Academia.eduAcademia.edu
ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ BÀI TIỂU LUẬN NHÓM Tìm hiểu về “KHU VỰC KINH TẾ ĐẶC BIỆT – ĐẶC KHU KINH TẾ” (SEZ – SPECIAL ECONOMIC ZONE) Lớp: 44K08.1 GVHD: Trần Đình Long Nhóm 01: Phan Thuỳ Dung Lê Thảo Ly Nguyễn Ngô Thọ Minh (L) Nguyễn Thị Mỹ Thành Võ Quốc Toàn Mai Thị Huyền Trang Đà Nẵng, 2019 Mục lục I. GIỚI THIỆU 3 II. NỘI DUNG 4 1. Định nghĩa Vùng Đặc khu Kinh tế 4 2. Sự khác biệt giữa vùng đặc khu kinh tế và các vùng kinh tế thông thường 5 3. Vậy lợi ích SEZ mang lại là gì? 6 4. Yếu tố thúc đẩy 9 5. Khó khăn mà Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt là gì? 9 6. Thách thức 11 III. ĐÁNH GIÁ VÀ KẾT LUẬN 12 I. GIỚI THIỆU Thật không khó nhận thấy nền kinh tế Việt Nam đang dần được đổi mới và phát triển rất nhiều trong thời gian qua. Bạn bè quốc tế cũng không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến những sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước này. Từ một vùng đất nhỏ bé lạc hậu trước đây lại nhanh chóng trở thành một địa điểm lý tưởng thu hút nhiều sự chú ý của các quốc gia phát triển. Du lịch, dịch vụ, các ngành công nghiệp nhẹ hay nặng,.v..v cũng thành công trong việc đón lấy các nguồn đầu tư hấp dẫn. Việc có được sự phát triển to lớn như hôm nay là cả một quá trình thành lập, thực hiện, thúc đẩy của một chuỗi chính sách chiến lược phù hợp trong dài hạn của Chính phủ Việt Nam. Trong số đó chắc hẳn phải kể đến việc đề xuất và phát triển dự án Vùng đặc khu kinh tế (Special Economic Zones - SEZ). Vùng đặc khu kinh tế được xem là một đòn bẩy thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kinh tế mang tính toàn cầu. Theo Wikipedia, Đặc khu kinh tế đã sớm được xuất hiện ở các nước công nghiệp vào những năm 1950s, nổi trội như Ireland. Từ sau những năm 1970s cho đến nay, các khu vực ngày càng được mở rộng trong cả sản xuất và nguồn nhân lực. Chính sự thúc đẩy mạnh mẽ đó đã khiến việc hình thành Vùng đặc khu Kinh tế lan rộng sang các nước Latin và Á Đông. Đặc biệt phải kể đến sự thành công vang dội của công cuộc này ở Trung Quốc. Việt Nam - mặc dù là đất nước đi sau nhưng vẫn kế thừa được kinh nghiệm cũng như củng cố thêm các chiến lược chính xác, biết nắm bắt cơ hội để phát huy tối ưu tiềm năng của các khu vực. Tính đến nay, Việt Nam đã thông qua ba đơn vị làm khu vực kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Vậy việc hình thành các đặc khu kinh tế này có những ảnh hưởng gì đến bộ mặt nền kinh tế nước ta? Những thông tin dưới đây sẽ là minh chứng tổng quan cho câu hỏi này. II. NỘI DUNG 1. Định nghĩa Vùng Đặc khu Kinh tế Bộ luật về Đặc khu Kinh tế năm 1980 định nghĩa đặc khu là: “ Những khu vực mà các doanh nghiệp được đối xử ưu đãi hơn các vùng khác về tỷ suất thuế và phạm vi hoạt động nhằm thu hút vốn nước ngoài và công nghệ tiên tiến để phục vụ cho hiện đại hóa”. Mặc dù việc hình thành nên các đặc khu kinh tế bắt đầu diễn ra cách đây hơn 50 năm và được thử nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới, nó vẫn mang một định nghĩa chung như sau: " Vùng đặc khu kinh tế (SEZ) là các khu vực mà ở đó có các bộ luật về kinh doanh và thương mại khác với các khu vực khác trong nước. SEZ phải nằm trong vùng lãnh thổ nước nhà, và có mục đích hướng đến làm gia tăng sự cần bằng thương mại, thu