Academia.eduAcademia.edu
ĐỀ TÀI QUÁ TRÌNH XÂM NHẬP CỦA CHỦ NGHĨA THỰC DÂN PHƯƠNG TÂY VÀ CUỘC ĐẤU TRANH BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA DÂN TỘC CỦA CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á BỐ CỤC I. Mở đầu II. Nội Dung 2.1. Quá trình xâm nhập của chủ nghĩa thực dân vào các nước Đông Nam Á 2.1.1. Nguyên nhân các nước Đông Nam Á bị xâm lược 2.1.2. Quá trình xâm lược 2.2. Cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc của các nước Đông Nam Á 2.2.1. Phong trào chống thực dân Hà Lan của nhân dân In-đô-nê-xi-a. 2.2.2. Phong trào chống thực dân ở Phi-lip-pin. 2.2.3. Phong trào đấu tranh của nhân dân Mã Lai 2.2.4. Phong trào đấu tranh của nhân dân Campuchia 2.2.5. Phong trào đấu tranh của nhân dân Lào 2.2.6. Phong trào đấu tranh của nhân dân Miến Điện 2.2.7.. Xiêm( Thái Lan ) giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỉ XX. III. Tổng kết PHẦN I. MỞ ĐẦU Trước khi chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược và thống trị, có thể nói lịch sử phát triển của các nước Đông Nam Á khá cao. Nơi đây đã xuất hiện sớm những nền văn minh ở trình độ cao, tuy nhiên, sự phát triển của những quốc gia ở ĐNÁ không đồng nhất. Ở thời Trung đại, chế độ phong kiến đạt tới đỉnh cao cực thịnh, rực rỡ cũng không thua kém gì phương Tây, quan hệ sản xuất kinh tế mới cũng đã manh nha nhưng đã bị chế độ phong kiến kìm hãm, mầm mống kinh tế TBCN không có điều kiện phát triển như ở phương Tây. Khi chế độ phong kiến đạt đến trình độ phát triển cao đã dần dần chuyển sang giai đoạn suy yếu. Đến thế kỷ XVI, trong khi các nước phương Tây CNTB phát triển nhanh chóng thì ở châu Á còn chìm đắm trong chế độ phong kiến lạc hậu.Tuy vậy, cùng với sự áp đặt của chủ nghĩa thực dân ở khu vực này, thì tiền đồ phát triển lịch sử của Đông Nam Á cũng từng bước có những thay đổi. Các cuộc phát kiến địa lý thời cận đại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó đã mở ra một trang mới trong lịch sử của loài người. Sau các cuộc phát kiến địa lý vĩ đại, người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đã khai mở thành công con đường từ châu Âu qua châu Phi đến châu Á vào cuối thế kỷ thứ XV. Nhiều vùng đất mới trên thế giới được người châu Âu phát hiện trong đó có Đông Nam Á, một trong những vùng đất màu mỡ của châu Á, rất phong phú về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên. Đây là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược thuộc địa. Cùng với sự phát triển của CNTB, nhu cầu thị trường cấp thiết, đây là nơi chủ yếu để cung cấp nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ. Các nước phương Tây lần lượt xây dựng các thương điếm buôn bán, những trạm tiếp tế cho các hạm thuyền ở một số địa điểm của Đông Nam Á. Bước sang thế kỉ XIX, các nước thực dân phương Tây tranh chấp nhau, xâm chiếm các quốc gia ở khu vực ĐNÁ, thiết lập chế độ thuộc địa hoặc lôi kéo các quốc gia này vào hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa, làm biến dạng cấu trúc xã hội truyền thống của các nước, điều đó cũng có nghĩa làm biến dạng quá trình phát triển triển lịch sử của Đông Nam Á. Song song với quá trình xâm lược của thực dân phương Tây là phong trào đấu tranh của nhân dân các nước ĐNÁ để bảo vệ độc lập và chủ quyền của dân tộc mình. Tuy nhiên mỗi dân tộc mỗi quốc gia tùy theo điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cũng như phong trào đấu tranh của các giai cấp trong xã hội mà việc lựa chọn đường lối đấu tranh, hình thức đấu tranh, giai cấp lãnh đạo trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cho phù hợp và ở mỗi nước cũng có sự khác nhau. 2.1. QUÁ TRÌNH XÂM LƯỢC CỦA CNTD VÀO CÁC NƯỚC ĐNÁ 2.1.1. Nguyên nhân ĐNÁ bị xâm lược Các nước tư bản cần thị trường, thuộc địa nên đẩy mạnh xâm lược thuộc địa. Bước sang thời cận đại, quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được xác lập ở nhiều nước Châu Âu, mặc dù có những nước chưa trải qua cách mạng tư sản. Sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản Châu Âu ngày càng đòi hỏi vốn, nguyên liệu, thị trường, nhất là khi giai cấp tư sản lên nắm chính quyền. Để đáp ứng nhu cầu này, các nước Châu Âu đã hướng sang phương Đông và họ tìm đường sang phương Đông, trong đó có các nước Đông Nam Á mà đi đầu là các thương nhân. Từ những hoạt động buôn bán, trao đổi, truyền đạo người phương Tây chuyển sang chính sách xâm lược, biến các nước phương