Academia.eduAcademia.edu
LỰA CHỌN VÀ GIẢI PHÁP NÀO CHO NỀN KINH TẾ XANH VIỆT NAM ? PGS.TS. Đặng Văn Phan Trường Đại học Cửu Long. TS. Nguyễn Thị Bích Thủy Trường Đại học Hải Phòng. ThS. Nguyễn Minh Hiếu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. ABSTRACT Delays in locating a national green economy will be a significant disadvantage in a world that changes every day as more and more lost delay competitive and global market integration. To do this, the most important thing is to quickly build the correct methodology, develop a scientific basis and identify solutions including integrated technology solutions suitable for each specific object possible in each specific condition with the active participation of the State, entrepreneurs, scientists and communities. Keyword : green economy, recycling, green consumer, smart consumer,… I. GIỚI THIỆU Hiện nay, kinh tế xanh không chỉ là xu hướng phát triển kinh tế cửa miệng của nhiều người mà nó còn là sự lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Hiệu quả và mô hình thành công từ chiến lược phát triển kinh tế xanh trên thế giới là không thể phủ nhận dưới nhiều khía cạnh : kinh tế - xã hội, môi trường tự nhiên, thói quen tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh… Là một trong năm quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam không thể chần chừ hơn nữa trong sự chuyển dịch xanh hóa nền kinh tế vốn có nhiều lợi thế. Bài viết này tập trung giải quyết các vấn đề : 1). Lí thuyết và thực tiễn về kinh tế xanh trên thế giới và Việt Nam; 2). Vì sao phải lựa chọn mô hình phát triển kinh tế xanh trong quá trình phát triển đất nước; 3). Giải pháp nào cho phát triển nền kinh tế xanh tại Việt Nam ? II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU 2.1. Kinh tế xanh là gì ? Kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và hướng đến công bằng xã hội. Theo UNDP. Với quan điểm đó, kinh tế xanh đã đặt con người vào vị trí trung tâm, trong đó các chính sách do con người hoạch định tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thông qua việc đẩy mạnh nền kinh tế xanh và cải tổ quản lí môi trường, con người đã đảm bảo được hai nhân tố căn bản của tiến trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và toàn cầu nói chung. Nền kinh tế xanh được đo lường thông qua hệ thống các nhóm chỉ số, cụ thể như sau : – Nhóm chỉ số về môi trường (chỉ số sử dụng tài nguyên hiệu quả, chỉ số về ô nhiễm của ngành hoặc toàn bộ nền kinh tế,…). – Nhóm chỉ số kinh tế (chỉ số về tỉ lệ đầu tư, tỉ lệ sản lượng và việc làm trong các lĩnh vực đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững như GDP xanh, GDP,…). – Nhóm chỉ số tổng hợp về tiền bộ và phúc lợi xã hội (chỉ số về kinh tế vĩ mô dành cho môi trường, phúc lợi xã hội trên đầu người,…). 2.2. Vì sao phải lựa chọn nền kinh tế xanh ? Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nền kinh tế xanh đã có những vai trò chính yếu sau : – Thúc đẩy quá trình phát triển bền vững Kinh tế xanh sẽ tác động lên chính sách công, các quy định, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quy định hành vi xã hội trên cả phạm vi vĩ mô lẫn vi mô. Gia tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển : tài nguyên, thông tin, năng lượng, vốn. Kinh tế xanh góp phần điều tiết các chính sách, công cụ quản lí nhằm thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, tạo việc làm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn xanh hóa của môi trường sống. – Tạo ra việc làm và giải quyết nạn thất nghiệp