You are on page 1of 64

Phiền não tức Bồ đề

Sanh tử tức Niết-bàn

NGŨ TRÙNG
DUY THỨC QUÁN
Thụy Thảo
Sàigòn tháng 8/2018
Mục lục

Mục lục .................................................................................................. 3


NGŨ TRÙNG DUY THỨC QUÁN ........................................................ 1
1. Khiển hư tồn thực quán..................................................................... 1
2. Xả lạm lưu thuần quán ...................................................................... 1
3. Nhiếp mạt qui bổn quán .................................................................... 1
4. Ẩn liệt hiển thắng quán...................................................................... 1
5. Khiển tướng chứng tánh quán........................................................... 2
Tại Sao Khóa Thiền Lại Giảng Về Duy Thức Học? ...................... 3
DUY THỨC TÔN ................................................................................ 10
I. ĐỊNH NGHĨA.................................................................................... 10
II. DUYÊN KHỞI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DUY THỨC TÔN QUA CÁC
KINH SÁCH CHÍNH YẾU .................................................................... 11
III. CHỦ TRƯƠNG CỦA DUY THỨC TÔN .......................................... 14
IV. THÀNH PHẦN CỦA HIỆN TƯỢNG GIỚI (vũ trụ vạn hữu gồm cả tâm
và pháp) PHÂN LOẠI THEO DUY THỨC TÔN .................................... 15
V. PHƯƠNG PHÁP TU ....................................................................... 22
VI. NĂM ĐỊA VỊ HÀNH GIẢ PHẢI TRẢI QUA TRONG KHI TU DUY
THỨC ................................................................................................. 24
VII. KẾT QUẢ TU CHỨNG .................................................................. 26
VIII. LỢI ÍCH THIẾT THỰC TRONG KHI HỌC VÀ TU DUY THỨC ..... 28
IX. KẾT LUẬN..................................................................................... 30
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN ........................................ 32
NGŨ VỊ DUY THỨC QUÁN:................................................................ 32
1/ PHƯƠNG THỨC TU TẬP VÀ QUÁN CHIẾU CẤP BẬC TƯ LƯƠNG:
........................................................................................................... 35
2/- PHƯƠNG THỨC TU TẬP VÀ QUÁN CHIẾU NƠI CẤP BẬC GIA
HẠNH: ................................................................................................ 44
3/- PHƯƠNG THỨC TU TẬP VÀ QUÁN CHIẾU NƠI CẤP BẬC THÔNG
ĐẠT: ................................................................................................... 50
4/- (Ngũ trùng Duy thức quán) PHƯƠNG THỨC TU TẬP VÀ QUÁN
CHIẾU NƠI CẤP BẬC TU TẬP: .......................................................... 53
5/- PHƯƠNG PHÁP TU TẬP NƠI CẤP BẬC CỨU CÁNH: .................. 57
Ngũ trùng duy thức quán – HT T.T.Thông 1

NGŨ TRÙNG DUY THỨC QUÁN


http://www.hoalinhthoai.com/buddhistdictionary/detail/char-
2408/.html
Ngũ trùng Duy Thức quán là năm pháp quán từ thô đến tế, để hành
giả tu tập đạt đến quả vị trong pháp Duy Thức bao gồm

1. Khiển hư tồn thực quán


Môn quán này có nghĩa là trừ bỏ phần hư giả giữ lại phần chân thật
là thể Y tha viên thành. Bởi các pháp duyên sanh xưa nay vẫn thanh tịnh,
trên các pháp ấy chúng sanh lầm phân biệt có ta có cảnh, khởi lên mối
vọng niệm trùng trùng. Nay phải bỏ niệm hư vọng thuộc tâm biến kế ấy, để
trở lại thể Y tha viên thành chân thật. Trong môn quán này có hai:
Khiển trừ (trừ bỏ): Thuộc về không quán
Lưu tồn (giữ lại): Thuộc về hữu quán để phá chấp tâm không, để
chứng nhập vào tánh lý ngôn Trung đạo và món này thuộc về hư thật
tương đối quán.

2. Xả lạm lưu thuần quán


Môn quán này có nghĩa là bỏ phần “lạm” giữ phần “Thuần” . “Lạm” là
tướng phần, “Thuần” là kiến phần. Kiến phần là tâm năng duyên chủ quan
nên lưu lại. Tướng phần là cảnh sở duyên, để khỏi lạm với cảnh ở ngoài
tâm nên trừ bỏ, duy lưu lại tánh cách thuần thức của ba phần sau. Môn
này thuộc về tâm cảnh tương đối quán.

3. Nhiếp mạt qui bổn quán


Môn quán này nghĩa là đem ngọn về gốc, ngọn là tướng phần, kiến
phần thuộc về phần dụng, gốc là Tự chứng phần và chứng tự chứng phần.
Gọi chúng là Tự thể phần. Tướng phần thuộc về cảnh nội thức. Kiến phần
là tác dụng của nội thức. Hai phần ngọn này không rời cái gốc Tự thể phần
mà có, vì thế hành giả phải đem ngọn về gốc, dung hòa lại thành một thể,
nghĩa là dứt niệm phân biệt, không chia thành gốc ngọn. Môn này thuộc về
thể dụng tương đối quán.

4. Ẩn liệt hiển thắng quán


Môn này có nghĩa là ẩn phần kém, hiển phần hơn. Phần kém là tâm
sở, phần hơn là tâm vương. Tự thể phần của tâm thức đều có tâm vương
và tâm sở. Tâm vương và tâm sở tuy đều hay biến hiện, nhưng năng dụng
2

của tâm sở là phần phụ thuộc, kém hơn phần chánh là tâm vương ẩn mất
phần kém, nhưng tỏ phần hơn. Gọi là ẩn liệt hiển thắng. Môn này thuộc về
vương sở tương đối quán.

5. Khiển tướng chứng tánh quán


Môn này có nghĩa là trừ phần tướng để chứng phần tánh.
Phần tướng là pháp Y tha khởi, phần tánh lầ thể Viên thành thật. Tự
thể phần của thức có đủ sự lý, sự là tướng dung, lý là tánh thể. Nhưng sự
không ngoài lý, tánh không ngoài tướng, đem sự tướng dung hòa lý tánh,
bỏ Y tha ngộ nhập Viên thành thật. Gọi là khiển tướng chứng tánh. Môn
này thuộc về lý sự tương đối quán.
Năm lớp trên gọi là “Quán“ hay “Thức” cũng được, vì quán chẳng
ngoài thức, thức bao hàm quán. Trong năm lớp này bốn lớp trước là xả bỏ
biên kế chấp để về Y tha khởi, nên gọi là tướng Duy Thức quán. Một lớp
sau đem y tha khởi về viên thành thật nên gọi là tánh Duy Thức quán hay
gọi chung mà hàm súc cả ý nghĩa tánh tướng là Duy Thức quán và đây là
phương tiện đem Duy Thức Tam tánh quán để so với ngũ trùng Duy Thức
quán.
Theo PHDS của HT Thích Từ Thông
Tại Sao Khóa Thiền Lại Giảng Về Duy Thức Học? 3

Tại Sao Khóa Thiền Lại Giảng Về Duy Thức Học?


Tỳ Kheo Thích Trí Châu
https://vietbao.com/a10886/tai-sao-khoa-thien-lai-giang-ve-duy-thuc-hoc
LTS. Là truyền nhân dòng Thiền Vân Môn Trung Hoa từ
Thiền Sư Phật Nguyên, Thầy Trí Châu hiện đang hoằng pháp
ở Quận Cam. Từ thứ sáu 10-12-2004 thầy Trí Châu sẽ chia
sẻ về Duy Thức Học trong các buổi tập THIỀN VÀ THƯ GIÃN
mỗi thứ sáu từ 7:00PM đến 9:30PM và mỗi thứ bẩy từ
10:00AM đến 12:30PM tại 12441B Magnolia St., Garden
Grove, CA (góc Lampson). Xin mời tham dự và chia sẻ từ mọi
người, không phân biệt tuổi tác và trình độ. Mời vào tự do.
Bài sau đây, Thầy giải thích về tại sao giảng Duy Thức.
*
Tại sao khóa Thiền lại giảng về Duy Thức?
Đó là câu hỏi mà cư sĩ Nguyên Giác nêu ra khi tôi nhờ
Việt Báo phổ biến về khóa thuyết giảng Duy Thức Học trong
những buổi thực tập Thiền và Thư Giãn kể từ ngày 10 tháng
12, 2004 tại Garden Grove.
Câu hỏi tất nhiên rất là tự nhiên, vì truyền thống vẫn nghĩ
rằng Thiền là Pháp Tánh Học, còn Duy Thức vẫn thường
được gọi là Pháp Tướng Học… Hai pháp hành có vẻ như đi
theo hai chiều khác, dẫu cùng về một điểm đến. Thực sự vẫn
như dường có một khoảng cách, bởi vì Thiền là pháp chỉ
thẳng tâm để thấy Tánh, còn Duy Thức là pháp nhận biết hết
các tướng trạng của vạn hữu, để theo tướng vào tánh -- tùng
tướng nhập tánh.
Tôi đã trả lời cũng hết sức là đơn giản, "Tam giới duy
tâm, vạn pháp duy thức…. Ba cõi là tâm, tất cả các pháp đều
là thức… Anh thử nghĩ xem, có gì trên đời này mà không
phải do thức".
4

Thế cho nên, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi nhà
sư Thích Trí Châu đang hướng dẫn Thiền, lại chuẩn bị xuất
bản cuốn Duy Thức Tam Thập Tụng Lược Giải.
Bởi vì mỗi pháp đều thích ứng với một số thành phần
Phật Tử tùy theo căn cơ và nhân duyên có sẵn nhiều đời,
nên pháp nào cũng có chỗ để ứng dụng và độ thoát cho
những người hữu duyên -- dù là Thiền, Tịnh Độ, Mật Tông
hay Duy Thức Tông. Trong tận cùng, các pháp môn đều bình
đẳng khi nhìn ra bản tâm.
Có một mặt khác của Thiền Tông, rất nhiều các công án
có thể tiếp cận được theo phương pháp riêng của Duy Thức
Tông. Cái hiểu qua phương tiện này tuy không thâm sâu như
những vị thâm nhập vào được pháp định của Khán Thoại
Đầu, nhưng Duy Thức là bước đầu nỗ lực để giải được mọi
vấn đề về pháp tướng - vì tánh thực sự vẫn phải nhờ tướng
mà hiển lộ, cho nên các Thiền Sư khi dạy học trò vẫn phải
mượn phương tiện "hiển sắc minh tâm," tức là làm hiển lộ
sắc tướng để làm sáng tâm. Còn Duy Thức sẽ luận theo các
pháp Tâm Vương, Tâm Sở... để thể nhập Duy Thức Tánh.
Thí dụ như khi Phật Thích Ca cầm lên bông hoa, Ngài Ca
Diếp mỉm cười. Không phải là có người nhìn, hay có vật
được nhìn… Đơn giản, chỉ vì tất cả các pháp đều vô ngã, tất
cả các pháp đều do duyên sanh, và tất cả các pháp [hoa và
thấy hoa] đều phải duyên theo thức và đều là thức biến.
Thấy được thức biến hiện, thì sẽ nhận ra tâm đang hiển lộ và
qua đây thì thấy Tánh. Mọi người khác đều chỉ thấy là hoa,
nên không được truyền pháp. Còn Ngài Ca Diếp thấy hoa thì
nhận ra tâm đang hiển lộ, nên được Đức Phật truyền pháp.
Chính nơi đây, Duy Thức với Thiền không có gì khác
nhau. Phương pháp Ngũ Trùng Duy Thức Quán rồi cũng để
chỉ ra Duy Thức Tánh, hay là Bản Tâm thôi.
Tại Sao Khóa Thiền Lại Giảng Về Duy Thức Học? 5

Tất cả kinh điển Phật Giáo đều muốn làm cho mọi người
hiểu rõ tất cả pháp giới mà chúng ta đang hiện hữu, bao gồm
đủ mọi chủng loại, vô số các quốc độ, vô số các vì tinh tú và
vô số các giải ngân hà trong vũ trụ vô biên này đều không
rời khỏi tâm thức. Kinh Hoa Nghiêm nói pháp giới trùng
trùng duyên khởi, nhất thiết pháp duy tâm sở tạo, duy thức
sở biến. Tức là các pháp đều do vô lượng các nhân duyên mà
hiện khởi, và tất cả đều được chuyển hiện và chuyển biến
nơi tâm thức. Kinh Pháp Hoa nói Phật ra đời vì một đại sự
nhân duyên là muốn đưa tri kiến chúng sanh hội nhập tri
kiến Phật.
Muốn hội nhập kiến Phật, không phải là chúng ta chỉ phát
lòng tin suông và tối ngày chỉ tụng kinh gõ mõ rồi cho đó là
tu hành, rồi cho đó là chúng ta đã tạo được rất nhiều công
đức giải thoát, đủ để làm lợi ích chúng sanh… Không thấy
được Tánh thì làm gì cũng vô ích. Phật dậy chúng ta phải
Văn, Tư, Tu tức là nghe, suy tư rồi tu. Nghe tức là đọc kinh,
suy tư tức suy nghĩ cho hiểu rõ lời kinh, tu tức là thực hành.
Thực hành là làm sao? Thực hành là giữ giới, tập thiền
định và trau dồi trí tuệ tức quán chiếu các lời kinh. Do Văn
Tư Tu mà Nhập Tam Ma Địa (Chân Tâm hoặc Chánh Định),
tùng Giới Định Huệ mà trừ Tham Sân Si.
Những người muốn thực hành thiền trước hết phải học
hỏi và hiểu rõ lời kinh, để biết nương theo cái thân xác giả
tạm này, theo lời Phật chỉ dậy mà giữ Giới, tập Thiền và tu
Huệ; tinh tấn hành trì Lục Độ Vạn Hạnh tức Bố thí, Trì giới,
Nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền Định và Trí Huệ. Do chuyên tâm
tu hành mà hành giả có thể siêu việt các giáo lý, đi thẳng
được vào tâm thức mà thấy tánh thành Phật. Đó là phương
pháp mà Phật đã trao truyền nối tiếp (tổ tổ tương truyền)
cho các vị tổ sư thiền ở bên Ấn Độ, từ tổ thứ nhất là Ma Ha
Ca Diếp cho đến tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Phương pháp đó
6

được Bồ Đề Đạt Ma đem đến Trung Hoa rao giảng: Giáo


ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ Chân Tâm, Kiến
Tánh thành Phật.
Thật ra muốn siêu việt lên các lời kinh thì thật rất khó.
Chúng ta phải phá trừ được tất cả các thành kiến, những
phong tục tập quán mê muội, mở tâm thật lớn rộng thì mới
có thể lãnh hội được và mới có thể hiểu rõ được ý nghĩa
thâm sâu của các lời kinh. Đó là mục đích của các lời kinh và
luận như kinh Kim Cương, kinh Bát Nhã, luận Trung Quán…
phá trừ những chấp trước mê lầm của chúng ta để chúng ta
vượt qua được bờ bên kia mà đắc được Vô Thượng Giác
(Chân Tâm).
Bậc thượng căn thì chỉ một câu, một chữ là đủ ngộ nhập
tri kiến Phật rồi. A Nan chỉ vừa nghe Ca Diếp nói cây phướng
trước chùa đổ rồi là ngay đó khế hội. Huệ Năng ngay câu
ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm là chứng ngộ và được trao
truyền y bát làm vị tổ sư thiền thứ sáu bên Trung Hoa. Huệ
Khả khi nghe Bồ Đề Đạt Ma bảo mang tâm ra để được ngài
an cho là trút hết được mọi phiền não và được ấn chứng làm
vị tổ sư thiền thứ hai bên Trung Hoa.
Đối với những người bình thường như chúng ta thì phải
học hỏi kinh điển, thâm sâu được giáo lý thì mới vào được
cửa thiền. Muốn hiểu rõ được cốt tủy của đạo Phật, chúng ta
phải biết rõ thế nào là tâm, thế nào là thức, thế nào là tâm
thức, thế nào là chân tâm, v.v... Chúng ta phải đào sâu vào tất
cả các phạm trù của Tâm thì chúng ta mới thật sự phát sinh
được sự tin tưởng vững chắc rằng Nhất Thiết Pháp Duy Tâm
Tạo; chúng ta mới hiểu rõ thế nào là tam thiên đại thiên thế
giới ở trong một hạt cải, thế nào là một hạt cải lại bao trùm
cả tam thiên đại thiên thế giới.
Tại Sao Khóa Thiền Lại Giảng Về Duy Thức Học? 7

