Academia.eduAcademia.edu
Giải pháp phát triển bền vững ngành du lịch tỉnh Bình Dương Solutions for Sustainable Development of Binh Duong Tourism. TS. Nguyễn Hoàng Tiến ĐH Thủ Dầu Một Dr Nguyen Hoang Tien Thu Dau Mot University Tóm tắt: Bài viết này cung cấp bốn chiến lược được sử dụng đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển nghành du lịch tỉnh Bình Dương với các tỉnh thành khác. Là chiến lược tích hợp thu nhập, tổng hợp, đánh giá và đưa ra biện pháp khắc phục các tác động của môi trường - kinh tế - xã hội. Đánh giá thực tại nghành du lịch tỉnh Bình Dương thông qua những biến đổi về môi trường - kinh tế - xã hội trong những năm qua về yếu tố chủ quan và khách quan. Cần có những giải pháp kịp thời sửa đổi điểm hạn hẹp để phát triển nghành du lich một cách nhanh chống bền vững. Bài viết này trình bày thực trạng phát triển bền vững ngành du lịch tỉnh Bình Dương được làm sáng tỏ thông qua các nghiên cứu điển hình ở các tỉnh thành khác có nghành du lịch phát triển trên đất nước Việt Nam ở những năm gần đây. Từ khóa: Giải pháp, phát triển bền vững, tỉnh Bình Dương, bảo vệ môi trường, chủ quan, khách quan. Summary: This paper provides four strategies used to face challenges in the development of tourism industry in Binh Duong province with other provinces. It is a strategy to integrate income, synthesize, evaluate and propose measures to overcome the environmental, socio-economic impacts. Assess the reality of tourism industry in Binh Duong province through changes in environment - economy - society in recent years on subjective and objective factors. There should be solutions in time to modify the narrow points in order to develop the tourism industry quickly and sustainably. This article presents the reality of the sustainable development of tourism in Binh Duong Province, which has been elucidated through case studies in other provinces that have developed tourism in Vietnam in recent years. Key words: Solutions, sustainable development, Binh Duong province, environmental protection, subjective and objective 1. Dẩn nhập vấn đề nghiên cứu Du lịch (DL) tỉnh Bình Dương được ví như “mỏ vàng” đã bắt đầu phát lộ, nhưng chưa được khai thác hiệu quả, để làm giàu cho chính mình và đất nước. Dẫu không có biển như TP.HCM hay Bà Rịa – Vũng Tàu, nhưng DL Bình Dương lại được thiên nhiên ban tặng những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, mát mẻ nhờ có 3 con sông lớn chảy qua địa bàn là sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để xây dựng những khu du lịch (KDL) nghỉ dưỡng, DL sinh thái dọc theo các con sông, vừa có thể phát triển loại hình DL mạo hiểm, khám phá vốn rất được yêu thích đối với du khách nước ngoài, du khách đến từ các đô thị lớn trong nước nhất là TP.HCM. Bên cạnh đó, Bình Dương còn có món quà vô giá khác là núi Châu Thới (danh thắng cấp quốc gia – tọa lạc tại TX.Dĩ An) mà đặc biệt là danh thắng núi Cậu – lòng hồ Dầu Tiếng được ví như một thiên đường DL nhưng tiếc là vẫn chưa được đánh thức.Không chỉ chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh mà DL Bình Dương hiện đang đứng trước việc xâm hại môi trường DL, ảnh hưởng lâu dài đến việc thu hút du khách trong tương lai. Tình trạng xâm hại môi trường cảnh quan DL ở Bình Dương đang diễn ra hàng ngày, có thể dễ dàng bắt gặp ở nhiều nơi như KDL sinh thái núi Cậu - hồ Dầu Tiếng (vứt rác bừa bãi, khai thác khoáng sản), KDL chùa núi Châu Thới hay tại các danh thắng, di tích lịch sử – văn hóa khác (xả rác, xây dựng trái phép, mở đường giao thông). (Lê Hữu Phước, 2018) Một thực trạng khác cần phải đề cập là DL Bình Dương hiện đang đối mặt với hậu quả của việc thiếu tính định hướng, quy hoạch của những giai đoạn trước đây. Điểm dễ nhận thấy đầu tiên là Bình Dương dù có thế mạnh nhưng lại không có được những sản phẩm DL đặc thù hoặc có nhưng chỉ mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Ví dụ, những tour tham quan làng nghề truyền thống hiện nay (làng sơn mài Tương Bình Hiệp, lò lu Đại Hưng, lò chén, lò gốm Tân Phước Khánh) được các du khách phản ánh là quá đơn điệu, trùng lắp, khâu thuyết minh, hướng dẫn thì vừa thiếu lại vừa yếu. Tính tương tác giữa du khách với công việc sáng tạo sản phẩm và nghệ nhân, người dân làng nghề là gần như không có. Du khách có nhu cầu rất lớn muốn được trải nghiệm mình tham gia một công đoạn trong quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống như nhào nặn đất sét làm gốm, vẽ, cẩn sơn mài… nhưng chỉ được hướng dẫn viên giới thiệu vài câu, gợi ý mua sản phẩm và ra về (Chí Thanh và Hòa Nhân, 2012). Vậy làm thế nào để DL Bình Dương phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, đồng thời là một công cụ nâng cao