày
thời Đông Sơn, trên trống đồng Lũng Cú, trên các văn bản cổ ở vùng
Mường Thanh Hóa,... Đó là loại chữ mà sách sử Trung Hoa gọi là chữ
khoa đẩu (hình con nòng nọc bơi). Đó có thể là một loại văn tự của cư

57 Do ở nước ta nhân học được hình thành từ khoa học dân tộc học, nên ờ đây chúng tôi
trình bày quá trình hình thành cả dân tộc học và nhân học Việt Nam.
58 BP: Cách ngày nay.

26
dân Đông Sơn59. Khi đã có văn tự tất nhiên có những tri thức của dân tộc
học và nhân học về đặc điểm dân cư đương thời được ghi chép lại. Tuy
nhiên cho đến nay, do quá trình đồng hóa của người Hán mà chữ viết thời
Hùng Vương bị thất truyền, mất mát, nên chúng ta chưa thể giải mã được
các chữ cổ còn lưu lại.
Tài liệu có liên quan đến tri thức dân tộc học và nhân học ở nước ta
bắt đầu xuất hiện từ thời Lý với tác phẩm Sử ký của Đỗ Thiện, Đại Việt
sử kỷ của Lê Văn Hun; năm 1272, Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên,
Phạm Công Trứ,... thời nhà Lê biên soạn. Nhưng đặc biệt là tác phẩm
Dư địa chỉ của Nguyễn Trãi (năm 1435) đã đề cập đến sự phân bố dân
cư, văn hóa, phong tục tập quán của cư dân đương thời. Ngoài ra, các tác
phẩm như Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Lĩnh nam chích quái của
Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Truyện kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ thời kỳ này
cũng chứa đựng nhiều tài liệu liên quan đến dân tộc học và nhân học về
con người và dân cư các dân tộc trên đất nước ta. Những tri thức liên
quan đến dân tộc học và nhân học càng được thể hiện khá phong phú
trong tác phẩm Vân đài loại ngữ và trong Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp
lục của Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII). Trong các công trình này, Lê Quý
Đôn đã đề cập đến hoạt động kinh tế từ phương thức canh tác đến các
loại giống cây trồng, văn hóa vật chất, như nhà cửa, trang phục, ẩm
thực,... của cư dân đương thời, bao gồm cả người Việt, các dân tộc thiểu
sổ, như Tày, Thái, Nùng, Xá, Hmông, Dao, Vân Kiều, Tà ô i, Cơ Tu...
Đến thế kỷ XIX, các bộ sử của triều Nguyễn chứa đựng rất nhiều các tư
liệu dân tộc học và nhân học, như Nhất thống dư địa chí (đời Gia
Long), Lịch triều hiến chương loại chỉ (đời Minh Mạng), Đại Nam
thống chí (đời Thiệu Trị), Đại Nam nhất thống chí (đời Tự Đức), Đồng
Khánh dư địa chỉ (đời Duy Tân)...
Ngoài ra, trong các công trình địa phương chí thời Nguyễn cũng
chứa đựng nhiều tư liệu dân tộc học và nhân học, như Ô Châu cận Lục
của Dương Văn An, Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức,
Hưng Hóa xứ phong thố lục của Hoàng Bình Chính...

591 Trần Ngọc Thêm, 1997, Tim về bản sắc văn hỏa Việt Nam, Nxb. Thành phố Hồ Chí
Minh, tr. 95-96.

27
Nhìn chung, tri thức chữ viết liên quan đến dân tộc học và nhân học
thời kỳ cổ trung đại nằm rải rác trong các công trình nghiên cứu về lịch
sử, địa lý, địa chí... Ở đó, chúng ta thấy có những mô tả về phong tục tập
quán, lối sống, tính cách của cư dân đương thời ở nước ta.
Đến thời kỳ nước ta bị ách đô hộ của thực dân phương Tây, người
Pháp đặc biệt chú trọng đến nghiên cứu các dân tộc ở Việt Nam. Trước
hết, phải kể đến những công trình tiêu biểu của p. Gourou về người nông
dân ở châu thổ Bắc Kỳ, của Savina về người Hmông, của L. Cuisinier về
người Mường, của H. Roux về người Khơmú, của H.Maitre về các dân
tộc ở Tây Nguyên, của G.Condominas về người Mnông Gar, của L. Cadiere
về phong tục, tín ngưỡng người V iệt...
Trong thòi gian này, bên canh các công trình nghiên cứu các dân
tộc ở Việt Nam của người Pháp, phải kể đến các công trình nghiên cứu
của người Việt Nam có liên quan đến dân tộc học và nhân học, như công
trình của Nguyễn Văn Huyên về Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944),
Văn minh nước Nam (1944), của Đào Duy Anh về Việt Nam văn hóa sử
cương (1938), vấn đề hình thành của dân tộc Việt Nam (1957), Nguồn
gốc dán tộc Việt Nam (1957)...
Nhìn chung, trong gần 100 năm đô hộ của thực dân phương Tây, ờ
nước ta tồn tại nhiều công trình dân tộc học mang đậm dấu chân người
Pháp. Nhưng vào những năm 30 của thế kỷ XX đã xuất hiện nhiều công
trình nghiên cứu dân tộc học của các nhà khoa học Việt Nam. Đây được
coi là giai đoạn tích lũy những tri thức về dân tộc học nước nhà.

L3.4.2. Quả trình ra đài và phát triển của khoa học dân tộc học và
nhân học
Sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công và đặc biệt
sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hòa bình được lập lại ờ
miền Bắc, nền dân tộc học Việt Nam “mới có đủ điều kiện hoàn thành
giai đoạn lâu dài chuẩn bị, để ra đời60”. Theo đó, các cơ sở nghiên cứu
và giảng dạy dân tộc học bắt đầu hình thành. Từ năm 1958, Viện Sử học
thành lập tổ dân tộc học. Đến năm 1968, Viện Dân tộc học chính thức ra

60 Phan Hữu Dật, 2015.fr. 54.

28
đời. Ở trường Đại học Tổng họp Hà Nội, nhóm dân tộc học được thành
lập từ năm 1960 và đến năm 1967, bộ môn Dân tộc học chính thức được
thành lập. Tiếp nối sự ra đời Viện nghiên cửu và bộ môn giảng dạy dần
tộc học là hàng loạt các công trình nghiên cứu của các nhà dân tộc học
Việt Nam được công bố, như Các dân tộc thiểu sổ ở Việt Nam của Lã Văn Lô,
Nguyễn Hữu Thấu, Mai Văn Trí, Mạc Đường (1959), Các dân tộc nguồn
góc Nam Ả ở miền Bắc Việt Nam của Vương Hoàng Tuyên (1963), Các
dân tộc miền núi Bắc Trung bộ của Mạc Đường (1964), Sự phân bố các
dân tộc và cư dân miền Bắc Việt Nam của Vương Hoàng Tuyên (1966),
Sơ bộ giói thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thải ở Việt Nam của Lã Văn Lô,
Đặng Nghiêm Vạn (1968), Cơ sở dân tộc học của Phan Hữu Dật (1973)...
Như vậy có thể nói, sau một quá trình tích lũy những kiến thức dân
tộc học và nhân học, nền dân tộc học Việt Nam chính thức được ra đời vào
những năm 60 của thế kỷ XX61. Từ khi ra đời đến nay, ứải qua nửa thế kỷ
tồn tại và phát triển, ngành dân tộc học Việt Nam đã đạt được nhiều thành
tựu vượt bậc: trước hết về quy mô, từ sau năm 1975, nền dân tộc học nước
nhà đã mở rộng phạm vi cả nước, từ Hà Nội, đến Huế, thành phố Hồ Chí Minh
đến Tây Nguyên, ờ các trường đại học, đâu đâu cũng có các cơ sở giảng
dạy dân tộc học, nhiều tỉnh Ban dân tộc được thành lập, các Viện, các
Trung tâm nghiên cứu, các Phân viện nghiên cứu được thành lập nhiều nơi
mà trong đó không thể thiếu các tổ, phòng nghiên cứu về dân tộc. về cơ
quan ngôn luận, bên canh Tạp chí Dân tộc học là các Tạp chí Dân tộc miền
núi của ủ y ban dân tộc, tạp chí Dân tộc và thời đại của Hội dân tộc học.
Theo đó, hệ thống bảo tàng ở các địa phương và Trung ương đều xây dựng
phòng trưng bày văn hóa các dân tộc và đến năm 1995 hình thành Bảo
tàng dân tộc học Việt nam.
Đặc biệt, càng ngày càng hình thành một đội ngũ nghiên cứu và
giảng dạy dân tộc học đông đảo trên cả nước, với các nhà khoa học có
tên tuổi, như Nguyễn Khánh Toàn, Vương Hoàng Tuyên, Từ Chi,
Bế Viết Đẳng, Lã Văn Lô, Nguyễn Hữu Thấu, Đặng Nghiêm Vạn,
Phan Hữu Dật, Mạc Đường, Nguyễn Dương Bình, Ngô Đức Thịnh,
Hoàng Nam, Lê Sỹ Giáo, Hoàng Lương, Ngô Văn Lệ, Khổng Diễn,

61 Phan Hữu Dật, 2015, tr. 55 - 56.

29
Nguyễn Văn H uy... Ngành dân tộc học Việt Nam đã thực hiện tốt chức
năng nhiệm vụ của mình là nghiên cứu để xác minh thành phần tộc
người, nghiên cứu về sinh hoạt kinh tế, đời sống văn hóa, quan hệ các
dân tộc trên đất nước ta. Đặc biệt, nền dân tộc học Việt Nam đã làm tốt
nhiệm vụ nghiên cứu để phục vụ việc phát triển kinh tế, xã hội của đất
nước và góp phần thực hiện thành công chính sách dân tộc của Đảng.
Từ năm 1986, cùng với chủ trương đổi mói của Đảng, ngành dân
tộc học Việt Nam cũng có nhiều đổi mới về hướng nghiên cứu và
phương pháp nghiên cửu: về hướng nghiên cứu, tiếp cận với nghiên cứu
phát triển nhiều hơn, về phương pháp nghiên cứu sử dụng nhiều phương
pháp nghiên cứu hiện đại. Theo đó, năm 2004 Hội Dân tộc học Việt Nam
đã chuyển sang Hội Dân tộc học và nhân học, Trường ĐHKHXH&NV
thành phố Hồ Chí Minh thành lập khoa Nhân học thay bộ môn Dân tộc
học năm 2004; Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội thành
lập bộ môn Nhân học thay bộ môn Dân tộc học năm 2010 và đến 2015 là
Koa Nhân học. Nhiều trường Đại học trong nước đã chuyển đổi môn học
Dân tộc học đại cương thành Nhân học đại cương.
Tóm lại, quá trình tích lũy tri thức khoa học dân tộc học và nhân
học ở Việt Nam diễn ra lâu dài trong lịch sử. Nhưng ngành khoa học dân
tộc học Việt Nam chỉ mới được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XX,
và đến những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI ngành dân tộc học bắt
đầu chuyển đổi sang nhân học với xu hướng/ trường phái kết hợp giữa
dân tộc học và nhân học.

1.3.5. Một số trưòng phái trong nghiên cửu nhân học62

Từ khi hình thành cho đến nay, trong nghiên cứu dân tộc học và
nhân học tồn tại nhiều trường phái khác nhau, như trường phái Tiến hóa,
trường phái Chức năng, trường phái cấu trúc luận, trường phái Sinh thái
văn hóa, trường phái Vòng văn hóa hay Truyền bá luận, trường phái Tâm
lý chủng tộc, trường phái Dân tộc học Xô Viết...

62 Nhiều trường phái nghiên cứu ờ đây vừa trong dân tộc học vừa trong nhân học.

30
1.3.5.1. Trường phái Tiến hóa
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, thuyết Tiến hóa của Charles Darwin
(1809 - 1882) ra đời, với tác phẩm tiêu biểu Nguồn gốc các loài, xuất bản
mìrn 1859. Nguồn gốc các loài đã nêu lên già thiết về nguồn gốc loài
người là kết quả của quá trình tiến hóa trong tự nhiên. Theo đó, một loài
khỉ tách ra tiến hóa thành người, nhờ hai đặc tính sinh học: di truyền và
biến dị để thích nghi với môi trường sống. Thuyết Tiến hóa trong khoa
học sinh vật học đã dần được khoa học dân tộc học và nhân học tiếp nhận
để hình thành nên trường phái Tiến hóa luận mà đại biểu tiên tiến nhất
của trường phái này, phải kể đến là L.H. Morgan (1818 - 1889) và
Echvard Tylor (1832 - 1917).
Thuyết Tiến hóa luận cho rằng, sự phát triển của văn hóa nhân loại
cũng có một quá trình tiến hóa như giới sinh vật, động vật. Theo thuyết
này mọi nền văn hóa đều trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau theo
cùng một hướng nhất định. Thuyết này sử dụng cách tiếp cận suy diễn,
áp một thuyết chung cho mọi nền văn hóa. Đó là văn hóa của các dân tộc
trên trái đất này đều thống nhất và phát triển từ thấp đến cao. Trong đó
nhân tố thúc đẩy sự phát triển của văn hóa các dân tộc là sự hoàn thiện
tâm sinh lý của con người. Theo đó, thuyết Tiến hóa chia sự phát triển
của xã hội loài người thành ba giai đoạn: Mông muội (bầy người), dã
man (thị tộc, bộ lạc), văn minh (xã hội có nhà nước).
Có thể coi mặt tiến bộ của thuyết Tiến hóa ở chỗ, trường phái này
thừa nhận sự thống nhất của văn hóa các dân tộc trên thế giới và chủ
trương văn hóa, xã hội của các dân tộc có xu hướng phát triển từ thấp lên
cao. Nhưng hạn chế của luận thuyết này là chỉ thấy tính đơn tuyến63 mà
không thấy được sự phát triển đa tuyến của văn hóa nhân loại, không giải
thích được sự dị biệt của văn hóa các dân tộc, không giải thích được văn
hóa một số dân tộc có hiện tượng mai một và thoái hóa trong xu thế phát
triển. Đặc biệt, thuyết Tiến hóa không thấy được động lực phát triển xã
hội từ hoạt động kinh tế và đấu tranh giai cấp mà cho rằng, ‘Tám lý con

63Tính đơn tuyến trong sự phát triển còn được Tylor sử dụng trong xây dựng mô hình
biến chuyển của tôn giáo: Từ vật linh giáo đến đa thần giáo đến nhất thần giáo.

31
người càng phát triển, càng hoàn thiện, thì văn hỏa cùa con người ngày
một cao
Thuyết Tiến hóa luận được các đế quốc thực dân sử dụng để thanh
minh cho công cuộc thuộc địa hóa các vùng đất ờ châu Á, châu Phi,... dưới
chiêu bài “Khai sáng văn minh ” cho các dân tộc thuộc địa, mà theo thuyết
này, các dân tộc thuộc địa được xem là đang ở các bậc thang tiến hóa thấp
hơn so với các xã hội phương Tây.
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, thuyết Tiến hóa luận cổ điển
bị phê phán bởi các đại biểu cấu trúc luận, Chức năng luận. Trong hoàn
cảnh đó, ở Mỹ vào khoảng những năm giữa thế kỷ XX đã xuất hiện
khuynh hướng Tân tiến hóa, mà đại biểu là L.A. White, J.H. Steward,
M. Sahlins, E. Service.
về nội dung, Tân tiến hóa có thể chia thành ba khuynh hướng:
Khuynh hướng thứ nhất của L.A. White được gọi là khuynh hướng
Tân tiến hóa toàn diện. Theo khuynh hướng này, White vẫn thừa nhận
tiến hóa luận trong phát triển văn hóa và không phủ định tính đon tuyến
của sự phát triển xã hội của các dân tộc trên thế giới. Nhưng cái mới của
White là đã thừa nhận yếu tố kinh tế mà đặc biệt là kỹ thuật, công nghệ
được coi là môi trường năng lượng (năng lượng con người, năng lượng
mặt trời...) quyết định hệ thống xã hội và là cơ sở chi phổi văn hóa các
dân tộc. Tuy vậy, White vẫn không thấy được ảnh hưởng của môi trường,
lịch sử đối với sự phát triển văn hóa, xã hội của các dân tộc, mà cho rằng
các điều kiện bên trong của một nền văn hóa sẽ quyết định sự phát triển
của xã hội đó. Và cũng như thuyết Tiến hóa cổ điển, ông vẫn không thể
nào lý giải được sự phát triển đa tuyến của văn hóa nhân loại: Có những
nền văn hóa bị biến mất sau khi phát triển rực rỡ, có nền văn hóa bị suy
thoái, mai m ột...
Khuynh hướng thứ hai, của J.H. Steward, thừa nhận tiến hóa luận
trong phát triển văn hóa. Nhưng ông lại nhìn nhận sự tiến hóa đa dạng:
đon tuyến (unilinear), đa tuyến (multilinear) và toàn diện (universal).
Đơn tuyến của các nhà Tiến hóa cổ điển, toàn diện của White, còn

64 Phan Hữu Dật, 1973, tr. 70

32
Stewward tự cho mình là nhà tiến hóa đa tuyến. Ông phê phán thuyết
toàn diện của White khi quá chú trọng đến yếu tố xã hội, coi nhẹ môi
trường tự nhiên; còn ông tập trung nhẩn mạnh tầm quan trọng của môi
trường tác động đến sự biến đổi cùa văn hóa theo xu hướng tiến hóa.
Theo Stewward, con người là một thực thể tồn tại thích nghi với môi
trường thông qua văn hóa. Vì vậy, khi môi trường thay đổi, văn hóa của
con người cũng thay đổi để thích nghi với điều kiện sống mới. Tuy nhiên,
Stewward lại chủ trương mọi nền văn hóa trên thế giới đều có những
cách biến đổi theo xu hướng tiến hóa khác nhau do điều kiện đặc thù của
môi trường sống và sự biến đổi có thể giống nhau giữa văn hóa các dân
tộc khi điều kiện địa lý ở các dân tộc đó tương đồng nhau, mặc dù không
gian địa lý không liền kề nhau.
Khuynh hướng thứ ba của M. Sahlins, E. Service được gọi là
khuynh hướng tiến hóa đặc thù (speciíic) và tiến hóa tổng quát
(génnéral). Tiến hóa đặc thù thừa nhận sự biến đổi thích nghi của những
nền văn hóa theo xu hướng đặc thù, theo con đường riêng, như sự biến
đổi theo xu hướng tiến hóa của các dân tộc ở vùng núi cao, hẻo lánh. Còn
tiến hóa tổng quát về cơ bản gần giống với tiến hóa toàn diện của White
khi cho rằng, sự phát triển văn hóa xã hội các dân tộc trên thế giới do sự
chi phối của quá trình chuyển biến năng lượng từ ít hơn đến nhiều hơn và
theo đó dân tộc phát triển hơn là do biến đổi/ lưu giữ năng lượng nhiều
hơn/ tốt hơn các dân tộc lạc hậu.
Mặc dù, các nhà Tân tiến hóa đã có nhiều đổi mới về nhận thức sự
phát triển của văn hóa, xã hội các dân tộc trên thế giới, nhưng nhìn chung
họ vẫn không thể lý giải được sự biến đổi đa dạng của các nền văn hóa
nhân loại trong lịch sử.

1.3.5.2. Trường phái Chức năng65


Vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Anh xuất hiện
trường phái Chức năng trong nghiên cứu dân tộc học và nhân học xã hội

65Thuyết chức năng cấu trúc (structural íunctionalism), hoặc đơn giản gọi là thuyết chức
năng (functionalisin), xem xã hội như một tổng thể cấu trúc theo chúc năng cấu thành; nó
được thể hiện ở chuẩn mực, phong tục, truyền thống, và các định chế...

33
với tên tuổi của hai học giả Bronislav Malinowski (1884 - 1942) và
Radeliffe Brown (1881 - 1955).
Trong học thuyết của mình, Malinowski chú trọng phân tích đồng
đại một cách tổng thể các hiện tượng văn hóa như là một phương tiện
chức năng thỏa mãn nhu cầu thiết yếu, “vđtt hóa được xây dựng trên
những nhu cầu sinh vật của cá nhân,... văn hóa có chức năng thỏa mãn
nhu cầu sinh vật66'", liên quan đến sự tồn tại của con người, như ăn, mặc,
ở, đi lại, sinh đ ẻ...”. Theo Malinowski, bất kỳ văn hóa nào trong tiến
trình phát triển của nó đều tạo ra một hệ thống cân bằng, ổn định, trong
đó mỗi bộ phận của chỉnh thể đều thực hiện chức năng của nó67”. Theo
đó, nếu làm mất đi một yếu tố văn hóa nào đó thì toàn bộ hệ thống văn
hóa của dân tộc đó sẽ bị đào lộn và suy thoái. Vì vậy, theo Malinowski
cách cai trị tốt nhất là áp dụng hình thức gián tiếp, thông qua văn hóa
người bản xứ và ông đề cao nghiên cứu thực địa của nhân học đến các
dân tộc bản xứ để cung cấp tư liệu về chức năng văn hóa cho các nhà
thực dân biết để tiến hành hợp lý phương thức cai trị gián tiếp. Ở điểm
này, Malinowski đẩy nhân học thành ngành học mang tính ứng dụng cao
phục vụ cho chính quyền thực dân. Công việc của các nhà nhân học, theo
ông là “hòa nhập” vào nền văn hóa đó, bao gồm cả việc học bản ngữ, để
khám phá các chức năng văn hóa. Đó là lý do mà cách tiếp cận của ông
được đặt tên là trường phái Chức năng.
Còn luận thuyết của Brown lại tập trung vào các chức năng của cấu
trúc văn hóa xã hội/ chế độ xã hội, thiết chế thân tộc, dòng họ... Những
cấu trúc xã hội đó đảm bảo sự cân bằng xã hội. Brown tập trung khám
phá các quy luật của hành vi xã hội và cho thấy mỗi loại xã hội nhất định
có một số quan hệ đặc trưng. Ví dụ, cấu trúc trong một cộng đồng tài sản
được thừa kế theo dòng cha và người ta suy ra, tồn tại mối quan hệ không
“thoải mái” với anh em trai của cha, mình nhưng lại “khá thoải mái” với
anh em ừai của mẹ mình. Theo Brown, chức năng xã hội là “một tình
trạng trong đỏ tất cả mọi thành phần cùa một hệ thống xã hội cùng làm
việc với nhau ở mức độ hài hòa hoặc thống nhất nội bộ đủ để tiếp tục

66 ĐHQGTPHCM, 2007, tr. 62, 63.


67 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.25.

34
như một hệ thống, tức là không tạo ra những xung đột kéo dài mà không
giải quyết hoặc điều chỉnh được'*'".
Nhìn chung, các lý thuyết gia Chức năng dù xét các hiện tượng văn
hóa như Malinovvski, hay chú trọng các loại hình cấu trúc xã hội nhu
Brown, cũng đều liên quan đến ba dạng thức khác nhau về khái niệm
chức năng:
- Chức năng theo nghĩa mọi tập tục đều có tương quan với tất cả
những tập tục khác trong cộng đồng. Vì vậy, tập tục này quy định tình
trạng của tập tục kia.
- Chức năng của các tập tục là để thỏa mãn những nhu cầu sinh học
chủ yếu của cá nhân thông qua phương tiện văn hóa.
- Chức năng của mỗi tập tục là vai trò mà nó nắm giữ trong việc
duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội69. Theo đó, xã hội như là một cơ
thể sống trong đó mọi cơ quan/ tập tục có liên quan chặt chẽ với nhau.
Quan điểm trên của thuyết Chức năng có những đóng góp nhất định
cho khoa học nhân học và dân tộc học. Nhưng luận thuyết này bị chỉ trích
nhiều mặt, như không phải mọi tập tục văn hóa và cấu trúc xã hội đều có
chức năng. Trong thực tế, một số hiện tượng văn hóa đã mất chức năng,
chỉ tồn tại đơn thuần là thói quen hoặc giá trị truyền thống cần bảo lưu,
như tục cà răng, căng tai, xăm mình, tục nhuộm răng của các dân tộc ở
nước ta không còn tồn tại chức năng thẩm mỹ... Bên cạnh đó, xuất hiện các
vàn hóa mới với những chức năng mới. Vì vậy, việc nghiên cứu văn hóa
như một hình thức bất biến là không thật họp lý, không thấy được lịch sử
hình thành, biến đổi của các hiện tượng văn hóa. Hơn thế nữa, trường phái
này trong khi đề cao hình thức cai ứị gián tiếp cùa chủ nghĩa thực dân ở
các nước thuộc địa đã chủ trương duy trì sự ngu dân ở các thổ dân, không
cần truyền bá văn minh châu Âu vào các xã hội lạc hậu, vì như vậy sẽ dẫn
đến phá vỡ thế quân bình đã được xác lập ở các dân tộc đó. Theo
Malinowski, “ý nghĩa thực tiễn của học thuyết của ông là nó dạy chúng ta
tri thức về các tập tục, chỉ rõ các tập tục ấy quan hệ với nhau chồng chéo

68 Dần theo ĐHQGTPHCM, 2007, tr.65 - 66.


69 ĐHQGTPHCM, 2007, tr.51 - 52.

35
thế nào, và các giảo sĩ, chính quyền thực dân cũng như những ai muốn bóc
lột thổ dân bằng kinh tế phải xử lý các tập tục ẩy ra sao70”.

1.3.5.3. Trường phải cẩu trúc luận 77


Thuyết cấu trúc ra đời vào đầu những năm 1900 trong ngôn ngữ
học cấu trúc của Roman Jakobson, Ferdinand de Saussure và đến nhà
nhân học người Pháp Claude Levi Strauss thuyết cấu trúc đã lan tỏa rộng
khắp trong nhiều lĩnh vực khoa học và nhiều quốc gia.
Lý thuyết nhân học cấu trúc luận của c. Lévi - Strauss, tập trung
trong công trình Nhân học cấu trúc (“Anthropologie Structurale” - 1958),
không chỉ có ý nghĩa trong phạm vi chuyên ngành nhân học, mà những
tư tưởng của ông đã tác động mạnh vào nhiều lĩnh vực khác nhau của
khoa học, như nhân học, xã hội học, tâm lý học, kinh tế học... Thuyết
cấu trúc cho rằng ucác hiện tượng của đời sổng con người là không thể
hiểu được nếu ta không căn cứ vào các mối quan hệ của họ. Các mối
quan hệ này cấu thành một cấu trúc, và đằng sau những biến đổi bộ
phận trên bề mặt của các hiện tượng có những quy luật bất biến của nền
văn hóa trừu tượng12”.
Theo thuyết cấu trúc, mỗi sự vật hiện tượng không tự nó có ý
nghĩa, nó chỉ có ý nghĩa khi tương quan vói các sự vật, hiện tượng khác.
Chỉ tương quan giữa các sự vật, các yếu tố mới có giá trị, nghĩa là mồi
con người có ý nghĩa tuỳ theo quan hệ giữa người với người, giữa người
với các thể chế tạo nên hoạt động sống của một xã hội nhất định. Hoạt
động sống của một xã hội, theo c. Lévi - Strauss thực chất là hoạt động
giao tiếp. Trong vô vàn các loại giao tiếp cụ thể ừong xã hội, c. Lévi - Strauss
quy tất cả về ba loại trao đổi: trao đổi hàng ho á/ kinh tế; trao đổi ngôn
ngữ và trao đổi trong hôn nhân. Tuy nhiên, cấu trúc luận còn đi sâu xem
xét các tương quan cụ thể trong đời sống xã hội để lần tìm các mối quan
hệ có tính cơ bản chi phối mọi hiện tượng; sau nữa, cấu trúc luận còn cố

70 Phan Hữu Dật, 1973, tr. 94.


71 Trong nội dung này chúng tôi có sử dụng tư liệu của Trịnh Bá Đĩnh, 2011, tr, 24 - 34.
72 Blackbum, Simon (2008), Oxford Dictionary o f Philosophy, second edition revised.
Oxford: Oxford Ưniversity Pres.

36
gắng thiết lập một mô hình cho toàn bộ cấu trúc, rồi quy về một công
thức có thể tính toán bàng toán học hiện đại: Toán thống kê hay toán xác
suất, để mong muốn đưa khoa học nhân văn tịnh tiến gần khoa học tự
nhiên. Theo c . Lévi - Strauss, nhiệm vụ của khoa học là giải thích cấu
trúc được che phủ bởi hiện tượng bên ngoài mà con người không nhận
thức được. Để giải thích cấu trúc xã hội, ông đưa ra nội hàm hệ thống và
bán hệ thống. Theo đó, một hệ thống muốn tồn tại trong xã hội khi nó
hình thành hai cặp đôi: đối lập/ nhị phân. Từ đó, ông phát triển lý thuyết
cấu trúc trong việc phân tích hệ thống thân tộc và sau đó là cấu trúc trong
tôn giáo, huyền thoại...
Ví dụ, mô hình cấu trúc của c . Lévi - Strauss về “trường hợp ông
cậu” trong nghiên cứu dân tộc học, một minh chứng kinh điển về phương
pháp của C.Lévi - Strauss. Theo ông, từ lâu, trong hệ thống thân tộc ở
nhiều dân tộc, người ta thấy ông cậu luôn có vai trò đặc biệt đối với
người cháu trai. Ở một số nơi, uy quyền của cậu còn lớn hon cha mẹ và
đứa cháu chấp nhận uy quyền tuyệt đối này. Sau khi khảo sát hàng loạt
dân tộc, c . Lévi - Strauss đưa ra nhận xét rằng, quan hệ cậu - cháu lệ
thuộc vào các quan hệ khác: quan hệ vợ - chồng, quan hệ anh trai - em
gái và quan hệ cha - con. Đó là cấu trúc thân tộc tương quan với bốn
quan hệ: vợ - chồng, cậu - cháu, anh trai - em gái, cha - con. cấu trúc đó
giải quyết được tất cả các “hiện tượng ông cậu”, có liên quan đến dấu vết
của xã hội mẫu hệ. cấ u trúc thân tộc tương quan với bốn quan hệ nêu
trên được c . Lévi - Strauss trình bày trong cuốn Anthropologie Structurale13.
Lévi - Strauss còn đưa ra cấu trúc ba nhân tố để giải thích các hiện
tượng văn hóa. Ba nhân tố ẩy gồm cặp đối nghịch và nhân tố “trung
gian” hoá giải sự đối nghịch. Rất nhiều hiện tượng văn hoá như tập tục,
nghi lễ, cư trú,... của các dân tộc đã được C.Lévi - Strauss lý giải từ
nguyên lý ba nhân tố này.
Đặc biệt, trong cách nhìn của C.Lévi - Strauss về các xã hội ngoài
châu Âu, ông không coi xã hội hiện đại văn minh hom các xã hội cổ xưa.
Xã hội cổ xưa hay xã hội hiện đại, cũng đều được tổ chức bời hoạt động
của con người tuỳ theo hoàn cảnh đặc thù trước thế giới. Con người ngày

73 Theo Trịnh Bá Đĩnh,, 2002, tr. 54.

37
nay và con người của các nền văn minh đã từng sáng tạo ra thần thoại
Hy Lạp, Kinh Vệ Đà, Kinh Dịch,... đều có cùng khả năng và cấu tạo tư
duy, chỉ khác nhau về cách tư duy mà thôi. Tất cả đều dựa trên cấu trúc
căn bản của trí tuệ con người. Nói chung, chỉ có các nền văn minh khác
nhau chứ không có xã hội “văn minh” và xã hội “dã man” cần được khai
hóa. Theo c. Lévi - Strauss, lý tường của các dân tộc cổ xưa, hoạt động
mà họ hướng tới là làm sao đạt được trạng thái ổn định, giữ được thế
quân bình giữa con người và tự nhiên, trong khi đó chúng ta lại cố gắng
chinh phục tự nhiên. Chinh phục tự nhiên như vậy con người chỉ quý
trọng mình mà không quý trọng sự sổng dưới mọi hình thức, bởi vì con
người thực ra chỉ là một trong rất nhiều hình thức tồn tại của sự sống; đó
là chưa kể đến một điều là khi tiêu diệt thiên nhiên, con người đã thực sự
làm hỏng tấm áo che chở chính mình. Và c. Lévi - Strauss kết luận:
“Chưa bao giờ con người dã man như ngày nay”. Theo ông, các cấu trúc
sống trong quan niệm của con người thời cổ là các cặp đối lập: Trời/ Đất
và Đực/ Cái. Từ tư duy cặp đổi lập, họ tìm ra yếu tổ trung gian xen vào
giữa để tạo nên sự cân bàng. Nhiều lễ nghi, tập tục, thần thoại được tạo ra
là để cụ thể hóa/ thần tượng hoá yếu tố trung gian này. Như tục thờ thần
lửa, táo quân, biểu tượng bếp lò là trung tâm của gia đình,... vốn có ở
nhiều dân tộc. Lửa là trung gian giữa mặt trời nóng rực và trái đất giá
lạnh/ trung gian để tạo sự ổn định cân bàng... Nói đến lý thuyết cấu trúc
của C.Lévi - Strauss, J. Pouillon đã nhận định: “Ông không phải là người
duy nhất nhận mạnh đến tính cẩu trúc của các hiện tượng xã hội, nhưng
tính độc đảo của C.Lévi - Strauss là coi cấu trúc như quy tắc xã hội; theo
C.Lévi - Strauss con người bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào đều thực hiện
những công việc giống nhau, đối với những đổi tượng giống nhau, chỉ cỏ
các phương tiện, phương pháp, thao tác khác nhau ”74.
Ngoài ra, xu hướng cấu trúc luận trường phái Anh của Mary Douglas,
Rodney Needham, Edmund Leach,... không theo hướng cấu trúc mô
hình quan hệ hệ thống và bán hệ thống tổng quát của C.Lévi - Strauss.
Họ tập trung phân tích và xác định các cấu trúc trong xã hội và vận dụng
nó để lý giải các hiện tượng phân lập trong cuộc sống. Ví dụ, Mary Douglas

74 C.Lévi - Strauss, 1996, tr.l 16-134.

38
đã đề cập đến một thói quen xảy ra trong gia đình bà là việc xem món
xúp là món ăn thích hợp cho buổi ăn tối. Bà cho rằng, những bừa ăn
trong gia đình có cùng văn hóa sẽ có những quy tắc cấu trúc chẳc chắn
như vậy, rằng món ăn đó có sự tương phản giữa nóng - lạnh, lỏng - sệt,
nhạt nhẽo - nhiều gia v ị.. ,75.
Nhìn chung, thuyết cấu trúc có những ưu điểm nhất định về việc
khái quát các cấu trúc có tính hệ thống và bán hệ thống trong đời sống xã
hội để luận giải các hiện tượng văn hóa. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học
cũng phê phán thuyết cấu trúc quá chú trọng phân tích/ lý giải các ý
nghĩa tiềm ẩn đằng sau các cấu trúc và nặng về tính khái quát mà không
thể giải thích được những hiện tượng khác biệt/ đặc thù trong cuộc sống,
cũng như các nhà cấu trúc luận không thấy được các nhân tố đang tác
động đến sự biến đổi của các hệ thống cấu trúc xã hội theo sự thay đổi
của điều kiện lịch sử, như c. Mác và F. Ảngghen đã đề cập đến hệ thống
cấu trúc cơ sờ hạ tầng và kiến trúc thượng tầng.
1.3.5.4. Trường phái Sinh thái văn hóa
Không giống như lý thuyết Quyết định luận địa lý ra đời cuối thế
kỷ XIX cho rằng, điều kiện tự nhiên quyết định sự phát triển của các nền
văn hóa, những người theo trường phái Sinh thái văn hóa/ hay còn gọi là
nhân học sinh thái hình thành vào đầu thế kỷ XX, tìm cách lý giải mối
quan hệ giữa môi trường và văn hóa. Đại biểu của trường phái lý thuyết
này là Juliam Steward (1902 - 1977), A. Vayda và Royppaport.
Theo Juliam Steward, văn hóa cùa các dân tộc có mối liên hệ rất
mật thiết vói môi trường. Chính môi trường tạo nên một phong cách văn
hóa của các dân tộc. Theo đó, các hình thái đặc thù về văn hóa ra đời,
như hình thái gia đình, họ tộc, cấu trúc chính trị, tôn giáo, nghi lễ... Nói
cách khác, môi trường là yếu tố tác động mạnh đến sự chọn lọc văn hóa
của một dân tộc, từ cách ăn ở, đi lại đến lễ nghi tôn giáo. Jullam Steward
không đồng tình với quan điểm đặc thù luận lịch sử của Franz Boas
(1858-1942), khi cho ràng mỗi nền vãn hóa, trong một chừng mực nào đó
là độc nhất. Do đó, các nhà nhân học nên đồng hóa bản thân vào nền văn

75 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.27.

39
hóa đó để nhìn nhận nó theo cách mà người bản địa nhìn76, ông đã tìm
hiểu những hiện tượng văn hóa của từng dân tộc trong sự thích nghi với
môi trường tự nhiên. Steward cho đó là môi trường văn hóa tĩnh/ bị tự
nhiên chi phối và ít biến đổi. Từ đó, ông đưa ra khái niệm về loại hình
văn hóa với nội dung chính là tập họp những nét cơ bản tạo nên hạt nhân
của một nền văn hóa trong sự thích nghi với môi trường. Hạt nhân của
một nền văn hóa là những hoạt động sản xuất và với thiết chế xã hội,
chính trị, tôn giáo có quan hệ mật thiết với hoạt động sản xuất đó. Hạt
nhân văn hóa đó theo Steward, có thể có được nếu không phải theo cách
di truyền thì là “quả trình chọn lựa tự nhiên11”.
Tiếp nối với luận thuyết văn hóa sinh thái của Stevvard, vào những
thập niên 60 của thế kỷ XX, các nhà nhân học ở Mỹ, như A. Vayda và
Royppaport đã đưa những quy tắc của sinh thái sinh vật vào nghiên cứu
sinh thái văn hóa. Theo quan điểm của của các học giả trên, đặc điểm văn
hóa giống như các đặc điểm sinh học, có thể thích nghi hay không thích
nghi, có thể liên quan đến chọn lọc tự nhiên trong việc sinh tồn và tái tạo
sản xuất và kết quả là môi trường thay đổi có thể dẫn đến sự biến đổi
văn hóa.
Theo cách tiếp cận này, các nhà nhân học sinh thái ờ Mỹ còn chú
trọng nghiên cứu sự thích nghi về vật chất của con người với môi trường,
được thể hiện qua ăn, ở, mặc,... và sự thích nghi về tinh thần được thể
hiện qua sự phù hợp về tâm lý của con người với môi trường tự nhiên,
bằng các hoạt động văn hóa tinh thần để cân bằng cuộc sống con người
với môi trường, như lễ hội, phong tục tập quán...
Cách tiếp cận sinh thái văn hóa cũng được thể hiện trong lý thuyết
về loại hình kinh tế văn hóa của các học giả Xô Viết, như s.p. Tolstov,
N.N. Trêbôcsarốp, M.G. Levin. Nội dung cơ bản của luận thuyết này là ở
các dân tộc có thể sống cách xa nhau, không có mối liên hệ gì với nhau,
nhưng có cùng một hoạt động kinh tế trong một môi trường tự nhiên
tương đồng sẽ sản sinh những đặc trưng văn hóa tương đồng, như loại

76 Quan điểm của Boas đặt nền móng cho chủ nghĩa tương đối văn hóa ra đời ờ Mỹ: Đề
cao tính riêng biệt của mỗi nền văn hóa và nghiên cứu thực địa.
77 ĐHQGTPHCM, 2007, tr. 300.

40
hình kinh tế văn hóa săn bắn đánh cá hái lượm ở vùng rừng nhiệt đới,
loại hình kinh tế văn hóa của cư dân đánh cá ở vùng biển hồ, loại hình
kinh tế văn hóa nông nghiệp nương rẫy ở vùng rừng núi, loại hình kinh tế
văn hóa nông nghiệp dùng cày của cư dân ở đồng bằng...

1.3.5.5. Trường phái Vòng văn hóa hay Truyền bá luận78


Trường phái Vòng văn ra đời vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX,
gấn với tên tuổi của Fritz Graebner và Wilhelm Schmidt ở Đức và Áo,
Graíton Elliot Smith và W.J. Perry ở Anh. Trường phái này còn được gọi
với các tên khác nhau, như trường phái truyền bá luận, trường phái thiên
di các hiện tượng văn hóa, trường phái vòng văn hóa, trường phái Viênnơ...
Theo quan điểm của trường phái Vòng văn hóa, sự biến đổi văn
hóa của mọi xã hội là kết quả của sự vay mượn, thiên di văn hóa từ các
xã hội khác. Quan điểm này được thể hiện trước hết ở Graebner (1877 - 1934)
và Wilhelm Schmidt (1868 - 1954). Theo đó, văn hóa của các dân tộc sờ
dĩ giống nhau vì chúng xuất phát từ một trung tầm, rồi bành trướng, thiên
di, kết hợp với nhau tạo thành các vòng văn hóa. Vì vậy, chúng tạo nên
nét tương đồng về văn hóa giữa dân tộc này với dân tộc kia; nét tương
đồng đó không phải tự nó xuất hiện, mà do quá trình thiên di, vay mượn
vàn hóa giữa các khu vực khác nhau. Với ý tưởng đó, các lý thuyết gia
Vòng văn hóa đã xác định một số yếu tố đặc thù về văn hóa ờ các khu
vực khác nhau, rồi vẽ sơ đồ vòng văn hóa theo thứ tự thời gian, như vòng
văn hóa của Graebner:
- Văn hóa cổ xưa của người Taxmani (Nam Á).
- Văn hóa ú c cổ đại và các nền văn hóa tương tự ở Nam Á, châu Phi,
Nam Mỹ.
- Văn hóa của những người săn bắn ở Bắc cực.
- Văn hóa của cư dân phụ quyền săn bắn và chăn nuôi ờ châu Đại Dương.
- Văn hóa mẫu quyền cổ đại gắn với nông nghiệp dùng cuốc ờ châu
Đại Dương...

78 Ở nội dung này, chúng tôi sử đụng tài liệu cùa Phan Hữu Dật, 1973, tr.79 - 88 và cùa
Ngô Đức Thinh, 2007.

41
Còn vòng văn hóa của Schmidt hay còn gọi là trường phái
Viênnơ79 lại nêu lên các vòng văn hóa, như:
- Vòng văn hóa cổ xưa của người Pítmê.
- Vòng văn hóa của các bộ lạc Đông Nam úc, Taxmani.
- Vòng văn hóa Bắc Cực, Đông Bắc Á, văn hóa người Exkimô.
- Vòng văn hóa Bumêrăng ở úc, Nam Phi...
- Văn hóa săn bắn của xã hội phụ quyền mang tô tem giáo ở châu
Đại Dương, châu Phi, châu Mỹ.
- Văn hóa nông nghiệp dùng cuốc của xã hội mẫu quyền ngoại hôn
ở Melanedi, Trung Phi và châu Mỹ.
- Văn hóa chăn nuôi - du mục phụ quyền của cư dân du mục ở cực
lục địa...
Ở Anh, đại diện cho trường phái Vòng văn hóa có Graữon Elliot
Smith (1871 - 1937) và W.J. Perry (? - 1949). Các lý thuyết gia này cho
rằng, Ai Cập cổ đại là trung tâm của văn hóa nhân loại, rồi từ trung tâm
đó tỏa ra các nơi khác trên thế giới.
Như vậy, tò lý thuyết thiên di, vay mượn văn hóa, các nhà vòng
văn hóa đã ứng dụng ữong nghiên cứu văn hoá của nhiều khu vực khác
nhau trên thế giới, nhất là ở châu ú c, châu Á, châu Phi, xung quanh các
nền văn minh lớn Ai Cập, Hy Lạp - La Mã cổ đại... Từ đây, họ cũng đưa
ra các ý tưởng đầu tiên về không gian phân bố cùa các “vòng văn hoá”,
như “vòng văn hoá mẫu hệ”, “vòng văn hoá Bumêrăng”, “vòng văn hoá
cung tên”, “vòng văn hoá thiên táng”... Các nhà lý thuyết vòng văn hóa
chủ trương rằng, các sáng tạo văn hoá của nhân loại bao giờ cũng xuất
phát điểm từ một nơi, thuộc một cộng đồng nào đó, rồi sau đó lan truyền
đi các nơi khác và chính sự lan truyền ấy tạo nên động lực của sự phát
triển văn hoá nói riêng và của xã hội nói chung. Điều đó cũng có nghĩa
là, đối với một số cộng đồng, sự tiến bộ văn hoá chủ yếu do vay mượn
chứ không phải do sự sáng tạo độc lập của cộng đồng ấy. Cũng phải nói

79 Schmidt còn đưa ra quan điểm mọi văn hóa đều mang tính nguyên thủy, từ chế độ
một vợ một chồng, độc thần đến chế độ tư hữu.

42
thêm rằng, trước các nhà vòng văn hóa/ truyền bá luận, nhiều nhà nghiên
cứu đã nói tới các hiện tượng “thiên di”, “lan tỏa”, “mô phỏng” văn hoá,
tức là đề cập tới một thuộc tính cơ bản của văn hoá, đó là sự giao lun,
ảnh hường, là sự chia sẻ các giá trị văn hoá.
Rõ ràng, việc các nhà truyền bá luận nêu thuộc tính về sự lan toả,
khuếch tán của văn hoá và vai trò của nó trong phát triển văn hoá của
nhân loại là điều hợp lý và đúng đắn. Tuy nhiên, như sau này, những
người theo chủ nghĩa chủng tộc quá đề cao vai trò của khuếch tán, truyền
bá, đến mức quy khả năng sáng tạo văn hoá cho một số dân tộc, một số
vùng và tất nhiên là các dân tộc thượng đẳng ở châu Âu và phủ nhận khả
năng sáng tạo văn hoá của các dân tộc, các vùng khác, mà thường đó là
châu Á, châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương, rằng họ chỉ có khả năng
tiếp nhận văn hoá mà thôi, thì đó lại là một quan điểm cực đoan, sai trái của
những kẻ theo chù nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa trung tâm châu Âu.
Tiếp thu những mặt tích cực của Truyền bá luận về sự sáng tạo
văn hoá và sự lan truyền văn hoá từ trung tâm, những nhà nhân học Mỹ,
mà đại diện là Boas, L.c. Wissler, đã phát triển lý thuyết trung tâm
trong việc hình thành các “vùng văn hoá” của người Indian ở Bắc Mỹ.
Thay vì chọn một đặc trưng văn hoá tiêu biểu, như mẫu hệ, cung tên,
bumêrăng, hình thức thiên táng,... và vẽ ra các “vòng văn hoá” phân bố
đặc trưng văn hoá đó, thì vào đầu thế kỷ XX, các nhà nhân học Mỹ đã
chọn cách đưa ra một tập hợp các đặc trưng văn hoá tiêu biểu, gọi là
“típ văn hoả đặc trưng”, mà những cái đó là sản phẩm của các "bộ lạc
đặc trưng”, nó đóng vai trò là trung tâm của việc hình thành thuyết
vùng văn hoả và bước đầu cho thấy những dự cảm về mối quan hệ hai
chiều giữa trung tâm và ngoại vi vùng văn hoá. Tuy nhiên, C.L. Wissler
trong chừng mực nhất định, vẫn chịu ảnh hường của truyền bá luận, nên
trong mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi, ông vẫn nhấn mạnh đến
vai trò lan toà, khuếch tán từ trung tâm hơn là sự tác động trờ lại của
ngoại vi đối với trung tâm.
Sau C.L.Wissler, A.L. Kroeber đã phát triển quan điểm về trung
tâm văn hoá. Theo ông, không thể cho rằng tất cả các nhân tố văn hoá

43
đều được sáng tạo và phổ biến từ một nhóm trung tâm, mà mỗi một bộ
lạc đều có thể tham gia vào việc sáng tạo những giá trị văn hoá đặc
trưng của vùng. Chỉ khác là ở trung tâm thì văn hoá biến đổi sống
động hơn, chuyên môn hoá sâu hơn.
Như vậy, từ lý thuyết Vòng văn hóa1 Truyền bá luận văn hoá ở
Tây Âu cuối thế kỷ XIX đến thuyết Vùng văn hóa của nhân học Mỹ đầu
thế kỷ XX là quá trình phát triển, thoát ly dần tính cực đoan một chiều,
chú ý nhiều đến mối quan hệ đa chiều giữa môi trường với các cộng đồng
dân cư, chủ nhân sáng tạo và lan tỏa các hiện tượng văn hoá80.

1.3.5.6. Trường phái dân tộc học và nhân học Xô Viết

Trường phái dân tộc học và nhân học Xô Viết hình thành và phát
triển cùng với sự kiện Cách mạng tháng Mười Nga và sự ra đời nhà
nước XHCN đầu tiên trên thế giới. Trường phái này lấy chủ nghĩa
Mác - Lênin làm cơ sở nền tảng và lấy duy vật biện chứng, duy vật
lịch sử làm cơ sở phương pháp luận.
Trong gần một thế kỷ tồn tại, khoa học dân tộc học và nhân học
Xô Viết đã có nhiều thành tựu trong nghiên cứu và hình thành một số lý
thuyết quan trọng, như lý thuyết về loại hình kinh tế - văn hóa và khu vực
lịch sử dân tộc học, lý thuyết về tộc người và quá trình tộc người, lý

80 Những năm cuối thập kỷ 70 và đầu 80 của thế kỳ XX, các nhà nhân học Xô Viết đã
xuất bản công trinh Trung tâm và ngoại vi trong nghiên cứu văn hoá từ sau các phát
kiến địa lý. Các nhà nghiên cửu người Nga đã xem xét vấn đề trung tâm và ngoại vi cùa
văn hoá từ thực tế hình thành và phát triển các nền văn minh lớn trên thế giới, như vãn
minh Đông Á, văn minh Nam Ả, trong đó văn minh Ấn Độ... Ở đây, có sự tác động
giữa trung tâm và các ngoại vi văn hoá, như giữa văn minh Trung Hoa với các vùng
ngoại vi Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam... Văn minh Án Độ với các nền văn hoá khác
ở Nam Á, Đông Nam Á... Những vấn đề nghiên cứu khu vực dưới cái nhìn giữa trung
tâm và ngoại vi vẫn đuợc các nhà nghiên cứu Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam quan
tâm trong nghiên cứu khu vực văn hoá hiện nay. Đặc biệt gần đây, GS. Michio Sounary
(Nhật Bàn) dã xuất bản công trình Trung tám và ngoại vi từ nghiên cứu thực địa
(1999), đề cập tới các văn hoá khu vực Đông Á. Gần đây, GS. Ngô Đức Thịnh đã xây
dựng thuyết Trung tầm và ngoại vi văn hóa; Ngô Đức Thịnh, 2007.

44
thuyết về trung tâm và ngoại vi văn hóa, lý thuyết về các vấn đề liên quan
đến xã hội thời nguyên thủy, gia đình, tôn giáo và văn hóa tộc người81...
Dân tộc học và nhân học Xô Viết và sau này là dân tộc học và nhân
học Liên bang Nga đã đạt được nhiều thành tựu trong nghiên cứu khoa
học và hình thành nhiều lý thuyết quan trọng, không chỉ góp phần định
hướng cho nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tình hình dân tộc và vấn đề
dân tộc trên thế giới, mà còn góp phần phê phán những luận thuyết sai ứái
của một số trường phái trong nghiên cứu dân tộc học và nhân học tư sản.
Tổng kết chưong
1. Định nghĩa: Nhân học (Anthropology), bắt nguồn từ tiếng Hy
Lạp: Anthropos là con người và Logos lý luận; là một ngành khoa học xã
hội và nhân văn, nghiên cứu tổng thể về bản chất con người, bao gồm
con người sinh học (mặt tự nhiên của con người) và con người văn hóa
(mặt xã hội của con người) trong cả tiến trình lịch sử của xã hội loài
người; nhân học có 5 phân ngành chính: nhân học hình thể/ nhân chủng
học, nhân học ngôn ngữ, nhân học khảo cổ, nhân học văn hóa - xã hội,
nhân học ứng dụng.
2. Đối tượng: Nhân học nghiên cứu con người trong phạm vi toàn
nhân loại với tất cả các mặt khác nhau thuộc về bản chất con người, cả
con người sinh học lẫn con người xã hội; với các đối tượng nghiên cứu rộng
lớn, bao gồm nhân học khảo cổ, nhân học ngôn ngữ, nhân học văn hóa...
3. Chức năng: Nhân học nghiên cứu toàn bộ tiến trình phát triển của
xã hội loài người, gắn với nhân học lịch sử và nhân học hiện đại, nhưng xu
hướng chính là nghiên cứu hiện đại, coi trọng nghiên cứu phát triển, bảo tồn
trong phát triển.
4. Nhiệm vụ: Nhân học nghiên cứu toàn diện về bản chất con
người, về đặc điểm nhân chủng, các di sản văn hóa còn lưu giữ lại (khảo
cổ học), các đặc trưng ngôn ngữ (ngôn ngữ học), đặc điểm hóa văn hóa -
xã hội của các nhóm người trên thế giới và ứng dụng những tri thức về
bàn chất con người vào đời sống xã hội (nhân học ứng dụng).

81 Một phần lý thuyết trong nghiên cứu dân tộc học và nhân học Xô Viết được thể hiện
trong chương Văn hóa tộc người.
45
5. Phương pháp nghiên cứu: Nhân học về cơ bản thực hiện các
phương pháp như điền dã, phân tích và tổng họp, nghiên cứu liên ngành,
nghiên cứu định tính và định lượng, so sánh.
6. Lịch sử hình thành và phát triển: Nhân học được hình thành vào
khoảng nửa cuối thế kỷ XIX: Nhân học hình thể. Đến cuối thế kỷ XIX đầu
thế kỷ XX, nhân học văn hóa xã hội ra đời ở Anh, Mỹ và sau đó là các nước
khác ở Tây Âu. Ở các nước ảnh hường dân tộc học Xô Viết, vào những năm 90
của thế kỷ XX bắt đầu quá trình chuyển đổi từ dân tộc học sang nhân học,
hoặc kết hợp giữa dân tộc học và nhân học
7. Các trường phái nghiên cứu trong nhân học: Trường phái Tiến
hóa luận, trường phái Chức năng, trường phái cấu trúc luận, trường phái
Sinh thái văn hóa, trường phái Vòng văn hóa hay Truyền bá luận...

Tài liêu tham khảo

1. Vũ Minh Chi (2004), Nhân học văn hóa, Nxb CTQG, H.


2. Phan Hữu Dật (1973), Dân tộc học, Nxb Đại học và Trung học
Chuyên nghiệp, H.
3. Phan Hữu Dật (2015), Dân tộc học và nhân học ở Việt Nam
trong xu thế toàn cầu hóa, Nxb ĐHQGHN.
4. ĐHQGTPHCM (2007), Nhập môn lý thuyết nhân học, Nxb
ĐHQGTPHCM.
5. ĐHQGTPHCM (2006), Một sổ 'Vấn đề phương pháp và lý thuyết
nghiên cứu nhân học, Nxb ĐHQGTPHCM.
6. ĐHQGTPHCM (2008), Nhân học đại cương, Nxb
ĐHQGTPHCM.
7. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn học.
8. Mạc Đường (2002), Nhân học đô thị, Nxb Trẻ, TPHCM.
9. Emily A.Schultz & Robert H.Lavenda (2001), Nhân học, một
quan điếm về tình trạng nhân sinh, Nxb CTQG, H.
10. Robert M.Emerson, Rachel I.Fretz, Linda L.Shaw (2014), Viết
các ghi chép điền dã dân tộc học, Nxb Tri thức.
11. Lê Sỹ Giáo (Cb), (2000), Dân tộc học, Nxb GD, H.
46
12. Hán Văn Khẩn (Cb), (2008), Cơ sở khảo cổ học, Nxb
ĐHQGHN.
13. C.Lévi - Strauss (1996), Chủng tộc và lịch sử, Hội Khoa học
Lịch sử Việt Nam xuất bản, H.
14. Phạm Văn Lình và Võ Văn Thắng (2008), Nhân học y tế, Nxb
Đại học Huế.
15. c . Mác, F. Ăngghen (1962), Tuyển tập, T. II, Nxb ST, H.
16. Ngô Đ ứ c Thịnh (2007), L ý thuyết trung tâm ngoại vi trong
nghiên cứu không gian văn hóa, TC. VHDG, số 1.

47
Chương 2

NGUỎN GÓC LOÀI NGƯỜI

Nguồn gốc loài người không phải là một vấn đề mới. Từ lâu, các
nhà khoa học đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và luôn đặt ra những
câu hỏi con người có nguồn gốc từ đâu, xuất hiện ở đâu, khi nào, và tìm
cách lý giải nó. Mặc dù vậy, cho đến hiện nay, vấn đề này vẫn chưa được
giải quyết một cách dứt điểm và thuyết phục, bởi lẽ con người xuất hiện
cách ngày nay cả hàng triệu năm với một quá trình chuyển biến lâu dài
về mặt sinh học và xã hội. Sự hạn chế của các cơ sở dữ liệu khoa học liên
quan cũng là một nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến tình trạng đó.
Vì tính phức tạp của nó cho nên khi nghiên cứu về nguồn gốc loài người
cần phải dựa vào các dữ liệu khoa học và phải có sự kết hợp của nhiều
ngành khoa học khác nhau liên quan đến việc nghiên cứu nguồn gốc loài
người, như cổ nhân học, khảo cổ học, cổ động, thực vật học, di truyền học...
2.1. CON NGƯỜI LÀ GÌ? BẢN CHẤT CỦA CON NGƯỜI
Sự xuất hiện của con người đánh dấu trình độ phát triển cao của thế
giới sinh vật. Con người được xem là sinh vật tiên tiến nhất trong quá
trình tiến hóa của sinh giới. Mặc dù vậy, khi định nghĩa con người, xác
định bản tính, bản chất con người là gì, đã có nhiều quan niệm khác
nhau, chưa thống nhất. Tư tưởng cổ đại coi con người là sự kết hợp giữa
thể xác và linh hồn. Quan niệm duy tâm cho bản chất của con người là
tinh thần. Quan niệm siêu hình chỉ nhìn thấy con người riêng rẽ, hoặc
mặt sinh học hoặc mặt tâm lý trong con người. Các nhà triết học duy vật
cổ đại đưa ra quan niệm về bản chất vật chất tự nhiên của con người, coi
con người cũng như vạn vật trong giới tự nhiên không có gì thần bí, đều
được cấu tạo nên từ vật chất.
Kế thừa và phủ nhận những quan niệm trước đó, các nhà triết học
của chủ nghĩa Mác - Lênin khẳng định, con người hiện thực là sự thống
nhất giữa yếu tố sinh học và yếu tố xã hội.
Tiền đề vật chất đầu tiên quy định sự tồn tại của con người là giới
tự nhiên. Cũng do đó, bản tính của con người bao hàm trong nó mặt sinh

48
học, tính lo à i của nó. Vì vậy, có thể nói: tự nhiên là “thân thể vật chất
củ a c o n n g ư ờ i co n n gư ời là một bộ phận củ a tự nhiên; là kết quả của
quá trình phát triển và tiến hoá lâu dài của môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, mặt tự nhiên không phải là yếu tố duy nhất quy định
bản chất con người. Đặc trưng quy định sự khác biệt giữa con người với
thế giới loài vật là phương diện xã hội của nó.
Với phương pháp biện chứng duy vật, triết học Mác nhận thức vấn
đề con người một cách toàn diện, cụ thể, trong toàn bộ tính hiện thực xã
hội của nó, mà trước hết là lao động sản xuất ra của cải vật chất đã làm
thay đổi, cải biến giới tự nhiên, trong đó có cả bản năng tự nhiên của con
người: “Con vật chi sản xuất ra bản thân nỏ, còn con người thì tái sản
xuất ra toàn bộ giới tự nhiên”.
Tính xã hội của con người biểu hiện trong hoạt động sản xuất vật
chất. Thông qua lao động sản xuất, con người tạo ra của cải vật chất và
tinh thần, phục vụ cuộc sống của mình; hình thành, phát triển ngôn ngữ
và tư duy; xác lập quan hệ xã hội. Bời vậy, lao động là yếu tố quyết định
sự hình thành bản chất xã hội của con người, đồng thời hình thành nhân
cách cá nhân trong cộng đồng xã hội.
Như vậy, con người vượt lên thế giới loài vật trên cả ba phương diện
khác nhau: Quan hệ với tự nhiên, quan hệ với xã hội và quan hệ với chính
bàn thân con người. Cả ba mối quan hệ đó, suy đến cùng, đều mang tính xã
hội, ứong đó quan hệ xã hội giữa người với người là quan hệ bản chất, bao
trùm tất cả các mối quan hệ khác và mọi hoạt động trong chừng mực liên
quan đến con người.
Bởi vậy, để nhấn mạnh bản chất xã hội của con người, c . Mác đã
nêu lên luận đề nổi tiếng: Bản chất con người không phải là một cái trừu
tượng cố hữu của cả nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản
chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội.
Không có thế giới tự nhiên, không có lịch sử xã hội thì không tồn
tại con người. Bời vậy, con người cũng là sản phẩm của lịch sử, của sự
tiến hóa lâu dài của giới hữu sinh. Song, điều quan trọng hơn cả là, con
người luôn luôn là chủ thể của lịch sử - xã hội.

49
2.2. NHỮNG QUAN ĐIẺM KHÁC NHAU VÈ NGUỒN GÓC
LOÀI NGƯỜI

Cho đến nay, có rất nhiều quan điểm khác nhau giải thích nguồn
gốc loài người. Điều này phục thuộc vào quan điểm, khả năng nhận thức
và những dữ liệu khoa học khác nhau trong mỗi thời kỳ. v ề cơ bản, có
thể chia vấn đề nhận thức về nguồn gốc loài người thành các nhóm quan
điểm sau:
- Truyền thuyết, thần thoại: Từ xa xưa con người đã có những
truyền thuyết, thần thoại khác nhau để giải thích về nguồn gốc loài
người, như thần thoại Hy Lạp cổ cho rằng con người do các vị thần sáng
tạo ra từ đất và nước, người cổ Trung Quốc tin ràng, bà Nữ Oa dùng bùn
vàng nặn ra con người và thổi vào đó sự sống, sách của Trang Tử, Trung Quốc
còn cho rằng: “Loài sâu rễ tre sinh ra loài báo, báo sinh ra ngựa, ngựa
sinh ra người ”82, người cổ Ai Cập lại cho thần Hanuman dùng đất sét tạo
ra người trên bàn xoay gốm rồi trao cho linh hồn. Cũng theo huyền thoại
thì người Việt chúng ta có nguồn gốc “ c ỡ h Rồng cháu Tiên”...
Như vậy, nhóm quan điểm truyền thuyết, thần thoại giải thích
nguồn gốc loài người từ các loài động vật hoặc do thần linh tạo ra.
- Quan điểm tôn giáo và duy tâm: Kinh Thánh của đạo Thiên Chúa
ừình bày về nguồn gốc các loài vật và con người một cách có hệ thống.
Điển hình hơn cả là hình tượng Adam và Eva. Theo đó, Đức Chúa trời đã
sinh ra con người vào ngày thứ sáu, bằng cách dùng đất sét nặn thành
người đàn ông (Adam) và lấy xương sườn của người đàn ông tạo ra
người đàn bà (Eva). Từ khi nghe theo lời dụ dỗ của quỷ dữ ăn trái cấm,
biết tình yêu vợ chồng, họ đã bị đuổi khỏi vườn địa đàn và tạo ra thế giới
loài người.
Đạo Hồi cho rằng con người là sản phẩm do thánh Alla sinh ra.
Án Độ giáo cho con người do thần Brahma (thần sáng tạo) tạo nên. Còn
Phật giáo cho rằng, con người được tạo ra từ 4 yếu tố của tự nhiên: địa,
thủy, hỏa, phong (đất tạo nên hình hài, nước tạo nên chất lỏng của cơ thể,

82 Dần theo Hán Văn Khẩn (Cb), 2008, tr. 81.

50
hỏa tạo nên thân nhiệt và gió tạo nên hơi thở, khí trong cơ thể). Bốn yếu
tổ đó khi nhân duyên hòa họp thì xuất hiện con người, nhân duyên không
hòa hợp thì con người chết hay không tồn tại, thể xác con người lại trở về
với đất đai.
- Quan điểm của các nhà khoa học theo thuyết tiến hóa: Tiêu biểu
cho nhóm quan điểm này là các học giả K. Linnaeus, J.B. Lamark và
c . Darvvin. Có thể nói, K. Linnaeus là người đầu tiên xếp con người vào
hệ thống phân loại sinh giới. Năm 1758, ừong tác phẩm Hệ thống tự nhiên
(Systema Natura), K.Linnaeus đã xếp con người vào bộ linh trưởng (Primates),
chung với khỉ vượn, vượn cáo, đười ươi. Chính ông đã đặt tên Homo cho
giống người gồm hai loài: Homo sapiens và Homo troglodytes83. Tuy
chưa thoát khỏi quan niệm bất biến về giống loài, nhưng K. Linnaeus
thực sự là người đầu tiên tiến hành phân loại và xếp con người vào bảng
phân loại sinh giới.
Năm 1809, trong tác phẩm Triết học động vật, nhà bác học người
Pháp J.B. Lamark đã chỉ rõ việc các động vật cao đẳng phát sinh tò các
động vật hạ đẳng và loài người có nguồn gốc từ loài vượn người. Tuy
nhiên, ông chưa đưa ra được những bằng chứng chắc chắn có đủ sức
thuyết phục.
Đáng chú ý nhất trong các giải thích nguồn gốc loài người theo
thuyết tiến hóa là quan điểm của Charles Danvin. Quan điểm của ông về
nguồn gốc loài người được trình bày trong các tác phẩm Nguồn góc các
loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên và Nguồn gốc loài người và chọn
lọc giới tỉnh. Theo đó, ông chứng minh rằng, loài người đã phát sinh từ
giống vượn người hóa thạch đã bị tiêu diệt. Ông cũng cho rằng, người
đom giản là một loài có vú hậu thế của những loài có vú khác. “Chúng ta
cần công nhận rằng con người hãy còn duy trì trong tổ chức cơ thể cùa
mình những dấu vết từ sinh vật bậc thấp”, ông cho rằng, người khác với
khi, vượn ờ 4 đặc tính căn bản: sự di chuyển trên hai chân, khả năng kỹ
thuật tiến bộ, não bộ lớn và phức tạp, cuối cùng là sự giảm đi đáng kể các

83 Homo troglodytes là loài người được mô tà bời các nhà du lịch: Chi hoạt động ban
đêm và có các đặc tính trung gian giữa đười ươi và hắc tinh tinh (khi già nhân).

51
răng nanh. Theo Darwin, các tính chất tình cảm và luân lý riêng ở người
là hiện tượng đặc biệt và sự săn bắt đã tạo thuận lợi cho việc đi bằng hai
chân, giải phóng đôi tay, sự chế tạo vũ khí và công cụ. Hoạt động cuối
cùng này thúc đẩy sự phát triển bộ não và sự giảm răng nanh84. Darvvin
cũng cho rằng, loài người hình thành trong kỷ thứ ba (kỷ đệ tam); tổ tiên
của người là những vượn người cổ sống trên cây; nơi phát sinh loài người
là châu Phi; và các dạng vượn người hiện nay ờ châu Phi và nhiều
nơi khác không phải là tổ tiên trực tiếp của người, mà chỉ có quan hệ
họ hàng85.
Quan điểm của Darvvin được xem là một cuộc cách mạng trong
nhận thức về nguồn gốc loài người trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên,
do sự hạn chế về mặt tư liệu nên ông chưa chỉ ra được việc con người bắt
nguồn từ loài vượn hóa thạch nào và ông lý giải nguyên nhân của quá
trình tiến hóa từ vượn thành người là do quá trình chọn lọc tự nhiên, tức
là thuần túy dưới góc độ sinh học, chứ chưa nhìn thấy vai trò của yếu tố
xã hội trong quá trình chuyển hóa đó. c. Darvvin cũng không giải quyết
được triệt để vấn đề vì sao loài người đã tự tách ra khỏi thế giới động vật
và vì sao con người tối cổ đã biến chuyển thành người hiện đại. ông đã
coi loài người cũng giống như các giống loài sinh vật khác, phát triển
tuân theo quy luật sinh vật mà không thấy được sự khác biệt về chất giữa
người và động vật.
- Quan điểm của c. Mác và F. Ăngghen: Kế thừa và phát triển quan
điểm của các nhà khoa học giải thích nguồn gốc loài người theo thuyết
tiến hóa mà tiêu biểu là c . Danvin, c . Mác và F. Ăngghen cũng cho rằng
con người có nguồn gốc từ một loài vượn người và cũng đồng tình với
c . Danvin là sự ra đời của con người trước hết là do chọn lọc tự nhiên,
tuy nhiên đó không phải là yếu tố duy nhất, quyết định. Đóng góp to lớn
của c . Mác và F. Ăngghen là đã khắc phục được những hạn chế của
c . Darvvin trong việc giải thích nguồn gốc loài người và đã chứng minh

84 Dần theo Phạm Thành Hổ, 2003, tr. 9.


85Xem thêm Phạm Thành Hổ, 2003, tr. 13.

52
một cách thuyết phục nguyên nhân và động lực của sự chuyển biến từ
vượn thành người.
Theo đó, c. Mác và F. Ăngghen cho rằng, chính lao động là điều
kiện cơ bản quyết định sự chuyển biến của con vượn thành con người
ngay trong quá trình chuyển biến cơ thể86.
- Quan điểm của các nhà khoa học hiện nay: Với kết quả của các
ngành khoa học liên quan đến nghiên cứu nguồn gốc loài người, như cổ
nhân học, khảo cổ học, cổ môi trường học,... các nhà khoa học hiện nay
đã đạt được những bước tiến to lớn trong việc tìm hiểu nguồn gốc loài
người. Theo đó, tổ tiên trực tiếp của loài người là vượn người Phương Nam
Australopithecusafricanus, tìm thấy đầu tiên ở Taung (Nam Phi) vào
năm 1924, với tên gọi “hóa thạch bé T a u n g Sau đó, hóa thạch người
vượn Phương Nam cũng được tìm thấy ờ châu Âu, châu Á (Trung Quốc).
Vượn người Phương Nam sống cách ngày nay khoảng 5 triệu năm đến 1
triệu năm87, có nhiều đặc điểm giống người nhất so với các hóa thạch
vuợn người khác. Đó là có dung tích óc lớn (từ 530 - 600cm3, người hiện
đại là 1.350cm3-1.500cm3), đứng thẳng, đi bằng hai chân dù còn vụng về,
rang nanh không nhô khỏi hàm và không nhọn, có thể đã biết sử dụng đá,
gỗ, xương, sừng động vật như là công cụ để chống lại các loài thú khác
và đào củ hoặc rễ cây. Tuy nhiên, người vượn Phương Nam chưa biết chế
tạo và sử dụng công cụ bàng đá, xương, sừng... Cùng loài với hóa thạch

86 Theo c. Mác & F. Ẫngghen, chính lao động đã chuyển biến cấu trúc sinh học của con
vượn để thành người, như hai chi trước dùng để cầm nắm công cụ và chế tác công cụ
lao động nên hình thành đôi bàn tay; con người đứng thẳng, góp phần hình thành cơ
quan phát âm hoàn chinh; lao động là nhân tố biển bộ não của con vượn vốn là cơ quan
lưu giữ các phản xạ bản năng thành bộ não ờ con người có khả năng trừu tượng hóa và
khái quát hóa thế giới; lao động là nhân tố góp phần hình thành ngôn ngữ... Gần đây
xuất hiện học thuyết “Xa mãi châu Phỉ' cho rằng, còn rất lâu mới chứng minh được
châu Phi là nơi hình thành loài người. Tại sao vượn thành người mà hơn 2 triệu năm nay
vượn không thành người nữa. Phải chăng con vượn thành người là những con vượn tật
nguyền bị các chất phóng xạ làm mất đi 2 NST mà những con vuợn tật nguyền đó đã
mất đi khả năng leo trèo...
87 Phạm Thành Hổ, 2003, tr. 11.

53
Taung là hóa thạch Lucy88 được phát hiện vào năm 1974 ở Ethiopia.
Lucy thuộc họ Australopithecus a/arensis, sống cách đây khoảng
3,85 - 2,95 triệu năm. Có khoảng hơn 300 hóa thạch cùng loại đã được
phát hiện, vì thế Austraỉopithecus afarensis trở thành một trong những
nguồn dữ liệu về người cổ dồi dào nhất cho các nhà nghiên cứu.
Sau vượn người Phương Nam, các nhà khoa học đã tìm thấy di cốt
hóa thạch của con người thực sự - người chế tạo công cụ. Theo đó, giống
người cổ sớm nhất là người Tiền Đông Phi (Prezinjanthropus), còn gọi là
người khéo léo (Homo Habilis), có niên đại khoảng 3 triệu đến 1,6 triệu
năm. Hóa thạch người cổ này được nhà khoa học L. Leaky phát hiện ở
Olduvai (Tanzania) từ năm 1960 đến 1963, gồm xương hàm, xương sọ,
xương ngón tay, xương bàn chân. Người khéo léo có thể tích óc là
675 - 680cm3, lớn hom vượn người Phương Nam nhưng lại nhỏ hơn
người đứng thẳng Java. Răng Người khéo léo có những nét người nhưng
đồng thòi cũng có những nét vượn. Xương bàn tay rất giống bàn tay
người với những đốt móng rộng. Người khéo léo đi hai chân như người,
nhưng ngón tay dài hon người, xòe rộng, có thể còn giữ trong mức đó
nào đó chức năng cầm bắt. Dựa vào hình thái di cốt, nhất là sự tồn tại của
một số công cụ bằng đá thạch anh và cuội cùng trong lớp tìm thấy di cốt
người khéo léo, L. Leaky cho rằng Người Khéo léo đã là người.
Sau Người Khéo léo là Người đứng thẳng (Homo erectus). Di cốt
Người đứng thẳng phát hiện được ờ nhiều nơi của châu Phi, châu Âu và
châu Á, trong đó hóa thạch nổi tiếng nhất, cổ xưa nhất là người vượn Java.
Hóa thạch này được thầy thuốc E. Dubois (Hà Lan) phát hiện vào các năm
1890 - 1892 tại Java (Indonesia) và được ông gọi tên là Pithecanthropus
đứng thẳng (Pithecanthropus erectus) hay người vượn Java, niên đại
được xác định khoảng 70 vạn năm. Người đứng thẳng Java có trán thấp, bợt ra
phía sau, u mày nổi cao như vượn, nhưng thể tích óc đã khá lớn, từ
750cm3 - 900cm3, có thể đã bắt đầu có ngôn ngữ, thị giác phát triển đã bằng

88 Sỡ dĩ, các nhà khoa học đặt tên cho hóa thạch này là Lucy là bởi vì trong lúc khai
quật, họ thường mở một băng nhạc của Beatles, trong đó có bài “Lucy in the Sky with
Diamonds

54
người hiện đại. Người đứng thẳng Java cao l,65m, đứng thẳng trên 2
chân, 2 tay tự do, không chống xuống đất để đỡ cơ thể.
Di cốt của Người đứng thẳng còn được phát hiện ở Heidelberg -
Homo Heidelbergensis (Đức), ở Bắc Kinh/ còn gọi là người vượn Bắc Kinh,
Chu Khẩu Điếm (được đặt tên là Sinanthropus pekinensis), người Lam
Điền hay Sinanthropus loài Lam Điền (Sinanthropus lantinensis); người
Nguyên Mưu (Homo erectus yuanmouensis) (Trung Quốc), ở Thẩm Khuyên,
Thẩm Hai (Lạng Sơn, Việt Nam)...
Kế tiếp người đứng thẳng (Homo erectusì trong con đường tiến hóa
của loài người là người Neanderthal (Homo Neanderthalensis), được phát
hiện đầu tiên ở Neanderthal (Đức) năm 1856. Sau đó, nhiều hóa thạch
cùng loài cũng được phát hiện ờ châu Phi, châu Âu và châu Á. Nhìn
chung, người Neanderthal có những đặc điểm trung gian giữa người
đứng thẳng (Homo erectus) và người hiện đại (Homosapiens). Người
Neanderthal tồn tại trong khoảng thời gian từ 0,35 đến 0,03 triệu năm,
được xem là tổ tiên trực tiếp của người châu Âu. Sự diệt vong của người
Neanderthal được cho là do sự đồng hóa của người hiện đại (Homosapiens)
và sự thay đổi về môi trường.
Sau người Neanderthal là người hiện đại (Homosapiens) hay người
trí tuệ, người mới, người thông minh, xuất hiện đầu tiên cách ngày nay
khoảng trên dưới 10 vạn năm. Hiện nay, người hiện đại được phân chia
thành: Người hiện đại sớm (Homosapiens)89 và người hiện đại muộn
(Homosapiens sapiens)90. So với người Neanderthal, người hiện đại không
còn nét vượn, hoàn toàn giống chúng ta hiện nay, thể tích óc lớn, khoảng
1.300-1.500cm3, đi thẳng hoàn toàn, lưng không gù, cổ không cúi về phía
trước. Sự xuất hiện của người hiện đại có thể coi là bước nhảy vọt thứ
hai, sau bước nhảy vọt từ vượn thành người trong quá trình tiến hóa của
loài người91. Hóa thạch người Homosapiens được tìm thấy ở nhiều khu
vực thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ.

89 Các hóa thạch người ở Thẩm Ôm (Nghệ An) và Hang Hùm (Yên Bái) ở Việt Nam
thuộc người hiện đại sớm (Homo sapiens).
90 Các hóa thạch ờ Thung Lang (Ninh Bình) và Kéo Lèng (Lạng Sơn) ờ Việt Nam thuộc
người hiện đại muộn (Homo sapiens sapiens).
9lHán Văn khẩn (Cb), 2008, tr. 93.

55
2.3. THỜI GIAN VÀ KHÔNG GIAN XUẤT HIÊN LOÀI NGƯỜI
Một trong những vấn đề còn nhiều tranh cãi trong giới khoa học
hiện nay khi bàn về nguồn gốc loài người là con người xuất hiện đầu tiên
vào thòi gian nào, ở đâu? v ề thời gian xuất hiện, khi phát hiện hóa thạch
người Zinjanthropus (người Đông Phi) năm 1959, nhà khoa học Leaky
cho rằng giống vượn người xưa nhất xuất hiện đầu niên đại thứ tư cách
đây từ 800.000 đến 1.000.000 năm. Nhưng gần đây, nhờ phương pháp
định tuổi căn cứ vào tỷ lệ Potassium/ Argon, người ta tuyên bố xã hội
người Zinjanthropus không những đã sống 600.000 năm trước đầy mà
đích thị là đã ảnh hưởng ánh sáng mặt trời 1.750.000 năm về trước. Tuy
nhiên, hiện nay người ta đã xác định người; Zinjanthropus (người Đông Phi)
không phải là loài người đầu tiên mà trước đó, hay tổ tiên đầu tiên của
con người là người Prezinjanthropus (người tiền Đông Phi hay người
Homo habilis - người khéo léo). Vófi sự tiến bộ của các phương pháp xác
định niên đại tuyệt đối, nhất là phương pháp Kali - Argon, hiện nay nhiều nhà
khoa học thừa nhận thời gian xuất hiện loài người khoảng 3 triệu đến 1,6 triệu
năm cách ngày nay. Gần đây, nhà khoa học người Nga G.N. Machusin đã
quả quyết ràng, lần đầu tiên con người xuất hiện cách đây không
muộn hơn hơn 2 triệu năm (2.6 triệu năm trước)92.
Như vậy, với những kết quả nghiên cứu gần đây, có thể khẳng định
con người xuất hiện đầu tiên khoảng 3 triệu đến 1,6 triệu năm cách ngày
nay (niên đại xuất hiện người Homo habilis - người khéo léo).
v ề không gian xuất hiện loài người cũng có rất nhiều quan điểm
khác nhau. Có người cho rằng, loài người xuất hiện ở châu Mỹ trước hết.
Có thuyết lại cho quê hương duy nhất của loài người là châu Á. Có
thuyết lại cho rằng, các lục địa cũ Phi, Á, Âu đều có đủ điều kiện để tạo
nên loài người. Hiện nay, đa số các nhà khoa học cho rằng, châu Phi là
cái nôi của nguồn gốc loài người.
Như vậy, có 3 nhóm giả thuyết khác nhau về không gian xuất hiện
loài người, đó là:
- Thuyết 1 trung tâm: Cho rằng con người xuất hiện đâu tiên ở
châu Phi, sau đó mói chinh phục các vùng, các châu lục khác.
- Thuyết 2 trung tâm: Cho rằng con người xuất hiện đầu tiên ở
Đông Bắc Phi và Tây Nam Á.

92G.N. Machusin, 1986, tr. 68.

56
- Thuyết đa trung tâm: Cho rằng con người xuất hiện đồng thời ở
nhiều nơi khác nhau.
Những phát hiện về nguồn gốc loài người trong những năm gần
đây cho thấy, hóa thạch người vượn Homo hobilis chỉ được phát hiện ở
khu vực châu Phi, các hóa thạch người sau đó đã được tìm thấy ở nhiều
châu lục khác nhau. Điều này củng cố cho quan điểm con người xuất
hiện đầu tiên ở châu Phi (Nam và Đông Phi) sau đó lan tỏa ra các châu
lục khác. Mặt khác, khi nghiên cứu về vượn người Australopithecus, các
nhà nhân chủng học cho rằng, giống Australopithecus xen lẫn vào giữa
các giống có nhân tính và các giống nhân hình đã phát hiện được. Điều
này cho thấy, vùng nào đó có giống Australopithecus sinh trường thì
vùng đó có giống người. Và những phát hiện của Leaky về người vượn
Homo habilis ở Olduvai (Tanzania) và vùng hồ Turkana (Kenya) có niên
đại xưa nhất đã cho thấy quan điểm con người xuất hiện đầu tiên ờ
châu Phi không phải là không có cơ sở.
2.4. NGUYÊN NHÂN VÀ ĐỘNG L ự c CỦA QUÁ TRÌNH CHUYẺN
BIÉN TỪ VƯỢN THÀNH NGƯỜI
Đây cũng là vấn đề rất quan trọng được đặt ra khi tìm hiểu về
nguồn gốc loài người. Giải quyết vấn đề này là đi tìm câu trả lời cho câu
hỏi vì sao vượn người chuyển hóa thành người? Và vấn đề này cũng có
nhiều cách giải thích khác nhau.
Học giả đầu tiên đề cập đến vấn đề này có lẽ là c. Darwin, khi ông
cho ràng, do tác động cùa thay đổi khí hậu mà loài vượn đã phải thích
nghi với cách kiếm ăn trong môi trường mới, di chyển bằng hai chân,...
rồi dần dần chuyển biến thành người. Hay nói đúng hơn, theo c. Danvin
do chọn lọc tự nhiên mà giống vượn người hóa thạch, tổ tiên của loài
người xuất hiện. Quan điểm của c. Danvin được xem là một cuộc cách
mạng trong nhận thức về nguồn gốc loài người trong bối cảnh xã hội
đương thời. Tuy nhiên, c. Danvin đã dùng quan điểm thuần túy sinh học
để giải quyết vấn đề mà chưa nhận thấy được vai trò của yếu tố xã hội
trong sự chuyển biến từ vượn thành người.
Người có những kiến giải thuyết phục, đầy đủ nguyên nhân và
động lực trong sự chuyển biến từ vượn thành người là F. Ăngghen. Trong
57
tác phẩm Tác dụng của lao động trong sự chuyển biến từ vượn thành
người, F. Ăngghen vạch rõ chỗ khác nhau căn bản giữa người và động
vật là lao động. "Lao động là điều kiện cơ bản đầu tiên cùa toàn bộ sinh
hoạt loài người, và như thể đến một mức mà, trên một ỷ nghĩa nào đó,
chủng ta phải nói: Lao động đã sáng tạo ra chỉnh bản thân con người...
Có đặc điểm gì phân biệt đàn vượn và xã hội loài người? Đó là lao
động”, và “loài động vật chỉ lợi dụng tự nhiên bên ngoài và chỉ đơn
thuần vì sự có mặt của mình mà gây ra những biến đổi trong tự nhiên;
cỏn con người thì do đã tạo ra những biến đổi đó mà bắt tự nhiên phải
phục vụ cho những mục đích của mình, mà thống trị tự nhiên. Và chính
đó là chỗ khác nhau chủ yếu và cuối cùng giữa con người và các loài
động vật khác, và một lần nữa, chỉnh cũng lại nhờ lao động mà con
người mới có được sự khác nhau đó ”93. Theo F. Ăngghen, do chuyển
xuống mặt đất, giống vượn người tổ tiên của loài người dần dần đi thẳng
người được. Hai bàn tay được tự do, phải đảm nhận thêm nhiều hoạt
động khác. Và dần dần, tổ tiên con người đã dùng đôi tay của mình chế
tạo ra công cụ. Bước biến chuyển đôi tay của tổ tiên chúng ta, từ chỗ
không biết chế tạo công cụ đến chỗ biết chế tạo công cụ là một quá trình
rất lâu dài và chậm chạp. Do bàn tay người phát triển, toàn bộ cơ thể của
tổ tiên chúng ta cũng đã thay đổi theo do tác dụng của quy luật phát triển
tương quan. Với sự phát triển của bàn tay và với quá trình lao động, tầm
mắt con người được mờ rộng. Trong các đối tượng tự nhiên, con người
phát hiện ra những đặc tính mới mà trước kia chưa biết. Mặt khác, lao
động đã tạo ra khả năng cho các thành viên xã hội liên kết chặt chẽ với
nhau hơn, tương trợ và hợp tác thường xuyên hơn. Mỗi cá nhân càng
ngày càng có ý thức rõ rệt về lợi ích của sự hợp tác đó. Con người đi đến
chỗ phải nói với nhau một cải gì đấy và nhu cầu đó đưa đến chỗ xuất
hiện ngôn ngữ “Ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động và cùng phát triển
với lao động, đó là cách giải thích duy nhất đúng về nguồn gốc của ngôn
ngữ”94. Lao động và ngôn ngữ đã kích thích sự phát triển của bộ óc. Các
giác quan cũng song song phát triển theo và đến lượt bộ óc và giác quan
lại tác động trở lại lao động và ngôn ngữ, thúc đẩy lao động và ngôn ngữ
tiếp tục phát triển.

93c. Mác và F. Ăng Ghen, 1962, tr. 136.


94c. Mác và F. Ẩngghen, 1962, ừ. 125.
58
Gần đây, trong tác phẩm Nguồn gốc loài người do nhà xuất bản Mir,
Maxcova ấn hành năm 1982 (hiện đã được dịch ra tiếng Việt), G.N. Machusin
đã có những phát hiện đáng chú ý về nguồn gốc loài người.
Theo Machusin, cái nôi của loài người là ở Nam và Đông Phi. Lần đầu
tiên con người xuất hiện cách đây không muộn hơn hơn 2 triệu năm
(2.6 triệu năm trước). Khi giải thích về nguyên nhân và động lực của sự
chuyển biến từ vượn thành người, ông cho rằng, do ảnh hưởng lớn của
bức xạ đã gây đột biến các gen làm cho con người xuất hiện, trước hết về
mặt sinh học. Chính do sự xuất hiện cơ cấu sinh học mới (đi thẳng, vỏ
đại não phát triển) đã bước chuyển sang lao động có hệ thống, mờ đầu
thật sự lịch sừ của loài người.
Theo Machusin, trước khi xuất hiện con người thì trước đó, con
người về hình dạng, tức về mặt sinh học, đã xuất hiện sớm hơn con người
về mặt xã hội hàng triệu năm (cụ thể 1 , 5 - 2 triệu năm). Như thế, hình
dạng người đi thẳng, não lớn rõ ràng không phải do quá trình lao động
quyết định. Vậy, yếu tố nào quyết định quá trình chuyển biến về mặt sinh
học? Các nhà khoa học cho rằng, sự thay đổi lớn về khí hậu, băng hà, hay
do chuyển sang ăn thịt, không hề thay đổi được dạng sinh vật vượn sang
dạng sinh vật người. Những biến đổi quan trọng nhất về mặt môi trường
địa lý lại không trùng với thời điểm con người tách ra từ loài vượn (muộn
hơn mấy triệu năm và lúc đó không một con vượn nào thành người). Trên
cơ sở đó, Machusin cho rằng, cách đây hàng triệu năm, đúng vào thời điểm
xuất hiện con ngưòi, ở châu Phi - một vùng nhiều quặng Clranithoiri,... cùng
với hiện tượng cấu tạo lại địa tầng, núi lừa hoạt động mạnh, các nếp gãy
của vỏ trái đất xuất hiện, là phản ứng hạt nhân tự nhiên hoạt động tạo ra
nền phóng xạ cao, trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Đồng thời, bức
xạ của vũ trụ, của mặt trời tác động đến theo chu kỳ (các vụ nổ ở mặt
trời). Ở thời điểm đổi cực địa từ của trái đất (theo chu kỳ trên dưới 1 triệu
năm) thì bức xạ của mặt trời lọt vào trái đất (lúc này, sức cản của trái đất
gần bằng không), đã làm tăng “phông” phóng xạ trên bề mặt trái đất
(nhất là vùng châu Phi). Như thế, phải có một lượng bức xạ nhất định tác
động vào cơ thể loài vượn người như thế nào đó, tạo ra một đột biến
nhiễm sắc thể, sao cho còn 46 nhiễm sắc thể (vượn bậc cao là 48 NST,
vượn bậc thấp là 54 - 78 và khác cả cách cấu tạo phân tà AND) và có cấu
tạo về đại thể như của con người hiện nay, xuất hiện con người về mặt
sinh học.

