Academia.eduAcademia.edu
Mục Lục I. MỞ ĐẦU: 2 II. NỘI DUNG: 2 1. Chú ý 2 1.1 Khái niệm chú ý 2 1.2 Các thuộc tính của chú ý 3 1.3 Phân loại chú ý 4 2. Phương pháp rèn luyện chú ý 5 2.1 Chú ý trong hoạt động học tập của học sinh- sinh viên 5 2.2 Chú ý trong đời sống thực tiễn 7 III. KẾT LUẬN 9 IV. PHỤ LỤC 9 V. TÀI LIỆU THAM KHẢO 10 MỞ ĐẦU: Bác nông dân một ngày nọ dẫn cậu con trai của mình vào vườn hoa hồng. Bác chỉ vào một bông hoa to và đẹp nhất vườn và hỏi cậu con trai lí do vì sao bông hoa kia lại to và đẹp nhất. Cậu con trai ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu. Bác nông dân chỉ cho con trai thấy bông hồng này có rất ít nụ và lá bởi bác đã cho nó một đặc ân là tỉa bớt lá thừa và nụ, chất dinh dưỡng cây hút được sẽ tập trung nuôi bông hoa nên đã khiến nó nở to và đẹp nhất. Bông hồng tập trung nuôi hoa, hoa của nó sẽ đẹp nhất. Con người cũng vậy, khi ta tập trung, chú ý vào một việc và hoàn thành nó thật tốt, thành quả mà ta thu được sẽ rực rỡ và tốt đẹp như bông hoa hồng kia. Có thể nói rằng “ Tập trung là chìa khóa của mọi thành công trong cuộc sống” , bởi mỗi con người đều có 24 tiếng mỗi ngày, nếu tập trung 20% thời gian, chúng ta sẽ tạo ra 80% kết quả. Tập trung chính là một thuộc tính của chú ý, theo tâm lí học thì đó là tập trung chú ý. Nhận thấy rằng “ Chú ý” là một đề tài rất hay và thực tế, có tính ứng dụng cao trong cuộc sống, nhất là đối với học sinh- sinh viên trong việc học tập, thi cử hay thậm chí đối với những người đang mong muốn thành công trong sự nghiệp. Em quyết định lựa chọn đề tài 04 “Chú ý: Khái niệm, bản chất và các thuộc tính chú ý. Phương pháp rèn luyện chú ý.”. Bài viết mang nhiều ý kiến, quan điểm cá nhân và trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện không thể tránh khỏi thiết sót, kính mong quy thầy cô góp ý để bài làm thêm hoàn thiện. Em xin chân thành cảm ơn! NỘI DUNG: Chú ý Giáo trình Tâm lí học đại cương- Đại học Luật Hà Nội Khái niệm chú ý a, Định nghĩa Chú ý là sự tập trung hoạt động tâm lí vào một hoặc một số đối tượng nào đó, nhằm phản ánh chúng một cách đầy đủ, rõ ràng nhất. b, Vai trò của chú ý Chú ý giữ vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của con người. Đối với hoạt động nhận thức: Chú ý giúp ta tiếp cận,nắm bắt được đối tượng và làm tăng hiệu quả của hoạt động nhận thức, những đối tượng nào được người ta chú ý sẽ được ghi nhớ rõ ràng, đầy đủ hơn. Do đó, chú ý trở thành cái nền của hoạt động nhận thức, giúp hoạt động nhận thức đạt kết quả tốt. Đối với hoạt động thực tiễn: Sự chú ý đến các thuộc tính căn bản nhất của sự vật, hiện tượng giúp ta cân nhắc đến các thuộc tính ấy một cách tốt nhất, qua đó, tổ chức hoạt động thực tiễn phù hợp với hoàn cảnh và nhiệm vụ của con người. Thông qua chú ý, con người còn tự thể hiện, bộc lộ bản thân mình. Trong hoạt động tư pháp, chú ý có vai trò quan trọng Chú ý ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công việc mà người cán bộ tư pháp tiến hành Trong hoạt động tố tụng hình sự và dân sự, nếu người cán bộ tư pháp biết định hướng chú ý của các chủ thể tham gia tố tụng một cách phù hợp sẽ giúp cho việc đánh giá tính đúng đắn trong lời