chất lượng đời sống nhân dân; phấn đấu đến năm 2015 đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó 43 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu DL đến năm 2015 đạt khoảng 2.200 tỷ đồng… như mục tiêu được lãnh đạo tỉnh và ngành DL Bình Dương đặt ra? Rất mừng là ngành DL Bình Dương đã xây dựng xong Quy hoạch phát triển DL tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, đã được UBND tỉnh phê duyệt và ban hành mới đây. Đây là một trong những kim chỉ nam đồng thời là hành lang pháp lý để định hướng phát triển DL Bình Dương trong vòng 20 năm tới. Bên cạnh đó, việc Bình Dương vừa củng cố lại Hiệp hội DL tỉnh Bình Dương với Đại hội giữa nhiệm kỳ và ra mắt Ban chấp hành mới tập hợp những cá nhân có năng lực, tâm huyết, đam mê với ngành nghề. Đây sẽ là cú hích cho DL tỉnh nhà được lèo lái, phát triển theo định hướng, tránh những chồng chéo, thiếu sót như hiện nay (Lê Hữu Phước,2018). 2. Cơ sở lý luận của vấn đề nghiên cứu a) Phát triển bền vững Khái niệm về du lịch: Thực tế hoạt động du lịch đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử phát triển của loài người. Trong thời kỳ cổ đại Ai Cập và Hy Lạp, hoạt động du lịch còn mang tính tự phát, đó là cuộc hành hương về đất thánh, các thánh địa, chùa chiền, các nhà thờ Kitô giáo... Đến thế kỷ XVII, khi các cuộc chiến tranh kết thúc, thời kỳ Phục hưng ở các nước Châu Âu bắt đầu, kinh tế -xã hội phát triển nhanh, thông tin, bưu diện cũng như giao thông vận tải phát triển và thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ. Thời kỳ du lịch hiện đại gắn liền với sự ra đời của Hãng du lịch lữ hành Thomas Cook -người đặt nền móng cho việc phát triển các hãng du lịch lữ hành ngày nay. Năm 1841 Thomas Cook đã tổ chức cho 570 người đi từ Leicestor tới Loughborough với một mức giá trọn gói bao gồm các dịch vụ về thức ăn, đồ uống, vui chơi và ca nhạc tập thể... Nhưng du lịch chỉ thực sự phổ biến cuối thế kỷ XIX và bùng nổ vào thập kỷ 60 của thế kỷ XX khi cuộc cách mạng khoa học -kỹ thuật lần thứ II đem lại nhữngthành quả to lớn về kinh tế và xã hội. Con người sống trong không gian "bê tông", "máy tính", tác phong công nghiệp đã quá mệt mỏi, họ nảy sinh nhu cầu trở về với thiên nhiên, về với cội nguồn văn hoá dân tộc hay chỉ đơn giản là nghỉ ngơi sau một thời gian lao động. Như vậy, du lịch đã trở thành hiện tượng quen thuộc trong đời sống con người và ngày càng phát triển phong phú cả về chiều rộng và chiều sâu.Theo Tổ chức Du lịch thế giới (WTO) năm 1998 khách du lịch toàn cầu là 625 triệu lượt người, thu nhập từ du lịch là 448 tỷ đô la Mỹ, năm 1999 là 645 triệu lượt người, năm 2000 là 692 triệu lượt người. Khi đó người ta dự báo lượng du khách đạt đến 783 triệu lượt người vào năm 2005 và 937 triệu lượt người vào năm 2010. Tổ chức du lịch thế giới (WTO) định nghĩa về du lịch như sau: "Du lịch bao gồm tất cả các hoạt động của một cá nhân đi đến và lưu lại tại những điểm ngoài nơi ở thường xuyên của họ trong thời gian không dài hơn một năm với mục đích nghỉ ngơi, công vụ và mục đích khác". Ở Việt nam, khái niệm du lịch được nêu trong Pháp lệnh du lịch năm 1999 như sau: "Du lịch là hoạt động của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm thoả mãn nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định". Từ các định nghĩa trên cho ta thấy du lịch là một hoạt động liên quan đến một cá nhân, một nhóm hay một tổ chức đi ra khỏi nơi cư trú thường xuyên của họ bằng các cuộc hành trình ngắn ngày hoặc dài ngày ở một nơi khác với mục đích chủ yếu không phải làm kiếm tiền. Quá trình đi du lịch của họ được gắn với các hoạt động kinh tế, các mối quan hệ, hiện tượng ở nơi họ cư trú tạm thời. Có rất nhiều cách phân loại du lịch. Căn cứ vào nhu cầu và mục đích của chuyến đi du lịch, du lịch được phân thành du lịch nghỉ ngơi, du lịch chữa bệnh, du lịch tham quan...; căn cứ vào thời gian và địa điểm của chuyến du lịch có du lịch quanh năm, du lịch theo mùa; Căn cứ vào hình thức du lịch thì có du lịch theo tổ chức và du lịch không qua tổ chức hay du lịch riêng lẻ. Trong báo cáo đề này chúng ta quan tâm nhiều hơn đến việc phân loại du lịch theo tiêu thức địa lý chính trị. Căn cứ vào tiêu thức địa lý, chính trị, dưới góc độ một quốc gia thì du lịch được phân chia thành du lịch nội địa và du lịch quốc tế. Du lịch nội địa là loại hình du lịch mà các mối quan hệ, các hiện tượng gắn với du lịch chỉ diễn ra trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia. Ngược lại, du lịch quốc tế là loại hình du lịch mà các cuộc hành trình và lưu trú của một cá nhân bên ngoài phạm vi lãnh thổ nước họ, nghĩa là ở nước ngoài. Khái niệm về du lịch bền vững: Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường thiên nhiên và cộng đồng địa phương, và có thể được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến nguồn sinh thái mà du lịch phụ thuộc vào. Mạng Lưới tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (United Nation World Tourism Organization Network - UNWTO) chỉ ra rằng du lịch bền vững cần phải (Nguyễn Thị Thảo, 2018): a) Về môi trường: Sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường đóng vai trò chủ yếu trongphát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu, và giúp duy trì di sản thiên nhiên và đa dạng sinh học tự nhiên. b) Về xã hội và văn hóa: Tôn trọng tính trung thực về xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng và đang sống động, và đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ liên văn hóa. c) Về kinh tế: Bảo đảm sự hoạt động kinh tế tồn tại lâu dài, cung cấp những lợi ích kinh tế xã hội tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ một cách công bằng, bao gồm cả những nghề nghiệp và cơ hội thu lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, và đóng góp vào việc xóa đói giảm nghèo. Khái niệm phát triển du lịch bền vững không chỉ tập trung vào việc bảo vệ môi trường mà còn tập trung vào việc duy trì những văn hóa của địa phương và đảm bảo việc phát triển kinh tế, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia. b. Phát triển bền vững trong ngành du lịch Du lịch là một trong những công nghệ tạo nhiều lợi tức nhất cho đất nước. Du lich có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt các Mục Tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (Millennium Development Goals) mà Liên Hơp Quốc đã đề ra từ năm 2000, đặc biệt là các mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới tính, bền vững môi trường và liên doanh quốc tế để phát triển. Chính vì vậy mà du lịch bền vững (sustainable tourism) là một phần quan trọng của phát triển bền vững (sustainable development) của Liên Hợp Quốc và của Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình Nghị sự 21 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Phát triển du lịch bền vững là một chủ đề được thảo luận rất nhiều ở các hội nghị và diễn đàn lớn nhỏ trên toàn thế giới. Mục đích chính của phát triển bền vững là để 3 trụ cột của du lịch bền vững - Môi trường, Văn hóa xã hội và Kinh tế - được phát triển một cách đồng đều và hài hòa. Những lí do đi sâu vào chi tiết để giải thích tại sao lại cần phát triển du lịch bền vững thì có nhiều, nhưng có thể thấy rất rõ ở 3 yếu tố từ định nghĩa trên: Thứ nhất: Phát triển du lịch bền vững giúp bảo vệ môi trường sống. Vì bảo vệ môi trường sống không chỉ đơn giản là bảo vệ các loài động thực vật quý hiếm sống trong môi trường đó, mà nhờ có việc bảo vệ môi trường sống mà con người được hưởng lợi từ đó: Không bị nhiễm độc nguồn nước, không khí và đất. Đảm bảo sự hài hòa về môi trường sinh sống cho các loài động thực vật trong vùng cũng là giúp cho môi trường sống của con người được đảm bảo. Thứ hai: Phát triển du lịch bền vững còn giúp phát triển kinh tế, ví dụ, từ việc khai thác các đặc sản văn hóa của vùng, người dân trong vùng có thể nâng cao đời sống nhờ khách du lịch đến thăm quan, sử dụng những dịch vụ du lịch và sản phẩm đặc trưng của vùng miền, của vùng. Phát triển du lịch bền vững cũng giúp người làm du lịch, cơ quan địa phương, chính quyền và người tổ chức du lịch được hưởng lợi, và người dân địa phương có công ăn việc làm. Thứ ba: Phát triển du lịch bền vững còn đảm bảo các vấn đề về xã hội, như việc giảm bớt các tệ nạn xã hội bằng việc cung cấp công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ở một cái nhìn sâu và xa hơn, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách có ý thức và khoa học, đảm bào cho các nguồn tài nguyên này sinh sôi và phát triển để thế hệ sau, thế hệ tương lai có thể được tiếp nối và tận dụng. Với ba lí do được đề cập đến ở bên trên, ta có thể thấy rõ vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch bền vững trong chính sách phát triển bền vững ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Phát triển du lịch bền vững để có thể đạt được 3 yếu tố đó đòi hỏi rất nhiều công sức và sự làm việc nghiêm chỉnh trong lúc thực hiện, đặc biệt đối với một nước nền kinh tế còn nghèo và còn nhiều phụ thuộc như Việt Nam, cùng với việc phát triển dân số, hệ thống luật lệ chồng chéo, và hệ thống hành chánh còn nhiều yếu kém. 3. Phương pháp nghiên cứu Để thực hiện nghiên cứu đề tài, tác giả chủ yếu sử dụng một số phương pháp như phương pháp thu thập và xử lý số liệu, phương pháp khảo sát điều tra thực địa, phương pháp bản đồ và phương pháp thống kê, cụ thể: - Phương pháp thu thập và xử lý tài liệu là phương pháp truyền thống, được