Nông nghiệp xanh, năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, tái chế chất thải,… các hoạt động này sẽ góp phần hình thành những nghề mới trong xã hội, tạo ra nguồn việc ổn định, giải quyết một phần việc làm tại chỗ cho cộng đồng. – Bảo vệ đa dạng sinh học và tạo cơ hội phục hồi cho các hệ sinh thái trên phạm vi toàn cầu Phát triển kinh tế xanh đồng nghĩa với việc tăng cường chức năng cho các hệ sinh thái, tạo cơ hội phục hồi các hệ sinh thái thứ sinh. Duy trì một khối lượng công việc trong lĩnh vực lâm nghiệp, các nghề thủ công truyền thống, các nghề tận dụng phế phẩm và tái chế các nguồn chất thải cho nền kinh tế. – Tiếp cận và khai thác các công nghệ sạch hiệu quả, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên, giảm đáng kể lượng chất thải so với công nghệ cũ. Đảm bảo an ninh lương thực nhờ phát triển nông nghiệp xanh nói riêng và nền kinh tế xanh nói chung. Đảm bảo an ninh vốn, năng lượng, tài nguyên, giảm các chi phí đầu tư và chi tiêu cho lĩnh vực giáo dục, y tế cộng đồng, phúc lợi xã hội. – Giảm thiểu lượng khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên toàn cầu. Việc lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế xanh sẽ đồng nghĩa với việc sử dụng nguồn năng lượng xanh, năng lượng ít gây ô nhiễm môi trường trong cơ cấu năng lượng quốc gia. Các nguồn năng lượng truyền thống, thâm dụng các nguồn nhiên liệu hóa thạch sẽ được giảm dần và thay thế bằng các nguồn năng lượng cho ít chất thải và an toàn hơn đối với cuộc sống. Chính lựa chọn thông minh này đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu lượng các khí nhà kính, hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu hay ít ra đã thay đổi được hành vi, thói quen của doanh nghiệp và người tiêu dùng xanh. – Xóa đói giảm nghèo cho một bộ phận dân cư Nền kinh tế xanh là một trong những lựa chọn thích hợp và góp phần xóa đói giảm nghèo cho nền kinh tế, cho cộng đồng địa phương. Hiệu suất sản xuất sẽ tác động đến lợi nhuận đầu tư, đến giá trị lao động thặng dư, kết quả là thu nhập trên lao động sẽ gia tăng, doanh thu sản xuất kinh doanh ổn định, tạo điều kiện cho nhiều người thoát nghèo hiệu quả và bền vững. – Mở ra thị trường mới, đầy tiềm năng bằng cách kích cầu hàng hóa và dịch vụ là sản phẩm của công nghệ xanh. 2.3. Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh trên thế giới và Việt Nam ? 2.3.1. Trên thế giới Nhiều mô hình phát triển kinh tế xanh trên thế giới đã và đang được triển khai với quy mô ngày càng sâu và rộng, hiệu quả môi trường – xã hội và cải thiện chính sách không ngừng gia tăng. Hiện nay trên thế giới, mô hình phát triển kinh tế xanh đã thành công trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, quy hoạch đô thị,… – Lĩnh vực năng lượng Là một quốc gia đang phát triển, từng được xem là công xưởng của thế giới, Trung Quốc cần rất nhiều năng lượng cho sản xuất kinh tế. Nhiều chuyên gia từng ví rằng, Trung Quốc là cái túi không đáy hứng các nguồn năng lượng từ các nơi trên thế giới đổ về. Tốc độ tăng trưởng năng lượng thường đạt 2 con số / năm, do vậy việc tìm các nguồn năng lượng xanh thay thế là giải pháp sống còn của Trung Quốc trong thời gian gần đây. Cho đến nay, Trung Quốc đã tự chủ được nguồn năng lượng, bước đầu xuất khẩu năng lượng sang các nước láng giềng trong đó có Việt Nam. Tỉ trọng đóng góp từ các nguồn năng lượng xanh trong cơ cấu năng lượng quốc gia đã gia tăng. Xã hội hóa trong đầu tư cho nghiên cứu và triển khai các dự án năng lượng xanh, giá rẻ tại Trung Quốc là lựa chọn được Chính