Có hiểu rõ về Tâm Thức thì chúng ta mới thâm hiểu được


những lời Phật dạy trong các kinh Đại Thừa, mới hiểu được
những lời dạy dỗ của chư tổ, mới phát được lòng tin dũng
mãnh vào câu nói của đức Phật dậy trong kinh Pháp Hoa mà
chúng ta hằng trì tụng: Phật và chúng sanh đều có sẵn tánh
Phật, Phật là Phật đã thành và chúng sanh là Phật sẽ thành.
Duy Thức Tông là phương tiện lớn: Muốn hiểu rõ về Tâm
Thức thì chúng ta nên học hỏi và nghiên cứu về Duy Thức
Học. Nhờ Duy Thức Học mà ta mới hiểu rõ ý nghĩa của các
danh từ mà các thầy tổ và chư vị bồ tát và Phật chỉ giáo
trong tam tạng kinh điển.
Nhân đây cũng xin trích lại bài viết nói về vấn đề này
cách đây không lâu cũng nhằm trả lời cho câu hỏi tương tự
như câu hỏi đầu bài:
"Tiện đây cũng xin có câu trả lời cho một vài Phật tử đã
hỏi rằng tại sao thầy tu theo Thiền Tông mà lại nghiên cứu
về Duy Thức Học. Xin trả lời rằng Thiền Tông chú trọng đến
sự thực hành phương pháp bao gồm cả ba lãnh vực Giới,
Định và Huệ do đức Phật đã chỉ dậy để phá bỏ đi những
chấp thủ và tiêu trừ được mọi phiền não, đạt được Tâm
Thanh Tịnh tức là đạt được Giác Ngộ. Duy Thức Học nghiên
cứu về tâm thức, là căn bản cốt lõi của đạo Phật, không thể
không am tường được. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đã trao truyền cho
tổ Huệ Khả 4 cuốn Lăng Già Tâm Ấn nói về tâm thức và nhấn
mạnh đến sự đột biến nơi tâm thức là kết quả của sự thực
hành Thiền Na chứ không phải là những lý luận suông của
những học giả hay triết gia.
Tổ Hư Vân là một thiền sư người Trung Hoa nổi tiếng cận
đại, người đã có công khôi phục lại 5 phái Thiền Tông và
phục hưng lại hệ thống Phật Giáo bên Trung Hoa. Đặc biệt
ngài là vị tổ thứ 12 của dòng Vân Môn. Hiện thiền sư Phật
8

Nguyên Diệu Tâm, trụ trì Vân Môn Thiền Tự ở Quảng Châu
bên Trung Hoa, là truyền nhân đời thứ 13 của tông Vân
Môn. Tác giả là truyền nhân người Việt Nam duy nhất của
ngài Phật Nguyên tại Mỹ Quốc, thuộc đời thứ 14 của tông
Vân Môn.
Trong một buổi đả thất tại Ngọc Phật Tự ở Thượng Hải,
ngài Hư Vân đã nói:
Mỗi người chúng ta có một tâm vương. Tâm vương này là
đệ bát thức, là vua của các thức. Ngoài đệ bát thức còn có đệ
thất thức, đệ lục thức và tiền ngũ thức.
Tiền ngũ thức là 5 tên giặc bên ngoài gồm có mắt, tai,
mũi, lưỡi và thân.
Đệ lục thức là tên giặc ở trong.
Đệ thất thức tức Mạt na thức. Mạt na thức này tham
trước kiến phần của thức thứ tám, lấy thức này làm ngã, dẫn
khởi đệ lục thức, thống lãnh năm thức trước tham ái các
trần cảnh thuộc sắc, thanh, hương, vị, xúc, khiến chúng sanh
bị trói buộc và mê hoặc không dứt ra được, vây hãm đệ bát
thức không cho chuyển ra ngoài thân.
Cho nên hôm nay ta phải mượn câu thoại đầu tức Kim
Cương Bảo Kiếm chém hết mấy bọn giặc cướp đó đi, để đệ
bát thức chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí, đệ thất thức thành
Bình Đẳng Tánh Trí, đệ lục thúc thành Diệu Quan Sát Trí và
tiền ngũ thức thành Thành Sở Tác Trí.
Nhưng khẩn yếu nhất là chuyển đệ lục thức và đệ thất
thức vì chúng có tác dụng lãnh đạo, chúng có thể phân biệt
và kế lượng.
Hiện tại các ông làm thơ làm kệ, thấy không thấy có, thấy
hình ảnh, mầu sắc, ánh sáng, là do hai thức ấy khởi tác vậy.
Tại Sao Khóa Thiền Lại Giảng Về Duy Thức Học? 9

Hôm nay chúng ta phải mượn câu thoại đầu biến Phân
biệt thức thành Diệu Quan Sát Trí, cái tâm kế lượng nhân
ngã thành Bình Đẳng Tánh Trí. Đó gọi là chuyển Thức thành
Trí, chuyển Phàm thành Thánh. Phải làm cho bọn giặc xưa
nay vẫn tham trước sắc thanh hương vị xúc pháp không còn
xâm phạm được nữa…"
Trong bài viết này mà muốn hiểu rõ lời của cố thiền sư
Hư Vân thì cũng phải hiểu rõ về các danh từ dùng trong Duy
Thức Học chẳng hạn như Tâm Vương, Tâm Sở, Thức thứ
tám, A lại da thức , Mạt na thức, đệ thất thức, đệ lục thức,
tiền ngũ thức, thế nào là là Thức, thế nào là Trí và rất nhiều
các danh từ khác. Muốn hiểu được những lời Phật chỉ dậy
trong kinh Lăng Già Tâm Ấn do Bồ Đề Đạt Ma trao truyền
cho tổ Huệ Khả thì cũng phải hiểu rõ về Duy Thức Học, mới
có thể hiểu thế nào là sự đột khởi nơi tâm thức, thế nào là
chuyển Thức thành Trí, bốn Thức thành bốn Trí, Tiền ngũ
thức thành Thành Sở Tác Trí, đệ lục thức thành Diệu Quan
Sắc Trí, đệ thất thức thành Bình Đẳng Tánh Trí, đệ bát thức
thành Đại Viên Cảnh Trí.
Rất mong quý vị Phật tử không phân biệt trình độ đến
với Khóa Thiền và Thư Giãn tại Garden Grove để cùng chia
sẻ và học hỏi giáo lý cốt tủy của Phật Giáo Đại Thừa này, để
khỏi cô phụ cái công trình của hai vị bồ tát Vô Trước và Thế
Thân, những vị đã trước tác những bộ luận về Duy Thức;
hầu có lòng tin vững chắc vào sự tu tập Thiền Định để ngọn
đèn Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm do đức Bổn
Sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã thắp sáng được tiếp tục trao
truyền.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Tỳ Kheo Thích Trí Châu
10

DUY THỨC TÔN


HT Thích Thiện Hoa
https://thuvienhoasen.org/a24815/tap-5-duy-thuc-ton

DUY THỨC TÔN (CŨNG GỌI LÀ PHÁP TƯỚNG TÔN) CON ĐƯỜNG
TU THỨ TƯ TRONG 10 TÔN
Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay, vì chấp có thật ngã, thật
pháp mà tạo ra các nghiệp, rồi bị các nghiệp dắt dẫn nên xoay vần
mãi theo bánh xe sanh tử luân hồi.
Nếu con người hiểu rõ một cách chắc chắn rằng tất cả các
pháp trong vũ trụ, nhân và ngã, đều không thật có, chỉ do thức
biến hiện như cảnh trong chiêm bao, mà không còn gây phiền
não, tạo nghiệp chướng nữa, thì tất không còn bị ràng buộc trong
bánh xe sanh tử luân hồi.
Để phá trừ hai món chấp thật ngã và thật pháp, Đức Phật có
rất nhiều phương pháp, có rất nhiều phép tu, mà Duy thức tôn,
hay Pháp tướng tôn là một phép tu rất cần thiết, rất hiệu nghiệm
để đi đến sự giải thoát.
Theo Bản đồ tu Phật mà chúng tôi đã trình bày từ trước đến
nay, thì đây là con đường thứ sáu, một trong 15 con đường chính
yếu để đi đến cõi Phật.

I. ĐỊNH NGHĨA
Tôn này thuộc về Đại thừa, phân tách vũ trụ, vạn hữu đều do
thức biến hiện.
Duy thức tôn, hay Pháp tướng tôn, như danh từ đã chỉ định,
không nói về tâm tánh chơn như, mà chỉ nói về tướng của thức,
tức cũng là tướng của các pháp. Biết rằng từ chơn vọng hòa hiệp
biến thành hình tướng thức A lại da, rồi từ thức A lại da sanh ra
các tướng tâm Pháp (7 thức trước và 51 món tâm sở) sắc pháp
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 11

v.v… tôn này quán sát hành tướng của các pháp ấy, nên gọi là
“Pháp thức tôn”.
Đứng về phương diện nguyên nhân mà nghiên cứu, tôn này
chủ trương rằng vũ trụ vạn hữu, hay là tất cả các pháp đều duy
thức biến hiện, ngoài thức không có một yếu tố nào khác nữa nên
gọi là “Duy thức tôn”.
Vậy “Pháp thức tôn” hay “Duy thức tôn” cũng đều để gọi pháp
môn mà tôn chỉ chính là nghiên cứu, quan sát hành tướng và
nguyên nhân sanh khởi của vạn pháp. Nguyên nhân sanh khởi ấy
là THỨC.

II. DUYÊN KHỞI VÀ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DUY THỨC TÔN


QUA CÁC KINH SÁCH CHÍNH YẾU
Như tất cả các tôn phái khác, Duy thức tôn cũng căn cứ vào
kinh luận của Phật mà được thành lập ra. Đó là sáu bộ kinh và 11
bộ luận sau đây:
Sáu bộ kinh là:
1) Kinh Giải thâm mật
2) Kinh Hoa nghiêm
3) Kinh Như Lai xuất hiện công đức trang nghiêm
4) Kinh A tỳ đạt ma
5) Kinh Lăng nghiêm
6) Kinh Hậu nghiêm (hay Mật nghiêm)
Mười một bộ luận là:
1) Luận Du già Sư địa
2) Luận Hiển dương Thánh giáo
3) Luận Đại thừa Trang nghiêm
4) Luận tập lượng
5) Luận Nhiếp Đại thừa
12

6) Luận Thập địa kinh


7) Luận Phân biệt Du già
8) Luận Quán Sở duyên duyên
9) Luận Duy thức Nhị thập tụng
10) Luận Biện trung biên
11) Luận Tạp luận
Vị sáng lập ra Duy thức chính là Bồ tát Di Lặc. Đức Di Lặc sau
khi tu chứng được Duy thức, đã ứng theo lời thỉnh cầu của ngài
Vô Trước, nói luận Du già Sư địa.
Hai vị có công lớn trong việc phát triển tôn này ở Ấn Độ là hai
anh em ngài Vô Trước và ngài Thế Thân. Ngài Vô Trước dựa theo
bộ “Du già Sư địa” làm ra bộ luận “Hiển dương Thánh giáo”, và
“Nhiếp đại thừa”. Ngài Thế Thân lại có công đức lớn lao hơn nữa,
tóm tắt lại nghĩa lý Duy thức, làm ra bộ luận “Duy thức Tam thập
tụng”. Về sau, có mười vị Đại Luận sư, sớ giải bộ Duy thức Tam
thập tụng, làm thành mười bộ luận chính về Duy thức.

Đến đời Đường, ngài Huyền Trang từ Trung Hoa sang Ấn Độ


thỉnh kinh và tham cứu về Phật giáo. Môn học sở trường của Ngài
là Duy thức. Sau khi trở về Trung Hoa, ngài lượm lặt tinh hoa của
mười bộ đại luận nói trên, dịch thành Hán văn dưới nhan đề là:
“Thành Duy thức luận” gồm cả thảy mười quyển. Ngài Khuy Cơ là
đệ tử lớn của ngài Huyền Trang sớ giải thêm rõ nghĩa lý bộ
“Thành Duy thức luận” làm ra thành 60 quyển, dưới nhan đề là
“Thành Duy thức thuật kỷ”.
Tóm lại, ở Ấn Độ, vị có công lớn nhất trong sự phát huy Duy
thức tôn là Ngài Thế Thân. Còn ở Trung Hoa, vị có công lớn trong
việc truyền bá Duy thức tôn là Ngài Huyền Trang.
Về phương diện sách vở dạy Duy thức, thì có ba bộ sau đây từ
xưa đến nay được các học giả xem là chánh tôn Duy thức:
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 13

1. Đại thừa Bá pháp Minh môn luận: (tác giả là ngài Thế
Thân). Nội dung bộ luận này giải thích các danh từ chuyên môn
của Duy thức, nói rõ 100 pháp và hai món vô ngã. Người học Duy
thức nếu không học bộ luận này trước, thì không dễ gì hiểu được
Duy thức. (Bộ luận này đã được dịch ra Việt ngữ và chúng tôi lấy
nhan đề là: Duy thức nhập môn).
2. Duy thức Tam thập tụng: (cũng do ngài Thế Thân tạo).
Trong bộ luận này, Ngài Thế Thân dùng 30 bài tụng để giải thích
về lý nghĩa chánh của Duy thức. Luận này có thể chia làm hai bổn
phần:
a) Phần thứ nhất nói về ba thức năng biểu:
- Thức năng biến thứ nhất là thức A lại da (thức thứ tám)
- Thức năng biến thứ hai là thức Mạt na (thức thứ bảy)
- Thức năng biến thứ ba là sáu thức trước.
b) Phần thứ hai nói về các tâm sở:
- Biến hành (5 món)
- Biệt cảnh (5 món)
- Thiện (11 món)
- Căn bổn phiền não (6 món)
- Tùy phiền não (20 món)
- Bất định (4 món)
c) Phần thứ ba giải đáp các nghi vấn:
- Làm sao biết được phận vị sanh khởi của các thức?
- Nếu không có ngoại cảnh, thì sao có sanh tử và các sự phân
biệt?
- Nếu không có ngoại cảnh, thì sao có chúng hữu tình sanh tử
- Nếu chỉ có thức, sao Phật lại nói có ba tánh?
- Nếu có ba tánh, sao Phật lại nói ba món vô tánh?
14

d) Phần thứ tư nói về thứ đệ tu Duy thức:


Từ khi phát tâm tu Duy thức cho đến khi chứng được Duy
thức tánh thành Phật, hành giả phải trải qua năm địa vị, thứ lớp
như sau:
- Vị Tư lương (như lương thực của người đi đường).
- Vị Gia hạnh (gia công tấn hành)
- Vị Thông đạt (thấu suốt đường lối)
- Vị Tu tập (tu hành tập luyện)
- Cứu cánh (đến cùng tột địa vị tu chứng).
3. Bát thức quy củ tụng: (tác giả là ngài Huyền Trang). Nội
dung của quyển này, ngài Huyền Trang dùng 12 bài tụng để toát
yếu lại nghĩa lý Duy thức, gồm bốn phần:
a) Phần thứ nhứt nói về 5 thức đầu;
b) Phần thứ hai nói về thức thứ sáu;
c) Phần thứ ba nói về thức thứ bảy;
d) Phần thứ tư nói về thức thứ tám.
Mỗi một phần có ba bài tụng, hai bài tụng đầu nói hành tướng
các thức, khi hành giả còn ở địa vị phàm phu; bài tụng thứ ba nói
hành tướng các thức, khi lên quả vị Thánh.
Tóm lại, ba bộ phận trên này, người muốn tu học Duy thức,
không thể bỏ qua được.

III. CHỦ TRƯƠNG CỦA DUY THỨC TÔN


Chủ trương của Duy thức tôn là phá trừ vọng chấp ngã, pháp
(biến kế sở chấp), bằng cách chỉ cho chúng sanh thấy tất cả các
pháp đều nương nơi thức hiện ra (y tha khởi), và mục đích cuối
cùng là đưa chúng sanh trở về với tánh chân thật (viên thành
thật). Thế giới hiện tượng này, vì mê mờ, chúng ta tưởng là chắc
thật, nhưng theo chủ trương của Duy thức học, thì vũ trụ vạn hữu
đều là Duy thức biến hiện. Cũng như sơn hà, đại địa trong cảnh
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 15

chiêm bao đều do tâm chiêm bao hiện ra, ngoài tâm chiêm bao,
không có cảnh vật ấy.
Vậy, nếu chỉ cho chúng sanh thấy được một cách rõ ràng, vũ
trụ vạn hữu do thức biến hiện ra như thế nào, thì chắc chắn
chúng sanh sẽ không còn chấp thật ngã, thật pháp nữa. Cũng như
khi biết cảnh vật trong chiêm bao là do tâm chiêm bao sanh ra thì
không còn mê muội nơi cảnh chiêm bao nữa. Mà không chiêm
bao tức là đã thức tỉnh. Cũng thế, khi không còn chấp thật ngã,
thật pháp nữa, tất sẽ thấy được tánh chân thật của vũ trụ vạn
hữu, (tánh viên thành thật). Đó là chủ trương của Duy thức tôn.
Nói một cách vắn tắt, chủ trương của Duy thức tôn là: quy vũ
trụ vạn hữu trở về Duy thức tướng, rồi từ Duy thức tướng trở về
Duy thức tánh (tâm chơn như hay viên giác tánh).