sử dụng khá phổ biến trong nghiên cứu bởi tính đa dạng, chính xác và ưu thế lớn trong việc rút ngắn thời gian nghiên cứu. Phương pháp này nhằm giúp tác giả xử lí tài liệu theo mục đích nghiên cứu của đề tài sau khi đã thu thập được tài liệu. Thông qua phương pháp này nhằm giảm “độ vênh” giữa các tài liệu do được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau. Từ đó từng bước đối chiếu và rút ra những luận điểm là cơ sở cho những nhận định hoặc kết luận khoa học của đề tài. Vì vậy thông qua việc phân tích, đối chiếu các tài liệu liên quan đến du lịch tỉnh Bình Dương để rút ra những chỉ số có tính định lượng, từ đó xác định những sản phẩm có tính chủ lực, đề ra những chiến lược phát triển có hiệu quả. - Phương pháp khảo sát điều tra thực địa: Mỗi đối tượng, sự vật trong du lịch đều gắn liền với một không gian nhất định. Vì vậy để quá trình nghiên cứu có hiệu quả cần tiến hành những cuộc khảo sát ngoài thực địa. Trong đề tài này, phương pháp được sử dụng để thu thập bổ sung tư liệu về tài nguyên du lịch của Bình Dương, hiện trạng khai thác tài nguyên… Phương pháp này đặc biệt có vai trò quan trọng trong nghiên cứu các vấn đến kinh tế - xã hội có liên quan đến các hoạt động phát triển du lịch tại Bình Dương. Ngoài ra, phương pháp này còn được sử dụng để xác định tình trạng môi trường cũng như định lượng các chỉ tiêu hiện trạng môi trường. - Phương pháp bản đồ: Phương pháp bản đồ là phương pháp đặc trưng trong nghiên cứu địa lí bởi mọi nghiên cứu trong địa lí đều mở đầu bằng bản đồ và kết thúc cũng bằng bản đồ. Vì vậy bản đồ có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần giải quyết các kết quả nghiên cứu cũng như sự phân bố các đối tượng một cách khoa học và trực quan. Đối với đề tài này, phương pháp bản đồ được sử dụng qua hai bước: + Nghiên cứu bản đồ có sẵn: Dựa trên các bản đồ thu thập được, xác định phạm vi nghiên cứu một cách tổng quát, nghiên cứu về các điểm du lịch tỉnh Bình Dương. + Xây dựng các bản đồ: dựa trên kết quả của việc phân tích tài liệu, số liệu… xây dựng các bản đồ: hành chính, tài nguyên du lịch, hiện trạng và định hướng khai thác du lịch của tỉnh Bình Dương. Phương pháp toán thống kê: Hoạt động du lịch liên quan rất nhiều tới việc - thống kê các số liệu về khách, số lượng tài nguyên, doanh thu và nhiều chỉ số khác. Bằng những phép phân tích thống kê toán học cho phép nhà nghiên cứu rút ra những quy luật vận động của sự việc. Vì vậy là phương pháp không thể thiếu trong quá trình nghiên cứu về mối quan hệ chặt chẽ giữa mặt định tính và định lượng của các hiện tượng, quá trình biến động, phát triển trong hoạt động du lịch. Trên cơ sở thống kê, tính toán sự tăng trưởng số lượng khách, doanh thu, cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ du lịch từ đó thấy được sự biến đổi hoạt động du lịch qua các mốc thời gian và tiến hành dự báo để đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Bình Dương. 4. Kết quả nghiên cứu Bình Dương là một tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Nơi đây được đánh giá là vùng đất trù phú, thiên nhiên đa dạng với nhiều địa danh đậm nét đặc trưng của vùng Đông Nam Bộ nổi tiếng khắp cả nước. Bình Dương cũng rất giàu tài nguyên du lịch nhân văn được hình thành qua 300 năm lịch sử rất thuận lợi để khai thác du lịch. Sau đây là các loại hình hiện đang khai thác phục vụ nhiều nhất cho du khách: - Du lịch văn hóa là loại hình du lịch hiện đang có thế mạnh của tỉnh Bình Dương, với 42 di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng đã được xếp hạng (tính đến tháng 7/2011), trong đó có 11 di tích được công nhận cấp Quốc gia và 31 di tích cấp tỉnh, gần 500 di tích phổ thông chưa được xếp hạng. Cùng với 32 làng nghề với 9 nghề truyền thống đang tồn tại và hoạt động giúp cho du lịch văn hóa ở tỉnh Bình Dương thêm đa dạng. Thực tế trong những năm vừa qua các di tích lịch sử và danh thắng đã góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách đến tham quan, nâng doanh thu của ngành du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. - Du lịch sinh thái ở tỉnh Bình Dương cũng đang tự khẳng định thương hiệu của mình ngày càng thu hút khách tham quan trong và ngoài nước đến tỉnh Bình Dương. Việc xuất hiện ngày càng nhiều những khu du lịch sinh thái đã cho thấy sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đến loại hình du lịch này. Ngoài ra, tỉnh còn có các loại hình du lịch khác như: du lịch nghỉ ngơi giải trí, du lịch thể thao cao cấp, du lịch camping... Sản phẩm du lịch có ý nghĩa sống còn trong việc tồn tại và phát triển của du lịch. Tỉnh Bình Dương đang từng bước xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch của mình gắn với các điểm, tuyến du lịch