phủ và doanh nghiệp năng lượng áp dụng thành công. Ngoài Trung Quốc, Tunisia, Hàn Quốc cũng là những quốc gia thành công trong lĩnh vực năng lượng khi chọn xu hướng phát triển kinh tế xanh trong tìm kiếm và sử dụng các nguồn năng lượng thay thế cho nhu cầu năng lượng của nền kinh tế tăng trưởng nhanh như hiện nay. – Lĩnh vực nông nghiệp Israel, Pháp là những nước công nông nghiệp có trình độ phát triển rất cao. Họ đã lai tạo thành công các giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao và phẩm chất tốt. Công nghệ lai tạo gien đã đóng vai trò quan trọng tạo ra các giống tốt, kháng bệnh, kháng vi rút, chu kì canh tác ngắn, lợi nhuận cao,… Bên cạnh đó, cho đến nay họ đã hiện đại hóa và tự động hóa hầu hết các công đoạn trong quá trình sản xuất nông nghiệp, tạo nguồn gien quý hiếm thuần chủng với các ưu thế lai vượt trội bên cạnh việc tận dụng các ưu thế lai thích nghi của những giống bản địa. Tuy giá thành của nông sản khá cao, quy trình sản xuất phức tạp nhưng chất lượng nông sản đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp và người sản xuất gia tăng lợi nhuận, thu hồi vốn nhanh và có thể nhân rộng ra các khu vực khác. Sử dụng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra thói quen và định hướng tiêu dùng cho người tiêu dùng xanh. Trong tương lai, một khi nhiều khía cạnh của lĩnh vực nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao được ứng dụng vào sản xuất thực tiễn sẽ góp phần cải thiện chất lượng bữa ăn, hạ thấp nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm xanh tại các nước đang phát triển, giảm đáng kể tỉ lệ thiếu lương thực cho cộng đồng thế giới,… Sản lượng lương thực tại nhiều khu vực, quốc gia như Uganda, Ấn Độ,… tăng lên nhờ lựa chọn chiến lược phát triển nông nghiệp xanh. Nói cách khác, an ninh lương thực được tăng cường sẽ góp phần ổn định kinh tế, chính trị trên phạm vi toàn cầu. – Lĩnh vực lâm nghiệp Là quốc gia nằm ở khu vực phân bố lượng mưa khá cao, mức độ phục hồi các hệ sinh thái lớn, diện tích rừng nguyên sinh còn khá nhiều, Nepal đã lựa chọn phát triển kinh tế xanh trong lĩnh vực lâm nghiệp. Chiến lược này không chỉ có sự tham gia từ các cơ quan chức năng mà các tầng lớp dân chúng cũng hưởng ứng nhiệt tình, phù hợp với tâm thế của toàn dân. Phát triển rừng và nghề rừng ở Nepal mang ý nghĩa sống còn đối với đất nước. Địa hình tự nhiên phân bậc khá rõ ràng, lượng mưa hằng năm lớn, nếu không bảo vệ lớp phủ thực vật bề mặt, các hoạt động kinh tế và môi trường tự nhiên sẽ chịu tác động không nhỏ đến từ những thiên tai như lũ lụt, hạn hán, xói mòn, sạt lỡ,… gây biến dạng địa hình mà thiên nhiên phải mất hàng tỉ năm hình thành. Tương tự Nepal, Ecuador cũng là quốc gia được xem là thành công trong việc khai thác, khôi phục và sử dụng hệ thống rừng quốc gia trong phát triển kinh tế xanh. Họ phát triển lĩnh vực lâm nghiệp hiệu quả kết hợp với khai thác phù hợp (du lịch nghiên cứu, khám phá theo hướng phát triển du lịch sinh thái,…), ít tác động đến thiên nhiên nên giá trị mang lại từ lĩnh vực này tăng nhanh qua các năm. – Lĩnh vực đô thị Là những quốc gia đông dân, tốc độ tăng trưởng dân số nhanh, tốc độ đô thị hóa cao, bài toán quy hoạch hệ thống đô thị của Brazil và Ấn Độ đặt lên vai các nhà quản lí và toàn thể cộng đồng. Bên cạnh việc cải thiện hạ tầng các đô thị hiện có, đáp ứng nhu cầu nhà ở vốn dĩ rất khó khăn, các nước trên đã thành công trong việc xây dựng các đô thị xanh, đô thị sinh thái hiện đại, tạo các khu sinh sống xanh – sạch – đẹp. Nhiều đô thị mới hình thành đã đáp