Academia.eduAcademia.edu
Du lịch tâm linh ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển [ 20/03/2014 ]  Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã và đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến. Tuy vậy, nhận thức về du lịch tâm linh vẫn chưa thực sự đầy đủ và thống nhất. Những năm qua, Du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó du lịch tâm linh có đóng góp to lớn và bền vững vào sự tăng trưởng đó. Những lợi ích của du lịch tâm linh không chỉ về kinh tế mà hơn bao giờ hết là những giá trị tinh thần cho đời sống xã hội. Với ý nghĩa đó, Hội nghị này tìm kiếm những giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh nhằm hướng tới phát triển bền vững đối với Du lịch Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung. Tham luận này đề cập đến tình hình và định hướng phát triển du lịch tâm linh đóng góp vào quá trình tăng trưởng bền vững cho du lịch Việt Nam.       1.Quan niệm về du lịch tâm linh    Du lịch tâm linh trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng có những quan niệm khác nhau và đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung nhất. Tuy nhiên, xét về nội dung và tính chất hoạt động, du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác. Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.    Với cách hiểu như vậy, có thể nhận diện những dòng người đi du lịch đến các điểm tâm linh gắn với không gian văn hóa, cảnh quan các khu, điểm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch của mình, trong đó nhu cầu tâm linh được xem là cốt yếu. Khách du lịch tâm linh ở Việt Nam thường hội tụ về các điểm du lịch tâm linh như: đền, chùa, đình, đài, lăng tẩm, tòa thánh, khu thờ tự, tưởng niệm và những vùng đất linh thiêng gắn với phong cảnh đặc sắc gắn kết với văn hóa truyền thống, lối sống địa phương. Ở đó du khách tiến hành các hoạt động tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử, triết giáo, cầu nguyện, cúng tế, chiêm bái, tri ân, báo hiếu, thiền, tham gia lễ hội... Thông qua đó, hoạt động du lịch mang lại những cảm nhận, giá trị trải nghiệm và giải thoát trong tâm hồn của con người, cân bằng và củng cố đức tin, hướng tới những giá trị chân, thiện, mỹ và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.    Đáp ứng nhu cầu du lịch tâm linh, các hoạt động kinh doanh, tổ chức dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh trên các tuyến hành trình và tại các khu, điểm du lịch được thực hiện, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho cư dân địa phương, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.           2. Đặc điểm và xu hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam   a) Đặc điểm    Sự đặc thù khác biệt của du lịch tâm linh ở Việt Nam so với các nơi khác trên thế giới có thể nhận thấy đó là:    - Du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin và ở Việt Nam, trong đó Phật giáo có số lượng lớn nhất (chiếm tới 90%) cùng tồn tại với các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Cao đài, Hòa Hảo... Triết lý phương đông, đức tin, giáo pháp, những giá trị vật thể và phi vật thể gắn với những thiết chế, công trình tôn giáo ở Việt Nam là những ngôi chùa, tòa thánh và những công trình văn hóa tôn giáo gắn với các di tích là đối tượng mục tiêu hướng tới của du lịch tâm linh.    - Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với tín ngưỡng thờ cúng, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những vị tiền bối có công với nước, dân tộc (Thành Hoàng) trở thành du lịch về cội nguồn dân tộc với đạo lý uống nước nhớ nguồn. Mới đây, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện nhân loại.    - Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân báo hiếu đối với bậc sinh thành.     - Du lịch tâm linh ở Việt Nam gắn với những hoạt động thể thao tinh thần như thiền, yoga hướng tới sự cân bằng, thanh tao, siêu thoát trong đời sống tinh thần, đặc trưng và tiêu biểu ở Việt Nam mà không nơi nào có đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.    - Ngoài ra du lịch tâm linh ở Việt Nam còn có những hoạt động gắn với yếu tố linh thiêng và những điều huyền bí.    b) Xu hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam     Việt Nam có nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch tâm linh thể hiện ở bề dày văn hóa gắn với truyền thống, tôn giáo, tín ngưỡng. Sự đa dạng và phong phú của các thắng tích tôn giáo và với số lượng lớn các tín ngưỡng, lễ hội dân gian được tổ chức quanh năm trên phạm vi cả nước. Nhu cầu du lịch tâm linh của người Việt Nam đang trở thành động lực thúc đẩy du lịch tâm linh phát triển. Ngày nay du lịch tâm linh ở Việt Nam đang trở thành xu hướng phổ biến:    - Số lượng khách du lịch tâm linh ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa. Số khách du lịch đến các điểm tâm linh tăng cho thấy du lịch tâm linh ngày càng giữ vị trí quan trọng trong đời sống xã hội.    - Nhu cầu và du lịch tâm linh ngày càng đa dạng không chỉ giới hạn trong khuôn khổ hoạt động gắn với tôn giáo mà ngày càng mở rộng tới các hoạt động, sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc và những yếu tố linh thiêng khác. Hoạt động du lịch tâm linh ngày càng chủ động, có chiều sâu và trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đại bộ phận nhân dân.      - Hoạt động kinh doanh, đầu tư vào du lịch linh ngày càng đẩy mạnh thể hiện ở quy mô, tính chất hoạt động của các khu, điểm du lịch tâm linh. Ra đời và phát triển ngày càng nhiều các điểm du lịch tâm linh ở hầu hết các địa phương, vùng, miền trên phạm vi cả nước, tiêu biểu như: Đền Hùng (Phú Thọ); Yên Tử (Quảng Ninh); Chùa Hương (Hà Nội); Phát Diệm (Ninh Bình); Núi Bà Đen, Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh); Chùa Bái Đính (Ninh Bình); Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương); Miếu Bà Chúa Xứ (An Giang); Công Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương); Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Đền Trần-Phủ Dầy (Nam Định)...    - Du lịch tâm linh ngày càng được xã hội tiếp cận và nhìn nhận tích cực cả về khía cạnh kinh tế và xã hội. Nhà nước ngày càng quan tâm hơn đối với phát triển du lịch tâm linh và coi đó là một trong những giải pháp đáp ứng đời sống tinh thần cho nhân dân đồng thời với việc bảo tồn, tôn vinh những giá trị truyền thống, suy tôn những giá trị nhân văn cao cả.    3. Tình hình phát triển và kết quả đóng góp của du lịch tâm linh vào tăng trưởng du lịch Việt Nam    Trong giai đoạn vừa qua, Du lịch Việt Nam chứng kiến giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ ấn tượng trên 12% mỗi năm (ngoại trừ suy giảm do dịch SARS 2003 và suy thoái kinh tế thế giới 2009). Năm 2012, với 6,8 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng. 10 tháng đầu năm 2013 số khách quốc tế đạt 6,12 triệu lượt, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2012. Với tốc độ đó, ước tính 2013 Việt Nam sẽ đạt mốc 7,4 triệu lượt khách quốc tế và 35 triệu lượt khách nội địa, tổng thu sẽ đạt 195.000 tỷ đồng (tương đương 9 tỷ USD). Như vậy, chỉ sau 4 năm phục hồi suy thoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp 2 lần; tổng thu du lịch tăng trên 2,2 lần. Với những chỉ tiêu tổng thể đó thì mục tiêu Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2015 đã về đích trước 2 năm. Đạt được kết quả tăng trưởng đó có sự đóng góp tích cực của du lịch tâm linh với những kết quả đáng ghi nhận.     a) Số lượng, cơ cấu khách du lịch tâm linh    Ở Việt Nam, khách du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng khá lớn. Thông thường khách đi du lịch hầu như kết hợp với mục đích tâm linh hoặc mục đích tâm linh được lồng ghép trong nhiều chuyến đi. Vì vậy, khó có thể phân biệt rõ số khách với mục đích du lịch tâm linh thuần túy (ngoại trừ số tăng ni, phật tử, tín đồ, khách hành hương).     Trong số 32,5 triệu khách du lịch nội địa năm 2012 chỉ tính riêng số khách đến các điểm tâm linh (chùa, đền, phủ, tòa thánh) có khoảng 13,5 triệu lượt, tương đương 41,5%. Một số điểm du lịch tâm linh tiêu biểu năm 2012 đón một lượng khách lớn như Miếu Bà Chúa Xứ An Giang (3,6 triệu lượt khách), Chùa Hương (1,5 triệu lượt); Chùa Bái Đính (2,1 triệu lượt), Yên Tử (2,3 triệu lượt), khu du lịch Núi Bà Đen (2,2 triệu lượt); Cô Sơn Kiếp Bạc (1,2 triệu). Đối với khách quốc tế đến Việt Nam với mục đích tâm linh không nhiều, trong số 6,8 triệu lượt khách đến Việt Nam năm 2012 ước tính có khoảng 12% khách du lịch có đến các điểm du lịch tâm linh.        b) Những hoạt động du lịch tâm linh chủ yếu     - Hành hương đến những điểm tâm linh: những ngôi chùa (cả nước có trên cả nước có 465 ngôi chùa được xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa quốc gia), tòa thánh, đền, đài, lăng, tẩm, phủ, khu tưởng niệm; tiến hành các hoạt động thờ cúng: thờ cúng thành hoàng, thờ mẫu, thờ cúng tổ nghề, thờ tam phủ, tứ phủ, thờ tứ pháp, thờ bốn vị tứ bất tử, thờ danh nhân, anh hùng dân tộc, thờ táo quân, thổ địa… Các hoạt động chiêm bái, cầu nguyện, tụng kinh, thiền, yoga, pháp đàm; thiền trà; tham vấn; pháp thoại; thiền ca; thiền buông thư,…    - Tham quan, vãn cảnh, thưởng ngoạn không gian cảnh quan và không gian kiến trúc, điêu khắc gắn với điểm tâm linh; tìm hiểu văn hóa gắn với lịch sử tôn giáo và lối sống bản địa, những giá trị di sản văn hóa gắn với điểm tâm linh    - Tham gia lễ hội tín ngưỡng, dân gian: Quốc giỗ, lễ hội Đến Hùng, Lễ Vu Lan, lễ hội Thánh Gióng (Hà Nội), lễ hội vía Bà Tây Ninh, lễ hội Tế Cá Ông (Bình Thuận), lễ hội vía Bà núi Sam (Châu Đốc) v.v.    c) Dịch vụ phục vụ du lịch tâm linh    Dịch vụ lữ hành phục vụ các chương trình du lịch với mục đích tâm linh kết hợp các mục đích khác; dịch vụ lưu trú, ăn uống, mua sắm lưu niệm; phục vụ cúng tế, chiêm bái, thiền, yoga; dịch vụ vận chuyển bằng xe điện, cáp treo, lái đò, thuyền; dịch vụ thuyết minh; dịch vụ chụp ảnh; thưởng thức nghệ thuật dân gian, văn nghệ truyền thống, âm nhạc, múa, trò chơi dân gian…    d) Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch tâm linh    Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch ngắn, có thể chỉ vài giờ trong ngày, nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày. Thông thường khách du lịch tâm linh đi trong ngày và ít nghỉ lại qua đêm. Thời gian lưu trú lâu dài nhất là 1.8 ngày như ở Măng Đen gắn với các mục đích khác như nghỉ dưỡng, sinh thái. Thời gian đi du lịch tâm linh thường tập trung vào dịp cuối năm và đầu năm âm lịch và các thời điểm lễ hội dân gian năm.    e) Chi tiêu của khách du lịch tâm linh     Chi tiêu của phần lớn khách du lịch tại các điểm tâm linh thường là thấp, chủ yếu chi cho các hoạt động phục vụ tế lễ, cầu nguyện, chiêm bái... mà ít phát sinh chi phí. Một số điểm tâm linh thu phí tham quan, còn lại hầu hết các điểm tâm linh gắn với tín ngưỡng không thu phí nhưng đều có các hòm công đức để khách tự nguyện đóng góp. Số tiền đóng góp tự nguyện đó khá lớn và là nguồn thu chính cho việc trùng tu, quản lý vận hành các điểm du lịch tâm linh. Các chi tiêu cơ bản cho các hoạt động di chuyển (cáp treo, thuyền, đò, xe điện...) chiếm một tỷ trọng đáng kể. Chi cho ăn uống và giải khát, chi cho lưu trú qua đêm, lưu niệm, sản vật địa phương... chiếm một tỷ trọng đáng kể nhưng không lớn do khách hầu hết viếng thăm trong thời gian ngắn, ít nghỉ lại qua đêm. Theo báo cáo của các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, doanh thu từ các địa điểm du lịch tâm linh còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa của chi tiêu tại điểm du lịch tâm linh đến cộng đồng dân cư là rất lớn, có tác động rõ rệt thông qua tạo việc làm, bán hàng lưu niệm, sản vật địa phương.    