Đông nói chung và các nước Đông Nam Á nói riêng thành thuộc địa. Trong bối cảnh chung của thế giới vào cuối thế kỷ XVIII, nền kinh tế Tư Bản Chủ Nghĩa đang ở vào giai đoạn phát triển cực thịnh; giai cấp tư sản trở thành giai cấp thống trị trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa ở các nước lớn làm tăng nhu cầu vế thuộc địa, cung cấp nguyên liệu và tiêu thụ hàng hóa. Các cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa ngày càng được đẩy mạnh. Bước vào đầu thế kỷ XIX vùng Đông Nam Á rộng lớn trở thành mục tiêu của các nước đế quốc. Đông Nam Á có vị trí chiến lược quan trọng. Đông Nam Á là một khu vực thuộc châu Á, có diện tích khá rộng khoảng 4,5 triệu km² bao gồm các nước nằm ở phía nam Trung Quốc, phía đông Ấn Độ và phía bắc của Úc, về mặt địa lý hành chính bao gồm 10 quốc gia Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanma, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam (hiện nay có 11 nước, thêm Đông Timo). Do vị trí địa lí nằm án ngữ trên con đưởng hàng hải nối liền giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, Đông Nam Á từ lâu vẫn được coi là cầu nối giữa Trung Quốc, Nhật Bản với Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải Thậm chí đến gần đây, một số nhà nghiên cứu vẫn gọi khu vực này là "ống thông gió" hay "ngã tư đường" Giàu tài nguyên thiên nhiên, có nền văn hóa lâu đời. Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, ĐNÁ có những vùng đất trù phú, những đô thị đông đúc thịnh vượng, những khu rừng nhiệt đới phong phú về thảo mộc và chim muông, những cây gia vị, cây hương liệu đặc trưng như: hồ tiêu, sa nhân, đậu khấu, hồi quế, trầm hương… đặc biệt là cây lúa nước. ĐNÁ được coi là “cái nôi” của cây lúa nước và là 1 trong 5 trung tâm cây trồng lớn nhất thế giới. Đông Nam Á là một khu vực lịch sử văn hoá , có nền tảng chung từ thời tiền sử, được sản sinh và phát triển trong một môi trường sinh thái tự nhiên xã hội của khu vực. Đó là nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Từ giữa thế kỉ XIX, chế độ phong kiến lâm vào khủng hoảng triền miên về chính trị , kinh tế, xã hội. Từ giữa thế kỉ XIX, khi các nước châu Âu và Bắc Mĩ căn bản đã hoàn thành cách mạng tư sản, đua nhau bành trướng thế lực, xâm chiếm thuộc địa thì ở hầu hết các nước khu vực ở Đông Nam Á, chế độ phong kiến vẫn giữ địa vị thống trị và đều lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên về chính trị, kinh tế, xã hội. Sự mâu thuẫn giữa giai cấp địa chủ và nông dân ở châu Á diễn ra gay gắt, làm bùng nổ nhiều phong trào đấu tranh có qui mô lớn. Chính yếu tố này đã làm tăng cường độ về sự sụp đỗ nhanh chóng của chế độ phong kiến, chế độ phong kiến suy yếu nghiêm trọng và mất sức sống đã đẩy các quốc gia ở châu Á vào vòng xoáy của sự khó khăn. Chính điều này, đã tạo nên những “mùi thơm” lan tỏa mạnh mẽ tạo cơ hội cho thực dân châu Âu tiến hành các cuộc chinh phục. Như vậy, dù các nước Đông Nam Á có nhiều điều kiện cho sự phát triển cao hơn cho tiến trình phát triển của nhân loại, song vào cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, do những điều kiện chủ quan và khách quan những nước này lần lược bị thực dân Âu - Mĩ xâm lược, biến thành thuộc địa hoặc nửa thuộc địa (trừ Xiêm). 2.1.2. Quá trình xâm lược của chủ nghĩa thực dân vào các nước Đông Nam Á Tên các nước Đông Nam Á Thực dân xâm lược Thời gian hoàn thành xâm lược In-đô-nê-xi-a Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan Giữa XIX Hà Lan hoàn thành xâm chiếm và lập ách thống trị Phi-lip-pin Tây Ban Nha, Mĩ Giữa thế kỉ XVI Tây Ban Nha thống trị - Năm 1898 Mĩ chiến tranh với Tây Ban Nha, hất cẳng Tây Ban Nha khỏi Phi-lip-pin. - Năm 1899-1902 Mĩ chiến tranh  xâm lược  Philíppin, biến quần đảo, này thành thuộc điạ của Mĩ. Miến Điện Anh Năm 1885 Anh thôn tính Miến Điện Ma-lai-xi-a  Anh Đầu thế kỉ XIX Mã - lai trở thành thuộc địa của Anh Việt Nam - Lào- Cam-pu-chia Pháp  Cuối thế kỉ XIX, Pháp hoàn thành xâm lược 3 nước Đông Dương Xiêm (Thái Lan) Anh - Pháp tranh chấp Xiêm vẫn giữ được độc lập Tiểu kết Nhìn chung, thời điểm các nước Đông Nam Á trở thành thuộc địa của thực dân phương Tây khác nhau, quá trình chinh phục và xâm lược của thực dân phương Tây trải qua 1 thời gian khá dài , không thể nhanh như họ mong muốn được, bởi do cuộc kháng cự của các dân tộc nơi đây. Có những nơi, thực dân phải trải qua cuộc chinh phục kéo dài trên dưới 3 thế kỷ mới hoàn thành như ở Inđônêxia hay Miến Điện… song có những khu vực chưa đầy nửa thế kỷ như cuộc chinh phục của Pháp ở Đông Dương. Rõ ràng quá trình xâm nhập của chủ nghĩa thực dân phương tây diễn ra không đồng đều và phức tạp. Đông Nam Á là nơi có nhiều thực dân xâm lược nhất, bởi đây là khu vực hấp dẫn, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, vị trí địa lí thuận lợi, khu vực địa- chính trị; địa- kinh tế quan trọng, dân số đông đảo… Đông Nam Á trở thành nơi có sức hút các nước châu Âu đang bước vào thời cận đại hoá. Công cuộc xâm lược của thực dân Đông Nam Á có nét chung, đủ phương thức, đủ thủ đoạn như ngoại giao, buôn bán, khống chế chính trị, rồi dùng vũ lực thôn tín; nhưng cũng có nét riêng mang đặc trưng của từng nước thực dân: Thủ đoạn xâm lược của Anh khác của Pháp. Để tiến hành xâm lược Pháp lợi dụng Giáo sĩ. Giáo sĩ và bọn thực dân gắn với nhau như “hình với bóng”. Giáo sĩ trở thành tham mưu, cố vấn có khi trực tiếp chỉ huy những cuộc chém giết. Bọn Giáo sĩ và thực dân bị những người dân ĐNÁ chống lại. Chúng vịn cớ tôn giáo bị đàn áp để đẩy mạnh hoạt động quân sự, khi cắm được cơ sở trong giáo dân bản xứ, chúng lại lấy cớ bảo vệ giáo hội để lấn bước, bắt ký hiệp ước bảo vệ giáo hội. Với Anh, phương cách tiến hành xâm lược theo kiểu “thương nhân đi đầu trong quá trình xâm lược”. Để làm chủ được vùng lãnh thổ trù phú ở Đông Nam Á, thực dân Anh xâm lược bằng nhiều con đường theo sơ đồ: lập thương điếm chiếm các thuộc địa (của thực dân khác) chinh phục các tiểu quốc sát nhập thành các vùng thuộc địa. Buổi đầu tiến hành xâm lược Đông Nam Á, các chính phủ thực dân châu Âu thường sử dụng các công ty buôn bán đi tiên phong. Sự làm ăn phát đạt của các công ty này khiến chính phủ châu Âu chú ý, sau đó trao cho họ những quyền hạn lớn, tổ chức lại công ty theo mô hình nhà nước con, có đầy đủ quyền lực như một chính phủ. Họ thay mặt chính phủ đến phương Đông, Đông Nam Á tiến hành xâm lược và tổ chức thống trị. Các công ty này đã thành công khi xâm lược và thống trị các vùng lãnh thổ Đông Nam Á từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII. Từ thế kỷ XIX trở đi, các công ty này suy yếu, không còn đáp ứng được yêu cầu của chủ nghĩa tư bản đang phát triển, thì chúng bị loại bỏ, các chính phủ châu Âu này trực tiếp nắm lấy quyền xâm lược và thống trị ở Đông Nam Á. Như vậy, công cuộc thôn tính Đông Nam Á của thực dân Âu - Mĩ kéo dài trong gần 4 thế kỷ. Kể từ khi đặt thương điếm đầu tiên vào đầu thế kỷ XVI, sau đó là các cuộc xâm chiếm bằng nhiều thủ đoạn, lúc mềm mỏng, lúc lừa bịp, khi cứng rắn trắng trợn, thực dân châu Âu và tiếp đến là cả Mĩ, đến cuối thế kỷ XIX công cuộc xâm lược Đông Nam Á hoàn tất. các quốc gia phong kiến Đông Nam Á hoặc tiền phong kiến, còn ở trình độ bộ tộc chưa bao giờ có giao lưu với thế giới bên ngoài đã bị thực dân châu Âu từng bước biến thành miền đất thuộc địa. Và cũng từ đây, cuộc đấu tranh chống thực dân không lúc nào ngừng ở Đông Nam Á. 2.2 Phong trào đấu tranh của các nước Đông Nam Á 2.2.1 Phong trào chống thực dân Hà Lan của nhân dân In-đô-nê-xi-a a. Giai đoạn đầu Sau cuộc cách mạng tư sản thế kỉ XVI, Hà Lan thoát khỏi sự đô hộ của Tây Ban Nha, quan hệ sản xuất mới TBCN thắng thế, trước sự phát triển của Hà Lan, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha công khai tuyên bố cấm thuyền buôn của Hà Lan vào cảng hai nước này. Hà Lan phải tự tìm con đường đi đến phương Đông. Công ty Đông Ấn Độ (V.O.C) được thành lập. Sau khi chiếm được Anbom và Técnát từ tay Bồ Đào Nha, Hà Lan đã hối lộ để được xây dựng nhà ở, kho tàng, tự động xây dựng pháo đài ởJakarta. Thế kỉ XVII, Hà Lan đã kiểm soát miền đông Inđônêxia. Cùng lúc đó Mataram yếu dần đi nhân dân nổi dậy trong đó có cuộc khởi nghĩa của Tơrunô Giêgiô, lúc đầu Hà Lan muốn lợi dụng tình hình để trục lợi tuyên bố giúp Tơrunô Giêgiô kèm theo những điều kiện buôn bán và ruộng đất nhưng bị cự tuyệt. Những người khởi nghĩa nêu cao khẩu hiệu chống nước ngoài và khôi phục vương triều Magiapahít. Hà Lan liền chuyển từ trạng thái “bàng quang” sang giúp vương quốc Mataram; năm 1677, kí hiệp ước đầu hàng Hà Lan. Từ năm 1678, thực dân Hà Lan ráo riết trấn áp khởi nghĩa trong vòng 3 năm, khôi phục vương quốc Amangkurát. b. Cuộc khởi nghĩa Surapátti Thời kì xâm lược của công ty Đông Ấn là thời kì Hà Lan tiến hành công cuộc tích lũy tư bản đầu tiên, tư sản Hà Lan càng giàu lên chúng