59
Một cơ cấu di truyền mới như thế là nguồn gốc sinh học của con
người, nguồn gốc từ đó dẫn đến con người xã hội tương lai. Nhưng để
cho con người xã hội thật sự ra đời thì phải qua lao động có hệ thống.
Nhưng vì đâu mà con người phải cần có lao động để thành con người. Rõ
ràng sự xuất hiện một thể sinh học mới (đi thẳng hai chân sau, tay có khả
năng cầm nắm, não lớn, không có răng nanh, không có lông, thể lực
yếu...), theo Machusin, là tất yếu phải chuyển sang lao động có hệ thống
và sống thành xã hội, nếu không sẽ không thể tồn tại được.
Chỉ thông qua lao động, chế tạo công cụ thì mói hình thành nên ý
thức con người và quan hệ người, tạo thành xã hội loài người. Lao động
là nguồn gốc cơ bản, chủ yếu, tạo nên con người xã hội, là quy luật cơ
bản hình thành nên con người thật sự và xã hội loài người.
Như vậy, theo Machusin, trước con người lao động đã xuất hiện
dạng con người sinh học từ 1,5 - 2 triệu năm và sự xuất hiện con người
về mặt sinh học không phải là sự thích nghi dần dần với môi trường bên
ngoài, hoặc do lao động, hoặc do ăn thịt, mà do tác động bức xạ tạo ra
đột biến thể nhiễm sắc. Lao động và hoạt động xã hội không quyết định
các di truyền sinh học người, mà chủ yếu là quyết định và tạo ra tính
người, tạo ra bản chất xã hội của con người, tạc vào cơ thể tự nhiên của
con người, cái bản tính xã hội đó. Và trên một mực độ nhất định, làm cho sự
phát triển sinh học ấy được hoàn thiện, phát triển trên cái vốn có của nó.

Tổng kết chưong


1. Con người và bản chất của con người: Con người vượt lên thế
giới loài vật trên cả ba phương diện khác nhau: quan hệ với tự nhiên,
quan hệ với xã hội và quan hệ với chính bản thân con người. Trong ba
mối quan hệ đó, quan hệ xã hội giữa người với người là quan hệ bản
chất, bao trùm tất cả các mối quan hệ khác và mọi hoạt động trong chừng
mực liên quan đến con người.
2. Những quan điểm khác nhau về nguồn gốc loài người: v ề cơ
bản, có thể chia vấn đề nhận thức về nguồn gốc loài người thành các
nhóm quan điểm sau: Truyền thuyết, thần thoại; quan điểm tôn giáo và
duy tâm; quan điểm của các nhà khoa học theo thuyết tiến hóa; quan điểm
của c. Mác và Ph. Ăngghen; quan điểm của các nhà khoa học hiện nay.

60
3. Thời gian và không gian xuất hiện loài người: Hiện nay, nhiều
nhà khoa học thừa nhận thời gian xuất hiện loài người khoảng 3 triệu đến
1,6 triệu năm cách ngày nay.
v ề không gian xuất hiện loài người, về cơ bản hiện nay, có 3 nhóm
giả thuyết khác nhau khi bàn về không gian xuất hiện loài người, đó là
thuyết 1 trung tâm, thuyết 2 trung tâm, thuyết đa trung tâm.
4. Nguyên nhân và động lực của quá trình chuyển biến từ vượn
thành người: Bắt nguồn từ tiến hóa sinh học để hình thành vượn người và
đồng thời là lao động - nhân tố cơ bản để chuyển biến con vượn thành
người. Và như vậy, trên một ý nghĩa nào đó, chúng ta phải nói: Lao động
đã sáng tạo ra chính bản thân con người.
Tài liêu tham khảo
1. ĐHQGTPHCM (2008). Nhân học đại cương, Nxb
ĐHQGTPHCM.
2. Phạm Thành Hổ (2003), Nguồn gốc loài người, Nxb GD.
TPHCM.
3. Hán Văn Khẩn (Cb) (2008), Cơ sở Khảo cổ học, Nxb
ĐHQGHN.
4. c . Mác & F. Ăngghen (1962), Tuyển tập, Tập II, Nxb ST, H.
5. G.N. Machusin (1986), Nguồn gốc loài người, (bản dịch tiếng
Việt của Phạm Thái Xuyên), Nxb ỈOỈKT. H.

li

Hình 1. Hóa thạch của bé Taung (Phục chế) Hóa thạch Lucy
[Nguổn:http://khoahoc.tv/nhung-Dhat-hien-xac-dinh-nguon-goc-loai-nguoi-32731]
61
Hình 2. Người khéo léo (Phục chế)
[Nguồn: http://khoahoc.tv/nhung-phat-hien-xac-dinh-nguon-goc-loai-nguoi-
32731]

A»e#wfcwià*#.«»

iKO-IXitett'

Hình 3. Bộ não và các giai đoạn trong sự phát triển của loài Dgưòi
[Nguồn: Hán Văn Khẩn]

62
Hình 4. Một số sọ người cổ
1. Sọ và đầu người Anstralopithecus africanus\
2. Sọ người Javaanthropus;
3. Sọ người Sinanthropus pekinensis
[Nguồn: Hán Văn Khẩn]

Cung trên lông mày

Hình 5. Hóa thạch sọ người cổ


1. Sọ người Homo sapiens\
2. Sọ người Homo neanderthalensis
[Nguồn: Hán Văn Khẩn]
capKtt*
tqp/muywft» em*

IÍ0mítfifn
mHMÍertãttnM

1000 cm*

mnw
n*m»Mela

AMVnmfttkfCM%
ệỊriòtmm
laU tM o fR*rt*ỊBf
4utín d«fiiếề<in
4 f r tê t im
Antâtc ổ * <Wíâcft»«r 1 ■500cm

Prtmaio Préhomỉnkíés Homírt<tós


•10
miỉon* d’années

Hình 6. S ơ đồ quá trình phát triển bộ não


[Nguồn: https://sites.google.com/site/raurungvietnam/cac-de-tai-lien-
quan/loai-ngiioi-tronq-he-thong-phan-loai-dong-vat|

64
Chương 3

CHỦNG TỘC •

Chủng tộc là một trong những vấn đề phức tạp trong khoa học nhân
học, mặc dù đã có sự trợ giúp của cổ sinh học, di truyền học, nhưng
những câu hỏi, như chủng tộc là gì? Bản chất của chủng tộc? Chủng tộc
hình thành từ bao giờ? Không gian hình thành chủng tộc ở đâu? Nhân tố
nào dẫn đến hình thành chủng tộc? Mối quan hệ giữa chùng tộc, dân tộc
và văn hóa?... Những câu hỏi như vậy, cho đến nay vẫn luôn gặp phải
những ý kiến không thống nhất.

3.1. BẢN CHÁT CỦA CHỦNG T ộ c


Một thực tế là từ khi những con người tối cổ (người vượn) Pi-tê-can-trốp
cách ngày nay chừng trên dưới 2 triệu năm, người vượn Xi-nan-trổp,
người cổ Nê-an-dec-tan, cách ngày nay chừng 200.000 năm, đến con
người hiện đại Homosapiens cách ngày nay chừng 100.000 năm và muộn
hơn về sau, loài người đã diễn ra quá trình hình thành các đặc điểm sinh
lý học hình thái bên ngoài, như màu da, màu tóc, màu mắt, chiều cao và
tỷ lệ các phần thân thể,... không giống nhau giữa các quần thể người trên
thế giới. Những đặc điểm không giống nhau về cấu trúc sinh lý học hình
thái giữa các quần thể người được gọi là chủng tộc.
Vậy, chủng tộc là gì? Một trong những tác giả đề cập đến khái niệm
chủng tộc sớm nhất là F. Béc-ni-ê, ữong tài liệu công bố vào năm 1684, ông
dằ chia nhân loại thành các chủng tộc theo các vùng cư trú khác nhau95.
Khái niệm chủng tộc trong tiếng Anh và tiếng Pháp đều là Race, được
bắt nguồn từ tiếng Latin: Genus nghĩa là dòng giống, chủng tộc. Còn theo
nghĩa Hán - Việt, chủng là giống, tộc là là một cộng đồng người, những
người cùng dòng tộc. Như vậy, chủng tộc theo từ nguyên là một cộng
đồng người cùng giống, có nghĩa là chủng tộc thiên về những đặc điểm
sinh học của một cộng đồng người.

95 Theo Lê Sĩ Giáo (Cb), 2000, tr. 47.

65
Chủng tộc phản ánh sự tồn tại khách quan của một quần thể người (hay
tập hợp nhiều quần thể), do ừong thời kỳ sơ khai của loài người, các quần thể
đó sống cách biệt trong những khu vực địa lý và điều kiện tự nhiên khác nhau,
nên đã hình thành những đặc trưng sinh lý học hình thái mang những đặc thù
nhất đinh; những đặc thù sinh lý học hình thái đó đã thấm vào gen di truyền,
truyền lại từ đời này sang đời khác.
Như vậy, bản chất của chủng tộc thể hiện ờ những nội dung sau đây:
- Chủng tộc là một quần thể người (hoặc tập hợp những quần thể),
nó không phải là tập họp các cá thể, cũng không phải là tập hợp các nhóm
cá thể. Vì vậy, chủng tộc phải được hiểu là tập họp một cộng đồng người
rộng lớn.
- Các quần thể người sống cách biệt trong những khu vực địa lý và
điều kiện tự nhiên khác nhau, như vùng nhiệt đới ở châu Phi đã tạo điều
kiện hình thành chủng tộc da đen, vùng ôn đới ở Địa Trung Hải, Tây Á
và Trung Á đã tạo điều kiện cho đại chủng da trắng xuất hiện, vùng nhiệt
đới châu Á đã tạo điều kiện hình thành đại chủng da vàng...
- Chủng tộc ra đời trong buổi đầu sơ khai của loài người. Theo đó,
thòi gian hình thành các chủng lớn gắn với sự ra đòi con người hiện đại
Homo Sapiens.
- Chủng tộc mang những đặc trưng sinh lý học hình thái nhất định, như
màu da, màu tóc, màu mắt, hình dáng cơ thể, cấu trúc hộp sọ, vành môi...
- Những đặc trưng sinh lý học hình thái thấm vào gen di truyền, ổn
định, lưu truyền từ đời này sang đời khác, về cơ bản không có biến đổi.
Tóm lại, chủng tộc là một quần thể người rộng lớn, mang những
đặc trưng di truyền về cấu trúc sinh lý học hình thái, mà nguồn gốc và
quá trình hình thành của chúng gắn với một vùng địa vực nhất định,
trong buổi đầu sơ khai của loài người.
3.2. THỜI GIAN HÌNH THÀNH CHỦNG T ộ c
Chủng tộc hình thành vào thời kỳ sơ khai của loài người, gắn với
quá trình tiến hóa từ những bầy vượn người đến con người hiện đại
Homosapiens, cách ngày nay khoảng trên dưới 10 vạn năm. “Fới sự ra
đời của con người hiện đại Homosapỉens thì quá trình hình thành con

66
người đã kết thúc. Thời kỳ hình thành con người hiện đại cũng là thời kỳ
hình thành các chủng tộc lớn96'".
Như vậy, trong thời kỳ công xã nguyên thủy vào thời kỳ hậu kỳ
đá cũ chuyển sang đá mới, gắn vói sự ra đòi con người hiện đại Homosapiens
đã diễn ra một quá trình di dân, quá trình di chuyển của con người
sang các châu lục khác nhau gọi là thiên di địa vực. Sự di chuyển đến
các địa vực khác nhau trong những môi trường khác nhau là nhân tố
hình thành các chủng tộc trên thế giới97.
Có thể dựa vào thuyết hai trung tâm hay nhiều trung tâm, nhưng
cũng như thuyết một trung tâm, đều giống nhau về quan điểm sự xuất
hiện con người hiện đại Homosapiens ở các trung tâm và địa vực khác
nhau do tác động của môi trường sống khác nhau đã hình thành nên các
chủng tộc lớn.
Con người trong buổi đầu hình thành, cơ thể không có đủ năng
lưạng để chống lại sự khắc nghiệt của tự nhiên. Nên nhớ rằng, thức ăn
cung cấp năng lượng cho cơ thể người dưới dạng gluxit, lipit, protein, các
axit min, axit béo, vitamin... Các chất sinh năng lượng sẽ tham gia vào
các chu trình chuyển hóa khác nhau bên trong tế bào, để tạo nên chất
chuyển hóa và kèm theo đó là những dạng năng lượng khác nhau, nhất là
ở dạng nhiệt năng. Nguồn năng lượng này là cơ sở cho hoạt động của tế
bào, giúp cho cơ thể con người không những duy trì sự sống mà còn
chống chọi lại những tác động của môi trường. Nhưng, trong buổi đầu
khi con người vừa thoát khỏi vương quốc của tự nhiên, họ còn nghèo đói,
thiếu thốn về mọi mặt, như nhà cửa, trang phục chưa đủ che thân họ, thức
ăn chưa đủ cung cấp năng lượng cho cơ thể để có thể chế ngự/ đề kháng
được trước những tác động trực tiếp của tự nhiên. Vì vậy, các nhân tố tự
nhiên đã tác động đến cơ thể con người. Trước hết, là yếu tố khí hậu, bức

96 Phan Hữu Dật, 1973, ừ. 136.


97 Trong lúc đó, theo nhà dân tộc học người Nga Trêbốcxarổp, đại chủng hình thành vào
thời kỳ hậu kỳ đá cũ, do ảnh hường cùa điều kiện địa lý và cư trú biệt lập. Còn tiểu
chùng hình thành vào thời kỳ đá giữa và đá mới, dựa trên các cộng đồng bộ lạc ít nhiều
đã diễn ra quá trình lai tạo chủng tộc (dẫn theo, Phan Hữu Dật, 1973, tr. 146-147).

67
xạ mặt trời, độ ẩm không khí, nhiệt độ,... tác động trực tiếp đến lớp da,
tóc của con người. Theo đó, những người sống ở vùng nhiệt đới, nhất là
vùng nhiệt đới lục địa sâu như Châu Phi, bức xạ mặt trời làm cho da đen,
tóc cứng, xoăn che bớt bức xạ. Những người sống ở vùng ôn đới, bức xạ
mặt trời ít nên có làn da trắng, tóc mềm...
Tuy nhiên, đối với các nhóm chủng tộc, thời gian hình thành có thể
muộn hơn do quá trình lai tạo và sổng biệt lập, như trường hợp các nhóm
chủng tộc Nam Á, hay nhóm chủng tộc Anhdonediens ở Đông Nam Á.

3.3. KHÔNG GIAN HÌNH THÀNH CHỦNG T ộ c


Dựa vào những tư liệu cổ sinh học, khảo cổ học, nhân chủng học,
các nhà khoa học đã chia quá trình hình thành con người thành các giai
đoạn, như vượn người Homohabilia, người tối cổ Pitecanthrop, người
cổ Neanderthal và người hiện đại Homosapiens. Quá trình chuyển biến từ
vượn thành người khoảng trên dưới 2 triệu năm cách ngày nay. Đen hậu
kỳ đá cũ, khoảng trên 10 vạn năm, người cổ Neanderthal đã dần tiến hóa
thành con người hiện đại Homosapiens.
Vấn đề đặt ra ở đây là quá trình chuyển biến từ người cổ
Neanderthal tiến hóa thành con người hiện đại Homosapies diễn ra ở
đâu? Từ một trung tâm hay nhiều trung tâm diễn ra quá trình tiến hóa đó?
Hiện nay, trong khoa học tồn tại nhiều loại quan điểm khác nhau về
không gian tiến hóa thành con người hiện đại và theo đó cũng kéo theo
các quan điểm khác nhau về không gian và quá trình hình thành các
chủng tộc.
Thứ nhất là thuyết Một trung tâm: Thuyết này do các nhà khoa học
Xô Viết đề xướng, như Lêvin, Rôghinxki... Thuyết này chủ trương lúc
đầu con người hiện đại Homosapies chỉ xuất hiện ở một khu vực nhất
định, rồi từ đó thiên di đi các châu lục khác. Khu vực đầu tiên diễn ra quá
trình tiến hóa con người hiện đại là vùng giáp nhau giữa ba châu lục: phi,
Ầu, Á. Trên địa bàn phân bố ban đầu của con người hiện đại đó đã xuất
hiện hai nhóm chủng tộc: nhóm Đông Bắc Phi gắn với sự hình thành đại
chủng Môngôlôit và nhóm Tây Nam Á gắn với đại chủng ơpôpôit và đại
chủng Nêgrô-Ôxtralôit. Hai nhóm chủng tộc này bị phân cách bởi các
dãy núi kéo dài tò đông Hymalaya xuống phía nam.
68
('húng ta có thê cụ thê hóa quan điêm Một trung tâm qua sơ đô sau đây:

Thứ hai, thuyết Hai trung tâm: Thuyết này do các nhà khoa học
Xô Viết đề xướng, như Alecxêep, Trêbôcxarốp... Thuyết này chủ trương
ngay từ thời đá cũ, đã xuất hiện hai trung tâm hình thành chủng tộc, gắn
với quá trình tiến hóa từ người cổ Neandectan người hiện đại Homosapies.
Đó là nhóm Đông Bắc Phi và muộn hom ít nhiều là Đông Nam Á98, gắn
với sự hình thành đại chủng Môngôlôit, Ôxtralôit và nhóm Tây Nam Á
gắn với đại chủng ơpôpôit và đại chủng Nêgrôit.
•9 r 7 *» '
Quan điêm của thuyêt Hai trung tâm có thê cụ thê hóa qua sơ đô

Thứ ba, thuyết Nhiều trung tâm: Thuyết này do các nhà khoa học
Mỹ đề xướng, như Vâyđenrích (1939), Cun (1936) và sau đó là H. Tôma...
Thuyết này chủ trương có bốn trung tâm xuất hiện tiến hóa từ người cổ
Neandectan lên người hiện đại Homosapiens. Đó là Đông Nam Á và

98 Đông Nam Á cổ đại bao gồm Nam Trung Quốc (nam sông Dương Từ) và Đông Nam Á
ngày nay.

69
Đông Á gắn với sự hình thành chủng tộc Môngôlôit, Tây Nam Á gắn với
chủng tộc Ôxtralôit, Nam Phi gắn với chủng tộc Nêgrôit. Thuyết nhiều
trung tâm chủ trương các chủng tộc không phải là kết quả của một sự tiến
hóa từ một giống vượn người tối cổ duy nhất mà là kết quả tiến hóa đồng
thòi và biệt lập của từng loài người tối cổ khác nhau. Theo đó, mỗi đại
chủng được tiến hóa từ các loại vượn người tối cổ riêng biệt, ở những
vùng riêng biệt, để hình thành nên con người hiện đại Homosapiens, tổ
tiên trực tiếp của các chủng tộc.
Chúng ta có thể cụ thể hóa quan điểm Nhiều trung tâm qua sơ đồ

ị ị 1 ị
ĐNA ĐA TNA NP
Homosapiens
và HT các đại chủng

Những luận thuyết trên đều đề cập đến sự hình thành các chủng tộc
gắn với con người hiện đại Homosapiens, nhưng chỉ khác nhau quan
điểm thuyết Một trung tâm cho rằng, quá trình tiến hóa từ các bầy vượn
người đến người cổ Neandectan chỉ diễn ra ở một trung tâm, sau đó quá
trình tiến hóa lên con người hiện đại mới diễn ra ở hai nơi, gắn với hai
nhánh chủng tộc. Trong lúc đó, thuyết Hai trung tâm lại cho rằng, tò thời
đá cũ đã diễn ra hai trung tâm hình thành chủng tộc, nhưng không đề cấp
đến trước khi hình thành chủng tộc/ gắn với sự xuất hiện con người hiện
đại Homosapiens quá trình tiến hóa các bầy vượn người thành con người

99 Theo Lê S ĩ Giáo (Cb), 2000, tr. 58-61.

70
tối cổ Nêandectan đã diễn ra ở đâu? Còn thuyết Nhiều trung tâm chủ
trương có bốn trung tâm xuất hiện tiến hóa từ người cổ Neandectan lên
người hiện đại Homosapies. Đó là Đông Nam Á và Đông Á gắn với sự
hình thành chủng tộc Môngôlôit, Tây Nam Á gắn với chủng tộc ơrôpôit,
Nam Phi gắn với chủng tộc Nêgrôit (cả châu Đại Dương gắn với chủng
tộc Ôxtralôit). Thuyết Nhiều trung tâm chủ trương các chủng tộc không
phải là kết quả của một sự tiến hóa từ một giống vượn người tối cổ duy
nhất mà là kết quả tiến hóa đồng thời và biệt lập của từng loại người tối
cổ khác nhau. Theo đó, mỗi đại chủng được tiến hóa từ các loại vượn
người tối cổ riêng biệt, ở những vùng riêng biệt, để hình thành nên con
người hiện đại Homosapiens, tổ tiên trực tiếp của các chủng tộc.
Thực ra, với những cứ liệu khoa học hiện nay, chưa đủ để chúng ta
có kết luận đồng ý hay phản bác luận thuyết nào. vấn đề “Người hiện đại
Homosapiens xuất hiện đầu tiên ở đâu? Từ bao giờ? Đó là những vấn đề
còn bỉ ẩn, chưa có lời giải đáp100”
3.4. NGUYÊN NHẨN HÌNH THÀNH CÁC CHỦNG T ộ c TRÊN
THÉ GIỚI
về cơ bản các học giả tương đối thống nhất về nguyên nhân hình
thành các chủng tộc trên thế giới. Theo đó, có ba nguyên nhân chính
là: Môi trường sinh sống, lai tạo và sống biệt lập. Trong đó, môi trường
là nguyên nhân quyết định.
Có thể khẳng định rằng, trong quá trình hình thành chủng tộc hoàn
cảnh tự nhiên đã đóng một vai trò quan trọng. Có nhiều đặc điểm chủng
tộc xuất hiện là do quá trình tự nhiên và sự thích nghi với môi trường.
Điều này thể hiện rõ nhất qua các đặc điểm về hình thức bên ngoài của từng
chủng tộc, như màu sắc của da, tóc, màu mắt, hình dáng khuôn mặt...
Môi trường sống về cơ bản có các yếu tố, như vị trí địa lý, địa hình,
khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lợi thiên nhiên... Môi trường sống vì vậy,
vừa là không gian sinh tồn đồng thời vừa là không gian sản xuất/ tận
dụng môi trường để cung cấp thức ăn, nguồn năng lượng nuôi sống con
người. Nhưng, trong buổi đầu khi con người vừa thoát khỏi vương quốc

100 Nguyễn Đình Khoa, 1979, tr.32-33.

71
của tự nhiên, sức sản xuất thấp kém, họ nghèo đói, thiếu thốn mọi mặt, vì
vậy, các nhân tố tự nhiên đã tác động đến cơ thể con người. Trước hết là
yếu tố khí hậu, bức xạ mặt trời, độ ẩm không khí, nhiệt độ,... tác động
trực tiếp đến cơ thể con người để hình thành nên những dấu hiệu cơ bản
làm hình thành chủng tộc với các đặc điểm hình thái bề ngoài cơ thể
mang tính di truyền. Trong những đặc điểm đó, màu da là một minh
chứng rõ ràng nhất về sự thích nghi với môi trường tự nhiên. Màu da con
người trắng hay đen là do lượng sắc tố mêlanin trong da quyết định, sắc
tố mêlanin có khả năng hấp thụ tia tử ngoại mặt trời, để bảo vệ các kết
cấu quan trọng của da. Người da đen sống ở vùng xích đạo, lục địa sâu
châu Phi và Tây Thái Bình Dương quanh năm phải chịu tác động của bức
xạ mặt trời lớn, nên lượng mêlanin trong da nhiều và tất yếu da phải đen.
Ngược lại, người sống ở vùng ôn đới, bức xạ mặt trời ít nên lượng mêlani
trong da không nhiều, vì vậy da họ trắng là điều tất yếu. Theo đó tóc của
người sống ở vùng bức xạ mặt trời lớn, như người da đen, tóc thường
xoăn làm thành mũ đội đầu cũng là một hình thức thích nghi để ứng phó
với môi trường nóng bức khắc nghiệt. Ngược lại, cư dân sống ở vùng bức
xạ mặt trời ít, tóc của họ thường mềm và nâu sẫm, hay cư dân sống ở
vùng nóng bức họ phải hít thờ không khí để điều hòa thân nhiệt nên gốc
mũi to, sống mũi dẹt, ngược lại cư dân sống ờ vùng lạnh, phải ngăn bởi
hơi lạnh của môi trường vào cơ thể, nên gốc mũi nhỏ, sống mũi thẳng là
điều tất yếu. Cũng như vậy, cư dần ở vùng lạnh, lớp lông thứ ba (lớp lông
thứ nhất trong bụng mẹ, lớp lông thứ hai trước tuổi trường thành, lớp
lông thứ ba thời kỳ trường thành và ổn định) ờ bụng và ngực phát triển
cũng chính là sự thích nghi với môi trường của cơ thể. Theo đó, cũng
giống như cư dân Mônggôlôit, điển hình là người Mông cổ, khe mắt
nhỏ, tạo thành mắt một mí. Đặc điểm nhân chủng đó có liên quan đến
điều kiện sổng trong vùng nhiều gió cát ở Trung Á.
Tuy nhiên, những đặc điểm của điều kiện tự nhiên chỉ có tác
động để hình thành các đặc trưng chủng tộc vào thời kỳ nguyên thủy,
sơ khai của loài người, khi đó sức sản xuất thấp kém, con người nghèo
đói thiếu thốn. Còn khi điều kiện sống phát triển, con người không còn
lệ thuộc/ chịu sự tác động mọi mặt của tự nhiên, môi trường không còn
là nguyên nhân hình thành chủng tộc nữa.
72
Thứ hai, quá trình lai tạo cũng là nguyên nhân tham gia vào việc
hình thành chủng tộc. Nên nhớ rằng, trong quá trình phát triển của xã hội
loài người, những cuộc thiên di đến các châu lục mới tạo nên quan hệ
hỗn chủng giữa chủng tộc này với chủng tộc khác. Điều này hình thành
nên các nhóm chủng tộc trung gian mang hai đặc trưng chủng tộc. Thời
kỳ đầu những đặc điểm chủng tộc hình thành do sự thích nghi với môi
trường địa lý nhưng về sau các điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, yếu
tố xã hội càng được tăng cường, sự lai giống đẩy mạnh, đóng vai trò để
hình thành chủng tộc mới.
Thứ ba, sống biệt lập cũng là nguyên nhân tham gia vào việc hình
thành chủng tộc. Từ một chủng tộc gốc, các nhóm khác nhau của chủng
tộc đó thiên di đến những khu vực địa lý khác nhau, có những nhóm
chủng tộc sống tách biệt, lâu dài và chịu sự tác động của môi trường sống
biệt lập đã hình thành nên những đặc trưng sai biệt so với chủng tộc gốc.
Theo các nhà dân tộc học, do sống biệt lập nên họ tiến hành nội
hôn trong nhóm. Điều này ảnh hưởng đến việc hình thành những khác
biệt về di truyền các đặc trưng chủng tộc so với chùng tộc gốc. Di truyền
học cho biết, nếu lấy nhau trong nội bộ trong khoảng 50 thế hệ/ mỗi thế
hệ 25 năm/ 1.250 năm có thể làm biến đổi một số đặc điểm chủng tộc gốc
về màu da, dạng tóc, hình dạng hộp sọ, sống mũi, môi, tầm vóc...

3.5. ĐẶC ĐIẺM CÁC CHỦNG T ộ c TRÊN THÉ GIÓI


Hiện nay, việc xác định các chủng tộc chủ yếu dựa vào đặc trưng
hình thái bên ngoài cơ thể, như màu da, màu mắt, màu và hình dạng tóc,
sự phát triển lớp lông thứ ba, chỉ số hộp sọ, chiều cao thân, hình dáng của
mặt. Ngoài ra, người ta còn tính đến nhóm máu, đường vân trên lòng bàn
tay, hình thái răng... Những đặc trưng hình thái chủng tộc này có cấu
trúc di truyền phức tạp, nó được quy định nhiều gen và thường xuất hiện
các hiện tượng biến dị. Trong giai đoạn đầu hình thành chủng tộc, khả
năng biến dị ít, chủ yếu các đặc trưng chủng tộc do cơ thể con người
thích nghi với môi trường tự nhiên. Nhưng về sau, do môi trường xã hội
sổng biệt lập, nội hôn và quá trình lai tạo, nên hiện tượng biến dị di
truyền các đặc trưng chủng tộc xuất hiện nhiều hơn.

73
Việc xác định các đặc trưng chùng tộc là vẩn đề phức tạp, về cơ
bản có thể dựa vào một số đặc điểm hình thái riêng của từng chủng tộc
tạo thành một tập hợp các đặc trưng cho phép ta có thể phân biệt được
một người thuộc chủng tộc này hay chủng tộc khác; các đặc điểm hình
thái chủng tộc có thể chia thành các loại cơ bản, như màu da, hình dáng
và màu tóc, hình dáng và màu mắt, các hình dáng của mũi, các hình dáng
đầu, mặt... 101.

3.5.1. Các đăc


• điểm hình thái để xác đinh
• chủng
o tôc

Khi nêu lên các đặc điểm để xác định chủng tộc, các nhà khoa học
thường đưa ra các đặc trưng hình thái bên ngoài cơ thể, như màu da, màu
mắt, màu tóc, lớp lông thứ ba, sự biểu hiện của hình dạng cơ thể, đầu,
mặt... Cụ thể, các đặc điểm hình thái để xác định chủng tộc được thể
hiện, như sau:

3.5.1.L Màu da
Màu da, cũng như màu tóc, màu mắt là những dạng biểu hiện của
sắc tố. Chung quy lại, nhân loại có 3 dạng: da sáng màu (da trắng), da
màu đen (da đen), da màu vàng (màu trung gian).
Màu da bị ảnh hưởng bởi khí hậu, thời tiết. Những người sống ở
môi trường nhiệt đới nhiều ánh nắng mặt trời gay gắt, da phải sẫm lại để
bảo vệ cơ thể chống lại các tia từ ngoại của ánh sáng mặt trời. Ngược lại,
những người sống ở vùng xa xích đạo, những miền ôn đới thì màu da
sáng ra để dễ hấp thụ được nhiều ánh sáng mặt trời.
Ngoài ra, màu da cũng thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe và
bệnh tật, tùy vào môi trường xã hội và nghề nghiệp của mỗi người.
Những người sống gần biển da sẫm hơn những người sống ở miền núi,
những người làm nghề phải tiếp xúc nhiều với lửa và than bụi cũng có
màu da sẫm hom, người đau yếu da bủng beo, vàng nhạt...
Tuy nhiên, những ảnh hường của môi trường như khí hậu, xã hội
và tình trạng sức khỏe đối với màu da không quan trọng và những ảnh
hường ấy không di truyền cho thế hệ sau.

101 Các đặc điểm hình thái để xác định chủng tộc có thể còn bao gồm cả tính chất hóa
sinh nhu nhóm máu, nhóm huyết sắc tố và khả năng phân biệt một số chất hóa học.

74
Tóm lại, màu da vẫn là một đặc điểm có tính chất chủng tộc và đặc
trưng cho từng chủng tộc nhất định.

3.5.1.2. Màu và dạng tóc


Màu tóc cũng thay đổi theo độ tuổi. Ở trẻ sơ sinh, màu tóc thường
nhạt hon. Khi lớn lên thì sẫm lại và đến già thì lại bạc đi. Tuy nhiên, cũng
như màu da, nếu xét cơ thể con người đã ổn định tức là người trưởng thành,
màu tóc vẫn là đặc điểm chừng tộc có giá trị. Người ta chia màu và hình
dạng tóc làm ba mức độ chính: Tóc sáng (vàng hay hung đỏ), tóc trung bình
(màu hạt dẻ) và tóc sẫm (màu nâu hoặc đen).
Dạng tóc bao gồm hai loại: Tóc thẳng và tóc xoăn. Tóc thẳng là loại
tóc mềm, tương đối mềm và rất mềm, mọc thẳng từ da đầu, cắt ngang có
tiết diện tròn, còn tóc xoăn thường cứng, mọc xiên từ da đầu và cắt ngang
có tiết diện hình bầu dục.

3.5.1.3. Màu và hình dạng mắt


Màu và hình dạng mắt cũng thay đổi tùy theo chủng tộc giống như
màu da và màu tóc. Màu mắt có thể chia làm ba loại: màu mắt sáng (tức
màu xanh), màu mắt trung bình (xanh xám hoặc nâu nhạt) và mắt màu
sẫm (nâu đen). So với tóc và da, màu mắt ít thay đổi theo môi trường và
độ tuổi. Vì vậy, màu mắt cũng là một đặc điểm chủng tộc có giá trị.
Hình dạng mắt chủ yếu lệ thuộc vào mi trên phát triển nhiều hay ít.
Nếu mi trên phát triển sẽ tạo nên nếp gấp hai mí, nếu mi trên ít phát triển
sẽ mất nếp gấp mi mắt và mắt hẹp lại. Nếu mi trên quá phát triển, thì sẽ
tạo nên một nếp gấp hình lưỡi liềm ở góc mắt phía mũi, tạo ra nếp mi
góc, làm cho mắt xếch về một bên. Theo đó sự phát triển của mi mắt có
4 loại: không phát triển, phát triển, phát triển nhiều và phát triển trung bình.

3.5.1.4. Hình dạng mũi

Hình dạng mũi, như mũi lõ hay mũi tẹt cũng là đặc trưng góp phần
phân biệt chủng tộc. Theo đó, mũi lõ là đặc trưng cùa đại chủng ơrôpôit
(Âu), tẹt là của đại chủng Nêgrôit (Phi) và trung bình là của đại chủng
Môngôlôit (Á).
Mũi lõ hay tẹt là một đặc điểm để thích nghi với khí hậu. Mũi lõ và
gò má thấp là một đặc điểm để thích nghi với khí hậu giá rét của người
75
ơrôpôit làm tăng diện tích tiếp xúc của không khí với các mạch máu
trong niêm mạc mũi để sưởi ấm không khí trước khi vào phổi và làm
máu đi lên não đỡ bị lạnh. Còn mũi của người châu Phi tẹt là để thích
nghi với việc hít thở khí hậu nóng bức ở xích đạo.

3.5.1.5. Hình dạng đầu


Hình dáng đầu cũng là một đặc điểm chủng tộc. Nhìn từ trên
xuống, đầu có thể dài hay ngắn. Người ta chia làm ba loại: Đầu dài, đầu
ngắn và đầu tròn. Cả ba loại trên đều có thể gặp trong cùng một chủng
tộc. Tuy nhiên, đầu dài thường hay gặp ở đại chủng Nêgrôit và Ôxtralôit,
đầu ngắn và tròn thường gặp ở đại chủng ơrôpôit và Môngôlôit.

3.5.1.6. Hình dạng mặt (trắc diện mặt)


Hình dáng mặt cũng là một dấu hiệu quan trọng có đặc điểm chủng
tộc. Thông thường, không cần phải là một nhà nhân chủng, ta cũng có thể
biết được một người thuộc đại chủng nào khi nhìn vào mặt họ. Sở dĩ, ta
có thể phân biệt được như vậy vì ờ mặt có một số tập hợp những nét có ý
nghĩa chủng tộc, đặc biệt là ba đặc điểm sau đây:
Đặc điểm thứ nhất về hình dáng dài hay ngắn, rộng hay hẹp: Mặt dài
thường cao và hẹp, mặt ngắn thường thấp và rộng. Mặt rộng hay hẹp là tày
theo sự phát ữiển của xương gò má, gò má càng nhô ra trước và hai bên bao
nhiêu thì mặt càng rộng bấy nhiêu. Mặt rộng là đặc điểm của hai đại chủng
Môngôlôit (Á) và Ôxtralôit (úc), còn mặt hẹp là đặc điểm của hai đại chủng
ơrôpôit (Âu) và Nêgrôit (Phi).
Đặc điểm thứ hai về độ bẹt mặt: Độ bẹt mặt tức là phần mặt trên
chỗ sống mũi nhô ra phía trước nhiều hay ít so vói hai má. Mặt dô hay
bẹt cũng là một đặc điểm có ý nghĩa chủng tộc. Thông thường, đặc điểm
mặt bẹt đi đôi với đặc điểm mặt rộng. Vì đặc điểm mặt bẹt cũng giống
đặc điểm mặt rộng là do sự phát triển ra trước và hai bên của xương gò
má. Mặt bẹt là đặc trưng của chủng Môngôlôit.
Đặc điểm thứ ba về độ vẩu mặt: Đặc điểm này được thấy rõ khi
nhìn mặt theo chiều nghiêng. Mặt vẩu là do phần xương hàm trên ngay
dưới mũi dô ra phía trước nhiều hay ít so với chỗ lõm ở gốc mũi. Mặt vẩu
nhất là ở hai đại chủng Nêgrôit và Ôxứalôit.

76
3.5.1.7. Mức độ nhiều hay ít của lóp lông thứ ba
Lớp lông thứ nhất được mọc bao phủ cơ thể của đứa bé khi còn ở
trong bụng mẹ; lớp lông thứ hai là khi chào đời lóp lông trên cơ thể rụng
và bàt đầu mọc tóc, lông mày, lông mi; lóp lông thứ ba trên cơ thể, bao
gồm râu và lông ở ngực, bụng, chỉ xuất hiện khi đến độ tuổi trường
thành.. Tùy thuộc vào tùng chủng tộc, lóp lông thứ ba dày/ rậm hay thưa,
ngắn hay dài, như chủng tộc ờrôpôit, sống ở vùng lạnh, nên lớp lông thứ
ba phát triển, các chủng tộc khác sống ở vùng nhiệt đới nóng, lớp lông
thứ ba ít phát triển.
3.5.1.8. Hình dạng môi
Hình dạng môi của các chủng tộc trên thế giới được phân thành
3 loại chính: Mỏng, dày, vừa. Chủng tộc Ởrôpôit ở vùng ôn đới, nên môi
mỏng để thích nghi với hít thở khí hậu lạnh. Chủng tộc Nêgrôit môi dày
để thích nghi với hít thở khí hậu nóng bức ở xích đạo. Còn chủng tộc
Mônggôlôit có môi dày trung bình.

3.5.1.9. Tầm vóc

Tầm vóc là chỉ số cao, thấp hay vừa phải của thân hình con người.
Theo các nhà nhân chủng học, tầm vóc trung bình của con người ở nam
giới là 1,64 - 1,669 mét, còn ở nữ giới con số đó là 1,53 - 1,559 mét. Trên
thế giới có một số tộc người có tầm vóc dưới mức trung bình, như người
Pítmê (Trung Phi), người Busmen (Nam Phi), nhưng các tộc người thuộc
chủng tộc ơrôpôit và cả nhiều tộc người thuộc chủng tộc Nêgrôit tầm
vóc người lại cao to hơn mức trung binh; trong khi đó các dân tộc thuộc
chùng tộc Mônggôlôit lại có tầm vóc trung bình.
Ngoài các đặc trưng cơ bản trên, trong một số trường hợp nhất
định, người ta còn xét thêm các chỉ số khác để xác định chủng tộc, như
nhóm máu102, vân tay, hình dạng răng... Trong những trường hợp cụ thể,

102 Có ý kiến cho rằng, trong những đặc điểm để xác định chủng tộc, nhóm máu là đặc
điểm quan trọng nhất, vì các đặc điểm, như màu da, màu tóc,... bị ảnh hường bời các
yếu tố môi trường, do đó ít bị chi phối bời các quy luật di truyền. Trong khi đó, với đặc
điểm sinh hóa cùa máu độc lập với ngoại cảnh, nên bị kiểm soát chặt chẽ bởi các quy
luật di truyền, do đó có giá trị phân loại chủng tộc nhất.

77
người ta còn có thể xem xét thêm một số đặc trưng íhứ yếu, như người
Busmen da nhăn, kể cả người còn trẻ, người Hotentốt, lớp mỡ bụng dày,
người Papua, bắp thịt ngực nở103.
3.5.2. Đặc điểm các chủng tộc trên thế giói104
Từ thế kỷ XVII, cách phân loại các tộc người trên thế giới đã được các
nhà khoa học quan tâm nghiên cứu. Tham gia vào việc phân loại các chủng
tộc, ngoài các nhà nhân chủng học còn có các nhà sinh vật học (Buphông),
giải phẫu học (Ghente), triết học (Lépnếch), thiên văn học (Bơrátlây)...
Các học giả như Cuviê (1880), Tôphina (1885), Phơlâue (1885),
Trê bốcxarốp (1957) đã phân chia nhân loại thành ba đại chủng lớn. Cụ
thể, Trêbốcxarốp người Nga trong công trình Các nguyên tắc cơ bản của
sự phân loại nhân chủng (1951), đã phân chia loài người thành ba đại
chủng (cấp thứ nhất), dưới đó là các tiểu chủng (cấp thứ 2); các đại
chủng là:
- Đại chủng Xích đạo hay ú c - Phi (Nêgrô - ồxtralôit).
- Đại chủng Âu (ơrôpôit).
- Đại chủng Á (Môngôlôít).
Phân cấp dưới đại chủng là các tiểu chủng bao gồm nhiều nhóm
loại hình do các loại hình gần gũi nhau hợp lại. số lượng các nhóm loại
hình trong hệ phân loại của Trêbổcxarốp là 27, tập hợp ừong 7 tiểu chủng.
Các tiểu chủng và nhóm loại hình trong hệ phân loại này là:
- Phi hay Nêgrôit: Nam Phi (Busmen), Trung Phi (Nêgrin, Xuđăng,
Nêgơrơ), Đông Phi (Ethiôpiên).
- Úc hay Ôxtralôit: Ăngđamăng (Nêgritô), Mêlanêdiên, Oxữaliên,
Curiliên, (Ainu), Xâylôđônxki (vêđôit).
- Nam ơrôpôit hay Ân Độ - Địa Trung Hải: Nam Ấn (Đraviđiên),
Án Độ - Pamia, Tiền Á.
- Bắc ơrôpôit: Đông Âu, Đại Tây Dương, Ban Tích.

103 Theo Phan Hữu Dật, 1973, tr. 146.


104 Ở tiểu mục này, chúng tôi cỏ sử dụng tài liệu của Phan Hữu Dật, 1973, tr. 143-154
và của Lê Sĩ Giáo (Cb), 2000, tr. 54-57.

78
- Bắc Môngôlôit hay Lục địa: Uran, Nam Xibêrên, Trung tâm Á,
X ibiriên (B ai C an).

- Nam Môngôlôit hay Thái Bình Dương: Nam Á, Pôlinêdiêng.


- Mỹ hay Amêrican: Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Patagon.
Theo cách phân loại của Trêbốcxarốp, các chủng tộc có đặc trưng sau:
- Chủng tộc Nêgrô - Ôxtralôit (còn gọi là đại chủng xích đạo):
Chủng tộc này gồm hai nhánh ở cách xa nhau: Nêgrôit ở châu Phi và
Ôxtralôit ở Nam Án Độ, nhiều đảo trên Thái Bình Dương, Án Độ Dương,
đặc biệt là ở Ô-xtrây-li-a. Ngoài ra, chủng tộc này còn có các nhóm
người lai, kết quả của sự hoà huyết giữa các chủng tộc.
Chủng tộc Nêgrô - Ôxtralôit có những đặc điểm, như da sẫm màu,
tóc xoăn hoặc uốn sóng, mũi rộng hoặc rất rộng, sống mũi ít đô, gốc mũi
thấp hoặc trung bình, lỗ mũi ngang, môi trên dô, khe miệng rộng, môi
dày hoặc rất dày. Đại chủng này gồm hai tiểu chủng Phi và úc. Tiểu
chủng Phi có tóc xoăn, da rất sẫm màu, môi dày, mũi rộng, góc mũi thấp,
lông trên mình ít phát triển. Tiểu chủng ú c có những nét khác biệt như
tóc uốn sóng hoặc xoăn vừa phải, lông trên người rất phát triển hoặc phát
triển trung bình, mũi có khi rất rộng, góc mũi tương đối cao.
- Chủng tộc ơrôpôit, chủng tộc Âu: về nguồn gốc, chủng tộc này
ra đời không phải ở châu Âu, mà là ờ Tây Nam Á. Từ địa bàn cư trú đầu
tiên ở Án Độ, người ơrôpôit mở rộng sang Tây Á, Bắc Phi, Nam Âu,
quanh Địa Trung Hải. Ở phía bắc, băng tan đến đâu con người tiến lên cư trú
tới đó. Chủng tộc ơrôpôit có địa bàn cư trú rộng, gắn liền với việc thực dân
hoá ở châu Mỹ, ô-xừây-li-a và nhiều thuộc địa của các nước châu Âu.
Chủng tộc ơrôpôit có những đặc điểm, như da sáng màu hoặc
ngăm đen, tóc mềm, thẳng hay uốn sóng, lông trên người rất phát triển,
mũi hẹp, gốc mũi và sống mũi dô cao, lỗ mũi thẳng đứng, môi trên không
dô, khe miệng rộng vừa phải, môi mỏng. Địa vực cư trú của chủng tộc
này chủ yếu ở châu Âu, Tiểu Á, Bắc Ấn Độ. Chủng tộc Âu gồm 2 tiểu chùng:
bắc ơrôpôit và nam ơrôpôit; trong đó tiểu chủng bắc ơrôpôit có da, tóc và
mắt sáng màu, hình tóc uốn, sống mũi gồ hơn tiểu chủng nam ơrôpôit.
- Chủng tộc Môngôlôit: Chủng tộc này tập trung chủ yếu ở châu Á
và châu Mĩ.
79
Cách đây khoảng 2 vạn năm, vào cuối thời kỳ băng hà Đệ Tứ, mực
nước biển trên thế giới thấp hom nhiều so với hiện nay. Châu Á và Bắc Mỹ
được nối với nhau bởi eo đất Bê-rinh. Vì thế, người Môngôlôit dễ dàng di
cư từ châu Á sang và trờ thành cư dân bản địa châu Mĩ. v ề sau, do băng
tan, châu Á bị ngăn cách với châu Mĩ bời eo biển Bê-rinh. Từ đó, nhánh
Môngôlôit ở châu Mĩ bị tách biệt hẳn với nhánh Môngôlôit ở châu Á.
v ề đặc điểm chủng tộc, đại chủng Môngôlôi thường có vị trí trung
gian giữa hai đại chủng ơrôpôit và Nêgrôit. Da màu vàng hoặc ngăm
ngăm, mắt và tóc đen, dáng tóc thẳng, thường cứng, lông trên người ít
phát triển, mũi rộng trung bình, sống mũi ít dô (trừ trường hợp đối với
người bản địa châu Mĩ). Địa vực cư trú của chủng tộc này chủ yếu ở:
Đông Á, Đông Nam Á, Trung Á, Xibia, châu Mĩ.
Gần với phân loại của Trêbốcxarốp, đáng chú ý cách phân loại của
nhà nhân học người Nga Rôghinxki và Lêvin. Điều khác biệt ở đây là các
ông chia các đại chủng ra thành nhiều tiểu chủng. Ví dụ, đại chủng Môngôlôit
có nhiều tiểu chủng: Bắc Á, Đại Dương, Mĩ (Anhđiêng), Viễn Đông, Nam Á
và hai nhóm trung gian giữa xích đạo và Môngôlôit là Pôlinêdiêng và
Kurin (Nhật Bản).
Vào thập kỷ 70 (1973) nhà nhân loại học người Nga v.p. Alecxêép
đã đưa ra một hệ thống phân loại xây dựng theo quan điểm quần thể và
dựa vào tập hợp những đặc điểm hình thái - sinh lý. Trên cơ sở gắn mối
quan hệ nguồn gốc giữa các đại chủng ú c - Phi, Alecxêép chủ trương
tách đại chủng Xích đạo thành hai đại chủng riêng biệt Ôxtralôit và
Nêgrôit. Xu hướng này cũng được chính Trêbốcxarốp đề xướng năm 1971
trong cuốn Các dân tộc, các chủng tộc, các nền văn hóa (1971). v ề đặc
điểm chủng tộc, đại chủng Ôxtralôit được coi có nhiều yếu tố hình thái
trung gian giữa hai đại chủng: Nêgrôit và Môngôlôit (các đặc trưng
chủng tộc về cấu tạo của sắc tố có nhiều yếu tố Nêgrôit, tầm vóc trung
bình lại mang yếu tố Môngôlôit); trong khi đó đại chủng Môngôlôit lại có
nhiều yếu tố trung gian về cấu tạo của sắc tố giữa 2 đại chủng: ơrôpôit
và Nêgrôit.
Chúng ta có thể tổng hợp đặc điểm các hình thái để xác định 4 đại
chủng với bảng sau đây:

80
STT Đ ặc điểm Ô xtralôit N êgrôit M ôngôlôit ơ r ô p ô it

Đen hoặc
1 Màu da Đen sẫm Hơi vàng Sáng/trắng
nâu đen

Uốn làn Xoăn Thẳng, hơi Uốn làn


2 Màu và dạng tóc
sóng cứng sóng, mềm
Nếp gấp Nếp gấp Nếp gấp Nếp gấp
mí trên ít mí trên ít mi trên rõ, mi trên ít,
Màu và dạng rõ, không rõ, không có mí lót; không có
3
mắt có mí lót; có mí lót; màu mắt mi lót;
màu mắt màu mắt đen màu mắt
đen đen xanh

Sống mũi Sống mũi Sống mũi Sống mũi


tẹt; cánh tẹt; cánh trung bình; cao; cánh
4 Hình dạng mũi
mũi rộng mũi rộng cánh mũi mũi hẹp
trung bình
Trung bình Cao lớn (trừ Trung bình Cao lớn
5 Tầm vóc người Nêgrô
thấp bé)
Tương đối ít phát ít phát Phát triển,
phát triển, triển triển đặc biệt
6 Lớp lông thứ ba đặc biệt râu râu, lông
ở nam giới bụng, ngực
ờ nam giới

Môi dày, Môi dày, Môi dày Môi mỏng


7 Hình dạng môi đặc biệt đặc biệt trung bình
môi dưới môi dưới
8 Hình dạng mặt Ngắn, hẹp Hẹp Trung bình Hẹp, dài

9 Hình dạng đầu Trung bình Dài Trung bình Dài

3.6. MÓI QUAN HỆ GIỮA CHỦNG T ộ c , DÂN TỘC VÀ VĂN HÓA


Mổi quan hệ giữa chửng, dân tộc và văn hóa là một vấn đề hết sức
phức tạp nó không chỉ là vấn đề khoa học mà còn là vấn đề chính trị - xã

81
hội. Thuyết chủng tộc/ phân biệt chủng tộc làm cơ sờ cho sự ra đời chủ
nghĩa phân biệt chủng tộc cho rằng, chủng tộc quy định văn hóa và trình
độ văn minh của các dân tộc. Lịch sử phát triển của xã hội loài người chỉ ra
ràng, từ khi có sự phân chia giai cấp thì cũng có mầm mống phân biệt
chủng tộc; nhưng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đặc biệt hình thành và mở
rộng ở Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban nha, Mĩ,... từ thế kỷ XVIII, XIX.
Ở Anh, năm 1879 Lorenxơ cho ràng người da đen gần gũi với loài
vượn hơn cư dân thuộc các chủng tộc khác. Ở Pháp, Gobinea xuất bản
cuốn Bàn về sự bất bình đẳng của các chủng tộc, năm 1853; trong đó
ông tìm mọi cách chứng minh người da trắng/ người Arian là chủng tộc
thượng đẳng. Ở Đức, thuyết chủng tộc phát triển sâu rộng; từ năm 1786,
thuyết này được đưa vào giảng dạy trong các trường đại học. Giáo sư y
học J.F. Blumenbach đã lập luận một quan điểm sai trái, khi cho rằng,
chủng tộc cổ xưa đáng trọng nhất là chủng tộc da trắng sinh ra ở xứ ôn
đới. Những chủng tộc khác ngày càng bị thoái hóa. Theo đó, ông đưa ra
chuẩn văn hóa: châu Âu là trung tâm của văn minh, còn lại chi là man rợ.
Chính thuyết này đã làm cơ sở lý luận cho Đức Quốc xã gây ra chiến
tranh có tính chất hủy diệt loài người sau này. Chủ nghĩa phát xít Đức
chia ra hai chủng tộc: Thượng đẳng và hạ đẳng. Theo đó, người hạ đẳng
không có đủ điều kiện phát triển đất nước, sinh ra là làm nô lệ. Ở Mỹ,
thuyết chủng tộc cũng nhanh chóng phát sinh và mở rộng, để phục vụ
cho sự thống trị của tập đoàn tư bản lũng đoạn, thống trị nhân dân trong
nước, nhất là thổ dân Anhđiêng và những người da đen gốc Phi105.
Thuyết phân biệt chủng tộc còn được thể hiện ở chủ nghĩa Xion
(xionism). Chủ nghĩa này cho rằng, người Do Thái được Chúa ban cho
thiên bẩm là chủng tộc thượng đẳng để nô dịch các dân tộc khác, mà cụ
thể là cộng đồng người Ả Rập, người Paletxtin...
Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong một thời gian dài còn được
CNTB tuyên truyền ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Đại Dương, như
chủ nghĩa Apacthai ở Nam Phi,... nhằm nô dịch những dân tộc da màu,
kìm hãm sự phát triển của họ.

105 Phan Hữu Dật, 1973, tr. 141-142; ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 63-64; Lê Sĩ Giáo (Cb),
2000, tr.66-67.

82
Theo thuyết chủng tộc, người da trắng/ ơrôpôit phân bố ở châu Âu
là chủng tộc thượng đẳng, là chủng tộc sáng tạo văn hóa, văn minh, có trí
tuệ cao, trình độ phát triển xã hội cao; còn các chủng tộc da màu thuộc
chủng tộc hạ đẳng bị xem là người hèn kém về cả mặt sinh học và xã hội,
không có khả năng sáng tạo văn hóa, văn minh, cần phải có sự khai hóa
của chủng tộc thượng đẳng và phải lệ thuộc vào họ mới tồn tại và phát
triển được. Vì vậy, các dân tộc thuộc chủng tộc da màu chỉ tiếp thu vay
mượn văn hóa và làm nô lệ tôi tớ cho chủng tộc thượng đẳng. Thuyết
phân biệt chủng tộc lợi dụng sự khác nhau về đặc điểm sinh lý học hình
thái giữa các dân tộc trên thế giới, cho rằng, sự phân chia các chủng tộc
thượng đẳng và hạ đẳng là do thiên bẩm/ gốc gác nguyên thủy, là ý
nguyện của thượng đế và theo đó đặc trưng chủng tộc (race) mang tính
sinh học/ mang quy luật tự nhiên/ gen di truyền được đồng nhất với dân
tộc và văn hóa mang bản chất xã hội: Chủng tộc quy định văn hóa và văn
minh của các dân tộc.
Những người theo thuyết phân biệt chủng tộc đã phớt lờ các nền văn
minh cổ đại ở phương Đông, như Ấn Độ, Trung Quốc, Ai Cập, Lưỡng Hà
của các dân tộc da màu và nhiều nền văn hóa, văn minh khác của các dân
tộc da đen, da đỏ đã có những đóng góp lớn đối với văn hóa và văn minh
của nhân loại. Và ừong khi các nền văn minh ở phương Đông tỏa sáng rực
rỡ thì người châu Âu vẫn còn lạc hậu.
Vì vậy, luận điểm của thuyết phân biệt chủng tộc từ lâu đã bị phê
phán vừa phản khoa học, vừa phản động về phương diện chính trị. Nhà
nhân học người Pháp Lévi - Strauss, cha đẻ của thuyết cấu trúc luận đã
phê phán thuyết chủng tộc: “...chằng có gì cho phép khẳng định sự vượt
trội hoặc sự thua kém về trí tuệ của một chủng tộc này đối với một chủng
tộc khác 106 ông cũng cực lực phê phán Gobineau, người mà lịch sử đã
coi như cha đẻ của lý thuyết chủng tộc chủ nghĩa là lẫn lộn khái niệm
thuần túy sinh học về chủng tộc với những sản phẩm xã hội học và tâm lý
học của những nền văn hóa con người khác nhau; và nên nhớ rằng, ứên
thế giới, dân tộc, các nền văn hóa có tới hàng nghìn, còn chủng tộc chỉ có
vài đơn vị; và những đặc điểm chủng tộc của các thổ dân châu Phi hay

106 Lévi-Strauss, 1996, tr. 8.

83
châu Mỹ là do những hoàn cảnh địa lý và xã hội, mà không phải do
những khả năng khác nhau gắn liền với cấu tạo thân thể hay tâm lý của
những người da đen, da vàng hay da trắng mà có107.
Chúng ta biết rằng, loài người sinh ra từ một loài vượn nhưng do
quá trình cư trú thiên di đến những châu lục khác nhau, do môi trường
sống mà các đặc trưng cấu trúc sinh học hình thái bên ngoài/ chủng tộc
dần được hình thành từ thời hậu kỳ đá cũ. Vì vậy, chủng tộc hình thành
và tồn tại chủ yếu dựa vào quy luật tự nhiên trên phương diện sinh học.
Đó chỉ là sự khác nhau của một số đặc điểm về cấu trúc sinh học bên
ngoài như màu da, màu tóc, màu mắt,... do ảnh hường điều kiện tự nhiên
trong buổi đầu sơ khai của loài người. Còn cấu trúc sinh học bên trong
của con người như hệ tuần hoàn, hệ bài tiết, bộ não,... là thống nhất. Vì
vậy, hoàn toàn vô căn cứ để nói rằng, chủng tộc quy định trình độ văn
hóa, văn minh của các dân tộc.
Hơn thế nữa, văn hóa và dân tộc đều vận động theo quy luật xã hội;
văn hóa là vận động theo quy luật thích ứng và thích nghi /thích ứng với
trình độ phát triển xã hội nhất định và thích nghi của một cộng đồng dân
cư với môi trường sống. Còn dân tộc được xét đến là một cộng đồng xã
hội rộng lớn/ bao gồm cộng đồng tộc người hoặc cộng đồng dân tộc quốc
gia mang các đặc trưng về cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng ngôn ngữ,
cộng đồng văn hóa, cộng đồng kinh tế.
Vì vậy, hoàn toàn không có cơ sở khoa học khi cho rằng chủng
tộc/ yếu tố chi phối bởi quy luật tự nhiên, quy luật sinh học lại quyết
định/ chi phối đến dân tộc và văn hóa/ các hiện tượng xã hội được chi
phối bởi các quy luật xã hội.
Tuy nhiên, thế giới đang tồn tại một hiện tượng mà Lévi - Strauss
đã từng nhấn mạnh sự cần thiết phải giải thích rằng, nền văn minh do
người da trắng phát triển đã đạt được những bước tiến vô cùng lớn, ừong
khi đó những nền văn minh của cư dân da màu lại lạc hậu, “số này dừng
lại nửa đường, sổ kia thì bị lạc hậu tới hàng nghìn hay hàng chục
nghìn nam

107 Lévi-Strauss,1996, tr.9-11.


108 Lévi-Strauss, 1966» tr. 12.

84
Ở đây, chúng ta đều biết, giữa chủng tộc, dân tộc và văn hóa đều có
một mẫu số chung là ảnh hưởng/ tác động bời điều kiện tự nhiên. Tuy
nhiên, tác động của tự nhiên đến chủng tộc, dân tộc và văn hóa có sự
khác nhau: với chủng tộc điều kiện tự nhiên là quyết định, với văn hóa
điều kiện tự nhiên là thích nghi/ dấu ấn, với dân tộc điều kiện tự nhiên là
chung lãnh thổ. Vì vậy, tồn tại một thực tế là dân tộc da trắng (các dân
tộc thuộc chủng tộc ơrôpôit ở trong vùng văn hóa gốc du mục với xu
hướng phát triển công thương, có lối tư duy tuyến tính/ đường thẳng, tư
duy phân tích, lối sống trọng lý, trọng hệ quả công việc, thích mạo hiểm,
tìm tòi, khám phá, đề cao năng lực cá nhân,... nên khoa học kỹ thuật sớm
phát triển, nền văn minh theo đó được hình thành và phát triển sớm, xã
hội nhanh chóng phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong lúc đó, các dân tộc da màu như châu Phi, châu Á, châu Mĩ,
châu Đại Dương sống trong môi trường nhiệt đới, văn hóa gốc nông
nghiệp với lối tư duy cầu tính, trọng tâm, trọng hòa hiếu, trọng tự nhiên
nên văn hóa thiên về thích nghi với tự nhiên, với làng xóm, với nông
nghiệp, với ruộng vườn, với rừng núi nên trình độ văn minh, trình độ
phát triển xã hội chậm chạp, thấp kém. Vì vậy, khi người châu Âu da
trắng thế kỷ XV - XVI đã bước vào thời kỳ phục hưng, mở đầu cho các
cuộc cách mạng tư sản, văn minh công nghiệp bao trùm cả châu Âu thì
các dân tộc ở châu Á, châu Phi, châu Mĩ, châu Đại Dương vẫn còn tồn tại
trong trình độ phát triển xã hội thấp thời trung cổ, thậm chí các dân tộc
thiểu số sống ở vùng rừng núi như người Anhđiêng, thổ dân châu Đại Dương,
các tộc người ở châu Phi, châu Á còn sống trong xã hội hoang sơ của công
xã nguyên thủy.
Rõ ràng, do môi trường sống, điều kiện tự nhiên đã chi phối đến
văn hóa, văn minh, trình độ phát triển xã hội của các dân tộc trên thế
giới. Nhưng thay vì nói đến yếu tố tự nhiên chi phối cấu trúc văn hóa,
trình độ phát triển xã hội của các dân tộc ngoài châu Âu, thuyết chủng
tộc cho rằng, chủng tộc quy định đặc trưng văn hóa và trình độ phát triển
xã hội của các dân tộc trên thế giới. Theo đó, chủng tộc da trắng quyết
định đến văn hóa và trình độ phát triển văn minh, còn chủng tộc da màu
không có khả năng sáng tạo văn hóa và trình độ văn minh thấp kém là
hoàn toàn phản khoa học và phản động về phương diện chính trị.
85
3.7. VÁN ĐÈ CHỦNG T ộ c Ở VIỆT NAM
Việt Nam là một quốc gia gồm nhiều dân tộc với đại bộ phận là dân tộc
Kinh và hơn 50 dân tộc thiểu số khác sống rải rác từ Lạng Sơn tới Cà Mau.
Dân tộc Kinh sống trên khắp lãnh thổ đất nước, tập trung chủ yếu ở các
vùng đồng bằng và đô thị, còn các dân tộc thiểu số sống tập trung chủ
yếu ở trung du, miền núi và các cao nguyên.
Các dân tộc ở nước ta về đặc trưng chủng tộc đều thuộc tiểu chủng
Môngôlôít phương Nam có nguồn gốc thuộc nhóm loại hình chủng tộc
Anhđônêdiêng (Indonesien). Loại hình chủng tộc này được hình thành do
quá trình hỗn chủng diễn ra giữa đại chủng Môngôlôit với Ôxtralôit từ
thời đồ đá giữa (khoảng 10.000 năm trước đây) để hình thành nhóm loại
hình chủng tộc Anhđônêdiêng trên vùng rộng lớn, bao gồm Đông Dương
đến phía bắc sông Dương Tử và phía tây đến Ấn Độ, phía nam đến các
đảo của Indonesia, phía đông đến Philippines109. Hà Văn Tấn trên cơ sở
nghiên cứu cốt sọ người Anhđônêdiêng (Indonesien) thời cổ, đã kết luận:
“Những xương sọ thời đại nguyên thủy phát hiện trên đất Việt Nam mà các học
giả Pháp coi là thuộc giống Anhđônêdiêng chính là thuộc chùng tộc Môngôlôít
phương Nam, hình thành do sự hỗn chủng giữa đại chủng Môngôlôít và
đại chủng Ôxtralô-Nêgrôif,[ 10. Loại hình chủng tộc Anhđônêdiêng được coi
là nhóm loại hình chủng tộc cổ nhất ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam
Á nói chung. Người Anhđônêdiêng có nước da ngăm đen, tóc quăn gợn
sóng, tầm vóc thấp111. Đến thời hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí (khoảng
5.000 năm trước đây), tại khu vực Bắc Việt Nam đến sông Dương Tử
(Trung Quốc) đã diễn ra quá trình Môngôlôít hóa Anhđônêdiêng để hình
thành nhóm loại hình chủng tộc Nam Á, bao gồm các dân tộc mà thư tịch
cổ gọi là Bách Việt, bao gồm Điền Việt, Mân Việt, Lạc Việt...

109 Lê Sĩ Giáo (Cb), 2000, tr.65.


110 Hà Văn Tấn, 1953.tr. 198.
111 Theo Phan Hữu Dật, 1973, ứ. 166 và Lê Sĩ Giáo (Cb), 2000, tr. 63: Ờ Đông Nam Á
hải đảo như Philippines và Indonesia còn có các nhóm loại hình chùng tộc Nêgritô hay
Mêlanêdiêng (tóc xoăn) và Vêđôit (tóc sóng), nhưng số lượng ít.

86
Như vậy, ở Việt Nam, các dân tộc chia thành hai nhóm loại hình
chìng tộc thuộc tiểu chủng Môngôlôít phương Nam: loại hình Nam Á
(Aistroasiatique) và loại hình Anhđônêdiêng (Indonesien).
Loại hình Nam Á bao gồm người Kinh, Thái, Tày, Nùng, Khơme
và nột số dân tộc ít người khác có nhiều đặc điểm chủng tộc Môngôlôit
phiơng Nam; loại hình Anhđônêdiêng là các tộc người có nhiều đặc
điển Ôxtralôit, như các tộc người thuộc ngữ hệ Nam Đảo/ Ê Đê, Gia Rai,
Raglai, Chu Ru, Chàm và một số dân tộc ít người khác có nhiều đặc điểm
chủìg tộc Ôxtralôit.
Đối với loại hình Nam Á các yếu tố chủng tộc nghiêng về Môngôlôit
phirmg Nam. Đặc điểm của loại hình này là da sáng, hơi vàng, tóc đen,
thẳrg và cứng, tầm vóc trung bình hoặc hơi thấp, chiều cao khoảng l,60m ở
nan giới và l,50m ở nữ giới, đầu tròn hoặc ngắn trung bình, mặt rộng trung
bìnì và mũi rộng trung bình, môi dày trung bình...
Loại hình Anhđônêdiêng có đặc điểm chủng tộc chủ yếu là: người
tầm thước, da ngăm ngăm đen, tóc uốn làn sóng hoặc quăn, đầu dài, môi
dầy, hàm trên vẩu, mũi rộng...
Tóm lại, các dân tộc ở nước ta cũng như các dân tộc trong khu vực
Đôig Nam Á về cơ bản đồng nhất về nhân chủng: Đều thuộc nhóm loại
hìnì Anhđônêdiêng và Nam Á của tiểu chủng Môngôlôit phương Nam.
Tổng kết chương
1. Bản chất của chủng tộc: Chủng tộc là một quần thể người rộng
lớn mang những đặc trưng di truyền về cấu trúc sinh lý học hình thái, mà
ngiồn gốc và quá trình hình thành của chúng gắn với một vùng địa vực
nhá định, trong buổi đầu sơ khai của loài người.
2. Thời gian hình thành chủng tộc: Chủng tộc hình thành vào thời kỳ
sơ thai của loài người, gắn với thời kỳ tiến hóa từ những bầy vượn người
đến con người hiện đại Homosapiens, cách ngày nay khoảng trên dưới 10 vạn
nàn. Với sự ra đời của con người hiện đại Homo Sapiens, quá trình hình
thàih con người đã kết thúc. Thời kỳ hình thành con người hiện đại cũng là
thờ kỳ hình thành các chủng tộc lớn.

87
3. Không gian hình thành chủng tộc: Không gian hình thành chủng
tộc có mối quan hệ mật thiết với không gian hình thành loài người. Theo
đó, hiện nay tồn tại 3 luận thuyết về không gian hình thành các chủng tộc
gắn với quá trình tiến hóa lên con người hiện đại Homosapiens: Thuyết
Một trung tâm, thuyết Hai trung tâm, thuyết Nhiều trung tâm.
4. Nguyên nhân hình thành các chủng tộc trên thế giới: về cơ bản
các học giả tương đối thống nhất về nguyên nhân hình thành các chủng
tộc trên thế giới. Theo đó, có ba nguyên nhân chính là môi trường sinh sống,
lai tạo và sống biệt lập. Trong đó, môi trường là nguyên nhân quyết định.
5. Đặc điểm các chủng tộc trên thế giới: Khi nêu lên các đặc điểm
để xác định chủng tộc, các nhà khoa học thường đưa ra các đặc trưng
hình thái bên ngoài cơ thể, như màu da, màu mắt, màu tóc, lóp lông thứ
ba, sự biểu hiện của hình dạng cơ thể, đầu, mặt... Các đặc điểm hình thái
đó tham gia vào việc xác định 4 chủng tộc trên thế giới: Chủng tộc
Nêgrôít, chủng tộc Ồxtralôit, chủng tộc ơrôpêôit, chủng tộc Môngôlôit.
6. Mối quan hệ giữa chủng tộc, dân tộc và văn hóa: Thuyết chủng
tộc/ phân biệt chủng tộc đã làm cơ sở cho sự ra đòi chủ nghĩa phân biệt
chủng tộc cho rằng, chủng tộc quy định văn hóa và trình độ văn minh của
các dần tộc. Luận điểm đó hoàn toàn phản khoa học và phản động về
phương diện chính trị, vì rằng, văn hóa và dân tộc đều vận động theo quy
luật xã hội; văn hóa là vận động theo quy luật thích ứng với trình độ phát
triển xã hội nhất định và sự thích nghi của một cộng đồng dân cư với môi
trường sống. Còn dân tộc được xét đến là một cộng đồng xã hội, bao gồm
cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng ngôn ngữ, cộng đồng văn hóa, cộng đồng
kinh tế.
7. Vấn đề chùng tộc ờ Việt Nam: Các dân tộc ở nước ta về đặc
trưng chủng tộc đều thuộc tiểu chủng Môngôlôít phương Nam với gốc
nhóm loại hình chủng tộc Anhđônêdiêng và loại hình Nam Á.

88
Tài liêu

tham khảo

1. Phan Hữu Dật (1973), Dân tộc học, Nxb ĐH&THCN, H.


2. ĐHQGTPHCM (2008), Nhân học đại cương, Nxb ĐHQGTPHCM.
3. Nguyễn Đình Khoa (1976), Các dân tộc ở miền Bắc Việt Nam
(dẫn liệu nhân chủng học), Nxb KHXH, H.
4. Lê Sĩ Giáo (Cb)(2000), Dân tộc học đại cương, Nxb GD, H.
5. Hà Văn Tấn (1963), về vấn đề người Inãônêdiêng và loại hình
Inđônêdiêng trong thời đại nguyên thủy ở Việt Nam, T h ôn g báo Sử học,
Tập I, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tr. 198.
6. Lévi - Strauss (1996), Chủng tộc và lịch sử, Hội Khoa học Lịch
sử Việt Nam XB, H, (Huyền Trang dịch).

Hình 1. Các chủng tộc trên thế giói


[Nguồn: http://pinstake.com/nguon-tham-khao-buzzfeed-coloribus]

89
■ **" "**'♦•* ‘?|r ị :..- ’ -" ..X,.'„;.,.vl ■1 ^2 2 E
1
-* #
^ BLACKS,C0L0URE0S m
I 'T ^ ■ e ASIANS 1
M........ ;, ABANTSUNDU,KLEURLINGeI
1 EN ASiÈRS M


■•■•:ttp l M-íg**fc - ị. «,.V

•í
: 'í v r ỉ s ế iSịậffỉ
É
c * s fr M rỉ* ■«.^-*'
V*

>>Ị '

Ui
ui.
•■:j i■

Hình 2. Ảnh chụp 1986: Nhà vệ sinh dành cho “Ngưòi da đen,
da màu và gốc Á”
[Nguồn: http://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-hinh-anh-ke-lai-thoi-
ky-kinh-hoang-cua-chu-nghia-phan-biet-chung-toc-143 6433 513 .htm]

90
Hình 3. Ảnh chụp 1986: Bãi biển này chỉ dành cho ngưòi da trắng
[Nguồn: http://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-hinh-anh-ke-lai-thoi-ky-kinh-
hoang-cua-chu-nghia-phan-biet-chung-toc-1436433513 .htm]

(bãi biển ở vịnh Victoria, tỉnh Western Cape, Nam Phi)


[Nguồn: http://dantri.com.vn/van-hoa/nhung-hinh-anh-ke-lai-thoi-
ky-kinh-hoang-cua-chu-nghia-phan-biet-chung-toc-143 643 3 513 .htm]

91
Chương 4

T ộ c NGƯỜI

4.1. KHÁI NIỆM


Tộc người “Ethnos” bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ Hy Lạp là Ethnic
cho đến hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh và cách hiểu về
nó qua các thòi kỳ lịch sử cũng khác nhau. Vào thời cổ đại tộc người có
nghĩa là bầy, đàn, thị tộc, nhóm, nhân dân... Đến các thời kỳ sau, tộc
người được hiểu như bộ lạc ngoài Hy Lạp hay con người. Vào thế kỷ XIX,
tộc người được sử dụng như là dân tộc (nation), chủng tộc (race), thị tộc
(clan) và giữa thế kỷ XX, tộc người được hiểu là các dân tộc trên thế giới.
Sau đây là một số định nghĩa về tộc người của các học giả Xô Viết:
- Tôcarép: Cộng đồng tộc người là một cộng đồng dựa trên một
hoặc một số loại quan hệ xã sau đây: Cộng đồng nguồn gốc, cộng đồng
ngôn ngữ, cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng thành phần quốc gia, cộng
đồng các quan hệ kinh tế, sinh hoạt, sinh hoạt văn hoá và vãn hoá, cộng
đồng tôn giảo (nếu cộng đồng này còn được giữ /ạ/)112.
- Trêbôcsarốp: Bất cứ một cộng đồng nào hình thành trên một lãnh
thổ nhất định, giữa những người có moi quan hệ thực tế về kinh tế, xã hội
và nói tiếng nói có thể hiếu nhau, thường thường vẫn bảo lưu được đặc
điểm văn hoá trong cả quá trình tồn tại của mình và câng nhận mình
thuộc về nhóm xã hội riêng thì gọi là cộng đồng tộc người1'3.
- Kozlov: Cộng đồng tộc người là một tổ chức xã hội hình thành
trên một lãnh tho nhất định, có sự tương đồng ve mặt ngôn ngữ, đặc điểm
chung về văn hóa, các giá trị xã hội. Đặc điếm cơ bản của một tộc người
là ỷ thức tự giác tộc người, tên gọi riêng, ngôn ngữ, cùng lãnh thổ riêng
và những đặc điểm cụ thể của đặc trưng tâm lý114.

112 Tôkarép. S.A. 1964, vấn đề hình thái học cùa các cộng đồng tộc người, Voprosy
Philosophy 11.
113 Trêbôcsarốp. N.N. 1964, về nguồn gốc cùa các dân tộc cố xưa và đương đại, Nxb
Khoa học, Matxcơva.
114 KozIov. V.L. 1967, v ề khái niệm cộng đồng tộc người, Sovetskaiya etnografia, 2.

92
v ề khái niệm tộc người và cộng đồng người hiện nay, các học giả
phân biệt:
- Thuật ngữ tộc người theo nghĩa hẹp tức là để chỉ các hiện tượng
thuần tuý tộc người. Đó là một cộng đồng người hình thành trong lịch sử
có những đặc điểm văn hoá (bao gồm cả ngôn ngữ) chung tương đối ổn
định và một số đặc điểm tâm lý tương ứng, và cũng có cả ý thức về sự
thống nhất của mình và ý thức về sự khác biệt giữa mình so với các tập
đoàn người tương tự khác. Tộc người có thể coi là đơn vị cơ sở để phân
loại các quần thể người. Còn cộng đồng tộc người là sử dụng khái niệm
tộc người theo nghĩa rộng, dùng để chỉ tất cả hệ thống tộc người, hay nói
cách khác thuật ngữ đó là hình thức cơ bản của sự cộng sinh giữa kết cấu
tộc người và kết cấu xã hội, có nghĩa là cơ cấu tộc người - xã hội.
- Khái niệm cộng đồng tộc người rộng hơn khái niệm tộc người
(Ethnos), bởi vì nó có thể dùng để gọi một nhóm các tộc người gần gũi nhau
về ngôn ngữ, văn hoá, xã hội (như cộng đồng Việt - Mường, Tày -Thái,...) và
cũng như có thể gọi những bộ phận của một tộc người có nét đặc sắc riêng về
văn hoá, ngôn ngữ (ví dụ, cộng đồng người Việt ở nước ngoài).
- Cũng có thể hiểu cộng đồng tộc người là kết cấu xã hội chính trị
cùa tộc người, theo đó các thị tộc, bộ lạc là những cộng đồng tộc người
trong xã hội công xã nguyên thủy, các bộ tộc là những cộng đồng tộc
người trong xã hội chiếm hữu nô lệ và phong kiến, các dân tộc là những
cộng đồng tộc người trong xã hội TBCN và XHCN.
Tóm lại, tộc người là một cộng đồng người rộng lớn, được hình
thành trong lịch sử, ở cộng đồng đó có cùng chung những đặc điểm về
cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng ngôn ngữ, cộng đồng văn hóa, cộng đồng
tâm lý, cộng đồng kinh tế, có chung nguồn gốc, có chung chế độ nội hôn...
Còn cộng đồng tộc người là một khái niệm được hiểu với 2 nội
hàm: Thứ nhất là những cấp độ tộc người rộng lớn; trong đó tộc người là
hạt nhân, trên tộc người là cộng đồng tộc người, dưới tộc người là các
nhóm địa phương. Thứ hai là sự cộng sinh giữa tộc người và kết cấu
chính trị xã hội trong lịch sử; theo đó thời kỳ CXNT có cộng đồng thị
tộc, bộ lạc, thời CHNL và PK là bộ tộc, thòi TBCN và XHCN là dân tộc.

93
4.2. MỘT SÓ QUAN ĐIẺM CỦA DÂN T ộ c HỌC VÀ NHÂN HỌC
VÈ CÁC ĐẶC TRƯNG CỦA T ộ c NGƯỜI (CÁC TIÊU CHÍ ĐẺ
XÁC ĐỊNH THÀNH PHÀN T ộ c NGƯỜI)
4.2.1. Quan điểm của dân tộc học và nhân học Xô Viết
- Cùng cư trú trên một lãnh thổ nhất định: Lãnh thổ tộc người như
một điều kiện vật chất, cơ bản để hình thành các cộng đồng tộc người.
Điều kiện tự nhiên của vùng lãnh thổ quyết định nhiều đặc điểm đời sống
con người. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều dân tộc như Do Thái, Digan,...
cư trú ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, quốc gia khác nhau thậm chí rất
xa nhau nhưng vẫn là những dân tộc riêng.
- Cùng nói một ngôn ngữ: Nghĩa là mỗi dân tộc đều có tiếng nói
riêng của mình. Có thể nói, cộng đồng ít bị phân hoá hơn cả là một cộng
đồng về ngôn ngữ. Ngôn ngữ không chỉ đơn thuần là một phương tiện để
giao tiếp mà còn là một phương tiện để phát triển các hình thái quan
trọng nhất đối với đòi sống văn hoá, nhất là đời sống văn hóa tinh thần.
Chỉ có ngôn ngữ mẹ đẻ được tiếp nhận từ tuổi ấu thơ mới có thể giúp họ
hiểu biết được những sắc thái tinh vi nhất của đời sống tinh thần, mới cho
phép họ hiểu nhau một cách thấu đáo. Ngôn ngữ liên quan mật thiết đến
bản tính tộc người.
Vì vậy, trong tất cả các đặc trưng tộc người thì ngôn ngữ là một
trong những tiêu chí quan trọng nhất, song nó không phải là tiêu chí duy
nhất, bởi hiện nay trên thế giới có những dân tộc nói hai, ba thứ tiếng và
ngược lại, nhiều dân tộc lại chỉ nói cùng một thứ tiếng.
- Có chung các đặc điểm văn hoá: Đây là một tiêu chí rất quan
trọng trong công tác xác định thành phần tộc nguời. Văn hoá là hệ các
giá trị mà mỗi dân tộc xây dựng nên trong quá trình phát triển lịch sử của
mình được truyền từ đời này qua đời khác. Vì vậy, cho đến nay mỗi dân
tộc đều có những sắc thái riêng biểu hiện trong văn hoá vật thể và phi vật
thể. Có thể có những dân tộc cùng sống trên một phạm vi lãnh thổ với
nhau, cùng có chung một cơ sờ kinh tế và có cùng một ngôn ngữ nhưng
không có và không thể có hai dân tộc có một nền văn hoá hoàn toàn
giống nhau. Nếu một dân tộc đã để mất đặc trưng văn hoá của mình thì

94
nó không còn là một cộng đồng người riêng biệt nữa115. Nhưng văn hoá
lại bao gồm những nội dung rất rộng, do vậy khi vận dụng vào việc xác
định thành phần dân tộc phải lưu ý về những đặc điểm đặc thù của từng
dân tộc.
- Có cùng ý thức dân tộc hay tự giác dân tộc: Đây là tiêu chí cực kỳ
quan trọng, suy cho cùng lại là cái quyết định để xác định thành phần dân
tộc. Nhà nhân học Bromley là người có đóng góp lớn trong việc cụ thể
hóa tiêu chí này. Theo ông, ý thức tự giác tộc người không chỉ bao hàm
niềm tin về một cội nguồn mà còn là tập hợp những giá trị đặc thù, đặc
trưng cùa các thành viên trong tộc người đối với những đặc điểm văn hóa
của không những bản thân cộng đồng mình mà còn cả đối với các tộc
người khác116. Nó được xuất hiện khi những con người ở trong cộng
đồng sử dụng một tộc danh thống nhất, một tên gọi nhất định, tên gọi đó
được mọi người thuộc tộc người ấy biết rất rõ. Nó cũng là kết quả của sự
tác động lẫn nhau của các yếu tố cơ bản hình thành nên cộng đồng tộc
người. Ý thức dân tộc có tính độc lập cao, dù cho khi lãnh thổ bị ngăn
cách, văn hoá bị đứt gãy, thậm chỉ cả đến ngôn ngữ mẹ đẻ cũng bị mất
mát, thì ý thức tự giác tộc người vẫn được duy trì.
Với bốn tiêu chí trên, các nhà khoa học Xô Viết đều thống nhất để
xác định thành phần dân tộc ở Liên Xô trước đây, dù vậy cũng còn có
những ý kiến đề xuất thêm một số tiêu chí khác, như:
- Kinh tế: Đây được coi như một dấu hiệu chủ yếu của dân tộc.
Theo quan điểm này, có tác giả cho rằng nên đưa kinh tế trờ thành một
tiêu chí xác định dân tộc để thấy rõ mối quan hệ giữa kinh tế và dân tộc.
Nhưng có một số ý kiến bác bỏ, kinh tế rõ ràng là điều kiện cần thiết để
tồn tại và phát huy các hình thái cộng đồng tộc người, nhưng không đặc
trưng cho tính đặc thù của tộc người. Cộng đồng kinh tế và cộng đồng
tộc người thường không trùng nhau, cộng đồng kinh tế xuất hiện trước
hết thông qua cộng đồng lãnh thổ kết hợp với cộng đồng quốc gia. Khi sự

1ISTrêbôcxarốp, 1964, về nguồn gốc cùa các dân tộc cổ xưa và đương đại, Nxb Khoa
học, Matxcơva, tr 36.
U6Bromley, 1973, Dân tộc và dân tộc học, Nxb Khoa học, Matxcơva. tr. 34.

95
liên hệ về lãnh thổ bị phá vỡ, mối liên hệ kinh tế giữa các cộng đồng
cũng theo đó bị suy thoái.
- Tâm lý: Đây cũng là một trong những dấu hiệu được một số
người đề cập đến. Trong cuốn Tộc người và dân tộcu l, Bromley đã phản
đối sự phủ nhận những sự khác nhau về tâm lý giữa các tộc người và
phản đối việc giải thích sơ sài hoặc tuyệt đối hóa những khác nhau về
tâm lý giữa các cá nhân trong một tộc người, ống có đầy đủ cơ sở để cho
rằng, những đặc thù tương đối cố kết của tâm lý là vốn có của mọi cộng
đồng tộc người và chúng tồn tại trong bất kỳ hình thái xã hội nào.
- Một dấu hiệu khác được đề cập đến trong lĩnh vực này là nội tộc
hôn. Bromley118 kiến nghị phải coi tộc người như là một cộng đồng ưu
thế về sự kìm giữ quan hệ nội tộc hôn trong phạm vi của nó, phải đưa nội
tộc hôn thành một trong số các dấu hiệu tộc người quan trọng. Nhưng có
một số người khác lại phản đối, trong đó có Kozlov119. ông này cho
rằng, nội tộc hôn có ý nghĩa to lớn đối với tộc người, đảm bảo cho việc
tái sản xuất dân cư, tồn tại khá bền vững, nhưng nó chỉ là một điều kiện
tộc người, chứ không phải là dấu hiệu của tộc người.
Các nhà dân tộc học Liên Xô còn phê phán quan điểm đưa yếu tổ
tôn giáo và nhân chủng học vào xác định thành phần tộc người. Thực tế
là tôn giáo đã từng đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành
một số các dân tộc hiện đại, như ở châu Âu sự phân biệt về tôn giáo có
ảnh hường quyết định đối với việc xác định tộc người. Tuy nhiên, theo
thời gian, tôn giáo đã mất đi ý nghĩa của nó. Còn về nhân chủng, các nhà
khoa học Xô Viết cho rằng, sự hình thành các dân tộc mang tính xã hội,
không có tính sinh học. Các cộng đồng dân tộc không ăn khớp với các
cộng đồng chủng tộc.

117 Bromley, 1973, về nguồn gốc cùa các dân tộc cổ xưa và đương đại, Nxb Khoa
học, Matxcơva, tr. 29.
11 Bromley, 1973, về nguồn gốc cùa các dán tộc cổ xưa và đương đại, Nxb Khoa
học, Matxcơva, tr. 21.
119 Kozlov, 1967, v ề khái niệm cộng đồng tộc người, TC DTHXô Viết, số 2 tr.28-29.

96
4.2.2. Quan điểm của dân tộc học và nhân học T rung Quốc
Từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ XX các nhà khoa
học Trung Quốc đã xác định ở nước này có 56 dân tộc. Chủ yếu dựa vào
tiêu chí nguồn gốc lịch sừ của dân tộc.
Bên cạnh đó, các nhà dân tộc học và nhân học Trung Quốc còn đưa
ra các tiêu chí, như cùng chung một phong tục tập quán, cùng chung tố
chất tâm lý. Trong đó, phong tục tập quán là một trong những đặc điểm
cơ bản của việc xác định dân tộc. Theo họ, cũng cần chú trọng đến yếu tố
kinh tế dân tộc.
Vấn đề ý thức dân tộc cũng được các nhà dân tộc học và nhân học
Trung Quốc đặt ra. Nhiều người cho rằng, ý thức là một trong những đặc
trưng quan trọng của dân tộc, vừa có tính quần chúng/ dân tộc, vừa có
tính nhạy cảm. Nhiều học giả cho rằng, sự tăng cường ý thức dân tộc là
hiện tượng phổ biến trên phạm vi toàn thế giới và ngày càng phát triển.
Ý thức dân tộc học biểu hiện trên 3 mặt tác động:
- Ý thức dân tộc là tích cực: Coi ý thức là động lực của sự phát
triển. Nếu mất nó sẽ mất cả năng lực sống và dân tộc sẽ suy vong.
- Ý thức dân tộc tiêu cực: Coi ý thức dân tộc là nguyên nhân làm
gia tăng mâu thuẫn dân tộc. Trong những điều kiện đặc biệt, rất khó có
thể phân định được ranh giói giữa ý thức dân tộc và chủ nghĩa dân tộc.
Do vậy cần phải hạn chế phạm vi tác động của nó.
- Ý thức dân tộc là trung tính: cần phân tích những mặt tích cực
của ý thức dân tộc, không tuyệt đối hóa tính chất và tác động của nó. Ý
thức dân tộc và chủ nghĩa dân tộc là hai vấn đề khác nhau nhưng lại có
sự liên hệ mật thiết.
4.2.3. Quan điểm của dân tộc học và nhân học Ảu - Mỹ và Đông Nam Á
Nhìn chung, ở Âu - Mỹ, việc xác định thành phần dân tộc chủ yếu
coi trọng ý thức tự báo của người dân, họ thường chỉ phân biệt một cách
rạch ròi giữa dân bản địa và dân di cư từ nơi khác đến.
Theo các nhà nhân học Canada, có ba yếu tố để xác định tộc người:
nguồn gốc hoặc tổ tiên, chủng tộc và đặc tính riêng biệt120.