f) Du lịch tâm linh đóng góp tích cực vào phát triển bền vững    - Người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống (Ví dụ ở Tràng An: 1 vụ đò bằng 3 vụ lúa). Du lịch tâm linh tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn từ nông nghiệp sang kết hợp dịch vụ.    Theo lời kể của người dân chèo đò, trước đây, hơn 10 năm khu vực Bái Đính là một vùng đất chưa được du khách biết đến, đường đi vào rất khó khăn, người dân sống lam lũ, một mùa cấy lúa nước, thu nhập bấp bênh, không có việc làm. Nhưng từ khi dự án xây dựng chùa Bái Đính, bộ mặt ở đây đã đổi thay cuộc sống của người dân đã có sự dịch chuyển từ thuần nông sang làm dịch vụ; nay một vụ đò bằng 3 vụ lúa; hàng chục ngàn người đã có việc làm, thu nhập 4-6 triệu đồng/tháng, an ninh trật tự được đảm bảo. Có thể nói, cuộc sống của người dân ở đây đã thực sự đổi thay nhờ du lịch tâm linh đến Bái Đính-Tràng An.    -  Với triết lý đạo Phật cũng như các tôn giáo khác là sống tốt đời đẹp đạo, du lịch tâm linh chủ động và tích cực trong việc bảo vệ môi trường và đóng góp thích đáng vào phát triển bền vững. Ở Việt Nam hầu hết các điểm du lịch tâm linh là những nơi có phong cảnh đẹp, hệ sinh thái độc đáo luôn được giữ gìn bảo vệ môi trường tốt bằng các hành vi có ý thức của con người. Ngoại trừ những nơi do thương mại hóa quá mức không kiểm soát nổi dẫn tới quá tải.    - Du lịch tâm linh mang lại những giá trị trải nghiệm thanh tao cho du khách, nhận thức và tận hưởng những giá trị về tinh thần giúp cho con người đạt tới sự cân bằng, cực lạc trong tâm hồn như theo triết lý từ-bi-hỷ-xả của đạo Phật... Những giá trị ấy có được nhờ du lịch tâm linh và đóng góp quan trọng vào sự an lạc, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống cho dân sinh.    - Du lịch tâm linh đạt tới sự phát triển cân bằng về các yếu tố kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững.     4. Định hướng phát triển du lịch tâm linh ở Việt Nam    a) Về quan điểm phát triển    Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thể hiện trong quan điểm Chiến lược phát triển du lịch theo chiều sâu, có chất lượng, hiệu quả, bền vững, có thương hiệu và sức cạnh tranh, phát triển du lịch tâm linh dựa trên các quan điểm chủ đạo sau:    - Thứ nhất, Du lịch tâm linh phải được tập trung đầu tư phát triển theo quy hoạch bài bản trên cơ sở khai thác những giá trị nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa dân tộc, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam.  - Thứ hai, Phát triển du lịch tâm linh trở thành động lực thu hút khách du lịch, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ du lịch khác, tạo sự đa dạng và hấp dẫn cho du lịch Việt Nam và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội theo hướng bền vững; phát triển du lich tâm linh trở thành giải pháp hữu hiệu để phát triển bền vững thông qua tạo việc làm, thu nhập cho cư dân địa phương, tăng cường hiểu biết giao lưu văn hóa, tìm hiểu thế giới và tạo động lực bảo tồn giá trị truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc.      - Thứ ba, Phát triển du lịch tâm linh trở thành mục tiêu phát triển đời sống tinh thần cho nhân dân hướng tới những giá trị chân-thiện-mỹ và nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy tiến bộ xã hội; du lịch tâm linh phải phát triển theo hướng chăm lo nuôi dưỡng tinh thần tiến bộ, làm cho tư tưởng, tinh thần trong sáng đồng thời đấu tranh, bài trừ những hủ tục, dị đoan làm sai lệch tư tưởng và u muội tinh thần. b) Định hướng những giải pháp trọng tâm    Với quan điểm phát triển du lịch tâm linh nêu trên, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Du lịch cần hướng tới, đó là:    - Giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh, đảm bảo thực hiện đúng các quan điểm phát triển du lịch tâm linh mang lại những giá trị tinh thần tiến bộ cho xã hội, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội bền vững; Thực hiện chương trình nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh cho các đối tượng từ cấp hoạch định chính sách cho tới phổ biến kiến thức, kinh nghiệm cho dân cư trong việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với điểm du lịch tâm linh; tạo điều kiện và định hướng hoạt động cho các chức sắc tôn giáo, các tín đồ, tăng ni, phật tử trong việc tổ chức hoạt động du lịch tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo.    - Xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch tâm linh đạt tới độ tinh tế đáp ứng đúng các nhu cầu về tâm linh của du khách; kết nối hình thành các tuyến du lịch tâm linh quốc gia. Trước hết tập trung vào khu, điểm du lịch tâm linh trong danh mục 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.    - Tập trung nguồn lực, tạo cơ chế huy động nguồn lực đầu tư vào các khu, điểm du lịch tâm linh dựa trên quy hoạch các khu, điểm du lịch tâm linh. Đầu tư cho bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa tâm linh, đặc biệt về tín ngưỡng, tôn giáo và những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với điểm tâm linh trở thành yếu tố hấp dẫn đặc sắc Việt Nam để thu hút khách du lịch; đầu tư vào hạ tầng tiếp cận điểm du lịch linh và hệ thống cơ sở dịch vụ đảm bảo chất lượng, tiện nghi, hài hòa với không gian và tính chất khu, điểm du lịch tâm linh.    - Tổ chức cung cấp dịch vụ tại điểm du lịch tâm linh và tăng cường quản lý điểm đến du lịch tâm linh    - Tăng cường nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, xúc tiến quảng bá du lịch tâm linh trong mối liên kết phát triển các loại hình du lịch khác đi liền với quản lý điểm đến trở thành thương hiệu du lịch nổi bật như Yên Tử, Hương tích, Bái Đính...    - Thực hiện các chính sách du lịch có trách nhiệm hướng tới hỗ trợ cộng đồng dân cư tăng cường năng lực tham gia phục vụ du lịch tại khu, điểm du lịch tâm linh; có cơ chế điều tiết, tái đầu tư vào quản lý điểm đến du lịch tâm linh bằng nguồn tài trợ, công đức, đóng góp tự nguyện của du khách.    - Thực hiện chương trình liên kết phát triển du lịch tâm linh giữa các điểm du lịch tâm linh trong nước: Yên Tử-Côn Sơn Kiếp Bạc-Hương tích-Đền Trần Phủ Dầy-Tam Chúc Ba Sao... và ngoài nước với: Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Myanma, Nepal, Bhutan, Trung đông... trong khuôn khổ hợp tác du lịch song phương và đa phương.    - Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư, mang lại sự hưởng lợi tối đa cho cộng đồng dân cư tại điểm du lịch tâm linh.    5. Kết luận    Du lịch tâm linh đang trở thành xu hướng phổ biến, gắn kết các nền văn hóa trong thế giới tinh thần. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch tâm linh bởi nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc với nhu cầu hướng tới những giá trị tinh thần cao cả, đức tin, tín ngưỡng và tôn giáo.     Những giá trị văn hóa tâm linh trên khắp mọi miền đất nước có sức hấp dẫn du lịch mạnh mẽ. Thời gian qua, số lượng lớn khách du lịch tới điểm tâm linh hàng năm và xu hướng ngày càng đông đảo du khách có nhu cầu du lịch tâm linh; hoạt động du lịch tâm linh ở Việt Nam không chỉ gắn với tôn giáo mà biết kết hợp phát huy triết học phương đông, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, anh hùng dân tộc, các vị tiền bối có công với nước.     Du lịch tâm linh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu, ngày càng sôi động, mang lại hiệu quả thiết thực cho kinh tế địa phương, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và đóng góp tích cực vào phát triển bền vững.     Đảng và Nhà nước không ngừng quan tâm chăm lo tới đời sống tinh thần cho nhân dân thông qua các chính sách tạo điều kiện cho du lịch tâm linh phát triển theo đúng hướng mang lại những giá trị tinh thần thiết thực, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội và phát triển kinh tế du lịch nói riêng. Trong thời gian tới, theo quan điểm chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch tâm linh phù hợp với xu hướng chung và vì sự phát triển bền vững./. Nguồn: itdr.org.vn hông tin luận văn “Nghiên cứu phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Nam Định” của HVCH Nguyễn Thị Thu Duyên, chuyên ngành Du lịch. 1. Họ và tên học viên: Nguyễn Thị Thu Duyên Tổng hợp cơ sở lý luận về du lịch văn hóa tâm linh. - Nghiên cứu đánh giá tiềm năng và thực trạng du lịch văn hóa tâm linh của Nam Định; Đánh giá tổng hợp các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh tại Nam Định. - Đưa ra một số giải pháp nhằm phát triển du lịch văn hóa tâm linh tỉnh Nam Định, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm gắn với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tâm linh của tỉnh. Du lịch là một ngành trong những thập niên gần đây đã lên ngôi một cách rực rỡ. Ở một số nước trên thế giới ngành du lịch hằng năm đã mang về cho ngân sách quốc gia những nguồn lợi nhuận khổng lồ. Ngày nay khi điều kiện vật chất con người quá đầy đủ, thì nhân loại lại rơi vào những vấn nạn khác đó là: hụt hẫng, mất phương hướng sống, trầm cảm từ những áp lực, xung đột trong cuộc sống. Từ đó con người lại tìm đến tôn giáo, mong có sự thanh thản, mong có sự an bình ở hiện tại và tương lai. Nhu cầu thưởng ngoạn và nương tựa tâm linh trở nên cần thiết đối với mọi người.   Ảnh minh họa   Ở nước ta trong những năm gần đây sau công cuộc đổi mới thành công, kinh tế đất nước ngày một đi lên, cuộc sống của người dân ngày một tiếp cận gần hơn với nền kinh tế và văn minh của các nước phát triển. Cho nên nhu cầu tìm đến những thánh tích linh thiêng mầu nhiệm ngày càng có nhiều người tìm đến để nương tựa tinh thần. Ngành du lịch Việt Nam đã nắm bắt được nhu cầu tinh thần này, tiếp thu những kinh nghiệm ngành du lịch của các nước bạn, nhưng việc phát triển hầu như vẫn chưa mang lại kết quả khả quan so với tiềm năng du lịch tâm linh mà chúng ta đang sở hữu.   Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, trên 50% dân số nước ta tin theo đạo Phật và gần 20% người dân có cảm tình với Phật giáo. Đa phần những thánh tích ở Việt Nam có nguồn gốc từ đạo Phật nếu không có nguồn gốc từ đạo Phật thì cũng có âm hưởng giáo lý nhà Phật. Do đó phát triển ngành du lịch tâm linh tại Việt Nam thì Phật giáo có một lợi thế rất lớn. Đây là một dịch vụ mang lại nhiều lợi nhuận cho nước nhà nói chung và cho kinh tế Phật giáo nói riêng, đồng thời thông qua đây tạo môi trường thuận tiện cho việc truyền bá sự kính tin Tam Bảo, xây dựng nền tảng đạo đức, giữ gìn những truyền thống và bản sắc văn hóa của dân tộc. Nhưng để phát huy được lợi thế này chúng ta phải cùng nhau thảo luận tìm ra những giải pháp mới. Du lịch tâm linh tiếng Anh gọi là spiritual tourism, tiếng Hán Việt chúng ta gọi là hành hương, chiêm bái, có nghĩa là du lịch, thưởng ngoạn phong cảnh những nơi linh thiêng mang màu sắc tín ngưỡng tôn giáo, qua đó con người nhận ra những giá trị tinh thần đạo đức. Ngài Pháp Hiển, Ngài Huyền Trang được người Trung Quốc tôn xưng là những nhà Chiêm bái của Phật giáo. Trong những năm gần đây trong giới Phật giáo cũng như các công ty du lịch Việt Nam thường tổ chức các tour du lịch đến các điểm linh thiêng có thể gọi là thánh tích trong