Academia.eduAcademia.edu
GIẢNG DẠY NGỮ PHÁP TIẾNG ANH THEO ĐƯỜNG HƯỚNG GIAO TIẾP I. Đặt vấn đề: Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ngày càng có nhiều tập đoàn và công ty nước ngoài đầu tư vào nước ta để mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh. Nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác quốc tế, các nhà đầu tư luôn mong muốn tuyển dụng được nguồn nhân lực không chỉ có trình độ chuyên môn cao mà còn có khả năng giao tiếp tiếng Anh chuyên nghiệp. Do đó, các ứng viên có khả năng giao tiếp tốt bằng tiếng Anh sẽ có nhiều cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài với mức lương cao và cơ hội thăng tiến nhanh hơn. Hiện nay, tiếng Anh là một trong những điều kiện không thể thiếu để sinh viên có thể tìm được công việc mong muốn trong tất cả các lĩnh vực sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, một trong những thực tế đáng lo ngại nhất là phần lớn sinh viên tốt nghiệp đại học tại Việt Nam vẫn không thể sử dụng tiếng Anh một cách thành thạo. Đứng trước thực trạng này, các trường đại học và cao đẳng đã và đang cố gắng thúc đẩy đổi mới công tác dạy và học tiếng Anh, đặc biệt là đổi mới chương trình đào tạo và phương pháp giảng dạy, nhằm nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh cho sinh viên. Do đó, sau khi tốt nghiệp, với kiến ​​thức chuyên ngành và kỹ năng tiếng Anh, sinh viên có thể đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của người sử dụng lao động và có thể dễ dàng tìm được những công việc như mong muốn. Như đã đề cập ở trên, đã có rất nhiều sự đổi mới trong phương pháp giảng dạy tiếng Anh, tuy nhiên, chủ yếu được thực hiện đối với việc giảng dạy bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc và viết; trong khi đó, giảng dạy ngữ pháp vẫn chưa nhận được sự quan tâm xứng đáng. Làm thế nào để giảng dạy ngữ pháp hiệu quả vẫn là vấn đề gây tranh cãi và cần được chú ý nhiều hơn. Khi người học nắm vững kiến thức ngữ pháp tiếng Anh, họ sẽ tự tin hơn trong giao tiếp, giúp nâng cao hiệu quả học tập và thu được kết quả tốt trong các kì thi tiếng Anh. Ngoài ra, việc nắm vững kiến thức ngữ pháp cũng sẽ góp phần giúp sinh viên hoàn thiện tốt hơn các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Do đó, giảng dạy ngữ pháp rất cần thiết và luôn phải được chú trọng trong các lớp học tiếng Anh ở Việt Nam. II. Vai trò của Ngữ pháp trong giảng dạy tiếng Anh: Do sự có nhiều sự khác biệt giữa các phương pháp giảng dạy, mỗi nhà nghiên cứu ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy ngôn ngữ lại có cách nhìn rất khác nhau về tầm quan trọng của ngữ pháp trong tiến trình dạy tiếng. Vào năm 1622, Joseph Webbe Joseph Webbe (1610 - 1630) là một chuyên gia về ngữ pháp, bác sĩ và nhà chiêm tinh của nước Anh. Ông được nhớ đến với quan điểm giảng dạy ngôn ngữ dựa trên “việc giảng dạy tối thiểu về ngữ pháp” (minimal instruction in grammar), đi ngược lại các quan điểm thời bấy giờ. (trích từ https://en.wikipedia.org/wiki/Joseph_Webbe), một nhà giáo và chuyên gia về ngữ pháp, đã từng viết: “Không ai có thể học ngôn ngữ một cách nhanh chóng trong khi bị giới hạn bởi những quy tắc ngữ pháp” “No man can run speedily to the mark of language that is shackled… with grammar precepts.” (Webbe, trích trong Thornbury, 1999) (trích trong Thornbury, 1999). Ông cho rằng ngữ pháp có thể được tiếp thu chỉ đơn giản bằng cách giao tiếp và luyện tập thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, và viết. Webbe là một trong những nhà giáo dục đầu tiên đặt câu hỏi về giá trị của việc giảng dạy ngữ pháp, nhưng chắc chắn ông không phải là người cuối cùng. Có cùng quan điểm với Webbe, từ những năm đầu thập kỷ 70, Stephen Krashen đã phát triển một học thuyết về việc học ngôn ngữ thứ hai (theory of second language learning), trong đó ông bác bỏ mọi giá trị của việc giảng dạy ngữ pháp. Học thuyết của Krashen cho rằng có hai tiến trình