còn sử dụng các lãnh chúa phong kiến tay sai vào việc ép buộc nông dân trồng cây công nghiệp, nông dân sống nghèo khổ, không có gạo ăn phải làm thuê cho bọn quý tộc và công ty Đông Ấn. Một số quý tộc cùng nhân dân đứng lên đấu tranh chống Hà Lan., trong giai đoạn này đáng kể có cuộc khởi nghĩa của Surapátti. Surapátti là con một lãnh chúa ở Bali, bị người Hà Lan bắt làm nô lệ đưa về Batavia, lớn lên ông gia nhập quân đội V.O.C, ông đã chứng kến những cảnh àn sát dã man của Hà Lan đối với dân tộc oongvaf nhất là thái độ khinh rẽ thù hằn chủng tộc của binh sĩ da trắng. Không chịu được ông đã đứng lên phản kháng. Là người thông minh, dũng cảm, có tài năng ông đã nhiều lần đánh tan quân Hà Lan, chiếm cứ một vùng, dựng nên một vương quốc độc lập bao gồm hầu hết phía đông Giava và Bali. Mặc dù bị kẻ thù truy kích nhưng ông vần kiên trì đấu tranh trong 10 năm. Năm 1719, tại cuộc chiến tại Pasuruan, ông bị thương và hi sinh nhưng ngĩa quân dưới sự chỉ huy của con ông kéo về gần Malang tiếp tục chiến đấu đến năm 1767. c. Cuộc khởi nghĩa của Đippônêgôrô (1825 - 1830) Ngày 20.07.1825, do việc phản đối hành động của thực dân Hà Lan về việc phế lập các Sutan và sự can thiệp của chúng vào quyền thế tập kinh tế của các lãnh chúa, Đippônêgôrô bị quân Hà Lan tấn công. Đippônêgôrô liền triệu tập các lãnh chúa theo ông chống Hà Lan. Là con của Sutan Gioogiacácta, tín đồ của đạo Islam, ông rất có uy tín trong các vị lãnh chúa nên khi vừa phát đi lời kêu gọi thì lập tức có đến 70 lãnh chúa và hàng vạn quần chúng nhân dân từ khắp nơi trên đaot Giava và các đảo khác tham gia. Quân của Đippônêgôrô đóng ở Sêlarông, thức dân Hà Lan điều quân ở Sêmarang về tiếp viện nhưng bị nghĩa quân chặn đánh giữa đường và bị tiêu diệt sạch, sau đó quân khởi nghĩa liên tiếp thu được những thắng lợi. Thực dân Hà Lan huy động hết quân đội ở Giava trấn áp quân khởi nghĩa. Thực dân Hà Lan một mặt dùng thủ đoạn mua chuộc các lãnh chúa phong kiến, hứa hẹn trả lại những quyền hạn trước kia; một mặt dùng vũ khí tán công uy hiếp. Kết quả, nhiều lãnh chúa đã rời bỏ cuộc chiến, phản bội lại nghĩa quân. Tuy vậy khởi nghĩa vẫn được tiếp tục, không thể dùng vũ lực để kết thúc, thực dân Hà Lan dùng con bài lừa đảo thương lượng, chúng bắt Đippônêgôrô trong lúc đàm phán. Ngày 03.03.1830, ông bị đày ở Mênađô, các lãnh chúa theo ông một số bị bắt, một số đầu hàng. Phong trào đấu tranh xuống dần. *Đánh giá: Đây là cuộc khởi nghĩa lớn kéo dài 5 năm, đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Nó phản ánh sự quật cường của nhân dân Inđônêxia dưới sự ãnh đạo của Đippônêgôrô. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng mãi mãi để lại cho nhân dân Inđônêxia những bài học quý báu. Đippônêgôrô – người lãnh đạo đến cùng cuộc khởi nghĩa, đã sống chêt như một vị anh hùng được nhân dân Inđônêxia yêu kính. d. Cuộc chiến đấu của nhân dân Achê Sau khi kênh Xuyê được đào xong (1869), eo biển Malacca có vị trí quan trọng trên đường sang Viễn Đông, Hà Lan muốn chiếm lấy eo biển này nhưng sự tồn tại của vương quốc Achê là trở ngại lớn cho việc Hà Lan làm chủ vùng này. Tháng 4. 1873, thực dân Hà Lan phái 3000 quân đổ bộ lên Achê. Cuộc chiến đấu của nhân dân Achê đã chặn từng bước tiến của giặc, sau 17 ngày đổ bộ quân Hà Lan chỉ tiến được một vài cây số và bọ thiệt hại 1000 tên. Nhưng vì quyền lợi, Hà Lan vẫn phái hàng ngàn quân quay trở lại Achê. Tháng 10. 1873 đội quân này đổ bộ lên Achê, nhưng sau vài trận đầu đã bị nhân dân Achê chặn đứng. Ngày 26.12, quân Hà Lan tập trung quân tiến đánh hoàng cung nhưng chỉ chiếm được cung điện trống. Hà Lan không thể chinh phục vùng này buộc phải chuyển sang chính sách đồn trú. 2.2.2. Phong trào chống thực dân ở Phi-lip-pin Ngày 10.08.1519, Magienlăng dẫn 5 thuyền rời đất nước, hai tháng sau đến Braxin. Ngày 16.03.1521 đến Philippin, rồi tiếp tục cuộc hành trình về đảo Xêbu. Tiểu vương quốc ở đây là Humabon có 2000 quân và 8 tù trưởng. Magienlăngđã được đón tiếp tốt theo truyền thống song Magienlăng đã gây chiến với tù trưởng Lapu Lapu và trong một trận chiến ông đã bị bắn chết. Các thủy thủ của Magienlăng trở về châu Âu với của cải cướp bóc được đã thôi thúc giới cầm quyền Tây Ban Nha tìm cách chiếm lấy xứ này. Năm 1565, chính phủ Tây Ban Nha hái quân biễn chinh sang chinh phục Philippin, cuộc chiến tranh ăn cướp tán ác đã diễn ra. Nhân dân Philippin đặc biệt là nhân dân Xêbu đã chiến đấu anh