120 Nguyễn Công Thào, 2006, tr. 62.

97
Còn khái niệm tộc người trong nhân học Mỹ thường được hiểu là
một cộng đồng dân cư có những đặc điểm sau: Tương đồng về mặt sinh
học (nhóm máu, đặc điểm thể chất, chủng tộc), cùng chia sẻ các giá trị
văn hóa cơ bản, tạo ra một khu vực cùng giao tiếp và tương tác, có mối
quan hệ giữa các thành viên và được xác định bởi các cộng đồng khác121.
Các nước trong khu vực Đông Nam Á, cho đến nay không nước
nào tiến hành công việc xác định thành phần dân tộc một cách rõ ràng, cụ
thể. Cho nên khi được hỏi về thành phần các dân tộc ờ mỗi nước, thường
nhận được những câu trả lời khác nhau về dân số cũng như số lượng các
dân tộc của nước họ.
4.2.4. Quan điểm của dân tộc
• học
• và nhân học
• Việt
• Nam
Ở Việt Nam, những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, các nhà
khoa học đã tập trung bàn về các tiêu chí để xác định thành phần tộc người,
như Vương Hoàng Tuyên, Mạc Đường, Lã Văn Lô, Hoàng Thị Châu,
Nguyễn Linh122...
Từ khi Viện Dân tộc học trực thuộc ủ y ban Khoa học xã hội
Việt Nam được thành lập năm 1968 đến những năm của thập niên 70,
nhiệm vụ của Viện chủ yếu tập trung vào điều tra, nghiên cứu về thành
phần các dân tộc trong nước. Do vậy, công tác xác định thành phần dân
tộc được đẩy mạnh và thu được những kết quả nhất định. Sau những đợt
đi thực tế, Viện kết hợp ủ y ban Dân tộc Trung ương và chính quyền các
địa phương tổ chức nhiều hội thảo khoa học để lấy ý kiến của các nhà
khoa học và đại biểu của đồng bào các địa phương.

121 Nguyễn Công Thảo, 2006, tr. 60 - 61 còn dẫn ý kiến của nhà nhân học Michael
Moerman (1965, Đặc tính tộc người trong một nền văn hóa đa dạng: Người Lue là ai?
American Anthropologist, 67, pp. 1215-1230) về đặc điểm gọi là phạm trù bên trong cùa
sự nhận thúc (etnic category o f ascription) ờ các tộc người khi vàn hóa của một số tộc
nguời hoàn toàn giống nhau, nhưng họ vẫn được coi là tộc người riêng.
122 Vương Hoàng Tuyên (1962), Tập san Đoàn Kết dân tộc số 4, số 36.
Mạc Đường (1962), Tập san dân tộc học số 35.
Lã Vàn Lô (1962), Tập san dân tộc học số 36.
Hoàng Thị Châu, Nguyễn Linh (1963), Tập san dân tộc học số 38.

98
Năm 1973 tại Hà Nội, Viện Dân tộc học đã tiến hành hai cuộc hội
thào khoa học (tháng 6 và tháng 11 năm 1973). Ket quả của hai cuộc hội
thào được công bố trong tác phẩm về vẩn đề xác định thành phần các
dán tộc thiểu sổ ở miền Bắc Việt Nam 123. Ờ đây, các nhà khoa học đã
thống nhất lấy dân tộc (tộc người) làm đơn vị cơ bản trong xác định
thành phần các dân tộc và đã đi đến thống nhất lấy ba tiêu chí:
- Có chung tiếng nói (ngôn ngữ).
- Có chung những đặc điểm sinh hoạt văn hoá.
- Có ý thức tự giác, tự nhận cùng một dân tộc.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến còn băn khoăn với việc quá nhấn
mạnh đến tiêu chí ý thức tự giác dân tộc. Theo đó, do trình độ phát triển
của các dân tộc ở nước ta cũng như nhiều nước khác đang trong trạng
thái tiền tư bản chủ nghĩa, nên trong mỗi dân tộc thường còn nhiều nhóm
địa phương tự nhận là một dân tộc; điều đó dễ gây nhầm lẫn, bởi sẽ coi
nhóm đặc điểm địa phương là một dân tộc; cũng có ý kiến đề xuất tiêu
chí nguồn gốc dân tộc...
4.3. PHÂN LOẠI TỘC NGƯỜI
- Hiện nay, có hai cách phân loại tộc người: Cách phân loại dựa
trên những đặc trưng ngôn ngữ, văn hoá, lãnh thổ,... để xác định đó là
một tộc người hay cộng đồng tộc người hay nhóm điạ phương, là cách
phân loại ngang. Trong đó, tộc người có thể coi là “đơn vị cơ sở để phân
loại” trên tộc người là cộng đồng tộc người (cả cộng đồng tộc người
chính trị và cộng đồng tộc người ngữ tộc/ ngữ hệ - vĩ đom vị tộc người)
bao gồm những tộc người có quan hệ về nguồn gốc, lãnh thổ, ngôn ngữ,
dưới tộc người là những nhóm địa phương có ngôn ngữ và văn hoá căn
bản thống nhất, nhưng có những khác biệt nhất định và được coi như là
“đơn vị chia hết của một tộc người Dưới các nhóm địa phương là các
gia đình với tư cách là vi đơn vị tộc người-
- Cách phân loại dựa vào các hình thái kinh tế xã hội: Với cách
phân loại này có thể phân biệt trong lịch sử có các loại hình tộc người
sau: thị tộc, bộ lạc tương ứng với thời đại nguyên thủy, bộ tộc tương ứng

123 ủ y ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1975, Nxb KHXH, H..

99
với thời đại tiền tư bản chủ nghĩa, dân tộc (nation) tương ứng với thời đại
TBCN và XHCN.
Ở đây, vì tính phức tạp và lẫn lộn của khái niệm dân tộc (nation),
trong ngôn ngữ của ta cũng như nhiều nước khác, thường dùng theo hai
nghĩa rộng, hẹp nên khó phân biệt và dễ gây sự nhầm lẫn trong khoa học,
nhất là trong tranh luận khoa học. Ví dụ, chúng ta nói “Dãn tộc Việt Nam
là một”, nhưng lại cũng nói “Dân tộc Việt Nam gồm nhiều dân tộc Kinh,
Muờng, Thải, D ĩ nhiên, chúng ta đều hiểu, dân tộc Việt Nam là một
cộng đồng dân tộc thống nhất gồm nhiều thành phần dân tộc và Kinh,
Mường, Thái,... là những dân tộc thành viên. Nhưng đứng về mặt logic
và thuật ngữ khoa học thì tình trạng sử dụng khái niệm như vậy là chưa
ổn. Trong thảo luận có người đưa ra khái niệm “quốc gia” hay “quốc tộc”
để thay khái niệm “dân tộc” theo nghĩa cộng đồng dân tộc chính trị124.
Vì vậy, khi gọi cộng đồng tộc người hay tộc người mới nói đến
khái niệm phân chia tộc người về mặt đồng đại dựa trên các đặc trưng
thuần túy tộc người. Ở đây, chưa xác định tộc người đó thuộc cấp độ loại
hình cộng đồng tộc người nào trong lịch sử. Ví dụ, khi gọi tộc người Vân
Kiều, Chứt,... có nghĩa chưa chỉ rõ các tộc người đó thuộc loại hình bộ
tộc hay dân tộc. Nói các khác, mỗi dân tộc, bộ tộc, bộ lạc là một tộc
người, nhưng một tộc người ở vào loại hình dân tộc hay bộ tộc, bộ lạc lại
tùy thuộc vào sự phát triển của tộc người đó trong lịch sử.

4.4. CÁCKHÓI CỘNGĐỒNGTộc NGƯỜI TRONGLỊCH sử


Cho đến nay, quan điểm về khối cộng đồng tộc người đầu tiên
trong lịch sừ vẫn còn tồn tại hai ý kiến khác nhau: “Trong khi Tônxtốp
(1950) chủ trương rằng, trong lịch sử nguyên thủy của loài người có tồn
tại một thời kỳ tiền bộ lạc, khi thị tộc là hình thái tổ chức độc nhất của
con người (nghĩa là thị tộc có trước, bộ lạc có sau), thì Coxven (1951)
cho rằng thị tộc và bộ lạc bao giờ cũng tồn tại đồng thời. Một khi chúng

124 Theo chúng tôi, về mặt ngôn ngữ, nên giữ đúng ý nghĩa khác nhau có tính tương đối
của khái niệm tộc người và cộng đồng tộc người. Trong khi chưa tìm ra được một khái
niệm tốt nhất để thay cho khái niệm tộc người theo nghĩa rộng, nên giữ nguyên từ “cộng
đồng”; ví dụ, cộng đồng dân tộc Việt Nam gồm nhiều dân tộc Kinh, Tày, Thái...; cộng
đồng dân tộc Việt - Mường gồm dân tộc Việt và dân tộc Mường...

100
ta đã quan niệm rằng, đặc trưng của thị tộc là ngoại hôn, mà hai thị tộc
ngoại hôn với nhau thì thành bộ lạc sơ khai, thì có thế đồng ỷ với Coxven
rằng thị tộc và bộ lạc bao giờ cũng đồng thời tồn tại, chứ không phải thị
tộc có trước bộ lạc123”. Tuy nhiên, nếu chúng ta thừa nhận bộ lạc là sự
tập hợp các thị tộc có quan hệ nguồn gốc, thì cũng đồng nghĩa với việc
thừa nhận thị tộc (thị tộc gốc/ bào tộc) ra đời trước bộ lạc. Vì vậy, theo
chúng tôi, ý kiến của Tônxtốp về sự tồn tại thời kỳ tiền bộ lạc/ thị tộc
đáng để chúng ta quan tâm hơn. Ngoài ra, liên quan đến các tổ chức cộng
đồng tộc người thời kỳ CXNT, có ý kiến cho ràng, thị tộc chỉ là tổ chức
nhỏ hẹp, nên không coi là một cộng đồng người, mà chỉ đến bộ lạc - tổ
chức tập hợp các thị tộc có quan hệ nguồn gốc, hoặc có quan hệ hôn
nhân, mới mang tính xã hội rộng lớn và là một cộng đồng tộc người tiêu
biểu của xã hội thời nguyên thủy. Ở đây, chúng tôi nghiêng về quan điểm
rằng, tổ chức cộng đồng tộc người thời kỳ CXNT bao gồm, thị tộc mẫu
hệ, chuyển sang thị tộc phụ quyền và bộ lạc. Ở đây, cũng tồn tại ý kiến
cho rằng, không phải mọi tộc người đều chuyển đổi từ mẫu hệ lên phụ
quyền, vì rằng có những thị tộc đánh bắt cá ở vùng biển hồ, họ hình
thành phụ quyền ngay mà không có thời kỳ mẫu hệ. Tuy nhiên, điều này
chỉ thể hiện tính đa tuyến của sự phát triển xã hội và con đường không
trài qua mẫu hệ không nhiều; F. Ăngghen khi đề cập đến thị tộc Iroqua
đã viết: “người Indian sổng trên toàn đất Bắc Mỹ, đều đã tổ chức thành
thị tộc, theo chế độ mẫu quyền... Chỉ trong vài bộ lạc... thị tộc theo chế
độ phụ quyền'26”. Cũng có ý kiến cho rằng, phụ quyền cũng như tư hữu,
tôn giáo độc thần, gia đình một vợ một chồng có từ thời sơ khai, nguyên
thủy; ý kiến khác lại cho rằng, cư dân trồng trọt theo chế độ mẫu hệ và cư
dân du mục từ đầu là chế độ phụ quyền. Vì vậy, phụ quyền hay mẫu hệ
không phải lệ thuộc vào các giai đoạn lịch sừ mà lệ thuộc vào đời sống
kinh tế các dân tộc127. Thật ra, mẫu quyền hay phụ quyền có trước liên
quan đến hình thái kinh tế nào có trước quyết định. Nếu thừa nhận săn
bắn, đánh cá, hái lượm có trước trồng trọt và chăn nuôi thì vô hình trung
chúng ta thừa nhận thị tộc mẫu hệ có trước phụ quyền, vì trong các hình

125 Phan Hữu Dật, 1973, tr. 257.


126 c. Mác và F. Ăngghen, 1962, tr. 393 - 394.
127 Xem them Phan Hữu Dật, 1973, tr. 258 - 259

101
thái kinh tế đó, người phụ nữ hái lượm ổn định hơn người đàn ông săn
bắn. Rõ ràng, mẫu hệ có trước phụ quyền là do “chế độ quần hôn và do
vị trí của người đàn bà trong sản xuất kinh tế hồi bấy giờ quyết định'28”.
Như vậy, trong tiến trình lịch sử, xã hội loài người về cơ bản trải
qua các cộng đồng tộc người như sau: thị tộc mẫu hệ, thị tộc phụ quyền
và bộ lạc thời kỳ CXNT, bộ tộc thời kỳ chiếm hữu nô lệ và phong kiến,
dân tộc thời kỳ TBCN và XHCN.
- Thị tộc mẫu hệ: Tổ chức thị tộc mẫu hệ có những đặc trưng cơ
bản sau đây:
+ về thời gian hình thành: Quá trình tiến hóa từ vượn thành người
bắt đầu từ khoảng 2 - 3 triệu năm, lúc đầu là những bầy người nguyên thủy,
đến khoảng từ 10 vạn năm, khi xuất hiện con người hiện đại Homo sapies,
thị tộc ra đời. Thị tộc xuất hiện đầu tiên của xã hội loại người là thị tộc
mẫu hệ.
+ v ề kinh tế: Thị tộc mẫu hệ dựa trên các hình thái kinh tế khai
thác (hay còn gọi là kinh tế tước đoạt), bao gồm săn bắn, đánh cá, hái
lượm. Trong đó, hái lượm thuộc về người đàn bà, săn bắn thuộc về người
đàn ông, đánh cá thuộc về tất cả người đàn ông và đàn bà. Trong đó, săn
bắn thành quả bấp bênh, hái lượm thành quả ổn định hơn, nên người phụ
nữ được coi trọng hơn người đàn ông.
+ v ề chế độ sở hữu: Nếu coi CXNT có đặc trưng là công hữu về
tư liệu sản xuất, thì mẫu hệ được coi là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của
xã hội này. Vì ràng, ở thòi kỳ này, mọi đất đai, núi rừng, sông suối, của
cải làm ra đều thuộc về tất cả các thành viên thị tộc. Nghĩa là ờ chế độ
mẫu hê• chưa xuất hiên» của7 thừa, chưa xuất hiên
• chế đô• tư hữu. Moi• của
cải tìm kiếm được đều chia đều và phục vụ cho sự sống của các thành
viên thị tộc, nên chưa xuất hiện quyền theo nghĩa quyền lực. Vì vậy,
không nên sử dụng khái niệm mẫu quyền, mà chỉ gọi chế độ này là mẫu
hệ (con cái lấy theo huyết thống dòng mẹ).
+ v ề tổ chức xã hội: Đứng đầu thị tộc là tù trưởng và thủ lĩnh
quân sự, được tất cả mọi thành viên của thị tộc bầu cử hoặc bãi miễn,
Tuy vậy, “Người ta không bao giờ bầu con của tù trưởng trước làm tù

128 Phan Hữu Dật, 1973, tr. 261.

102
trưởng, Ví' rằng, do chế độ mẫu quyền,... nên người con trai là thuộc về
thị tộc khác; nhưng người ta có thể bầu và vẫn thường bầu anh em trai người
tù tĩ-ưỏng trước hoặc con trai cùa chị em gái người tù trưởng trước129”.
+ v ề hôn nhân và gia đình: Đặc điểm cơ bản về hôn nhân thời kỳ
đầu của thị tộc mẫu hệ là quần hôn ngoại tộc và về sau là hôn nhân đối
ngẫu, nghĩa là hôn nhân từng cặp, và công lao ra đời loại hình hôn nhân
này thuộc về người phụ nữ. Vì rằng, hôn nhân đối ngẫu chỉ là sự hòa họp
giữa một người đàn ông và một người đàn bà trong thời gian nhất định,
hôn nhân cư trú ở thị tộc người vợ. Người đàn ông sau một thời gian cư
trú ở thị tộc người vợ lại trờ về thị tộc mình và con cái. Vì vậy, cũng như
thòi kỳ đầu quần hôn ngoại tộc, chỉ biết đến mẹ mà không biết cha và lấy
theo huyết thống dòng mẹ; trong gia đình, người mẹ, người đàn bà cao
tuổi nhất đứng đầu...
F. Ăngghen trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu
và cùa nhà nước, đã dựa vào tài liệu của nhà nhân học Morgan về thị tộc Iroqua
ở cháu Mỹ, đưa ra 10 đặc trưng cơ bản của thị tộc mẫu hệ như sau:
1. Thị tộc bầu tù trưởng và thủ lĩnh quân sự do phổ thông đầu phiếu.
2. Thị tộc có quyền bãi miễn tù trưởng và thủ lĩnh quân sự.
3. Thị tộc ngoại hôn.
4. Tài sản của tất cả các thành viên thị tộc chết đi phải để lại cho thị tộc.
5. Những thành viên của thị tộc có bổn phận giúp đở lẫn nhau, nhất
là khi bị người ngoài thị tộc làm nhục.
6. Thị tộc cỏ tên gọi riêng.
7. Thị tộc có thể nhận những người ngoài thị tộc, kể cả tù binh làm
thành viên của mình.
8. Thị tộc có những nghi lễ tôn giáo riêng.
9. Thị tộc có nghĩa địa chung.
10. Cơ quan có quyền lực cao nhất cùa thị tộc là đại hội dân chủ của
thị tộc130.

129 c Mác và F. Ăngghen, 1962, tr. 388.


150 c Mác và F. Ăngghen, 1962, tr. 388 -393.

103
Tóm lại, thị tộc mẫu hệ là cộng đồng tộc người đầu tiên của xã hội
loài người, với đặc trưng con cái lấy theo huyết thống dòng mẹ, mọi
người đều bình đẳng về quyền lợi kể cả tù trưởng và thủ lĩnh quân sự. Đó
là một tập thể thân ái, gắn bó với nhau bởi những quan hệ máu mủ.
Tự do, bình đẳng, bác ải, tuy chưa bao giờ được nêu thành công thức,
nhưng vẫn là những nguyên tắc cơ bản của thị tộc131”.
- Thị tộc phụ quyền: Thị tộc phụ quyền có những đặc trưng cơ bản
sau đây:
+ v ề thời gian hình thành: Thị tộc phụ quyền ra đời là bước tiếp
nối thị tộc mẫu hệ tan rã, khi kinh tế khai thác/ săn bắn, đánh cá, hái
lượm, nhường chỗ cho kinh tế sản xuấư trồng trọt và chăn nuôi.
+ về kinh tế: Thị tộc phụ quyền dựa chủ yếu vào hoạt động kinh
tế sản xuất - trồng trọt và chăn nuôi. Do quá trình hái lượm, người phụ nữ
đã tìm ra quy luật cây củ quả, để từ hái lượm tùy tiện đến hái lượm theo
mùa và lên một bước cao hơn là xuất hiện nghề trồng trọt. Theo đó,
người đàn ông từ săn bắn, sau nữa là thuần dưỡng động vật để xuất hiện
nghề chăn nuôi132. Trong kinh tế sản xuất, những công việc quan trọng
đều thuộc về người đàn ông, như vỡ hoang, chặt cây, phát rẫy để trồng
trọt, thuần dưỡng động vật để chăn nuôi, còn người phụ nữ chuyển xuống
đảm trách những công việc thứ yếu trong kinh tế sản xuất.
+ v ề chế độ sờ hữu: Chế độ phụ quyền về cơ bản có đặc trưng là
công hữu về tư liệu sản xuất. Vì vậy, mọi đất đai, núi rừng, sông suối đều
thuộc về tất cả các thành viên thị tộc. Nhưng ở chế độ phụ quyền đã bắt
đầu xuất hiện của thừa, xuất hiện chiếm hữu. Lúc đầu, quyền chiếm hữu
thuộc về những người có địa vị trong xã hội, như tù ứưởng, thủ lĩnh quân
sự... v ề sau, chiếm hữu thuộc về những người đàn ông và bắt đầu xuất
hiện quyền theo nghĩa quyền lực, bất bình đẳng giữa người đàn ông và
người đàn bà cũng bắt đầu xuất hiện.
+ v ề tổ chức xã hội: Đứng đầu thị tộc là tù trưởng và thủ lĩnh
quân sự, được tất cả mọi thành viên của thị tộc bầu cử hoặc bãi miễn.

131 c. Mác và F. Ảngghen, 1962, tr. 398.


132 Trồng trọt xuất hiện trước chăn nuôi, vì khi có trồng trọt, con người có cái ăn và giữ
trử được thức ăn mới nghĩ đến thuần dưỡng con vật săn bắt được.

104
+ v ề hôn nhân và gia đình: Hôn nhân thời kỳ đầu của thị tộc phụ
quyền có đặc điểm cơ bản là đại gia đình phụ quyền/ theo kiểu đại gia
đình phụ quyền gia trưởng, với sự tồn tại từng cặp vợ chồng anh em trai
và con cháu của họ; người chaI người đàn ông già nhất đứng đầu gia đình
(cũng có thể tồn tại chế độ đa thê) và tiếp theo là hôn nhân một vợ một
chồng. Hôn nhân trong thị tộc phụ quyền cư trú ở nhà chồng, người vợ
cắt đứt quan hệ với thị tộc của mình và thuộc về thị tộc nhà chồng hoàn
toàn, con cái lấy theo huyết thống dòng cha, quyền thừa kế tài sản thuộc
về người con trai trưởng...
F. Ăngghen trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư
hữu và của nhà nước, đã dựa vào tài liệu của nhà nhân học L. Morgan về
thị tộc Hy Lạp, đã đưa ra 10 đặc trưng cơ bản của thị tộc phụ quyền như sau:
1. Nghi lễ tôn giáo chung.
2. Nghĩa địa chung.
3. Quyền thừa kế tài sản trong nội bộ thị tộc.
4. Có nghĩa vụ giúp đỡ, bảo vệ nhau.
5. Trong một số trường hợp nhất định, có quyền thực hiện hôn nhân
nội tộc (trong trường hợp thừa kế tài sản).
6. Quyền sở hữu chung tài sản của thị tộc.
7. Huyết tộc tính theo dòng cha.
8. Cấm nội hôn (trừ một vài trường hợp như thừa kế tài sàn).
9. Quyền nhận người ngoài thị tộc làm thành viên của mình.
10. Quyền bầu cử và bãi miễn các thủ lĩnh của thị tộc133.
Tóm lại, thị tộc phụ quyền là cộng đồng tộc người tiếp theo sau thị
tộc mẫu hệ trong xã hội CXNT, với những đặc trưng, như mọi người về
cơ bản đều bình đẳng, nhưng đã bắt đầu xuất hiện của thừa, bất bình đẳng
(trước hết là bất bình đẳng giữa nam và nữ), con cái lấy theo huyết thống
dòng cha, người phụ nữ sau khi đã về nhà chồng cẳt đứt quan hệ với thị
tộc của mình, quyền thừa kế thuộc về người con trai trưởng...
- Bộ lạc: Bộ lạc là cộng đồng tộc người của thời kỳ CXNT hay là
cùa xã hội tiền giai cấp. Bộ lạc được hình thành như tất cả các cộng đồng

133 c. Mác và F. Ăngghen, 1962, tr. 410 - 412.


105
tộc người khác, nghĩa là trên lãnh thổ xác định giữa những con người có
mối liên hệ kinh tế, cùng nói một thứ tiếng và có các đặc trưng sinh hoạt
văn hoá tương đồng. Nhưng bộ lạc của xã hội nguyên thủy ở giai đoạn
sớm và giai đoạn muộn có sự khác nhau đáng kể.
Cũng như thị tộc, bộ lạc hình thành trên các mối quan hệ huyết
thống, nghĩa là đã được tạo thành từ những con người có nguồn gốc chung.
Trong cộng đồng này chưa có sự phân hóa xã hội, và hơn thế nữa chưa có
các giai cấp đối kháng. Bộ lạc được hình thành từ sự liên minh các thị tộc
có quan hệ nguồn gốc (từ một thị tộc gốc/ bào tộc tách thành nhiều thị tộc
khác nhau có quan hệ nguồn gốc), hoặc được hình thành từ kết quả sự liên
minh giữa các thị tộc về quan hệ hôn nhân (ngoại tộc hôn, hôn nhân liên
minh ba thị tộc).
Tổ chức bộ lạc còn tồn tại ở giai đoạn muộn là ranh giới của bước
quá độ chuyển sang xã hội có giai cấp. Thời kỳ này tồn tại các loại hình
bộ lạc mà người Irôqua ở Bắc Mỹ có thể cho chúng ta ví dụ rõ ràng.
Theo tài liệu cùa nhà dân tộc học người Mỹ, L. Morgan mà những
tài liệu này đã được F. Ăngghen sử dụng trong tác phẩm kinh điển Nguồn
gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884), trong thành
phần của người Irôqua bao gồm một số nhóm bộ lạc với các đặc điểm
chính sau đây:
1. Mỗi bộ lạc có lãnh thổ riêng của mình.
2. Mỗi bộ lạc có thổ ngữ riêng.
3. Quyền làm lễ tựu chức cho tù trưởng và thủ lĩnh quân sự do các
thị tộc tổ chức.
4. Quyền bầu cử và bãi miễn tà trưởng và thủ lĩnh quân sự do liên
minh các thị tộc quyết định.
5. Những quan niệm về tôn giáo và nghi thức lễ bái chung cho cả bộ lạc.
6. Hội nghị bộ lạc bao gồm tất cả mọi tù trưởng và thủ lĩnh quân sự
của các thị tộc thành viên sẽ quyết định các công việc quan trọng của bộ lạc.
7. Bộ lạc có một vị thủ lĩnh tối cao, nhưng quyền hành hạn chế, chỉ
giải quyết những công việc khẩn cấp, khi chưa thể triệu tập các hội nghị
bộ lạc134

134 c. Mác và F. Ăngghen, 1962, tr. 396-400.


106
Như vậy, vê cơ câu xã hội, ờ bộ lạc đã hình thành các tổ chức mang
tính chất hành chính. Đó là các hội đồng bộ lạc gồm có những người
đứng đầu của liên minh thị tộc và các tù trưởng, thủ lĩnh quân sự.
- Bộ tộc: Cộng đồng tộc người bộ tộc có hai đặc trưng cơ bản sau đây:
Thứ nhất, cộng đồng bao gồm những người có mối liên hệ với nhau
về kinh tế - văn hoá trên cơ sờ của quan hệ lãnh thổ - láng giềng, mà
không phải là bằng quan hệ huyết thống như trước.
Thứ hai, các cộng đồng này luôn bao gồm trong đó giai cấp thống
trị và bị trị. Giữa các giai cấp này có sự phân biệt về địa vị kinh tế - xã
hội và trong cả các đặc trưng sinh hoạt văn hoá. Chính điều này làm cho
đặc trưng tộc người về văn hoá không trùng khớp với văn hoá của các
giai cấp.
Vấn đề hình thái cộng đồng tộc người của các xã hội có giai cấp
tiền tư bản là vấn đề còn gây tranh cãi; các ý kiến khác nhau tập trung
vào hai điểm: thừa nhận bộ tộc là loại hình cộng đồng tộc người của các
thời kỳ này; phủ nhận loại hình bộ tộc. Tuy nhiên, trong các tài liệu
Xô Viết trước đây, vốn có ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống các quan điểm
khoa học của các nhà sử học, dân tộc học Việt Nam, khái niệm bộ tộc
vẫn được sử dụng và thừa nhận135. Theo đó gắn liền với xã hội chiếm
hừu nô lệ là bộ tộc chiếm nô; với xã hội phong kiến là bộ tộc phong kiến.
+ Bộ tộc chiếm hữu nô lệ: Trong các xã hội chiếm hữu nô lệ của
phương Đông và của thế giới cổ đại nói chung, bộ tộc gồm các thành
viên chủ yếu là những người nô lệ, gia nô hợp thành đại bộ phận cư dân.
Trong thời kỳ đàu, có thể các nô lệ không được xép vào thành phần
bộ tộc; mà bộ tộc đó chủ yếu gồm giai cấp chiếm nô. Dần dần, những

135 Tuy vậy, vào những thập niên 70 của thế kỷ XX, trường phái dân tộc học và nhân
học Xô Viết đã gần như không sử dụng cách phân loại tộc người theo trục lịch đại, để
phân tiến trình lịch sử các khối cộng đồng tộc người từ thị tộc đến dân tộc, mà chỉ sừ
dụng phổ biến cách phân loại ngang: nhóm địa phương, tộc người, cộng đồng tộc người.
Hiện nay, các nhà dân tộc học và nhân học về cơ bàn chi thừa nhận các khối cộng đồng
tộc người ờ Việt Nam: Từ thị tộc lên bộ lạc và chuyển thẳng lên dân tộc, không có thời
kỳ bộ tộc (dân tộc Việt Nam hình thành cà một quá trình, từ thời Văn Lang - Âu Lạc
đển thế kỷ XIII, sau 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông của nhà Trần).
người nô lệ, gia nô được gia nhập vào thành phần tộc người nhưng mức
độ thân thuộc rất yếu ớt, vì bản thân nô lệ đại bộ phận là các chiến tù.
Cộng đồng tộc người của xã hội chiếm hữu nô lệ về cơ bản vẫn
mang những đặc trưng tộc người, như cộng đồng lãnh thổ, cộng đồng
ngôn ngữ, văn hóa, kinh tế... Nhưng do tính cát cứ của các lãnh địa chủ
nô, nên tính cố kết của các đặc trưng tộc người không sâu sắc, bền vững.
+ Bộ tộc phong kiến: Trong các xã hội phong kiến, cơ sở của các
bộ tộc chủ yếu là giai cấp địa chủ và cư dân bị áp bức - các nông nô
(nông dân). Những người nông dân là lực lượng lao động chính của xã
hội phong kiến. Còn tầng lóp địa chủ/ những người thuộc tầng lớp trên
của xã hội, có khuynh hướng thoát ly khỏi khối quần chúng lao động, đối
lập với nhân dân, kiêu ngạo về nguồn gốc xuất thân của mình. Hơn thế
nữa, trong bộ tộc phong kiến còn có một xu hướng cát cứ của các lãnh
chúa địa chủ khác nhau, nên hình thành ý thức tự giác cục bộ giữa các
vùng trong lãnh thổ bộ tộc.
Tóm lại, đã một thời tồn tại quan điểm rằng, bộ tộc là cộng đồng
tộc người của xã hội có giai cấp tiền tư bản chủ nghĩa. Bộ tộc chiếm nô là
tộc người cơ sở của xã hội chiếm hữu nô lệ, bộ tộc phong kiến là cơ sở
của xã hội phong kiến. Hai loại hình bộ tộc này có những điểm khác
nhau rất cơ bản. Đó là các cộng đồng tộc người thuộc về các thời kỳ lịch
sử khác nhau, các phương thức sản xuất khác nhau.
+ Dân tộc và cộng đồng dân tộc chính trị: Trong thời đại TBCN
và XHCN, dân tộc và cộng đồng dân tộc chính trị cũng là một vấn đề còn
gây tranh luận trong giới học thuật. Một số nhà khoa học cho rằng, cộng
đồng dân tộc (nation) chỉ có thể được hình thành trong thời đại TBCN và
XHCN, số khác không phủ nhận cộng đồng dân tộc mà cho rằng cộng
đồng này hình thành từ rất sớm, thậm chí khi xuất hiện nhà nước, nghĩa
là dân tộc có thể hình thành cả trong các xã hội tiền tư bản.
Tuy vậy, phạm trù dàn tộc mang tính phổ biến là cộng đồng tộc
người của các hình thái lịch sử thời kỳ TBCN và XHCN, mà đặc trưng
cơ bản của nó được Xtalin nêu lên: Một cộng đồng ổn định, hình thành
trong quá trình phát triển lịch sử, cùng chung một ngôn ngữ, lãnh thổ,
đời sống kinh tế và các đặc tính tâm lý.

108
Điều đặc biệt để cộng đồng dân tộc khác với các cộng đồng trước
đó là, nếu như các cộng đồng tiền TBCN không có sự thống nhất đầy đủ
về kinh tế, thì cộng đồng dân tộc với sự hợp thành quan hệ trao đổi kinh
tế/ thị trường chung TBCN và theo đó ý thức tự giác của một dân tộc,
một quốc gia chung thống nhất ngày càng được củng cố.
Vì vậy, dân tộc là cộng đồng dựa trên các mối quan hệ kinh tế bền
chặt, bao gồm toàn bộ quan hệ sản xuất, quyền sở hữu về các tư liệu sản
xuất, việc phân phối, trao đổi các sản phẩm, các hình thức phân công lao
động xã hội... Cộng đồng như vậy chỉ thực sự được thiết lập trong thời
kỳ tan rã chế độ phong kiến, cùng vói sự phát triển của kinh tế hàng hóa
và sự phân công lao động xã hội, hình thành thị trường dân tộc chung.
Theo đó, ngôn ngữ với chức năng là công cụ giao tiếp, gắn bó giữa
các thành viên trong sản xuất, trong đấu tranh chống thiên nhiên và
chống ngoại xâm, trong sinh hoạt văn hoá. Với sự phát triển của dân tộc
dần dần các tiếng địa phương bị thu hẹp, hình thành cộng đồng ngôn ngữ
thống nhất chung cho cả dân tộc.
Lãnh thổ trước hết là đối tượng của lao động, đồng thời cũng là nơi
cư trú lâu dài, từ đó trong tình cảm của con người xuất hiện ý niệm quê
hương, sự gắn bó với quê hương đất nước. Lãnh thổ là cơ sở cho hầu hết
sự tồn tại của các tổ chức xã hội. Nhưng đối với cộng đồng dân tộc, lãnh
thổ có mối liên hệ mật thiết về mặt kinh tế, văn hoá giữa các thành viên.
Do đó, mỗi sự phân cách về mặt lãnh thổ đều trực tiếp làm suy yếu các
mối quan hệ này. Vì vậy, cộng đồng dân tộc hình thành và phát triển
càng làm cho lãnh thổ thống nhất hơn.
Tuy vậy, bên cạnh sự tồn tại các dân tộc, trong thời kỳ của CNTB
và XHCN vẫn tồn tại một số cộng đồng tộc người tiền dân tộc. Đó là các
cộng đồng tộc người đã hình thành từ trước, tiếp tục tồn tại, nhưng về
mặt kinh tế không trờ thành đơn vị thống nhất liên kết. Vì vậy, không trở
thành những dân tộc thực sự đúng nghĩa của nó, mặc dù về thành phần
giai cấp và nếp sống văn hoá họ đã khác biệt với các bộ tộc thời kỳ
phong kiến (các bộ tộc như vậy thường là các tộc người thiểu sổ sống
cách biệt).

109
Một điều cũng cần chú ý là không được đồng nhất các cộng đồng
dân tộc chính trị (nation), với các cộng đồng dân tộc tộc người, mặc dù
trong đòi sống chính trị của nhiều nước thường sử dụng thuật ngữ “dân
tộc” cho sự biểu thị cả hai loại cộng đồng này. Dân tộc chính trị là dân
tộc quốc gia bao trùm các dân tộc tộc người, còn dân tộc tộc người là tộc
người đã đạt đến trình độ dân tộc (ví dụ, dân tộc Việt Nam/ cộng đồng
dân tộc chính trị có 54 dân tộc tộc người).

4.5. CÁC ĐẶC TRƯNG T ộ c NGƯỜI VÀ s ự THAY ĐÒI CỦA NÓ


TRONG LỊCH s ử
4.5.1. Lãnh thể tộc ngưòi
Lãnh thổ cùng với ngôn ngữ và ván hoá thuộc về những yếu tố đặc
biệt quan trọng của tộc người, là điều kiện để tộc người hình thành.
Không có yếu tố lãnh thổ (cùng sống với nhau trên một địa bàn) nghĩa là
mọi người không có điều kiện tiếp xúc với nhau lâu dài, thường xuyên
trong cuộc sống, không thể có cộng đồng ngôn ngữ và văn hoá.
Vậy cộng đồng lãnh thổ là gì?
Khi nói về cộng đồng lãnh thổ chúng ta hiểu đó là môi trường địa
lý, trong đó con người lao động để sinh tồn, và đến lượt mình, môi
trường địa lý có tác động trở lại đối với xã hội, đặc điểm tâm lý dân tộc,
với con người.
Tuy vậy, lãnh thổ tộc người không chỉ thuần túy về mặt địa lý mà
nó gắn bó chặt chẽ với xã hội người, trước hết là đối tượng lao động,
đồng thời là nơi cư trú lâu dài, là không gian tâm linh. Sự tiếp cận về mặt
lãnh thổ như vậy càng thúc đẩy mối quan hệ giữa tự nhiên và con người
trong hoạt động văn hoá, xã hội, kinh tế. Khi tộc người đã sống một thời
gian dài trên cùng một lãnh thổ, họ có ý thức về quê hương và gắn chặt
vận mệnh của mình với lãnh thổ đó.
Khi gắn liền lãnh thổ với tộc người, chúng ta cũng cần chú ý trong
từng thời kỳ lịch sử, vai trò của lãnh thổ thể hiện một cách khác nhau. Ví
dụ, đối với thị tộc, bộ lạc là những loại hình cộng đồng tộc người đầu tiên
trong lịch sử, lãnh thổ không phải được biểu thị dưới hình thức quê
hương hay tổ quốc mà nó được coi là điều kiện để sống, là phương tiện

110
sinh tồn quan trọng nhất. Ở đây, lănh thổ không phải giữ vai trò quyết
định trong sự gắn bó các thành viên bộ lạc với nhau mà là sự gắn bó về
huyết tộc. Điều này được thể hiện, khi thị tộc, bộ lạc thiên di đi nơi khác,
tức là từ bỏ lãnh thổ ban đầu cùa mình, sự thiên di không làm tổn hại về
tộc người. Lúc này, lãnh thổ tộc người được biểu hiện ờ mức độ miền,
vùng biên giới, chưa xuất hiện khái niệm đường biên giới. Dần dần cùng
với sự phát triển của kinh tế, và đặc biệt khi có ý niệm về việc thờ cúng
tổ tiên (ở giai đoạn phụ quyền), khi con người sống chủ yếu bằng kinh tế
sản xuất và chuyển sang định cư lâu dài, lãnh thổ mới gắn chặt với con
người và được biểu hiện như nơi chôn nhau cắt rốn là đất đai tổ tiên của
bộ lạc, lãnh thổ cùa tộc người có tính ổn định hơn, chặt chẽ hơn.
Bước sang giai đoạn xã hội có giai cấp, ý nghĩa lãnh thổ của tộc
người tăng lên, vì rằng, nếu ở trong cơ cấu thị tộc, bộ lạc mối quan hệ
giữa con người với nhau là mối quan hệ huyết thống, thì sang xã hội có
giai cấp là mối quan hệ địa vực. Vì vậy, giai đoạn bộ tộc, lãnh thổ là cơ
sở để phát triển và củng cố những mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội của
tộc người và thông qua đó, củng cố sự thống nhất của cộng đồng tộc người.
Trong khi nêu bật vai trò quan trọng của lãnh thổ đối với sự thống
nhất tộc người cần chú ý những yếu tố địa lý liên quan đến tộc người, vì
những yếu tố địa lý có thể ảnh hưởng đến hoạt động của con người.
Trong các yếu tố địa lý, như khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng, hệ động thực
vật có tầm quan trọng nhất, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, văn hoá,
đời sống của con người, ví dụ như ảnh hưởng đến loại hình cư trú, hình
dáng nhà cửa, chu kỳ sản xuất, đặc điểm động vật, cây cỏ, thổ nhưỡng...
Tuy vậy, trên thực tế, lãnh thổ tộc người với ý nghĩa trọn vẹn của
nó chỉ có ở các hình thái sơ khai của cộng đồng tộc người, khi đó mỗi tộc
người cùng sống trên một khu vực địa lý liền khoảnh. Hoặc lãnh thổ với
ý nghĩa trọn vẹn chỉ có ở những tộc người có ranh giói lãnh thổ trùng với
ranh giới chính trị, ranh giới quốc gia.
Còn những trường hợp khác (đi liền với sự phát triển kinh tế, xã
hội) lãnh thổ với đặc trưng tộc người không còn mang ý nghĩa trọn vẹn
của nó. Xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội loài người là cư trú xen
cài về lãnh thổ, do điều kiện phát triển kinh tế và nhu cầu của con người

111
quyết định. Nếu nhìn bản đồ phân bố cư dân hiện nay trên thế giới ta thấy
nhiều tộc người sống xen kẽ với nhau về lãnh thổ. Chủng ta có thể khái
quát thành ba dạng chính về lãnh thổ như sau:
- Một tộc người bảo toàn sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của mình;
việc xen kẽ của tộc người này với tộc người khác thường xuất hiện ở
vùng biên giới tộc người đó. Các nhóm di cư của tộc người này sang lãnh
thổ tộc người khác và ngược lại không nhiều, không tạo thành địa điểm
cư trú mới đáng kể trong và ngoài tộc người. Điều này thưởng phổ biến ở
những lãnh thổ tộc người trùng với ranh giới quốc gia, chính trị.
- Đối với lãnh thổ tộc người rộng lớn, tình trạng cư trú phân tán dẫn
đến sự biến dạng của các nhóm do điều kiện thiên nhiên và hoạt động
kinh tế cũng như sự tiếp xúc mạnh mẽ với các tộc người khác. Ví dụ,
người Digan sống ở nhiều nước hay người Hmông ở Việt Nam,
Trung Quốc... cư trú phân tán, dẫn đến hiện tượng sống xen kẽ giữa các
tộc người với nhau.
- Lãnh thổ tộc người bị phá vỡ, thay vào đó là sự cư trú xen cài,
thay vào đó là lãnh thổ quốc gia136.
Như vậy, trên bình diện lịch đại ý nghĩa lãnh thổ đối với tộc người
không phải là cố định. Đối với tộc người xã hội nguyên thủy/ thị tộc, bộ
lạc, lãnh thổ toàn vẹn dựa trên quan hệ huyết thống. Còn trong hình thái
xã hội có giai cấp, lãnh thổ toàn vẹn của tộc người dựa trên quan hệ cận
cư, quan hệ kinh tế, văn hoá, xã hội của các thành viên trong một tộc
người. Từ đó, dần hình thành ý niệm quê hương, Tổ quốc, tính toàn vẹn
của lãnh thổ. Điều này làm cơ sở cho giai đoạn về sau khi tính toàn vẹn
của lãnh thổ bị phá vỡ do nhiều nguyên nhân khác nhau, thì ý niệm về
lãnh thổ với ý nghĩa là quê hương ban đầu vẫn tồn tại ngay cả khi các bộ
phận sống tách rời khỏi tộc người (trừ một số bộ phận bị đồng hóa do phá
vỡ lãnh thổ).
Trong quá trình lịch sử, lãnh thổ tộc người thường có xu hướng
hoặc là mở rộng lãnh thổ, hoặc thu hẹp/ suy giảm lãnh thổ, hoặc sự trở lại
lãnh thổ tộc người.

136 S.A.Tocarep (Cb), 1968, Cơ sở dán tộc học, Nxb Đại học, Matxcơva (bản tiếng
Nga), tr.35 - 37.

112
Sự mờ rộng lãnh thổ tộc người có thể tìm thấy ở nhiều dân tộc khác
nhau, như người Hán, người N ga...
Còn sự suy giảm lãnh thổ tộc người là do nguyên nhân của các
cuộc chiến tranh, dịch bệnh. Tuy nhiên, quá trình đồng hóa hầu như đóng
vai trò chính trong việc làm suy giảm lãnh thổ tộc người. Đó là quá trình
đồng hóa dần các dân tộc nhỏ vào dân tộc lớn bằng hòa bình hoặc cưỡng bức.
Ví dụ, số phận của thổ dân châu úc: Vào đàu thế kỷ XIX, bộ phận
thổ dân có khoảng 250.000 - 300.000 người. Hiện nay họ chỉ còn khoảng
150.000 người. Trước khi bắt đầu của thời kỳ thực dân, toàn bộ châu ú c
là lãnh thổ tộc người của thổ dân, bao gồm 100% cư dân của phần đất
này. Ngày nay, lãnh thổ tộc người của họ bị thu hẹp, chỉ còn lại khoảng
trên 1%.
Thân phận của những người da đỏ châu Mỹ cũng là một ví dụ rõ
ràng về sự thu hẹp lãnh thổ tộc người trước làn sóng thiên di của những
tộc người lớn từ châu Âu tràn sang. Trước khi bắt đầu quá trình thực dân
hóa của châu Âu, vào thế kỷ XVI họ có không ít hơn 15 triệu người. Bây
giờ họ chỉ còn khoảng 5 triệu và lãnh thổ tộc người, có thể nói, chỉ còn
lại rất ít ỏi.
Còn sự trở lại lãnh thổ tộc người trong lịch sừ là tình trạng có một
tộc người nào đó đã được hình thành trên một lãnh thổ xác định, rồi một
bộ phận và có khi là toàn bộ tộc người phải rời bỏ lãnh thổ, cư trú ở
những nước khác nhau, sau đó họ quay trờ lại quê hương/ lãnh thổ ban
đầu của mình. Lịch sừ người Do Thái là một dẫn chứng minh họa rõ nét
nhất về sự trờ lại lãnh thổ tộc người137.

137 Vào các thế kỷ từ thứ VII đến thứ II TCN đo hậu quà của các cuộc chinh phạt từ
Ai Cập, Babilon, Ba Tư, những bộ phận lớn dân Do Thái đã rời bỏ lãnh thổ của mình,
v ề sau, vào thế kỷ thứ II trước công nguyên phần đất Palestin bị La Mã chinh phục.
Những người Do Thái theo đó bị nhập vào các môi trường tộc người khác nhau. Họ
sống ờ nhiều nước với các thể chế chính trị khác nhau, số lượng người Do Thái trên thế
giới có khoảng ữên 15 triệu nguời, tập trung nhiều nhất là ở Mỹ (6 triệu) và các nước
SNG (2 triệu). Ngoài ra, người Do Thái còn có mặt ờ nhiều nước châu Á, châu Âu,
châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương. Trong quyết định của Đại Hội đồng Liên Hiệp
quốc ngày 29/11/1947 về việc thành lập trên lãnh thổ Palestine hai nhà nước độc lập,
theo đó, người Do Thái được trờ lại lãnh thổ của mình. Ngày 14/5/1948, nhà nước
Israen ra đời, bên cạnh nhà nước của người Palestine.
113
4.5.2. Ngôn ngữ tộc ngưòi
Ngôn ngữ là một trong những đặc trưng quan trọng của tộc người.
Điều đó do tính xã hội của ngôn ngữ quyết định vì nó là công cụ giao tiếp
của con người trong xã hội. Vì vậy, nó ra đời và tồn tại cùng với xã hội
loài người.
Ngôn ngữ có tính ký hiệu, tính quy ước, nên nó gắn liền với từng
tộc người nhất định. Mỗi dân tộc đều có hệ thống ngữ âm, tò vựng, hệ
thống ngữ pháp riêng (các tộc người sáng tạo cho mình một ngôn ngữ
riêng). Vì ngôn ngữ mang tính ký hiệu nên nó thường là võ đoán, tùy tiện
của từng tộc người. Điều đó đã làm cho ngôn ngữ của từng tộc người
khác nhau căn bản. Nó tạo nên bức rào ngăn cách giữa các tộc người.
Và bởi vì là công cụ giao tiếp xã hội của từng tộc người nên ngôn
ngữ mang tính ổn định, bền vững. Tính ổn định đó lại càng được tâm lý
xã hội của tộc người củng cố, tạo nên một đặc tính cơ bản của tộc người.
Ngôn ngữ mang tính kế thừa qua các thế hệ, thông qua gia đình và xã
hội. Chính đậc trưng này đã làm cho ngôn ngữ mang tính ổn đinh, bền vững.
Ngôn ngữ là đặc trưng của tộc người còn được thể hiện trong tính
cấp bậc của nó. Với tư cách là công cụ giao tiếp xã hội, ngôn ngữ mang
tính riêng biệt, nhưng cũng đồng thời cũng mang tính đa tuyến, tính cấp
bậc: thổ ngữ, ngôn ngữ dân tộc, cộng đồng ngôn ngữ/ ngữ hệ (ví dụ, thổ
ngữ; ngôn ngữ dân tộc Việt, Mường, Chúrt, Thổ; ngữ hệ Việt - Mường...).
Tuy nhiên, thuộc tính phân biệt tộc người của ngôn ngữ không phải
trong các giai đoạn lịch sử đều giống nhau, nghĩa là vai trò của nó trong
mỗi thời đại cũng có sự biến đổi.
Trong thòi kỳ nguyên thủy, mặc dù ngôn ngữ đóng vai trò phân biệt
tộc người nhưng chưa phải là yếu tố quan trọng. Vì dưới chế độ công xã
thị tộc, khi loài người nói bằng nhiều ngôn ngữ thị tộc, trên các vùng tiếp
giáp nhau các ngôn ngữ cũng tiếp giáp nhau, và các ngôn ngữ chuyển từ
ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia làm thành một lưới ngôn ngữ liên tục138.
Bước sang xã hội có giai cấp, với những tộc người mới lớn hơn
được hình thành như bộ tộc, thì vai trò tộc người của ngôn ngữ ngày càng

138 Ờ châu Đại Dương, chúng ta thấy hàng trăm ngôn ngữ và giữa các ngôn ngữ ấy khó
vạch ra một đường ranh giới rõ rệt.

114
tăng lên; vì rằng lúc này văn tự ra đời, nó tăng cường hơn quá trình củng
cố ngôn ngữ của cộng đồng người. Còn ở giai đoạn dân tộc do quan hệ
kinh tế giữa các vùng được tăng cường, ngôn ngữ trong giai đoạn này
càng được củng cố và bền vững hơn.
Trên thực tế, ta thấy có dân tộc sử dụng hai hay ba ngôn ngữ (hiện
tượng nói hai ngôn ngữ gọi là song ngữ, ba ngôn ngữ goi là đa ngữ) vì do
tiếp xúc lâu dài giữa hai hay ba ngôn ngữ trên một lãnh thổ (tiếp xúc giữa
các dân tộc láng giềng hay sống xen kẽ nhau trên địa bàn), hoặc một dân
tộc bị dân tộc khác đến xâm lăng, ngôn ngữ mẹ đẻ mất đi, ví như, trường
hợp người Anhđiêng ở châu Mỹ khi tiếp xúc với tộc người nói ngôn ngữ
Anh, lúc đầu có hiện tượng song ngữ, nhưng cuối cùng tiếng mẹ đẻ mất
đi và họ nói ngôn ngữ Anh. Cũng có trường hợp một ngôn ngữ nhưng
nhiều dân tộc nói, như ngôn ngữ Anh, Pháp...
Vì những lý do trên, nên ngôn ngữ là đặc trưng quan trọng cùa tộc
người, nhưng không phải là đặc trưng duy nhất. Và khi lấy tiêu chí ngôn
ngữ để xác định tộc người, chúng ta cần chú ý:
- Ngôn ngữ tộc người là tiếng mẹ đẻ: Như là một quy tắc, tất cả các
thành viên gắn bó với nhau trong một tộc người, cùng nói một thứ tiếng -
đó là tiếng mẹ đẻ. Tiếng mẹ đẻ được tiếp nhận từ thời thơ ấu trong gia
đình qua ông bà, bố mẹ và những người khác xung quanh đứa trẻ. Nhưng
điều đó không có nghĩa là trên trái đất có bao nhiêu ngôn ngữ thì có bấy
nhiêu tộc người. Thực tế cho thấy, nhiều tộc người tự coi mình là những
tộc người riêng biệt lại nói cùng một ngôn ngữ được coi là mẹ đẻ với
những tộc người khác, mặc dù họ là những tộc người riêng biệt và sống ở
các quốc gia khác nhau; sau đây là các trường hợp điển hình139:
+ Tiếng Anh, không chỉ có người Anh sử dụng mà còn được
nhiều dân tộc khác dùng như tiếng mẹ đẻ, như người Mỹ (180 triệu),
người Canada gốc Anh (11,25 triệu), Người Xcốtlen (6 ữiệu), người ú c
gốc Anh (12,2 triệu), người Niu Dilân (2,5 ứiệu) và nhiều cư dân khác.

139 Số liệu dân cư và tỷ lệ phần trăm dân số dẫn theo N.N. Trêbôcxarốp,
I.A. Trêbôcxarôva, 1985, Các dân tộc, các chùng tộc, các nền văn hoá, Nxb Khoa học,
Matxcơva. số liệu về các bộ phận cư dân nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức...
cũng cùng một nguồn, cần lưu ý về mặt thời gian chi tính đến năm 1985.

115
Tổng số người coi tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ có hon 380 triệu người, trong
đó nơi sinh ra nó là châu Âu chỉ chiếm 17% tổng số người nói tiếng Anh.
+ Tiếng Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ của người Tây Ban Nha,
nhưng còn được coi là tiếng mẹ đẻ của nhiều tộc dân khác, như đại bộ
phận dân cư Mêhicô (87 triệu), Côlômbia (28 triệu), Achentina (23 triệu),
Vênêduêla (12,6 triệu), Cuba (10,5 triệu), Chilê (10,5 triệu), Pêru (8,25 triệu)...
Sổ người sử dụng tiếng Tây Ban Nha trên thế giới khoảng 240 triệu,
trong đó châu Âu là quê hương của thứ tiếng này chỉ chiếm 12%.
+ Tiếng Đức có hơn 100 triệu người sử dụng là tiếng mẹ đẻ không
chỉ của người Đức (84,5 triệu), mà còn cho cả người Áo (8,8 triệu), người
Thụy Sĩ gốc Đức (4,25 triệu), người Lucxămbua (300 nghìn).
+ Với tiếng Pháp, ngoài người Pháp (45,8 triệu) còn có người
Thụy Sĩ gốc Pháp (1,15 triệu), người Canada gốc Pháp (8,1 triệu).
+ Với tiếng Ý, ngoài người Ý (66,25 triệu) sử dụng còn có người
Thụy Sĩ gốc Ý (240 nghìn) và người Côxican (280 nghìn) coi như tiếng
mẹ đẻ.
+ Trên địa bàn châu Á, tiếng Hindi được coi là tiếng mẹ đẻ của
nhiều tộc người ở Bắc Ấn Độ. Gần gũi với tiếng Hindi là tiếng uốcđu,
cũng được nhiều tộc người ở Ấn Độ, Pakixtăng và cư dân các nước theo
đạo Hồi coi như tiếng mẹ đẻ.
+ Trên địa bàn Tây Á và Bắc Phi từ lâu đã phân bố rộng rãi ngôn
ngữ Ả Rập (hơn 140 triệu người sử dụng). Chiếm số lượng đông nhất
trong các cư dân nói tiếng Ả Rập là người Ả Rập Ai Cập (người Ai Cập
42 triệu), người Ả Rập Ma rốc (người Ma Rốc 15,5, triệu), người Ả Rập
Angiêri (người Angiêri 16,8 triệu), người Ả Rập Iraq (người Iraq 10,05 triệu),
người Ả Rập Xu Đăng (người Xu Đăng 10,5 triệu), người Ả Rập Xyri
(người Xyri 7,8 triệu). Người Ả Rập Tuynidi (người Tuynidi 6,5 triệu),
người Ả Rập các Tiểu vương quốc Ả Rập (8,1 triệu) và các cư dân
Ả Rập khác.
Như vậy, trên thế giới tồn tại nhiều ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ không
phải chỉ cho một dân tộc mà là cho nhiều dân tộc. Ranh giới của sự phân
bố các dân tộc và sự phân bổ các ngôn ngữ không phải bao giờ cũng

116
trùng hợp. Vì vậy, dù ngôn ngữ là tiêu chí rất quan trọng để xác định một
dân tộc/ tộc người nhưng không thể cho ràng nó là dấu hiệu duy nhất.
- Hai ngôn ngữ cho một tộc người: Có một số dân tộc mà các nhóm
riêng biệt của nó lại nói những thứ tiếng khác nhau. Chẳng hạn, người
Mordva ở Cộng hòa Liên bang Nga (dân số 1,2 triệu) nói hai thứ tiếng
gần nhau nhưng hoàn toàn độc lập - tiếng Erơdian và tiếng Mocsen. Thứ
tiếng thứ nhất có khoảng một nửa dân Mordva sử dụng, thứ tiếng thứ hai
- khoảng 1/3 dân số, số còn lại đã chuyển sang nói tiếng N ga...
4.5.3. Văn hóa tộc người
Văn hoá cũng là một đặc trưng quan trọng để phân biệt tộc người,
vì nó gắn liền với hai chức năng sau đây:
- Chức năng quy ước: Chức năng này gồm những hệ thống đặc thù
của hoạt động vật chất và tinh thần để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của
một cộng đồng người, là hệ thống đặc thù của những phương tiện giúp
cho việc thực hiện những hoạt động trí tuệ và tình cảm của con người.
- Chức năng thứ hai của văn hoá là thông tin (hay còn gọi là chức
năng thông báo của văn hoá). Chức năng này gắn liền với chức năng quy
ước của văn hoá, nó bảo đảm cho sự giao tiếp giữa các thành viên trong
môt tộc người về văn hoá.
Khi xét văn hoá với tư cách là đặc trưng tộc người cần chú ý:
- Có học giả cho ràng, nếu có thể nói cộng đồng văn hoá với tư
cách là đặc trưng tộc người thì chỉ có trong tộc người của xã hội nguyên
thủy. Lúc đó, tất cả mọi thành viên của tập thể bộ lạc hoạt động kinh tế
như nhau, nên thực chất về văn hoá - xã hội đã họp thành một chỉnh thể
thống nhất. Khi xã hội có sự phân hóa về giai cấp dẫn đến có sự khác biệt
về mặt văn hoá giữa các giai cấp, nói như V.I. Lênin, Có hai nền văn hoá
trong mỗi nền văn hoả dân tộc. Văn hoá tạo ra vì lợi ích của các giai cấp
nhất định và phục vụ quyền lợi cho các giai cấp đó. Đó là hệ tư tưởng
chính trị và trên chừng mực đáng kể, còn về tôn giáo, luân lý, nghệ thuật,
triết học,... và cả trong văn hoá vật chất, văn hoá tinh thần cũng có sự
khác biệt về giai cấp.
Chúng ta không phủ nhận sự khác biệt ít nhiều về văn hoá giữa các
giai cấp trong xã hội có giai cấp, nhưng dù khác biệt đến đâu chăng nữa,

117
nó cũng không bao hàm toàn bộ kho tàng văn hoá của tộc người. Vì vậy,
không có cơ sở cho rằng, sự có mặt của các giai cấp đối kháng trong nội bộ
tộc người dẫn đến tính hủy diệt hoàn toàn cộng đồng văn hóa của tộc người.
Ngoài ra, còn có ý kiến muốn chứng minh quan điểm cộng đồng văn
hoá chỉ là đặc trưng của cộng đồng xã hội nguyên thủy, còn trong xã hội
có giai cấp, khi đã tổ chức thành những tộc người lớn thì tình trạng đơn
giản của văn hoá bị phá vỡ, nó được thay bằng sự tập hợp phức tạp của các
nền văn hóa của các bộ tộc hoặc dân tộc, nên mất đi tính đặc trưng tộc
người của văn hoá.
Thực ra, trong quá trình tồn tại và phát triển của các tộc người lớn
do cùng chung sứ mệnh lịch sử, chung điều kiện sống (cả điều kiện xã
hội và tự nhiên) nên các tộc người đều cùng duy trì một nền văn hoá
chung trong cái riêng của mình. Điều đó trở thành yêu cầu cho sự tồn tại
và phát triển của mỗi một tộc người. Trong quá trình hình thành và phát
triển nền văn hoá chung của một cộng đồng tộc người lớn, nhiều yếu tố
văn hoá của các tộc người được bồi bổ và phát triển lên thành yếu tố văn
hoá chung của tộc người lớn. Vì vậy, một nền văn hoá của tộc người lớn
(bộ tộc, dân tộc) bao hàm cả kho tàng văn hoá chung và cả những yếu tố
văn hoá riêng của từng tộc người.
- Không nên quy sự thống nhất văn hoá của tộc người (mọi yếu tố
văn hoá của tộc người) vào tổng thể những đặc trưng văn hoá để phân
biệt tộc người, vì ứong trường hợp như thế có nhiều yếu tố văn hoá là
đặc trưng của toàn thể nhân loại, hoặc là có mặt ở tất cả các tộc người
thuộc cùng một loại hình kinh tế văn hoá; hoặc là sờ hữu chung của khu
vực lịch sử văn hoá (khu vực lịch sử dân tộc học).
Vì vậy, khi sử dụng đặc trưng tộc người của văn hoá chúng ta cần
đặc biệt chú ý đến cộng đồng văn hoá nếp sống: Bao gồm những nguyên
tắc đạo đức, tâm lý, lối sống (nó có tác dụng đáng kể trong việc tập hợp
con người lại với nhau). Đó là lối sống của con người trong một xã hội
nhất định, là cách ứng xử của mình đối với các thành viên khác, đối với
thiên nhiên, xã hội được thể hiện ra trong lao động, trong đấu tranh, trong
sinh hoạt và được xã hội thừa nhận. Tùy theo chế độ xã hội, cơ sờ chính
trị, kinh tế, tư tường,... của từng tộc người, mà có những quy ước về nếp

118
sống nhất định nhằm điều chỉnh hành vi của con người. Trong nếp sống,
có những yếu tổ được xã hội quy ước (lúc đầu chưa thành thói quen), dần
trỏ thành thói quen, phong tục.
Cần chú ý văn hoá nếp sống là loại văn hoá có tính tộc người nhất
(đảc trưng tộc người nhất) vì sự xuất phát từ hai đặc tính:
- Tính phi cá nhân (tính quần chúng).
- Tính bền vững (tính truyền thống).
Còn văn hoá vật chất và tinh thần thể hiện đặc trưng tộc người khi
nó tiếp xúc với các tộc người khác. Hoặc có những yếu tố văn hoá trong
truờng hợp này là đặc trưng của tộc người, nhưng trong trường họp khác
nó không phải là đặc trưng của tộc người. Ví dụ, tục Tằng cẩu của người
Thái đen (búi tóc ở bên phải đầu) là đặc trưng phân biệt người Thái với
ngiời Tày, người Nùng, nhưng nó không còn là đặc trưng phân biệt giữa
ngiời Thái với người Khơ Mú (vì người Khơ Mú cũng có tục này). Đặc
biệt, trong quá trình giao lưu, giao tiếp về kinh tế, dẫn đến giao lưu văn
hoi giữa các tộc người, nên nhiều yếu tố văn hoá mất đi tính đặc trưng
tộc người. Tuy vậy, những yếu tố văn hoá tinh thần thường ổn định hơn
văi hoá vật chất (văn hoá tinh thần biến đổi chậm hơn so với vật chất
trcng quá trình giao lưu kinh tế - văn hoá).
Như vậy, văn hoá cần được xem là một dấu hiệu cơ bản của một
tộc người, để xác định sự khác biệt của tộc người này với tộc người khác.

4.5.4. Kinh tế tộc ngưòi

Sự hoàn thiện không ngừng lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
là za sở phát triển của xã hội loài người và tộc người cũng không nằm
ngoài quá trình phát triển đó. Từ cách đặt vấn đề như trên, buộc ta phải
thừa nhận hoạt động kinh tế là đặc trưng tiêu biểu cho tất cả các khối
cộig đồng tộc người, vì không thể tách phương thức sản xuất nằm ngoài
đờ sống xã hội của con người và ngược lại. Phủ nhận cộng đồng kinh tế
sẽ đi đến phủ nhận vai trò quyết định của phương thức sản xuất trong
việc hình thành và phát triển của các tộc người. Cộng đồng kinh tế không
ch. là một đặc trưng mà còn là một nguyên nhân chủ yếu cho sự phát sinh
và tồn tại của các tộc người.

119
Cộng đồng kinh tế là cộng đồng người dựa vào những mối quan hệ
kinh tế, nó không chỉ bao gồm việc buôn bán hay quyền sở hữu mà còn
bao gồm toàn bộ quan hệ sản xuất như quyền sờ hữu các tư liệu sản xuất,
việc phân phối, trao đổi và các hình thức phân công lao động xã hội.
Trong cộng đồng kinh tế, cần chú ý đến sự phân công lao động
theo ngành nghề và theo vùng lao động do đặc điểm từng vùng lãnh thổ
tộc người quy định, có tác dụng thúc đẩy cộng đồng kinh tế của tộc người
tồn tại và phát triển. Trong đó, quan hệ xã hội thúc đẩy sự cố kết cộng
đồng kinh tế tộc người và cộng đồng kinh tế đến lượt mình quy định tính
chất và quy mô của cộng đồng xã hội tộc người đó. Mối quan hệ giữa
cộng đồng kinh tế và cộng đồng quan hệ xã hội là mối quan hệ giữa lực
lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa cơ sở xã hội và ý thức xã hội,
giữa hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc.
Nhưng cần chú ý trong các giai đoạn khác nhau cùa quá trình phát
triển lịch sử, vai trò cộng đồng kinh tế trong sự phát triển của tộc người cũng
khác nhau.
Trong thời kỳ công xã thị tộc, do nền kinh tế còn quá thấp kém, của
cải làm ra còn ít ỏi, của thừa và trao đổi sản phẩm nghèo nàn, nên quan
hệ chi phối xã hội lúc này là quan hệ huyết tộc (dòng máu). Con người
trong xã hội thị tộc - nói như Ph. Ăngghen - vừa mới thoát thai khỏi
vương quốc động vật, nên nghèo đói như thế giới đó. Vì vậy, nó phải gắn
bó với nhau như cái bào thai gắn bó trong lòng mẹ, mới có khả năng sinh
tồn. Tuy vậy, trong xã hội đó, cơ sờ kinh tế cho quan hệ huyết tộc tồn tại
và phát triển là công hữu về tư liệu sản xuất và mọi người cùng làm, cùng
ăn. Nhưng cơ sở kinh tế đó còn quá thấp kém, con người thấy mình quá
yếu đuối trước sức mạnh tự nhiên. Do đó, có thể nói cộng đồng kinh tế
trong thời kỳ thị tộc (quá trình sản xuất, trao đổi sản phẩm có tính tự
nhiên) chưa phát triển, chưa trở thành sợi dây cơ bản cố kết mối quan hệ
tộc người.
Thời kỳ bộ lạc, đặc trưng cơ bản vẫn là quan hệ huyết thống, nhưng
nguyên nhân (cội nguồn) hình thành bộ lạc là do sự phân chia thị tộc gốc
(thị tộc mẹ) thành hai, ba thị tộc. Các thị tộc đó có quan hệ về kinh tế với
nhau. Cũng có ý kiến cho bộ lạc ra đời do các thị tộc có quan hệ hôn

120
nhân. Chính trong quá trình sinh tồn của mình các thị tộc có quan hệ hôn
nhân với nhau (đặc trưng ngoại tộc hôn) và từ quan hệ đó, trong quá trình
kiếm ăn, sản xuất vật chất (ngày càng phát triển), mối quan hệ kinh tế
giữa các thị tộc ngày càng nâng cao, đã làm cho các thị tộc (vốn có quan
hệ hôn nhân) ngày càng xích lại gần nhau. Vì vậy, cả bộ lạc tập họp các
thị tộc cùng nguồn gốc và cả bộ lạc tập họp các thị tộc có quan hệ hôn
nhân, mối dây liên hệ kinh tế giữa các thị tộc sẽ nâng cao một bước so
vói trước. Tuy vậy, do nền kinh tế còn quá thấp kém, nên mối liên hệ kinh
tế, cộng đồng kinh tế vì thế cũng còn quá thấp, còn mang tính tự nhiên.
Trong xã hội có giai cấp, do kinh tế phát triển, của cải làm ra nhiều,
tư hữu xuất hiện, phân công lao động xã hội ngày càng cao, mối quan hệ
kinh tế ngày càng đóng vai trò rõ rệt hơn trong quá trình phát sinh, phát
triển của tộc người. Điều đó đã thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành bộ tộc.
Ở đây, bộ tộc được xây dựng trên quan hệ địa vực cư trú, quan hệ kinh tế
chi phối xã hội.
Điều này thể hiện mối quan hệ kinh tế hình thành chức năng san
bằng sự khác biệt về văn hoá giữa các bộ lạc hợp thành bộ tộc. Đặc biệt,
thông qua vai trò nhà nước, giao lưu kinh tế phát triển hơn. Chính do
cộng đồng kinh tế (giao lưu kinh tế) mà quan hệ tộc người, các đặc trưng
tộc người được củng cố và phát triển. Nhưng do tính cát cứ của chủ nô,
của lãnh chúa phong kiến nên đã hạn chế đến quá trình giao lưu kinh tế
trong nội bộ tộc người.
Đến thời kỳ TBCN và XHCN, sản xuất mang tính xã hội cao, phá
vỡ cát cứ phong kiến, tạo nên thị trường chung. Điều đó làm cho cộng
đồng kinh tế phát ứiển và trở thành một trong những đặc trưng cơ bản để
cố kết tộc người.

4.5.5. Ý thức tự giác tộc người


Tất cả các tiêu chí về ngôn ngữ, lãnh thổ, các mối liên hệ kinh tế và
đặc biệt là đặc trưng văn hoá hoàn toàn tồn tại trong đặc tính của bất kỳ
tộc người nào. Sự phối hợp các yếu tố này, sự tổng hòa của chúng trong
quá trình hình thành và bảo lưu tộc người trở thành hiện tượng xã hội rất
quan trọng. Tổng hòa của những đặc tính trên được biểu thị bằng ý thức
tự giác tộc người.
121
Ý thức tự giác tộc người thường biểu hiện ra tên tự gọi của tộc
người đó. Ví dụ, tôi là người Tày, người Thái, người Việt140. .. Tên tự gọi
của các tộc người là một vấn đề phức tạp; nó thường bắt nguồn từ tên gọi
tô tem, hoặc từ một đặc trưng văn hóa nổi bật của tộc người đó, hoặc từ
tên gọi một địa danh sông, suối, núi rừng, hoặc từ một tên phiếm xưng,...
thậm chí còn bắt nguồn từ tên các tộc người khác gọi một tộc người nào
đó, có tính miệt thị (Chúng ta cần loại bỏ tên gọi một tộc người nào đó có
tính miệt thị).
Ý thức tự giác tộc người nhẩt thiết cần phải được xem xét trong
việc xác định thành phần tộc người, bao gồm mồi con người riêng biệt
hay cả một nhóm người. Bởi vậy, trong điều tra dân số của nhiều nước,
thành phần tộc người của một người nào đó được ghi nhận chủ yếu là
trên cơ sở tự báo. Trong thực tế, chúng ta thấy có các trường hợp sau đây:
1. Thường trong đại bộ phận các trường hợp, người ta xếp mình
vào tộc người nào mà bố mẹ họ đã tự báo. Thêm vào đó gia đình sống ở
môi trường tộc người nào cũng rất quan trọng cho việc xác định ý thức tự
giác tộc người. Nếu một gia đình sống trong môi trường cư dân cùng
thành phần tộc người thì việc xác định tộc thuộc của những đứa trẻ lớn
lên trong gia đình như vậy là không khó khăn. Ý thức tự giác tộc người
được nảy sinh và phát triển trong mối liên hệ mật thiết với sự nuôi dưỡng
và giáo dục của gia đình và sau đó là trong môi trường xã hội. Ý thức đó
được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong lịch sử tồn tại của tộc
người đó.
2. Tình hình phức tạp hom khi sự hình thành ý thức tự giác tộc người
là những trường hợp khi trẻ lớn lên trong gia đình mà bố mẹ nó lại thuộc
các thành phần tộc người khác nhau. Trong trường hợp này, đứa trẻ lựa
chọn tộc người nào (tộc người của bố hay của mẹ) là phụ thuộc vào tình
hình cụ thể của gia đình sinh sống, vào ngôn ngữ trội hơn ữong sinh hoạt,
vào truyền thống gia đình, truyền thống văn hoá. Ví dụ, gia đình hỗn hợp

140 Thực ra, người Việt có 2 tên tự gọi: Lạc Việt, gồm Việt là tên gọi chỉ giống người ờ
phương nam (Bách Việt), còn Lạc là danh từ chi loài (một loài chim lạc/ hạc sống ở
vùng sông nước), Lạc Việt gọi tắt là người Việt; còn Kinh có 2 nghĩa: kinh kỳ/ kinh đô,
hoặc bắt nguồn từ chữ Keo, là từ người Tày - Thái gọi người Việt.

122
Việt - Tày sống ở Hà Nội thì những đứa trẻ sẽ coi mình là người Việt. Nếu
có nhận thành phần tộc thuộc theo bố hoặc mẹ là Tày thì điều đó cũng chủ
yếu là xuất phát từ tình cảm, còn trên thực tế môi trường tác động đến sự
hình thành nhân cách của đứa trẻ vẫn là môi trường tộc người Việt. Nếu
cũng gia đình như vậy nhưng sống ở một bản Tày thì đứa trẻ tự coi mình là
người Tày. Như là một hiện tượng phổ biến, thường trong các gia đình hỗn
họp, tiếng nói và tình trạng thụ hưởng sinh hoạt văn hoá của tộc người mẹ
tác động đến ý thức lựa chọn tộc thuộc khi những đứa trẻ đến tuổi thành
niên chiếm ưu thế. Tất nhiên, cần phải tính đến cả số lượng của tộc người
mà người bố hay người mẹ đã được sinh ra, mức độ phát triển kinh tế - văn
hoá của tộc người đó. Người ta nhận thấy rằng, trong các cuộc hôn nhân
hỗn họp giữa người Nga với người dân tộc khác ở Liên Xô trước đây,
trong đại bộ phận các trường hợp đứa trẻ sẽ coi mình là người Nga nếu
như gia đình sống ở Cộng hòa Liên bang Nga; còn ở các nước cộng hòa
khác thì những đứa trẻ có thể lựa chọn tộc người có ưu thế trội ở nước
cộng hòa nơi nó sinh sống.
Như vậy, ý thức tự giác tộc người là một tiêu chí rất quan trọng, có
thể nói là quan trọng nhất trong các tiêu chí khác, như ngôn ngữ, văn hóa,
kinh tế, lãnh thổ... Nhưng ở những trường hợp nhị nguyên, ý thức tự giác
tộc người còn phụ thuộc vào các điều kiện lịch sử và xã hội.

4.6. CÁC QUÁTRÌNHTộc NGƯỜI VÀQUÁTRÌNHTộc NGƯỜI


Ỏ VIỆT NAM
4.6.1. Quá trình tộc người

Quá trình tộc người trong lịch sừ thường diễn ra hai xu hướng: Xu
hướng phân ly và xu hướng hòa họp cố kết.
- Xu hướng phân ly: Xu hướng này diễn ra chủ yếu dưới tác động
của các yếu tố, như sự gia tăng dân số, chiến tranh và xung đột tộc người,
hiềm khích, xích mích nội bộ, đi tìm vùng đất mới, âm mưu của kè thù...
Nó diễn ra 2 quá trình:
+ Phân ly hình thành tộc người mới: Xu hướng này diễn ra khi ý
thức tộc người chưa bền vững, một bộ phận cư dân tách ra khỏi cộng
đồng tộc người di cư đến một vùng địa lý khác. Trong thời gian dài, bộ

123
phận này không có các môi quan hệ với cộng đông tộc người gôc nhưng
lại có quan hệ cộng cư với các tộc người khác. Điều đó làm cho các yếu
tố văn hoá, ngôn ngữ gốc bị thay đổi. Đó là những nhân tố thúc đẩy
nhóm người này hình thành tộc người mới.
+ Phân ly không hình thành tộc người mới: Quá trình phân ly này
chỉ hình thành các nhóm địa phương. Khi đó, các nhóm của một tộc
người bị chia cắt bởi điều kiện tự nhiên, cư trú xen kẽ,... dẫn đến sự khác
biệt ít nhiều về ngôn ngữ, văn hoá với tộc người gốc. Nhưng các nhóm bị
chia tách đó, vẫn giữ mối liên hệ với tộc người gốc và sự khác biệt về
ngôn ngữ, văn hóa không lớn; khi đó hình thành các nhóm địa phương
trong một tộc người.
Xu hướng phân ly chủ yếu diễn ra trong xã hội tiền TBCN, nhất là
trong thời kỳ CXNT, khi ý thức tộc người chưa định hình bền vững.
- Xu hướng cố kết, hòa họp: Xu hướng này diễn ra bởi các nhân tố
như cùng sổng trong một quốc gia thống nhất, các tộc người có chung
những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định; có mối quan hệ về văn hóa, ngôn
ngữ, kinh tế... Xu hướng hòa hợp cố kết diễn ra qua 3 quá trinh: Đồng hóa,
cố kết, hòa hợp.
+ Đồng hóa: Xu hướng này bao gồm đồng hóa tự nhiên và đồng
hóa cưỡng bức. Đồng hóa thường diễn ra ở các nhóm người, tộc người
khác nhau về nguồn gốc lịch sử, về ngôn ngữ, về văn hoá. Quá trình diễn
ra trong một thời gian dài, qua nhiều thế hệ. Có thể đồng hóa cả tộc
người hoặc chỉ một bộ phận của tộc người. Thông thường tộc người có
dân số ít, trình độ kinh tế - xã hội thấp bị đồng hóa bởi tộc người có dân
số đông hơn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội cao hơn. Ngược lại, cũng
có trường hợp một bộ phận dân tộc đa số, sinh sống lâu dài giữa các dân
tộc thiểu số, bị đồng hóa vào dân tộc thiểu số.
Nếu như đồng hóa tự nhiên là một quy luật tất yếu và tích cực thì
đồng hóa cưỡng bức là xu hướng tiêu cực, bời sức mạnh được sử dụng để
gò ép, áp đặt, dẫn đến sự hòa tan, biến mất văn hoá tộc người.
+ Cố kết là xu hướng diễn ra sự họp nhất các nhóm người, tộc
người có những quan hệ gần gũi với nhau về nguồn gốc, về tiếng nói, về
văn hoá,... để hình thành một cộng đồng tộc người lớn hơn.
124
+ Hòa hợp là xu hướng xích lại gần nhau của những nhóm, tộc
người khác nhau về nguồn gốc lịch sử, tiếng nói, văn hoá nhưng cùng
cộng cư lâu đời trên một vùng lãnh thổ, cùng sinh sống trong một môi
trường địa lý tương đồng, đặc biệt trong một quốc gia thống nhất, sự giao
lưu kinh tế - văn hoá lâu đời.
Xu hướng hòa họp còn diễn ra sự liên kết giữa các dân tộc ở từng
quốc gia với nhau để hình thành những cộng đồng dân tộc trong khu vực
và rộng lớn hơn.
4.6.2. Q uá trình tộc ngưòi ỏ-Việt Nam
- Thời kỳ cổ trung đại: Trong suốt chiều dài 1.000 năm Bắc thuộc,
các tộc người nước ta cùng đoàn kết, chống sự thống trị và đồng hóa
cưỡng bức của người Hán. Hầu như tất cả mọi cuộc đấu tranh lớn nhò
đều có sự tham gia của nhiều cộng đồng tộc người, như cuộc khởi nghĩa
của Hai Bà Trưng (năm 40) ngoài người Việt, nhân dân các dân tộc thiểu
số đã nổi dậy cùng với nghĩa quân đấu tranh chống chính quyền đô hộ
phương Bắc. Trong cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (năm 722) nhiều
quân lính thuộc các Vương quốc Chămpa, Chân Lạp, cùng với các dân
tộc thiểu số đã liên kết với nghĩa quân. Cũng như thế, cuộc khởi nghĩa
của Lý Bí, Phùng Hưng và hàng chục cuộc khởi nghĩa khác, các tộc
người thiểu số ở nước ta đã tham gia đấu tranh vì độc lập tự do cho đất
nước, góp phần giải phóng nhân dân ta khỏi sự áp bức bóc lột, sự đồng
hóa của phong kiến Hán tộc.
Hầu hết các triều đại phong kiến nước ta trong lịch sử đã rất chú ý
đến mối quan hệ các dân tộc, chính sách dân tộc thiểu số. Các triều đại
phong kiến đã sừ dụng các chính sách, như ràng buộc thu phục các tù
trưởng dân tộc thiểu số. Có những biện pháp rất hiệu quả là ràng buộc
bằng con đường hôn nhân, an dân vỗ về; “mềm dẻo phương xa” hay “nhu
viễn”,... của các Vương triều đã trở thành tư tường nhất quán nhằm củng
cố khối đoàn kết dân tộc. Với những chính sách đó, trong suốt thời kỳ
này các dân tộc trên đất nước ta đã cố kết, đoàn kết cùng nhau xây dựng
đất nước và chống giặc ngoại xâm.
Đặc biệt, Vương triều Tây Sơn đã có những thành tựu to lớn trong
việc giải quyết mối quan hệ giữa các dân tộc. Cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn
125
đã được đông đảo các dân tộc ở Trường Son - Tây Nguyên ủng hộ và
tham gia, như Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Chăm... Có thể nói, rằng các
dân tộc thiểu số đã đóng góp rất lớn đối với phong trào Tây Sơn, như căn
cứ địa, nơi trú quân, luyện quân, cung cấp lương thực, thực phẩm và voi
ngựa, làm liên lạc dẫn đường, tham gia vào các lực lượng chiến đấu, làm
quân xung kích bằng tượng binh. Trên đường ra Bắc, quân Tây Sơn khi
đi qua các vùng rừng núi, đều được các dân tộc thiểu số ủng hộ hết lòng.
Tóm lại, mặc dù trong thời kỳ này vẫn tồn tại xu hướng phân ly tộc
người, đó là sự phân chia các vùng địa lý khác nhau trong địa bàn cư trú
của một tộc người, hay sự phân ly một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số
khỏi cộng đồng để ừánh sự thống trị của các triều đại phong kiến. Tuy
nhiên, xu hướng hòa hợp cố kết là cơ bản.
- Thời kỳ Pháp thuộc/ cận đại: Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng
xâm lược nước ta, chúng đã chia đất nước ta thành ba xứ với các chế độ
cai trị khác nhau: Nam Kỳ tự trị, Bắc Kỳ, Trung Kỳ thành xứ bảo hộ.
Theo đó, thực dân Pháp tìm cách chia rẽ, kỳ thị dân tộc, giữa dân tộc Việt
với các dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau.
Nhưng các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam từ xưa đã có truyền
thống đoàn kết, gắn bó trước sự xâm lăng của kẻ thù. Các dân tộc đã sát
cánh bên nhau đấu tranh vì tự do, độc lập dân tộc. Dù đất nước bị thực
dân Pháp chia làm ba xứ, miền xuôi, miền ngược, Kinh hay Thượng,...
những mỗi một người dân trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam vẫn ý
thức được rằng, chúng ta là một dân tộc thống nhất. Với ý chí và quyết
tâm đó, các dân tộc trên đất nước ta đã làm nên chiến thắng cách mạng
tháng Tám 1945, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc.
Như vậy, dù có xu hướng phân ly nhưng trong thời kỳ này cố kết hòa hợp
vẫn là xu hướng chủ đạo.
- Thời kỳ hiện đại: Trong những năm tháng xâm lược nước ta, thực
dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tiến hành những chính sách dân tộc thâm độc:
Chia rẽ dân tộc Việt, giữa dân tộc Việt với các dân tộc thiểu số, giữa các dân
tộc thiểu số vói nhau.
Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chính sách chia để trị, chia
rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của kẻ thù bị loại trừ. Sự phân bổ cư dân dần

126
dần ổn định, xu hướng phân chia, xé lẻ khối đại đoàn kết dân tộc dần bị
đẩy lùi khỏi quá trình tộc người. Cuộc cách mạng đân tộc dân chủ nhân
dân và cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa do Đảng ta lãnh đạo đã thức
tỉnh mạnh mẽ ý thức dân tộc thống nhất. Có thể nói rằng, thời kỳ này xu
thế phân ly đã nhường hẳn cho xu thế cố kết hòa hợp tộc người.
Trong thời kỳ này, với sự mở rộng phạm vi cư trú của các tộc
người, cư trú xen cài, sự phát triển khoa học kỹ thuật, các phương tiện
thông tin đại chúng ngày càng hiện đại, giúp các tộc người càng hiểu
nhau hơn. Vì vậy, quá trình hòa họp, cố kết về văn hoá, ngôn ngữ, kinh
tể, xã hội ngày càng mở rộng giữa các nhóm trong một tộc người và giữa
các tộc người với nhau trên mọi miền đất nước.
Trong xu hướng hòa hợp, cố kết đó, đồng hóa tự nhiên có một vai
trò đặc biệt to lớn đối với quá trình tộc người ở nước ta. Có thể nói, đồng
hóa tự nhiên là một quy luật tất yếu và tích cực, có tác dụng học hỏi, tiếp
thu, vay mượn những yếu tố tiến bộ của tộc người khác bổ sung cho tộc
người mình.
Còn đồng hóa cưỡng bức là xu hướng tiêu cực sử dụng sức mạnh
để gò ép, cưỡng bức, áp đặt văn hoá, và xu hướng này dẫn đến tiêu diệt
văn hoá dân tộc khác. Xu hướng này tạo nên tư tưởng ỷ lại, tự ti, không
chủ động sáng tạo khi tiếp nhận yếu tố văn hoá bên ngoài của các tộc
người. Đảng ta không cho phép trên đất nước ta diễn ra bất kỳ một sự
đồng hóa cưỡng bức nào. Dù vậy, trên thực tể một số nơi ở mức độ này
hay khác đã diễn ra quá trình đồng hóa cường bức, như do trình độ của
một số cán bộ còn thấp đã cưỡng ép các dân tộc hạ sơn định cư, làm nhà
đất, khi lòng dân chưa đồng tình...
Như vậy, quá trình tộc người trong lịch sừ ở nước ta vừa có quá
trình phân ly vừa có quá trình cố kết, hòa hợp, nhưng xu hướng chính
bao trùm lên là hòa hợp, cố kết.
Điều cần nhấn mạnh là, quá trình tộc người ở nước ta cũng là quá
trình các dân tộc chung lưng đấu cật để dựng nước và giữ nước. Trong
mối quan hệ dân tộc, đoàn kết tương trợ là nhân tố chủ yếu làm nên sức
mạnh to lớn của dân tộc ta. Ngày nay, sức mạnh đoàn kết đó càng được
phát huy trong sự nghiệp đổi mới đất nước theo đường lối của Đảng.

127
4.7. DANH MỤC CÁC THÀNH PHẦN DÂN Tộc VIỆT NAM
• • •

Căn cứ vào ba tiêu chí: Cộng đồng về mặt ngôn ngừ, có đặc điểm
chung về sinh hoạt văn hoá, có ý thức tự giác tộc người (đây là tiêu chí
quan trọng nhất). Tổng cục thống kê đã ra quyết định số 121-TCTK/PPCD
chính thức ban hành Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam với
54 dân tộc, được xếp theo thứ tự số lượng dân số, với các chi tiết về tên
gọi và địa bàn phân bố cư trú, như sau (Các thành phần tộc người trong
bảng danh mục này không bao gồm ngoại kiều) :
Tên các thành
STT Các tên gọi khác Địa bàn cư trú chủ yếu
phần dân tộc
01 Kinh (Việt) Kinh Trong cả nước.
Cao Bằng, Lạng Son, Hà Tuyên,
Thổ, Ngạn, Phèn, Thu Bắc Thái, Hoàng Liên Sơn,
02 Tày
Lao, Pa Di. Quảng Ninh, Hà Bắc,
Lâm Đồng.

Tày, Tày Khao (Thái


Trắng), Tày Dăm
Sơn La, N ghệ Tĩnh,
(Thái Đen), Tày
Thanh Hóa, Hoàng Liên
03 Thái Mười, Tày Thanh
Sơn, Hà Sơn Bình,
(Man Thanh), Hàng
Lâm Đồng.
Tổng (tày Mường), Pu
Thay, Thổ Đà Bắc.
Triều Châu, Phúc Kiến, TP. Hồ Chí Minh, Hà N ội,
04 Hoa (Hán) Quảng Đông, Hài Nam, Hậu Giang, Hải Phòng,
Hạ, Xạ Phang. Cừu Long.

Cur, Cul, Cu, Thổ, Hậu Giang, Cửu Long, Kiên


05 K hơM e Việt gốc Miên, Giang, Minh Hải, Sông Bé
Khơrne Krôm. TP. Hồ Chí Minh,, Tây Ninh.

Hà Sơn Bình, Thanh Hóa,


Mol, Mual, M ol142, Mọi
06 Mường Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn,
Bi, Ao Tà (Au Tá).
Hà Nam Ninh.

