Academia.eduAcademia.edu
ĐÀO TẠO NĂNG LỰC TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM: MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHO CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRONG BỐI CẢNH HIỆN NAY TS. Tôn Quang Cường Khoa Sư phạm, Trường ĐHGD cuongtq@vnu.edu.vn 1. Đặt vấn đề Hiện nay, các chương trình đào tạo giáo viên trong khu vực và trên thế giới đã chuyển mạnh theo xu hướng tập trung vào năng lực đầu ra của chính người giáo viên trong mối tương quan với nhu cầu xã hội hiện hành. Hệ thống năng lực của người giáo viên được định danh, mô tả khá tường minh, có sự gắn kết chặt chẽ với các vai trò cốt yếu của một nhà giáo dục trong thế kỉ 21. Trong đó, hệ thống các năng lực liên quan đến vai trò của nhà tư vấn hướng nghiệp, tư vấn tâm lí học đường cho học sinh phổ thông đã thu hút được sự quan tâm khá rộng rãi của các nhà thiết kế phát triển chương trình đào tạo. Mặt khác, việc thu hẹp khoảng cách giữa cơ sở đại học đào tạo giáo viên với trường phổ thông, giữa nhu cầu xã hội ngày càng cao về số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên, sự đa dạng trong mô hình, chương trình đào tạo và các cơ hội tiếp cận với chuẩn nghề nghiệp cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới trong lĩnh vực này. Do vậy, cơ sở đào tạo giáo viên cần phải lựa chọn một mô hình phù hợp, có khả năng cung cấp sản phẩm đầu ra đa dạng với các gói chương trình đào tạo khác nhau, trong đó việc thiết kế và triển khai chương trình đáp ứng các chuẩn đầu ra được coi là nhiệm vụ trọng tâm. 2. Một số thách thức cơ bản trong đào tạo năng lực hướng nghiệp cho giáo sinh đáp ứng đổi mới chương trình giáo dục trong giai đoạn hiện nay Không chỉ riêng ở Việt Nam mà ngay cả ở các nước có nền giáo dục phát triển, việc đào tạo giáo viên để đáp ứng ngay nhu cầu xã hội cũng phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Có thể liệt kê một số xu hướng hiện nay như sau: - Khả năng được xã hội chấp nhận của các loại văn bằng trong đào tạo giáo viên là ngang nhau trong bối cảnh “phân tầng” năng lực gắn với các vị trí, chức danh giáo viên tương ứng (A. Schleicher, OECD, 2012); - Xuất hiện sự thay đổi về tỉ lệ thời gian đào tạo lí thuyết trong khuôn viên trường đại học đa ngành đa lĩnh vực với thời gian thực tập, thực hành nghề trong bối cảnh trường phổ thông với tư cách là một chủ thể thực sự trong quá trình đào tạo giáo viên: ngày càng thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian trong quá trình đào tạo giáo viên; cơ hội và khả năng kết nối quá trình đào tạo với thực hành nghề (on-job-practicum) được gia tăng; - Xuất hiện thách thức rút ngắn khoảng cách giữa năng lực đầu ra của sinh viên tốt nghiệp trường sư phạm với khả năng đáp ứng chuẩn nghề nghiệp của giáo viên (làm được việc ngay, rút ngắn thời gian trải nghiệm và phát triển nghề, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu thực tiễn dạy học và giáo dục, thực hiện được vai trò tư vấn trong lĩnh vực giáo dục v.v.). Về mặt lí thuyết, những thách thức trên có thể được giải quyết trên cơ sở tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội của mỗi cơ sở đào tạo giáo viên, với một chương trình đào tạo hiệu quả, đội ngũ nhân lực chất lượng, cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng phù hợp. Từ thực tiễn đào tạo giáo viên trong những năm qua, theo chúng tôi, về cơ bản đã có sự chuyển biến tích cực trong thiết kế và triển khai chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng với những yêu cầu mới ở những bình diện sau: i). Bám sát chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp; ii). Tính