hút đầu tư cũng như tạo công ăn việc làm và tính hiệu quả hơn trong quản trị hành chính" Ngoài ra, Theo Ngân hàng Quốc tế năm 2008, đặc khu kinh tế là: " Khu vực giới hạn về mặt địa lý, thường được đảm bảo về mặt vật lý (có rào chắn); có quản lý hoặc người điều hành, và được nhận các lợi ích dựa trên vị trí thực tế trong khu vực (lợi lích miễn thuế, thủ tục đơn giản hóa)" (Akinci & Crittle, 2008) Ở các vùng đặc khu, các chính sách về tài chính cũng được đề cập một cách ưu ái, sao cho đảm bảo việc triển khai dự án đặc khu được củng cố phát triển mạnh mẽ nhất. Đặc biệt đối với vấn đề về thuế, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng được đề nghị mức thuế thấp hơn, giá cả phải chăng hơn, tạo nên tính cạnh tranh thu hút nguồn đầu tư toàn cầu. Thành lập vùng đặc khu kinh tế là một dự án mang tính chiến lược cao trong dài hạn. Bởi lẽ nó mang lại rất nhiều lợi ích cho kinh tế nước nhà. Có thể nói rằng mỗi khu vực đặc khu sẽ là nền móng cơ sở, tiên phong trong việc thúc đẩy tối ưu sự tăng trưởng vượt bậc về cả cấu trúc cơ sở hạ tầng, các chính sách dịch vụ hay nhiều nguồn lực tiềm năng trong tương lai. Những điều này trên thực tế đã được chứng minh qua rất nhiều quốc gia trên thế giới, hầu hết đều bắt đầu bằng sự nghèo nàn, giờ đây đã có thể trở thành một đô thị sầm suất bậc nhất. Nhưng liệu đối với một đất nước còn non trẻ như Việt Nam, dự án đặc khu kinh tế có thực sự thành công trong việc đẩy mạnh sản xuất, nền kinh tế thị trường của nước ta hiện nay? Liệu có bất kì sự cản trở lớn mạnh nào khiến dự án này rơi vào "danh sách đen"? Để trả lời những câu hỏi này, hãy cùng xem xem liệu Việt Nam đang mang trong mình tầm thế như thế nào. 2. Sự khác biệt giữa vùng đặc khu kinh tế và các vùng kinh tế thông thường Nội dung Đặc khu kinh tế Khu kinh tế thông thường Chức năng Đa dạng Sản xuất - Chế biến Cơ sở hạ tầng Đẩy nhanh đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, các dự án lớn triển khai về sân bay, quốc lộ,.. Đầu tư và phát triển vừa đủ theo thời gian Nguồn lợi Thúc đẩy phát triển kinh tế đối với các khu vực lân cận cũng như cả nước Cung cấp các yếu tố phát triển cần thiết cho khu vực Vốn đầu tư Lớn Vừa phải Thời gian đầu tư Lâu dài Nhanh Thời gian thuê đất Tối đa 99 năm Tối đa 50 năm Thuế thu nhập cá nhân Miễn thuế TNCN trong 5 năm Giảm 50% thuế trong những năm tiếp theo Theo luật định Thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm 20% (Ưu đãi về thuế tùy theo chính sách của từng địa phương) Tổ chức chính quyền Không có Hội đồng Nhân dân Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm Ban Quản lí Khu kinh tế - Khu công nghiệp trực thuộc Tỉnh do UBND Thành phố bổ nhiệm Sở hữu nhà với người nước ngoài Tự do mua bán nhà (với người có thời gian lao động trên 3 tháng) Thời gian vĩnh viễn (nhà ở biệt thự) 99 năm với chung cư Tối đa 50 năm 3. Vậy lợi ích SEZ mang lại là gì? Ý nghĩa của việc thành lập Vùng đặc khu kinh tế chủ yếu thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài. Từ đó biến thành bàn đạp tăng cường sự phát triển kinh tế trong nước, không chỉ đơn thuần là tạo điểm nhấn cho riêng khu vực đó mà còn nâng cả kinh tế cả nước lên cao. Các chính sách được cải thiện, nền kinh tế tự do hơn, nhiều việc làm được đề xuất hơn, thu nhập bình quân tăng lên, chất lượng