nước, cũng như một số nước có truyền thống Phật giáo lâu đời như: Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc … Nhưng hầu như chỉ thu hút khách du lịch là những tín đồ đạo Phật và đa phần chỉ là dân ta mà thôi, còn khách các nước khác thì việc ghé đến các địa điểm mang tính tôn giáo chỉ là một điểm dừng nhân tiện trong lộ trình của họ mà thôi. Các công ty dịch vụ du lịch, giải trí cũng đầu tư một số vốn khổng lồ để hình thành những khu du lịch mang màu sắc tâm linh như: Đại Nam, Suối Tiên, Bái Đính … nhưng hầu như những người đến đây không phải vì nhu cầu tâm linh. cho nên người có nhu cầu về tâm linh đến đây vẫn không thỏa mãn. Vấn đề đặt ra ở đây là gì? Chúng ta chỉ lo xây dựng những cơ sở đồ sộ bắt mắt mà không nhận ra được cái mọi người cho là linh thiêng là từ đâu. Nguyên nhân sự linh thiêng ở các thánh tích có thể tạm chia ra ba yếu tố: 1. Đức hạnh của sự tu tập (sự hy sinh cao cả); 2. Do truyền thuyết lưu truyền nhiều đời; 3. Do khung cảnh u tịch.   Khách hành hương tham quan chùa Vạn Linh - Núi Cấm An Giang   Để phát triển ngành du lịch tâm linh thì điều thiết yếu đầu tiên là mỗi ngôi chùa phải sắp xếp, đưa việc tu tập đi vào quy cũ, có hệ thống tổ chức và đúng Chánh pháp. Những nơi có thắng cảnh đẹp, là di tích Phật giáo lâu đời đừng chỉ lo việc thu hút khách du lịch mà quên đi việc tu tập thì lâu ngày khách đến chùa không còn là người có nhu cầu tâm linh nữa, mà chỉ là du lịch thuần túy mà thôi và chúng ta cũng không khuyến hóa được ai sống lành mạnh, thánh thiện. Kiến trúc các ngôi chùa phải tạo ra nét u tịch, cổ kính, cơ sở hạ tầng phải sạch sẽ, tiện nghi và hoa viên, cây xanh, cảnh quan là điều cần thiết. Khi đi hành hương không gì hạnh phúc bằng nghỉ ngơi tại chùa, khi nghỉ lại chùa mà lại cảm nhận được nét sống thiền vị thanh thoát tại chùa của các Tăng, Ni, Phật tử được nghiên cứu tham vấn giáo lý đạo Phật, được thực tập thiền định là một khát khao của tất cả những ai hành hương. Nhưng hiện nay khách ta đi hành hương còn tìm ra khách sạn huống gì là khách Tây phương. Chúng tôi mong mõi trong tương lai Giáo hội cần có những quy định chung về kiến trúc cơ sở tự viện nhằm mang lại nét đặc trưng cho Phật giáo (như một số tôn giáo bạn đã làm) và góp phần phát triển ngành du lịch tâm linh.   Công tác quảng bá những giai thoại linh thiêng là cần thiết, đều quan trọng là chúng ta phải biến tướng làm sao cho truyền thuyết đó đi đúng với luân lý, đạo đức và lý nhân quả của đạo Phật. Nói về giai thoại thần bí, hay những di vật linh thiêng thì hầu hết các chùa ở nước ta đều có, thậm chí có rất phong phú nữa là khác, nếu biết quảng bá khai thác thì mỗi ngôi chùa ở Việt Nam đều là những điểm đến kỳ thú của khách du lịch điển hình như chùa Phật Cô Đơn ở xã Lê Minh Xuân, Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh, chùa Tượng Đất Sét, chùa Dơi ở tỉnh Sóc Trăng… Tăng, Ni lâu nay chỉ lo đi học Phật học để giảng dạy, truyền bá mà quên rằng du lịch tâm linh là một trong những môi trường thuận lợi để hướng dẫn cho mọi người tìm hiểu và học tu theo lời Phật dạy. Chúng tôi thiết nghĩ rằng để phát triển ngành du lịch tâm linh thì không thể một bộ phận, một ngôi chùa, hay một vài điểm du lịch mà có thể đưa ngành du lịch tâm linh Việt Nam có thể khởi sắc, chuyển mình vươn lên được, mà đây là việc làm của toàn thể Phật giáo. Làm sao chúng ta phải bồi dưỡng kiến thức cho các vị trù trì thấy được vai trò và lợi ích của lĩnh vực du lịch tâm linh, hướng đến xây dựng hình ảnh “mỗi ngôi chùa là một kỳ quan tâm linh” dựa trên nền tảng của sự tu tập, phát huy sự sáng tạo trong công tác kiến thiết, tổ chức và quảng bá mạnh mẽ những giá trị tâm linh, đạo đức thông qua những hình ảnh mầu nhiệm linh thiêng, nhằm góp phần phát triển nguồn tài chính của Giáo hội được phong phú và đưa người tìm về với bến bờ tuệ giác, an vui như huấn thị của cổ đức: “Dĩ huyển độ chơn”.   THÍCH PHƯỚC HẠNH http://www.dulichtamlinh.net/NewsDetail3.aspx?id=437&cid=178 u lịch tâm linh - Hướng phát triển hài hòa với văn hóa Kết hợp du lịch di sản và du lịch tâm linh đang là hướng đi mới, tạo ra sự khác biệt cho du lịch Việt Nam. Du lịch tâm linh vẫn còn là khái niệm mới mẻ đối với ngành du lịch Việt Nam. Đến nay, việc phát triển loại hình du lịch này còn ở dạng tiềm năng và Việt Nam hoàn toàn có mọi điều kiện để khai thác. Ngày 21 và 22/11 tới, tại Ninh Bình cũng sẽ diễn ra hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh. Đây là dịp các nhà đầu tư, quản lý văn hóa và du lịch có cơ hội cùng thảo luận và đưa ra hướng phát triển du lịch tâm linh bền vững. Tâm linh thường gắn liền với yếu tố “thiêng”. Du lịch tâm linh là việc thỏa mãn nhu cầu giao tiếp với môi trường tự nhiên, xã hội và giao tiếp với thần linh tâm linh, hưởng thụ sinh hoạt văn hóa… làm cho con người gần gũi với tự nhiên hơn. Mô hình du lịch này hiện đang rất phát triển tại nhiều nước trên thế giới như Italia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ… Tại Việt Nam, khái niệm du lịch tâm linh vẫn còn khá xa lạ. Các địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước có thể kể tên như: Đền Hùng (Phú Thọ, )Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Bái Đính (Ninh Bình), Phủ Dầy (Nam Định), chùa Từ Đàm (Huế)… Cả nước hiện có hơn 44.000 địa danh, danh thắng và di tích lịch sử, trong đó hơn một nửa là nơi có thể khai thác mô hình du lịch tâm linh. u như du lịch tâm linh ở các nước trên thế giới gắn liền với du lịch tôn giáo thì ở Việt Nam, du lịch tâm linh hướng về cội nguồn, về lịch sử thờ cúng tổ tiên. Tục thờ cúng tổ tiên vốn có từ lâu đời, đặc biệt trong những năm gần đây, chùa chiền, đền, miếu là tâm điểm thu hút khách hành hương và du khách nước ngoài. Mặc dù chưa có khái niệm du lịch tâm linh nhưng đối với nhiều người Việt Nam, việc đi lễ chùa như một thói quen để thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, với mong muốn những điều tốt đẹp cho gia đình. Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam: “Phát triển du lịch tâm linh chính là khai thác yếu tố truyền thống với tầm phát triển cao hơn. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, việc đầu tư cho du lịch tâm linh phải đề cao chất lượng, hình thức phục vụ, vừa đạt được nhu cầu thưởng thức tự nhiên của du khách, vừa thu được lợi nhuận, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa”. Tuy nhiên, Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng cảnh báo văn hóa phải hài hòa với du lịch, nếu không du lịch tâm linh sẽ trở thành yếu tố phá hoại văn hóa: “Trong cuộc sống hiện nay không có gì chỉ tồn tại mặt được. Nhưng chúng ta phải chọn phương án được nhiều hơn là mất. Bản thân du lịch và văn hóa không phải là hai thứ đối lập nếu anh làm tốt. Con người làm cho nó đối chọi nhau. Làm tốt du lịch thì chúng ta vừa thu được khách, thu được tiền, đồng thời có điều kiện để làm văn hóa. Nếu không làm tốt thì chính du lịch tiêu diệt văn hóa”. Giáo sư Ngô Đức Thịnh cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn du lịch và văn hóa phải hài hòa kết hợp với nhau thì trước hết, văn hóa phải giữ được bản sắc của mình. Văn hóa không thể thay đổi, lai căng đến nỗi không còn là chính mình, không có xúc cảm văn hóa. Một học giả Pháp từng nói: “Tôi đến Việt Nam không muốn xem những gì các bạn bày đặt ra để chiều lòng chúng tôi. Tôi đến để xem các bạn thể hiện các bạn như thế nào. Cho nên, các bạn muốn chúng tôi say mê thích thú với nền văn hóa thì các bạn hãy làm tất cả những gì như các bạn thể hiện hàng nghìn năm nay với tất cả tâm hồn, tình cảm”. Văn hóa tâm linh sẽ thổi hồn cho di sản. Du lịch tâm linh hay bất cứ loại hình du lịch nào khác sẽ vững chắc hơn nếu dựa vào những yếu tố văn hóa. Do vậy, việc kết hợp du lịch di sản và du lịch tâm linh đang là hướng đi mới, tạo ra sự khác biệt do du lịch Việt Nam. Phương Thúy, Thanh Hiền/ VOV http://m.baobinhthuan.com.vn/vn/chi-tiet-tin.aspx?news_id=61561&cat_id=580 Văn hóa tâm linh là một khái niệm mới xuất hiện và vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Mặc dù giới học thuật vẫn còn đang tranh luận, song một thực tế không phủ nhận được là trong thời gian gần đây, văn hóa tâm linh đang có chiều hướng phát triển. Có ý kiến còn cho rằng, thế kỉ XXI là kỉ nguyên của văn hóa tâm linh.            Tâm linh và văn hóa tâm linh   Một số ý kiến nhận định, tâm linh là khái niệm chỉ những hiện tượng liên quan đến thế giới linh hồn của con người sau khi chết, gắn liền với những biểu hiện huyền bí, dị thường và đậm màu sắc mê tín.   Có một số ý kiến cho rằng, tâm linh hay văn hóa tâm linh là một phạm trù đặc biệt, bao hàm những giá trị tinh thần phong phú, cao siêu của con người, cao hơn khái niệm đời sống tinh thần. Một nhà nghiên cứu nhận định: “Trong Tâm linh đã hội đủ: Lòng vị tha, Đạo đức, Tinh thần, Ý chí, Linh hồn v.v”.., cho rằng tâm linh là sự tồn tại siêu hình của con người…   Theo chúng tôi, tâm linh chính là một biểu hiện trong đời sống tinh thần của con người, với tất cả sự phong phú, phức tạp của nó. Không nên đơn giản hóa tâm linh là mê tín dị đoan, song cũng không nên “thần bí hóa”, “ghê gớm hóa” khái niệm tâm linh, gán cho nó những đặc tính cao siêu, phi thường, coi đó là cứu cánh của nhân loại, của khoa học.                   Tất cả những biểu hiện liên quan đến đời sống tâm linh con người sẽ tạo nên văn hóa tâm linh. Cũng như tất cả mọi hiện tượng trong cuộc sống, văn hóa tâm linh cũng có những mặt tích cực và tiêu cực, vì vậy cần có một cái nhìn biện chứng, khách quan để có cách ứng xử hợp lý, phát huy được mặt tích cực và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với đời sống cộng đồng.   Văn hóa tâm linh trong đời sống cộng đồng người Việt  Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân tríqua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn. Văn hóa tâm linh có những biểu hiện vô cùng phong phú, đa dạng trong đời sống của người Việt. Phổ biến nhất là phong tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân trong mỗi gia đình. “Con người có tổ có tông-Như cây có cội, như sông có nguồn”.   Ở phạm vi cộng đồng là tục thờ cúng thành hoàng, các vị thần, các vị tổ sư, các vị anh hùng đã có công với nước, các danh nhân văn hóa…Do ảnh hưởng của các tôn giáo, người Việt tổ chức xây đền chùa, miếu mạo, nhà thờ, giáo đường…và thực hành các nghi lễ cầu cúng. Nhiều công trình, hiện vật liên quan đến văn hóa tâm linh đã trở thành những di sản văn hóa, lịch sử quý giá, nhiều công trình văn hóa tâm linh được xây dựng ở những địa điểm có phong cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, kì thú trở thành những điểm du lịch hấp dẫn...Nhiều lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, dân tộc.    Theo chúng tôi, thế giới văn hóa tâm linh của người Việt được xây dựng theo mô hình “dương sao, âm vậy-trần sao, âm vậy”. Vì vậy, nên coi đây là quan niệm xuất phát để tìm hiểu về mô hình thế giới tâm linh của người Việt.          Hình thành từ xã hội nguyên thủy, người Việt có tín ngưỡng bách thần “thần cây đa, ma cây gạo”, gán cho các thế lực siêu nhiên, các sự kiện chưa giải thích được là các vị thần. Thế giới thần linh bao gồm thần Sông, thần Núi, thần Biển, thần Lửa, thần Sấm Sét…và còn có cả thần Bếp, thần Tài, thần Nhân duyên…Nhân gian có người xấu người tốt nên các vị thần cũng có thần Thiện và thần Ác, có thánh thần luôn giúp người và cũng có ma quỷ chuyên hại người.   