ứng đầy đủ tiện nghi của người dân tại Brazil, Ấn Độ, Mĩ, đồng thời là các đô thị được quy hoạch, thiết kế, thi công và vận hành với nguồn nguyên liệu xanh, thân thiện với môi trường, sử dụng nguồn năng lượng xanh, sạch và hiệu quả cao. Nhiều đô thị đã tận dụng các nguồn năng lượng tái tạo để tự vận hành các toà nhà chọc trời, ít tác động đến môi trường, sử dụng các phương tiện, thiết bị chiếu sáng kĩ thuật cao, ít tốn năng lượng nhưng cho hiệu suất cao. 2.3.2. Việt Nam Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển, gặp khá nhiều thuận lợi nhưng cũng đối diện với không ít khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cho đến nay, nước ta chỉ dừng lại ở các hoạt động phát triển theo chiều hướng kinh tế xanh ở quy mô nhỏ, đơn lẻ trên một số lĩnh vực (nông nghiệp, năng lượng, du lịch, sản xuất công nghiệp,…). Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã bắt đầu xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều nhưng đầu ra còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của một nước nông nghiệp có dân số đông. Thói quen tiêu dùng các sản phẩm xanh từ nền nông nghiệp xanh của người tiêu dùng thông minh chưa hình thành đến từng hộ gia đình vì bình quân thu nhập đầu người chưa cao, chưa phân định rạch ròi các dòng sản phẩm xanh và các sản phẩm truyền thống được sản xuất theo quy trình thông thường trong giá cả, quảng bá, sản xuất và cung ứng ra thị trường. Xu hướng phát triển du lịch sinh thái bền vững đặt ra trong thời gian gần đây được xem là thành công về hướng đi nhưng chưa được áp dụng rộng rãi nhiều nơi trong ngành công nghiệp không khói nhưng nhiều rác. Tâm thế và thói quen thưởng thức, tiêu dùng và sử dụng các dịch vụ, sản phẩm du lịch của du khách đã được cải thiện đáng kể. Nền kinh tế bước đầu chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tiêu hao năng lượng hoặc sử dụng năng lượng xanh (năng lượng gió, năng lượng mặt trời,…), một số sản phẩm làm ra ổn định chất lượng được xuất khẩu, cạnh tranh và xâm nhập vào những thị trường khó tính với tiêu chuẩn y tế nghiêm ngặt. Một số khu đô thị mới hình thành tại các thành phố lớn mang hơi hướng của đô thị xanh, đô thị sinh thái nhưng gặp khó khăn trong tiêu thụ là một trở ngại không nhỏ đối với các nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chúng ta cần kiên trì thay đổi tư duy và thói quen sử dụng không gian xanh sẽ góp phần hình thành các đô thị xanh – sạch – đẹp trong tương lai. Trong thời gian tới, Việt Nam cần xây dựng những địa bàn trọng điểm của nền kinh tế xanh ở nhiều vùng (cao nguyên Bắc Bộ, miền Trung, Tây Nguyên, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đảo Phú Quốc). Đây là các vùng có vai trò rất lớn trong việc bảo đảm an ninh nguồn nước, nơi ăn chốn ở, duy trì văn hóa bản địa, kiểm soát thiên tai, giá trị quốc phòng, góp phần giảm thiểu tác hại của hiệu ứng nhà kính,… 2.4. Giải pháp nào cho nền kinh tế xanh tại Việt Nam ? 2.4.1. Quan điểm nền tảng Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế theo hướng nhanh, hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần giảm nhẹ và phòng chống tác động của biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay. Việt Nam vừa ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế để tiến tới việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nghiên cứu và áp dụng công nghệ hiện đại, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo, và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế một cách bền vững. 2.4.2. Mục tiêu tổng quát và cụ thể