khai của họ, đảm bảo cho việc thu thập và làm sáng tỏ các thông tin cần thiết. Các thuộc tính của chú ý Khối lượng chú ý: được đo bằng khối lượng đối tượng mà chú ý hướng tới trong một khoảng thời gian rất ngắn. Phân phối chú ý: phân phối chú ý là khả năng có thể chú ý đông thời tới một số đối tượng. Tập trung chú ý: là khả năng hướng và tập trung cao độ hoạt động tâm lí vào một số đối tượng cần thiết của hành động. Sự bền vững chú ý: được thể hiện ở khả năng duy trì lâu dài chú ý tới một hoặc một số đối tượng. Ngược lại với sự bền vững chú ý là sự phân tán chú ý. Phân tán chú ý là trạng thái tâm lí khi con người không thể duy trì tới một đối tượng nào, luôn bị các đối tượng không liên quan lôi cuốn. Sự di chuyển chú ý: là khả năng dịch chuyển chú ý từ đối tượng này sang đối tượng khác một cách có chủ định. Phân loại chú ý Căn cứ vào tính tích cực của con người trong việc tổ chức chú ý có thể chia thành ba loại: chú ý không chủ định, chú ý có chủ đinh và chú ý sau chủ định. Chú ý không chủ định: là sự tập trung hoạt động tâm lí lên một đối tượng nhất định khi có sự tác động kích thích của đối tượng đó. Chú ý không chủ định có thể xuất hiện phụ thuộc vào những đặc điểm sau đây của kích thích: tính chất mới mẻ, sinh động bất thường; cường độ của kích thích; độ hấp dẫn; sự bắt đầu hoặc kết thúc của một kích thích. Chú ý có chủ định: là sự điều chỉnh một cách có ý thức sự tập trung hoạt động tâm lí lên một đối tượng nào đó nhằm thỏa mãn những yêu cầu của hoạt động. Chú ý có chủ định phụ thuộc vào những yếu tố sau: tập trung chú ý trong hoạt động trí tuệ có sự tham gia của hoạt động thực tiễn; quang cảnh nơi làm việc; trạng thái tâm lí của cá nhân. Chú ý sau chủ định: là sự tập trung hoạt động tâm lí tới một đối tượng mà đối tượng đó có ý nghĩa nhất định đối với cá nhân. Chú ý sau chủ định xuất hiện sau khi đã hình thành chú ý có chủ định. Căn cứ vào đối tượng mà chú ý hướng tới ta có thể phân thành: chú ý bên ngoài và chú ý bên trong. Chú ý bên ngoài: là loại chú ý mà tâm lí cá nhân hướng vào các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan. Một số kích thích bên ngoài tác động lên giác quan con người như các kích thích có cường độ mạnh, kích thích có sự mới lạ, trật tự, sắp xếp cấu tạo của kích thích Chú ý bên trong: là loại chú ý mà ở đó, hoạt động tâm lí của cá nhân hướng vào hành động, suy nghĩ, thế giới nội tâm và ý thức bản ngã của cá nhân đó. Phương pháp rèn luyện chú ý Chú ý trong hoạt động học tập của học sinh- sinh viên a, Khái niệm chú ý trong học tập Chú ý trong học tập được hiểu là sự tập trung chú ý của người học vào một hay một nhóm đối tượng cuả nội dung học tập và tương đối tách ra khỏi các đối tượng khác nhằm phản ánh được tốt hơn để hành động, hoạt động có kết quả. Mục đích của việc chú ý trong học tập là giúp người biết, hiểu được khái niệm rõ ràng và giữ cho tâm trí được lâu dài theo các hoạt động chế biến chúng Luận văn thạc sĩ tâm lí học trường Đại học Sư phạm TP HCM: Nghiên cứu sự chú ý trong học tập của học viên trường sĩ quan quân sự- Đinh Công Dũng . Hiểu được vai trò và tầm quan trọng của chú ý trong học tập, nhà giáo dục học Comenski là