IV. THÀNH PHẦN CỦA HIỆN TƯỢNG GIỚI (vũ trụ vạn hữu
gồm cả tâm và pháp) PHÂN LOẠI THEO DUY THỨC TÔN
Hiện tượng giới, tức là vạn sự vạn vật trong vũ trụ (gồm cả
tâm lẫn vật), tuy nhiều không thể kể xiết được, nhưng dưới nhãn
quan của nhà Duy thức học, có thể phân ra thành năm loại lớn;
năm loại này lại chia thành 100 thành phần hay 100 pháp.
Năm loại lớn ấy là:
Tâm vương tức là “tướng” của thức thuộc về tâm giới.
Tâm sở tức là “dụng” của thức, cũng thuộc về tâm giới.
Sắc pháp tức là “ảnh tượng” của thức thuộc về sắc giới.
Bất tương ưng hành tức là “phận vị sai khác” của thức, không
phải thuộc hẳn về tâm mà cũng không thuộc về sắc giới, nhưng
gồm cả hai phần mà thành.
Vô vi tức là “tánh” của thức, cũng gọi là “chơn như”.
Bốn loại trên: tâm vương, tâm sở, sắc pháp, tương ưng hành
thuộc về “hữu vi”, tức là “tướng” có sanh diệt.
16

Loại thứ năm, là pháp “vô vi” không sanh diệt, không tạo tác,
tức là “tánh” của pháp, hay chơn như.
Năm loại lớn trên này, mỗi loại lại chia làm nhiều thành phần,
có những tác dụng hành tướng riêng biệt, mà chúng ta cần nghiên
cứu kỹ sau đây:
1. Tâm vương: Tâm vương gồm có tám món, mỗi món có
những đặc tánh, khả năng và nhiệm vụ riêng biệt, như mỗi ông
vua làm chủ mỗi nước, nên gọi là tâm vương. Tám phần của tâm
vương là:
1.1. Nhãn thức
1.2. Nhĩ thức
1.3. Tỹ thức
1.4. Thiệt thức
1.5. Thân thức
1.6. Ý thức
1.7. Mạt na thức
1.8. A lại da thức

Chúng ta có năm giác quan, mỗi giác quan có một sở năng,


một cái biết riêng; khi ta nhìn một cái hoa, biết cái hoa ấy màu
vàng hay đỏ v.v…cái biết ấy thuộc về con mắt, nên gọi là Nhãn
thức. Khi chúng ta nghe đàn, biết tiếng đàn ấy cao hay thấp, to
hay nhỏ v.v…cái biết ấy thuộc về tai, nên gọi là Nhĩ thức. Khi ta
ngửi một mùi gì, biết được mùi ấy là thơm hay hôi, cái biết đó
thuộc về mũi, nên gọi là Tỹ thức. Khi chúng ta nếm một món ăn
gì, biết được món ăn mặn hay lạt, chua hay ngọt, cái biết ấy thuộc
về lưỡi, nên gọi là Thiệt thức. Khi chúng ta đụng vào một vật gì,
biết được vật ấy cứng hay mềm, nóng hay lạnh, cái biết ấy thuộc
về thân thể ta, nên gọi là Thân thức.
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 17

Năm cái biết trên này: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt và Thân thức,
thuộc về năm giác quan bên ngoài nên chúng ta dễ nhận.
Ba cái biết sau này: Ý thức, Mạt na thức, A lại da thức, thuộc
về nội tâm, và theo thứ lớp, ẩn sâu vào trong, tế nhị hơn, nên khó
nhận khó biết. Tuy nhận biết rành rẽ hành tướng, phân biệt được
phạm vi hoạt động, sở trường, sở đoản và công năng của mỗi thứ.
Trước tiên, chúng ta nói đến thức thứ sáu hay “Ý thức”, Ý thức
có hai phạm vi hoạt động:
- Khi nó hiệp với năm thức trước, tiếp xúc với cảnh, thì gọi là
“Ngũ câu Ý thức”, hay là “Minh liễu Ý thức”. Trong lúc mắt thấy
sắc, tai nghe tiếng v.v…mà không có Ý thức phụ vào (để ý) thì mặc
dù mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, nhưng thấy nghe không được rõ
ràng. Sách chép: “Tâm bất tại diên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất
văn” (nếu không chú ý, thì dù xem cũng chẳng thấy, lắng cũng
chẳng nghe). Trái lại, khi có Ý thức phụ vào, thì thấy nghe
v.v…đều minh bạch.
- Khi nào Ý thức làm việc một mình, không cùng hợp tác với
năm thức trước, thì gọi là “Đơn độc Ý thức”. Như trong lúc năm
thức trước không tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị và xúc, mà
trong tâm trí ta vẫn lưu lại bóng dáng (pháp trần) của năm trần.
Khi chúng ta nhớ tưởng lại, thì cảnh ngũ trần in như hiện rõ ràng
ở trước, đó là công dụng của “Độc đầu Ý thức”. Thức thứ sáu này,
khi tính toán, suy nghĩ việc gì, thiện hay ác, hay hay dỡ, cũng đều
lanh lợi đảm đang hơn các thức khác, nên trong Duy thức nói:
“công vi thủ, tội vị khôi” (công đứng đầu, mà tội cũng đứng đầu).
Thức thứ sáu, tuy sở trường là khôn ngoan lanh lợi, nhưng lại
có sở đoản là bất thường, không phải lúc nào cũng hiện diện, mà
lại có khi gián đoạn, ẩn phục, như trong lúc bị chụp thuốc mê,
chết giả, ngủ say, hay nhập “vô tưởng định” v.v…Qua những giai
đoạn ấy, ý thức lại hiện trở lại.
Vậy trong lúc ý thức không hiện, nó núp ở đâu? Theo Duy
thức khi đó, thức thứ sáu trở về gốc của nó là Ý căn, tức là thức
18

thứ bảy hay thức Mạt na. Theo tâm lý học thì cũng có thể gọi là
tiềm thức.
Thức thứ bảy này có hai công năng:
- Chấp ngã;
- Làm căn bản cho Ý thức thứ sáu.
Nó có công năng là đem các pháp hiện hành bên ngoài
“truyền” vào tạng thức và đem các pháp chủng tử bên trong
“tống” ra ngoài, nên cũng có tên là “truyền tống thức”. Sự chấp
ngã của thức này và của thức thứ sáu, có thô và tế khác nhau. Khi
nào để ý bảo thủ bản ngã, như khi ra trận, bắn nhau với địch
quân, khi đánh lộn, hay tìm một mưu kế gì để sinh nhai, thì sự
chấp ngã ấy thuộc về thức thứ sáu, thô phù, dễ thấy. Nhưng ngoài
những lúc ấy, không phải là chúng ta không chấp ngã, sự chấp
ngã vẫn thường trực trong chúng ta. Nhưng nó âm thầm, sâu
kính, tiềm phục, nên chúng ta không nhận thấy được. Đến lúc bất
ngờ, đột nhiên xảy đến một sự việc gì có nguy hại đến tánh mạng
ta, như bất thần có người rình rập, hay đi ra đường bị nhánh cây
gãy sắp rơi xuống đầu v.v…trong những lúc ấy, tuy thức thứ Sáu
không kịp để ý can thiệp, đối phó, mà ta vẫn tự tránh né, bảo thủ
cái Ngã. Đó là sự chấp ngã của thức thứ Bảy.
Ngoài bảy thức nói trên, còn có một thức thứ Tám tế nhị, sâu
kính mênh mông hơn nữa, đó là thức A lại da, Tàu dịch là Tàng
thức, nghĩa là thức “Tích chứa”.
Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đọc rất nhiều sách, tiếp xúc với rất
nhiều sự vật, rồi thời gian cứ tuần tự trôi qua, chúng ta tưởng đã
quên mất rồi. Thế mà không ! Mỗi khi nghĩ đến, thì danh từ, hình
ảnh của những sự vật xưa cũ hiện ra một cách rõ ràng như một
cuốn phim quay lại ở trước mắt. Những danh từ hình ảnh ấy, vì
sao đã mấy chục năm rồi mà vẫn còn lại? Tất nhiên phải có một
cái kho vô tận chất chứa lại, nên mới không mất vậy ! Kho vô tận
này, trong Duy thức tôn gọi là Tàng thức (thức chứa).
Để cho dễ nhớ hành tướng và công năng của tám thức nói
trên, cổ nhân có làm bài kệ rằng:
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 19

Bát cá đệ huynh, nhứt cá si


Độc hữu nhất cá, tối linh linh
Ngũ cá môn tiền tố mãi mại
Nhất cá gia trung tác chủ y
Dịch nghĩa:
Anh em tám chú, một người si (thức thứ 7)
Một mình ý thức rất tinh ranh (thức thứ 6)
Năm chàng ngoài cửa lo buôn bán (năm thức trước)
Làm chủ trong nhà, thức Lại da.
2. Tâm sở: Tâm sở là tánh sở hữu, phụ thuộc của tâm vương,
cũng như những ông quan trong triều, phụ thuộc dưới quyền sai
sử của ông Vua, hay những nhân viên phụ thuộc dưới quyền sử
dụng của vị Bộ trưởng. Tâm sở có tất cả 51 pháp, chia làm sáu
loại như sau:
- Biến hành tâm sở: Biến là phổ biến, Hành là lưu hành; Biến
hành tâm sở nghĩa là những tâm sở có công năng phổ cập lưu
chuyển khắp cả tám thức (tâm vương), với thức nào nó cũng
tương ưng được cả. Biến hành thức tâm sở gồm có 5 pháp là: Xúc,
Tác ý, Thọ, Tưởng và Tư.
- Biệt cảnh tâm sở: Biệt là riêng biệt, biệt cảnh tâm sở là
những tâm sở duyên mỗi cảnh khác nhau, Như dục tâm sở duyên
riêng với cảnh mà mình quan sát…chứ không phải như Biến hành
tâm sở. Biệt cảnh tâm sở gồm có 5 pháp là: Dục, Thắng giải, Niệm,
Định và Huệ.
- Thiện tâm sở: Thiện tâm sở là tâm sở lành, và có công năng
phát sanh những điều lành mà thôi. Thiện tâm sở gồm có 11 pháp
là Tín, Tâm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Kinh an, Bất
phóng vật, Hành xả, Bất hại.
- Căn bản phiền não tâm sở: Những tâm sở này gây phiền não,
rối loạn cho chúng sanh. Đây là những phiền não làm cội gốc cho
các phiền não khác phát sinh, nên gọi là căn bản phiền não. Căn
bản phiền não gồm có sáu pháp là: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác
kiến.
20

- Tùy phiền não tâm sở: Những tâm sở này nương tựa, phát
sinh từ các phiền não căn bản tâm sở nói trên, nên gọi là Tùy
phiền não. Những tâm sở căn bản phiền não trên là gốc, mà
những tâm sở Tùy phiền não này là ngọn. Tùy phiền não tâm sở
gồm có 20 pháp là: Phẩn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuốn, Siểm,
Hại, Kiêu, Vô tâm, Vô quý, Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi,
Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.
- Bất định tâm sở: Bất định nghĩa là không nhất định; Bất định
tâm sở là những tâm sở không nhất định là thiện hay ác; không
đứng hẳn về một phía thiện hay ác như các pháp nói trên. Bất
định tâm sở gồm có bốn pháp là: Hối, Miên, Tầm, Tư.
3. Sắc pháp: Sắc pháp tức là những pháp có thể hư nát và có
tánh cách chướng ngại. Sắc pháp là sự phối hợp của năm căn và
sáu trần, cộng tất cả là 11 pháp:
Năm căn là: nhân, nhĩ, tỵ, thiệt, thân.
Sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp trần.
4. Bất tương ưng hành pháp: Các pháp này không thuộc về
sắc mà cũng không thuộc về tâm; nhưng chúng nó không thể rời
sắc và tâm mà có được. Thí dụ như “đắc” (được) là một “bất
tương ưng hành pháp”. “Được” không thể là sắc mà cũng không
thể là tâm. Nhưng khi nói “được”, tức hàm cái nghĩa “được” một
cái gì, như “được” một đồng bạc chẳng hạn, và phải có một yếu tố
thứ hai là “ai” được. Đồng bạc thuộc về sắc, “ai” thuộc về tâm. Còn
“được” thì không phải là sắc và tâm, nhưng phải nương vào sắc và
tâm mới có. Đó là một thí dụ để chúng ta suy gẫm về những pháp
bất tương ưng khác như mạn căn, sanh, trụ, dị, diệt, phương, thế
tốc v.v…gồm tất cả là 24 pháp.
5. Vô vi pháp: Như đoạn trên đã có nói, pháp vô vi là pháp
không sanh, không diệt, không tạo tác, không thay đổi, xa lìa
tướng hư vọng, tức là thể tánh của các pháp. Các pháp vô vi, đối
với phàm phu thì khó có thể nói năng, nghĩ bàn so sánh được.
Tuy thế, để có một ý niệm về thể tánh chơn như, nhà chủ trương
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 21

duy thức dựa vào sắc tướng, danh tự để hình dung các pháp vô vi.
Do đó, mà đặt thành sáu pháp vô vi sau đây:
5.1. Hư không vô vi: Muốn nói thể tánh chơn như, xa lìa các
điều chướng ngại giống như hư không.
5.2. Trạch diệt vô vi: Trạch là lựa chọn. Diệt là diệt trừ, nghĩa là
nhờ sự lựa chọn đúng đắn của trí huệ vô lậu mà diệt trừ được sự
phiền não nhiễm trước, chứng ngộ cứu cánh.
5.3. Phi trạch diệt vô vi: Trên thì nói nhờ sự lựa chọn, đúng
đắn của trí huệ mà diệt trừ được sự phiền não nhiễm trước.
Nhưng nói thế không có nghĩa rằng pháp tánh nhờ có sự diệt trừ
phiền não mới có được. Pháp tánh vốn đã có sẵn, xưa nay vốn là
thanh tịnh, không có nhiễm ô, không có sanh diệt, cho nên gọi
“Phi trạch diệt vô vi”. Lại có nghĩa thứ hai là vì thiếu duyên, nên
các phiền não nhiễm ô không hiện; vì thế mà pháp vô vi thanh
tịnh tự hiện ra, không cần có sự trạch diệt.
5.4. Bất động vô vi: Khi đã xa lìa các phiền não, về cõi tịnh lự
thứ ba, thuộc về Sắc giới, dứt bỏ những sự vui buồn, thường
tương ưng cùng xả thọ, không còn bị lay động bởi một sắc tướng
gì nữa, nên gọi là “Bất động vô vi”.
5.5. Tưởng thọ diệt vô vi: Khi đã xa lìa được phiền não ở cõi
thứ ba thuộc về Vô sắc giới, các tâm sở “tưởng, thọ” đều tịnh diệt,
chơn như hiện ra, nên gọi là “Tưởng thọ diệt vô vi”.
5.6. Chơn như vô vi: Năm pháp vô vi trên này là hình dung các
đức tánh của chơn như; pháp thứ sáu này, chơn như vô vi là chỉ
đích danh bản thể chơn như. Để người học dễ nhớ 100 pháp vừa
kể trên này, cổ nhân có một bài kệ, tóm tắt như sau:
Sắc pháp thập nhất, tâm pháp bát
Ngũ thập nhất cá tâm sở pháp
Nhị thập tứ chủng bất tương ưng
Lục cá vô vi thành bá pháp.
Dịch nghĩa:
Sắc pháp mười một, tâm phát tâm
22

Năm mươi mốt món tâm sở pháp


Hai mươi bốn món bất tương ưng
Sáu món vô vi, thành trăm pháp

V. PHƯƠNG PHÁP TU
Như chúng ta đã biết vũ trụ vạn hữu tuy vô cùng phức tạp,
nhưng nhà duy thức học có thể sắp xếp thành một trăm loại
(bách pháp). Một trăm loại này, tuy hình tướng công năng có
khác, chung cục lại cũng đều là Thức cả.
Vậy phương pháp tu hành của nhà duy thức học là làm thế
nào để chứng ngộ cái lý nói trên, thể nhập với cái chân lý ấy. Để
đạt mục đích này, nhà duy thức học dạy phải thực hành năm
phép quán sau đây, gọi là “ngũ trùng duy thức quán”. Với năm
phép quán này, hành giả đi từ thô đến tế, từ phức tạp đến tinh
thuần, để cuối cùng chỉ còn thấy có thức tánh, tức là tâm chơn
như.
1. Bỏ cái hư giả, lưu lại cái chơn thật (khiển hư, tồn thật):
Bỏ cái hư giả tức là cái vọng chấp thật có ngã, có pháp do cái tánh
“biến kế” tạo ra. Lưu lại cái chơn thật, tức là cái tánh “y tha khởi”
và “viên thành”. Nói một cách khác cho dễ hiểu, trong pháp quán
này, hành giả phải quán ngã và pháp là không thật (hư) để phá
trừ cái chấp thật có. Hành giả lại quán tánh y tha, viên thành là
thật có (thật) để phá trừ chấp không. Trong lối quán duy thức
từng thứ nhất này “có” và “không” đối đãi nhau, để bỏ “biến kế”
lưu lại “y tha” và “viên thành”.
2. Bỏ cái lộn lạo, lưu lại cái thuần túy (xả lạm lưu thuần):
Cái lộn lạo nói ở đây là tướng phần (nội cảnh); cái thuần túy ở
đây là kiến phần. Bỏ cái lộn lạo lưu lại cái thuần túy, tức là bỏ
phần “tướng” bị duyên (sở duyên) mà lưu lại cái phần “kiến” là
phần năng duyên. Đây là lối quán thứ hai về duy thức, lấy tâm
(năng) và cảnh (sở) đối đãi với nhau, và mục đích là bỏ cảnh (xả
lạm) mà chỉ giữ lại tâm (lưu thuần). Lối quán thứ nhất là bỏ vọng
cảnh ngoài tâm; lối quán thứ hai này là bỏ cảnh nội tâm là tướng
phần của thức.
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 23

3. Đem cái ngọn trở về gốc (nhiếp mạt quy bổn): Cái ngọn
ở đây tức muốn nói tướng phần và kiến phần, còn gốc ở đây tức
là tự chứng phần. Kiến phần và tướng phần là “dụng” đều y theo
tự chứng phần mà khởi ra, nên gọi là ngọn; còn tự chứng phần là
“thể tánh” cho nên gọi là gốc. Lối quán duy thức thứ ba này là
đem “dụng” và “thể” đối đãi với nhau, mà mục đích là bỏ cái phần
tương đối ít quan trọng là dụng (kiến phần), chỉ giữ lại cái phần
căn bản là thể (tự chứng phần).
4. Giấu cái liệt làm hiển lộ cái thắng (ẩn liệt, hiển thắng):
Cái liệt muốn nói ở đây tức là các tâm sở, cái thắng tức là các tâm
vương. Tâm sở phụ thuộc vào tâm vương nên gọi là liệt, hay kém;
tâm vương là phần sai sử chủ động, nên gọi là thắng hay hơn. Lối
quán duy thức thứ tư này là đem 51 món tâm sở so sánh với 8
món tâm vương, mà mục đích là dẹp bỏ các món tâm sở và làm
hiển lộ 8 món tâm vương.
5. Bỏ thức tướng về thức tánh (khiển tướng chứng tánh):
Bốn tầng quán duy thức trên, tuy rốt ráo chỉ còn giữ lại các món
Tâm vương, nhưng Tâm vương cũng có sự tướng và lý tánh. Lối
quán thứ năm này là đem sự tướng đối đãi với lý tánh, mà mục
đích cuối cùng là bỏ sự tướng của thức (thức tướng) để trở về với
lý tánh của thức (thức tánh), tức cũng là chứng nhập pháp tánh
hay tâm chơn như.
Ngoài năm lớp quán Duy thức của cổ nhân mà chúng tôi vừa
kể trên, còn có một lối tu nữa rất dễ dàng và thiết thực hợp với
đại chúng, là chúng ta thường quán sát và kiểm điểm nội tâm của
mình.
Chúng ta hãy đọc kỹ về hai loại Phiền não Tâm sở và Thiện
tâm sở trong Duy thức, để nhìn rõ mặt mày tướng trạng, công
dụng, tánh tình và danh tự của chúng. Rồi hằng ngày chúng ta
kiểm điểm ở nơi nội tâm. Mỗi khi hiện lên một tâm niệm gì,
chúng ta kiểm điểm và quan sát thật kỹ tâm niệm này thiện hay
ác (phiền não). Nếu tâm niệm thiện thì chúng ta nuôi dưỡng cho
nó phát triển thêm, còn tâm niệm ác thì chúng ta phải mau mau
lo diệt trừ đi. Chúng ta biết sửa đổi tâm niệm xấu (tu tâm) và nuôi
24

dưỡng tánh tốt (dưỡng tánh) như thế, thì chúng ta sẽ thành được
thánh hiền.

VI. NĂM ĐỊA VỊ HÀNH GIẢ PHẢI TRẢI QUA TRONG KHI
TU DUY THỨC
Người tu học pháp môn Duy thức, cũng như kẻ bộ hành, từ
khi nảy sinh cái ý nguyện muốn đi cho đến khi tới đích, phải trải
qua năm giai đoạn hay năm địa vị như sau:
1. Vị tư lương: Tức là thời gian chuẩn bị, như người sắp đi
xa, phải chuẩn bị lương thực trước khi cất bước lên đường. Trong
duy thức tam thập tụng có chép:
Nãi chí vị khởi thức
Cầu trụ Duy thức tánh
Ư nhị thử tùy miên
Du vị năng phục diệt.
Nghĩa là: Từ khi chưa phát tâm cho đến khi phát tâm cầu an
trụ Duy thức tánh, trong thời gian đó, hai món thủ (ngã chấp,
pháp chấp) hãy còn miên phục, hành giả chưa có thể chinh phục
hay diệt trừ được.
2. Vị gia hạnh: hành giả gia công tấn hạnh, cũng như người
định đi xa, sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hành lý, cất bước lên
đường. Trong duy thức tam thập tụng có chép:
Hiện tiền lập thiểu vật
Vị thị Duy thức tánh
Di hữu sở đắc cố
Phi thật trụ Duy thức
Nghĩa là: Nếu hiện tiền còn thấy mình an trụ Duy thức tánh,
dù nhỏ niệm bao nhiêu, thì cũng chưa phải thật an trụ Duy thức
tánh, vì còn chỗ sở đắc vậy.
3. Vị thông đạt: Hành giả thông suốt đường lối tu hành, cũng
như người bộ hành, nghiên cứu kỹ lưỡng con đường mà mình sắp
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 25

đi, biết rõ đoạn nào tốt, đoạn nào xấu, đoạn nào nguy hiểm, đoạn
nào không v.v…Trong Duy thức tam thập tụng có chép:
Nhược thời ư sở duyên
Trí đô vô sở đắc
Nhĩ thời trụ Duy thức
Ly nhị thủ tướng cố.
Nghĩa là: Bao giờ cảnh sở quán và trí năng quán đều không,
khi đó mới an trụ nơi Duy thức tánh, vì đã xa lìa được hai món
thủ vậy.
4. Vị Tu tập: Hành giả đang tu tập, cũng như người đã lên
đường và đang đi trên đường thiên lý. Trong Duy thức tam thập
tụng có chép:
Vô đắc bất tư nghị
Thị xuất thế gian trí
Xá nhị thô trọng cố
Tiên chứng đắc chuyển y.
Nghĩa là: Cảnh giới “vô đắc” này không thể nghĩ bàn; đây là trí
xuất thế gian vô lậu. Do đã lìa được hai món thô trọng (phiền não
chướng và sở tri chướng), hành giả chứng được hai món chuyển
y (Bồ đề và Niết bàn).
5. Vị cứu cánh: Quả vị rốt ráo của sự tu chứng, tức là quả
Phật, cũng như người đi đường đã hoàn toàn tới chỗ. Trong Duy
thức tam thập tụng có chép:
Thử tức vô lậu giới
Bất tư nghị, thiện, thương
An lạc, giải thoát thân
Đại Mâu ni danh pháp.
Nghĩa là: Đây là cảnh giới vô lậu, cũng gọi là: Bất tư nghị;
Thiện; Thương; An lạc; Giải thoát thân; Đại Mâu ni, cũng gọi là
Pháp thân.
26

VII. KẾT QUẢ TU CHỨNG


Hành giả, sau khi đã dày công tu luyện pháp môn duy thức
này, sẽ được nhiều thành quả tốt đẹp như sau:
1. Được bốn trí:
1.1. Thành sở tác trí: Trong khi còn sống trong mê vọng,
năm thức trước của chúng ta là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt và thân thức,
duyên với cảnh giới năm trần là sắc, thanh, hương, vị và xúc trần;
nhờ thế, chúng ta mới thấy được sắc, nghe được tiếng, ngửi được
mùi, nếm được vị và cảm giác được với cảnh giới chung quanh.
Nhưng cái giá trị và tầm hoạt động cũng như công dụng của năm
thức ấy rất nhỏ hẹp và thường hay sai lạc, nhận giả làm thật. Do
đó, chúng ta tạo ra các nghiệp sanh tử luân hồi, quay cuồng trong
lục đạo. Đối với người tu Duy thức khi đã thành tựu rồi, thì năm
thức này chuyển ra cái trí “thành sở tác”, nghĩa là cái trí có những
công năng vô cùng rộng lớn như thị hiện thần thông biến hóa,
hiện ra ba món hóa thân, để tùy theo căn cơ của chúng sanh mà
hóa độ.
1.2. Diệu quán sát trí: Khi đang còn ở trong mê, thức thứ Sáu
chỉ biết so đo, tính toán trong phạm vi nhỏ hẹp, tầm hoạt động
không thể bao quát cùng khắp được. Do đó mà, nó thường hay sai
lạc, lầm lẫn, và lôi kéo thân và miệng làm nhiều điều tội lỗi, tạo ra
các nghiệp sanh tử luân hồi. Đến khi đã chứng được Duy thức quả
rồi, thì cái thức thứ sáu này chuyển thành cái trí Diệu quán sát,
nghĩa là cái trí quán sát rất là mầu nhiệm, có thể thấy được hằng
sa thế giới; trong mỗi thế giới thấy được toàn thể chúng sanh,
trong mỗi chúng sanh thấy được bao nhiêu tâm niệm v.v…Và nhờ
sự quán sát huyền diệu rốt ráo như thế mà tùy theo nguyện vọng,
tâm lý, làm lợi lạc cho chúng sanh.
1.3. Bình đẳng tánh trí: Trong khi mê, thức thứ Bảy chấp
kiến phần của thức thứ Tám làm ngã. Khi đã chấp “ngã”, tất chỉ
biết có cái ngã là quan trọng nhất, và mọ ý nghĩ, mọi hành động,
mọi lời nói gì cũng đều quy tụ chung quanh cái ngã. Điều gì thích
hợp với cái ngã thì yêu thương, chiều chuộng, cung dưỡng, điều
gì trái với cái ngã thì khinh ghét, hất hủi, chà đạp. Do đó, gây ra
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 27

không biết bao nhiêu là bất công, bất bình đẳng, làm xáo trộn,
điêu đứng, phá hủy cõi trần gian này. Đến khi chứng được Duy
thức quả, thức thứ Bảy này không còn chấp ngã nữa, mà chỉ thấy
mình và người, cho đến loài vật đều bình đẳng như nhau. Khi đã
có được trí bình đẳng rồi thì sẽ dùng tâm từ bi hiện đủ phương
tiện, để tùy theo căn cơ mỗi loài mà hóa độ, làm cho chúng sanh
đều được giải thoát.
1.4. Đại viên cảnh trí: Khi còn mê mờ bị thức thứ Bảy chấp
ngã và bị các chủng tử phiền não hữu lậu, nhiễm ô chi phối, nên
thức thứ Tám không được sáng suốt thanh tịnh. Đến khi nhờ tu
hành, chứng được Duy thức tánh, thức thứ Tám này trở thành
như một cái gương lớn được lau chùi sạch bụi bặm, có thể phản
chiếu khắp cả mười phương thế giới, nên gọi là “Đại viên cảnh
trí”.
2. Hai trí: Bốn trí trên này, tuy có phân chia khác nhau, tùy
theo công năng của mỗi thứ, nhưng rốt lại, có thể gồm trong hai
trí sau đây là Căn bản trí và Hậu đắc trí.
2.1. Căn bản trí: Tức là trí thể, chư Phật và chúng sanh đều
sẵn có. Trí này cũng gọi là Vô phân biệt trí.
2.2. Hậu đắc trí: Tức là trí dụng. Sau khi chứng quả Thánh,
được Căn bản trí rồi mới được Hậu đắc trí. Trí này cũng gọi là Sai
biệt trí; nghĩa là trí phân biệt các pháp do tánh y tha khởi mà có
sai khác.
Tóm lại, thành quả rốt ráo của người tu học Duy thức là
chuyển đổi được tám thức thành bốn trí là: Thành sở tác trí, Diệu
quán sát trí, Bình đẳng tánh trí và Đại viên cảnh trí. Đứng về mặt
thể và dụng mà xét thì bốn trí này chỉ gồm lại làm hai trí là: Căn
bản trí và Hậu đắc trí. Khi đã có được hai trí này hành giả đã
chứng được Duy thức tánh, ngộ nhập chơn tâm, hoàn thành quả
Phật.
28

VIII. LỢI ÍCH THIẾT THỰC TRONG KHI HỌC VÀ TU DUY THỨC
Kết quả thu hoạch được như trên, hành giả tất nhiên phải trải
qua nhiều kiếp tu hành. Nhưng chúng ta đừng thấy con đường đi
quá xa xôi, diệu vợi mà nản chí. Vả lại không phải đợi đến khi thu
hoạch kết quả cuối cùng mới nhận chân sự lợi ích của pháp môn
này. Ngay trong khi đang tu học, môn Duy thức này cũng đã đem
lại cho chúng ta nhiều lợi ích thiết thực cho đời sống hiện tại rồi:
1. Chúng ta biết được mình một cách rõ ràng: Từ hồi nào đến
giờ, chúng ta cho thân tâm này là của ta, tưởng rằng chúng ta
hiểu rõ bản thân của ta nhiều lắm. Nhưng nghĩ cho kỹ, chúng ta
chỉ biết sơ sài về chúng ta mà thôi. Về thân xác này, chúng ta chỉ
thấy được những bộ phận ở bên ngoài như mặt, mũi, tay, chân
v.v…Muốn biết các bộ phận bên trong chúng ta tất phải học khoa
giải phẫu.
Về tâm tánh chúng ta lại càng dốt hơn nữa. Nhiều khi chúng ta
tưởng hiểu rõ nội tâm của mình kỳ thật đã lầm nhiều lắm. Vậy
muốn rõ biết tâm tánh một cách rõ ràng chúng ta hãy tu học Duy
thức. Như phần trên đã nói, Duy thức học đã phân tích, chia chẻ
một cách tường tận, tỉ mỉ tâm lý của chúng ta, liệt kê ra thành
nhiều loại; mỗi loại có những tên riêng, hành tướng, công năng,
phạm vi hoạt động khác nhau như thế nào. Học Duy thức, chúng
ta thấy được phần nội tâm một cách rõ ràng như người cầm
gương soi, thấy tất cả những gì ở trên mặt. Chúng ta sẽ biết rõ
những tâm niệm xấu xa để diệt trừ (tu tâm), những tánh tình tốt
đẹp để bồi dưỡng (dưỡng tánh). Do đó, chúng ta sẽ trở thành
người hiền lương, đạo đức.
2. Chúng ta thấy được cái chánh phủ nội tâm của chúng ta:
Tâm lý của mỗi người mới xem qua thật vô cùng phức tạp; nhưng
nếu suy nghiệm cho kỹ, chúng ta thấy vẫn có một tổ chức gần
giống như một liên bang. Trước tiên, thức thứ Tám như một vị
Tổng thống của liên bang; các tâm sở biến hành như các vị Bộ
trưởng; các tâm sở biệt cảnh như các vị Tỉnh trưởng; các tâm sở
bất định như các vị dân biểu không đảng phái; các tâm sở thiện
như như các vị công thần liêm khiết hay các vị công chức tận tâm
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 29

vì dân vì nước; các tâm sở phiền não như những tham quan ô lại,
hay giặc giả, lưu manh v.v…còn các chủng tử (thiện, ác, vô ký) thì
như toàn thể dân chúng trong liên bang.
Với một liên bang nội tâm như thế, nếu chúng ta biết sắp đặt
điều hòa bộ máy chính quyền nội tâm cho vững vàng, thì tất
nhiên liên bang ấy sẽ vững mạnh, hùng cường, và văn minh tiến
bộ. Trái lại, nếu chúng ta không nắm vững được bộ máy hành
chính nội tâm, thì liên bang ấy sẽ loạn lạc, đói khổ và không sớm
muộn, sẽ rơi vào vực thẳm tối tăm.
Duy thức học giúp cho chúng ta thấy rõ chính phủ nội tâm của
mình, để tự điều hòa cho được thạnh trị, thái bình.
3. Chúng ta trao đổi được một đức tánh tốt đẹp là tánh kiên
nhẫn: Học Duy thức, trước tiên, chính là chúng ta học đức tính
kiên nhẫn. Thật vậy, người không kiên nhẫn, không thể học duy
thức đến nơi đến chốn được, vì môn học này chia chẻ tâm lý một
cách tỉ mỉ, phiền toái; mỗi tâm niệm đều có nhiều danh từ chuyên
môn, và được nghiên cứu kỹ lưỡng về tánh chất, hành vi, tướng
trạng…Những người không chịu khó, tánh tình hời hợt, nóng nảy,
không thể nào thành công trên đường tu học Duy thức. Cho nên
chỉ những người kiên nhẫn mới thành công, hay ngược lại muốn
thành công thì phải luyện tập đức tánh kiên nhẫn. Từ xa xưa đến
nay, trong đạo đức hay ngoài đời, những người được thành công
vĩ đại, đều nhờ đức tánh kiên nhẫn.
4. Chúng ta giữ được thái độ bình tỉnh tự tại: Như các đoạn
trước đã nêu rõ, mọi sự vật trong vũ trụ này đều do thức biến,
chứ không chắc thật. Do đó, khi gặp được điều may mắn, chúng ta
không kiêu hãnh, ngã mạn, cống cao; khi gặp cảnh đau buồn, như
tử biệt sanh ly v.v…chúng ta bớt khổ não, kêu than, giữ được thái
độ bình tỉnh.
Và cũng do biết cõi đời là giả tạm, như mây bay, như gió
thoảng, nên chúng ta không say đắm, tham lam luyến tiếc, và nhờ
thế, chúng ta bớt dần những nghiệp dữ, chóng được giải thoát.
30

5. Chúng ta nắm vững lòng tin: Học Duy thức, chúng ta thấy rõ
được giá trị cao siêu của nó, nên lại càng tin tưởng mạnh mẽ vào
tôn giáo của chúng ta, một tôn giáo không phải dựa trên giáo điều
độc đoán, mà dựa trên thực nghiệm, và lấy ngay nội tâm của con
người làm nền tảng cho sự tu học của mình.