phù hợp. Sản phẩm du lịch của Bình Dương khá đa dạng. Qua quá trình khai thác du lịch trong những năm vừa qua ngành du lịch của tỉnh đã xác định các sản phẩm du lịch đang phục vụ cho khách du lịch: Du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử. du lịch nghĩ dưỡng, du lịch vui chơi giải trí, du lịch lễ hội, trong đó có du lịch tôn giáo, du lịch thể thao, du lịch công vụ. Hiện nay, du lịch vui chơi giải trí ở Bình Dương tập trung vào các khu công viên vui chơi giải trí theo mô hình công viên chuyên đề (Theme Park). Trong đó khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được đánh giá là một khu công viên chuyên đề lớn nhất Việt Nam. Riêng du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ phát triển theo mô hình các điểm du lịch nhỏ chủ yếu khai thác khách du lịch cuối tuần với các dịch vụ chính: bơi lội, ẩm thực, các trò vui chơi giải trí cho trẻ em. Du lịch sinh thái gắn liền với tiềm năng du lịch sinh thái rừng núi phát triển một cách tự phát ở các khu vực có cảnh quan đẹp như hồ Than Thở, hồ Dầu Tiếng, núi Cậu. Du lịch thể thao cao cấp phát triển dưới hình thức các sân golf. Hiện tỉnh có một sân golf đang hoạt động là sân golf Sông Bé và hai dự án sân golf khác đang trong giai đoạn xây dựng là sân golf Phú Mỹ và sân golf MeKong (cù lao Bạch Đằng). Du lịch nghỉ dưỡng phát triển mô hình nhỏ như khu du lịch nghỉ dưỡng Phương Nam, Dìn Ký, Mắt Xanh. Sản phẩm tham quan: Các khu du lịch quan trọng mang tính chất động lực phát triển bao gồm các không gian như sau: - Không gian phía Tây Bắc: khu du lịch núi Cậu – hồ Dầu Tiếng và khu du lịch hồ Cần Nôm, huyện Dầu Tiếng. - Không gian phía Đông: gồm điểm du lịch nghĩ dưỡng Mắt Xanh, khu du lịch Bình Mỹ, Hàn Tam Đẳng, Phước Lộc Thọ, hồ Đá Bàn, khu du lịch sinh thái Mêkong Golf và Villas, huyện Tân Uyên và các khu nghĩ dưỡng ven sông Đồng Nai và Sông Bé. - Không gian phía Nam: gồm khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến ở thị xã Thủ Dầu Một, điểm du lịch Phương Nam, Dìn Ký, Thanh Cảnh ở thị xã Thuận An, trung tâm bảo tồn sinh thái Phú An ở huyện Bến Cát và các khu nghĩ dưỡng ven sông Sài Gòn,... Các điểm du lịch: Các điểm du lịch có ý nghĩa quan trọng: là các điểm du lịch có giá trị tài nguyên du lịch cao, có khả năng phát triển thành các hạt nhân tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển du lịch của các khu vực lân cận. Các điểm du lịch có ý nghĩa địa phương: là các điểm du lịch có khả năng phát triển thành các khu du lịch, điểm du lịch và khai thác hình thành các loại hình sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch. Tuyến du lịch trên sông: Hiện tại, chỉ có khu du lịch xanh Dìn Ký (Bình Nhâm, thị xã Thuận An) là đơn vị mạnh dạn đầu tư khai thác mảng du lịch này với tour mang tên gọi “Miệt vườn giữa phố thị”. Khu du lịch xanh Dìn Ký phát triển du lịch sông nước bằng cách kết hợp lợi thế về địa điểm, cùng với việc tạo ra nhiều dịch vụ giải trí mang tính chất dân dã, cổ truyền để thu hút du khách như xe ngựa trên đường làng, tát mương bắt cá, xem đá gà, thưởng thức trà mật ong, mứt đặc sản của vùng quê Lái Thiêu. Ở đây còn tái tạo lại những làng nghề thủ công đặc sắc của cả nước như các công đoạn làm kẹo dừa Bến Tre, bánh tráng Phú An, mứt gừng Bình Nhâm, rượu nếp Dìn Ký. Tuyến du lịch trên sông sẽ đưa du khách tham quan chùa Bà, cơ sở gốm sứ Minh Long, tìm hiểu về các làng nghề truyền thống của tỉnh Bình Dương. Lượng khách du lịch đến tỉnh Bình Dương tăng trong những năm gần đây, đặc biệt tăng nhanh về số lượng từ năm 2006 đến năm 2010. Điều này phản ánh sự phát triển mạnh của du lịch tỉnh Bình Dương. Dưới sự quan tâm của tỉnh, du lịch được đầu tư phát triển đã thu hút được lượng khách lớn. Năm 2006 đến 2007, du lịch tỉnh chưa phát triển hầu như không có các loại hình du lịch mới lạ nào nên lượng khách tăng không đáng kể chỉ tăng 0,12 lần. Nhưng đến năm 2008, khi khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến được đưa vào hoạt động phục vụ cho du lịch đã tạo một lực hút lớn lượng khách đến tỉnh Bình Dương tăng đột biến 541659 khách, tăng 2,4 lần. Trước thành công đó tỉnh tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho du lịch và lượng khách tiếp tục tăng trong năm 2009, 2010. Năm 2009 lượng du khách tăng 1.742.561 khách, 2,74 lần so với năm 2008, năm 2010 tăng 839.455 khách, tăng 1,3 lần. Lượng khách đến tỉnh Bình Dương chủ yếu là khách nội địa chiếm hơn 99% tổng lượng khách đến, còn lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Qua đó cho thấy du lịch của tỉnh tập trung khai thác lượng khách nội địa, chưa quan tâm nhiều đến việc thu hút lượng khách quốc tế đến tỉnh. Số lượng khách lưu trú ngày càng tăng từ năm 2006 đến năm 2010 