một nhà giáo dục vĩ đại người Séc (Tiệp Khắc) là đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa nhân văn, là nhà hoạt động xã hội lớn của Tiệp Khắc trong những năm giữa thế kỉ XVII. đã từng nói “ Không bao giờ nên nói khi người ta chưa nghe, không nên giảng khi người ta chưa chú ý”. b, Nguyên nhân gây mất tập trung chú ý Tại sao có những người dành mỗi ngày chỉ dành 1-2 tiếng để tự học nhưng lại đạt hiệu quả gấp đôi, thậm chí gấp ba những người dành thời gian 3-6 tiếng để tự học mỗi ngày? Câu trả lời chính là sự chú ý. *Nguyên nhân khách quan Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là môi trường. Học tập trong một không gian yên tĩnh sẽ giúp sự tập trung được nâng cao hơn. Nếu học tập trong một môi trường đầy tiếng ồn và đông người qua lại, chú ý không chủ định sẽ xuất hiện khiến việc học bị xao nhãng. Nhiều sinh viên than phiền với bạn bè rằng, có những bài giảng quá chán khiến họ không muốn học. Do đó, họ thường hay trốn học, ngủ gật trong lớp, lượng kiến thức tiếp thu không đảm bảo sẽ gây ra tình trạng chán nản kéo dài. *Nguyên nhân chủ quan Đôi khi, học sinh- sinh viên không thể tìm thấy hứng thú trong việc học tập. Việc này cũng đơn giản như việc bạn đang học một ngành nghề mà bạn không thích hợp. Khi tìm được sự hứng thú trong học tập, chú ý sau chủ định xuất hiện khiến ta duy trì trạng thái hứng khởi, say mê với vấn đề. Tâm lí cá nhân không tốt cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn tới việc học. Nếu việc ôn thi đại học làm tinh thần quá căng thẳng, trạng thái bất ổn với nhiều cảm xúc đan xen như sợ sệt, lo lắng,… kéo dài sẽ gây ra sang chấn tâm lí khiến ta không thể tập trung học tập, tệ hại hơn khi bước vào phòng thi, hòa chung với sự lo lắng đó, ta còn không thể hoàn thành bài thi tốt như ý muốn. Hay khi đang tức giận, điều duy nhất người ta muốn làm là giải tỏa, nếu ép mình ngồi vào bàn học đương nhiên sẽ không bao giờ tập trung vào bài học được. c,Cách rèn luyện chú ý trong học tập Tạo cho mình một môi trường thật yên tĩnh để có thể tập trung. Không gian lí tưởng nhất cho việc học chính là ở thư viện trường, hay phòng học yên tĩnh. Khi đang cố suy nghĩ phương pháp giải một bài toán khó, đột nhiên có một tiếng động rất lớn làm bạn giật mình, khi đó dòng suy nghĩ sẽ bị gián đoạn, phương pháp giải bài toán mà bạn sắp nghĩ ra liền lập tức tan biến mất. Khi cảm thấy thật bế tắc và không thể tìm thấy bất cứ một hứng thú nào để học. Đừng vội nản chí. Nên nhớ rằng, não người ghi nhớ tốt những hình ảnh. Hãy biến những dòng lí thuyết khô khan trở nên sinh động bằng cách dùng Mind Maps Sơ đồ tư duy ( xem ảnh minh họa ở trang phụ lục), hay gán chúng bằng hình ảnh. Những phương pháp học kể trên đã được nghiên cứu và thực tế đã mang lại hiệu quả rất lớn. Cuối cùng, tạo cho mình một tâm lí hoàn toàn thư thái. Trấn an bản thân mỗi khi căng thẳng ập đến. Thay đổi góc nhìn đối với vấn đề đang lo sợ. Ví dụ như việc lo sợ sẽ thi trượt đại học sẽ khiến tâm lí của các bạn học sinh bất ổn. Bởi các bạn thường nghĩ nhiều về hậu quả nếu thi trượt chứ không nghĩ đến viễn cảnh tốt đẹp khi thi đỗ. Suy nghĩ tiêu cực sẽ hạn chế tư duy. Vậy nên hãy tích cực