IX. KẾT LUẬN


Chúng tôi đã trình bày xong những điểm chính yếu của Duy
thức tôn, hay Pháp tướng tôn. Tất nhiên với khuôn khổ của một
tập sách nhỏ thuộc vào loại “những bài giảng” này, chúng tôi
không thể đi sâu vào chi tiết, trình bày một cách rộng rãi, đầy đủ
hơn. Quý vị nào muốn nghiên cứu sâu xa về môn học này, xin hãy
tìm trước tiên ba bộ sách chính tông của Duy thức là: Đại thừa bá
pháp minh môn luận, (Duy thức nhập môn), Duy thức tam thập
tụng, và Bát thức quy củ tụng; sau đó sẽ nghiên cứu thêm những
tập sách khác hiện đã được xuất bản, rất nhiều ở Việt Nam.
Tuy thế, sau khi xem qua nội dung trình bày trong tập sách
này, quý vị cũng đã có thể quyết định được con đường tu hành
của quý vị rồi. Nếu quý vị thấy đây là một con đường tu hành
thích hợp và thiết thực lợi ích đối với đời mình thì xin hãy hạ thủ
công phu ngay, nghĩa là ngày đêm quan sát kiểm thảo tâm thức
của mình. Như quý vị đã biết, trong mỗi chúng ta đều có sáu đầu
đảng giặc cướp là sáu món Căn bản phiền não. Sáu đầu đảng này
lại có hai mươi tên bộ hạ nguy hiểm là 20 Tùy phiền não. Chính
bọn giặc cướp này, từ vô thỉ đến nay, phá hại chúng ta vô cùng vô
tận, làm cho chúng ta phải điêu đứng trầm luân trong biển khổ
sanh tử luân hồi. Nếu ngày nay chúng ta biết được sự tàn phá của
chúng, quyết tâm diệt trừ, không cho chúng hoành hành nữa,
chắc chắn cuộc đời của chúng ta sẽ được an cư lạc nghiệp (xem
quyển tu tâm).
Hơn nữa, bên cạnh những bọn giặc cướp ấy chúng ta còn có
những anh hùng nghĩa sĩ, chuyên làm các việc thiện là 11 món
tâm sở Thiện. Với những vị hảo hán này, chúng ta phải luôn luôn
ân cần, trọng đãi, khuyến khích cổ võ, để cho họ càng thêm hăng
hái và mạnh mẽ làm các việc lành (xem quyển Dưỡng tánh).
Duy Thức Tôn - HT Thích Thiện Hoa 31

Một khi các tâm niệm xấu hoàn toàn tiêu diệt, các tánh tốt
hoàn toàn đầy đủ, chúng ta sẽ thành Phật quả.
Cầu mong quý vị thành công.
- HẾT -
32

PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN


Pháp môn tu tập của Duy Thức Quán là một trong
những pháp môn Thiền Quán, như Tịnh Độ Quán, Tứ Niệm
Xứ Quán, Nhân Duyên Quán v.v... Pháp môn tu tập của Duy
Thức Quán khởi điểm từ Giới Phân Biệt Quán của đức Phật
chỉ dạy, về sau phát triển rộng thêm trở thành bộ môn tu tập
chuyên nghiệp riêng biệt của Duy Thức Tông và pháp môn
này nhằm chuyển hóa vọng tâm thành chân tâm, chuyển hóa
tám Thức thành bốn Trí, chuyển hóa Pháp Tướng thành
Pháp Tánh, chuyển hóa phiền não thành Bồ Đề, chuyển hóa
cảnh giới ô nhiễm sanh tử thành cảnh giới Niết Bàn Tịch
Tịnh. Pháp môn tu tập của Duy Thức Quán gồm có Ngũ Vị
Duy Thức Quán.
NGŨ VỊ DUY THỨC QUÁN:
Ngũ Vị Duy Thức Quán là năm cấp bậc tu tập để quán
chiếu của Duy Thức. Đây là phương pháp tu tập của Duy
Thức Hạnh để chứng được Duy Thức Quả nơi Duy Thức
Tánh. Ngũ Vị Duy Thức Quán gồm có: Tư Lương Vị, Gia Hạnh
Vị, Thông Đạt Vị, Tu Tập Vị và Cứu Cánh Vị.
Từ đây trở về trước, Duy Thức Học hay Khảo Nghiệm
Duy Thức Học chỉ trình bày Duy Thức Tướng (hình tướng
của Duy Thức) và Duy Thức Dụng (sự tác dụng của Duy
Thức) với mục đích giúp cho học giả nhận thức rõ về phần
cảnh giới cũng như phần tác dụng của Duy Thức, nhưng từ
Ngũ Vị Duy Thức trở về sau, Duy Thức Học hay Khảo
Nghiệm Duy Thức Học đặc biệt thuyết trình Duy Thức Hạnh
(cách thật hành tu tập của Duy Thức) và Duy Thức Quả
(cách chứng quả của Duy Thức) ngõ hầu giúp cho học giả tu
tập để sớm chứng được quả vị Duy Thức Tánh.
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 33

Theo Duy Thức Luận quyển 9, Pháp Tướng Tông căn cứ


theo 51 ngôi vị tu tập của Bồ Tát Hạnh thành lập Ngũ Vị Duy
Thức Quán. Ngũ Vị Duy Thức Quán gồm có năm cấp bậc: cấp
bậc Tư Lương, cấp bậc Gia Hạnh, cấp bậc Thông Đạt, cấp bậc
Tu Tập và cấp bậc Cứu Cánh. Còn 51 ngôi vị tu tập của Bồ
Tát Hạnh gồm có: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi
Hướng, Thập Địa và Diệu Giác. Theo Pháp Tướng Tông, 51
ngôi vị tu tập của Bồ Tát Hạnh phối hợp với Ngũ Vị Duy
Thức Quán thu hẹp lại thành ra 41 ngôi vị thay vì 51 ngôi vị.
41 ngôi vị tu tập của Bồ Tát Hạnh phối hợp với Ngũ Vị Duy
Thức Quán được thiết lập như sau:
a]- Cấp Bậc Tư Lương thì bao gồm cả Thập Trụ, Thập
Hạnh và Thập Hồi Hướng. Hành giả tu 30 ngôi vị này cho
được thâm nhập vào tâm (nhập tâm) và an trụ trong tâm
(trụ tâm). Điều đáng chú ý, ngôi vị Thập Tín được Pháp
Tướng Tông xếp vào một phần tu tập trong ngôi vị Thập Trụ
ở cấp bậc Tư Lương.
b]- Cấp Bậc Gia Hạnh là bốn giai đoạn gia hạnh gọi là Tứ
Gia Hạnh. Bốn giai đoạn gia hạnh gồm có: noãn, đảnh, nhẫn,
thế đệ nhất. Hành giả sau khi hoàn thành 10 ngôi vị Hồi
Hướng của cấp bậc Tư Lương một cách viên mãn liền tiến
qua tu tập bốn giai đoạn của Tứ Gia Hạnh cho được xuất
hiện từ nơi tâm (xuất tâm).
Đây là thời kỳ tu tập thứ nhất (Đệ nhất tăng kỳ) của hai
cấp bậc Tư Lương và Gia Hạnh. Nên chú ý, đệ nhất tăng kỳ là
thời kỳ hay giai đoạn tu tập thứ nhất nhằm khiến cho thập
trụ, thập hạnh, thập hồi hướng và tứ gia hạnh cho được tăng
trưởng và không phải là A Tăng Kỳ Kiếp mà một số học giả
giải thích lầm lẫn.
c]- Cấp Bậc Thông Đạt gồm có Hoan Hỷ Địa là Sơ Địa một
trong Thập Địa Bồ Tát. Hành giả tu Hoan Hỷ Địa này cho
34

được thâm nhập vào tâm (nhập tâm), cho được an trụ trong
tâm (trụ tâm) và cho được phát xuất từ nơi tâm (xuất tâm)
để được thấy đạo chân chánh (chân kiến đạo). Đây là thời kỳ
tu tập thứ hai (Đệ Nhị Tăng Kỳ).
d]- Cấp Bậc Tu Tập gồm có từ Ly Cấu Địa thứ nhì cho
đến Pháp Vân Địa thứ mười. Trong cấp bậc Tu Tập cũng chia
thành hai thời kỳ tu tập. Thời kỳ tu tập thứ hai (Đệ Nhị Tăng
Kỳ) và thời kỳ tu tập thứ ba (Đệ Tam Tăng Kỳ). Thời kỳ tu
tập thứ hai trong Cấp Bậc Tu Tập là tiếp theo thời kỳ tu tập
thứ hai ở nơi Cấp Bậc Thông Đạt. Thời kỳ tu tập thứ hai
trong Cấp Bậc Tu Tập gồm có Ly Cấu Địa thứ nhì cho đến
Viễn Hành Địa thứ bảy của Thập Địa Bồ Tát. Trong thời kỳ
này, hành giả phải tu từ Ly Cấu Địa đến Viễn Hành Địa cho
được thâm nhập vào tâm và an trụ trong tâm.
Thời kỳ tu tập thứ ba (Đệ Tam Tăng Kỳ) trong Cấp Bậc
Tu Tập gồm có Bất Động Địa thứ tám cho đến Pháp Vân Địa
thứ mười của Thập Địa Bồ Tát. Điều đặc biệt trong thời kỳ tu
tập thứ ba này, hành giả bắt đầu tu Bất Động Địa và Thiện
Huệ Địa thì cũng phải cho được thâm nhập vào tâm và an
trụ trong tâm. Riêng Pháp Vân Địa thứ mười, hành giả nhất
định phải tu chẳng những cho được thâm nhập vào tâm, cho
được an trụ trong tâm và còn phải được phát xuất từ nơi
tâm. Ngôi vị Pháp Vân Địa nếu như đã được phát xuất từ nơi
tâm, hành giả kể như đã chứng được bậc Đẳng Giác của Bồ
Tát.
e]- Cấp Bậc Cứu Cánh chính là ngôi vị của Phật Thừa.
Hành giả tu đến Cấp Bậc Cứu Cánh chính là người đã chứng
bậc Diệu Giác của Pháp Thân Thường Trú và cũng đã an trụ
được Duy Thức Tánh của thế giới vô lậu. Đây là lối phân loại
Ngũ Vị Duy Thức Quán với 41 ngôi vị tu tập của Bồ Tát
Hạnh.
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 35

Trên tiến trình tu tập, hành giả muốn an trụ được Duy
Thức Tánh thì trước hết phải trải qua các khóa tham học các
bộ luận Duy Thức để nắm vững tư tưởng của Duy Thức Học
và thông bác danh từ chuyên môn của Duy Thức. Sau khi
hoàn thành chương trình tham học Duy Thức Luận đã có số
tin hiểu Duy Thức Tướng và Duy Thức Dụng nơi Duy Thức
Học qua văn tự, qua sách vỡ trong các khóa huấn luyện, liền
bước sang tu tập Ngũ Vị Duy Thức Quán để an trụ được Duy
Thức Tánh. Trước khi tu tập Ngũ Vị Quy Thức Quán, hành
giả cần nên nắm vững ý nghĩa cùng giá trị về phương thức tu
tập và quán chiếu của Ngũ Vị Duy Thức Quán qua sự phối
hợp với 41 ngôi vị của Bồ Tát Hạnh để hành trì Duy Thức
Hạnh. Đầu tiên hành giả phải hành trì phương thức tu tập và
quán chiếu nơi Cấp Bậc Tư Lương, một trong Ngũ Vị Duy
Thức Quán của lãnh vực Duy Thức Hạnh.
1/ PHƯƠNG THỨC TU TẬP VÀ QUÁN CHIẾU CẤP BẬC TƯ
LƯƠNG:
Tư Lương nghĩa là những hành trang cần thiết trên con
đường tu tập Duy Thức Quán không khác nào những người
đi du lịch cần những hành trang như hành lý, tiền bạc v.v...
để chi dụng nơi xứ xa. Những hành trang cần thiết của cấp
bậc Tư Lương dùng làm trợ duyên cho hành giả trên con
đường tu tập để an trụ được quả vị Duy Thức Tánh chính là
30 ngôi vị tu tập của Bồ Tát Hạnh. 30 ngôi vị tu tập của Bồ
Tát Hạnh nơi cấp bậc Tư Lương nhằm mục đích khai triển
ba năng lực thù thắng nơi tâm. Ba năng lực thù thắng nơi
tâm như là: Tâm Lực Đa Văn Thù Thắng, Tâm Lực Quyết
Trạch Thù Thắng và Tâm Lực Chư Thiện Căn Thù Thắng.
Tâm Lực Đa Văn Thù Thắng nghĩa là năng lực thù thắng về
sự nghe nhiều biết nhiều của tâm; Tâm Lực Quyết Trạch Thù
Thắng nghĩa là năng lực thù thắng về sự tuyển chọn của
tâm; Tâm Lực Chư Thiện Căn Thù Thắng nghĩa là năng lực
36

thù thắng về nguồn gốc các pháp lành của tâm. Ba Tâm Lực
thù thắng này khai mở trí tuệ hữu phân biệt của Tự Chứng
phần Ý Thức thứ sáu để tín giải lý Duy Thức, phát tâm đại Bồ
Đề và bồi dưỡng Pháp Thân Như Lai. Ý Thức thứ sáu là tâm
thức phân biệt để hiểu biết cho nên khi chuyển thành trí tuệ
thì thuộc về loại trí tuệ hữu phân biệt và nhờ trí tuệ hữu
phân biệt này quan sát vạn pháp mà được giác ngộ. 30 ngôi
vị tu tập của Bồ Tát Hạnh nơi cấp bậc Tư Lương gồm có:
Thập Trụ, Thập Hạnh và Thập Hồi Hướng. 30 ngôi vị tu tập
này đã được giải thích rõ trong quyển Bát Thức Quy Củ
Tụng, trang 108 của dịch giả Thích Thắng Hoan. Điều đáng
chú ý, nơi Sơ Phát Tâm Trụ của Thập Trụ, hành giả phải tu
Thập Tín Vị cho được thuần thục rồi mới sang tu các Trụ
khác của Thập Trụ. Trong 30 ngôi vị tu tập của Bồ Tát Hạnh,
hành giả hành trì đến khi nào được thâm nhập vào tâm và
an trụ được trong tâm thì chừng đó ba năng lực thù thắng
nơi tâm đã nói ở trên sẽ xuất hiện. Lúc bấy giờ hành giả sử
dụng ba năng lực thù thắng đã đạt được quán chiếu Tướng
và Dụng của Duy Thức để chuyển Ý Thức thứ sáu biến thành
trí tuệ hữu phân biệt với những phương pháp sau đây:
a]- TINH THÔNG VỀ DUY THỨC TƯỚNG VÀ DUY THỨC
DỤNG:
Tướng là tướng trạng của Duy Thức tức là cảnh giới của
Duy Thức trong ba cõi và Dụng là sự tác dụng của Duy Thức
tức là chỉ cho sự sinh hoạt của Duy Thức trong ba cõi. Tinh
Thông là thông suốt một cách tinh tường về tướng trạng của
Duy Thức (Duy Thức Tướng) và sự tác dụng của Duy Thức
(Duy Thức Dụng). Trước đây hành giả đã nắm vững tư
tưởng của Duy Thức Học về phần lý thuyết trên lãnh vực
văn huệ và tư huệ. Giờ đây trên cấp bậc Tư Lương, hành giả
cần phải quán chiếu Duy Thức Tướng cùng với Duy Thức
Dụng trong ba cõi trên lãnh vực tu huệ để được tinh thông,
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 37

phân định rõ ràng cảnh giới của Duy Thức và sự tác dụng
sanh khởi vạn pháp của Duy Thức trong ba cõi, lão thông và
tỏ tường tánh chất, ý nghĩa cùng giá trị tất cả danh từ
chuyên môn của Duy Thức.
Người tinh thông Tướng và Dụng Duy Thức cũng như
người Việt Nam tinh thông tiếng Việt Nam, người Mỹ tinh
thông tiếng Mỹ, người Pháp thông tiếng Pháp v.v... và mỗi
quán chiếu mọi việc đều minh từng rõ rành Duy Thức Tông
và Duy Thức Dụng bằng Tâm sinh hoạt mà không phải bằng
Ý Thức thứ sáu nhận thức. Trường hợp này cũng giống như
người Viết Nam nói tiếng Việt một cách tự tại bằng Tâm sinh
hoạt mà không phải nói tiếng Việt bằng Ý Thức thứ sáu để
tìm chữ để phát ngôn.
Người tinh thông Tướng và Dụng của Duy Thức phải là
lời thấu rõ tướng trạng và sự tác dụng của tám Tâm Thức
trong mỗi con người, trong mỗi chúng sanh hữu tình, cũng
như phân biệt tinh tường những Tâm Thức nào có mặt
trong cỏ cây, trong tất cả thực vật, trong tất cả khoáng vật
với nhiệm vụ kiến tạo vạn pháp và làm môi trường sống cho
tất cả chúng sanh hữu tình để nẩy nở cùng phát triển. Muốn
tinh thông được những điều kể trên, hành giả phải sử dụng
năng lực của Thập Trụ nhằm quán chiếu Duy Thức Tướng
và Duy Thức Dụng qua hai phần Kiến Tướng của Duy Thức
(Hai phần Kiến và Tướng đã giải thích rõ qua Thành Phần
Của Tâm Thức trong quyển Khảo Nghiệm Duy Thức Học
quyển I, trang 148, cùng một tác giả). Người nào đã tinh
thông Tướng và Dụng của Duy Thức là người đó đã trang bị
được tư lương thứ nhất về Duy Thức Hạnh.
b]- NHIẾP PHỤC PHIỀN NÃO CHƯỚNG VÀ SỞ TRI
CHƯỚNG:
38