141 Ở đây, chúng tôi sử dụng nguyên danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam ở Tạp
chí Dán tộc học, số 1, năm 1979 (các tên tỉnh trong Danh mục này vẫn giữ nguyên như
năm 1979, vì từ đó đến nay Danh mục này vẫn được giữ nguyên).
142 Là tên người Thái gọi người Mường.

128
Xuồng, Giang, Nùng Cao Bằng, Lạng Sơn,
An, Phàn Sinh, Nùng Bấc Thái, Hà Tuyên,
07 Nùng Cháo, Nùng Lòi, Quý Hà Bắc, Hoàng Liên Son,
Rin, Khen Lài. Quảng Ninh, Lâm Đ ồ n g ,
Tp. Ho Chí Minh.
Mẹo, Mèo Hoa,
Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn,
Mèo Xanh, Mèo đò,
08 Hmông (M èo) Lai Châu, Sơn La, Cao
Mèo đen, Ná Mèo,
Bằng, Lạng Sơn, Nghệ Tĩnh.
Mán Trắng.
Mán, Động, Trại, Xá,
Dìu Miền, Kiềm
Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn,
Miền, Quần Trắng,
Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc
Dao đỏ, Quần chẹt,
Thái, Lai Châu, Sơn La,
09 Dao Lô Giang, Dao Tiền,
Hà Sơn Bình, Vĩnh Phú,
Thanh Y, Làn Tên,
Hà Bắc, Thanh Hóa,
Đại Bản, Tiểu Bản,
Quảng Ninh.
Cóc Ngáng, Cóc Mùn,
Son D ầu...
Giơ Rai, Tơ Buăn,
10 Gia Rai Gia Lai - Kon Tum.
Hơ Bau, Hdrung, Chor...
Xin, Lê, Đán, Quảng Ninh, Cao Bằng,
11 Ngái
Khánh Gia Lạng Sơn.
Rađê, Đê, Kpạ,
Adham, Krung, Ktul,
12 Êđê Đắc Lắk, Phú Khánh.
Đliê, Ruê, Blô, Epan,
Mudhur , Bih...
Gơlar, Tơ lô,
Giơ Lăng, Y Lăng,
Gia Lai - Kon Tum,
13 Ba Na Rơ Ngao, Krem, Rol,
Quảng Nam - Đà Nang.
Con Kde, Ala Công,
Kpăng Công, Bơ Năm.
X ơ Teng, Hdang,
Tơ drá, Mơ Năm,
Gia Lai - Kon Tum,
114 X ơ Đăng Ha Lăng, Ca dong,
Quảng Nam - Đà Nang.
Kmrăng, Con lan,
Brila, Tang.

143 Mdhur là một nhóm trung gian giữa người Êđê và người Gia Rai. Nhóm ờ Cheo Reo
tự báo là người Ra Rai.

129
Cao Lan, Mán Cao Lan,
Hòn Bạn,
Bắc Thái, Quảng Ninh,
Sán Chay (Cao Sán Chi (còn gọi là
15 Hà Bắc, Cao Bằng,
Lan - Sán Chỉ) Son Từ và không bao
Lạng Sơn, Hà Tuyên.
gồm nhóm Sán Chi ở
Bảo Lạc và Chợ Rã).

Xrê, Nôp (Tulốp)


16 Cơ Ho Cơ Don, Chil , Lâm Đồng, Thuận Hải.
Lạt (Lach), Trinh.

Thuận Hải, An Giang,


17 Chăm (Chàm) Chiêm Thành, Hroi. TP.HỒ Chí Minh,
Nghĩa Bình, Phú Khánh.

Sán Dẻo, Trại, Trại Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hà Bắc,


18 Sán Dìu
Đất, Mán Quần Cộc. Quảng Ninh, Hà Tuyên.

Chăm Rê, Chom,


19 Hrê Nghĩa Bình.
Krế, L ũy...

Pnông, Nông, Pré,


Đắk Lắk, Lâm Đồng,
20 Mnông Buđăng, Di Pri, Biat,
Sông Bé.
Gar, Rơ lam, Chil.

RacLây, Rai, Noang,


21 Raglai Thuận Hải, Phú Khánh.
La Oang

22 Xtiêng Xa Diêng Sông Bé, Tây Ninh.

Bru, Vân Kiều,


23 Bru - Vân Kiều Bình Trị Thiên.
Ma Cong, Tri, Khùa

Kẹo, Mọn, Cuối, Họ,


Đan Lai, Ly Hà, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa
24 Thổ'45
Tày Pọng, Con Kha, (Như Xuân).
Xá Lá V ang146.

144 Chil là một nhỏm địa phương của dân tộc Mnông, một nhỏm ở phía Nam cư trú lẫn
với người Cơ Ho, tự bảo là Cơ Ho.
145 Thổ đây là tên tự gọi, khác với tên Thổ trước kia đùng để chi nhỏm Tày ờ Việt Bắc,
người Thái ờ Đà Bắc và nhóm Khơ me ở đồng bằng sông Cửu Long.
146Xá Lá Vàng: Tên chi nhiều dân tộc sống du cư ờ vùng biên giới.
130
Nhằng, Dầng,
Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên,
25 Gáy Pầu Thìn, Pu Nà,
Lai Châu.
Cùi, Chu'47.

Ca Tu, Cao, Hạ, Quảng Nam - Đà Nằng, Bình


26 Cơ Tu
Phương, Ca Tang148. Trị Thiên.

Dgié, Tareh, Giang


Rầy, Pin, Triêng, Quảng Nam - Đà Nang, Gia
27 Giá - Triêng
Treng, Tà Riêng, Ve, Lai - Kon Tum.
Lave, Ca Tang.

Châu Mạ, Mạ Ngân,


28 Mạ Mạ Xốp, Mạ Tô, Lâm Đồng, Đồng Nai.
Mạ Krung.

Xá Câu, Mún Xen, Tênh, Nghệ Tĩnh, Sơn La, Lai


29 Khơ Mú
Pu Thênh,, Tày Hạy. Châu, Hoàng Liên Sơn.

Cor, Col, Cùa, Trầu. Nghĩa Bình, Quảng Nam -


30 Co
Đà Nang.

Tà Ôi, Pa Cô, PaH y


31 Tà Ôi Bình Trị Thiên.
(BaHi).

32 Chơ Ro D ơ Ro, Châu Ro. Đồng Nai.

Xa Khao, Xá Sủa,
Sã D ón,... Xá Dằng,
333 Kháng Lai Châu, Sơn La.
Xá Hốc, Xá Ái, Xá
Bung, Quảng Lâm.

34 Xinh Mun Puộc, pụa. Sơn La, Lai Châu.

35 Hà Nhì U N Í, X á U N i. Lai Châu, Hoàng Liên Sơn.

36 Chu Ru Chơ Ru, Chu. Lâm Đồng, Thuận Hải.

Lai Châu, Sơn La,


37 Lào Lào Bốc, Lào Nọi.
Thanh Hóa, Hoàng Liên Sơn.

147 Cùi Chu (Quý Châu) có một bộ phận ở Bảo Lạc (Cao Bằng) sống xen kẽ với người
Nùng, được xếp vào người Nùng.
148 Ca Tang: Tên gọi chung của nhiều nhóm người ở miền núi Quảng Nam - Đà Nang
trong vùng tiếp giáp với Lào. cần phân biệt tên gọi chung này với tên gọi riêng của
từng dân tộc.

131

1
38 La Chí Cù Tê, La Quá. Hà Tuyên.

39 La Ha XáK hlá, Phlạo. Lai Châu, Sơn La.

BỒ Khô Pạ, Xá Phó,


40 Phù Lá Mùn Di Pạ, Phồ, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Va X ơ Lao, Pu Dang.

Khu Xung, Cò xung,


41 La Hú Lai Châu.
Khả Qùy.

42 Lự Lú, Nhuồn, Duồn. Lai Châu.

Cao Bằng, Lạng Sơn,


43 Lô Lô Mun Dị.
Hà Tuyên.

Sách, Mày, Rục,


Mã Liềng, Arem,
Tu Vang, Pa Leng,
44 Chứt Bình Trị Thiên.
X ơ Lang, Tơ hung,
Chà Cùi, Tác cùi,
u mo, Xá lá vàng.
45 Máng Mảng ư , Xá lá vàng. Lai Châu.

46 Pà Thèn Pù Hung, Tống. Hà Tuyên.

47 Cơ Lao Hà Tuyên.

Xăm Không,
48 Cống Lai Châu.
Mông Nhé, Xá Xeng

Chúng Chả, Trọng


49 BỐY Hoàng Liên Sơn, Hà Tuyên.
Gia, Tu Dì, Tu Dìn.

50 Si La Cù Dê Xừ, Khá Pẹ. Lai Châu.

51 Pu Péo Ka péo, Penti Lô Lô. Hà Tuyên.

52 Brâu Brao. Gia Lai - Kon Tum.

53 ƠĐu Tày Hạt. N ghệ Tĩnh.

54 R ơM ăm Gia Lai - Kon Tum.

132
DANH MỤC CÁC THÀNH PHÀN DÂN T ộ c VĨỆT NAM
• • •

(Xếp theo ngôn ngữ và thứ tự số lưọng dân số)


Ngữ hệ Nam Á:
a. Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường
1. Việt (Kinh)
2. Mường
3. Thổ
4. Chứt
b. Nhóm ngón ngữ Môn - Khơ me
5. Khơme
6. Ba Na
7. Xơ Đăng
8. Cơ Ho
9. Hrê
10. M ơ N ô n g

11. Xtiêng
12. Bru - Vân Kiều
13. Cơ Tu
14. Khơ Mú
15. Tà Ôi
16. Mạ•
17. Co
18. G ié-T riêng
19. Xinh Mun
20. Chơ Ro
21. Máng
22 Kháng
23 Rơ Măm
24. ơ Đu
133
25. Brâu
c. Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái
26. Tày
27. Thái
28. Nùng
29. Sán Chay (Cao lan, Sán Chỉ)
30. Giáy
31. Lào
32. Lự
33. Bố Y
d. Nhóm ngôn ngữ Mèo - Dao
34. H m ô n g (M èo )

35. Dao
36. Pà Thèn
e. Nhóm ngôn ngữ hỗn hợp
37. La Chí
38. La Ha
39. Cơ Lao
40. Pu Péo
Ngữ hệ Nam đảo (Nhóm ngôn ngữ Malayo - Polynedi):
41. Gia Rai
42. Êđê
43. Chăm (Chàm)
44. Raglai
45. Chu Ru
Ngữ hệ Hán - Tạng:
a. Nhỏm ngôn ngữ Hán
46. Hoa (Hán)
47. Sán Dìu
134
48. Ngái
b. Nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến
49. Hà Nhì
50. Phù Lá
51. La Hú
52. Lô Lô
53. Cống
54. Si La

Tổng kết chưong

1. Cho đến nay, nội hàm khái niệm tộc người vẫn tồn tại nhiều
quan điểm/ trường phái khác nhau, như trường phái dân tộc học và nhân
học Xô Viết, Trung Quốc, Âu Mỹ, Việt Nam... Nhưng về cơ bản, tộc
người là một cộng đồng người ổn định, hình thành trong lịch sử và mang
những đặc trưng về cộng đồng lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa, tâm lý, ý
thức tự giác tộc người, về nguồn gốc tộc người...
2. Một số quan điểm của dân tộc học và nhân học về các đặc trưng
của tộc người (các tiêu chí để xác định thành phần tộc người), như quan
điểm của các học giả xô Viết, Trung Quốc, Tây Âu, Mỹ, Đông Nam Á,
Việt Nam...
3. Các đặc trưng tộc người, như lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hóa, kinh
tế, ý thức tự giác dân tộc,... được hình thành, biến đổi trong quá trình lịch
sừ và tùy từng thời kỳ, đặc trưng này hay khác có ý nghĩa đặc biệt đối với
sự tồn tại tộc người.
4. Có hai cách phân loại tộc người: phân loại ngang chỉ dựa vào
những đặc trưng thuần túy tộc người và phân loại dọc dựa vào đặc trưng
tộc người kết hợp với thiết chế xã hội tộc người.
5. Đặc điểm các khối cộng đồng tộc người trong lịch sử, bao gồm
đặc điểm của thị tộc mẫu hệ, thị tộc phụ quyền, bộ lạc, bộ tộc CHNL, bộ
tộc PK, dân tộc TBCN và dân tộc XHCN.
6. Có hai quá trình tộc người: Quá trình phân ly, gián đoạn tộc
người và quá trình hòa hợp, cổ kết tộc người tồn tại trong lịch sử.
135
7. Việt Nam có 54 dân tộc và quá trình tộc người trong lịch sử của
các dân tộc nước ta do phải sớm chống giặc ngoại xâm và trị thủy, nên
chủ yếu là hòa hợp, cố kết. Vì vậy, ý thức dân tộc hình thành sớm, từ thời
Văn Lang - Âu Lạc và đó chính là sức mạnh để đoàn kết các dân tộc
nước ta thành một khối thống nhất.

Tài liêu tham khảo


1. Phan Hữu Dật (1994), Trở lại tên gọi một số dân tộc nước ta hiện
nay, TC DTH số 1.
2. Khổng Diễn (1995), Dân sổ và dân số tộc người ở Việt Nam,
Nxb KHXH.H.
3. Khổng Diễn (2002), v ề việc xác định lại thành phần một số dân
tộc ở Việt Nam, TC DTH số 4.
4. Bế Viết Đẳng (1995), Dân số và dân số tộc người ờ Việt Nam,
TC DTH số 3.
5. Mạc Đường (2003), Trao đổi về tiêu chuẩn xác định thành phần
dân tộc, TC DTH số 1.
6. Lê Sĩ Giáo (1996), Quan hệ dân tộc ở miền Bắc Việt Nam,
TC D T H s ố l .
7. Lê Sĩ Giáo (Cb)(2000), Dân tộc học đại cương, Nxb GD,H.
8. c . Mác và F. Ăngghen (1962), Tuyển tập, T. II, Nxb ST, H.
9. Nguyễn Công Thảo (2006), Một số khái niệm về tộc người,
TC DTH, số 2.
10. ủ y ban Khoa học xã hội Việt Nam (1975), về vấn đề xác định
thành phần các dân tộc thiểu sổ ở miền Bắc Việt Nam, Nxb KHXH, H.

136
Chương 5

VĂN HÓA TỘC NGƯỜI

5.1. KHÁI NIỆM


Văn hoá là sự sáng tạo của con người, là sự biến đổi cái tự nhiên
của từng cộng đồng người nhất định. Văn hoá là sự phản ứng, sự chế
ngự, sự trả lời của một cộng đồng người trước những thách đố của tự
nhiên (về cả môi trường tự nhiên lẫn bản năng tự nhiên của con người).
Vàn hoá là lối sống của một cộng đồng người, của một xã hội, của các
thành viên về các phương diện nhận thức, quan niệm, chuẩn mực, biểu
tượng và hệ thống các giá trị.
Tuy vậy, văn hóa là một khái niệm đa nghĩa, nên mặc dù được mọi
người trên thế giới sử dụng rất phổ biến, nhưng để đi đến định nghĩa nội
hàm khái niệm này lại rất phức tạp. Nó được định nghĩa dưới nhiều cách
khác nhau và tùy thuộc vào cách tiếp cận của từng nhà khoa học, để có một
nội hàm khái niệm văn hóa nhất định.
Chúng ta có thể đề cập đến khái niệm văn hóa theo các hướng tiếp
cận sau đây:
- Tiếp cận theo từ nguyên cũng như trong cuộc sống hằng ngày:
Theo từ nguyên, văn hóa với nghĩa Hán Việt, văn là vẻ đẹp “biểu hiện
trước hết ở lễ, nhạc, cách cai trị và đặc biệt ở trong ngôn ngữ, sự giao
tiếp... Chúng hợp thành một hệ thống quy tắc ứng xử được xem là đẹp
đẻ, chuẩn mực”'49; còn hóa nghĩa là biến đổi, giáo hóa. Vậy, văn là
những điều tốt đẹp của cuộc sống đã được đúc kết, còn hóa là đem cái đã
được đúc kết hóa thân trở lại cuộc sống, làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Như vậy, khái niệm văn hóa ờ phương Đông thiên về lối sống đẹp, ứng
xử đẹp, thiên về văn hóa tinh thần. Còn ở phương Tây, khái niệm văn hóa
bắt nguồn từ tiếng Latin là cultus có nghĩa là trồng trọt, vun trồng. Theo
đó, tiếng Pháp và tiếng Anh đều gọi văn hóa là culture, trong tiếng Nga
là kutura... Tất cả thuật ngữ văn hóa gốc phương Tây với một nghĩa nào

149 Huỳnh Công Bá, 2008, tr. 11.

137
đó có thể hiểu là vun trồng/ biến đổi cây trái tự nhiên theo chiều hướng
tốt đẹp bởi con người; “ Vậy, cultus có nghĩa là hoạt động làm cho một sự
vật hiện tượng gì đó sinh sôi, nảy nở, phát triển theo chiều hướng
tốt đẹp150”.
Trong cuộc sống hằng ngày, khái niệm văn hóa được sử dụng rất
phổ biến nhưng cũng hết sức tày tiện. Có khi văn hóa để chỉ một ứng xử
đẹp: ứ ng xừ có văn hóa; đến một gia đình sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng,
mọi người kính trọng, yêu thương nhau: Gia đình có văn hóa; chỉ một
hoạt động văn hóa nghệ thuật: Hoạt động văn hóa; chỉ trình độ học vấn:
Trình độ văn hóa... Theo đó, khái niệm văn hóa trong cuộc sống thường
được dùng để chỉ một hành vi đẹp, một lối sống đẹp.
- Tiếp cận theo hướng rộng nhất của khái niệm: Theo cách tiếp cận
này, văn hóa được hiểu “là cái tự nhiên được được biến đổi bởi bàn tay
con người151”, là thế giới nhân tạo bên cạnh thế giới tự nhiên, là những gì
không phải của tự nhiên... Với cách hiểu này, văn hóa được đặt trong thế
so sánh với tự nhiên. Cũng theo quan niệm rộng lớn này, văn hóa được
hiểu là “một tổng thể phức tạp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật,
đạo đức, luật pháp, phong tục và cả những khả năng, thói quan khác mà
con người đạt được với tư cách là một thành viên của xã hội152”\
- Tiếp cận theo hướng hệ các giá trị của khái niệm: Theo cách tiếp
cận này, UNESCO quan niệm, “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách
tổng quát song động mọi mặt của đời sống (cùa mồi cả nhân và cả cộng
đồng) đã diễn ra trong quá khứ cũng như trong hiện tại, qua hằng bao
thể kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống thẩm
mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng
cùa mình153”. Theo đó, “ Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật
chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt
động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi truờng tự

150 Huỳnh Công Bá, 2008, tr. 11.


151 Trần Quốc Vượng (Cb), 1997, tr. 15.
152 E. B Tylor, 1871, Dần theo Huỳnh Công Bá, 2008, tr. 13.
153 ủ y ban Quốc gia về thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Thập kỷ thế giới phát triển
văn hóa, 1992, Nxb. VHTT, H, tr. 19-20.

138
nhiên và xã hội của con người154”', “Văn hóa là tổng thể các giá trị vật
chất, tinh thần vả ứng xử mang tính biếu trưng, do một cộng đồng người
sáng tạo ra và tích lũy được qua quá trình sinh tồn trong sự tương tác
giữa con người với môi trường tự nhiên và lịch sử - xã hội của mình,
cũng như sự hoàn thiện đối với bản thân mình155”.
- Tiếp cận theo hướng hẹp của khái niệm: Theo cách tiếp cận này,
vàn hóa gắn với dấu ấn văn hóa, bản sắc văn hóa của một tộc người:
hóa là cái dấu ẩn cùa một thể cộng đồng lên mọi hiện tượng tinh thần, vật
chất, mọi sản phẩm của thế cộng đồng này từ tín ngưỡng, phong tục cho đến
củ sản phẩm công nghiệp bán ra thị trường156". Theo đó, văn hóa bao gồm
tất cả những gì là dấu ấn đặc trưng thuộc về đời sống vật chất, xã hội và tinh
thần của một cộng đồng người nhất định - đó chính là bản sắc văn hóa
tộc người.
Tóm lại, văn hóa là hệ thống những giá trị vật thể và phi vật thể do
con người tạo nên đế đáp ứng nhu cầu cuộc sống của mình, là dấu ấn của
một thế cộng đồng người trong quả trình tương tác với môi ữưòmg tự nhiên
và môi trường xã hội.

5.2. CHỨC NĂNG VĂN HÓA VỚI T ộ c NGƯỜI


Trong nghiên cứu nhân học và dân tộc học, văn hoá luôn gắn với
tộc người bởi hai chức năng sau đây157:
- Chức năng quy ước: Chức năng này gồm những hệ thống đặc thù
của hoạt động vật chất và tinh thần để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống của
một cộng đồng người, là hệ thống đặc thù của những phương tiện giúp
cho việc thực hiện những hoạt động trí tuệ và tình cảm của con người.
Cách thức đầu tiên, xưa nhất về chức năng quy ước của văn hoá thường
dựa vào sự thích nghi với môi trường tự nhiên (cho đến nay vẫn còn). Ví
dụ, nhà là hang động, rèm đá (hang động, rèm đá tự thân nó không phải

154 Trần Ngọc Thêm, 1997, tr.27.


155 Huỳnh Công Bá, 2008, tr. 21.
156 Phan Ngọc, 1994, tr. 20.
157 Các nhà văn hóa học, còn đưa ra các chức năng của vàn hóa, như ổn định xã hội,
điều chỉnh các hành vi xã hội, giáo đục, giao tiếp, thẩm mỹ, giải trí, nhận thức...

139
là văn hoá nhưng con người cải tạo dùng làm chỗ ờ; nó trở thành vân
hoá), rồi âm nhạc, bài hát, câu hò,... đều thích ứng với môi trường tự nhiên.
Mỗi tộc người tự mình sáng tạo ra văn hóa mang tính quy ước, như
chế tác những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt, đồ trang sức,... như
thế này hay như thế khác. Trong hệ thống quy ước của văn hoá có quy
ước không ý thức (đa số là quy ước bắt chước tự nhiên) và hệ thống quy
ước có ý thức. Hệ thống quy ước có ý thức, có ý nghĩa hàng đầu trong
việc định hình đặc trưng văn hoá tộc người và phân biệt nó với các tộc
người khác.
Trêbôcxarốp khi nói đến chức năng này của văn hoá đã viết: Đặc
điểm văn hoá phải được xem là dấu hiệu cơ bản của một tộc người, một
dấu hiệu cho phép trong mọi trường hợp không loại trừ một trường hợp
nào, vạch ra ranh giới giữa tộc người này với tộc người khác. Nói cho
cùng, ngay cả ngôn ngữ mà người ta vẫn coi là một tiêu chuẩn chủ yếu
để phân định tộc người thì nó cũng gẳn chặt với văn hoá của tộc người
nói ngôn ngữ đó. Người ta thường gọi ngôn ngữ là hình thức tồn tại của
văn hoả hoặc coi nó là một trong những yếu tố của văn /ỉoá158.
Chính nhờ chức năng quy ước của văn hoá, mà mỗi một thành viên
của tộc người ý thức được đặc thù văn hoá của tộc người mình.
- Chức năng thứ hai của văn hoá là thông tin (hay còn gọi là chức
năng thông báo của văn hoá). Chức năng này gắn liền với chức năng quy
ước của văn hoá, nó bảo đảm cho sự giao tiếp giữa các thành viên trong
môt tộc người về văn hoá. Tức là nó bảo đảm những mối liên hệ thông
tin của từng tộc người trong lĩnh vực văn hoá và thể hiện dưới những
hình thức khác nhau, bằng những giá trị vật chất hay tinh thần, bằng cử
chỉ, bằng lĩnh vực sản xuất, đời sống, học tập... Ở đầy, ta cần chú ý sự
tiếp thu thông tin văn hoá tộc người, thường diễn ra có ý thức và vô ý
thức. Sự tiếp thu lượng thông tin văn hoá tộc người diễn ra vô ý thức
thường thời thơ ấu của các thành viên, như lời ru, điệu hát của mẹ, những
trang sức, y phục tuổi thơ,... hoặc là những thông tin văn hoá mà các
thành viên không thể hiểu được (không giải thích được). Còn những
thông tin văn hoá có ý thức là thông tin văn hoá nhận thức được, đóng

158 Trêbôcxarốp, Tộc người, chủng tộc và văn hoá, M...Nxb Khoa học 1971 (bản dịch).

140
một vai trò quan trọng trong việc tái sản xuất ra tộc người. Tức là những
đặc trưng văn hoá bền vững được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Qua đặc trưng đó, các thành viên của tộc người dễ nhận biết và tập hợp
nhau lại. Đây là thông tin văn hoá có tính chất lịch đại. Nhưng thông tin
văn hoá còn có tính đồng đại, nó tạo điều kiện cho hoạt động của tộc
người. Đồng thời, tính đồng đại của thông tin văn hoá còn phân biệt sự
khác nhau giữa các tộc người và cũng làm xuất hiện những yếu tố giống
nhau giữa các tộc người.
Có thể có nhiều dân tộc sống trên một lãnh thổ, cũng có nền tảng
kinh tế và cùng nói chung một ngôn ngữ, nhưng không sao có thể có hai
dân tộc có một nền văn hoá hoàn toàn giống nhau. Khi một dân tộc đã
mất đi đặc điểm văn hoá cùa mình thì nó không còn là một tộc người độc
lập riêng biệt nữa. Tình hình này, đã xảy ra đối với nhiều tộc người, tuy
không mất đi về mặt sinh học, nhưng đã biến đi trên vũ đài lịch sử, bởi vì
về mặt vãn hoá họ đã hoàn toàn hòa vào tộc người lân cận... .
5.3. THUỘC TÍNH CỦA VĂN HÓA
Trong nghiên cứu nhân học văn hóa có các thuộc tính sau đây160:
- Tính phổ quát và tính đặc thù: Trong nghiên cứu nhân học, tính
phổ quát và tính đặc thù của văn hóa được đặc biệt quan tâm, vì nó đề
cập đến đặc trưng văn hóa các tộc người. Tính phổ quát là là mẫu số
chung của văn hóa nhân loại; nó là hằng số văn hóa mang giá trị của mỗi
dân tộc trên trái đất này, nó thuộc về các giá trị con người, như lòng thủy
chung, tình yêu thương con người lúc hoạn nạn, khó khăn, tình mẫu tử,
anh em, bè bạn... Còn tính đặc thù là dấu ấn văn hóa, là bản sắc văn hóa
tộc người, theo đó văn hóa là tất cả những gì thuộc về đời sống vật chất
và tinh thần của một cộng đồng người. Đó chính là những giá trị văn hóa
truyền thống của các cộng đồng người mà khoa học nhân học cũng như
dân tộc học quan tâm nghiên cứu. N

159 Từ quan điểm đó, dân tộc học là khoa học về các tộc người, cũngđồng thời được coi
là khoa học về các nền văn hoá cùa các tộc người.
160 Các nhà văn hóa học thường nêu lên các thuộc tính của vănhóa, như tính hệ thống,
tính giá trị, tính lịch sử, tính nhân văn.

141
- Tính vận động: Tính vận động của văn hóa hay còn gọi là động
thái văn hóa, có nghĩa là văn hóa không tồn tại ờ trạng thái ngưng động,
bất biến (unchanged) hoàn toàn, mà nó thường tồn tại ở trạng thái vận
động. Trong đó, cỏ những yếu tố văn hóa truyền thống tương đối bền
vững (Đối với phương Tây văn hóa truyền thống là những giá trị thuộc
về xã hội tiền công nghiệp, còn ở Việt Nam văn hóa truyền thống được
hiểu là những giá trị văn hóa lâu đời của ông cha được trao truyền từ đời
này qua đời khác và trở thành những giá trị tinh thần ổn định có tác dụng
định hướng các hành vi xã hội của con người). Nhưng ngay cả các giá trị
thuyền thống cũng không phải là phạm trù bất biến, như lòng yêu nước,
yêu độc lập, tự do thời kỳ đất nước có chiến tranh với lòng yêu nước yêu
độc lập tự do trong thời kỳ đất nước hòa bình không giống nhau... Cũng
có những yếu tố văn hóa truyền thống tự mất đi, hoặc cách tân biến đổi
cùng với sự biến đổi của môi trường và xã hội. Biến đổi văn hóa là quá
trình thay đổi cái cũ/ cái truyền thống theo xu hướng mới, hoặc mất đi,
hoặc cách tân, hoặc tiếp nhận, hòa đồng với các yếu tố văn hóa mới, hoặc
tiếp nhận đứt gãy/ đoạn tuyệt với văn hóa truyền thống, hoặc tiếp nhận
văn hóa theo kiểu nhiễu loạn/ mất phương hướng...
Tính ổn định của văn hóa thể hiện qua quá trình phát sinh và phát
triển của các giá trị văn hóa, được tích lũy, lưu truyền, tái tạo tò đời này
qua đời khác trong các cộng đồng xã hội. Đó thực chất là tính truyền
thống và tính hiện đại của văn hóa. Hai yếu tố này của văn hóa thể hiện
tính ổn định tương đối cùa truyền thống văn hóa và sự vận động/ biến đổi
theo xu hướng hiện đại của văn hóa. Hai nội hàm này không đối lập mà
có mối quan hệ mật thiết với nhau. Truyền thống trong văn hóa là những
giá trị tốt đẹp được đúc kết; nó thể hiện bản sắc, bản lĩnh của văn hóa tộc
người. Còn yếu tố hiện đại trong văn hóa là những cái hay, cái đẹp của
văn hóa nhân loại, của văn hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô
thị hóa trong thời đại mới. Như vậy, tính vận động của văn hóa thực chất
là sự biển đổi của truyền thống, là “truyền thống trong sự biển đổi, đối
mới cùa nó. Quy luật vận động ấy bảo đảm cho văn hóa tồn tại liên tục
nhưng không ngưng động16'

161 Chu Xuân Diên, 1999, tr. 28-29; dẫn theo ĐHQGTP.HCM, 2008, tr. 109.

142
- Tính cộng sinh: Trong quá trình giao lưu và tiếp biến, văn hóa
thường mang tính cộng sinh. Đó là hiện tượng văn hóa truyền thống của
một cộng đồng người khi tiếp xúc với văn hóa của tộc người khác bên
ngoài thường cùng nhau tồn tại và phát triển; nó ít có hiện tượng loại trừ
lẫn nhau. Cộng sinh văn hóa là sự cùng tồn tại của các yếu tố nội sinh và
ngoại sinh trong xu hướng hòa đồng văn hóa xuyên quốc gia. Những yếu
tố văn hóa nội sinh khi gặp gỡ các yếu tố ngoại sinh có thể nảy sinh
những hiện tượng văn hóa tích cực và tiêu cực. Ví dụ, kiến trúc chùa Phật
giáo vào Việt Nam đã kết họp với kiến trúc dân gian để hình thành một
đặc trưng kiến trúc “mái chùa che chở hồn dân tộc ” là tích cực, nhưng có
sự kết hợp mang nhiều yếu tố tiêu cực, như việc tiếp nhận văn hóa, lối
sống thiếu văn hóa của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.
Như vậy, các yếu tố văn hóa ngoại sinh khi thâm nhập vào văn hóa
nội sinh/ bản địa nếu đối tượng tiếp nhận không có sự chọn lọc, không có
bản lĩnh, sức sống không vững vàng thì rất có thể dẫn đến một sự nhiễu
loạn văn hóa và người tiếp nhận sẽ trả giá đắt, như A. Toffer đã từng
cảnh báo “Cíí sốc của tương lai” hay “ Đợt sóng thứ ba”i62. Còn nếu nội
lực văn hóa, mà người tiếp nhận đã vững vàng, có bản lĩnh, môi trường
tiếp nhận văn hóa đã được định hướng về tầm vĩ mô, thì sẽ tránh được sự
thụ động, mất phương hướng khi yếu tố ngoại sinh tràn vào.
Như vậy, trong mối quan hệ giữa ngoại sinh và nội sinh văn hóa,
yếu tố nội sinh bao giờ cũng có vai trò quyết định, chủ đạo. Nó là nền
tảng văn hóa của dân tộc. Trên nền tảng đó, văn hóa bên ngoài du nhập
vào sẽ bổ sung làm phong phú hơn cho văn hóa dân tộc. Vì vậy, tính
cộng sinh của vãn hóa nếu được định hướng, sàng lọc sẽ mang nhiều giá
trị tích cực cho sự vận động và phát triển của văn hóa một tộc người, một
quốc gia. Hơn thế nữa, nhiều yếu tố văn hóa ngoại sinh khi được du nhập
vào một nền văn hóa nào đó sẽ xảy ra hiện tượng văn hóa ngoại sinh bị
dân tộc hóa, bản địa hóa thành văn hóa của dân tộc đó; ví như, một Phật
giáo Ấn Độ khi vào Việt Nam đã thành Phật giáo Việt Nam, một Nho
giáo Trung Hoa khi vào Việt Nam đã thành Nho giáo Việt Nam, một

162 Alvin Toíler (2002), Cú sốc cùa tương lai, Nxb Thanh niên, H. A.ToAer (2007), Đạt
sóng thứ ba, Nxb KHXH, H.

143
Thiên Chúa giáo phương Tây khi vào Việt Nam đã thành Thiên Chúa
giáo Việt Nam...
Như vậy, tính cộng sinh của văn hóa là xu hướng tất yếu của quá
trình phát triển xã hội. Xu hướng đó vừa mang yếu tố tích cực và cả tiêu
cực. Vấn đề ở chỗ, chúng ta phải biết hạn chế những tiêu cực, thúc đẩy
những mặt tích cực để xây dựng một nền văn hóa dân tộc mang đậm yếu
tố truyền thống và hiện đại.

5.4. PHÂN LOẠI HỆ THÓNG VĂN HÓA


Khi nghiên cứu văn hóa, các nhà khoa học thường phân văn hóa
thành các hệ thống/ cấu trúc. Tuy nhiên, việc phân loại các hệ thống văn
hóa từ trước đến nay chưa thống nhất, tùy vào quan điểm của từng nhà
khoa học mà cách phân loại này hay khác được sử dụng.
Vào những năm 70 của thế kỷ XX, ở Việt Nam phổ biến cách phân
loại văn hóa thành các hệ thống: Văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần và
văn hóa xã hội. Cách phân loại này thực chất chịu ảnh hưởng của quan
điểm phân loại văn hóa của Văn Tân163... Cũng trong thời gian này, dựa
vào cách phân loại di sản văn hóa của UNESCO, văn hóa được chia
thành hai hệ thống: văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Cụ thể vào
năm 1972, UNESCO đã thông qua “Công ước bảo vệ các di sản thiên
nhiên và di sản văn hóa”, nhưng phạm vi của di sản văn hóa được quy
định trong Công ước chi giới hạn ở những di sản văn hóa vật thể, chẳng
hạn như Kim tự tháp ở Ai Cập hay Vạn lý trường thành ở Trung Quốc...
Đến năm 2003, Công ước về di sản văn hóa phi vật thể mới được
UNESCO thông qua164. Văn hóa vật thể là những giá trị văn hóa hữu
hình, tồn tại dưới dạng vật chất, còn văn hóa phi vật thể là những cái vô
hình, tồn tại dưới dạng tinh thần.
Tiếp đến, Trần Ngọc Thêm phân văn hóa thành 4 hệ thống: Văn
hóa nhận thức, bao gồm nhận thức về vũ trụ và nhận thức về con người;
văn hóa tổ chức cộng đồng, bao gồm tổ chức đời sống tập thể và tổ chức

163 Theo Trần Ngọc Thêm, 1997, tr. 30.


164 UNESCO: Chính sách văn hóa phi vật thế và quá trình toàn cầu hóa, theo Thu Hiền
lược dịch (Cinet.gov.vn).

144
đời sống cá nhân; văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên, bao gồm văn
hóa tận dụng môi trường tự nhiên và văn hóa đối phó với môi trường tự
nhiên; văn hóa ứng xử với môi trường xã hội, bao gồm văn hóa tận dụng
môi trường xã hội và văn hóa đối phó vói môi trường xã hội165. Trong lúc
đó, E.s. Markarian phân văn hóa thành 4 hệ thống: văn hóa sản xuất ban
đầu, văn hóa đảm bảo đời sống, văn hóa định chuẩn xã hội, văn hóa nhân
văn166. Gần với cách phân loại này, Ngô Đức Thịnh, chia vãn hóa thành
4 hệ thống: văn hóa sản xuất, bao gồm hoạt động kinh tế cùa các cộng
đồng xã hội; văn hóa đảm bảo đời sống, bao gồm các dạng thức văn hóa
vật thể, như làng bản, nhà cửa, trang phục...; văn hóa chuẩn mực xã hội,
bao gồm chuẩn mực trong thân tộc, dòng họ, hôn nhân và gia đình; văn
hóa tinh thần, như văn hóa nhận thức, tôn giáo, tín ngưỡng, nghệ thuật
dân gian... Bên cạnh đó, Ngô Đức Thịnh còn phân văn hóa thành 4 dạng
thức sau đầy: văn hóa cộng đồng (văn hóa tộc người, văn hóa quốc gia,
văn hóa làng, văn hóa gia đình dòng họ, văn hóa tôn giáo tín ngưỡng...);
văn hóa cá nhân; văn hóa vùng, văn hóa địa phương và văn hóa sinh thái167.
Tuy nhiên, mọi cách phân loại văn hóa đều chỉ mang tính tương
đổi, có những yếu tố văn hóa nếu xét về góc độ này là vật thể, nhưng xét
dưới góc độ khác lại là phi vật thể, ví như ăn uống nếu xét dưới góc độ
để nuôi sống con người thì nó thuộc phạm trù vật thể, nhưng nếu xét ăn
uống để dâng hiến thần linh, món ăn như tác phẩm nghệ thuật thì nó
thuộc phạm trù phi vật thể...
Nhìn chung, dưới góc độ nghiên cứu nhân học và dân tộc học, văn
hóa thường được phân thành các hệ thống sau đây:
1. Thuộc về văn hóa vật thể, gồm văn hóa sản xuất, làng bản, nhà ở,
ẩm thực, trang phục, dụng cụ sinh hoạt gia đình, phương tiện vận chuyển...
2. Thuộc về văn hóa phi vật thể, gồm có văn hóa xã hội (quan hệ xã
hội, tổ chức xã hội...), văn hóa nhận thức, tôn giáo tín ngưỡng, văn học
dân gian (truyện cổ, dân ca, ca dao, tục ngữ, câu đổi, hò, vè...), nghệ

165 Theo Trần Ngọc Thêm, 1997, tr.32.


166 Dần theo ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 104.
167 Ngô Đức Thịnh, 2005, Tổng quan về các dạng thức văn hóa ở Việt Nam, tạp chí Văn
hỏa dân gian, số 4.

145
thuật diễn xướng (ca, múa, nhạc), nghệ thuật tạo hình (kiến trúc, điêu
khắc, hội họa).
5.5. MỘT SÓ LÝ THUYÉT VÈ VĂN HÓA TRONG NGHIÊN c ứ u
NHÂN HỌC
Trong nghiên cứu nhân học, chủ yếu tồn tại những học thuyết sau đây:
- Thuyết tương đối văn hóa: Đầu thế kỷ XX, ở Mỹ xuất hiện thuyết
tương đối văn hóa (Culltural relativism) mà đại biểu của nó là Framz
Boas, Hescovits. Thuyết này sau đó lan nhanh ở phương Tây. Thuyết này
không đồng tình với thuyết Tiến hóa, cho rằng văn hóa của các dân tộc/
nhân loại là thống nhất phát triển tò thấp đến cao và phê phán thuyết Vị
chủng văn hóa, lấy tư duy, trình độ phát triển văn hóa, văn minh của
phương Tây để so sánh với các nền văn hóa khác, rồi xem các nền văn
hóa ấy là mê muội, lạc hậu. Trong khi đó, thuyết Tương đối văn hóa chủ
trương, mọi dân tộc trên trái đất đều có những đặc trưng văn hóa mang
giá trị riêng của mình, ngay cả những đặc trưng văn hỏa/ phong tục, tập
quán có vẻ phi lý. Các đặc trưng văn hóa đó phải được nhìn nhận trong
tổng thể văn hóa, môi trường sống mà chúng được hợp thành ở một dân
tộc nhất định. Theo đó, để nhìn nhận đánh giá một nền văn hóa, chúng ta
cần phải am hiểu, tôn trọng, tự mình trở thành một bộ phận, một thành
viên của dân tộc đó, để nhìn nhận, đánh giá giá trị của các hiện tượng văn
hóa của một dân tộc theo cách chủ thể đó, dân tộc đó nhìn nhận.
Thuyết Tương đối văn hóa cho rằng, mọi giá trị văn hóa, như lối
sống, tâm lý, tín ngưỡng, phong tục, đạo đức,... đều chỉ có giá trị tương
đối với từng cộng đồng người nhất định... Ví như, tục cướp vợ ở người
Hmông, tục đi sim ở người Vân Kiều,... đều mang những giá trị nhất
định với các dân tộc đó. Hay “Trường hợp khác như nhiều dân tộc ở
châu Á, châu Phỉ có tập tục ăn côn trùng. Còn người Bắc Mỹ không bao
giờ sử dụng bởi họ quan niệm đó không phải là thức ăn. ”168
Cũng theo quan điểm này, các nền văn hóa khi được so sánh, tham
chiếu với nhau thì không có dã man hay văn minh, lạc hậu hay phát
triển... Tất cả mọi so sánh giữa các nền văn hóa đều không nên. Cũng

168 ĐHQGTP.HCM, 2008, tr. 106.

146
như vậy, các giá trị truyên thông, đạo đức và tinh thân của môi cá nhân,
mỗi nền văn hóa mà họ thuộc về cũng chỉ là tương đối và phải được nhìn
nhận trong gốc độ của chính chủ thể của nền văn hóa đó. Như vậy, cái
hay cũng như cái xấu chỉ hay và xấu tùy theo cách quan niệm của từng
nền văn hóa nhất định; cái hay của nền văn hóa này vẫn rất có thể bị xem
là cái xấu trong một nền văn hóa khác như thường và ngược lại. Một giá
trị có thể là hay với nền văn hóa này, nhưng có thể là xấu với nền văn
hóa khác, có thể là đạo đức với nền văn hóa kia, nhưng lại là phi đạo đức
với nền văn hóa khác, tùy theo quan niệm về chân lý, thẩm mỹ và đạo
đức của từng cá nhân, từng nền văn hóa.
Vì vậy, trong nghiên cứu nhân học văn hóa, khi tiếp cận giá trị của
các nền văn hóa khác nhau cần tìm hiểu nền văn hóa từ trong lòng nó
bằng suy nghĩ của chính cộng đồng xã hội dân cư đó. Đó là sự thừa nhận
các nền văn hóa phát triển không theo một con đường mà phải theo nhiều
con đường khác nhau, nên khi xem xét một nền văn hóa nào cũng phải
thực tiễn đánh giá. Điều này có nghĩa là, nhà nghiên cứu phải thực sống
trong nó, làm việc trong nó, khi ấy mới có một cái nhìn trung thực được.
Ví như, để hiểu văn hóa Tây Nguyên, nhà nghiên cứu phải sinh sống,
tham gia sinh hoạt, lao động, giao tiếp, cũng như mọi hoạt động phong
tục, tôn giáo - tín ngưỡng của người dân ờ đó thì mới hiểu một cách sâu
sắc và trọn vẹn về cộng đồng dân cư ở đó. Ví như, để viết về người
Mnông Gar, nhà dân tộc học G. Condominas phải là từng là “người con/
Chúng tôi ăn rừng169'" của làng Sar Luk (làng của người Mnông Gar); để
viết về người Tây Nguyên; còn J. Doumes, dấn thân vào buôn làng, đi
chân trần, đóng khố, ờ nhà sàn và nói một thứ tiếng “bản địa”, sống
chung và như một người Tây Nguyên suốt nhiều năm để có Rừng, đàn bà
và điên loạn'70. Ví dụ, khi đánh giá hoạt động kinh tế nương rẫy của
đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, với cách nhìn Tương đối văn
hóa sẽ không sa vào phê phán cho rằng hoạt động kinh tế gắn với “nương
rẫy” là du canh, du cư, là nguồn gốc của đói nghèo và lạc hậu ờ các tộc
người này. Nhưng thật ra, sinh hoạt kinh tế “nương rẫy” bắt nguồn từ đặc

169 G. Condominas, 2008.


170 J. Doumes, 2002.

147
điểm địa lý mà họ sinh sống, hoạt động kinh tế này góp phần rất lớn cho
việc bảo vệ môi trường.
Rõ ràng, thuyết Tương đối văn hóa đề cao sự phát triển đa dạng cùa
các nền văn hóa và nhắc nhờ chúng ta tôn trọng, đặt mình vào trong môi
trường văn hóa của một cộng đồng dân cư nào đó khi xem xét các giá trị
của nền văn hóa đó. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phớt lờ các
tiêu chuẩn quốc tế về công lý đạo đức và nhân quyền171.
- Thuyết giao lưu, tiếp biến văn hóa: Giao lưu và tiếp biến văn hóa
(cultural contacts, cultural exchanges/Acculturation172) là lý thuyết được
các nhà nhân học ở Mỹ đưa ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Lý
thuyết này bắt nguồn từ những nghiên cứu nhân học về tình hình văn hóa
của các nhóm thổ dân da đỏ (Anh Điêng) trước quá trình di cư của người
châu Âu. Trong quá trình đó, các nhóm di cư từ châu Âu đã có những
động thái làm cho văn hóa của thổ dân biến đổi theo chiều hướng bị đồng
hóa (Cultural assimilation). Theo đó, quá trình giao lưu và tiếp biến văn
hóa có thể dẫn đến kết quả mà Thomson đã nhận định mang tính lý
thuyết, như sau173:
+ Văn hóa của cộng đồng lớn sẽ lấn át văn hóa của cộng đồng
nhỏ dẫn đến quá trình giao lưu, tiếp biến theo xu hướng đồng hóa.
+ Giao lưu, tiếp biến theo xu hướng đồng hóa văn hóa dẫn đến sự
đồng nhất, pha trộn, làm cho văn hóa của cộng đồng nhỏ hòa lẫn vào văn
hóa của cộng đồng trội hơn.
+ Giao lưu, tiếp biến văn hóa là sự tương hỗ lẫn nhau giữa hai
nền văn hóa; sự tương hỗ này diễn ra không cân xứng sẽ mang đến kết
quả có một nền văn hóa bị hòa vào một nền văn hóa khác, hoặc bị thay
đổi bời một nền văn hóa khác, hoặc cả hai nền văn hóa cùng thay đổi.

171 Conrad Philip Kottak, 2006, Hình ành nhàn loại, Nxb. VHTT, tr. 43.
172 Giao lưu tiếp biến văn hóa (acculturation) là khái niệm được các nhà nhân học
phương Tây đưa ra vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỳ XX, nhằm mạnh đến sự biến đổi văn
hóa của tộc người trong xã hội đa tộc người.
173 Thomson, Richard H. 1996, Assimilation in Encyclopedia o f Social and Cultural
Anthropology, Vol I, Davil levinson and Melvin Ember, eds. New Yord: Henry Holt
and Company. Pp 112-15. Dần theo Hoàng Ngọc Thu, 2011, tr. 39.

148
Tuy nhiên, nội hàm quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa rộng lớn
hơn nhiều; nó chỉ ra một quy luật trong sự vận động và phát triển văn hóa
của các dân tộc. Đó là hiện tượng xảy ra khi các cộng đồng người (tộc
người, dân tộc) có văn hóa khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau tạo nên
sự biến đổi về văn hóa của một hoặc cả hai cộng đồng. Giao lưu văn hóa
tạo nên sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hóa ở các cộng đồng. Ở
đó có sự kết họp giữa các yếu tố “nội sinh” với yếu tố “ngoại sinh” tạo
nên sự phát triển văn hóa phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn. Giao lưu và
tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa bên ngoài bởi một cộng đồng
chủ thể. Quá trình này luôn đòi hòi mỗi cộng đồng phải xử lý tốt mối
quan hệ biện chứng giữa yếu tố “nội sinh” và “ngoại sinh”.
Vì vậy, giao lưu văn hoá thực chất là sự gặp gỡ, đổi thoại giữa các
nền văn hoá. Quá trình này đòi hỏi mỗi nền văn hoá phải biết dựa trên cái
nội sinh để lựa chọn tiếp nhận cái ngoại sinh, từng bước bản địa hoá nó
để làm giàu, phát triển văn hoá dân tộc. Trong tiếp nhận các yếu tố văn
hoá ngoại sinh, hệ giá trị xã hội và tâm thức dân tộc có vai trò rất quan
trọng. Nó là “màng lọc” để tiếp nhận những yếu tố văn hoá của các dân
tộc khác, giúp cho văn hoá dân tộc phát triển mà vẫn giữ được sắc thái
riêng của mình.
Rõ ràng, giao lưu văn hóa bao hàm trong đó sự hòa họp của ít nhất
hai nền văn hóa (của hai cộng đồng, hai dân tộc, hai đất nước) và giao
lưu là hình thức quan hệ ứao đổi văn hóa cùng có lợi, giúp đáp ứng một
số nhu cầu không thể tự thỏa mãn của mỗi bên, giúp tăng sự hiểu biết lẫn
nhau giữa các nền văn hóa để từ đó làm nảy sinh nhiều nhu cầu mới thúc
đẩy mỗi nền văn hóa phát triển. Do đó, giao lưu văn hóa là dạng cộng
sinh giữa các nền văn hóa. Chẳng hạn, những lễ hội vùng miền, những
quan hệ văn hóa giữa người Việt với các dân tộc thiểu số, giữa các dân
tộc thiểu số với nhau ở Việt Nam là những dạng giao lưu văn hóa giữa
các cộng đồng dân cư, qua đỏ mỗi cộng đồng giói thiệu những hoạt động
vãn hóa và trao đổi những sản phẩm văn hóa của mình với các cộng đồng
khác, giúp thỏa mãn nhu cầu của nhau và thúc đẩy lan tỏa văn hóa từ dân
tộc này sang dân tộc khác, từ vùng này sang vùng khác.

149
Còn tiếp biến văn hóa174 - một hình thức tiếp nhận và biến đổi
những giá trị mà giao lưu văn hóa đem lại thành những giá trị nội tại - là
hiện tượng tiếp nhận có chọn lựa một sổ yếu tố văn hóa ngoại lai và biến
đổi chúng cho phù hợp với điều kiện sử dụng bản địa, tức phù hợp với
văn hóa bản địa, và sau một thời gian sử dụng, biến đổi chúng trở thành
những yếu tố văn hóa bản địa. Vì vậy, tiếp biến văn hóa thực chất là quá
trình dân tộc hóa, bản địa hóa các yếu tố văn hóa bên ngoài.
Vì vậy, để giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa nội sinh và văn hóa ngoại
sinh tong giao lưu và tiếp biến văn hóa của các dân tộc, Phạm Đức Dương đã
đưa ra cấu trúc hai bậc175:
• Cấu trúc bề mặt (được gọi là biểu tầng) là những biểu hiện bên
ngoài và biến đổi liên tục. Ta gọi là biến số, là yếu tố động của văn hóa.
• Cấu trúc chiều sâu (được gọi là cơ tầng) là cấu trúc bên trong
của văn hóa, ít biến đổi. Ta gọi là hằng sổ, là yếu tố tĩnh của văn hóa. Nó
là cái gốc điều chỉnh mọi sinh hoạt đời sống giữ cho xã hội tính liên tục,
tính ổn định và nằm sâu trong tâm thức, trong tâm linh, khắc họa nên bản
sắc văn hóa của tộc người.
Giữa biểu tầng và cơ tầng có mối quan hệ tương tác: Biểu tầng
thường xuyên biến đổi, nhưng theo một trật tự nhất định nào đó. Cái quy
định sự biến đổi đó vừa trực tiếp vừa gián tiếp chính là hệ giá trị nằm sâu
dưới cơ tầng. Còn cơ tầng tuy ít biến đổi, nhưng do sự tác động của sự
biến đổi trên biểu tầng cho nên cơ tầng cũng biến đổi theo dù rất chậm.
Do đó văn hóa không phải là cái gì nhất thành bất biến mà cũng như mọi
sự vật, đều biến đổi. Khác với những biến đổi chính trị, kinh tế,... là
những biến đổi mang tính bột phát, cách mạng, biến đổi văn hóa mang

174 vềphương diện lý luận, tiếp biến văn hóa không giống với khái niệm biến đổi văn
hóa: Tiếp biển là quá trình tiếp xúc và làm biến đổi văn hóa bên ngoài thành vàn hóa
của dân tộc mình, còn khái niệm biến đổi văn hóa rộng lớn hơn nhiều, nó bao gồm cà
tiếp biến và cả những thay đổi từ cái cũ thành cái mới để thích nghi với biến đổi xã hội,
biến đổi môi trường...
175 Phạm Đức Dương, 2009, Giao lưu văn hóa Việt Nam và thế giới, Văn hóa Nghệ An,
ngày 18/11.

150
tính tiệm tiến vì văn hóa là sự kế thừa và phải thỏa mãn những nhu cầu
bất biến cùa con người. Đó chính là mối quan hệ giữa tính liên tục và sự
đứt gãy, giữa truyền thống và cách tân.
Tuy nhiên, trong mối quan hệ giữa cơ tầng và biểu tầng vãn hóa,
thì yếu tố cơ tầng là những giá trị cơ bản. Đó là các giá trị được chắt lọc
và được kết tinh thành truyền thống của mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa
chọn tạo nên bản sắc dân tộc và được lưu truyền từ đời này qua đời khác.
Truyền thống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử, được gạn đục khơi trong
để từ đó tiếp nhận và chọn lọc giữ lấy những gì là thiêng liêng, là tinh
hoa, là vốn quý của dân tộc giúp cho dân tộc đó phát triển trong cộng
đồng nhân loại.
- Thuyết vùng văn hóa: Các lý thuyết liên quan đến sự tương đồng
văn hóa của các dân tộc trên thế giới được hình thành vào cuối thế
kỳ XIX trong khoa học dân tộc học và nhân học, như thuyết Tiến hóa
luận, Khuếch tán văn hóa của nhân học Tây Âu, thuyết Vùng vãn hóa
của nhân học M ỹ...
Trước hết phải nói đến thuyết Tiến hóa luận, mà đại diện là
L. Morgan, E. Taylor, tập trung xây dựng tính thống nhất về sự phát triển
của các dân tộc trên thế giới. Theo đó, văn hóa cùa nhân loại là thống
nhất từ thấp đến cao, từ mông muội, dã man đến văn minh. Tuy nhiên,
việc giải thích tính thống nhất của văn hóa nhân loại theo cách của thuyết
Tiến hóa chỉ mang tính đom tuyến, không thấy được sự đa dạng của văn
hóa nhân loại.
Thuyết Khuếch tán văn hỏa đã khắc phục hạn chế của Tiến hỏa
luận đã nêu lên những hiểu biết đa dạng và phong phú về văn hóa của các
dân tộc từ nhiều vùng khác nhau để giải thích các hiện tượng tương đồng
văn hóa của các dân tộc trên ừái đất. Theo đó, hình thành các trường
phái, như Truyền bá luận, Vòng văn hóa hay Khu vực văn hóa... Truyền
bá luận giải thích sự giống nhau về văn hóa của các dân tộc trên thế giới
bằng việc truyền bá vãn hóa tò một trung tâm. Đó không phải là sự tiến
hóa độc lập mà là quá trình vay mượn/ truyền bá các thành tựu văn hóa
trong quá trình thiên di văn hóa từ một trung tâm nhất định. Đó là cội
nguồn dẫn đến quan điểm lệch lạc, cho rằng chỉ có một trung tâm châu Âu,

151
chỉ các dân tộc ở đó mới có khả năng sáng tạo nhiều thành tựu văn hóa,
còn các nơi khác, các khu vực khác thường chỉ vay mượn, tiếp nhận văn
hóa từ trung tâm châu Âu. Còn thuyết Vòng văn hóa/ Khu vực văn hóa
của F. Ratsel, L. Frobenius, F. Grabner, w. Schmidt lại quan niệm, cần
xem xét các vấn đề văn hóa trong mối quan hệ với môi trường tự nhiên,
ví như loại hình trang sức này hay khác, loại vũ khí, hay công cụ lao
động này hay khác đều gắn với phạm vi địa lý, nơi phân bố các tộc người
nhất định. Sự lan truyền, tiếp xúc, truyền bá các loại hình văn hóa đó từ
một khu vực/ một vùng địa lý nhất định đến khu vực khác/ vùng địa lý
khác, sẽ dẫn đến sự tương đồng văn hóa giữa các dân tộc trên thế giới. Vì
vậy, một đặc trưng văn hóa nào đó lúc đầu thường gắn với một vùng địa
lý nhất định, sau đó mới có xu hướng truyền bá đi các vùng khác, để tạo
nên sự tương đồng văn hóa nhân loại.
Tuy nhiên, trường phái này gặp phải hạn chế là nhìn nhận sự tương
đồng văn hóa của nhân loại bằng quan điểm quyết định luận địa lý, cho
ràng các yếu tố địa lý tự nhiên quyết định những thành tựu văn hóa, diện
mạo văn hóa. Họ đã tách sự sáng tạo văn hóa ra khỏi quá trình lao động
sáng tạo, quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc - chủ thể
sáng tạo văn hóa.
Vào đầu thế kỷ XX, tiếp thu có phê phán thuyết Truyền bá luận,
Vòng văn hóa, các nhà nhân học Mỹ mà đại biểu là Boas, L.c. Wissler,
khi nghiên cứu đã đưa ra các đặc trưng văn hóa của người Indian ở
Bắc Mỹ, thay vì chọn một đặc trưng văn hóa tiêu biểu, rồi chỉ ra sự thiên
di, khuếch tán của đặc trưng văn hóa đó, như cung tên, thiêng táng,... họ
đã đưa ra một tập hợp các đặc trưng văn hóa tiêu biểu. Các đặc trưng văn
hóa tiêu biểu được hình thành trên một vùng lãnh thổ nhất định, nơi có sự
tương đồng về môi trường tự nhiên, nơi các dân tộc cùng cư trú và có
quan hệ với nhau lâu dài. Đây được coi là cơ sở để hình thành thuyết
Vùng văn hóa. Tuy nhiên, Boas, L.c. Wissler trong chừng mực nhất định
vẫn chịu ảnh hưởng của truyền bá luận, nên khi đề cập đến mối liên hệ
giữa trung tâm và ngoại vi, các ông vẫn đề cập đến vai trò khuếch tán,
lan tỏa của đặc trưng văn hóa từ trung tâm và ít đề cập đến sự tác động
trở lại của ngoại vi đối với trung tâm.

152
Hạn chế của Boas, L.c. Wissler được A.L. Kroeber khắc phục khi
đưa ra quan điểm mọi tộc người trong một vùng văn hóa cả tộc ngưòi ở
trung tâm hay ngoại vi đều tham gia vào việc tạo nên các giá trị đặc trưng
của vùng văn hóa; chỉ có điều trung tâm thường sôi động hơn, đặc trưng
vàn hóa chuyên sâu hon176.
Thuyết Vùng văn hóa đã khắc phục những hạn chế của Vòng văn
hóaJ Khu vực văn hóa, khi nhìn nhận sự tương đồng văn hóa của các dân
tộc trong mối quan hệ không chỉ có môi trường tự nhiên mà còn đặt văn
hóa trong mối quan hệ với cơ sở kinh tế - xã hội với quá trình lịch sừ cư
trú lâu đời ở mỗi vùng địa lý, dân cư nhất định. Lý thuyết này vì vậy,
xem xét sự tương đồng về văn hóa của các dân tộc dựa trên 3 yếu tố: địa
lý, lịch sử và xã hội.
Như vậy, lý thuyết Vùng văn hóa sẽ giúp cho chúng ta thấy được
dấu ấn văn hóa vùng, bao gồm dấu ấn chung và riêng trong sắc thái đa
dạng văn hóa các tộc người trong vùng địa lý nhất định. Trên cơ sở đó
giúp cho chúng ta thấy được quy luật hình thành và biến đổi của văn hóa
trong một môi trường địa lý và các phương thức giao lưu, ảnh hưởng văn
hóa qua lại của các dân tộc trong môi trường địa lý đó: Giao lưu giữa
ứung tâm và ngoại vi của một vùng văn hóa.
Nghiên cứu vùng văn hóa giúp cho chúng ta phân biệt văn hóa
của vùng này với vùng khác, để thấy được tính tương đồng và dị biệt về
văn hóa giữa các vùng trong một quốc gia, trong một khu vực địa lý
nhất định177.
- Thuyết về loại hình kinh tế - văn hóa và khu vực lịch sử dân tộc
học: Thuyết về loại hình kinh tế - văn hóa của dân tộc học Xô Viết lại đề
cập đến sự tương đồng văn hóa của các dân tộc, do cùng chung một loại
hình hoạt động kinh tế và sống trong môi trường địa lý có sự tương đồng
sẽ sản sinh những đặc trưng văn hóa tương đồng, mặc dù có thể họ sống
cách xa nhau, không có mối liên hệ với nhau. Ví như loại hình kinh tế
văn hóa săn bắn, đánh cá, hái lượm/ loại hình kinh tế văn hóa khai thác

176 Ngô Đức Thịnh, 2007.


177 Đề cập đến nội dung thuyết Vùng văn hóa, GS. Ngô Đức Thịnh, 1993, đã cỏ công
trình Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa Việt Nam.

153
hay tước đoạt, loại hình kinh tế văn hóa nông nghiệp dùng tay/ nông
nghiệp nương rẫy/ nông nghiệp đao canh hỏa chủng, loại hình kinh tế văn
hóa nông nghiệp dùng cày...
Khác với loại hình kinh tế văn hóa, khu vực lịch sử dãn tộc học là
những yếu tố văn hóa tương đồng giữa các dân tộc do cùng sống trong
một khu vực địa lý nhất định,cùng có mối quan hệ lâu đời, cùng chung
vận mệnh lịch sử, ví như khu vực lịch sử dân tộc học Đông Nam Á ...

5.6. MỘT SÓ LĨNH v ự c NGHIÊN c ứ u LIÊN QUAN ĐẾN VĂN


HÓA TRONG NHÂN HỌC
Trong nghiên cứu nhân học, nhiều lĩnh vực văn hóa được tiếp cận,
như nghi lễ vòng đời, nhân học biểu tượng, lễ hội, phong tục tập quán...
- Nghi lễ vòng đòi người: Nghi lễ vòng đời người bắt nguồn từ lý
thuyết Nghi lễ chuyển đổi của nhà nhân học người Bỉ Amold Van Gennep
đưa ra vào năm 1909, trong tác phẩm Les rites de passage178. Trong công
trình này, Arnold Van Gennep đề cập đến nghi lễ chuyển đổi lãnh thổ
(territorial passage), những cá nhân gia nhập nhóm, thụ thai và sinh con
(pregnancy and childbirth), sự chào đời và tuổi niên thiếu, thành đinh
(initiation rites), đính hôn và kết hôn, lễ tang, lễ động thổ và khánh thành,
cắt tóc lần đầu, mọc răng đầu tiên, bước đi đầu tiên, lần kinh nguyệt đầu
tiên, những nghi lễ gắn vói sự thay đổi của tháng, mùa, năm, lễ tạ om,
nghi thức giao mùa, nghi lễ liên quan đến chu kỳ mặt trăng...
Tiếp thu lý thuyết về Nghi lễ chuyển đổi của Amold Van Gennep, các
nhà nhân học và dân tộc học Việt Nam trong nghiên cứu của mình đã đưa ra
lý thuyết về nghi lễ vòng đời người, bao gồm các nghi lễ của mỗi con người
từ khi sinh ra đến khi chết, như quá trình mang thai, sinh nở, lớn lên, về già,
chết. Quá trình đó gắn với bao biến động đời sống cũng trở thành nỗi lo âu
và cả sợ hãi khó có thể lý giải. Thực hành nghi lễ là cách con người “giải
tỏa”, tạo sự cân bằng trong mỗi thời đoạn gắn liền vòng đời con người. Vì

178 Bản tiếng Anh, Amold Van Gennep (1960), The rite o f passage, Routledge & Kegan
Paul, London; theo Nicolas Joumet (2004), Những nghi thức chuyển tiếp, Trần Minh Tâm
dịch, TC VHNT, số 10...

154
thế, dưới các hình thức và biểu hiện khác nhau, nghi lễ vòng đời có mặt
trong mọi nền văn hóa các dân tộc trên thế giới.
Như vậy, nghi lễ vòng đời gắn liền với chu kỳ sinh học của con
người theo chuỗi thời gian. Nghi lễ vòng đời chứa đựng những giá trị văn
hóa nhất định, bao gồm giá trị văn hóa tâm linh, giá trị văn hóa nghệ
thuật, giá trị văn hóa xã hội...
về cơ bản, trong nghiên cứu nhân học và dân tộc học, có thể chia
nghi lễ vòng đời thành các giai đoạn theo chu kỳ sinh học của con người,
như sau:
+ Nghi lễ liên quan đến quá trình mang thai, sinh đẻ và thời thơ
ấu, bao gồm như lễ cúng khi có thai, lễ bảo vệ thai nhi trong bụng mẹ, lễ
cúng cho sản phụ, lễ mở mắt con, lễ cắt nhau, lễ đặt tên, lễ cúng vía cho
đứa trẻ, lễ cắt tóc, lễ xỏ tai, lễ thổi tai... Các nghi lễ này được thực hiện
với ước mong đứa trẻ và sản phụ có sức khỏe, mọi điều may mắn.
+ Nghi lễ liên quan đến sự trưởng thành, bao gồm lễ cà răng, lễ
thành đinh... Các nghi lễ này đánh dấu sự trường thành của của một
thành viên (chủ yếu là nam giới) và sự công nhận của cộng đồng đối với
thành viên đã trưởng thành đó.
+ Nghi lễ liên quan đến hôn nhân, bao gồm các nghi lễ như lễ
dạm, lễ hỏi, lễ cưới, lễ cưới lại... Các nghi lễ này thể hiện phong tục và
sự thừa nhận của cộng đồng đối với đôi vợ chồng trẻ.
+ Nghi lễ liên quan đến làm nhà, như lễ chọn đất, lễ vào rừng lấy
gỗ, lễ dựng cột nhà chính, lễ thượng lương, lễ lên nhà mới... Các nghi lễ
này gắn với mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với các thành viên trong
ngôi nhà mới.
+ Nghi lễ liên quan đến tuổi già và tang ma, như lễ lên lão, lễ báo
tang, lễ khâm liệm, lễ tìm huyệt, lễ chôn cất người chết, để tang và kiêng
kỵ... Những nghi lễ liên quan đến tuổi già nhằm đánh dấu một thành
viên đã lên hạng lão, còn nghi lễ liên quan đến tang ma nhằm làm vừ a
lòng người chết và để người chết không quấy nhiễu con cháu.
Tóm lại, các nghi lễ liên quan đến vòng đời người chứa đựng nhiều
giá trị đặc trưng, như giá trị nhân văn, giá trị tâm linh, giá trị đạo đức, giá
trị văn hóa của một cộng đồng xã hội. Vì vậy, hướng nghiên cứu này
đang được các nhà nhân học và dân tộc học Việt Nam đặc biệt quan tâm.
155
- Nhân học biểu tượng: Biểu tượng có tính đa nghĩa nhưng chúng ta
có thể chia làm hai nghĩa chính là biểu hình (visible sign) và biểu ỷ (idea).
Tuy nhiên, ý nghĩa của biểu tượng ngày càng rộng lớn hơn, trừu tượng
hơn và tính chất biểu đạt không còn ranh giới giữa biểu hình và biểu ý
mà thường là sự kết họp của cả hai.
Trong tiếng Việt, biểu tượng có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất, là “hình
ảnh tượng trưng”, nghĩa thứ hai, là hình thức của nhận thức, cao hom
cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại ừ-ong đầu óc khi tác
động của sự vật vào giác quan không còn179.
Biểu tượng thường mang trong mình hai đặc tính căn bản nhất
là tính thông tin ('informatic) và tính giao tiếp (communicate). Chính nhờ
những đặc tính này mà con người ngay từ thời tiền sử đã biết sừ dụng các
biểu tượng như một loại ngôn ngữ để giao tiếp. Và cho đến nay, con
người vẫn tiếp tục sừ dụng loại ngôn ngữ này trong hầu hết mọi thành tố
văn hoá.
Đối với nhân học, biểu tượng là hình ảnh tượng trưng, là loại ký
hiệu đặc biệt, thể hiện một nội dung, ý nghĩa nào đó của đời sống văn
hóa, xã hội. Vì vậy, nhân học vì vậy tiếp cận biểu tượng như là một quá
trình giải mã các hình ảnh tượng trưng của một thực thể văn hóa. “iVó
liên kết và giải thích về các sự kiện thông qua biểu tượng luận với các
cấu trúc xã hội và các sự kiện xã hội trong những điều kiện cụ thể. Vượt
qua phạm vi rộng lớn của những trường hợp cụ thể, các nhà nhân học đã
quan sát xem những biểu tượng gì được con người sử dụng thực sự, họ
nói gì về những biểu tượng ấy, trong tình huống nào những biểu tượng sẽ
bộc lộ ra và sự phản ứng với chúng. Theo đó, các nhà nhân học được
trang bị để giải thích ỷ nghĩa cùa các biểu tượng trong một nền văn hóa
mà họ đang nghiên cứu, và đế sử dụng những lý giải như những phương
tiện trung gian để hiểu xa hom về các tiến trình trong đời sổng xã /lộ/.180”

179 Hoàng Phê (Cb), 1988, Từ điển tiếng Việt, Nxb KHXH, H. tr. 17.

180 Raymond Firth, 1973, Symbols public and private, George Allen & Unwin Ltd,
London, tr. 25.

156
Như vậy, đối tượng nghiên cứu của nhân học biểu tượng chính là
văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó. Biếu tượng là một loại phương tiện
cua văn hoá có khả năng phản ánh tiến trình xã hội bên cạnh khả năng
duy trì và thống nhất xã hội mà trong đó văn hoá được xác định bởi hệ
thắng các biểu tượng. Có thể thấy rằng, nghiên cứu các biểu tượng văn
hoá không chỉ giúp chúng ta tiếp cận được với những thành tố của văn
hoá và ý nghĩa biểu đạt của chủng mà còn có thể tiếp cận được với quá
trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Qua đó, chúng ta có thể
xác định được những bộ phận cấu thành của nhân học biểu tượng dựa
trên 3 đối tượng chính là con người, xã hội và vãn hoá. Đó cũng chính là
một phần quan trọng của các lý thuyết nghiên cứu văn hoá mà nhân học
hướng đến.

Tóm tắt chưong

1. Văn hóa là một khái niệm đa nghĩa, nên mặc dù được mọi người
sừ dụng rất phổ biến nhưng nội hàm khái niệm này lại rất phức tạp. Nó
được định nghĩa dưới nhiều cách tiếp cận khác nhau và tùy thuộc vào
cách tiếp cận của từng nhà khoa học để có một nội hàm khái niệm văn
hóa nhất định.
2. Trong nghiên cứu của mình, các nhà nhân học và dân tộc học
thường tiếp cận đến hai chức năng cơ bản của văn hóa: chức năng quy
ước và chức năng thông tin
3. Trong nghiên cứu cùa mình, các nhà nhân học và dân tộc học
thường tiếp cận đến ba thuộc tính cơ bản của văn hóa: tính phổ quát và
tính đặc thù, tính vận động, tính cộng sinh.
4. Có nhiều cách phân loại văn hóa, tùy vào cách tiếp cận để có thể
sử dụng cách phân loại này hay khác, như văn hóa vật chất, văn hóa tinh
thần và văn hóa xã hội; văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể; văn hóa
nhận thức, văn hóa tổ chức cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự
nhiên, văn hóa ứng xử với môi trường xã hội; văn hóa sản xuất, văn hóa
đảm bảo đời sống, văn hóa chuẩn mực xã hội, văn hóa tinh thần; văn hóa
cộng đồng, văn hóa cá nhân, văn hóa vùng, văn hóa địa phương và văn
hóa sinh thái...

157
5. Trong nghiên cứu nhân học có một số lý thuyết cơ bản sau đây:
thuyết tương đối văn hóa; thuyết giao lưu, tiếp biến văn hóa; thuyết vùng
văn hóa.
6. Trong nghiên cứu của nhân học có nhiều lĩnh vực liên quan đến
văn hóa, như văn hóa truyền thống, biến đổi văn hóa, nhân học biểu
tượng, nghi lễ vòng đời người, phong tục, tập quán, lễ hội...

Tài liêu tham khảo

1. Huỳnh Công Bá (2008), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb


Thuận Hóa, Huế.
2. G. Condominas (2008), Chủng tôi ăn rừng, Nxb Thế giới, H.
3. J. Doumes (2002), Rừng, đàn bà, điên loạn, Nxb Hội nhà văn, H.
4. ĐHQGTPHCM (2008), Nhân học đại cương, Nxb ĐHQGTPHCM.
5. Phan Ngọc (1994), Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb
VHTT, H. 1994.
6. Conrad Philip Kottak (2006), Hình ảnh nhân loại, Nxb VHTT, H.
7. Alvin Toíler (2002), Cú sốc của tương lai, Nxb Thanh niên, H.
8. Alvin Toíler (2007), Đợt sóng thứ ba, Nxb KHXH, H.
9. Trần Ngọc Thêm (1997), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb
TPHCM.
10. Ngô Đức Thịnh (1993), Văn hóa vùng và phân vùng văn hóa ở
Việt Nam, Nxb KHXH, H.
11. Ngô Đức Thịnh (2005), Tổng quan về các dạng thức văn hóa ở
Việt Nam, TC VHDG, số 4.
12. Ngô Đức Thịnh (2007), Lý thuyết trung tâm ngoại vi trong
nghiên cứu không gian văn hóa, TC VHDG, số 1.
13. Ngô Đức Thịnh (Tuyển chọn và giới thiệu)(2006), Nghi lễ và
phong tục các dân tộc ở Tây Nguyên, Nxb KHXH, H.
14. Hoàng Ngọc Thu (2011), Giao lưu và tiếp biến văn hóa ở cộng
đồng đa dân tộc (Việt, Khmer, Hoa) tại xã Bình An, huyện Kiên Lương,

158
tỉnh Kiên Giang, TC Phát triển Khoa học Công nghệ, ĐHQGTPHCM, số
11, tập 14.
15. Trần Quốc Vượng (Cb)(1997), Cơ sở văn hóa Việt Nam,
Nxb ĐHQGHN.
16. Lê Trung Vũ (Cb)(2000), Nghi lễ đời người, Nxb VHDT, H.

159
Chương 6

NGÔN NGỮ TỘC NGƯỜI

6.1. BẢN CHÁT VÀ NGUỒN GỐC NGÔN NGỮ


6.1.1. Ngôn ngữ là gì?
Ngôn ngữ là thuộc tính của con người, là sản phẩm cao nhất của ý
thức con người, là sự vật, hiện tượng được trừu tượng hóa trong bộ não
con người. Ngôn ngữ là hệ thống tín hiệu thứ hai để con người biểu đạt
những suy nghĩ trong bộ não ra bên ngoài, nhằm truyền đạt thông tin cho
nhau, hiểu biết lẫn nhau, là công cụ quan trọng để giao tiếp xã hội.
Ngôn ngữ loài người là một hệ thống gồm những phương tiện, như âm
thanh, từ vựng, cú pháp và là hiện tượng xã hội ra đời do nhu cầu truyền đạt
tư tưởng của con người trong quá trình lao động sản xuất.181
6.1.2. Bản chất của ngôn ngữ
- Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp của xã hội: Giao tiếp là nhu
cầu tối thiết của con người, nhờ có ngôn ngữ mà nhu cầu này của con
người được thỏa mãn. Chính nhờ giao tiếp, con người tập hợp lại với
nhau thành cộng đồng, có tổ chức, có hoạt động và sinh hoạt xã hội, mặt
khác còn có khả năng truyền lại cho thế hệ sau những tư tưởng và trí tuệ
của mình'82. Những hoạt động đó được thực hiện chính là nhờ ngôn ngữ
với khả năng chuyển tải một cách tối đa những suy nghĩ của con người.
Con người là động vật xã hội, để tiến hành lao động, sáng tạo, tổ
chức xã hội và thúc đẩy sự phát triển xã hội, con người cần phải có sự
giao tiếp, chuyển tải những ý nghĩ cùa não bộ ra bên ngoài. Trước khi có
ngôn ngữ, phương tiện giao tiếp của con người là cử chỉ; nhưng nhờ có
ngôn ngữ con người mới khái quát, trừu tượng hóa thế giới khách quan.
Trong các hình thức giao tiếp, chỉ có ngôn ngữ mới biểu đạt một cách
trực tiếp và sinh động tư duy nhận thức của con người, giúp con người dễ
dàng thấu hiểu, tương tác lẫn nhau trong cuộc sống. Ngôn ngữ góp phần

181 Lê Sĩ Giáo, 1997, ừ. 62.


182 Lê Sĩ Giáo, 1997, tr. 65.

160
thúc đẩy sự phát triển của xã hội và ngược lại, xã hội phát triển càng làm
cho ngôn ngữ ngày càng phong phú hơn. Chính vì thế, ngôn ngữ được
xem là điều kiện tất yếu của sinh hoạt xã hội, là công cụ giao tiếp cơ bản
của xã hội, là một trong những động lực quan trọng duy trì sự tồn tại và
phát triển của xã hội.
- Ngôn ngữ được xem là “cái vỏ” của tư duy: Tư duy là những suy
nghĩ, là những sự vật hiện tượng được trừu tượng hóa, khái quát hóa
trong não bộ. Bằng nhiều phương tiện khác nhau, con người thể hiện tư
duy của mình ra bên ngoài. Tuy nhiên, phương tiện hoàn hảo nhất, đáp
ứng được các nhu cầu giao tiếp của xã hội là ngôn ngữ. Ngôn ngữ có thể
chuyển tải được tất cả các nội dung thông tin khác nhau xuất phát từ tư
duy trừu tượng trong khi đó, những phương tiện khác chì đáp ứng được
một phần nào đó những nhu cầu về giao tiếp của con người.
- Ngôn ngữ có chức năng hiện thực hóa tư duy, là mối quan hệ
giữa cái biểu hiện - cái được biểu hiện. Trong đó: Tư duy là cái được
biểu hiện còn ngôn ngữ là cái biểu hiện. Chính nhờ có ngôn ngữ mà sự
vật, hiện tượng được phản ánh thông qua não bộ, hình thành nên các khái
niệm mang những nội hàm khác nhau được biểu hiện dưới dạng từ ngữ. Nếu
không có ngôn ngữ, con người không có một phương tiện nào để định nghĩa
các khái niệm. Chính các từ ngữ định danh của một ngôn ngữ đã cố định
hoá các ý tưởng về thực tại của con người vào các khái niệm cụ thể.
Mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ thường được thể hiện theo

161
Con người thể hiện tư duy của mình ra bên ngoài bằng ngôn ngữ,
chính vì vậy c. Mác đã từng khẳng định: “Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất
của tư duy được trừu tượng hóa
- Ngôn ngữ là thuộc tính của con người: Ngôn ngữ là một hiện tượng
xã hội, là lớp vỏ của tư duy nhận thức và là phương tiện để chuyển tải
những suy nghĩ của não bộ ra bên ngoài, vì vậy ngôn ngữ chỉ có trong xã
hội loài người. Giữa muôn loài, chỉ loài người mới có tư duy, não bộ phát
ứiển trờ thành cơ quan trừu tượng hóa, vì thế chỉ có loài người mới có
ngôn ngữ. Ngôn ngữ phải là sản phẩm của tư duy nhận thức, là một hệ
thống âm thanh có nghĩa được hình thành có ý thức và mang tính xã hội,
các loài động vật như vẹt, khướu có thể phát ra tiếng nói như của con
người nhưng không được xem là ngôn ngữ, mà chỉ là bắt chước âm thanh
do cấu tạo đặc thù của cơ quan phát âm ở những loài này.
Ngôn ngữ là một phạm trù vĩnh viễn mang tính lịch sử, vĩnh viễn
đồng nghĩa ràng ngôn ngữ ra đời cùng với sự xuất hiện của loài người;
ngôn ngữ chỉ mất đi khi con người không còn nữa.
- Giữa ngôn ngữ và tư duy nhận thức có mối quan hệ mật thiết, gắn
bó chặt chẽ: Ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy, nhưng ngôn ngữ tác động
trở lại tư duy, giúp tư duy con người phát triển. Hoạt động ngôn ngữ của
con người là một quá trình phức tạp, khi thốt ra một lòi nói (hay viết ra
một dòng chữ) bắt buộc con người phải suy nghĩ. Mặt suy nghĩ, cũng tức
là mặt tư duy diễn ra trong bộ não của con người chính là mặt trừu tượng;
còn lời nói, bao gồm những âm thanh kết hợp vói nhau thành những
tiếng, những từ và những từ kết hợp với nhau thành câu là mặt cụ thể
phản ánh tư duy trừu tượng trong não bộ của con người. Phải có lời nói,
dù là thầm lặng mới thành suy nghĩm và ngược lại, không thể nào hình
thành lời nói nếu không có suy nghĩ. Vì vậy, hoạt động ngôn ngữ như
một quá trình luyện tập giúp cho não bộ không ngừng vận động, tiếp
nhận thông tin, khiến khả năng tư duy trừu tượng, xử lý thông tin của não
bộ ngày càng được nâng cao.
Nhờ ngôn ngữ mà tư duy nhận thức của con người ngày càng phát
triển. Ngôn ngữ bằng hệ thống từ vựng, hình tượng hóa sự vật, hiện

183Hoàng Tuệ, 1984, tr. 57.

162
tượng đã tác động trực tiếp vào não bộ, khiến nhận thức của con người
ngày càng sâu sắc hơn; khả năng tư tuy trừu tượng nâng cao đã giúp vốn
ngôn ngữ của chủ thể ngày càng phong phú, vận dụng một cách linh hoạt
hơn trong giao tiếp xã hội. Do đó, ngôn ngữ được xem là sự phản ánh của
tư duy, khả năng ngôn ngữ thể hiện trí tuệ của con người.
- Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp thứ hai của con người (có
4 loại giao tiếp: Cử chỉ, ngôn ngữ, ký hiệu, biểu tượng): Nghiên cứu về
nhân chủng học cho thấy khi vừa thoát thai khỏi loài vượn, cấu tạo của
bộ óc và xương hàm chưa cho phép con người phát âm thuận lợi như
ngày nay. Vì vậy, để cùng chung sức lao động với nhau, con người cần
phải thỏa thuận bằng một số âm thanh giản đơn, cử chỉ, điệu bộ và hình
ảnh; M.I. lin và E. Xegan cho rằng đây là hệ thống tín hiệu, phương tiện
giao tiếp sớm nhất của loài người184. Tuy nhiên, thông qua cử chỉ, điệu
bộ, hình ảnh, con người không thể chuyển tải hết những thông điệp cần
thiết của tư duy trừu tượng một cách đầy đủ cho đối tượng giao tiếp. Vì
thế cần có hệ thống tín hiệu thứ hai giúp con người thể hiện một cách đầy
đủ nhất nội dung của tư duy não bộ ra bên ngoài.
Do đó, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp thứ hai của con người và
phần nào có sự kế thừa tò hệ thống giao tiếp thứ nhất. Ngôn ngữ lấy âm
thanh làm vật kích thích, lấy sự vật hiện tượng làm nội dung chính cho
những âm thanh kích thích đó. Chính vì vậy, chỉ bộ phận hệ thống tín
hiệu thứ nhất lấy âm thanh làm sự kích thích trực tiếp, có tác dụng giao
tiếp mới có thể trở thành ngôn ngữ; điều này đồng nghĩa một phần sự bắt
chước âm thanh185, bộ phận tiếng kêu trong lao động, tiếng cảm thán có
tác dụng giao tiếp với tư cách là hệ thống tín hiệu thử nhất đều có thể trờ
thành ngôn ngữ sau này.

184 Người Idian thuộc bộ lạc NimiMpuu (Nez Perce) hiện nay vẫn còn sử dụng một số cử
chi để thay thế ngôn từ; chẳng hạn: Túp lều được thể hiện bằng cử chi chắp chéo hai
ngón trỏ, biểu tượng cho mái lều. Mưa được thể hiện bằng hành động hai nắm tay đưa
lên cao rồi mở ra và hạ xuống rất nhanh. Làm việc được thể hiện bằng việc hai tay đưa
lên đưa xuống như đang bổ củi.
185 Một phần của sự bắt chước âm thanh là nguồn gốc của một số thành phần ngôn ngữ
nhưng phải là âm thanh do sự vật phát ra để làm tín hiệu giao tiếp.

163
Phương tiện giao tiếp thứ ba của con người là tín hiệu (hay còn gọi là
ngôn ngữ phù hiệu), dùng những túi hiệu nhất định để truyền đạt tư tưởng
hoặc tin tức. Tín hiệu tồn tại một cách rộng rãi ở trong tất cả các bộ lạc và
bộ tộc hiện đại đặc biệt là ở người Indian và người da đen Bắc Mỹ, các hình
thức và trường hợp sử dụng tín hiệu trong cuộc sống nhiều đến nỗi khó mà
nêu lên hếtm . Ở Việt Nam, phần lớn các tộc người thiểu số hiện tại vẫn
dùng tín hiệu trong cuộc sống lao động hằng ngày. Một số tộc người ờ khu
vực Trường Sơn - Tây Nguyên vẫn thường đánh dấu vào các gốc cây, khi
lấy gỗ làm nhà đồng bào chọn các cây lớn và thẳng, những cây non được
chọn nếu chưa đạt yêu cầu sẽ dùng vật sắc bén khắc lên thân cây và lấy dây
rừng buộc lại, đây là tín hiệu cây đã có chù.
Ngôn ngữ tượng trưng (hay biểu tượng) là loại hình giao tiếp thứ tư
của con người, ngôn ngữ tượng trưng thường sử dụng một vật trung gian
nhất định để báo tin hay để biểu đạt tư tưởng hoặc tình cảm. Việc gửi
những thông điệp bằng biểu tượng đã tạo nên một ngành đặt biệt của
ngôn ngữ giao tiếp với sự đa dạng và phong phú của biểu tượng trong
cuộc sống. Tuy nhiên với nhiều tầng ý nghĩa được biểu đạt nên không
phải bất kỳ người nào cũng có thể hiểu được ý nghĩa của biểu tượng.

6.1.3. Nguồn gốc của ngôn ngữ

Ngôn ngữ là loại hình văn hóa sơ khai nhất cùa con người nhận
được sự quan tâm nghiên cứu đa chiều do tính chất quan trọng của nó,
trước c . Mác đã có rất nhiều quan điểm, trường phái nghiên cứu về ngôn
ngữ với nhiều giả thuyết được đưa ra. Trong đó, phải kể đến là các học
thuyết về ngôn ngữ như: thuyết tượng thanh, thuyết tượng hình, thuyết
cảm thán, thuyết tiếng kêu trong lao động, thuyết khế ước... Những già
thuyết này đã lý giải cho sự ra đời của ngôn ngữ dưới nhiều góc độ khác
nhau. Tuy nhiên, phần lớn đều mang tính phiến diện và chưa khái quát, chưa
ỉàm rõ được sự ra đời của ngôn ngữ một cách khoa học, cá biệt theo quan
điểm của trường phải Độc thần nguyên thủy, ngôn ngữ do Chúa tạo ra187.

