Academia.eduAcademia.edu
HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM VŨ QUANG HUY ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA TẠI THÀNH PHỐ PHỦ LÝ, TỈNH HÀ NAM LUẬN VĂN THẠC SĨ HÀ NỘI – 2015 HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM ------- ------- VŨ QUANG HUY ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC DỒN ĐIỀN ĐỔI THỬA TẠI THÀNH PHỐ PHỦ LÝ, TỈNH HÀ NAM CHUYÊN NGÀNH: QUẢN LÝ ĐẤT ĐAI Mà SỐ : 60.85.01.03 NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC: PGS.TS. NGUYỄN ÍCH TÂN HÀ NỘI – 2015 LỜI CAM ĐOAN Tôi xin cam đoan số liệu và kết quả nghiên cứu trong luận văn là trung thực và chưa từng được sử dụng để bảo vệ một học vị nào Tôi xin cam đoan các thông tin trích dẫn trong luận văn đều đã được chỉ rõ nguồn gốc. Tác giả luận văn Vũ Quang Huy Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page i LỜI CẢM ƠN Trong suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài, tôi đã nhận được sự giúp đỡ, những ý kiến đóng góp, chỉ đạo quý báu của các thầy giáo, cô giáo Khoa Quản Lý Đất Đai - Học Viện nông Nghiệp Việt Nam. Để có được kết quả nghiên cứu này, ngoài sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, tôi còn nhận được sự hướng dẫn chu đáo, tận tình của PGS.TS. Nguyễn Ích Tân là người đã hướng dẫn cho tôi thực hiện những định hướng của đề tài và hoàn thiện luận văn này. Trong thời gian thực hiện đề tài tôi đã nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của UBND Thành Phố Phủ Lý, phòng Tài Nguyên & Môi trường Thành Phố Phủ Lý, UBND xã Kim Bình, UBND xã Liêm Tuyền, UBND xã Tiên Tân, UBND xã Tiên Hiệp, Phòng Thống Kê thành Phố Phủ Lý, Phòng Nông Nghiệp Và Phát triển nông thôn Thành Phố Phủ Lý, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, các phòng ban và nhân dân các xã phường của thành Phố Phủ Lý, các đồng nghiệp, gia đình và người thân đã động viên, tạo mọi điều kiện về vật chất, tinh thần để tôi hoàn thiện Luận Văn. Với tấm lòng biết ơn tôi xin trân thành cảm ơn mọi sự giúp đỡ quý báu đó. Tác giả luận văn Vũ Quang Huy Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page ii MỤC LỤC Lời cam đoan i Lời cảm ơn ii Mục lục iii Danh mục chữ viết tắt vi Danh mục bảng vii Danh mục hình ix MỞ ĐẦU 1 1 Tính cấp thiết của đề tài 1 2 Mục đích của đề tài 3 3 Yêu cầu của đề tài 3 Chương 1 TỔNG QUAN TÀI LIỆU 1.1 4 Chính sách quản lý và sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam qua các thời kỳ 4 1.1.1 Giai đoạn 1945-1981 4 1.1.2 Giai đoạn 1981-1988 5 1.1.3 Sự phát triển của quản lý ruộng đất sau đổi mới. 6 1.2 Tổng quan về dồn điền đổi thửa 7 1.2.1 Vấn đề manh mún đất đai 7 1.2.2 Tình hình nghiên cứu dồn điền đổi thửa ở nước ngoài 8 1.2.3 Tình hình nghiên cứu dồn điền đổi thửa ở Việt Nam 11 1.2.4 Dồn điền đổi thửa có ảnh hưởng to lớn đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai và là yếu tố thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững 1.3 Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa 20 22 1.3.1 Hiệu quả kinh tế 24 1.3.2 Hiệu quả xã hội 26 1.3.3 Hiệu quả môi trường 26 1.4 Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp 26 Page iii 1.4.1 Nhóm các yếu tố về điều kiện tự nhiên 27 1.4.2 Nhóm các yếu tố Kinh tế - Xã hội 28 1.4.3 Yếu tố về tổ chức cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tổ chức 30 1.5 Những nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa tại Việt Nam 32 Chương 2 NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 35 2.1 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 35 2.2 Nội dung nghiên cứu 35 2.2.1 Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội 35 2.2.2 Tình hình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa của thành phố Phủ Lý 35 2.2.3 Ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa 35 2.2.4 Hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa 36 2.2.5 Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa. 36 2.3 Phương pháp nghiên cứu 36 2.3.1 Phương pháp chọn điểm nghiên cứu 36 2.3.2 Phương pháp thu thập thông tin 37 2.3.3.Phương pháp điều tra nông hộ: 37 2.3.4 Phương pháp xử lý số liệu, dữ liệu 37 2.3.5 Phương pháp xác định hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp 37 Chương 3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1 40 Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội 40 3.1.1 Điều kiện tự nhiên 40 3.1.2 Điều kiện kinh tế - xã hội 46 3.1.3 Đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý và sử dụng đất đai của thành phố Phủ Lý 3.2 53 Đánh giá tình hình thực hiện công tác DĐĐT ở thành phố Phủ Lý 59 3.2.1 Cơ sở pháp lý của việc dồn điền đổi thửa. 59 3.2.2 Tổ chức thực hiện công tác dồn điền đổi thửa 62 3.2.3 Đánh giá kết quả thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page iv nghiệp tại thành phố Phủ Lý 3.3 65 Đánh giá ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa 79 3.3.1 Ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa tới công tác quản lý Nhà nước về đất đai 79 3.3.2 Công tác dồn điền đổi thửa đã giúp cho việc quản lý quỹ đất công ích đúng luật và có hiệu quả hơn 79 3.3.3 Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp 82 3.3.4 Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện để đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi 3.4 tăng thu nhập cho nông dân 84 Đánh giá hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa 86 3.4.1 Hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa 86 3.4.2 Hiệu quả về xã hội 95 3.4.3 Hiệu quả về môi trường 96 3.4.4 Những tồn tại trong công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn Thành phố Phủ Lý 3.5 101 Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dồn điển đổi thửa trên địa bàn Thành phố Phủ Lý 102 3.5.1 Nhóm giải pháp về tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai 103 3.5.2 Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa 104 3.5.3 Nhóm giải pháp về tuyên truyền phổ biến ý nghĩa thực tiễn của công tác đồn điền đổi thửa đất nông nghiệp đến người nông dân 104 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ 105 Kết luận 105 Kiến nghị 106 TÀI LIỆU THAM KHẢO 108 PHỤ LỤC 110 Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page v DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT Ký hiệu Chú giải CĐ Chuyển đổi CHN Cây hàng năm CLN Cây lâu năm DĐĐT Dồn điền đổi thửa DT Diện tích ĐBSH Đồng bằng sông Hồng GO Giá trị sản xuất HTX Hợp tác xã IC Chi phí trung gian LĐ Lao động LM Lúa xuân MI Thu nhập hỗn hợp NN Nông nghiệp NTTS Nuôi trồng thuỷ sản SL Sản lượng TBKT Tiến bộ kỹ thuật TCTK Tổng cục thống kê UBND Uỷ ban nhân dân VA Giá trị gia tăng XHCN Xã hội chủ nghĩa Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page vi DANH MỤC BẢNG Số bảng Tên bảng Trang 1.1 Diện tích và số thửa ruộng của mỗi hộ nông dân Trung Quốc 10 1.2 Mức độ manh mún ruộng đất ở các vùng trong cả nước 13 1.3 Số hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp phân theo quy mô sử dụng của một số tỉnh thuộc vùng ĐBSH 14 1.4 Mức độ manh mún ruộng đất ở một số tỉnh vùng ĐBSH 15 1.5 Đặc điểm manh mún ruộng đất của các kiểu hộ 16 1.6 Tình hình chuyển đổi ruộng đất ở một số địa phương 20 3.1 Chất lượng nước sông, hồ trong những năm gần đây 44 3.2 Kết quả thâm canh một số cây trồng chính của thành phố Phủ Lý 48 3.3 Phát triển chăn nuôi của thành phố Phủ Lý 48 3.4 Dân số trung bình thành phố Phủ Lý giai đoạn 2010 - 2014 50 3.5 Hiện trạng sử dụng đất và biến động đất đai thành phố Phủ Lý năm 2010 - 2014 3.6 57 Thực trạng ruộng đất nông nghiệp thành phố Phủ Lý trước và sau dồn điền đổi thửa 3.7 67 Thực trạng ruộng đất tại các xã nghiên cứu trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa 67 3.8 Kết quả thực hiện dồn điền đổi thửa ở Thành phố Phủ Lý 68 3.9 Thực trạng đất đai tại các xã nghiên cứu 70 3.10 Thực trạng ruộng đất tại các xã nghiên cứu trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa 71 3.11 So sánh, phân tích kết quả trước và sau dồn điền đổi tại các xã nghiên cứu 73 3.12 Một số kết quả chính sau dồn điền đổi thửa ở các xã nghiên cứu 75 3.13 Quan điểm của hộ nông dân đối với công tác dồn điền đổi thửa 77 3.14 Diện tích đất công ích trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp 80 Page vii 3.15 Giá thầu đất công ích trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện 3.16 81 Diện tích đất giao thông, thuỷ lợi nội đồng trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện 3.17 83 Sự thay đổi của cơ cấu thu nhập của hộ nông dân trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện 3.18 84 Tổng hợp tình hình thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện 3.19 86 Hiệu quả kinh tế sử dụng đất một số cây trồng chính của 4 xã nghiên cứu (Theo giá hiện hành) 3.20 87 Mức độ đầu tư, chi phí của các hộ trên 1 ha lúa trước và sau dồn điền đổi thửa 3.21 88 Hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp trên một héc ta đất nông nghiệp tại 4 xã điều tra 3.22 91 Mức thu nhập bình quân của các nhóm hộ trước và sau dồn điền đổi thửa ở các xã nghiên cứu đại diện 3.23 94 So sánh lượng phân bón sử dụng sau dồn đổi với lượng phân bón theo quy chuẩn 97 Mức độ sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật 100 Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page viii 3.24 DANH MỤC HÌNH Số hình Tên hình Trang 2.1 Ruộng đất xã Tiên Hiệp 37 3.1 Ruộng đất xã Kim Bình-thành phố Phủ Lý sau khi đã DĐĐT 66 3.2 Giao thông, thủy lợi nội đồng xã Tiên Tân sau DĐĐT 84 3.3 So sánh thu nhập giữa các nhóm hộ trước và sau DĐĐT ở các xã nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp 94 Page ix MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Đất đai là nguồn tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, trong sản xuất nông nghiệp, ruộng đất là tư liệu sản xuất đặc biệt không gì thay thế được, đất nông nghiệp là nguồn lực quyết định để người nông dân tồn tại và phát triển trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Đất đai là nguồn tài nguyên có giới hạn, có vị trí cố định trong không gian, không thể di chuyển được theo ý muốn chủ quan của con người. Đất đai có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Trong công cuộc cải cách kinh tế nông nghiệp nông thôn những năm trước đây, Đảng và Nhà nước ta đã có hàng loạt những chính sách mới về đất đai nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, giải quyết vấn đề lương thực của cả nước, trong đó điển hình là Luật đất đai năm 1993. Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ “Ban hành bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp”. Theo đó ruộng đất được chia đến tận tay người nông dân. Những chính sách mới về quyền sử dụng đất đai đã làm thay đổi hoàn toàn quan hệ sản xuất ở nông thôn, người nông dân đã thực sự trở thành người chủ mảnh đất của riêng mình. Đó là động lực cho sự phát triển vượt bậc của nền nông nghiệp nước ta sau giải phòng miền Nam. Điều đó đã đưa Việt Nam từ một nước hàng năm phải nhập khẩu một lượng lớn lương thực, vươn lên thành một nước xuất khẩu lớn trên thế giới về một số mặt hàng nông sản như: gạo, cà phê, chè, hạt tiêu, thuỷ sản… Vai trò to lớn của sự phân chia ruộng đất cho hộ nông dân như nói trên là không thể phủ nhận. Song với bối cảnh ngày nay, đất nước đang trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong môi trường hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp không những có nhiệm vụ quan trọng là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn phải đảm bảo tối đa nguyên liệu cho ngành công nghiệp, tăng khối lượng nông sản xuất khẩu. Như vậy đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng thật hiệu quả. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 1 Nhưng trên thực tế, khi chia ruộng đất cho nông dân theo tinh thần của Nghị định 64/CP của Chính Phủ, chúng ta đã thực hiện phương châm công bằng xã hội: ruộng tốt cũng như ruộng xấu, ruộng xa cũng như ruộng gần đều được chia đều tính trên một nhân khẩu cho các gia đình, dẫn đến tình trạng ruộng đất bị phân tán nên không đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền nông nghịêp trong hoàn cảnh mới. Điều đó đã cho thấy một số hạn chế, điển hình là tình trạng manh mún ruộng đất. Sự manh mún ruộng đất đã dẫn đến tình trạng chung là hiệu quả của sản xuất thấp, hạn chế khả năng đổi mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài ra, tình trạng manh mún ruộng đất còn gây nên những khó khăn trong quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất. Để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất như nói trên, thì việc dồn đổi ruộng đất từ nhiều ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn; liền khu, liền khoảnh là việc làm hết sức cần thiết, đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp hàng hoá, áp dụng cơ giới hoá và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng; đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện cho các hộ nông dân trong việc yên tâm sử dụng và khai thác đất nông nghiệp lâu dài và hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Nắm bắt được tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra chủ chương “Dồn đổi ruộng đất” để việc sử dụng đất có hiệu quả hơn. Thời gian qua một số tỉnh đã thực hiện khá tốt công tác dồn điền đổi thửa như tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), Hoà Bình, Bắc Ninh… Tuy nhiên cũng có những địa phương chưa thành công, mức độ thành công ở mỗi địa phương là khác nhau. Vậy nên cần phải có những nghiên cứu nhằm đánh giá và tổng kết lại các kinh nghiệm, những vấn đề tồn tại của các địa phương đã thực hiện việc dồn đổi ruộng đất để đưa ra những kiến nghị hữu ích cho các địa phương khác thực hiện việc dồn đổi ruộng đất được hiệu quả hơn. Trên tinh thần đó tỉnh Hà Nam đã triển khai làm điểm công tác đồn điền đổi thửa ở một số các huyện lỵ và thành phố trực thuộc; bước đầu cũng đã thu được nhiều kết quả khả quan, xong trong quá trình thực hiện vẫn còn nẩy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, gây tốn kém sức người sức Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 2 của, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác sản xuất nông nghiệp của người nông dân.... Xuất phát từ những lý do nêu trên và nhận thấy tầm quan trọng của việc dồn điền đổi thửa trong việc sử dụng đất nông nghiệp tôi tiến hành thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam”. 2. Mục đích của đề tài - Đánh giá thực trạng, tác động, ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa đến phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Phủ Lý - Đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, môi trường trước và sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Phủ Lý và rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các địa phương có điều kiện tương tự. - Đề xuất được một số giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Phủ Lý. 3. Yêu cầu của đề tài - Nắm được điều kiện tự nhiên- kinh tế xã hội có liên quan đến sử dụng đất nông nghiệp của thành phố Phủ Lý. - Phản ánh đúng thực trạng công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, làm cơ sở cho việc đề xuất sử dụng đất sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa trong những năm tiếp theo. - Đánh giá những ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa. - Phân tích hiệu quả đạt được sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. - Đề xuất các giải pháp hợp lý và có tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 3 Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU 1.1. Chính sách quản lý và sử dụng đất nông nghiệp của Việt Nam qua các thời kỳ 1.1.1. Giai đoạn 1945-1981 Lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc và lịch sử phát triển kinh tế của Việt Nam có mối quan hệ chặt chẽ với các vấn đề về sử dụng đất đai. Những mâu thuẫn trong chính sách đất đai (vấn đề tiếp cận đất đai, sở hữu và sử dụng đất đai) đã diễn ra trong suốt thời kỳ thuộc địa của thực dân Pháp; trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và các chính sách của Chính phủ từ sau ngày thống nhất đất nước năm 1975. Trước năm 1945, đất nông nghiệp được phân chia thành 2 loại chính: đất sở hữu cộng đồng và đất tư hữu. Khu vực nông thôn được phân chia làm 2 tầng lớp dựa trên tính chất sở hữu của đất đai: địa chủ và tá điền. Tầng lớp địa chủ chiếm khoảng 2% tổng dân số nhưng chiếm hữu trên 50% tổng diện tích đất, trong khi đó 59% hộ nông dân là tá điền không có đất và đi làm thuê cho tầng lớp địa chủ. Sau năm 1945, Chính phủ đã thực hiện phân chia lại ruộng đất và giảm bớt thuế cho nông dân nghèo và tá điền. Sau khi kết thúc chiến tranh với thực dân Pháp (năm 1954), miền Bắc thực hiện chương trình cải cách ruộng đất cơ bản. Mục đích là để công hữu hoá ruộng đất của địa chủ người Việt và người Pháp, tiến hành phân chia lại cho hộ nông dân ít đất hoặc không có đất với khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Giai đoạn tiếp theo của chính sách cải cách ruộng đất đó là miền Bắc bước sang giai đoạn sở hữu tập thể đất nông nghiệp dưới hình thức hợp tác xã từng khâu (bậc thấp) và hợp tác xã toàn phần (bậc cao). Đến năm 1960, khoảng 86% hộ nông dân và 68% tổng diện tích đất nông nghiệp đã vào hợp tác xã bậc thấp. Trong hợp tác xã này người nông dân vẫn sở hữu đất đai và tư liệu sản xuất. Ở hình thức hợp tác xã bậc cao, nông dân góp chung đất đai và các tư liệu sản xuất khác (trâu, bò, gia súc và các công cụ khác) vào hợp tác xã dưới sự quản lý chung. Sau năm 1975, nền kinh tế Việt Nam nói chung và nông nghiệp nói riêng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh để lại và những hậu quả từ những chính sách trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hoá tập trung và thời kỳ kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong thời kỳ sở hữu tập thể trong nông nghiệp, sản xuất giảm do Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 4 người nông dân thiếu động cơ làm việc, sản lượng nông nghiệp tăng hàng năm ở mức rất thấp 2%. Cùng thời điểm này dân số tăng rất nhanh (2,2-2,35%/ năm) đã dẫn đến việc phải nhập khẩu bình quân hơn một triệu tấn lương thực mỗi năm trong suốt thời kỳ sau chiến tranh. Điều đó đã dẫn đến một bộ phận lớn dân số sống trong tình trạng nghèo và đói (Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, 2003). 1.1.2. Giai đoạn 1981-1988 Sự thay đổi cơ chế quản lý và sử dụng đất trong lĩnh vực nông nghiệp bắt đầu bằng Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng hay còn gọi là Khoán 100. Dưới chính sách Khoán 100, các HTX giao đất nông nghiệp đến nhóm và người lao động. Những người này có trách nhiệm trong ba khâu của quá trình sản xuất. Sản xuất vẫn dưới sự quản lý của HTX, cuối vụ hộ nông dân được trả thu nhập bằng thóc dựa trên sản lượng sản xuất ra và ngày công đóng góp trong 3 khâu của quá trình sản xuất. Đất đai vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước và dưới sự quản lý của HTX. Mặc dù còn đơn giản nhưng Khoán 100 đã trở thành bước đột phá trong quá trình hướng tới nền kinh tế thị trường. Sự ra đời của Khoán 100 đã có những ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với sản xuất lúa gạo, tăng 6,3%/ năm trong suốt giai đoạn 1981-1985. Tuy nhiên, sau năm 1985, tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp bắt đầu giảm, cụ thể tốc độ tăng trưởng của tổng sản lượng nông nghiệp trong giai đoạn 1986-1988 chỉ là 2,2%/ năm. Đầu năm 1988, sản xuất lương thực không đáp ứng được nhu cầu dẫn đến sự thiếu ăn ở 21 tỉnh, thành trên miền Bắc. Ở miền Nam một loạt các mâu thuẫn cũng gia tăng trong khu vực nông thôn, đặc biệt là mối quan hệ đất đai bởi sự “cào bằng” về phân chia và điều chỉnh đất đai. Điều này hiển nhiên đặt ra yêu cầu một cuộc cải cách mới trong chính sách đất đai. Để giải quyết các vấn đề trên, chính sách đổi mới trong nông nghiệp đã được thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị vào tháng 4 năm 1988. Với sự ra đời của Nghị quyết 10 thường được biết đến với tên Khoán 10, người nông dân được giao đất nông nghiệp sử dụng từ 10-15 năm và lần đầu tiên hộ nông dân được thừa nhận như một đơn vị kinh tế tự chủ trong nông nghiệp. Bắt đầu từ thời kỳ này, các tư liệu sản xuất (máy móc, trâu, bò, gia súc và công cụ khác) được sở hữu dưới hình thức cá thể. Một khía cạnh khác của chính sách này đó là người nông dân Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 5 ở miền Nam được giao lại đất họ đã sở hữu trước năm 1975 (Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, 2003). Tuy nhiên, cùng với Khoán 10 chưa có luật tương ứng dẫn đến một số quyền sử dụng đất như cho tặng hoặc thừa kế chưa được luật pháp hóa và thừa nhận. Một loạt các vấn đề khác nảy sinh liên quan đến sản xuất chẳng hạn như trạm điện, hệ thống giao thông nông thôn, thị trường,… mà trước đây thuộc trách nhiệm quản lý của các HTX nông nghiệp. Để giải quyết các vấn đề này Luật Đất đai năm 1993 đã ra đời. 1.1.3. Sự phát triển của quản lý ruộng đất sau đổi mới. Trong suốt thời kỳ đổi mới, một loạt các chính sách và văn bản luật trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt liên quan đến sử dụng đất đai đã ra đời. Những chính sách quan trọng nhất đó là Luật Đất đai năm 1993, sau đó là Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2001; Luật Đất đai mới năm 2003; Nghị định 64/CP năm 1993 và Nghị định 02/CP năm 1994 về quy định việc giao đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp. Bên cạnh đó cũng có một loạt các chính sách liên quan trực tiếp hoặc hỗ trợ gián tiếp đến vấn đề về đất đai. Theo Luật Đất đai 1993, hộ nông dân được giao quyền sử dụng ruộng đất lâu dài với 5 quyền: quyền chuyển nhượng, quyền chuyển đổi, quyền cho thuê, quyền thừa kế và quyền thế chấp. Người có nhu cầu sử dụng được giao đất trong thời hạn 20 năm đối với cây hàng năm, 50 năm đối với cây lâu năm. Việc giao đất sẽ được tiến hành lại tại thời điểm cuối chu kỳ giao đất nếu như người sử dụng đất vẫn có nhu cầu sử dụng. Luật Đất đai cũng quy định mức hạn điền đối với hộ nông dân, cụ thể đối với cây hàng năm là 2ha ở miền Bắc và các tỉnh miền Trung; 3ha đối với các tỉnh phía Nam; đối với cây lâu năm quy định tối đa là 10ha đối với các xã vùng đồng bằng và 30ha đối với vùng trung du và miền núi (Chu Mạnh Tuấn, 2007). Cùng với việc giao đất cho các hộ nông dân thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được các cơ quan chức năng xem xét và cấp cho các nông hộ. Đến năm 1998, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp cho 71% hộ nông dân, cuối năm 2000 con số này là trên 90% (Ban Kinh tế, 2004). Đối với đất rừng ở khu vực trung du và miền núi nơi có rất nhiều phong tục tập quán thì việc giao đất phức tạp hơn, quá trình cấp giấy chứng nhận diễn ra chậm hơn và quá trình này vẫn đang được tiếp Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 6 tục thực hiện. Vào năm 1998, người nông dân được giao thêm 2 quyền sử dụng nữa đó là quyền cho thuê lại và quyền được góp vốn đầu tư kinh doanh bằng đất đai (Quốc hội, nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 1993). Những thay đổi trong chính sách đất đai của Việt Nam từ năm 1981 đến nay đã góp phần đáng kể trong việc tăng nhanh sản lượng nông nghiệp và phát triển khu vực nông thôn. Tổng sản lượng nông nghiệp tăng 6,7%/năm trong suốt giai đoạn 1994-1999 và khoảng 4,6% trong giai đoạn 2000 - 2003. An ninh lương thực quốc gia không còn là vấn đề nghiêm trọng nữa và nghèo đói đang từng bước được đẩy lùi (Ban Kinh tế, 2004). 1.2. Tổng quan về dồn điền đổi thửa 1.2.1. Vấn đề manh mún đất đai Khái niệm manh mún ruộng đất được hiểu trên hai khía cạnh: một là sự manh mún về mặt ô thửa, trong đó một đơn vị sản xuất (thường là nông hộ) có quá nhiều mảnh ruộng với kích thước quá nhỏ và bị phân tán ở nhiều xứ đồng. Hai là sự manh mún thể hiện trên quy mô đất đai của các đơn vị sản xuất, số lượng ruộng đất quá nhỏ không tương thích với số lượng lao động và các yếu tố sản xuất. Cả hai kiểu manh mún trên đều dẫn đến tình trạng là hiệu quả sản xuất thấp, khả năng đổi mới và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là vấn đề cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá trong nông nghiệp,...dẫn đến tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả. Vì thế người ta luôn tìm cách khắc phục tình trạng này. Manh mún đất đai xẩy ra ở nhiều nơi, nhiều nước khác nhau trên thế giới và ở nhiều thời kỳ của lịch sử phát triển. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này rất đa dạng: có thể là do đặc điểm bề mặt phân bố địa lý, do sức ép dân số,...nhưng cũng có thể là do ý thức của con người như tính chất tiểu nông của nền sản xuất còn kém phát triển, đặc điểm tâm lý của cộng đồng dân cư nông thôn, hệ quả của một hay nhiều chính sách ruộng đất, kinh tế xã hội hay sự quản lý lỏng lẻo kém hiệu quả của công tác địa chính... Tình trạng manh mún đất đai là một trong những nhược điểm của nền nông nghiệp nhiều nước, nhất là các nước đang phát triển. Ở Việt Nam, manh mún đất đai rất phổ biến, đặc biệt là ở miền Bắc. Theo con số ước tính, toàn quốc có khoảng Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 7 75 triệu thửa, trung bình một hộ nông dân có khoảng 7-8 thửa. Manh mún đất đai được coi là một trong những rào cản của phát triển sản xuất hàng hoá trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là trồng trọt, cho nên rất nhiều nước đã và đang thực hiện chính sách khuyến khích tập trung đất đai. Việt Nam cũng đang thực hiện chính sách này trong những năm gần đây. Dưới quan điểm kinh tế nếu manh mún đất đai làm cho lao động và các nguồn lực khác phải chi phí nhiều hơn thì việc giảm mức độ manh mún đất đai sẽ tạo điều kiện để các nguồn lực này được sử dụng ở các ngành khác hiệu quả hơn. Như vậy, trên tổng thể nền kinh tế sẽ đạt được lợi ích khi ta giảm mức độ manh mún đất đai. Tuy nhiên, mức độ manh mún đất đai cũng mang lại một số lợi ích nhỏ, trước mắt cho nông dân. Do đó ở nhiều nơi nông dân muốn duy trì một mức độ nào đó của tình trạng này. 1.2.2. Tình hình nghiên cứu dồn điền đổi thửa ở nước ngoài * Ở Nhật Bản: Để chấn hưng nền nông nghiệp, năm 1961 Chính phủ Nhật Bản đã ban hành chính sách nông nghiệp là đưa nông nghiệp từ quy mô nhỏ lên quy mô lớn. Để thực hiện mục tiêu này Bộ nông nghiệp đề ra "sự nghiệp xây dựng ruộng đất với ba mục tiêu: rộng, chắc chắn, sâu". - Rộng: nâng kích thước thửa ruộng lên 0,3ha. - Chắc chắn: cải tạo nền đất yếu, nhiều bùn, hay lún trên cơ sở thiết kế xây dựng thoát nước cho từng thửa ruộng và từng khu vực để có thể sử dụng máy móc cho thuận lợi. - Sâu: cải tạo tầng canh tác ruộng đất đảm bảo độ dầy khoảng 1m. Để làm được các yêu cầu nêu trên cần phải làm được hai việc: + Về mặt hành chính: xử lý chuyển đổi từ các ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn. + Về mặt kỹ thuật: gắn liền với việc xử lý kích thước thửa ruộng là việc xây dựng hệ thống tưới tiêu và san ủi mặt bằng. Công tác dồn điền đổi thửa, xử lý ruộng đất như nêu trên là khó khăn phức tạp vì đất đai thuộc sở hữu tư nhân và việc chuyển đổi phải tiến hành với một số biện pháp như công tác quy hoạch sử dụng đất mới phát huy hiệu quả trong sử dụng đất. Kết quả là khoảng 2 triệu ha trong 2,7 triệu ha đất trồng lúa nước ở Nhật Bản đã Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 8 được chuyển đổi. Trước chuyển đổi, bình quân có 3,4 thửa/hộ, sau chuyển đổi bình quân có khoảng 1,8 thửa/hộ. Việc chuyển đổi, xử lý đất nông nghiệp đã tăng sức sản xuất của đất đai, tăng năng suất lao động của người nông dân; việc áp dụng máy móc vào sản xuất được thuận tiện và hiệu quả,...tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp hàng hoá, nâng cao sức cạnh tranh trong nông nghiệp. Vì vậy cùng với các yếu tố khác, việc chuyển đổi và xử lý đất nông nghiệp đã góp phần quan trọng đưa năng suất lúa từ 3.000kg gạo/ha/năm năm 1960 lên 6.000 kg gạo/ha/năm năm 1992 (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 1998). * Ở Đài Loan: Sau năm 1949 dân số tăng đột ngột do sự di dân từ lục địa ra. Lúc đầu chính quyền Tưởng Giới Thạch thực hiện cải cách ruộng đất theo nguyên tắc phân phối đồng đều ruộng đất cho nông dân. Ruộng đất đã được trưng thu, tịch thu, mua lại của các địa chủ rồi bán chịu, bán trả dần cho nông dân, tạo điều kiện ra đời các trang trại gia đình quy mô nhỏ. Năm 1953, hòn đảo này đã có đến 679.000 trang trại với quy mô bình quân là 1,29ha/trang trại. Đến năm 1991 số trang trại đã lên đến 823.256 với quy mô bình quân chỉ còn 1,08ha/trang trại. Tuy nhiên, quá trình công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn sau này đòi hỏi phải mở rộng quy mô của các trang trại gia đình nhằm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm,… nhưng do người Đài Loan coi ruộng đất là tiêu chí đánh giá vị trí của họ trong xã hội nên mặc dù có thị trường nhưng ruộng đất vẫn không được tích tụ (có nhiều người tuy là chủ đất nhưng đã chuyển sang làm những nghề phi nông nghiệp). Để giải quyết tình trạng này, năm 1983 Đài Loan công bố Luật Phát triển nông nghiệp trong đó công nhận phương thức sản xuất uỷ thác của các hộ nông dân, có nghĩa là nhà nước công nhận việc chuyển quyền sở hữu đất đai. Ước tính đã có trên 75% số trang trại áp dụng phương thức này để mở rộng quy mô ruộng đất sản xuất. Ngoài ra để mở rộng quy mô, các trang trại trong cùng thôn xóm còn tiến hành các hoạt động hợp tác như làm đất, mua bán chung một số vật tư, sản phẩm nông nghiệp, nhưng không chấp nhận phương thức tập trung ruộng đất, lao động để sản xuất. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 9 * Ở Trung Quốc: Vào những năm cuối của thập kỷ 70, Trung Quốc đã tiến hành công cuộc cải cách kinh tế mà trước tiên là cuộc cải cách nông thôn, xoá bỏ chế độ sở hữu tập thể, vì vậy mà loại hình kinh tế HTX không còn mà thay vào đó là hình thức khoán đến hộ, theo đó đất đai từ sở hữu HTX chuyển thành sở hữu của thôn còn quyền sử dụng đất được giao cho hộ. Cuộc cải cách này đã tạo ra động lực mới cho sự phát triển nông nghiệp. Người nông dân được quyền tự chủ trong quản lý, sử dụng và lựa chọn phương án sử dụng đất, Vì vậy nông nghiệp Trung Quốc đã có bước phát triển kỳ diệu. Tuy nhiên đến năm 1990 thì tốc độ phát triển của nông nghiệp Trung Quốc lại giảm, do hình thức khoán đến hộ không còn phát huy tác dụng và bắt đầu bộc lộ những hạn chế. Điều này do có sự xuất hiện của thửa ruộng nhỏ và manh mún khi giao chia cho từng hộ gia đình. Quá trình giao chia coi “chủ nghĩa bình quân và công bằng” như là nguyên tắc bất di bất dịch. Tuy nhiên do dân số đông và diện tích hạn chế nên diện tích đất cấp cho mỗi hộ gia đình là rất nhỏ, manh mún và rải rác ở khắp nơi trong làng, được minh chứng qua bảng 2.1. Bảng 1.1 Diện tích và số thửa ruộng của mỗi hộ nông dân Trung Quốc Diện tích/ hộ Số thửa ruộng/hộ Diện tích T.bình/thửa (ha) (thửa) (ha) 1986 0,446 5,85 0,08 1988 0,466 5,67 0,078 1990 0,420 5,52 0,076 1998 0,470 3,02 0,18 Năm (Nguồn: Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, 2000) Như vậy, vào giữa những năm 80 thì phương thức khoán đến hộ đã bộc lộ những hạn chế và cản trở đối với phát triển sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy Chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu thực hiện công cuộc cải cách nông thôn bằng việc xây dựng các mô hình thử nghiệm theo quy mô thành phố , từ đó sẽ tổng kết, đúc rút vào lựa chọn mô hình thành công nhất để nhân rộng. Trong các mô hình thử nghiệm, thì mô hình được coi là thành công nhất là ở thành phố Pindu và đã được nhân rộng trên quy mô toàn quốc. Theo mô hình này; mô hình ''hệ thống hai loại đất'' chia diện tích đất canh tác của thôn thành hai phần: một phần Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 10 đất sản xuất lương thực, phần còn lại được sử dụng cho ký hợp đồng. Sản xuất lương thực để đảm bảo nhu cầu lương thực của hộ gia đình còn đất hợp đồng để làm kinh tế. Như vậy, từ những năm 1978 Trung Quốc đã tiến hành cải cách theo thể chế kinh tế nông thôn, thực hiện hình thức kinh doanh khoán sản lượng đến từng hộ nông dân thực chất là khoán ruộng đất, thực hiện công việc thiết kế lại đồng ruộng thông qua dồn đổi ruộng giữa các hộ, bước đầu “mềm hoá” hình thức chuyển đổi nông nghiệp trong nông thôn, đồng thời cho phép hộ nông dân được quyền góp cổ phần bằng ruộng đất vào các tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp trên cơ sở chế độ cổ phần. Hiện nay Trung Quốc mỗi hộ có khoảng 0,5 ha chia làm 3-4 mảnh, các hộ đang tiến hành đổi ruộng cho nhau để có ruộng liền khoảnh. 1.2.3. Tình hình nghiên cứu dồn điền đổi thửa ở Việt Nam 1.2.3.1. Nguyên nhân tiến hành dồn điền đổi thửa Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới cơ chế kinh tế nông nghiệp nông thôn, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên trước nhu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước, nền nông nghiệp và đặc biệt là vấn đề ruộng đất trong nông nghiệp đã bộc lộ những tồn tại, nảy sinh mới cần phải được quan tâm giải quyết, đó chính là tình trạng ruộng đất quá manh mún về diện tích và ô thửa. Chuyển đổi ruộng đất chống manh mún, phân tán tạo ra ô thửa lớn là việc làm cần thiết, tạo tiền đề cho việc thực hiện công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn (Tổng cục Địa chính, 1998). Mặt khác, khi thực hiện giao đất còn nhiều sai sót, tuỳ tiện dẫn đến tình trạng khiếu kiện kéo dài gây mất ổn định ở cơ sở; quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch kiến thiết lại ruộng đồng thiếu khoa học, thiếu tầm nhìn chiến lược đang gây trở ngại lớn cho việc đổi mới quản lý, tổ chức lại sản xuất nhất là việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế (Tổng cục Địa chính, 1997). Để khắc phục tình trạng trên, giải pháp có hiệu quả nhất là phải tiến hành dồn đổi ruộng đất. Để hiểu rõ hơn tại sao phải nhanh chóng tiến hành công tác dồn đổi ruộng đất. Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân và những hạn chế do tình trạng manh mún ruộng đất gây trở ngại cho sản xuất, công tác quản lý Nhà nước về đất đai như thế nào? Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 11 * Tình trạng manh mún ruộng đất do các nguyên nhân sau: - Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng manh mún ruộng đất là sự phức tạp của địa hình, nhất là các vùng đồi núi, trung du. Do địa hình bị chia cắt nên đất đai ở đa số các địa phương hầu như đều có 3 loại đất: đất cao, đất thấp, trũng. - Nguyên nhân thứ hai là chế độ thừa kế chia đều ruộng đất cho tất cả con cái. Ở Việt Nam ruộng đất của cha mẹ thường được chia đều cho tất cả các con sau khi ra ở riêng. Vì thế tình trạng phân tán ruộng đất gắn liền với chu kỳ phát triển của nông hộ. - Nguyên nhân thứ ba là tâm lý tiểu nông của các hộ sản xuất nhỏ. Do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, các hộ nông dân ngại thay đổi, nhất là những thay đổi liên quan đến ruộng đất. - Nguyên nhân thứ tư liên quan đến phương pháp chia ruộng bình quân theo nguyên tắc có tốt, có xấu, có xa, có gần khi thực hiện Nghị định 64/CP năm 1994. Việc chia nhỏ các thửa ruộng để có sự công bằng giữa các hộ đã góp phần không nhỏ làm tăng tình trạng manh mún ruộng đất. Quan điểm muốn bảo vệ sự công bằng cho những người dân được chia ruộng và nhiều lý do sau đây khiến đa số các địa phương chia nhỏ ruộng cho nông dân, đó là: + Tất cả các hộ đều phải có ruộng gần, xa, tốt, xấu, cao, thấp. Có như vậy mới thể hiện tính công bằng. + Độ phì tự nhiên của đất ở các khu khác nhau phải chia đều cho các hộ. + Do hiệu quả kinh tế của các loại hình sử dụng đất khác nhau nên phải chia đều đất cho các hộ. + Các chân đất thường không an toàn do các vấn đề như úng, hạn, chua... do đó việc chia đều rủi ro cho các hộ cũng là chỉ tiêu quan trọng trong khi chia ruộng. + Ngoài ra, giá đất luôn biến động, tăng cao đặc biệt là các khu đất gần các trục đường chính hoặc trong tương lai sẽ nằm trong quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp... vì thế đất ở đó phải được chia đều cho các hộ để mọi người đều có thể hưởng "thành quả" đền bù đất hay cùng chịu "rủi ro"nếu đất đai được chuyển mục đích sử dụng. * Mức độ manh mún ruộng đất hiện nay thể hiện ở một số điểm: - Tình trạng manh mún hiện nay tập trung vào đất cây hàng năm như: đất Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 12 trồng lúa, đất trồng rau màu, đất trồng cây công nghiệp ngắn ngày và các loại đất trồng cây hàng năm khác. Loại đất càng tốt, có điều kiện thâm canh càng cao thì càng bị phân tán manh mún. - Biểu hiện đặc trưng của sự manh mún là ruộng đất bị "chia nhỏ" để chia đều theo nguyên tắc "tốt có, xấu có, xa có, gần có" cho các hộ gia đình (Nguyễn Khắc Thời, Bùi Thị Phúc, 2010). Vì vậy một hộ sử dụng rất nhiều thửa đất nằm rải rác trên tất cả các xứ đồng của mỗi thôn xóm, làng bản..., kích thước rất đa dạng, diện tích bình quân /thửa đất lúa phổ biến là từ 200 - 400m2; diện tích đất trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày bình quân/thửa phổ biến từ 100 - 300m2. Riêng các tỉnh nam bộ bình quân/thửa phổ biến đất lúa là từ 2000 - 4000m2; đất trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày bình quân lên đến hàng nghìn m2. - Mức độ manh mún các vùng miền có sự khác nhau, số liệu minh hoạ được thể hiện trong bảng 1.2. Bảng 1.2. Mức độ manh mún ruộng đất ở các vùng trong cả nước TT Vùng sinh thái Diện tích bình quân/thửa (m2) Đất lúa Đất rau 150 - 300 100 - 150 Tổng số thửa/hộ Trung bình 10 - 20 Cá biệt 150 1 Trung du miền núi Bắc Bộ 2 Đồng bằng sông Hồng 7- 10 47 300 - 400 100 - 150 3 Duyên hải Bắc Trung Bộ 7 - 10 30 300 - 500 200 - 300 4 Duyên hải Nam Trung Bộ 5 - 10 30 300- 1000 200 - 1000 5 Tây Nguyên 5 25 200 - 500 1000- 5000 6 Đông Nam Bộ 4-5 15 1000- 3000 1000- 5000 7 Đồng bằng sông Cửu Long 3 10 3000 - 5000 500 - 1000 (Nguồn: Tổng cục Thống kê, 2006) 1.2.3.2. Thực trạng về manh mún ruộng đất tại Đồng bằng sông Hồng - Tình trạng manh mún ruộng đất ở cấp nông hộ Ở Đồng bằng sông Hồng sự manh mún ruộng đất ở cấp nông hộ thể hiện ở các đặc điểm sau: + Diện tích canh tác bình quân trên hộ hay trên lao động rất thấp (khoảng 0,25ha/hộ). Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 13 + Số lượng các hộ có diện tích từ 02 ha trở lên không đáng kể (khoảng 2116 hộ) đa số có diện tích nhỏ hơn 0,20ha (1.731.533 hộ). + Bình quân diện tích canh tác trên hộ và trên khẩu có xu thế giảm do mất đất nông nghiệp và sự gia tăng của dân số nông thôn. Bảng 1.3. Số hộ sử dụng đất sản xuất nông nghiệp phân theo quy mô sử dụng của một số tỉnh thuộc vùng ĐBSH (ĐVT: hộ) TT Địa danh Tổng số Phân theo quy mô sử dụng Từ 0,2 ha Từ 0,5 ha dưới Từ 2 ha đến dưới đến dưới 2 0,2 ha trở lên 0,5 ha ha 1731533 1223905 97216 2116 I ĐBSH 3054770 1 Hà Nội 174537 123610 48121 2718 88 2 Vĩnh Phúc 212851 109564 94017 9057 213 3 Bắc Ninh 187569 109037 73951 4539 42 4 Hà Tây 457290 279625 160362 16955 348 5 Hải Dương 348086 187579 151986 8335 186 6 Hải Phòng 242419 139110 89842 13340 127 7 Hưng Yên 228183 127289 94950 5837 107 8 Thái Bình 457669 266379 187376 3843 71 9 Hà Nam 172615 94132 72196 6165 122 10 Nam Định 396281 221735 165630 8814 102 11 Ninh Bình 177270 73473 85474 17613 710 (Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2003) - Tình trạng manh mún về số ô thửa + Diện tích/thửa: Với cây lúa, diện tích/thửa có thể diễn biến từ 200 đến 400m2, với cây rau thì rất nhỏ chỉ từ 20 - 50m2, tỷ lệ thửa có diện tích < 100m2 chiếm đến 5 - 10% tổng số thửa, đặc biệt có những thửa đất mạ < 10m2 hoặc có những thửa chiều dài vài chục m nhưng chiều rộng chỉ từ 30 - 50cm (Tổng cục Địa chính, 1997). + Số thửa/hộ: Số liệu ở bảng 1.4 cho thấy mức độ manh mún ruộng đất thuộc 1 số tỉnh Đồng Bằng sông Hồng rất khác nhau, các tỉnh đông dân, diện tích đất nông Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 14 nghiệp ít thì mức độ manh mún càng cao; trung bình số thửa/hộ thấp nhất 5,7 thửa (Nam Định) và cao nhất là 11 thửa/hộ (Hải Dương), cá biệt có hộ quản lý 47 thửa/ hộ (Vĩnh Phúc); về diện tích sử dụng cũng có sự khác nhau, diện tích thửa lớn nhất là 5968m2 (Vĩnh Phúc), thửa nhỏ nhất là 5m2 (Ninh Bình) đây cũng là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng các loại cây trồng. Bảng 1.4. Mức độ manh mún ruộng đất ở một số tỉnh vùng ĐBSH Diện tích bình quân/thửa (m2) Tổng số thửa/hộ TT Tỉnh ít nhất 1 Hà Tây 2 Nhiều Trung nhất bình Nhỏ nhất Lớn nhất Trung bình - - 9,5 20 700 216 Hải Phòng 5,0 18 6-8 20 - - 3 Hải Dương 9,0 17 11,0 10 - - 4 Vĩnh Phúc 7,1 47 9,0 10 5968 228 5 Nam Định 3,1 19 5,7 10 1000 288 6 Hà Nam 7,0 37 8,2 14 1265 - 7 Ninh Bình 3,3 24 8,0 5 3224 - (Nguồn: Tổng cục Địa chính, 1997) * Các đặc điểm manh mún ruộng đất ở ĐBSH: Hàng thế kỷ trước đây, tình trạng manh mún ruộng đất ở ĐBSH đã được miêu tả khá cụ thể, với những đặc điểm như sau: Thứ nhất: sự manh mún ruộng đất không có mối quan hệ nào với mật độ dân số. Nói cách khác, không phải ở đâu đông dân thì ở đó ruộng đất manh mún. Thứ hai: sự manh mún ruộng đất thể hiện sự khác biệt giữa các vùng. Dường như ở các vùng có độ chênh cao so với mực nước biển thấp thì địa hình ít bị chia cắt nên đất đai ít bị xé nhỏ. Các vùng có độ chênh cao so với mực nước biển lớn hơn, địa hình bị chia cắt nhiều hơn thì ruộng đất lại manh mún hơn, hoặc càng ra gần biển, các ô thửa của ruộng càng lớn hơn. Thứ ba: ngay trong cùng một vùng, hiện tượng manh mún cũng không giống nhau; đất trũng bị ngập nước thường xuyên hay các ruộng ngoài đê, ô thửa ít bị xé nhỏ hơn là ruộng đất cao được đê che chắn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 15 Thứ tư: sự manh mún ruộng đất còn phụ thuộc vào đối tượng quản lý ruộng đất. Những nơi tỷ lệ diện tích đất công điền thấp thì mức độ manh mún càng cao. Nói cách khác, là đất đai càng bị tư hữu triệt để thì tình trạng manh mún ô thửa càng lớn. Hiện nay, sự manh mún ruộng đất ở Đồng bằng sông Hồng không khác biệt nhiều theo quy mô thu nhập của hộ. Số thửa/hộ của các loại hộ trung bình chỉ cao hơn đôi chút so với hộ nghèo và giàu. Sự khác biệt không nhiều một phần là do chính sách chia đều ruộng đất/khẩu khi chia ruộng năm 1993, phần khác là do thị trường trao đổi mua bán ruộng đất nông nghiệp hoạt động còn hạn chế. Bảng 1.5. Đặc điểm manh mún ruộng đất của các kiểu hộ Loại hộ Số thửa/hộ Diện tích thửa (m2) Nghèo 7,2 381 Trung bình 9,2 412 Khá, giầu 8,0 492 (Nguồn: Nguyễn Khắc Bộ, 2004) - Hạn chế khả năng áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp, không giảm được chi phí lao động đầu vào. - Thửa ruộng quá nhỏ khiến nông dân ít khi nghĩ đến việc đầu tư tiến bộ kỹ thuật (TBKT) để tăng năng suất. Theo họ, đầu tư TBKT có thể giúp tăng năng suất nhưng trên diện tích quá nhỏ thì sản lượng tăng không đáng kể. - Thửa ruộng đã nhỏ, nhiều thửa lại phân tán làm tăng rất nhiều công thăm đồng, vận chuyển phân bón và thu hoạch, mặt khác nông dân không muốn trồng cây hàng hoá do phải tăng công bảo vệ. - Quy mô ruộng đất nhỏ làm giảm lợi thế cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh giá nông sản luôn có sự biến động bất ổn định. - Nhiều thửa ruộng dẫn tới lãng phí đất canh tác do phải làm nhiều bờ ngăn, tính trung bình vùng ĐBSH mất khoảng 2,4% - 4% đất canh tác dùng để đắp bờ vùng, bờ thửa. - Nhà nước cũng tiết kiệm được một khoản tiền khá lớn cho quá trình lập hồ sơ ruộng đất (ruộng đất manh mún như trước đây chỉ tăng 30 - 50%). Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 16 1.2.3.3 Cơ sở thực tiễn của việc dồn điền đổi thửa Việt Nam bắt đầu con đường đổi mới kinh tế vào năm 1986. Mục tiêu của chính sách đổi mới là chuyển nền kinh tế Việt Nam từ mô hình kế hoạch hoá tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988 là bước ngoặt cơ bản. Nội dung chính của chính sách này là công nhận hộ nông dân là một đơn vị kinh tế tự chủ, tự do hoá thị trường đầu vào và đầu ra của sản xuất cũng như các tư liệu sản xuất khác (ngoại trừ đất đai) và giao đất sử dụng ổn định, lâu dài cho người dân. Từ đó, nông nghiệp Việt Nam bước vào một giai đoạn mới tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian giao đất còn quá ngắn và một số quyền sử dụng đất khác chưa được luật pháp hoá. Điều này dẫn đến nông dân có thể ít có động cơ đầu tư dài hạn trên đất. Luật Đất đai năm 1993 ra đời đã giải quyết được những vấn đề nêu trên. Theo đó nông dân được giao đất ổn định và lâu dài. Họ được giao 5 quyền sử dụng đất bao gồm: quyền chuyển nhượng, trao đổi, cho thuê, thừa kế và thế chấp. Nguyên tắc quan trọng nhất trong việc giao đất là duy trì sự công bằng. Thông thường ở nhiều nơi trên miền Bắc, đất đai được chia bình quân theo định suất (hoặc bình quân theo nhân khẩu). Những tiêu chuẩn khác cũng được xem xét khi giao đất là các chính sách xã hội, chất lượng đất, tình hình thuỷ lợi, khoảng cách đến thửa ruộng và khả năng luân canh cây trồng. Đất cây hàng năm ở Việt Nam được chia thành 6 hạng. Do đó, để duy trì nguyên tắc công bằng mỗi hộ thường được giao nhiều thửa với nhiều hạng đất khác nhau, ở các cánh đồng khác nhau với chất lượng đất khác nhau. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản tạo ra tình trạng manh mún đất đai ở Việt Nam. Nguyên nhân của manh mún đất đai do giao đất nông nghiệp công bằng đã được nhiều cơ quan và các nhà nghiên cứu thảo luận và phân tích những năm gần đây. Manh mún có nhiều mức độ khác nhau, ở một số vùng tình trạng manh mún có thể nghiêm trọng hơn ở những nơi hoặc vùng khác. Theo số liệu của Tổng cục Địa chính năm 1998, bình quân 1 hộ vùng Đồng bằng sông Hồng có khoảng 7 - 8 thửa trong khi ở vùng núi phía Bắc con số này còn cao hơn từ 10 - 20 thửa. Số liệu điều tra từ 42.167 nông hộ ở tỉnh Hưng Yên cho thấy sau khi giao đất năm 1993, trung bình một hộ có 7,6 thửa. Vào năm 1998, Chính phủ đã đề ra chính sách khuyến khích nông dân đổi ruộng cho nhau để tạo thành những thửa có diện tích lớn hơn. Từ đó, các tỉnh miền Bắc, đặc biệt là vùng ĐBSH đã thành lập các hội đồng thực hiện thí điểm công Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 17 tác dồn điền, đổi thửa. Theo báo cáo, trên toàn quốc có khoảng trên 700 xã ở 18 tỉnh đã và đang thực hiện dồn điền, đổi thửa, tuy nhiên tiến trình vẫn còn rất chậm. Trên thực tế ở những vùng này đất đai được chia lại cho các hộ nông dân với mục tiêu là giảm số thửa ruộng. Ví dụ: Ở tỉnh Thanh Hoá số thửa ruộng đã giảm 51% trong 3 năm thực hiện chính sách này (1998 - 2001). Trung bình số thửa ruộng của một hộ đã giảm từ 7,8 thửa xuống còn 3,8 thửa. Trong các báo cáo gửi Chính phủ và UBND tỉnh, khi rút kinh nghiệm công tác dồn điền, đổi thửa, các địa phương đều đưa ra kết luận công tác dồn điền, đổi thửa nên áp dụng ở những vùng mà manh mún đất đai đang là vấn đề lớn và không có mâu thuẫn về đất đai. Điều đó có nghĩa dồn điền, đổi thửa không nên dẫn đến những mâu thuẫn mới liên quan đến đất đai. Nguyên tắc quan trọng nhất trong dồn điền, đổi thửa là các hộ nông dân tự nguyện đổi đất cho nhau để tạo thành những thửa lớn hơn. Tuy nhiên, ở rất nhiều tỉnh quá trình giao lại đất đã xảy ra, trong đó các hộ nông dân được tham gia rất ít vào quá trình này, ngoại trừ việc đánh giá chất lượng đất và xác định hệ số trao đổi giữa các hạng đất. Bởi đất đai ở Việt Nam là sở hữu toàn dân, do đó các hộ nông dân cho rằng họ không có quyền tham gia vào quá trình giao lại đất hoặc thảo luận về kế hoạch hoá sử dụng đất (Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 1993). 1.2.3.4. Tình hình dồn điền đổi thửa ở một số tỉnh - Đến nay đã có 18 tỉnh, thành phố, gần 80 thành phố và trên 700 xã, phường, thị trấn tiến hành vận động nhân dân thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa (Tổng cục Địa chính, 1997). - Đã có 11 tỉnh vùng ĐBSH với 50/69 thành phố , thị (52,1%) với 766/2001 xã, phường thị trấn (38,1%) tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2003); Ở Hà Nội đã có 13/13 huyện, thị với 253/274 xã, phường, thị trấn tiến hành dồn điền đổi thửa. - Về số thửa: hầu hết ở các địa phương sau thực hiện DĐĐT, số thửa đều có sự thay đổi theo chiều hướng giảm. Hà Nội, trước dồn đổi bình quân có 6 thửa/hộ, sau dồn đổi còn 4,8 thửa/hộ; ở Hà Tây, trước dồn đổi bình quân có 9,5 thửa/hộ, sau dồn đổi còn 4,8 thửa/hộ; ở Hải Dương, trước dồn đổi bình quân có 9,2 thửa/hộ, sau dồn đổi còn 3,7 thửa/hộ (Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2003). - Về diện tích mỗi thửa: ở Hà Nội, trước dồn đổi bình quân diện tích/thửa là Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 18 286,9m2, sau dồn đổi là 357m2/thửa; Hà Tây chỉ số này là 216m2 và 425m2; Hải Dương là 283m2 và 684m2; Thái Bình là 320m2 và 960m2...Kết quả trên cho thấy, diện tích thửa đất lớn đã tiết kiệm được diện tích đắp bờ, chia ranh giới thửa đất (Bộ Tài nguyên & Môi trường, 2005). Thậm chí ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bình quân diện tích/thửa tăng từ 428m2/thửa đến 1.251m2 /thửa (Nguyễn Khắc Thời, Bùi Thị Phúc, 2011). - DĐĐT đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc như thu hồi nợ đọng của hộ xã viên, giải quyết tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai, những nghi kỵ, ngờ vực do việc giao đất không công bằng; tạo được không khí hồ hởi, phấn khởi, đoàn kết trong thôn, xóm, khích lệ sản xuất, làm giàu chính đáng. - DĐĐT đã tạo động lực cho sản xuất phát triển; huy động được nguồn lực kinh tế của hộ nông dân; phát huy tính tự chủ của đơn vị cơ sở, hộ có điều kiện đầu tư thâm canh, bố trí lại cơ cấu sản xuất, thời vụ, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng để tăng vụ, tăng năng suất lao động, tạo ra nhiều sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo số liệu báo cáo của các địa phương, sau thực hiện dồn điền đổi thửa một vài vụ, năng suất cây trồng tăng từ 15 - 20%, giá trị thu nhập tăng từ 13 triệu đồng/ ha/năm lên 18 triệu đồng/ ha/năm và có nhiều diện tích đạt tới 25 - 30 triệu đồng/ ha/năm. Nhiều địa phương sau thực hiện dồn điền đổi thửa đã sắp xếp lại lực lương lao động, rút được lao động dư thừa sang làm ngành nghề khác như sản xuất tiểu thủ công nghiệp ở Thọ Xuân (Thanh Hoá), Từ Sơn, Tiên Du (Bắc Ninh) (Tổng cục Địa chính, 1997). - Phần lớn các hộ nông dân sau khi DĐĐT đã tiết kiệm được thời gian lao động, giảm chi phí, giảm công "chạy đồng" trước đây từ nhiều xứ đồng, nhiều thửa ruộng nay tập trung đầu tư cho 2 - 5 thửa thuộc 2 - 3 xứ đồng, có điều kiện để cải tạo đất, làm kỹ hơn các khâu canh tác, chăm sóc đồng ruộng và ứng phó kịp thời để phòng chống thiên tai và những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp (Tổng cục Địa chính, 1998). Tóm lại: Chính sách DĐĐT đã làm cho đồng ruộng được cải thiện, tạo được những thửa ruộng lớn, thuận lợi cho việc cơ giới hoá, nông dân có điều kiện đầu tư mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, nhất là những khâu lao động nặng nhọc như làm đất, bơm nước, tuốt lúa...và dịch vụ phục vụ sản xuất trong nông thôn có điều kiện phát triển. Bên cạnh đó, dồn đổi ruộng đất thành công đã Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 19 làm thay đổi cách nghĩ cách làm của nhiều hộ nông dân: trước đây họ còn do dự, chần chừ với thói quen canh tác trên những thửa ruộng nhỏ lẻ, chật hẹp, nay chuyển sang sản xuất, canh tác trên những thữa ruộng có quy mô lớn hơn khiến cho nếp nghĩ, cách làm cũng vượt khỏi tầm suy nghĩ " tự túc, tự cấp" để vươn lên sản xuất hàng hoá, vươn lên làm giàu phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đaị hoá nông nghiệp nông thôn. 1.2.4. Dồn điền đổi thửa có ảnh hưởng to lớn đến công tác quản lý Nhà nước về đất đai và là yếu tố thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững * Chuyển đổi ruộng đất khắc phục cơ bản tình trạng manh mún Từ bảng 1.6 cho thấy: hầu hết các địa phương đã thực hiện DĐĐT với phương án phù hợp, với mục đích chống manh mún và tạo ra những ô thửa lớn. Phần lớn tổng số thửa đất đều giảm từ 40 - 84% so với trước dồn đổi, bình quân số thửa từ 2 5 thửa/hộ, diện tích bình quân/thửa lớn hơn 600m2. Bảng 1.6. Tình hình chuyển đổi ruộng đất ở một số địa phương Đơn vị hành chính 1.Xã Thiệu Hưng (Thiệu Hoá-Thanh Hoá) 2. Xã Lương Lç (Thanh Ba. Hà Nam) 3.Xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường. Vĩnh Phúc) 4. Xã Hàm Sơn (Yên Phong. Bắc Ninh) 5. Xã Đại Thắng (Phủ Lý. Hà Tây) Tổng số thửa Trước Sau % c/đổi c/đổi giảm Bình quân số Diện tích thửa Diện tíchbình Thửa/ hộ nhỏ nhất (m2) quân/thửa (m2) Trước Sau Trước Sau Trước Sau c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi 15425 3862 74,9 12-15 2-5 36 500 215 656 8196 3461 58,0 8 3 20 240 508 1205 29635 7766 73,8 16 4,3 20 270 217 829 1378 826 40,1 13 4-5 48 360 194 1285 27437 4537 83,5 23 4 25 360 106 643 (Nguồn: Tổng cục Địa chính, 1998) * Dồn điền đổi thửa gắn liền với công tác quản lý Nhà nước về đất đai DĐĐT là dịp để kiểm tra lại quỹ đất nông nghiệp, công tác lập hồ sơ địa Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 20 chính được nhanh chóng, chính xác. Ở Ninh Bình, qua chuyển đổi ruộng đất, các thành phố đã đo đạc rà soát lại quỹ đất phát hiện diện tích đất dôi dư: qua báo cáo của 22 xã phát hiện dôi dư 491,93 ha, trong đó: xã Sơn Hà (Nho Quan) 200ha, Yên Thắng (Yên Mô) 36,86 ha...Bên cạnh đó đã có 53 xã lập hồ sơ địa chính để cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm cơ sở pháp lý để Nhà nước quản lý lâu dài về đất đai. Điều đó đã góp phần làm cho việc quản lý Nhà nước về đất đai được chặt chẽ, nề nếp, hiệu quả hơn. DĐĐT có điều kiện tốt để rà soát, bổ sung, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác quy hoạch xây dựng cơ bản, quy hoạch giao thông, thuỷ lợi được gắn với quá trình thực hiện chuyển đổi ruộng đất. DĐĐT đã làm cho diện tích đất công ích của xã được dồn gọn vùng, gọn thửa để tiện quản lý, canh tác và sử dụng vào mục đích chung của xã. DĐĐT tạo các ô thửa lớn, tiết kiệm diện tích đắp bờ, phát hiện diện tích giao thiếu công bằng ở một số nơi và giải quyết những vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh trong sử dụng đất đai. * Dồn điền đổi thửa góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển Sau DĐĐT có thể nói hầu hết đồng ruộng đã được quy hoạch đảm bảo việc sử dụng lâu dài và hiệu quả. Đất giao thông nội đồng, hệ thống thuỷ lợi, đất vùng chuyển đổi đều rõ ràng, đất công điền được tập trung, có thể đa dạng về hình thức và mục đích sử dụng. Ở Phú Thọ, việc dồn ruộng đất đã làm giảm chi phí sản xuất và khuyến khích các hộ nông dân đầu tư thâm canh nên kết quả sản suất nông nghiệp tăng: giá trị sản xuất /1ha tăng từ 4,38 triệu đồng đến 4,97 triệu đồng (Nguyễn Khắc Thời, 2009). Ở Hải Dương, sau khi chuyển đổi ruộng đất người dân đã phấn khởi, thể hiện ngay bằng việc tích cực đóng góp công sức, tiền của xây dựng mương máng, đường giao thông nội đồng...ước tính lên tới hàng vạn ngày công và hàng tỷ đồng. Sau DĐĐT, bà con hạch toán qua một vài vụ sản xuất thấy năng suất lúa tăng 5-10 tạ/ha; chi phí điện nước, công lao động...tiết kiệm được 1015%. Thu hoạch vụ đông, thương nhân ghé đuôi xe tận ruộng . DĐĐT đã phát huy được tính tự chủ của đơn vị kinh tế hộ nông dân trong đầu tư thâm canh cây trồng, vật nuôi. Có điều kiện để bố trí cơ cấu sản xuất, thời vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, tăng vụ, tăng năng suất lao Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 21 động. Bước đầu hình thành các trang trại nông nghiệp, hiệu quả kinh tế đạt cao hơn. DĐĐT đã tác động tích cực tới nhiều mặt trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Đây là điều kiện để hợp tác kinh tế nảy nở; từ mô hình hợp tác, mô hình doanh nghiệp nông nghiệp đến hợp tác kinh tế vùng.Từ đó thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đầu tư và xúc tiến thị trường tiêu thụ cho sản xuất hàng hoá nông sản. DĐĐT thành công giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian lao động, chi phí sản xuất ở các khâu canh tác, giảm hẳn công "chạy đồng" ở các xứ đồng, nhiều thửa, thửa nhỏ...nay tập trung đầu tư vào 2,3,4 thửa/hộ sẽ có nhiều điều kiện để làm kỹ hơn, dự đoán và có biện pháp kịp thời, hợp lý để giải quyết úng, hạn, sâu bệnh..., hộ nông dân có vốn đầu tư mua máy móc nông nghiệp vừa phục phụ cho hộ và các hộ khác góp phần giải phóng sức lao động...làm cho hiệu quả kinh tế và hiệu quả sử dụng đất cao hơn. Khi có thửa ruộng lớn cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và những chính sách khuyến nông, khuyến ngư ...phù hợp của các cấp chính quyền đã làm nếp nghĩ của bà con thay đổi theo chiều hướng tích cực của tiến trình công nghiệp hoá nông nghiệp nông thôn. Sau DĐĐT đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hoá gắn với phát triển kinh tế trang trại trên các lĩnh vực: chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) sau khi thực hiện chuyển đổi ruộng đất sản xuất nông nghiệp có bước ổn định khá vững chắc, đã có nhiều địa phương có cánh đồng quy mô 5-7ha đạt giá trị 50 triệu đồng (Quỳnh Lương, Quỳnh Văn, Quỳnh Bản...). Các mô hình 50 triệu/ha/năm chủ yếu vẫn là chuyên màu với cơ cấu sử dụng 3-5 vụ lúa, màu, rau vụ đông có giá trị kinh tế cao hoặc nuôi trồng thuỷ sản. DĐĐT đã tạo ra một không khí mới trong sản xuất nông nghiệp, người dân tham gia nhiệt tình, tự nguyện, tình cảm trong làng xóm trở lên thắm thiết gắn bó hơn, đồng ruộng được cải tạo, kiến thiết lại thuận lợi cho công tác áp dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật hiện đại góp phần giải phóng sức lao động ...do thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống nên người dân thực sự yên tâm gắn bó và làm giàu trên chính mảnh đất của mình (Nguyễn Thanh Trà, Phạm Phương Nam, 2012). 