Có hai thứ chướng ngại cho sự giác ngộ là chướng ngại


về phiền não (phiền não chướng) và chướng ngại về chỗ
hiểu biết (sở tri chướng). Nhiếp phục nghĩa là chinh phục
được, làm chủ được, không bị chúng nó điều khiển, không bị
chúng nó làm mờ sự hiểu biết. Sự hiểu biết của con người
thường bị hai thứ phiền não nói trên làm chướng ngại trong
mọi vấn đề nhận thức chân chánh.
Chướng ngại về phiền não (phiền não chướng) nghĩa là
các phiền não thường làm chướng ngại sự hiểu biết của con
người. Trong mỗi con người, các phiền não làm chướng ngại
gồm có 26 loại thường gọi là 26 Tâm Sở Phiền Não. 26 Tâm
Sở phiền não này trong đó được chia làm hai nhóm: một
nhóm mang tánh chất căn bản gọi là Căn Bản Phiền Não và
một nhóm mang tánh chất phụ thuộc gọi là Tùy Phiền Não.
Một nhóm mang tánh chất căn bản gồm có 6 Tâm Sở Căn
Bản Phiền Não và một nhóm mang tánh chất phụ thuộc gồm
có 20 Tâm Sở Tùy Phiền Não. 6 Căn Bản Phiền Não cộng
chung 20 Tùy Phiền Não thành 26 Tâm Sở Phiền Não và 26
Tâm Sở này luôn luôn làm chướng ngại cho sự hiểu biết
chân chánh về vạn pháp của con người, như người đời
thường có bệnh “Thương ai thì thương cả đường đi, ghét ai
thì ghét cả tông chi họ hàng”, cũng như họ đã hiểu biết sân
hận là tội lỗi nhưng bỏ không được, đã hiểu biết ái dục là
điều không tốt, nhiều đau khổ nhưng kềm chế không nỗi
một khi nó phát động v.v… Con người một khi bị 26 phiền
não nói trên chỉ đạo thì sự hiểu biết của họ hoàn toàn không
được chân chánh và từ đó đi đến kết luận, 26 phiền não này
cũng là điều làm chướng ngại cho chánh đạo.
Còn chướng ngại về chỗ hiểu biết (sở tri chướng). Chỗ
hiểu biết là danh từ chỉ cho đối tượng của tri thức và đối
tượng của tri thức ở đây chính là chỉ cho vạn pháp làm đối
tượng để có hiểu biết. Chỗ hiểu biết của con người nếu như
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 39

được cung cấp từ nơi cánh cửa của năm giác quan thì đều
mang tánh chất ảo giác (ảnh tử) đối với các sự vật mà nó
không phải là hình tướng chân thật và trung thực của các sự
vật nói trên. Chỗ hiểu biết đã mang tánh chất ảo giác thì
thuộc về loại chướng ngại thứ nhất cho vấn đề tri giác chân
thật đối với các pháp. Đối với các pháp, chỗ hiểu biết đã là
không thật như trên trình bày mà trong lúc đó lại còn bị các
phiền não tâm sở ô nhiễm thì càng thêm điên đảo và vọng
tưởng, khác nào con người một khi bị si mê ái dục ô nhiễm
thì chỗ hiểu biết của họ là những hình ảnh méo mó sai lệch
theo sự luyến ái cung cấp, như hình ảnh sứt môi mà vẫn
thấy đẹp, hình ảnh lợi dụng mà vẫn thấy trung thành v.v...
Chỗ hiểu biết của con người đã mang tánh chất điên đảo
vọng tưởng như vừa trình bày thì cũng thuộc về loại chướng
ngại thứ hai cho vấn đề tri giác chân thật đối với các pháp.
Nói tóm lại, những đối tượng để hiểu biết của con người
thường gọi là chỗ hiểu biết nếu như mang tánh chất ảo giác
hoặc mang tánh chất điên đảo vọng tưởng thì cũng thuộc về
loại làm chướng ngại cho chánh đạo.
Hành giả muốn nhiếp phục hai loại chướng ngại nói trên
thì phải áp dụng Phương Pháp Trị Liệu Qua Sự Tu Tập đã
dẫn giải ở trước và phương pháp trị liệu này muốn được
hữu hiệu thì phải sử dụng năng lực của Thập Hạnh để phát
huy 11 Tâm Sở Thiện đi hóa giải 26 Tâm Sở Phiền Não và
sau đó hành giả quán chiếu nội tâm để minh định rõ tánh
chất của tất cả chủng tử vạn pháp trong Tâm Thức Alaya,
phân loại chủng tử nào có căn bản (thuộc Bản Hữu Chủng
Tử) và chủng tử nào thành hình qua sự huân tập (nội kết)
không có căn bản (thuộc Tập Sở Thành Chủng Tử), đồng
thời cũng minh định rõ giá trị của những chủng tử sanh ra
vạn pháp và vạn pháp huân tập để trở thành chủng tử qua
sự sanh tử lưu chuyển. Vấn đề này đã được giải thích rõ
trong quyển Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I cùng một
40

tác giả. Hành giả nào đã nhiếp phục được Phiền Não Chướng
cùng Sở Tri Chướng và tinh thông được tánh chất cũng như
giá trị của những chủng tử trong sự sanh diệt lưu chuyển là
người đó đã trang bị được tư lương thứ hai về Duy Thức
Hạnh.
c]- GIẢI TRỪ CHẤP TRƯỚC:
Chấp Trước là thứ bệnh bảo thủ, chỉ biết nắm giữ một
cách khư khư cái kiến thức tương đối, cái tư tưởng một
chiều của mình mà không sáng suốt được chỗ dung thông
của tánh tướng duyên khởi, không thấu triệt được chỗ hòa
hợp tùy duyên một cách linh hoạt của lý sự vô ngại pháp
giới. Chấp Trước là danh từ chung bao gồm cả hai thứ bệnh
cố hữu là Chấp Ngã và Chấp Pháp:
l- Chấp Ngã: là chấp cái ta trên hết. Con người chấp ngã
thường mang hai thứ bệnh: bệnh thứ nhất là thích đề cao cá
nhân, có đôi chút kiến thức nào đó thường hay lập vị, làm
tướng, tự cho mình là nhân vật quan trọng, bằng mọi cách
khiến cho ai nấy cũng phải chú ý đến mình và bệnh thứ hai
là có chỗ chứng đắc nào đó thường hay khoe khoang, đi
quảng cáo rầm lên, khoác lác với mọi người cho rằng mình
đã chứng được quả Thánh, chứng được pháp thù thắng chưa
từng có trong thế gian không ngoài mục đích trục lợi tranh
danh. Người tu Duy Thức Quán còn vướng mắc phải hai thứ
bệnh chấp ngã trên đây là chưa an trụ được Duy Thức Tánh,
mặc dù họ có kiến giải thâm sâu về Tướng và Dụng của Duy
Thức.
2- Chấp Pháp: là chấp các pháp giả tướng, các pháp
duyên sanh cho là chân thật và ngoài ra còn chấp pháp môn
của mình tu tập cho là đúng chánh pháp còn các pháp môn
khác thì không đúng chánh pháp mặc dù các pháp môn đó
cũng của đức Phật chỉ dạy. Những người chấp trước cho các
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 41

pháp giả tướng, các pháp duyên sanh là chân thật, luôn luôn
bám lấy chúng làm lý tưởng cho lẽ sống thì thuộc về hạng
phàm phu và những người còn phân biệt đúng sai các pháp
môn của Phật chỉ dạy thì thuộc về hạng Nhị Thừa. Người tu
Duy Thức Quán một khi đã an trụ được Duy Thức Tánh thì
thấy rõ các pháp môn tu tập đều dung thông linh hoạt, thấu
rõ lý sự viên dung vô ngại, không thấy có vấn đề sai biệt và
mâu thuẫn giữa kinh tướng chân vọng.
Hành giả nên biết rằng những điều kiến giải mà hành giả
đã chứng đắc chỉ là những trạm khai thông trên tiến trình tu
tập của con đường đi vào ngưỡng cửa Duy Thức Tánh và
những sự kiện đó chưa phải là cảnh giới của Duy Thức Tánh
an trụ. Hơn nữa hành giả mặc dù sử dụng trí tuệ hữu phân
biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu quán chiếu để soi
sáng, nhưng còn mang nhục thân, còn lệ thuộc quá nhiều
giác quan, nghĩa là còn phải nhờ đến hai Tâm Sở Tầm Tư để
hỗ trợ cho sự chứng đắc và còn giác ngộ qua sự phân biệt thì
những cảnh sở quán kia chưa phải là Duy Thức Tánh. Cũng
tương tự như người Việt Nam nào nói tiếng Anh hay đọc
sách báo Anh Văn mà còn cần đến tự điển để tra cứu, còn
suy nghĩ tìm chữ cho hợp lý để phát ngôn thì người đó chưa
phải là kẻ đã lão thông tiếng Anh, chưa an trụ được tiếng
Anh giống như người nước Anh.
Muốn giải trừ chấp trước về ngã và pháp để chứng được
Duy Thức Tánh, hành giả phải sử dụng trí tuệ hữu phân biệt
của Tự Chứng phần Ý Thức thứ sáu sau khi chứng đắc Thập
Hồi Hướng liền quán chiếu ngã pháp qua Tam Tánh và Tam
Vô Tánh (Tam Tánh và Tam Vô Tánh đã giải thích rõ trong
quyển Khảo Nghiệm Duy Thức Học quyển I, trang 189 và
317 cùng một tác giả) và quán chiếu đến khi nào thể hiện
được đức tánh thân giáo, một trong ba phương thức giáo
hóa (thân giáo, khẩu giáo, ý giáo) của đức Phật chỉ dạy bằng
42

cung cách bình dị trong nếp sống thường nhật, bằng thái độ
khiêm cung đối với tất cả mọi người, tự tại trong mọi hoàn
cảnh và không còn tự phụ với những điều chứng đắc là
phương pháp vô cùng quan yếu cho vấn đề giải thoát sự
ràng buộc bởi bệnh chấp trước về ngã pháp.
Hành giả nào thể hiện được nếp sống bình dị, biểu lộ
được thái độ khiêm cung của thân giáo, thấy rõ chỗ dung
thông không sai biệt của các pháp môn tu tập, thông suốt
chỗ viên dung vô ngại của sự lý là người đã giải trừ được
bệnh chấp trước ngã pháp và cũng là người đã trang bị được
tư lương thứ ba về Duy Thức Hạnh.
Cần nên biết rõ, trong ngôi vị tư lương, hành giả chỉ khai
mở trí tuệ hữu phân biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ
sáu, nhưng chưa khai mở trí tuệ vô phân biệt của Tự Chứng
Phần Thức Mạt Na thứ bảy và trí tuệ vô sở đắc của Tự
Chứng Phần Alaya Thức thứ tám cho nên vẫn còn bị cản trở
bởi hai thứ Tướng Nhị Thủ làm chướng ngại. Hai thứ Tướng
Nhị Thủ (Nhị thủ tướng cố) ở đây không phải là chỉ cho hai
thứ phiền não Ngã Chấp và Pháp Chấp, cũng không phải chỉ
cho hai thứ Nhị Thủ Tập Khí mà một số kinh luận đã giải
thích. Hai thứ Nhị Thủ Tập Khí là chỉ cho Danh Xưng Tập Khí
và Nghiệp Tập Khí, còn hai thứ Tướng Nhị Thủ nói trên là
chỉ cho hai tướng trạng của tâm năng thủ và cảnh sở thủ.
Tâm Năng Thủ nghĩa là nói đến trạng thái Kiến Phần của
Tâm Thức Mạt Na thứ bảy luôn luôn thâu nhận (năng thủ)
những cảnh giới giả tướng bên ngoài mang vào cất trong
Tâm Thức Alaya với hình thức chủng tử. Cảnh Sở Thủ nghĩa
là nói đến hiện tượng tướng phần (sở thủ) của những cảnh
giới giả tướng bên ngoài thuộc ảnh tử (ảo giác) của vạn
pháp do Duy Thức biến hiện mà Tâm Năng Thủ của Thức
Mạt Na thứ bảy thâu nhận làm tài liệu.
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 43

Nên chú ý, chẳng những Tâm Thức Mạt Na thứ bảy còn
bị ràng buộc bởi hai tướng Nhị Thủ, nguyên vì tâm thức này
chuyên tiếp nhận và quản lý tất cả hồ sơ (nhị thủ) của Ý
Thức thứ sáu cung cấp và cất giữ trong kho tàng Thức Thể
Alaya với hình thức chủng tử, cho đến trí tuệ hữu phân biệt
của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu một khi sinh hoạt còn
nương tựa nơi thân thể xác thịt và còn quan hệ quá nhiều
nơi năm giác quan để nhận thức những cảnh vật bên ngoài
thì còn bị ràng buộc nơi hai Tướng Nhị Thủ.
Hành giả trong giai đoạn tu học Duy Thức Tướng và Duy
Thức Hạnh chưa được thuần thục còn sử dụng trí tuệ hữu
phân biệt của Tự Chứng Phần Ý thức thứ sáu quán chiếu
những cảnh giới bên ngoài để phân biệt và còn giản trạch
các pháp để tìm hiểu nguyên lý vạn pháp thì sự giác ngộ của
Ý Thức thứ sáu với danh nghĩa trí tuệ hữu phân biệt cũng
chỉ nằm trong phạm vi hai thứ Tướng Nhị Thủ. Hành giả sau
khi hoàn tất chương trình tu học Duy Thức Tướng và Duy
Thức Hạnh liền bước sang quán chiếu Duy Thức Tánh bên
trong nội tâm qua trí tuệ hữu phân biệt của Tự Chứng Phần
Ý Thức thứ sáu và quán chiếu liên tục đến khi nào cảnh giới
của Duy Thức Tánh thể hiện thì lúc đó không còn lệ thuộc
bởi hai Tướng Nhị Thủ nữa, nguyên vì những cảnh giới của
Duy Thức Tánh thể hiện không qua trung gian của năm Tâm
Thức trước cung cấp. Thể hiện nghĩa là bản thể Duy Thức
Trình hiện bày không phải cảnh giới của những chủng tử tập
khí lưu xuất qua sự huân tập của Nhị Thủ.
Thí dụ, một đạo hữu A bắt đầu học kinh Bát Nhã để tụng,
vì chưa thuộc lòng, đạo hữu phải học bằng Ý Thức thứ sáu
để nhớ, nghĩa là đạo hữu phải sử dụng Ý Thức thứ sáu chú ý
để thâu nhận kinh Bát Nhã vào tâm không cho quên, đây là
hiện tượng học kinh Bát Nhã của đạo hữu A còn bị lệ thuộc
bởi hai Tướng Nhị Thủ. Đạo hữu A đã nằm lòng kinh Bát
44

Nhã và trong lúc tụng kinh không có Ý Thứ sáu hiện diện tìm
chữ để đọc, nhưng đạo hữu tụng không sai một chữ, đây là
hiện tượng tụng kinh Bát Nhã của đạo hữu A không còn bị lệ
thuộc bởi hai Tướng Nhị Thủ nữa.
Tóm lại ngôi vị Tư Lương của Duy Thức Hạnh là ngôi vị
xây dựng Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng nhằm mục
đích trang bị sự tinh thông về Tướng và Hạnh của Duy Thức,
nhiếp phục Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng, giải trừ
chấp trước về ngã và pháp, nhằm phát huy trí tuệ hữu phân
biệt của Tự Chứng phần Ý Thức thứ sáu để tiến hành quán
chiếu Duy Thức Tánh. Sau khi nhiếp phục được Phiền Não
Chướng và Sở Tri Chướng, giải trừ được bệnh chấp trước,
hành giả đã khai mở được trí tuệ hữu phân biệt của Tự
Chứng phần Ý Thức thứ sáu thì kể từ đó tự tại trong mọi sự
quán chiếu. Mặc dù những hành trang nói trên đã đạt được
thành quả, ngôi vị Tư Lương này vẫn còn ở vào giai đoạn
trang bị chưa diệt được hai Tướng Nhị Thủ cho nên chưa
phải là ngôi vị an trụ Duy Thức Tánh.
2/- PHƯƠNG THỨC TU TẬP VÀ QUÁN CHIẾU NƠI CẤP
BẬC GIA HẠNH:
Gia Hạnh Vị là ngôi vị gia công thật hành, nghĩa là bắt
đầu khởi công tiến hành tu tập theo phương thức Duy Thức
Quán. Hành giả sau khi trang bị xong những nhu cầu cần
thiết cho việc tu tập Duy Thức Hạnh ở cấp bậc Tư Lương
liền bắt đầu nương tựa năng lực của Thập Hồi Hướng tiến
hành tu tập thêm bốn căn bản thiện pháp gọi là Tứ Gia Hạnh
để giản trạch các pháp. Tứ Gia Hạnh gồm có: Noãn, Đảnh,
Nhẫn, Thế Đệ Nhất là bốn giai đoạn tu tập của Thập Hồi
Hướng nhằm mục đích phát huy trí tuệ vô lậu của Tự Chứng
phần Thức Mạt Na thứ bảy và nhờ đó mới có khả năng đi
vào lãnh vực thấy đạo chân chánh (chân kiến đạo) nơi Sơ
Địa, một ngôi vị của Thập Địa Bồ Tát. Trong thời kỳ tu tập
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 45

