You are on page 1of 5

Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên trong tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận

Lê Quý Đôn từng cho rằng: “Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh
núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được.” Nhưng có lẽ, theo Hoài Thanh và Hoài
Chân nhận xét, nhà thơ Huy Cận chỉ “đi lượm lặt những chút buồn rơi rác để rồi sáng tạo nên
những vần thơ ảo não. Người đời sẽ ngạc nhiên vì không ngờ với một ít cát bụi tầm thường thi
nhân lại có thể đúc thành bao nhiêu châu ngọc.” “Châu ngọc” ấy, không chỉ là “ba vạn quyển
sách” bất di bất dịch, không chỉ là “cảnh núi sông kì lạ” bất biến theo thời gian mà nó là tầm vóc
của vũ trụ, là nỗi niềm đi cùng với nhân thế. Trái tim của ông như đập chung một nhịp với trái tim
của thời đại. Trước năm 1945, vần thơ của ông sao mà tha thiết, não nề đến thế:

“Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lòng

Nỗi nhớ thương không biết đã tan chưa

Hay lòng chàng vẫn tủi nắng sầu mưa

Cùng đất nước mà nặng buồn sông núi.”

Sau năm 1945, khi cả đất nước dữ dội, sôi nổi trong cơn sóng của cách mạng, nhiều thi sĩ đã lỡ
bước, trượt chân, sa lầy vào thuở quá khứ buồn tủi mà lạc mất giữa nhịp thời sôi nổi. Nhưng Huy
Cận, là “một phần” của thế gian này cũng dần bước ra khỏi “thung lũng đau thương” với thiên cổ
sầu trước kia. Đánh dấu sự trở lại với một “chàng Huy Cận” mới, phải kể đến bài thơ được in
trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng” như một khát vọng được nhìn thấy khung cảnh huy hoàng, đất
nước được thống nhất hai miền Nam – Bắc, đó là “Đoàn thuyền đánh cá”. Nổi bật lên là khung
cảnh thiên nhiên ẩn chứa bao điều mà nhà thơ Huy Cận muốn gửi gắm.

Không giống cách người ta ví von thiên nhiên sao cho to lớn mà rợn ngợp, tựa một vị ẩn sĩ khó
đoán, thất thường như cảnh biển được miêu tả trong “Đoạn trường tân thanh”:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng, cánh buồm xa xa”

Bởi lẽ cảnh biển hay cảnh chiều tối lại gợi lên một không gian rộng lớn khiến cho con người
không tránh khỏi cảm giác cô đơn, lạc lõng, lẻ loi. Tuy nhiên vẫn là không gian, thời gian ấy, vần
thơ của Huy Cận lại đem đến xúc cảm ấm áp, ôm ấp, chở che cho cuộc hành trình ra khơi của
những người dân chài:

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa”

Mặt trời – thứ ta vốn coi thật xa xôi, vĩnh hằng, thậm chí ta còn chưa một lần dám nhìn thẳng, ấy
vậy lại được Huy Cận so sánh với hòn lửa – một vật tưởng chừng như hoàn toàn đối lập, nhỏ bé,
tầm thường, thứ ngày nào ta cũng thấy trong đời sống hàng ngày. Bằng cách coi mặt trời như một
hòn lửa, nhà thơ đã khéo léo khiến cảnh sắc thiên nhiên không còn vời vợi như thực tại mà đem
lại cảm giác gần gũi, sinh động hơn bao giờ hết. Đối với Huy Cận, thiên nhiên không phải kẻ thù
để ta chinh phục, cũng chẳng phải điều gì đó nguy hiểm mà ta phải tránh xa. Thiên nhiên là một
người bạn đồng hành, một người mẹ có tấm lòng bao la, thấm thía tình cảm với con người, cho ta
miếng ăn cái mặc. Nên phương thức ông nhắc đến thiên nhiên, như thể một người bạn cũ đã lâu,
vẫn luôn lặng thầm kề bên ta. Nhà thơ so sánh như vậy sở dĩ không phải để làm mất đi tầm vóc
cao cả của thiên nhiên mà là nhằm đưa những điều tưởng chừng vĩ đại, bất tận như sóng hay màn
đêm đều bỗng hóa thành một ngôi nhà thân thương của những người dân, luôn chào đón họ trở về
trong vòng tay mỗi khi hoàng hôn dần buông. Lao động lúc nào không còn là một nghĩa vụ mà đã
trở thành một niềm vui, một chuyến ngao du độc tấu lên những câu hát cùng ngọn gió, cùng thiên
nhiên:

“Biển bằng không có dòng xuôi ngược,

Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm.”