186 M.O.Kosven, 2005, tr.218.


187 Lê Sĩ Giáo, 1994, tr. 72.

164
- Thuyết tượng thanh: Xuất phát từ trường phái Khắc kỷ (Stoic)
trong triết học Hy Lạp. Thuyết này cho rằng, ngôn ngữ con người được
tạo nên từ sự mô phỏng những âm thanh sẵn có trong tự nhiên, theo
Pỉaton và Augustin, ngôn ngữ cổ đại thực chất là dùng đặc điểm của âm
thanh để mô phỏng đặc điểm của sự vật khách quan188. Quá trình mô
phỏng âm thanh này có nhiều quan điểm khác nhau, trong đó phổ biến
nhất là việc cho rằng con người mô phỏng lại những âm thanh do sự vật,
hiện tượng phát ra để gọi tên các sự vật, hiện tượng đó, chẳng hạn trong
tiếng Anh tà “snore ” (dùng để chỉ tiếng ngáy hoặc ngáy) có cách phát
âm gần với tiếng ngáy, hay nhiều người cho rằng con mèo (trong tiếng
Việt) được gọi tên như thế bởi tiếng kêu “meo meo
- Thuyết tượng hình: Để diễn đạt sự vật, hiện tượng trong tự nhiên
con người sớm đã có sự mô phỏng hình ảnh của các sự vật, hiện tượng đó
để tạo ra những âm thanh đầu tiên, M.I. Lin và E. Xegan cho rằng đây là
loại ngôn ngữ sớm nhất của loài người. Chẳng hạn đối với hình o người
Việt đã phát âm với khẩu hình tròn môi để diễn đạt. Khi phát triển lên
một mức cao hơn, thành ngôn ngữ chữ viết, con người đã mượn hình ảnh
của các sự vật, hiện tượng trong tự nhiên để diễn đạt nội hàm của nó.
Tiếng Trung là một điển hình cho loại chữ viết theo dạng ngôn ngữ
tượng hình.
- Thuyết cảm thán: Được chủ trương bởi Jean - Jacques Rousseau
(1712 - 1778), Alexander Von Humboldt (1769 - 1859). Quan điểm của
những người theo thuyết cảm thán cho rằng, xuất phát từ nhu cầu biểu
đạt tình cảm khi buồn, giận, mừng, vui, đau khổ, ngạc nhiên,... mà con
người phát ra âm thanh. Đó là những âm thanh mang túi hiệu của cảm
xúc và ý chí của con người được phát ra bởi sự tác động của các sự vật,
hiện tượng trong cuộc sống, diễn ra chung quanh chúng ta. Việc tồn tại
những thán từ với nhiều biểu hiện xúc cảm khác nhau là cơ sờ ra đời cho
thuyết này. Ví dụ: Óii, á trong tiếng Việt, hay ouch trong tiếng Anh.
- Thuyết tiếng kêu trong lao động: Xuất hiện vào thế kỷ XIX trong
các công trình của các nhà duy vật như K. Btìcher, L. Naure. Thuyết này
cho rằng, ngôn ngữ ra đời do nhu cầu của con người gọi những người

l8S Nguyễn Thiện Giáp, 1998, tr.26.

165
khác trong quá trình lao động (chẳng hạn như: Ê, này, đây trong tiếng
Việt) cũng như do những âm thanh phát ra của con người trong quá trình
lao động, là sự kết hợp giữa vận động cơ năng và những âm thanh phối
hợp phát ra từ vòm họng để tăng thêm động lực cho quá trình lao động,
những âm thanh này về sau trở thành tên gọi của những động tác lao
động. Lý thuyết này cho đến hiện nay, vẫn có cơ sờ thực tế trong hoạt
động lao động của con người.
- Thuyết khế ước xã hội: Do Jean - Jacques Rousseau (1712 - 1778)
và Adam Smith (1723 - 1790) đề xướng, bắt nguồn từ ý kiến của nhà triết
học cổ đại Democrit. Adam Smith cho rằng, sự ra đời của ngôn ngữ xuất
phát từ quá trình thỏa thuận của các tập đoàn người với nhau thông qua
khế ước xã hội. Jean-Jacques Rousseau lại cho rằng, sự hình thành ngôn
ngữ trải qua hai giai đoạn, giai đoạn đầu là giai đoạn tự nhiên, ngôn ngữ
của con người xuất phát từ cảm xúc (thuyết cảm thán), chuyển sang giai
đoạn văn minh, khế ước xã hội của con người đã tạo ra ngôn ngữ.
- Học thuyết của c. Mác và F. Ăngghen: F. Ăngghen cho rằng,
“lao động... là điều kiện cơ bản đầu tiên của toàn bộ sinh hoạt loài
người, và như thế, đến một mức mà, trên một ỷ nghĩa nào đó, chủng ta
phải nói rằng: Lao động đã sáng tạo ra chính bản thân con người ”189; sự
cần thiết của giao tiếp trong lao động đã đòi hỏi con người sáng tạo ra
ngôn ngữ, cụ thể chính quá trình “phát triển cùa lao động đã đưa đến kết
quả tất yếu là thắt chặt thêm những mối liên hệ giữa các thành viên xã
hội,... những con người đang hình thành ấy đã phát triển đến mức mà họ
thấy cần thiết phải nói với nhau một cái gì đây”190. Nhờ lao động mà bộ
não con người phát triển, dần trở thành cơ quan trừu tượng hóa, khái quát
hóa; lao động của con người là một quá trình nhận thức và cải tạo thế
giới, vì vậy não bộ cần có sự tiếp nhận, xử lý thông tin, hình thành cơ
quan nhận thức mang tính trừu tượng hóa, khái quát hóa sự vật, hiện
tượng chung quanh.
Lao động của con người là lao động xã hội. Vì vậy, con người cần có
phương tiện chuyển tải ý nghĩ từ não bộ ra bên ngoài, F. Ăngghen khẳng

189 F. Ăngghen, 1957, tr.6.


190 F. Ẫngghen, 1957, tr.5-6.

ỉ 66
định, chính lao động là nguồn gốc đã mang đến nhu cầu bức thiết để con
người sáng tạo ngôn ngữ. Cho đến hiện nay, quan điểm của c. Mác và
F. Ăngghen có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, nhận được nhiều sự đồng
thuận của các nhà khoa học.
Nhìn chung các giả thuyết trước c . Mác không có sức thuyết phục
vì thiếu cơ sờ khoa học khi giải thích sự ra đời của ngôn ngữ. Với các giả
thuyết này, ngôn ngữ sinh ra và phát triển bị tách biệt vói các hiện tượng
ý thức, tổ chức xã hội, không gắn liền với sự phát triển của loài người và
chưa nêu bật được vai trò của lao động trong việc hình thành con người
và ngôn ngữ, như luận thuyết của c. Mác và F. Ảngghen.
6.2. VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ ĐÓI VÓI T ộ c NGƯỜI
Ngôn ngữ bao gồm ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, là công cụ quan
trọng nhất trong quá trình trao đổi văn hóa giữa các dân tộc. Đối với mỗi
cá nhân, ngôn ngữ như một thiết chế xã hội chặt chẽ, được giữ gìn và
phát triển trong kinh nghiệm, trong truyền thống của cả cộng đồng. Thiết
chế đó chính là một tập hợp của những thói quen: Nói, nghe và hiểu, được
tiếp thu một cách dễ dàng, cả chủ động lẫn thụ động và liên tục ngay tò
thời thơ ấu. Vì thế, những thói quen này về sau rất khó thay đổi, buộc mọi
người trong cộng đồng phải tuân theo. Đó chính là ngôn ngữ tộc người,
tiếng nói chung của cả cộng đồng tộc người dùng để giao tiếp với nhau.

6.2.1. Ngôn ngữ là dấu hiệu để xác định tộc người (ngôn ngữ mẹ đẻ)

Đối với các cộng đồng tộc người, ngôn ngữ là một trong những tiêu
chí để xác minh thành phần tộc người, được quy định bởi hai đặc tính đó
là tính ước lệ (hay còn gọi là tính võ đoán cùa tín hiệu) và tính lưu
truyền.Trong đó tính ước lệ là đặc tính quan trọng trong xác định tộc người.
Đặc thù của tỉnh ước lệ trong ngôn ngữ tộc người không xuất phát
từ những thuộc tính của sự vật, hiện tượng trong tự nhiên mà do những
thuộc tính được con người quy ước để chỉ ra nội dung của nó. Chính vì
vậy, mối quan hệ giữa tư duy trừu tượng và những sự vật, hiện tượng
được phản ánh với ngôn ngữ (cái được biểu hiện) mang đậm yếu tố quy
ước; mối tương quan giữa âm, tò ngữ và khái niệm, hay cú pháp là do
cộng đồng người quy định. Chẳng hạn, khái niệm: “dòng nước lưu lượng

167
lớn thường xuyên chảy, có nguồn cung chủ yếu là từ hồ nước, từ các con
suối nơi có độ cao hơn, hầu hết đều đổ ra biển” trong tiếng Việt được
biểu thị bằng âm /sông/, trong tiếng Anh được biểu thị bàng /river/ nhưng
trong tiếng Bru - Vân Kiều lại được biểu thị bằng /dỡq krỗng/\ khái niệm
nêu trên được biểu thị bằng /sông/ hay /river/ hay /dỡq b ỗ n g / hoàn toàn
xuất phát từ quy ước của cộng đồng người, hay do thói quen của tộc
người chứ không thể lý giải vì sao khái niệm đó lại được gọi bằng tên và
được phát âm như thế. Việc định danh sự vật, hiện tượng có sự khác nhau
trong mỗi nền văn hóa của từng cộng đồng tộc người là một trong những
đặc điểm giúp xác định được thành phần tộc người.
Ngôn ngữ chứa đựng thế giới quan, đặc điểm tâm lý của cộng đồng
bản ngữ, vì vậy sau khi định danh sự vật hiện tượng, cách phát âm của
mỗi cộng đồng tộc người có sự khác nhau, việc sừ dụng cú pháp cũng
diễn ra điều tương tự, mỗi một tộc người tự hình thành cho mình hệ
thống cú pháp mang tính đặc trưng và tính quy chuẩn trong xã hội. Rất
nhiều tộc người trên thế giới có sự tương đồng về mặt định danh cho một
khái niệm như “tà có thái độ săn đón khi gặp nhau” đều có sự phát âm
/chào/ (Việt) và /chao/ (Đức) tương tự nhau nhưng hệ thống cú pháp khi
sử dụng khái niệm này lại khác nhau, cũng có những tộc người sự tương
đồng về mặt cú pháp nhưng cách định danh khái niệm hoàn toàn khác
biệt. Chính sự khác nhau trong từ, ngữ, cách phát âm và cách sừ dụng cú
pháp đã tạo nên sự khác biệt trong ngôn ngữ, là đặc trưng của mỗi tộc
người. Vì vậy, ngôn ngữ là dấu hiệu cơ bản nhất để phân biệt tộc người.
Ngôn ngữ không phải là hiện tượng tự nhiên, không mang bản
năng sinh vật, khi vừa sinh ra con người vốn chỉ có thể phát ra những âm
thanh mang tính tín hiệu theo bản năng; để có thể giao tiếp giữa các thế
hệ trong cùng một tộc người đòi hỏi phải qua một quá trình truyền dạy
con người mới có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ của tộc người mình
trong cuộc sống. Dưới tác động của con người, một số loài chim có thể
mô phỏng được tiếng nói, tuy nhiên đó không phải là ngôn ngữ, bởi lẽ
ngôn ngữ phải xuất phát từ tư duy trùn tượng, chứ không phải là sự mô
phỏng âm thanh. Đối với ngôn ngữ tộc người, một đứa trẻ nếu không
được chỉ dạy cũng có thể học được cách phát âm ngôn ngữ tộc người
mình thông qua quan sát, tuy nhiên cũng chỉ là sự mô phỏng âm thanh ở
168
mức độ nào đó, bởi lẽ đứa trẻ đó khi lớn lên sẽ rất khó vận dụng một
cách tinh tế, nhuần nhuyễn ngôn ngữ nếu không nắm rõ về mặt khái
niệm, ngữ nghĩa và cú pháp191. Vì vậy, sự lưu truyền ngôn ngữ qua các
thế hệ rất quan trọng trong từng tộc người, đó không chỉ là tri thức của
thế hệ đi trước truyền lại cho thế hệ sau mà còn chứa đựng cả nhân sinh
quan, thế giới quan và văn hóa của tộc người thể hiện qua ngôn ngữ, là
nét đặc trưng để phân biệt các cộng đồng tộc người.

6.2.2. Sự biến đổi ngôn ngữ trong quá trình tộc ngưòi

Trong quá trình phát triển của tộc người, văn hóa - xã hội luôn có
sự biến đổi, ngôn ngữ tộc người cũng không ngoại lệ. Biến đổi ngôn ngữ
tộc người là một tất yếu thể hiện sự phân ly và tiếp nhận, bổ sung vốn
ngôn ngữ tộc người theo quy luật lịch sử. Trên thực tế, biến đổi ngôn ngữ
trong quá trình tộc người thường được biểu hiện dưới các hình thức, như
sự xuất hiện thổ ngữ (hay còn được gọi là ngôn ngữ địa phương), sự xuất
hiện ngôn ngữ của nhiều tộc người khác nhau có cùng nguồn gốc và quá
trình tiếp nhận ngôn ngữ ngoại lai của các dân tộc.
Quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ ở các cộng đồng tộc
người luôn diễn ra theo hai xu hướng, đó là xu hướng chia tách, phân tản
và xu hướng liên minh, hợp nhất'92. Các xu hướng này diễn ra do nhu cầu
tự thân của các cộng đồng tộc người.
- Sự xuất hiện các nhóm ngôn ngữ: Vào thời kỳ công xã nguyên
thủy, không gian cư trú và môi trường xung quanh ít thay đổi, trong khi
sự phát triển của các cộng đồng người ngày càng được mờ rộng, buộc
con người phải phân ly đi tìm những không gian cư trú mới và tìm kiểm
nguồn thức ăn ở những vùng khác nhau. Do sống xa nhau, tách biệt hẳn
với nhau nên những cộng đồng người này dần hình thành những nhóm
độc lập, không còn sự gắn kết về mặt văn hóa, kinh tế, xã hội. Trong điều
kiện như thế, những khác biệt về mặt ngôn ngữ giữa các tộc người dần

191 Điều này tương tự như những người Việt nói tiếng Anh “bồi”, khách du lịch nước
ngoài khi nghe có thể hiểu theo nghĩa của từng từ vựng để suy đoán ý câu cần diễn đạt
chứ thực chất trong tiếng Anh thì đó là một câu sai ngữ pháp và có thể hoàn toàn
tối nghĩa.
192 Lê Sĩ Giáo, 1997, tr. 76.

169
nảy sinh do sự biến đổi của tự thân ngôn ngữ và sự tiếp thu các ngôn ngữ
khác, trải qua nhiều thế hệ, ngôn ngữ của những cộng đồng người đó có
nhiều sự thay đổi so với ngôn ngữ gốc ban đầu, trờ thành một ngôn ngữ
độc lập nhưng vẫn có chung những đặc điểm, được gọi là những ngôn
ngữ có cùng phổ hệ. Sự xuất hiện nhiều ngôn ngữ độc lập nhưng có
chung nguồn gốc này là kết quả của sự phân chia cộng đồng người thành
các nhóm địa phương và tạo ra các nhóm ngôn ngữ (các nhóm ngôn ngữ
có chung nguồn gốc này được gọi là ngữ hệ).
- Sự xuất hiện ngôn ngữ của nhiều tộc người khác nhau có cùng
nguồn gốc: Trải qua những biến động lịch sử, các tộc người có chung
nhóm ngôn ngữ tiếp tục phân ly bởi nhiều nguyên nhân cả khách quan
lẫn chủ quan (do chiến tranh, do sự thay đổi của hình thái kinh tế xã hội,
do sự thay đổi môi trường sống.. sự phân chia đó khiến các nhóm ngữ
hệ ngày càng bị xé lẻ và xa nhau ra trở thành những ngôn ngữ độc lập
của một nhóm ngôn ngữ và các nhóm ngôn ngữ đó lại cùng một ngữ hệ.
Trong đó, những cộng đồng tộc người ở gần các trung tâm giao lưu văn
hóa, có trình độ phát triển cao sẽ có sự thay đổi ngôn ngữ lớn nhất do tiếp
nhận nhiều ngôn ngữ ngoại lai đồng thời ngôn ngữ tự thân cũng tự biến
đổi để phù hợp với môi trường xã hội mới, trong khi đó các cộng đồng
tộc người ở xa trung tâm giao lưu văn hóa sẽ có xu hướng bảo lưu ngôn
ngữ gần với ngôn ngữ ban đầu (hiện tượng này được gọi là “hóa thạch
ngoại biên” trong văn hóa).
Trường hợp nhóm ngôn ngữ Việt - Mường thuộc ngữ hệ Nam Á là
một ví dụ điển hình ở Việt Nam với 4 tộc người: Chứt, Mường, Việt,
Thổ. Trong đó, người Việt có nhiều sự biến đổi về mặt ngôn ngữ so với
ngôn ngữ gốc do quá trình giao lưu tiếp xúc với nhiều luồng văn hóa
khác nhau .

193 Một minh chứng khác là ngôn ngữ của người Hoa ờ Trung Quốc đại lục và của
người Hoa ờ Đài Loan, Hồng Kông có sự khác biệt lớn về cách phát âm; đối với từ
“nhân” (người), người Hoa ờ Trung Quốc đại lục phát âm là /rén/, trong khi đó người
Hoa ờ Hồng Kông lại phát âm là /dzan/.

170
- Quá trình tiếp nhận ngôn ngữ: Ngôn ngữ là tấm gương phản ánh
văn hóa dân tộc, các cộng đồng tộc người đều có ngôn ngữ riêng của
minh phục vụ cho sinh hoạt xã hội. Tuy nhiên xu hướng liên minh, hợp
nhất ngôn ngữ là xu hướng không thể tránh khỏi. Ngôn ngữ của các tộc
người tiếp xúc, hỗn dung lẫn nhau theo nhiều cách: Hoặc là sự tự nguyện
liên minh giữa các cộng đồng người, sự chinh phục giữa cộng đồng
người này và cộng đồng người khác dẫn đến qưá trình tiếp nhận ngôn
ngữ (dù muốn hay không vẫn mang tính áp đặt), hoặc giao tiếp với các
cộng đồng người khác, đặc biệt là để thuận tiện cho quá trình giao lưu
hợp tác, phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi các cộng đồng tộc người không
chỉ sử dụng ngôn ngữ của tộc người mình (ngôn ngữ mẹ đẻ) mà còn phải
biết sử dụng ngôn ngữ của dân tộc khác (mang tính chất chủ động). Sự
hỗn dung ngôn ngữ này có thể tạo ra ngôn ngữ mới, tuy vẫn giữ lại
những yếu tổ cơ bản của ngôn ngữ gốc (ví dụ như từ Hán - Việt trong
tiếng Việt), hoặc có thể tạo ra sự đa ngôn ngữ trong cùng một cộng đồng
tộc người.
Xu hướng chung của quá trình tiếp nhận ngôn ngữ là các cộng
đồng tộc người có sự phát triển kinh tế xã hội thấp hơn sẽ có nhu cầu
nhiều hom trong việc tiếp nhận ngôn ngữ của cộng đồng người có sự phát
triển kinh tế xã hội cao hơn, hoặc cộng đồng tộc người thiểu số sẽ có nhu
cầu cao hơn trong việc tiếp nhận ngôn ngữ của cộng đồng tộc người đa
số, từ đó hình thành nên những cộng đồng người sử dụng song ngữ, đa
ngữ. Ở Việt Nam, phần lớn các tộc người thiểu số đều sừ dụng song ngữ:
một là ngôn ngữ mẹ đẻ (ngôn ngữ của chính tộc người đó) đồng thời sử
dụng tiếng Việt để giao tiếp với cộng đồng người Việt trên khắp mọi
miền đất nước xuất phát từ nhu cầu kinh tế xã hội của chính các cộng
đồng tộc người thiểu số194. Ở Ấn Độ, bên cạnh việc sử dụng ngôn ngữ
mẹ đẻ và ngôn ngữ chính thức thứ nhất là tiếng Hindi tiêu chuẩn thì các
cộng đồng tộc người còn sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức thứ
hai tạo nên những cộng đồng tộc người đa ngôn ngữ ở đất nước này.

l94Người Việt vừa là tộc người đa số, vừa có trình độ phát triển kinh tế xã hội vượt trội
so với các tộc người còn lại.

171
Biến đổi của ngôn ngữ tộc người là một quá trình lâu dài và là một
tất yếu mang tính quy luật, dù diễn ra dưới nhiều hình thức như tiếp nhận
ngôn ngữ, chia thành nhiều nhóm ngôn ngữ,... tất cả đều xuất phát từ
chính nhu cầu giao tiếp xã hội của mỗi cộng đồng tộc người trong cuộc sống.

6.3. NGỮ HỆ

6.3.1. Bản chất ngữ hệ


Ngữ hệ là tập hợp ngôn ngữ của các tộc người có quan hệ về nguồn
gốc hay nói cách khác, ngôn ngữ của các tộc người trong cùng một ngữ
hệ là ngôn ngữ xuất phát từ một nguồn gốc chung.
Ngữ hệ là một gia đình ngôn ngữ (Language family) phát sinh từ
một ngôn ngữ gốc, còn được gọi là ngôn ngữ mẹ hay ngôn ngữ cơ bản.
Những ngôn ngữ này có chung một hệ thống ký hiệu và quy tắc kết hợp
giống nhau. Giữa chủng chỉ khác nhau về phát âm và vốn từ vựng, còn
ngữ pháp và hệ thống âm vị là những bộ phận cơ bản của kết cấu ngôn
ngữ có thể khác biệt nhưng rất ỉ/195.

6.3.2. Thòi gian và nguyên nhân hình thành ngữ hệ

Theo các nhà nghiên cứu, ngữ hệ ra đời do sự phân ly các thị tộc,
bộ lạc và sự thiên di của các cộng đồng người này đến những khu vực
khác nhau. Song song với quá trình phân ly các cộng đồng tộc người là
sự xuất hiện của các ngôn ngữ khác nhau bắt nguồn từ ngôn ngữ gốc.
Những ngôn ngữ mới này được hình thành một phần do yêu cầu tự thân
khi có sự đổi thay về môi trường sống; việc xuất hiện những sự vật, hiện
tượng khác với noi sinh tụ trước đây đã tác động đến nhân sinh quan, thế
giới quan của các cộng đồng người, buộc con người phải có những thay
đổi trong ngôn ngữ để định danh; một phần là do tiếp thu các yếu tổ ngôn
ngữ của những tộc người bản địa. Những ngôn ngữ mới này tuy có sự
cách biệt nhưng vẫn có chung ký hiệu và quy tắc kết hợp giống ngôn ngừ
gốc, vì vậy, được gọi là ngữ hệ. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu của sự ra
đời ngữ hệ xuất phát từ quá trình phân ly thị tộc, bộ lạc trong lịch sừ loài
người. Dựa vào lịch sử phân ly tộc người, các nhà nghiên cứu cho rằng

l95Lê Sĩ Giáo, 1994,1T. 85.

172
ngữ hệ ra đời chủ yếu từ thời kỳ công xã nguyên thủy, cách ngày nay từ
khoảng hơn 1 vạn năm đến 4.000 năm.
về sự hình thành ngữ hệ, có nhiều quan điểm trái chiều nhau: Vào
thế kỷ XIX, nhiều người cho rằng các ngôn ngữ đã ra đời từ một ngữ hệ,
như vậy ngữ hệ có trước rồi sau đó mới đến ngôn ngữ, có nghĩa ràng tất
cả các ngôn ngữ trên thế giới đều xuất phát từ một trung tâm.
Trái ngược với quan điểm trên, nhà ngôn ngữ học người Nga Marow
cho rằng, ngữ hệ được hình thành trên một phạm vi rộng lớn và do sự kết
họp của các ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm này có sự thiếu
sót lớn đó là không chỉ ra được ngôn ngữ gốc mà các ngôn ngữ trong ngữ
hệ có liên quan.
Quan điểm của các nhà nghiên cứu Liên Xô cũ như Goronun và
Kuznetsov cho rằng, ngữ hệ ra đời bằng hai con đường: Con đường thứ
nhất là do tác động giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác, tạo thành
những phương ngôn, khi các phương ngôn này bị tách hẳn khỏi ngôn ngữ
gốc sẽ tạo thành những nhóm ngôn ngữ họ hàng, nhưng độc lập với nhau.
Thứ hai, ngữ hệ ra đời trên cơ sở phân chia từ một ngôn ngữ gốc.
Tuy có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tựu trung sự hình thành
các ngữ hệ giống với nguyên nhân sinh ra ngữ hệ. Đó là do sự phân chia
các khối cộng đồng người nên cũng phân chia luôn thành các ngôn ngữ
khác nhau, song cỏ cùng nguồn gốc với nhau.196
6.3.3. Các ngữ hệ chính trên thế giói, ở Đông Nam Á và Việt Nam

- Các ngữ hệ trên thế giới: Dựa vào cách phân loại ngôn ngữ, các
nhà ngôn ngữ học đã thống kê trên thế giới có hơn 20 hệ ngôn ngữ, trong
đó có 7 ngữ hệ quan trọng nhất được nhiều cộng đồng tộc người sử dụng,
gồm có: v
+ Ngữ hệ Hán - Tạng (Sino - Tibetan): Với trên 400 ngôn ngữ
thành viên.
+ Ngữ hệ Nam Á (Austro - Asiatic): Với trên 150 ngôn ngữ thành viên.
+ Ngữ hệ Nam Đảo (Ausừonesian): Vói hơn 1.200 ngôn ngữ thành viên.

196 Lê S ĩ Giáo, 1997, tr. 86.

173

í
+ Ngữ hệ Phi - Á (Afro-Asiatic): Với hơn 375 ngôn ngữ thành viên.
+ Ngữ hệ Altai (Altaic): Với hơn 60 ngôn ngữ thành viên.
+ Ngữ hệ Ural (Uralic): Với gần 40 ngôn ngữ thành viên.
+ Ngữ hệ Ẩn - Âu (Indo - European): Với gần 450 ngôn ngữ thành viên.
- Các ngữ hệ ở Đông Nam Á: Đông Nam Á được xem là một ngã
ba đường, nơi các dòng thiên di tộc người trong khu vực thường đi qua,
đồng thời cũng là nơi tụ cư, hội lưu của nhiều tộc người, có quá trình tộc
người phức tạp. Vì vậy, sự phân loại ngữ hệ ở khu vực Đông Nam Á là
một công việc không dễ dàng.
Nhà dân tộc học Nguyễn Từ Chi phác họa bức tranh ngôn ngữ tộc
người ở Đông Nam Á gồm có những dòng sau: Dòng Nam Á, dòng Nam
Đảo, dòng Ka-đai, dòng Mông - Dao và dòng Hán - Tạng. Theo quan
điểm của PGS.TS. Hoàng Lương, ở Đông Nam Á có 4 ngữ hệ gồm ngữ
hệ Nam Á, ngữ hệ Thái, ngữ hệ Nam Đảo (Malayo - Polynesia) và Hán - Tạng,
được phân bố như sau:
+ Ngữ hệ Nam Á:
• Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơme: Sinh sống chủ yếu ở
Myanmar, Tây Nam Thailand, Cambodia và Việt Nam.
• Nhóm ngôn ngữ Việt Mường: Sinh sống chủ yếu ở Việt Nam.
• Nhóm ngôn ngữ H’Mông - Dao: Phân bố chủ yếu ở Thailand,
Laos, Myanmar và Việt Nam.
• Nhóm ngôn ngữ Nam Á khác: Có mặt ờ một số nước trong
khu vực và Việt Nam.
+ Ngữ hệ Thái: Gồm các ngôn ngữ Thái, Lào - Thay, Tày - Thái
ở Thailand, Laos, Việt Nam và Myanmar.
+ Ngữ hệ Nam Đảo (Malayo - Polynesia): Cư dân của ngữ hệ này
phân bố chủ yếu ờ các nước Philippines, Indonesia, Malaysia, một sổ ít ở
Cambodia, Việt Nam và Singapore.
+ Ngữ hệ Hán - Tạng:
• Nhóm ngôn ngữ Hán phân bố ở các nước như Singapore,
Malyasia, Thailand, Việt Nam, Laos, Cambodia, Indonesia, Philippines.

174
• Nhóm ngôn ngữ Tạng - Miên phân bô chủ yêu ở Myanmar,
Thailand, Laos và Việt Nam197.
- Các ngữ hệ ở Việt Nam: Việt Nam có vị trí địa lý khá đặc biệt, là
cửa ngõ cùa các cuộc thiên di ở Đông Nam Á. Vì vậy, có sự đa dạng về
ngừ hệ và thành phần tộc người, việc phân chia ngữ hệ ở Việt Nam cho
đến hiện nay vẫn chưa có sự thống nhất198. Hiện tại, Việt Nam có 4 ngữ
hệ chính: Ngữ hệ Ka Đai, ngữ hệ Hán - Tạng; ngữ hệ Nam Á và ngữ hệ
Nam Đảo với 54 tộc người (ethnic) thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác
nhau bao gồm: nhóm ngôn ngữ Việt - Mường, nhóm ngôn ngữ Môn - Khơmer,
nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, nhóm ngôn ngữ Mông - Dao, nhóm ngôn
ngữ Ka Đai (trước đây còn được gọi là nhóm ngôn ngữ tổng hợp), nhóm
ngôn ngữ Nam Đảo, nhóm ngôn ngữ Hán, nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến.
Cụ thể:
+ Ngữ hệ Nam Á:
• Nhóm ngôn ngữ Việt - Mường (Vietic): Chứt, Mường, Việt, Thổ.
• Nhóm ngôn ngữ Môn - Khơ Me (Austroasiatic): Ba Na, Brâu,
Bru - Vân Kiều, Chơ Ro, Co, Cơ Ho, Cơ Tu, Giẻ - Triêng, Hrê, Kháng,
Khơmer, Khơ Mú, Mạ, Mảng, M’Nông, ơ Đu, Rơ Măm, Tà ôi,
Xinh Mun, Xơ Đăng, X’Tiêng...
• Nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (Tai - Kadai): Bố Y, Giáy, Lào,
Lự, Nùng, Sán Chay, Tày, Thái...
• Nhóm ngôn ngữ Mông - Dao: Dao, H’Mông, Pà Thèn...
+ Ngữ hệ Ka Đai: Nhóm ngôn ngữ Ka Đai: Cờ Lao, La Chí,
La Ha, Pu Péo...
#
+ Ngữ hệ Nam Đảo: Nhóm Nam Đảo (Malayo - Polynesia):
Chăm, Chu Ru, Ê Đê, Gia Rai, Raglai.

197 Lê Sĩ Giáo, 1997, tr. 94.


198 Theo PGS.TS. Hoàng Lương, Việt Nam có 4 ngữ hệ là Nam Á, Thái, Nam Đảo và
Hán Tạng, còn theo Danh mục các thành phần dân tộc Việt Nam năm 1979, Việt Nam
gồm có các ngữ hệ Nam Á, Nam Đào, Hán Tạng, trong đó ngữ hệ Nam Á gồn 5 nhóm
ngôn ngữ: Việt Mường, Môn - Khơmer, Tày - Thái, Môn - Dao và một số ngôn ngữ
Nam Á khác.

175
+ Ngữ hệ Hán - Tạng:
• Nhóm ngôn ngữ Hán: Hoa, Ngái, Sán Dìu.
• Nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến: cống, Hà Nhì, La Hủ, Lô Lô,
Phù Lá, Si La.
6.4. VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ VỚI s ự PHÁT TRIẺN T ộ c NGƯỜI
6.4.1. Phương tiện giao tiếp tộc người
Ngôn ngữ là phương tiện chủ yếu trong giao tiếp tộc người, ngoài
ngôn ngữ, con người có thể dùng các phương tiện khác để giao tiếp. Tuy
nhiên, tất cả đều không thể đáp ứng được một cách đầy đủ các thông tin
mà con người cần chuyển tải như ngôn ngữ. Hầu hết, các tộc người trên
thế giới đều có đầy đủ các phương tiện giao tiếp là: cừ chỉ, ngôn ngữ, tín
hiệu và biểu tượng. Cừ chỉ được xem là phương tiện giao tiếp sớm nhất,
là hệ thống tín hiệu đầu tiên và đơn giản. Tuy nhiên, với sự phức tạp của
tư duy con người, cử chỉ khó có thể biểu đạt hết những nội dung trong
suy nghĩ của con người.
Tín hiệu thường mang tính khu biệt, là một hệ thống thông tin được
quy ước riêng trong từng cộng đồng tộc người, dùng để biểu thị những
khái niệm, dấu hiệu, thông báo hoặc mệnh lệnh ngắn gọn; chẳng hạn để
truyền đạt thông tin cho những người ở xa, người da đỏ ở Bắc Mỹ
thường sử dụng khói, từng loại khói mang ý nghĩa khác nhau: Khói đen
báo hiệu nguy hiểm, khói trắng báo hiệu sự an toàn. Tín hiệu, vì vậy chỉ
có thể sừ dụng để biểu đạt một số khái niệm ngắn gọn, không đủ để biểu
đạt được hết tư duy con người, vì tính khu biệt của tín hiệu mà phương
tiện giao tiếp này thường chỉ có thể sử dụng trong cộng đồng tạo ra nó,
những cộng đồng khác phần lớn không hiểu được ý nghĩa tín hiệu.
Biểu tượng là sản phẩm của một cộng đồng người đã có nền văn
hóa phát triển đến một đỉnh cao nhất định, biểu tượng ẩn chứa nhiều
thông tin cần biểu đạt, với nhiều tầng ý nghĩa. Đây là loại ngôn ngữ mà
chỉ một bộ phận những người có kiến thức, có tri thức mới có thể sử dụng
và thấu hiểu được, hơn thế nữa ý nghĩa của biểu tượng ở mỗi cộng đồng tộc
người lại có những nghĩa hàm ẩn khác nhau, dễ gây hiểu nhầm cho đối tượng
giao tiếp. Biểu tượng vì sự khó hiểu và đa nghĩa của nó khó có thể trở thành
phương tiện giao tiếp phổ biến trong cộng đồng tộc người.
176
Trong các phương tiện giao tiếp tộc người, ngôn ngừ được xem là
phương tiện biểu đạt đầy đủ thông tin nhất, giúp cho các thành viên trong
cộng đồng thấu hiểu, tương tác lẫn nhau trong quá trình sinh hoạt và lao
động, có thể truyền tải trí tuệ, kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Ngôn ngữ không chỉ được sừ dụng trong tộc người mà còn được sử
dụng để giao tiếp với tộc người khác. Song, giao tiếp chỉ có thể diễn ra
khi có sự hiểu biết chung (tri thức nền) ờ cả người phát ngôn lẫn người
nhận. Vì vậy, không chỉ cần có sự học tập ngôn ngữ đầy đủ và thấu đáo
mà còn phải có những hiểu biết được thiết lập thành nền tảng văn hóa xã
hội của hành vi giao tiếp. Ngữ cảnh sử dụng của một đon vị ngôn ngữ
không chỉ là ngữ cảnh ngôn ngữ mà còn là ngữ cảnh phi ngôn ngữ - đó là
những đặc điểm chung của đon vị ngôn ngữ ấy với những nhân tố lịch
sử, văn hóa và xã hội khác nhau. Để sử dụng ngôn ngữ có hiệu quả, cần
phải có sự hiểu biết sâu sắc về lịch sừ, về đời sống và về nền văn hóa vật
chất cũng như văn hóa tinh thần của dân tộc bản ngữ. Vì vậy, ngôn ngữ
chính là cầu nối, là phương tiện giao tiếp không chỉ trong nội bộ tộc
người mà còn giữa tộc người này với tộc người khác.
6.4.2. Chuyển tải thông tin và lưu giữ văn hóa tộc ngưòi

Ngôn ngữ của mỗi tộc người được hình thành từ nhân sinh quan,
thế giới quan của con người đối với mỗi sự vật, hiện tượng diễn ra trong
thể giới tự nhiên và trong xã hội loài người diễn ra xung quanh, phản ánh
tâm lý, văn hóa của tộc người. Ngôn ngữ ra đời gắn liền với văn hóa, lịch
sử, xã hội cụ thể của từng tộc ngưòi, trở thành yếu tố chuyển tải thông tin
tộc người, tất cả mọi sự thay đổi luôn được phản ánh thông qua ngôn
ngữ. Ngôn ngữ tộc người mang đặc điểm của chủ thể sáng tạo ra nó, đó là
ngôn ngữ gần gũi, giúp con người diễn đạt một cách đầy đủ và dễ dàng
nhất những thông tin cần thiết cho đối tượng giao tiếp, đây là loại ngôn
ngữ có ý nghĩa quan trọng xác định bản sắc văn hóa tộc người, là phương
tiện biểu hiện văn hóa, đảm bảo sự phát triển lành mạnh của xã hội.
Chính nhờ ngôn ngữ mà văn hóa tộc người được lưu giữ, một trong
những đặc tính quan trọng của ngôn ngữ là tính lưu truyền, được truyền
từ đời này sang đời khác qua nhiều thế hệ. Trong phạm vi nội bộ một
cộng đồng ngôn ngữ - văn hóa, ngôn ngữ đóng vai trò là phương tiện liên
177
hệ kế thừa giữa các thế hệ trong sự phát triển tinh thần của tộc người. Sở
dĩ như vậy là vì kinh nghiệm lịch sử - xã hội của một tộc người về cơ bản
được lưu truyền trong không gian và thời gian ở hình thức ngôn từ.
Chính trong ý nghĩa của từ ngữ đã lưu giữ lại những hiểu biết về thế giới
khách quan ở trình độ mà một xã hội có thể đạt được trong một giai đoạn
phát triển lịch sử nhất định. Nhờ có sự giao tiếp ngôn ngữ, và thông qua
nó, con người mới có thể thu nhận được kinh nghiệm xã hội đã được các
thế hệ đi trước đúc kết, tích lũy và hệ thống hóa. Ngôn ngữ thực hiện
được điều đó bởi lẽ bên cạnh các chức năng khác, ngôn ngữ còn có chức
năng tích lũy tri thức. Vì thế, “ngôn ngữ là tấm gương thực sự của nền
văn hóa dân tộc "m .

6.4.3. Phát triển kinh tế xã hội tộc ngưòi

Mỗi một cộng đồng tộc người đều có ngôn ngữ riêng của tộc người
mình (còn được gọi là tiếng mẹ đẻ), ngôn ngữ này đóng vai trò quan
trọng trong sự phát triển kinh tế, xã hội tộc người. Ngôn ngữ tộc người
gắn bó với một tập t h ậ ^ ộ t cộng đồng của những người tham gia trực
thiếp vào đòi sống kinn tế, văn hóa, xã hội trong không gian nhất định, sự
phát triển của ngôn ngữ là một quá trình có quan hệ mật thiết với sự phát
triển kinh tế, xã hội. Việc trao đổi bằng bản ngữ tạo điều kiện thuận lợi
cho cộng đồng tộc người trong hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội tộc
người. Ngôn ngữ tộc người đóng vai trò vô cùng to lớn trong sự phát
triển xã hội của tộc người, đặc biệt là trong sự phát triển của tư duy và
văn hóa. Sự phát triển đó đã làm quan hệ xã hội ngày càng phong phú,
phức tạp, đòi hỏi ngôn ngữ phải tự thân hoàn thiện để đảm bảo chức năng
là phương tiện giao tiếp xã hội, từ đó thúc đẩy sự phát triển văn hóa xã
hội tộc người lên một mức độ cao hơn.
Trong cộng đồng quốc gia các dân tộc ở Việt Nam hiện nay, tiếng
Kinh đã phát huy vai trò, đảm nhiệm chức năng phát triển kinh tế xã hội.
Mỗi một cộng đồng tộc người đều có ngôn ngữ của riêng mình, tuy nhiên
trong xu thế chung của sự phát ừiển xã hội, nhu cầu giao tiếp với các
cộng đồng người khác ngày càng cao, đòi hỏi các cộng đồng tộc người

‘"Nguyễn Đức Tồn, 2002, tr. 22.

178
phái biết những ngôn ngữ khác ngoài ngôn ngữ của tộc người mình, đặc
biệt là ngôn ngữ của tộc người có sự phát triển cao hơn về văn hóa, kinh
tế, xã hội. Trong 54 cộng đồng dân tộc ở Việt Nam, người Kinh chiếm đa
số với 87,6% cũng là tộc người có trình độ phát triển cao hơn hẳn các
dân tộc khác về mọi mặt. Vì vậy, như một nhu cầu tất yếu, các cộng đồng
tộc người khác đã học hỏi và sử dụng tiếng Việt để có thể giao tiếp thuận
lợi với người Việt và các tộc người khác. Thực sự, cộng đồng các dân tộc
thiểu số ở Việt Nam là một cộng đồng song ngữ với việc sử dụng ngôn
ngữ mẹ đẻ và tiếng Việt. Các cộng đồng tộc người sừ dụng tiếng Việt để
giao tiếp với người Kinh trên toàn quốc, thông qua tiếng Việt các tộc
người thiểu số được tiếp nhận thêm thông tin đa chiều từ văn hóa, giáo
dục cho đến sức khỏe, giải trí, kinh tế thông qua các kênh thông tin, đặc
biệt là phương tiện truyền thông đại chúng bằng tiếng Việt. Sự giao thoa
văn hóa ngôn ngữ này đã làm phong phú thêm văn hóa, kinh tế, xã hội
của cộng đồng các dân tộc thiểu số, từ đó làm thay đổi cuộc sống, kinh tế
và vị thế của các cộng đồng tộc người này.
Trong lúc đó, chữ viết là loại hình ngôn ngữ quan trọng, có chức
năng nhận thức khoa học, kỹ thuật. Ngôn ngữ tộc người được thể hiện
thông qua lời nói và chữ viết, trong đó lời nói là tư duy được phát ra thức
thời, được người nghe tiếp thu, xử lý thông tin và lun vào trong trí nhớ;
mức độ tiếp nhận, chất lượng, thời gian lưu trữ thông tin phụ thuộc vào
sự nhạy bén của não bộ con người. Vì vậy, thông tin được lun giữ bằng
cách nghe và nói thường không đầy đủ, theo th^i gian, những thông tin
này mất dần do quá trình tiếp thu những thông tin mới của bộ não con
người. Chữ viết dựa trên ấn tượng về thị giác, được lưu giữ lại bàng văn
bản, cụ thể và đầy đủ từng thông tin nên không bị mất đi theo thời gian,
không gian, hạn chế sự sai lệch thông tin khi truyền từ người này sang
người khác.
Chữ viết thực sự là động lực phát triển của xã hội tộc người, giúp
con người có thể kế thừa và học tập lẫn nhau trên tất cả các lĩnh vực hoạt
động, từ lĩnh vực văn hóa, lịch sử đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật; đặc
biệt là khoa học kỹ thuật, đây là phạm trù mang tính đặc thù đòi hỏi sự
truyền đạt thông tin phải chính xác, không được sai lệch, và chỉ có ngôn
ngữ chữ viết đạt được yêu cầu đó. Không chỉ giúp truyền đạt thông tin
179
đúng, chữ viết còn có vai trò thúc đẩy sự phát triển của khoa học kỹ
thuật, không ngừng bổ sung những kiến thức mới cho khoa học kỹ thuật
của các cộng đồng tộc người. Nhờ chữ viết mà các cộng đồng tộc người
tiếp thu và ứng dụng được khoa học, kỹ thuật vào trong đời sống lao
động, sản xuất, góp phần phát triển đời sống, kinh tế, xã hội tộc người.
Trong phạm vi một ngôn ngữ nhất định, chữ viết có tác dụng thúc đẩy
quá trình thống nhất, chuẩn hóa ngôn ngữ, mà tiếng Việt ở Việt Nam là
một điển hình.
Tóm lại, ngôn ngữ có vai trò quan trọng trong sự phát ưiển tộc
người, là phương tiện giao tiếp tộc người, góp phần chuyển tải thông tin
và lưu giữ văn hóa tộc người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã
hội của tộc người.

Tóm tắt chưong


1. Ngôn ngữ loài người là một hệ thống gồm những phương tiện, như
âm thanh, từ vựng, cú pháp và là hiện tượng xã hội ra đời do nhu cầu truyền
đạt ý nghĩ trong bộ não ra bên ngoài của con người trong cuộc sống.
2. Bản chất của ngôn ngữ, là phương tiện giao tiếp của xã hội, là
“cái vỏ” của tư duy, hiện thực hóa tư duy và là thuộc tính của con người,
giữa ngôn ngữ và tư duy có mối quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với
nhau, ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp thứ hai của con người...
3. Đề cập đến nguồn gốc của ngôn ngữ, có các học thuyết, như độc
thần nguyên thủy, thuyết tượng thanh, thuyết tượng hình, thuyết cảm
thán, thuyết tiếng kêu trong lao động, thuyết khế ước... Trong đó, thuyết
của F. Ăngghen về nguồn gốc của ngôn ngữ là học thuyết mang tính
khoa học nhất.
4. Ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng đối với tộc người, như ngôn
ngữ là dấu hiệu để xác định tộc người (ngôn ngữ mẹ đẻ), sự biến đổi
ngôn ngữ trong quá trình tộc người...
5. Ngữ hệ là tập họp ngôn ngữ các tộc người có quan hệ về nguồn
gốc, được ra đời chủ yếu từ thời kỳ công xã nguyên thủy, cách ngày nay
từ khoảng hơn 1 vạn năm đến 4.000 năm; nguyên nhân sinh ra ngữ hệ là
do sự phân chia các khối cộng đồng người nên cũng phân chia thành các
ngôn ngữ khác nhau, song có nguồn gốc với nhau.

180
6. Các ngữ hệ trên thế giới, bao gồm ngữ hệ Hán - Tạng, ngữ hệ
Nam Á, ngữ hệ Nam Đảo, ngữ hệ Phi - Á, ngữ hệ Altai, ngữ hệ ưral, ngữ
hệ Án - Âu... Các ngữ hệ ở Đông Nam Á: Ngừ hệ Nam Á, ngữ hệ Thái,
ngữ hệ Nam Đảo, ngữ hệ Hán - Tạng... Các ngữ hệ ờ Việt Nam, gồm ngữ
hệ Nam Á, ngữ hệ Ka Đai, ngữ hệ Nam Đảo, ngữ hệ Hán - Tạng...
7. Vai trò của ngôn ngữ với sự phát triển tộc người: Là phương tiện
giao tiếp tộc người, chuyển tải thông tin và lưu giữ văn hóa tộc người,
phát triển kinh tế xã hội tộc người...

Tài liêu tham khảo


1. F. Ăngghen (1957), Tác dụng của lao động trong sự chuyển biến
từ vượn thành người, Nxb ST, H.
2. Craig Braindis (2015), The Dimenson o f Hegemony - Language,
Culture and Politics in Revolutionary Russia, Koninklịịke Brill NV, Leiden.
3. Đỗ Hữu Châu (Cb)(1993), Đại cương ngôn ngữ học, Nxb GD, H.
4. Đỗ Hữu Châu (1998), Cơ sở ngữ nghĩa học từ vựng, Nxb GD, H.
5. Lê Sĩ Giáo (Cb)(2000), Dân tộc học đại cương, Nxb GD, H.
6. Nguyễn Thiện Giáp (Cb)(1998), Dấn luận ngổn ngữ học, Nxb
GD, H.
7. MW. Howells (1954), Back ofHỉstory, Double Day & Company
Inc., New York.
8. Ilin - E. Xegan (1982), Con người trở thành khổng lồ, Nxb
Tiến bộ, Mátxcơva.
9. M .o. Kosven (2005), Sơ yếu lịch sử văn hóa nguyên thủy, Nxb
KHXH,TP. HCM.
10. Nguyễn Duy Thiệu (Cb) (1997), Các dân tộc ở Đông Nam Ả,
Nxb VHDT, H.
11. Hoàng Tuệ (1984), Cuộc sống ở trong ngôn ngữ, Nxb Tác
phẩm mới, thành phổ Hồ Chí Minh.
12. Nguyễn Đức Tồn (2002), Tim hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc
của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt (trong sự so sánh với những dân tộc
khác), Nxb ĐHQGHN.

181
Chương 7

NHAN HỌC TON GIAO

7.1. CO SỎ LÝ LUẬN VẺ TÔN GIÁO


7.1.1. Bản chất củã tôn giáo
Tôn giáo bắt nguồn từ chữ Latinh religion với nghĩa relegere, là thu
lượm thêm sức mạnh siêu nhiên, còn với nghĩa religare là trói buộc ràng
buộc; ràng buộc giữa con người với hư ảo, giữa trần tục với cái thiêng
liêng. Còn tôn giáo với nghĩa tông giáo; trong đó tông là gốc, là cội
nguồn; giáo là giáo hóa, là cách dạy con người lẽ phải. Vậy, tông giáo là
“có cải gốc và lấy nó mà giáo hóa200”. Cũng có thể hiểu tôn giáo theo
nghĩa Hán - Việt, tôn là căn bản, là nơi nương tựa, là tôn kính, còn giáo
là giáo lý; tôn giáo có nghĩa là giáo lý căn bản, là giáo lý để nương tựa
“có một giảo lý xủng đảng được tôn kính, quỷ trọng ”201.
Tuy vậy, còn có nhiều quan niệm khác nhau về bản chất của tôn giáo:
- Các nhà thần học cho tôn giáo là sự ràng buộc giữa con người với
thượng đế, là ý thức mà thượng đế đã ban cho con người để luôn luôn
nghĩ về cội nguồn của mình, vì con người là sản phẩm của chúa. Đây là
quan điểm duy tâm, xuất phát từ cách nhìn nhận ý thức có trước vật chất.
- Các học giả tư sản như Kant, Taylor, Durkheim,... đã định nghĩa
tôn giáo bằng cách không đi vào bản chất của nó, mà giải thích bằng các
hiện tượng tinh thần, bằng tư duy, bằng con đường duy tâm hóa.
- Những nhà duy vật trước c. Mác đã định nghĩa tôn giáo chẳng
qua là do sự dốt nát của con người mà ra, do sự bất lực của con người
trước những hiện tượng tự nhiên và xã hội.
- Chỉ đến c. Mác và F. Ảngghen mới có những định nghĩa về tôn
giáo một cách đầy đủ và hợp lý, như “Mọi tôn giáo chỉ là sự phản ánh
một cách hư ảo vào đầu óc con người những sức mạnh bên ngoài đang

200 Đặng Nghiêm Vạn, 2001, tr. 22.


201 Minh Chi, tr. 110-111.

182
thốrỉg trị cuộc sống hàng ngày cùa họ, một sự phàn ánh mà trong đó có
những sức mạnh của trải đẩí lại khoác cái hình thức của sức mạnh
7 « 2 0 2
siêu nhién
• •

- V. Lênin trong tác phẩm Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo đã viết:
“Sự bất lực của các giai cắp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chổng bọn
bóc lột tất nhiên đè ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở bên kia
thế giới cũng giống y như sự bất lực của người thời dã man trong cuộc
đấu tranh chống thiên nhiên tất nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thảnh, ma
quỳ, vào những phép mầu...,,2ữĩ.
Như vậy, tôn giáo là một hiện tượng có thật trong lịch sừ loài
người, thuộc phạm trù ý thức hệ, được sinh ra, phát triển và mất đi trong
những điều kiện lịch sử nhất định.
Tóm lại, tôn giáo là một bộ phận, một hiện tượng có tính chất xã
hội và lịch sử, thuộc về thượng tầng kiến trúc; nó nảy sinh trong giai
đoạn con người đã có tư duy, nhưng nhận thức của họ còn thấp kém. Khi
con người bị sức mạnh của thiên nhiên khống chế và thống trị, tôn giáo là
sự phản ánh lệch lạc sức mạnh ấy, rồi đến khi xã hội có giai cấp, tôn giáo
là sự phản ánh thế giới bất công ấy một cách lệch lạc và hư ảo.

7.1.2. Nguồn gốc của tôn giáo


- Nguồn gốc xã hội: Trong thời đại nguyên thủy, do sức sản xuất
quá thấp kém, nên con người đành cam chịu trước sự uy hiếp cùa các
hiện tượng tự nhiên như lụt, bão, hạn hán, sấm, sét,... có nghĩa là sự bất
lực của con người trước sức mạnh của tự nhiên. Điều này dẫn đến việc
gán cho tự nhiên những sức mạnh thần bí/ siêu thế gian và hình thành
nên những tín ngưỡng tôn giáo. c . Mác trong tác phẩm Tư bản tập 1, có
viết: “Trình độ thấp kém của lực lượng sản xuất và sự hạn hẹp tương ứng
của quan hệ con người trong phạm vi sản xuất ra của cải vật chất; có
nghĩa rằng, sự bó hẹp của tất cả các quan hệ của con người với nhau và
con người với thiên nhiên. Sự bó hẹp tác động này được phản ánh bằng
tư tưởng trong tôn giáo cổ đại, trong sự sùng bái tự nhiên và trong các

202 c . Mác và F. Ăngghen, 1976, Tuyển tập, tập 20, Nxb. ST, H, tr. 328.
203 V. Lênin, 1978, Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, Nxb ST, H, tr.6.
183
tín ngưỡng dân giari”204. Còn F. Ăngghen cho rằng: “Tôn giáo sinh ra
trong thời đại hết sức nguyên thủy, từ những biểu hiện hết sức sai lầm
nguyên thủy của con người về bản chất chính họ”205.
Khi xã hội phân chia thành giai cấp có kẻ giàu, người nghèo, có kẻ
thống trị và người bị trị, nhân dân lao động/những người bị trị phải sống
một cuộc đời hết sức cùng quẫn, bị áp bức, bị bóc lột nặng nề. Nhân dân
lao động đã vùng dậy đấu tranh, nhưng cả trong thòi gian dài họ đã bất
lực trước những sức mạnh xã hội đang áp bức họ. Từ đó, họ tin vào số
mệnh, chúa trời, tin vào thế giới bên kia, vào cuộc sổng mai sau. Tâm
trạng bất mãn xã hội của nhân dân lao động ngày càng tăng và sự chống
đối bất lực của họ đã nảy sinh tôn giáo.
Còn giai cấp thống trị lợi dụng tôn giáo để mê hoặc quần chúng, để
củng cố địa vị thống trị của mình. V. Lênin trong tác phẩm Chủ nghĩa xã
hội và tôn giảo đã viết: “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, tôn giáo
là thứ rượu mạnh tinh thần mà những nô lệ tư bản dùng để lãng quên
hình ảnh con người của họ đòi được một cuộc đời đôi chút xứng đáng với
»99206
\
con người
Ngoài ra, căn nguyên xã hội làm nảy sinh và tồn tại của tôn giáo
còn phải kể đến sự nô lệ của con người trước những tập tục, những định
chế xã hội, như hôn nhân mua bán, tục cướp hôn, hôn nhân anh em
chồng, chị em vợ, cả những mâu thuẫn thù ghét giữa các dòng tộc, xóm
làng... Tất cả những điều đó đều là các mặt khác nhau, với những mức
độ khác nhau làm phát sinh và tồn tại tôn giáo.
- Nguồn gốc nhận thức: Nhận thức luận được coi là cơ sở đầu tiên
để ra đời tôn giáo. Trước hết, căn nguyên này bắt nguồn từ hiểu biết sai
lệch của người nguyên thủy do nhận thức thấp kém - sự hiểu biết hữu hạn
của con người là nhân tố nảy sinh nhận thức sai lệch về thế giới khách
quan. Tuy nhiên, không phải mọi nhận thức lệch lạc đều sản sinh ra tôn
giáo. Có những hiểu biết sai lệch trong cuộc sống không liên quan đến

204c. Mác, 1976, Tư bán, tập 1, Nxb. ST, H, tr. 88.


205 c. Mác, F. Ăngghen, 1984, Tuyển tập, tập VI, Nxb. ST, H, tr. 416.
206 V. Lênin, 1978, Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, Nxb ST, H, tr. 6.

184
tôn giáo. Tôn giáo chỉ ra đời từ những nhận thức lệch lạc của con người
có quan hệ đến lực lượng siêu nhiên. Vì rằng, đổi tượng của tôn giáo
là thế giới bao gồm các lực lượng siêu nhiên, vô hình, mang tỉnh thiêng
liêng, được chấp nhận một cách trực giác và tác động qua lại một cách
hư ảo với con người, nhằm lý giải những vấn đề trên trần thế cũng như ở
thế giới bên kia201”.
Hơn nữa, nhận thức lệch lạc thế giới khách quan không chỉ bắt
nguồn từ nhận thức thấp kém của con người, mà hơn thế còn bắt nguồn
từ bản chất của quá trình nhận thức như:
+ Nhận thức sai lệch của con người thể hiện trong tính năng động
của ý thức, tính thăng hoa của nhận thức, tạo nên chức năng đền bù hư ảo
của tôn giáo. Hoặc tính sai lệch của quá trình nhận thức còn bắt nguồn từ
tư duy trừu tượng, tạo nên những tưởng tượng, liên tưởng lệch lạc trong
vô vàn ý tưởng và liên tưởng hợp lý, đúng đắn.
+ Tính sai lệch của quá trình nhận thức của con người còn thể
hiện ở phép siêu hình trong quá trình nhận thức, như nhận thức tách ròi
sự vật, không thấy sự vật, hiện tượng vận động và phát triển...
+ Tính sai lệch của quá trình nhận thức còn thể hiện ở tính không
bao giờ hoàn thiện của tư duy nhận thức. Nhận thức của con người chỉ là
cái chấm nhỏ trong thái dương hệ vô bờ bến. Bởi vậy, con người không
bao giờ nhận thức được đầy đủ, toàn vẹn các sự vật và hiện tượng trong
thế giới khách quan là điều tất yếu và biện chứng.
- Nguồn gốc tâm lý: Nguồn gốc này phản ánh sự hoạt động của tâm
lý con người, nó biểu hiện các ừạng thái xúc động như đau khổ, sợ hãi,
xúc động,... cũng như các cảm giác chịu ơn, sung sướng, tức giận...
Những trạng thái tâm lý đó cũng là cơ sở cho các niềm tin, đức tin, sự thờ
phụng của tôn giáo.
- Nguồn gốc mang tính lịch sử: Tôn giáo là một bộ phận thuộc lĩnh
vực tư tưởng, ý thức xã hội; nó có cội nguồn trong tồn tại xã hội và
thường lạc hậu hơn so với tồn tại xã hội. Nó bén rễ sâu sắc trong đời
sống tinh thần của nhân dân và thường tồn tại rất lâu dài, dai dẳng, cả

207 Đặng Nghiêm Vạn, 2001, tr. 64 - 65.

185
những khi tồn tại xã hội sản sinh ra nó không còn nữa. Hơn thế nữa, là
một bộ phận của đời sống tinh thần, tôn giáo thường có sự kế thừa những
yếu tố tôn giáo thời kỳ trước, hoặc biển đổi, phát triển trên nền tôn giáo
trước đó.
Tuy nhiên, trong tất cả các căn nguyên sản sinh ra tôn giáo, chỉ có
các mặt khác nhau của căn nguyên xã hội mới là nhân tố có tính quyết
định đến sự ra đời và tồn tại của tôn giáo, còn các mặt khác của căn
nguyên nhận thức, tâm lý, tính kế thừa lịch sử chỉ là tiền đề, khả năng
cho sự ra đời và tồn tại của tôn giáo.

7.1.3. Tinh chất và chức năng của tôn giáo


- Tính lịch sử: Tôn giáo là một phạm trù lịch sử, nghĩa là nó xuất
hiện và tồn tại trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Tôn giáo không
xuất hiện cùng với sự xuất hiện của loài người. Những người nguyên
thủy đã từng sống hàng chục vạn năm không có tôn giáo. Tôn giáo mang
tính lịch sử, vì rằng nó ra đời, tồn tại và thay đổi trên cơ sở những điều
kiện lịch sử nhất định của tồn tại xã hội.
- Tính quần chúng: Tôn giáo phản ánh nhu cầu giải phóng và nhu
cầu hạnh phúc của con người, những nhu cầu tinh thần đó làm giảm bớt
những nỗi khổ đau của con người do cuộc sống khắc nghiệt sinh ra. Tôn
giáo thâm nhập vào quần chúng nhân dân, qua nhiều thế hệ và biến thành
đức tin, thành lối sống và lẽ sống, thành văn hóa đạo đức của xã hội trong
một giai đoạn lịch sử khá dài. Có nơi sinh hoạt tôn giáo đã trở thành nhu
cầu tinh thần của dân tộc, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển
dân tộc.
Tính quần chúng của tôn giáo còn thể hiện trong tính kế thừa từ thế
hệ này sang thế hệ sau, nó ăn sâu vào tinh thần và đời sống của nhân dân.
Nếu bị kích động, tôn giáo trở thành phong trào có tính tích cực, nhưng
cũng có khi tiêu cực.
- Tính chính trị: Tính chính trị của tôn giáo được thể hiện trong xã
hội có giai cấp đối kháng, qua sự phản kháng tiêu cực của quần chúng
đổi với chế độ áp bức, bóc lột, bằng cách đi tìm hạnh phúc hư ảo ở “thế
giới bên kia”. Chính điều đó đã bị giai cấp thống trị lợi dụng, chúng biến
tôn giáo thành công cụ thống trị, áp bức, bóc lột và mê hoặc quần chúng.
186
- Chức năng đền bù: Trong xã hội nguyên thủy, con người dân chủ
và bình đẳng, nhưng nghèo đói, bất lực trước sức mạnh tự nhiên, rồi đến
khi xã hội phân chia thành giai cấp, kẻ giàu, người nghèo, xét về sự phát
triển của lực lượng lao động là một bước phát triển vĩ đại, nhưng xét về
đạo đức xã hội là một bước thụt lùi. Con người ngày càng bị nhà nước,
giai cấp, đồng tiền thống trị và chi phối. c . Mác gọi đó là sự tha hóa của
nhân loại. Trong nỗi đau tràn ngập đó, tôn giáo hiện lên như một món ăn
tinh thần, an ủi, vỗ về con người bằng một hạnh phúc hư ảo/ đền bù hư
ảo ở thế giới bên kia.
- Chức năng thế giới quan: Trong thời kỳ công xã nguyên thủy,
nhận thức của con người còn thấp kém. Họ không thể hiểu được các hiện
tượng của thế giới khách quan đang chi phối đến cuộc sống hằng ngày
cửa họ, như mưa, lũ, hạn hán, nghèo đói, ốm đau, chết chóc,...và tôn
giáo có tác dụng lý giải các hiện tượng tự nhiên và xã hội đó bằng hình
thức siêu nhiên hóa.
Trong quá trình phát triển về sau, mặc dù khoa học phát triển, nhận
thức con người ngày càng được nâng cao, nhưng một thực tế là nhận thức
cửa con người vốn rất hữu hạn trong cái vô hạn của thế giới. Sự mâu
thiuẫn giữa khả năng hữu hạn với nhu cầu nhận thức vô hạn của con
người là cội nguồn sản sinh thế giới quan tôn giáo.
Tuy nhiên, cách giải thích thế giới quan tôn giáo không cùng
hướng với khoa học; nếu khoa học dựa vào thực tiễn khách quan để tìm
ra chân lý, thì tôn giáo giải thích thế giới theo hướng ngược lại, theo
hurớng Đấng sáng thế, Đấng tối linh tối thiêng, thần linh,... sáng tạo,
quiyết định các sự vật và hiện tượng của thế giới khách quan. C.Mác đã
coii tôn giáo có “thế giới quan lộn ngược208”.
- Chức năng liên kết: Trong xã hội có giai cấp đối kháng, con
người ngày càng bị “tha hóa”, bế tắc. Họ đều có nguyện vọng muốn giải
thioát khỏi nỗi khổ đau, nghèo đói và bần cùng. Tôn giáo giúp cho don
người thoát khỏi nỗi khổ đau đó, mặc dù sự giải thoát “ở thế giới bên
k m ”. Chính điều đó đã tạo cho tôn giáo chức năng liên kết tất cả mọi tầng
lớrp, giai cấp, chủng tộc, sắc tộc, dân tộc trên thế giới.

208 Viện nghiên cứu tôn giáo, 1994, tr. 11.

187
7.2. CÁC HÌNH THÁI TÔN GIÁO NGUYÊN THỦY Được NGHIÊN
CỨU TRONG NHÂN HỌC TÔN GIÁO
Các hình thái tôn giáo nguyên thủy thường là đối tượng nghiên cứu
trong nhân học và dân tộc học; nó bao gồm những hình thái sau đây:

7.2.1. Tô tem giáo (Đạo yật tổ)

Từ “Tô tem giáo” lần đầu tiên được đưa vào sách báo khoa học
châu Âu vào cuối thế kỷ XVIII trong tác phẩm của Máclennan về sự thờ
cúng động vật và thực vật (1770). Các nhà nghiên cứu đã khẳng định
rằng, Tô tem giáo có hai mặt: Mặt xã hội và mặt tôn giáo với các đặc
điểm cơ bản, như:
- Coi thị tộc mình như là một bộ phận của thiên nhiên, ngang bàng
với thế giới động vật, thực vật.
- Quan niệm các thành viên của thị tộc có nguồn gốc tò động vật
hay thực vật nào đó.
- Nghiêm cấm ăn thịt Tô tem.
Tô tem giáo là một hình thức đầu tiên của sự nhận thức tôn giáo về
những quan hệ họ hàng, là lòng tin quan hệ họ hàng của một nhóm người
nhất định với một nhóm động vật, thực vật, côn trùng này hay khác và
những nghi lễ, thể thức gắn liền với nó.
Như vậy, Tô tem giáo xuất hiện trong thời kỳ thị tộc sơ khai, khi
con người còn hiểu rằng họ cũng như thế giới động, thực vật và dường
như động thực vật là một nửa thứ hai hoàn toàn bình đẳng với nửa kia
của con người.

7.2.2. Ma thuât
• làm hai

Những nghi lễ và tín ngưỡng ma thuật không thể quy vào nguồn
gốc chung, chúng có những nguồn gốc khác nhau, như việc dùng ma
thuật để chữa bệnh gắn liền với nguồn gốc y học của nhân dân, ma thuật
làm hại bắt nguồn từ sự thù hằn giữa các bộ lạc, ma thuật tình yêu bắt
nguồn từ những thủ đoạn nửa bản năng của sự quyến rũ, ma thuật săn
bắn bắt nguồn tò những kỹ thuật săn bắn...

188
Cơ sở đầu tiên cùa ma thuật làm hại là sự xích mích giữa các thị
tộc, là sự chống trà, sự sợ hãi trước sức mạnh của kẻ thù, trước sức mạnh
vô hình đang làm hại họ. Người nguyên thủy cho rằng, năng lực của con
người có thể thông qua những eách đặc biệt, bí mật mang đến những
nguy hại cho người khác. Sự xung đột, thù địch, đánh phá xảy ra giữa các
thị tộc mà từ đó cả những sự không may, bệnh tật và ngay cả sự chết
chóc của bất cứ một ai trong thị tộc, bộ lạc đều do kẻ thù không trông
thấy gây ra. Khi công xã nguyên thủy bắt đầu tan rã và xã hội chuyển
sang phân chia giai cấp, ngoài xung đột giữa các thị tộc, bộ lạc còn xung
đột trong nội bộ công xã. Vì vậy, theo con người thời bấy giờ không chỉ
người ngoài cộng đồng làm hại, mà là người trong cộng đồng cũng có thể
làm hại lẫn nhau.
Ngoài nguyên nhân xã hội, ma thuật làm hại còn có sơ sở tâm lý là
nỗi căm tức trút xuống những người xung quanh như là một phương tiện
vô ý thức để giảm bớt sự tức giận. Nhưng khi hiện tượng đó kèm theo ý
thức cho rằng, những hoạt động như thế có tác hại đối với người mà
mình căm ghét, từ đó nảy sinh tín ngưỡng ma thuật làm hại.

7.2.3. Ma thuật tình yêu và những nghi lễ liên quan đến tình dục

Đây là hình thái tôn giáo có liên quan đến quan hệ nam nữ, cũng
như quan hệ tình dục. Hình thái tôn giáo này bao gồm các mặt sau đây:
Ma thuật tình yêu, các lễ nghi tình yêu và tình dục, những hình thức khác
nhau của sự kiêng cấm giới tính, những mê tín dị đoan về mối liên hệ
tình dục giữa người và thần, sự thờ cúng thần tình yêu.
Ma thuật tình yêu (hay ma thuật tình dục) là hoạt động bản năng
của con đực săn đón con cái (là chủ yếu) và ngược lại, bằng những
phương pháp có tính chất siêu nhiên. Lúc đầu, chưa có gì là ma thuật cả
mà chỉ là những phương pháp chất phác dùng những cử chỉ, âm thanh,
trang điểm,... lôi kéo sự chú ý của người khác giới. Sau này, họ hiểu
những điều đó như là sự tác động của một sức mạnh đặc biệt - một sức
mạnh có tính thần bí và siêu nhiên. Từ đó, bắt đầu phát triển những nghi
lễ tình dục mà trong đó yếu tố ma thuật xuất hiện ngày càng nhiều.

189
Phạm vi quan hệ tình dục đã từ ỉâu đổi với con người là một lĩnh
vực huyền bí và khó hiểu. Trong đó sự thống trị của chế độ quần hôn là
nguyên nhân chính dẫn đến điều khó hiểu và huyền bí đó.
Ma thuật tình yêu có hai hình thức cơ bản: Ma thuật tiếp xúc và ma
thuật mô phỏng.
7.2.4. Ma thuât
• chữa bênh

Ma thuật chữa bệnh là toàn bộ những thủ thuật chữa bệnh ít nhiều
hợp lý theo kinh nghiệm tự phát hàng nghìn năm của nhân dân tạo ra,
nhưng mọc lên trên đó những biểu tượng ma thuật mê tín, đã làm cho
hình thức chữa bệnh thành những hoạt động phù phép, lừa bịp hoàn toàn
phi lý.
Sỡ dĩ ma thuật chữa bệnh bắt nguồn từ quan niệm con người bị đau
ổm, bệnh tật hay chết chóc là do hai nguyên nhân sau đây:
- Hồn rời khỏi xác trong một thời gian (trường họp bị ốm) hay vĩnh
viễn (trường hợp bị chết). Hồn rời khỏi xác vì các lý do: Vì hoảng sợ giật
mình trước một sự kiện bất ngờ đến với mình, hoặc bị một lực lượng siêu
nhiên khác hay hồn người khác khỏe hơn áp đảo hoặc bắt giữ, hoặc vì
mải mê với cảnh đẹp, thú vui trên cõi đời mà không về với xác, hoặc bị lạc...
- Do một lực lượng siêu nhiên nhập vào xác đánh đuổi hoặc xúc
phạm đến hồn. Nguyên nhân là do hồn người xúc phạm đến lực lượng
siêu nhiên, hoặc vì ma quỷ túng đói đòi ăn, hoặc vì ma muốn nhờ hồn
hay muốn bắt “hồn” về làm vợ, làm tôi tớ...
Ma thuật chữa bệnh về cơ bản có hai hình thức: Bói tìm nguyên
nhân gây bệnh, thực hiện việc cúng tế - cầu nguyện để gọi hồn về hoặc
dùng những hoạt động phù phép để đuổi tà ma đột nhập vào thân thể
người bệnh.

7.2.5. Tang lễ (ma chay)


Ma chay mang nhiều ý nghĩa, như đưa xác đi để người chết khỏi
gây tai vạ, tỏ tình thương thực sự giữa người sống với người chết, tức là
thể hiện sự chia ly, đưa tiễn giữa người sống với người chết và sắp xếp
cho người chết tiếp tục sống ở thế giới bên kia.

190
Ma chay là hình thái biểu thị toàn bộ các nghi lễ tôn giáo có quan
hệ với người chết và những tín ngưỡng gắn liền với nghi lễ đó. Nguồn
gốc ma chay là sự tổng hợp những mê tín cảm xúc, lẫn với những ý niệm
đạo lý. Mê tín là vì họ hiểu rằng người chết vẫn còn sống. Từ đó, gán cho
người chết bản chất siêu nhiên, gây sự sợ hãi cho người sống.
Rất có thể sự sợ hãi đó lúc ban đầu còn yếu ớt, trong quan niệm của
họ, người chết vẫn còn sống, về sau sự sợ hãi càng tăng, nhận thức về
cái chết vì thế càng phức tạp, xuất hiện khái niệm “linh hồn”, “thể xác”.
Linh hồn sống vĩnh viễn và sau nữa là thể giới của linh hồn.

7.2.6. Lễ th àn h đinh
Lễ thành đinh bắt nguồn từ tiếng Latinh “Intration” nghĩa là truyền
thụ hay gia nhập vào thành viên mới. Mục đích của nghi lễ tôn giáo này
là công nhận người chịu lễ trở thành thành viên của bộ lạc, nhằm củng cố
ý thức cộng đồng bộ lạc, tập họp các thành viên thành một khối thống
nhất; nó đánh dấu kết quả một quá trình giáo dục người chịu lễ có tư cách
là một người lao động hiểu biết phong tục tập quán và lòng hy sinh để
bảo vệ bộ lạc.
Lễ thành đinh là toàn bộ những hoạt động có tính chất thần bí để
giáo dục c ác thành viên có ý thức cộng đồng, sức chịu đựng và lòng kiên
nhẫn nhằm cùng cố sức mạnh và sự liên kết của bộ lạc.
Hình thức cơ bản của buổi lễ là đặt ra những biểu tượng thần bí,
những nghi lễ thừ thách sự chịu đựng, để giáo dục tinh thần anh dũng,
chịu khó, 'Cần cù lao động và đoàn kết cũng như các luật lệ xã hội cho
một thành viên nam giới đến tuổi trưởng thành.
Một nghi thức quan trọng trong “lễ thành đinh” là tổ chức “tái
sinh” - sinh lại lần thứ hai cho thành viên chịu lễ. Khi tổ chức “lễ tái
sinh” phái tạo ra vị thần đỡ đầu. Đây là hình thức thai nghén của việc thờ
thần bộ lạc.
Tómi lại, đây là một hình thái tôn giáo ra đời trong thời kỳ bộ lạc và
về sau hùứi bóng của nó vẫn tồn tại trong các tôn giáo của xã hội có giai
cấp, như Lễ chịu tội của Kitô giáo, lễ khai tin của đạo Tin lành, lễ cắt
khuy đầu <của đạo Do Thái và như lễ kết nạp thành viên mới trong Hội
kín, cấp sắic ở người Dao...
191
7.2.7. Những nghi thức thò' cúng liên quan đến nghề nghiệp
Hình thái này xuất hiện trong thời kỳ xã hội đã có sự phân biệt
người tài, người hèn... Người ta hiểu sự hơn kém tài hèn là do thần linh
tạo ra, thần linh phù hộ, đó là cơ sở cho sự ra đời những nghi thức thờ
cúng có liên quan đến nghề nghiệp. Nghi lễ này là tổng thể những nghi
thức nhằm bằng con đường siêu nhiên giành được kết quả trong săn bắn,
đánh cá... Cùng với những biểu tượng vật linh, ma thuật gắn liền với các
nghi lễ đó.
Những biểu hiện chủ yếu của nghi thức thờ cúng liên quan đến
nghề nghiệp, như:
- Sử dụng những ma thuật như phù phép trên công cụ, nhảy múa
bắt chước các loài vật, những kiêng cấm và những phòng ngừa khác trong
săn bắn.
- Nhảy múa và đâm chém con vật tượng trưng hoặc hóa trang
người thành những con thú.
- Thờ cúng các vị thần, các tổ sư của các nghề nghiệp, như các thần
thú, thuồng luồng...
- Những kiêng cấm và những phòng ngừa khác.

7.2.8. Những nghi thức thò’ cúng liên quan đến thị tộc mẫu hệ
Hình thái tôn giáo này Tokarev gọi là “sự thờ cúng thị tộc mẫu hệ
đổi với vật thiêng và các thần che chở mục đích của nghi thức này là
cùng cố khối thống nhất cùa thị tộc mẫu hệ”209.
Nội dung chủ yếu của hình thái này là thờ cúng những vật trong
nhà có liên quan đến những phụ nữ và lòng tin vào việc người phụ nữ
(người mẹ) đã chết có khả năng phù hộ hay gây gại cho gia đình.
Những biểu hiện chủ yếu:
- Thờ cúng hình tượng người phụ nữ.
- Thờ bếp lửa và những vật liên quan đến bếp lừa.
- Những kiêng kỵ liên quan đến bếp lửa.

209 S.A. Tocarep, 1994.tr.34.

192
Cơ sở hình thành tôn giáo này là thị tộc mẫu quyền đi vào con
đường tan rã, để tăng thêm sức mạnh uy quyền cho thị tộc, củng cố khối
thống nhất của nó, người ta thần thánh hóa sức mạnh người phụ nữ, tạo
nên hình tượng thần “phụ nữ” che chờ cho bộ lạc.
7.2.9. Thò- cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là một hình thức tôn giáo phát triển trong một giai
đoạn lịch sử tương đối muộn - giai đoạn thị tộc phụ quyền. Đây là sự thờ
cúng ông bà, cha mẹ và những người đồng tộc đã chết, tức là lòng tin tổ
tiên đã chết che chở cho con cháu đang sổng.
Thờ cúng tổ tiên gắn liền với uy quyền của người đàn ông - người
cha. Đó là sự phản ánh những sợ hãi, cũng như sự quy thuận của các
thành viên trong gia đình đối với người gia trưởng khi họ còn sổng hoặc
đã chết. Chủ trì việc thờ cúng tổ tiên là người gia trưởng, thông qua đó
nhằm tăng thêm uy tín, quyền uy của người cha, khẳng định lần nữa
quyền thừa kế tài sản của người con trai trường.
Thực tế, việc thờ cúng tổ tiên là cúng ma lành, thần thiện, nhưng tổ
tiên cũng có thể gây hại cho con cháu, nếu con cháu đối xử không đúng
với bố mẹ đã chết, hoặc cúng bái không đầy đủ.
Nếu như gia đình mẫu hệ có hình ảnh thần che chở cho gia đình thị
tộc, một hình ảnh được thể hiện qua bếp lửa, hay một vật thiêng nào đó,
là hình ảnh của tổ tiên thị tộc hay gia đình, thì đối tượng của thờ cúng tổ
tiên là có thực, tức là những người đồng tộc bị chết (khác với tổ tiên Tô
tem không thực).
Hai hình thức tôn giáo đó thực chất giống nhau về vai trò, nhưng sự
thờ cúng tổ tiên còn hàm chứa một yếu tố mới. Đó là sự phản ánh hoang
đường quyền hành gia trưởng của người đứng đầu gia đình và cả thị tộc
phụ quyền.

7.2.10. Sa man giáo


Sa man giáo là một hình thức tôn giáo có nhiều yếu tố giống ma
thuật, nhưng Sa man giáo khác ma thuật ở chỗ, nếu bản thân ma thuật
quan niệm bản thân người làm ma thuật có một phương pháp, sức mạnh
siêu linh, thì Sa man tự cho mình là người môi giới, là hình bóng của siêu nhiên.
193
Sa man giáo là hình thái tôn giáo dùng phù phép đưa con người vào
trạng thái hôn mê để trực tiếp giao tiếp với các thần linh, nhờ thần linh
giúp đỡ.
Thuật ngữ “Sa man giáo” lấy từ dân tộc Mán ở Đông Bắc Trung Quốc
và Xibiri, Việt Nam dịch là đạo phù thủy.
Mục đích của Sa man giáo là nhằm để chữa bệnh cho người và nhờ
thần linh phù hộ cho mọi việc. Người làm nghề Sa man không cha truyền
con nối, chỉ khi được thánh nhập vào sau cơn ốm nặng hay nằm mơ thấy
cần phải làm nghề này. Người làm nghề Sa man phải có một tổ sư
(thánh) nhập vào và phải có âm binh giúp đỡ (là những thần linh thừa
lệnh tổ sư giúp thầy Sa man đánh nhau vói ma quỷ).
Thầy Sa man có dụng cụ hành nghề riêng như áo, mũ, gươm, dao,
ống đựng vật thánh... Khi làm lễ, thầy phù thủy nhảy múa, ca hát điên
cuồng để giao tiếp với thần linh.
Hoạt động của Sa man giáo bao gồm:
- Lên đồng để nhập vào cõi thần hoặc thần nhập vào công cụ hay
thân thể của thầy Sa man.
- Sử dụng các nghi lễ như nhảy múa, hiến tế cho thần linh để liên
hệ với thần linh chữa bệnh cho người ốm.
7.2.11. Thờ thần bản mệnh
Thờ thần bản mệnh là việc tin vào mỗi cá nhân đều có một vị thần
linh bảo vệ mình. Hình thái tôn giáo này thể hiện bước đầu sự tan rã của
CXNT bằng việc cá nhân tách khỏi phạm vi đời sống tinh thần của công
xã. Nói cách khác, việc thờ cúng bản mệnh chỉ xuất hiện khi nào có khái
niệm cá nhân đối lập với tập thể.
Nội dung cơ bản của thờ thần bản mệnh là mỗi người (người cha
gia trưởng) đi tìm cho mình con tin tiêng, con tin là chủ thần hộ mệnh, là
vật thiêng đi suốt cuộc đời người đó. Con người tin rằng, để làm ăn may
mắn, thành đạt, họ cần có một lực lượng siêu nhiên che chở.
7.2.12. Hội kín (Liên minh bí mật)
Đây là hình thái tôn giáo mà trong đó vai trò xã hội thể hiện rõ
nhất. Sùng bái hội kín là sự biến dạng của lễ thành đinh, được ra đời vào
cuối xã hội nguyên thủy, đầu xã hội có giai cấp.
194
Đây là tô chức tôn giáo của những người giàu có, nhăm uy hiêp các
thành viên khác của cộng đồng. Họ cho ràng, những thành viên của hội là
con của thần, được thần hóa kiếp người, được thần ủng hộ, qua đó tăng
thêm vai trò quyền uy của mình.
Những biểu hiện chính của hội kín:
- Tổ chức lễ hóa kiếp tượng trưng cho các hội viên vừa được kết
nạp vào hội.
- Hội viên phải khổ luyện một vài phép thuật, tà ma và một số
kiêng kỵ nhất định trong sinh hoạt và ăn uống.
- Đặt tên khác và tìm thần chủ cho mình.
Như vậy, toàn bộ hội kín bao trùm không khí bí mật, dè chừng.
Theo Tocarep: Hội kín là công cụ đắc lực làm tan rã lần nữa thị tộc mẫu
hệ, xác lập vai trò của xã hội phụ hệ. Nó còn là công cụ chuyên chính
của người giàu đối với người nghèo. Thường đứng đầu hội kín là nhũng
tù trưởng, thù lĩnh quân sự210.

7.2.13. Sự sùng bái tù trưởng

Hình thái tôn giáo này nhằm thần thánh hóa quyền lực của người tù
trưởng - thủ lĩnh có quyền lực siêu nhiên, sinh ra để cai quản con người
và là người trung gian của thế giới người và thế giới thần thánh.
Hình thái tôn giáo này ra đời khi xã hội CXNT tan rã, xã hội có giai
cấp đã dần dần hình thành, lúc mà người tù trường, thủ lĩnh quân sự trở
thành người có quyền uy, giàu sang. Các thủ lĩnh, tù trưởng một mặt
củng cố địa vị của mình bằng của cải vật chất, mặt khác lợi dụng tôn giáo
để củng cố địa vị của họ về mặt tư tưởng.
Những biểu hiện về hình thái tôn giáo này, như:
- Cho rằng quyền lực tù trưởng là siêu nhiên, có sức mạnh vô tận
và có thần linh giúp đỡ để cai quản các thành viên trong thị tộc bộ lạc.
- Tin rằng thủ lĩnh đã chết biến thành các thần linh có sức mạnh
hơn người.

210 S.A. Tocarep, 1994, tr. 59.

195
- Thủ lĩnh, tù trưởng có nhiệm vụ cầu đảo cho dân, đảm bảo cuộc
sống yên lành cho dân, không để cho thần thánh, ma quỷ quấy rầy; họ có
khả năng giao tiếp với thần thánh.
Như vậy, hình thái tôn giáo này bắt nguồn từ sự phân hóa các tầng
lớp người trong xã hội và từ quan niệm cho rằng con người có khả năng
liên hệ với thần linh, hoặc được thần linh nhập vào giúp đỡ.
7.2.14. Thờ thần bộ lạc

Thần bộ lạc hình thành vào buổi giao thời của xã hội tiền giai cấp
và xã hội có giai cấp. Thời kỳ này chiến tranh bộ lạc diễn ra liên miên để
thôn tính lẫn nhau hình thành nên những liên minh bộ lạc. Vì vậy, thờ
thần bộ lạc không chỉ biểu hiện quan niệm các thần linh sẽ giúp đỡ, che
chở bộ lạc trong mọi mặt, mà còn biểu hiện sự sắp xếp vị trí, chức năng
của các thần. Cụ thể là thần của bộ lạc thắng trận sẽ là thần đứng đầu
trong miếu vạn thần của bộ lạc, như:
- Thần văn hóa: Dạy cho các thần linh bộ lạc biết được tập quán,
phong tục cũng như các hoạt động văn hóa hoặc tôn giáo.
- Thần chiến tranh: Phục vụ cho chiến tranh bộ lạc, chiến tranh do
thần sai khiến.
- Bán thần: Nguồn gốc là người, nhưng được hình tượng hóa thành
thần. Các vị thần này ở thế giới riêng, là trung gian giữa người và thần.
Là một một tôn giáo xuất hiện trong thời kỳ tan rã của công xã
nguyên thủy, chuyển sang xã hội có giai cấp, thờ thần bộ lạc đã có hình
thức là một tôn giáo có quy pháp và nghi thức chặt chẽ. Ở đây, giới tăng
lữ đã hình thành, đền miếu xuất hiện.
Như vậy, hình thái thờ thần bộ lạc là sản phẩm sự của pha trộn
chồng chéo nhiều quan niệm thần thoại: Nhân thần, thần thiên nhiên và
cả hình ảnh của các thần chuyên môn hóa nghề nghiệp.
7.2.15. Những nghi lễ liên quan đến nông nghiệp
Đây là hình thái tôn giáo xuất hiện khi con người thuần dưỡng
được cây trồng, nghề trồng trọt xuất hiện. Nó bao gồm nhiều nghi lễ tôn
giáo liên quan đến nông nghiệp, như:

196
- Ma thuật nông nghiệp: Lễ thức này thường được áp dụng vào việc
trồng trọt những loại cây như bầu, bí, khoai sọ... Đây là những hình thức
ma thuật bắt chước, như vùi đá trước khi trồng khoai, môn hoặc treo
những dãy vỏ sò ốc ở dàn bầu bí.
- Thờ thần lúa: Đây là hình thức nhân cách hóa cây trồng như mẹ
lúa, mẹ ngô (thường là phụ nữ). Những vị thần “mẹ” đó có thể cho cây
trồng được tốt tươi.
- Thờ thần công xã nông thôn: Thần công xã chủ yếu là thần nuớc,
vì nước là yếu tố quan trọng nhất của nông nghiệp, về sau, thần công xã
là thần sáng lập hoặc thần có công với công xã.
- Các nghi lễ theo chu kỳ sản xuất: Các lễ hội, lễ nghi theo chu kỳ
sản xuất thường trùng với nông lịch, như lễ xuống đồng, lễ trừ sâu, lễ thu
hoạch, lễ cơm mới...
7.3 MỘT SỐ KHÍA CẠNH CỦA TÔN GIÁO TRONG NGHIÊN
CỨU NHÂN HỌC

7.3.1. Nghi lễ trong tôn giáo


Nghi lễ là nghi thức vái, lạy để tỏ lòng sùng kính211; nó có gốc từ
tiếng Latinh là ritus, để chỉ những nghi lễ có quan hệ với thế giới siêu
nhiên. Nó bao gồm những thói quen, những tập tục, những cung cách
hành động có quan hệ với hành vi thuần túy tôn giáo212 và cả những hành
vi thế tục. Ví dụ, các nghi lễ thuần túy tôn nghi là các nghi lễ, như rửa
tội, xưng tội, lễ giáng sinh trong Thiên Chúa giáo, lễ Phật đản, lễ vu lan
trong Phật giáo. Còn các nghi lễ mang tính thế tục, như nghi lễ liên quan
đến chu kỳ đời người, nghi lễ liên quan đến chu kỳ sản xuất nương rẫy...
Tuy nhiên, cách xác định này cũng mang nghĩa tương đối, bời vì trong
tôn giáo đã mang tính thế tục và ngược lại trong nghi lễ thế tục luôn
mang tính tôn giáo.
Vai trò của nghi lễ là không chỉ biểu đạt những giáo lý, thực hành
niềm tin tôn giáo bằng những hành vi cụ thể mà còn là phương thức củng

211 Đăng Nghiêm Vạn, 2001, tr. 24.


2,2 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 172.

197
cố mối quan hệ cộng đồng, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống,
góp phần cấu trúc hóa các phong tục tập quán. Và đến lượt mình, nghi lễ
cũng giống như phong tục tập quán là những quy ước lặp đi lặp lại nhiều
lần thành thói quen, ăn sâu vào nếp sống, vào tâm thức tôn giáo, vào đời
sống xã hội, được mọi người thừa nhận và tuân theo.
Nghi lễ còn là một bộ phận của đời sống văn hóa tộc người. Vì vậy,
mặc dù có những điểm tương đồng, nhưng nghi lễ còn bao hàm các nét
khác biệt của văn hóa tộc người. Bản thân nghi lễ tộc người cũng biến
đổi cùng với sự biển đổi của đời sổng xã hội, ví như có nghi lễ truyền
thống, có nghi lễ hiện đại, có nghi lễ bị xem là hủ tục, như lễ đâm trâu, lễ
tế thần...
Tuy nhiên, nghi lễ không thuần túy là những hành vi tôn giáo, mà
trong nhiều trường họp, có quan hệ mật thiết với bối cảnh kinh tế, xã hội
của tộc người. Phan Thị Yến Tuyết trong Nhân học đại cuơng của
ĐHQGTPHCM đã dẫn lại từ Lương Văn Hy, những quan điểm khi
nghiên cứu về nghi lễ cộng đồng, có thể vận dụng các lý thuyet nghiên
cứu trong dân tộc học và nhân học để lý giải các nguyên nhân và mối
quan hệ giữa nghi lễ và điều kiện kinh tế, xã hội của tộc người, mư:
- Lý thuyết chức năng của Malinowski nhấn mạnh đến chức năng
tâm sinh lý cùa nghi lễ, vỉ dụ cư dân đảnh cá ở trong đầm vì không nguy
hiểm, nên họ không cần tiến hành các nghi lễ phù phép. Tuy nhièn khi ra
biển đánh cá, mức nguy hiểm tăng, kết quả công việc bấp bênh, tạo nên
tâm lý bất an, vì vậy họ cần thực hiện các nghi lễ cúng tế, phù phép để
trấn an tinh thần. Do đó, Malinowski đưa ra giả thiết là môi trưcng càng
bất an, thì con người kết quả càng bấp bênh càng cần đến nghi lễ, phù
phép. Tương tự như vậy, nghề nghiệp càng bất an, như người buôn bán
và con người trong nền kinh tế thị trường có mức độ cạnh tranh cao thì
có xu hướng đi lễ nhiều nơi, vái tứ phương. Theo Malinowski, việc đóng
tàu đi biển bao giờ cũng có các nghi lễ ma thuật vì nghề đi bún nhiều
may rủi khó lường, hay làm một nghề gì mà con người có tân lý bấp
bênh, kết quả công việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà con người không
thể khắc phục được, thì lúc đỏ nghi lễ tôn giáo sẽ hỗ trợ2'3.