Mục tiêu tổng quát của Chiến lược Tăng trưởng xanh là “Thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tận dụng lợi thế so sánh một cách chủ động và sáng tạo, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Mục tiêu cụ thể là : – Tái cấu trúc nền kinh tế và hoàn thiện thể chế theo hướng khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; – Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; – Nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng hạ tầng xanh, lối sống thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, sẽ nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế trong điều kiện mới, thực hiện việc rút ngắn khoảng cách phát triển với chất lượng tăng trưởng cao và bền vững. 2.4.3. Nhiệm vụ và giải pháp – Nhiệm vụ Để đạt được mục tiêu như trên, các hoạt động tăng trưởng xanh trong thời gian sắp tới sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ sau: i) Giảm cường độ phát thải nhà kính (tính trên đơn vị GDP) và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo; ii) Xanh hóa sản xuất: Tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng phát triển sâu, giảm sử dụng tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ; iii) Xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững: Xây dựng lối sống hòa hợp với môi trường vốn đã là truyền thống lâu đời của các dân tộc Việt Nam. Kết hợp nếp sống đẹp truyền thống với những phương tiện mới mà nền văn minh hiện đại mang lại sẽ tạo nên đời sống tiện nghi, chất lượng cao mang đậm bản sắc dân tộc cho xã hội Việt Nam hiện đại. – Giải pháp Chính phủ cần thiết kế và xây dựng những kế hoạch xanh cho từng tỉnh chứ không thể tiếp tục lặp lại những quy hoạch điều chỉnh chủ yếu tập trung vào những công trình hạ tầng kĩ thuật dàn trải mà không tính đến hiệu năng kinh tế, thậm chí là lãng phí nguồn lực, gây tụt hậu xa hơn về kinh tế. Đồng thời, Chính phủ cần tái cấu trúc các lĩnh vực năng lượng, nguồn nước, công nghiệp, hạ tầng kĩ thuật, xây dựng và đô thị, giao thông vận tải theo hướng xã hội hóa các công đoạn giản đơn, mang tính hiệu quả và cạnh tranh cao. Cần tăng cường năng lực cho bộ máy quản lí nhà nước các cấp về kĩ năng phân tích thách thức, xác định cơ hội, đặt ưu tiên cho các dự án, nguồn lực thực hiện chính sách và đánh giá hiệu quả các mặt của dự án xanh. Tiến đến đào tạo đội ngũ chuyên trách tiếp cận với kinh tế xanh, tăng trưởng xanh thông qua phương pháp đo lường và hoạch toán xanh (hoạch toán tài sản toàn diện),… Các địa phương cần thiết kế và xây dựng lại những mô hình phát triển phức hợp, có kết hợp bốn chức năng xanh (xanh hóa kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới qua một chương trình quốc gia về nhà cửa cho nông dân, đem lại các tiện nghi hiện đại về hạ tầng xã hội (điện, đường, trường, trạm ứng dụng công nghệ sinh học và môi trường), phát huy hệ thống tín dụng vi mô nhằm kích hoạt chuyển dịch sang tăng trưởng xanh ở các địa bàn nông thôn. Đẩy mạnh xanh hóa sản xuất thông qua ưu tiên được cụ thể hóa bằng các khung chính sách và kế hoạch hành động phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, phát triển công nghiệp sạch, kiến tạo công nghệ xanh. Ngân sách nhà nước phải ưu tiên đầu tư cho các dự án đem lại phúc lợi kinh tế, xã hội cao, khuyến khích đầu tư, mua sắm công nghệ của thị trường xanh. Cần xây dựng lộ trình định cư xanh thông qua các chính sách ưu tiên phát triển nhà cửa cho các giới có thu nhập thấp ở nông thôn và thành thị. Chương trình này sẽ tạo nguồn việc mới, giải quyết hàng tồn kho, phục hồi