và tăng nhanh về số lượng từ năm 2008 đến năm 2010, điều đó phản ánh đúng lượng khách đến tỉnh tăng trong giai đoạn này. Tuy nhiên qua số liệu ta thấy khách du lịch đến tỉnh trong ngày còn nhiều do nhiều nguyên nhân như: khách trong tỉnh ít có nhu cầu nghỉ lại, cơ sở lưu trú còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu. Bình Dương sở hữu cơ sở hạ tầng phát triển mạnh so với các khu vực kinh tế lớn trong cả nước. Về giao thông vận tải, mạng lưới giao thông đang trong thời kỳ phát triển mạnh, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy giúp cho du lịch cho điều kiện phát triển thuận lợi. Về thông tin liên lạc, ngành dịch vụ bưu chính viễn thông phát triển và hiện đại đã góp phần giúp ngành du lịch của tỉnh Bình Dương phát triển mạnh. Các chỉ tiêu về bưu chính viễn thông như bán kính phục vụ, số dân trung bình trên một điểm phục vụ của tỉnh đều đạt ở mức cao so với mức bình quân của cả nước. Mạng lưới bưu chính viễn thông rộng khắp, cung cấp nhiều dịch vụ bưu chính đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận dịch vụ, đáp ứng khá tốt nhu cầu sử dụng trong hoạt động du lịch. Các loại hình dịch vụ viễn thông đa dạng, phong phú. Tốc độ tăng trưởng nhanh, dịch vụ điện thoại di động tăng trung bình giai đoạn 2001-2010 đạt 21,9%/năm và dịch vụ điện thoại cố định tăng bình quân 89,1%/năm. Các chỉ tiêu viễn thông của tỉnh đều cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh những dịch vụ bưu chính viễn thông truyền thống đã cung cấp, hiện đang dần đưa một số dịch vụ mới (Chuyển phát nhanh, Bưu chính ủy thác, Chuyển tiền nhanh, Tiết kiệm bưu điện...) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng cũng như hỗ trợ ngành du lịch của tỉnh phát triển hơn. Về năng lượng, nguồn điện được công cấp chủ yếu từ nguồn điện lưới quốc gia 110kV, 220kV. Tỉnh đã đầu tư xây dựng mới trạm Sóng Thần công suất 40 MVA, Tân Định công suất 40 MVA, đường dây Đồng Xoài – Phước Hòa và trạm Phước Hòa tổng công suất 140 MVA, đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện 150 MVA của khu công nghiệp Việt Nam – Singapore. Xây dựng nhà máy nhiệt điện cung cấp khoảng 150 – 200 MVA cho các khu công nghiệp và các điểm du lịch. Về nước, nguồn cung cấp nước sạch dồi dào với 2 nhà máy Thủ Dầu Một và Dĩ An (Thủ Dầu Một 12.000m3/gày, Dĩ An 15.000m3/ngày). 5. Thảo luận Bài viết này tìm kiếm các giải pháp nâng cao sự hiểu biết của người dân về thực trạng du lịch tỉnh Bình Dương và sự can thiệp của cán bộ Nhà nước một cách kịp thời vào các điểm du lịch bằng các định chế chỉ đạo phương hướng mới đáp ứng nhu cầu về vốn đầu tư xây dựng cơ sở khang trang hiện đại hơn được áp dụng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẳn có của vùng nhằm tăng mức sống, trình độ của người dân thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xã hội. Khi đó phải có sự hợp tác giữa người dân hoặc chủ các điểm du lịch với các cơ quan quản lý chặt chẽ của Nhà nước để đảm bảo phát triển, buộc các các cán bộ nhà nước phải cập nhật và đánh giá thực trạng điểm mạnh, điểm yếu mà nâng cao năng lực, trình độ quản lý phục vụ cho ngành du lịch. Trên thực tế, Du lịch của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng tại sao vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, tính cạnh tranh thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới? Theo quan sát của tác giả, nguyên nhân là do 10 vấn đề nổi cộm của du lịch Việt hiện nay. Một là, tệ nạn đeo bám, chèo kéo, gian lận, ép giá, lừa đảo, xâm phạm tài sản, tính mạng của du khách chưa được kiểm soát; các phương tiện giao thông chưa được quản lý chặt. Hai là, cảnh quan, quy hoạch du lịch bị phá vỡ. Ba là, sản phẩm du lịch nghèo nàn. Bốn là, quảng bá du lịch nhiều hạn chế. Năm là, chính sách visa cho khách du lịch nước ngoài thắt chặt nhất so với khu vực và thế giới. Sáu là, phát triển về lượng hơn chất. Bảy là, du khách Việt kém văn minh, vi phạm luật pháp quốc tế ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường du lịch và hình ảnh con người, đất nước. Tám là, hướng dẫn viên còn yếu và thiếu. Chín là, một số công ty du lịch kinh doanh chộp giật, cạnh tranh thiếu lành mạnh, thiếu liên kết. Và cuối cùng, quản lý Nhà nước về du lịch còn yếu. Theo tác giả, muốn du lịch Việt phát triển, bản thân ngành du lịch và Bộ VHTT&DL không thể tự giải quyết được hết các vấn đề. Nếu ngành du lịch không nhận được sự hỗ trợ, ưu tiên, hợp tác của các ban ngành, địa phương thì khó tự tháo gỡ khó khăn để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Về phương diện Nhà nước, có thể tác động vào du lịch theo 4 mặt: Định hướng, chính sách, thực thi và giám sát. Việc định hướng và chính sách về du lịch đã khá đúng và đầy đủ, song việc thực thi và giám sát chưa tốt. Trong quyết định của các cấp T.