Do ảnh hưởng của xã hội phong kiến, thế giới tâm linh cũng được hình dung theo một mô hình tổ chức tương tự: trên có Ngọc Hoàng Thượng Đế, có các vị Thần bề tôi với các cơ quan chuyên trách, giữa có thế giới người trần mắt thịt và dưới đất có Diêm Vương phụ trách việc xét xử những linh hồn của con người trần gian.   Số mệnh có thể được hiểu như là kết quả “lập trình” của một vị thần chuyên trách, và nhiều khi bất cẩn, thiên vị nên vị thần này cũng gây ra bao điều ngang trái, oái ăm.   Người Việt cho rằng người xấu sau khi chết sẽ được xét xử, ai tốt sẽ được lên Thiên đường hay cõi tiên, được đầu thai, có kiếp sau sung sướng, ai xấu sẽ bị trừng phạt, kiếp sau phải chịu khổ. Và linh hồn của tiền nhân, của tổ tiên luôn bên cạnh con cháu, chứng giám, độ trì cho con cháu.      Vì quan niệm “trần sao âm vậy” nên mới có những tục lệ như chia của cho người chết, chôn theo người chết tiền bạc, các đồ dùng, rồi nghi lễ đốt vàng mã cũng là một cách để “tiếp tế” cho người chết. Có gia đình trước mỗi bữa ăn con cháu đều cất lời mời bà ngoại mới mất về ăn cơm.   Văn hóa tâm linh có những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống cộng đồng. Đó là sợi dây cố kết cộng đồng, lưu giữ truyền thống, giáo dục lòng nhân ái, vị tha, ý thức hướng thượng, hướng thiện.   Các tôn giáo khác nhau về giáo lý song đều gặp nhau ở tinh thần nhân ái, khoan dung, triết lý nhân bản.   Văn hóa tâm linh là chỗ dựa về mặt tinh thần, xoa dịu những đau thương mất mát, đem lại niềm tin vào những điều tốt đẹp, cao cả, thiêng liêng, giúp con người chiến thắng nỗi sợ hãi trước cái chết, đem lại sự thanh thản, cân bằng cho tâm hồn. Có thể hình dung yếu tố tâm linh tạo nên chiều sâu, sức sống cho nền văn hóa cộng đồng, dân tộc.   Và những nghịch lý   Những nghịch lý, mặt trái của văn hóa tâm linh xuất phát từ chính quan niệm gốc “Dương sao âm vậy-Trần sao âm vậy”. Như vậy, cõi trần gian quyết định hình hài của cõi âm chứ không phải ngược lại, hay chính con người đã sinh ra Thượng đế. Một ví dụ sinh động nhất là chính con người với công sức, tài hoa của mình đã tạo nên đình chùa, miếu mạo chứ đó không phải là phép màu của Thần Phật.   Vì “trần sao âm vậy” nên rất nhiều người Việt đã “suy bụng ta ra…bụng thần”, áp đặt cách ứng xử nhuốm màu sắc tiêu cực của trần tục vào chốn linh thiêng. Người ta chen chúc nhau đến các đền chùa, mang theo lễ vật hậu hĩnh để mong được thánh thần phù hộ, giải hạn, trừ tà, cầu tài cầu lộc, làm ăn phát tài.   Phải có lễ mới thể hiện được lòng thành, lễ vật càng nhiều, tỷ lệ “phù hộ” càng cao, đâu có khác gì chạy chọt, tiêu cực ở ngoài đời. Có thể hình dung nhiều người viết sớ, sắm lễ, bưng lễ thuê như đội quân “cò” đông đảo trong xã hội ngày nay.                            Tình cờ được đọc một tờ sớ, chúng tôi không khỏi buồn cười. Người phụ nữ liệt kê có hai xe khách chạy các tuyến, và một xe SH đang chờ cấp biển số, mong “ngài” phù hộ cho một biển số đẹp.   Nhiều người đến cửa đền chùa mới bất ngờ được các thấy bói, cô đồng cho biết là năm nay bị hạn, do một bất ổn nào đó ở cõi âm hay do vì sao có cái tên lạ hoắc “chiếu” vào, vì vậy cần phải “giải hạn”. Thật hú vía, và cũng thật bất hạnh thay cho những ai đó không đến đền chùa, không biết để mà sắm lễ nhờ “thầy, cô” giúp cho “tai qua nạn khỏi”.       Lễ khai ấn đền Trần, vốn để tưởng nhớ một tục lệ có tính chất hành chính ngày xưa là các nhân viên nhà nước bắt đầu công việc, bỗng nhiên trở thành một “cơ hội vàng” để cầu mong phù hộ thăng quan tiến chức. Người ta chen chúc, giẫm đạp, tranh cướp nhau để có được một chiếc ấn tượng trưng, để yên trí rằng mình đã được phù hộ độ trì. Ai không chen được, cướp được thì…mua.   Với tâm lý cầu mong con cái học giỏi, tấn tới, nhiều người dân “vào cuộc” rất hăng hái, hàng chục vạn người chen chúc trong một không gian không lấy gì làm rộng từ nửa đêm, khiến tình hình trở nên vô cùng hỗn loạn.   Xin thưa cùng các “con nhang đệ tử rằng”, nếu như có một đấng linh thiêng toàn năng, chắc ngài sẽ hiểu thấu mọi tâm tư, ước vọng của nhân gian, và sẽ phù hộ độ trì mọi chúng sinh, khuyến thiện, trừng ác không cần ai phải đến tận nơi cầu cạnh, xin xỏ. Còn nếu phải cầu, phải “chạy chọt” mới được độ trì, thì đấng thần linh ấy đâu xứng được tôn thờ.      Đấng thần linh chí thiện, chí nhân sẽ chỉ phù hộ cho những người tốt, những hành vi nhân ái, cao cả, còn những kẻ bất nhân, làm ăn phi pháp thì dù có cầu cúng, lễ vật bao nhiêu cũng bị từ chối. Cha ông ta đã từng nhắc nhở: “Dù xây chín bậc phù đồ-Không bằng làm phúc cứu cho một người”. “Tu đâu lại bằng tu nhà-Thờ cha kính mẹ ấy là chân tu”. Đó là sự khẳng định nguyên lý nhân bản trong văn hóa tâm linh.               Thần linh phép thuật vô lượng, biến hóa vô cùng, phân thân khắp chốn nên không cần thiết như người đi “chạy việc”, “chạy chức”, “chạy án”, “tạ ơn”… phải đến tận “dinh”, “phủ” và đem theo lễ vật.   Đã thần linh thì cần gì lễ vật, các vị muốn gì chả có, muốn bao nhiêu chả được; người xưa chả bảo “lễ bạc lòng thành” đó sao? Vị cao tăng trụ trì chùa Hương đã nói: Khách đến chùa nên chỉ mang theo một nén hương, và không cần mang theo bất cứ lễ vật gì cũng tốt.                            Thế nhưng, những ý kiến đó đâu có “thấu” được đối với những người đã coi việc cầu cúng, đi lễ, hành hương như một “điều  tất yếu của cuộc sống”. Bởi vì, cơ sở của tâm linh là niềm tin, họ không băn khoăn nhiều lắm về những đạo lý cao xa, những nguyên lý khoa học “đau đầu”, “rắc rối”. Tâm lý hành động theo đám đông, suy nghĩ đơn giản chính là cơ sở của những hành vi mê tín, phản khoa học.                                                              