Academia.eduAcademia.edu
Dân chủ không mang bản chất giai cấp. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phủ nhận các giá trị lý luận và thực tiễn về dân chủ và nhân quyền ở nước ta. Họ phê phán, bác bỏ những giá lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta,phản biện dân chủ không mang bản chất giai cấp nhằm xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN). Họ núp dưới chiêu bài “dân chủ hóa”, hình thành “kênh phản biện” để cho ra đời các tổ chức đối trọng với các cơ quan, tổ chức trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, đòi giám sát hoạt động của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, lợi dụng các diễn đàn tư tưởng, thông qua hoạt động hợp tác, nghiên cứu khoa học,... để tuyên truyền về “xã hội dân sự”, đề cao dân chủ tư sản, nhằm chuyển hóa lập trường, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với sự phê phán, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cùng với sự nhận thức không đầy đủ nên một bộ phận người dân bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, lôi kéo tham gia biểu tình, gây rối, tụ tập đông người, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật... Do vậy, cán bộ, đảng viên, nhân dân ta cần nhận thức rõ ràng và đầy đủ lý luận và thực tiễn về dân chủ ở Việt Nam để có thái độ, hành động đúng đắn. Về lý luận Thuật ngữ dân chủ xuất hiện từ thời cổ đại, vào khoảng thế kỷ thứ V trước công nguyên tại Hy Lạp. Theo tiếng Hy Lạp cổ, “dân chủ” được viết là Demoskratos, trong đó Demos là nhân dân và Kratos là cai trị. Theo cách diễn đạt này, dân chủ được hiểu là nhân dân cai trị, sau này được các nhà chính trị dịch giản lược là quyền lực nhân dân hay quyền lực thuộc về nhân dân. Đến thế kỷ XVIII, người Anh đã dựa vào ngôn ngữ Hy Lạp cổ để đưa ra thuật ngữ “democracy”, có nghĩa là “chính thể dân chủ” - thể chế dân chủ, một trong những hình thức chính quyền với đặc trưng là chính quyền nhà nước phải thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân. Điều này có nghĩa là dân chủ là chính thể nhà nước thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của nhân dân. Chế độ dân chủ là chế độ xã hội đối lập với chế độ chuyên chế, được ra đời đầu tiên trong thời kỳ cổ đại, đó là chế độ (nền) dân chủ chủ nô gắn với nhà nước dân chủ Athens. Tuy nhiên, nó chỉ trở thành “đúng nghĩa” khi giai cấp tư sản đấu tranh lật đổ chế độ phong kiến thiết lập chế độ dân chủ tư sản. Chế độ dân chủ tư sản được xác lập là chế độ chính trị, trong đó nhân dân thực hiện quyền lực của mình không thông qua cơ quan trung gian (gọi là dân chủ trực tiếp), hoặc thông qua cơ quan trung gian (gọi là dân chủ đại diện). Trong “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ và “Tuyên ngôn dân quyền và nhân quyền” của nước Pháp đã khẳng định nội dung của chế độ dân chủ, thể hiện bước phát triển to lớn của nhân loại về mặt xã hội. Như Mác nói: so với chế độ quân chủ phong kiến, dân chủ tư sản ra đời là một bước tiến lớn của nhân loại. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền thống trị về chính trị, kinh tế, giai cấp tư sản thẳng tay sử dụng chuyên chính để đàn áp các cuộc đấu tranh của công nhân và nhân dân lao động, mặc dù hiện nay giai cấp tư sản có sự điều chỉnh để tồn tại nhưng cũng vẫn “bị giới hạn trong khuôn khổ chật hẹp của sự bóc lột tư sản, thực ra, nó chỉ là chế độ dân chủ đối với thiểu số mà thôi”(1). Còn trong chế độ dân chủ XHCN, mà V.I.Lênin dự báo “dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản” là sự kế tục giá trị đó từ nền dân chủ tư sản, phát triển lên trên cơ sở chính trị - xã hội mới. Trong quá trình phát triển cách mạng XHCN, dân chủ trở thành giá trị phổ biến, thâm nhập vào mọi quan hệ xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để tạo ra đầy đủ các điều kiện cho sự giải phóng mọi năng lực sáng tạo của con người để “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(2). Quyền lực, tự do, sáng tạo đó được đảm bảo và thực hiện thông qua Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nhà nước pháp quyền XHCN tất yếu phải kế thừa từ các hình thức nhà nước pháp quyền đã có trong lịch sử những yếu tố còn giá trị, phù hợp với xu thế phát triển xã hội. Nhà nước pháp quyền XHCN luôn hướng đến việc trao quyền làm chủ xã hội thực sự cho nhân dân, quyền và trách nhiệm làm chủ công việc, lĩnh vực, sứ mệnh của mình, đưa mỗi con người với tư cách thành viên xã hội trở về đúng vị trí của bản thân. Đó chính là đem lại sự phù hợp giữa lý tưởng chân chính và sáng tạo chân chính. Kế thừa và phát triển quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vị trí, vai trò của dân chủ, là “chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”(3). Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”(4). Người cho rằng, dân chủ là phải làm sao cho người dân có quyền làm chủ, có điều kiện làm chủ, biết sử dụng quyền làm chủ của mình. Trên cơ sở tiếp thu, kế thừa quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ, Đảng ta khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”(5). Dân chủ XHCN là nền dân chủ trong đó tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Điều này không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, Cương lĩnh và các văn bản quy phạm pháp luật, mà còn được thể hiện sinh động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về thực tiễn. Mô hình XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu đã sụp đổ, nhưng không vì thế mà phủ nhận những thành tựu to lớn về thực hiện dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân mà các nước theo chế dân chủ XHCN mang lại.  Dân chủ trong hệ thống chính trị và toàn xã hội không ngừng được mở rộng; quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được bảo đảm phát huy trong thực tế. Phương thức hoạt động của Đảng không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, nhờ đó dân chủ trong Đảng ngày càng được nâng cao; sự tham gia của các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên vào việc hoạch định, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng ngày càng mở rộng và có hiệu quả. Nhà nước pháp quyền XHCN không ngừng được xây dựng, hoàn thiện nhằm bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, nhưng có sự phân công, kiểm soát và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. . Nền hành chính quốc gia không ngừng được cải cách. Hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện nhằm bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân được tham gia chính kiến, quan điểm vào quá trình xây dựng, hoạch định và giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật được coi trọng. Quyền khiếu nại, tố cáo của nhân dân được bảo đảm thực hiện trên thực tế; việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo của người dân ngày càng hiệu quả và kịp thời hơn.  Sự ra đời của một nền dân chủ mới - dân chủ xã hội chủ nghĩa là tất yếu gắn liền với quá trình ra đời của chủ nghĩa xã hội. Dân chủ xã hội chủ nghĩa thực hiện dưới nhiều hình thức, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và được pháp luật xã hội chủ nghĩa bảo đảm. Có dân chủ hay không có dân chủ, dân chủ nhiều hay ít, dân chủ thực sự hay dân chủ hình thức... không tuỳ thuộc vào chế độ một đảng hay nhiều đảng. Không phải chỉ thực hiện “đa nguyên, đa đảng” mới có dân chủ. Xét đến cùng và quan trọng nhất có dân chủ hay không là thể hiện ở chỗ quyền lực và quyền lợi có thuộc về người dân hay không? Để thực sự phát huy quyền làm chủ của mỗi người dân, để mỗi công dân thể hiện đầy đủ nhất quyền lợi và trách nhiệm làm chủ của mình đòi hỏi phải không ngừng nâng cao chất lượng một cách đồng bộ của nhiều thành tố, trong đó có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bởi vì, với chức năng quản lý xã hội bằng pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là công cụ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Trước tình hình thực tế đang có những diễn biến phức tạp, khó lường hiện nay thế lực thù địch muốn lợi dụng dân chủ để gây mất ổn định chính trị, phá hoại chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, lý luận về dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng vẫn chứng minh được tính đúng đắn, khoa học của nó.