để người lớn tiếp nhận các kiến ​​thức về ngôn ngữ: thứ nhất là sự thu nhận (acquisition) và thứ hai là học tập (learning). Học thuyết này hàm ý rằng tất cả các khía cạnh của việc giảng dạy ngữ pháp là vô nghĩa hay như ông nhận định: “Những ảnh hưởng của giảng dạy ngữ pháp ... có vẻ như không liên quan và rất mong manh” “The effects of grammar teaching… appear to be peripheral and fragile” (Krashen, trích trong Thornbury, 1999) (trích trong Thornbury, 1999). Ngược lại, trong vài thập kỷ qua, rất nhiều bằng chứng thực nghiệm cho thấy rằng giảng dạy ngữ pháp trong lớp học thực sự giúp cho người học tiếp thu ngôn ngữ thứ hai một cách hiệu quả hơn. Các bằng chứng này có được từ các nghiên cứu được kiểm soát cẩn thận và đã được thực hiện trong lớp học (Cowan, 2008). Do đó, không ai có thể nói rằng việc giảng dạy ngữ pháp là không liên quan, hoặc ngữ pháp không còn cần thiết nữa trong giảng dạy tiếng Anh. Giống như Brown (2001) đã tuyên bố: “Không ai có thể nghi ngờ tầm quan trọng của ngữ pháp như một quy tắc tổ chức ngôn ngữ để thực hiện việc giao tiếp” “No one doubts the prominence of grammar as an organizational framework within which communication operates” (Brown, 2001).. Ngày nay, nhiều nhà nghiên cứu đã kết luận rằng học thuyết của Krashen về cách người lớn tiếp thu ngôn ngữ thứ hai nhận được rất ít sự ủng hộ. Tuy nhiên, nhiều giáo viên vẫn tin rằng việc giảng dạy ngữ pháp không đem lại lợi ích gì. Một số giáo viên giảng dạy tiếng Anh từ mẫu giáo đến lớp 6 cho rằng học sinh của họ dường như học mà không cần biết đến ngữ pháp bởi vì trẻ em có thể tiếp thu một ngôn ngữ khác dù có rất ít hoặc không cần có sự hướng dẫn nào. Trẻ em chỉ cần được tiếp xúc với ngôn ngữ đó trong các ngữ cảnh có ý nghĩa. Ngược lại, người lớn không còn khả năng này và cần phải được hướng dẫn để nhận biết cũng như tiếp thu các quy tắc ngữ pháp của ngôn ngữ thứ hai (Cowan, 2008). Chia sẻ cùng quan điểm này, Celce-Murcia (1991) đưa ra sáu “biến số” (variables) dễ nhận biết có thể giúp giảng viên xác định vai trò của ngữ pháp trong giảng dạy ngôn ngữ. Less Important Focus on Form More Important Learner Variables Age Children Adolescents Adults Proficiency level Beginning Intermediate Advanced Educational background Preliterate No formal education Semiliterate Some formal education Literate Well-educated Instructional Variables Skill Listening, reading Speaking Writing Register Informal Consultative Formal Need/Use Survival Vocational Professional Hình 1. Các “biến số” xác định tầm quan trọng của ngữ pháp (Celce-Murcia, 1991) Celce-Murcia sắp xếp sáu “biến số” phổ biến từ ít quan trọng đến quan trọng hơn. Sáu “biến số” này bao gồm: tuổi tác (age), mức độ thành thạo (proficiency level), trình độ học vấn (educational background), kỹ năng ngôn ngữ (skill), phạm vi từ vựng (register), và nhu cầu/sử dụng (need/use). Khi xem xét sáu “biến số” này, giảng viên có thể xác định được mức độ quan trọng của việc giảng dạy ngữ pháp trong một lớp học ngoại ngữ nhất định. III. Giảng dạy ngữ pháp trong các trường cao đẳng và đại học tại Việt Nam: Trong chương trình đào tạo cho sinh viên chuyên ngành tiếng Anh và sinh viên không chuyên, ngữ pháp luôn là một trong những học phần bắt buộc. Ngữ pháp, vốn được định nghĩa là “hệ thống các quy tắc quy định sự sắp xếp và mối quan hệ của các từ trong một câu” (Brown, 2001) “the system of rules governing the conventional arrangement and relationship of words in a sentence” (Brown, 2001), là một phần không thể thiếu của một ngôn ngữ. Đó là lý do vì sao giảng viên và sinh viên luôn chú trọng đến việc dạy và học ngữ pháp. Do đó, làm thế nào để dạy và học ngữ pháp một cách hiệu quả luôn là một nhiệm vụ quan trọng cho cả giảng viên và các nhà nghiên cứu ngôn ngữ. Mặc dù việc dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam đã trải qua những thay đổi đáng kinh ngạc trong một vài thập kỷ trước, các giáo trình