Academia.eduAcademia.edu
Tiềm năng xuất khẩu mặt hàng chè sang thị trường Pakistan Với dân số gần 200 triệu người, cùng văn hóa uống trà truyền thống lâu đời, Pakistan là một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn và đầy tiềm năng tại khu vực Nam Á. Pakistan – một trong những thị trường tiêu thụ chè lớn nhất thế giới Được phát hiện và sử dụng đầu tiên tại Trung Quốc, cho đến nay, chè (trà) đã trở thành một trong những loại thức uống phổ biến trên thế giới nhờ có mùi vị dễ chịu, giá cả phải chăng và những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe. Trung bình mỗi người dân trên thế giới tiêu thụ 0,75kg chè/năm. Với mức tiêu thụ chè bình quân đầu người là 1kg/năm, Pakistan là một trong những nước tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, sau Úc (2,7kg chè/người/năm), Iran (2,4kg chè/người/năm), Thổ Nhĩ Kỳ (2,15kg chè/người/năm) và Xri Lan-ca (1,45 kg chè/người/năm). Tuy nhiên, từ sau khi vùng đất phía đông tuyên bố độc lập (nay là nước Cộng hòa nhân dân Băng-la-đét), sản lượng chè sản xuất tại Pakistan bị sụt giảm đáng kể. Để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, Pakistan phải nhập khẩu chè từ bên ngoài, chủ yếu là từ Kenya. Hiện nay, Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn thứ 4 thế giới chỉ sau Nga, Anh và Ai Cập. Kim ngạch nhập khẩu chè trung bình của Pakistan vào khoảng 230.000 tấn đạt xấp xỉ 400 triệu USD mỗi năm. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chè đen đạt trên 330 triệu USD, chiếm khoảng 82,5% tổng kim ngạch nhập khẩu chè của nước này. Nhu cầu tiêu thụ chè tại Pakistan lớn và đang ngày càng tăng cao chủ yếu là do văn hóa uống trà đã tồn tại hàng ngàn năm nay tại đất nước này. Người dân Pakistan có thói quen uống một tách trà nóng vào buổi sáng và buổi tối, kể cả vào mùa hè – khi thời tiết rất oi bức. Ngoài ra, khách đến chơi nhà tại Pakistan cũng sẽ được chủ nhà mời uống trà. Trà cũng luôn được phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn, tại các bữa tiệc buffet… tại Pakistan. Người Pakistan thường pha trà trong ấm và có dùng dụng cụ lọc để lọc các lá trà vụn. Hiện nay, nhờ sự tiện lợi khi sử dụng và tiết kiệm thời gian pha, trà túi lọc ngày càng trở nên phổ biến ở quốc gia này. Pakistan – đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam Chè là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam với kim ngạch bình quân đạt khoảng 200 triệu USD/năm. Chè Việt Nam đã xuất khẩu sang 110 quốc gia và vùng lãnh thổ; thương hiệu chè Việt đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực. Về chủng loại, chủ yếu Việt Nam xuất khẩu chè đen (khoảng 78% tổng sản lượng xuất khẩu chè), ngoài ra còn có chè xanh và các sản phẩm từ chè. Trong những năm trở lại đây, Pakistan luôn giữ vị trí là đối tác nhập khẩu chè lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch bình quân về giá trị đạt trên 40 triệu USD/năm, chiếm trên 20% tổng sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam. Một số thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam Đơn vị: triệu USD Nước Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Pakistan 32,5 45,3 45,87 Đài Loan 26,18 29,59 30,9 Nga 22,16 21,61 19,25 Trung Quốc 14,81 19,3 18,91 In-đô-nê-xi-a 11,71 14,8 12,48 Nguồn: Tổng cục Hải Quan Việt Nam Kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan năm 2012 đạt 45,3 triệu USD, tăng 39,38% so với năm 2011 và tiếp tục tăng trưởng nhẹ 1,26%, đạt giá trị là 45,87 triệu USD vào năm 2013. Mặc dù việc xuất khẩu chè của Việt Nam sang Pakistan đạt kim ngạch khá lớn, song vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trên tổng số chè tiêu thụ tại Pakistan. Pakistan chủ yếu nhập khẩu chè từ Kenya (65% tổng kim ngạch nhập khẩu chè), ngoài ra nước này còn nhập khẩu số lượng lớn từ các nước như Bangladesh, Brazil, Ấn Độ, Uganda… Nguyên nhân chủ yếu là do sản phẩm chè của Việt Nam còn nghèo nàn về chủng loại (chủ yếu là chè đen, chè xanh và chè nguyên liệu); chất lượng, mẫu mà còn chưa hấp dẫn khiến giá chè thấp, làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường. Đẩy mạnh xuất khẩu chè Việt Nam sang Pakistan Với dân số gần 200 triệu người và mức tăng trưởng dân số bình quân là 1,5%/năm, cùng văn hóa uống trà thường xuyên của người dân, mặc dù đã đẩy mạnh việc trồng chè tại các vùng trên cả nước song Pakistan vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ chè nội địa. Tốc độ tăng trưởng về khối lượng chè tiêu thụ tại nước này ước tính khoảng 7%/năm. Người tiêu dùng trung lưu tại các thành phố lớn ưa chuộng sử dụng trà túi lọc như trà đen, trà xanh, trà thảo dược, trái cây trong khi người dân tại các vùng nông thôn lại yêu thích loại trà khô truyền thống và có mức tiêu thụ cao, chiếm phần lớn trên tổng mức tiêu thụ chè tại Pakistan. Thời gian qua đã có một số hoạt động xúc tiến nhằm thúc đẩy việc đưa mặt hàng chè Việt Nam thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường Pakistan. Năm 2012, Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức buổi “Giao thương trực tuyến doanh nghiệp xuất nhập khẩu chè Việt Nam – Pakistan” do Vụ Thị trường châu phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Hiệp hội chè Việt Nam, Hiệp hội chè Pakistan tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam và Pakistan khắc phục sự thiếu thông tin, có điều kiện tiếp xúc ban đầu hữu hiệu, khắc phục rủi ro về khách hàng, chi phí đi lại... Buổi giao thương đã mang lại một số kết quả bước đầu đáng ghi nhận, doanh nghiệp hai bên đã đạt được những thỏa thuận bước đầu, đánh giá cao hiệu quả của hình thức này và đề xuất cơ quan quản lý nhà nước hai bên tiếp tục tổ chức hoạt động tương tự trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các đoàn giao thương, xúc tiến thương mại, đưa các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các Hội chợ, Hội thảo nhằm hỗ trợ cho việc nghiên cứu và quảng bá thương hiệu chè Việt Nam đến thị trường Pakistan nói riêng và các thị trường nước ngoài nói chung. Lê Thu Quỳnh