dũng. Sau một thời gian, Lơgátspi khống chế đảo Xêbu và gây ảnh hưởng tới các đảo xung quanh. Năm 1570 – 1571, Tây Ban Nha mở rộng quyền thống trị đến Batanggát. Năm 1571, vua Tây Ban Nha phong cho Lơgátspi làm toàn quyền Philippin. Năm 1572, nền thống trị của Tây Ban Nha ở đây đã hoàn thành về cơ bản. Nhân dân Philippin đã anh dũng chiến đấu nhưng đến cuối thế kỉ XVI, thực dân Tây Ban Nha đã khống chế toàn quần đảo. 2.2.3 Phong trào chống thực dân ở Mã Lai Đối với chủ nghĩa đế quốc Anh, Mã Lai không chỉ là cú điểm chiến lược và thị trường tiêu thụ, mà còn là nơi đầu tư và khai thác nguyên liệu vô cùng phong phú. Những điều này đã thôi thúc Anh đẩy mạnh công cuộc chinh phục bán đảo. Thực dân Anh quyết dành được quyền khai thác thiếc. Năm 1874, quân Anh tấn công xâm lược Pêrắc và buộc Sutan Pêrắc kí hiệp ước nô dịch. Anh phái một khâm sứ bên cạnh Sutan nắm mọi việc giao dịch với nước ngoài và thu nhập của Sutan. Phong trào chống Anh bùng nổ năm 1879, lan rộng ra toàn vương quốc gây khó khăn, thực dân Anh điều lính từ Hương Cảng và Ấn Độ đến để đàn áp. Hàng ngàn dân thường bị chặt đầu, tất cả trẻ em, phụ nữ, người già đều bị sát hại. Ở Sêlango năm 1874, thực dân Anh mượn cớ bảo vệ thuyền buôn khỏi bị cướp đã đổ bộ Sêlango, buộc Sutan phải kí hiệp định như Pêrắc. Nhưng nhân dân Sêlango không khuất phục đã tiến hành kháng chiến kiên cường. Nghĩa quân lợi dụng điều kiện thiên nhiên rừng, núi, đại hình quen thuộc để duy trì cuộc chiến tranh trong thời gian khá lâu. Thực dân Anh khốn đốn trong nhiều năm. Thực dân Anh ỷ vào ưu thế kĩ thuật, chiếm Sêlango. Nghĩa quân đông đảo của Sêlango vì không muốn sống dưới ách nô lệ đã lánh nạn sang vương quốc Sungây Ugiông. Suntan của vương quốc này đã giúp đỡ, thục dân Anh nhân cơ hội tấn công vương quốc nhỏ bé này. Vì lực lượng không cân xứng, nên thất bại dù đã chiến đấu anh dũng, kiên cường. Năm 1888, chính quyền Anh gây sức ép buộc Pahang thùa nhận viên quan đại diện của chúng. Quý tộc và địa chủ không đồng ý nên thuyết phục Sutan đứng dậy đấu tranh. Cuộc chiến tranh kéo dài đến lúc lực lượng nghĩa quân yếu dần, quân Anh mới dồn nghĩa quân về biên giới để tiêu diệt. *Đánh giá: Các cuộc đấu tranh chống xâm lược của nhân dân Mã Lai đã thất bại, thực dân Anh lôi cuốn Mã Lai vào thị trường tư bản thế giới. Từ việc khống chế eo biển Malacca đến việc mau đảo Pênang, chiếm Singapore, thực dân Anh cạnh tranh với tư bản Hà Lan và cuối cùng đẩy ảnh hưởng của Xiêm ra khỏi vùng này, chiếm lấy toàn bán đảo. 2.2.4. Phong trào chống thực dân Pháp ở Campuchia a.Cuộc đấu tranh của hoàng thân Sivôtha Nôrôđôm nhu nhược đầu hàng Pháp, quyền lợi dân tộc bị xúc phạm và quyền lợi của giai cấp phong kiến bị tổn hại. Sivôtha và một số đại biểu của giai cấp phong kiến đã đứng dậy khởi nghĩa. Phong trào nổ ra đầu tiên tại tỉnh Kôngpôngsoài và vùng bắc Biển Hồ vào giữa năm 1862. Ở tỉnh Baphnôm, dông đảo nhân dân tham gia dưới sự lãnh đạo của Xênôngxô và Comheng Giuythêa đã nổi dậy, tuy với vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần bảo vệ độc lập dân tộc, họ đã chiến đấu anh dũng, chiếm đươch dinh tổng đốc. Khởi nghĩa Baphnôm thắng lợi đã lôi cuốn phong trào các vùng lân cận. Nôrôđôm tập hợp 3000 quân đàn áp cuộc khởi nghĩa, chủ lực quân phái nam Phnôm Pênh đã đánh bại cánh quân của triều đình, nhân đà thắng lợi Comheng Giuythêa cổ vũ quân sĩ tiến về Uđông. Trước sức mạnh của nghĩa quân, Nôrôđôm cùng hoàng tộc chạy trốn. Năm 1862, Nôrôđôm cầu cứu vua Xiêm giúp đỡ đàn áp khởi nghĩa. Mùa thu, dưới sự giúp đỡ của Pháp – Xiêm đã đánh lui nghĩa quân. Baphnôm – trung tâm của cuộc khởi nghĩa bị triều đình chiếm lại, Comheng Giuythêa tử trận . Phong tào tạm thời lắng xuống. Cuối năm 186, Sivôtha nổi dậy hoạt động ở Kôngpôngsoài, quân triều đình đưa quân đến đánh nhưng nghĩa quân thực hiện lối đánh du kích nên chúng không sao đàn áp nổi. Chính trong lúc cuộc khởi nghĩa bước vào cao trào, thực dân Pháp đã hoàn thành việc thay thế Xiêm, chúng điều tàu chiến, quân dội, súng ống nhăm tăng cười cho Nôrôđôm tồn tại Quân Pháp và quân triều đình tập trung vây quét nghĩa quân. Ngày 18.07.1877, chúng bao vây đại bản doanh của Sivôtha nhằm bắt gọn, nhưng do sự ủng hộ của nhân dân và binh lính triều đình nên cuộc vây quét không thành công. Tuy cuộc vây quét của địch không thành công nhưng sau đó nghĩa quân lại lâm vào cảnh khó khăn. Tháng 3.1877, nghĩa quân di chuyển lên