mở và tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp bền vững; iii). Tính mềm dẻo, linh hoạt và đổi mới, cập nhật; iv). Tạo cơ hội kết nối với các đối tác và các bên liên quan tham gia trong quá trình đào tạo giáo viên; v). Định hướng đảm bảo chất lượng; vi). Định hướng thực hiện các vai trò của nhà giáo dục (Xem sơ đồ 1). Tuy nhiên, qua khảo sát một số chương trình đào tạo giáo viên, có thể thấy nhóm năng lực tổ chức các hoạt động tư vấn cho học sinh (tâm lí học đường, sức khỏe tinh thần, hướng nghiệp v.v.) vẫn chưa nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức trong các cơ sở đào tạo giáo viên. Điều này thể hiện khá rõ nét trên cả 2 phương diện: cấu trúc chương trình đào tạo (thiết kế các học phần liên quan đến đào tạo năng lực tư vấn hướng nghiệp) và phương thức triển khai (quá trình tổ chức các hoạt động cho sinh viên sư phạm). Sơ đồ 1. Mối quan hệ giữa Chương trình đào tạo, Chuẩn đầu ra và Chuẩn nghề nghiệp Nghị quyết 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu rõ định hướng “đẩy mạnh phân luồng sau trung học cơ sở; định hướng nghề nghiệp ở trung học phổ thông”, “bảo đảm cho học sinh có trình độ trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”. Điều này đã và đang đặt ra một số thách thức trong công tác đào tạo giáo viên hiện nay: việc triển khai giáo dục hướng nghiệp, hình thành các hệ thống các năng lực và kĩ năng hướng nghiệp cho học sinh sắp tới đây sẽ không phải chỉ do chính giáo viên “hướng nghiệp” phụ trách (chuyên trách), mà cần có sự vào cuộc của tất cả các giáo viên và các lực lượng trong và ngoài nhà trường (giáo viên bộ môn, chủ nhiệm, gia đình, nhà tuyển dụng, cán bộ địa phương v.v.). Đồng thời, mỗi cơ sở đào tạo giáo viên cũng cần phải xem xét và điều chỉnh chính chương trình đào tạo của mình theo hướng bổ sung học phần về tư vấn hướng nghiệp, tích hợp nội dung rèn luyện năng lực tư vấn hướng nghiệp vào các học phần nghiệp vụ sư phạm, khoa học giáo dục, và tăng cường các hoạt động thực hành cho sinh viên sư phạm theo hướng này. 3. Thực tiễn triển khai đào tạo năng lực tư vấn hướng nghiệp trong chương trình đào tạo giáo viên tại Trường Đại học Giáo dục 3.1. Mô hình đào tạo Theo mô hình đào tạo giáo viên a+b (từ 135-140 tín chỉ), trong giai đoạn a (tương đương 100-103 tín chỉ) sinh viên sư phạm được đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản theo các lớp môn học cùng với sinh viên các ngành khoa học cơ bản tương ứng tại Trường ĐHKHTN và Trường ĐHKHXH-NV. Kế tiếp sau đó là giai đoạn b (tương đương 36-37 tín chỉ) gồm các khối kiến thức đặc thù của khoa học giáo dục và nghiệp vụ sư phạm, quá trình thực hành, kiến tập và thực tập sư phạm tại Trường ĐHGD và các trường THPT đối tác. Điểm đặc thù trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo giáo viên tại Trường ĐHGD còn thể hiện ở các Module học phần (kí hiệu từ M1 đến M6) được gắn kết chặt chẽ, vừa đảm bảo tính liên thông, liên kết giữa các khối ngành đào tạo, vừa tạo nên tính hiệu quả trong công tác phối hợp quản lí chương trình đào tạo giữa các đơn vị thành viên. Trong đó: Tỉ lệ (khoảng) M1: Khối kiến thức chung trong ĐHQGHN 19% M2: Khối kiến thức chung theo lĩnh vực 4% M3: Khối kiến thức chung của khối ngành 16% M4: Khối kiến thức chung của nhóm ngành 34% M5: Khối kiến thức ngành và bổ trợ 19% M6: Khối kiến thức thực tập và tốt nghiệp 8% Bảng 1. Tỉ lệ giữa các Module học phần 3.2. Chương trình đào tạo Theo Khung chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học (8 tiêu chuẩn, 38 tiêu chí) của Bộ GD-ĐT, chương trình đào tạo khối ngành sư phạm của Trường ĐHGD đã thể hiện