Academia.eduAcademia.edu
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI TRÀ CHO HỌC SINH THCS                                                                                      Tác giả: Nguyễn Thị Oanh (Phó Hiệu trưởng trường THCS Xuân Phú) Mục tiêu giáo dục của nước ta là nhằm đào tạo ra những thế hệ trẻ phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khỏe, thẩm mỹ và nghề nghiệp; trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng muốn đào tạo ra những lớp người toàn diện như vậy thì đòi hỏi nhà quản lý giáo dục phải có những giải pháp hợp lý để nâng cao chất lượng giáo dục.  Trong bài viết này tôi muốn đưa ra một cách nhìn của người làm công tác giáo dục về chất lượng giáo dục và một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cho học sinh THCS. Theo tôi, chất lượng giáo dục là chất lượng sản phẩm của giáo dục. Mà sản phẩm của giáo dục và đào tạo lại chính là học sinh, tức là con người. Nói cụ thể thì chất lượng của giáo dục là đào tạo ra các thế hệ học sinh vừa phải có được các kiến thức kỹ năng cơ bản, có các chuẩn mực về thái độ sau một quá trình học; đáp ứng được các yêu cầu khi lên lớp, chuyển cấp, vào học nghề hay đi vào cuộc sống lao động... Muốn có được những sản phẩm giáo dục như vậy thì những người làm công tác giáo dục và đào tạo như chúng ta nên làm như thế nào? Sau đây là những giải pháp giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cho học sinh THCS mà trong những năm gần đây trường THCS Xuân Phú - Yên Dũng - Bắc Giang đã áp dụng và đạt được kết quả khá tốt, xin chia sẻ cùng các đồng nghiệp:  I. Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cho học sinh THCS  1. Với Ban Giám hiệu (BGH):  BGH luôn thực hiện đúng theo các văn bản chỉ đạo của ngành dọc cấp trên và sự chỉ đạo, lãnh đạo của HĐND, UBND huyện và UBND xã. BGH kết hợp với tổ chuyên môn (TCM) chỉ đạo giáo viên (GV) giảng dạy thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về chương trình, nội dung kế hoạch giảng dạy; chỉ đạo GV làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi, phụ đạo HS yếu, kém; chỉ đạo việc dạy thêm, học thêm theo đúng quy định của ngành, theo nguyện vọng của phụ huynh và HS; tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của phòng GD&ĐT, của huyện, xã, các ban ngành đoàn thể và nhân dân địa phương nhằm đẩy mạnh quản lý giáo dục, đầu tư nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đầu tư về đội ngũ giáo viên; chỉ đạo sử dụng hợp lý sách giáo khoa kết hợp với các tài liệu học tập; khích lệ GV vận dụng phương pháp dạy học tích cực nhằm thúc đẩy quá trình học tập của HS đạt kết quả tốt.  BGH xây dựng kế hoạch chung của nhà trường ngay từ đầu năm học trong đó xác định nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục đại trà là nhiệm vụ quan trọng của toàn trường. Nhiệm vụ đó được đặt ra trong kế hoạch của nhà trường, của tổ chuyên môn cũng như của từng giáo viên bộ môn (GVBM); BGH kết hợp với các TCM làm tốt công tác bồi dưỡng giáo viên (GV), đánh giá GV và quản lý toàn diện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của GV; tăng cường thanh tra chuyên môn đối với GV nhà trường, tổ chức tốt Hội nghị cán bộ công chức hàng năm nhằm động viên cán bộ giáo viên (CBGV) đăng ký các danh hiệu thi đua các cấp và làm sáng kiến kinh nghiệm, đề tài nghiên cứu khoa học. Chỉ đạo các TCM nghiêm túc thực hiện sinh hoạt tổ 2 đợt/tháng tập trung vào đổi mới phương pháp giảng dạy, giảng dạy theo chuẩn KTKN, ứng dụng CNTT trong dạy học, sử dụng đồ dùng nhằm làm cho học sinh (HS) hiểu bài, nắm bài dễ dàng hơn; phát động các đợt thi đua, hội giảng lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn như 20/10, 20/11, 22/12, 26/3, ... đồng thời qua hội giảng giúp GV nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho (CBGV) tham gia học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, chính trị; chỉ đạo đánh giá xếp loại CBGV hàng tháng, theo học kỳ và năm học theo đúng quy định; làm tốt công tác công khai, dân chủ, công tác thi đua - khen thưởng trong trường học nhằm phát huy tính sáng tạo, tạo sự phấn khởi cho GV trước công việc được giao; chỉ đạo GV ôn tập cho HS trước mỗi kỳ thi; tổ chức khảo sát định kỳ, coi thi, chấm thi nghiêm túc theo đúng quy định và đánh giá xếp loại học sinh theo đúng quy chế của ngành.  