Nơi thờ tự thần linh là chốn thanh tịnh, thoát tục, thế nhưng không ít người đã làm vẩn đục với những hành vi nhuốm màu con buôn, tiêu cực. Người ta lấy đồng tiền làm thước đo của lòng thành, làm giá trị để “mặc cả” với thần linh: công đức, vứt tiền xuống giếng, đút tiền vào tay, chân tượng thần, rải tiền xuống khe suối, mua lễ sang, “boa” cho thầy bói hậu hĩnh, thắp nhiều hương, đốt nhiều vàng mã…Lợi dụng tâm lý này, nhiều kẻ đã xây rất nhiều chùa giả, điện thờ giả với mục đích thu tiền công đức của du khách, sau chính quyền phải ra tay dẹp bỏ.                          Số lượng người tham gia lễ hội quá đông, nhà vệ sinh không đáp ứng nổi, thế là du khách phóng uế bừa bãi xung quanh di tích, có nơi sau hàng tuần lễ còn mùi hôi thối nồng nặc. Sau mùa lễ hội, nhiều di tích thành một “bãi chiến trường” rác, nhân viên không thể thu dọn hết. Hành xử như thế, thánh thần còn không trừng phạt cho là may, nói gì phù hộ.               Người ta đốt vàng mã cho người chết gồm quần áo, giày dép, tiền bạc chưa đủ, còn đốt thêm xe hơi, nhà lầu, điện thoại di động, thậm chí còn đốt cả vợ lẽ, bồ nhí, cổ vũ cho lối sống hưởng thụ, thác loạn nơi âm giới! Ở nhiều nước không có tục đốt vàng mã, chẳng lẽ người thân của họ đều đói khát, rách rưới cả?    Một vài suy nghĩ   Dòng người đông đảo chen chúc nhau đến nơi chùa chiền, thờ tự để cầu tài, cầu lộc không phải là một tín hiệu vui đối với văn hóa.                                                         Một mặt, số người đến chùa đền quá đông đã gây nên tình trạng quá tải, làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường, tàn phá di tích và phát sinh các hành vi tiêu cực, phạm pháp như buôn bán, giữ xe theo kiểu móc túi, chặt chém, rồi trộm cắp, giả dạng ăn xin hoành hành.   Trong thời kinh tế suy thoái, mọi chi tiêu đều cần dè sẻn thì người ta đã lãng phí thời giờ, tiền bạc một cách không thể tưởng tượng cho nhu cầu tâm linh.             Mặt khác, hậu quả nguy hại nhất là đã làm gia tăng tình trạng mê tín dị đoan, lối suy nghĩ và cách hành xử tiêu cực, chạy theo các giá trị vật chất hiện sinh, cách ứng xử gian dối, phủ nhận khoa học, coi thường lao động, sự trung thực và những giá trị chân chính của cuộc sống.   Người đến chùa chiền, lễ hội chỉ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn, cầu thăng quan tiến chức, bán đắt buôn may, trúng dự án, tránh thanh tra…không mấy ai cầu Trí, cầu Nhân, cầu Dũng, cầu Liêm. Giả sử có người cầu thế, không khéo sẽ bị đám đông chê cười là “không bình thường”.   Kẻ học hành lười nhác nghĩ rằng mình đã được thần linh phù hộ, kẻ tham nhũng, làm ăn phi pháp cho là mình đã được độ trì, quan chức tiêu cực yên trí là mình đã có “chỗ dựa”…Có kẻ làm ăn bất chính nên không tiếc tiền công đức, coi như mình đã “ăn chia” chu đáo với thần.   Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho rằng: “Các đối tượng thiêng liêng chỉ còn là một thứ quyền lực mà họ phải hối lộ và việc hành hương đến một địa điểm thiêng liêng, tham dự một lễ hội chỉ còn là một chuyến tham quan mà thôi”. (Báo Lao động ngày 11/2/2009).   Đầu tư quá mức cho việc xây dựng chùa chiền, đúc chuông, tô tượng, chi phí lớn cho lễ vật, công đức sẽ khiến nguồn lực đầu tư cho an sinh xã hội bị giảm sút. Đức Phật từ bi vui sao được khi mà chùa được xây quá hoành tráng, tốn kém, trong khi bệnh viện lại nhếch nhách, tồi tàn, người bệnh nghèo vật vã, đau đớn; trường học cho trẻ em xập xệ, đường sá của dân gập ghềnh, hiểm nguy.   Thế nhưng vẫn có không ít bài báo ca ngợi những kỉ lục kiểu như “ngôi chùa to nhất, bức tượng cao nhất, ngôi chùa xây tốn kém nhất, nhiều tượng nhất, ngọn tháp cao nhất…”.                 Mấy năm gần đây, tình trạng buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan ngày càng gia tăng, sự “lạm phát” các nhà ngoại cảm với năng lực “siêu phàm” đã được báo chí khẳng định. Sau một thời gian “hô mưa gọi gió”, các “nhà ngoại cảm” đã dần dần rơi rụng hết năng lực “kì diệu” theo đồn thổi mà lộ rõ chân tướng lừa đảo, ngay cả đối với những người nổi tiếng nhất.                 Chưa nhận thức được bản chất, tính hai mặt của văn hóa tâm linh, chậm trễ trong khi đối phó với những hành vi mê tín dị đoan, cho rằng đây là một hiện tượng “nhạy cảm” nên ngại can thiệp, thậm chí coi việc quảng bá “du lịch tâm linh” như một phương án hay để tạo nguồn thu…đã dẫn đến những hậu quả nói trên.   Khó khăn lớn nhất trong cuộc chiến chống mê tín dị đoan hiện nay là bởi tất cả những người mê tín chấp nhận tính “phi lý”, “tiên đề” của hiện tượng. Vì vậy, mọi phân tích lôgic, khoa học đều như “nước đổ lá khoai”.   Đức Khổng Tử, ông tổ của Nho giáo từng nói: “Chỉ có con người là trung tâm của trời đất”. Giáo sư Trương Quang Đệ cũng phát biểu “Một thế giới hiện đại theo đúng nghĩa được mọi người chấp nhận phải là một thế giới duy lý”. Đó là những điều rất đáng suy ngẫm.   Trần Quang Đại     LTS Dân trí - Trong hoàn cảnh một đất nước còn nghèo như chúng ta, lại gặp thời buổi kinh tế toàn cầu suy thoái, vậy mà triền miên những ngày sau Tết toàn là những lễ hội…Đập vào mắt mọi người là những bộ lễ phục diêm dúa, khoa trương và những điệu múa pha chất đồng bóng của các bà cô…Đấy là chưa kể những lễ vật và những lời cầu xin của khách thập phương khấn cầu các Thần Thánh…thì đầy màu sắc vụ lợi và mê tín dị đoan, đúng như tác giả bài viết trên đây phản ảnh và phân tích.   Các cấp quản lý chính quyền, nhất là quản lý trực tiếp ngành văn hóa cần quan tâm nhiều hơn đến việc uốn nắn những mặt trái của các lễ hội, tránh phô trương hình thức, gây tốn kém; đặc biệt cần bài trừ và nghiêm cấm mọi hình thức hoạt động mê tín dị đoan.   Tôn trọng đời sống tâm linh của người dân là cần thiết nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận việc “buôn thần bán thánh” trong một xã hội văn minh.