Ư và địa phương còn nặng về thỏa hiệp với các nhân tố gây phá hủy môi trường và sự phát triển bền vững của du lịch. Do vậy, trong Luật Du lịch sửa đổi và các văn bản dưới luật, cần chú trọng vào những nội dung để có thể cải thiện những điểm yếu này. Việc thực thi và giám sát của ngành du lịch chưa tốt. Dự thảo lần 2 Luật Du lịch (sửa đổi) cần điều chỉnh theo hướng tăng quyền cho thanh tra du lịch. Ở một số địa bàn du lịch trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hạ Long, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng… nên thí điểm mô hình cảnh sát du lịch nhằm góp phần giải quyết các tồn tại. Trong bối cảnh lực lượng thanh tra du lịch còn thiếu, cần bổ sung nghĩa vụ của khách du lịch như: Có trách nhiệm ứng xử văn minh và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch; thực hiện các quy định, cảnh báo về an toàn du lịch; khách đi du lịch nước ngoài không được trốn ở lại bất hợp pháp tại nước ngoài. Khách du lịch tới Việt Nam không được trốn ở lại bất hợp pháp tại Việt Nam. Nếu khách du lịch vi phạm sẽ bị phạt theo quy định của pháp luật. Mặt khác vấn đề quản lý khu du lịch cần bổ sung địa bàn (khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch trọng điểm du lịch) có lượng khách du lịch trên 1 triệu người/năm cần thành lập trung tâm hỗ trợ du khách, thiết lập đường dây nóng, xây dựng cơ chế tiếp nhận và xử lý phản hồi của khách du lịch. Về vấn đề trách nhiệm của các đơn vị lữ hành và hướng dẫn viên, đối với công ty kinh doanh lữ hành, nên bổ sung điều khoản như: nếu công ty du lịch không phổ biến để khách thực hiện văn minh du lịch và tuân thủ pháp luật khi đi du lịch dẫn tới hậu quả nghiêm trọng thì công ty cũng bị phạt. Ví dụ, nếu chứng minh được công ty du lịch tiếp tay cho khách du lịch bỏ trốn bất hợp pháp ở nước ngoài thì công ty sẽ bị phạt và phải phạt nặng để tăng sức răn đe. Trong dự luật mới có thay đổi điều kiện cấp thẻ hướng dẫn nội địa và quốc tế theo hướng đơn giản hơn. Tuy nhiên, cũng không nên buông lỏng việc đào tạo và cấp thẻ hướng dẫn viên vì chất lượng hướng dẫn viên hiện đang ở mức thấp. Trong khi, hướng dẫn viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hướng hành vi của khách, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến du khách (Nguyễn Minh Đức, 2016) 6. Kết luận và kiến nghị Kết luận Ngành du lịch tỉnh Bình Dương đã thành công trong phát triển du lịch trong giai đoạn 2006 – 2010 đã đóng góp đáng kể vào ngân sách của tỉnh. Tiềm năng du lịch của tỉnh khá đa dạng và phong phú bao gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn, vì vậy cần khai thác hiệu quả trong thời gian tới. Công tác đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực trong nước và nhà nước để phát triển du lịch đã thành công và tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đặc trưng văn hóa địa phương đã góp phần bảo tồn và khai thác có hiệu quả các di tích lịch sử, các giá trị di sản văn hóa, các giá trị môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững cả du lịch và môi trường sinh thái. Phát triển du lịch cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy các ngành liên quan khác phát triển. Những kết quả đạt được cũng như những tồn tại hạn chế được nêu ra sẽ khắc phục trong quy hoạch du lịch giai đoạn 2011 – 2020. Quy hoạch sẽ giúp cho các dự án đầu tư triển khai tốt hơn, công tác quản lý du lịch chặt chẽ hơn và phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, từng bước đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tếmũi nhọn, góp phần thay đổi diện mạo tỉnh Bình Dương, để đến năm 2030 Bình Dương được xếp vào nhóm có du lịch phát triển trong nước và khu vực. Kiến nghị Bình Dương là tỉnh thiên về công nghiệp, hoạt động du lịch của tỉnh mới được chú trọng quan tâm đầu tư trong những năm gần đây vì vậy còn nhiều bất cập cần giải quyết trong thời gian tới để du lịch phát triển mạnh. Vì vậy từ những hạn chế trong du lịch sẽ đề ra được một số biện pháp khắc phục như sau: Phát triển du lịch tuân theo quy hoạch du lịch của tỉnh, hạn chế tình trạng phát triển một cách tự phát, kiểm tra giám sát hình thức du lịch tự phát đã diễn ra trước đó. Các di tích lịch sử và các danh thắng đã góp phần rất lớn trong việc thu hút du khách, nâng cao doanh thu của ngành du lịch tỉnh. Để khai thác tốt hơn loại hình du lịch này cần phải gắn kết chặt chẽ hoạt động của di tích lịch sử văn hóa với hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch. Mặt khác, dù công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa nhà nước đã quan tâm nhưng không đáp ứng đủ yêu cầu chống xuống cấp. Vì vậy, cần phải huy