Trong khổ thơ thứ hai, nhà thơ Huy Cận không chỉ làm rõ nội dung câu hát là ca ngợi sự giàu có,
trù phú của biển cả quê hương mà còn lồng ghép trong đó là lòng biết ơn dào dạt của những người
dân, đã cho họ được sống vì những vẻ đẹp non nước của thiên nhiên hữu tình, đa dạng này:

“Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!”

Quả đúng nhứ ta vẫn thường hay nhắc nhở con cháu từ đời này sang đời sau “Rừng vàng biển
bạc”. Nhà thơ Huy Cận sử dụng hình ảnh cá bạc mang giàu tính liên tưởng, vừa phác họa rõ nét
cái màu bạc của vẩy cá lấp lánh trên mặt biển. Tác giả đã vẽ ra một bức tranh thủy mặc tĩnh lặng
nhưng đẹp đến mức khiến lòng người dậy sóng, như nhìn thấy trước mắt cảnh tượng hùng vĩ, như
nghe được bên tai tiếng sóng vỗ hòa với tiếng gió hát, như ngửi được mùi nồng mặn của biển
khơi. Đồng thời cũng khiến người đọc cảm nhận sâu sắc biển cả quê hương, đất nước ta có chăng
từng đẹp đẽ, quý báu đến nhường này. Có lẽ đọc những dòng thơ của Huy Cận, ta cũng đôi lần tự
hỏi như nhà thơ Chế Lan Viên rằng “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?” Hơn thế nữa, nhà thơ
còn đan xen vào đó là hình ảnh so sánh “cá thu như đoàn thoi” được nhân hóa lên “đêm ngày dệt
biển muôn luồng sáng” đã thể hiện khung cảnh biển cả qua “lăng kính” của ông trở nên phong
phú, thú vị đến kì lạ. Cả đại dương trở nên lấp lánh, rực rỡ vì tấm vải khổng lồ được dệt nên bởi
muôn vàn loài cá quý.

Càng hân hoan hơn nữa khi người lao động cũng dành tình cảm cho biển cả như biển cả luôn dành
cho họ. Họ thân thương gọi rằng “đoàn cá ơi” và xưng “ta”, dường như giữa con người và thiên
nhiên không còn là bức tưởng xa cách mà trở nên khăng khít tựa những người bạn, người thân
đáng mến. Điều ấy khiến ta chợt nhớ đến những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

“Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?

Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?

Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy

Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?”

Nếu con người không trân trọng, mến yêu thiên nhiên đến vậy, thì có lẽ chẳng nơi đâu có sắt có
vàng, chẳng nơi đâu còn luồng cá chạy và cũng chẳng nơi đâu cho điện quay chiều. Chính vì tình
cảm ấy vẫn luôn sâu đậm, có trước có sau nên thiên nhiên và con người vẫn luôn đồng hành cùng
nhau:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng”

Gọi Huy Cận là một nhà thơ, chẳng bằng gọi ông là một họa sĩ. Ông tạc ra một kiệt tác theo phong
cách của chính mình, riêng tư, kín đáo mà lãng mạn, thơ mộng, khó phân thực ảo. Cánh “buồm
trăng” kia chẳng biết là cánh buồm đầy đặn, no gió, từ xa nhìn lại tựa một vầng trăng thứ hai, hay
“buồm trăng” ấy là bóng dáng vầng trăng phản chiếu dưới mặt nước, dát vàng dát bạc khắp thế
gian. Chẳng ai rõ, chỉ biết mỗi người có một câu trả lời thi vị cho riêng mình, còn đối với Huy
Cận, có lẽ chiếc thuyền với cánh “buồm trăng” ấy bước ra từ một thế giới cổ tích khác. Mạch liên
tưởng ấy tiếp tục được khai thác ở câu thơ thứ hai. Hình ảnh “mây cao với biển bằng” đã trả lại
cho thiên nhiên cảm giác vũ trụ bạt ngàn, kì vĩ quen thuộc trong thơ Huy Cận. Nhưng điều ấy
không đồng nghĩa với việc con người được đặt giữa không gian ấy sẽ trở nên đơn lẻ, lo lắng mà
càng thêm vẻ hào hứng, phấn khởi. Họ không chỉ mang trong mình vẻ đẹp của những người lao
động mới, mà họ còn mang vẻ đẹp tâm hôn say mê trước cái đẹp của một thi sĩ:

“Cá nhụ cá chim cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long”

Hai câu thơ đầu được nhà thơ sử dụng nghệ thuật liệt kệ làm nổi bật lên sự giàu có của biển cả quê
hương. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn có chất lượng rất cao. Đặc biệt nhất trong số đó,
được Huy Cận quan sát tỉ mỉ nhất là loài cá song. Biển khơi vốn mang tính thủy nhưng qua biện
pháp ẩn dụ độc đáo “cá song lấp lánh đuốc đen hồng” đã đưa tính thủy đứng cùng với tính hỏa,
tạo thành sự đối lập mới mẻ, thú vị trong câu thơ của ông.
Hai câu thơ cuối, Huy Cận tiếp tục sử dụng nghệ thuật nhân hóa, tưởng chừng đơn giản nhất là
gọi chú cá song là “em” nhưng lại đem đến sự thân thương, gẫn gũi gắn kết giữa những người dân
chài với thiên nhiên một cách bất ngờ. Bên cạnh đó, động từ “quẫy” như tô thêm “tính người” cho
chú cá song, khiến chú xem chừng là một đứa trẻ tinh nghịch, tò mò, hồn nhiên đùa giỡn với ánh
trăng hư ảo trên mặt nước. Câu thơ cuối là một vết chấm phá độc đáo khác của nhà thơ Huy Cận.
Ta có thể hiểu từ “thở” nhằm chỉ hơi thở của biển khơi, như thế một cơ thể tràn đầy sức sống, có
hơi thở, nhịp đập của riêng mình. Biển đêm không hoàn toàn tĩnh lặng, im mỏi mà như đang thức
để dõi theo chuyến hành trình của những người dân. Nhịp thở ấy chính là những cơn sóng nhịp
nhàng, nhấp nhô như xô đẩy bóng sao trên mặt biển đêm, kiến tạo nên một không gian trữ tình,
lãng mạn mà người đọc khó quên. Bên cạnh đó ta cũng có thể hiểu rằng “sao” là một từ để hỏi.
Màn đêm như một người già đang thở than, phàn nàn trước trò đùa nghịch hồn nhiên của chú cá
song. Đây cũng là đặc trưng của bút pháp Huy Cận sau năm 1945. Khi thiên nhiên trong thơ ông
không còn một vẻ ủ ê, xót xa mà đã tươi sáng và có hồn hơn. Chẳng còn bóng hình thiên nhiên
“lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng” của “một chiếc linh hồn nhỏ mang thiên cổ sầu” đâu nữa.

Thiên nhiên đôi lúc cũng nghiêm khắc, soi sáng để thức tỉnh con người khỏi những điều sai trái
như trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Nhưng đồng thời thiên nhiên vẫn luôn vị tha, cho phép con người nương nhờ, dựa dẫm, bảo hộ họ
trên những chuyến đi xa xôi bất tận, gắn bó với họ từ thuở khai thiên lập địa:

“Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao

Biển cho ta cá như lòng mẹ

Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Mặt trăng không chỉ dát bạc cho cánh buồm, đưa con thuyền ra khơi mà nó còn phác họa một
khung cảnh mờ ảo, cùng với sóng xô vào mạn thuyền, tạo nhịp điệu cho bài ca gọi cá đến. Chưa
lần nào chông chênh trên biển mà chẳng biết mọi thú sẽ đi về đâu, ta chẳng thể nào hiểu hết nỗi
lòng của những người dân chài vẫn luôn không ngừng lao động để hướng tới một hậu phương
vững chắc, một xã hội chủ nghĩa hoàn chỉnh làm tiền đề cho chiến tuyến miền Nam. Biển cả cho
họ miếng cơm manh áo, dù đôi lần bão táp gió mưa nhưng không có biển cả, họ cũng chẳng còn là
một người dân chài được nữa. Tự buổi nào, từ khi sinh ra hay đã bao thế hệ trôi qua được biển
khơi nuôi nấng như những đứa con, biển khởi trở thành một phần máu thịt của mảnh đất Việt Nam
này. Đó là một lối liên kết từ ngàn đời, từ thật xa xưa khó nhớ, nhưng nó khó mà chặt đứt, từ bỏ.
Ca dao cũng từng dùng cái dạt dào của nước để nói về lòng mẹ:

“Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”

In sâu vào trong tâm thức người Việt, không chỉ là cảnh núi non hùng vĩ, bao là mà còn là một
tình thương vô tận: bao dung, vị tha, che chở cho con người như một người mẹ. Đối với người dân
nơi đây, biển cả còn hơn cả một kế sinh nhai, nó đã trở thành nhà, trở thành quê hương sẽ mở rộng
vòng tay chào đón, ôm ấp ta mỗi khi ta quay về. Và dù người dân chài có đến hay đi, thiên nhiên
nói chung và biển cả nói riêng đều đồng hành cùng họ như một lời động viên âm thầm, lặng lẽ mà
chân thành, ý nghĩa hơn bất cứ thứ hình thức gì khác:

“Câu hát căng buồm với gió khơi

Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời

Mặt trời đội biển nhô màu mới

Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.”

Khổ thơ cuối, khép lại bài thơ, tạo ra kết thúc đầu cuối tương ứng. Đoàn thuyền trở về trong khúc
ca khải hoàn tráng lệ, một tâm thế chủ động, đưa tầm vóc của mình to lớn đến mức đủ để chạy
đua cùng mặt trời. Không giống như con người trước Cách mạng Tháng tám, luôn phải trông
mong một cách mơ hồ, khắc khoải về một niềm hi vọng đổi thay cuộc sống của mình như hình
ảnh những người dân nơi phố huyện hàng đêm trông chờ sự xuất hiện của đoàn tàu trong truyện
ngắn “Hai đứa trẻ” – Thạch Lam. Con người, giờ đã dám chạy đua cùng thiên nhiên, có lẽ vì sức
mạnh mà vẻ đẹp thiên nhiên đem lại là vô tận, là hi vọng về một “màu mới”, một tương lai mới
cho đất nước đã bị bao trùm trong xiềng xích và kiếp nô lệ bấy lâu. Câu thơ cuối mang đậm màu
sắc lãng mạn. Cách dùng từ “huy hoàng” của Huy Cânh đã gợi lên một ấn tượng mạnh về ánh
sáng của thành quả lao động và cũng là ánh sáng của một tương lai phái trước. Từ một hình ảnh tả
thực khi ánh mặt trời chiếu long lanh trên mắt cá, nhà thơ đã tạo nên một tuyệt tác hào hùng về
một tương lai vĩ đại phía trước sẽ được sẽ được dựng xây lên từ những người dân lao động, từ
thiên nhiên của ngay hôm nay, những điều giản dị nhất.

Cảnh sắc thiên nhiên trong “Đoàn thuyền đánh cá” không đơn thuần chỉ bộc lộ gián tiếp vẻ đẹp
của con người qua từng bức tranh mà còn thể hiện những thông điệp, ý nghĩa mà Huy Cận khéo
léo gửi gắm. Đó là một niềm khát khao, hi vọng, chủ động vươn tới tương lai hào hùng, bất khuất,
hiên ngang phía trước chứ không phải mòn mỏi, chờ đợi, lầm lụi ngóng về một sự ban phát niềm
tin hư ảo nào khác. Tự do phải do chính tay ta kiến tạo nên mới là tự do lâu dài, bền vững nhất.

Bài viết của Việt Hà – thành viên team Thích Văn học.

You might also like