ngữ pháp hiện nay tại các trường đại học và cao đẳng vẫn chủ yếu sử dụng phương pháp giảng dạy truyền thống, được gọi là Phương pháp Dịch - Ngữ pháp (Grammar Translation Method). Với phương pháp này, giảng viên thường trình bày cấu trúc ngữ pháp, sau đó thực hành dưới dạng các bài tập nói hoặc viết, và sau đó được người học sử dụng trong các hoạt động nói hoặc viết ít được kiểm soát (less controlled speaking or writing activities). Mặc dù phương pháp giảng dạy ngữ pháp truyền thống giúp sinh viên nắm vững các quy tắc ngữ pháp, nhưng sinh viên không thể sử dụng các quy tắc này một cách linh hoạt và phù hợp trong các tình huống giao tiếp thực tế. Nói cách khác, phương pháp giảng dạy truyền thống vẫn còn một số điểm bất lợi gây cản trở người học phát triển khả năng giao tiếp. Thứ nhất, phương pháp giảng dạy ngữ pháp truyền thống lấy giảng viên làm trung tâm. Do đó, phần lớn thời gian của lớp học là dành cho việc giảng viên giải thích chi tiết các quy tắc ngữ pháp tiếng Anh, trong khi tất cả học sinh lắng nghe hoặc ghi chép. Bài tập điển hình của phương pháp này là dịch các câu từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc ngược lại, điền vào chỗ trống với một từ thích hợp và sửa lỗi trong câu. Vì vậy, giảng viên và sinh viên hầu như không chú trọng đến việc phát triển khả năng giao tiếp tiếng Anh. Các sinh viên tiếp thu tiếng Anh một cách thụ động và có rất ít cơ hội sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Thứ hai, đối với Phương pháp Dịch - Ngữ pháp, kỹ thuật học tập cơ bản là ghi nhớ và học thuộc lòng, không gây được hứng thú cho sinh viên, không giúp sinh viên xây dựng sự tự tin hoặc cải thiện kỹ năng giao tiếp tiếng Anh và thậm chí còn làm cho sinh viên sợ học ngữ pháp. Một phương pháp có thể thay thế cho phương pháp giảng dạy ngữ pháp truyền thống là phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp (Communicative Approach). Phương pháp này yêu cầu việc giảng dạy nói chung và giảng dạy ngữ pháp nói riêng phải dựa trên các tình huống thực tế. Tiến trình dạy và học ngữ pháp được thực hiện bằng cách “học đi đôi với hành”, trong đó sinh viên bắt buộc phải tham gia vào các hoạt động nhóm hoặc hợp tác hoàn thành các nhiêm vụ đòi hỏi có sự giao tiếp giữa sinh viên với giáo viên hay giữa sinh viên với sinh viên, từ đó sinh viên có thể tiếp thu và ghi nhớ các quy tắc ngữ pháp một cách tự nhiên. IV. Giảng dạy ngữ pháp bằng phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp: Trước đây, rất nhiều giảng viên tiếng Anh chỉ dạy ngữ pháp dựa trên những cấu trúc có sẵn mà không có bất kỳ sự chuyển đổi linh hoạt nào cho phù hợp với các bối cảnh giao tiếp thực tế. Tuy nhiên, kể từ những năm 1990, phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp đã được áp dụng rộng rãi trong các lớp học ngoại ngữ bởi vì theo Richards (2006), phương pháp này lấy năng lực giao tiếp làm mục đích của việc giảng dạy, và để đạt được mục đích đó, chương trình đào tạo cũng như phương pháp giảng dạy đều phải được xây dựng dựa trên các hoạt động giao tiếp. Chia sẻ cùng quan điểm, Brown (2001) bổ sung thêm rằng: “Các cấu trúc ngữ pháp khi được kết hợp với các tình huống giao tiếp cụ thể sẽ giúp người học nhận thấy sự kết nối giữa hình thức và chức năng của các cấu trúc ngữ pháp” “Grammatical patterns are matched to particular communicative meanings so that learners can see the connection between form and function.” (Brown, 2001). Sinh viên có thể học cách chọn đúng mẫu câu để thể hiện ý tưởng và cảm xúc của mình khi giao tiếp. Sinh viên cũng học được chách áp dụng các quy tắc ngữ pháp vào các tình huống giao tiếp khác nhau (Brown, 2001). Ông cũng chỉ ra năm điều giảng viên cần chú ý trong giảng dạy ngữ pháp. Thứ nhất, các cấu trúc ngữ pháp phải được thể hiện trong các ngữ cảnh giao tiếp có ý nghĩa. Khi người học nhận thấy rằng bối cảnh giao tiếp liên quan trực tiếp đến các tình huống thực tế, họ sẽ quan tâm hơn đến việc học cách truyền đạt thông tin đúng ngữ pháp. Thứ hai, các cấu trúc ngữ pháp phải phù hợp với mục đích giao tiếp của người học. Điều này đòi hỏi giảng viên phải thường xuyên tìm hiểu và phân tích nhu cầu (needs analysis) của người học để xác định rằng những gì chúng ta giảng dạy là phù hợp với những gì người học mong đợi và cần trong giao tiếp thực tế. Thứ ba, các cấu trúc ngữ pháp phải góp phần giúp sinh viên cải thiện khả năng giao tiếp tiếng Anh một cách chính xác và trôi chảy. Khi sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp, sinh viên cần phải đảm bảo có được sự chính xác cũng như trôi chảy. Thứ tư, giảng viên không nên áp đảo người học với các thuật ngữ chuyên ngành ngôn ngữ học. Việc sử dụng các thuật ngữ đơn giản và phù hợp sẽ giúp cho sinh viên dễ hiểu và tiếp thu nhanh hơn. Hơn nữa, việc giảng dạy ngữ pháp cũng không nên tập trung quá nhiều vào các quy tắc mà nên tập trung hơn vào cách sử dụng các cấu trúc này một cách chính xác và thích hợp với mục tiêu giao tiếp. Cuối cùng, các cấu trúc ngữ pháp nên được trình bày một cách sống động và tự nhiên nhất có thể nhằm tạo động lực cho sinh viên trong quá trình tiếp thu một môn học khô khan và khó như ngữ pháp. Ngoài ra, Cowan (2008) còn giới thiệu một số cách áp phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp vào các lớp ngữ pháp như: sử dụng trò chơi, giải câu đố, đóng vai, kể chuyện, thảo luận, trình bày quan điểm, xem xét và đưa ra phán đoán về hình ảnh và thuyết trình. Một yếu tố quan trọng trong lớp học theo đường hướng giao tiếp là sự thay đổi vai trò của giảng viên và sinh viên so với lớp ngôn ngữ truyền thống. Đối với phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp, giảng viên không còn nắm quyền kiểm soát các hoạt động trong lớp học. Thay vào đó, sinh viên chủ động làm việc theo nhóm hoặc theo cặp và phải tương tác, giao tiếp với nhau để hoàn thành nhiệm vụ, trong khi giảng viên đứng ngoài quan sát và chỉ đưa ra hướng dẫn hoặc giải pháp cho các vấn đề phát sinh trong quá trình thảo luận. V. Kết luận: Giảng dạy ngữ pháp theo đường hướng giao tiếp đòi hỏi sinh viên phải làm việc nhiều hơn là chỉ đơn thuần học thuộc lòng từ vựng, cụm từ danh từ, cụm động từ, giới từ, mạo từ và các cấu trúc ngữ pháp khác. Nó thúc đẩy việc áp dụng các phương pháp giảng dạy có hiệu quả và hữu ích để hướng dẫn, giúp đỡ và khuyến khích sinh viên nhìn nhận và sử dụng ngữ pháp như một công cụ truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và chính xác. Do đó, giảng viên ngoại ngữ cần phải tự mình thay đổi và kết hợp các phương pháp giảng dạy khác nhau nhằm giúp cho môn ngữ pháp trở nên thiết thực và nhẹ nhàng hơn bằng cách tổ chức các hoạt động liên quan đến giao tiếp trong lớp học. Giảng viên phải hiểu rằng mỗi sinh viên học theo một cách khác nhau và có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Từ đó, giảng viên cần điều chỉnh các hoạt động của lớp học dựa trên nhu cầu và năng lực khác nhau của sinh viên thay vì ép buộc sinh viên phải đi theo một mô hình duy nhất. Sự đa dạng trong các phương pháp giảng dạy và các hoạt động trong lớp học sẽ giúp sinh viên phát triển hơn khả năng tiếp thu và sự tự tin trong quá trình học ngoại ngữ của mình. VI. Tài liệu tham khảo: Brown, H. D. (2001). Teaching by Principles: An Interactive Approach to Language Pedagogy. New York: Addison Wesley Longman. Celce-Murcia, M. (1985). Making Informed Decisions About the Role of Grammar in Language. TESOL Newsletter, p. 4. Cowan, R. (2008). The Teacher’s Grammar of English. New York: Cambridge University Press. Richards, J. C. (2006). Communicative Language Teaching Today. New York: Cambridge University Press. Thornbury, S. (1999). How to teach grammar. Harlow: Pearson Education. ThS. Đoàn Thị Thu Hà Giảng viên, khoa Ngôn ngữ và Xã hội, trường Đại học Thái Bình Dương Email: dttha@pou.edu.vn Số điện thoại: 091 448 5521 1