phía bắc và hoạt động mạnh tại các tỉnh Đông Bắc. Thực dân Pháp dùng chính sách dụ dỗ Sivôtha đầu hàng chúng hứa sẽ đảm bảo an toàn cho ông, nhưng ông đã cự tuyệt. Cuộc đấu tranh bị đàn áp khốc liệt, Tháng 10.1892, Sivôtha ốm nặng và từ trần, phong trào đấu tranh bị lụi tàn dần. *Đánh giá: Cuộc khởi nghĩa do Sivôtha lãnh đạo thất bại nhưng đã để lại nhiều bài học lịch sử quý báu. Với tinh thần đấu tranh bất khuất, dù cho kẻ thù có manh đến đâu, có vũ khí lợi hại đến đâu nghĩa quân đã khiến địch nhiều phen khốn đốn. Sivôtha với tinh thần không chịu khuất phục trước quân thù, ông là tấm gương sáng cho nhân dân Camuchia, để lại những trang sử đấu tranh ngoan cường vì độc lập tự do dân tộc. b. Cuộc khởi nghĩa của Acha Soa (1863 - 1866) Acha Soa ban đầu tham gia phong trào của Sithôva Xênôngxô, nhưng sau khi Nôrôđômcấu kết với thế lưc phản động và tực dân Pháp, Acha Soa cùng nghĩa quân bị đàn áp phải phiêu dạt sang Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Acha Soa chống lại thực dân Pháp và triều đình. Từ vùng núi Thất Sơn Acha Soa lấu Hà tiên làm bàn đạp đánh về Campuchia. Năm 1864, nghĩa quân đã chiếm tỉnh Campôt và áp sát Phnôm Pênh. Năm 1864 – 1865, hoạt động của nghĩa quân càng mạnh mẽ hơn. Acha Soa ban đầu tham gia phong trào của Sithôva Xênôngxô, nhưng sau khi Nôrôđômcấu kết với thế lưc phản động và tực dân Pháp, Acha Soa cùng nghĩa quân bị đàn áp phải phiêu dạt sang Việt Nam, nhân dân Việt Nam sẵn sàng giúp đỡ Acha Soa chống lại thực dân Pháp và triều đình. Từ vùng núi Thất Sơn Acha Soa lấu Hà tiên làm bàn đạp đánh về Campuchia. Năm 1864, nghĩa quân đã chiếm tỉnh Campôt và áp sát Phnôm Pênh. Năm 1864 – 1865, hoạt động của nghĩa quân càng mạnh mẽ hơn. Quân Pháp bị thiệt hại nặng vì các cuộc tập kích của nghĩa quân vào các thuyền chuyên chở súng đan và lúa gạo của chúng. Chúng yêu câu triều đình nhà Nguyễn đàn áp cuộc khởi nghĩa và triều đình nhà Nguyễn đã đồng ý. Tình hình hoạt động của nghĩa quân ngày càng mạnh, biên giới Việt Nam trở thành nơi an toàn cho Acha Soa. Thực dân Pháp thấy bất lợi nên ép buộc thế lực đầu hàng triều Nguyễn bắt Acha Soa nộp cho chúng. Bị thương nặng Acha Soa bị bắt giao nộp cho Pháp. Phong trào yếu dần. c.Phong trào đấu tranh của Pucômbô (1866 - 1867) Cuộc đáu tranh của Sithôva và Acha Soa đã khơi dậy tinh thần đáu tranh bất khuất anh dũng, Sống trong một đất nước lấy đạo Phật làm quốc giáo, Pucômbô là nhà sư có uy tín cao trong nhân dân, cuộc đấu tranh của Pucômbô được sự ủng hộ của nhân dân Tháng 4.1865, Pháp thấy được ý định chống đối nên đã bắt Pucômbô về giam tại Sài Gòn. Tháng 5.1866, những người yêu nước Việt Nam dã tổ chức cho Pucômbô vượt ngục. Ngày 07.06.1866, nghĩa quân Pucômbô lợi dụng tư tưởng chủ quan của Pháp đã tổ chức một trận đánh thắng lợi và sau đó còn dành được nhiều thắng lợi khác khiến quân Pháp hoang mang. Nhiều cuộc giao tranh của nghĩa quân và Pháp đã diễn ra cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Pucômbô biết lực lượng của địch mạnh nên đã chuyển sang chiến đấu tại vùng Đông bắc. Ngày 1.06.1866, trận đáu diễn ra tại tỉnh Baphnôm, quân triều đình bị đánh tan tác, tinh thần bất ổn và vào tháng 10 nghĩa quan lại tiếp tục tấn công. Nôrôđôm cầu cứu Pháp. Tháng 10. 1866, thực dân Pháp phái 1000 quân tiến hành trấn áp nghĩa quân, nghĩa quân tránh đụng độ trực tiếp với giặc. Ngày 17.12, nghĩa quân đánh chiếm Uđông, lần lượt chiếm nhiều địa điểm quan trọng, quân triều đình thua to, lúc ấy quân Pháp tới giúp, Thực dân pháp và triều đình muốn đòn nghĩa quan vào vòng vây để tiêu diệt nhưng không được. Giữa năm 1867, tình hình trở nên bất lợi cho nghĩa quân, nhà Nguyễn đầu hàng khiến nghĩa quân mất địa bàn an toàn. Phong trào dần dần xẹp xuống. Vào cuối năm 1867, Pucômbô dẫn nghĩa quân đánh về Kôngpôngthom để mở rộng lực lượng nhưng thế địch mạnh nên thất bại. *Đánh giá: Cuộc chiến đấu của Pucômbô là một biểu trưng đẹp đẽ về liên minh chiến đáu tự nhiên giữa các dân tộc bị chung số phận xâm lược và nô dịch trên bán đảo Đông Dương. Là sự hình thành, nuôi dưỡng cho mối quan hệ sâu sắc Việt Nam – Campuchia. 