nền kinh tế, góp phần lành mạnh hóa thị trường bất động sản. Người dân vừa là lực lượng chính thực hiện chính sách kinh tế xanh dưới vai trò nguồn lao động xanh, vừa là người tiêu dùng thông minh, dẫn dắt và định hướng nền kinh tế xanh của đất nước. Do vậy, họ cần trang bị và tự trang bị để xanh hóa lối sống, nâng cao ý thức và trách nhiệm cộng đồng về môi sinh. III. KẾT LUẬN Có thể nói, phát triển nền kinh tế xanh là lựa chọn sống còn của nền kinh tế nước ta trong ngắn và dài hạn. Muốn vậy, chúng ta cần chú ý một cách thoả đáng tới cách “tiếp cận xanh”, cách tiếp cận dựa trên hệ sinh thái để đảm bảo và tăng cường khả năng chống chịu – thích ứng cho tất cả các hệ thống, bao gồm cả các hệ sinh thái tự nhiên – chống chịu – thích ứng sinh thái, và các hệ sinh thái – xã hội – chống chịu – thích ứng sinh thái – xã hội theo nguyên tắc hài hoà với tự nhiên. Vì suy cho cùng, phát triển bền vững thực chất là bền vững về mặt sinh thái; Tác động của biến đổi khí hậu, về thực chất, là tác động lên các thành phần của hệ sinh thái và lên toàn hệ sinh thái nói chung; và ứng phó với biến đổi khí hậu về nguyên tắc cũng là các giải pháp phục hồi, duy trì tính cân bằng của hệ sinh thái, làm tăng cường sức khoẻ và tính chống chịu – thích ứng của hệ sinh thái. TÓM TẮT Chậm trễ trong định vị là quốc gia có nền kinh tế xanh sẽ là sự thiệt thòi không nhỏ trong một thế giới chuyển biến từng ngày vì càng chậm trễ càng mất thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và hội nhập. Để làm được việc này, điều quan trọng nhất là cần nhanh chóng xây dựng phương pháp luận đúng, xây dựng được cơ sở khoa học và xác định được giải pháp tổng hợp bao gồm cả giải pháp công nghệ phù hợp cho từng đối tượng cụ thể trong từng điều kiện cụ thể với sự tham gia tích cực của Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và cộng đồng dân cư. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1]. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo cáo môi trường quốc gia 2010: Tổng quan môi trường Việt Nam, Hà Nội, 2010. [2]. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kỷ yếu Hội nghị phát triển bền vững toàn quốc lần thứ ba. Hà Nội, tháng 01 năm 2011. [3]. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam), Hà Nội, 8/2004. [4]. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu, Hà Nội, 12/2011 [5]. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội, 4/2012 [6]. Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội, 9.2012 [7]. Nguyễn Minh Hiếu, Đặng Văn Phan, Phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực ở Đồng bằng sông Cửu Long trong bối cảnh biến đổi khí hậu, Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần thứ 4, Việt Nam, 2012. [8]. Nam.Nguyễn Hương, Tiếp cận nền kinh tế xanh : cơ hội và thách thức, Báo kinh tế đối ngoại Việt Nam, số ra ngày 30/9/2012. [9]. IUCN, UNEP, WWF, Cứu lấy Trái đất: Chiến lược cho cuộc sống bền vững, NXB. Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội [10]. Ngân hàng Thế giới, Tăng trưởng xanh cho mọi người: Con đường hướng tới Phát triển bền vững, Ngân hành thế giới. Oa-sinh-ton D.C, 2012. [11]. Quyết định phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Số 158/2008/QĐ-TTg, ngày 02/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ. [12]. Trương Quang Học, Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học của Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ III. Hà Nội, 2010. [13]. WB, 2010. Development and Climate Change. World Development Report. The World Bank. PAGE 1