cuộc sống người dân nâng cao,.. chính là mục tiêu của SEZ. Nói cách khác, SEZ có khả năng đẩy mạnh ngành sản xuất và thương mại, và cuối cùng chính là nền kinh tế phát triển thông qua tăng trưởng bền vững. Báo Vietnam News đã nhận định rằng mặc dù Việt Nam là nước đi muộn hơn trong dự án này, tuy nhiên "Better late than never" (thà muộn còn hơn là không bao giờ). Hiện nay, chính phủ Việt Nam đã công nhận ba khu vực để phát triển dự án đặc khu: Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Mỗi khu vực mang một nét riêng về thế mạnh tiềm tàng của mình. Vốn là một đất nước được đánh giá có vị trí chiến lược đặc biệt, giáp với Biển Đông góp phần lớn trong quá trình hình thành đa dạng các tài nguyên thiên nhiên. (Thành, 2018) - Đặc khu kinh tế Vân Đồn: là một khu kinh tế ở miền Bắc Việt Nam được thành lập vào năm 2007 với mục tiêu trở thành một trung tâm sinh thái biển đảo chất lượng cao và dịch vụ cao cấp, đồng thời là trung tâm hàng không, đầu mối giao thương quốc tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh. - Đặc khu Bắc Vân Phong được thành lập năm 2006 với mục tiêu trở thành mộ hạt nhân tăng trưởng kinh tế, trung tâm đô thị – công nghiệp – dịch vụ – du lịch của khu vực Nam Trung Bộ. Đây là một đặc khu kinh tế tổng hợp lấy khu cảng trung chuyển container quốc tế làm chủ đạo. Có một khu phi thuế quan và một khu thế quan ngăn cách nhau bằng tường rào. Với lợi thế là cảng nước sâu Đầm Môn có thể tiếp nhận tàu 200.000 DWT ra vào dễ dàng, giao thông thuận lợi do nằm trên giao lộ Bắc Nam và tây nguyên. - Đặc khu Phú Quốc: là một khu vực mới được chỉ định phát triển theo định hướng đặc khu, tuy nhiên nó lại nhanh chóng trở thành một địa điểm hấp dẫn sự chú ý của các nhà đầu tư với thế mạnh về du lịch - dịch vụ bởi vị thế và cảnh quan thơ mộng. Và theo quy hoạch tổng thể tới năm 2030 sửa đổi, Phú Quốc sẽ có 3 khu đô thị lớn, 15 khu du lịch sinh thái, 2 khu du lịch phức hợp và 5 sân gold. Dự kiến, Phú Quốc sẽ trở thành đặc khu kinh tế vào năm 2020. (Hình ảnh về những đặc khu, nguồn: Báo Vietnam News) Trên đây là các thế mạnh tập trung phát triển của từng khu vực. Có thể thấy rằng việc triển khai dự án đặc khu này đã thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác đầy đủ các tiềm lực, tạo ra môi trường kinh doanh lý tưởng thu hút sự đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó, về cơ sở hạ tầng, với hơn 1.5 triệu tỉ đầu tư vào các dự án cảng biển, sân bay, đường cao tốc, hệ thống giao thông ở những vùng này nói chung và các khu vực lân cận nói riêng sẽ được hiện đại hoá, mở thêm đường giao thông với quốc tế. Từ đó việc đóng góp cho nhà nước từ các nguồn thu của mỗi khu vực có thể lên đến hàng tỉ USD cũng như mang tới lợi nhuận to lớn cho các doanh nghiệp đầu tư. Cộng với thời kì 4.0 như hiện nay, điều này còn làm tăng sự kết nối và thích nghi với các nền công nghệ thông tin hiện đại trên thế giới, kế thừa được những thành tựu của các nước phát triển đi trước. Ngoài những yếu tố về kinh tế mà các vùng đặc khu mang lại, nó còn thúc đẩy sự tăng trưởng GDP: mức GDP bình quân đầu người đạt từ 17.394 USD đến 25.056 USD vào năm 2030. So sánh với phương án tăng trưởng gốc là không thành lập đặc khu kinh tế, GDP trên đầu người tương ứng sẽ là 11.619 USD năm 2030 (Theo dự thảo Luật