2,3 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 174-175.

198
- Lý thuyết cấu trúc của L. Strauss nhấn mạnh đến việc tổ chức các
nghi lễ liên quan đến các cấu trúc trong tư duy logic của con người. Vi dụ
tư duy con người về các cặp đổi lập mà cơ bản nhất là Trời/ Đất, Đực/ Cái.
Từ tư duy đối lập, con người tìm ra các yếu tố trung gian, như lửa là
trung gian giữa mặt trời nóng rực và mặt đất giá lạnh; và từ đó ra đời các
nghi lễ thờ cúng lừa, như nghi lễ thờ Thần bếp, Táo Quân... Lửa là trung
gian để tạo sự ổn định cân bằng không xáp gần nhau và cũng không xa
mắt nhau: Xáp lại nhau thì bị thiêu cháy, xa mất thì sẽ hoang lạnh tuyệt
diệt2'4”. Theo cách đó, L. Strauss đã cẳt nghĩa hàng loạt những nghi lễ và
cả các biểu tượng thần thoại theo tư duy hai “đối cực”, “»ó được thay
bằng hai thành phần tương đương và một thành phần trung gian (biến
thể thứ nhất), sau đó từ một “đối cực ” và một thành phần trung gian lại
nảy sinh một biến thể thứ hai... Cứ thế tiếp tục, ta có nhĩmg chuỗi biến
thể xoav quanh một trục chung...”2'5. Ví dụ: Sự sống và cái chết, sẽ thay
hai thành phần tương đương là vật nuôi và con vật đã giết thịt; một thành
phần trung gian là lễ tục đâm trâu, rồi tiếp đến từ vật nuôi ta có chăn
nuôi, con vật giết thịt ta có săn bắn, còn lễ tục đâm trâu ta có thần gia
súc, thần rừng; từ cặp chăn nuôi và thần gia súc ta có nghi lễ liên quan
đến vật nuôi, còn thần rừng và săn bắn ta có nghi lễ ma thuật liên quan
đến săn bắn... Cứ như vậy, ta có thể suy đoán, lý giải các hiện tượng
nghi lễ trong đời sống các tộc người.
Trong hoạt động nghi lễ của loài người về cơ bản có thể phân thành
hai loại: Nghi lễ tăng cường sức mạnh cộng đồng và nghi lễ chuyển đổi.
- Nghi lễ tăng cường sức mạnh cộng đồng: Nghi lễ tăng cường sức
mạnh cộng đồng thường được thực hiện khi cộng đồng gặp những biến
cố nào đó, nhằm giúp cho các thành viên gắn bó với nhau hon, lạc quan
hơn để vượt qua những khủng hoảng trong cuộc sống, như lũ bão, hạn
hán, dịch bệnh, mất mùa, đói kém... Trong những trường họp như vậy,
các nghi lễ được tiến hành để cộng đồng vượt qua khó khăn, thách thức
trong cuộc sống.

214 Trịnh Bá Đĩnh, 2002, tr.28.


2,5 Trịnh Bá Đĩnh, 2002, tr.30.

199
Ngoải ra, nghi lễ còn liên quan đến các hình thức lễ hội của cộng
đồng để biểu đạt ước vọng của người dân về mùa màng tốt tươi, thiên
nhiên thuận hòa, nghề nghiệp thành đạt. Họ tổ chức các nghi lễ như cầu
mong các thế lực siêu nhiên phù hộ để cộng đồng có thêm sức mạnh vượt
qua những trở ngại trong cuộc sống.
Như vậy, nghi lễ tăng cường sức mạnh của cộng đồng, là những
hình thức cúng tể, dâng lễ vật, tổ chức lễ hội với sự tham gia của mọi
thành viên để thực hiện một tâm thức tôn giáo, một ước vọng no ấm,
hanh phúc; nó thể hiện tính cộng cảm, cộng mệnh, cộng đồng để kết dính
mọi người lại với nhau.
Ở Việt Nam, những nghi lễ trong các lễ hội liên quan đến chu kỳ
sản xuất nông nghiệp với nghi lễ tăng cường sức mạnh cộng đồng, như lễ
hội cầu mùa ở nhiều dân tộc, lễ té nước ờ người Thái, các lễ nghi trong
sản xuất nương rẫy, lễ hội chuyển mùa của dân tộc Chăm (lễ Rija Nưgar
đầu năm). Theo Ngô Văn Doanh, lễ hội này là thể hiện ý nguyện của
cộng đồng, cầu mong hạn hán nhanh chóng qua đi để những cơn mưa
đến, cho cây cối tốt tươi, cho mọi người làm ăn thuận lợi216.
- Nghi lễ chuyển đổi: Thuật ngữ này dùng để chi những nghi thức
của con người liên quan đến chu kỳ đời người. Thuật ngữ này rộng hơn
nghi lễ vòng đời người/ chu kỳ đòi người (life cycle). Vì chu kỳ đời
người thiên nhiều về quy trinh sinh học (sinh đẻ, ứưởng thành/ lễ thành
đinh, hôn nhân, làm nhà, lên lão, tang ma), còn khái niệm nghi lễ chuyển
đổi (rites of pasage) rộng lớn hơn; nó bao hàm cả những quy trình sinh
học và cả những chuyển đổi trong đời sống xã hội cùa cá nhân, như sinh
đẻ, trưởng thành, hôn nhân, làm cha mẹ, chuyển nghề, thay đổi địa vị xã
hội, tang ma, nghi lễ chuyển đổi trong Phật giáo, Thiên Chúa giáo...
Theo Van Gennep, đối với mỗi một sự kiện, luôn có những nghi thức mà
mục đích chủ yếu của nó là cá nhân chuyển từ một vị trí xác định sang
một vị trí khác217.

216 Ngô Văn Doanh, 2006, tr. 35.


217 Ở đây, chúng tôi tham khảo giáo trình Nhân học đại cương của ĐHQGTPHCM,
2008, tr. 176-183.

200
7.3.2. Văn hóa tôn giáo
- Văn hóa trong tín ngưỡng dân gian: Bức tranh chung của tín
ngưỡng dân gian ờ các dân tộc trên thế giới là rất phong phú và đa dạng,
nhất là các dân tộc có nền nông nghiệp lúa nước như Việt Nam. Vì vậy,
dấu ấn văn hóa trong tín ngưỡng dân gian các dân tộc trên đất nước ta nói
riêng và các dân tộc ở phương Đông nói chung rất đậm nét. Trước hết
như ở Việt Nam, dấu ấn đó thể hiện ờ tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tang
ma, lễ hội và các lễ nghi thờ cúng liên quan đến nghề nghiệp và chu kỳ
sản xuất, chu kỳ đời người... Ở đó, lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc,
như triến trúc nhà thờ họ tộc, gia tộc, tổ sư nghề nghiệp, các món ăn, các
hình thức diễn xướng, trò chơi dân gian, các loại hình nhạc cụ, các trang
phục, các biểu tượng liên quan đến nghệ thuật điêu khắc truyền thống...
Đặc biệt, tín ngưỡng dân gian là môi trường giáo dục đạo đức, nhân
cách cho con người, nhất là các thế hệ trẻ. Thông qua việc thực hành các
tín ngưỡng dân gian mà cháu con hướng về nguồn cội, quê hương, ông
bà tổ tiên. Từ đó, tín ngưỡng dân gian, nhất là thờ cúng tổ tiên, tang ma,
nghi lễ thờ cúng... có tác dụng điều chình hành vi con người để họ sống
tốt hơn, hướng thiện hơn, lạc quan yêu đời hơn, để “sau khi thực hành
hay tham dự một nghi lễ, con người cảm thay được chia sẻ, an ủi, được
thoải mái, tăng thêm niềm tin hoặc cảm thay được giảm bớt nỗi đau
tinh thần218”.
- Văn hóa trong tôn giáo: Văn hóa trong tôn giáo thế giới là một
phạm trù rộng lớn, bao gồm văn hóa trong Phật giáo, Thiên Chúa giáo,
Hồi giáo, Nho giáo, Lão giáo... Ở đó, lưu giữ nghệ thuật kiến trúc, hội
họa, điêu khắc của các cơ sờ thờ tự tôn giáo, như chùa chiền, nhà thờ,
thánh đường, miếu thờ, điện thờ; cũng như văn hóa nhận thức biểu hiện
qua giáo lý, lễ nghi tôn giáo. Trong đó, chùa là nơi tu tập của các tín đồ
phật tử xuất gia tu hành. Chùa thường được xây dựng ờ những nơi thanh
tịnh, xa trung tâm dân cư và có lối kiến trúc đặc sắc của từng quốc gia:
Việt Nam là chùa mái, Án Độ là chùa theo kiến trúc hang động, các quốc
gia khác ở lục địa Đông Nam Á phổ biến kiến trúc chùa tháp bát, tháp
bút, Trung Quốc là chùa theo kiến trúc khuôn viên... Còn nhà thờ là nơi
các tín đồ Thiên Chúa giáo tập trung để đọc kinh, sám hối, cầu nguyện và
nghe các linh mục giảng đạo. Nhà thờ thường được xây dựng ờ trung tâm

218 Đặng Nghiêm Vạn, 2001, tr. 108.

20 1
dân cư, đô thị và theo lối kiến trúc Gothic, hoặc Roman. Còn thánh
đường Hồi giáo, cũng như nhà thờ thường được xây dựng ở những nơi
đông dân cư, để các tín đồ đến cầu nguyện. Thánh đường thường có kiến
trúc mái vòm bát úp, trong thánh đường là một không gian trống, không
có bàn thờ tự, chỉ có phía trên cao của thánh đường đặt hòn đá đen, tượng
trưng cho thánh Ala để các tín đồ hướng đến cầu nguyện. Còn miếu và
đền thờ là kiến trúc thờ tự đức Thánh Khổng Tử và Lão Tử.
Đặc biệt là văn hóa tôn giáo còn được thể hiện trong lối sống, tính
cách cùa các tín đồ tôn giáo, ví như:
+ Với Phật giáo là lối sống, tính cách từ bi giáo dục con người
lòng nhân ái, hướng thiện, trọng tình, bao dung; là kiên nhẫn/ nhẫn chịu/
khiêm nhường; là lối sổng hiếu thảo, hướng thiện, “cư trần lạc đạo”, sống
thanh cao, tự tại; là lối sống thiền định để bài trừ tạp niệm; là lối sống
gần gũi với thiên nhiên, cảnh vật...
+ Với Thiên Chúa giáo là lối sổng phục tùng, trung thành với
Chúa, đã tạo cho các tín đồ luôn có tính cách vâng lời, sám hối để biết
được tội lỗi của mình, để xưng tội và mong được Chúa rửa tội; là hướng
thiện để làm nhũng việc nhân đức, cửu người...
+ Với Nho giáo là lối sống đề cao con người tự rèn luyện nhân
cách, tu thân để tự hoàn thiện mình, biết được cái sai, cái đúng, biết giữ
niềm tin, chữ tín (ngũ thường); là lối sống đề cao lề thói, gia phong, đạo
lý, biết kính trọng, tôn trọng lẫn nhau (ngũ luân), là lối sống làm tròn bổn
phận, trách nhiệm, vị thế của mình (chính danh), là đạo hiếu để “uống
nước nhớ nguồn”. ..
Rõ ràng, văn hóa tôn giáo luôn có xu hướng giáo hóa con người,
khích lệ con người quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống hướng
thiện, coi trọng tính nhân bản. Vì thế, “Tôn giáo không phải là động lực
thúc đẩy chủ yếu, thậm chỉ có lúc, có nơi còn là động lực kìm hãm sự
phát triển xã hội. Nhưng ảnh hưởng của nó đoi với đời song xã hội là
một thực tế không thể chổi cãi được. Nó góp phần tạo nên những nền văn
minh khác nhau, những thế giới khác nhau, mà ngày nay người ta vẫn
quen gọi là thế giới Kitô giáo, thế giới Hồi giáo, thế giới Nho giáo, thế
giới Phật g iá o ..™ ”

2,9 Đặng Nghiêm Vạn, 2001, tr. 153.

202
Tóm tắt chương
1. Tôn giáo là một hiện tượng xã hội, thuộc phạm trù tư tưởng,
nhận thức; nó nảy sinh trong giai đoạn con người đã có tư duy trừu tượng
hóa và khái quát hóa, nhưng nhận thức còn hạn chế, lệch lạc dẫn đến
niềm tin vào thần linh, rồi đến khi xã hội có giai cấp, sự bất lực của con
người dẫn đến niềm tin vào đức Chúa trời. Tôn giáo mang tính lịch sừ,
tính quần chúng và tính giai cấp; chức năng của tôn giáo là đền bù hư ào,
chức năng thế giới quan và liên kết.
2. Theo cách phân loại của Tocarep, tôn giáo nguyên thủy/ tôn giáo
sơ khai/ tín ngưỡng dân gian được chia thành 15 hình thái: Tô tem giáo/
đạo vật tổ, ma thuật làm hại, ma thuật chữa bệnh, ma thuật tình yêu, ma
chay, lễ thành đinh, các hình thức thờ cúng liên quan đến thị tộc mẫu hệ
(thờ cúng người mẹ khi đã chết và các vật dụng trong nhà liên quan đến
người mẹ), các hình thức thờ cúng liên quan đến nghề nghiệp (săn bắn và
đánh cá), thờ cúng tổ tiên, thờ thần bản mệnh, Saman giáo, Hội kín (hội
bí mật của những người có quyền thế trong bộ lạc), sùng bái tù trường,
thờ thần bộ lạc, nghi lễ liên quan đến sản xuất nông nghiệp và công xã
nông thôn.
3. Có nhiều khía cạnh liên quan đến tôn giáo trong nghiên cứu nhân
học, nhưng chủ yếu có 2 khía cạnh: Nghi lễ và văn hóa tôn giáo. Nghi lễ
bao gồm thói quen, những tập tục, những hành vi thuần túy tôn giáo và
cả những hành vi thế tục. Nghi lễ liên quan đến các thuyết cấu trúc và
thuyết Chức năng trong dân tộc học và nhân học. v ề cơ bản nghi lễ bao
gồm hai loại: Nghi lễ tăng cường sức mạnh cộng đồng và nghi lễ chuyển
đổi. Còn văn hóa tôn giáo là toàn bộ các giá trị về nghệ thuật kiến trúc,
hội họa, điêu khắc liên quan đến các cơ sở thờ tự, hệ thống giáo lý, lễ
nghi và đặc biệt văn hóa lối sổng, tính cách của các tín đồ tôn giáo.

Tài liêu tham khảo


1. Vũ Minh Chi (2004), Nhân học văn hóa, Nxb CTQG, H.
2. Minh Chi, Lý thuyết tôn giáo học (Học Viện Phật giáo Việt Nam
tại TPHCM, lưu hành nội bộ).
3. Ngô Văn Doanh (2006), Lễ hội chuyển mùa của người Chăm,
Nxb Trẻ, TPHCM.
203
4. ĐHQGTP HCM (2008), Nhân học đại cương, Nxb ĐHQGTP HCM.
5. Trịnh Bá Đĩnh (2002), Chủ nghĩa cấu trúc và văn học, Nxb Văn
học; trung tâm nghiên cửu Quốc học.
6. Laurel Kendall (2007), Hợp tuyển những phương pháp tiếp cận
nhân học về tôn giáo, nghi lễ và ma thuật, tài liệu dịch của Bảo tàng Dân
tộc học Việt Nam.
7. Nguyễn Văn Minh (2013), Tôn giáo, tín ngưỡng các dân tộc ở
Việt Nam, Nxb KHXH, H.
8. Hội Khoa học Lịch sử (2006), Những vấn đề nhân học tôn giáo,
Nxb Đà Nang, Đà Nằng.
9. S.A. Tocarep (1994), Những hình thức tôn giáo sơ khai và sự
phát triển của chủng, Nxb CTQG, H.
10. Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda (2001), Nhân học một
quan điểm về tình trạng nhân sinh, Nxb CTQG. H.
11. Đặng Nghiêm Vạn (2001), Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn
giáo ở Việt Nam, Nxb CTQG, H.
12. Viện nghiên cứu tôn giáo (1994), về tôn giáo, Nxb KHXH, H.

Hình 1. Nhà thờ Đức Bà ở thành phổ Hồ Chí Minh


[Nguồn: http://btscv.gov. vn/Pỉus. asDx/vi/News/38/0/245/0/2232J

204
Hình 2. Chùa Pháp Vân (Chùa Bà Dâu)
[Nẹuồn: http://www.phatgiao,vn/bai-viet/chua-phap-van 1067. html]

Hình 3. Thánh đưòng Hồi giáo ở Brunei


[Nguồn: http://btzcp.gov. vn/Plus. aspx/vi/News/38/0/245/0/19ỉ oỉ

205
Chưoìig 8

THÂN TỘC, DÒNG HỌ, HÔN NHÂN, GIA ĐÌNH

8.1. THÂN TỘC


• VÀ HỆ• THÓNG THÂN T ộ• c
8.1.1. Khái niệm
Lewis H. Morgan trong tác phẩm Xã hội cổ đại và F. Ăngghen trong
tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước đã
phân tích khá kỹ ý nghĩa cũng như tính chất của hệ thống thân tộc, nhưng lại
chưa đưa ra được một định nghĩa đầy đủ, ứọn vẹn về khái niệm này. Các
nhà khoa học của trường phái dân tộc học Liên Xô trước đây đã có những cố
gắng rất lớn trong việc hoàn thiện lý thuyết thân tộc, hệ thống thân tộc và đã
đưa ra các định nghĩa như:
uHệ thống thân tộc là một tổ hợp các thuật ngữ biểu thị các quan
hệ thân thuộc (cha, mẹ, anh, em, chủ, bác...) trong xã hội này hay xã hội
khác... Các hệ thống thân tộc không biểu hiện các quan hệ sinh học.
Những đặc điểm của nó do hình thái tổ chức xã hội quy định”220.
- “Nghiên củu hệ thống thân tộc chính là nghiên cứu các tên gọi
dùng để chỉ mối quan hệ giữa người với người,,22].
“Thân tộc là tổ chức xã hội cơ bản mà trong đó mối quan hệ giữa các
thành viên được xác lập thông qua hệ thống huyết tộc bao gồm mối quan hệ
dòng tộc, hôn nhăn và gia đình... Hay nói cách khác, thân tộc được xem như
là ‘‘hạt nhân ” của một cơ cấu tổ chức xã hội loài người từ xưa đến nay.
Trong mỗi mối dây ràng buộc xã hội bằng huyết thống và hôn nhân sẽ tạo
nên cơ sở cho việc xây dựng tỉnh cố kết cộng đồng làm cho những moi quan
hệ xã hội gắn bó mật thiết hơn ”222.
Như vậy, theo chúng tôi thân tộc, hệ thống thân tộc là tổ hợp các
thuật ngữ biểu thị các quan hệ thân thuộc tồn tại trong một xã hội nhất

220 Sêmênốp, 1974, Nguồn gốc của hôn nhân, gia đình (bàn dịch lưu tại Khoa Sử, Đại
học Tổng hợp Hà Nội).
221 Tocarep, 1982, Hỏn nhân nguyên thúy (bản dịch lưu tại Khoa Sử, Đại học Tổng hợp
Hà Nội).
222 ĐHQGTPHCM (2008), tr. 2 5 1.

206
định. Hình thái tổ chức xã hội tộc người sẽ quy định đặc điểm của hệ
thống thân tộc. Hệ thống thân tộc phản ánh hình thái tổ chức xã hội mà
nó tồn tại.
Nội dung của khái niệm trên đã chỉ ra:
- Hệ thống thân tộc bao gồm các thuật ngữ biểu thị các mối quan hệ
giữa con người với con người. Những từ như ông, bà, cha, mẹ, cậu, dì, cô,
ch ú,... theo F. Ă n g g h en , “không p h ả i là nhữ ng tiế n g x u n g hô tôn kỉnh
suông” mà nó còn hàm chứa nhiều mối quan hệ khác nhau ở trong đó.
Những tiếng đó cũng không biểu hiện các mối quan hệ sinh học mà chính
là sự thể hiện của các mối quan hệ xã hội.
- Giữa hệ thống thân tộc và xã hội các tộc người có mối quan hệ
đặc biệt với nhau. Nghiên cứu tốt hệ thống thân tộc sẽ giúp cho người
nghiên cứu hiểu rõ hơn về hình thái xã hội của các tộc người khác nhau
trên thế giới.
- Hình thái tổ chức xã hội tộc người quy định đặc điểm của hệ
thống thân tộc. Như vậy, khi mà xã hội tộc người thay đổi, hệ thống thân
tộc cũng sẽ có những thay đổi. Tuy nhiên, hệ thống thân tộc thường biến
đổi chậm hơn so với các quan hệ khác, những cái mà hệ thống thân tộc
phản ánh thường là đã đi qua, đã lùi vào dĩ vãng. Nói khác đi, hệ thống
thân tộc thường là “bị động”, có sức ì rất lớn và “chỉ có trải qua những
thời kỳ lâu dài những hệ thống thân tộc đó mới phản ánh được những
tiến bộ do gia đình đã đạt được... Chỉ có khi nào gia đình hoàn toàn thay
đổi thì hệ thống đó mới hoàn toàn thay đổi”223.
Điều đó cho thấy, cùng với thời gian hệ thống thân tộc có biến đổi
nhưng là biến đổi rất chậm. Đặc điểm trì trệ, biến đổi chậm chạp, khó
phá vỡ của hệ thống thân tộc một mặt sẽ giúp người nghiên cứu nhận
được những xã hội đã qua nhung mặt khác cũng gây nên không ít khó
khăn, phức tạp khi phân loại hệ thống thân tộc.
8.1.2. Vai trò
Nghiên cứu hệ thống thân tộc có một vai trò rất lớn đối với khoa
học và thực tiễn. Chính vì vậy, đã có không ít nhà nghiên cứu trên thế
giới đề nghị nâng vấn đề này lên thành một ngành khoa học ngang bằng

223 F. Ăngghen, 1995, tr. 304 - 305.

207
với các ngành khoa học khác: Ngành Thân tộc học224. Điều đó cho thấy
thân tộc có vai trò, vị trí rất quan trọng trong lịch sử phát triển của tri
thức nhân loại. Tổng hợp ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề này,
hệ thống thân tộc cho thấy những vai trò sau đây:
- Hệ thống thân tộc được xem là những công cụ giúp giải mã những
vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình trên thực tiễn. Những
tập tục trong hôn nhân, gia đình trên thế giới hiện nay như hôn nhân con
cô con cậu, hôn nhân liên minh ba thị tộc, vai trò của ông cậu, tục lại
mặt,... chỉ có thể được giải thích một cách cặn kẽ, khoa học khi nắm rõ
hệ thống thân tộc.
- Hệ thống thân tộc được xem là chìa khóa, giúp tìm hiểu, giải
quyết những vấn đề liên quan đến lịch sử phát triển của hôn nhân, gia
đình. Bởi lịch sừ phát triển của hôn nhân, gia đình là một trong những
vấn đề rất phức tạp, rất được quan tâm tìm hiểu. Để dựng lại được một
cách chính xác, khoa học con đường phát triển của những vấn đề này,
thực tế đã chỉ ra là phải thông qua các nghiên cứu về hệ thống thân tộc.
- Và hơn hết, những kiến thức về thân tộc học sẽ giúp hiểu sâu
thêm các lý thuyết về thời kỳ nguyên thủy, về sự phát ừiển của xã hội các
tộc người. Hay nói khác đi, tiếp cận hệ thống thân tộc để dựng lại lịch sử
phát triển của nhân loại cũng là một cách tiếp cận cần được lưu ý.

8.1.3. Phân loại hệ thống thân tộc


Phân loại hệ thống thân tộc đối với các tộc người trên thế giới là
một việc làm cần thiết, có ý nghĩa, nhưng cũng có không ít khó khăn, trở
ngại. Lewis H. Morgan là người đầu tiên nhìn thấy tầm quan trọng của
vấn đề này và cũng là người đầu tiên đưa ra cách phân loại hệ thống thân
tộc. Theo ông hệ thống thân tộc của nhân loại gồm có hai loại.
1. Hệ thống phân loại: Là hệ thống thân tộc của xã hội chưa có giai
cấp. Thời gian tồn tại của hệ thống phân loại là cả thời kỳ nguyên thủy.
2. Hệ thống miêu tả: Là hệ thống thân tộc của xã hội, có giai cấp,
được bắt đầu từ thời kỳ chiếm hữu nô lệ và kéo dài cho đến ngày nay.

224 Bửu Lịch, 1970.

208
Trong hệ thống phân loại, Lewis H. Morgan lại chia ra làm hai loại
hệ thống:
- Hệ thông Mã Lai, còn gọi là hệ thông Hawai. Đây là hệ thông cúa
thời kỳ tiền thị tộc.
- Hệ thống Tu-ra-niên, còn gọi là hệ thống I-ro-qua. Đây là hệ
thống của thời kỳ thị tộc.
Tuy nhiên, cách phân loại này có những sự nhầm lẫn, do nguồn tài
liệu mà Lewin H. Morgan sử dụng là nguồn tài liệu không chính xác của
các nhà truyền giáo ở thế kỷ XIX. Những nhầm lẫn này đã được khoa
học ngày nay sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện và đã chỉ ra trên thế giới hiện
nay có 4 hệ thống thân tộc khác nhau tồn tại ở những tộc người khác
nhau. Bốn hệ thống thân tộc đó tương ứng với những giai đoạn phát triển
khác nhau của lịch sử nhân loại.
1. Loại hình I-ro-qua: Loại hình này tương ứng với xã hội chưa
phân hóa giai cấp.
2. Loại hình Mã Lai (hay Hawai).
3. Loại hình Ả Rập: Hai loại hình Mã Lai và Ả Rập là những loại
hình trung gian chuyển tiếp từ xã hội chưa có giai cấp sang xã hội có giai
cấp trên 2 con đường khác nhau.
4. Loại hình Anh: Loại hình của xã hội đã phân hóa giai cấp.
Sơ đồ của bốn loại hình hệ thống thân tộc:
2. Hawai

1 .1-ro-qua 3. Anh

+ +

4. Ả Rập
+ +

Ghi chú: Dấu (+): Dòng cha và mẹ


Dấu (-): Trực hệ và bàng hệ
209
Bốn hệ thống đó nói lên con đường phát triển của thân tộc ở những
giai đoạn phát triển khác nhau của xã hội loài người. Dù vậy, thực tế hiện
nay, hệ thống thân tộc của các tộc người trên thế giới phức tạp, chồng
chéo, đa dạng hơn rất nhiều.

8.1.4. N hững điểm cần lưu ý về hệ thống thân tộc

Hiện nay, trên thế giới nói chung và ờ Việt Nam nói riêng, các nhà
thân tộc học dù có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa có được phương
pháp nghiên cứu hệ thống thân tộc hữu hiệu. Sau đây là những điều cần
lưu ý khi nghiên cứu hệ thống thân tộc.

8.1.4.1. v ề việc phân loại thuật ngữ thân tộc

Thuật ngữ thân tộc bao gồm những từ chỉ các mối quan hệ giữa con
người với con người trong một gia đình, như các từ: Cha - mẹ, ông - bà,
cậu - dì, cô - chú/ bác... Khi chúng ta ghi lại những từ đó có nghĩa là
chúng ta đã có được các thuật ngữ thân tộc.
Tuy vậy, các thuật ngữ đó cần phải được xem xét trên hai phương
diện khi nghiên cứu hệ thống thân tộc:
1. Cấu trúc hình thái học.
2. v ề mặt ghép nhóm những người thân thuộc.
Theo đó, cấu trúc hình thái học được phân làm ba loại:
- Thuật ngữ cơ bản: Thuật ngữ cơ bản là những thuật ngữ mà bản thân
chúng là những từ độc lập, không tách ra những cấu từ riêng (cha, m ẹ..
- Thuật ngữ ghép: Thuật ngữ ghép là những thuật ngữ được hình
thành trên cơ sở ghép thuật ngữ cơ bản với một đơn vị ngữ vựng không
phải là cơ bản (cháu nội, cháu ngoại...).
- Thuật ngữ miêu thuật: Thuật ngữ miêu thuật là những kết hợp của
hai trong hơn hai thuật ngữ cơ bản gắn bó với nhau bằng những mối quan
hệ thuộc tính (anh của cha, chị của m ẹ..
Còn về mặt ghép nhóm những người thân thuộc cũng chia ra làm 3 loại:
- Thuật ngữ cá thể: Dùng để xác định mối quan hệ chặt chẽ với một
người (cha, mẹ, ông, bà...).

210
- Thuật ngữ tập đoàn: Dùng để chỉ một nhóm người thân thuộc có
cùng một quan hệ vói người nói (con, cháu..
- Thuật ngữ phân loại: Không dùng chỉ riêng một người mà cả với
những người có quan hệ thân thuộc khác nhau (anh, chị, chú, bác...).

8.1.4.2. v ề các tổ hợp thuật ngữ hệ thống thân tộc mà người nghiên
cứu cần sử dụng
Các tổ họp thuật ngữ của hệ thống thân tộc có một vai trò đặc biệt
quan trọng và có một số lượng khá lớn theo từng tộc người. Trong đó,
cần lun ý tới các tổ hợp thuật ngữ như: Trực xưng và gián xưng; danh từ
thần tộc đon và danh từ thân tộc kép, giải từ, danh từ biệt xưng và danh
từ gián xưng, bậc thân tộc, trực hệ và bàng hệ, nội và ngoại, thế h ệ ...
Khi nghiên cứu về mối quan hệ nội - ngoại, trực hệ - bàng hệ,...
các nhà nghiên cứu hệ thống thân tộc đã đưa ra 4 loại hình của hệ thống
thân tộc trên thế giới như sau:
- Loại hình 1: Biệt xưng trực hệ - bàng hệ và biệt xưng nội ngoại. Ở
loại hình này chỉ có 3 danh tò (3 thuật ngữ) để chỉ mối quan hệ:
+ Cha - chú - cậu.
+ Mẹ - cô - dì.
Hệ thống thân tộc của người Việt thuộc loại này.
- Loại hình 2: Biệt xưng nội - ngoại và hợp xưng trực hệ bàng hệ.
Có 2 thuật ngữ cho loại hình này:
+ Cha = anh em cha, cậu.
+ Mẹ = chị em mẹ, cô.
Đối với những tộc người có hệ thống thân tộc này thường cấm kỵ hôn
nhân chú bác, con dì. Nhưng ở đó lại có quyền hôn nhân con cô, con cậu.
- Loại hình 3: Hợp xưng nội - ngoại nhưng biệt xưng trực hệ - bàng
hệ. có 2 thuật ngữ cho loại hình này:
+ Cha, anh em cha = anh em mẹ.
+ Me, em me = chi em cha.
Hệ thống thân tộc của người Anh, người Pháp thuộc loại này.

211
- Loại hình 4: Họp xưng trực hệ - bàng hệ và hợp xưng nội - ngoại.
Chỉ có 1 thuật ngữ cho loại hình này:
+ Cha = anh em cha = anh em mẹ.
+ Mẹ = chị em mẹ = chị em cha.
Bốn loại hình đó được tóm tắt bàng bảng sau:
Hệ thống Loai
• hình

Nội - Ngoại Trưc


• hê• - Bàng
o hêt

I + +

II + -

III - +

IV - -

Ghi chú: Biệt xưng: +


Hợp xưng: -
8.I.4.3. Yêu cầu và cách ghi hệ thống thân tộc
Khi nghiên cứu về hệ thống thân tộc, yêu cầu đặt ra đầu tiên là phải
có các thuật ngữ thân tộc. Hơn thế, thuật ngữ thân tộc càng nhiều thì kết
quả phân tích càng có ý nghĩa, c ố nhiên khi ghi các thuật ngữ thân tộc
cần phải chú ý:
- Các thuật ngữ chỉ có giá trị khi được ghi chép đầy đủ, chính xác,
thống nhất.
- Khi ghi chú ý hiện tượng ảnh hưởng, vay mượn, chồng chéo của
những vùng đa dân tộc.
- Thuật ngữ thân tộc phải được điều tra nhiều nơi, nhiều người,
nhiều lứa tuổi,... khác nhau.
- Tránh lấy quan niệm của tộc người này áp đặt cho tộc người khác.
- Cần ghi bằng các giải từ.
- Khi giám định các thuật ngữ thân tộc cần chú ý tới các quy luật
biến âm.
Ngoài những yêu cầu đó, khi nghiên cứu hệ thống thân tộc cần phải
chú ý tới giới, hệ (dòng), thế h ệ...
212
Sau đây là một số cách ghi hệ thống thân tộc đã được các nhà nghiên cứu
sử dụng.
a. Ghi bằng cách dùng sơ đồ
r------- 7----------1 X T 1
0 Á Á -© © Ả

 ©À©A 0©Ả®Ẫ®
Ghi chú:
Hình tam giác : Nam
Hình tròn : Nữ
_ : Quan hệ huyết thống
= : Quan hệ hôn nhân
1,2 : Lớn hơn egô
3 ,4 :N hỏhơnegô
b. Ghi bằng cách dùng 8 chữ sổ Ả Rập:
1 = cha 2 = mẹ 3 = con trai 4 = con gái
5 = chồng 6 = vợ 7 = anh em trai 8 = chị em gái
Nguyên tắc đọc: Phải đọc từ phải sang trái và thứ bậc lớn, nhỏ
dùng dấu A (trên) và dấu V (dưới).
c. Ghi bằng cách dựa vào 3 mối quan hệ trong một gia đình: vợ
chồng, con cái, cha mẹ
Từ ba mối quan hệ này dựa vào ngôn ngữ của từng tộc người mà có
những quy định trong cách ghi. Ví dụ: Trong tiếng Việt quan hệ cha mẹ
là quan hệ sinh thành thì dùng chữ cái đầu s, quan hệ con cái thì dùng chữ
cái đầu c, quan hệ vợ chồng là quan hệ hôn nhân dùng chữ cái đầu là H, con
trai dùng chữ t, con gái dùng chữ g.
Cụ thể St = cha, Sg = mẹ, Ht = chồng, Hg = vợ, Ct = con trai, Cg =
con gái. Neu muốn phân biệt thứ bậc phải dùng dấu + (chỉ lớn hom) và
dấu - chỉ nhỏ hơn.
213
Ngoài ba cách ghi trên, còn có một số cách ghi khác. Tuy nhiên,
cách ghi theo sơ đồ về hệ thống thân tộc là hình thức được sử dụng phổ
biến nhất.

8.2. DÒNG HỌ

8.2.1. Khái niệm


Dòng họ là một hiện tượng lịch sử - xã hội đặc biệt mang tính phổ
quát của toàn nhân loại. Ý thức về dòng họ là dấu hiệu quan trọng đánh
dấu bước phát triển của xã hội loài người từ mông muội đến văn minh.
Tuy nhiên, không phải ngay từ buổi hồng hoang, sơ khai của nhân
loại đã có họ, dòng họ. Họ, dòng họ chỉ xuất hiện/ ra đời khi gia đình
xuất hiện/ra đời trên cơ sở có hôn nhân. Họ, dòng họ ban đầu theo chế độ
mẫu hệ. Con sinh ra được tính theo họ mẹ, mang họ mẹ. Khi chế độ mẫu
hệ được thay thế bằng chế độ phụ quyền thì con cái sinh ra được tính
theo dòng cha, mang họ cha. Gia đình ngày đông đúc, con cái ngày một
lớn lên, tiếp tục sinh sôi nảy nở, các thế hệ mới ra đời, hình thành nên các
dòng họ. Từ những dòng họ ban đầu, qua thời gian, ngày một đông đúc,
phát triển đông lên, chia ra các chi, phái, tiểu phái...
Hiện nay, ờ các nước thế giới cũng như ở Việt Nam, chưa có một
con số thống kê chính xác về số lượng các họ, dòng họ225. Tuy nhiên,
những con số đó còn nhiều tranh luận, bàn cãi bởi cách hiểu về họ, dòng
họ còn khác nhau ở các nhà nghiên cứu và cũng chưa có một sự thống kê
chính xác, đầy đủ về số lượng các họ, dòng họ trong những quốc gia có
nhiều thành phần tộc người226.

225 Nguyễn Đình Chú (2015), trong Dòng họ và vai trò dòng họ trong đời sống văn hóa
dán tộc, có dẫn lại số lượng các dòng họ từ kết quả nghiên cứu của nhiều tác giả: ơ
Trung Quốc có 926 dòng họ; Hàn Quổc có 271 dòng họ với 3.435 chi phái; Anh Quốc
có 16.000 dòng họ; Nhật Bản có 10.000 dòng họ. Ở Việt Nam, vùng Bắc bộ thời Pháp
thuộc có 202 dòng họ (P. Gourou), hay 300 dòng họ (Dã lan Nguyễn Đức Dụ).
226 Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, nhưng họ và dòng họ cùa 53 dân tộc thiểu số
chưa được nói nhiều trong các công trình nghiên cứu từ trước đến nay. Hơn thế, dòng
họ của các dân tộc thiểu số ờ Việt Nam còn có hiện tượng vay mượn của các dân tộc
khác làm họ của mình như Hồ, Đinh, Lê, Trần, Nguyễn, Phạm.

214
Vậy họ, dòng họ hay tộc họ, tông tộc, dòng tộc,... là gì? v ề vấn đề
này hiện nay có những cách hiểu sau đây:
- Dòng họ là một đơn vị xã hội trường tồn mà các thành viên của
nó tự cho là xuất thân từ một tổ tiền xác định căn cứ vào quan hệ phả hệ
tổ tiên mà con cháu được nhận biết rõ ràng227.
- Dòng họ (tộc họ, tông tộc, dòng tộc) là một tập hợp người có
quan hệ huyết thống từ một tồ tiên chung.. ,228.
- Dòng họ là dấu nối giữa người đã quá cố với người đang sống,
giữa tông đường với người sống trong một hệ thống trật tự gia phả gồm
viễn tổ, thái tổ, ông bà, chú bác, cô dì, cậu mợ, con cháu nội ngoại229.
- Dòng họ là hình thức đơn giản nhất của nhóm họ hàng đơn tuyến
mở rộng mà trong đó thường giới hạn trong phạm vi những người bà con
gần bên Cha - Agnatic (dòng dõi bên nhánh nam) hoặc bên Mẹ - Uterine
(dòng dõi bên nhánh nữ) và ừ khi xa quả sáu đời230.
- Dòng họ là tổ chức xã hội cơ bản mà trong đỏ mối quan hệ giữa
các thành viên được xác lập bắt nguồn từ kinh nghiêm chung của con
người về hành vi tính giao và sinh đẻ... Dòng họ như là “hạt nhân”
trong cơ cấu xã hội của mỗi tộc người, nó là cơ sở tạo nên tỉnh cố kết
cộng đồng làm cho mối quan hệ xã hội gắn kết mật thiết hơn23' .
Ngoài các định nghĩa trên, còn có nhiều định nghĩa khác của các
nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: Triết học, Nhân học, Tâm lý học...
Mỗi định nghĩa đó sẽ cho chúng ta biết thêm những thông tin/ kiến thức,
những nhận thức/ thái độ cũng như những kỹ năng/ phương pháp khi tiếp
cận, nghiên cứu về dòng họ. Điều đó cũng có nghĩa việc chúng ta sử
dụng, vận dụng định nghĩa nào về dòng họ là tùy vào mục đích nghiên
cứu của công việc được hướng tới.

227 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 258


228 ĐHQGTPHCM, 2015, tr. 38.
229 ĐHQGTPHCM, 2015, tr. 7.
230 E. Adamson Hoebel, 2007.
231 ĐHQGTPHCM, 2015, tr. 6.

215
8.2.2. Vai trò / chức năng dòng họ
Cùng với gia đình, dòng họ là những “hạt nhân” trong cơ cấu xã
hội của mỗi tộc người. Nhiều gia đình cùng huyết thống hợp lại thành các
dòng họ. Nhiều dòng họ liên kết với nhau hình thành nên các làng, xóm.
Nhiều làng, xóm gắn bó với nhau tạo nên những đơn vị xã hội lớn hơn
xã, tổng, huyện, phủ, đất nước/ quốc gia. Trong chuỗi mắt xích có tính tất
yếu đó, gia đình, dòng họ được xem như là những cơ sở đầu tiên của xã
hội mỗi tộc người. Điều đó cũng có nghĩa khi xét đến vai trò/ chức năng
của dòng họ, chúng ta cần nhìn nhận dưới hai góc nhìn: Vai trò/ chức
năng phổ biến/tổng quát và vai trò/ chức năng thứ cấp/ cụ thể.
a. Đối với vai trò/ chức năng phổ biến/tổng quát, dòng họ cỏ các
vai trò/chức năng sau:
Thứ nhất: Ngăn ngừa, kiểm soát, điều chỉnh những quy định, định
chế, tập tục, nghi lễ,... liên quan đến hôn nhân, gia đình (phải thực hiện
ngoại hôn giữa các dòng họ, quy định mấy đời mới được lấy nhau, dòng
họ nào sẽ được lấy dòng họ nào, quy định các lễ vật cưới xin...).
Thứ hai: Liên kết, mở rộng các mối quan hệ, tăng cường sức mạnh,
đảm bảo tính an toàn, tính pháp lý,... cho các thành viên trong dòng họ.
Thực tế cuộc sống cho thấy con người, kể từ khi sinh ra, trưởng
thành và mất đi không bao giờ sống đơn độc, đơn lè mà luôn ràng buộc
lại với nhau, trong nhiều chuỗi hệ thống. Dòng họ là một trong những
chuỗi hệ thống đó. Thông qua mối quan hệ dòng họ, từng con người sẽ
liên kết lại với nhau, tạo thành sức mạnh tập thể, tạo nên những đồng
cảm, sẽ chia về mặt quyền lợi và nghĩa vụ. Từng con người cá thể trong
các gia đình, dòng họ sẽ cảm thấy được bảo vệ, được an toàn/ an tâm hơn
khi được ở trong một dòng họ (nhất là các dòng họ có sức mạnh). Những
cá thể đó cũng được các dòng họ động viên, giúp đỡ, bảo vệ,... khi xảy
ra những tranh chấp, kiện tụng với bên ngoài.
b. Đối với vai trò/chức năng cụ thể, dòng họ có các chức năng/vai
trò sau:
Thứ nhất: Chức năng tôn kính, sùng bái vật tổ và “hương hồn” tổ
tiên, thực hiện các chức năng tôn giáo. Vào thời kỳ khởi thủy trong các tổ
chức thị tộc có hiện tượng “một tập thể người” gắn bó với nhau thông
qua ý thức chung về một ông tổ. Ông tổ được thị tộc tôn sùng và kèm
theo nhiều kiêng kỵ là một động vật, thực vật hay hiện tượng nào đó.
216
Hiện nay, chức năng ý thức về vật tổ/ họ chung này vẫn còn tồn tại trong
các tộc người thiểu số ở Việt Nam. Khi dòng họ ra đời thì vai trò thờ
cúng tổ tiên thể hiện rất rỗ. Lúc bấy giờ, việc lập các nhà thờ họ, chi,
phái, tiểu phái,... việc tìm kiếm, xây dựng, tôn tạo các mộ Tổ rất được
chú ý, thu hút sự quan tâm của những người đồng tộc. Các dòng họ xem
việc chăm lo nhà thờ, mộ tổ, trong các ngày chạp, giỗ là trách nhiệm và
nghĩa vụ của các thành viên.
Thứ hai: Chức năng tôn giáo và thực hành các nghi lễ truyền thống.
Lòng tin về tâm linh là một lòng tin được thể hiện rất rõ trong ý thức về
dòng họ. Sức mạnh tâm linh, ý thức về cùng một cội nguồn, một thủy
tổ ,... như là một mặc định có tính quy luật khi nói về chức năng dòng họ.
Vào những ngày chạp, giỗ, cúng, kỵ,... con cháu sẽ tề tựu đông đủ về
nhà thờ họ, để ôn lại những sự tích của dòng họ và thực hành các nghi lễ
cúng bái.
Thứ ba: Chức năng nối kết xã hội, bảo vệ các cá nhân, gia đình
trước cộng đồng làng xã. Mạng lưới xã hội trên thế giới cũng như ở Việt Nam
từ trước tới nay đã chỉ ra: Nhiều gia đình thân thuộc hợp lại với nhau sẽ
thành các dòng họ, nhiều dòng họ hợp lại với nhau sẽ thành các cấu trúc
xă hội lớn hơn. Điều đó cho thấy, vai trò kết nối của dòng họ. Hội đồng
tộc biểu là tổ chức đứng ra xử lý hòa giải các vụ tranh chấp, kiện tụng,
xung đột,... giữa các dòng họ. Còn trưởng họ luôn là người thay mặt cho
dòng họ, đứng ra bảo vệ các thành viên của dòng họ trước cộng đồng.
Thứ tư: Chức năng kinh tế của dòng họ. Chức năng này thể hiện
qua việc trước đây các dòng họ thường cư trú trên một vùng đất nhất
định mà trên vùng đất đó các thành viên được thực hiện các quyền
“hường dụng đất” riêng của mình và được quyền canh tác, chăn nuôi theo
truyền thống. Chức năng kinh tế còn thể hiện ở sự tồn tại của các loại
hình đất công dòng họ, của các làng nghề theo dòng họ.
8.2.3. Các ỉoại hình dòng họ
Dựa ứên các mối quan hệ của các thành viên trong cùng một dòng
máu, các nhà khoa học trên thế giới và ở Việt Nam đã phân ra các dòng
họ sau đây232:

232 Tham khảo ĐHQGTPHCM, 2008 & ĐHQGTPHCM, 2015.

217
- Dòng họ đơn tuyến: Dòng họ đơn tuyến là loại hình dòng họ được
tổ chức, cấu trúc thông qua sự nhìn nhận chỉ một bên thân thuộc/giới tính
hoặc nữ/ngoại, hoặc nam/nội. Đối với dòng họ đơn tuyến, các thiết chế
dòng họ, các mối quan hệ, các quy định... được phân định rất rõ ràng
giữa bên nội và bên ngoại, giữa dòng cha và dòng mẹ.
Mỗi nhóm họ hàng đơn tuyến là một tổ chức, một tập thể được gắn
bó lại với nhau trong một thực thể liên hợp tồn tại qua nhiều thế hệ. Đây
là sự giao kết tự nguyện như một tất yếu của cuộc sống. Sự giao kết tự
nguyện này bao gồm những người đang sống và cả những người đã mất.
Trong dòng họ đơn tuyến có hai thiết chế cơ bản, được tồn tại, quy định
bởi những đặc tính rất khác nhau:
+ Thứ nhất: Dòng họ đom tuyến mẫu hệ. Trên thế giới cũng như ở
Việt Nam hiện nay, dòng họ đơn tuyến mẫu hệ có số lượng không nhiều.
Trong dòng họ đơn tuyến mẫu hệ, con cái của cả hai giới tính đều thuộc
về nhóm của người mẹ, bà, cụ, kỵ theo trực hệ. Và cũng theo cách tính
này con, cháu, chắt,... của người em gái. chị gái (bàng hệ) cũng thuộc
cùng dòng họ mẫu hệ233. Có thể xây dựng dòng họ đơn tuyến mẫu hệ
theo sơ đồ sau:

Ẫo ẪOẪO
233 ĐHQGTPHCM, 2015.

218
+ Thứ hai: Dòng họ đơn tuyến phụ hệ. Trên thế giới cũng như ở
Việt Nam hiện nay, dòng họ đơn tuyến phụ hệ có số lượng rất lớn. Trong
dòng họ đơn tuyến phụ hệ, con cái thuộc hai giới tính đều thuộc về nhóm
của người cha, ông, cụ, kỵ theo trực hệ của chúng. Theo cách tính này
dòng họ đơn tuyến phụ hệ còn bao gồm cả những người con, cháu,
chắt,... của anh trai và em trai của cha chúng234. Có thể xây dựng dòng
họ đơn tuyến phụ hệ theo sơ đồ sau:

à ?

iể KÒỈTỎ Ả ổ
- Dòng họ đa tuyến: Ngoài dòng họ đơn tuyến hoặc theo mẫu hệ,
hoặc theo phụ hệ, tuy không nhiều nhưng trên thế giới cũng như ở
Việt Nam còn có dòng họ đa tuyến. Dòng họ đa tuyến còn gọi là dòng họ
lưỡng hệ hay dòng dõi kép đơn tuyến, dòng họ pha trộn cả mẫu hệ lưỡng
hệ, “chế độ không phân biệt tử hệ”. Đặc trưng của dòng họ đa tuyến\“/à
sự khiếm khuyết hệ thống, không đề cao tầm quan trọng của quan hệ
thân thuộc bên cha hơn hay bên mẹ hơn. Nghĩa là vai trò của mối dây
liên hệ phụ tử hay mẫu tử không phân minh, phận sự của những bà con
bên cha hay bên mẹ cũng không phân biệt„235

234 ĐHQGTPHCM, 2015.


235 ĐHQGTPHCM, 2015. tr.54.

219
Trong dòng họ đa tuyến có hai loại dòng họ:
+ Dòng họ đơn hệ đa tuyến.
+ Dòng họ song hệ đa tuyến.
Dòng họ đơn hệ đa tuyến ‘7à một loại hình dòng họ lệ thuộc vào
quy tắc liên kết dòng họ theo giới tỉnh thay đổi liên tục, kế tiếp nhau của
mỗi thế hệ. Vì vậy, tất cả những thành viên không thuộc về phía cha hay
phía mẹ236” .
Dòng họ song hệ đa tuyến “tó một loại hình dòng họ không lệ thuộc
vào quy tắc liên kết dòng họ theo phụ hệ hay theo mẫu hệ. Trong các hệ
thống thuộc về dòng họ song hệ đa tuyến, những đứa con trong mỗi thế
hệ có thế được xếp cùng nhóm quan hệ thân tộc phía mẹ hoặc cùng nhỏm
quan hệ thân tộc phía cha237”.
8.3. HÔN NHÂN
8.3.1. Khái niệm
Hiện nay trên thế giới, cũng như ở Việt Nam có khá nhiều quan
niệm về hôn nhân khác nhau. Trên cơ sở tham khảo các tài liệu như:
Nhân học đại cương (2008) và Nhân học về thân tộc, dòng họ, hôn nhân
và gia đình (2015) của ĐHQGTPHCM,... chúng ta có những định nghĩa
về hôn nhân như sau:
- Hôn nhân là sự kết giao giữa nam và nữ được hợp thức hóa bởi
các tập quán và luật pháp cùa xã hội, nhằm chung sống khác giới tính với
nhau để tái sản xuất con người, từ đó sản sinh ra quyền hạn và trách
nhiệm của vợ chồng trong quan hệ với nhau và con cái.
- Hôn nhân là một định chế xã hội hoàn toàn do nền văn hóa xác
lập nên. Hôn nhân là phức hợp của các tiêu chuẩn xã hội, nó định nghĩa
và kiểm soát những quan hệ của một cặp vợ chồng đối với nhau, đối với
thân quyến, con cái và với xã hội nói chung.
- Hôn nhân là liên minh tình dục và kinh tế được xã hội thừa nhận,
liên quan đến việc gắn bó lâu dài giữa hai người trở lên. Những người
này có nghĩa vụ làm cha mẹ đối với đứa trẻ được sinh ra từ liên minh đó.

236 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.260.


257 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 261.

220
- Hôn nhân trong một nền văn hóa được xác định mối quan hệ giữa
một người đàn ông và đàn bà từ các gia đình khác nhau, nó quy định
thông qua quan hệ tính giao và duy trì nòi giống.
- Hôn nhân gắn với một tập họp các quyền lợi của vợ chồng và gia
đinh của họ đối với nhau, bao gồm quyền chăm sóc đối với con cái họ.
- Hôn nhân gắn với quy định, trách nhiệm tuân thủ truyền thống
vãn hóa của các cặp vợ chồng hoặc của họ đối với bà con thân thuộc và
cà phân công lao động trong một gia tộc.
Những định nghĩa đó sẽ được nối dài thêm khi tìm kiếm trên các
lĩnh vực khác như triết học, luật học, xã hội học, tâm lý học,... hay trong
các từ điển.
8.3.2. Vai trò
Các định nghĩa về hôn nhân cho thấy hôn nhân là một hiện tượng
xă hội khá phức tạp, chứa đựng trong đó nhiều mối quan hệ khác nhau về
tình dục, tình cảm, tình yêu, triết lý sống, tâm lý, phong tục, tập quán,
văn hóa, xã hội, kinh tế ... Dù vậy, khi nói về vai trò/ chức năng của hôn
nhản, các tài liệu đã có thường tập trung vào các vai trò/ chức năng sau:

8.3.2.1. Vai trò hợp thức hóa quan hệ tình dục


Quan hệ tính dục là một phần quan trọng mang tính tất yếu của đời
sống nhân loại, gắn bó với chức năng duy trì nòi giống, nối dõi tông
đường, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển và bền vững của thiết chế
gia đình. Khi hai cá thể khác giới tìm đến với nhau, nhu cầu nhục dục
như là một bản năng sinh tồn, không thể không xảy ra.
Tuy nhiên, trong mỗi con người ngoài “bản năng con” còn có “bản
năng người” nhàm hạn chế, khuất phục bản năng động vật, từng bước
hướng dẫn, “dạy dỗ” bản năng này đi vào con đường của sự phát triển:
Hôn nhân ra đời. Nói cách khác, hôn nhân có vai trò là “văn bản pháp lý”
hợp thức hóa nhu cầu tình dục, cam kết công khai trước cộng đồng về sự
thủy chung, nghiêm cấm sự loạn luân, hay quan hệ tình dục bừa bãi dẫn
đến sự suy thoái nòi giống... Tính pháp lý của vai trò này được phản ánh/
thể hiện qua các phong tục, tập quán, cấm kỵ, nghi lễ hay các văn bản
luật trong hôn nhân.
221
8.3.2.2. Vai trò xác lập/ thừa nhận các gia đình cũng như xác định
quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên tham gia hôn nhân
Con người khi đến tuổi trường thành sẽ tiến hành hôn nhân, lấy vợ,
gả chồng, sinh con đẻ cái. Hôn nhân ra đời, gia đình xuất hiện. Mỗi hình
thái hôn nhân sẽ có một hình thái gia đình tương ứng. Hôn nhân được
xem như là giấy xác nhận cho các “sổ hộ khẩu” gia đình, thể chế hóa một
cách công khai và họp pháp hóa các mối quan hệ: Vợ chồng, cha mẹ và
con cái, con cái với nhau. Thông qua hôn nhân, các quyền lợi và nghĩa
vụ, trách nhiệm và quyền hạn,... của các mối quan hệ này được xác định
một cách rõ ràng, cụ thể.
8.3.2.3. Vai trò tạo dựng các liên minh họ hàng

Hôn nhân không chỉ là việc tạo nên mối quan hệ giữa hai cá thể
khác giới mà còn là cơ sở cho việc thiết lập mối quan hệ giữa các dòng
họ với nhau khi cá nhân A quan hệ hôn nhân với cá nhân B, cũng có
nghĩa là dòng họ A sẽ quan hệ với dòng họ B. Lúc bấy giờ, bên cạnh mối
quan hệ giữa người con trai và người con gái, còn có mối quan hệ sui gia,
quan hệ thân thích nội ngoại, quan hệ họ hàng. Quan hệ họ hàng sẽ tạo
nên sức mạnh trong hoạt động sản xuất, chiến tranh và cũng là cơ sở của
nguyên tắc ngoại hôn238.
Thông qua hôn nhân, những người khác dòng máu (hai dòng máu)
sẽ liên kết lại với nhau trờ thành những người anh em gần. Tục kết nghĩa
anh em giữa các dòng họ (mà trước hết là những dòng họ có quan hệ hôn
nhân với nhau) hiện vẫn còn tồn tại ở nhiều tộc người trên thế giới và ở
Việt Nam.

8.3.3. Các hình thái hôn nhân


833.1. Các hình tháihôn nhân theo quan điểm cúa L.Morgan và FÃnghen
L. Morgan trong tác phẩm Xã hội cổ đại và F. Ăngghen trong tác
phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước đã

238 Ngoại hôn xuất hiện cùng thị tộc. về nguyên nhân ra đời của ngoại hôn hiện có
nhiều cách giải thích khác nhau: Tránh hậu quả xấu do kết hôn cùng dòng máu; do tâm
lý, ý thức; do để tăng cường sức mạnh...
222
chia hôn nhân của nhân loại ra làm năm hình thái theo từng giai đoạn
phát triển của lịch sừ như sau:
- Hôn nhân tạp hôn: Là hình thức hôn nhân chưa có sự ràng buộc bởi
quy định xã hội, là loại hình hôn nhân chưa phân biệt huyết thống, thế hệ.
Loại hình hôn nhân này thừa nhận đa phu, đa thê, tồn tại trong giai đoạn bầy
người nguyên thủy.
- Hôn nhân quần hôn: Là kiểu hôn nhân diễn ra theo nhóm, giữa
tậ.p thể đàn ông này với tập thể đàn bà khác thị tộc. Trong hôn nhân, quần
hôn đã có sự hạn chế và sự hạn chế đầu tiên là giữa bố mẹ và con cái. So với
tạp hôn thì hôn nhân quần hôn là một bước tiến bộ của nhân loại.
- Hôn nhân đối ngẫu: Là kiểu hôn nhân dựa trên nền tảng quần hôn,
nhưng trong số đông các ông chồng, người vợ sẽ xác định cho mình một
người chồng chính.
- Hôn nhân phụ hệ: Là hình thức hôn nhân ra đời vào giai đoạn thị
tộ'C phụ quyền phát triển. Trong hôn nhân phụ hệ vai trò của người đàn
ông, chủ gia đình được đề cao.
- Hôn nhân một vợ một chồng: Theo L. Morgan, hôn nhân một vợ
m ột chồng là hình thức hôn nhân xuất hiện khi xã hội nguyên thủy tan rã.
Đây là hình thái hôn nhân tiến bộ nhất trong lịch sừ hôn nhân, gia đình.

8.3.3.2. Hình thức hôn nhân phức hôn (Polygamy) và hình thức hôn
nìhăn đơn hôn (Monogamy)
Khi phân loại các hình thái hôn nhân, ngoài cách phân loại của
L* Morgan đưa ra và được F. Ăngghen sử dụng trong tác phẩm kinh điển
Nguồn gốc cùa gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước, còn có cách
phân loại hôn nhân theo hình thái hôn nhân phức hôn và hình thái hôn
nhân đơn hôn:
Hôn nhân phức hôn: Là hình thái hôn nhân cho phép người phụ nữ/
người vợ được lấy nhiều người nam làm chồng hay người đàn ông/ người
chồng được lấy nhiều người phụ nữ làm vợ. Khời thủy của hình thái phức
hôn là hôn nhân theo nhóm, tất nhiên càng về sau “tính chất nhóm” của kiểu
hốn nhân này có những thay đổi, biến dạng (hôn nhân anh em chồng và chị
erm vợ, hôn nhân con cô con cậu, hôn nhân nổi dây...).

223
Hôn nhân đơn hôn: Là hình thái hôn nhân cá thể, hôn nhân một vợ
một chồng. Hôn nhân đơn hôn có ở chế độ mẫu hệ và chế độ phụ quyền.
Trong hôn nhân đơn hôn có tính tới lợi ích giới và được xem là hình thái
tiến bộ của nhân loại. Dù thế, hiện nay trong hình thái hôn nhân đơn hôn
phải tính tới tính bền vững cũng như sự xuất hiện của các yếu tố nới
(hôn nhân đồng tính).
8.4. GIA ĐÌNH

8.4.1. Khái niệm


Hôn nhân tạo thành gia đình, nhưng gia đình ra đời, xuất hiện từ
khi nào, vì sao lại có gia đình, gia đình là gì?... Đó là những câu hỏi lớn
không dễ gì một sớm một chiều được giải quyết. Hiện nay, có hai cách
tiếp cận về khái niệm gia đình:
- Cách tiếp cận thứ nhất cho rằng, cho rằng khó mà có một định
nghĩa chung thống nhất về gia đình bởi thực tại tồn tại của gia đình hết
sức phong phú, đa dạng, phức tạp ờ mọi thời gian, không gian, xã hội, tộc
người, nền văn hóa...
- Cách tiếp cận thứ hai cho rằng, có một định nghĩa về gia đình
theo quan điểm của những nhà nghiên cứu, tập thể nhà nghiên cứu thuộc
các lĩnh vực khác nhau: Triết học, luật học, sử học, nhân học, kinh tế học,
tâm lý học, mỹ học,... hay trong các từ điển.
Ở cách tiếp cận thứ hai này, dựa vào những tài liệu đã có trong thời
gian gần đây239, chúng ta có những định nghĩa về gia đình như sau:
- Gia đình là một tập đoàn xã hội cơ bản và quan trọng mang tính
lịch sử trong quá trình phát triển của xã hội (Auguste Conte);
- Gia đình là một tập hợp những người cùng huyết thống, cùng
chung sống dưới một mái nhà chủ yếu gồm có người bố, mẹ và con (Littré);
- Gia đình là một nhóm người đoàn kết với nhau bằng mối quan hệ
hôn nhân, huyết thống và việc nhận con nuôi tạo thành một hộ đơn giản,

239 Các định nghĩa của các tác già sau được tham khảo và trích dẫn từ các cuốn sách:
Mai Huy Bích (2003); ĐHQGTPHCM (2008); ĐHQGTPHCM (2015); Đặng Cảnh Khanh,
Lê Thị Quý, 2007.

224
tác động lẫn nhau trong vai trò tương ứng của họ là người chồng, người
vợ, người mẹ và người cha, anh em và chị em, tạo ra một nền văn hóa
chung (E.w . Burgess, H.J. Locke);
- Gia đình là một tập thể xã hội có từ hai người trở lên trên cơ sở
huyết thống, hôn nhân hay nghĩa nuôi dưỡng cùng sống với nhau. Đời
sống gia đình mang tính hợp tác, gia đình thường là các tập thể sơ cấp,
trong đó các thành viên có cùng tài nguyên kinh tế và trách nhiệm hàng
ngay (John.J. Macoinnis);
- Gia đình là một nhóm xã hội liên kết với nhau bàng kinh tế/ ngân
sách chung, bằng một chỗ ờ và bằng mối quan hệ huyết thống (T.A. Phanaxave);
- Gia đình là một nhóm người có quan hệ hôn nhân, hoặc huyết
thống với nhau, thường chung sống và họp tác kinh tế với nhau để thỏa
mãn những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của họ về sinh đẻ và nuôi
dạy con, chăm sóc người già... Gia đình bao gồm thành viên hai giới
khác nhau, nam và nữ có con đẻ hoặc con nuôi (Mai Huy Bích, 2003);
- Gia đình là một thiết chế xã hội dựa trên cơ sở kết hợp những
thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện các chức năng
sinh học, kinh té, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng... (Từ điển Bách khoa thư);
- Gia đình là nhóm người gắn bó với nhau bằng một mối liên hệ
hôn nhân, huyết thống hay việc nhận con nuôi. Có sự tác động qua lại
giữa chồng và vợ, giữa bố và mẹ, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị
em và họ hàng xa hơn (Từ điển xã hội học Pháp);
Những định nghĩa về gia đình đó sẽ còn được kéo dài khi mà hiện
thực cuộc sống gia đình của nhân loại hiện nay còn xuất hiện thêm nhiều
những loại hình gia đình như gia đình khiếm khuyết, gia đình “trại”, gia
đình đồng tính... Điểm chung của các nhà nghiên cứu khi đưa ra định
nghĩa về gia đình là:
- Gồm một nhóm người do kết quả của hôn nhân mang lại.
- Có quan hệ huyết thống.
- Có sự tác động qua lại giữa chồng và vợ, giữa bố mẹ và con cái,
giữa con cái với nhau về quyền lợi và trách nhiệm.
- Liên kết với nhau bàng kinh tế, nơi cư trú...

225
Điều đó cũng có nghĩa, khi nói đến các mối liên hệ đặc trưng trong
gia đình, chúng ta cần lun ý đến các liên hệ:
+ Liên hệ thân thuộc: Mối liên hệ thân thuộc trong một gia đình
bao gồm liên hệ huyết thống và mối liên hệ nuôi dưỡng. Liên hệ huyết
thống chia thành trực hệ và bàng hệ. Liên hệ trực hệ là liên hệ của những
người có quan hệ sinh thành trên tôi và dưới tôi (kỵ, cụ, ông, cha, tôi,
con, cháu, chắt, chút...). Liên hệ bàng hệ là liên hệ kết nối những người
cùng thế hệ với tôi và con cháu,... của những người đó (nếu là phụ hệ
bao gồm những anh em trai tôi và các thế hệ con cháu của họ). Còn liên
hệ nuôi dưỡng là mối quan hệ thân thuộc nhân tạo, được hình thành từ
việc nhận con nuôi.
+ Liên hệ hôn nhân: Mối liên hệ này được hình thành tò việc kết
hôn giữa hai cá thể. Hai cá thể khác giới, theo quy luật tự nhiên, tìm đến
và kết hôn với nhau, sinh con đẻ cái, tạo thành gia đình. Gia đình được
khởi đầu bằng hôn nhân, lúc đầu chỉ có hai người - hai vợ chồng.
+ Liên hệ kinh tế: Liên hệ kinh tế tạo ra của cải vật chất, đảm bào
cho sự tồn tại, phát triển của từng cá nhân, gia đình, xã hội.
8.4.2. Chức năng
Khi bàn về chức năng gia đình, M.J. Levy và L.A. Fallers trong
công trình The Family: Some comparative considerations xuất bản năm 1959,
đưa ra bốn nhóm chức năng: Tình dục, sinh sản, kinh tế, giáo dục.
Tác giả Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý trong công trình Gia
đình học xuất bản năm 2007 đưa ra bốn chức năng: Sự xã hội hóa, chăm
sóc và giáo dục con cái; chức năng kinh tế của gia đình; chức năng sinh
sản và tái sản xuất con người và xã hội; chức năng tình cảm.
Tác giả Nguyễn Thị Hồng Nga trong giáo trình Gia đình học xuất
bản năm 2009 cho rằng, gia đình có bốn chức năng: Chức năng duy trì
nòi giống; chức năng kinh tế; chức năng nuôi dưỡng, giáo dục và xã hội
hóa gia đình; chức năng tình cảm.
Tác giả Nguyễn Khắc Cảnh và tác giả Đặng Thị Kim Oanh trong
công trình Nhân học về thân tộc, dòng họ, hôn nhân gia đình xuất bàn
năm 2015, cho rằng gia đình có ba chức năng: Chức năng tái sản xuất
con người; chức năng kinh tế; chức năng văn hóa, giáo dục.

226
Phan Hữu Dật trong các công trình nghiên cứu của mình cho ràng
gia đình có năm chức năng: Tái sản sinh ra con người; sản xuất /kinh tế;
xã hội hóa; văn hóa; giáo dục.
Như thế, dù có những chia tách, hay nhóm họp thì tính đồng nhất trong
khi bàn về sổ lượng các chức năng cũng như nội dung thể hiện các chức năng
của các nhà nghiên cứu là tương đối thống nhất, những chức năng đó là:
8.4.2.1. Chức năng sinh đẻ, duy trì và phát triển giống nòi
Đây là chức năng có tính quy luật/ tất yếu của gia đình. Hai cá thể
khác giới tiến hành hôn phối với nhau là để sinh con đẻ cái, nối dõi tông
đường. Nhu cầu giao phối là nhu cầu mang tính tự nhiên sinh học của
con người. Đây cũng là hành động muôn thuở của nhân loại. Câu “ỉửa
gần rom lâu ngày cũng cháy” của người Việt dường như minh chứng cho
sức mạnh của yếu tổ nhục dục. Trước đây, người Việt có quan niệm “một
trong những tội nặng của người phụ nữ khi đã lay chồng là tội không có
con và tội nặng nhất là tội không có con trai”. Một gia đình, dòng họ đất
nước, nhân loại khó mà tồn tại, phát triển khi không có “tái sản xuất” ra
những lực lượng sản xuất mới.
8.4.2.2. Chức năng sản xuất/kinh tế
Con người muốn tồn tại, phát triển phải đảm bảo những nhu cầu về
mặt vật chất, tinh thần. Con người phải cần ăn, mặc, ở,... và cùng với
thời gian, còn có vô vàn những nhu cầu khác nữa. Lao động là nhân tố
đặc biệt tái tạo ra con người, giúp “những con vượn chuyển biến thành
những con người” và tạo ra vô vàn sản phẩm phục vụ con người. Những
con người trong các gia đình đã lao động sản xuất tạo ra những của cải
vật chất nuôi sống cá nhân, gia đình, xã hội. Gia đình cũng là những
nhóm sản xuất, những đơn vị sản xuất đầu tiên của nhân loại. Trong đom
vị sản xuất đó, người phụ nữ hoặc là người đàn ông sẽ là “trưởng đơn vị”
điều hành, quản lý mọi hoạt động lao động sàn xuất và phân phối sản
phẩm, thực hiện các nghĩa vụ kinh tế trước cộng đồng, xã hội (nghĩa vụ
đóng góp, nghĩa vụ thuế.. .)•
8.4.2.3. Chức năng xã hội
Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, là mắt xích quan trọng trong
chuỗi hệ thống, trong sự gắn kết với nhà nước, quốc gia, dân tộc. Trong hợp
thể của khái niệm Nhà nước, Quốc gia đều có yếu tố nhà/ gia đình. Thực
227
tiễn của Việt Nam nói riêng và của thế giới nói chung đã chỉ ra: Nhiều gia
đình gắn kết lại sẽ hình thành nên dòng họ, nhiều dòng họ họp thành lại sẽ
hình thành nên các làng xã - tổ chức mang tính cơ bản của mỗi tộc người.
Trên cơ sở tổ chức làng xã, sẽ hình thành những đơn vị hành chính lớn hơn,
quy mô như tổng, phủ, quốc gia. Theo đó, chức năng xã hội của gia đình thể
hiện ờ tính nối kết, tính mạng lưới, tính chuyển tải, tính hành động/ thực
thi... Hơn thế nữạ, chức năng xã hội của gia đình còn được thể hiện thông
qua ý tường “có gia đình tốt thì xã hội mới tổ f\

8.4.2.4. Chức năng văn hóa/giảo dục


Gia đình là thiết chế và là thiết chế đầu tiên của xã hội. Điều đó cho
thấy khi nói đến gia đình là nói đến chức năng văn hóa, giáo dục. Văn
hóa do con người sáng tạo nên. Mỗi cá nhân, gia đình luôn chứa đựng
trong đó nhiều yếu tố văn hóa. Những “sản phẩm văn hóa” được kết tinh
trong mỗi con người, gia đình qua thời gian sẽ trở thành những chuẩn giá
trị, mang đặc tính riêng của từng con người, gia đình, dân tộc, vùng đất...
Những chuẩn giá trị này sẽ là niềm tự hào, sức sống và được trao truyền
từ thế hệ này sang thế hệ gia đình khác. Trao truyền, tiếp nối là bản chất
của con người, của gia đình. Sự học/ giáo dục đầu tiên của cá nhân mỗi
con người là từ bố mẹ, anh em, ông bà,... Trong môi trường giáo dục:
Gia đình - nhà trường - xã hội thì gia đình là môi trường giáo dục đầu
tiên. Những đứa trẻ khi sinh ra sẽ được tắm/ nuôi dưỡng trong hào quang
của “vătt hóa gia đình” được các thế hệ trong gia đình dạy cho những từ
ngữ và những bước đi chập chững đầu tiên, được gia đình giáo dục/ bày
cho cách làm ăn, đối nhân xử thế,... với cộng đồng, với xã hội. Con cái
hư không phải lúc nào cũng do “mẹ và bà” nhưng lại chịu ảnh hường/ tác
động tò gia đình rất lớn. Bất cứ ông bà, ba mẹ (gia đình) nào cũng là
những người thầy đầu tiên của con trẻ.

8.4.2.5. Chức năng tình cảm


Chức năng tình cảm được xem như là thuộc tính của gia đình. Thực
tế, cuộc sống gia đình trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay đã chỉ
ra dù là gia đình đầy đủ hay gia đình khiếm khuyết, gia đình con đẻ hay
con nuôi, gia đình khác giới hay đồng giới,... thì những con người sống
trong các gia đình đó luôn có tình cảm với nhau, có trách nhiệm và nghĩa
228
vụ đối với nhau. Họ gắn bó với nhau bàng hôn nhân (vợ chồng), bằng
dòng máu (cha mẹ - con cái - anh chị em), bằng lợi ích kinh tế... Và hơn
thế họ còn gắn bó với nhau ở đạo làm người, ở bản chất “người”. Thế
giới tự nhiên có “một con ngựa đau cả tàu bỏ cô”, đặc tính tự nhiên/ sinh
học đó đã được con người thừa kế và được phát huy cao độ trong môi
trường “người”, môi trường gia đình.

8.4.3. Phân loại các loại hình gia đình


8.43.1.Các loạihình gia đình theo quan điểm cúa L. Morgan và F. Ảngghen
L. Morgan là nhà nghiên cứu có công rất lớn trong việc đưa ra các
loại hình gia đình trong lịch sử phát triển của nhân loại. Theo ông, lịch sừ
phát triển của nhân loại về mặt gia đình có 5 hình thái sau đây240:
1. Gia đình huyết tộc: Gia đình huyết tộc có các đặc điểm quần hôn
giữa anh chị em cùng huyết tộc. Trong hình thái gia đình này quan hệ
tính giao giữa bố mẹ con cái bị loại trừ, hạn chế. Hình thái gia đình này
được xem là hình thái gia đình đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
2. Gia đình Pu-na-lu-a: Hình thái gia đình này quan hệ tính giao
giữa anh chị em cùng huyết tộc bị nghiêm cấm. Trong hình thái gia đình
này quần hôn giữa các nhóm người thuộc hai giới tính khác nhau và khác
dòng máu. Thời gian tồn tại của gia đình huyết tộc và gia đình Pu-na-lu-a
theo L. Morgan là suốt cả thời kỳ mông muội.
3. Gia đình đối ngẫu: Đây là hình thái gia đình được hình thành/kết
quả của hôn nhân đối ngẫu - một hình thức kết hôn theo từng cặp nhưng
không bền vững, mang tính chất quá độ. Trong gia đình đối ngẫu, người
phụ nữ có một người chồng chính ừong số nhiều người chồng. Chế độ xã
hội mà loại hình gia đình này tồn tại là chế độ thị tộc mẫu quyền.
4. Gia đình phụ hệ gia trưởng: Gia đình phụ hệ gia trường hình
thành vào thời kỳ xã hội nguyên thủy đã bước vào giai đoạn thị tộc phụ
quyền. Trong gia đình phụ hệ gia trưởng, vai trò của người đàn ông được
đề cao. Dù vậy, trong hình thái gia đình này, dấu vết quần hôn vẫn còn
đậm nét. Gia đình đối ngẫu và gia đình phụ hệ gia trường được xem là

240 L. Morgan, 2002.

229
hình thái gia đình mang tính chất quá độ trên con đường phát triển của
gia đình.
5. Gia đình một vợ một chồng: Hình thái gia đình này xuất hiện vào
thời kỳ tan rã của thế hệ thị tộc. Hôn nhân của hình thái gia đình này là
hôn nhân một vợ một chồng và được xem là bước phát triển cao của hôn
nhân và gia đình cùa nhân loại.
F. Ăngghen trong tác phẩm Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư
hữu và của nhà nước, sử dụng lại kết quả các hình thức gia đình của
L. Morgan và cũng xem đó là năm hình thái gia đình của nhân loại. Tuy
nhiên, với sự phát triển của nhận thức, của khoa học, của thông tin,...
khoa học ngày nay nghi ngờ và cho rằng hai khâu yếu nhất trong sơ đồ
gia đình của L. Morgan là gia đình huyết tộc và gia đình Pu-na-lu-a. Lý
do mà các nhà khoa học ngày nay không thừa nhận gia đình huyết tộc
trong sơ đồ gia đình của L. Morgan là do luận điểm của ông về sự tồn tại
của gia đình huyết tộc trong quá khứ không đủ sức thuyết phục. Bời gia
đình chỉ thực sự xuất hiện khi bản thân nó biết sáng tạo ra những giá trị
văn hóa, xã hội, cuộc sống “bầy đàn” cũng có những tình cảm nhưng đó
là những tình cảm mang tính bản năng động vật. Còn gia đình Pu-na-lu-a
theo như L. Morgan phân tích, xét cho cùng chỉ là một dạng quần hôn.
về vấn đề này, c. Mác trong sổ tay ghi chép khi đọc Xã hội cổ đại
của L. Morgan có viết: “Thị tộc tất yểu xuất hiện từ nhóm người tạp hỏn.
Chỉ trong khi trong nội bộ nhóm ẩy, quan hệ hôn nhân giữa anh chị em
đã bị loại trừ thì trong lòng nó có thể hình thành thị tộc, chứ không sớm
hơri”14\ Theo nghĩa đó, con đường hôn nhân và gia đình mà nhân loại từ
trước tới nay đã trài qua lúc đầu là quần hôn (khi thị tộc ra đời), sau đó là
hôn nhân cá thể (khởi thủy chưa bền vững dưới dạng hôn nhân đối ngẫu,
về sau bền vững dưới dạng một vợ một chồng).
8.4.Ĩ.2. Hình thải đại gia đinh, tiểu gia đình
Ngoài cách tiếp cận trên, còn có một cách tiếp cận khác khi đưa ra
các hình thái gia đình trên thế giới tò trước tới nay, là cách tiếp cận cho

241 Dan theo: Phan Hữu Dật, lời giới thiệu, trong Lewis H. Morgan (2002), Xã hội cổ
đại - hay con đường nghiên cứu đi lên cùa loài người từ mông muội qua dã man đến văn
minh, Nxb GD.

230
rằng có hai hình thái gia đình: Đại gia đình và tiểu gia đình. Cách tiếp
cận này không đi từ sự phân tích đặc trưng hôn nhân, từ đó xác định các
hình thái gia đình mà dựa vào quy mô, cấu trúc, các mối quan hệ hôn nhân,
huyết thống, kinh tế, xã hội, văn hóa,... để đưa ra các hình thái gia đình.
Theo cách tiếp cận này, nhân loại hiện có các hình thái gia đình như:
- Đại gia đình (gia đình lớn, gia đình không phân chia, gia đình mở
rộng, gia đình nhiều thế h ệ ..
Hình thái đại gia đình tồn tại từ rất sớm trong lịch sử của nhân loại.
Hiện còn có một sổ tranh luận khác nhau nhưng điểm chung/ thống nhất
khi nói đến đại gia đình là thừa nhận: Đông người, nhiều thế hệ theo trực
hệ và bàng hệ, có kinh tế chung.
Dạng nguyên xưa nhất của đại gia đình là ở chung, ăn chung, làm
chung, có ý thức tình cảm chung... Có thể đại gia đình theo kiểu này đầu
tiên của nhân loại là đại gia đình mẫu hệ (có thể ờ trong một nhà sàn dài,
nhà đất lớn). Trong đại gia đình mẫu hệ, vai trò của người phụ nữ chủ gia
đình có tiếng nói quyết định. Sau (hoặc có thể song song với) đại gia đình
mẫu hệ là các đại gia đình phụ hệ. Trong gia đình phụ hệ, người đàn ông
là chủ gia đình, có tiếng nói quyết định.
Khoa học ngày nay có nói đến kiểu hình gia đình song hệ, lưỡng hệ
với quyền lực “nước đôi” hay quyền lực “hai trong một” của nữ giới
hoặc nam giới trong một gia đình. Dù thế, như một tất yếu của lịch sử,
các đại gia đình đang từng bước tan rã, chuyển sang gia đình nhỏ.
- Tiểu gia đình (Gia đình hạt nhân, gia đình ít thế hệ, gia đình nhỏ,
gia đình phân chia...
Thời gian tồn tại của tiểu gia đình thường muộn hơn đại gia đình.
Tiểu gia đình cũng có tiểu gia đình mẫu hệ và tiểu gia đình phụ hệ. Trong
tiểu gia đình mẫu hệ, người phụ nữ nắm vai trò là chủ gia đình, có tiếng
nói quyết định. Trong tiểu gia đình phụ quyền, người chồng là chủ gia
đình, quyết định mọi việc trong gia đình và ngoài xã hội.
Trong một tiểu gia đình đầy đủ (dù là theo mẫu hệ hay phụ hệ) bao
giờ cũng có tám mối quan hệ trên cơ sở của ba mối quan hệ tạm cho là
chính/gốc: Quan hệ vợ - chồng, quan hệ bố mẹ - con cái, quan hệ con cái
- con cái. Hiện nay, thông thường một tiểu gia đình chỉ có hai thế hệ (thế
hệ bố mẹ và thế hệ con cái). Tuy nhiên, đây đó vẫn còn có tới ba thế hệ
231
(ông bà, cha mẹ, con cháu), dù vậy thế hệ ông bà trong tiểu gia đình hiện
đại thường mất khả năng sản xuất và nhất là khả năng tái sản xuất.
Khi nghiên cứu hình thái tiểu gia đình, một vấn đề phức tạp đặt ra
hiện nay cần phải chú ý là việc xuất hiện ngày một nhiều những hình thái
gia đình kiểu như: Gia đình độc thân, gia đình khiếm khuyết/ không đầy
đủ, gia đình “tr ạ ĩ\ gia đình đồng tính, gia đình ly tán... Sự xuất hiện các
hình thái gia đình “mới lạ” này nói lên tính đa dạng của gia đình và sự
thay đổi trong nhận thức về gia đình của nhân loại hiện nay.

Tổng kết chưoiỉg


1. Thân tộc, hệ thống thân tộc là tổ hợp các thuật ngữ biểu thị các
quan hệ thân thuộc tồn tại trong một xã hội nhất định. Thân tộc là những
công cụ giúp giải mã những vấn đề liên quan đến đời sống hôn nhân và
gia đình trên thực tiễn; là chìa khóa, giúp hiểu rõ, giải quyết những vấn
đề liên quan đến lịch sử phát triển của hôn nhân, gia đình; nó sẽ giúp hiểu
sâu thêm các lý thuyết về thời kỳ nguyên thủy, về sự phát triển của xã hội
các tộc người... Hiện nay, chủ yếu tồn tại cách phân loại bốn hệ thống
thân tộc: Loại hình I-ro-qua/ loại hình này tương ứng với xã hội chưa
phân hóa giai cấp; loại hình Mã Lai (hay Hawai); loại hình Ả Rập (loại
hình Mã Lai và Ả Rập là những loại hình trung gian chuyển tiếp từ xã hội
chưa có giai cấp sang xã hội có giai cấp); loại hình Anh (loại hình của xã
hội đã phân hóa giai cấp). Trong khi nghiên cứu hệ thống thân tộc cần
lưu ý về việc phân loại thuật ngữ thân tộc, về các tổ hợp thuật ngữ hệ
thống thân tộc mà người nghiên cứu cần sử dụng, về yêu cầu và cách ghi
hệ thống thân tộc...
2. Dòng họ là tổ chức xã hội cơ bản mà trong đó mối quan hệ giữa
các thành viên được xác lập bắt nguồn từ kinh nghiệm chung của con
người về hành vi tính giao và sinh đẻ... Dòng họ như là “hạt nhân” ứong
cơ cấu xã hội của mỗi tộc người, nó là cơ sở tạo nên tính cố kết cộng
đồng làm cho mỗi quan hệ xã hội gắn kết mật thiết hom. Dòng họ có vai
trò, như ngăn ngừa, kiểm soát, điều chỉnh những quy định, định chế, tập
tục, nghi lễ,... liên quan đến hôn nhân, gia đình và liên kết, mở rộng các
mối quan hệ, tăng cường sức mạnh, đảm bảo tính an toàn, tính pháp lý,...
cho các thành viên trong dòng họ. Dòng họ có các chức năng, như tôn
232
kính, sùng bái vật tổ và “hương hồn” tổ tiên, thực hiện các chức năng tôn
giáo; chức năng tôn giáo và thực hành các nghi lễ truyền thống chức
năng nối kết xã hội, bảo vệ các cá nhân, gia đình trước cộng đồng làng
xã; chức năng kinh tế của dòng họ... Dòng họ có những loại hình, như
dòng họ đơn tuyến (dòng họ đơn tuyến mẫu hệ, dòng họ đơn tuyến phụ hệ),
dòng họ đa tuyến (dòng họ đơn hệ đa tuyến và dòng họ song hệ đa tuyến).
3. Hôn nhân là sự kết giao giữa nam và nữ được hợp thức hóa bởi
các tập quán và luật pháp của xã hội, nhằm chung sống khác giới tính với
nhau để tái sản xuất con người, từ đó sản sinh ra quyền hạn và trách
nhiệm của vợ chồng trong quan hệ với nhau và con cái. Hôn nhân có vai
trò hợp thức hóa quan hệ tình dục; xác lập/ thừa nhận các gia đình cũng
như xác định quyền lợi, nghĩa vụ cùa các thành viên tham gia hôn nhân;
tạo dựng các liên minh họ hàng... Hôn nhân có các hình thái, như tạp
hôn, quần hôn, đối ngẫu, phụ hệ, một vợ một chồng và hình thức hôn
nhân phức hôn, hôn nhân đơn hôn.
4. Gia đình là nhóm người gắn bó với nhau bằng một mối liên hệ
hôn nhân, huyết thống hay việc nhận con nuôi. Có sự tác động qua lại
giữa chồng và vợ, giữa bố và mẹ, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị
em và họ hàng xa hom. Gia đình có các chức năng, như sinh đẻ, duy trì và
phát triển giống nòi, chức năng sản xuấư kinh tế, chức năng xã hội, chức
năng văn hóa/ giáo dục, chức năng tình cảm... Gia đình trong lịch sử gồm
các loại hình, như gia đình huyết tộc, gia đình Pu-na-lu-a, gia đình đối
ngẫu, gia đình phụ hệ gia trường, gia đình một vợ một chồng.
F. Ăngghen không đồng tình với L. Morgan về gia đình huyết tộc và gia
đình Pu-na-lu-a. Hiện nay, còn tồn tại cách phân loại hình thái đại gia
đình (gia đình lớn, gia đình không phân chia, gia đình mở rộng, gia đình
nhiều thế h ệ ...) và tiểu gia đình (Gia đình hạt nhân, gia đình ít thế hệ, gia
đình nhỏ, gia đình phân chia..

Tài liêu tham khảo


1. F. Ăngghen (1995), Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu
và của nhà nước, Toàn tập, T. 21, Nxb CTQG, H.
2. Mai Huy Bích (2003), Xã hội học gia đình, Nxb KHXH, H.

233
3. Vũ Minh Chi (2004), Nhân học văn hoá: Con người với thiên
nhiên, xã hội và thể giới siêu nhiên, Nxb CTQG, H.
4. Đàm Đại Chính (2005), Văn hóa tính dục và pháp luật (Bùi Hữu Hồng
dịch), Nxb Thế giới.
5. Nguyễn Đình Chú (2015), Dòng họ và vai trò dòng họ trong đời
sổng văn hóa dân tộc, Nxb TP. HCM.
6. ĐHQGTPHCM (2015), Nhân học về thân tộc, dòng họ, hôn nhân
và gia đình, Nxb ĐHQGTPHCM.
7. ĐHQGTPHCM (2008), Nhân học đại cương, Nxb ĐHQGTPHCM.
8. Grant Evans (Cb)(2001), Bức khảm văn hoá châu Ả: Tiếp cận
nhân học, Nxb VHDT, H.
9. Lê Sĩ Giáo (Cb)(2000), Dân tộc học đại cương, Nxb GD, H.
10. E. Adamson Hoebel (2007), Nhân chủng học khoa học về con
người (Lê Sơn, Lê Trọng Nghĩa, Phạm Khương biên dịch), Nxb Tổng
hợp TP.HCM.
11. Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý (2007), Gia đình học, Nxb
LLCT, H.
12. Bửu Lịch (1970), Nhân chủng học và lược khảo thân tộc học,
Nxb Lửa Thiêng, SG.
13. Lewis H. Morgan (2002), Xã hội cổ đại - hay con đường nghiên
cứu đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến vãn minh, Nxb
GD, H.
14. Nguyễn Thị Hồng Nga (2009), Giảo trình gia đình học,
Nxb LĐ, H.
15. Lê Thị Quý (2011), Xã hội học gia đình, Nxb CTHC, H.
16. Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda (2001), Nhân học, một
quan điểm về tình trạng nhân sinh, Nxb CTQG, H.
17. Đặng Nghiêm Vạn (Cb) (1998), Dân tộc học đại cương, Nxb
GD, TP. HCM.