động vốn cho công tác trùng tu từ các nguồn vốn ngoài nhà nước. Khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề, tạo ra những sản phẩm thủ công truyền đa dạng về mẫu mã và phong phú về số lượng và chủng loại. Thúc đẩy nhanh các hình thức quảng bá du lịch, không chỉ tuyên truyền trong tỉnh, các khu vực lân cận, cả nước mà còn phải liên kết với các công ty lữ hành, công ty du lịch nước ngoài để thu hút lượng khách du lịch quốc tế. Triển khai nhiều gói du lịch giá rẻ, chất lượng cao. Tạo dựng các sản phẩm du lịch trọn gói, lập chương trình du lịch làng nghề, cho các tuyến cần quan tâm phát triển để thu hút khách du lịch. Cần đầu tư khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và sông nước. Tiếp tục phát huy thương hiệu “Miệt vườn Lái Thiêu” tốt hơn bằng cách phát triển các sản phẩm du lịch chính như: thưởng thức trái cây, câu cá tham quan vườn cây, đi thuyền trên sông rạch. Khai thác du lịch sinh thái trên các sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé. Du lịch mạo hiểm trên sông Bé cần tiến hành khai thác nhưng yếu tố an toàn cho du khách cần quan tâm. Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng ở khu vực núi Cậu – hồ Dầu Tiếng cần khai thác hết tiềm năng du lịch, cơ quan chức năng ở khu vực này cần quản lý chặt chẽđể tránh tình trạng phát triển du lịch tự phát, nhỏ lẻ và kết hợp khai thác du lịch với tỉnh bạn (tỉnh Tây Ninh) để đạt được hiệu cao hơn. Hạn chế thiếu lực lượng lao động du lịch, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp bằng cách mở ngành, lớp đào tạo du lịch, liên kết TP. Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo, đưa ra những chính sách thu hút nhân tài. Để du lịch phát triển, vấn đề môi trường cần được quan tâm hơn nữa. Nâng cao công suất nhà mày xử lý nước thải của khu công nghiệp Sóng Thần I,II. Tăng cường xây dựng thêm các dự án nước thải như dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương. Tiếp tục tuyên truyền ý thức giữ gìn môi trường trong các khu dân cư. Hiện nay, Bình Dương đang tập trung phát triển thành phố thông minh (smart city) với vai trò hạt nhân là Thành phố mới Bình Dương được quy hoạch tổng thể với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đầy đủ. Cần phải phát huy mô hình thành phố thông minh này trong cải thiện hiệu quả quản lý các khu vực kinh tế của Tỉnh, trong đó có mảng du lịch, nhằm phát huy lợi thế vốn có, nâng cao mức độ tiếp cận với các thông tin đa dạng về dịch vụ du lịch đối với du khách trong và ngoài nước. Bình Dương cần thêm những giải pháp phát triển du lịch thông minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của du khách, như một phần không thể thiếu đươc của mô hình thành phố thông minh và đô thị thông minh, một xu hướng phát triển tất yếu của các thành phố hàng đầu của cả nước và trên khắp thế giới. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Chí Thanh và Hòa Nhân, 2012. Bình Dương cần làm gì để phát triển bền vững?, Nguồn: Báo Bình Dương,<https://binhduongmoi.com/binh-duong-can-lam-gide-phat-trien-du-lich-ben-vung/>, xem 02/05/2018. Đoan Trang, 2018. Kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 - 2018 có những chuyển biến tích cực với ba đột phá chiến lược. https://www.binhduong. gov.vn/tin-tuc/2018/08/37-kinh-te-xa-hoi-tinh-binh-duong-giai-doan-20162018-co-nhung-chuyen-bien-tich-cuc-voi-ba-dot-pha-chien-luoc, xem 10.12.2018. Huỳnh Thị Thùy Dung, 2012. Nghiên cứu địa đạo tam giác sắt tỉnh bình dương, nhằm đề xuất giải pháp phát triển thành khu du lịch sinh thái Bình Dương, <https://123doc.org/document/3280700-dia-dao-tam-giac-sat-tinh-binhduong-nham-de-xuat-giai-phap-phat-trien-thanh-khu-du-lich-sinh-thai-benvung.htm> luận văn cử nhân môi trường, Trường Đại học công nghệ tp.hcm (hutech). Lê Hữu Phước,2018. Bình Dương cần làm gì để phát triển du lịch bền vững?, Nguồn: Báo Bình Dương, <http://baobinhduong.vn/du-lich-binh-duong-can-lam-gi-dephat-trien-ben-vung-a44782.html>, xem 10/10/2012. Nguyễn Thị Thảo, 2018. Phát triển bền vững du lịch chí linh trong xu thế hội nhập,<http://ftf.saodo.edu.vn/nghien-cuu-trao-doi/phat-trien-ben-vung-dulich-chi-linh-trong-xu-the-hoi-nhap-112.html >, xem 02/05/2018. Nguyễn Minh Đức, 2016. 10 vấn đề cần sớm giải quyết để Du lịch Việt Nam phát triển, <http://kinhtedothi.vn/10-van-de-can-som-giai-quyet-de-du-lich-viet- nam-phat-trien-124425.html>, xem 23/07/2016. Phan Thị Thái Hà (2015). Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch, Tổng cục du lịch, Bộ văn hóa, thể thao và du lịch, Hà Nội. Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sở văn hóa thể thao, du lịch Bình Dương. http://sovhttdl.binhduong.vn /Trang/tintuccap3.aspx?tinTucID=1701, xem 01/12/2018