2.2.5. Phong trào chống thực dân Pháp ở Lào Khi tiến hành xâm lược Việt Nam và Campuchia, Pháp đã tính đường thôn tính Lào. Giữa thế kỉ XIX chế độ phong kiến ở Lào suy yếu phải thuần phục vào Xiêm, thực dân Pháp hiểu rằng muốn chiếm Lào thì trước hết phải đẩy lùi ảnh hưởng của Xiêm. Năm 1865, nhiều đoàn thám hiểm người Pháp đi ngược sông Mê Công lên thượng nguồn để thăm dò khả năng xâm nhập Lào, gây sức ép buộc triều đình Luông Pha – bang phải công nhận nền thống trị của Pháp. Ngay từ khi Pháp đặt chân xâm lược, nhân dân Lào đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh bất khuất trên toàn lãnh thổ. Pháp tiến hành đàm phán với Xiêm, đạt được Hiệp ước 1893, Chính phủ Xiêm thừa nhận quyền cai trị của Pháp ở Lào, Lào thực sự trở thành thuộc địa của Pháp. 2.2.6. Phong trào chống thực dân ở Miến Điện Miến Điện có một vị trí quan trọng, nếu chiếm được Anh sẽ củng cố được chõ đứng vững chắc trên vịnh Bengan, taọ nên một mắc xích trung gian trên đường từ Ấn Độ đi Malacca để qua Thái Bình Dương. Là cửa ngõ xâm nhập vùng Tây nam Trung Quốc, những điều này đã thôi thúc Anh xâm lược Miến Điện. Cuộc chiến đấu chống xâm lược lần thứ nhất ( 1824 - 1826) Tháng 3.1824, Anh tuyên chiến với Miến Điện. Quân Anh phá vỡ phòng tuyến và chiếm được các tỉnh duyên hải ở phái Nam và đầu năm 1825, chiếm được các vùng Tây Bắc. Quân đội Miến Điện do tướng Banđula chỉ huy tấn công quân Anh, tuy chỉ với vũ khí thô sơ nhưng với tinh thần đáu tranh anh dũng đã làm cho quân Anh khốn đốn. Chiến thắng tại Prômơ, quân Anh vấp phải sự chống trả của quân đội thường trực và sự nổi dậy của quần chúng nhân dân. Nhân dân tổ chức vườn không nhà trống, tổ chức thành các đội nhỏ tấn công đồn bốt và cản trở cuộc hành quân của địch. Âm mưu đánh nhanh thắng nhanh và mở rộng xâm lược của địch bị thất bại. Tháng 2.1826, hai bên kí điều ước Ianđabô. b. Cuộc chiến đấu chống xâm lược lần thứ hai ( 1852 - 1853) Tháng 4. 1852, Anh nhân vụ triều đình xử hai nhà tư bản Anh vì tội buôn gian bấn lận, chúng đã tiến hành cuộc xâm lược lần thứ hai. Từ tháng 4 đến tháng 6, chúng chiếm được nhiều vị trí quan trọng như Rănggun, Bátxây, Mataban… Nhân dân đứng dậy đấu tranh mạnh mẽ, làm thất bại kế hoạch xâm chiếm toàn bộ đất Tháng 6.1853, thực dân Anh tập trung những vùng đã chiếm được thành “xứ Miến thuộc Anh”. Cuộc chiến tranh du kích kéo dài của nhân dân Môn sinh sống ở Hạ Miến bùng nổ, kéo dài từ 1853 đến 1860, gây nhiều khó khăn buộc Anh phỉa tăng quân. Các đội du kích được thành lập với nhiều thành phần tham gia, nhiều cuộc chiến ác liệt đã diễn ra ở Bilin, Pêgu, nơi có phong trào diễn ra mạnh mẽ nhất là ở Bátxây dưới sụ lãnh đạo của các lãnh tụ Miatun, Haung Hi. *Đánh giá: Với tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường thực dân Anh sau 8 năm mới đặt được ách thống trị ở Hạ Miến. Cuộc chiến đấu của nhân dân Hạ Miến là trang sử vẻ vang, góp phần cản trở cuộc thôn tính Thượng Miến bị kéo dài. c. Cuộc chiến đấu chống xâm lược lần thứ ba (1885) Thượng Miến đóng một vai trò quan trọng nên các nước thực dân phương Tây đều muốn áp đặt ảnh hưởng của mình, nhân việc triều đình phạt công ty Anh về tội lậu thuế. Phó vương Anh ở Ấn Độ đã gửi tối hậu thư đòi phải để nhà cầm quyền Anh tham gia giải quyết vấn đề này, triều đình sợ lôi thôi nên quyết định rút vụ án nhưng chưa kịp thì tiếng súng xâm lăng đã nổ. Nhân dân dã đứng dậy đấu tranh, các đội du ích được thành lập tấn công vào nơi có quân địch cư trú, cắt đứt điện thoại, phá hoại đường giao thông của chúng. Quân địch huy động quân tăng gấp 4 lần để đàn áp phong trào, chỉ hai tuần sau khi chiến tranh bùng nổ (11.1885) thủ đô Manđalai bị chiếm. Ngày 01.01.1886, sát nhập Miến Điện vào Ấn Độ nhu một tỉnh “thuộc địa của thuộc địa”. 2.2.7. Xiêm giữa thế kỉ XIX – đầu thế kỉ XX a. Các hiệp ước bất bình đẳng Từ thế kỉ XV trở đi thương nhân châu Âu đã lẻ tẻ đến buôn bán ở Xiêm và tìm mọi cách xâm nhập vào quốc gia này. Trước hiểm họa xâm lăng triều đình Xiêm ra lệnh đóng cửa, việc buôn bán chỉ được phục hồi vào những năm 20 của thế kỉ XIX. Giữa thế kỉ XIX, Anh đã chiếm xong Ấn Độ , một phần Mã Lai với Miến Điện, vì sợ xảy ra xung đột nên vua Xiêm là Mông cút đã kí hiệp ước không bình đẳng đầu tiên (4.1855). Năm 1856, Xiêm cũng kí một hiệp ước tương tự như thế với Pháp và Mĩ; năm 1858, kí với Đan Mạch rồi lần lượt với Bồ Đào Nha, Hà Lan, Đức, Thụy Điển, Na Uy, Ý, Bỉ. Năm 1898, kí với Nga Chủ định của nhà cầm quyền Xiêm là muốn lợi dụng sự có mặt của các nước thực dân phương tây ở Xiêm để chúng mâu thuẫn và kiềm chế lẫn nhau, trên cơ sở đó Xiêm tránh tai họa trở thành thuộc địa của một trong các cường quốc tư bản. b. Cuộc cải cách của Rama V Ra-ma V (Chu-la-long-con ở ngôi từ 1868 - 1910) đã thực hiện nhiều chính sách cải cách. Nội dung cải cách: - Kinh tế: + Nông nghiệp: để tăng nhanh lượng gạo xuất khẩu nhà nước giảm nhẹ thuế ruộng, xóa bỏ chế độ lao dịch. + Công thương nghiệp: khuyến khích tư nhân bỏ vốn kinh doanh, xây dựng nhà máy, mở hiệu buôn, ngân hàng - Chính trị: + Cải cách theo khuôn mẫu Phương Tây . + Đứng đầu nhà nước vẫn là vua. + Giúp việc có hội đồng nhà nước (nghị viện) . + Chính phủ có 12 bộ trưởng. - Quân đội, tòa án, trường học được cải cách theo khuôn mẫu phương Tây. - Về xã hội: xóa bỏ chế độ nô lệ , giải phóng người lao động. - Đối ngoại: + Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo. + Lợi dụng vị trí nước đệm . + Lợi dụng mâu thuẫn giữa 2 thế lực Anh - Pháp đã lựa chiều có lợi để giữ chủ quyền đất nước. *Tính chất: +Thái Lan phát triển theo hướng tư bản chủ nghĩa và giữ được chủ quyền độc lập. +Tính chất một cuộc cách mạng tư sản không triệt để.  *Đánh giá: Trong bối cảnh chung của châu Á, Thái Lan đã thực hiện đường lối cải cách, chính nhờ đó mà Thái Lan thoát khỏi thân phận thuộc địa giữ được độc lập. Tiểu kết: Phong trào đấu tranh chống lại chủ nghĩa thực dân phương Tây, bảo vệ chủ quyền quốc gia dân tộc của các nước Đông Nam Á đã diễn ra gay gắt từ khi thực dân phương tây đặt chân xâm lược, liên tục sôi nổi giành được nhiều thắng lợi gây ảnh hưởng tới tiến trình đặt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân phương Tây nhưng cuối cùng đều bị đàn áp dã man. Hình thức đấu tranh của các quốc gia Đông Nam Á khác nhau, nhưng trong đó có hai phương pháp và hình thức chủ yếu: Một là, phương pháp đấu tranh bằng con đường vũ trang (có ở hầu hết các nước Đông Nam Á). Hai là, bằng con đường cải cách xã hội, (như Xiêm). Mặc dù phong trào đấu tranh thời kỳ này tỏ ra anh dũng, nhưng cuối cùng chỉ có tác dụng cản sức giặc, làm chậm bước tiến của chúng, chứ không chặn được hoàn toàn cuộc xâm lược ấy. Tuy nhiên thực dân phương Tây không phải vì thế mà đè bẹp được ý chí chiến đấu của nhân dân thuộc địa. III. TỔNG KẾT Các cuộc phát kiến địa lý đã mở ra thời đại xâm chiếm thuộc địa của chủ nghĩa thực dân châu Âu. Việc tìm ra con đường vòng quanh châu Phi sang châu Á của Bồ Đào Nha và con đường vượt Đại Tây Dương sang châu Mỹ của Tây Ban Nha đã mở ra thời đại này. Đông Nam Á trở thành nạn nhân đầu tiên của các cuộc xâm lược của chủ nghĩa thực dân. Mốc mở đầu cho quá trình này là vào năm 1511, người Bồ Đào Nha xâm lược Malaca. Từ cuối thế kỉ XVIII - nửa sau thế kỉ XIX, khi các nước châu Âu và Bắc Mĩ căn bản đã hoàn thành cách mạng tư sản, đua nhau bành trướng thế lực, đẩy mạnh xâm chiếm thuộc địa thì ở hầu hết các nước khu vực Đông Nam Á, chế độ phong kiến vẫn giữ địa vị thống trị và đều lâm vào cuộc khủng hoảng triền miên về chính trị, kinh tế, xã hội. Nhân cơ hội này, các nước thực dân phương Tây mở rộng và từng bước hoàn thành việc xâm lược các nước Đông Nam Á, trừ Xiêm. Nhìn chung, Đông Nam Á là khu vực trở thành “viên ngọc” có lực hút các nước châu Âu, khu vực có nhiều thực dân xâm chiếm nhất, do vị trí địa - chính trị của nó. Đồng thời, quá trình chinh phục của thực dân phương Tây đối với Đông Nam Á có thể nói là đa dạng, không đồng đều và phức tạp với những thời điểm khác nhau, tốn nhiều tiền bạc và của cải, thời gian chinh phục lúc kéo dài (như trên dưới 3 thế kỉ mới chinh phục được In-đê-nô-xia, Miến Điện…), có lúc chỉ tốn nửa thế kỉ (như Pháp chiếm Đông Dương). Lý do là chúng vấp phải sự kháng cự quyết liệt của nhân dân các nước này. Hay tạo ra vùng đệm đặc biệt đó là Thái Lan. Ngay từ khi thực dân phương Tây xâm nhập và xâm lược, nhân dân Đông Nam Á đã vùng dậy đấu tranh mạnh mẽ để bảo vệ đất nước. Đến khi các nước thực dân đặt ách thống trị, cuộc đấu tranh chuyển sang đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh chống chut nghĩa thực dân bảo vệ đất nước diễn ra bền bỉ, liên tục và kiên cường, lớp trước ngã xuống, lớp sau nối tiếp tiến lên kiên quyết giành cho kỳ được độc lập dân tộc. TÀI LIỆU THAM KHẢO Phan Ngọc Liên (chủ biên), Lược sử Đông Nam Á. Nxb Giao dục. H.1997. Lương Ninh (chủ biên), Lịch sử phát triển Đông Nam Á, Nxb Giáo dục, H.2005 Vũ Dương Ninh, Lịch sử thế giới cận đại, Nxb Giáo dục, H, 1998. Đỗ Thanh Bình (Chủ biên, 1999), Con đường cứu nước đấu tranh giải phóng dân tộc ở một số nước châu Á, Nxb. ĐHQG, Hà Nội. D.G.E.Hall (1997), Lịch sử Đông Nam Á (sách tham khảo), Nxb CTQG, Hà Nội.