được tinh thần gắn kết sản phẩm đầu ra với mô hình hoạt động nghề của người giáo viên. Trong đó, từng khối kiến thức trong các Module học phần từ M1 đến M6 đều mô tả cụ thể những gì sinh viên sư phạm tốt nghiệp phải thực hiện được. Mặt khác, chương trình đào tạo này còn nêu lên những yêu cầu về hệ thống kĩ năng cứng (8 kĩ năng), kĩ năng mềm (6 kĩ năng), phẩm chất đạo đức đặc thù mang tính nghề nghiệp (3 phẩm chất) và những vị trí công tác người học có thể đảm nhận sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, trong hệ thống chuẩn này chưa đề cập đến năng lực tư vấn của giáo viên. Module học phần Các tiêu chuẩn (Theo CV hướng dẫn số 3356) Tỉ lệ % TC1 TC2 TC3 TC4 TC5 TC6 TC7 TC8 M1 19% M2 4% M3 16% M4 34% M5 19% M6 8% Bảng 2. Đối chiếu các Module học phần với yêu cầu Chuẩn nghề nghiệp GV Trung học của Bộ GD-ĐT Trên cơ sở cập nhật, điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn đầu ra, yêu cầu đổi mới giáo dục sau năm 2015, các chương trình đào tạo của Trường ĐHGD ban hành năm 2015 (theo 6 ngành sư phạm) đều được bổ sung một số năng lực đầu ra, trong đó có đề cập đến năng lực/kĩ năng tư vấn như là một yêu cầu mới về năng lực đối với giáo viên hiện nay: “Đề xuất được các biện pháp và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của nhà trường; Xác định và làm tốt vai trò của mình trong việc tư vấn học đường, giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống cho học sinh”. Để thực hiện được mục tiêu đào tạo năng lực tư vấn hướng nghiệp đáp ứng chuẩn đầu ra này, chương trình được thiết kế mềm dẻo với các học phần: 1). Tư vấn hướng nghiệp (thuộc M6, 3 tín chỉ); 2). Thực hành Sư phạm và phát triển kĩ năng cá nhân, xã hội (thuộc M3, 3 tín chỉ); 3). Tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường (thuộc M3, 3 tín chỉ). Trong bối cảnh đào tạo theo định hướng phát triển năng lực, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường ĐHGD là đổi mới phương thức tổ chức qui trình triển khai Module học phần M6 (môn học thay thế thi tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp và thực tập sư phạm). Theo định hướng trên, trong thời gian tới nhà trường định hướng tổ chức cho 100% sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp, tạo điều kiện lồng ghép, tích hợp phần kiến tập, thực tập sư phạm (như một môn học) vào chương trình đào tạo một cách khoa học, linh hoạt và mềm dẻo (sinh viên đủ điều kiện theo qui định được thực hiện kiến tập, thực tập sư phạm một cách chủ động theo kế hoạch học tập cá nhân, có thể được lựa chọn, đăng kí thời gian, địa điểm v.v.). Chủ trương nói trên sẽ tạo những điều kiện tiền đề thuận lợi cho việc tăng cơ hội gắn kết với thực tiễn giáo dục, hoạt động tư vấn hướng nghiệp ở phổ thông: quá trình tổ chức học phần “Tư vấn hướng nghiệp” có thể diễn ra đồng thời với hoạt động kiến tập, thực tập sư phạm của sinh viên vào năm cuối. Từ năm học 2012-2013 nhà trường đã tổ chức cho sinh viên đăng kí lớp môn học theo định hướng tăng thời lượng thực hành và cơ hội rèn nghề. Tỉ trọng giữa nội dung lí thuyết và thực hành trong mỗi học phần đã có điều chỉnh; các phương pháp dạy học theo hướng tích cực hóa người học, hướng đến việc rèn kĩ năng, hình thành năng lực được áp dụng khá hiệu quả; tách lớp trong một số môn học; tổ chức lớp môn học theo đào tạo tín chỉ; cập nhật, tích hợp và bổ sung môn học mới trong chương trình; tổ chức nội dung dạy học thí nghiệm tại phòng học thí nghiệm thực hành… 4. Kết luận và khuyến nghị Một cách khái quát, có thể nhận định rằng, mô hình đào tạo giáo viên a+b theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất, tầm