1.3. Hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa Theo trung tâm từ điển ngôn ngữ, hiệu quả chính là kết quả như yêu cầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 22 việc làm mang lại. Kết quả hữu ích là một đại lượng vật chất tạo ra do mục đích của con người, được biểu thị bằng những chỉ tiêu cụ thể, xác định. Do tính chất mâu thuẫn giữa nguồn tài nguyên hữu hạn với nhu cầu ngày càng cao của con người mà ta phải xem xét kết quả được tạo ra như thế nào? Chi phí bỏ ra để tạo ra kết quả đó là bao nhiêu? Có đưa lại kết quả hữu ích không? Chính vì thế khi đánh giá hoạt động sản xuất không chỉ dừng lại ở việc đánh giá kết quả mà còn phải đánh giá chất lượng các hoạt động sản xuất kinh doanh tạo ra sản phẩm đó. Đánh giá chất lượng của hoạt động sản xuất kinh doanh là nội dung đánh giá hiệu quả. Việc xác định bản chất và khái niệm hiệu quả cần xuất phát từ những luận điểm triết học của Mác và những luận điểm lý thuyết hệ thống sau đây: - Thứ nhất: Bản chất của hiệu quả là sự thực hiện yêu cầu tiết kiệm thời gian, biểu hiện trình độ sử dụng nguồn lực của xã hội. Các Mác cho rằng quy luật tiết kiệm thời gian là quy luật có tầm quan trọng đặc biệt tồn tại trong nhiều phương thức sản xuất. Mọi hoạt động của con người đều tuân theo quy luật đó, nó quyết định động lực phát triển của lực lượng sản xuất, tạo điều kiện phát triển văn minh xã hội và nâng cao đời sống của con người qua mọi thời đại. - Thứ hai: Theo quan điểm của lý thuyết hệ thống thì nền sản xuất xã hội là một hệ thống các yếu tố sản xuất và các quan hệ vật chất hình thành giữa con người với con người trong quá trình sản xuất. Hệ thống sản xuất xã hội bao gồm trong nó các quá trình sản xuất, các phương tiện bảo tồn và tiếp tục đời sống xã hội, đáp ứng các nhu cầu xã hội, nhu cầu của con người là những yếu tố khách quan phản ánh mối quan hệ nhất định của con người đối với môi trường bên ngoài. Đó là quá trình trao đổi vật chất, năng lượng giữa sản xuất xã hội và môi trường. - Thứ ba: Hiệu quả kinh tế là mục tiêu nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng mà là mục tiêu xuyên suốt mọi hoạt động kinh tế. Trong kế hoạch và quản lý kinh tế nói chung hiệu quả là quan hệ so sánh tối ưu giữa đầu vào và đầu ra, là lợi ích lớn hơn thu được với một chi phí nhất định, hoặc một kết quả nhất định với chi phí nhỏ hơn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 23 Ngày nay, nhiều nhà khoa học cho rằng: xác định đúng khái niệm, bản chất hiệu quả thì phải xuất phát từ luận điểm triết học của Mác và những người nhận thức lí luận của lý thuyết hệ thống, nghĩa là hiệu quả phải được xem xét trên 3 mặt: hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường. 1.3.1. Hiệu quả kinh tế Theo Các Mác thì quy luật kinh tế đầu tiên trên cơ sở sản xuất tổng thể là quy luật tiết kiệm thời gian và phân phối một cách có kế hoạch thời gian lao động theo các ngành sản xuất khác nhau. Theo nhà khoa học kinh tế Samuelson Nordhuas "Hiệu quả có nghĩa là không lãng phí". Nghiên cứu hiệu quả sản xuất phải xét đến chi phí cơ hội, "Hiệu quả sản xuất diễn ra khi xã hội không thể tăng sản lượng một hàng hoá này mà không cắt giảm sản lượng một loại hàng hoá khác".Theo các nhà khoa học Đức như: Stenien, Rusteruyer, Simmerman, Hanau hiệu quả kinh tế là chỉ tiêu so sánh mức độ tiết kiệm chi phí trong một đơn vị kết quả hữu ích và mức tăng kết quả hữu ích của hoạt động sản xuất vật chất trong một thời kỳ, góp phần làm tăng thêm lợi ích của xã hội. Hiệu quả kinh tế phải đáp ứng được ba vấn đề: - Một là: Mọi hoạt động sản xuất của con người đều tuân theo quy luật "tiết kiệm thời gian". - Hai là: Hiệu quả kinh tế phải được xem xét trên quan điểm lý thuyết hệ thống. - Ba là: Hiệu quả kinh tế là một phạm trù phản ánh mặt chất lượng của các hoạt động kinh tế bằng quá trình tăng cường các nguồn lực sẵn có phục vụ cho lợi ích của con người. Hiệu quả kinh tế được hiểu là mối tương quan so sánh giữa lượng kết quả đạt được và lượng chi phí bỏ ra trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Kết quả đạt được là phần giá trị thu được của sản phẩm đầu ra, lượng chi phí bỏ ra là phần giá trị của các nguồn lực đầu vào. Mối tương quan cần xét cả về phần so sánh tuyệt đối và tương đối cũng như xem xét mối quan hệ chặt chẽ giữa hai đại lượng đó. Từ những vấn đề trên có thể kết luận rằng bản chất của phạm trù kinh tế sử Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 24 dụng đất là: với một diện tích đất đai nhất định sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất nhiều nhất với một lượng đầu tư chi phí về vật chất và lao động thấp nhất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về vật chất của xã hội. Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp: Đất đai nói chung và đất nông lâm nghiệp nói riêng là loại tư liệu sản xuất đặc biệt, một yếu tố đầu vào quan trọng nhất của sản xuất NLN. Tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế sử dụng đất là trên một đơn vị diện tích đất NLN nhất định có thể thu được khối lượng sản phẩm nhiều nhất với mức chi phí bỏ ra thấp nhất trong một khoảng thời gian nào đó. Hoặc cũng có thể coi tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế sử dụng đất là số lượng kết quả tăng thêm trên một đơn vị diện tích hoặc mức độ tiết kiệm chi phí bỏ ra để sản xuất một đơn vị sản phẩm. Tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế phải ứng dụng lý thuyết sản xuất cơ bản nguyên tắc tối ưu hoá có ràng buộc. Trong điều kiện sản xuất nhất định việc sử dụng đất đai phải cố gắng tối thiểu hoá các chi phí đầu vào theo nghĩa tiết kiệm các chi phí không cần thiết để sản xuất ra lượng sản phẩm nào đó hoặc cố gắng tối đa hoá lượng sản phẩm sản xuất khi có giới hạn diện tích đất và yếu tố sản xuất khác. Tiêu chuẩn hiệu quả kinh tế đối với công tác dồn điền đổi thửa đất NN phải gắn liền với hiệu quả kinh tế xã hội của các chủ thể và ngành hàng trong nền kinh tế quốc dân. Do vậy tiêu chuẩn hiệu quả sản xuất đất được đánh giá dựa trên quan điểm sử dụng đất tổng hợp bền vững dựa vào các chỉ tiêu đánh giá sau: - Đảm bảo an ninh lương thực và tạo nhiều sản phẩm có giá trị hàng hoá được thị trường chấp nhận, thúc đẩy sản xuất NLN phát triển, thực hiện tập trung và chuyên canh hoá trong sản xuất. - Có thu nhập và khả năng sinh lợi cao. Kiểm soát được xói mòn, bảo vệ và duy trì độ phì của đất, tăng năng suất cây trồng, giữ được quỹ đất, nguồn nước, đa dạng sinh học và tạo nhiều sản phẩm. - Không gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, thu hút nguồn lao động, tạo công ăn việc làm, không làm tổn hại đến rừng phòng hộ, các hoạt động sản xuất- xã hội, tăng thu nhập và đảm bảo đời sống xã hội. Tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả sản xuất đất NLN trước và sau khi thực hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 25 công tác đồn điền đổi thửa phải đặt trong mối quan hệ giữa việc sử dụng loại đất này với các loại đất khác (dân cư nông thôn, đất ở đô thị, đất chuyên dùng) và sự phát triển chung của nền kinh tế xã hội. Việc đánh giá hiệu quả kinh tế trước và sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp phải gắn với đặc điểm và trình độ phát triển sản xuất trong từng thời kỳ. Phải hiểu một cách đầy đủ bản chất của hiệu quả kinh tế trong mối quan hệ với hiệu quả xã hội, môi trường, hiệu quả trước mắt và lâu dài, hiệu quả toàn bộ và hiệu quả bộ phận. 1.3.2. Hiệu quả xã hội Phản ánh mối tương quan giữa kết quả thu được về mặt xã hội mà sản xuất mang lại với các chi phí sản xuất xã hội bỏ ra. Loại hiệu quả này đánh giá chủ yếu về mặt xã hội do hoạt động sản xuất đem lại. Theo Nguyễn Duy Tính (1995), hiệu quả về mặt xã hội sử dụng đất nông nghiệp chủ yếu được xác định bằng khả năng tạo việc làm trên một diện tích đất nông nghiệp. 1.3.3. Hiệu quả môi trường Hiệu quả môi trường là môi trường được sản sinh do tác động của sinh vật, hoá học, vật lý..., chịu ảnh hưởng tổng hợp của các yếu tố môi trường của các loại vật chất trong môi trường. Hiệu quả môi trường phân theo nguyên nhân gây nên gồm: hiệu quả hoá học môi trường, hiệu quả vật lý môi trường và hiệu quả sinh vật môi trường. Hiệu quả sinh vật môi trường là hiệu quả khác nhau của hệ thống sinh thái do sự phát sinh biến hoá của các loại yếu tố môi trường dẫn đến. Hiệu quả hoá học môi trường là hiệu quả môi trường do các phản ứng hoá học giữa các vật chất chịu ảnh hưởng của điều kiện môi trường dẫn đến. Hiệu quả vật lý môi trường là hiệu quả môi trường do tác động vật lý dẫn đến. 1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp Việc xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là hết sức cần thiết, nó giúp cho việc đưa ra những đánh giá phù hợp với từng loại vùng đất để trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Các nhân tố ảnh hưởng có thể chia thành 3 nhóm: Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 26 1.4.1. Nhóm các yếu tố về điều kiện tự nhiên a. Vị trí địa lý, địa hình: Vị trí địa lý có ảnh hưởng lớn đến bố trí sản xuất nói chung và có ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp (trồng trọt) nói riêng. Sản xuất nông nghiệp và nhất là trồng trọt gắn liền với các điều kiện tự nhiên như đất, nước, khí hậu thời tiết, ngoài ra cũng cần có điều kiện thuận lợi cho đầu ra của sản phẩm trồng trọt. Nếu vị trí thuận lợi sẽ là điều kiện vô cùng quan trọng giúp phát triển trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Nước ta là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, nắng lắm mưa nhiều thuận lợi cho việc trồng các loại cây nhiệt đới, ôn đới, diện tích đất đai màu mỡ được bồi đắp hàng năm do có các hệ thống sông. Mặt khác, nước ta nằm trong cửa ngõ giao lưu kinh tế giữa các nước châu Á, châu Âu, có nhiều cảng biển dễ dàng cho việc giao lưu trao đổi hàng hóa, nhất là hàng hóa nông sản. b. Chất lượng đất: Sản xuất nông nghiệp phải được tiến hành trên đất tốt mới có hiệu quả. Tuy nhiên, để hình thành đất với độ phì nhiêu cần thiết cho canh tác nông nghiệp phải trải qua hàng nghìn năm, thậm chí hàng vạn năm. Vì vậy, mỗi khi sử dụng đất đang sản xuất nông nghiệp nói chung và đất cho trồng trọt nói riêng cần cân nhắc kỹ để không rơi vào tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt mà làm không chú ý đến mục tiêu phát triển trong tương lai. c. Khí hậu - thời tiết: Thời tiết là trạng thái khí quyển đặc trưng bởi một tập hợp các yếu tố khí tượng quan trắc được trong một thời điểm hoặc 1 khoảng thời gian ngắn nhất định. Sự kết hợp các trị số của các yếu tố khí tượng rất khác nhau, ngoài ra nó biến thiên liên tục và đột ngột theo thời gian. Vì vậy, thời tiết có biểu hiện muôn hình muôn vẻ. Việt Nam nằm trên vòng cung Châu Á- Thái Bình Dương, là nơi gặp gỡ của các luồng gió mùa với gió phơn tây nam nên tính chất gió mùa thể hiện rõ rệt: khắp trong nước có 2 mùa , mùa mưa có lượng mưa chiếm 80-85% lượng mưa cả năm, mùa khô ít mưa thủy triều xâm nhập sâu vào châu thổ nên đất bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Điều này cũng ảnh hưởng lớn đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 27 việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp với từng miền, từng vùng lãnh thổ, theo từng mùa khác nhau. Mặc dù mưa lặp đi lặp lại theo từng năm nhưng những năm gần đây cũng có những biến đổi thất thường không giống nhau làm ảnh hưởng đến năng suất của cây trồng. Nếu thời tiết thuận lợi, mưa nắng điều hòa thì năng suất chất lượng của nông sản thu hoạch tăng và ngược lại một số hiện tượng thời tiết gây bất lợi cho sản xuất của ngành trồng trọt: - Hiện tượng bão: Khi thời tiết chuyển từ mùa hè sang mùa đông lạnh và mùa hè là thời gian thường có những trận mưa lớn kèm theo những trận gió xoáy, gió lốc gây thiệt hại không nhỏ cả về con người lẫn vật chất như các công trình xây dựng nơi cơn bão đi qua, vật nuôi chết, các loại cây lương thực có thể sẽ không cho thu hoạch hoặc thu hoạch rất ít, chất lượng kém. - Rét đậm rét hại và sương muối: Mùa đông lạnh kèm theo là sương muối, đây là hiện tượng thời tiết phổ biến ở vùng trung du miền núi phía Bắc. Rét đậm rét hại và sương muối khiến cho các loại cây lương thực dễ bị chết, nhất là mạ mới gieo, năng suất các cây ăn quả giảm. 1.4.2. Nhóm các yếu tố Kinh tế - Xã hội a. Vốn đầu tư: Vốn đầu tư cho nông nghiệp là điều kiện không thể thiếu được để thực hiện quá trình sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, vì vậy, vai trò của vốn đầu tư là rất quan trọng đối với sự phát triển nông nghiệp, cũng như đối với hiệu quả sử dụng đất, nó thể hiện: + Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, ngành nông nghiệp là ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, có tính rủi ro cao. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường, người sản xuất sẽ tập trung vào đầu tư các ngành có lợi nhuận cao. Ngành nông nghiệp là ngành có lợi nhuận thấp rủi ro cao sẽ ít được chú ý quan tâm. Bởi thế, muốn cho ngành nông nghiệp phát triển nhanh cần có sự đầu tư hợp lý. + Đầu tư cho nông nghiệp còn góp phần giải quyết các vấn đề của xă hội như: tạo công ăn việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả các chính sách của nhà nước. Hoạt động đầu tư là điều kiện cần thiết cho sự Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 28 phát triển của sản xuất nông nghiệp nói chung và ngành trồng trọt nói riêng. Đầu tư cho trồng trọt như cây giống, phân bón còn góp phần làm tăng độ mầu mỡ của đất, theo đó cũng tăng năng suất cây trồng. b. Lao động: Nguồn lực lao động là lực lượng sản xuất quan trọng nhất của xã hội, nguồn lao động trong nông nghiệp là tổng thể sức lao động tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, bao gồm số lượng và chất lượng người lao động. Số lượng người lao động trong ngành trồng trọt là số người tham gia vào tất cả các hoạt động sản xuất trong ngành trồng trọt bao gồm những người trong độ tuổi lao động (15-60 tuổi). Chất lượng người lao động thể hiện trình độ học vấn của người lao động. Nếu như người lao động có trình độ sẽ dễ dàng tiếp thu những tiến bộ khoa học hơn nhờ đó cũng sẽ làm cho năng suất, chất lượng nông sản tăng. c. Chính sách khuyến nông của nhà nước: Chính sách khuyến nông là những chính sách, biện pháp nhằm khuyến khích nông nghiệp phát triển theo định hướng. Hệ thống chính sách nông nghiệp nhằm giúp đỡ cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống và xây dựng nông thôn mới. Chính sách ruộng đất là một trong những chính sách quan trọng nhất trong hệ thống các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Thứ nhất, ruộng đất là nguồn lực chủ yếu và cơ bản của hoạt động sản xuất của ngành trồng trọt, là cơ sở tự nhiên để tạo ra các sản phẩm. Người nông dân coi ruộng đất là tài sản quý giá và thiêng liêng. Tuy nhiên, họ chỉ quan trọng khi ruộng đất nó là của chính họ. Do vậy, họ chỉ đầu tư và cải tạo ruộng đất, làm tăng độ phì nhiêu của đất, cải tạo đất khi mà họ làm chủ nó. Bởi vậy, chính sách ruộng đất hợp lý là rất cần thiết, nó sẽ làm cho việc sử dụng đất đai hợp lý hơn đồng thời cũng làm tăng hiệu quả của các chính sách phát triển nông nghiệp khác. Do chính sách hợp lý tạo điều kiện cho việc sử dụng ruộng đất hợp lý có hiệu quả; thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; có tác dụng trong quá trình chuyển nông nghiệp nông thôn sang sản xuất hàng hóa. Ngoài ra, chính sách ruộng đất hợp lý cũng làm giảm bớt vấn đề tranh chấp ruộng đất. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 29 d. Thị trường đầu ra cho sản phẩm: Tất cả các hàng hóa đều cạnh tranh quyết liệt trên thị trường, các sản phẩm không chỉ đáp ứng nhu cầu của vùng và trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước khác. Nông sản nào mà không có thị trường tiêu thụ hoặc thị trường tiêu thu hẹp thì thu nhập của người dân khó khăn hơn. Do vậy, nên lựa chọn các nông sản có thị trường rộng rãi để làm tăng thu nhập. - Hệ thống thị trường và sự hình thành thị trường đất nông nghiệp, thị trường nông sản. Có 3 yếu tố chủ yếu ảnh hưởng tới sử dụng đất là: năng suất cây trồng, hệ số quay vòng đất và thị trường cung cấp đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra (UBND Thành phố Phủ Lý, 2014). - Hệ thống chính sách: chính sách đất đai, chính sách điều chỉnh cơ cấu đầu tư, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, chính sách thuế xuất nhập khẩu nông sản, chính sách tín dụng và ngân hàng. - Sự ổn định chính trị xã hội và các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp của cả nước. - Những kinh nghiệm, tập quán sản xuất nông nghiệp, trình độ, năng lực của các chủ thể sản xuất kinh doanh, trình độ đầu tư. 1.4.3. Yếu tố về tổ chức cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tổ chức a. Hệ thống đê điều, thuỷ lợi, giao thông: Trong hoat động nông nghiệp, nhất là trong hoạt động trồng trọt, nước là tố vô cùng quan trọng và không thể thiếu. Cây trồng cần phải được tưới lượng nước phù hợp mới đảm bảo được các quá trình sinh trưởng phát triển. Vì vậy, cần có một hệ thống tưới tiêu với các kênh, mương phù hợp, sao cho dẫn nước được tới từng khu vực, đảm bảo lượng nước cần thiết cho cây trồng. Nước ta có hệ thống sông ngòi dầy đặc, từ Bắc đến Nam, lại là lưu vực của nhiều con sông lớn nên rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Nước ta có hệ thống sông ngòi chằng chịt, có mùa mưa và mùa khô phân rõ rệt, mùa mưa có lượng mưa chiếm 80-85% lượng mưa trong năm, vào mùa mưa lưu lượng nước qua các con sông lớn nên thường xảy ra lũ lụt làm ngập úng các loại cây. Do vậy, việc xây dựng hệ thống đê kè kiên cố là rất cần thiết để bảo vệ mùa màng, mỗi năm sắp đến mùa Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 30 mưa lũ đều phải kiểm tra độ chắc chắn của đê. Hệ thống giao thông giúp cho nông sản đến được tay người tiêu dùng, nó đóng vai trò không thể thiếu được trong việc lưu thông sản phẩm, góp phần làm tăng thu nhập của người sản xuất. b. Kỹ thuật canh tác: + Kỹ thuật về giống cây trồng: Đây là vấn đề luôn được quan tâm của mọi nền sản xuất nông nghiệp là làm sao để tạo ra được giống cây trồng mới có sản lượng, chất lượng cao, thích hợp ở nhiều điều kiện về đất đai khí hậu khác nhau. Giống cây trồng tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng đất, giống tốt và thích hợp thì mới cho năng suất cao và chất lượng nông sản tốt, giá bán cao, tăng thu nhập của người lao động, làm tăng hiệu quả sử dụng đất. Trình độ của người lao động: Người lao động có trình độ, tiếp thu tốt những kỹ thuật canh tác, tìm ra thị trường tiềm năng cho sản phẩm của mình, đồng thời cũng dễ dàng áp dụng được những loại máy móc sử dụng trong trồng trọt: máy cày, máy tuốt lúa. +Trình độ kỹ thuật được áp dụng trong canh tác: Kỹ thuật canh tác của người lao động tiến tiến làm cho sản lượng cây trồng theo đó cũng tăng lên, chất lượng nông sản tăng. Mặt khác, kết hợp trồng cây xen vụ tăng vụ cũng làm tăng sản lượng thu hoạc được trên đất sử dụng cũng là yếu tố tác động đến hiệu quả sử dụng đất. c. Nhóm các yếu tố tổ chức - Công tác quy hoạch bố trí sản xuất: thực hiện công tác phân vùng quy hoạch sinh thái nông nghiệp dựa vào điều kiện tự nhiên, dựa trên cơ sở phân tích, dự báo và đánh giá nhu cầu thị trường, gắn với quy hoạch phát triển các khu công nghiệp chế biến, kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và thể chế pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường. Đó là cơ sở để phát triển hệ thống cây trồng vật nuôi và khai thác đất một cách đầy đủ, hợp lý. - Hình thức tổ chức sản xuất: các hình thức tổ chức sản xuất có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp (Cục thống kê Hà Nam, 2010). Vì thế, phát huy thế mạnh của các loại hình tổ chức Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 31 sản xuất phù hợp và giải quyết tốt mối quan hệ giữa các hình thức đó. Trong tương lai hình thành nên quy mô sản xuất trên ô thửa lớn bằng việc tích tụ ruộng đất và chuyển đổi ruộng đất, đồng thời với việc xác lập các hệ thống tổ chức sản xuất như hợp tác xã, từng bước hình thành các trang trại tập trung phát triển sản xuất. 1.5. Những nghiên cứu nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa tại Việt Nam Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới ẩm châu Á, có nhiều thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên đất có hạn, dân số nước ta lại đông. Mặt khác, dân số tăng nhanh làm cho bình quân diện tích trên đầu người ngày càng giảm. Theo dự kiến, nếu tốc độ tăng dân số là 1 – 1,2%/năm thì dân số Việt Nam sẽ là 100,8 triệu người vào năm 2020. Vì thế, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp là yêu cầu thiết yếu đối với Việt Nam trong những năm tới. Ngay từ những năm 1960, Bùi Huy Đáp đã nghiên cứu đưa cây lúa xuân giống ngắn ngày và tập đoàn cây vụ đông vào sản xuất, do đó đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Vùng ĐBSH, với diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 44% tổng diện tích đất tự nhiên toàn vùng. Trong đó có gần 90% đất nông nghiệp dùng để trồng trọt (Dự án quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Hồng, 1994). Vì vậy, đây là nơi thu hút nhiều công trình nghiên cứu khoa học, góp phần định hướng cho việc xây dựng các hệ thống cây trồng và sử dụng đất thích hợp. Trong đó phải kể đến các công trình như: nghiên cứu đưa cây lúa xuân đã tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong sản xuất nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng; Vấn đề luân canh bố trí hệ thống cây trồng để tăng vụ, gối vụ, trồng xen để sử dụng tốt hơn nguồn lực đất đai, khí hậu (Nguyễn Điền, 2001); Hiệu quả sử dụng đất canh tác trên đất phù sa sông Hồng huyện Mỹ Văn -Tỉnh Hải Hưng của tác giả Vũ Thị Bình,1993; Đánh giá kinh tế đất lúa vùng ĐBSH của tác giả Quyền Đình Hà,1993; Quy hoạch sử dụng đất vùng ĐBSH của tác giả Phùng Văn Phúc,1996. Công trình nghiên cứu phân vùng sinh thái, hệ thống giống lúa, hệ thống cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng do Đào Thế Tuấn chủ trì và hệ thống cây trồng vùng đồng bằng sông Cửu Long do Nguyễn Văn Luật chủ trì cũng đưa ra một số kết Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 32 luận về phân vùng sinh thái và hướng áp dụng những giống cây trồng trên những vùng sinh thái khác nhau nhằm khai thác sử dụng đất đem lại hiệu quả kinh tế cao (Cao Liêm và cs, 1990). Chương trình đồng trũng 1985 – 1987 do Ủy ban kế hoạch Nhà nước chủ trì, chương trình bản đồ canh tác 1988 – 1990 do Ủy ban khoa học Nhà nước chủ trì cũng đã đưa ra những quy trình hướng dẫn sử dụng giống và phân bón có hiệu quả trên các chân ruộng vùng úng trũng đồng bằng sông Hồng, góp phần làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng các vùng sinh thái khác nhau. Các đề tài nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đã tiến hành nghiên cứu hệ thống cây trồng trên các vùng sinh thái khác nhau như vùng miền núi, vùng trung du và vùng đồng bằng nhằm đánh giá hiệu quả cây trồng trên từng vùng đất đó. Từ đó định hướng cho việc khai thác tiềm năng đất đai của từng vùng sao cho phù hợp với quy hoạch chung của nền nông nghiệp cả nước, phát huy tối đa lợi thế so sánh của từng vùng. Những năm gần đây, chương trình quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng (VIE/89/032) đã nghiên cứu đề xuất dự án phát triển đa dạng hóa nông nghiệp đồng bằng sông Hồng (Dự án Quy hoạch tổng thể đồng bằng sông Hồng, 1994). Các công trình nghiên cứu đã vận dụng phương pháp đánh giá đất đai của FAO thực hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/250000 cho phép đánh giá ở mức độ tổng hợp phục vụ cho quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Hồng. Các đề tài nghiên cứu trong chương trình KN – 01 (1991 – 1995) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đã tiến hành nghiên cứu hệ thống cây trồng trên các vùng sinh thái khác nhau như vùng núi và trung du phía Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long… nhằm đánh giá hiệu quả của các hệ thống cây trồng trên từng vùng đất đó. Đề tài đánh giá đất và hướng sử dụng đất bền vững trong sản xuất nông nghiệp của huyện Tiên Sơn tỉnh Bắc Ninh (Đỗ Nguyên Hải, 2001). Đề tài đánh giá hiệu quả một số mô hình đa dạng hóa cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng của Vũ Năng Dũng – 1997 cho thấy, ở vùng này đã xuất hiện nhiều mô hình luân canh 3 đến 4 vụ/năm đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt ở vùng ven đô, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 33 vùng tưới tiêu chủ động đã có những điển hình về sử dụng đất đai đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đã được bố trí trong công thức luân canh: cây ăn quả, hoa, cây thực phẩm cao cấp, đạt giá trị sản lượng bình quân từ 30 đến 35 triệu đồng/năm. Nhìn chung nền nông nghiệp Việt Nam đang có hướng đi lên, phần nào đáp ứng được vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ đất, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc nghiên cứu về đất và sử dụng đất mới được thực hiện trên phạm vi vùng không gian rộng, cho nên tính thực tiễn của nó chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới cần phải có những nghiên cứu về đất và sử dụng đất mang tính cụ thể hơn, thực tiễn hơn cho từng địa phương (cấp xã, cụm xã, cấp huyện), có như vậy thì mới mang lại hiệu quả cao trong sử dụng đất. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 34 Chương 2. NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU 2.1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu: Quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Phủ Lý và tác động, ảnh hưởng, ý nghĩa của công tác dồn điền đổi thửa đến hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp của hộ nông dân... Phạm vị nghiên cứu: đề tài tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp và tác động, ảnh hưởng, ý nghĩa của công tác dồn điền đổi thửa đến hiệu quả kinh tế sử dụng và quản lý đất nông nghiệp của hộ nông dân trên địa bàn thành phố Phủ Lý (tập trung nghiên cứu 4 xã, tiêu biểu đại diện cho 2 vùng trong thành phố Phủ Lý ) 2.2. Nội dung nghiên cứu 2.2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội - Điều kiện tự nhiên: Vị trí địa lý, khí hậu, thủy văn, tài nguyên đất. - Tình hình phát triển kinh tế: Cơ cấu các ngành kinh tế; cơ sở hạ tầng; lao động; dân số; giáo dục; truyền thông. - Thực trạng quản lý và sử dụng đất đai của thành phố Phủ Lý + Tình hình quản lý đất đai. + Hiện trạng sử dụng đất + Tình hình biến động đất đai 2.2.2. Tình hình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa của thành phố Phủ Lý - Cơ sở pháp lý tiến hành dồn điền đổi thửa. - Tổ chức thực hiện dồn điền đổi thửa. - Kết quả thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. 2.2.3. Ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa - Tăng hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đất đai. - Quản lý đất công ích đúng luật và hiệu quả hơn. - Thay đổi cơ cấu sử dụng đất, phát triển cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp. - Tăng thu nhập cho hộ sản xuất nông nghiệp. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 35 2.2.4. Hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa - Trên cơ sở các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. - Những tồn tại trong công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn Thành phố Phủ Lý 2.2.5. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa. 2.3. Phương pháp nghiên cứu 2.3.1. Phương pháp chọn điểm nghiên cứu Thành phố Phủ Lý có 21 xã, phường, tuy là thành phố đô thị nhưng có trên 51% là diện tích đất nông nghiệp; trên 60% dân số là hộ thuần nông; địa hình bị chia cắt bởi ba con sông lớn(là Sông Đáy, Sông Châu Giang, Sông Nhuệ) làm thành phố bị phân thành nhiều vùng khác nhau nhưng lại có các đặc điểm địa hình- địa mạo, điều kiện canh tác, tập quán sản xuất nông nghiệp tương đồng nhau, dựa trên những đặc điểm trên có thể chia thành phố Phủ Lý thành 02 vùng sản xuất nông nghiệp cơ bản sau: - Vùng 1: có 12 xã, phường(gồm xã Tiên Tân, xã Kim Bình, xã Phù Vân, phường Lê Hồng Phong, Phường châu Sơn, Phường Thanh Tuyền, Phường Thanh Châu, Phường Trần Hưng Đạo, Phường Minh Khai, Phường Lương Khánh Thiện, Phường Hai Bà Trưng, Phường Quang Trung), trên đây tác giả xin lấy 02 - Vùng 2: gồm 09 xã, phường(gồm xã Tiên Hiệp, Phường Lam Hạ, Phường Liêm Chính, Xã Liêm Chung, xã Liêm Tiết, xã Liêm Tuyền, xã Tiền Hải, xã Trịnh Xã, Xã Đinh Xá). Cả hai vùng trên đều có vị trí địa lý, khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, tập quán sản xuất nông nghiệp tương đồng nhau để làm đối tượng so sánh đánh giá chéo 02 vùng và so sánh, đánh giá 2 xã trong cùng 1 vùng về tính hiệu quả khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, trong đó: Vùng 1: lấy 02 xã điểm để nghiêm cứu là xã Tiên Tân và Kim Bình với diện tích tự nhiên 1376,64ha, chiếm 15,67% đất tự nhiên toàn thành phố. Vùng 2: lấy 02 xã điểm để nghiêm cứu là xã Tiên Hiệp và xã Liêm Tuyền với diện tích tự nhiên 841,67ha, chiếm 9,58% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 36 Hình 2.1. Ruộng đất xã Tiên Hiệp 2.3.2. Phương pháp thu thập thông tin - Điều tra, thu thập thông tin số liệu thứ cấp: đó là những thông tin, số liệu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình nghiên cứu của đề tài đã được công bố chính thức ở các cấp, ngành. Các thông tin chủ yếu gồm: số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội; hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp qua các năm; bản đồ hiện trạng sử dụng đất; các văn bản về chính sách đất đai, các chính sách về khuyến khích đầu tư sản xuất và các thông tin, số liệu khác. - Thu thập thông tin số liệu sơ cấp: đó là các thông tin chưa được công bố chính thức trong từng nông hộ, nó phản ánh đời sống kinh tế, văn hoá xã hội, đặc biệt là các vấn đề về sử dụng đất và các vấn đề khác có liên quan. 2.3.3.Phương pháp điều tra nông hộ: Phương pháp điều tra thông qua phiếu điều tra nông hộ. Mỗi hộ 01 phiếu, mỗi xã 30 phiếu. Tổng số phiếu điều tra 04 xã điểm nghiên cứu là 120 phiếu. 