2. Với Tổ chuyên môn (TCM)  TCM có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của BGH nhà trường; thường xuyên giám sát, kiểm tra GV việc giảng dạy thực hiện đúng quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về chương trình, nội dung kế hoạch giảng dạy; tham gia chỉ đạo và trực tiếp giám sát GV làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu, kém; giám sát GV nghiêm túc thực hiện việc dạy thêm theo đúng quy định, theo nguyện vọng của phụ huynh và HS; tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đại trà và mũi nhọn, giáo dục đạo đức xây dựng nếp sống mới cho HS, góp phần xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.         TCM chỉ đạo các thành viên duy trì nghiêm túc kỷ cương nền nếp cơ quan; xây dựng được tiêu chuẩn xếp loại thi đua hàng tháng đối với các tổ viên phù hợp. Các tổ kết hợp với Công đoàn nhà trường làm tốt công tác chăm lo đời sống cho tổ viên, động viên GV hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, thực hiện tốt quy định về đạo đức nhà giáo,... nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, rèn luyện lối sống, tác phong, giữ gìn bảo vệ truyền thống nhà giáo.  TCM chỉ đạo thực hiện và động viên GV tích cực thực hiện đổi mới phương pháp trong dạy học nhằm nâng cao chất lượng các giờ dạy hàng ngày; làm tốt công tác động viên, khích lệ GV tích cực tham gia phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, các đợt hội giảng do nhà trường phát động; chỉ đạo góp ý thiết kế bài dạy và rút kinh nghiệm cho đồng nghiệp trong các giờ hội giảng, các giờ thi giáo viên dạy giỏi các cấp, thi sử dụng thiết bị đồ dùng, thi sáng tạo.... đạt kết quả tốt; TCM hướng dẫn GV xây dựng nội dung chương trình ôn tập cho HS trước các kỳ thi; giám sát, kiểm tra GV thực hiện chấm thi nghiêm túc theo đúng quy định và đánh giá xếp loại HS theo đúng quy chế của ngành.  3. Với giáo viên bộ môn (GVBM): GVBM xây dựng kế hoạch cá nhân trong nội dung chương trình môn mình giảng dạy đúng với quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới cách soạn bài, áp dụng tốt các phương tiện và phương pháp dạy học tích cực để từng bước nâng cao hiệu quả giờ dạy. Nâng cao chất lượng các giờ dạy bằng cách đổi mới phương pháp dạy học sao cho phù hợp với từng kiểu bài, từng lứa tuổi và từng đối tương HS ở những lớp mình giảng dạy; thường xuyên bồi dưỡng năng lực chuyên môn nghiệp vụ qua các khóa học, lớp học chuyên môn của ngành hoặc tự học qua các tài liệu, qua các giờ dạy của đồng nghiệp, qua các tiết dạy của bản thân được đồng nghiệp rút kinh nghiệm hoặc tự rút kinh nghiệm.  GVBM chuẩn bị kỹ nội dung bài trước khi lên lớp, xác định đúng mục đích yêu cầu, trọng tâm của bài để khắc sâu kiến thức cơ bản, các kĩ năng cần thiết cho HS. Thường xuyên liên hệ với thực tế, ứng dụng CNTT vào các giờ dạy, kết hợp tốt các phương pháp dạy học để tăng tính hứng thú của học sinh, tạo sự phấn khởi và niềm yêu thích môn học. Với các tiết luyện tập cần có hướng giải trước với từng loại bài tập, xem kỹ các trường hợp có thể xảy ra ( tránh cách nghĩ chủ quan đơn giản chỉ chọn chữa bài khó bỏ qua bài dễ); cần tìm ra các công thức tổng quát, rút ra các cách giải với từng kiểu bài giúp HS nắm vững lý thuyết biết vận dụng vào thực hành và có hứng thú học tập.   GVBM cần nhớ từng đối tượng HS trong lớp mình giảng dạy, hiểu tâm lý, lực học từng em để có cách dạy, giao bài tập sao cho phù hợp. Trong bài giảng cần có cử chỉ, ánh mắt, giọng nói bộc lộ sự tự tin vào kiến thức, quan tâm đều đến tất cả các em tạo sức hút cho bài giảng và tạo được không khí học tập thân thiện, tích cực.  GVBM chủ động ôn tập cho HS trước các kỳ thi; cho HS tập dượt hết những dạng bài đề bám sát với kiến thức cơ bản cũng như một phần nâng cao với đối tượng khá giỏi; cho HS nghiêm túc chấm điểm bài làm của mình hoặc chấm bài của bạn, dưới sự hướng dẫn của GV; cho HS đánh giá đúng thực chất lực học bản thân để tự rút ra kinh nghiệm và cố gắng trong những đợt kiểm tra, các kỳ thi.  