Academia.eduAcademia.edu
TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÔN ĐỨC THẮNG - XÃ HỘI HỌC DU LỊCH - Giảng viên: Tạ Xuân Hoài Mã môn 302089 Nhóm 09, Thứ sáu Ca 4 PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM DU LỊCH SINH THÁI VÙNG SÔNG NƯỚC VÙNG SÔNG NƯỚC TẠI ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH CÀ MAU Họ và tên sinh viên: Trần Thái Bảo Mã số sinh viên: 318H0351 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14 tháng 4 năm 2020 Trong những năm gần đây, du lịch sinh thái, hay du lịch bền vững, là loại hình du lịch được quan tâm, đầu tư phát triển hàng đầu và được dự đoán sẽ trở thành một xu hướng du lịch thu hút du khách trong tương lai. Theo Luật du lịch 2017, du lịch sinh thái được định nghĩa: “ Là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hoá địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp giáo dục về bảo vệ môi trường”. Việc phát triển loại hình du lịch này không chỉ đem đến những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội như giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư địa phương, mà còn góp phần bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương để có thể phát triển du lịch một cách bền vững. Ngoài ra, du lịch sinh thái cũng là một công cụ để nâng cao nhận thức của du khách về vấn đề du lịch một cách có trách nhiệm, giáo dục ý thức của con người trong việc tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên. Vì vậy, việc lựa chọn phát triển loại hình này là phù hợp và cần thiết, nhất là đối với một điểm đến du lịch giàu tài nguyên thiên nhiên lẫn văn hóa như Cà Mau. Cà Mau nằm ở điểm cuối cùng cực Nam Tổ quốc với hệ thống rừng ngập mặn xanh ngút ngàn bao trùm cả vùng Đất Mũi. Cà Mau vừa có đảo, vừa có rừng, vừa có biển nên được cho là nơi “Đất nở ra, rừng biết đi, biển sinh sôi” ẩn chứa tiềm năng phát triển du lịch. Cà Mau còn có 2 Vườn quốc gia Mũi Cà Mau và U Minh Hạ, nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, hệ thống biển đảo khá phong phú với cảnh vật thiên nhiên hoang dã, thơ mộng và chứng tích lịch sử đã được xếp hạng cấp quốc gia. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều di sản văn hóa quý hiếm mang đặc trưng vùng biển với các cụm đảo và đất liền, là vùng đất lắm tôm nhiều cá, có rừng, có hệ sinh thái rừng ngập mặn, ngập ngọt. Đây là những điều kiện rất thuận lợi để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vùng sông nước với những món ăn dân dã được chế biến theo khẩu vị của người dân bản xứ, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng sông nước Cà Mau mà không phải địa phương nào trong vùng ĐBSCL cũng có được . . . Vì vậy, phát triển du lịch sinh thái vùng sông nước sẽ tạo động lực nâng cao hơn nữa giá trị của nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát triển bền vững các hệ sinh thái rừng ngập mặn, rừng tràm ngập úng và các hệ sinh thái nông nghiệp truyền thống đặc thù. Một vài hoạt động du lịch sinh thái tại nơi đây có thể kể đến như là du ngoạn xuyên rừng đước, bắt ba khía vào ban đêm,…Thời gian qua, sản phẩm du lịch của Cà Mau cũng được phát triển ngày càng đa dạng, phong phú, các điểm du lịch mới được khai thác đưa vào hoạt động như: Khu du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch Hòn Đá Bạc, vườn sưu tập động vật hệ sinh thái rừng tràm lâm ngư trường Sông Trẹm, Khu du lịch Lý Thanh Long, vườn chim nằm trong lòng thành phố Cà Mau… Đặc biệt, Cà Mau đã tập trung đầu tư vào tuyến đường trọng điểm cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng Khu du lịch Khai Long - Đất Mũi; tiến hành quy hoạch phát triển các khu, điểm du lịch Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, Vườn quốc gia U Minh Hạ, đầm Thị Tường, cụm đảo Hòn Khoai để phát triển du lịch… Về thực trạng du lịch tại nơi đây, du lịch Cà Mau đã vượt qua những khó khăn, đang phát triển có những chuyển biến tích cực cả về lượng và chất, lượng khách trong nước và quốc tế đến Cà Mau ngày càng tăng. Theo thống kê của tỉnh Cà Mau, trong 9 tháng năm 2019, tỉnh đã đón hơn 1,157 triệu lượt khách, tăng 15,4% so với cùng kỳ 2018. Trong đó, khách quốc tế đạt hơn 22.600 lượt, tăng 4,4% so với cùng kỳ; khách trong nước đạt 1,134 triệu lượt, tăng 15,7% so với cùng kỳ, tổng doanh thu của ngành du lịch trong 9 tháng qua đạt trên 1.860 tỷ đồng. Trong