Tứ Gia Hạnh, hành giả chưa phát khởi được trí tuệ vô lậu
của Tự Chứng Phần Thức Mạt Na thứ bảy, nguyên vì còn sử
dụng trí tuệ hữu lậu phân biệt của Tự Chứng phần Ý Thức
thứ sáu để quán chiếu lý Duy Thức. Theo Du Già Sư Địa Luận
quyển 219, bốn giai đoạn tu tập của Tứ Gia Hạnh được giải
thích như sau:
l- Noãn Vị (tiếng Phạn Usmagata): nghĩa là giai đoạn sức
ấm của ánh sáng trí tuệ vô lậu phát sanh. Ở giai đoạn này,
hành giả phải nổ lực chuyên cần giản trạch các pháp bằng
phương pháp quán chiếu tánh không của những cảnh giới
Biến Kế Sở Chấp đã hiện hữu cũng như đã thâu nhận vào
Tâm do Duy Thức biến hiện, tức là quán chiếu tánh chất của
tất cả cảnh giới do Ý Thức xây dựng nên cũng như tất cả
chủng tử của những cảnh giới thuộc Biến Kế Sở Chấp trong
nội tâm quan hệ đến vấn đề sanh tử lưu chuyển nơi ba cõi
do Thức Alaya tàng trữ và xây dựng, hoặc quán chiếu tánh
chất của Ngũ Uẩn cũng như của Ngũ Ấm do Thức Uẩn hay
Thức Ấm biến hiện từ đâu sanh ra. Thức Uẩn hay Thức Ấm
là tên riêng của Thức Alaya và hành giả muốn rõ nguồn gốc
sanh ra Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm hay xem quyển “Bát Nhã Tâm
Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức”. Ngoài ra hành giả cần
phải quán chiếu nguồn gốc Tứ Đại hay Sắc Uẩn hoặc Sắc Ấm
là những yếu tố tạo ra các pháp thuộc Biến Kế Sở Chấp Pháp
từ đâu sanh ra. Muốn biết rõ vấn đề này, hành giả hãy xem
lại “Nguyên Lý Tứ Đại” trong quyển Khảo Nghiệm Duy Thức
Học quyển I, trang 214 cùng một tác giả. Hành giả chuyên
cần quán chiếu đến khi nào phát khởi thấy đạo chân chánh
(chân kiến đạo) là lúc đó sức ấm của ánh sáng trí tuệ vô lậu
phát sanh, cũng như người đời xưa muốn lấy lửa để nấu
nướng, họ phải lấy que gỗ khô cọ sát trên thân cây cũng khô
để lấy lửa, họ nổ lực cọ sát một cách chuyên cần và liên tục
đến khi nào khói xuất hiện là lúc đó chứng tỏ sức nóng của
46

lửa đã tác dụng và lửa trong thân cây khô sẽ phát sanh gọi là
Noãn Vị.
2- Đảnh Vị (tiếng Phạn Mùrdhàna): nghĩa là giai đoạn
ánh sáng trí tuệ vô lậu đã phát sanh. ở giai đoạn này, trọng
tâm của hành giả là tiếp tục quán chiếu nguyên lý không của
những cảnh sở thủ thuộc biến kế sở chấp tánh như đã trình
bày ở phần Noãn Vị để khiến cho ánh sáng trí tuệ vô lậu tăng
trưởng đến tột đỉnh của tánh không, cũng như người đời
xưa lấy được lửa để nấu nướng qua sự cọ sát thân cây khô
nói trên, nên gọi là Đảnh Vị.
3- Nhẫn Vị (tiếng Phạn Ksànti) : Nhẫn Vị là do quán
chiếu Tứ Tầm Tư của những cảnh sở thủ và tâm năng thủ
làm nhân để phát khởi chân kiến đạo làm quả. Ở ngôi vị này,
hành giả phải nên nương nơi ánh sáng trí tuệ vô lậu đã đạt
được nơi Đảnh Vị cố gắng tiến hành giản trạch các pháp
bằng phương pháp quán chiếu nhằm để đạt đến quả vị thấy
đạo chân chánh (chân kiến đạo) xuất hiện từ nơi tâm (xuất
tâm).
Theo Phật Tổ Ngũ Kinh của Hòa Thượng Thích Hoàn
Quan trang 642, phương pháp quán chiếu ở Nhẫn Vị là quán
sát và giản trạch vạn pháp trên bốn lãnh vực Danh, Nghĩa,
Tự Tánh và Sai Biệt mà Duy Thức Học gọi là Tứ Tầm Tư
Quán với mục đích xa lìa dần hai tướng Năng Thủ và Sở Thủ.
Tứ Tầm Tư Quán, tiếng Phạn Catasrah paryesanàh, là
bốn cách quán chiếu vạn pháp của Duy Thức Tông chủ
trương để tu tập. Theo Đại Thừa Pháp Tướng Tông Danh
Mục quyển 1 Trung và Thành Duy Thức Luận quyển 9 giải
thích:
a]- Danh Tầm Tư (tiếng Phạn Nàma - paryesanà): nghĩa
là quán chiếu tìm hiểu tánh chất, giá trị và ý nghĩa danh
xưng của các pháp. Danh xưng của các pháp là những từ ngữ
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 47

do người đời đặt ra để dán nhãn hiệu các pháp cho dễ phân
biệt, như Nguyễn Thị A, Trần Thị B v.v..., bông hoa Hồng,
bông hoa Lan, bông hoa Huệ v.v..., xe Honda, xe Toyota, xe
Ford v.v... Danh xưng của các pháp đều thuộc về loại Tuỳ
Thuyết Nhân, một trong mười Nhân của Duy Thức Học chủ
trương gồm có hai loại, một loại Danh Xưng do người đời
tưởng tượng đặt ra theo nhu cầu sinh hoạt trong xã hội và
một loại Danh Xưng do các bậc Chứng Ngộ phương tiện thiết
lập để định hướng chân giả phân minh dành cho các hàng đệ
tử về sau tu tập khỏi bị lầm lạc trên con đường giải thoát.
b]- Nghĩa Tầm Tư (tiếng Phạn Vastu - paryesanà) còn có
tên nữa là Sự Tầm Tư. Nghĩa gọi cho đủ là danh nghĩa, danh
là danh xưng và nghĩa là nghĩa vụ. Danh nghĩa là chỉ cho các
sự vật đã được kiến lập đúng với danh xưng và nghĩa vụ,
như người máy (Robot) được kiến lập bằng máy móc đúng
với danh xưng là hình tướng giống con người và đúng với
nghĩa vụ là sinh hoạt như một con người, như bông hồng
nylon đã được kiến lập bằng chất nhựa đúng với danh xưng
là hình tướng giống bông hồng thiệt và đúng với nghĩa vụ là
dùng để trang trí cho đẹp nhà cửa phòng xá như bông hồng
thiệt, cho đến các sự vật khác thuộc danh nghĩa nói trên đều
cũng giống như thế. Sự là chỉ cho các sự vật đã được kiến lập
đúng trên danh nghĩa. Nghĩa Tầm Tư hay Sự Tầm Tư nghĩa
là quán chiếu tìm hiểu tánh chất, giá trị và ý nghĩa các sự vật
hiện hữu trong thế gian đã được kiến lập đúng với danh
nghĩa. Các sự vật hiện hữu trong thế gian đã được kiến lập
đúng với danh nghĩa là những pháp hoàn toàn không có thể
chất chân thật, nghĩa là không có sức sống của Tâm Thức ở
trong, chỉ thuần túy đất nước, gió và lửa hợp thành, do
người đời phát minh theo nhu cầu sinh hoạt trong xã hội,
như nhà cửa, bàn ghế, xe cộ, thành phố, đường xá v.v...
Những sự vật này còn có tên là Vô Thể Tùy Tình Pháp hay
48

Biến Kế Sở Chấp Pháp là những pháp do Ý Thức thứ sáu của


con người hay chúng sanh hữu tình vọng tưởng tạo nên.
c]- Tự Tánh Giả Lập Thi Thiết Tầm Tư (tiếng Phạn
Svabhàva - prajnapti - paryesanà): Giả Lập nghĩa là các pháp
thành lập theo hình thức giả tạo, đây là chỉ cho các pháp
duyên sanh. Thi Thiết gọi cho đủ là Hữu Thể Thi Thiết, nghĩa
là các pháp được thiết lập có thể chất chân thật, tức là có sức
sống của Tâm Thức ở trong và sức sống của Tâm Thức đây
là ngoài chỉ cho Kiến Phần Thức Alaya hiện có mặt trong
những pháp nói trên. Nói rõ hơn Hữu Thể Thi Thiết Pháp
nghĩa là các pháp duyên sanh đều do Kiến Phần Thức Alaya
thiết lập nên và có mặt Kiến Phần Thức Alaya ở trong để duy
trì sự tồn tại của chúng. Tự Tánh Giả Lập Thi Thiết Tầm Tư
la là quán chiếu tìm hiểu tự tánh duyên sanh của tất cả pháp
do Kiến Phần Thức Alaya thiết lập nên. Tự tánh duyên sanh
của các pháp đều nương nơi Kiến Phần Thức Alaya sanh
khởi, do Kiến Phần Thức Alaya xây dựng và nhờ Kiến Phần
Thức Alaya duy trì sự sống để tồn tại trong thế gian, mặc dù
bản chất của các pháp đó đều do nhân duyên hòa hợp thành
hình. Hành giả quán chiếu tìm hiểu tự tánh của các pháp giả
thi thiết nói trên từ đâu sanh ra, Kiến Phần Thức Alaya thiết
lập bằng cách nào để thành hình và duy trì sanh mạng thế
nào để tồn tại trong thế gian chính là hành giả quán thông
được nguyên lý của Duy Thức Học trên lãnh vực duyên
sanh. Theo Duy Thức Học, những pháp có tự tánh nương nơi
Kiến Phần Thức Alaya sanh khởi và nhờ Kiến Phần Thức
Alaya duy trì để tồn tại được gọi là Y Tha Khởi Pháp.
d]- Sai Biệt Giả Lập Thi Thiết Tầm Tư (tiếng Phạn Visesa
- prajnapti - paryesanà): nghĩa là quán chiếu tìm hiểu
nguyên nhân nào tạo nên hình tướng khác nhau của vạn
pháp và do những điều kiện gì đưa đến sự sinh hoạt sai biệt
nhau của vạn pháp duyên sanh. Nên biết rằng theo luật nhân
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 49

quả nghiệp báo, vạn pháp trên hiện tượng duyên sanh có
bao nhiêu hình tướng không giống nhau thì nguồn gốc của
chúng nhất định phải có bấy nhiêu nguyên nhân sai biệt
nhau và vạn pháp trong thế gian có bao nhiêu sự cảm thọ
khác nhau thì nguồn gốc của chúng nhất định cũng phải có
bấy nhiêu điều kiện không giống nhau. Hành giả thấu triệt
được nguyên nhân hình tướng khác nhau của vạn pháp và
tinh tường được những điều kiện sai biệt nhau của vạn pháp
để đưa đến sự hưởng thụ bất đồng nhau chính là người đã
dung thông được nguyên lý của vạn pháp trên lãnh vực
duyên sanh.
4- Thế Đệ Nhất Vị (tiếng Phạn Laukikàgra - dharma):
nghĩa là trong các pháp hữu lậu thế gian, Thánh Pháp Vô Lậu
chân chánh tối thượng (đệ nhất) phát sanh cũng như nguồn
lửa phát sanh mãnh liệt và liên tục không dứt, khởi điểm từ
nơi trong thân cây khô qua sự cọ sát. Hành giả ở nơi bậc Thế
Đệ Nhất này tu tập quán chiếu đến khi nào Thánh Pháp Vô
Lậu chân chánh tối thượng phát sanh một cách liên tục
không ngừng, nghĩa là hành giả lúc nào quán chiếu thì
Thánh Pháp Vô Lậu này tự nhiên xuất hiện dễ dàng thế là
hành giả đã chuyển Thức thành được Trí Tuệ Vô Lậu cũng
như người nghe đài phát thanh BBC, bắt đúng tầng số thì âm
thanh của đài phát ra liên tục không ngừng và từ đó hành
giả đã bước vào ngưỡng cửa chân kiến đạo (thấy đạo chân
chánh) của Sơ Địa, một trong Thập Địa Bồ Tát thuộc cấp bậc
Thông Đạt.
Tóm lại, hành giả tu tập Tứ Gia hạnh của Thập Hồi
Hướng nhằm phát sanh trí tuệ vô lậu của Tự Chứng Phần
Thức Mạt Na thứ bảy và nương vào pháp quán Tứ Tầm Tư
không ngoài mục đích khiến cho trí tuệ vô lậu nói trên tăng
trưởng để thấy rõ vạn pháp thuộc hữu lậu đều hư giả, không
có tự tánh và nhận chân tất cả chủng tử đều hữu lậu cũng
50

như vạn pháp hiện hành đều mang tánh chất duyên sanh
thuộc Y Tha Khởi do Duy Thức biến hiện. Hành giả nên biết
thêm rằng, tu Lục Độ Ba La Mật ở cấp bậc Tư Lương nhằm
chuyển Tâm Thức hữu lậu của Ý Thức thứ sáu biến thành trí
tuệ hữu lậu phân biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ sáu,
nhưng ở cấp bậc Gia Hạnh, hành giả tu tập nhằm phát huy
trí tuệ vô lậu của Tự Chứng Phần Thức Mạt Na thứ bảy trong
trí tuệ hữu lậu phân biệt của Tự Chứng Phần Ý Thức thứ
sáu, nguyên vì Thức Mạt Na thứ bảy là chỗ nương tựa (căn
sở y) của Ý Thức thứ sáu sinh hoạt. Ngoài ra hành giả sử
dụng năng lực trí tuệ vô lậu của Tự Chứng Phần Thức Mạt
Na thứ bảy phối hợp với trí tuệ hữu lậu của Tự Chứng Phần
Ý Thức thứ sáu quán chiếu chiều sâu các pháp hữu lậu Tứ
Tầm Tư khiến cho Thánh Pháp Vô Lậu chân chánh tối
thượng xuất hiện để bước vào ngưỡng cửa Chân Kiến Đạo
nơi cấp bậc Thông Đạt của Ngũ Vị Duy Thức Quán.
3/- PHƯƠNG THỨC TU TẬP VÀ QUÁN CHIẾU NƠI CẤP
BẬC THÔNG ĐẠT:
Thông Đạt Vị là cấp bậc thông suốt và đạt đạo nguyên lý
nhị không chân như. Nhị Không nghĩa là ngã không và pháp
không và nguyên lý Nhị Không Chân Như nghĩa là nguyên lý
Trung Đạo của Nhị Không. Hành giả đạt đạo nghĩa là ngoài
việc đã thông suốt còn phải thể nhập để lãnh hội nguyên lý
Trung Đạo của Nhị Không này một cách tự tại và nguyên lý
Trung Đạo của Nhị Không nghĩa là khi quán chiếu lý tánh
của vạn pháp (Pháp Thân của Phật Tánh và Cảnh Sở Y của
Pháp Tánh) thể hiện không qua Tướng phần (Cảnh Sở Thủ)
và Kiến Phần (Tâm Năng Thủ), cũng như người Việt Nam
nói tiếng Việt không cần Ý Thức (Tâm Năng Thủ) tìm chữ
(Cảnh Sở Thủ) để phát ngôn, nhưng nói không sai một chữ.
Pháp Thân của Phật Tánh và Cảnh Sở Y của Pháp Thân nơi
Pháp Tánh thuộc nguyên lý Trung Đạo Nhị Không thì hoàn
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 51

toàn không phải Ngã Tướng của Tâm Năng Thủ và không
phải Pháp Tướng của Cảnh Sở Thủ. Ngã Tướng của Tâm
Năng Thủ và Pháp Tướng của Cánh Sở Thủ đều thuộc về
Kiến Phần và Tướng của Nghiệp Tướng do Duy Thức biến
hiện không thực thể. Riêng Pháp Thân của Phật Tánh và
Cảnh Sở Y của Pháp Thân nơi Pháp Tánh thì chân thật bất
hư đều do Tâm Chân Như thể hiện. Đây là lối tu của bậc Sơ
Địa một ngôi vị trong Thập Địa Bồ Tát và bậc Sơ Địa này
cũng gọi là Hoan Hỷ Địa.
Hành giả muốn quán chiếu phải tu bậc Sơ Địa cho được
nhập tâm thì trí tuệ vô sở đắc của Tự Chứng phần Thức
Alaya xuất hiện và dùng trí tuệ này phối hợp với trí tuệ hữu
phân biệt của Tự Chứng phần Ý Thức thứ sáu quán chiếu và
thấy đặng nguyên lý Trung Đạo của Nhị Không thể hiện từ
Chân Như Pháp Tánh là hành giả đã đạt được Chân Kiến Đạo
của cấp bậc Thông Đạt. Theo Duy Thức Đại Cương trang
114, của Pháp Sư Trí Hải giải thích, Trí Tuệ Kiến Đạo của cấp
bậc Thông Đạt thì có hai loại: Chân Kiến Đạo và Tướng Kiến
Đạo:
A]- Chân Kiến Đạo: cũng có hai thứ: Nhất Tâm Chân Kiến
Đạo và Tam Tâm Chân Kiến Đạo:
l- Nhất Tâm Chân Kiến Đạo: nghĩa là thứ trí tuệ vô phân
biệt thuộc loại căn bản phát khởi từ sự nhất tâm, có khả
năng tiêu diệt tập khí của hai chướng Năng Phân Biệt và Sở
Phân Biệt để chứng được chân lý Nhị Không Chân Như (Ngã
Không và Pháp Không). Thứ trí tuệ vô phân biệt này lại cũng
có hai loại: Trí Tuệ Vô Gián Đạo và Trí Tuệ Giải Thoát Đạo.
a- Trí Tuệ Vô Gián Đạo: nghĩa là trí tuệ vô phân biệt của
kiến đạo chân chánh được phát sanh nhờ thiền định liên tục
không gián đoạn ở nơi ngôi vị gia hạnh. Thứ trí tuệ này có
khả năng đoạn trừ chủng tử của hai chướng phân biệt sanh
52