234
Chương 9

NHÂN HỌC KINH TÉ242

9.1. NHÂN HỌC KINH TÉ LÀ GÌ?

Nhân học kinh tế là một phân ngành của nhân học ứng dụng; nó có
mối liên hệ với kinh tế học. Tuy nhiên, trong khi kinh tể học nghiên cứu
nhằm tìm ra các phương thức giúp con người trong hoạt động mưu sinh
của mình sao cho hiệu quả, sử dụng nguồn tài nguyên một cách hợp lý
nhất, phân bố các nguồn lợi tự nhiên khan hiếm cho các mục đích cạnh
tranh khác nhau2AĨ, thì nhân học kinh tế lại chú ý đến các yếu tố văn hóa
tác động đến hành vi kinh tế. Theo đó, kinh tế học chú trọng đến việc tối
đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu hóa chi phí, tiết kiệm nguồn tài nguyên, mối
quan hệ giữa con người với nhau liên quan đến những hoạt động sản
xuất, trao đổi và tiêu dùng... Còn nhân học kinh tế lại chủ trọng đến sự
tương tác của văn hóa đến hoạt động kinh tế, như văn hóa trong kinh
doanh, văn hóa trong doanh nghiệp, văn hóa với tiêu dùng, với phân phối
sản phẩm...
Chúng ta đều biết rằng, khác với loài vật chỉ đơn thuần thích nghi
với môi trường về mặt sinh học, con người thích nghi với môi trường về
mặt văn hóa, như việc tìm ra lừa, trang phục, nhà cửa... Như vậy, con
người thích nghi với môi trường theo cách chủ động, lao động, sản xuất
để biến đổi tự nhiên, tạo nên cái văn hóa. Đen lượt mình, văn hóa lại tác
động làm thúc đẩy hay cản trở các hoạt động kinh tế của con người. Vì
vậy, nhân học kinh tế tập trung tìm hiếu đặc trưng văn hóa cùa các cộng
đồng người tác động/ chi phổi đến suy nghĩ, hành vi kinh tế của họ.

242 Một phần nội dung trong chương này, người biên soạn đã kế thừa một số ý tường của
Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, 2001, Nhân học một quan điểm của tình trạng
nhân sinh, Nxb CTQG, tr. 416- 447 và của Ngô Thị Phương Lan trong Nhàn học đại
cương của ĐHQGTPHCM Xb, tr. 215 - 245.

243 Marvin Harris, 1997, tr. 108, Theo ĐHQGTP.HCM, 2008, tr. 215.
235
9.2. CÁC TRƯỜNG PHÁI NGHIÊN c ứ u TRONG NHÂN HỌC
KINH TẾ
Nhân học kinh tế hình thành đầu tiên ở những công trình của
Bronislaw, Malinowski (1922), Marcel Mauss (1954), và Raymond Firth (1967)
trong nửa đầu thế kỷ XX. Tiếp theo, phân ngành nhân học ứng dụng
này đã trải qua những nghiên cứu đáng chú ý, như Lý thuyết về tiêu thụ,
(Miller 1994, 1995,1997), Tính dân tộc của từng ngành công nghiệp cụ
thể (Attwood 1992, D. Wolf 1992, Janelli 1993, Moberg 1997), Nền tảng
văn hóa đời sổng kinh tế (Douglas và Ishenvood, Douglas và Ney 1998;
Appadurai 1986; Parry và Bloch 1989, Hefner 1990)...
Nhân học kinh tế còn hướng đến tên tuổi của Max Weber244 như là
nhà tiên phong đề cập về mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa. Thay vì
xem văn hóa là một phần của cấu trúc thượng tầng, những người theo
trường phái Max Weber và tân Weber tập trung về ý nghĩa của nền văn
hóa, cũng như tác động của nó vào đời sống xã hội, bao gồm cả đời sống
kinh tế.
Theo quan điểm của Weber và những người theo trường phái tân
Weber, con người (human actors) có lúc hướng về lợi ích (interest), có
lúc hướng về giả trị (value), có lúc hướng về truyền thống (tradition),
nhưng thường xuyên hướng về một sự kết hợp phức tạp của cả ba nội
hàm đó để tạo nên sự cân bằng trong bối cảnh thể chế, văn hóa, biểu
tượng, và chính chúng là tiêu điểm của bất kỳ hoạt động nào của xã hội,
kể cả kinh tế.
Tác phẩm của Weber, The Protestant Ethic and the Spirit o f
Capỉtalism (1958), cho ràng chủ nghĩa tư bản châu Âu dựa vào sự kết
hợp giữa thể chế cụ thể và các giá trị, hay “tinh thần" (spirit) văn minh
nhất định. Trong các công trình nghiên cứu tiếp theo về Ấn Độ, Trung Quốc
và người Do Thái cổ đại, Weber trình bày các trường họp mà trong đó
môi trường thể chế hoặc môi trường văn hóa của các dân tộc bản địa

244 Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch từ Billig, Michael s., Institutions and Culture:
Neo-Weberian Economic Anthropology, JoumaI of Economic Issues, Vol. 34, No. 4
(Dec., 2000), pp. 771-788. http://www.jstor.org/stable/4227610.

236
không có lợi cho sự phát triển của CNTB, không liên quan gì tới tiết
kiệm, đầu tư, chấp nhận rủi ro, hay tạo ra lợi nhuận của CNTB.
Những nghiên cứu về môi trường văn hóa tác động đến kinh tế như
vậy đã nổi kết Geertz, Heíner, Janelli thành một “trường phái” nhân học kinh
tế tân Weber. Trường phái này đều tìm cách làm sáng tỏ và mô tả ý nghĩa
của văn hóa các cộng đồng xã hội là các nguồn lực với mục đích thúc đẩy
hay cưỡng lại các “lợi ích” kinh tế ở phạm vi địa phương, khu vực và
toàn cầu. Cuối cùng, tất cả các tác giả của trường phái này đều tập trung
vào sự tương tác giữa chủ nghĩa tư bản toàn cầu và văn hóa ở các định
chế người dân bản địa245.
Nhân học kinh tế theo trường phái hình thức luận (íòrmalism) của
Samuel Popkin, Manning Nash, Ramon Myers... Trường phái này cho
rằng, các hành vi kinh tế của con người có mối quan hệ với môi trường
vàn hóa của cộng đồng dân cư đó. Để giải thích các hành vi kinh tế của
con người trong một cộng đồng dân cư thì cần phải có sự hiểu biết cụ thể
về đời sống văn hóa, phong tục tập quán, các giá trị văn hóa khác của
cộng đồng dân cư đó. Vì vậy, các nhà nhân học kinh tế theo trường phái
này cho rằng, không thể áp dụng các lý thuyết kinh tế trong xã hội TBCN
đối với xã hội tiền công nghiệp như ở phương Đông thời cận đại. Vì
rằng, xã hội phương Tây thời TBCN hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng
tối đa hóa lợi nhuận thì xã hội phi công nghiệp hoạt động kinh tế còn dựa
trên các nguyên tắc văn hóa xã hội khác, như mối quan hệ dòng tộc, cộng
đồng trong sự trao đổi tương hỗ, công bằng các giá trị hàng hóa. Những
nguyên tắc quan hệ kinh tế của xã hội tiền công nghiệp ở phương Đông
như vậy hoàn toàn khác nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận trong quan hệ
kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa phương Tây.
Trong lúc đó, các nhà nhân học kinh tế theo trường phái thỊrc tế
luận (substantivism)246 như: James Scott, Karl Polayi, George Dalton,

245 Ví dụ, nghiên cứu thực nghiệm của Janelli về văn hóa Hàn Quốc tác động đến tổ
chức kinh doanh cùa đất nước này nói riêng và Đông Á nói chung.
246 Thuật ngữ Thực tế luận được dùng theo GS. Cao Xuân Phổ, 2001, dịchtrong tác
phẩm Bức khảm văn hóa châu Á: Tiếp cận nhàn học của Grant Evans (Cb) và cách
dùng cùa Ngô Thị Phương Lan trong Nhân học đại cương, 2008, tr. 216.

237
Marshall Sahlins, Cilffort Geertz,... lại cho rằng những quy luật kinh tế
dựa trên nền tảng tối đa hóa lợi nhuận của phương Tây phù họp với bất
cứ hệ thống kinh tế nào. Mặc dù vẫn thừa nhận các mối quan hệ xã hội
chi phổi trong hoạt động kinh tế của các cộng đồng dân cư phi công
nghiệp, nhưng các nhà thực tế luận vẫn đề cao động lực lợi nhuận theo
nghĩa tiền tệ để đạt được tối đa hóa giá trị hàng hóa. Ví dụ, trong khi thừa
nhận những người chăn nuôi dùng bò vào một số công việc phi lợi
nhuận, như dùng làm đồ sính lễ trong hôn nhân, làm vật tế lễ trong tôn
giảo... Nhưng các nhà thực tế luận cho rằng, chú bò như thế vẫn hàm
chứa một giá trị kinh tế nhất định247.

9.3. MÓI QUAN HỆ GIỮA CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG


Môi trường đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động kinh tế, vì
rằng hoạt động kinh tế thực chất là tận dụng và biến đổi môi trường tự
nhiên để tạo nên những sản phẩm vật chất phục vụ con người. Nếu như
loài vật chỉ biết tước đoạt, tìm kiếm các sản vật/ thức ăn trong tự nhiên
thì con người biết lao động sản xuất, tác động vào tự nhiên để tạo nên của
cải nuôi sống bản thân - đó chính là hoạt động kinh tế. Và chính trong
hoạt động kinh tế đó, con người đã tạo nên các giá trị văn hóa, như
những kinh nghiệm kỹ thuật, quy ữình sản xuất nương rẫy, sản xuất lúa
nước, kinh nghiệm thuần dưỡng động vật và chăm sóc vật nuôi, lịch thời
vụ, kinh nghiệm chọn giống cây con phù họp với môi trường... Vì vậy,
giữa con người, môi trường và văn hóa có mối quan hệ rất chặt chẽ với
nhau ữong đời sống xã hội nói chung và trong hoạt động kinh tế nói
riêng. Tuy nhiên, trong mối quan hệ đó con người là chủ thể, môi trường
sống là khách thể, còn văn hóa là hệ quả tất yếu của sự tác động giữa con
người với tự nhiên. Thực tế lịch sử đã chứng minh có nhiều dân tộc cùng
sống trong một vùng địa lý tự nhiên tương đồng nhau nhưng các đặc
trưng văn hóa của các dân tộc lại có những khác biệt nhất định, như các
dân tộc Êđê, Giarai, M'nông,... đều sống ở vùng Tây Nguyên (Việt Nam)
điều kiện địa lý tương đồng, nhưng văn hóa mỗi dân tộc có những bản
sắc riêng. Vì vậy, quan điểm của các nhà quyết định luận địa lý cho môi
trường quyết định bản chất của các nền văn hóa là không có cơ sở khoa học.

247ĐHQGTPHCM, 2008, tr.217.

238
Tóm lại, môi trường sống có mối quan hệ rất chặt chẽ, mật thiết
đến con người và văn hóa, đặc biệt là văn hóa sản xuấư hoạt động kinh
tế. Trong mối quan hệ đó, con người là chủ thể quyết định đặc trưng văn
hóa, loại hình kinh tế, còn môi trường là khách thể, là đối tượng để con
người tương tác, lao động sản xuất phục vụ cuộc sống của mình. Do vậy,
để hiểu về văn hóa sản xuấư hoạt động kinh tế của một dân tộc cần phải
có cái nhìn biện chứng trong mối quan hệ giữa con người với môi trường,
như sinh thái, hệ sinh thái, sinh thái văn hóa...
- Sinh thái: Khái niệm sinh thái bắt nguồn từ chữ Hi Lạp Oikos là
nhà cửa, nơi sinh sống; còn sinh thái học bắt nguồn từ chữ Hi Lạp là
Oikoslogos với nghĩa lý thuyết về nơi sinh sống của sinh vật. Thuật ngữ
“sinh thái và sinh thái học” lần đầu tiên được H. Thoreaul và E. Hackel
đề xuất vào năm 1869. Khái niệm sinh thái đề cập đến sự tập hợp của
quần xã sinh vật248; trong đó, các sinh vật tương tác với nhau và với môi
trường để tạo nên các chu trình sinh hóa.
Trong nhân học, cách tiếp cận sinh thái là sự tương tác giữa con
người với các loài động, thực vật và các mối tác động tương hỗ giữa
chúng với môi trường, tạo thành một hệ thống sinh thái-ecosystem.
- Hệ sinh thái: Khái niệm hệ sinh thái (ecosystem) do nhà sinh thái
học người Anh, A. Tansley đề xuất năm 1935 với nội dung phức hệ hữu
cơ các yếu tố tương tác với nhau trong một môi trường sinh thái249. Nó
được hiểu là sự tương tác/ mối quan hệ giữa các yếu tố hữu sinh và vô
sinh trong một môi trường sống nhất định. Vì vậy, khái niệm hệ sinh thái
đề cập đến một hệ thống hoàn chỉnh, tương đối ổn định, bao gồm quần xã
sinh vật/ động thực vật và các yểu tố sinh cảnh vô sinh, như núi đồi đất
đai, nguồn nước, ánh sáng, nhiệt độ,... ở xung quanh quần xã sinh vật đó;
chúng có quan hệ khăng khít với nhau và thường xuyên có tác động qua
lại với nhau. Trong hệ sinh thái đó, con người là loài động vật cao nhất.
Như vậy, hệ sinh thái là tập hợp của quần xã sinh vật với môi trường vô
sinh xung quanh nó, trong đó, các sinh vật tương tác với nhau và với môi

248 Quần xã sinh vật là tập họp các sinh vật thuộc các loài khác nhau cùng sinh sống trên
một khu vực nhất định. Khu vực sinh sống cùa quần xã được gọi là sinh cành.
249 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.219.

239
CJ
trường để tạo nên các chu trình sinh địa hóa và sự biến đổi năng lượng.
Hệ sinh thái là một hệ thổng sinh học hoàn chỉnh như một cơ thể, thực
hiện đầy đủ các chức năng sống như trao đổi năng lượng và vật chất giữa
con người nói riêng và sinh vật hữu sinh nói chung với môi trường250.
- Sinh thái văn hóa: Khái niệm sinh thái văn hóa được sử dụng
trong nghiên cứu nhân học gắn với sự ra đời trường phái Sinh thái văn
hóa/ hay còn gọi là nhân học sinh thái xuất hiện vào đầu thế kỷ XX ở Mỹ
và các nước khác ở châu Âu. Những nhà nhân học theo trường phái sinh
thái văn hóa tìm cách lý giải mối quan hệ giữa môi trường và văn hóa.
Đại biểu của trường phái lý thuyết này là Jullam Steward (1902 - 1977),
A. Vay da và Royppaport.
Theo Jullam Steward, sinh thái văn hóa chính là môi trường tạo nên
một phong cách văn hóa của các dân tộc... Nói cách khác, môi trường là
yếu tố tác động mạnh đến sự chọn lọc văn hóa của một dân tộc, từ cách
ăn ở, đi lại đến lễ nghi tôn giáo.
Tiếp nối với luận thuyết văn hóa sinh thái của Steward, vào những
thập niên 60 của thế kỷ XX, các nhà nhân học ở Mỹ, như A. Vayda và
Royppaport đã đưa những quy tắc sinh thái sinh vật vào nghiên cứu sinh
thái văn hóa. Theo quan điểm của các học giả trên, đặc điểm văn hóa
giống như các đặc điểm sinh học, có thể thích nghi hay không thích nghi,
có thể liên quan đến chọn lọc tự nhiên trong việc sinh tồn và tái tạo sản
xuất và kết quả là môi trường thay đổi có thể dẫn đến sự biến đổi văn hóa.
Theo cách tiếp cận này, các nhà nhân học sinh thái ở Mỹ còn chú
trọng nghiên cứu sự thích nghi về vật chất của con người với môi trường,

250 Thuật ngữ hệ sinh thái có thể áp dụng cho những quy mô khác nhau như hệ sinh thái
nhỏ (một dòng sông) hệ sinh thái vừa (một khu rừng), hệ sinh thái lớn (đại dương), hệ
sinh thái khổng lồ (trái đất). Hệ sinh thái không nhất thiết phải là một khu vực rộng lớn,
nhưng phải có quần xã sinh sống.
Trong nghiên cứu nhân học ờ nước ta trong những năm gần đây còn xuất hiện khái niệm
hệ sinh thái nhân văn với nghĩa thiên về các yếu tố con người quản lý, khai thác, tác
động vào môi trường sinh thái. Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, sinh thái nhân văn là
các yếu tố do con người tạo nên để ứng xử với tự nhiên, như nhà cửa, sông đào, rừng do
con người trồng,... để phân biệt sinh thái tự nhiên là các yếu tố của tự nhiên; theo
Nguyễn Xuân Kính, 2013, Con người, môi trường và văn hóa, Nxb KHXH, H, tr. 11.

240
được thể hiện qua ăn, ở, mặc,... và sự thích nghi về tinh thần được thể hiện
qua sự phù hợp về tâm lý của con người với môi trường tự nhiên, bằng các
hoạt động văn hóa tinh thần để cân bằng cuộc sống con người với môi
trường, như lễ hội, phong tục tập quán...
Cách tiếp cận sinh thái văn hóa cũng được thể hiện trong lý thuyết về
loại hình kinh tế văn hóa của các học giả Xô Viết. Nội dung cơ bản của luận
thuyết này là ở các dân tộc có thể sổng cách xa nhau, không có mối liên hệ
gì với nhau, nhưng có cùng một hoạt động kinh tế trong một môi trường tự
nhièn tương đồng sẽ sản sinh những đặc trưng văn hóa tương đồng, như loại
hình kinh tế văn hóa săn bắn đánh cá hái lượm ở vùng rừng nhiệt đói, loại
hình kinh tế văn hóa của cư dân đánh cá ở vùng biển hồ, loại hình kinh tế
văn hóa nông nghiệp nương rẫy ở vùng rừng núi, loại hình kinh tế văn hóa
nông nghiệp dùng cày cùa cư dân ở đồng bằng...

9.4 CÁCH TIẾP CẶN SINH THÁI TRONG NHÂN HỌC KINH TÉ
Các nhà nhân học kinh tế tiếp cận đến môi trường sinh thái khi tìm
hiểu sự tương đồng của các nền văn hóa nhân loại khi các dân tộc đó sinh
sống trong một môi trường địa lý tương đồng. Tuy nhiên, khi lý giải về
sự rương đồng của các nền văn hóa dựa trên yếu tố sinh thái, trong nhân
học thường tồn tại ba trường phái: Trường phái khuếch tản/ phát tán văn
hóa hay truyền bá luận, trường phái vùng văn hóa, trường phái loại hình
kinh tế văn hóa và khu vực lịch sử dân tộc học. Cách giải thích sự giống
nh£U của các nền văn hóa nhân loại từ thuyết khuếch tán cho rằng, đặc
trưng văn hóa ở một vùng địa lý nào đó có xu hướng khuếch tán, lan tỏa,
truvền bá đến xã hội khác, ví dụ đặc trưng văn hóa, như “vòng văn hoả
mẫu hệ ”, “vòng văn hoả bumarăng ”, “vòng vãn hoá cung tên ”, “vòng
văr. hoá thiên táng”25]. Cách nhìn nhận về sự giống nhau của văn hóa
nhản loại theo quan điểm của các nhà truyền bá luận là điều ít nhiều họp
lý. Tuy nhiên, nhưng sau này, những người theo chủ nghĩa chủng tộc quá
đề ;ao vai ưò của khuếch tán, truyền bá, đến mức quy sự tương đồng của
văr. hóa các dân tộc vào khả năng sáng tạo văn hoá của một số dân tộc,
một số vùng và tất nhiên là các dân tộc thượng đẳng ở châu Âu; theo đó

251 Ngô Đức Thịnh, 2010.

241
phủ nhận khả năng sáng tạo văn hoá của các dân tộc, các vùng khác, mà
thường đó là châu Á, châu Phi, rằng họ chỉ có khả năng tiếp nhận văn
hoá mà thôi, thì đó lại là một quan điểm cực đoan, sai trái của những kẻ
theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa trung tâm châu Âu.
Trong lúc đó, thuyết vùng văn hóa của những nhà nhân học Mĩ, mà
đại diện xuất sắc là Boas, L. c . Wissler, đã phát triển lý thuyết trung tâm
trong việc hình thành các “vùng vãn hoá” của người Indian ờ Bắc Mĩ.
Thay vì chọn một đặc trưng văn hoá tiêu biểu (như văn hóa cung tên,
thiêng táng, mẫu hệ,... và vẽ ra các vòng văn hóa phân bố đặc trưng văn
hóa đó) như thuyết truyền bá luận, thì vào đầu thế kỷ XX, các nhà nhân
học Mĩ đã chọn cách đưa ra một tập hợp các đặc trưng văn hoá tương
đồng mang tính tiêu biểu của các dân tộc sống trong một vùng địa lý nhất
định, gọi là “típ văn hoá đặc trưng”, mà những cái đó là sản phẩm của
các “bộ lạc đặc trưng ”, nó đóng vai trò là trung tâm của việc hình thành
thuyết vùng văn hoá và bước đầu đưa ra những dự cảm về mối quan hệ
hai chiều giữa trung tâm và ngoại vi vùng văn hoá252.
Còn thuyết về loại hình kinh tế văn hóa và khu vực lịch sử dân tộc
học của trường phái dân tộc học Xô Viết lại giải thích sự tương đồng của
văn hóa các dân tộc trên thế giới là do các dân tộc có cùng một hoạt động
kinh tế trong một môi trường tự nhiên tương đồng, mặc dù có thể họ sống
cách xa nhau, không có mối liên hệ gì vói nhau, như luận thuyết về loại
hình kinh tế văn hóa. Còn khu vực lịch sử dân tộc học là sự tương đồng
về văn hóa của các dân tộc do sống trong một môi trường tự nhiên tương
đồng nhau và các dân tộc ở đó cùng chung những vận mệnh lịch sử, ví
như khu vực lịch sử dân tộc học Đông Nam Á, Nam Á...
Bên cạnh đó, nhân học kinh tế còn tiếp cận đến sự thích nghi của
con người với môi trường tự nhiên trong hoạt động kinh tế. Cách tiếp cận
này gắn với thuyết sinh thái văn hóa (cultural ecology) của J. Steward
(1902 - 1972). Đó là cách tiếp cận chú ý đến mối quan hệ giữa lao động,
như cách thức tổ chức trong lao động, cách thức sắp xếp công việc theo
thời vụ, cách thức phân công lao động xã hội hay tự nhiên,... đều phụ
thuộc nhiều vào môi trường sống, như nguồn tài nguyên, địa hình, khí

252 N gô Đức Thịnh, 2010.

242
hậu. Và những dạng thức kinh tế đến lượt nó lại ảnh hường đến đời sống
xã hội, như quy mô tổ chức cộng đồng, nguyên tắc cư trú, thiết chế quàn
lý xã hội, tính cách lối sống...
Theo J. Steward, trong xã hội tiền tư bản, công nghệ ít phát triển,
hoạt động kinh tể văn hóa của xã hội đó càng chịu sự tác động/ ảnh
hường của môi trường, theo kiểu thích ứng/ thích nghi/ nương tựa/ dựa
dẫm vào tự nhiên, ví như xã hội mang tính bình quân, quy mô cư trú nhỏ,
lối sống chủ yếu là tự trị cộng đồng... Còn ở xã hội công nghệ phát triển,
môi trường không còn là một nhân tố tác động mạnh đến đời sống kinh
tế, xã hội. Theo đó, hướng tác động đến môi trường theo kiểu biến đổi/
chế ngự/ chinh phục tự nhiên. Vì vậy, lý thuyết sinh thái văn hóa không
còn phù hợp để nghiên cứu những xã hội công nghệ phát triển như vậy.
Tuy vậy, ở những xã hội công nghệ phát triển con người lại thiên về sự
chi phối/ ảnh hưởng của các định chế văn hóa xã hội.
Theo nhận thức của những nhà sinh thái học, văn hóa nói chung và
hoạt động kinh tế nói riêng của các dân tộc trên thế giới thường phát triển
theo con đường đặc thù của nó tùy vào hoàn cảnh môi trường cụ thể của
từng nền văn hóa. Theo đó, văn hóa của các dân tộc ở những vùng sinh
thái tương đồng sẽ có xu hướng đi theo một loại hình văn hóa tương ứng
với môi trường sống đó.
Ngoài ra, hướng tiếp cận sinh thái trong mối liên hệ nhân quả giữa
môi trường và văn hóa còn được một số nhà nhân học quan tâm nghiên
cứu, khi lý giải một đặc tính văn hóa nào đó của một dân tộc là kết quả
tất yếu của sự tương tác với môi trường tự nhiên, như Michael Harner
cho việc người Aztec cổ xưa thực hành việc hiến sinh và theo đó là tập
tục ăn thịt kẻ thù được lý giải là để cung cấp chất đạm cho con người khi
môi trường thiếu hụt trầm trọng nguồn cung cấp thực phẩm; cũng theo
cách lỷ giải đó, Marvin Harris lý giải sự tồn tại các con bò thiêng Ấn Độ
là do đề cao chức năng cung cấp sức kéo, phương tiện chuyên chở, cung
cấp nguồn phân chất đốt và phân bón cho nông nghiệp hom là chức năng
cung cấp thực phẩm nên đã biến các con bò thiêng mang đặc trưng
tôn giáo 253 .
'

253 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 221-222.

243
Với cách tiếp cận mối quan hệ giữa sinh thái với hoạt động kinh tế
nói riêng và đời sống văn hóa xã hội nói chung, các nhà nhân học kinh tế
còn chú trọng đến việc phân chia các vùng lãnh thổ thành các vùng sinh
thái tự nhiên (ecozone). Tùy theo đặc thù về khí hậu, thảm động thực vật
mà các nhà nhân học kinh tế đã phân chia thành các vùng sinh thái tự
nhiên, như vùng rừng ôn đới, rừng nhiệt đới, vùng đồng cỏ, vùng đồi núi,
vùng khô cằn hoang mạc, vùng băng giá254. Mỗi loại hình vùng sinh thái
như vậy có vai trò quyết định về nguồn tài nguyên và các vấn đề hoạt
động kinh tế mà con người phải thực hiện để sinh tồn. Preston James đã
chia thế giới thành tám vùng sinh thái: vùng rừng pha tạp, vùng rừng cây
bụi, vùng rừng nhiệt đới, vùng đồi núi, vùng đồng cỏ, vùng khô cằn, vùng
rừng phương bắc và vùng địa cực. Còn Serena Nanda lại chia trái đất
thành sáu vùng sinh thái: vùng rừng cây gỗ, vùng rừng nhiệt đới, vùng
đồng cỏ, vùng đồi núi, vùng hoang mạc và vùng băng giá2 . Theo đó, ở
vùng đồng cỏ hay còn gọi là thảo nguyên, hoạt động kinh tế chủ yếu của
cư dân vùng sinh thái này là chăn nuôi, săn bắn, hái lượm; vùng rừng
nhiệt đới với lượng mưa, nắng nhiều nên cư dân sống ở vùng này chủ yéu
canh tác nương rẫy... Vì vậy, theo thuyết sinh thái học văn hóa và cả
thuyết chức năng theo hướng quyết định luận sinh thái của Malinowski
đều cho rằng, mô hình sản xuất và tiêu thụ tùy thuộc vào những nguồn tài
nguyên trong vùng sinh thái mà con người trong đó phải thích ứng.
Cũng theo cách tiếp cận này, các nhà nhân học kinh tế đi sâu vào
tìm hiểu mối quan hệ đa chiều giữa con người với thiên nhiên để đáp ứng
các nhu cầu cơ bản đảm bảo cuộc sống của mình, như cách thức tổ chức
sản xuất, ẩm thực, nhà cửa, trang phục...
Trong cách thức tổ chức sản xuất, tùy thuộc vào môi trường để con
người có hình thức tổ chức sản xuất hợp lý. Ví như cư dân ở vùng đồng
bằng nông nghiệp sản xuất ruộng nước, hình thức sản xuất định cư, quy
mô tổ chức sản xuất lớn, sử dụng sức kéo vào sản xuất; trong lúc đó cư

254 Ờ Việt Nam, nhà địa lý học Lê Bá Thảo, 1997, tr. 300-302, đã phân nước ta thành
7 vùng sinh thái: Đông Bắc, Tây Bắc, Đồng bằng Bắc bộ, Truờng Sơn Bắc, Trường Sơn Nam,
Đông Nam bộ, Đồng bằng châu thổ sông Cửu Long.
255 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 219.

244
dân ở vùng núi sản xuất nương rẫy theo lối hòa canh (phát, cốt, đốt, trỉa),
hinh thức sản xuất du canh, bán du canh, quảng canh, quy mô sản xuất
nhỏ theo từng gia đình...
Trong ẩm thực, con người tận dụng các loại động thực vật có trong
môi trường sinh thái đó. Nói cách khác, văn hóa ẩm thực là văn hóa tận
dụng môi trường tự nhiên nên hoạt động văn hóa này chịu sự chi phối rất
sâu sắc của môi trường sinh thái. Ví như, cư dân vùng đồng cỏ phát triển
du mục thì ẩm thực chủ yếu là thịt, bơ, sữa; cư dân ở vùng nhiệt đới trồng
trọt thì ẩm thực chủ yếu là lúa gạo, rau quả, mỡ thực vật, cá, tôm, cua; cư
dân ở vùng biển hồ thì thực phẩm chính là cá, tôm, cua; trong lúc đó cư
dân ở các vùng núi thì thực phẩm chính là rau củ quả...
Trong trang phục, con người cũng chịu sự chi phối rất mạnh mẽ
của môi trường tự nhiên vì chức năng chính của trang phục là bảo vệ con
người trước sự tác động của môi trường sống. Trang phục là để che thân,
để chống lại băng giá, nắng nóng của môi trường. Vì vậy, tùy từng hệ
sinh thái tự nhiên mà con người có một cách lựa chọn trang phục hợp lý,
như cư dân vùng ôn đới lạnh trang phục phổ biến là da thú, lông thú; cư
dân vùng nhiệt đới nóng trang phục được dệt từ các chất liệu thực vật,
như lụa tơ tàm, các loại dệt thổ cẩm...
Cũng như trang phục, nhà cửa chịu ảnh hưởng rất sâu sắc của môi
trường tự nhiên. Nhà cửa là nơi cư trú của con người trong một đơn vị tế
bào xã hội/ gia đình. Vì là nơi cư trú của con người nên nhà cửa vừa
thích ứng vừa chế ngự lại môi trường tự nhiên; nhà cửa, bên cạnh dấu ấn
văn hóa truyền thống tộc người là dấu ấn cùa môi trường sinh thái. Dấu
ấn đỏ được thể hiện trong vật liệu xây dựng, trong kiến trúc, trong cách
sắp xếp cư trú của ngôi nhà. Ví dụ: Cư dân ở vùng ôn đới lạnh, nhà được
xây dựng kín đáo theo lối thiết diện dọc/ hẹp để che chắn khí hậu lạnh ở
bên ngoài lùa vào nhà; trong lúc đó, cư dân ở vùng nhiệt đới nóng, nhà
phải cao, thoáng mát, thiết diện ngang/ rộng để hướng khí hậu ngọn gió
mát vào ngôi nhà.
Trong hoạt động kinh tế, con người thường có ba xu hướng tương
tác với môi trường tự nhiên: Xu hướng dựa hoàn toàn vào môi trường,
theo đó con người tìm cách khai thác, tước đoạt các nguồn lợi động

245
thực vật trong môi trường đó với các hình thức hái lượm, săn bắt, đánh
cá (các nhà dân tộc học và nhân học gọi hình thức này là kinh tế khai
thác hay kinh tế tước đoạt); xu hướng kinh tế sản xuất bao gồm trồng
trọt và chăn nuôi, với hình thức con người thuần dưỡng cây trồng vật
nuôi để chủ động lao động sản xuất, tương tác với tự nhiên bàng cách
dùng lao động của mình tác động vào tự nhiên để tạo nên các sản phẩm
vật chất nuôi sống con người, như lúa gạo, rau, củ, quả, lợn, gà...; xu
hướng thứ ba gắn với xã hội công nghiệp dùng máy móc, công nghệ tác
động vào tự nhiên theo kiểu biến đổi, chinh phục để tạo nên các sản
phẩm công nghệ. Rõ ràng, trong ba xu hướng tiếp cận với môi trường tự
nhiên, xu hướng công nghệ tác động vào tự nhiên là một xu hướng tiêu
cực, làm hủy hoại môi trường sống. Mặt trái của nền đại công nghệ
chính là chỗ đó.
9.5. CÁC PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG KINH TÉ CỦA CON NGƯÒI
Để xác định các phương thức hoạt động kinh tế của con người (hay
những phương cách sinh tồn, như cách gọi của Emily A. Schultz &
Robert H. Lavenda 256) trong các xã hội tiền công nghiệp, các nhà nhân
học phân chia phương thức hoạt động kinh tế của con người trong mối
quan hệ tương tác với môi trường chủ yếu qua hai phương thức chính:
Phương thức khai thác tự nhiên/ tận dụng môi trường tự nhiên và phương
thức kinh tế sản xuất. Trong đó, phương thức kinh tế khai thác gồm ba
hình thái kinh tế: Hái lượm, săn bắn và đánh cá; phương thức kinh tế sản
xuất gồm hai hình thái: Trồng trọt và chăn nuôi (trồng ứọt gồm có: trồng
trọt nương rẫy/ nông nghiệp dùng GUốc/ trồng trọt hỏa canh và nông
nghiệp dùng cày/ trồng trọt thủy canh; chăn nuôi gồm: Chăn nuôi quy mô
nhỏ - nằm trong nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn - du mục).
- Kinh tế khai thác: Đây là hình thức khai thác các sản vật sẵn có
trong tự nhiên, như các loại cây, củ, quà và các loài động vật hoang dại.
Hoạt động kinh tế này tồn tại trong suốt thời đại công xã nguyên thủy,
khi con người vừa tách khỏi tự nhiên cho đến thời kỳ đồ đá mới; đến sơ
kỳ đồng thau, con người bắt đầu xuất hiện loại hình kinh tế sản xuất

256 Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda (2001), tr. 416.

246
trồng trọt và chăn nuôi. Theo những nghiên cứu, quá trình chuyển biến từ
vượn thành người bắt đầu trên hai triệu năm đến mười vạn năm xuất hiện
con người hiện đại Homosapiens là cả một thời gian dài con người sinh
sống bằng hoạt động kinh tế hái lượm, săn bắn, đánh cá. Chỉ cách đây
khoảng 10.000 năm, vào cuộc cách mạng đá mới, con người mới bắt đầu
thuần dưỡng cây trồng để từng bước hình thành kinh tế trồng trọt và sau
đó là thuần dưỡng động vật để chăn nuôi.
Mặc dù kinh tế sản xuất đã xuất hiện nhưng suốt cả một thời kỳ dài
từ cách mạng đá mới đến xuất hiện văn minh đồ sắt, nhà nước ra đời,
kinh tế sản xuất chiếm địa vị chủ đạo nhưng hình thức kinh tế khai thác
tự nhiên vẫn luôn tồn tại trong các xã hội tiền công nghiệp, nhất là những
cư dân sổng trong vùng rừng nhiệt đới hoặc cư dân sống trong vùng biển hồ.
Trong giai đoạn kinh tế khai thác, loài người tồn tại những hình
thức phân công lao động, gồm phân công lao động tự nhiên theo giới
tính và lứa tuổi...
Cư dân sống trong hình thức kinh tế khai thác, thường có một xu
hướng hòa hợp/ thích ứng với môi trường tự nhiên. Trong hoạt động kinh
tế của mình, họ thường dựa vào những kinh nghiệm/ tri thức dân gian để
vừa bảo quản, vừa khai thác, vừa tận dụng môi trường tự nhiên, coi môi
trường tự nhiên là kho dự trữ lương thực, thực phẩm vô tận của con
người. Nên mối quan hệ của con người với tự nhiên trong hoạt động kinh
tế nói riêng cũng như đời sống văn hóa nói chung là quan hệ thân thiện,
gần gũi, hòa đồng.
- Kinh tế sản xuất: Kinh té sản xuất được hình thành gẳn với sự
xuất hiện của cuộc phân công lao động xã hội lần thứ nhất, là khi những
người có kinh tế sản xuất tách khỏi những người dã man còn lại, và tiếp
đến là những người có kinh tế sản xuất tách thành hai bộ phận là trồng
trọt và chăn nuôi.
+ Trồng trọt: Theo những kết quả nghiên cứu hiện nay, trồng trọt
được xuất hiện vào thời kỳ hậu kỳ đá mới gắn với quá trình những người
hái lượm tìm ra quy luật của cây trồng và quá trình vương vãi các loại hạt
ờ quanh khu vực cư trú, hạt nảy mầm, sinh trưởng, đơm bông kết trái và
con người dần hình thành kinh tế trồng trọt; công lao đó thuộc về người

247
phụ nữ257. Kinh tế trồng trọt được xếp vào hình thức kinh tế nông nghiệp
về cơ bản tồn tại ba loại hình sản xuất: Nông nghiệp nương rẫy hay còn
gọi là nông nghiệp hỏa canh, nông nghiệp quảng canh; nông nghiệp
ruộng nước hay còn gọi là nông nghiệp ruộng cày, nông nghiệp thâm
canh; nông nghiệp công nghiệp hóa.
Nông nghiệp nương rẫy là hình thức trồng trọt sử dụng các kỹ thuật
đơn giản, các dụng cụ canh tác chủ yếu được sử dụng bằng tay như gậy
chọc lỗ, dao, rựa, cuốc, kỹ thuật canh tác chủ yếu là phát, cốt, đốt, tra hạt.
Quá trình canh tác không sử dụng phân bón và hệ thống tưới tiêu, nguồn
nước chủ yếu dựa vào tự nhiên. Kinh nghiệm canh tác là quảng canh để
đất đai phục hồi lóp bì thực vật tạo nên độ phì nhiêu để con người lại tiếp
tục trồng trọt trong những mùa sau đó. Như vậy, hình thức canh tác này
là các khu rừng được sử dụng trồng trọt cho mùa này, được nghỉ ngơi,
hoang hóa, vài ba năm sau con người lại trở lại canh tác. Vì rằng, nông
nghiệp nương rẫy có một mặt trái là độ che phủ bị mất, đất đai bị xói
mòn, cằn cỗi, nên sau mùa canh tác, đất đai đó phải có một thời gian
hoang hóa để thực vật và độ màu mỡ của đất được phục hồi. Hình thức
luân canh, quảng canh kết họp với xen canh được coi là một phương thức
cách tác hợp lý trong lối ứng xừ của con người với môi trường. Tuy vậy,
mặt trái của loại hình nông nghiệp này, là năng suất thấp, sử dụng hình
thức lao động thô sơ. Loại hình nông nghiệp này vì vậy chủ yếu để đảm
bảo cung cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình, kinh tế hàng hóa ít
phát triển. Hình thức kinh tế nương rẫy cũng còn một mặt hạn chế là cư
dân hoạt động kinh tế loại này thường có xu hướng bán du canh du cư do
canh tác nương rẫy phải thay đổi khu vực trồng trọt theo lối quảng canh.
Theo đó, cư dân nông nghiệp nương rẫy chủ yếu tồn tại hình thức phân
công lao động tự nhiên hơn là phân công lao động xã hội. Tính cộng
đồng tự trị, sự phân chia giai tầng trong xã hội không sâu sắc cũng là
những đặc trưng cơ bản của xã hội trong môi trường nông nghiệp nương rẫy.

257 Với thành quả nghiên cứu khảo cổ học ờ Việt Nam và Đông Nam Á, trong văn hóa
Hòa Bình có niên đại trên dưới 10 nghìn năm, cư dân của nền văn hóa này đã thuần
dưỡng được cây lúa; nghề ừồng lúa đã bắt đầu xuất hiện, vì vậy Việt Nam là cái nôi
sớm nhất của nghề trồng lúa.

248
Nông nghiệp thâm canh là loại hình nông nghiệp trồng trọt sử dụng
sức kéo động vật mà phổ biến là trồng trọt lúa nước. Đặc trưng của loại
hình nông nghiệp này bên cạnh sử dụng cày bừa sức kéo động vật, là kỹ
thuật tưới tiêu, dùng phân bón hữu cơ và vô cơ để chăm sóc cây trồng.
Loại hình kinh tế này, người dân thâm canh, canh tác lâu đời trên những
cánh đồng và canh tác liên tục theo mùa, không cần bỏ hoang đất đai mà
sử dụng phân bón như hình thức phục hồi độ màu mỡ cho đất. Tiếp đến
là kỹ thuật thâm canh như cày bừa làm cho đất tơi xốp; tưới tiêu để bổ
sung nguồn nước hoặc dẫn nguồn nước ra khỏi đất đai nhằm điều tiết
nước cho sản xuất thâm canh cây trồng. Vì vậy, nông nghiệp thâm canh
thường có năng suất cao hơn nông nghiệp nương rẫy. Nông nghiệp thâm
canh đòi hỏi con người phải làm việc, chăm sóc cây trồng liên tục, có kỹ
thuật cao, tuân thủ tính thời vụ nghiêm ngặt để có được hiệu suất trong
lao động. Nông nghiệp thâm canh cũng cần những công cụ lao động phức
tạp, như cày, bừa, sử dụng các hệ thống thủy lợi để dẫn thủy nhập điền
hoặc xây dựng các hệ thống đê, mương, hồ, đập phục vụ tưới tiêu. Trong
nông nghiệp thâm canh, con người ít nhiều kiểm soát làm chủ được
nguồn nước, năng suất cây trồng hơn nông nghiệp nương rẫy. Do đó,
nông nghiệp thâm canh ít lệ thuộc vào tự nhiên hơn nông nghiệp quảng
canh. Nông nghiệp thâm canh thường đi liền với cuộc sống định cư làng
mạc ổn định, các cuộc phân công lao động xã hội cũng được diễn ra, như
thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp, thương nghiệp trở thành một
nghề độc lập; Từ đó, sự phân hóa các giai tầng trong xã hội và tổ chức xã
hội cũng ngày càng trở nên sâu sắc và phức tạp hom.
Nông nghiệp công nghiệp hóa, là loại hỉnh nông nghiệp được hình
thành và phát triển trong xã hội tư bản chủ nghĩa gắn với sự ra đời của
cách mạng công nghiệp. Loại hình sản xuất nông nghiệp này phụ thuộc
vào nguồn năng lượng công nghệ/ máy móc hơn là nguồn năng lượng
con người và động vật, tự nhiên. Việc sử dụng máy tưới tiêu, công nghệ,
sử dụng máy cày bừa và các thiết bị có động cơ khác cũng như các loại
phân bón hóa học được áp dụng trong nông nghiệp, các loại thuốc trừ
sâu, trừ cỏ,... để làm gia tăng năng suất lao động cho cây trồng. Đây được
coi là một bước nhảy vọt về năng suất trong nông nghiệp, thông qua năng
lượng công nghệ. Nó vừa tăng năng suất lại vừa giảm sức lao động, sự
249
vất vả của con người trong quá trình sản xuất. Nhưng mặt trái của hình
thức nông nghiệp công nghiệp là môi trường bị ô nhiễm, đất đai và nguồn
nước bị sự tác động của các loại phân bón, thuốc trừ sâu, diệt cỏ dẫn đến
sự hủy hoại các yếu tổ tài nguyên môi trường cũng như các sản phẩm
nông nghiệp trong nền kinh tế công nghiệp ít nhiều bị ô nhiễm, gây nguy
hại cho sức khỏe con người.
Tóm lại, nông nghiệp trồng trọt là hình thức sản xuất trồng trọt các
cây lương thực, cây ăn quả và các loại cây công nghiệp khác, nó có thể
còn bao gồm chăn nuôi trong môi trường quy mô nhỏ. Nông nghiệp trồng
trọt bao gồm nhiều dạng thức khác nhau như nông nghiệp quảng canh,
nông nghiệp thâm canh, nông nghiệp công nghiệp hóa...
+ Chăn nuôi: Chăn nuôi được xuất hiện vào hậu kỳ đá mới, sau
khi trồng trọt ra đời. Nếu như trồng trọt thuộc về công lao người phụ nữ
thì chăn nuôi thuộc về công lao người đàn ông. Chăn nuôi phải xuất hiện
cùng thời và sau trồng trọt vì rằng những người đàn ông săn bắn không
có ý thức thuần dưỡng, cất giữ các con vật săn bắt được do đặc thù nghề
săn bắn bấp bênh, không đảm bảo ổn định như hái lượm. Nhưng sau khi
trồng trọt ra đời, thức ăn bắt đầu được để dành và người đàn ông săn bắn
đã xuất hiện ý thức thuần dưỡng động vật để làm vật nuôi - nghề chăn
nuôi ra đời. Hình thức sản xuất này lúc đầu được tồn tại trong sự kết họp
giữa trồng trọt và chăn nuôi các loại trâu, bò, lợn, gà...258. Tùy vào từng
địa hình khác nhau để nghề chăn nuôi được phát triển theo từng loại động
vật và quy mô khác nhau. Ví dụ: Đổi với cư dân ờ vùng nhiệt đới, đồng
bằng, đầm lầy, con trâu là vật nuôi tiêu biểu; với cư dân ở vùng Trung Á
vật nuôi tiêu biểu là dê, bò, ngựa, lạc đà; cư dân ở vùng thảo nguyên
đồng cỏ là cừu... Theo đó, những vùng thảo nguyên đồng cỏ mênh mông
quy mô chăn nuôi sẽ được mở rộng, hình thành triệt để cuộc phân công
lao động xã hội lần thứ nhất, chăn nuôi tách khỏi nông nghiệp, hình
thành kinh tế du mục. Còn cư dân ở vùng nhiệt đới, cuộc phân công lao
động lần thứ nhất không triệt để, chăn nuôi thường là một bộ phận của
nông nghiệp - chăn nuôi quy mô nhỏ.

258 Chó là loài động vật được thuần dưỡng đầu tiên, gắn với nghề săn bắn và trở thành
bạn của con người.

250
Đặc điểm của cư dân sổng bằng kinh tế chăn nuôi/ du mục thường
di chuyển gia súc và du cư trên những đồng cỏ, dẫn đến lối sống không
ổn định, coi thường tự nhiên, đề cao thủ lĩnh/ đầu đàn, vai trò cá nhân;
theo đó tính cộng đồng kém, đề cao tính duy lý, trọng tài, trọng hệ quả
công việc, trọng chinh phục, trọng mạo hiểm (lối sống, tính cách ngược
lại với cư dân nông nghiệp trồng trọt).
Tóm lại, nhân học kinh tế đề cao những nghiên cứu của mình trong
sự tương tác giữa con người với tự nhiên trong các lĩnh vực hoạt động sản
xuất để tạo nên những giá trị văn hóa đảm bảo cuộc sống. Tùy vào môi
trường tự nhiên để con người có một cách lựa chọn hình thức sản xuất, kỹ
thuật sản xuất, quy mô sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu cuộc sống của
mình. Sự phát triển của công nghệ làm thay đổi kỹ thuật sản xuất nhưng dù
thay đổi đến đâu con người cũng không thể thoát ra khỏi sự tương tác với
môi trường (mặt trái của nền công nghiệp nói chung và nông nghiệp công
nghiệp hóa nói riêng là tình trạng ô nhiễm môi trường là cái giá mà cả
nhân loại phải nếm trải, hứng chịu trong thời kỳ hậu công nghiệp
hiện nay).
9.6. CÁC HỆ THÓNG KINH TÉ
Khái niệm hệ thống kinh tế bao gồm cả một quy trình từ quá trình
sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa, quá trình phân phối sản phẩm và quá
trình tiêu dùng. Khác với nhà kinh tế học hướng các quá trình trên vào xã
hội hiện đại thì các nhà nhân học kinh tế lại hướng quá trình trên vào suốt
tiến trình lịch sử của xã hội loài người từ nguyên thủy đến hiện đại.
- Quá trình sản xuất: Theo Divid Hicks và MargaretA. Gwyme (1994),
quá trình sản xuất hình thành khi con người khai thác, lao động biến đổi
tài nguyên thiên nhiên thành những sản phẩm phục vụ cuộc sống của
mình259. Như vậy, sản xuất vừa là một hành vi kinh tế để tạo nền những
sản phẩm phục vụ con người vừa là một hành vi văn hóa vì con người là
chủ thể tác động/ ứng xử với tự nhiên, vừa là sự thể hiện mối quan hệ
giữa con người với tự nhiên/ chiếm đoạt, khai thác hay biến đổi, chế
ngự... Khi nghiên cứu quá trình sản xuấư hành vi kinh tế, các nhà nhân

259 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 236.

251
học thường đặc biệt chú trọng đến khía cạnh môi trường, văn hóay văn
hóa sinh thái tác động đến quá trình sản xuất, như quy mô, kỹ thuật, hình
thức sản xuất260. Như vậy, quá trình sản xuất thể hiện mối quan hệ tương
tác của ba yếu tố: Con người, tự nhiên và văn hóa sản xuất. Trong mối
quan hệ đó, con người là chủ thể, tự nhiên là khách thể còn văn hóa sản
xuất là hệ quả tất yếu của sự tương tác đó. Con người gắn với truyền
thống cư trú, với tập tục, thói quen, tâm lý, sở thích, còn môi trường gắn
với hệ sinh thái. Những đặc trưng của địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng và
các loại nguồn lợi tự nhiên khác chi phối, quy định cấu trúc, khuôn mẫu
của phương thức sản xuất, đơn vị sản xuất, phân công lao động ra của cài
vật chất phục vụ xã hội.
+ Phương thức sản xuất: Đây là hệ thống các mối quan hệ xã hội
mà con người sử dụng để sản xuất ra của cải vật chất, để “lẩy năng lượng
từ thiên nhiên bằng các phương tiện công cụ, kỹ năng, tổ chức và kiến
thức”261 nhằm tạo nên các sản phẩm phục vụ con người. Khác với cách
tiếp cận phương thức sản xuất theo quan niệm của triết học Marx với hai
bộ phận cấu thành: Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, nhân học
kinh tế tập trung sự nghiên cứu của mình vào các phương thức con người
thích nghi với môi trường tự nhiên để tạo nên lối ứng xừ/ phương thức
sản xuất phù họp với môi trường đó. Ví dụ, phương thức sản xuất chăn
nuôi sẽ đề cao con thủ lĩnh, con đầu đàn, người chăn dắt; còn phương
thức sản xuất trồng trọt lại đề cao tính cộng đồng. Cư dân sản xuất trong
môi trường rừng núi, địa hình cao thường tổ chức ở quy mô nhỏ, từng gia
đình, dòng tộc; cư dân sản xuất ờ vùng đồng bằng, địa hình thấp lại được
tổ chức ở quy mô lớn. Theo Eric Wolf, loài người tồn tại ba phương thức
sản xuất: Phương thức sản xuất dựa trên quan hệ thân tộc (gắn với xã hội
công xã nguyên thủy), phương thức sản xuất cống nạp (gắn với xã hội
chiếm hữu nô lệ) và phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
+ Đom vị sản xuất: Trong quá trình sản xuất, con người là một
động vật xã hội nên thường tổ chức thành các đom vị sản xuất. Có những
đơn vị sản xuất chủ yếu sau đây:

260 Điều này khác với các nhà triết học nghiên cứu quá trình sản xuất như là một yếu tố
cùa hạ tầng cơ sở, xem đó là nền tảng của mọi xã hội.
261 Conrad Phillip Kottak, 2002, tr. 356; dẫn theo ĐHQG TPHCM, 2008, tr. 237.

252
• Sản xuất hộ gia đình: Gia đình là một tế bào của xã hội. Vì
vậy, trong xã hội công xã nguyên thủy và trong các xã hội tiền tư bản chủ
nghĩa, như xã hội phong kiến, gia đình được coi là một đơn vị sản xuất
chặt chẽ. Lao động quy mô gia đình thường nặng về tính tự cung tự cấp.
• Sản xuất theo quy mô làng bản: Trong quá trình sản xuất, nhất
là trong thời kỳ công xã nguyên thủy, đơn vị sản xuất hộ gia đình thường
có mổi quan hệ và được chồng lên bởi tổ chức làng bản. Theo đó, các tổ
chức tự trị chủ làng, chủ đất, chủ họ có trách nhiệm điều phối quá trình
sản xuất của các thành viên trong gia đình các làng bản.
• Đơn vị sản xuất theo quy mô xã hội: Loại hình tổ chức sản
xuất này được điều hành bởi một hệ thống chính trị - xã hội từ Trung
ương đến địa phương. Tuy nhiên, đơn vị sản xuất rộng lớn này cũng tồn
tại các đơn vị quy mô nhỏ mang tính độc lập tương đối, như các công ty,
các xí nghiệp, nhà máy, các tổ chức kinh doanh khác.
Mặc dù tồn tại những tổ chức sản xuất khác nhau nhưng mục đích
sản xuất đều mang mẫu số chung là tạo nên của cải vật chất cho con
người. Tuy vậy, tùy từng đơn vị sản xuất mà chức năng và vai trò của nó
có sự khác nhau. Ví như doanh nghiệp, xí nghiệp chỉ có mối quan hệ về
mục đích sản phẩm lao động thì tổ chức gia đình làng bản lại có nhiều
mối quan hệ, chức năng chồng chéo như quan hệ quản lý xã hội, quan hệ
tái sản xuất con người, quan hệ tương hỗ, giúp đỡ lẫn nhau...
+ Phân công lao động: Phân công lao động là quá trình phân chia
nhiệm vụ cho những người tham qua trong quá trình lao động sản xuất,
Trong thời kỳ công xã nguyên thủy chủ yếu tồn tại hai sự phân công lao
động tự nhiên là sự phân công theo giới tính và theo lứa tuổi. Còn bắt đầu
từ thời hậu kỳ đá mới cho đến xã hội văn minh, loài người xuất hiện
những cuộc phân công lao động xã hội: Cuộc phân công lao động xã hội
lần thứ nhất với hai giai đoạn, những người có kinh tế sản xuất tách khỏi
những người dã man và chăn nuôi tách khỏi trồng trọt; cuộc phân công
lao động xã hội lần thứ hai thủ công nghiệp tách khỏi nông nghiệp; cuộc
phản công lao động xã hội lần thứ ba thương nghiệp trở thành một nghề
độc lập, xuất hiện tầng lớp thương nhân.

253
- Phân phối: Phân phối là phương thức để con người đưa hàng hóa
đến tay người sừ dụng. Phương thức phân phối trong nhân học tồn tại
nhiều luận thuyết, như thuyết tân cổ điển, thuyết phân phối theo chủ
nghĩa hình thức, thuyết bản thể luận; sau đây là nội dung các luận thuyết đó:
+ Thuyết kinh tế tân cổ điển của Adam Smith: Vào những năm đầu
sau khi nền công nghiệp tư bản phát sinh ở Tây Âu, một số nhà kinh té cho
rằng, một trong những nhân tố cơ bản tạo nên sự khác biệt giữa xã hội
phong kiến và xã hội TBCN là vấn đề phân phối trao đổi và kinh doanh.
Theo họ, ữong xã hội phong kiến, việc sản xuất kinh doanh và phân phối
hàng hóa chỉ tập trung vào nhóm có địa vị xã hội cao vì nhóm này có quyền
được hưởng nhiều hàng hóa, còn người dân có địa vị thấp nên việc tiếp nhận
phân phối hàng hóa ít hơn,và rõ ràng, văn hóa kinh doanh trong xã hội
phong kiến không dựa trên sự trao đổi phân phối sòng phẳng, mà dựa trên
quyền lực, địa vị xã hội. Trong khi đó, ở xã hội tư bản chủ nghĩa, hoạt động
kinh doanh và phân phối, ứao đổi sản phẩm được thương lượng giữa người
mua và kẻ bán trên thương trường. Văn hóa kinh doanh trong trường hợp
này, là sự tác động giữa người bán - người mua một cách tự do, nhưng đảm
bảo “các nhà cung cấp đưa ra các mặt hàng được ưa chuộng với giá đủ cao
để có lời nhung lại vừa túi tiền người mua”lốl. Ở đây, văn hóa kinh doanh/
quan hệ kinh doanh có một tầm quan trọng mang tính quyết định đến sự
kích cầu sản xuất của xã hội, điều mà ừước đó, trong thòi đại phong kiến
không thể có được.
+ Thuyết phân phối và trao đổi theo chủ nghĩa hình thức (formalism):
Thuyết này hình thành sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai nhằm giải
thích quan hệ phân phối trao đổi và kinh doanh trong các xã hội ngoài
phương Tây, ờ các dân tộc thuộc địa. Theo thuyết này, các xã hội ngoài
phương Tây không có “thị trường tự do” như ở phương Tây, việc trao đổi
ở các xã hội ngoài phương Tây này thường theo mô thức quan hệ thân
tộc, láng giềng, bạn bè thân thiết263, nó bị gò bó bởi nhiều giới hạn của

262 Emeily A. Schultz, Robert H. Lavenda 2001, tr. 421.


263 Ờ đây, việc trao đổi mua bán trong hôn nhân thông qua đồ sính lễ cũng được coi là
một trường họp đặc biệt của quan hệ phân phối trao đổi diễn ra theo mô thức bị gò bó
bời nhiều giới hạn.

254
xóm làng. Rõ ràng, thuyết theo chủ nghĩa hình thức đã lấy mô hình mẫu
của phương Tây về phân phối trao đổi và kinh doanh áp dụng cho các xã
hội ngoài phương Tây. Ờ đó, “nền kinh doanh tự do đã bị bóp nghẹt và
ràng buộc bởi các định chế xã hội mang tính truyền thống, những định
chế này đã rút tỉa lợi nhuận cá nhân để làm lợi cho tập thế”264.
+ Thuyết bản thể luận (substantivism): Vào thập niên 60 - 70 của
thế kỷ XX, Karl Polanyi và những người theo luận thuyết này không
đồng tình với những nhà nhân học theo chủ nghĩa hình thức lấy cấu trúc
phân phối trao đổi và kinh doanh phương Tây áp đặt cho các xã hội bên
ngoài phương Tây. Các nhà nhân học theo thuyết bản thể luận cho rằng,
quan hệ trao đổi trên thị trường TBCN cũng chỉ là một trong nhiều kiểu
trao đổi khác nhau. Các xã hội tư bản phương Tây tồn tại quan hệ phân
phối của cải theo cách phù hợp với những giá trị cơ bản của xã hội đó.
Còn xã hội phi tư bản ngoài phương Tây lại tồn tại những quan hệ trao
đổi hàng hóa theo cách phù họp với những giá trị cơ bản của xã hội
mình. Có nghĩa là, theo thuyết này, hình thức kinh doanh trao đổi hàng
hỏa bắt rễ, sản sinh trong xã hội mà chúng xuất hiện. Nó là sản phẩm của
một môi trường văn hóa nhất định, không nên đồng nhất nó ở các xã hội
khác nhau như những nhà nhân học theo chủ nghĩa hình thức đề xướng.
Karl Polanyi, nhà nhân học theo thuyết bản thể đã trình bày ba phương
thức trao đổi hàng hóa trong lịch sử nhân loại đó là tương hỗ, phân phối
lại và thị trường.
Theo K. Polanyi, phương thức quan hệ trao đổi tương hỗ xuất hiện
sớm nhất trong lịch sử loài người. Trong quan hệ này có ba hình thức:
Tương hỗ hào phóng, tương hỗ cân bàng và tương hỗ tiêu cực. Phân phối
tương hỗ là vật phẩm được chuyển từ cá nhân hay một nhóm người qua
cá nhân và nhóm người khác và ngược lại, mà không có sự trả tiền, trả
giá. Họ ngầm hiểu sự chia sẻ vật phẩm cho nhau là vô tư. Hình thức phân
phổi này thường diễn ra ở xã hội thị tộc bộ lạc và được chia thành các
hình thức cụ thể, như tương hỗ hào phóng, tương hỗ cân bằng, tương hỗ
tiêu cực. Trong đó, tương hỗ hào phóng như là sự phân phối theo hình
thức quà tặng, hoặc phân phối bình quân, theo hình thức chia đều sản vật,

264 Emeily A. Schultz, Robert H. Lavenda, 2001, tr.423.

255
vật phẩm cho mọi người trong cộng đồng. Tương hỗ hào phóng còn diễn
ra trong sự phân chia lợi ích kinh tế cho những người thân thích trong
dòng tộc hoặc làm vật phẩm tặng cho người có địa vị nhất định trong xã
hội. Còn tương hỗ cân bằng là hình thức trao đổi vật đổi vật với sự đồng
tình của cả hai phía. Trong lúc đó, tương hỗ tiêu cực là sự trao đổi sản
phẩm không cân bàng, với các hình thức mặc cả lừa đảo hay thậm chí cả
cướp giật, trộm cắp. Hình thức trao đổi tiêu cực này thường diễn ra giữa
những người xa lạ.
Quan hệ trao đổi thứ hai là phân phổi lại; hình thức trao đổi này tồn
tại trong những thiết chế xã hội mang tính cộng đồng. Những người giữ
địa vị chủ chốt trong cộng đồng nhận những sản phẩm kinh tế của các
thành viên trong xã hội, và “họ có trách nhiệm phân phối lại những gì họ
nhận được để cung cấp cho mọi thành viên trong nhóm”265. Vì vậy, đây
được coi là hình thức phân phối đến người sử dụng qua một khâu trung
gian. Theo đó, các thành viên sản xuất được vật phẩm đóng góp/ tập
trung vật phẩm đó cho người thứ hai/ người trung gian, rồi người đó có
nhiệm vụ phân phối các vật phẩm đó cho người thứ ba/ người tiêu dùng.
Ở quy mô gia đình lớn, người trung gian là cha mẹ để phân phối lại cho
các thành viên gia đình nhỏ, ở quy mô bộ lạc người trung gian là Tù
trưởng sẽ phân phối cho các thành viên bộ lạc thông qua hình thức trả
công, buổi tiệc, ở quy mô quốc gia, người trung gian là tổ chức nhà nước,
qua hình thức thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội...
Quan hệ trao đổi thứ ba là trao đổi thị trường. Ra đời trong xã hội
TBCN, “chủ nghĩa tư bản bao hàm sự trao đổi hàng hóa (tức thương
mại) được tỉnh toán trên cơ sở một phương tiện trao đổi đa năng và là
tiêu chuẩn đo lường giá trị (là tiền) và được tiến hành theo cơ chế giá -
cung cầu (tức thị trưòng)266: Nhìn chung, trao đổi thị trường các sản
phẩm được xác định bằng giá trị hàng hóa theo quy luật thị trường cung
cầu và được định chuẩn bằng tiền tệ với hai loại cơ bản: Tiền tệ bằng kim
loại và tiền tệ bằng giấy. Tuy nhiên, tiền tệ biểu thị giá trị hàng hóa được
thiết chế chính trị xã hội/ nhà nước đảm bảo để trao đổi hàng hóa trong

265Emeily A. Schultz, Robert H. Lavenda, 2001, tr. 425.


266 Emeily A. Schultz, Robert H. Lavenda, 2001, tr. 425.

256
mọi vùng miền ở một quốc gia nhất định và có thể mở rộng ra ngoài quốc
gia, khu vực và thế giới.
Như vậy, theo thuyết bản thể luận, quan hệ kinh doanh trao đổi
hàng hóa “là một hoạt động bén rễ trong các định chế văn hỏa khác
nhau”1*"1. Vì vậy, các quan hệ kinh tế thị trường không phải là mẫu số
chung cho tất cả các quốc gia/ dân tộc trên thế giới, vì ràng quan hệ thị
trường - một hình thức quan hệ kinh tế bắt rễ trong các định chế văn hóa
dân tộc. Trong khi đó, văn hóa của các dân tộc khác nhau lại luôn tồn tại
những điểm tương đồng và dị biệt, bởi vậy quan hệ thị trường cũng
không thể đồng nhất.
Cũng phân loại các hình thức phân phối, trao đổi, các nhà dân tộc
học và nhân học thường phân ra các hình thức khác nhau theo tiến trình
lịch sử của xã hội loài người, như sớm nhất trong buổi đầu của thời kỳ
CXNT là hình thức trao đổi câm, vật đổi vật và vật ngang giá. Trao đổi
câm là hai đối tượng trao đổi không gặp nhau, họ chỉ để một sản vật nào
đó và đánh dấu muổn trao đổi sản vật nào, người trao đổi sẽ nhận sản vật
đó và thay vào một sản vật thích ứng. Vật đổi vật là hình thức trao đổi
tương hỗ cân bàng. Ở hình thức này, hai đối tượng trao đổi tiếp xúc với
nhau và đồng ý trao đổi vật đổi vật. Còn trao đổi theo hình thức vật
ngang giá là cả hai đổi tượng trao đổi định giá bằng một vật phẩm trung
gian. Vật ngang giá thường là những vật quý, như vàng, nồi đồng, chiêng
ché, trâu, bò... Cuối cùng là trao đổi theo giá trị tiền tệ, trong xã hội có
nhà nước, nhự hình thức trao đổi thị trường.
- Tiêu dùng: Tiêu dùng là nội dung kinh tế mà trong đó sản phẩm làm
ra được mang đến người tiêu dùng sử dụng để đảm bảo nhu cầu cuộc sống
của mình, như thức ăn, đồ uổng, quần áo, dụng cụ... Tuy nhiên, việc tiêu
dùng sản phẩm trong các giai đoạn khác nhau của lịch sử xã hội loài người
cũng có những sự khác nhau. Theo đó, trong xã hội CXNT do năng suất lao
động thấp, của thừa dừng để trao đổi không nhiều, nên sản phẩm làm ra chủ
yếu để tự tiêu dùng trong gia đình và cộng đồng, ít được dùng để trao đổi
hàng hóa. Vì vậy, hình thức tiêu dùng trong thời kỳ này chủ yếu tự cung tự
cấp và tiêu dùng cũng chỉ chủ yếu phục vụ các nhu cầu cần thiết để đảm bảo

267 Emeily A. Schultz, Robert H. Lavenda, 2001, ừ. 425.

257
cuộc sống tối thiểu của con người. Bước sang xã hội có giai cấp và nhà
nước, sự phân biệt kẻ giàu, người nghèo càng sâu sắc, các hình thức và mục
đích tiêu dùng cũng đa dạng và phức tạp hơn. Tiêu dùng không chi dừng ờ
việc đảm bảo sự sinh tồn mà còn để thưởng thức nhằm thỏa mãn thị hiếu, sờ
thích; tiêu dùng còn mang tính giai cấp, tôn giáo, phong tục, tập quán, như
tầng lóp giàu có, tiêu dùng theo sở thích, thẩm mỹ, thị hiếu thưởng thức...
Trong lúc đó, tầng lóp bình dân tiêu dùng dân dã, chủ yếu phục vụ các nhu
cầu tối thiểu trong cuộc sống. Tiêu dùng còn mang những đặc trưng tôn
giáo, như tiêu dùng của các tín đồ theo Phật giáo khác với các tín đồ theo
Thiên Chúa giáo, Ixlam giáo...
Các nhà nhân học kinh tế còn quan tâm đến mối quan hệ giữa sản
xuất và tiêu dùng. Theo đó, thị hiếu, sở thích, nhu cầu của tiêu dùng như
thế nào sẽ có hình thức, quy mô sàn xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
của xã hội. Vì vậy, các nhà nhân học kinh tể trở thành các chuyên gia
nghiên cứu thị trường, về nhu cầu tiêu dùng của các cộng đồng xã hội để
đề xuất các hướng sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường. Hướng nghiên
cứu này đã được các công ty, xí nghiệp sử dụng để hình thành một đội
ngũ các nhà nhân học hoạt động trong môi trường doanh nghiệp, xí
nghiệp, nhà máy, công ty...268.
Tóm lại, nhân học kinh tế là một phân ngành của nhân học ứng dụng
với mục tiêu nghiên cứu mối quan hệ giữa con người - môi trường - hoạt
động kinh tế để tìm ra những nét đặc thù của từng loại hình kinh tế trong
những môi trường sinh thái nhất định. Nhân học kinh tế còn tìm hiểu các
vấn đề về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trong tiến trình lịch sừ xã hội
loài người để định hướng/ xác định nhu cầu thị trường, nhằm giúp cho các
doanh nghiệp hoạch định các kế hoạch hoạt động của mình, tránh những
thất bại, rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

268 Tính đến năm 2015, ờ Việt Nam có hơn 600.000 doanh nghiệp, nhưng các doanh
nghiệp nước ta ít sử dụng kiến thức nhân học để tiến hành nghiên cứu thị trường trước
khi đưa ra kế hoạch. Những quyết định kế hoạch của họ thường mang tính chù quan,
không được nghiên cứu cẩn thận, nên đã đưa không ít doanh nghiệp đi đến khó khăn,
nhiều dự án cùa doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh, thậm chí nhiều sản phẩm không
được nghiên cứu trước khi tung ra thị trường đã không bán được hoặc bị người tiêu
dung quay lưng ...

258
Tổng kết chưoiíg
1. Nhân học kinh tế là một phân ngành của nhân học ứng dụng. Nó
chú trọng đến sự tương tác của văn hóa đến hoạt động kinh tế và tập
trung tìm hiểu đặc trưng văn hóa của các cộng đồng người tác động/ chi
phối đến suy nghĩ, hành vi kinh tế của họ.
2. Các trường phái nghiên cứu trong nhân học kinh tế, bao gồm
nhân học kinh tế theo trường phái tân Weber, nhân học kinh tế theo
trường phái hình thức luận (íbrmalism), nhân học kinh tế theo trường
phái thực tế luận (substantivism).
3. Con người, môi trường và văn hóa có mối quan hệ rất chặt chẽ,
đặc biệt là văn hóa sản xuất/ hoạt động kinh tế. Do vậy, để hiểu về văn
hóa sản xuất/ hoạt động kinh tế của một dân tộc cần phải có cái nhìn biện
chứng trong mối quan hệ giữa con người với môi trường, như sinh thái,
hệ sinh thái, sinh thái văn hóa...
4. Có nhiều cách tiếp cận sinh thái trong nhân học, như tiếp cận
theo thuyết khuếch tán văn hóa hay truyền bá luận, tiếp cận theo vùng
văn hóa, theo loại hình kinh tế văn hóa và khu vực lịch sử dân tộc học,
tiếp cân theo thuyết văn hóa sinh thái... Cũng theo cách tiếp cận này, các
nhà nhân học kinh tế đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ đa chiều giữa con
người với thiên nhiên để đáp ứng các nhu cầu cơ bản đảm bảo cuộc sống
của mình, như cách thức tổ chức sản xuất, ẩm thực, nhà cửa, trang phục...
5. Các nhà nhân học phân chia phương thức hoạt động kinh tế của
con người trong mối tương tác với môi trường chủ yếu thành hai phương
thức chính: Phương thức khai thác tự nhiên/ tận dụng môi trường tự nhiên
và phương thức kinh tế sản xuất. Trong đó, phương thức kinh tế khai thác
gồm ba hình thái kinh tế: Hái lượm, săn bắn và đánh cá; phương thức kinh
tế sàn xuất gồm hai hình thái: Trồng trọt và chăn nuôi (trồng trọt gồm có:
Trồng trọt nương rẫy/ nông nghiệp dùng cuốò/ trồng trọt hỏa canh và nông
nghiệp dùng cày/ trồng trọt thủy canh; chăn nuôi gồm: Chăn nuôi quy mô
nhỏ - nằm trong nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn - du mục).
6. Khái niệm hệ thống kinh tế bao gồm cà một quy trình từ sản xuất
ra các sản phẩm hàng hóa, quá trình phân phối sản phẩm và quá trình tiêu
dùng, trong suốt tiến trình lịch sừ của xã hội loài người từ nguyên thủy
đến hiện đại.
259
Tài liêu tham khảo

1. Vũ Minh Chi (2004), Nhân học văn hóa, Nxb CTQG, H.


2. ĐHQGTPHCM (2008), Nhân học đại cương, Nxb ĐHQGTPHCM.
3. Grant Evans (Cb)(2001), Bức khảm văn hóa châu Á, Tiếp cận
nhân học, Nxb VHDT, H.
4. Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda (2001), Nhăn học, một
quan điếm về tình ừạng nhân sinh, Nxb CTQG, H.
5. Nguyễn Xuân Kính (2013), Con người, môi trường và văn hóa,
Nxb KHXH, H.
6. Ngô Đức Thịnh (2007), Lý thuyết trung tâm ngoại vi trong
nghiên cứu không gian văn hóa, TC. VHDG, số 1.
7. Lê Bá Thảo (1977), Thiên nhiên Việt Nam, Nxb KH&KT, H.
8. Trần Quốc Vượng (2005), Môi trường - con người và văn hóa,
Nxb VHTT, H.

260
C hưong10

T ố CHỨC XÃ HỘI VÀ PHÂN TẦNG XÃ HỘI

10.1. TỎ CHỨC XÃ HỘI

10.1.1. Các khái niêm


Trong nghiên cứu nhân học nói riêng và các khoa học xã hội nhân
văn nói chung, khi đề cập đến lĩnh vực tổ chức/ quản lý xã hội, các nhà
khoa học thường đưa ra nhiều khái niệm, như tổ chức xã hội, thiết chế xã
hội. thể chế xã hội, tổ chức tự quản, tổ chức hành chính, hai hình thức tổ
chức xã hội song song tồn tại, hiệp hội xã hội...
Ở mỗi ngành khoa học, khi tiếp cận với các khái niệm trên ít nhiều
các nhà khoa học thường khai thác những khía cạnh khác nhau của nó.
Tuy nhiên, mẫu số chung của các khái niệm này có thể được hiểu như sau:
- Tổ chức xã hội: Theo nghĩa rộng, tổ chức xã hội (social organization)
chỉ bất kỳ tổ chức nào tồn tại trong xã hội, như dòng họ, thân tộc, hiệp
hội, nhà nước... Còn theo nghĩa hẹp, tổ chức xã hội là một tiểu hệ thống
(small system) của một xã hội nào đó, với đặc điểm nó phải có quan hệ
quyền lực, trách nhiệm và quyền hạn..269. Có thể phân thành ba hệ thống
tổ chức xã hội cơ bản, gồm tổ chức tự quản, tổ chức hành chính (bao gồm
cả tổ chức chính trị xã hội), tổ chức hội và hiệp hội. Trong nghiên cứu
nhân học và dân tộc học khái niệm này thường nghiêng về cơ cấu bộ máy
tổ chức điều hành quản lý cộng đồng, nhằm đảm bảo sự vận hành xã hội
một cách hợp iý theo những quy tẳc, định chế mang tính chuẩn mực của
xã hội đó, như tổ chức tự quản làng xã, tổ chức hành chính...
- Thiết chế xã hội: Khái niệm thiết chế xã hội được sử dụng khá
rộng rãi trong nghiên cứu nhân học và dân tộc học nói riêng và khoa học
xã hội nhân văn nói chung. Tuy nhiên, nội hàm của khái niệm này chưa
được xác định một cách rõ ràng và nhiều khi lẫn lộn với khái niệm tổ
chúc xã hội...

269 Nguyễn Duy Hới, 1998, tr.67.

261
Trong xã hội học, thiết chế xã hội được hiếu là tổ chức nhất định
của hoạt động xã hội và các quan hệ xã hội, được thực thi bằng hệ thống
phối hợp của những quy chuẩn về hành vi, chuẩn mực và giá trị, được
định hướng một cách hợp lý và là sự hiểu hiện của các chuẩn mực xã
hội, là cơ quan điểu hòa việc tuân theo các chuẩn mực đó210. Trong nhân
học, khái niệm này được hiểu là toàn bộ cấu trúc thiết chế vận hành mối
quan hệ trong một xã hội, bao gồm thiết chế gia đình, thân tộc, dòng họ,
hôn nhân, cũng như bộ máy tổ chức quản lý xã hội271. Ở nước ta, bên
cạnh khái niệm thiết chế xã hội, còn sử dụng khá phổ biến thuật ngữ thiết
chế văn hóa, thiết chế vãn hóa cơ sờ, thiết chế văn hóa truyền thống...
Thiết chế văn hóa là tập hợp các khuôn mẫu văn hóa được cộng đồng
chấp nhận nhàm thỏa mãn các nhu cầu của con người; thiết chế văn hóa
cơ sở là hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị để
đảm bảo cho các hoạt động văn hóa có thể diễn ra, nhằm phục vụ nhu cầu
hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân; còn thiết chế văn hóa
truyền thống thường đề cập đến các cấu trúc văn hóa có khả năng bảo
tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, như thiết chế gia
phong, dòng tộc, thiết chế văn hóa tôn giáo, lễ hội, hệ thống giáo dục...
- Thể chế xã hội: Khái niệm này nhằm chỉ cấu trúc thể chế thể hiện
trong quan hệ xã hội giữa người với người bàng hệ thống luân lý đạo
đức, pháp luật, như thể chế xã hội phong kiến, thể chế xã hội TBCN, thể
chế xã hội XHCN...
- Tổ chức tự quản: Đây là bộ máy điều hành xã hội bằng luật tục,
phong tục tập quán của các cộng đồng làng xã tự quản theo kiểu hình
thức xã hội dân sự. Loại hình tổ chức này ra đời và tồn tại trong xã hội
công xã nguyên thủy với hình thức tự quản của các thị tộc, bộ lạc. v ề
sau, ờ các xã hội phương Đông do tính cộng đồng và tự trị của làng xã
đậm nét, nhất là ở những vùng dân cư nông nghiệp ruộng nước và nông
nghiệp hỏa canh ở miền núi nên mặc dù xã hội đã xuất hiện nhà nước,

270 John J. Macionis, 2004, tr. 98-99.


271 Phan Hữu Dật khi nghiên cứu thiết chế xã hội cổ truyền ờ các dân tộc thiểu sổ ờ nước ta
đã đề cập đển các thiết chế: Buôn làng, gia đình, dòng họ, luật tục...(Phan Hữu Dật, 1998,
tr. 210-255.).
262
tồn tại bộ máy hành chính nhưng tự quản làng xã vẫn tiếp tục vận hành/
tồn tại. Trong các loại hình xã hội này, tổ chức hành chính và tổ chức tự
quản song song tồn tại.
- Tổ chức hành chính: Loại hình tổ chức này ra đời gắn với quá
trình hình thành giai cấp và nhà nước. Đây là bộ máy quản lý xã hội được
mờ rộng theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương và cơ sở vận hành
của nó là pháp luật - một hình thức định chế, chế tài của giai cấp cầm
quyền xã hội.

10.1.2. Các lý thuyết


Các nhà nhân học khi lý giải sự khác nhau của các hình thức quản
lý xã hội ờ từng tộc người trên thế giới thường dựa vào những cơ sở lý
thuyết nhất định, như cơ sở về môi trường, về sinh học, cơ sở theo tiến
trình lịch sử hay theo cách quy ước võ đoán của từng xã hội... Những cơ
sở lý giải đó như sau:
- Giải thích theo cơ sở môi trường: Theo luận thuyết này, các nhà
tư tưởng giải thích sự giống nhau và khác nhau về tổ chức xã hội ở các
tộc người bàng việc quy chiếu môi trường sinh thái của các cộng đồng xã
hội. Họ coi tổ chức xã hội như là kết quả của sự thích nghi với các điều
kiện sinh thái. Chẳng hạn, một môi trường này có thể được xem là “chỉ
cần đến” những nhóm nhỏ không cố định để khai thác số tài nguyên ít ỏi.
Nhưng một môi trường khác lại có thể “cần đến” nhiều người và một sự
phân công lao động phức tạp để bảo đảm sự thích nghi của con người với
môi trường, sẽ đem lại kết quả tốt trong cuộc sống. Ở đây, môi trường
được coi là yếu tố quyết định hình thức tổ chức xã hội.
- Giải thích theo quy luật lịch sử: Morgan và các nhà lý thuyết tiến
hóa đơn tuyến cho rằng, các quy luật của xã hội bắt nguồn từ động lực
của lịch sử và vận hành qua thời gian đối với mỗi nhóm người: Mông
muội, dã man và văn minh. Còn c . Mác cũng cắt nghĩa sự khác nhau
trong tổ chức xã hội bằng các quy luật vận động của lịch sử thông qua
các hoạt động của con người theo tiến trình thời gian. Đối với c . Mác,
mỗi hình thức xã hội mới đều xuất phát từ hình thức có trước đó. Nhưng
mỗi hình thức xã hội đều chất chứa những mâu thuẫn nội tại. Khi xã hội
phát triển, các mâu thuẫn này cũng trở nên gay gắt hơn, để cuối cùng dẫn
263
đến sự sụp đổ của trật tự xã hội cũ thay vào một trật tự xã hội mới hợp lý
hon. Các nhà tư tưởng theo thuyết tiến hóa hiện đại, tiếp tục tìm ra các quy
luật tiến hóa mà sự vận hành của chúng sẽ cắt nghĩa sự xuất hiện các hình
thức tổ chức xã hội khác nhau hay giống nhau ở các dân tộc trên thế giới.
- Giải thích theo quy luật sinh học: Khác với cách tiếp cận qua lịch sử
và môi trường, các nhà theo quyết định luận sinh học cho rằng cách xử sự
của con người bị đặt dưới sự kiểm soát ngặt nghèo của các yếu tố sinh học
hay di truyền và không mấy ảnh hưởng bởi môi trường xã hội hay tự nhiên.
Theo nhà sinh vật học xã hội E. o . Wilson thì gien của con người chi phổi
văn hóa của họ. Nghĩa là, chúng ta có lòng vị tha, hay thù hận bởi vì gien
của chúng ta và các tổ chức xã hội của chứng ta phải điều chỉnh theo những
đòi hỏi gien này của các yếu tố di truyền.
- Giải thích theo cách quy ước võ đoán của tổ chức xã hội: Có lẽ đóng
góp quan trọng nhất và cũng gây tranh luận nhiều nhất trong nhân học về
quy luật của tổ chức xã hội, đó là luận điểm cho rằng các tổ chức xã hội
trong bất cứ xã hội nào, rút cục, cũng đều có tính cách võ đoán. Nói thế,
không có nghĩa là ám chi các xã hội nào đó muốn làm gì hay muốn ra sao
tùy ý, mà có ý nói là không thể quy mọi cách tổ chức xã hội con người vào
một nguyên nhân duy nhất. Chẳng hạn, sự mềm dẻo dễ thích nghi của cơ thể
con người đã được chứng minh sẽ có thể không có nếu hành động của con
người bị bản năng kiểm soát một cách cứng nhắc. Quyết định luận môi
trường không có tính thuyết phục. Bởi vì, về mặt lịch sử, không xã hội nào
đứng yên một chỗ trong thời gian dài để các áp lực của môi trường phát huy
sức mạnh của chúng mà không bị sự chi phối từ bên ngoài, của con người.
Sự thích nghi của một xã hội với môi trường, vốn là một sự thích nghi ở
trạng thái quân bình rất mong manh, nó có thể sẽ bị phá vỡ hoàn toàn, nếu
không phải là bị hủy diệt khi xã hội đó bị một cộng đồng bên ngoài đến với
các chương trình cùa riêng họ và dùng quyền lực để áp đặt chúng. Tuy
nhiên, ngay cả khi các xã hội hoàn toàn biệt lập nhau và đi theo vận mệnh
riêng của họ trong môi trường của họ, thì cũng không chắc chắn là sẽ có các
xã hội như nhau phát triển trong các môi trường “như nhau”. Chẳng hạn,
I.M. Levvis lưu ý, người Xômali phía bắc và người Boran Gala sống gần
nhau trong vùng thảo nguyên bán khô hạn và chăn nuôi cùng các loài súc
vật (dê, cừu, trâu, bò, lạc đà). Mặc dù các điểm giống nhau này, cơ cấu xã
264
hội của người Boran và người Xômali vẫn hoàn toàn khác nhau: Người Boran
ít tham gia các vụ đánh nhau và trả thù hơn người Xômali nhiều. Gia đình
người Boran chia nhau để chăm sóc đàn súc vật, người Xômali thì không; tổ
chức dòng họ của người Boran ít quan trọng hơn người Xomali...272

10.1.3. Các hình thức tổ chức xã hội trong lịch sử

Trong lịch sử xã hội loài người, nhiều hình thức tổ chức xã hội đã
diễn ra, như tổ chức tự quản, tổ chức hành chính, tổ chức hội, hiệp hội...
- Tổ chức tự quản: Đây là tổ chức quản lý xã hội ra đời từ thời thị
tộc, bộ lạc, và và sau này ờ các làng xã trong xã hội có tính cộng đồng, tự
trị cao. Tổ chức tự quản lấy nguyên tắc dân chủ/ phổ thông đầu phiếu để
điều hành xã hội, trên cơ sở coi trọng lão quyền/ quyền của người già, và
phong tục tập quán, luật tục mang hình thức chế tài thưởng phạt của cộng
đồng. Trong tổ chức tự quản, già làng, hội đồng già làng là những người
có vai trò rất quan trọng để điều hành xã hội. Trong xã hội thị tộc bộ lạc,
bộ máy tự quản là người đứng đầu thị tộc bộ lạc/ tù trưởng, thủ lĩnh được
dân làng bầu lên bằng hình thức phổ thông đầu phiếu. Trong xã hội có
giai cấp và nhà nước, ở các cư dân nông nghiệp ruộng nước, nông nghiệp
nương rẫy, tính cộng đồng tự trị cao, quản lý xã hội ở đây tồn tại 2 hình
thức: Tổ chức tự quản và tổ chức hành chính. Tổ chức tự quản tày từng
dân tộc có một bộ máy tham gia quản lý xã hội. Tuy nhiên, một nguyên
tắc chung là hội đồng già làng, già làng và các thể chế khác hỗ trợ/ giúp
việc cho già làng; ví như ở người Việt là các tổ chức: Dòng họ, giáp, phe,
phường, hội... Tổ chức hành chính là tổ chức nhà nước, điều hành và
quản lý xã hội bằng pháp luật, bằng sức mạnh chế tài của giai cấp cầm
quyền xã hội. Hai hình thức này cùng hỗ trợ cho nhau điều hành và quản
lý xã hội.
- Tổ chức hành chính: Đây là tổ chức quản lý xã hội gắn với sự ra
đời của giai cấp, nhà nước. Đặc điểm của loại hình quản lý xã hội này là
dựa trên sức mạnh của giai cấp cầm quyền, của pháp luật. Trong lịch sừ

272 Ở nội dung tiểu mục này, chúng tôi đã kế thừa phần Đi tìm quy luật của tổ chức xã
hội, trong Nhân học, một quan điểm về tình trạng nhân sinh của Emily A. Schultz và
Robert H. Lavenda, tr. 380-382.