vài năm gần đây, thị trường khách quốc tế bắt đầu quan tâm đến Cà Mau thông qua hai đường tiếp cận là khách đến Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang qua Cà Mau và khách quốc tế đến TP.Cần Thơ rồi tới Cà Mau bằng các tour tham quan du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở vật chất hạ tầng cũng được chú trọng đầu tư trong đó tỉnh đang tập trung đầu tư vào quy hoạch các khu du lịch sinh thái, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm theo kịp với xu thế phát triển chung của du lịch khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Mặc dù tỉnh Cà Mau đã có nhiều nỗ lực trong đầu tư để phát triển du lịch, nhưng trên thực tế, chính sách đầu tư tạo ra sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn thu hút đầu tư cho hoạt động du lịch còn hạn chế nên các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch triển khai thực hiện chậm so với yêu cầu của sự phát triển du lịch nhanh, chuyên nghiệp và bền vững; cơ sở kết cấu hạ tầng du lịch còn bất cập, việc nối tour, tuyến từ các điểm tham quan chưa thực hiện đồng bộ. Với một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, Cà Mau rất thích hợp để phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vùng song nước. Đây là loại hình sản phẩm du lịch được phát triển nhằm tận dụng những lợi thế thiên nhiên để vừa phục vụ cho nhu cầu du lịch của du khách, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, văn hóa tại điểm đến. Du lịch sinh thái là loại hình du lịch đặc biệt tổng hợp các mối quan tâm đến môi trường tự nhiên nhiên và tìm đến những vùng thiên nhiên nhiều tiềm năng về môi trường sinh thái để cải thiện kinh tế, phúc lợi xã hội, sức khoẻ và hưởng thụ, khám phá những cái mới, cái lạ, cái đẹp và sự trong lành của thế giới tự nhiên, tạo ra mối quan hệ hữu cơ, hoà đồng giữa con người với thiên nhiên, môi trường đồng thời hành động có ý thức trách nhiệm làm cho thiên nhiên môi trường bền vững, phong phú phục vụ trở lại lợi ích của con người cả ở hiện tại và tương lai. Khi tham gia loại hình du lịch này, du khách sẽ được tham gia vào các hoạt động khám phá những khu vực tự nhiên còn hoang sơ, chưa chịu nhiều sự tác động của con người, trải nghiệm bản sắc văn hóa và lối sống giản dị của người dân địa phương kết hợp với giáo dục môi trường, từ đó du khách sẽ có được một cái nhìn đúng đắn và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên và các di tích lịch sử, văn hóa. Hơn nữa, việc phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vùng sông nước cũng mang lại rất nhiều nguồn lợi cho cộng đồng dân cư địa phương. Về mặt kinh tế, nguồn thu từ du lịch có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế tại địa phương, thường thì sẽ được đầu tư tiếp tục vào du lịch để có thể phát triển du lịch một cách bền vững. Cộng đồng dân cư địa phương cũng là một nhân tố quan trọng trong việc phát triển sản phẩm du lịch sinh thái vùng sông nước. Tham gia vào chương trình du lịch sinh thái, người dân sẽ được tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập để nâng cao chất lượng đời sống, được giáo dục các kiến thức liên quan đến môi trường và nghiệp vụ, nâng cao tay nghề của mình. Tuy sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như vậy, nhưng Cà Mau vẫn còn gặp phải nhiều vấn đề khó khăn để có thể đầu tư phát triển du lịch. Sau đây là một vài khuyến nghị đối với cộng đồng du lịch địa phương để có thể góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại Cà Mau: - Chính quyền địa phương cần có các chính sách đầu tư và phát triển du lịch một cách có quy hoạch, hợp lí và bền vững, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường. - Cộng đồng dân cư địa phương cần được giáo dục, tuyên truyền để có một cái nhìn khách quan hơn về vấn đề sử dụng tài nguyên một cách bền vững, đặc biệt là các tài nguyên có thể phục vụ cho mục đích du lịch. Đồng thời giúp người dân nhận ra những lợi ích mà du lịch sinh thái có thể mang đến cho họ. - Người dân địa phương cần có một thái độ cởi mở, tích cực đối với việc hỗ trợ chính quyền phát triển du lịch trên địa bàn Cà Mau. Tài liệu tham khảo: http://www.vtr.org.vn/tiem-nang-du-lich-vung-dat-ca-mau.html http://www.vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/30227 http://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/29392