2.3.4. Phương pháp xử lý số liệu, dữ liệu Tiến hành xử lý số liệu bằng phần mềm Excel 2.3.5. Phương pháp xác định hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp * Hiệu quả kinh tế. - Để đánh giá hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp chúng tôi tiến hành Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 37 phân tích hiệu quả trong quá trình sản xuất các cây, con chính trên đồng đất Phủ Lý thông qua các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu sau: + Giá trị sản xuất (GO): là toàn bộ giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ được tạo ra trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm). Nó phản ánh năng xuất đất đai trên khía cạnh lượng giá trị thu được trên một đơn vị diện tích. GO = Trong đó: ∑ Qi*Pi - Qi là sản lượng của sản phẩm thứ i được tạo ra - Pi là giá của đơn vị sản phẩm thứ i + Chi phí trung gian (IC): là toàn bộ khoản chi phí vật chất thường xuyên bằng tiền mà chủ thể bỏ ra thuê và mua các yếu tố đầu vào và dịch vụ sử dụng trong quá trình sản xuất, như: chi phí về giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, làm đất, vận chuyển, chi phí khác...Chỉ tiêu này phản ánh mức đầu tư chi phí trên một đơn vị diện tích gieo trồng. IC = ∑ Cj Trong đó: Cj là khoản chi phí thứ j + Giá trị gia tăng (VA): là hiệu số giữa GO và chi phí trung gian IC; là giá trị sản phẩm xã hội được tạo thêm trong một thơì kỳ sản xuất đó. Chỉ tiêu này phản ánh hiệu quả sử dụng đất ở khía cạnh giá trị sản phẩm mới tạo gia trên một đơn vị diện tích. VA = GO - IC + Hiệu quả kinh tế/một ngày công lao động (LĐ) quy đổi: GO/LĐ và VA/LĐ, thực chất là đánh giá kết quả đầu tư lao động sống cho từng kiểu sử dụng đất và từng cây trồng làm cơ sở để so sánh với chi phí cơ hội của từng người lao động. Các chỉ tiêu phân tích được đánh giá định lượng (giá trị tuyệt đối) bằng tiền theo thời giá hiện hành và định tính (tương đối) được tính bằng mức độ cao thấp. Các chỉ tiêu đạt được càng cao thì hiệu quả kinh tế càng lớn. * Các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả xã hội Hiệu quả xã hội là phạm trù có liên quan mật thiết với hiệu quả kinh tế và thể hiện mục tiêu hoạt động kinh tế của con người, việc lượng hoá các chỉ tiêu biểu hiện Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 38 hiệu quả xã hội còn gặp nhiều khó khăn mà chủ yếu phản ánh bằng các chỉ tiêu mang tính chất định tính như tạo công ăn việc làm cho lao động, xoá đói giảm nghèo, định canh, định cư, công bằng xã hội, nâng cao mức sống của toàn dân. Do điều kiện về thời gian và phạm vi nghiên cứu của đề tài nên chúng tôi đánh giá hiệu quả xã hội theo một số chỉ tiêu mang tính định tính như sau: - Mức độ chấp nhận của người dân thể hiện ở mức độ ý kiến của hộ. - Đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng lợi ích của người nông dân. - Đáp ứng được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của vùng. - Thu hút nhiều lao động, giải quyết công ăn việc làm cho người nông dân. - Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật... - Khả năng sản xuất hàng hoá thể hiện ở chủng loại sản phẩm, số lượng tiêu thụ, giá cả, thị trường tiêu thụ. * Các chỉ tiêu về hiệu quả môi trường Trong sản xuất nông nghiệp, hiệu quả môi trường là hiệu quả mang tính lâu dài, vừa đảm bảo lợi ích hiện tại mà không làm ảnh hưởng xấu đến tương lai. Nó gắn chặt với quá trình khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất và môi trường sinh thái. Việc xác định hiệu quả về mặt môi trường của quá trình sử dụng đất rất phức tạp, khó định lượng, đòi hỏi phải được nghiên cứu, phân tích trong một thời gian dài để có thể kiểm chứng và đánh giá. Vậy nên đề tài chỉ đánh giá hiệu quả môi trường theo một số chỉ tiêu mang tính định tính như sau: - Cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với môi trường sản xuất nông nghiệp; - Khả năng duy trì và cải thiện độ phì của đất, hạn chế ô nhiễm do sử dụng thuốc vệ thực vật; Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 39 Chương 3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN 3.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội 3.1.1. Điều kiện tự nhiên 3.1.1.1. Vị trí địa lý Thành phố Phủ Lý là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội của tỉnh Hà Nam. Địa giới hành chính của thành phố tiếp giáp như sau: - Phía Bắc giáp huyện Duy Tiên - Phía Nam giáp huyện Thanh Liêm - Phía Đông giáp huyện Bình Lục - Phía Tây giáp huyện Kim Bảng. Diện tích tự nhiên của thành phố là 8.787,31 ha. Thành phố có 21 đơn vị hành chính với 11 phường (gồm: Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Lương Khánh Thiện, Quang Trung, Thanh Châu, Liêm Chính, Châu Sơn, Lam Hạ, Thanh Tuyền) và 10 xã (gồm: Liêm Chung, Phù Vân, Tiên Tân, Tiên Hiệp, Tiên Hải, Đinh Xá, Trịnh Xá, Liêm Tuyền, Liêm Tiết, Kim Bình). Dân số toàn thành phố tính đến năm 2014 là 138.502 người, mật độ dân số là 1.576 người/km2 (Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, 2015). Thành phố Phủ Lý nằm ở cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy thuận lợi; cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho thành phố phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội.... 3.1.1.2. Địa hình, địa mạo Thành phố Phủ Lý nằm ở vùng đồng bằng ven sông và ven núi nên địa hình bị chia cắt mạnh bởi các sông và các khu vực trũng thấp, cụ thể: Khu vực dọc theo Quốc lộ 1A do được tôn nền trong quá trình xây dựng có cao độ lớn nhất, trung bình từ 3,0 - 5,0 m so với mực nước biển. Khu vực ven sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang có cao độ trung bình 2,5 - 3 m so với mực nước biển. Khu vực ruộng canh tác thường có cao độ từ 1,5 ÷ 3 m và có xu hướng cao dần về phía Tây giáp với khu vực Bút Sơn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 40 Khu vực có địa hình thấp nhất gồm hệ thống các đầm hồ trũng ở phía Bắc thành phố với cao độ 1,5m và thường xuyên bị ngập nước. 3.1.1.3. Khí hậu Phủ Lý nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. + Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, mùa này lượng mưa ít chiếm 15% lượng mưa cả năm, gió chủ yếu là gió mùa Đông Bắc + Mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, mùa này mưa nhiều chiếm gần 70% lượng mưa cả năm, có năm lên đến 80%, gió chủ yếu là gió mùa Đông Nam. Các yếu tố khí hậu như: gió, nhiệt độ, độ ẩm… cũng thay đổi theo mùa. + Về nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm dao động từ 17oC - 24oC về mùa đông, nhiệt độ trung bình là 18,5oC. Các tháng lạnh nhất trong năm là tháng 1, tháng 2. Nhiệt độ thấp tuyệt đối là 8oC. - Về mùa hè, nhiệt độ trung bình là 28,8oC. Các tháng nóng nhất trong năm là tháng 6, tháng 7. Nhiệt độ cao tuyệt đối là 38oC + Về nắng: Tổng số giờ nắng trung bình trong các năm từ 1.100 - 1.200 giờ với tổng nhiệt độ trung bình năm là 8.300 - 8.600oC. Số giờ nắng cũng phụ thuộc vào mùa. Mùa đông số giờ nắng trong năm chỉ chiếm trung bình 28% số giờ nắng cả năm. Có tháng chỉ có 17,9 giờ nắng, trời âm u, độ ẩm cao, sâu bệnh phát triển, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Các tháng về mùa hè tổng số giờ nắng lớn. Các tháng có giờ nắng cao là tháng 6, tháng 7, và tháng 10. + Về độ ẩm: - Độ ẩm trung bình các tháng trong năm chênh lệch không lớn, giữa tháng ẩm nhất và tháng khô nhất chỉ chênh nhau 12%. Độ ẩm trung bình tối đa là 90%; độ ẩm trung bình tối thiểu 84%. Độ ẩm trung bình tháng dưới 85% chỉ chiếm 32%. Các tháng khô hanh là tháng 6, tháng 10, tháng 11 và tháng 12. + Về gió: Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 41 - Hướng gió thay đổi theo mùa. Tốc độ gió trung bình từ 2 - 2,5 m/s. Mùa Đông hướng gió thịnh hành là Đông Bắc, với tần suất từ 60 - 75%. Tốc độ gió trung bình lớn hơn mùa hè, thường từ 2,4 - 2,7 m/s. Những tháng cuối mùa đông, gió có xu hướng chuyển dần về phía đông. Những ngày đầu của đợt gió mùa đông bắc thường có gió cấp 4, cấp 5. Mùa hè, hướng gió thịnh hành là Đông Nam, với tần suất từ 50 - 65%, tốc độ gió trung bình là 1,8 - 2,1m/s. Khi giông bão, tốc độ gió cực đại đạt gần 30m/s. Đầu mùa hạ thường xuất hiện gió Tây Nam khô nóng. 3.1.1.4. Thuỷ văn Phủ Lý có hệ thống sông ngòi dày đặc với diện tích lưu vực khoảng 214,24 ha, chiếm 6,25% tổng diện tích tự nhiên, trong đó có 3 con sông lớn - Sông Đáy chạy qua địa phận thành phố dài 7,8 km, tuy nguồn nước kém dồi dào hơn và ít phù sa nhưng cũng là nguồn nước quan trọng cả về cấp thoát nước và lẫn giao thông thủy của thành phố. Dòng chảy của sông Đáy chịu ảnh hưởng rõ rệt của chế độ mưa. Lượng nước từ tháng 6 đến tháng 10 chiếm khoảng 80% lượng nước cả năm, riêng tháng 9 chiếm khoảng 20%. - Sông Nhuệ là sông đào nối sông Hồng tại Thụy Phương với sông Đáy tại Phủ Lý, chạy qua địa phận thành phố dài khoảng 3 km. Mùa mưa nước sông Đáy lên cao ảnh hưởng đến lũ sông Nhuệ. Hiện nay nước sông Nhuệ bị ô nhiễm nặng nề, đã ảnh hưởng đến công tác tưới tiêu cho cây trồng và gây ô nhiễm nguồn nước sông Đáy và sông Châu. - Sông Châu Giang nối sông Hồng tại Yên Lệnh với sông Đáy tại Phủ Lý, chạy qua địa phận thành phố dài khoảng 4 km, bề rộng trung bình 30m, bề rộng lớn nhất 40 m, sâu trung bình ≈ 2m. Đây là mạng lưới sông quan trọng cung cấp nguồn nước và tiêu nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân trong thành phố. 3.1.1.5. Các nguồn tài nguyên 3.1.1.5.1. Tài nguyên đất Đất đai thành phố Phủ Lý được hình thành do phù sa cổ của hệ thống sông Hồng bồi đắp và đất hình thành tại chỗ. Tổng diện tích đất đai của Phủ Lý là Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 42 8.787,31 ha. Theo nghiên cứu của Viện thổ nhưỡng nông hóa Việt Nam, diện tích dùng để điều tra thổ nhưỡng là 1871,51 ha cho kết quả như sau: - Đất phù sa glây, chua, cơ giới nhẹ, nghèo bazơ (flg). Diện tích 289,73 ha chiếm 15,48% diện tích điều tra, phần diện tích này phân bố tập trung ở xã Lam Hạ một số ít ở Thanh Châu và Liêm Chính, đất tốt thích hợp cho việc trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày. Các công thức trồng trọt phải chọn cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn và tránh giai đoạn ngập lũ từ tháng 7 đến tháng 9. - Đất phù sa chua, cơ giới nhẹ, glây sâu (fld.argl). Diện tích 192,70 ha chiếm 10,32% diện tích điều tra, bản chất là phù sa của hệ thống sông Hồng, phân bố tập trung ở xã Liêm Chung….nơi địa hình cao do trồng lúa nên đã suất hiện glây. Thành phần chủ yếu là thịt nhẹ, hàm lượng các chất hữu cơ cao, loại đất này thích hợp cho trồng lúa, lúa màu. - Đất phù sa chua, cơ giới trung bình, glây sâu, đọng nước (fld.sl). Diện tích 442,84 ha chiếm 23,66 % diện tích điều tra, phân bố tập trung ở các xã Châu Sơn và phường Lê Hồng Phong. Loại đất này có thành phần cơ giới là từ thịt trung bình đến thịt nặng, địa hình thấp, thích hợp cho trồng lúa và cây hoa màu. - Đất phù sa chua nghèo bazơ (fld.vt). Diện tích 389,35 ha chiếm 20,80% diện tích điều tra, phân bố chủ yếu ở các xã Châu Sơn, Liêm Chung, Thanh Châu, Liêm Chính… Thành phần cơ giới biến đổi từ thịt trung bình đến thịt nặng, địa hình thấp, nồng độ pH 4,5 - 5, hàm lượng mùn, lân dễ tiêu khá. Loại đất này phù hợp cho trồng lúa 2 vụ. - Đất phù sa, ít chua, cơ giới trung bình, điển hình (fle.ar). Diện tích 53,83 ha chiếm 2,87% diện tích điều tra, phân bố chủ yếu ở xã Châu Sơn. Thành phần cơ giới chủ yếu là thịt nhẹ, địa hình thấp, hàm lượng mùn, lân dễ tiêu khá. Loại đất này thích hợp cho trồng lúa, lúa màu. - Đất phù sa, ít chua, cơ giới trung bình (fle.sl). Diện tích 415.53 ha chiếm 22,20% diện tích điều tra, phân bố chủ yếu ở xã Phù Vân, Lam Hạ. Thành phần cơ giới chủ yếu là thịt trung bình, địa hình thấp, hàm lượng mùn, lân dễ tiêu khá. Loại đất này thích hợp cho trồng 2 vụ lúa. - Đất cát điển hình, chua, glây sâu (arh). Diện tích 87,53 ha chiếm 4,67% Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 43 diện tích điều tra, phân bố tập trung ở xã Liêm Chính, Liêm Chung và một phần nhỏ ở xã Thanh Châu. 3.1.1.5.2. Tài nguyên nước Nhìn chung nguồn nước của Phủ Lý khá dồi dào nằm ở ngã ba sông Đáy, sông Nhuệ và sông Châu, đồng thời có nhiều ao hồ nên thành phố Phủ Lý có nguồn nước mặt tương đối dồi dào. Bảng 3.1 Chất lượng nước sông, hồ trong những năm gần đây TT Thông số Đơn vị tính Kết quả (được lấy giá trị trung bình từ các lần đo) 2009 2010 2011 2012 2013 2014 Nước mặt tại hồ Chùa Bầu 1 pH - 7,4 7,43 7,15 7,06 7,53 8,09 2 Chất rắn lơ lửng mg/l 28,8 45,67 62,5 68,33 68,75 22,83 3 COD mg/l 13,55 16,67 22,5 23 24,5 27 4 Ô xy hòa tan mg/l 4,8 6,6 6,215 5,83 5,2 6,25 5 Amoni mg/l 0,49 0,13 0,148 0 0,05 1,52 6 Nitrit mg/IN 0,22 0,09 0,057 0,06 0,077 0,11 7 Nitrat mg/IN 1,15 0,5 0,36 0,39 1,6 1,82 Nước mặt tại ngã ba sông Đáy, sông Nhuệ, sông Châu Giang 1 pH - 7,27 7,193 7,068 7,09 7,31 7,52 2 Chất rắn lơ lửng mg/l 64,35 46,67 58,75 75 62,5 26,92 3 COD mg/l 9,7 14,33 16 34 20,25 24,34 4 Ô xy hòa tan mg/l 6,4 6,6763 6,768 6,12 5,3725 5,88 5 Amoni mg/l 1,025 1,057 0,21 2,17 1,7275 1,2 6 Nitrit mg/IN 0,13 0,124 0,052 0,09 0,079 0,1 7 Nitrat mg/IN 0,66 0,633 0,365 0,33 2,05 1,64 8 Phosphat mg/l 0,345 0,293 0,34 0,9 0,69 1,1 (Nguồn: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nam) Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 44 * Nguồn nước mặt Nguồn nước sông Đáy có lưu lượng trung bình trên 400 m3/s (cao nhất là 798 m3/s và thấp nhất là 2,6 m3/s ) với chất lượng nước khá tốt. Đây là điều kiện khá thuận lợi không chỉ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt. Tuy nhiên, do Phủ Lý nằm ở vùng hạ lưu nên việc khai thác sử dụng nguồn nước mặt cũng có những hạn chế nhất định. Do đó khống chế được lượng nước chảy qua nên về mùa mưa thường gây ngập lụt và chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết phân lũ sông Đáy của Trung ương, ngược lại về mùa khô, mực nước sông thấp nên việc khai thác sử dụng gặp nhiều khó khăn. Về tài nguyên nước ngầm ở thành phố Phủ Lý phụ thuộc vào mực nước các sông và thay đổi theo mùa. Hiện nay nước ngầm trên địa bàn thành phố đang bị nhiễm Asen nặng. Số liệu phân tích mẫu nước ngầm tại Phủ Lý cho thấy 20% mẫu nước có hàm lương Asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép (tiêu chuẩn QCVN 08:2008/BTNMT) từ 1,2 – 10 lần. 3.1.1.5.3. Tài nguyên nhân văn Thành phố Phủ Lý được hình thành vào năm 1832, trải qua 180 năm xây dựng và phát triển đã gặp không ít những thăng trầm. Với lịch sử kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp (1945 - 1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Phủ Lý đã kiên cường bám trụ, đánh địch trên tất cả các mặt trận, lập nên nhiều chiến công vang dội, tiêu diệt nhiều quân địch. Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Phủ Lý với sự cần cù thông minh sáng tạo đã không ngừng đấu tranh xây dựng để có được thành phố Phủ Lý như ngày nay. 3.1.1.5.4. Tài nguyên khoáng sản Tài nguyên khoáng sản của thành phố Phủ Lý rất hạn chế, chỉ có một số mỏ đá xây dựng ở Châu Sơn với trữ lượng nhỏ. Thành phố có 2 công ty khai thác đá làm vật liệu xây dựng và đá vôi tại Núi Bùi - Châu Sơn. Nhưng với vị trí nằm liền kề khu vực có nguồn vật liệu xây dựng lớn như đá vôi, xi măng Bút Sơn (Kim Bảng), Kiện Khê, Thanh Tân (Thanh Liêm); đá xây dựng Kiện Khê (Thanh Liêm); đất sét sản để xuất xi măng và đất sét để sản xuất gạch ngói Khả Phong, Ba Sao (Kim Bảng) và các nguồn vật liệu xây dựng khác... Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 45 nên Phủ Lý có nhiều cơ hội sử dụng nguyên liệu về vật liệu xây dựng này để phát triển đa dạng các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở địa phương. 3.1.1.6. Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên a. Thuận lợi Thành phố Phủ Lý nằm trên quốc lộ 1A, bên bờ phải sông Đáy, Phủ Lý cách Hà Nội 60 km về phía Nam, thành phố Nam Định 30 km về Phía Tây Bắc và thành phố Ninh Bình 33 km về phía Bắc. Phủ Lý nằm trên Quốc lộ 1A có tuyến đường sắt Bắc Nam đi qua nên giao thông đường bộ đều tiện lợi . Khí hậu: Phủ Lý nằm ở vùng đồng bằng sông Hồng và ven núi nên địa hình của Thành phố chia làm nhiều khu vực hai bên bờ các con sông, Phủ Lý nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm:thuận lợi cho việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, sản xuất thâm canh nhiều vụ trong một năm. Thuỷ văn: Phủ Lý có biệt danh là Thành phố ngã Ba Sông , là nơi gặp gỡ của 3 con sông: Sông Đáy, Sông Châu Giang và sông Nhuệ rất thuận tiện cho giao thông đường thủy ngoài ra còn là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và sản xuất nông nghiệp. b. Khó khăn Phủ Lý nói riêng và tỉnh Hà Nam nói chung đều là vùng đất chiêm trũng, thường phải gánh chịu nhiều trận lũ lớn trong năm cộng với chế độ nhiệt, lương mưa phân bố không đều trong năm, mưa lớn tập trung vào tháng 6,7,8,9 thường gây ra lũ lụt, rửa trôi mạnh đối với đất đai và ngập úng với đất ruộng. Ngược lại, mưa ít trong tháng 11,12,1 và 2 gây hạn hán cho ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sản xuất nông nghiệp và đới sống của nhân dân và người nông dân. 3.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội 3.1.2.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế a. Tăng trưởng kinh tế Năm 2006 Thị xã Phủ Lý được công nhận là đô thị loại III, năm 2008 thành phố Phủ Lý được thành lập, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết 14NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm duy trì được tốc độ tăng trưởng Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 46 GDP đạt 19,69% vượt 0,69% so với chỉ tiêu Đại hội XX Tổng GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 29,4 triệu đồng, vượt 14,4 triệu đồng so với chỉ tiêu Đại hội XX (UBND Thành Phố Phủ Lý,2014). b. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Kinh tế của thành phố từng bước có sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng dần tỷ trọng kinh tế công nghiệp giảm dần tỷ trọng các ngành ngư, nông, đó là xu hướng phù hợp với xu thế phát triển chung của tỉnh Hà Nam. + Dịch vụ thương mại đạt 49% chỉ tiêu Đại hội XX là 48,5%; + Công nghiệp – xây dựng đạt 48% chỉ tiêu Đại hội XX là 47%; + Nông nghiệp đạt 2,4%, chỉ tiêu Đại hội XX là 4,5% Cơ cấu kinh tế theo thành phần kinh tế có sự chuyển biến tích cực: kinh tế Nhà nước có tốc độ tăng trưởng chậm nhưng vẫn giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế ngoài quốc doanh từng bước khai thác được vốn và trí tuệ của nhân dân đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế giỏi, nhiều doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, huy động được mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển góp phần phát triển kinh tế của thành phố. 3.1.2.2. Thực trạng phát triển các ngành kinh tế a. Khu vực kinh tế nông nghiệp Thành phố đã xây dựng, chỉ đạo và triển khai thực hiện các chương trình đề án phát triển làng nghề, đề án phát triển cây trồng hàng hoá, đề án củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; xây dựng điểm mô hình nông thôn mới tại xã Phù Vân. Bước đầu đã hình thành các vùng chuyên canh trồng rau sạch, hoa công nghệ cao… đạt hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ được chú trọng, đưa giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác hàng năm đều tăng, năm 2014 đạt 72 triệu đồng, tăng 44% so với chỉ tiêu Đại hội XX. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân tăng 2,3%/năm, giảm 1,2% so với chỉ tiêu Đại hội (do thu hồi đất nông nghiệp) năm 2014 đạt 211,7 tỷ đồng. * Ngành trồng trọt Năm 2010 diện tích cây lương thực có hạt là 1.888 ha với tổng sản lượng đạt Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 47 10.444 tấn thì đến năm 2014 diện tích cây lương thực có hạt là 6.783 ha với tổng sản lượng đạt 3.9037 tấn. Bảng 3.2: Kết quả thâm canh một số cây trồng chính của thành phố Phủ Lý Tên cây trồng Năm 2010 Năm 2014 1a. Diện tích lúa mùa (ha) Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn) 1b. Diện tích lúa đông xuân (ha) 831 53 4362 780 3.200 52,72 16.866 3.095 Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn) 2. Diện tích ngô cả năm (ha) 61 4774 277 64,4 19.932 488 Năng suất (tạ/ha) Sản lượng (tấn) 3. Diện tích khoai lang cả năm (ha) Năng suất (tạ/ha) 47 1308 29 87 45,8 2239 44,4 103,2 252 458 Sản lượng (tấn) Mức độ tăng giảm +2.369 -0,28 +12.504 +2.315 +3,4 +15.158 +211 -1,2 +931 +15,4 +16,2 +206 (Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Hà Nam, 2014) * Ngành chăn nuôi Năm 2010 thành phố có tổng số 20 trang trại trong đó: chăn nuôi: 2 trang trại, nuôi trồng thủy sản :4 trang trại, còn lại là trang trại trồng cây lâu năm; đến năm 2014 thành phố còn lại 4 trang trại trong đó: Chăn nuôi có 2 trang trại, nuôi trồng thủy sản có 2 trang trại (Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, 2014). Bảng 3.3. Phát triển chăn nuôi của thành phố Phủ Lý Chỉ tiêu Đơn vị tính Năm 2010 Năm 2014 Mức độ tăng giảm (%) Tổng đàn bò Tổng đàn trâu Tổng đàn lợn Con Con Nghìn con 1838 67 16 2003 +8,98 203 +202,99 17,4 +8,75 Tổng đàn gia cầm Sản lượng thịt trâu hơi Sản lượng thịt bò hơi Sản lượng thịt lợn hơi Nghìn con Tấn Tấn Tấn 184 1.4 51 1670 637 +246,20 7,4 +428,57 49 -3,92 1970 +17,96 (Nguồn: Niên giám Thống kê tỉnh Hà Nam, 2014) Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 48 b. Khu vực kinh tế công nghiệp tiểu thủ công nghiệp Sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh và đa dạng, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, góp phần phát triển kinh tế của thành phố và giải quyết việc làm cho người lao động. Khu công nghiệp Châu Sơn được mở rộng và thu hút 32 doanh nghiệp, trong đó có 06 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụm công nghiệp Bắc Thanh Châu thu hút 05 doanh nghiệp đầu tư lắp đặt trang thiết bị đi vào sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 30,2%/năm, vượt 8,2% so với chỉ tiêu Đại hội XX, năm 2014 đạt 3.153 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48% trong cơ cấu kinh tế của Thành phố, giải quyết việc làm cho khoảng 18.500 lao động. Giá trị sản xuất CN - TTCN (giá cố định) bình quân hàng năm tăng 31,6%, vượt chỉ tiêu Đại hội XX, năm 2014 đạt 2.243 tỷ đồng. Một số sản phẩm chủ yếu như: Vải sợi, may mặc, bia nước giải khát, bột nhẹ vẫn được duy trì và phát triển với tốc độ cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động đã tạo ra nhiều sản phẩm mới như sữa, mạ kim loại… với khối lượng lớn, góp phần tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng thu ngân sách. Nhìn chung công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của Thành phố phát triển nhanh cả về số lượng và quy mô các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh tăng nhanh, công nghệ, thiết bị được đầu tư theo hướng tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường. c. Khu vực kinh tế dịch vụ Xác định thương mại, dịch vụ là mũi nhọn trong phát triển kinh tế. Thành uỷ, HĐND – UBND Thành phố luôn quan tâm đến việc quy hoạch, thu hút đầu tư, mở rộng thị trường, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Hiện nay trên địa bàn thành phố có trên 5.000 đơn vị và cá nhân kinh doanh dịch vụ thương mại, thu hút khoảng 22.000 người lao động tham gia. Các doanh nghiệp và hộ cá thể kinh doanh dịch vụ thương mại phát triển mạnh, bình quân mỗi năm có từ 50 - 60 doanh nghiệp mới được thành lập và 300 hộ đăng ký kinh doanh mới, tạo ra thị trường giao lưu hàng hoá rộng lớn và sôi động. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 49 Tốc độ tăng trưởng thương mại, dịch vụ đạt 24,1%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ bình quân hàng năm tăng 24,1%, vượt 6,13% so với chỉ tiêu Đại hội XX, năm 2014 đạt 3.094 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu bình quân hàng năm tăng 23,6%, vượt 8,6% so với chỉ tiêu Đại hội XX đề ra. Các loại hình dịch vụ như bưu chính viễn thông, bảo hiểm, vận tải, truyền hình, tài chính tín dụng, dịch vụ công cộng … phát triển nhanh và đa dạng với chất lượng ngày càng cao đã góp phần giải quyết việc làm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân. Hệ thống các ngân hàng trên địa bàn thành phố ngày càng tăng về số lượng cũng như quy mô, chất lượng dịch vụ. Dịch vụ vận tải phát triển mạnh, khối lượng hàng hoá, hành khách vận chuyển tăng nhanh, chất lượng phục vụ được nâng lên. Công tác quản lý Nhà nước về thương mại, dịch vụ được chú trọng; hệ thống các chợ, siêu thị được xây dựng, mở rộng, các dãy phố, ngành hàng kinh doanh được tổ chức sắp xếp theo hướng văn minh, sạch đẹp và thuận tiện đáp ứng nhu cầu về sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. 3.1.2.3. Dân số, lao động, việc làm và thu nhập a. Dân số Năm 2014 dân số toàn thành phố 138.502 người, trong đó dân số thành thị là 82.252 người, dân số nông thôn là 56.250 người (Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, 2015). Mật độ dân số thành phố Phủ Lý phân bố tương đối đồng đều, phường Lê Hồng Phong có mật độ dân số cao: 9.536 người/km2, tiếp theo là xã Phù Vân có mật độ khá cao: 9.474 người/km2 . Bảng 3.4: Dân số trung bình thành phố Phủ Lý giai đoạn 2010 - 2014 Chỉ tiêu Dân số trung bình (người) Tốc độ tăng tự nhiên (%) - Nam (người) - Nữ (người) - Dân số thành thị (người) - Dân số nông thôn (người) - Dân số trong độ tuổi LĐ Năm 2010 Tỷ lệ (%) Năm 2014 Tỷ lệ (%) 82.892 100 13.8502 100 8.3 8.1 40.209 48,51 65.955 47,62 42.683 51,49 72.547 52,38 42.073 50,76 82.252 59,39 40.819 49,24 56.250 40,61 53.578 64,20 69.860 50,44 (Nguồn: Cục thống kê tỉnh Hà Nam, 2015) Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 50 b. Lao động và việc làm Thành uỷ và các cấp uỷ, Chính quyền luôn quan tâm chỉ đạo và triển khai các chính sách xã hội, chính sách người có công kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng; công tác xoá đói giảm nghèo được triển khai thực hiện có hiệu quả: tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,74% năm 2010 xuống còn 3% năm 2014 vượt chỉ tiêu Đại hội XX. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2%. Công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được quan tâm. Hàng năm giải quyết việc làm cho trên 4000 lao động, đạt chỉ tiêu Đại hội XX, trong đó lao động qua đào tạo chiếm tỷ lệ trên 50%. Tổng số lao động bị ảnh hưởng do thu hồi hết đất nông nghiệp từ 2010 – 2014 là: 4.735 lao động, trong đó 4.055 lao động được giải quyết việc làm (tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất là 1.520 lao động, chuyển đổi nghề khác là: 2.535 lao động). Tuy nhiên trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội còn có mặt yếu kém, công tác lãnh đạo, chỉ đạo có lúc có nơi chưa tập trung, sâu sát, chưa có các biện pháp mạnh thực hiện nhiệm vụ đề ra. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và trật tự đô thị còn bất cập. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm chưa đạt kế hoạch đề ra ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa kịp thời, tiến độ chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án. Việc huy động các nguồn vốn đầu tư còn gặp nhiều khó khăn. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn chậm. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Các thiết chế văn hoá, thể thao còn thiếu. c. Thu nhập và mức sống Trong năm 2014 GDP bình quân đầu người đạt 29,4 triệu đồng/năm. Những năm gần đây, nhờ có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đời sống nhiều hộ gia đình được cải thiện, tỷ lệ có xe hơi, xe máy, tivi… tăng lên rõ rệt. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho sự phát triển kinh tế thành phố trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và không còn hộ đói, các tiện nghi sinh hoạt của một bộ phận dân cư được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sự chênh lệch về thu nhập và chi tiêu giữa các địa phương cũng như khu vực thành thị và nông thôn trong thành phố còn khá lớn( Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, 2015). Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 51 3.1.2.4. Đánh giá chung về kinh tế - xã hội a. Thuận lợi - Phủ Lý nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, ở cửa ngõ Thủ đô và có các trục đường giao thông đối ngoại đường bộ(như Quốc lộ 1A, đường Quốc Lộ 21B), đường sắt, đường thủy qua địa bàn làm cho vị trí của Thành phố có lợi thế rất đặc biệt cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường, giao lưu hàng hoá và thu hút vốn đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến; - Có nhiều ngành nghề truyền thống nổi tiếng cùng với các hệ thống khu công nghiệp, cụm, điểm công nghiệp được đầu tư tạo ra địa bàn hấp dẫn thu hút đầu tư, Phủ Lý được coi là trung tâm dịch vụ thương mại của tỉnh Hà Nam, đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất công nghiệp; - Phủ Lý có một số di tích lịch sử, văn hoá và cảnh quan đẹp, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hoá, lễ hội, du lịch sinh thái kết hợp với du lịch làng nghề nếu biết tận dụng, khai thác tiềm năng trên, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện; - Phủ Lý có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn khá, đội ngũ lao động làng nghề có trình độ tay nghề ổn định, đa số người lao động đã tiếp cận với nền sản xuất hàng hoá. Trình độ dân trí khá cao, một bộ phận dân cư có trình độ sản xuất hàng hoá, năng động với cơ chế thị trường; - Đặc biệt trong những năm gần đây nền kinh tế của thành phố có những bước phát triển tốt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tiềm năng về đất đai và tiềm năng về lao động...