trong mọi vấn đề. 2.2 Chú ý trong đời sống thực tiễn a, Vai trò của chú ý trong đời sống thực tiễn Bruce Lee Lý Tiểu Long: nam diễn viên võ thuật gốc Hoa nổi tiếng trong nền điện ảnh Hoa Kỳ, đồng thời là võ sư sáng lập võ phái Triệt quyền đạo. từng nói “Không phải mỗi ngày một tăng thêm mà chính là mỗi ngày một giảm bớt bằng cách đẽo gọt những thứ vô bổ”. Phương châm này đã nói đến khối lượng chú ý, ta không thể hướng sự chú ý đến quá nhiều đối tượng mà thay vào đó hãy tập trung vào một vài đối tượng. Hay nói cách khác là biết phân phối chú ý một cách hợp lí. Đó cũng là lí do tại sao trong cuộc sống, con người khó có thể đạt được hiệu suất như mong muốn. Nguyên lí Pareto hay quy luật 80/20 (quy luật thiểu số quan trọng và phân bố nhân tố) nói rằng trong nhiều sự kiện, khoảng 80% kết quả là do 20% nguyên nhân gây ra. đã chỉ rõ, khi chúng ta tập trung chỉ 20% thì chúng ta đã tạo ra kết quả tương đương với 80%. Phải nói rằng sức mạnh của chú ý rất to lớn. Đó cũng chính là lí do người ta thường thắc mắc tại sao lại hay thất bại trong cuộc sống, tại sao mục tiêu đặt ra chưa bao giờ hoàn thành, tại sao người ta bỏ rất nhiều thời gian và công sức nhưng kết quả thu lại không như mong muốn. b, Phương pháp rèn luyện chú ý Chú ý ở đây không chỉ đơn thuần là trong việc học tập nữa mà là trong cuộc đời, trong sự nghiệp của mỗi người. Muốn làm được điều này, đầu tiên phải xác định cho mình một mục tiêu thật rõ ràng, hãy viết, vẽ nó lên giấy để ngày ngày, giờ giờ có thể nhìn thấy bản mục tiêu đó. Sau đó, hãy dồn toàn bộ tâm trí của mình vào việc thực hiện nó, hãy nghĩ rằng, bạn rất muốn đạt được nó. Luôn luôn động viên và khích lệ chính bản thân mình những khi nản chí. Hãy thử nhắm mắt, di chuyển và suy nghĩ về tương lai, đôi khi bạn cảm thấy thật vô định. Nhưng nếu có cho mình một mục tiêu ngay bây giờ và dốc toàn bộ tâm trí để thực hiện nó, bạn nhất định sẽ thành công. Tập trung chú ý mang lại hiệu suất không tưởng trong công việc của bạn. Nếu biết vận dụng một cách hợp lí, bạn sẽ đạt được những kết qủa như mong đợi trong cuộc sống cũng như trong công việc. KẾT LUẬN Dùng một chiếc bút hai đầu, một lớn và một bé cùng một lực như nhau tác dụng vào tờ giấy. Tờ giấy sẽ dễ dàng bị xuyên thủng bởi đầu ngòi bút mảnh hơn. Sự tập trung chú ý cũng giống như đầu ngòi bút vậy, khi ta tập trung vào một việc, hiệu quả đạt được sẽ lớn hơn so với làm quá nhiều việc cùng một lúc nhưng không chuyên tâm với nó. Thực ra, bí quyết của sự chú ý chẳng có gì cao siêu, chỉ bằng bốn chữ “ Toàn tâm, toàn lực”. Là học sinh- sinh viên, ai cũng mong muốn mọi nỗ lực của mình sẽ được như ý, là một con người đã và đang tìm kiếm một con đường có đích đến huy hoàng thì sự tập trung chú ý chính là một nhân tố quan trọng góp phần rất lớn. PHỤ LỤC Sơ đồ tư duy Mind Maps https://newshop.vn/tin-tuc/cach-ve-so-do-tu-duy-mindmap-va-phuong-phap-hoc-hieu-qua-khong-ngo-id12.html TÀI LIỆU THAM KHẢO Giáo trình Tâm lí học đại cương- Đại học Luật Hà Nội Tôi tài giỏi, bạn cũng thế- Adam Khoo Luận văn thạc sĩ tâm lí học trường Đại học Sư phạm TP HCM: Nghiên cứu sự chú ý trong học tập của học viên trường sĩ quan quân sự- Đinh Công Dũng