khởi và ngộ được lý nhị không chân như (ngã không và pháp
không).
b- Trí Tuệ Giải Thoát Đạo: nghĩa là trí tuệ vô phân biệt
của đạo giải thoát được phát sanh từ nơi vô gián đạo có thể
đoạn trừ chủng tử tập khí của hai chướng (năng phân biệt
và sở phân biệt) để hiển bày được chân lý Nhị Không.
2- Tam Tâm Chân Kiến Đạo: nghĩa là ba loại trí tuệ của
tâm thuộc kiến đạo chân chánh. Ba loại trí tuệ này được giải
thích như sau:
a]- Sanh Không Căn Bản Trí: nghĩa là thứ trí tuệ vô phân
biệt thuộc căn bản có khả năng đoạn trừ phần thô trọng của
chủng tử phiền não chướng qua sự phân biệt và nhờ đó mà
chứng được sanh không chân như.
b]- Pháp Không Căn Bản Trí: nghĩa là thứ trí tuệ vô phân
biệt thuộc căn bản có khả năng đoạn trừ phần thô trọng của
chủng tử sở tri chướng qua sự phân biệt và nhờ đó mà
chứng được pháp không chân như.
c]- Câu Không Căn Bản Trí: nghĩa là thứ trí tuệ vô phân
biệt có khả năng đoạn trừ phần vi tế cả bên trong lẫn bên
ngoài của phiền não chướng và sở tri chướng và nhờ đó mà
chứng được nguyên lý nhị không chân như.
B]- Tướng Kiến Đạo: nghĩa là thứ trí tuệ vô phân biệt
thuộc loại căn bản đã đề cập ở phần A và thứ trí tuệ này phát
sánh từ Hậu Đắc Trí có công năng giác ngộ được thâm sâu
chân tướng giả lập của các sự vật, nên gọi là Tướng Kiến
Đạo.
Tóm lại, hành giả phát khởi được trí tuệ vô sở đắc của
Tự Chứng Phần Thức Alaya qua sự tu tập và thông suốt
được nguyên lý Nhị Không Chân Như không ngoài nguyên lý
Trung Đạo Duyên Khởi qua sự quán chiếu chính là người đã
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 53

hoàn tất phương thức tu tập quán chiếu nơi cấp bậc Thông
Đạt.
4/- (Ngũ trùng Duy thức quán) PHƯƠNG THỨC TU TẬP
VÀ QUÁN CHIẾU NƠI CẤP BẬC TU TẬP:
Nơi cấp bậc Tu Tập, hành giả bắt đầu tu tập Ly Cấu Địa
thứ hai cho đến Pháp Vân Địa thứ mười của Thập Địa Bồ Tát
cho được thuần thục để trí tuệ vô sở đắc của Tự Chứng Phần
Thức Alaya tăng trưởng đến siêu việt và sử dụng trí tuệ đó
phối hợp với trí tuệ hữu phân biệt của Tự Chứng Phần Ý
Thức thứ sáu quán chiếu Ngũ Trùng Duy Thức Quán để
chuyển hóa toàn diện Chứng Tự Chứng Phần của tám Tâm
Thức biến thành Tứ Trí và nhờ Tứ Trí nói trên chứng nhập
được Duy Thức Tánh. Ngũ Trùng Duy Thức Quán được giải
thích như sau:
Ngũ Trùng Duy Thức Quán nghĩa là năm lớp quán chiếu
để đạt đến chỗ cứu cánh của nguyên lý Duy Thức Tánh nơi
cấp bậc tu tập. Theo Pháp Tướng Tông, Ngũ Trùng Duy Thức
Quán gồm có:
a]- Khiển Hư Tồn Thật: nghĩa là loại bỏ những pháp hư
giả và lưu lại những pháp hiện thật. Những pháp hư giả là
chỉ cho những pháp thuộc loại Biến Kế Sở Chấp Tánh do Ý
Thức nương theo hiện duyên biến hiện theo nhu cầu sở
dụng. Thể và dụng của những pháp này hoàn toàn đều
không và hiện hữu có tính cách tương đối. Những pháp hiện
thật là chỉ cho những pháp thuộc Y Tha Khởi Tánh và Viên
Thành Thật Tánh. Thể và dụng của những pháp này đều có
thật tánh nên gọi là hiện thật. Đây là lối tu nơi lớp thứ nhất
của Duy Thức Quán.
b]- Xả Lạm Lưu Thuần: nghĩa là bỏ những cảnh giới hỗn
tạp chủ quan và chỉ lưu lại những cảnh giới thuần túy khách
quan. Những cảnh giới hỗn tạp chủ quan là những cảnh giới
54

mang tánh chất y tha khởi duyên sanh không thuần chất với
hình thức tướng phần được xuất hiện từ nơi những cảnh
giới ảo giác do Duy Thức Tướng chủ quan xây dựng nên và
Duy Thức Tướng đây chính là kiến phần của tâm thức Alaya
sanh ra. Những cảnh giới duyên sanh này nếu như không có
kiến phần chủ quan của tâm thức Alaya sanh ra và duy trì
sanh mạng thì không có hiện hữu trong thế gian, cho nên
những cảnh giới nói trên được gọi là cảnh giới y tha khởi
duyên sanh. Còn những cảnh giới thuần túy khách quan
chính là những cảnh giới thuần túy pháp tánh thanh tịnh do
Duy Thức Tánh hiện khởi được gọi là những cảnh giới thuộc
viên thành thật tánh. Trọng tâm lối tu của phương pháp
quán chiếu lớp thứ hai ở chỗ là tận dụng trí năng để đạt đến
công phu tâm và cảnh hòa hợp, lý và sự hoàn toàn không hai
và ngộ được ngoài tâm không cảnh, ngoài lý không sự, ngoài
tánh không tướng. Đó là chỗ diệu dụng của Duy Thức và
hành giả đạt đến trạng thái này là thành công của lối tu Duy
Thức Quán trong lớp thứ hai.
c]- Nhiếp Mạt Quy Bổn: là bỏ ngọn ngành trở về cội gốc,
nghĩa là loại bỏ kiến phần của tâm thức và tìm về tự chứng
phần của tâm Thức. Kiến phần chủ thể năng biến của Tâm
Thức chính là ngọn ngành (mạt) và tự chứng phần chủ thể
năng biến của Tâm Thức chính là cội gốc (bổn). Người tu
Duy Thức Quán là phải tìm cho ra nguồn gốc phát sanh ra
Tự Chứng Phần của tám Tâm Thức và danh từ Tự Chứng
Phần chính là chỉ cho chủng tử của tám Tâm Thức. Hành giả
nào quán chiếu thấy rõ nguồn gốc phát sanh ra Tự Chứng
Phần của tám Tâm Thức là người đã liễu ngộ được nguyên
lý Duy Thức.
d]- Ẩn Liệt Hiển Thắng: là mất dạng phần yếu kém và
hiển bày phần thù thắng. Phần yếu kém (liệt) ở đây là chỉ
cho 25 Tâm Sở còn lại và 25 Tâm Sở này gồm có: 5 Biến
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 55

Hành, 5 Biệt Cảnh, 11 Thiện và 4 Bất Định. Phần thù thắng là


chỉ cho Tự Chứng Phần (chủng tử) của tám thức Tâm Vương
và hiển thắng là hiển bày phần thù thắng nơi Tự Chứng
Phần của tám thức Tâm Vương. Bấy lâu nay Tự Chứng Phần
của tám Thức tâm Vương luôn luôn bị các Tâm Sở bao che,
khống chế và ngăn cách trong mọi sự sinh hoạt để nhận
thức, nhất là 5 Tâm Sở Biến Hành và 5 Tâm Sở Biệt Cảnh
không cho tám thức Tâm Vương hiểu biết trực tiếp vạn
pháp. Hành giả muốn hiển bày diệu dụng thù thắng của Tự
Chứng Phần nơi tám thức Tâm Vương, phải sử dụng trí tuệ
vô lậu của vô sở đắc của Tự Chứng Phần Thức Alaya được
phát xuất từ nơi Thập Địa khiến cho 25 Tâm Sở còn lại nói
trên tiềm ẩn mất dạng để không còn bao che, không còn
khống chế và không còn ngăn cách tám thức Tâm Vương
trong sự sinh hoạt nhận thức vạn pháp. Đây là pháp tu tập
quán chiếu Ẩn Liệt Hiển Thắng của Ngũ Trùng Duy Thức
Quán.
e]- Khiển Tướng Chứng Tánh: Khiển Tướng nghĩa là loại
bỏ Duy Thức Tướng và Chứng Tánh nghĩa là chứng nhập
Duy Thức Tánh. Duy Thức Tướng tức là chỉ cho các pháp
thuộc loại Y Tha Khởi Tánh và Duy Thức Tánh tức là chỉ cho
các pháp thuộc loại Viên Thành Thật Tánh. Vạn pháp có hai
phần: phần sự tướng và phần lý tánh. Phần sự tướng là nói
đến phần hình tướng của các pháp do Duy Thức Tướng biến
hiện và phần này được gọi là Y Tha Khởi Tánh, còn phần lý
tánh là nói đến phần thể tánh của các pháp do Duy Thức
Tánh hiện khởi và phần này được gọi là Viên Thành Thật
Tánh. Viên Thành Thật Tánh chính là bản thể chân như mầu
nhiệm của thế giới pháp tánh và tất cả thế giới này đều do
Duy Thức Tánh mang tên là Tạng Như Lai hiện khởi làm
cảnh giới sở y của chư Phật an trụ. Hành giả sau khi hoàn tất
thời kỳ tu tập thứ ba, khởi hành từ Bất Động Địa thứ tám
cho đến Pháp Vân Địa thứ mười của Thập Địa Bồ Tát thì trí
56

tuệ siêu việt vô sở đắc của Tự Chứng phần Thức Alaya phát
triển tột đỉnh và sử dụng trí tuệ siêu việt này trước hết tự
chuyển hóa toàn diện Chứng Tự Chứng Phần của tám Thức
Tâm Vương biến thành Tứ Trí và đồng thời quán chiếu lớp
thứ năm của Ngũ Trùng Duy Thức Quán bằng cách loại bỏ
tất cả hiện tượng thuộc Y Tha Khởi tánh phản chiếu vào bản
thể của Thức Tánh để tìm ra vạn pháp thuộc Viên Thành
Thật Tánh. Đây là pháp quán hết sức cao thâm mầu nhiệm
của Duy Thức Quán.
Theo Duy Thức Tam Thập Tụng Dị Giải của H.T. Thích
Thiện Hoa, trang 353 giải thích: cấp bậc tu tập sau khi thành
đạt hai quả chuyển y: chuyển phiền não chướng thành đại
giải thoát (niết bàn) và sở tri chướng thành đại bồ đề.
Chuyển nghĩa là chuyển hóa và Y nghĩa là y tha khởi. Quả
chuyển y nghĩa là hành giả sau khi hoàn thành cấp bậc tu tập
thì có khả năng chuyển hóa chủng tử tất cả pháp phiền não
chướng và sở tri chướng thuộc y tha khởi biến thành đại
niết bàn và đại bồ đề, nguyên vì bản chất của chủng tử phiền
não chướng và sở tri chướng hiện hữu không ngoài niết bàn
và bồ đề, lý do tất cả chủng tử phiền não chướng và sở tri
chướng sở dĩ hiện hữu trong thế gian là do chúng sanh mê
vọng sanh khởi, cũng như gió mưa trở nên độc hại là do con
người bị bệnh hoạn cảm nhận mà thật ra bản chất gió mưa
không bao giờ độc hại đối với những người mạnh khỏe. Cấp
bậc tu tập sở dĩ đạt thành hai quả chuyển y nói trên là
nguyên do hành giả đã chuyển hóa được tám Thức Tâm
Vương thành bốn Trí Tuệ: năm Thức trước từ Nhãn Thức
cho đến Thân Thức chuyển thành trí tuệ Thành Sở Tác, Ý
Thức thứ sáu chuyển thành trí tuệ Diệu Quan Sát, Mạt Na
Thức thứ bảy chuyển thành trí tuệ Bình Đẳng Tánh và Alaya
Thức chuyển thành trí tuệ Đại Viên Cảnh. Hành giả nhờ
những trí tuệ này chuyển hóa hai quả chuyển y nói trên
không còn khó khăn trong việc quán chiếu Duy Thức Tánh,
PHÁP MÔN TU TẬP DUY THỨC QUÁN 57

đã thành công nơi cấp bậc Tu Tập và cũng là đã chứng ngộ


được quả vị Đẳng Giác của Đại Thừa Bồ Tát.
5/- PHƯƠNG PHÁP TU TẬP NƠI CẤP BẬC CỨU CÁNH:
Cấp bậc cứu cánh là quả vị rốt ráo viên mãn của cảnh
giới Duy Thức Tánh và Duy Thức Tánh này chính là chỉ cho
Phật Tánh của Duy Thức. Cảnh giới Duy Thức Tánh đều
mang tánh chất Viên Thành Thật của thế giới chân như và
cảnh giới nói trên cũng là cảnh giới vô lậu rốt ráo thanh tịnh
của Bồ Đề của Niết Bàn. Theo Duy Thức Học, trang 355 của
H.T. Thích Thiện Hoa giải thích giá trị của cảnh giới Duy
Thức Tánh nơi cấp bậc cứu cánh gồm có sáu:
“l.- Bất Tư Nghị: nghĩa là cảnh giới này không thể dùng
trí suy nghĩ hay lời nói luận bàn được”.
“2.- Thiện: nghĩa là cảnh giới này đã xa lìa hết các pháp
nhiễm ô, bất thiện”.
“3.- Thường: nghĩa là cảnh giới này thường còn, tột đến
đời vị lai, không có cùng tận”.
“4.- An Lạc: nghĩa là cảnh giới này rất thanh tịnh vui vẻ,
không có các điều khổ não bức bách”.
“5.- Giải Thoát Thân: nghĩa là những bậc ở cảnh giới này
do xa lìa các phiền não triền phước, nên được thân giải
thoát”.
“6.- Đại Mâu Ni: nghĩa là những bậc ở cảnh giới này do
xa lìa được sở tri chướng nên chứng đặng quả bồ đề. Vì quả
vị này bản tánh rất thanh tịnh, nên gọi là Đại Mâu Ni”.
Phương pháp tu tập nơi cấp bậc cứu cánh, nghĩa là hành
giả sau khi chuyển được tám Thức Tâm Vương biến thành
bốn Trí ở cấp bậc tu tập liền tiến hành quán chiếu hai
phương thức sau đây:
58

a- Hành giả sử dụng Trí Diệu Quan Sát (của Ý Thức thứ
sáu) điều khiển Trí Bình Đẳng Tánh (của Thức Mạt Na thứ
bảy) móc nối cảnh giới Niết Nàn Vô Dư (Viên Thành Thật
Tánh) từ thế giới chân như hiện hữu trong Trí Đại Viên Cảnh
(của Thức Thể Alaya thứ tám) nơi Thức giới Alaya của hành
giả (nơi phạm trù Thức Thể Alaya của hành giả) bằng
phương pháp Duy Thức Quán. Hành giả tu tập quán chiếu
cảnh giới Niết Bàn Vô Dư đến khi nào thể hiện một cách
thuần thục, nghĩa là hành giả không còn dụng công quán
chiếu mà cảnh giới Niết Bàn Vô Dư vẫn hiện hữu một cách
tự nhiên theo ý muốn chính là hành giả đã thành tựu quả vị
đại Niết Bàn của đại Bồ Đề nơi cấp bậc cứu cánh.
b- Hành giả mặc dù đã chứng quả đại Niết Bàn của đại
Bồ Đề nơi cấp bậc cứu cánh, nhưng còn mang nhục thân cho
nên còn quan hệ quá nhiều với trần sa hoặc của loài người
và vô minh hoặc của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Hơn nữa
cảnh giới của đại Niết Bàn mà hành giả chứng đắc chỉ là
cảnh giới thuộc về hình tướng của đại Niết Bàn được thâu
nhỏ theo tùy loại chúng sanh để thể hiện mà không phải là
cảnh giới thể tánh bao la chân thật của đại Niết Bàn. Hành
giả muốn chứng nhập vào trong cảnh giới thể tánh bao la đại
Niết Bàn của đại Bồ Đề nơi cấp bậc cứu cánh thì phải cắt đứt
sự quan hệ trần sa hoặc của loài người và vô minh hoặc của
tất cả chúng sanh trong ba cõi và muốn cắt đứt sự quan hệ
trần sa hoặc cùng vô minh hoặc, hành giả phải thực hành Bồ
Tát hạnh bằng cách cứu độ tất cả chúng sanh để diệt hết
chúng sanh tâm nơi chính mình bằng phương thức an trụ
tâm Vô Trụ. Hành giả đã hoàn thành viên mãn công hạnh tự
giác và giác tha nơi cấp bậc cứu cánh thế là đã thể nhập
được cảnh giới thể tánh đại Niết Bàn chân thật bất hư nơi
thế giới chân như của đại Bồ Đề viên thành thật tánh mà
cũng là hoàn thành ngôi vị Diệu Giác của Phật Quả.

You might also like