đang được khai thác hiệu quả hơn, cơ sở hạ tầng vẫn đang tiếp tục được đầu tư. Trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản có ứng dụng nhanh của tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, hình thành các trang trại sản xuất có hiệu quả. - Đời sống tinh thần của nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm đáng kể, sự nghiệp văn hoá, giáo dục, y tế ngày càng phát triển; các thuần phong mỹ tục, văn hoá truyền thống tốt đẹp đang được giữ gìn và phát huy làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. b. Những vấn đề cần giải quyết - Điểm xuất phát kinh tế của Thành Phố còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 52 chưa cao, chưa bền vững. Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Các ngành CNTTCN, TM – DV phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Tài nguyên khoáng sản hầu như không có, mật độ dân số cao, đất nông nghiệp ít lại canh tác chủ yếu là cây lúa, nên tính ổn định trong bố trí sản xuất bị hạn chế. - Chuyển đối cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu cây trồng, vật nuôi chưa mạnh, công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, công tác dồn điền, đổi thửa một số cơ sở còn chậm, chưa tạo vùng sản xuất hàng hoá có giá trị tập trung, chưa đa dạng các loại cây có giá trị kinh tế cao, giá trị hàng hoá xuất khẩu. Chăn nuôi phát triển song vấn đề môi trường và phòng chống dịch bệnh luôn tiềm ẩn những bất lợi. Công nghệ sản xuất chưa cao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới thiết bị hiện đại vào sản xuất còn ít, chưa hình thành được nền kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chiếm ưu thế tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu chưa nhiều. - Tạo công ăn việc làm là một vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Đặc biệt là chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách, chuyển giao công nghệ, đào tạo lại nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình CNH – HĐH của Thành phố, phải được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. - Trong nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản cần đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên diện rộng để tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. - Đầu tư khai thác có hiệu quả vùng đất trũng. Chuyển dịch mạnh mẽ cây, con vùng trũng thông qua xây dựng các trang trại. Đẩy nhanh sự hình thành và phát triển các trang trại sản xuất nông nghiệp. - Trong quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, cần phải chú trọng đến bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn tài nguyên theo quan điểm phát triển bền vững. 3.1.3. Đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý và sử dụng đất đai của thành phố Phủ Lý 3.1.3.1. Tình hình quản lý đất đai a. Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Đất Đai và các văn bản hưỡng dẫn thi hành Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 53 Triển khai thực hiện luật đất đai 2013, UBND thành phố Phủ Lý đã xây dựng kế hoạch phổ biến, tuyên truyền thực hiện và đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn học tập quán triệt thực hiện Luật Đất Đai 2013 và các văn bản hưỡng dẫn thi hành trên 300 cán bộ, công nhân và người lao động bao gồm các thành phần: Thường trực Thành Phố, Thị Ủy, HDND, UBND, trưởng, phó các phòng ban của Thành Phố, các cơ quan đơn vị sự nghiệp trên địa bàn, cac lãnh đạo, chuyên môn xã, phường, trưởng các thôn và tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh kết hợp với trang bị các tủ sách Luật và văn bản hưỡng dẫn thi hành luật cho các phòng ban chuyên môn thành phố, xã, phường. b. Công tác quản lý quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất Thực hiện nghị quyết số 05/2012/HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2012 của HĐND tỉnh Hà Nam về việc Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) tỉnh Hà Nam; UBND thành phố đã chỉ đạo, quản lý tốt việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố, cấp xã theo đúng định kỳ, đảm bảo đúng Luật đất đai. Do đó, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch ở địa phương ngày càng ổn định và đi vào nền nếp. c. Công tác khảo sát đo đạc, lập bản đồ địa chính Thực hiện chỉ thị 299/TTg ngày 10/11/1981 thành phố đã đo đạc lập bản đồ giải thửa tất cả các xã trên địa bàn. Tính đến ngày 31/12/2010 tất cả các xã phường đã được đo đạc lập bản đồ địa chính d. Đăng ký quyền sử dụng đất, lập và quản lý hồ sơ địa chính,công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Đất ở: toàn thành phố đã cấp được 13347 giấy chứng nhận quyền sử đất, đạt 81,0% số giấy chứng nhận cần cấp. - Đất nông nghiệp: trước dồn đổi ruộng đất, toàn thành phố đã cấp được 14701 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đạt 99,05 % số giấy chứng nhận cần cấp. Sau khi thực hiện dồn điển đổi thửa thì theo quy trình các địa phương sau khi giao ruộng tại thực địa phải chỉnh lý biến động, hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền cấp đổi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 54 cấp lại giấy chứng nhận. Tuy nhiên tiến độ thực hiện còn chậm nên chưa cấp đổi giấy chứng nhận cho nhân dân sau khi đã tiến hành dồn điền đổi thửa. e. Công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. * Về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất - Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, từ năm 2010 đến nay UBND thành phố đã ban hành 76 quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích 63,2 ha * Về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: thành phố đã tiến hành hoàn thiện nhiều phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư lớn như dự án mở rộng, nâng cấp quốc lộ 1A đoạn từ giáp TP Phủ Lý đến hết địa phận xã Thanh Liêm với tổng diện tích khoảng 3,16 ha, dự án xây dựng và mở rông khu công nghiệp Tây Nam thành phố Phủ Lý với hơn 30ha.... f. Công tác thống kê, kiểm kê đất đai Thực hiện Luật Đất Đai 2013, UBND thành phố đã chỉ đạo các xã, phường tích cực thực hiện thống kê đất đai hàng năm và kiểm kê đất đai định kỳ 5 năm, đến cuối năm 2014 và đầu năm 2015 diện tích tự nhiên toàn thành phố là 8.787,31 ha trong đó đất nông nghiệp: 4.414,31 ha, đất phi nông nghiệp 4.320,31ha, đất chưa sử dụng 52,69ha. Bên cạnh việc kiểm kê đất đai 2015 UBND thành phố cùng các phòng ban chuyên môn đã chỉ đạo các xã, phường tích cực xây dựng hoàn thiện bản đồ hiện trạng sử dụng đất vào cuối năm 2015. g. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đất đai và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai - Trong những năm qua việc biến động đất đai tại thành phố là rất lớn và phức tạp vì vậy việc thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai được thành phố thực hiện rất nghiêm túc và sát sao, dưới mọi hình thức từ cấp thành phố đến địa phương nhằm mục đích là giảm thiểu tối đa việc sử dụng đất trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng, đồng thời cũng tuyên truyền cho cán bộ, công nhân, nông dân và người lao động chấp hành tốt pháp luật về đất đai, sử dụng đúng mục đích được giao, được thuê theo hướng bền vững, hiệu quả... Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 55 h. Công tác giải quyết tranh chấp về đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo các vi phạm trong quản lý và sử dụng đất Qua thống kê, theo dõi cho thấy việc tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo các vi phạm đất đai ngày một tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp, trong đó số lượng đơn liên quan đến lĩnh vực Tài nguyên& Môi trường chiếm khoảng 60% tổng số đơn phải giải quyết. Nhưng do có sự tập trung cao của các cấp ban ngành thuộc UBND thành phố Phố nên cơ bản đã giải quyết dứt điểm những vụ việc phát sinh, không để kéo dài, gây bức xúc cho nhân dân. Hầu hết các đơn đề nghị giải quyết đều thuộc thẩm quyền đều được giải quyết đúng quy định và thời hạn, không có khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp. 3.1.3.2. Hiện trạng sử dụng đất trong kỳ nghiên cứu Thành phố Phủ Lý có tổng diện tích tự nhiên 8.787,31ha, chiếm 10,67% diện tích tự nhiên của tỉnh Hà Nam. Thành phố gồm 21 xã, phường trong đó xã có diện tích lớn nhất là Phường Lê Hồng Phong với diện tích là 760,64ha, chiếm 8,65% diện tích tự nhiên toàn thành phố; xã có diện tích nhỏ nhất là Phường Trần Hưng Đạo với diện tích 18,53ha, chiếm 0,21% diện tích tự nhiên toàn thành phố. Hiện trạng sử dụng đất năm 2014 của thành phố được thể hiện ở bảng 3.5. Từ bảng 3.5 cho thấy: hiện trạng sử dụng đất đai chủ yếu là đất nông nghiệp với 4414,31 ha chiếm 50,24% diện tích đất tự nhiên toàn thành phố, còn lại là đất phi nông nghiệp với 4320,31ha chiếm 49,17%, đất chưa sử dụng là 52,69 ha chiếm 0,60%. * Hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp Từ bảng 3.5 cho thấy: - Nhóm đất sản xuất nông nghiệp: với diện tích 3905,32 ha, chiếm 44,44% diện tích đất nông nghiệp. Đây là một lợi thế lớn cho phát triển sản xuất nông nghiệp của thành phố. Trong nhóm đất sản xuất nông nghiệp thì chủ yếu là đất trồng cây hàng năm (lúa, màu) với diện tích 3407,28 ha, chiếm 38,78 % diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố. Còn lại là đất trồng cây lâu năm chỉ với 498,04ha, chiếm 5,67 % diện tích đất nông nghiệp. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 56 Bảng 3.5. Hiện trạng sử dụng đất và biến động đất đai thành phố Phủ Lý năm 2010 - 2014 So với năm 2010 Diện tích đất năm 2014 (ha) Cơ cấu diện tích Cơ cấu loại đất Diện tích diện tích so với Tăng(+) đất năm loại đất so diện tích giảm(-) với diện 2010 tự nhiên (ha) tích tự (ha) (%) nhiên (%) Thứ tự Mục đích sử dụng đất Mã -1 -2 -3 -4 Tổng diện tích tự nhiên Đất nông nghiệp Đất sản xuất nông nghiệp NNP SXN 8787,31 4414,31 3905,32 100 8339,44 50,24 4373,64 44,44 386654 (8) = (4)(6) 100 447,87 52,45 40,67 46,36 38,78 Đất trồng cây hàng năm CHN 3407,28 38,78 3355,52 40,24 51,76 1.1.1.1 Đất trồng lúa LUA 3201,13 36,43 3145,19 37,71 55,94 1.1.1.2 Đất trồng cây hàng năm khác HNK 206,15 2,35 210,33 2,52 -4,18 1.1.2 Đất trồng cây lâu năm CLN 498,04 5,67 511,02 6,13 -12,98 1.2 Đất nuôi trồng thuỷ sản NTS 488,93 5,56 487,04 5,84 1,89 1.3 Đất nông nghiệp khác NKH 20,06 0,23 20,06 0,24 2 2.1 Đất phi nông nghiệp Đất ở PNN OTC 4320,31 877,84 49,17 3912,07 9,99 838,94 46,91 10,06 2.1.1 Đất ở tại nông thôn ONT 384,05 4,37 698,37 8,37 -314,32 2.1.2 Đất ở tại đô thị ODT 493,79 5,62 140,57 1,69 353,22 Đất chuyên dùng CDG 2803,29 31,90 2430,63 29,15 372,66 2.2.1 Đất trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp CTS 45,46 0,52 45,32 0,54 0,14 2.2.2 Đất quốc phòng CQP 12,69 0,14 15,57 0,19 -2,88 2.2.3 Đất an ninh CAN 15,16 0,17 13,88 0,17 1,28 2.2.4 Đất sản xuất, kinh doanh phi công nghiệp CSK 635,18 7,23 455,82 5,47 179,36 2.2.5 Đất có mục đích công cộng CCC 2094,8 23,84 1900,04 22,78 194,76 2.3 Đất tôn giáo, tín ngưỡng TTN 29,63 0,34 28,65 0,34 0,98 2.4 Đất nghĩa trang, nghĩa địa NTD 96,86 1,10 98,63 1,18 -1,77 2.5 Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng SMN 495,5 5,64 498,03 5,97 -2,53 2.6 Đất phi nông nghiệp khác PNK 17,19 0,20 17,19 0,21 3 3.1 Đất chưa sử dụng Đất bằng chưa sử dụng CSD BCS 52,69 40,69 0,60 0,46 53,73 41,73 0,64 0,50 3.2 Đất đồi núi chưa sử dụng DCS 12 0,14 12 0,14 1 1.1 1.1.1 2.2 -5 -6 -7 408,24 38,9 -1,04 -1,04 (Nguồn: Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Hà Nam, 2014) Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 57 - Nhóm đất nuôi trồng thuỷ sản và đất nông nghiệp khác: + Đất nuôi trồng thuỷ sản có diện tích 488,93 ha, chiếm 5,56% diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố. + Đất nông nghiệp khác có diện tích 20,06 ha, chiếm 0,23 % diện tích đất nông nghiệp toàn thành phố. Nhìn chung quỹ đất nông nghiệp của thành phố ngày càng được khai thác, sử dụng hợp lý hơn. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp có biến động do sức ép của nhu cầu cho mục đích đất chuyên dùng, nhưng với việc thực hiện thành công chính sách DĐĐT đã tạo điều kiện thuân lợi cho nhân dân trong sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, cộng với sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý...đã làm tăng hiệu quả sử dụng đất/một đơn vị diện tích. Trong năm 2014, ngành Nông nghiệp thuỷ sản đạt giá trị: 140,82 tỷ đồng, đạt 109,5% so với kế hoạch và đạt 110% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, thành phố đang có hướng đưa dần một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản và mô hình lúa - cá - vịt có giá trị kinh tế cao. 3.1.3.3. Tình hình biến động đất đai trong kỳ nghiên cứu Qua bảng số liệu 3.5 cho thấy diện tích tự nhiên toàn thành phố năm 2014 tăng so với 2010 là 447,87 ha nguyên nhân do thực hiện theo nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các huyện Duy Tiên, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng để mở rộng địa giới hành chính thành phố Phủ Lý và thành lập các phường thuộc thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. - Diện tích đất nông nghiệp toàn Thành phố tăng 40,67ha so với năm 2010 trong đó: Đất chuyên trồng lúa nước tăng 55,59ha; Đất trồng cây hàng năm khác giảm 4,18ha; Đất trồng cây lâm năm giảm 12,98ha; Đất nuôi trồng thủy sản tăng 1,89ha - Diện tích đất Phi nông nghiệp tăng 408,24ha so với năm 2010 trong đó: Đất ở tăng 38,9ha; Đât chuyên dùng tăng 372,66ha; Đất tôn giáo tín ngưỡng tăng 0,98ha; Đất nghĩa trang, nghĩa địa giảm 1,77ha; Đất sông suối mặt nước giảm 2,53ha; Diện tích đất chưa sử dụng giảm 1,04ha. 3.1.3.4. Đánh giá chung về hiện trạng sử dụng đất và biến động đất đai của thành phố Nhìn chung đến năm 2014 đã có đến 99,40% diện tích tự nhiên được đưa vào Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 58 sử dụng các mục đích khác nhau trong đó - Đất nông nghiệp chiếm 50,24% tổng quỹ đất tự nhiên: điển hình là đất sản xuất nông nghiệp có đến 44,44% diện tích tự nhiên, chứng tỏ đất sản xuất nông nghiệp của thành phố ngày càng được khai thác, sử dụng hợp lý hơn. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp có biến động do sức ép của nhu cầu cho mục đích đất chuyên dùng, nhưng với việc thực hiện thành công công tác DĐĐT đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, cộng với sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý...đã làm tăng hiệu quả sử dụng đất/một đơn vị diện tích. Trong năm 2014, ngành Nông nghiệp thuỷ sản đạt giá trị: 140,82 tỷ đồng, đạt 109,5% so với kế hoạch và đạt 110% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, thành phố đang có hướng đưa dần một phần diện tích đất trồng Lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản và mô hình lúa - cá - vịt có giá trị kinh tế cao. - Đất phi nông nghiệp chiếm 49,17% tổng quỹ đất tự nhiên: điển hình là đất công cộng gồm các công trình hạ tầng, giao thông, thủy lợi chiếm tỷ lệ cao đến 23,84% tổng diện tích đất tự nhiên, như vậy trong tương lai với cơ cấu cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi cao như trên là điều kiện thuận lợi cho việc thông thương trao đổi mậu dịch tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội của thành phố. 3.2. Đánh giá tình hình thực hiện công tác DĐĐT ở thành phố Phủ Lý 3.2.1. Cơ sở pháp lý của việc dồn điền đổi thửa. Dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp là việc dồn ghép các ô thửa nhỏ thành những ô thửa lớn hơn nhằm hạn chế, khắc phục tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất. Tạo điều kiện đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, phát triển kinh tế hộ và kinh tế trang trại, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân. Tạo điều kiện để quy hoạch lại đồng ruộng thành những vùng sản xuất tập trung, hình thành các vùng chuyên canh lớn. Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho công tác quản lý và theo dõi biến động đất đai chặt chẽ hơn nề nếp hơn, giúp cho công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất thuận lợi và đạt hiệu quả cao trên cơ sở các văn bản nhà nước quy định như: Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 59 - Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 7, văn kiện Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 2 (khoá VII), Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương lần thứ 4 (khoá VIII) và Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị năm 1999. - Đại hội IX của Đảng đã quyết định đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta 10 năm (2001 - 2010) trong đó nông nghiệp nông thôn được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn hiện nay là tình trạng đất đai manh mún, phân tán đã gây trở ngại cho quá trình hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. - Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 12/3/2003 tại hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước: “....Khuyến khích tích tụ đất đai, sớm khắc phục tình trạng đất sản xuất nông nghiệp manh mún. Quá trình tích tụ đất đai cần có sự chỉ đạo và quản lý của Nhà nước, có quy hoạch, kế hoạch, có bước đi vững chắc trên từng địa bàn, lĩnh vực, gắn với chương trình phát triển ngành nghề, tạo việc làm. Tích tụ đất đai thông qua việc nhận chuyển nhượng và nhiều biện pháp khác phù hợp với từng thời kỳ, từng vùng”. - Chỉ thị số 22/2003/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết Trung ương (khoá IX) về kinh tế tập thể: “ ...Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc "dồn điền, đổi thửa" trên nguyên tắc tự nguyện, tự thoả thuận và các bên cùng có lợi, kết hợp tổ chức quy hoạch lại đồng ruộng, sử dụng đất đai có hiệu quả...”. - Quyết định số 68/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX: “....Về đất đai: Điều chỉnh các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho nông dân thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với đất đai như: Khuyến khích nông dân "dồn điền, đổi thửa"; cho phép nông dân sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn, liên doanh, liên kết sản xuất kinh doanh”. Với những cơ sở pháp lý nêu trên tỉnh Hà Nam đã ban hành các chỉ thị, kế hoạch và các văn bản triển khai công tác dồn điền, đổi thửa trên địa bàn tỉnh cũng như toàn thành phố Phủ Lý cụ thể như sau: Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 60 - Chỉ thị số 15/CT-TU ngày 4 tháng 5 năm 2000 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Hà Nam về việc chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất; - Kế hoạch số 08/KH-UBND ngày 10 tháng 5 năm 2000 của UBND tỉnh Hà Nam về chuyển đổi ruộng đất nhằm khắc phục tình trạng phân tán ruộng đất. - Hướng dẫn số 89/HD-ĐC ngày 11 tháng 5 năm 2000 của Sở Địa chính tỉnh Hà Nam hướng dẫn trình tự, nội dung, phương pháp tiến hành chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp cho các hộ nông dân tại thôn, đội (thôn, đội là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp giữa các hộ nông dân). - Hướng dẫn số 133/HD-ĐC ngày 22 tháng 6 năm 2000 của Sở Địa chính tỉnh Hà Nam về chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp tại cấp xã. - Thực hiện kế hoạch 572/KH – UBND ngày 03/5/2012 của UBND tỉnh Hà Nam về việc dồn đổi ruộng đất nông nghiệp tỉnh Hà Nam - Công văn số 164/STN&MT-ĐKĐĐ ngày 18 tháng 3 năm 2015 của Sở Tài Nguyên và Môi trường Tỉnh Hà Nam về việc đôn đốc hoàn thiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Dồn điền đổi thửa là công việc hệ trọng, liên quan đến các hộ nông dân, tác động đến tâm lý, tập quán canh tác, lợi ích của người dân; Đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất cao của cấp uỷ và chính quyền các cấp, sự phối hợp tham gia thực hiện tích cực của các đoàn thể chính trị - xã hội. Trong quá trình thực hiện không làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất, bảo đảm sự công bằng, dân chủ, hợp lý trong nông dân, nông thôn. - Dồn điền đổi thửa là việc định lại vị trí, kính thước thửa ruộng trong tổng diện tích đất nông nghiệp đã giao cho mỗi hộ nông dân. Song đây là một quá trình khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt có đụng chạm đến lợi ích của chính người nông dân. Do vậy, dồn điền đổi thửa phải tuân theo nguyên tắc sau: + Việc chuyển đổi ruộng đất phải dựa trên nhu cầu của người nông dân với sự hỗ trợ giúp đỡ của Đảng, Nhà nước; đảm bảo tính dân chủ, công khai, tự nguyện, cùng có lợi; ổn định tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở nông thôn; phù hợp với pháp luật hiện hành và xu thế vận động của đất đai. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 61 + Giữ nguyên số hộ, số khẩu, diện tích ở từng địa phương tại thời điểm đã giao ruộng đất khi thực hiện quyết định giao ruộng đất của tỉnh; giữ nguyên loại đất, hạng đất và mức thuế xuất sử dụng đất nông nghiệp. + Phương án dồn điền đổi thửa phải được lập theo đơn vị hành chính cấp xã, trong đó lấy đơn vị thôn, xóm, cụm dân cư làm đơn vị chuyển đổi. 3.2.2. Tổ chức thực hiện công tác dồn điền đổi thửa a. Mục đích thực hiện - Giảm số thửa đất nông nghiệp trên hộ, tập trung đất đai để quy hoạch vùng sản xuất hàng hoá nông nghiệp gắn với chiến lược phát triển hệ thống giao thông thuỷ lợi nội đồng, cơ giới hoá nông nghiệp, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hoá- hiện đại hoá; sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả trên cơ sở phát huy tiềm năng của từng vùng, từng loại đất... - Thúc đẩy quá trình phân công lại lao động nông nghiệp trên cơ sở tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, tạo tiền đề để phát triển lực lượng sản xuất. b. Nguyên tắc thực hiện - Cách thức tổ chức đồn điền dổi thửa phải đặt dưới sự lãnh đạo các cấp Ủy Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp, trên cơ sở quy định của pháp luật hiện hành; - Trong quá trình thực hiện phải có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội với sự ủng hộ cao của các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp trên nguyên tắc tự nguyện, công bằng, công khai và dân chủ; - Giữ nguyên số khẩu, diện tích đất nông nghiệp được giao, trừ trường hợp diện tích đã bị thu hồi đất, đã chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hợp pháp thì sẽ được đối trừ vào diện tích đất nông nghiệp đã được giao của hộ; c. Quy trình dồn điền đổi thửa trên địa bàn thành phố Phủ Lý * Phương hướng chung: - Cấp tỉnh, cấp thành phố hướng dẫn, theo dõi, chỉ đạo; cấp xã tự làm là chính; lấy thôn hoặc khu dân cư làm địa bàn trực tiếp thực hiện dồn đổi ruộng đất Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 62 giữa các hộ. - Căn cứ vào đặc điểm địa hình cụ thể của các xứ đồng, từng khu dân cư để xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất tại địa bàn đó cho phù hợp. - Quá trình đồn đổi ruộng đất phải đảm bảo dân chủ, công khai, tự nguyện gắn chặt với sự chỉ đạo chặt chẽ của các cấp uỷ đảng và chính quyền. Đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, thuyết phục làm chuyển biến nhận thức từ trong Đảng đến quần chúng nhân dân để cùng hưởng ứng thực hiện. * Quy trình thực hiện: - Bước 1: Tuyên truyền, học tập, quán triệt chủ trương và làm công tác chuẩn bị: + Họp Đảng bộ, Hội đồng nhân dân, UBND xã, các đoàn thể, ban ngành, các khu hành chính và toàn thể nhân dân để tổ chức tuyên truyền và quán triệt chủ chương thực hiện; + Thành lập ban chỉ đạo dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của xã; ban chỉ đạo xã có nhiệm vụ giúp Đảng uỷ, UBND xã xây dựng kế hoạch dồn đổi ruộng đất nông nghiệp của xã mình, trình UBND thành phố phê duyệt và thực hiện phương án được duyệt; + Thu thập tài liệu: Tiến hành thu thập tài liệu bản đồ, sổ sách có liên quan, số hộ, số khẩu, diện tích, vị trí...Kiểm tra, đánh giá chất lượng, độ tin cậy và hướng xử lý của từng loại tài liệu thu được; + Chuẩn bị vật tư, kỹ thuật phục vụ cho công tác này như: thước giây, giấy can, bút..., đảm bảo đầy đủ so với khối lượng công việc. - Bước 2: Xây dựng kế hoạch dồn đổi ruộng đất và lập phương án dồn đổi ruộng đất ở cấp thành phố và cấp xã: + Cấp thành phố căn cứ vào Chỉ thị của ban thường vụ thành phố, kế hoạch thực hiện của UBND thành phố tiến hành xây dựng kế hoạch dồn đổi ruộng đất trên địa bàn theo đúng nội dung và thời gian quy định. + Cấp Xã căn cứ vào kế hoạch của UBND xã để tiến hành xây dựng phương án dồn đổi ruộng đất tại địa phương: điều chỉnh bổ sung hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng, quỹ đất công ích 5% của xã; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã mình. Từng khu dân cư thống kê phân loại ruộng đất hiện có theo 5 loại: rất Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 63 thuận lợi cho sản xuất; thuận lợi, trung bình; khó khăn và rất khó khăn cho sản xuất. Đất thuận lợi cho sản xuất: có chất đất khá, cho năng suất, sản lượng khá, vị trí cách nơi cư trú khoáng 3 - 4km; địa hình vàn cao, điều kiện tưới tiêu chủ động 70%; điều kiện đi lại, bảo vệ khá thuận lợi. Đất trung bình: có chất đất, năng suất và sản lượng trung bình; vị trí cách nơi cư trú của hộ từ 4 - 5km; địa hình vàn cao; điều kiện tưới tiêu, bảo vệ, đi lại thuận lợi ở mức bình thường. Đất khó khăn cho sản xuất: có chất đất kém, năng suất và sản lượng thấp; vị trí cách nơi cư trú của hộ 5 - 6km; địa hình vàn thấp, tưới tiêu không chủ động, điều kiện đi lại, bảo vệ ở mức khó khăn. Đất rất khó khăn cho sản xuất: có chất đất kém, năng suất và sản lượng rất thấp; vị trí khu đất cách nơi cư trú của hộ trên 6km; địa hình cao hoặc trũng; tưới tiêu dựa vào nước trời (nắng thì hạn, mưa thì úng.) + Căn cứ vào số hộ, diện tích hiện có/hộ, diện tích thửa đất có bờ cố định (theo bản đồ 299 hoặc bản đồ toạ độ) để lập phương án dồn đổi theo phương pháp: rút bù diện tích (hệ số K), cụ thể như sau: Ruộng đất rất tốt, điều kiện rất thuận lợi cho sản xuất: K= 0,8 Ruộng đất tốt vừa, điều kiện sản xuất tương đối thuận lợi: K = 0,9. Ruộng đất có điều kiện sản xuất thuận lợi ở mức trung bình: K = 1. Ruộng đất xấu, điều kiện sản xuất khó khăn: K =1,1. Ruộng đất rất xấu, điều kiện sản xuất rất khó khăn: K =1,2. Căn cứ vào phương án dồn đổi đã được cấp thành phố duyệt, cấp xã hướng dẫn các khu hành chính xây dựng phương án dồn đổi ở khu mình. - Bước 3: Thực hiện dồn đổi ruộng đất trên thực địa, ghi điều chỉnh tên, diện tích thửa đất vào giấy chứng nhận đã được cấp. Sau khi phương án đã được duyệt, các thôn tổ chức giao nhận đất cho các chủ sử dụng đất trên bản đồ và ngoài thực địa theo phương án được duyệt. Căn cứ vào bản đồ, số khẩu, diện tích từng loại đất của từng khu dân cư đã được UBND xã xác nhận, tiến hành lập danh sách các hộ sử dụng đất của từng khu dân cư trên bản đồ theo thứ tự ưu tiên: ưu tiên ruộng gần, ruộng tốt cho các hộ chính sách, người có công, người già neo đơn,...khuyến khích các hộ có khả năng về vốn, kỹ thuật nhận Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 64 phần đất ở xa hơn, khó khăn hơn; các hộ không thuộc đối tượng ưu tiên nói trên tham gia bốc thăm để xác định vị trí đất cụ thể của từng hộ. Căn cứ đối tượng ưu tiên và kết quả bốc thăm, Ban chỉ đạo lập danh sách cụ thể về chủ sử dụng đất, diện tích, xứ đồng...,làm cơ sở cho việc giao nhận đất ngoài thực địa rồi lập biên bản giao đất tại thực địa... - Bước 4: Tổng kết công tác dồn đổi ruộng đất nông nghiệp và hoàn thiện các nội dung về quản lý đất đai, chỉnh lý hồ sơ địa chính như: chỉnh lý bản đồ, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau khi đã thực hiện dồn đổi xong. 3.2.3. Đánh giá kết quả thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp tại thành phố Phủ Lý 3.2.3.1 Tình hình chung trong toàn thành phố Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về dồn điền đổi thửa, Tỉnh uỷ Hà Nam đã ra Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 12/3/2003 vận động chuyển đổi ruộng đất tạo điều kiện cho nhân dân phát triển sản xuât nông nghiệp có hiệu quả, nâng cao hiệu quả sử dụng đất với chủ trương: giữ nguyên số khẩu lao động nông nghiệp được chia ruộng và phương châm "chết không cắt, sinh không chia". Căn cứ quyết định số 491/QĐ - TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; Căn cứ Nghị quyết số 03- NQ/TU ngày 21/4/2011 của Tỉnh ủy Hà Nam về xây dựng nông thôn mới, kế hoạch số 547/KH - UBND ngày 13/5/2011 của UBND tỉnh Hà Nam về Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy Hà Nam xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2020; Kế hoạch số 572/KH - UBND ngày 03/5/2012 của UBND tỉnh Hà Nam về dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Căn cứ Nghị quyết số 04- NQ/HU ngày 11/5/2011 của Thị ủy Phủ Lý về xây dựng nông thôn mới đến năm 2020; Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 8 tháng 06 năm 2012 của UBND Thành Phố Phủ Lý về dồn đổi ruộng đất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ thành ô thửa lớn ở các xã, thị trấn trên địa bàn Thành Phố Phủ Lý; Căn cứ Nghị quyết số 10 - NQ/TU ngày 08/8/2012 của Thị ủy về dồn đổi đất Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 65 nông nghiệp ở các xã, thị trấn trên địa bàn Thành Phố Phủ Lý đến năm 2015; Ngày 18/03/2015, Sở Tài Nguyên &Môi trường thừa lệnh Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 164/CC-STN&MT chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương hoàn chỉnh, giao nộp hồ sơ dồn điền đổi thửa và biểu tổng hợp điều tra hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời cử lãnh đạo, cán bộ phòng Tài nguyên – Môi trường và phòng Kinh tế huyện, thành phố tham gia nhiệm vụ giúp các xã, thị trấn xây dựng và thực hiện phương án dồn điền đổi thửa đảm bảo yêu cầu về thời gian, chất lượng. Thành Phố Phủ Lý đã và đang triển khai thực hiện công tác DĐĐT đất canh tác cho 7/21 xã, phường. Sau hơn bốn năm tổ chức thực hiện chính quyền và nhân dân thành phố Phủ Lý đã đạt được những kết quả rất khả quan trong công tác dồn đổi ruộng đất. Hình 3.1. Ruộng đất xã Kim Bình-thành phố Phủ Lý sau khi đã DĐĐT Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 66 Bảng 3.6. Thực trạng ruộng đất nông nghiệp thành phố Phủ Lý trước và sau dồn điền đổi thửa TT Các chỉ tiêu Trước DĐ Sau DĐ So sánh (2010) (2014) (2014/2010) 1 Tổng số hộ sử dụng đất SXN (hộ) 10.487 10.039 -448 2 Tổng số thửa đất trồng SXN (thửa) 36.419 19.278 -17.141 3 Tổng diện tích đất trồng SXN (ha) 3.905,32 3.167,21 -738,11 4 Bình quân thửa/hộ (thửa) 3,47 1.92 -1.55 5 Bình quân diện tích/thửa (m2) 1.072 1.642 +570 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phủ Lý) Bảng 3.7 Thực trạng ruộng đất tại các xã nghiên cứu trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa Số thửa trước DĐ 2010 TT Tên xã Số hộ thực hiện Số thửa BQ thửa /hộ Số thửa sau DĐ 2014 Tỷ lệ Số hộ giảm BQ sau thực Số thửa thửa/hộ số thửa hiện 1 Tiên Tân 2.076 4.262 2,05 1.728 2.602 1,51 38,95 2 Kim Bình 1.539 4.956 3,22 1.272 3.422 2,69 30,95 3 Tiên Hiệp 1.530 6.120 4,00 1.745 3.213 1,84 47,50 4 Liêm Tuyền 1.124 2.753 2,45 1.352 2.192 1,62 20,38 5 Đinh xá 1.644 7.628 4,64 1.521 3.452 2,27 54,75 6 Trịnh xá 1.141 6.560 5,75 1.091 2.520 2,31 61,59 7 Tiên Hải 1.433 5.674 3,96 1.330 1.877 1,41 66,92 Tổng 3,67 10.039 19.278 1,92 49,21 10.487 37.953 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý, 2014) Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, Thành Phố thực hiện giao ruộng đất ổn định lâu dài cho hộ nông dân trước khi thực hiện Nghị Định 64/CP ngày 27/9/1993. Bình quân mỗi hộ có đến 3,67 thửa. Như vậy, Thành Phố là một trong những địa phương có mức độ manh mún cao. Sau chuyển đổi bình quân số thửa là 1,92 thửa/ hộ giảm 49,21% số thửa. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 67 Bảng 3.8. Kết quả thực hiện dồn điền đổi thửa ở Thành phố Phủ Lý Trước dồn đổi Sau dồn đổi Hộ % Hộ % 1. Hộ có 1 thửa 0 0 3638 36,24 2. Hộ có 2 –3 thửa 2250 21,46 5409 53,88 3. Hộ có 4- 5 thửa 4846 46,21 992 9,88 4. Hộ có 6-7 thửa 3369 32,13 0 0 5. Hộ có 8 – 9 thửa 22 0,21 0 0 Tổng 10.487 100,0 10.039 100 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý,2014) Phân nhóm hộ Từ số liệu tổng hợp tại bảng trên cho thấy: - Về số hộ: trước dồn đổi, toàn thành phố có 11.221 hộ đủ điều kiện dồn đổi, trong đó có 10.487 hộ tham gia, đạt 93,46% số hộ cần dồn đổi. Sau dồn đổi số hộ có giảm 448 hộ nguyên nhân là số hộ đã tham gia chuyển quyền và bị thu hồi đất cho các dự án. - Về số thửa: tổng số thửa đất sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố là 37.953 thửa, trong đó: thửa có diện tích nhỏ nhất là 04m2, thửa có diện tích lớn nhất là 5840 m2, bình quân có 3,67 thửa/ hộ. Sau dồn đổi còn 19.278 thửa (giảm được 18.675 thửa, bằng 32,63% tổng số thửa trước dồn đổi), trong đó: thửa có diện tích nhỏ nhất là 130m2, thửa có diện tích lớn nhất là 10.520m2 (được sử dụng vào mô hình kinh tế trang trại); bình quân sau dồn đổi còn 1,92 thửa/hộ. - Về diện tích: toàn thành phố đã dồn đổi được 3.905,32 ha, đạt 95,78% số diện tích cần dồn đổi. Sau dồn đổi, diện tích đất sản xuất nông nghiệp tham gia dồn đổi đã giảm xuống còn 3.167,21 ha (giảm 738,11 ha do chuyển sang làm đường giao thông, thuỷ lợi nội đồng, các dự án đất phi nông nghiệp khác...). Tìm hiểu về kết quả dồn điền đổi thửa của toàn thành phố cho thấy: dồn điền đổi thửa đã tạo ra những thửa lớn, ít phân tán nên đã khắc phục được manh mún đất đai, thuận lợi cho cơ giới hoá ở khâu làm đất, giảm công đi lại, có điều kiện áp dụng khoa học công nghệ kỹ thuật nên năng suất cây trồng tăng từ 15 - 20kg/sào/năm. Đặc biệt trong quá trình tiến hành dồn điền đổi thửa nhiều địa phương đã tạo cơ hội cho nhiều hộ có vốn, có sức lao động, có kỹ thuật nhận ruộng một thửa cộng thêm một phần diện tích trong quỹ đất ngân sách xã (5%), các hộ này đã và đang phát Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 68 triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích đất, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng tập trung vào các mô hình trang trại nhỏ, kết hợp chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và trồng trọt đạt hiệu quả kinh tế cao. Quỹ đất được bố trí lại gọn vùng, gọn cánh, thuận lợi cho sản xuất, quản lý, giảm được bờ vùng, bờ thửa, tăng diện tích đất canh tác. Hệ thống giao thông thuỷ lợi được quy hoạch thuận lợi hơn cho sản xuất. Các ô thửa lớn chủ hộ chủ động đầu tư thâm canh nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, sản xuất nông sản hàng hoá. Một số xã trong thành phố tiếp tục vận động nhân dân thực hiện tiếp việc dồn điền đổi thửa. 3.2.3.2. Tình hình thực hiện dồn đổi ruộng đất tại các xã nghiên cứu 3.2.3.2.1. Một số đặc điểm chung của các xã nghiên cứu: Sau khi nghiên cứu kết quả dồn điền đổi thửa chung của Thành Phố Phủ Lý, đề tài đã tập trung nghiên cứu tại 4 xã thuộc 2 vùng: - Vùng 1 gồm các xã: Kim Bình, Tiên Tân; - Vùng 2 gồm các xã: Tiên Hiệp, Liêm Tuyền. Đặc điểm các xã trong 2 vùng: - Xã Kim Bình giáp huyện Kim Bảng, địa hình phức tạp bị đê sông Đáy chia cắt, mức độ manh mún cao, thành phần đất đai có vùng đất trồng lúa và có vùng đất bãi ven sông phù hợp trồng các loại cây lạc, đậu, đỗ và trồng rau để cung cấp cho người dân cả thành phố. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 628,53 ha; tổng dân số là 5.427 người, tổng số hộ là 2.554 hộ gia đình. - Xã Tiên Tân giáp huyện Duy Tiên là xã đồng bằng, đồng ruộng bằng phẳng, địa hình ít bị chia cắt, mức độ manh mún đất đai ít hơn, ở đây chủ yếu là vùng đất trồng Lúa. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 748,11 ha; tổng dân số là 4.820 người, tổng số hộ là 2.107 hộ gia đình. - Xã Tiên Hiệp giáp huyện Duy Tiên là xã đồng bằng, đồng ruộng bằng phẳng, địa hình ít bị chia cắt, mức độ manh mún đất đai ít hơn, ở đây chủ yếu là vùng đất trồng Lúa. Xã có tổng diện tích tự nhiên là 510,61 ha; tổng dân số là 3.997 người, tổng số hộ là 2.316 hộ gia đình. - Xã Liêm Tuyền giáp huyện Thanh Liêm, địa hình phức tạp bị đê sông Đáy Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 69 chia cắt, mức độ manh mún cao, thành phần đất đai có vùng đất trồng lúa và có vùng đất bãi ven sông phù hợp trồng các loại cây hàng năm như lạc, đậu, đỗ và trồng rau ... Xã có tổng diện tích tự nhiên là 331,06 ha; tổng dân số là 3.523 người, tổng số hộ là 1554 hộ gia đình. 3.2.3.2.2. Tình hình manh mún đất đai tại các xã nghiên cứu: Từ những phân tích trên cho thấy trước khi dồn điền đổi thửa, bốn xã nghiên cứu có mức độ manh mún khác nhau được thể hiện tại bảng 3.9 Bảng 3.9. Thực trạng đất đai tại các xã nghiên cứu Xã Tiên Tân Kim Bình Tiên Hiệp Liêm Tuyền Tổng Tổng Diện Tổng số hộ Bình Tổng số Bình quân Bình tích đất nông được giao quân diện thửa của quân diện tích 2 nghiệp đất NN tích / hộ toàn xã thửa/ hộ m /thửa (ha) (hộ) (m2) (thửa) (thửa) (m2) 449,95 2,076 2167 4.262 1056 2,05 304,5 1,539 1979 4.956 614 3,22 419,5 1,530 2742 6.120 685 4,00 170,15 1,124 1514 2.753 618 2,45 1.344,10 6.269 2.144 18.091 2.974 2,89 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý, 2014) Qua bảng 3.9 cho thấy thực trạng manh mún ruộng đất tại 4 xã thuộc 2 vùng cũng rất khác nhau, nếu như bình quân thửa/ hộ của xã Tiên Tân trước chuyển đổi là 2,05 thửa/ hộ, Kim Bình là 3,22 thửa/hộ, Tiên Hiệp là 4,00 thửa/hộ và xã Liêm Tuyền là 2,45 thửa/hộ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do địa hình đồng ruộng của mỗi địa phương khác nhau, có nơi có đất màu, đất trũng, có trong đê, ngoài đê, có đồng xa, đồng gần, có đất tốt, đất xấu là nguyên nhân làm tăng số ô thửa/ hộ. Nơi nào có địa hình phức tạp, sự chuyển tiếp địa hình mạnh thì mức độ manh mún về đất đai càng cao như xã Tiên Hiệp. Nơi nào có địa hình bằng phẳng độ cao thấp thay đổi ít thì ở đó sự manh mún đất đai ít hơn như xã Tiên Tân. Việc bố trí diện tích đất công ích của các địa phương phân tán trong từng hộ nông dân theo hình thức giao thầu, có nghĩa là khi chia ruộng theo Quyết định 115/QĐ-UB của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), ngoài phần diện tích được chia theo định mức hộ nông dân được nhận thêm diện tích đất công ích và hàng năm có trách nhiệm nộp sản phẩm theo 1 mức do UBND xã ấn định (thường là thấp hơn nhiều so với hình thức đấu thầu). Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 70 Với mức độ manh mún ruộng đất như trên đã ảnh hưởng lớn đến tổ chức sản xuất và công tác quản lý đất đai cụ thể như: - Thửa ruộng quá nhỏ thì hạn chế khả năng áp dụng cơ giới hoá nông nghiệp, do đó không giảm được chi phí lao động đầu vào. - Thửa ruộng đã nhỏ, nhiều thửa lại phân tán làm tăng rất nhiều công thăm đồng, vận chuyển phân bón và thu hoạch, mặt khác nông dân không muốn trồng cây hàng hoá do phải tăng công bảo vệ. - Quy mô ruộng đất nhỏ làm giảm lợi thế cạnh tranh của một số sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh giá nông sản luôn có xu thế giảm. - Nhiều thửa ruộng dẫn tới lãng phí đất canh tác do phải làm nhiều bờ ngăn, để đắp bờ vùng, bờ thửa. - Hộ nông dân nhiều thửa ruộng thì mất nhiều thời gian, kinh phí để lập hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khó khăn trong công tác quản lý đất đai như phải quản lý nhiều thửa đất. Bảng 3.10. Thực trạng ruộng đất tại các xã nghiên cứu trước khi thực hiện dồn điền đổi thửa Xã Tiên Tân Kim Bình Tiên Hiệp Liêm Tuyền Tổng Tỷ lệ % Tổng số thửa Tổng số Hộ có 2- Số hộ có Hộ có 6-7 Ghi chú thửa 4-5 thửa 3 thửa hộ ruộng (hộ) (hộ) (hộ) (hộ) (thửa) 4.262 2.076 446 959 671 4.956 1.539 330 711 498 6.120 1.530 328 707 495 2.753 1.124 241 519 364 18.091 6.269 1.345 2.896 2.028 100 21,45 46,20 32,35 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý,2014) Qua bảng 3.10 cho thấy thực trạng manh mún ruộng đất tại 4 xã nghiên cứu tương đối cao cụ thể: - Chưa có hộ nào có 01 thửa đất nông nghiệp; - Tổng số hộ có 2-3 thửa ruộng là 1.345 hộ chiếm 21,45% số hộ sử dụng đất nông nghiệp trong đó: + Xã Tiên Tân có 446 hộ, chiếm 33,16% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Kim Bình 330 hộ, chiếm 24,54 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 71 + Xã Tiên Hiệp 328 hộ, chiếm 24,39 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã Xã Liêm Tuyền 241 hộ, chiếm 17,92% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã - Tổng số hộ có 4-5 thửa ruộng là 2.896 hộ chiếm 46,20% số hộ sử dụng đất nông nghiệp trong đó: + Xã Tiên Tân có 959 hộ, chiếm 33,11% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Kim Bình 711 hộ, chiếm 24,55 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Tiên Hiệp 707 hộ, chiếm 24,42 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Liêm Tuyền 519 hộ, chiếm 17,92% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã - Tổng số hộ có 6-7 thửa ruộng là 2.028 hộ chiếm 32,35% số hộ sử dụng đất nông nghiệp trong đó: + Xã Tiên Tân có 671 hộ, chiếm 33,09% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Kim Bình 498 hộ, chiếm 24,56 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Tiên Hiệp 495 hộ, chiếm 24,41 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Liêm Tuyền 364 hộ, chiếm 17,95% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã 3.2.3.2.3. Kết quả dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu Sau khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa ở 4 xã nghiên cứu, chúng tôi tổng hợp một số chỉ tiêu và được thể hiện ở bảng 3.11 cho thấy sự biến động theo hướng tích cực và hiệu quả về mặt diện tích đất nông nghiệp, giao thông thủy lợi nội đồng, số ô thửa, số hộ sử dụng đất nông nghiệp và các chỉ tiêu bình quân thửa/ hộ cũng như m2/ thửa; cụ thể như: - Về diện tích đất sản xuất nông nghiệp xã Tiên Tân giảm 4,64 ha, xã Kim Bình giảm 9,0 ha, xã Tiên Hiệp giảm 17,65ha, xã Liêm Tuyền giảm 7,94 ha; nguyên nhân do Ủy ban nhân dân các xã đã vận động các hộ dân tự nguyện hiến đất để xây dựng và cải tạo mở rộng hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới và một số dự án Giải phóng mặt bằng mở rộng đường liên thôn, liên xã .... Hơn thế diện tích đất công ích trong khu dân cư đã được xã hoán đổi cho hộ dân để dồn gọn khu, gọn vùng, tạo thuận lợi cho việc quản lý cũng như nâng cao giá trị thầu, khoán trên một đơn vị diện tích đất công ích điều đó được thể hiện rất rõ qua số liệu đất công ích ngoài đồng tăng lên của các xã nghiên cứu tại bảng 3.11. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 72 Bảng 3.11. So sánh, phân tích kết quả trước và sau dồn điền đổi tại các xã nghiên cứu Trước dồn đổi ruộng đất 2010 Sau Dồn đổi ruộng đất 2014 Trong đó TT Tên xã Số hộ (hộ) Tổng số thửa đất nông nghiệp ( Thửa) Tổng diện tích đất nông nghiệp (ha) Đất nông nghiệp giao ốn định cho hộ gia đình cá nhân(ha) Ngoài đồng Diện tích đất công ích (UB)(ha) Trong khu dân cư Ngoài đồng Trong khu dân cư Diện tích giao thông thủy lợi nội đồng (ha) Bình quân số thửa/ hộ Bình quân diện tích/ thửa (m2/ thửa) Thôn (xóm) đã thực hiện xong dồn đổi Trong đó Số hộ (hộ) Tổng số thửa đất nông nghiệp ( Thửa) Tổng diện tích đất nông nghiệp (ha) Đất nông nghiệp giao ốn định cho hộ gia đình cá nhân (ha) Ngoài đồng Diện tích đất công ích (UB)(ha) Trong khu dân cư Ngoài đồng (1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) (9) (10) (11) (12) (13) (14) (15) (16) (17) (18) (19) 1 Tiên Tân 2.076 4.262 449,95 356,64 67,53 19,15 6,63 21,42 2,05 1056 5 1.728 2.602 445,31 417,95 2,82 24,54 Tron g khu dân cư (20) Diện tích giao thông thủy lợi nội đồng (ha) Thửa/hộ Bình quân số thửa / hộ % Giảm thửa Bình quân diện tích/ Bình quân diện tích/ thửa (m2/ thửa) Tăng so với thửa trước dồn đổi Ghi chú (lần) (21) (22) (23) (24) (25) 26,06 1,51 26,65 1.711 1,62 (26) Vùng 1 2 Kim Bình 1.539 4.956 304,5 286,27 2,4 12,74 3,09 14,5 3,22 614 9 1.272 3.422 295,50 274,10 3 Tiên Hiệp 1.530 6.120 419,5 397,23 0 22,27 0 62,18 4,00 685 5 1.745 3.213 401,85 376,14 0 15,66 23,50 2,69 16,46 864 1,41 20,85 79,83 1,84 53,97 1.251 1,83 Vùng 2 4 Liêm Tuyền 1.124 2.753 170,15 161,47 0 8,68 0 23,56 2,45 618 6 1.352 2.192 162,21 154,70 0 8,24 31,50 1,62 33,81 740 1,20 Tổng 6.269 18.091 1.344,10 1.201,61 69,93 130,65 9,72 121,66 2,89 743 25 6097 11.429 1304,87 1239,21 2,82 69,29 160,89 1,87 35,04 1.142 1,54 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý, 2014) Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 73 - Về diện tích giao thông thủy lợi nội đồng thực hiện theo quy hoạch nông thôn mới tăng lên rõ rệt như ở Tiên Tân tăng 4,64 ha , xã Kim Bình tăng 9,0 ha, xã Tiên Hiệp tăng 17,65ha, xã Liêm Tuyền tăng 7,94 ha Nguyên nhân tăng diện tích đất giao thông, thuỷ lợi nội đồng của các xã điều tra khác nhau là do trong quá trình chuyển đổi ruộng đất xã đã kết hợp quy hoạch lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, khi tính toán để dồn đổi ruộng đất đã trừ đất cho nhu cầu trong tương lai. Việc quy hoạch lại hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng đã góp phần tích cực trong cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích của nông hộ. Với việc tu bổ, mở rộng các tuyến kênh, mương tưới, tiêu góp phần chủ động tưới trong mùa khô hạn, tiêu trong mùa lụt đã làm cho diện tích canh tác được tưới tiêu chủ động tăng lên, nhiều cánh đồng trước kia chỉ cấy một vụ hay trồng màu nay nhờ có hệ thống tưới tiêu tương đối hoàn thiện đã được cải tạo tăng vụ hoặc chuyển đổi sang trồng lúa. Đối với việc mở rộng đất giao thông nội đồng góp phần giảm công lao động khi thu hoạch cũng như công chăm sóc, thăm đồng của nông hộ góp phần làm giảm chi phí trong sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. - Về số hộ tham gia dồn đổi rộng đất cũng có sự thay đổi giảm trong khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, nguyên nhân chủ yếu là do các hộ tự ý chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ khác và do một số hộ già yếu mất đi để lại cho con cái.... - Về số thửa đều có sự biến động tích cực cụ thể là số thửa trên mỗi hộ sau dồn điền đổi thửa giảm đáng kể, xã Tiên Tân giảm 26,65 % số thửa, xã Kim Bình giảm 16,46% số thửa, xã Tiên Hiệp giảm 53,97 % số thửa, xã Liêm Tuyền giảm 33,81% số thửa, nhưng đồng thời khi dồn điền thì diện tích bình quân trên 1 thửa đất của các xã này cũng tăng so với trước dồn đổi lần lượt là 1,62 lần; 1,41 lần; 1,83 lần và 1,2 lần ; đây là nguyên nhân giảm tất yếu vì bản chất của dồn đổi ruộng đất nông nghiệp là giảm thửa cho mỗi hộ và tăng diện tích bình quân/ thửa để thuận tiện cho công tác sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp hàng hóa quy mô lớn. - Về tỷ lệ thửa/hộ: việc dồn điền đổi thửa ở xã Tiên Tân kết quả đạt được cao Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 74 nhất bình quân mỗi hộ chỉ có 1,51 thửa/hộ, giảm 26,65% số thửa/hộ trước dồn đổi và tỷ lệ thấp hơn bình quân mỗi hộ trong thành phố có 1,92 thửa; -Về bình quân diện tích một thửa thì kết quả tại xã Tiên Tân là cao nhất bình quân mỗi hộ 1.711m2/thửa, cao hơn 1,62 lần trước dồn đổi và cao hơn bình quân cả thành phố là 1.642m2/thửa. Bảng 3.12. Một số kết quả chính sau dồn điền đổi thửa ở các xã nghiên cứu Tổng số Tổng số Hộ có Hộ có 2- Số hộ có thửa ruộng hộ 01 thửa 3 thửa 4-5 thửa (thửa) (hộ) (hộ) (hộ) (hộ) Tiên Tân 2.602 1.728 644 960 124 Kim Bình 3.422 1.272 480 698 94 Tiên Hiệp 3.213 1.745 540 945 260 Liêm Tuyền 2.192 1.352 507 722 123 11.429 6.097 2.171 3.325 601 100 35,60 54,54 9,86 Xã Tổng Tỷ lệ % Ghi chú Vùng 1 Vùng 2 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý) Từ số liệu ở bảng 3.12 cho thấy: - Tổng số hộ có 01 thửa ruộng là 2.171 hộ chiếm 35,60% số hộ sử dụng đất nông nghiệp trong đó: + Xã Tiên Tân có 644 hộ, chiếm 37,25% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Kim Bình 480 hộ, chiếm 37,74 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Tiên Hiệp 540 hộ, chiếm 30,95 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Liêm Tuyền 507 hộ, chiếm 37,50% số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã - Tổng số hộ có 2-3 thửa ruộng là 3.325 hộ chiếm 54,54 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp trong đó: + Xã Tiên Tân có 960 hộ, chiếm 55,56 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Kim Bình có 698 hộ, chiếm 54,89 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Tiên Hiệp có 945 hộ, chiếm 54,15 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Liêm Tuyền có 722 hộ, chiếm 53,40 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 75 - Tổng số hộ có 4-5 thửa ruộng là 601 hộ chiếm 9,86 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp trong đó: + Xã Tiên Tân có 124 hộ, chiếm 7,19 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Kim Bình có 94 hộ, chiếm 7,37 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Tiên Hiệp có 260 hộ, chiếm 14,9 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã + Xã Liêm Tuyền có 123 hộ, chiếm 9,1 % số hộ sử dụng đất nông nghiệp của xã. 3.2.3.3. Kết quả phỏng vấn nông hộ tại các xã nghiên cứu đại diện Mục đích là xem xét, đánh giá sự ảnh hưởng của Chính sách "Dồn điền đổi thửa" đất nông nghiệp theo kế hoạch số 572/KH-UBND ngày 03 tháng 05 năm 2012 của UBND tỉnh Hà Nam về dồn đổi ruộng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam; Nghị quyết số 10 - NQ/TU ngày 08/8/2012 của Thị ủy về dồn đổi đất nông nghiệp ở các xã, phường trên địa bàn Thành Phố Phủ Lý đến năm 2014; Kết quả điều tra, phỏng vấn nông hộ nhằm mục đích làm rõ một số vấn đề sau: - Dồn điền đổi thửa có tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng công nghiệp hoá? - Dồn điền đổi thửa có tác dụng thúc đẩy đa dạng hoá sản xuất và hiện đại hoá nền nông nghiệp? Dồn điền đổi thửa có làm giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế trong sử dụng đất hay không? - Quan điểm và nguyện vọng của hộ nông dân khi thực hiện công tác " Dồn điền đổi thửa " đất nông nghiệp? - Những hạn chế của công tác dồn điền đổi thửa là gì? Những giải pháp nào có thể giảm được những hạn chế đó? Để trả lời được những câu hỏi trên, tôi đã tiến hành điều tra, phỏng vấn cán bộ và hộ nông dân tại 4 xã nghiên cứu đại diện, với 120 phiếu điều tra đã chuẩn bị sẵn theo mẫu (mỗi xã 30 phiếu). Kết quả thu về được 120 phiếu, đạt tỷ lệ 100% tổng số phiếu phát ra. Kết quả được tổng hợp từ phiếu điều tra, thể hiện ở Bảng 3.13. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 76 Bảng 3.13. Quan điểm của hộ nông dân đối với công tác dồn điền đổi thửa Nội dung phỏng vấn và ý kiến của Số hộ có Tỷ lệ nông hộ ý kiến (%) 120 100,0 Số hộ được phỏng vấn và điều tra (hộ) 1. Gia đình có đồng ý với phương án dồn điền đổi thửa ở địa phương Phương án dồn điền không? - Số hộ trả lời đồng ý Ghi chú đổi thửa đã được cấp 112 93,33 có thẩm quyền phê - Số hộ trả lời không đồng ý 6 5,00 duyệt - Số hộ không có ý kiến 2 1,67 2. Sau dồn điền đổi thửa gia đình có muốn nhận thêm đất để phát triển sản xuất? Chuyển nhượng hoặc - Số hộ trả lời có muốn nhận 72 60,00 - Số hộ trả lời không muốn nhận 0 0 - Số hộ không có ý kiến 0 0 thuê mượn từ người khác 3. Sau DĐĐT gia đình có muốn chuyển nhượng hay cho thuê đất nông nghiệp để đi làm nghề khác? Chuyển nghề sang - Số hộ trả lời có muốn - Số hộ trả lời không muốn - Số dồn hộ không kiến gia đình 4. Sau điền có đổiý thửa hoạt động kinh tế phi nông nghiệp 25 20,83 90 75,00 63 52,50 Đầu tư kiến thiết cơ 8 6,67 bản, chi phí đầu tư nhiều nhất vào khâu nào: - Số hộ đầu tư cho cải tạo đất để làm đất - Số hộ đầu tư cho chăm sóc - Số hộ cho thu hoạch Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 77 Nội dung phỏng vấn và ý kiến của Số hộ có Tỷ lệ nông hộ ý kiến (%) Ghi chú 88 73,33 Hộ nông dân được 5. Gia đình đã chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất như thế nào sau dồn điền đổi thửa? - Số hộ CĐ sử dụng đất từ đất lúa sang trồng lúa + màu - Số hộ CĐ ruộng trũng 2 lúa bấp hưởng lợi do có công 20 16,67 thuỷ lợi được quy bênh sang NTTS - Số hộ không thay đổi về cơ cấu cây trình giao thông, 9 7,5 hoạch 120 100 Chi phí trực tiếp của trồng so với trước dồn điền đổi thửa 6. Chi phí trực tiếp cho quá trình sản xuất tăng hay giảm ở những khâu nào? -Chi phí SX giảm ở khâu: làm đất, - Chi phí SX giảm ở khâu: chăm sóc - Hay khâu Thu hoạch hộ nông dân 7. Gia đình có đề nghị hay nguyệnvọng gì để cải thiện hơn điều kiện sử dụng đất nông nghiệp ở địa phương? Muốn đươc cấp đổi - Muốn được cấp GCN mới để thực GCN đất NN để thực hiện theo Luật Đất đai 120 100 hiện các quyền và - Muốn được tư vấn, hỗ trợ về kỹ 120 100 nghĩa vụ của người thuật trong sử dụng đất - Muốn được cấp GCN, tư vấn kỹ sử dụng đất 120 100 thuật và tạo thị trường nông sản ổn định Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 78 3.3. Đánh giá ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa 3.3.1. Ảnh hưởng của công tác dồn điền đổi thửa tới công tác quản lý Nhà nước về đất đai Công tác dồn điền đổi thửa là dịp để tổng kiểm kê lại quỹ đất nông nghiệp và việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho hộ nông dân được nhanh chóng, khách quan và chính xác, tạo điều kiện cho nông hộ thực hiện các quyền sử dụng đất theo luật định. Đồng thời, việc quản lý theo dõi biến động đất đai cũng được thực hiện chặt chẽ hơn, hạn chế được những tiêu cực xảy ra trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Việc dồn điền đổi thửa tạo ra những thửa ruộng lớn nhằm tiết kiệm được diện tích bờ vùng, bờ thửa, phát hiện được việc giao đất thiếu khách quan, công bằng trước đây. Vì vậy, có một số cơ sở diện tích đất nông nghiệp tăng lên sau khi tiến hành đo đạc lập bản đồ và hoàn thiện hồ sơ địa chính sau dồn điền đổi thửa. Việc dồn điền đổi thửa đã làm tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả hơn, nguồn thu cho ngân sách từ đất tăng cao qua đó đã thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế chung của địa phương. Dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện cho các HTX kiểu mới hình thành, có điều kiện làm tốt các dịch vụ nông nghiệp, phân rõ trách nhiệm của HTX và nông hộ, hình thành những trang trại, thúc đẩy nền sản xuất hàng hoá phát triển mạnh hơn. Công tác "Dồn điền đổi thửa" đã tạo ra một hướng đi mới cho nông thôn của tỉnh Hà Nam nói chung và thành phố Phủ Lý nói riêng trên con đường CNH HĐH nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt, là đẩy mạnh quá trình cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá trên đồng ruộng, góp phần nâng cao năng suất sản lượng và hiệu quả đầu tư cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai. Tuy nhiên, sau dồn điền đổi thửa cũng còn không ít khó khăn trở ngại cần được tiếp tục tháo gỡ và khắc phục trong thời gian tới. 3.3.2. Công tác dồn điền đổi thửa đã giúp cho việc quản lý quỹ đất công ích đúng luật và có hiệu quả hơn *Quỹ đất công ích (hay còn gọi là đất 5% công ích) là quỹ đất dành riêng để nhằm mục đích xây dựng các công trình phúc lợi của địa phương. Theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, quy định quỹ đất công ích không quá 5% diện Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 79 tích đất nông nghiệp, diện tích này khi chưa sử dụng được cho thuê cho các hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình thuê ruộng đất, quỹ đất 5% công ích nói trên nhiều địa phương có các cách thuê khác nhau, có nơi thì để quỹ đất công ích ra một xứ đồng riêng để đấu thầu. Đối tượng nhận thầu ở những địa phương này phần lớn là những đối tượng được “ưu tiên” như con em địa phương sinh sau mốc giao ruộng năm 1992, cán bộ nghỉ hưu hay bộ đội chuyển về...Có nơi lại chia đều đất này vào đầu định suất như giao đất ruộng lâu dài, chỉ khác là xã sẽ thu phần sản lượng thầu vượt trội trên diện tích này. Sản lượng thầu mà các hộ nông dân phải trả bao gồm phần sản lượng khoán theo hạng đất, cộng thêm với sản lượng vượt trội do địa phương quy định; thường thì mức sản lượng thầu vượt trội khi chia đều ruộng đất cho định suất khá thấp. Một số nơi thì tổ chức đấu thầu theo đúng quy định, ai bỏ phiếu trả sản lượng cao thì sẽ được nhận thầu (thời gian giao thầu không quá 5 năm). Bảng 3.14. Diện tích đất công ích trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện Xã Tiên Tân Diện tích trước dồn điền đổi thửa Diện tích sau dồn điền đổi thửa Tổng Tỷ lệ Tổng Tỷ lệ Trong đó Trong đó Tổng Tổng diện đất diện đất diện diện tích tích Trong công Trong công tích đất tích đất Ngoài Ngoài đất ích / đất ích / khu khu nông nông đồng đồng công công đất dân cư đất dân cư nghiệp nghiệp (ha) (ha) ích NN ích NN (ha) (ha) (ha) (ha) (ha) (%) (ha) (%) 449,95 25,78 19,15 6,63 5,73 445,31 24,54 24,54 5,51 Kim Bình 304,5 16,81 13,72 Tiên Hiệp 419,5 22,27 170,1 8,68 Liêm Tuyền 3,09 5,52 295,5 15,66 15,66 5,3 22,27 5,31 401,85 20,85 20,85 5,19 8,68 5,10 162,21 8,24 8,24 5,08 Ghi chú Vùng 1 Vùng (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý, 2014) Với cách quản lý như trên đã tạo rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát quỹ đất công ích của xã; do đất công ích được quản lý trực tiếp bởi các thôn, lại phân tán trong các hộ, UBND các xã rất khó có thể kiểm soát chính xác số diện tích này. Mỗi khi UBND các xã cần đất để sử dụng vào mục đích khác thì lại phải đàm phán với các thôn, các hộ và thường thì rất khó khăn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 80 2 Sau dồn điền đổi thửa, tỷ lệ diện tích đất công ích tại 4 xã đều đã giảm đáng kể so với trước khi dồn điền đổi thửa nguyên nhân là xã đã lấy một số diện tích đất công ích ra để thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng cho một số công trình theo quy hoạch( như xây dựng các khu đấu giá đất ở, khu giãn dân, nhà văn hóa, mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Xã có tỷ lệ đất công ích sau dồn điền cao nhất là xã Tiên Tân 5,51%‡, xã có tỷ lệ thấp là xã Liêm Tuyền 5,08%‡. Đây là kết quả của sự chỉ đạo kiên quyết của Thành Ủy, UBND Thành Phố trong việc phê duyệt đề án dồn điền đổi thửa của các xã, thị trấn, hạn chế tối đa tình trạng để vượt hoặc thiếu diện tích đất công ích theo quy định. * Giá thầu đất công ích sau khi dồn điền đổi thửa Từ kết quả điều tra số liệu ở các xã nghiên cứu đại diện được thể hiện cho thấy, trước dồn điền đổi thửa thì đa số đất công ích do các hộ trong thôn, xã được chính quyền giao theo một mức sản lượng tương đối thấp, không có sự cạnh tranh về giá trúng thầu. Do đó, sản lượng thu về trên diện tích đất công ích không cao. Sau dồn điền đổi thửa, quỹ đất công ích đã được tập trung gọn vùng, gọn thửa rất thuận lợi cho canh tác và hầu hết các hộ đấu thầu là các hộ có kinh tế khá, có kinh nghiệm trong việc tổ chức sản xuất. Các hộ này đấu thầu đất công ích để phát triển kinh tế trang trại, đầu tư cải tạo để sản xuất những nông sản có giá trị kinh tế cao như: trồng hoa, cây cảnh, trồng dưa bao tử, cà rốt...Từ nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất nhiều hộ nông dân đã đấu thầu đất công ích với giá thầu cao. Do đó giá thầu quỹ đất này đã tăng lên từ 1,3 - 2,0 lần, thậm chí có xã đã tăng trên 2,1 lần so với trước dồn điền đổi thửa. Kết quả điều tra được tổng hợp tại Bảng 3.15. Bảng 3.15. Giá thầu đất công ích trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện Xã Đơn vị tính: Tấn/ha Trước dồn điền đổi thửa Sau dồn điền đổi thửa So sánh Ghi Bình quân Bình quân chú (lần) (tấn thóc/ha) (tấn thóc/ ha) Tiên Tân 1,35 2,84 2,10 Kim Bình 1,46 2,34 1,60 Tiên Hiệp 1,21 1,82 1,50 Liêm Tuyền Vùng 1 Vùng 2 1,32 1,72 1,30 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý, 2015) Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 81 3.3.3. Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp Dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp Sau dồn điền đổi thửa diện tích mỗi thửa đất đã tăng lên, mặt khác tiết kiệm được diện tích bờ vùng, bờ thửa, hộ nông dân có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là cơ giới hóa trong khâu làm đất, đầu tư thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các mô hình "Cánh đồng 80 triệu, 100 triệu/ha/năm". Những vùng đất trũng chỉ cấy được 1 vụ hoặc 2 vụ lúa bấp bênh đã được chuyển sang đào ao để nuôi trồng thuỷ sản, kết hợp với chăn nuôi thủy cầm và trồng cây ăn quả. Những vùng đất cao, vàn cao, thuận tiện về giao thông hoặc gần các trung tâm đô thị được chuyển sang trồng các loại cây rau màu cao cấp, trồng hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Trên chân đất vàn đã tiến hành quy hoạch lại đồng ruộng thành vùng chuyên canh lúa, cùng với việc hoàn thiện hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng để tổ chức sản xuất thâm canh các giống lúa cho năng suất cao, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực của địa phương. Công tác "Dồn điền đổi thửa" giúp quy hoạch lại hệ thống giao thông và thuỷ lợi nội đồng hiệu quả hơn, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình đa dạng hoá sản xuất nông nghiệp Quá trình cho phép khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất làm cho quy mô diện tích các thửa ruộng tăng lên. Nhưng đi kèm theo đó là sự tăng nhu cầu dịch vụ sản xuất, đặc biệt là nhu cầu đảm bảo tưới tiêu, vận chuyển và cơ giới hoá sản xuất trong tương lai. Vì vậy, trong triển khai DĐĐT việc mở rộng đường giao thông, thuỷ lợi, bê tông hoá kênh mương nội đồng cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà các địa phương hướng tới. Việc quy hoạch mở rộng diện tích đất giao thông, thuỷ lợi đã góp phần không nhỏ trong việc cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế/ đơn vị diện tích. Công tác tu bổ, mở rộng các tuyến kênh tưới, tiêu góp phần chủ động tưới trong mùa khô hạn, tiêu trong mùa mưa bão. Nhiều cánh đồng trước kia chỉ cấy Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 82 được một vụ lúa, nay nhờ có hệ thống tưới tiêu tương đối hoàn thiện đã được cải tạo tăng vụ. Đối với việc mở rộng đất giao thông nội đồng góp phần giảm nhẹ công thu hoạch cũng như chăm sóc của các nông hộ, phần lớn các thửa ruộng đều giáp với những bờ vùng, bờ thửa lớn phương tiện cơ giới có thể tiếp cận. Kết quả nghiên cứu ở các xã điều tra được thể hiện ở Bảng 3.16. Bảng 3.16. Diện tích đất giao thông, thuỷ lợi nội đồng trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện Thực trạng Tăng (+), Quy hoạch trước dồn giảm (-) Ghi chú Loại đất Xã sau dồn điền điền đổi thửa đổi thửa (ha) +/% (ha) Tiên Tân 10,10 11,32 +1,22 12,04 Kim Bình 6,87 7,63 +0,77 11,15 Vùng 1 Giao Tiên Hiệp 28,88 33,30 +4,41 15,29 thông Liêm Tuyền 10,96 12,60 +1,64 14,92 Vùng 2 7,25 Tiên Tân 10,34 11,08 +0,75 Kim Bình 7,07 7,43 +0,36 5,13 Vùng 1 Thuỷ lợi Tiên Hiệp 30,18 32,00 +1,83 6,06 Liêm Tuyền 11,43 12,13 +0,69 6,06 Vùng 2 (Nguồn: Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phủ Lý, 2015) * Kết quả cho thấy: - Diện tích đất giao thông nội đồng sau dồn điền đổi thửa đều tăng đáng kể so với trước dồn điền đổi thửa: xã Tiên Tân tăng 1,22 ha, xã Kim Bình tăng 0,77 ha; xã Tiên Hiệp tăng 4,41 ha và xã Liêm Tuyền tăng 1,64ha - Đất thuỷ lợi nội đồng của các xã cũng tăng: xã Tiên Tân tăng 0,75 ha, xã Kim Bình tăng 0,36 ha; xã Tiên Hiệp tăng 1,83 ha và xã Liêm Tuyền tăng 0,69ha Nhìn chung, mức độ tăng của diện tích đất giao thông, thuỷ lợi nội đồng biến động tăng từ 6% đến 15% tuỳ thuộc vào thực trạng của hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng của mỗi địa phương. Trong khi lập phương án dồn điền đổi thửa các xã đã chú trọng đến công tác quy hoạch lại đồng ruộng, cũng như quy hoạch lại hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng hợp lý hơn, thuận tiện cho quá trình sản xuất của nông hộ. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 83 Hình 3.2: Giao thông, thủy lợi nội đồng xã Tiên Tân sau DĐĐT 3.3.4. Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện để đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi tăng thu nhập cho nông dân Việc tính toán sự thay đổi cơ cấu thu nhập của nông hộ rất phức tạp, để tính được thu nhập trước và sau dồn điền đổi thửa, trước tiên xác định sự thay đổi về cơ cấu ruộng đất (như diện tích đất lúa chuyển sang ao, vườn) và sử dụng một mức giá hiện tại cho cả hai thời kỳ. Chính vì thế, sự thay đổi của cơ cấu thu nhập thể hiện trước hết là sự thay đổi của cơ cấu các hệ thống trồng trọt, chăn nuôi và phi nông nghiệp trong nông hộ. Hai thời điểm được điều tra là năm trước dồn điền đổi thửa (năm 2010) và sau dồn điền đổi thửa (năm 2014). Sau khi điều tra, thu thập số liệu được thể hiện tại Bảng 3.17 Bảng 3.17. Sự thay đổi của cơ cấu thu nhập của hộ nông dân trước và sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện Xã Tiên Tân Kim Bình Tiên Hiệp Liêm Tuyền Trước Sau Dồn điền đổi thửa (%) Dồn điền đổi thửa (%) Trồng Chăn trọt nuôi 38,97 50,2 52,62 48,81 3,88 4,81 5,9 9,51 Phi NN 57,15 44,99 41,48 41,68 Trồng Chăn trọt nuôi 34,93 46,03 48,89 46,5 4,38 5,23 7,3 8,73 Ghi chú Phi NN 60,69 48,74 43,81 44,77 Vùng 1 Vùng 2 (Nguồn: Phòng Nông Nghiệp Thành Phố Phủ Lý ,năm 2014) Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 84 Công tác "Dồn điền đổi thửa" đất nông nghiệp đã tác động tới mức giảm tỷ trọng ngành trồng trọt không đồng đều ở tất cả các vùng: Đối với vùng thuần nông chuyên canh cây lúa và đa dạng cây mầu vụ đông, như xã Tiên Hiệp trước dồn điền đổi thửa tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm tới 38,97% tổng thu nhập; nhưng sau dồn điền đổi thửa thì tỷ trọng giảm xuống còn 34,93 %. Lý do, xã có chủ trương phát triển mạnh đàn bò thịt chăn thả, đồng thời chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại tập trung (nuôi trồng thủy sản - chăn nuôi thủy cầm - trồng cây ăn quả), có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa. Sự thay đổi cơ cấu thu nhập ở xã Tiên Hiệp cho thấy tính chuyên môn hoá của hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ nông dân ngày càng cao. Đối với xã nằm trong vùng đa dạng ngành nghề, như xã Tiên Tân sau khi dồn điền đổi thửa cơ cấu thu nhập mang lại từ sản xuất nông nghiệp giảm so với trước dồn điền đổi thửa, thay vào đó là sự tăng nhanh về cơ cấu thu nhập từ các ngành nghề phi nông nghiệp. Tại xã Tiên Tân, trước dồn điền đổi thửa tỷ trọng từ các hoạt động phi nông nghiệp chiếm 57,15%, nhưng sau dồn điền đổi thửa đã tăng lên 60,69%. Lý do, dồn điền đổi thửa đã làm giảm công lao động trên đồng ruộng, do đó các hộ nông dân có nhiều thời gian hơn để phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp. Với vị trí là trung tâm thương nghiệp của Thành phố, nên số lao động nông nhàn trong xã đã chuyển sang buôn bán thương nghiệp và đi lao động ở ngoài tỉnh tăng lên. Sau khi hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, trên những xứ đồng đã xuất hiện nhiều mô hình canh tác mới, như: - Mô hình luân canh cây trồng: cấy 2 vụ lúa và trồng cây mầu vụ đông ˆđỗ tương, ngô, rau các loại...; - Mô hình cá - thuỷ cầm - trồng cây ăn quả: là mô hình ở đó việc canh tác gặp nhiều khó khăn, các hộ gia đình đã đào ao, lập vườn trồng cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi thủy cầm; - Mô hình chuyên thả cá: những vùng có địa hình thấp trũng, thường xuyên bị úng ngập (ven các sông nội đồng), các hộ gia đình đã đào ao, đắp bờ, cải tạo để chuyên nuôi cá; - Mô hình trang trại chăn nuôi tập trung. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 85 Bảng 3.18. Tổng hợp tình hình thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác sau dồn điền đổi thửa tại các xã nghiên cứu đại diện Kết quả điều tra diện tích đến ngày 30/12/2014 Tổng Xã diện Cá - thuỷ Chuyên Trang trại chăn tích(ha) cầm -cây thủy nuôi tập trung ăn qủa(ha) sản(ha) (ha) Tiên Tân 42,61 30,03 9,72 2,86 Kim Bình 60,2 35,61 20,46 4,13 Tiên Hiệp 24,14 10,94 8,22 4,98 Liêm Tuyền 18,32 9,75 6,41 2,16 145,27 86,33 44,81 14,13 Tổng Ghi Chú Vùng 1 Vùng 2 (Nguồn: Phòng Nông Nghiệp Thành phố Phủ Lý, 2014) 3.4. Đánh giá hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa 3.4.1. Hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa Hiệu quả công tác dồn điền nói chung và hiệu quả kinh tế sử dụng đất nói riêng đều phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng, vật nuôi trên đó. Do vậy, việc đánh giá và so sánh hiệu quả kinh tế của từng loại cây trồng, vật nuôi là rất quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Để xác định được đúng đắn và khoa học đối với việc nhận xét hiệu quả kinh tế trước và sau DĐĐT cần phải có sự tính toán, đánh giá và so sánh trên một đơn vị diện tích với cùng điều kiện vị trí địa lý. 3.4.1.1. Dồn điền đổi thửa mang lại hiệu quả kinh tế khi sử dụng đất với từng loại cây trồng thâm canh. Phủ Lý tuy là một thành phố hiện đại nhưng lại có nền sản xuất nông nghiệp cơ bản là thuần nông , công thức luân canh cây trồng trước dồn điền đổi thửa trên địa bàn thành phố đặc biệt là các xã vùng ven tương đối đơn giản, chủ yếu là trồng lúa nước, ngô, khoai lang, đỗ tương.... với trình độ thâm canh còn thấp. Trong khi đó thâm canh là phương thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, cây trồng chính chủ yếu là: lúa, ngô, lạc, đậu, khoai lang và các loại rau. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 86 Bảng 3.19. Hiệu quả kinh tế sử dụng đất một số cây trồng chính của 4 xã nghiên cứu (Theo giá hiện hành) Tiên Tân Trước chuyển đổi năm 2010 Loại cây trồng Lúa đông xuân Lúa hè thu Ngô Lạc Dưa Hành Cà chua GO IC 1000đ/ha 1000đ/ha 20.654 4.548 19.461 4.512 17.680 5.360 15.400 9.060 - 1000đ 1000đ 124,31 101,05 172,67 148,09 43,20 193,33 255,89 128,62 102,67 220,00 300,00 153,85 VA so trước CĐ (+.-) 1.671 -95 -12.320 140 58.000 115.150 33.440 23.191 16.465 13.873 27.160 129,56 92,50 92,49 138,57 172,37 136,39 129,42 183,67 8.899 7.831 1.720 372 177 183 150 24.568 18.897 12.690 138,80 103,26 84,60 180,14 143,74 128,27 9.994 9.558 -60 225 227 113 153 21.679 13.230 16.888 39.766 96,35 58,28 149,45 259,91 127,31 89,63 208,14 327,45 8.287 5.496 Sau chuyển đổi năm 2014 Công LĐ VA VA/LĐ công/ha 225 225 150 160 - 1000đ 16.106 14.949 12.320 6.340 - 1000đ 71,58 66,44 82,13 39,63 - Lúa đông xuân Lúa hè thu Ngô Lạc 20.096 14.564 17.680 35.400 5.804 5.930 5.527 8.612 300 303 150 204 14.292 8.634 12.153 26.788 47,64 28,50 81,02 131,31 Lúa đông xuân Lúa hè thu Ngô 20.534 15.493 19.240 5.960 6.154 6.490 296 298 155 14.574 9.339 12.750 49,24 31,34 82,26 Lúa đông xuân Lúa hè thu Ngô Lạc 19.096 13.564 15.680 33.400 5.704 5.830 5.427 8.512 300 303 150 204 13.392 7.734 10.253 24.888 44,64 25,52 68,35 122,00 Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp GO/LĐ GO IC 1000đ 1000đ/ha 1000đ/ha 91,80 24.692 6.915 86,49 21.769 6.915 117,87 96,25 15.400 8.920 66.000 8.000 135.000 19.850 40.000 6.560 Kim Bình 66,99 30.854 7.663 48,07 24.277 7.812 117,87 19.413 5.540 173,53 36.000 8.840 Tiên Hiệp 69,37 31.884 7.316 51,99 26.305 7.408 124,13 19.240 6.550 Liêm Tuyền 63,65 28.644 6.965 44,77 20.346 7.116 104,53 23.520 6.632 163,73 50.100 10.334 Công LĐ VA công/ha 143 147 150 300 450 260 1000đ 17.777 14.854 6.480 58.000 115.150 33.440 179 178 150 196 VA/LĐ GO/LĐ 6635 14878 Page 87 Qua điều tra, phân tích và xử lý dữ liệu điều tra bằng phần mềm Excel, chúng tôi đã có được số liệu để đánh giá hiệu quả kinh tế sử dụng đất của một số cây trồng chính (theo giá hiện hành) tại 4 xã nghiên cứu trước và sau DĐĐT. Từ số liệu tại Bảng 3.19 cho thấy, sau chuyển đổi ruộng đất các loại cây trồng chính đều cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước chuyển đổi ruộng đất: giá trị sản xuất, giá trị gia tăng, hiệu quả đồng vốn đều tăng và ngược lại công lao động cho sản xuất/ha/vụ đều giảm. Nhìn chung, sau chuyển đổi ruộng đất các cây trồng chính trên địa bàn Thành phố chủ yếu vẫn là lúa đông xuân, lúa hè thu, lạc, ngô, rau các loại. Song nhờ tình trạng manh mún ruộng đất đã được khắc phục đã làm cho bà con nông dân mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và hiệu quả kinh tế của các cây trồng/một đơn vị diện tích đều được tăng lên, giá trị tiền công lao được tăng lên, góp phần nâng cao đời sống của nông dân. Qua thực tế điều tra cho chúng tôi thấy chi phí thuốc BVTV giảm đáng kể, giảm bớt được chi phí và tạo chất lượng tốt hơn cho sản phẩm. Nếu như trước dồn đổi chi phí thuốc BVTV cho 1 ha lúa trên là 444.444đ thì sau dồn đổi giảm xuống còn khoảng 305.556đ - 361.111đ/ha. Bảng 3.20. Mức độ đầu tư, chi phí của các hộ trên 1 ha lúa trước và sau dồn điền đổi thửa Tiên Tân Chỉ tiêu 1. Chi phí BVTV 2. Chi phí làm đất 3. Công trồng,c.sóc 4. Công thu hoạch ĐVT Kim Bình Tiên Hiệp Liêm Tuyền Trước Sau Trước Sau Trước Sau Trước Sau c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi c/đổi Đồng/ha 444.444 361.111 41.667 305.556 472.222 361.111 416.667 333.333 Đồng/ha 2.500.000 1.944.444 2.083.333 1.805.556 2.638.889 2.361.111 2.361.111 1.944.444 Đồng/ha 125 89 117 83 139 117 144 117 Đồng/ha 56 33 50 28 61 44 64 50 88 Chi phí làm đất ở các địa phương sau khi dồn đổi cũng đã giảm đi, ở xã Tiên Tân sau khi dồn đổi giảm còn 1.944.444đ/ha tức giảm 22,22%, ở xã Kim Bình sau dồn đổi đã giảm 13,33% còn 1.805.556đ/ha. Có sự giảm đáng kể là do sau khi dồn đổi các hộ đã có những ô thửa lớn lại áp dụng máy móc dễ dàng nên chi phí được giảm đi. Công gieo trồng, chăm sóc thu hoạch sau dồn đổi ở 4 địa phương cũng đều giảm do khi ruộng đất được dồn đổi thành ô thửa lớn công đi lại vận chuyển giữa các thửa giảm, người dân tiết kiệm được thời gian, tránh được những hao phí không cần thiết, tập trung chăm sóc thửa đất của mình được tốt hơn. Số liệu bảng 3.20 cho thấy, ở xã Tiên Tân công gieo cấy, chăm sóc đã giảm 28,89%, công thu hoạch đã giảm đi 40%; ở xã Kim Bình cũng vậy công gieo cấy, chăm sóc đã giảm 29,05%, công thu hoạch giảm 44,44%. Còn ở xã Tiên Hiệp công gieo cấy, chăm sóc giảm được 15,82%, công thu hoạch giảm được 27,86% và xã Liêm Tuyền công gieo cấy, chăm sóc giảm được 18,75%, công thu hoạch giảm được 21,87% Như vậy quá trình dồn điền đổi thửa đã làm cho mức đầu tư của các hộ nông dân tăng lên đồng thời giảm một cách đáng kể công lao động trong quá trình sản xuất. Đây là cơ sở để nâng cao số lượng cũng như chất lượng của sản phẩm, chi phí sản xuất, từng bước hạ giá thành sản phẩm khi chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hoá. Quá trình dồn điền đổi thửa tác động đến việc hộ nông dân quyết định thay đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư áp dụng máy móc cơ giới hoá và chi phí cho trồng trọt đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao kết quả và hiệu quả sản xuất. Số liệu ở bảng 3.19 cho thấy rõ điều đó. Chỉ tiêu giá trị sản xuất tính bình quân trên 1 ha của các nhóm hộ điều có xu hướng tăng. Như vậy quá trình dồn điền đổi thửa đã làm cho giá trị ngành sản xuất tăng lên chứng tỏ các hộ đã chú trọng vào đầu tư cho sản xuất, đầu tư thâm canh đưa áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất làm phát triển ngành sản xuất nông nghiệp. 3.4.1.2. Đánh giá hiệu quả sử dụng đất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp Phủ Lý là một Thành Phố thuộc vùng đất trũng của tỉnh Hà Nam, công thức luân canh cây trồng ở đây trước dồn điền, đổi thửa tương đối đơn giản, chủ yếu là 89 trồng lúa nước, ngô, ..... Trình độ thâm canh chưa cao, trong khi đó thâm canh là phương thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp, thâm canh không chỉ tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cao cho trước mắt mà còn góp phần gìn giữ, bảo vệ và nâng cao độ phì đất, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Việc đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế của các biện pháp thâm canh là vấn đề không thể thiếu được khi đánh giá, so sánh hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp. Để đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp đề tài đã tiến hành điều tra hai mốc thời gian quan trọng đó là năm 2010 (trước dồn điền, đổi thửa) và năm 2014 (sau dồn điền, đổi thửa) Kết quả sản xuất nông nghiệp tại các xã điều tra đã có sự thay đổi rất lớn, với việc gọn vùng, gọn thửa, diện tích các ô thửa lớn đã khuyến khích các hộ nông dân đầu tư thâm canh, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giá trị sản xuất/1 ha của cả 4 xã đều tăng. Qua bảng 3.21 cho thấy giá trị sản xuất sau dồn đổi đều tăng hơn so trước dồn đổi trung bình 4 xã nghiên cứu tăng 13,94 triệu đồng, cao nhất là xã Tiên Hiệp tăng 23,04 triệu đồng, xã Tiên Tân tăng 11,55 triệu đồng, xã Kim Bình tăng 11,08 triệu đồng, xã Liêm Tuyền tăng 10,08 triệu đồng. Cũng từ số liệu Bảng 3.21 cho thấy, vẫn trên đồng đất ấy, con người ấy nhưng với việc các thửa ruộng đã gọn vùng, gọn thửa, diện tích các ô thửa lớn đã làm thay đổi mức chi phí trong sản xuất và khuyến khích các hộ nông dân đầu tư thâm canh nên kết quả sản xuất nông nghiệp của 4 xã điều tra năm sau dồn đổi đều tăng so với trước dồn đổi: giá trị sản xuất (GO) trên một héc ta đất của cả 4 xã đều tăng, cao nhất là xã Tiên Hiệp (giá trị sản xuất đạt 56,28 triệu đồng, tăng 23,04 triệu đồng so với trước chuyển đổi), lý do: sau chuyển đổi nông dân tập trung đầu tư canh tác một số loại cây trồng cho giá trị cao trên vùng đất trước đây chỉ trồng 1 vụ lúa năng suất thấp. Cùng với việc giá trị sản xuất tăng thì chỉ tiêu thu nhập hỗn hợp (MI) trên một héc ta đất sản xuất nông nghiệp của 4 xã cũng tăng mạnh: thu nhập hỗn hợp (MI) của xã Tiên Tân sau dồn đổi đạt 25,06 triệu đồng, tăng 10,01 triệu đồng; xã Kim Bình đạt 25,6 triệu đồng, tăng 9,44 triệu đồng và Tiên Hiệp là xã có thu nhập hỗn hợp (MI) cao nhất đạt 34,22 triệu đồng, tăng 14,44 triệu đồng so với trước chuyển đổi ruộng đất. 90 Bảng 3.21. Hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp trên một héc ta đất nông nghiệp tại 4 xã điều tra Xã điều tra Bình quân chung Chỉ tiêu Đơn vị tính Tiên Tân Kim Bình Tiên Hiệp Trước Sau So Trước Sau So Trước Sau So Trước Sau dồn dồn sánh dồn dồn sánh dồn dồn sánh dồn dồn đổi đổi (+.-) đổi đổi (+.-) đổi đổi (+.-) đổi đổi Liêm Tuyền So sánh (+.-) Trước Sau So dồn dồn sánh đổi đổi (+.-) Giá trị sản xuất (GO) triệu đ 28,69 42,625 13,94 26,25 37,8 11,55 28,63 39,71 11,08 33,24 56,28 23,04 26,63 36,71 10,08 Chi phí trung gian (IC) triệu đ 10,16 13,37 3,22 9,63 10,94 1,31 10,3 11,64 1,34 12,39 17,54 5,15 8,3 9,64 1,34 Giá trị gia tăng (VA) triệu đ 18,53 29,255 10,72 16,62 26,86 10,24 18,33 28,07 9,74 20,85 38,74 17,89 18,33 27,07 8,74 Thu nhập hỗn hợp (MI) triệu đ 16,29 28,29 12,00 15,05 25,06 10,01 16,16 25,6 9,44 19,78 34,22 14,44 14,16 22,6 8,44 Tỷ lệ GO/IC lần 3,91 4,56 0,65 3,93 4,7 0,77 3,97 4,64 0,67 3,83 4,34 0,51 1,97 2,67 0,7 Tỷ lệ VA/IC lần 2,91 3,56 0,65 2,93 3,7 0,77 2,97 3,64 0,67 2,83 3,34 0,51 1,97 2,65 0,68 Tỷ lệ MI/IC lần 2,64 3,25 0,61 2,63 3,42 0,79 2,63 3,31 0,68 2,65 3,01 0,36 1,63 2,36 0,73 Tổng số công lao động công 681 587 -94 749 571 -178 734 561 -173 678 612 -66 661 560 -101 GO/1 công lao động 1000 đ 42,13 72,61 30,49 35,05 66,20 3115 39,01 70,78 31,78 49,03 91,96 42,93 40,29 65,55 25,27 VA/1 công lao động 1000 đ 27,21 49,84 22,62 22,19 47,04 24,85 24,97 50,04 25,06 30,75 63,30 32,55 27,73 48,34 20,61 MI/1 công lao động 1000 đ 23,90 48,20 24,30 20,10 43,90 23,80 22,00 45,60 23,60 29,20 55,90 26,70 21,40 40,40 19,00 91 Do giá trị sản xuất (GO) và thu nhập hỗn hợp (MI) tăng, tổng số ngày công của nông hộ trên 1 ha sau chuyển đổi ruộng đất đều giảm (chủ yếu do có máy móc thiết bị tham gia vào quá trình làm đất và thu hoạch) nên giá trị ngày công lao động của người dân cũng đã được tăng lên rõ rệt: xã Tiên Tân đạt 66,20 nghìn đồng/1 công lao động (tăng 31,15 nghìn đồng), xã Kim Bình đạt 70,78 nghìn đồng (tăng 31,78 nghìn đồng) và xã Tiên Hiệp đạt 91,96 nghìn đồng (tăng 42,93 nghìn đồng). Từ những số liệu phân tích trên có thể thấy tác dụng và vai trò to lớn của chính sách chuyển đổi ruộng đất trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích. 3.4.1.3. Đánh giá mức thu nhập bình quân của các nhóm hộ sản xuất nông nghiệp Dồn điền đổi thửa đã tạo ra ô thửa lớn, giúp cho hộ nông dân dễ dàng lựa chọn hình thức sản xuất phù hợp sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với việc tăng năng suất cây trồng và đất đai được sử dụng triệt để, hiệu quả làm cho sản lượng lương thực ngày một tăng, từ đó thu nhập của người nông dân tăng cao. Sau dồn điền đổi thửa các trang trại đã và đang hình thành và phát triển mạnh mẽ, tạo sự đổi mới trong phát triển ngành nông nghiệp, điều này đồng nghĩa với việc giảm tỷ trọng ngành trồng trọt, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Sau sản xuất nông sản hàng hóa đang từng bước phát triển nhanh, sẽ thúc đẩy thị trường tiêu thụ sản phẩm phát triển. Mặt khác, nó cũng thúc đẩy thị trường cung cấp đầu vào cho sản xuất nông nghiệp phát triển như: thị trường vốn, thị trường vật tư, thiết bị nông nghiệp... Như vậy, công tác dồn điền đổi thửa là cuộc cách mạng trong nông nghiệp, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Đã tạo được sự tăng trưởng trong toàn ngành nông nghiệp nói riêng và góp phần không nhỏ đưa kinh tế của Thành phố Phủ Lý nói chung lên một tầm cao mới. Thực tiễn cho thấy, công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp đã tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ tới sự tăng thu nhập của các nhóm hộ khá, giàu hơn là các nhóm hộ nghèo. Minh chứng là sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa thì thu nhập bình quân của các hộ khá, giàu ở cả 4 xã nghiên cứu đại diện đều cao hơn so với thu nhập bình quân của các hộ nghèo. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 92 Kết quả nghiên cứu ở cả 4 nhóm hộ: khá, giầu; trung bình và nghèo thì mức thu nhập của hộ sau dồn điền đổi thửa đều tăng so với trước dồn điền đổi thửa. Tuy nhiên mức tăng thu nhập của các hộ khá, giầu và trung bình cao hơn hộ nghèo. Xét trên tổng thể, mức tăng này không hoàn toàn là do công tác dồn điền đổi thửa mang lại và không phải ở vùng nào mức tăng của hộ nghèo cũng thấp hơn hộ khá, giầu và hộ trung bình, mà nó còn chịu nhiều tác động khác, như: chính sách hỗ trợ sản xuất, thị trường, đầu tư sản xuất, trình độ sản xuất và phương thức sản xuất... Kết quả điều tra được tổng hợp và thể hiện tại Bảng 3.22 Nhóm hộ thu nhập khá, giầu: có thu nhập tính bình quân một hộ sau dồn điền đổi thửa tăng 5.900.000đồng/năm so với trước dồn điền đổi thửa, trong đó thu nhập từ ngành nghề - dịch vụ tăng cao nhất (tăng 4.700.000 đồng/năm); thấp nhất là ngành chăn nuôi (tăng 150.000 đồng/năm). Nhóm hộ thu nhập trung bình: có thu nhập tính bình quân một hộ sau dồn điền đổi thửa tăng 4.500.000đồng/năm so với trước dồn điền đổi thửa, trong đó thu nhập từ ngành nghề khác tăng cao (tăng 3.585.000 đồng/năm); thu nhập thấp là ngành chăn nuôi (tăng 315.000 đồng/năm). Nhóm hộ thu nhập nghèo: có thu nhập tính bình quân một hộ sau dồn điền đổi thửa tăng 4.000.000đồng/năm so với trước dồn điền đổi thửa, trong đó thu nhập từ ngành nghề khác tăng cao (tăng 3.250.000 đồng/năm); thu nhập thấp là ngành chăn nuôi (tăng 150.000 đồng/năm). Những phân tích trên chỉ cho phép nhận xét rằng: Công tác “Dồn điền đổi thửa” đã tạo điều kiện không nhỏ cho các hộ nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích; đồng thời góp phần quan trọng trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn Thành phố Phủ Lý trong thời gian tới. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 93 Bảng 3.22. Mức thu nhập bình quân của các nhóm hộ trước và sau dồn điền đổi thửa ở các xã nghiên cứu đại diện Đơn vị tính: 1000 đồng Trước DĐĐT Tổng thu nhập của hộ/năm Sau DĐĐT I. Hộ có thu nhập khá, giàu 34.500 40.400 + 5.900 Tỷ lệ tăng(+) ; giảm ( ‡) + 17,10 1. Trồng trọt 12.850 13.900 + 1.050 + 8,17 2. Chăn nuôi 1.550 1.700 + 150 + 9,68 3. Thu khác 20.100 24.800 + 4.700 + 23,38 II. Hộ có thu nhập trung bình 25.000 29.500 + 4.500 + 18,00 1. Trồng trọt 9.150 9.750 + 600 + 6,56 2. Chăn nuôi 985 1.300 + 315 + 31,97 3. Thu khác 14.865 18.450 + 3.585 + 24,11 III. Hộ có thu nhập nghèo 15.500 19.500 + 4.000 + 25,81 1. Trồng trọt 5.950 6.550 + 600 + 10,08 2. Chăn nuôi 650 800 + 150 +23,07 3. Thu khác 8.900 Nhóm hộ 12.150 So sánh tăng (+‰); giảm (-) + 3.250 + 36,52 Hình 3.3. So sánh thu nhập giữa các nhóm hộ trước và sau DĐĐT ở các xã nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 94 3.4.2. Hiệu quả về xã hội Công tác dồn điền đổi thửa đã ra tạo một không khí mới trong sản xuất nông nghiệp, người dân tham gia nhiệt tình, tự nguyện, tình cảm trong làng xóm ngày càng trở nên gắn bó hơn. Các chương trình văn hóa văn nghệ được tăng cường, nhằm tuyên truyền sâu rộng chính sách dồn điền đổi thửa đến các tầng lớp nhân dân trong thành phố, để tạo nên sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện ở từng địa phương. - Sau dồn điền đổi thửa lượng lao động ở những thời điểm căng thẳng của mùa vụ sẽ giảm đi vì thế giảm được lượng lao động nông nhàn và đã bắt đầu có sự chuyên môn hoá trong công việc. Hộ nào có khả năng chuyển sang làm nông nghiệp - dịch vụ sẽ chuyển dần lao động và các nguồn lực khác kinh doanh. - Sau chuyển đổi ruộng đất đồng ruộng được cải tạo, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được thực hiện tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá, khoa học kỹ thuật hiện đại vào đồng ruộng góp phần giải phóng sức lao động và có cơ hội chuyển sang lao động tại các ngành nghề khác, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, sau chuyển đổi ruộng đất hệ số sử dụng đất được nâng lên, nhiều trang trại tổng hợp với quy mô lớn đã giải quyết được một lực lượng lao động nông nghiệp nhàn rỗi. - Sau chuyển đổi ruộng đất hầu hết người dân đều phấn khởi vì hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn trước khi chuyển đổi ruộng đất. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn nhận những thửa ruộng xa xấu để đầu tư xây dựng mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Người nông dân thực sự yên tâm gắn bó và làm giàu trên chính mảnh ruộng của mình. - Đa số nhân dân đồng tình với chủ trương chuyển đổi và thống nhất với phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện trong quá trình chuyển đổi ruộng đất, từ kết quả tổng hợp số liệu điều tra, phỏng vấn nông hộ cho thấy: có tới 112/120 hộ (đạt 93,33%) được hỏi đều trả lời là đồng tình với chủ trương chuyển đổi ruộng đất của Đảng và Nhà nước. - Sau chuyển đổi ruộng đất, các địa phương cũng tránh việc việc xung đột trong quá trình sử dụng đất nông nghiệp giữa các hộ, tình trạng tranh chấp, khiếu Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 95 kiện trong sử dụng đất nông nghiệp giảm hẳn; Nguyên nhân chủ yếu do sau khi chuyển đổi hình thành các ô thửa lớn, bờ vùng bờ thửa to, được xác định rõ, có nơi được kiên cố hóa ... nên khả năng va chạm giữa các chủ sử dụng đất rất ít. - Chuyển đổi ruộng đất đã tạo điều kiện để hình thành các mô hình sản xuất tập trung, có hiệu quả, hình thành các vùng chuyên canh, tạo ra các sản phẩm có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, hình thành nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. - Chuyển đổi ruộng đất thành công đã làm cho bộ mặt nông thôn ở các xã, phường có nhiều thay đổi, góp phần tích cực cho nhiều xã tiến tới xây dựng và đạt các tiêu chuẩn của nông thôn mới. 3.4.3. Hiệu quả về môi trường Sau dồn điền đổi thửa đã tạo ra những ô thửa lớn giúp cho hộ thuận tiện hơn trong việc sử dụng và cải tạo phục hồi đất. Cùng với việc đầu tư để tăng năng suất cây trồng, hộ cũng đã ý thức được và bón lượng phân hữu cơ lớn giúp đất có thể phục hồi độ phì. Ruộng đất không còn manh mún phân tán đã góp phần làm giảm sự ô nhiễm môi trường, giảm sự mất cân bằng sinh học, vì trong khi dùng thuốc diệt trừ sâu bệnh đồng thời cũng diệt các loài thiên địch. Sau dồn điền đổi thửa, công tác triển khai áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất nông nghiệp đang được tiến hành, đây là biện pháp làm giảm tối đa sự ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh học và đảm bảo tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu đánh giá mức độ ảnh hưởng của hệ thống cây trồng hiện tại với môi trường sinh thái là vấn đề đòi hỏi phải có số liệu phân tích về các mẫu đất, nước và nông sản trong một thời gian dài. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, tôi chỉ xin đề cập đến một số chỉ tiêu ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trong sử dụng đất thông qua đánh giá mức độ sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cho các cây trồng trên địa bàn Thành phố Phủ Lý. * Sử dụng phân bón trong sản xuất nông nghiệp Sau khi xử lý số liệu thu thập được từ phiếu điều tra nông hộ chúng tôi thu được kết quả về mức đầu tư phân bón cho các loại cây trồng hàng năm của các xã Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 96 nghiên cứu đại diện sau dồn điền đổi thửa năm 2014. So sánh kết quả này với tiêu chuẩn bón phân cân đối và hợp lý cho các cây trồng của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam. Kết quả cụ thể lượng phân bón cho các cây trồng được trình bày trong bảng 3.23: Bảng 3.23. So sánh lượng phân bón sử dụng sau dồn đổi với lượng phân bón theo quy chuẩn STT Cây trồng Theo điều tra Theo tiêu chuẩn(*) N P2O5 K 2O N P 2O 5 K2O (kg/ha) (kg/ha) (kg/ha) (kg/ha) (kg/ha) (kg/ha) 1 Lúa xuân 118 88 71 120-130 80-90 30-60 2 Lúa mùa 116 72 64 80-100 50-60 0-30 3 Đậu tương 43,2 50 41,05 30-40 60 40-60 4 Khoai lang 55,5 45,05 14,6 50-60 40-50 70-90 5 Bí Xanh 243,02 150,05 100,2 250-300 150-200 100-170 6 Ngô 158,0 88,0 52,0 150-200 100-150 186,56 133,02 110 180-250 100-150 110-150 7 Rau các loại 80-100 (*) Tiêu chuẩn bón phân của sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam) Từ việc so sánh giữa thực tế bón và tiêu chuẩn, có thể thấy mức độ đầu tư phân bón cho các cây trồng tại Thành phố Phủ Lý khá lớn, nhóm cây rau màu có mức đầu tư lượng phân bón cao hơn các cây trồng khác. Dạng phân đạm chủ yếu được bón từ phân urê, phân lân chủ yếu từ supe lân, phân kali chủ yếu từ kali clorua. Số liệu bảng 3.23 cho thấy: Lượng đạm và lân được nông dân sử dụng nhiều, lượng kali sử dụng với số lượng thấp. Mỗi loại cây trồng khác nhau thì yêu cầu về lượng phân bón cũng rất khác nhau cụ thể: Lúa xuân lượng phân bón N, P2O5 đều bón trong tiêu chuẩn, còn với lượng K2O bón cao hơn so với tiêu chuẩn. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 97 Lúa mùa lượng phân bón N trong tiêu chuẩn, còn lượng K2O, P2O5 cao hơn so với tiêu chuẩn. Cây đậu tương lượng phân bón N cao hơn tiêu chuẩn, còn với lượng K2O, P2O5 thấp hơn so với tiêu chuẩn. Cây khoai lang lượng phân bón N, P2O5 sử dụng nằm trong tiêu chuẩn, còn với lượng K2O thấp hơn tiêu chuẩn. Cây bí xanh theo kết quả điều tra cho thấy các hộ nông dân đều sử dụng các loại phân nằm trong tiêu chuẩn. Cây ngô lượng phân bón N, đều đạt so với tiêu chuẩn, còn đối lượng với lượng P2O5, K2O các hộ nông dân đã bón thấp hơn so với tiêu chuẩn. Các loại rau khác theo kết quả điều tra cho thấy các hộ nông dân đều sử dụng các loại phân nằm trong tiêu chuẩn. Như vậy: Ta thấy rằng lượng phân bón, tỷ lệ bón phân trung bình giữa N:P2O5:K2O đối với cây trồng của các xã nghiên cứu là chưa hợp lý. Cây đậu tương lượng N cần bón cho cây là từ 30 – 40 kg/ha, nhưng người dân bón 48,5 kg/ha lên lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường đất. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sử dụng đất và sản xuất nông nghiệp bền vững của các xã cần phải có hướng dẫn cụ thể tỷ lệ phân bón N:P2O5:K2O cân đối cho từng cây trồng. * Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp Thuốc BVTV là các loại hóa chất do con người sản xuất ra để trừ sâu bệnh và cỏ dại có hại cho cây trồng. Các loại thuốc này có ưu điểm là diệt sâu bệnh, cỏ dại nhanh, sử dụng lại đơn giản, nên được nông dân sử dụng nhiều. Nhưng thuốc BVTV lại có tác hại đó là: Các loại thuốc trừ sâu thường có tính năng rộng, nghĩa là có thể diệt được nhiều loại côn trùng. Khi dùng thuốc diệt sâu hại một số loại côn trùng có ích cũng bị tiêu diệt hay nói cách khác sau khi phun thuốc trừ sâu làm cho số lượng thiên địch của các loại sâu cũng bị giảm đi. Điều đó có lợi cho sự phát triển của sâu hại. Trong quá trình dùng thuốc, một lượng thuốc nào đó có thể đi vào trong thân cây, quả hoặc dính bám chặt trên lá, quả. Người và động vật ăn phải các loại nông sản này có thể bị ngộ độc tức thời đến chết hoặc nhiễm độc nhẹ, từ từ gây ảnh Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 98 hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Một số loại thuốc có khả năng bay hơi mạnh nên gây khó chịu, mệt mỏi, thậm chí choáng ngất cho người trực tiếp phun thuốc sâu trên đồng ruộng, nhất là trong trường hợp không có các biện pháp phòng tránh tốt. Việc dùng thuốc trừ sâu liên tục sẽ dẫn đến chứng nhờn thuốc vì thế mỗi loại thuốc trừ sâu chỉ có tác dụng mạnh một số năm đầu sử dụng. Để hạn chế bệnh nhờn thuốc, tăng khả năng diệt trừ sâu người ta thường tăng dần nồng độ thuốc, số lần phun thuốc. Tuy nhiên, biện pháp này không thể duy trì lâu dài do không thể tăng nồng độ mãi được. Mặt khác nó làm gây ô nhiễm môi trường mạnh hơn, do lượng tồn dư trong môi trường nhiều lên. Một số loại thuốc trừ sâu có tính năng hóa học ổn định, khó phân hủy nên sẽ tích lũy trong môi trường. Sau nhiều lần sử dụng lượng tích lũy này có thể cao đến mức gây độc cho môi trường đất, nước, không khí và con người. Thuốc trừ cỏ được sử dụng ít hơn. Tuy nhiên do tính năng độc chúng cũng gây nên những tác hại tới môi trường giống như thuốc trừ sâu. Theo tổng hợp từ số liệu điều tra các hộ sản xuất nông nghiệp thì hiện nay trên địa bàn Thành phố Phủ Lý có rất nhiều chủng loại thuốc BVTV với các nhà sản xuất khác nhau. Danh mục các loại thuốc BVTV người dân Thành phố Phủ Lý đang sử dụng được thể hiện ở bảng 3.24: Số liệu bảng 3.24 cho thấy mức độ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một số cây trồng trên địa bàn Thành phố phụ thuộc vào thời tiết, tình hình sâu bệnh trong vụ. Đối với cây lúa: Thường các hộ phun thuốc bảo vệ thực vật trung bình 1-2 lần/vụ, mỗi lần phun có thể kết hợp 1-2 loại thuốc. Các loại thuốc trị sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, thuốc trị cỏ được người dân sử dụng đúng định mức. Riêng thuốc trị đạo ôn, khô vằn người dân sử dụng quá định mức. Đối với cây ngô: Các hộ phun thuốc bảo vệ thực vật trung bình 1-2 lần/vụ thường trị sâu đục thân và trừ cỏ dại và sử dụng theo đúng định mức của nhà sản xuất. Đối với cây đậu tương, đậu xanh, bí xanh, lạc kết quả điều tra cho thấy, lượng thuốc bảo vệ thực vật dụng ít trung bình mỗi hộ chỉ phun 1 lần trong một vụ trồng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 99 sử dụng theo định mức. Bảng 3.24. Mức độ sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật Cây trồng Tên thuốc Trị bệnh Tiêu chuẩn Thực tế sử cho phép dụng 02-0,3 lit/ha 0,25 lit/ha 1,35- 1,8 lít/ha 0,9 lit/ha 0,8 lít/ha 0,8 lít/ha 0,5-0,7 lit/ha 0,6 lít/ha 0,3-0,5lit/ha 0,45 lit/ha 0,3-0,5lit/ha 0,4 lit/ha 0,15- 0,25 0,3 lit/ha -Sâu đục thân, Lúa Reasgant sâu cuốn lá, 3.6EC; .8EC nhện gié, sâu đục bẹ/ lúa Diboxylin 2SL Ngô Wamrin 800WP FM - Tox 50EC Lạc Fastac 5 EC Altach 5 EC -Đục thân, khô vằn lá, đạo ôn (sâu đục thân) Cỏ/ngô Sâu khoang Rệp Bọ xít -Sâu xanh Rau các loại Aremec 36 EC bướm trắng, lit/ha bọ nhảy,rệp Đậu tương, Bian 40EC -Bọ xít, rệp đậu xanh, bí Supracide 40EC -Rệp sáp, rầy Angun 5WDG mềm, côn trùng xanh 1,0 - 2,0 lit/ha 1-1,5 lit/ha 1,5 lit/ha Đối với cây rau: Qua kết quả điều tra cho thấy, số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn so với các cây trồng khác số lần phun bình quân từ 3 – 4 lần/vụ. Cây rau thường bị các loại sâu ăn lá, rệp nên lượng thuốc người dân sử dụng nhiều và vượt quá định mức (Aremec 36 EC trị sâu xanh, bướm trắng, bọ nảy, thuốc ). Như vậy, đối với các cây rau, do số lần phun thuốc nhiều, hơn nữa có lần phun ngay trước khi thu hoạch nên lượng thuốc bảo vệ thực vật còn dư lượng trong đất và trong sản phẩm rau quả, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và chất lượng sản phẩm. Hiện nay việc sử dụng thuốc BVTV của người dân còn nhiều bất cập do sự thiếu hiểu biết về sâu bệnh nên các hộ nông dân sử dụng thuốc chủ yếu là do thói quen và phun thuốc theo định kỳ hoặc quá lạm dụng thuốc như dùng một loại thuốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 100 cho nhiều loại sâu bệnh khác nhau, phun không đúng thời điểm, đúng liều lượng... Tuy thuốc BVTV và thuốc diệt cỏ tuy có tác dụng tích cực bảo vệ mùa màng, nhưng nó cũng gây nên nhiều hệ quả môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và con người. Do vậy cần phải thận trọng khi dùng thuốc và phải dùng đúng liều, đúng loại, đúng lúc theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật. Do đó sử dụng thuốc BVTV để đảm bảo an ninh lương thực phải đi đôi với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Như vậy, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần cân đối và đầy đủ để có năng suất cây trồng cao, chất lượng sản phẩm tốt, không làm suy kiệt và ô nhiễm môi trường, đồng thời người sản xuất có lãi. Đó là mục tiêu của nền nông nghiệp nhiệt đới sạch và bền vững Việt Nam. 3.4.4. Những tồn tại trong công tác dồn điền đổi thửa trên địa bàn Thành phố Phủ Lý - Công tác quản lý nhà nước về đất đai: còn nhiều hạn chế làm giảm hiệu quả công tác dồn điền đổi thửa, văn bản hướng dẫn chi tiết thực hiện dồn điền đổi thửa còn chậm chưa theo sát được những vướng mắc trước, trong và sau thực hiện dồn điền đổi thửa, công tác quy hoạch, kết hoạch sử dụng đất chưa mang tính định hướng cho việc sử dụng đất đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, trong quá trình dồn điền đổi thửa còn chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời với hộ bị mất đất sản xuất nông nghiệp do bị thu hồi đất hay chính sách khuyến khích hộ thực hiện tốt theo chủ trương dồn điền đổi thửa. Công tác lập hồ sơ địa chính đất sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa còn chậm, dẫn đến việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận và thực hiện một số quyền sử dụng đất của hộ gia đình có đất nông nghiệp chưa thực hiện triệt để, kéo theo tình trạng chuyển quyền, chuyển mục đích trái phép đất nông nghiệp gia tăng. Công tác thanh tra kiểm tra và giải quyết tranh chấp sau dồn điền đổi thửa còn vướng do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. - Tình hình thực hiện công tác đồn điền đổi thửa còn bất cập: Cơ sở pháp lý, văn bản thực hiện công tác dồn đổi còn ít chưa thể hiện rõ được trách nhiệm, quyền lợi của các thành phần tham gia công tác dồn điền đổi thửa, các bước tổ chức thực hiện còn rườm rà, tài liệu điều tra như Bản đồ địa chính, phiếu thửa, danh sách giao chia... Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 101 còn thiếu tính pháp lý, độ chính xác chưa cao như ở xã Kim Bình...Sau thưc hiện tình trạng manh mún ruộng đất vẫn chưa được khắc phục một cách triệt để dẫn đến số lượng thửa đất/hộ vẫn còn cao gây không ít khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đất đai theo quy định của pháp luật đặc biệt là xã Tiên Hiệp. - Tác động tiêu cực sau dồn điền đổi thửa vẫn còn: Sau dồn đổi diện tích công ích tuy đã cơ bản gọn vùng gọn thửa nhưng việc quản lý và sử dụng có hiệu quả chưa cao, diện tích bình quân mỗi thửa của mỗi hộ tăng kéo theo mức độ cơ giới hóa tăng làm tăng chi phí đầu tư ban đầu sẽ làm giảm thu nhập hộ có gây áp lực cho chính sách bảo trợ xã hội; vẫn còn tình trạng cán bộ tự ý bán đất nông nghiệp công ích trái quy định pháp luật như xã Kim Bình, hộ dân tự ý góp đất làm nghĩa trang riêng của dòng họ(xã Tiên Hiệp), góp đất giao cho thôn thuê thầu khoán, bán đất để lấy kinh phí xây dựng hạ tầng ở thôn xóm( xã Tiên Tân nên đã tác động tiêu cực đến hiệu quả thực hiện công tác đồn đổi. Việc thay đổi cơ cấu sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa còn tự phát chưa có tính định hướng của cơ quan quản lý nhà nước( xã Kim Bình). - Hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa chưa cao: dù đã xuất hiện các mô hình kinh tế trang trại tập trung, sản xuất nông sản hàng hoá với các loại hình sử dụng đất có hiệu quả kinh tế cao nhưng chủ yếu là do tự phát. Sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tổ chức, các nhà khoa học và các doanh nghiệp đối với hộ nông dân chưa nhiều, do vậy mức độ rủi ro trong quá trình sản xuất từ khâu chăm bón đến tiêu thụ sản phẩm còn khá lớn. Sau dồn đổi mật độ sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật tăng làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái( đất, nước, không khí), ảnh hướng trực tiếp và lâu dài đến môi trường sống của con người. 3.5. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dồn điển đổi thửa trên địa bàn Thành phố Phủ Lý Xuất phát từ thực trạng sử dụng đất sản xuất nông nghiệp trước và sau khi thực hiện công tác "Dồn điền đổi thửa" trên địa bàn Thành phố Phủ Lý và từ những kết quả đã đạt được, những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa. Tôi đề xuất một số giải pháp trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác đồn điền điền đổi thửa và sử dụng đất nông nghiệp sau dồn đổi như sau: Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 102 3.5.1. Nhóm giải pháp về tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai - Cần tập trung thực hiện, đánh giá kết quả công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chú trọng công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp thực sự nghiêm túc từ cấp thành phố đến các xã địa phương nghiên cứu. Bốn xã nghiên cứu cần tiến hành lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết sau dồn điền đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất một cách khoa học dựa trên điều kiện tự nhiên của mỗi xã và khả năng của mỗi vùng như ở Vùng 1: xã Tiên Tân, xã Kim Bình phải tập trung vào quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp đa canh; vùng 2( gồm xã Tiêp Hiệp, xã Liêm Tuyền tập trung vào sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh. Trên cơ sở phương án quy hoạch đã được phê duyệt, các xã tập hợp nhu cầu chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất của hộ nông dân trình thành phố phê duyệt. Có như vậy mới đảm bảo việc sử dụng đất nông nghiệp đúng quy hoạch, kế hoạch phê duyệt, giảm thiểu hiện tượng chuyển mục đích trái phép đất sản xuất nông nghiệp sang mục đích khác. - Tăng cường ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bồi thường và hỗ trợ đối với hộ gia đình bị thu hồi đất sau thực hiện đồn đổi ruộng đất. - Đẩy nhanh tiến độ lập và xây dựng hồ sơ địa chính đất sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. - Thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp theo quy đinh của luật đất đai 2013 để đẩy nhanh việc đăng ký, cấp giấy chứng nhận và thực hiện một số quyền sử dụng đất của hộ gia đình có đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa. - Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết tranh chấp sau dồn điền đổi thửa, xử lý, răn đe những trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang mục đích khác. - Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, tài liệu chuẩn có sự tham gia của nhiều cơ quan ban ngành liên quan để tăng cường độ chính xác và tính pháp lý phục vụ cho công tác đồn điền đổi thửa đợt tiếp theo và công tác quản lý nhà nước về đất đai sau này. - Lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất chi tiết đối với diện tích đất công ích 5% sau dồn điền đổi thửa theo hướng bền vững và khoa học; việc quản lý, sử dụng thu phí phải chặt chẽ theo quy định của pháp luật góp phần làm tăng nguồn Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 103 thu cho ngân sách nhà nước. 3.5.2. Nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa - Cần tăng cường sự quản lý của các cấp chính quyền chức năng đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp tự phát như mô hình trang trại tập trung, chuyên thả cá và các mô hình khác...sau dồn đổi; - Tăng cường sự phối hợp của "bốn nhà": Nhà Nông, nhà Khoa Học, nhà Doanh Nghiệp và nhà quản lý đối với việc thành lập, xây dựng, định hướng phát triển và tiêu thụ hàng hóa nông sản cho các mô hình sử dụng đất nông nghiệp theo hướng bền vững về mặt Kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái. 3.5.3. Nhóm giải pháp về tuyên truyền phổ biến ý nghĩa thực tiễn của công tác đồn điền đổi thửa đất nông nghiệp đến người nông dân - Tăng cường công tác tuyền truyền vận động nông hộ tích cực tham gia thực hiện dồn đổi ruộng đất; - Sau dồn đổi tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tới nông hộ nhằm tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất, tăng năng suất, thu nhập của nông hộ; - Giảm thiểu việc tự ý thay đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp sau dồn đổi. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 104 KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ Kết luận 1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội. Phủ Lý là vùng đất chiêm trũng, thường phải gánh chịu nhiều trận lũ lớn và ngập úng quanh năm; nhưng Phủ Lý lại có vị trí địa chính trị hết sức thuận lợi vừa nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, lại ở cửa ngõ Thủ đô và có các trục đường giao thông đối ngoại đường bộ lớn(như Quốc lộ 1A, đường Quốc Lộ 21B), đường sắt, đường thủy qua địa bàn, dân số là 138.502 người có tốc độ tăng trưởng GDP đạt 10,25%/năm, làm cho Thành phố có lợi thế rất lớn cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, mở rộng thị trường, giao lưu hàng hoá và thu hút vốn đầu tư cũng như chuyển giao công nghệ tiên tiến, nhưng tài nguyên khoáng sản hầu như không có, mật độ dân số cao, đất nông nghiệp ít, manh mún, phương thức sản xuất nông nghiệp còn chưa cao, hiệu quả kinh tế sử dụng đất nông nghiệp còn thấp. 2. Việc thực hiện công tác đồn điền đổi thửa ở Phủ Lý bước đầu đã có kết quả đáng khích lệ. Sau chuyển đổi diện tích bình quân/thửa đã tăng từ 1.072 m2 lên 1.642 m2; số thửa đất bình quân/hộ giảm từ 3,67 thửa xuống còn 1,92 thửa/hộ. Tại 4 xã điều tra, quy mô về diện tích thửa và số thửa/hộ cũng đã thay đổi theo chiều hướng tích cực: diện tích đất bình quân trên thửa sau chuyển đổi đạt từ 740 m2/thửa (xã Liêm Tuyền) đến 1.711m2/thửa (xã Tiên Tân); số thửa bình quân/hộ chỉ còn 1,51– 2,69 thửa/hộ. 3. Dồn điền đổi thửa đã và đang có những ảnh hưởng tích cực to lớn đến việc sử dụng đất nông nghiệp. Dồn điền đổi thửa đã làm cho việc kiểm kê lại quỹ đất nông nghiệp và việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ nông nghiệp cho hộ nông dân tại các địa phương tham gia được nhanh chóng, khách quan và chính xác hơn. Dồn đổi làm tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả hơn, nguồn thu cho ngân sách từ đất tăng cao đặc biệt là giá đấu thầu đất đất công ích sau dồn đổi tăng từ 1,3 đến 2,1 lần so với trước dồn đổi qua đó đã thúc đẩy sự phát triển kinh tế chung của địa phương. Đồng thời cũng tạo cơ hội thuận lợi để, nâng cấp, cải Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 105 tạo hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi nội đồng, vì vậy diện tích giao thông tăng so với trước DĐĐT từ 12,04%( xã Tiên Tân) có nơi lên đến 15,29%( xã Tiên Hiệp), diện tích đất thủy lợi tăng từ 6,06% đến 7,25%. Sau dồn điền đổi thửa diện tích mỗi thửa đất đã tăng lên, hộ nông dân có điều kiện áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là cơ giới hóa trong khâu làm đất, đầu tư thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá, hình thành các mô hình "Cánh đồng 80 triệu, 100 triệu/ha/năm". 4. Dồn điền đổi thửa làm tăng hiệu quả kinh tế sử dụng đất, hiệu quả xã hội, môi trường trong đó: giá trị sản xuất/ha đất sản xuất nông nghiệp tăng cao từ 26,63 triệu đồng/ha (xã Liêm Tuyền) đến 56,28 triệu đồng/ha (xã Tiên Hiệp) trong khi công làm đất, công thăm đồng, chăm sóc và công thu hoạch giảm từ 66 đến 178 công/ha, mức độ chi phí cho các khâu sản xuất nông nghiệp giảm đặc biệt là chi phí cho thuốc Bảo vệ thực vật giảm. Tất cả điều đó chứng tỏ hiệu quả của công tác DĐĐT hết sức to lớn không chỉ làm tăng thu nhập, tăng kết nối người nông dân với tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn làm tăng ý thức giữ gìm và bảo vệ môi trường sống nơi họ canh tác. 5. Trước sự thành công ban đầu và những hạn chế khi thực hiện công tác dồn điền đổi thửa, thành phố Phủ Lý đã và đang thực hiện đồng bộ một số giải pháp trong tâm như: - Tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai đặc biệt là đất sản xuất nông nghiệp; - Bổ sung tính pháp lý cho hồ sơ phục vụ cho công tác dồn điền đổi thửa; - Tăng cường sự hợp tác của các nhà Khoa học, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp với nhà nông... Kiến nghị Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các giải pháp đã được áp dụng trong các mô hình sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị như sau: - Để xóa bỏ tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất. Phủ Lý trong thời gian tới Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 106 cần tiếp tục triển khai cho các xã xây dựng phương án dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất lần 2 trên địa bàn toàn Thành phố; trên tinh thần các hộ tự nguyện chuyển đổi ruộng đất cho nhau theo hệ số quy đổi, do các hộ tự thoả thuận, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. - Thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của thành phố, tạo lập được các vùng chuyên canh sản xuất tập trung, đồng thời chỉ đạo tốt việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã với sự tham mưu của cơ quan chuyên môn về nội dung, phương pháp tiến hành. - Sau khi các xã, thị trấn hoàn thành hành xong công tác dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, cần nhanh chóng hoàn thành việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ sử dụng đất nông nghiệp. - Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường sự quản lý của các cấp chính quyền chức năng đối với các mô hình sản xuất nông nghiệp tự phát; - Tăng cương sự phối hợp của "bốn nhà": Nhà Nông, nhà Khoa Học, nhà Doanh Nghiệp và nhà quản lý đối với việc thành lập, xây dựng và định hướng phát triển và tiêu thụ hàng hóa cho các mô hình sử dụng đất nông nghiệp đặc biệt là mô hình trang trại quy mô lớn theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho nông hộ và giảm thiểu tác động sấu đến môi trường. - Tăng cường công tác tuyên truyền và vận động nhân dân hiểu biết chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách đất đai, công tác dồn điền đổi thửa phát triển sản xuất nông nghiệp. - Tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất công ích 5%, việc quản lý và sử dụng phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tránh tình trạng giấu và bán đất công ích gây bức xúc cho người nông dân như đã xẩy ra ở xã Kim Bình, Tiên Hiệp... - Đối với nông hộ phải luôn học hỏi tìm tòi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nhằm tối ưu hóa sản xuất của hộ trên diện tích được giao. - Những hộ ngành nghề dịch vụ nên tập trung nguồn lực của hộ cho việc phát triển sản xuất sẵn có của hộ có định hướng đúng đắn phù hợp với điều kiện thực tế của hộ mình. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 107 TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Ban Kinh tế (2004). Báo cáo tổng hợp nội dung, bước đi và biện pháp phát triển nông nghiệp nông thôn theo hớng công nghiệp hóa, hiện đại hoá và hợp tác hoá, dân chủ hoá, Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban chấp hành Trung ương, Hà Nội. 2. Vũ Thị Bình (1999). Giáo trình quy hoạch phát triển nông thôn, NXB Nông nghiệp, Hà Nội. 3. Vũ Thị Bình (1995). Hiệu quả kinh tế sử dụng đất canh tác trên đất phù sa Sông Hồng huyện Mỹ Văn- Hải Hưng, Tạp chí nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm số (10), Nxb Nông 12. 4. Nguyễn Khắc Bộ (2004). Đánh giá hiệu quả công tác dồn đổi ruộng đất trong phát triển nông nghiệp nông thôn huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, Luận văn Thạc sỹ nông nghiệp, Trờng Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. 5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2003). Báo cáo nghiên cứu đề xuất các giải pháp khắc phục các tình trạng manh mún đất đai trong nông nghiệp ở ĐBSH (phần thực trạng và các giải pháp chủ yếu). 6. Bộ Tài nguyên và Môi trường (1998). Báo cáo tình hình thực hiện công tác đăng ký, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Vụ Đăng ký và Thống kê đất đai. 7. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2005). Báo cáo tình hình thực hiện công tác đăng ký, lập hồ sơ cấp GCNQSD đất, Vụ đăng ký thống kê. 8. Cục Thống kê tỉnh Hà Nam (2015). Niên giám Thống kê năm 2014, Nxb Thống kê, Hà Nội. 9. Nguyễn Điền (2001). Phương hướng phát triển nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm đầu của thế kỷ XXI, Tạp chí nghiên cứu kinh tế, (275). tr. 50 - 54. 10. Quyền Đình Hà (1993). Đánh giá kinh tế đất lúa vùng đồng bằng Sông Hồng, Luận án tiến sỹ nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. 11. Đỗ Nguyên Hải (2001). Đánh giá đất và hướng sử dụng đất đai bền vững trong sản xuất nông nghiệp của huyện Tiên Sơn - Bắc Ninh, Luận án tiến sỹ nông nghiệp, trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. 12. Hội Khoa học Đất (2000). Đất Việt Nam, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội. 13. Cao Liêm, Đào Châu Thu, Trần Thị Tú Ngà (1990). Phân vùng sinh thái nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng, Đề tài 52D.0202, Hà Nội. 14. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành Phố Phủ Lý(2014). Báo cáo tổng kết về mô hình kinh tế trang trai năm 2014 của Thành phố Phủ Lý. 15. Phòng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Phủ Lý (2014). Báo cáo tổng kết công tác dồn điển đổi thửa đất nông nghiệp năm 2014. 16. Quốc hội Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam(1993). Luật Đất đai năm 1993. Nxb Chính trị Quốc gia. 17. Quốc hôi Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam(2013). Luật Đất đai năm 2013. Nxb Bản đồ, Hà Nội. 18. Nguyễn Khắc Thời (2009). Ảnh hưởng của việc dồn đổi ruộng đất đến sản xuất nông Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 108 nghiệp và hiệu quả sử dụng đất của hộ nông dân ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tạp chí khoa học đất số 12, trang 5. 19. Nguyễn Khắc Thời, Bùi Thị Phúc (2010). Nghiên cứu ảnh hưởng của dồn đổi ruộng đất đến hiệu quả sử dụng đất của hộ nông dân ở huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội. Tạp chí Khoa học đất số 17, trang 9. 20. Nguyễn Khắc Thời, Bùi Thị Phúc (2011). Nghiên cứu ảnh hưởng của chuyển đổi ruộng đất đến hiệu quả sử dụng đất của hộ nông dân ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tạp chí Khoa học đất số 19, trang 3. 21. Nguyễn Duy Tính (1995), Nghiên cứu hệ thống cây trồng vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, Nhà xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội. 22. Tổng cục Địa chính (1997). Báo cáo thực trạng tình hình manh mún ruộng đất hiện nay và việc chuyển đổi ruộng đất giữa các hộ nông dân ở một số địa phương. 23. Tổng cục Địa chính (1998). Hội nghị chuyên đề về chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp khắc phục tình trạng manh mún trong sản xuất năm 1998. 24. Tổng cục Thống kê (2006). Kết quả điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản năm 2006. 25. Nguyễn Thanh Trà, Phạm Phương Nam (2012). Đánh giá công tác dồn điền, đổi thửa tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Tạp chí Khoa học đất số 9, trang 7. 26. Chu Mạnh Tuấn (2007). Nghiên cứu quá trình dồn điền đổi thửa và tác động của nó đến hiệu quả sử dụng đất của hộ nông dân huyện ứng Hoà, tỉnh Hà Tây, Luận văn thạc sĩ nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội. 27. UBND Thành phố Phủ Lý (2015). Báo cáo kết quả thực thực hiện dồn đổi ruộng đất nông nghiệp theo kế hoạch số 572/KH-UBND ngày 03 tháng 5 năm 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam, phục vụ công tác quyết toán dồn đổi ruộng đất nông nghiệp. 28. UBND Thành phố Phủ Lý (2014). Báo cáo kinh tế xã hội Thành phố Phủ Lý năm 2010-2014. 29. Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (2003). Nghiên cứu đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng manh mún đất đai trong nông nghiệp ở Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội. Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 109 PHỤ LỤC PHỤ LỤC Học viện Nông nghiệp Việt Nam – Luận văn Thạc sỹ Khoa học Nông nghiệp Page 110