nhìn và kĩ năng cho người học đã thể hiện được những ưu việt trên cơ sở đáp ứng yêu cầu xã hội và vị trí việc làm sau tốt nghiệp. Chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tại Trường ĐHGD bước đầu đã đáp ứng được các yêu cầu năng lực đầu ra, tạo những tiền đề cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiệm cận được với chuẩn nghề nghiệp giáo viên THPT (thể hiện được quan điểm định hướng, bám sát chuẩn đầu ra và chuẩn nghề nghiệp; định hướng mở và tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp bền vững; định hướng mềm dẻo, linh hoạt và đổi mới, cập nhật; định hướng kết nối với các đối tác và các bên liên quan tham gia trong quá trình đào tạo giáo viên; và định hướng đảm bảo chất lượng). Mô hình và kết cấu chương trình đào tạo giáo viên cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện theo định hướng chuẩn đầu ra và đón đầu những yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay (năng lực đầu ra của người tốt nghiệp) trên cơ sở ma trận đối ứng cho từng Module học phần, từng học phần cụ thể, tăng tính thực hành, rèn nghề gắn với thực tiễn, tích hợp giáo dục kĩ năng mềm, phát triển tầm nhìn và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp cho người học. Đối với hệ thống năng lực tư vấn hướng nghiệp trong đào tạo cử nhân sư phạm, mỗi nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Rà soát, bổ sung các học phần có liên quan trực tiếp hoặc bổ trợ cho quá trình đào tạo năng lực tư vấn hướng nghiệp; tích hợp các nội dung liên quan đến kĩ năng tư vấn, thông tin nghề nghiệp trong xã hội v.v. vào các học phần thuộc khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm; Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức thực tập sư phạm, song song với các kĩ năng dạy học, cần chú trọng hình thành hệ thống kĩ năng giáo dục tổng thể: bổ sung nội dung tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp trong chương trình thực tập sư phạm ở trường phổ thông; Bố trí học phần “Tư vấn hướng nghiệp” gần với thời điểm diễn ra kì thi tuyển sinh đại học hàng năm, giao nhiệm vụ cho sinh viên thực hiện các hoạt động tư vấn tuyển sinh của trường sư phạm tại các trường phổ thông như một nhiệm vụ thực hành của học phần này; Lồng ghép các kĩ năng tư vấn hướng nghiệp vào nội dung thi nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên sư phạm toàn quốc, hội thi hàng năm của nhà trường, các hoạt động phong trào của sinh viên v.v. PHỤ LỤC CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO CỬ NHÂN SƯ PHẠM HỌC PHẦN: Tư vấn hướng nghiệp (3 tín chỉ) Mã số: PSE4099 Tóm tắt nội dung: Tư vấn hướng nghiệp là một nội dung quan trọng trong công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường phổ thông, đồng thời cũng là giai đoạn khởi đầu cho một quá trình tư vấn hướng nghiệp liên tục ở các giai đoạn sau. Chính vì vậy, trên cơ sở những kiến thức cơ bản về hướng nghiệp (Mục đích, nội dung, các giai đoạn hướng nghiệp, học phần cung cấp cho giáo sinh những kiến thức cơ bản tư vấn hướng nghiệp, các loại hình tư vấn, yêu cầu, đạo đức của người tư vấn hướng nghiệp. Trên cơ sở đó, người học được nghiên cứu sâu và thực hành quy trình tư vấn hướng nghiệp, các kỹ năng tư vấn, tham vấn cơ bản cho học sinh, vận dụng trong các ca tư vấn hướng nghiệp. Người học cũng được cung cấp và thực hành một số công cụ cơ bản sử dụng trong chẩn đoán năng lực, thiên hướng, hứng thú nghề nghiệp của học sinh. Thông qua kiến thức và kỹ năng đạt được, giáo sinh có thể thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ở trường trung học, hướng tới việc phân luồng HS sau THCS và THPT. 7