265
loài người đã từng tồn tại các hình thức tổ chức hành chính khác nhau,
như tổ chức nhà nước quân chủ chuyên chế, nhà nước quân chủ lập hiến,
nhà nước nghị viện cộng hòa, nhà nước chuyên chính vô sản... Trong các
tổ chức hành chính thường tồn tại hai hệ thống: Hệ thống chính trị xã hội,
bao gồm: Đảng, Đoàn, hiệp hội,... và hệ thống chính quyền các cấp từ
Trung ương đến địa phương
- Tổ chức hội, hiệp hội: Tổ chức hội, hiệp hội thường ra đời ở các
xã hội có giai cấp và nhà nước. Mặc dù là một dạng thức của tổ chức tự
quản, nhưng hội và hiệp hội khác với tổ chức tự quản thời thị tộc bộ lạc
và sau này ở các làng xã có tính cộng đồng, tự trị cao là chức năng quản
lý xã hội của nó; nếu như hội và hiệp hội chỉ quản lý các hoạt động nghề
nghiệp hay theo một mục đích nào đó của các thành viên tham gia, thì tổ
chức tự quản lại quản lý/ điều hành toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã
hội của một cộng đồng người nhất định (thị tộc, bộ lạc, làng xã). Hội và
hiệp hội cũng như tổ chức hành chính đều vận hành trên cơ sở pháp luật,
còn tổ chức tự quản thị tộc, bộ lạc và làng xã lại vận hành trên cơ sở luật
tục. Theo đó, trong tổ chức hội và hiệp hội thường tồn tại hai khái niệm:
Đồng quản lý và quản lý dựa vào cộng đồng. Đồng quản lý là chính
quyền/ tổ chức hành chính và hội, hiệp hội cùng phân chia/ phân cấp để
quản lý các lĩnh vực/ vấn đề liên quan, ví dụ hội nghề cá, chính quyền
quản lý sông hồ mặt nước đánh bắt, còn hội nghề cá quản lý việc tổ chức
đánh bắt thủy sản. Còn quản lý dựa vào cộng đồng là quyền quản lý xã
hội tập trung ở chính quyền, nhưng chính quyền phải tuân thủ/ dựa vào ý
nguyện của người dân, người dân tham gia cùng với chính quyền quàn lý
xã hội. Vì vậy, hội và hiệp hội không phải là cánh tay nối dài của chính
quyền, mà hỗ trợ cho chính quyền và cùng với chính quyền quản lý xã
hội hiệu quả hơn.
Hội và hiệp hội (hiệp hội là sự liên két giữa các hội cùng mục đích)
theo Carol R. Ember và Melvin Ember là những nhóm người không bị
ràng buộc bởi quan hệ họ hàng hay lãnh thổ. Mặc dù các hội, hiệp hội rất
khác nhau nhưng vẫn có những đặc điểm chung: 1. Có tính chính thức, tổ
chức tương đối chặt chẽ; 2. Hội viên có chọn lọc; 3. Các hội viên có lợi

266
ích hay mục đích giống nhau; 4. Các hội viên có ỷ thức rõ ràng về cảm
giác và niềm tự hào thuộc về hiệp hội đó 273.
Hội và hiệp hội có những đặc điểm cơ bản như:
- Tính tự nguyện và không tự nguyện tham gia của các thành viên:
Trong hội và hiệp hội những người tham gia phải dựa trên tinh thần tự
nguyện; nghĩa là mỗi người có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham
gia một hội hoặc hiệp hội nào đó. Trong hội và hiệp hội sự phân biệt
đẳng cấp và giai cấp không đáng kể, cũng có thể hội và hiệp hội được
phân biệt bàng nhóm tuổi và giới tính.
- Các tiêu chuẩn để lựa chọn hội viên: Do tính chất khác nhau giữa
hội và hiệp hội mà có thể lựa chọn các thành viên của hội dựa vào những
đặc điểm tự có hoặc đặc điểm quy gán. “Đặc điếm tự có là phẩm chất
cùa một cá nhân mà nhờ năng lực và sự cố gắng của bản thân mà họ
thành đạt. Đó có thể là một giáo sư, nghệ sĩ, bác sĩ... Còn đặc điếm quy
gán là đặc điếm gán cho một người khi mới sinh ra như giới tính, dân
tộc, tôn giáo, dòng dõi xuất thân...”21*.
- Tính lợi ích và mục đích của hội và hiệp hội: Hội và hiệp hội
thường bao gồm các hội viên có cùng chung lợi ích hay mục đích nhất
định về chính trị, xã hội, nghề nghiệp, văn hóa, tôn giáo... Các thành viên
tham gia hội và hiệp hội nhằm chia sẻ lợi ích, kinh nghiệm, hợp tác, giúp
đỡ và bảo vệ quyền lợi của nhau, đây được coi là nguyên tắc quan trọng
nhất, cơ bản nhất của tổ chức hội và hiệp hội.
- Tính tổ chức của hội và hiệp hội: Dù tự nguyện hay không tự
nguyện khi tham gia vào hội và hiệp hội, các thành viên phải tuân thủ
nguyên tắc tổ chức của hội và hiệp hội. Thường các hội và hiệp hội có tổ
chức tương đối chặt chẽ, có những quy định hoạt động của nó dù dưới
hình thức công khai hay bí mật. Tuy vậy, hội và hiệp hội không phải là
một hệ thống quyền lực cưỡng bức, các thành viên tham gia hội và hiệp
hội không bị ràng buộc chặt chẽ với những hình thức, quy ước, chế tài
nặng nề. Các hội và hiệp hội thường có mối quan hệ không ràng buộc với
các cơ quan chính quyền từ cấp địa phương đến Trung ương. Nói cách

273 ĐHQGTPHCM, 2008, tr.278.


274 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 279.

267
khác, các cấp chính quyền không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động tổ
chức của hội và hiệp hội.
Hội và hiệp hội có mối quan hệ mật thiết với khái niệm xã hội dân
sự (civil society). Tuy nhiên, hai khái niệm này khác nhau ít nhiều, xã hội
dân sự bao gồm các quan hệ và tổ chức xã hội đa dạng ở nhiều cấp độ,
vượt ra ngoài phạm vi gia đình, nhà nước; về bản chất, xã hội dân sự là
xã hội hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, tự nguyên, tự chủ trong khuôn
khổ pháp luật và phối hợp với nhà nước nhằm đảm bảo sự ổn định, cân
bằng và phát triển bền vững xã hội275; trong lúc đó, hội và hiệp hội là một
phần/ nằm trong xã hội dân sự.
- về phânloại hội và hiệp hội: Căn cứ vào tính tự nguyện hay
không tự nguyện, khi thành viên tham gia vào hội hay hiệp hội, ta có thể
chia ra thành hai loại hình hội và hiệp hội: Loại hình không tình nguyện
và loại hình tình nguyện.
+ Các loại hình hội và hiệp hội không tình nguyện:
• Hội các nhóm tuổi: Thuật ngữ nhóm tuổi hay còn gọi là lứa
tuổi là một nhóm người nằm trong một khoảng tuổi nhất định trong cộng
đồng xã hội đó. Lứa tuổi là một phạm trù xã hội mà mọi người đều phải
trải qua, mỗi nhóm tuổi liên quan đến một địa vị của nhóm người đó phải
thực hiện trong cộng đồng. Trong chu kỳ đời người, nhóm tuổi thường
được xác định với ba nhóm: Nhóm tuổi niên thiếu, nhóm tuổi trưởng
thành, và nhóm tuổi già. Trong các làng xã mang tính cộng đồng tự trị
cao, các nhóm tuổi này thường kết hợp với nhau thành hội và hiệp hội để
thực thi một sổ lợi ích hay mục đích nào đó phục vụ cho cộng đồng,
trường hợp này giống với tổ chức Giáp của người Việt, vừa mang yếu tố
lứa tuổi, vừa mang yếu tố cương vực, địã lý của làng276.

275 Hoàng Ngọc Giao, 2006, tr. 52; Võ Khánh Vinh, 2008, tr. 116.
276 Nguyễn Vãn Tiệp trong giáo trình Nhân học đại cương đã đưa ra các hình thức hội
với 5 nhóm tuồi của người Karimojong: Mỗi nhóm bao gồm tất cà nam giới đã đến tuổi
trưởng thành với khoảng cách chênh lệch nhau từ 5 đến 6 năm. Cứ năm nhóm tuổi như
vậy sẽ hình thành một nhóm thế hệ. Có tất cà 4 nhóm thế hệ: Thế hệ già, thế hệ trung
niên, thế hệ trẻ, thế hệ thiếu niên. Mỗi nhóm thế hệ phụ trách những công việc nhất định
của cộng đồng như thế hệ trung niên đảm nhận công việc hành chính, xét xử, cúng tế;
thế hệ trè thực hiện vai trò các chiến binh và giữ gìn trật tự. Còn người Shvante lại chia
thành hội ba nhóm tuổi: nhóm những cậu bé ấu thơ, sống trong “túp lều độc thân",
nhóm “đàn ông trẻ tu ổ r và nhóm “đàn ông đã trướng thành". (ĐHQGTPHCM, 2008,
tr.280-282).
268
• Hiệp hội về giới: Giới trong hội và hiệp hội khác về giới tính; giới
tính là khái niệm thiên về cấu trúc sinh học giữa đàn ông và đàn bà, còn
giới trong hội và hiệp hội thường thiên về sự tập hợp các thành viên nam
giới đã đến tuổi trưởng thành277. Theo đó, mục đích cùa hội là tăng
cường sức mạnh nam quyền để đảm đương các công việc của cộng đồng.
Ở đây, hội và hiệp hội cũng gần tương tự như hệ thống hội nhóm tuổi,
nhằm tập họp các thành viên nam giới đã đến tuổi trường thành vì một
quyền lợi và nghĩa vụ nào đó. Quyền lợi là đánh dấu sự trưởng thành của
thành viên đó trong cộng đồng, để họ được quyền tham gia hội họp, lấy
vợ, nghĩa vụ là phải tham gia phòng vệ, bảo vệ cộng đồng trước các hiểm
họa ở bên ngoài. Những thành viên tham gia hội và hiệp hội là những
người đã đến tuổi trưởng thành và có thể hình thành hai loại hội và hiệp
hội: Hội và hiệp hội những người chưa lập gia đình và những người đã
lập gia đình278; khi đó, hội và hiệp hội tổ chức các buổi lễ kết nạp thành
viên rất cầu kỳ và ấn tượng giành cho thành viên đó; ví như lễ thành
đinh, hội kín279 trong thời kỳ thị tộc, bộ lạc, hay lễ cấp sắc của người
Dao, tổ chức Giáp của người Việt280...

277 Nguyễn Văn Tiệp dẫn ý kiến của Carol R. Ember cho rằng, trong các xã hội phụ
quyền vai trò nam giới giữ vị trí chủ đạo, nên hội và hiệp hội chủ yếu giành cho nam
giới là điều tất yếu, chỉ có một số xã hội phát triển thương mại ở Tây Phi tổ chức hội
của phụ nữ phổ biến hơn, như hội của phụ nữ người Ijaw. (đọc thêm, ĐHQGTPHCM,
2008, tr 282- 283).
278 Nguyễn Văn Tiệp đã dẫn ra hội những người chưa có gia đình ở người Mae Enga là
sự tập họp các chàng trai từ chừng 15-ỉ 6 tuổi vào trong hội những người độc thân trong
làng với các nghi thức sanggai (đọc thêm, ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 282 - 283).
279 Tham khảo thêm Hội kín ở Tây Phi, trong Nhân học, một quan điểm về tình trạng
nhân sinh của Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, tr. 358-362.
280 Trong cơ cấu tổ chức làng Việt cồ truyền còn có một tổ chức theo hình thức hội được
gọi là Giáp, đây là một tổ chức giành riêng cho nam giới và lứa tuổi, Giáp mang tính
chất cha truyền con nối, cha ở Giáp nào thì con ở Giáp đó. Trong Giáp có 3 lứa tuổi: Tri
ấu là từ nhỏ đến dưới 18 tuồi, đinh hoặc ừáng là từ 18 tuổi đến 59 tuổi, và lão là từ 60
tuổi trở lên (tuy nhiên, có những làng quy định tuồi trên 55). Trước khi đứa bé ừai lọt
lòng người cha bày biện một lễ mọn xin cho đứa bé được vào Giáp và ghi vào sổ bộ.
Đến 18 tuổi, chàng thanh niên phải làm lễ một lần nữa đề được lên hàng đinh tráng -
thành viên chính thức của Giáp, đồng thời là thành viên chính thức của làng. Đến tuồi
lên lão, người lên lão thường làm lễ khao vọng. Một số nơi như ở làng xã miền Trung,
Giáp còn bao gồm các cương vực địa lý của làng như: Giáp trên, Giáp dưới, Giáp trong,
Giáp ngoài.
269
+ Các hội và hiệp hội tự nguyện: Nói đến hội và hiệp hội tự
nguyện hay không tự nguyện chỉ là sự phân loại mang tính tương đối.
Thuộc vào loại hội và hiệp hội không tự nguyện, cũng không có nghĩa là
ép buộc, mà muốn nói đến tính quy ước của cộng đồng của các thiết chế
xã hội, bắt buộc các thành viên nam giới đến một độ tuổi nhất định phải
tham gia các hội và hiệp hội, các tổ chức tự quản như là một sự khẳng
định quá trình trưởng thành của thành viên đó. Còn những hội và hiệp hội
tự nguyện thường là sự tập họp các thành viên cùng một mục đích, chí
hướng; họ liên kết lại trong một tổ chức hội tự nguyện để giúp đỡ lẫn
nhau, hợp tác với nhau nhằm đạt được một lợi ích nào đó. Việc đăng ký
vào hội hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tự nguyện, không bị ràng buộc vào
các luật lệ khắt khe. Các tổ chức tự nguyên thường ít liên quan đến các
vấn đề chính trị. Chúng tồn tại và hoạt động ít nhiều độc lập với nhà
nước và các thể chế chính trị khác. Loại hội tự nguyện này có khuynh
hướng phổ biến hơn trong xã hội với kết cấu phân tầng phức tạp. Cùng
với sự phát triển của xã hội, quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa, các
tổ chức hội và hiệp hội tự nguyện khác nhau được ra đời ngày càng
nhiều, như hội đồng hương, hội nghề nghiệp, hội tộc người/ dân tộc281...
• Hội đồng hương: Mục đích của hội này là tập hợp những
người cùng dân tộc di cư đến sổng trong những môi trường mới, các
thành viên của hội gắn bó với nhau theo quan hệ dân tộc và quan hệ địa
phương. Hội này, liên kết những người cùng quê hương trong môi trường
sống mới nhằm giữ gìn những giá trị truyền thống cùa mình, và giúp đỡ
lẫn nhau để thích nghi với cuộc sống mới; ví dụ như tổ chức bang, hội
của người Hoa ở Việt Nam, bao gồm người Hoa ờ Phúc Kiến, Quảng
Đông... Ở Việt Nam, trong quá trình đô thị hóa, những người di cư từ
nông thôn đến thành thị đã xuất hiện những hội đồng hương quy mô lớn
nhỏ từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh; loại hội đồng hương như vậy cũng
xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới, như Mỹ, Canada, Anh, Pháp...

281 Tham khảo thêm Các hội quân sự Cheyenne, trong Nhân học, một quan điếm về tình
trạng nhân sinh của Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda, tr. 354-355.

270
• Hội và hiệp hội tộc người: Trong quá trình đô thị hóa văn hóa
truyền thống các tộc người có xu hướng bị suy giảm, vì vậy các hội và
hiệp hội tộc người đã được hình thành để tăng cường mối quan hệ thân
tộc, để cũng cố bảo vệ văn hóa truyền thống của tộc người mình. Loại
hình hội và hiệp hội tộc người này cũng có thể tách riêng hoặc liên kết
với hội đồng hương, cũng với một mục đích củng cố mối quan hệ thân
tộc và bảo vệ các giá trị truyền thống của dân tộc.
• Hội và hiệp hội nghề nghiệp: Loại hình hội và hiệp hội này là
sự phát triển của các tập đoàn liên kết theo hình thức tổ chức phường hội
nghề thủ công hoặc các tập đoàn thương mại/ buôn bán. Các hội và hiệp
hội nghề nghiệp liên kết với nhau để chia sè thông tin thị trường, kỹ thuật
sản xuất, sản phẩm hàng hóa... Ví dụ, như hội và hiệp hội giày da, len dạ,
nông sản...
Tóm lại, các tổ chức xã hội rất đa dạng; chúng thường thay đổi
cùng với sự thay đổi của lịch sử. Song, dù thay đổi đến đâu, mọi hình
thức tổ chức xã hội đều vì mục đích chung là quản lý hiệu quả các lĩnh
vực khác nhau của đời sống xã hội.

10.2. PHÂN TẦNG XÃ HỘI

10.2.1. Các loại hình xã hội

Trong lịch sừ loài người trải qua nhiều loại hình xã hội, tùy theo
từng cách tiếp cận để có hình thức phân loại loại hình xã hội cho từng
giai đoạn; ví dụ theo quan điểm của thuyết tiến hỏa, xã hội loài người
được phân thành thành ba loại hình: Xã hội mông muội gắn liền với thời
kỳ bầy người nguyên thủy, xã hội dã man gắn liền với thời kỳ thị tộc bộ
lạc, xã hội văn minh gắn liền với thời kì có giai cấp và nhà nước; c . Mác
lại phân lịch sử loài người thành 5 loại hình xã hội: CXNT, CHNL, PK,
TBCN, XHCN; các nhà nhân học lại phân chia xã hội loài người thành
3 loại hình: Xã hội bình quân, xã hội thứ bậc, và xã hội phân tầng.
- Xã hội bình quân: Đây là loại hình xã hội mà tất cả mọi cá nhân
và các nhóm người trong cộng đồng đều bình đẳng/ bình quân trong việc
tiếp cận các nguồn lợi kinh tế, quyền lực xã hội và các lợi ích khác. Điều

271
đó có nghĩa, trong xã hội này mọi thành viên của cộng đồng đều có
quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, mọi tư liệu sản xuất, đất đai, sông, suối,
ruộng, vườn đều thuộc về tất cả các thành viên trong cộng đồng. Loại xã
hội như vậy thường gắn với thời kỳ công xã nguyên thủy, gắn với cư dân
săn bắn, đánh cá, hái lượm. Tuy nhiên, yếu tố bình quân cũng mang tính
tương đối theo nghĩa bản chất của xã hội, còn ờ mức độ nhất định sự
phân biệt năng lực tài hèn, mức độ kính trọng người có uy tín hoặc theo
tuổi tác trong cộng đồng vẫn tồn tại. Nhưng sự phân biệt tài hèn, uy tín,
địa vị xã hội, tuổi tác không đến mức làm cản trở, ảnh hưởng đến tính
bình quân trong xã hội.
- Xã hội thứ bậc: Loại hình xã hội này thường xuất hiện ở những
cộng đồng dân cư có kinh tế sản xuất trồng trọt và chăn nuôi trong thời
kỳ công xã nguyên thủy trên bước đường tan rã để chuyển sang xã hội có
giai cấp và nhà nước. Vì vậy, xã hội thứ bậc chưa phải là một loại hình
xã hội tồn tại sự bất bình đẳng về lợi ích kinh tế, hay sự phân chia quyền
lực xã hội một cách nặng nề. Nhưng trong xã hội thứ bậc đã tồn tại một
mức độ đáng kể sự bất bình đẳng về uy tín và địa vị giữa các nhóm người
thông qua vị trí của họ trong cộng đồng xã hội đó. Theo đó, những người
đứng đầu xã hội, như tà trường, thủ lĩnh quân sự, hay chủ đất, thầy cúng
hình thành một nhóm xã hội có uy tín và vị trí cao hơn so với các thành
viên xã hội khác, và cứ như vậy con cháu của những người có vị trí xã
hội cao được cha truyền con nối để giữ gìn thứ bậc cao trong cộng đồng.
Những nhóm người có thứ bậc cao thường được các thành viên khác của
cộng đồng kính trọng hom, mặc dù mức sống của những người địa vị cao
có thể không khác với các thành viên khác. Nhìn chung, xã hội thứ bậc
không khác nhiều lắm với xã hội bình quân, nó chỉ là một sự phân chia
thứ bậc theo vai trò, vị ữ í của những người đứng đầu tổ chức xã hội và hệ
thống thân tộc/ con cháu của họ.
- Xã hội phân tầng: Loại hình xã hội này gắn với sự ra đời giai cấp
và nhà nước. Đây là xã hội tồn tại sự bất bình đẳng về kinh tế dẫn đến sự
bất bình đẳng về xã hội. Xã hội phân tầng chia các thành viên trong cộng
đồng thành những nhóm người khác biệt về mức sống, uy tín, quyền lực
chính trị, khác biệt về cơ hội tiếp cận các nguồn lợi xã hội. Trong xã hội

272
phân tầng, các nhóm xã hội được phân thành 3 chiều kích của sự phân
chia bất bình đẳng: Quyền lực, của cải và uy tín282. Trong đó, của cải như
là một cơ sở của sự phân tầng xã hội, một nhóm người thường là những
người chiếm địa vị quan trọng trong xã hội, chiếm đoạt/ tích lũy được
nhiều của cải, những bộ phận khác của cộng đồng theo chiều ngược lại,
tích lũy được ít của cải, từ đó hình thành 2 nhóm xã hội: Nhóm giàu có và
nhóm nghèo đói, giai cấp bắt đầu hình thành; quyền lực trên cơ sở có vị trí
của cải, những người giàu có tạo nên một quyền lực đặc trưng của mình,
tạo nên một sự kiểm soát việc tiếp cận các nguồn lợi về kinh tế, chính trị -
xã hội, hình thành nên quyền lực của một giai cấp giàu có, giai cấp thống
trị, nhà nước dần hình thành. Uy tín từ việc phân chia của cải và quyền lực
xã hội kéo theo đó là sự phân chia uy tín của từng lớp người khác nhau;
theo đó tầng lớp giàu có địa vị, uy tín cao, còn những người nghèo khổ có
địa vị, uy tín thấp. Đó là cơ sở để hình thành xã hội đẳng cấp như ở Án Độ,
xã hội tồn tại các giai cấp đối kháng phổ biến như ở các quốc gia trên
thế giói.
Trong xã hội phân tầng, còn tồn tại một hình thức phân tầng khác
nữa, đó là sự phân tầng về giới, mà thực chất là sự bất bình đẳng về giới
với việc coi thường nữ giới mà chế độ phụ quyền là bước khởi đầu và
được củng cố sâu sắc hơn trong xã hội phân quyền, như sự bất bình đẳng
nữ quyền trong xã hội phong kiến ở Trung Quốc hoặc trong xã hội
Hồi giáo.
10.2.2. Các hình thức phân tầng xã hội

Phân tầng xã hội là hình thức phân chia các nhóm người trong xã
hội thành các tầng lớp khác nhau về một hay nhiều phương diện nào đó.
Phân tầng xã hội có nội hàm rộng lớn hơn phân chia giai cấp trong xã
hội, vì giai cấp chỉ là một hình thức của phân tầng xã hội.
Trong lịch sử xã hội loài người có hai giai đoạn phân tầng: Giai
đoạn sơ khai, gắn với thòi kỳ CXNT là phân tầng bình quân, phân tầng
thứ bậc và phân tầng về giới; giai đoạn có Nhà nước tồn tại hai hình thức
cơ bản của sự phân tầng xã hội là đẳng cấp và giai cấp.

282 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 294-295.

273
- Sự phân tầng về giới: Sự phân tầng này liên quan đến việc phân
biệt quan hệ giữa nam giới và nữ giới, chế độ phụ quyền ra đời gắn với
sự hình thành kinh tế sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Theo đó, các phần
việc quan ữọng của kinh tế sản xuất thuộc về đàn ông, người đàn bà
chuyển xuống địa vị thứ yếu trong quá trình sản xuất đó. Cùng với sự
phát triển của kinh tế sản xuất, của thừa xuất hiện, hình thức chiếm hữu
tư nhân dần hình thành. Những nhân tố đó chi phối đến sự phân biệt vai
trò nam giới và nữ giới trong gia đình và ngoài xã hội. Thêm vào đó, sự
khác biệt về cấu trúc sinh học giữa nam và nữ (người đàn ông thường có
cấu trúc sinh học khỏe mạnh, nhanh nhẹn hơn người phụ nữ), làm hình
thành sự phân công lao động về giới mà đa phần các công việc hái lượm,
chăm sóc con cháu, thực hiện các công việc trong gia đình lại thuộc về
phụ nữ, còn người đàn ông đảm trách công việc săn bắt, thuần dưỡng
động vật, chặt cây, khai hoang, mở đất... Từ những nhân tố đó đã dẫn đến
sự phân hóa về giới với vai trò nam giới được đề cao. Người đàn ông
kiểm soát tất cả quá trình sản xuất và sản phẩm làm ra, anh ta điều phổi
và chủ trì mọi hoạt động của gia đình và xã hội, phụ nữ dần dần chuyển
từ địa vị chủ yếu trong chế độ mẫu hệ xuống địa vị lệ thuộc vào người
đàn ông trong xã hội phụ quyền. Đó là sự bất bình đẳng đầu tiên của xã
hội loài người, như c . Mác đã từng nói. Sự bất bình đẳng về giới còn
được đẩy lên một mức độ sâu sắc hơn trong xã hội phân tầng, đặc biệt là
trong xã hội được cũng cố bởi tư tưởng nho giáo của chế độ quân chủ
chuyên chế phương Đông và trong xã hội Hồi giáo. Trong các xã hội này,
người phụ nữ bị đẩy xuống địa vị thứ yếu, không chỉ bị lệ thuộc vào
người đàn ông mà còn có thân phận rất thấp kém.
Xã hội càng phát triển, càng thúc đẩy cuộc đấu tranh cho tư tưởng
bình quyền về giới và như c. Mác từng nói, thước đo của xã hội văn
minh là sự bình quyền giữa nam và nữ. Vì vậy, đấu tranh để phá bỏ sự
phân tầng về giới, thực chất là một cuộc đẩu tranh chống lại những hủ tục
lạc hậu, những tư tưởng phong kiến lỗi thời để xây dựng một xã hội thực
sự văn minh hiện đại, để người phụ nữ có điều kiện được học hành, được
tiếp xúc các nguồn lợi xã hội, được cống hiến công sức của mình.
- Sự phân tầng giai cấp: Cùng với sự phát triển của xã hội, của thừa
xuất hiện, chế độ tư hữu ra đời, kéo theo sự hình thành các giai tầng
274
trong xã hội, công xã nguyên thủy tan rã nhường bước cho sự ra đời của
nhà nước. Theo đó, các hình thái kinh tế xã hội kế tiếp như: CHNL, PK,
TBCN đã hình thành sự phân tầng giai cấp một cách phổ biến, bao gồm
giai cấp thống trị và giai cấp bị trị. Các giai cấp khác nhau không chỉ dựa
trên sự sở hữu tư liệu sản xuất các nguồn lợi kinh tế mà còn hình thành
các tiểu văn hóa giai cấp khác nhau, văn hóa của giai cấp thống trị và văn
hóa của giai cấp bị trị. Bên cạnh đó, các giai cấp có xu hướng liên kết lại
với nhau vì những lợi ích chung của giai cấp mình, đặc biệt là sự liên kết
của giai cấp thống trị để hình thành nên những thể chế nhà nước, quyền
lực giai cấp và bộ máy chính trị nhằm bảo vệ lọi ích giai cấp mình. Ở
chiều ngược lại, tầng lóp bình dân, quần chúng nhân dân có xu hướng
liên kết với nhau theo những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo đó, trong cách tiếp cận đến phân tầng xã hội, bên cạnh tiếp cận địa
vị kinh tế, các nhà nhân học đặc biệt chú ý đến sự tiếp cận về lĩnh vực
vàn hóa, xã hội, bao gồm các lĩnh vực về lối sống, tính cách, khả năng
tiếp cận đến những nguồn lợi xã hội của từng giai tầng khác nhau.
- Sự phần tầng đẳng cấp: Khác với phân tầng giai cấp chủ yếu dựa
vào địa vị kinh tế, phân tầng đẳng cấp chủ yếu dựa vào đời sống tâm linh,
tôn giáo, và nguồn gốc xuất thân; có nghĩa là phân tầng đẳng cấp chỉ xuất
hiện trong một môi trường xã hội duy tâm linh như ở Ấn Độ và nếu như
phân tầng giai cấp có thể là một cấu trúc mở không theo truyền thống cha
truyền con nối thì đẳng cấp là một cấu trúc đóng với nguồn gốc xuất thân
chi phối phân tầng đẳng cấp của xã hội đó. Phân tầng đẳng cấp, nói một
cách khác mang tính di truyền và nội giao (hôn nhân trong nội bộ đẳng
cấp). Sự phân tầng đẳng cấp gắn với nhiều quy tắc xã hội rất nghiệt ngã
để khẳng định vị thế, vai trò của từng đẳng cấp khác nhau. Hệ thống đẳng
cấp điển hình nhất trên thế giới được thể hiện ờ Ấn Độ, nó có quan hệ
vói các nghi lễ và tín ngưỡng của đạo Hinđu. Tôn giáo này đã phân chia
xã hội thành 4 đẳng cấp gọi là chế độ Vama, đẳng cấp cao nhất trong xã
hội thuộc về tầng lớp tăng lữ là Bàlamôn (Brahmin), Ksatrya (Kshatrya)
là đẳng cấp võ sĩ/ quý tộc được xếp vào loại thứ hai, Vaisya (Vaishya) là
người bình dân, thợ thủ công được xếp thứ ba, Sudra (Sudra) là đầy tớ
xếp thứ tư. Mỗi đẳng cấp có luật lệ riêng rất hà khắc và ranh giới giữa
các đẳng cấp là hết sức nặng nề, trong đó đẳng cấp thấp có thân phận như
275
những người nô lệ. Từ năm 1947, với việc Ấn Độ giành được độc lập và
sự ra đời hiến pháp dân chủ, chế độ đẳng cấp dần bị suy yếu. Tuy nhiên,
những dấu ấn trong quan hệ đẳng cấp của quá khứ vẫn còn hiện diện rất
nặng nề trong đời sống chính trị xã hội ờ đất nước Ấn Đ ộ .283
Tóm lại, tổ chức xã hội và phân tầng xã hội là một lĩnh vực rất
quan trọng của đời sống xã hội. Nó được các lĩnh vực khoa học ở từng
khía cạnh khác nhau tiếp cận nghiên cứu. Trong lĩnh vực nhân học/ dân
tộc học tổ chức xã hội và phân tầng xã hội được tiếp cận dưới góc độ văn
hóa xã hội toàn bộ tiến trình lịch sử phát triển của các cộng đồng người
ừên thế giới tò xã hội nguyên thủy cho đến xã hội văn minh hiện đại
ngày nay.

Tóm tắt chưong

1. Trong nghiên cứu nhân học nói riêng và các khoa học xã hội
nhân văn nói chung, khi đề cập đến lĩnh vực tổ chức/ quản lý xã hội, các
nhà khoa học thường đưa ra nhiều khái niệm, như tổ chức xã hội, thiết
chế xã hội, thể chế xã hội, tổ chức tự quản, tổ chức hành chính, hai hình
thức tổ chức xã hội song song tồn tại, hiệp hội xã hội, thiết chế văn hóa,
thiết chế văn hóa cơ sở, thiết chế văn hóa truyền thống, đồng quản lý,
quản lý dựa vào cộng đồng...

283 Trong việc phân tầng xã hội, các nhà khoa học xã hội thường tiếp cận các lý thuyết
phân tầng, như lý thuyết xung đột xã hội của c . Mác về đấu tranh giai cấp là động lực
thúc đẩy xã hội và lý thuyết theo trường phái chức năng cho rằng phân tầng xã hội đóng
góp một phần cho việc duy trì trật tự xã hội một cách hợp lý hơn về lợi ích kinh tế,
chính trị, của các nhóm xã hội khi quan hệ thân tộc không còn chiếm vai trò quan trọng
trong việc hợp nhất các nhóm xã hội; ừong khi đó, nhà xã hội học người Đức Max Weber
lại tiếp cận lý thuyết phân tầng ở ba chiều cạnh: Địa vị xã hội, quyền lực chính trị và
quyền lực kinh tế, trong đó ông đề cao địa vị xã hội/ uy tín và quyển lực chính trị là
những nhân tổ rất quan trong tạo nên phân tầng xã hội. Còn khi đề cập đến quyền lực xã
hội, các nhà nhân học thường tiếp cận các khía cạnh của quyền lực, như sự cưỡng ép,
quyền của một cá nhân, quyền lực thuộc về cơ cấu tổ chức của môi trường xã hội (gia
đình, dòng họ, thân tộc, tôn giáo...); Tham khảo thêm Suy nghĩ về quyền lực xã hội,
trong Nhân học, một quan điểm về tình trạng nhân sinh của Emily A. Schultz & Robert
H. Lavenda, tr. 384-397.

276
2. Các nhà nhân học khi lý giải sự khác nhau của các hình thức
quản lý xã hội ở từng tộc người trên thế giới thường dựa vào những cơ sở
lý thuyết nhất định, như cơ sở về môi trường, về sinh học, cơ sở theo tiến
trình lịch sử hay theo cách quy ước võ đoán của từng xã hội...
3. Trong lịch sừ xã hội loài người, nhiều hình thức tổ chức xã hội đã
diễn ra, như tổ chức tự quản, tổ chức hành chính, tổ chức hội, hiệp hội...
4. Trong lịch sử, loài người trải qua nhiều loại hình xã hội, tùy theo
từng cách tiếp cận để có hình thức phân loại loại hình xã hội cho từng
giai đoạn; ví dụ theo quan điểm của thuyết tiến hóa, xã hội loài người
được phân thành thành ba loại hình: Xã hội mông muội gắn với thòi kỳ
bầy người nguyên thủy, xã hội dã man gắn với thời kỳ thị tộc bộ lạc, xã
hội văn minh gắn với thời kỳ có giai cấp và nhà nước; c . Mác lại phân
lịch sử loài người thành 5 loại hình xã hội: CXNT, CHNL, PK, TBCN,
XHCN. Các nhà nhân học lại phân chia xã hội loài người thành 3 loại
hình: Xã hội bình quân, xã hội thứ bậc, và xã hội phân tầng.
5. Trong lịch sừ xã hội loài người có hai giai đoạn phân tầng: Giai
đoạn sơ khai: Phân tầng bình quân, thứ bậc và vào thời kỳ thị tộc phụ
quyền là sự phân tầng về giới; còn trong xã hội có nhà nước phân tầng
tồn tại hai hình thức cơ bản: Phân tầng đẳng cấp và giai cấp.

Tài liêu tham khảo


1. Phan Hữu Dật (1998), Một sổ vấn đề dân tộc học Việt Nam, Nxb
ĐHQGHN.
2. ĐHQGTPHCM (2008), Nhãn học đại cương, Nxb ĐHQGTPHCM.
3. Emily A. Schultz & Robert H. Lavenda (2001), Nhân học một
quan điểm về tình trạng nhân sinh, Nxb CTQG, H.
4. Hoàng Ngọc Giao (2006), Bàn về xã hội dân sự, TC. NN&PL,
SỐ 11.
5. Nguyễn Duy Hới (1998), Nhập môn xã hội học, Nxb GD, Huế.
6. Võ Khánh Vinh (2008), Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự,
TC. KHXH, sổ 4.
7. John J. Macionis (2004), Xã hội học, Nxb thống kê, H.

277
Chương 11

NHÂN HỌC ỨNG DỤNG

Trong quá trình hình thành và phát triển của nhân học, từ phân
ngành nhân học hình thể, nhân học khảo cổ, nhân học ngôn ngữ, nhân
học văn hóa - xã hội, đến những thập niên 40 của thế kỷ XX xuất hiện
thêm một phân ngành nhân học ứng dụng (applied anthropology), hay
còn gọi là nhân học phát triển (development anthropology), nhân học thực
hành (practical anthropology), nhân học hành động (action anthropology),
nhân học biện hộ (advocacy anthropology).
v ề nội hàm khái niệm phân ngành nhân học ứng dụng cho đến nay
có nhiều cách hiểu, trong giáo trình Nhân học đại cương của trường Đại
học KHXH&NV TP HCM nhân học ứng ứng dụng được hiểu "... là
ngành mà các nhà nghiên cứu ảp dụng các dữ liệu, các khái niệm, lý
thuyết và phương pháp của nhân học vào việc giải quyết các vấn đề đa
dạng khác nhau trong các cộng đồng dân cư của thể giới đương đại ”284.
Còn George Foster lại nhấn mạnh đến tính ứng dụng tham gia vào các
chương trình, dự án xã hội của nhân học để cho ràng, Nhân học ứng dụng
là một cụm từ được sử dụng phổ biến bởi các nhà nhân học dùng để mô
tả về các hoạt động nghề nghiệp của họ trong các chương trình mà mục
tiêu cơ bản là biến đổi hành vi của con người nhằm cải thiện những vấn
đề xã hội, kinh tế và công nghệ hon là sự phát triển cùa lý thuyết xã hội
và văn hóa285. Trong lúc đó, Nguyễn Văn Tiệp lại dựa vào cách tiếp cận
về vai trò của nhân học ứng dụng để hiểu là phức hợp những phương
pháp liên quan, dựa trên nghiên cứu và phương pháp sử dụng công cụ để
tạo ra sự biến đổi hay ổn định trong các hệ thống văn hóa đặc trưng
thông qua việc cung cấp dữ liệu, sự khởi đầu của hành động trực tiếp và/
hay cùa việc thiết lập chính sách,... làm thúc đấy các giá trị và phạm vi

284 ĐHQGTP. HCM, 2008, tr. 308.


285 Nguyễn Vãn Tiệp (2010), Tập bài giảng nhân học ứng dụng,
http://thuvienso.daihocthudo.edu.vn/doc/tap-bai-giang-nhan-hoc-ung-dung-phan-2-pgs-
ts-nguyen-van-tiep-350983.html.

278
liiên quan của hành động286, ở đây, nhân học ứng dụng được hiểu có vai
trrò cung cấp thông tin/ dữ liệu, góp phần thiết lập các chính sách và hành
động liên quan trực tiếp đến cộng đồng để thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Nhưng dù tiếp cận dưới góc độ nào, nhân học ứng dụng phải được
hiếu là sự vận dụng các kiến thức và phương pháp nghiên cứu về con
người để giải quyết các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. Vì vậy, trong
klii bốn phân ngành khác của nhân học nặng về nghiên cứu hàn lâm, lý
thuyết, thì nhân học ứng dụng thiên về tính thực hành, ứng dụng thành
quà nghiên cứu của nhân học vào việc giải quyết các vấn đề xã hội.
Tóm lại, nhân học ứng dụng là một phân ngành của khoa học nhân
học, mà nội dung của nó là vận dụng những kiến thức và các phương
pháp nghiên cứu về con người để góp phần giải quyết các vấn đề đa
dạng, phức tạp đang đặt ra trong các cộng đồng dân cư trên thế giới
đương đại, như những vấn đề về xóa đói giảm nghèo, sinh kế, tái định cư,
di dân, môi trường, y tế, giáo dục, đô thị, du lịch...

11.1. LƯỢC SỬ VÈ NHÂN HỌC ỨNG DỤNG


• • •

Nhân học ứng dụng ra đời vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX
ở Mỹ. Từ đó đến nay, phân ngành này phát triển mạnh ở các nước Âu -
Mỹ và chia ra nhiều giai đoạn khác nhau. Tuy nhiên, cách phân kỳ của
quá trình ra đời và phát triển của nhân học ứng dụng cho đến nay còn tồn
tại những quan điểm khác nhau. Trong giáo trình Nhân học đại cương
của trường ĐHKHXH&NV TPHCM, thời gian hình thành và tồn tại của
nhân học ứng dụng được chia làm 3 giai đoạn: trước những năm 50 của thế
kỷ XX, những năm 50 và 60 của thế kỷ XX và từ những năm 70 của thế
kỷ XX đến nay. Còn nhà nhân học John Van Wiligen lại phân nhân
học ứng dụng thành 5 thời kỳ: Trước khi hình thành chuyên ngành -
trước 1860; hình thành dân tộc học ứng dụng (1869 - 1930); Giai đoạn
liên ngành (1030 - 1945); mở rộng vai trò và đánh giá công khai (1945 - 1970);
giai đoạn nghiên cứu chính sách (1970 đến nay)287... Thực ra cách phân
chia nào cũng hàm chứa một nội dung nêu bật quá trình hình thành, biến

286 Nguyễn Văn Tiệp, 2010.


287 Nguyễn Văn Tiệp (2010).

279
đổi và phát triển của nhân học ứng dụng. Vì vậy, có thể chia lịch sử hình
thành và phát triển của nhân học ứng dụng thành 3 giai đoạn:
- Giai đoạn tiền đề hình thành nhân học ứng dụng: Từ nửa sau thế
kỷ XIX, dân tộc học và nhân học được hình thành để phục vụ cho sự hiểu
biết xuyên văn hóa, xuyên quốc gia, xuyên châu lục của CNTB phương
Tây. Nhu cầu đó bắt nguồn từ sự mở rộng thuộc địa của chủ nghĩa thực
dân, như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ba Nha, M ỹ... đến các nước Á, Phi,
Mỹ Latinh , Châu Đại Dương. Theo đó, các nhà tư bản rất cần những
chuyên gia vừa cung cấp cho họ sự hiểu biết bước đầu về thiên nhiên và
con người ở các châu lục khác nhau, ngoài châu Âu, vừa hỗ trợ cho các
chính quyền tư bản những cứ liệu khoa học về người bản xứ để lập nên
các quyết sách nhằm theo đuổi mục tiêu mở rộng thị trường, thuộc địa.
Những chuyên gia đó không ai khác chính là các nhà dân tộc học và nhân
học. Vì vậy, cả dân tộc học và nhân học trong giai đoạn này bị hạn chế
trong yêu cầu cung cấp các thông tin, dữ liệu cho việc hoạch định các
chính sách và giải quyết các vấn đề thuộc địa của các nhà tư bản. Thậm
chí, có những viên chức chính phủ, sĩ quan trong quân đội tự mình trở
thành nhà dân tộc học và nhân học, như Henri Maitre, George Comdominas...
Thời kỳ này, các tổ chức tư bản thuê những nhà dân tộc học và nhân học
làm việc trong các tổ chức nghiên cứu chính sách. Ví như, ở Mỹ vào cuối
thế kỷ XIX đã hình thành Vụ nhân học (BAE). BAE thực chất là Viện
Nghiên cứu chính sách cho chính quyền liên bang. Báo cáo thường niên
đầu tiên của tổ chức này ghi chú ràng, nó được thành lập để tạo ra những
kết quả có giá trị thực tiễn cho việc quản lý những vấn đề của người thổ
dân. Theo đó, tên gọi dân tộc học ứng dụng được James Mooney sử dụng
để đề cập đến lời cam kết của BAE về nghiên cứu chính sách phục vụ
cho chính quyền Liên bang Mỹ.
Nhiều nước tư bản khác, như Anh, Pháp, Hà Lan, Tây Ba Nha cũng
tuyển dụng các nhà dân tộc học và nhân học vào công việc chuyên sâu
cùng với nhóm tư bản trong vai trò cố vấn khoa học, Họ được các văn
phòng thuộc địa, văn phòng về các thổ dân và thậm chí cả tổ chức quân
đội thuê làm việc với tư cách là cố vấn nghiên cứu. Họ trực tiếp đến các
dân tộc thuộc địa với tư cách vừa là đặc phái viên cùa chính phù, vừa là
nhà khoa học để nghiên cứu, thu thập tư liệu về phong tục tập quán, đời
280
sống văn hóa của các dân tộc ngoài châu Âu. Và không ít người đã vượt
qua vết lằn chính trị để đến với niềm say mê khoa học, như nhà dân tộc
học người Pháp Jacques Dournes, George Comdominas... Và nhiều công
trình nghiên cứu có giá trị về đời sống văn hóa các tộc người ngoài
châu Âu của các nhà dân tộc học và nhân học ở Anh, Pháp, Mỹ được
công bố; ví như các công trình nghiên cứu của các nhà dân tộc học và
nhân học của Pháp Rừng người Thượng của H. Maitre, Rừng, đàn bà và
điên loạn của J. Doumes, Chúng tôi ăn rừng của G. Condominar...
Như vậy, có thể nói giai đoạn từ khi hình thành vào những năm
giữa thế kỳ XIX đến những thập niên đầu của thế kỷ XX, các nhà dân tộc
học và nhân học về cơ bản là phục vụ cho nhu cầu hiểu biết xuyên văn
hóa, nhằm hoạch định các chính sách xâm lăng và nô dịch thuộc địa của
của chủ nghĩa thực dân Âu - Mỹ. Vì vậy giai đoạn này, tính ứng dụng của
khoa học dân tộc học và nhân học chỉ hạn chế trong nhu cầu của tư bản
Âu - Mỹ. Tuy nhiên, tính ứng dụng trong giai đoạn này/ “dân tộc học ứng
dụng” như cách gọi cùa James Mooney, là tiền đề cho sự ra đời nhân học
ứng dụng vào khoảng những năm 40 của thể kỳ XX.
- Giai đoạn ra đời và phát triển của nhân học ứng dụng từ những
năm 40 đến những năm 70 của thế kỷ XX: Từ Chiến tranh thế giới lần thứ
hai, nhiều nhà nhân học ở Mỹ và kế tiếp là nhân học các nước Tây Âu đã
tập trung sự nghiên cứu của mình vào những ứng dụng cụ thể trong đời
sống xã hội, nên nhân học hình thành thêm một phân ngành mới - nhân
học ứng dụng (applied anthropology). Phải nói rằng, cuộc khủng hoảng
của chiến tranh thế giới “đã cung cấp những cơ hội chưa từng thấy trước
đây cho những nhà nhân học tham gia vào những hoạt động của chiến
tranh288”. Theo đó, nhiều tổ chức nghiên cửu ứng dụng được thành lập;
một trong những tổ chức nhân học ứng dụng được thành lập đầu tiên là
nhóm nhân học ứng dụng thuộc Văn phòng về các vấn đề cùa thổ dân ở
Mỹ. Mục đích của nhóm này là xem xét triển vọng của các bộ lạc của thổ
dân Mỹ để phát triển các tổ chức tự trị, nhàm hưởng ứng đạo luật năm
1934 về vấn đề tổ chức lại thổ dân Mỹ. Những chủ đề nghiên cứu gồm
mô hình định cư, chính sách giáo dục, các triển vọng cho sự phát triển

288 Partridge và Eddy, 1978, tr. 27. Theo ĐHQGTP.HCM, 2008, tr. 309.

281
kinh tể ...289. Các nhà nhân học ứng dụng bằng nghiên cửu của mình đã
cung cấp những cứ liệu giúp cho chính quyền đề ra những chính sách
thích hợp.
Cùng vào thời điểm này, Vụ những vấn đề về người bản địa ở Mỹ
đã tuyển các nhà nhân học để tiến hành các dự án liên quan đến phát triển
kinh tế và nguồn lực trên những vùng đất khác nhau của người Mỹ thổ
dân cư trú. Các nhà nhân học làm việc trong tổ chức này đã tiến hành các
dự án ứng dụng để phục vụ mục đích tìm ra những giải pháp phát triển
kinh tế, nguồn lực cho thổ dân Mỹ. Những nghiên cứu của họ tập trung
vào các khía cạnh khác nhau về văn hóa, xă hội ảnh hưởng đến môi
trường và sử dụng đất290. Việc tuyển dụng các nhà nhân học vào làm việc
tương tự được tiến hành bời Ban nông nghiệp Hoa Kỳ ở lưu vực Rio Granide
và các nơi khác. Nhìn chung, những nghiên cứu của các nhà nhân học
ứng dụng trong thời kỳ này thường tập trung vào phong tục tập quán, lối
sống, tính cách của các thổ dân Mỹ, người Mỹ gốc Mêhicô, người Mỹ
gốc Phi ở tây nam291.
Ở Mỹ, thời gian này đã xuất hiện Hội nhân học ứng dụng (Society
for applied anthropology) và Tạp chí Nhân học ứng dụng vào năm 1941
ở Trường Đại học Harvard. Tại trường đại học Oxíòrd ở Anh, thòi gian
này cũng thành lập Bộ môn nhân học, với chương trình đào tạo mang
tính nhân học ứng dụng và lần đầu tiên thuật ngữ nhân học ứng dựng
được xuất hiện trong đề cương của chương trình đào tạo nhân học ở Đại
học Oxíord.
Như vậy, có thể nói, vào những năm 40 của thế kỷ XX, nhân hiọc
ứng dụng đã được hình thành ở Mỹ và sau đó là các nước khác ở Tây Âu.
Nhân học ứng dụng sau khi hình thành và phát triển, không chỉ
dừng lại ở việc đào tạo các nhà quản lý thuộc đia, cung cấp thông tin, tài
liệu về lối sống, tính cách các dân tộc ngoài châu Âu cho các nhà quản lý
ứong môi trường xuyên văn hóa, xuyên quốc gia, mà còn tập trang

289 Collier, 1936; Mekeel, 1944; Rodnick, 1936; Thompson, 1956. Theo Nguyễn Vàn Tiiệp,
2010.
290 Kennard và Mac Gregor, 1953, Theo Nguyễn Văn Tiệp, 2010.
291 Kimball và Provinse, 1942, Theo Nguyễn Văn Tiệp, 2010.

282
nghiên cứu nhằm tìm ra các giải pháp hợp lý để phát triển xã hội. Vì vậy,
các nhà nhân học ứng dụng có vai trò đưa các nhà khoa học xích lại gần
các nhà quản lý, các nhà tư bản. Họ còn được coi là người dẫn đường,
nhà cố vấn, người trung gian giữa cộng đồng và chính quyền, nhà nghiên
cứu gắn với hành động, nhà nghiên cứu phát triển cộng đồng, nhà nhân
học cộng tác292.... Van Willigen đã nêu lên những đóng góp của các nhà
nhân học ứng dụng trong giai đoạn 50 - 70 của thế kỷ XX là “Những nhà
nhân học bắt đầu có trách nhiệm đổi với những giải pháp của họ đề ra
chứ không đơn thuần là việc cung cấp thông tin Ví dụ, vào những
năm 50 của thế kỷ XX, những nhà nhân học đã thực hiện các dự án
nghiên cứu, như dự án Nhóm người Mỹ bản địa ở Iowa, và Nhóm những
nông dân Peru. Dự án nghiên cứu Nhóm người Mỹ bản địa ở Iowa (gọi
là dự án Fox) do Sol Tax điều hành với sự tham gia của sinh viên Trường
Đại học Chicago; họ đã dựa trên những vấn đề mà nhóm cư dân đó phải
đối mặt, để đưa ra một số giải pháp, như chương trình giáo dục vị thành
niên, đào tạo các ngành nghề thủ công, cung cấp các suất học bổng để hỗ
trợ sự tự tin và giúp cho người dân có cuộc sống tốt hơn... Dự án Nhóm
những nông dân Peru (gọi là dự án Vicos), do Allan Holmberg điều hành
với sự tham gia của các đồng nghiệp ở Trường Đại học Cornell. Dự án
được tiến hành trong 5 năm với mục tiêu biến đổi những đồn điền phụ
thuộc và không năng suất thành những đồn điền tự trị và có năng suất.
Dự án đã đưa ra một số giải pháp, như sừ dụng kỹ thuật mới về giống,
phân bón, thuốc trừ sâu,... trong trồng trọt; chương ữình giáo dục,
chương trình đào tạo ngành nghề cho phụ nữ ... Người dân dần tin tưởng
vào sự thành công của dự án và bắt đầu tìm kiếm các giải pháp mang tính
cộng đồng khi gặp phải những trở ngại gì trong cuộc sống. Theo đó,
những người dân trong vùng được hưởng lợi từ dự án, đời sống kinh tể, y
tế, giáo dục có những bước tiến rõ rệt. Hai dự án trên được coi như kiểu
mầu của việc triển khai các chương trình nghiên cứu nhân học ở Mỹ vào
những năm 5 0 - 7 0 của thế kỷ XX294.

292Các nhà nhân học được các tổ chức chính phủ, phi chính phủ, các doanh nghiệp, các
tồ chức ngân hàng thuê/ cộng tác nghiên cứu để phục vụ cho những mục đích nhất định.
293 Van Willigen, 1993, tr. 28. Theo ĐHQGTP.HCM, 2008, tr. 310.
294 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 310.

283
- Giai đoạn phát triển nhân học ứng dụng từ những năm 70 đến nay:
Vào cuối những năm 70 cùa thế kỷ XX đến nay, nhân học ứng dụng phát
triển mạnh ở nhiều nước trên thế giới, nhất là ở các nước Âu - Mỹ. Tiêu
biểu ở Mỹ vào thời kỳ này, đã hình thành nhiều tổ chức nhân học ứng
dụng, “như Hội nhân học ứng dụng ịSocietỵ fo r Applied Anthropology:
SFAA), Hiệp hội quốc gia của những nhà nhân học thực hành (National
Association Practicing Anthropologist: NAPA) và một sổ tổ chức thực
hành ở địa phương (Local pracitỉoner organization: LPQ)295 Theo đó,
năm 1974, Hội các nhà nhân học chuyên nghiệp (SOPA) cũng được
thành lập nhiều nơi ở nước Mỹ, như Washington, Los Angeles, Caliíòmia,
Florida, M ichigan... Các nhà nhân học ứng dụng vào thời kỳ này thường
tập trung vào các tổ chức xã hội, bao gồm cả tổ chức nhà nước và các tổ
chức tư nhân với mục đích tìm ra những phương thức để giải quyết các
vấn đề đang đặt ra cấp bách trong môi trường xã hội xuyên quốc gia. Từ
đó, hình thành các tổ chức tập hợp những nhà nhân học cùng giải quyết
các vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống. Có nghĩa là các nhà nhân học
ứng dụng ít tập trung vào các vấn đề học thuật mang tính lý thuyết hàn
lâm mà chú ý vào các vấn đề bức thiết của xã hội. Vì vậy, nhân học ứng
dụng thời kỳ này còn được gọi là nhân học ứng dụng mới, hay nhân học
thực hành. Các nhà nhân học thời kỳ này thường tập trung giải quyết các
vấn đề, như đói nghèo, môi trường, di dân, tái định cư, chăm sóc sức
khỏe, các hình thức giáo dục cộng đồng...
Ngày nay, nhân học ứng dụng vẫn tiếp tục phát triển ở nhiều quốc
gia và được mở rộng vào nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội,
như nhân học đô thị, nhân học du lịch, nhân học y tế, nhân học giáo dục...

11.2. CHỨC NĂNG/ VAI TRÒ CỦA NHÂN HỌC ỦNG DỤNG
v ề cơ bản nhân học ứng dụng có những chức năng sau đây:
- H ỗ trợ /phụ tá cho các các nhà quản lý xã hội lập kế hoạch'. Với
sự hiểu biết của mình về các lý thuyết xã hội và bàng sự nghiên cứu thực
địa để phát hiện bản chất của các nhóm người trên phương diện sinh học
và văn hóa - xã hội, các nhà nhân học ứng dụng cung cấp những thông

295 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 311.

284
tin cần thiết về cuộc sống của các cộng đồng dân cư để giúp cho các nhà
quản lý, các nhà hoạch định chính sách có thêm những luận cứ khoa học
và thực tiễn nhằm hoạch định các kế hoạch phát triển xã hội. Vì vậy,
người ta còn gọi nhà nhân học ứng dụng là nhà thẩm định nhu cầu xã hội
để cung cấp thông tin cho nhà quản lý. Ví dụ, cộng đồng này cần thiết hỗ
trợ các nhu cầu về nước sạch và vệ sinh môi trường, cộng đồng kia cần
hỗ trợ về y tế và chăm sóc sức khỏe... Đây được coi là chức năng thông
tin, chức năng thẩm định các nhu cầu xã hội của nhân học ứng dụng, hay
còn gọi là chức năng nhân chứng chuyên môn cho các nhà hoạch định
chính sách, cũng như cho cộng đồng với tư cách là chuyên gia khoa học.
Chúng ta có thể vạch ra con đường hỗ trợ cho các nhà quản lý để lập kế
hoạch xã hội của nhân học ứng dụng như sau: Từ tri thức về lý thuyết, về
bản chất các nhóm xã hội, từ các hoạt động nghiên cứu, thu thập tư liệu
thực địa, đến cung cấp thông tin khoa học cho các nhà quản lý để hoạch
định kế hoạch phát triển xã hội.
- Đánh giá/ thẩm định các chính sách xã hội, các chương trình, dự
án: Những nhà nhân học ứng dụng vừa là người đưa các chính sách xã
hội vào cuộc sống; họ thực hiện các nghiên cứu nhàm khẳng định sự cần
thiết của chính sách xã hội và thúc đẩy người dân và chính quyền địa
phương triển khai các chính sách đó có hiệu quả. Ví như, các nghiên cứu
của nhân học ứng dụng về thực trạng y tế, giáo dục ở vùng dân tộc thiểu
số, công tác xóa đói giảm nghèo vùng nông thôn, chính sách chăm sóc
người già, người có công với cách mạng... Từ những nghiên cứu đó,
nhân học ứng dụng góp phần đưa chính sách xã hội vào cuộc sống.
Không những thế, nhân học ứng dụng còn là người phản biện chính sách,
phản biện các chương trình dự án. Với vai trò nghiên cứu chính sách, các
nhà nhân học ứng dụng bằng các cứ liệu lý thuyết, sự hiểu biết về bản
chất con người và những thông tin từ thực tiễn cuộc sống ở các cộng
đồng dân cư, sẽ là người phân tích tính hợp lý/ đúng đắn cũng như chỉ ra
những bất cập, thậm chí sai lệch của một số mặt của chính sách xã hội,
các chương trình, dự án. Ví dụ, quá trình thực hiện chính sách xóa nhà
tạm cho các hộ nghèo ở vùng dân tộc thiểu số, chúng ta không bắt nguồn
từ đặc điểm văn hóa của đồng bào, nên tiến hành xây dựng những ngôi
nhà đất, theo lối kiến trúc lắp ghép, chắp vá, hay chương trình định canh
285
định cư, bắt người dân hạ sơn, làm nhà đất, khi đồng bào chưa đồng tình;
hoặc chương trình xóa đói giảm nghèo, chúng ta hỗ trợ cho người dân
giống cây con không phù họp với môi trường sống ở vùng miền núi khắc
nghiệt; hoặc chương trình trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng, chúng ta
thực hiện chưa hợp lý, dẫn đến xung đột giữa lợi ích cá nhân, cộng đồng
và nhà nước, hay chương trình giao đất, giao rừng đến người lao động
cũng còn nhiều bất cập giữa sở hữu đất đai của nhà nước, cộng đồng và
cá nhân... Phải nói rằng, các nhà nhân học ứng dụng, hon ai hết là người
thẩm định, phản biện các chương trình, dự án của nhà nước, các tổ chức
chính phủ và phi chính phủ. Họ chỉ ra những điều hợp lý và chưa hợp lý của
các chương trình, dự án cả khi chưa thực hiện và cả quá trình thực hiện.
Bên cạnh đó, các nhà nhân học ứng dụng còn là người đánh giá
những tác động tích cực và tiêu cực của các chính sách xã hội, các
chương trình, dự án trong tương lai. Ví dụ, những nghiên cứu đánh giá
tác động về môi trường và sinh kế cho người dân ở các khu tái định cư
vùng thủy điện, hay tác động về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của cư
dân tái định cư vùng ven đô... Những nghiên cứu của các nhà nhân học
ứng dụng như vậy thường đi vào phân tích những hệ quả/ tác động tích
cực và tiêu cực mà các chương trình, dự án, các chính sách xã hội mang
lại cho người dân trong tương lai. Vì vậy, những nghiên cứu như vậy
thường mang tính dự báo cao, nhằm giúp cho các nhà quản lý có được
những quyết sách thích ứng để hạn chế những tác động tiêu cực, đồng
thời phát huy tốt những tác động tích cực cho các cộng đồng dân cư ở
những vùng thụ hưởng các chính sách, chương ứình, dự án xã hội.
Vì vậy, có thể thấy các nhà nhân học ứng dụng là người vừa xem
xét, phản biện, thẩm định các chương trình, dự án, vừa là người kết nối/
đưa các chương trình, dự án vào cuộc sống, vừa là người đánh giá những
tác động của các chương trình, dự án vào cộng đồng trong tương lai.
- Hỗ trợ phát triển hay huấn luyện cho các nhóm cộng đồng/ phát triển
cộng đồng: Đây được coi là chức năng hành động của nhân học ứng dụng,
ở điểm này họ rất gần với nhà công tác xã hội; họ vừa là chuyên gia tham
dự cộng đồng, vừa là người hỗ trợ/ thúc đẩy sự phát triển, vừa là người
huấn luyện trực1tiếp cho việc thực thi các biện pháp cụ thể để thực hiện các

286
chương trình, dự án xã hội và như vậy họ là người thực thi những can thiệp
khác nhau vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ờ vai trò chuyên gia tham
dự cộng đồng, các nhà nhân học ứng dụng bằng phương pháp điền dã, đã
trở thành người tham dự sâu vào các cộng đồng, cùng ăn, ở, làm việc với
người dân để tìm hiểu những tâm sinh lý, những nhu cầu, sở thích của họ.
Ở vai trò hỗ trợ/ thúc đẩy cho sự phát triển, họ chính là cầu nối, là người
trung gian giữa chính quyền và cộng đồng, là người luôn vì mục tiêu bảo
vệ quyền lợi cho người dân. Các nhà nhân học ứng dụng bằng nghiên cứu
của mình xác định những nhu cầu, nguyện vọng của cộng đồng trong quá
ứình thực thi các chính sách, các chương trình, dự án xã hội, vừa là người
đề đạt nguyện vọng của người dân đến các nhà quản lý. Ở vai trò là người
huấn luyện trực tiếp cho cộng đồng, bằng những nghiên cứu của mình, họ
đề ra những biện pháp cụ thể để hướng dẫn/ huấn luyện người dân thực
hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án xã hội. Ví dụ, bàng
nghiên cứu của mình các nhà nhân học ứng dụng soạn thảo các tài liệu
giúp cho người dân thấy được tác hại và ngăn chặn nạn tảo hôn và hôn
nhân cận huyết, hay hướng dẫn cách kết hợp giữa quản lý nhà nước và
quản lý dựa vào cộng đồng, đồng quản lý trong các cộng đồng dân cu, hay
hướng dẫn cách chữa bệnh kết hợp giữa y học cổ truyền dân tộc và y học
hiện đại...
Tóm lại, các nhà nhân học ứng dụng là những người cung cấp
thông tin khoa học cho các nhà quản lý để hoạch định chính sách, là
những nhà thẩm định, phản biện, đánh giá tác động cùa các chính sách,
các chương trình, dự án, là người trung gian giữa chính quyền và cộng
đồng và là người hỗ trợ phát triển hay huấn luyện cho các nhóm xã hội...
Như vậy, các nhà nhân học ứng dụng vừa là người nghiên cứu, vừa là
người tư vấn và người hướng dẫn cộng đồng.

11.3. MỘT SÓ LĨNH V ự c NGHIÊN c ứ u CỦA NHÂN HỌC


ỨNG DỤNG
Khi đề cập đến các lĩnh vực/ nội dung trong nghiên cứu của nhân
học ứng dụng, các nhà nhân học ở Mỹ liệt kê các vấn đề sau đây296:

296 Satish John Van Willigen, 2002.

287
- Nông nghiệp.
- Sử dụng rượu và thuốc gây nghiện.
- Hành động cộng đồng.
- Hành vi về tội ác và tôn trọng pháp luật.
- Các nguồn lực văn hỏa và quản lý.
- Thiết kế và kiến trúc.
- Các chính sách phát triển và những hoạt động thực tiễn.
- Nghiên cứu về thảm họa.
- Phát triển kinh tế.
- Giáo dục và các trường học.
- Việc làm và lao động.
- Sự khai thác năng lượng.
- Môi trường.
- Sự đánh giá.
- Nghiên cứu về nghề cá.
- Lâm nghiệp và những ngôi rừng.
- Dịch vụ lão khoa.
- Chính quyền và sự quản lý.
- Sức khỏe và y tế.
- Vấn đề nhà ở.
- Nhân quyền, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tội diệt chủng.
- Sử dụng đất đai và đòi hỏi về đất đai.
- Công nghiệp và kinh doanh.
- Ngôn ngữ và hành động.
- Truyền thông và phát thanh truyền hình.
- Quân đội.
- Những công việc truyền giáo.
- Dinh dưỡng.
- Hoạch định chính sách.
288
- Dân số và nhân khẩu học.
- Sự giải trí.
- Biểu lộ niềm tin tôn giáo.
- Sự tái định cư.
- Đánh giá tác động xã hội.
- Các chương trình đào tạo.
- Phát triển đô thị.
- Phát triển các nguồn nước.
- Quản lý đời sống hoang dã.
- Phụ nữ trong sự phát triển.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, các nhà dân tộc học và
nhân học thường quan tâm nghiên cứu các lĩnh vực có liên quan đến
nhân học ứng dụng, như nhân học môi trường, nhân học y tế, nhân học
du lịch, nhân học đô thị, nhân học về giới, nhân học tôn giáo, nhân học
giáo dục...
- Nhân học môi trường: Nhân học môi trường hay còn gọi là nhân
học sinh thái. Đối tượng của nhân học môi trường là nghiên cứu mối
quan hệ giữa môi trường và con người, những tác động của môi trường
đến con người và ngược lại. Như vậy, nhân học môi trường tập trung
hướng giải quyết của mình vào mối quan hệ về sự tương tác giữa không
gian sinh thái và không gian vãn hóa cũng như sự tác động của sinh thái
trong việc định hình các khuôn mẫu văn hóa ở các tộc người/ văn hóa
sinh thái và loi ứng xử của các cộng đồng dân cư đối với môi trường, bao
gồm: Không gian cư trú, không gian sản xuất, không gian sinh hoạt
chung cộng đồng, không gian tâm linh. Trong đó, nhân học sinh thái tập
trung giải quyết các vấn đề chính, như sự tương tác giữa không gian sinh
thái và không gian tộc người, các nhân tố môi trường tác động đến đời
sống kinh tế, văn hóa - xã hội tộc người, tác động của chính sách xã hội
lên sự suy thoái môi trường, ứng xử của các tộc người đối với sự biến đổi
khí hậu, các chính sách xã hội liên quan đến môi trường như chính sách
về rừng, đất đai, giáo dục về rừng, mối quan hệ giữa môi trường và sinh kế.

289
- Nhân học y tế: Nhân học y tế tập trung sự nghiên cứu của mình
đến mối quan hệ giữa cấu trúc xã hội và sức khỏe, các hệ thống chăm sóc
sức khỏe của xã hội, cũng như niềm tin và sự thực hành các niềm tin liên
quan đến sức khỏe, bệnh tật của con người. Nhân học y tế còn quan tâm
đến tri thức dân gian, sự phản ứng khác nhau giữa các nền văn hóa với
bệnh tật và cả cái chết. Và như vậy, lĩnh vực khoa học này tìm hiểu cả về
hành vi văn hóa và cả về phương diện sinh học của con người liên quan
đến bệnh tật. Đúng như Foster và Anderson đã nói: “Nhân học y tế là một
chuyên ngành văn hóa sinh học nghiên cứu đến cả hai khía cạnh sinh
học và văn hóa xã hội của hành vi loài người, và đặc biệt nghiên cứu
những cách thức mà hai khía cạnh này tương tác với nhau trong suốt lịch
sử của nhân loại để ảnh hưởng lên sức khỏe và bệnh tật” 9 . Theo đó,
Nhân học y tế quan tâm đến mối liên hệ giữa môi trường với sức khỏe,
bệnh tật, tìm hiểu niềm tin và sự hiểu biết của người dân đối với bệnh tật
ừên nền tảng văn hóa của họ, cũng như nghiên cứu sự phản ứng của các
nhóm dân cư trong xã hội với bệnh tật. Ngoài ra. Nhân học y tế còn
nghiên cứu sự bất bình đẳng xã hội trong chăm sóc sức khỏe, kinh tế với
sức khỏe, văn hóa ẩm thực với sức khỏe, trang phục với sức khỏe, tín
ngưỡng và tập tục với sức khỏe, giới với sức khỏe, trạng thái cư trú với
sức khỏe, chất lượng dân số với sức khỏe, việc sử dụng các dịch vụ y tế
với các nhóm xã hội, sự phát triển của những hệ thống tri thức y học và
chăm sóc sức khỏe, mối quan hệ giữa bệnh nhân và người chữa bệnh/
thầy thuốc, sự lồng ghép các hệ thống chữa trị bệnh tật trong môi trường
văn hỏa đa dạng, mặt tích cực và hạn chê của các phương thức chữa bệnh
Đông, Tây.
Như vậy, các nhà nhân học y tế đóng vai trò như những nhà nghiên
cứu văn hóa về sức khỏe cộng đồng, liên quan đến tri thức địa phương về
bản chất, nguyên nhân và cách chữa bệnh. Không những thế, họ còn can
thiệp vào cách chữa bệnh của cộng đồng bằng các phân tích về sự hợp lý
và không họp lý của các cách chữa bệnh truyền thống và sự cần thiết phải
kết hợp kinh nghiệm chữa bệnh truyền thống của người dân với y học
hiện đại.

297 Dan theo Phạm Văn Lình - Võ Văn Thẳng, 2008, tr. 20.

290
- Nhân học du lịch: Có thể nói, khoa học dân tộc học và nhân học
được ứng dụng vào hoạt động du lịch từ rất sớm. Ngay từ khi hình thành,
vào nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các nhà dân tộc học và nhân học
bằng phương pháp nghiên cứu điền dã của mình đã khám phá các nền
văn hóa khác lạ, còn lưu giữ nhiều nét nguyên thủy ngoài châu Âu. Sự
đóng góp những tư liệu dân tộc học và nhân học về phong tục tập quán
của các thổ dân, các dân tộc ngoài châu Âu, đã góp phần phát triển ngành
du lịch, nhất là du lịch văn hóa.
Vì vậy, ngay sau khi hình thành, nhân học ứng dụng đã đặc biệt
chú ý phát triển hướng ứng dụng vào hoạt động du lịch. Đối tượng
nghiên cứu của chuyên ngành này là cộng đồng địa phương và khách du
lịch, để tìm hiểu những biến đổi văn hóa (từ nhận thức đến hành vi) giữa
chủ nhà (cộng đồng địa phương đón tiếp khách du lịch) và khách du lịch
trong quá trình tham gia vào hoạt động du lịch.
Sau những chuyến du lịch người ta có thể bị tác động và biến đổi
cả về nhận thức, thói quen và hành vi văn hóa của mình. Ngược lại, cộng
đồng cư dân sinh sống tại các khu du lịch cũng sẽ chịu ảnh hường và
hình thành các thói quen, hành vi văn hóa do khách du lịch mang đến. Vì
vậy, việc nghiên cứu các tác động tích cực và tiêu cực giữa cộng đồng
địa phương và khách du lịch là một trong những nhiệm vụ khá rõ cho các
nhà nhân học du lịch. Điều này có ý nghĩa không chỉ trong việc xác định
các mâu thuẫn phát sinh từ hoạt động du lịch mà còn góp phần xây dựng
chiến lược phát triển du lịch bền vững, du lịch cộng đồng.
Việc ứng dụng nhân học vào lĩnh vực du lịch chủ yếu được xem xét
dưới ba góc độ:
+ Vai trò của nhân học đến du lịch trong việc tìm hiểu văn hóa
các dân tộc trên thế giới. N
Nhân học nghiên cứu môi trường văn hóa xuyên quốc gia để cung
cấp cho các công ty du lịch, du khách hiểu biết được văn hóa mới lạ của
các vùng đất khác nhau trên thế giới. Trên cơ sở những tư liệu văn hóa
đặc thù của các cộng đồng xã hội khác nhau, nhà nhân học ứng dụng
tham gia xây dựng các tour du lịch đến những vùng đất, nơi có các nền
văn hóa xa lạ với du khách.

291
Không những cung cấp các tour du lịch, các nhà nhân học ứng
dụng còn cung cấp những thị hiếu, sở thích, tính cách của khách du lịch
các nước, các vùng miền khác nhau để những người hoạt động trong môi
trường du lịch có thể hoạch định chiến lược phát trển du lịch đáp ứng nhu
cầu xã hội.
+ Vai trò của nhân học ứng dụng đối với du lịch trong việc bảo
tồn môi trường thiên nhiên, văn hóa, mà đặc biệt là di sản văn hóa các
dân tộc.
Du lịch có tác động tích cực đến việc bảo tồn môi trường thiên
nhiên, môi trường văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa các dân tộc. Theo
đó, các nhà nhân học ứng dụng tập trung sự nghiên cứu của mình cung
cấp cứ liệu/ thông tin và đề xuất giải pháp để làm rõ các lĩnh vực tác
động tích cực của du lịch đến thiên nhiên và văn hóa. Trước hết, chính du
lịch tạo nên ý thức cho người dân tại chỗ và du khách về việc trân trọng
môi trường tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Tiếp
đến, du lịch tạo nên cú hích để người dân tại chỗ và các nhà quản lý lập
kế hoạch biến danh thắng thiên nhiên và văn hóa, đặc biệt các di sản văn
hóa dân tộc thành sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Cuối cùng, chính
nguồn thu từ du lịch quay trở lại cung cấp kinh phí để bảo vệ danh thắng,
trùng tu di tích.
Tuy nhiên, du lịch cũng mang đến cả những tác động tiêu cực về
việc bảo tồn môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa, đặc biệt là di
sản văn hóa các dân tộc. Vì rằng, nếu không chú trọng phát triển du lịch
bền vững, thì nhiều cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều danh thắng nổi
tiếng, nhiều di tích lịch sử vô giá sẽ bị vằm nát vì mục đích lợi nhuận/
thương mại trong hoạt động du lịch. Và rồi, du lịch có thể tác động tiêu
cực đến tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm vì hiện tượng canh tranh,
kèn cựa trong kinh doanh không lành mạnh. Du lịch còn làm tăng các
hiện tượng phản cảm trong văn hóa lối sống của cộng đồng người dân tại
chỗ, như nạn chặt chém, chèo kéo du khách, lừa lọc trong mua bán hàng
hóa lưu niệm cho du khách... Vì vậy, Nhân học ứng dụng tập trung sự
nghiên cứu của mình vào các vấn đề gây tổn thương cho môi trường tự
nhiên và môi trường văn hóa của cộng đồng vì mục đích phát triển nóng
trong kinh doanh du lịch. Vì rằng, “Cott sóng du lịch không cỏ chiến
292
lược, không có kế hoạch sẽ cuốn trôi hết văn hóa truyền thống và di sản
văn hóa của dân tộc, nó sẽ lấy đi nhiều hơn những gì nó để lại. Người ta
thấy rõ nơi nào mở mang dịch vụ du lịch mà thiếu sự kiểm soát và thiếu
chiến lược du lịch bền vững thì nơi đó cảnh quan thiên nhiên, môi trường
sinh thái sẽ bị hủy hoại trước tiên rồi sau đó là sự tiêu hao, mất mát văn
hỏa truyền thống của tộc người298,\
Vì vậy, trong nghiên cứu của mình các nhà nhân học ứng dụng chú
ý đến các tác động của du lịch mang lại cho cộng đồng xã hội, để trên cơ
sở đó đề xuất các giải pháp tăng cường những tác động tích cực, hạn chế
những tác động tiêu cực mà du lịch mang lại, để phát triển du lịch bền vững.
+ Vai trò của nhân học ứng dụng đến hoạt động kinh tế du lịch:
Một bài toán khá nan giải cho hoạt động du lịch là làm thế nào để biến
các tiềm năng thiên nhiên và văn hóa thành các sản phẩm du lịch độc đáo
nhằm tăng sự hấp dẫn của các tour du lịch, tăng nguồn thu cho du lịch.
Các nhà nhân học ứng dụng tham gia vào việc giải bài toán nan giải đó
bàng việc tìm ra những sắc thái đặc trưng về văn hóa các tộc người được
thể hiện trong lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật
diễn xướng,... các giá trị đặc trưng về di sản văn hóa vùng miền, các
danh thắng đặc sắc của thiên nhiên, để xây dựng các sản phẩm du lịch
độc đáo, đa dạng, góp phần tăng nguồn thu cho du lịch.
Tóm lại, nhân học du lịch là một hướng tập trung sự quan tâm đặc
biệt của các nhà nhân học ứng dụng do những nhu cầu cấp bách của sự
phát triển bền vững hoạt động du lịch. Nhu cầu đó cần được sự hỗ trợ
nghiên cứu của các nhà nhân học ứng dụng.
- Nhân học đô thị: Vào khoảng những thập niên 50, các nhà nhân
học ứng dụng đã hướng nghiên cứu của mình vào các lĩnh vực kinh tế, y
tế, giáo dục,... ở các vùng nông thôn miền núi chậm phát triển. Nhưng
đến những thập niên 60, các nhà nhân học ứng dụng đã bắt đầu chú ý
nghiên cứu cả trong địa bàn đô thị. Thuật ngữ nhân học đô thị “urban
anthropology” đã bắt đầu được sừ dụng vào nửa cuối thập niên 60299.
Trong thời kỳ này, nhân học đô thị tập trung nghiên cứu của mình vào

298 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 323.


299 ĐHQGTPHCM, 2008, tr. 317.

293
các vấn đề, như không gian đô thị và quá trình đô thị hóa, di cư từ nông
thôn lên thành thị, sự thích nghi của thị dân, đa dạng văn hóa, tội phạm,
kiến trúc đô thị, đói nghèo đô thị, các mạng lưới đô thị, dân số đô thị,
thành phân dân cư đô th ị...
Hiện nay, nhân học đô thị tập trung việc nghiên cứu của mình về
các vấn đề liên quan đến xã hội và nhân văn trong quá trình đô thị hóa,
phân tích những động thái giống và khác nhau trong đời sống kinh tế,
văn hóa - xã hội của các nhóm thị dân và quá trình biến đổi xã hội của
các vùng nông thôn ven đô thị trong quá trình đô thị hóa. Đồng thời,
nhân học đô thị cũng tập trung sự nghiên cứu của mình vào những đặc
điểm văn minh đô thị, lối sống đô thị của các nhóm dân cư góp phần vào
việc hoạch định quản lý đô thị trong những môi trường đô thị sinh thái cụ thể.
Mạc Đường đã đề xuất 10 nhóm nghiên cứu của nhân học đô thị như sau:300
+ Nghiên cứu lịch sử di dân và hình thành các khu định cư của
các nhóm dân cư địa phương, nhóm tộc người, nhóm tôn giáo sống ở các
vùng nội thành, ven đô và ngoại thành của một đô thị trong lịch sử.
+ Nghiên cứu những ảnh hưởng của hiện tượng toàn cầu hóa kinh tế
và các tác động của nó đến đời sổng của các nhóm dân cư và nhóm tộc
người trong các đô thị.
+ Nghiên cứu những mô thức văn hóa (Cultural pattems) hòa nhập
và những xu hướng thích nghi văn hóa (cultural adap-tatio) của những nhóm
di dân vào đô thị.
+ Nghiên cứu các loại hình kinh phí chính thức (infomial sector)
và vị trí của nó trong nền kinh tế đồ thị hiện đại.
+ Nghiên cứu quá trình hình thành, phát triển cùa vấn đề đói
nghèo và hiện tượng tâm lý Practopia (tức tâm lý tự thân vượt qua) trong
hành động vượt nghèo.
+ Nghiên cứu quá trình hình thành các loại hình công ty vốn đầu
tư trong và ngoài nước hoạt động trên địa bàn đô thị, các trường Đại học
về mặt tác động văn hóa và xã hội của nó đối với quá trình phát triển
đô thị.

300 Mạc Đường, 2002, tr.l 12-113.

294
+ Nghiên cứu những đặc trưng văn hóa, sinh hoạt và phong cách
sống, các phong trào xã hội lớn của các tôn giáo có tác động đến đời sống
dân cư đô thị.
+ Nghiên cứu sự tác động và nhu cầu của loại hình văn hóa giải
trí đến quá trình hình thành nhân cách và đạo đức của các tầng lớp thị
dân trong xã hội đô thị, đặc biệt là tầng lớp thị dân trẻ tuổi.
+ Nghiên cứu những phong tục tập quán cũ và mới đang tồn tại
trong đời sống đô thị, nhất là những phong tục tập quán tốt đẹp mang tính
truyền thống và những phong tục tập quán ngăn cản quá trình hiện đại
hóa trong đời sống đô thị.
+ Nghiên cứu những loại hình cấu trúc gia đình, thiết lập những
sơ đồ thân tộc, cây họ tộc (family tree), gia phả của các họ tộc ỉâu đời ở
thành phố, mô tả những mối quan hệ về giới (gender) và cách thu nhập,
cách chi tiêu của hộ gia đình theo quan niệm phân tích của khái niệm văn
hóa trong sinh hoạt đời thường.
- Nhân học về giới: Nhân học về giới đề cập đến địa vị xã hội và
vai trò của con người đã được xã hội hóa dựa trên những chuẩn mực văn
hóa về giới. Môn học Nhân học về giới tiếp cận giới bằng cách “nghiên
cứu mỗi quan hệ giữa nguồn lực xã hội, danh dự xã hội về giới... cũng
như quan tâm vấn đề nữ quyền, vấn đề vi phạm nhân quyển (đặc biệt đối
với phụ nữ), vấn đề bạo lực trong gia đình (mà nạn nhân đa số là nữ),
vấn đề quyền chỉnh trị,... ”3I)I. Theo đó, Nhân học về giới tập trung giải
quyết các vấn đề cơ bàn sau đây: giới trong lịch sử, cách tiếp cận giới
như một tập hợp các biểu tượng văn hóa và xã hội, cách tiếp cận giới
trong nghiên cứu về hôn nhân, gia đình và dòng họ, cách tiếp cận giới
thông qua các thiết chế xã hội, sự đảo chiều trong nhận diện về giới, giới
trong nền kinh tế thị trường; những khác biệt giới trong cơ cấu hộ gia
đình, mức sống, khác biệt giới trong công việc và tạo thu nhập, khác biệt
giới trong giáo dục, sức khỏe, mang thai và dinh dưỡng, các yếu tố về
giới ảnh hưởng đến tình trạng đói nghèo và điều kiện sống...

30,ĐHQGTPHCM, 2008, tr.l 13.

295
- Nhân học tôn giáo: ‘'Tôn giáo như là một hệ thống CÙL văn
hóai02” Vì vậy, nhân học không thể không nghiên cứu các hìrứ thái
tôn giáo nghuyên thủy, các tôn giáo dân tộc và tôn giáo thế giới. -)iểm
khác biệt của nhân học tôn giáo so với các lĩnh vực khoa học khác
nghiên cứu về tôn giáo là nhà nhân học quan tâm đến mối quai hệ
giữa tôn giáo với văn hóa tộc người. Họ đi sâu nghiên cứu các biểu
tượng tôn giáo, các lễ hội, hành vi liên quan đến tôn giáo, các loạ văn
hóa tôn giáo, như văn hóa Phật giáo, văn hóa Thiên Chúa giáo văn
hóa Hồi g iáo ...; họ quan tâm đến tác động của tôn giáo với các ìhóm
xã hội, như tôn giáo với dân tộc/ hình thành chủ nghĩa dân tộc Hồi
giáo, tôn giáo với quốc gia, tôn giáo với giới tính, tôn giáo vó sức
khỏe sinh sản, tôn giáo với chữa trị bệnh tật... Theo đó, nhân họ; tôn
giáo nghiên cứu tác động của tôn giáo đến con người, như trườnị hợp
“7ạz đất nước Thải Lan Phật giảo, thiền ngày càng trở nén phô biến
như là một biện pháp mà nhờ đó con người đạt được sự tách khù thế
giới trong khi vẫn cỏ khả năng hành động trong thế giới30ỉ”.
- Nhân học giáo dục: Nhân học giáo dục tập trung sự nghiêi cứu
của mình về vai trò giáo dục đối với sự phát triển trí lực nguồn nhái lực
con người trong môi trường văn hóa xã hội các tộc người khác nhai. Có
nghĩa là các nhà nhân học giáo dục chú ý đến sự khác biệt về văn hói của
các cộng đồng xã hội trong việc giáo dục con cái, Các cộng đồng )á hội
khác nhau có ngôn ngữ khác nhau, thói quen, kiểu tư duy, cách ứiỊỊ xử,
cách tiếp cận trong học tập có những đặc thù khác nhau. Các nhà nhân
học ứng dụng đã chú trọng tìm hiểu các giá trị đặc trưng về kinh nghiệm
địa phương của các cộng đồng dân cư về giáo dục. Họ quan tâm đếi đặc
trưng của các nhóm người về chủng tộc, ngôn ngữ, phong tục, tập Ịuán,
thói quen, kiểu tư duy đến việc tiếp thu tri thức trong học tập. Từ rhững
nghiên cứu như vậy, các nhà nhân học giáo dục đề xuất các phương thức
dạy học phù hợp với đặc trưng văn hóa của các nhóm xã hội.
Không những thế, các nhà nhân học giáo dục còn nghiên cứu kinh
nghiệm dạy học của các tộc người khác nhau ở phương Đông và phiơng

302 Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, 2006, tr. 19.
303 Hội khoa học Lịch sử Việt Nam, 2006, tr. 24.

296
Tây nhằm giúp các nhà sư phạm chọn lựa những phương pháp giáo dục
hiệu quả nhất, khắc phục được cách dạy học lỗi thời, xưa cũ để tiếp cận
những kinh nghiệm dạy học tiến tiến, hiện đại.
Ngoài ra, các nhà nhân học giáo dục còn kết hợp với các nhà ngôn
ngữ nghiên cứu tình trạng song ngữ, đa ngữ để tìm ra phương thức dạy
và học họp lý trong môi trường đa văn hóa tộc người. Họ còn phối họp
với các nhà ngôn ngữ biên soạn các bộ từ điển song ngữ, giúp cho việc
dạy và học ờ vùng đa văn hóa được tốt hơn.
Rõ ràng, trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, tôn trọng sự đa
dạng về văn hóa cũng đồng nghĩa với tôn trọng các kinh nghiệm khác
nhau về giáo dục ở các cộng đồng người trên thế giới. Vì vậy, hướng
nghiên cứu tìm hiểu những kinh nghiệm truyền thống về giáo dục của các
tộc người khác nhau, kết hợp với những phương pháp tiên tiến mang tính
thời đại về dạy và học của các nhà nhân học giáo dục là một cách tiếp
cận lý thú và cần thiết.

Tóm tắt chưong


1. Nhân học ứng dụng là một phân ngành của khoa học nhân học
chuyên vận dụng các khái niệm, lý thuyết về bản chất con người, các
phương pháp nghiên cứu dân tộc học và nhân học vào việc giải quyết các
vấn đề cấp bách đang đặt ra trong đời sống của xã hội đương đại.
2. Nhân học ứng dụng ra đời vào khoảng những năm 40 của thế kỷ XX,
đầu tiên ờ Mỹ và sau đó là các nước khác ờ Tây Âu và nhiều nước trên
thế giới. Lịch sử hình thành và phát triển của phân ngành nhân học này
có thể chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn tiền đề hình thành nhân học ứng
dụng; giai đoạn ra đời và phát triển của nhân học ứng dụng từ những năm
40 đến những năm 70 của thế kỷ XX và giai đoạn phát triển nhân học
ứng dụng từ những năm 70 đến nay.
3. Nhân học ứng dụng có những chức năng/ vai trò đối với sự phát
triển xã hội, như hỗ trợ/ phụ tá cho các nhà quản lý xã hội lập kế hoạch,
đánh giá/ thẩm định các chính sách xã hội, các chương trình, dự án,
hỗ trợ phát triển hay huấn luyện cho các nhóm cộng đồng/ phát triển
cộng đồng...

297
4. Nhân học ứng dụng hiện nay chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực
nghiên cứu sau đây: Nhân học du lịch, nhân học tôn giáo, nhân học môi
trường, nhân học đô thị, nhân học giáo dục, nhân học về giới, nhân học y tế...
5. Nhân học là một khoa học nghiên cứu về bản chất con người trên
phạm vi toàn nhân loại. Phân ngành nhân học ứng dụng cung cấp những
kiến thức, những kinh nghiệm, phương pháp nghiên cứu để sau khi ra
trường sinh viên có thể làm việc trong môi trường xuyên văn hóa của các
tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các tổ chức trong nước và quốc tế,
các tổ chức Trung ương và địa phương nhằm giúp đỡ cho cho các cộng
đồng xã hội, các nhóm yếu thế phát triển bền vững.

Tài liêu tham khảo


1. ĐHQGTPHCM (2008), Nhân học đại cương, Nxb ĐHQGTPHCM.
2. Phạm Văn Lình - Võ Văn Thắng (2008), Nhân học y tế, Nxb
Đại học Huế.
3. Hội khoa học Lịch sử Việt Nam (2006), Những vấn đề nhản học
tôn giáo, Nxb Đà Nằng.
4. Mạc Đường (2002), Dân tộc học đô thị và vẩn đề đô thị hóa,
Nxb Trẻ, TPHCM.
5. Nguyễn Văn Minh (2013), Tôn giảo, tín ngưỡng các dân tộc ở
Việt Nam, Nxb KHXH, HN.
6. Nhiều tác giả (2014), Một số vấn đề vầ lịch sử và lý thuyết nhân
học, Nxb Tri Thức, TPHCM.
7. Satish John Van Willigen (2002), Applied anthropology, Third
edition, Bergin & Garvey, First published in.

298
NHÀ XUẤT BẢN ĐẠI HỌC HUÉ
07 Hà Nội, Huế - Điện thoại: 054. 3834486; Fax: 054.3819886

Chịu
• trách nhiệm xuất bản và nội dung
• • “

Giám đốc, Tổng biên tập


Nguyễn Thanh Hà

Thẩm định nội dung


NGND.GS.TS. Ngô Văn Lệ

1 A • A

Biên tập viên


Ngô Văn Cường

Biên tập kỹ thuật


Trần Bình Tuyên

Trình bày, minh họa


Minh Hoàng

Sửa bản in
Việt Xinh

Đối tác liên kết xuất bản


Nguyễn Văn Mạnh, Trường Đại học Khoa Học, 77 Nguyễn Huệ, thành phố Huế

NHÂN HỌC ĐẠI CƯƠNG


In 300 bản, khổ 16 X 24 cm, tại Công ty c ổ phần In và Sản xuất bao bì Huế:
số 02 Sóng Hồng, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Số xác nhận đăng ký xuất bản: 3815-2016/CXBIPH/02-46/ĐHH.
Quyết định xuất bản số: 104/QĐ/ĐHH-NXB, cấp ngày 09 tháng 11 năm 2016.
In xong và nộp lưu chiểu năm 2016.

You might also like