Đơn vị hành chính Kinh tế đặc biệt). Qua đó chắc chắn rằng thu nhập cũng như chất lượng đời sống của người dân cũng được cải thiện một cách đáng kể. Lấy ví dụ cho việc khởi công dự án này đã mang lại nguồn lợi to lớn như thế nào. Ở đất nước gần ngay với chúng ta - Trung Quốc. Lần đầu tiên Chính phủ Trung Quốc cho thực hiện xây dựng đặc khu kinh tế là vào năm 1980 tại Thành phố Thâm Quyến. Từ những năm 1970s trở về trước, Thâm Quyến chỉ là một làng chài nghèo có diện tích 327.5 km2 với khoảng 30.000 dân. Ngay sau khi được triển khai dự án SEZ, vào giai đoạn 1981 đến 1993, GDP tăng trưởng nhanh chóng với tốc độ 40% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng GDP trung bình của toàn quốc chỉ là 9,8%. Trong một bài báo có tên " Đặc khu kinh tế - Phòng thí nghiệm cho "điều thần kì" Trung Quốc" đã viết rằng hầu như mọi người dân đều không biết rõ thành phố Thâm Quyến trông ra sao trong thập niên 70, nhưng đến những năm 90, Thâm Quyến được miêu tả là một thành phố “mỗi ngày xây một cao ốc, 3 ngày làm một đại lộ”. Và đến nay, Thâm Quyến hiện là bến cảng bận rộn thứ 3 thế giới trong khi sàn chứng khoán ở thành phố này lớn thứ 22 toàn cầu và cũng là trung tâm công nghệ, tài chính tầm cỡ thế giới. Ví dụ trên là minh chứng điển hình trong việc hình thành đặc khu kinh tế. Mặc dù khoảng thời gian đầu tư và phát triển không hề ngắn, nhưng thành quả mà nó đạt được lại hết sức vang dội và rất đáng kì vọng. Tóm lại, thông qua việc hình thành các đặc khu kinh tế, nó có khả năng mang lại rất nhiều lợi ích đối với một đất nước, trở thành những khu vực tiên phong trong sự phát triển bền vững và lâu dài trong tương lai ở nhiều phương diện. 4. Yếu tố thúc đẩy Để có được những thành tựu trong quá trình phát triển trên còn phải kể đến những yếu tố thúc đẩy khác, bao gồm: Vị trí chiến lược đặc biệt Có nền kinh tế đột phá, tạo sự cạnh tranh tầm cỡ quốc tế Thu hút vốn đầu tư từ các quốc gia khác Tăng GDP cho quốc gia Tạo công ăn việc làm cho người dân, cải thiện chất lượng đời sống. Do đó, sự hình thành nên các đặc khu giờ đây đã phần nào gặt hái, đáp ứng được các yếu tố nói trên. Chủ quan mà nói hay cũng như mong muốn của hầu hết người dân Việt Nam, hi vọng một ngày nào đó sẽ chứng kiến sự vươn mình vượt bậc tính trên cả bộ mặt nước nhà. 5. Khó khăn mà Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt là gì? Thật không dễ để đánh liều mà thông qua quyết định mang tính dài hạn cũng như phải cần rất nhiều nguồn lực như tài chính, nhân công,.. như vậy. Bởi lẽ để hoàn thiện một đặc khu trở thành nền kinh tế quốc dân phải đòi hỏi có vốn đầu tư ban đầu khổng lồ, xây dựng và phát triển trong thời gian tương đối lâu. Số vốn đầu tư dự kiến cho mỗi khu vực lên đến hàng trăm nghìn tỉ đồng; tuy nhiên ngân sách Nhà nước chỉ hỗ trợ được một phần không nhiều trong số này. Chính vì vậy mà thời gian khởi động đầu tư kéo dài tối thiểu từ 5 năm cho đến 15 năm. Nhìn nhận vấn đề này, các doanh nghiệp đầu tư phải có tầm nhìn rõ ràng và ổn định hơn, chấp nhận rủi ro cao và kiên nhẫn chờ đợi lợi nhuận trong tương lai. Không những vậy, việc rập khuôn cứng nhắc vào các chính sách lao động, hay ỷ lại cơ hội được ưu đãi về thuế cũng khiến cho sự phát triển đặc khu mất đi nhiều ý tượng sáng tạo táo bạo. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự can thiệp quá mức của chính quyền cũng phần nào là cản trở đối với dự án này, dễ dàng dẫn đến việc thiết lập "các nhà nước bên trong nhà nước". Đáng quan ngại hơn là các khoản ưu đãi để thu hút nhà đầu tư sẽ kéo theo sự méo mó bên trong các nền kinh tế. Nếu không được quản lý chặt chẽ, các đặc khu sẽ trở thành nơi ẩn náu của hoạt động rửa tiền, chẳng hạn như việc lập các hóa đơn khống trong xuất khẩu. Một yếu tố khác bắt nguồn từ sự lựa chọn khu vực ban đầu của Chính phủ. Vân Đồn, Bắc Vân Phong hay Phú Quốc ban đầu đều có cơ sở hạ tầng là lạc hậu, nghèo nàn. Vì vậy, Chính phủ lại tốn thêm một đầu tư khá lớn trong việc xây dựng chúng với đủ điều kiện hình thành kinh tế đặc khu. Tuy vậy, nhưng theo các nguồn nghiên cứu chỉ ra ở đây, các đặc khu còn được quản lý một cách lỏng lẻo. Việc chưa có ban quản lý chính trị cũng gây ra nhiều mối nguy lớn cho người dân. Rất khó để biết rõ được ai là người sẽ chịu trách nhiệm cho các vấn đề đối với dự án khó khăn này. Bởi nếu chẳng may sơ suất khiến cho việc đầu tư đặc khu bị đóng băng, ai sẽ trở thành nạn nhân của một chuỗi hậu quả đang đè nặng lên? Khó khăn không chỉ dừng ở tầm nhìn chiến lược mà còn phải quan tâm tới các vấn đề xã hội, đặc biệt là vấn đề môi trường. Gần đây, các vấn đề về môi trường hầu như được đặt lên hàng đầu. Liệu việc khai thác tài nguyên để xây dựng nên các vùng đặc khu có thực sự mang lại nhiều lợi ích hơn là dần xuyên tạc mất vẻ đẹp nguyên thủy của nó? Các nhà máy, doanh nghiệp hay những tòa địa ốc cao tầng phục vụ cho công nghệ, dịch vụ, du lịch có đảm bảo được môi trường sẽ giữ nguyên vẹn được bầu không khí như lúc này? Và đối với sự biến đổi khí hậu đột ngột như lúc này, Chính phủ và các doanh nghiệp đầu tư sẽ đối phó với nó như thế nào? Một chuỗi thắc mắc "Liệu..?" sẽ ra sao trong nhịp sống chảy quá nhanh trong thời đại khi mà con người cứ ỷ lại máy móc, thiết bị? Phát triển kinh tế theo thời gian là điều tất yếu của một quốc gia, tuy nhiên cũng nên có lúc nhìn lại rằng: sở hữu những khu vực tầm cỡ quốc tế nhưng sống trong sự ô nhiễm, không khí ngột ngạt thì phải chăng giải pháp nào sẽ là tốt hơn? 6. Thách thức Hầu hết các nghiên cứu đều chỉ ra rằng thách thức của Việt Nam chính là sự ảnh hưởng phong tục từ Trung Quốc. Là một nước láng giềng bằng hữu nhưng những năm gần đây Việt Nam có không ít mâu thuẫn với Trung Quốc. Đặc biệt ở đây phải nhắc tới dự án thuê đất 99 năm ở các vùng đặc khu của Trung Quốc. Thông tin này đã dấy lên nhiều bình luận không chỉ trong nước mà cả ngoài quốc tế. Trung Quốc hiện được coi là một cường quốc có tốc độ tăng trưởng về kinh tế, công nghệ mạnh mẽ đáng ngạc nhiên nhất thế giới. Sẽ rất yên tâm khi có một nhà đầu tư có tài chính ổn định đến như vậy. Tuy nhiên không phải điều gì cũng có thể lường trước được! Vấn đề được đặt ra ở đây, Trung Quốc sẽ có cơ hội xây dựng toàn bộ nền kinh tế, chính trị, giáo dục,.. của chính nó ở trên đất nước Việt Nam. Điều này không khỏi không ảnh hướng ít nhiều đến sự tồn tại của nước nhà. Bởi lẽ đã là một đặc khu kinh tế, đó sẽ mang vai trò mũi nhọn nâng cấp các thành phần liên quan lên cao. Có lẽ đó cũng chính là lí do khiến Trung Quốc ngỏ ý thuê đất 99 năm ở cả ba vùng đặc khu. Một lần nữa, ngân sách eo hẹp của quốc gia cũng là một rào cản lớn đối với việc phát