GVBM nghiêm túc thực hiện việc ra đề, coi kiểm tra đến việc chấm, chữa bài cho HS; khi chấm chú ý chỉ ra những lỗi sai và hướng dẫn cho HS tự sửa từ các bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết đến các bài thi định kỳ và kiểm tra học kỳ; không nên lấy điểm số làm áp lực với các em; tạo điều kiện thuận lợi để HS mạnh dạn thể hiện bản thân, sửa chữa nhược điểm; chấm và công bố điểm phải khách quan, công bằng tạo không khí thi đua trong học tập với HS.  GVBM luôn phối kết hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm (GVCN) và phụ huynh học sinh (PHHS) để trao đổi thông tin và có những phương pháp giáo dục hiệu quả; luôn biết động viên, khích lệ với những tiến bộ dù nhỏ của các em. Với những HS cá biệt phải có cách hướng dẫn, uốn nắn các em kịp thời.   4. Với giáo viên chủ nhiệm (GVCN):  GVCN làm tốt nhiệm vụ chủ nhiệm lớp (theo Điều lệ trường THCS ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).  Mỗi GVCN là 1 nhà tâm lý để hiểu, quan tâm, động viên, khích lệ kịp thời đối với những tiến bộ của HS trong lớp (từ những tiến bộ dù là nhỏ nhất); là 1 người bạn thực sự để HS chia sẻ những tâm sự; là 1 người thân luôn bên cạnh các em để có những lời khuyên giúp các em tháo gỡ và giải quyết những khó khăn, khúc mắc trong học tập cũng như trong cuộc sống. Từ đó sẽ tạo nên 1 chất lượng giáo dục đại trà thực chất và bền vững.  GVCN hướng dẫn, khích lệ cho HS giúp đỡ bạn trong học tập; chỉ đạo HS học nhóm, cho HS chọn nhóm bạn, đôi bạn “cùng tiến” và phân công bạn có lực học khá giỏi giúp đỡ bạn yếu kém; luôn tạo không khí học tập vui vẻ, thân thiện, hiệu quả trong lớp.  5. Với học sinh (HS)  HS thực hiện Nhiệm vụ của học sinh (Điều 38 - Điều lệ trường THCS ban hành kèm theo Thông tư số: 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo). HS nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường; xác định rõ động cơ, mục đích học tập và luôn có ý thức phấn đấu; tiếp thu kiến thức tích cực; luôn tìm tòi, sáng tạo trong học tập; học tập chăm chỉ và yêu thích tất cả các môn học.  HS thực hiện nghiêm túc những quy định của GVBM về việc làm bài tập ở lớp và ở nhà; thực hiện những quy định về điểm kiểm tra miệng, các bài kiểm tra viết do GVMB yêu cầu; nghiêm túc thực hiện chống tiêu cực trong kiểm tra, thi cử… do nhà trường đề ra để có được những kết quả kiểm tra thực chất.  II. Kết quả thực hiện. Chất lượng đại trà của học sinh nhà trường qua các đợt thi Khảo sát giữa và cuối các học kỳ do Phòng GD&ĐT tổ chức trong những năm gần đây thường xếp ở vị trí thứ Nhất, Nhì/ tổng số 21 trường THCS của huyện; chất lượng học sinh thi đỗ vào cấp 3 luôn đứng thứ Nhất, Nhì huyện; nhiều học sinh của trường đạt giải cao qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Quốc gia. Cuối năm học 2012 - 2013, nhà trường và cá nhân cô Nguyễn Thị Kim - Hiệu trưởng được thủ Tướng chính phủ tặng Bằng khen “có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trường được Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang công nhận Cơ quan văn hóa cấp tỉnh, được UBND tỉnh Bắc Giang công nhận Tập thể Lao động xuất sắc. Năm 2014, tập thể CBGV và học sinh nhà trường đã phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giáo dục và vinh dự được đón nhận Huân Chương Lao Động hạng Nhì do Chủ tịch nước tặng thưởng * Kết luận chung Việc giáo dục chất lượng đại trà là nhiệm vụ quan trọng cần có sự phối kết hợp và giúp đỡ của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết này, tác giả cũng như BGH trường THCS Xuân Phú xin giới thiệu và trân trọng cảm ơn những ý kiến tham gia đóng góp, trao đổi của các đồng nghiệp về “Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà cho học sinh trung học”. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về đ/c email của nhà trường c2xuanphuyd.bacgiang@moet.edu.vn">c2xuanphuyd.bacgiang@moet.edu.vn                                                                                               Xin trân trọng cảm ơn!