triển và đầu tư cho dự án này. Xây dựng nên một đặc khu hoàn chỉnh không chỉ đơn giản là ngày một ngày hai, mà là cả quá trình dài với vô số những biến động khác. Chính vì vậy, Chính phủ, các nhà kinh tế học cũng như các doanh nghiệp đầu tư cần phải đảm bảo tốt các phương án dự trù để hoàn thành một cách minh bạch và kỹ lưỡng nhất. Có rất nhiều nhận định bao gồm cả tốt lẫn xấu trong quá trình hoàn thiện các vùng kinh tế đặc khu. Con người đã chứng kiến cũng khá nhiều công cuộc đổi mới nhờ vào dự án hình thành đặc khu kinh tế. Và qua thời gian, họ cũng đã thừa nhận sự thành công vượt bậc mà dự án này mang lại, không chỉ đối với nước nhà mà còn là sự chiêm ngưỡng đáng ngưỡng mộ của thế giới. Tuy nhiên trước những hào nhoáng mà chúng đang mang trên mình lúc này, chúng cũng từng dám đối mặt với thách thức và vừa kiên cường vừa khôn khéo vượt qua. Với Việt Nam cũng vậy, mặc dù sẽ vẫn còn tiếp diễn những khó khăn trước mắt, nhưng yếu tố quan trọng quyết định nhất vẫn là con người, nguồn lực có khả năng nắm chắc sự thành công của dự án. III. ĐÁNH GIÁ VÀ KẾT LUẬN Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều đã, đang và sẽ triển khai thực hiện thành lập vùng đặc khu kinh tế. Bởi lẽ chỉ cần dự án phát triển thành công, không chỉ thế hệ hiện tại mà cả các thế hệ sau này sẽ được hưởng thụ một nền kinh tế, văn hóa hiện đại, cùng với vô số các hệ thống cơ sở vật chất, giáo dục, cuộc sống tiên tiến. Lợi ích mà nó mang lại thật khó để có thể cân đo đong đếm được, như con gà đẻ trứng vàng mà ta vẫn thường nghĩ nó chỉ có thể xảy ra trong chuyện cổ tích. Tuy nhiên, mọi sự nỗ lực đều có cái giá của nó. Muốn thu lại lợi ích lớn thì cũng phải bền bỉ đối mặt và vượt qua những thách thức lớn hơn. Mặc dù thành quả của đặc khu mang lại nhiều đến vô kể và được cả thế giới biết đến, nhưng đằng sau đó cũng có hàng ngàn khu vực hoàn toàn thất bại trước kế hoạch này. Tiền vốn đầu tư, thời gian, đặc biệt là công sức lao động của tất cả người dân,... đều trở nên vô nghĩa và bị chôn vùi trong quên lãng. Còn đối với Việt Nam nói riêng, là một đất nước còn non trẻ đang dần chạm đến những điều to lớn như vậy, vẫn nên từ từ mà vững vàng. Thà chậm mà chắc hơn là nhanh mà lỏng lẻo. Tất cả cũng vì khao khát, hi vọng một ngày có thể thấy Việt Nam đủ vững chắc đứng trên trường quốc tế với bạn bè năm châu. Sau cùng với những ý kiến chủ quan mà nói, dự án xây dựng đặc khu là dự án mang chiều hướng chiến lược dài hạn. Đó là một cơ hội cũng như là một thử thách lớn đối với đất nước hình chữ S này chứng tỏ bản thân đối với các quốc gia khác. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã nỗ lực không ít trong công cuộc phát triển kinh tế, khai thác tối ưu các tiềm lực một cách hợp lí. Dần nhìn lại trong khoảng 10 năm qua, những thành tựu mà đất nước chúng ta gặt hái được quả là không hề nhỏ. Tuy nhiên, việc định vị được giá trị và địa thế của chúng ta cũng rất quan trọng. Biết trước sẽ có những xung đột mâu thuẫn bên ngoài, vậy nên cả Chính phủ và nhân dân cùng đồng lòng khôn khéo giải quyết, giữ toàn vẹn lãnh thổ cùng những truyền thống quý báu đến những thế hệ sau này. Cuối cùng, mong một ngày nào đó được chứng kiến Việt Nam với diện mạo khởi sắc hơn, lá cờ đỏ sao vàng tung bay đầy tự hào và rạng rỡ trên đầu trường kinh tế quốc tế.