Academia.eduAcademia.edu
VĂN HỌC VIỆT NAM 4 --------------- Câu 1. Những thuận lợi và khó khăn của VHVN giai đoạn 1945 – 1954? * Thuận lợi: Trước hết, phải kể đến sự lãnh đạo và quan tâm giúp đỡ thường xuyên của Ðảng. Thông qua hoạt động của các tổ chức văn nghệ, Ðảng đã đề ra chủ trương chính sách tích cực, giúp chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc ; phát động các cuộc thi để kích thích phong trào sáng tác, phát hiện tài năng mới ; động viên văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế,... (Hội văn nghệ Việt Nam được thành lập, ra tạp chí Văn nghệ - năm 1948 ; tổ chức giải thưởng văn nghệ các năm 1951-1952, 1954-1955,...) - Cách mạng tháng Tám đã giải phóng dân tộc, đồng thời cũng giải phóng cho văn học khỏi những trói buộc của quan niệm cũ. Tính dân chủ được nâng cao, văn học không còn là sở hữu riêng của một lớp người mà thành giá trị chung cho tất cả mọi người. Quan niệm nghệ thuật tiến bộ được khẳng định, đưa văn học trở về với ngọn nguồn đích thực là đời sống rộng lớn của nhân dân, hứa hẹn một sự khởi sắc rực rỡ. - Lực lượng sáng tác được tập hợp đông đảo, có sự góp mặt đầy đủ và bổ sung lẫn nhau giữa các thế hệ. Dưới ngọn cờ của Ðảng, văn nghệ sĩ dù ở thế hệ nào cũng hướng về lý tưởng chung, soi sáng cuộc đời và công việc sáng tạo nghệ thuật. Mặc dù còn phải tiếp tục giải quyết nhiều vướng mắc về lập trường, quan điểm, về tư tưởng nghệ thuật nhưng nhìn chung ngay từ buổi đầu, đa số lớp trước Cách mạng đều phát huy tinh thần dân tộc, hăng hái đi theo kháng chiến bằng lương tâm và trách nhiệm cao nhất của người nghệ sĩ chân chính. Bên cạnh đó, phải kể đến lớp nhà văn trưởng thành từ quân đội, từ phong trào sáng tác  quần chúng. Sáng tác của họ mang đậm đà hơi thở đời sống, tạo nên sức trẻ cho nền văn học, có sức động viên, khích lệ tinh thần nhân dân rất mạnh mẽ. - Trình độ học vấn, đời sống tinh thần, năng lực thẩm mỹ được nâng cao, quần chúng trở thành nhân tố quan trọng cho sự hồi sinh của văn học. Nhân dân là đối tượng phản ánh, là độc giả và cũng chính là người trực tiếp sáng tạo nghệ thuật. Giới văn chương được mở  rộng, sinh hoạt văn nghệ sôi nổi hẳn lên. Mặt khác, chín năm kháng chiến khổ nhục mà vĩ đại - một hiện thực hoành tráng, giàu chất sử thi - là nguồn đề tài phong phú cho sáng tác. Cuộc sống mới, quan hệ xã hội mới với bao nhiêu cung bậc tình cảm của con người Việt Nam tự do đã gợi lên những cảm hứng mãnh liệt, điều kiện cần thiết trước hết cho sáng tác. - Tuy khởi đầu cho một thời kỳ mới nhưng văn học 1945-1954 không hoàn toàn tách rời mà gắn bó chặt chẽ, kế thừa những thành tựu của giai đoạn trước Cách mạng. Những năm 40 là thời kỳ khủng hoảng cao độ của chế độ thuộc địa, xã hội bế tắc, hoang mang, không tìm được hướng đi. Tình hình văn học, do đó hết sức phức tạp với nhiều khuynh hướng, nhiều giá trị biểu hiện khác nhau. Văn học kháng chiến chống Pháp có đầy đủ điều kiện để tiếp nhận phần tinh hoa, thành tựu cũng như loại trừ những yếu tố không có lợi cho sự nghiệp chung. Ðặc biệt, phải kể đến những cách tân về phương diện nghệ thuật của văn chương lãng mạn, giá trị hiện thực và nhân đạo của văn học hiện thực phê phán, tính chiến đấu mạnh mẽ của văn học Cách mạng (chủ yếu là thơ ca trong tù của Bác Hồ, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Ðức Thọ,...)  * Khó khăn: Trong bối cảnh chung thời chiến tranh, văn học chín năm chống Pháp phải đương đầu với những khó khăn, thiếu thốn về nhiều mặt : điều kiện in ấn, phát hành rất hạn chế, thời gian và công sức của văn nghệ sĩ dành cho sáng tác không nhiều, sự khủng bố của kẻ thù,... Nhiều cây bút đang độ sung sức đã ngã xuống, gây nên mất mát không gì bù đắp được (Trần Ðăng, Nam Cao, Thôi Hữu,...) Mặt khác, về phía chủ quan, tuy hầu hết văn nghệ sĩ đã tán thành quan niệm sáng tác mới, nhưng để biến nhận thức ấy thành xúc động nghệ thuật, thành hình tượng nghệ thuật có sức lay động lòng người thì quả không phải chuyện giản đơn một sớm một chiều. Tình cảm bao giờ cũng chuyển biến chậm hơn. Không ít lần, nhất là ở những khúc quanh của lịch sử (thời kỳ đầu kháng chiến, trong cải cách ruộng đất), hàng ngũ sáng tác có biểu hiện hoang mang, dao động. Ðây chính là lý do giải thích vì sao mãi đến gần cuối cuộc kháng chiến, văn học Cách mạng mới có được những thành tựu đáng kể. Câu 2. Thành tựu VHVN giai đoạn 1945 – 1954? 1. Thơ ca Ðây là thể loại phát triển thành cao trào mạnh hơn cả với nhiều thành tựu nổi bật. Truyền thống yêu thơ của dân tộc và đặc điểm lịch sử cụ thể của chín năm kháng chiến đã quyết định thực tế ấy. Thơ ca tiếp tục gắn bó với đời sống buồn vui, lúc hạnh phúc cũng như khi gian lao, vất vả của con người Việt Nam. Nhà phê bình Hoài Thanh đã có nhận xét xác đáng : Hầu hết những người mang ba lô lặng lẽ đi trên các nẻo đường kháng chiến trong một quyển sổ tay nào đó thế nào cũng có ít bài thơ... Trong cuộc chiến tranh nhân dân của chúng ta, tiếng súng, tiếng nhạc, tiếng thơ cùng hòa điệu. (Nói chuyện thơ kháng chiến).  Có thể nhận thấy sự khởi sắc của thơ giai đoạn này, trước hết, qua khảo sát phong trào và lực lượng sáng tác. Từ sau Cách mạng tháng Tám, thơ không còn là vương quốc riêng của các nhà thơ chuyên nghiệp. Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp đồng thời cũng giải phóng cho nhà thơ, trong cuộc đời cũng như trong sáng tạo nghệ thuật. Sự gặp gỡ giữa lý tưởng Cách mạng và lý tưởng thẩm mỹ của dân tộc là điều kiện khách quan cho sự xuất hiện hình mẫu người nghệ sĩ kiểu mới. Có thể nói : không có thế hệ nhà thơ kiểu mới thì không có thơ ca Cách mạng. Giờ đây, anh cán bộ chính trị, anh cán bộ quân sự, anh công an, anh bình dân học vụ, anh thông tin, anh hỏa thực, các chị phụ nữ, các em thiếu nhi, hết thảy đều làm thơ. (Hoài Thanh - Nói chuyện thơ kháng chiến).  Không khí quần chúng sôi nổi một mặt tạo điều kiện thử thách và khẳng định các tài năng trẻ, mặt khác, góp sức cùng cao trào cách mạng tác động mạnh mẽ vào tâm tư tình cảm của các nhà thơ lãng mạn, giúp hồn thơ họ hồi sinh. Với kinh nghiệm và tài năng đã được khẳng định, đóng góp của Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Huy Cận,... tuy chưa thật sự là hơi thở mãnh liệt của thời đại nhưng vẫn có ý nghĩa sâu sắc : khơi gợi lòng yêu nước, hào khí đấu tranh và lòng tự hào dân tộc. Việc hầu hết các nhà thơ tiêu biểu của phong trào thơ Mới tìm đến với Cách mạng, tiếp tục phát huy năng lực sáng tạo, luôn có mặt ở vị trí hàng đầu  trận tuyến văn nghệ Cách mạng là một hiện tượng đặc sắc. Ðiều đó chứng tỏ tính ưu việt, sức hấp dẫn mạnh mẽ của chế độ mới và đường lối văn nghệ Cách mạng.  - Ở năm đầu sau Cách mạng, thơ tập trung thể hiện niềm vui lớn của dân tộc, ca ngợi Ðảng và Bác Hồ, ca ngợi con người mới, chế độ mới. Nổi bật nhất phải kể đến Tố Hữu với Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt, Hồ Chí Minh ;... Xuân Diệu với hai trường ca Ngọn quốc kỳ và Hội nghị non sông. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hòa vào lòng người hăm hở trên trận tuyến chung, có đội ngũ chỉnh tề, khỏe khoắn của các nhà thơ. Mấy năm đầu, nhiều thi sĩ còn gặp khó khăn. Tâm hồn họ chưa hòa nhịp kịp với đời sống kháng chiến sôi nổi, sống động. Các nhà thơ vẫn còn vương vấn với những thi đề quen thuộc, những tình cảm tiểu tư sản xốc nổi, đậm màu sắc anh hùng cá nhân ; cách biểu hiện sáo mòn,... Sương mù của bầu trời tinh thần cũ giờ vẫn còn lẩn quẩn trong vườn thơ Cách mạng, biểu hiện ở những Ðạo rớt, Mộng rớt, Buồn rớt,.... Giữa cảm xúc thơ trong Ngày về (Chính Hữu), Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Tây tiến (Quang Dũng) với tình cảm chân chất, phơi phới lạc quan trong tư thế anh hùng thời đại mới của quần chúng - còn một khoảng cách nhất định. Bởi lẽ, một khi nhận thức lý trí chưa thật sự hóa thành rung động tình cảm chân thành thì hình tượng nghệ thuật khó có sức lay động mạnh mẽ.  Thực tế kháng chiến đã thay đổi cách nhìn, cách nghĩ và củng cố lập trường tư tưởng của các nhà thơ, giúp họ ngày càng gần gũi, gắn bó với nhân dân. Lớp trước cách mạng dần bắt kịp và hòa nhập vào đời sống mới. Bên cạnh đó, các nhà thơ trẻ không ngừng tự khẳng định bằng sáng tác có giá trị. Những tác phẩm tiêu biểu thời kỳ này : Việt Bắc (Tố Hữu); Nhớ, Ðất nước (Nguyễn Ðình Thi); Bài ca vỡ đất, Bao giờ trở lại (Hoàng Trung Thông); Ðồng chí (Chính Hữu); Nhớ (Hồng Nguyên) ; Thăm lúa (Trần Hữu Thung); Ðêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ); Dọn về làng (Nông Quốc Chấn); Nhớ máu (Trần Mai Ninh)  - Một trong những thành tựu thơ ca kháng chiến nổi bật là sáng tác của Bác Hồ. Người làm thơ vừa để cổ vũ, động viên mọi tầng lớp nhân dân (Thơ tặng các cháu thiếu nhi, Khuyên thanh niên, Tặng các cụ du kích, Gửi nông dân), vừa nhằm thỏa mãn một phần nhu cầu đời sống tinh thần phong phú của mình (Cảnh rừng Việt Bắc, Cảnh khuya, Nguyên Tiêu, Báo tiệp, Thu dạ, Ðăng Sơn). Những sáng tác này góp phần làm nổi rõ ở Bác một tâm hồn nghệ sĩ hết sức tinh tế, nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước và con người Việt Nam.  * Về nội dung tư tưởng: thơ ca 1945-1954 luôn gắn bó chặt chẽ, phản ánh chân thực và sinh động hiện thực kháng chiến hoành tráng. Lần giở những trang thơ, có thể gặp lại bước đường của lịch sử. Khác với thơ lãng mạn trước đó, thơ ca kháng chiến phát triển trên nền hiện thực tâm trạng của nhân dân. Từ chỗ thơ Mới chỉ bộc lộc cái Ðẹp trong từng con người riêng lẻ, trường cảm xúc giờ đây được mở rộng; phạm vi phản ánh cũng bao gồm từ nơi sâu kín tâm hồn người cho tới khoảng rộng bao la của cả đất nước, dân tộc.  - Các thi sĩ đã đưa được không khí thời đại mới mẻ, khỏe khoắn vào thơ. Khuynh hướng sử thi ngày càng nổi rõ. Thơ tập trung thể hiện tâm tình phơi phới tin yêu, lạc quan, tự tin, tự hào của người Việt Nam được giải phóng; những ước mơ, khát vọng cháy bỏng; những sắc thái tình cảm cao cả trong cuộc chiến đấu tuy gian khó nhưng vô cùng anh dũng. - Cảm hứng thơ chủ yếu hướng ngoại, chú ý nhiều đến tình cảm công dân nên ít nói tới con người trong đời sống riêng tư. Tình yêu lứa đôi cũng như mọi cung bậc tình cảm khác đều được cảm nhận thông qua tình đồng chí. Do đó, trong khi mặt chói sáng của hiện thực được phản ánh sinh động thì chiều sâu đời sống, ở đó có nỗi buồn mất mát, chia lìa - chất bi tráng - lại chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, sự phiến diện ở đây là tự giác và cần thiết. Hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết hi sinh cái riêng tư, vì vận mệnh đất nước. Thơ ca không thể đứng ngoài sự hi sinh vĩ đại ấy. Không có gì quí hơn độc lập tự do, các nhà thơ sẽ chẳng được ngợi ca nếu chỉ chuyên tâm sáng tác nhiều thơ mà để nước mất, dân nô lệ một lần nữa.  - Nhân vật trữ tình trong thơ kháng chiến nghĩ suy và hành động chủ yếu hướng về số phận tổ quốc. Các nhà thơ đặc biệt khơi gợi, đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức làm chủ và quyết tâm xả thân (Ðất nước  - Nguyễn Ðình Thi ; Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông ; Bên kia sông Ðuống - Hoàng Cầm ; Ðôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng).  Tình yêu nước, trước hết, được thể hiện rất đậm nét qua tình cảm đối với những con người trong kháng chiến. Ðó là những con người vừa bình thường, chân chất vừa phi thường, chói sáng. Truyền thống cha ông và khí phách của giai cấp vô sản được kết tinh ở người anh hùng thời đại mới. Tiêu biểu hơn cả là hình ảnh người Vệ quốc quân. Tầm cao tư tưởng và chiều sâu tâm hồn của hình tượng người Việt Nam được tập trung làm nổi bật ở hai phương diện : phẩm chất cách mạng tốt đẹp và tình nghĩa quân dân thắm thiết. Ðặc biệt, tình yêu nước còn được thể hiện đầy xúc động qua lòng kính yêu Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều bài thơ hay về Bác : Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm (Tố Hữu) ; Ảnh cụ Hồ, Thơ dâng Bác (Xuân Diệu) ; Bộ đội ông Cụ (Nông Quốc Chấn); Ðêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ). Tất cả góp phần xây lên hình tượng cao đẹp về lãnh tụ, đó là một con người tài năng kiệt xuất, có lòng nhân ái mênh mông và lối sống giản dị, khiêm tốn.  * Nghệ thuật biểu hiện của thơ ca 1945-1954 cũng có những vận động, biến chuyển mới - trên cơ sở phát huy thành tựu của thời kỳ trước - để tương ứng với nội dung tư tưởng, tình cảm mới. Dưới ánh sáng của quan niệm nghệ thuật cách mạng, yêu cầu về tính đại chúng, tính dân tộc được đặc biệt chú trọng. - Thể thơ ngày càng phong phú. Các thể thơ cổ (thất ngôn tứ tuyệt, bát cú, cổ phong) hiện diện bên cạnh những tìm tòi mới mẻ (thơ không vần, phá thể, hợp thể, tự do). Những thể truyền thống như lục bát, ngũ ngôn được sử dụng phổ biến.  - Hình tượng thơ, cảm hứng thơ không còn màu sắc yêng hùng, lãng mạn của những năm đầu kháng chiến ; trở nên gần gũi, bình dị, phù hợp với quan niệm về người anh hùng thời đại mới. - Ngôn ngữ thơ chuyển dần từ tình trạng hoa mỹ, cầu kỳ, tượng trưng, ước lệ sang đời thường, tự nhiên, phong phú đến vô cùng. Lời ăn tiếng nói của quần chúng hàng ngày được chú ý vận dụng trong quan niệm thẩm mỹ mới mẻ.  ( Thơ ca kháng chiến chống Pháp đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ. Không ít tác phẩm sẽ bất tử với thời gian. Tuy nhiên, xét trên đại thể, vì là thời kỳ mở đầu của nền văn học mới, nên không thể tránh khỏi một số hạn chế nhất định. Cảm xúc rất tinh nhạy, mãnh liệt nhưng đôi khi lại chưa sâu, chưa chín ; thành ra thơ thường có sức vang xa, ít vọng sâu. Mặt khác, nhiệt tình công dân và cảm xúc nghệ thuật ở người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng đạt đến độ hài hòa cần thiết.      2. Truyện kí Hiện thực cách mạng là mảnh đất màu mỡ, vô tận. Mẫu người lý tưởng của thời đại mới dần khẳng định trên khắp các lĩnh vực đời sống. Truyện ký có điều kiện tốt để phát triển, vạm vỡ hẳn lên với hai chặng cụ thể như sau : - 1946-1948: thời kỳ nhận đường. Văn nghệ sĩ đang trong quá trình vận động, giải quyết dứt khoát những ám ảnh cũ để đến với nhân dân, với kháng chiến. Sáng tác chủ yếu là ký : Nhật ký (Nguyễn Huy Tưởng) ; Ở rừng (Nam Cao) ; Một đêm vào tề, Tháp Rùa giữa rừng (Nguyễn Tuân). Một số truyện ngắn nổi bật : Làng (Kim Lân) ; Ðôi mắt (Nam Cao). - 1949-1954 : thời kỳ được mùa, đánh dấu bằng nhiều tác phẩm đặc sắc, ở nhiều thể loại. + Ký: Trận phố Ràng (Trần Ðăng); Voi đi (Siêu Hải); Ðường vui, Tình chiến dịch (Nguyễn Tuân); Ngược sông Thao (Tô Hoài); Ký sự Cao lạng (Nguyễn Huy Tưởng); + Truyện ngắn: Thư nhà (Hồ Phương); Truyện Tây Bắc (Tô Hoài); Xây dựng (Nguyễn Khải); Tiểu thuyết Xung kích (Nguyễn Ðình Thi); Vùng mỏ (Võ Huy Tâm); Con trâu (Nguyễn Văn Bổng); Truyện, ký thời kỳ này thể hiện một khuynh hướng tiếp cận, khám phá đời sống mới mẻ, cả ở bề rộng lẫn bề sâu. - Những năm đầu sau cách mạng, nhiều vấn đề có tính thời sự được đặt ra:  sự đổi thay về quan niệm sống và sáng tác (Ngày đầy tuổi tôi cách mạng, Lột xác - Nguyễn Tuân) ; cuộc đấu tranh giằng co giữa hai khuynh hướng cũ - mới trong việc nhận đường (Ðôi mắt - Nam Cao). Một số tác phẩm trở lại với đề tài xã hội tăm tối trước 1945, nhằm đánh tan ảo tưởng vào trật tự cuộc sống cũ và giáo dục lòng yêu mến chế độ mới (Lò lửa và địa ngục - Nguyên Hồng ; Mò sâm banh - Nam Cao; Vợ nhặt - Kim Lân ; Truyện Tây Bắc - Tô Hoài). Càng về sau, đề tài của văn xuôi càng phong phú hơn, bao quát hầu hết các vấn đề nổi cộm của đời sống : chiến đấu và sản xuất, phản đế và phản phong, tiền tuyến và hậu phương, nỗi đau mất mát và niềm vui chiến thắng,... - Cuộc sống chiến đấu, nổi bật lên hình tượng người lính cụ Hồ là mảng đề tài tập trung nhiều tâm huyết của các nhà văn. Vẻ đẹp chân chính toát ra từ hình tượng là chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. (Một lần tới thủ đô, Trận phố Ràng, Một cuộc chuẩn bị - Trần Ðăng; Ðường vui, Tình chiến dịch - Nguyễn Tuân; Ký sự Cao Lạng - Nguyễn Huy Tưởng; Xung kích - Nguyễn Ðình Thi; Thư nhà - Hồ Phương). - Nông thôn và người nông dân kháng chiến được phản ánh trong tầm tư tưởng mới, vừa truyền thống vừa hiện đại. Con người mới trong sản xuất, xây dựng được chú ý phát hiện và đề cao (Làng - Kim Lân ; Con trâu - Nguyễn Văn Bổng). - Hình tượng con người mới trong văn xuôi 1945-1954 có những đặc điểm khá nổi bật. Lần đầu tiên trong văn học, lớp lớp con người bình thường, chân chất xuất thân từ nhiều tầng lớp khác nhau (trí thức, nông dân, công nhân) được xây dựng thành nhân vật trung tâm. Họ tượng trưng cho sự quật khởi đầy ý thức của giai cấp và tiêu biểu cho sức mạnh, vẻ đẹp của dân tộc, thời đại. Thông qua hình tượng đám đông, văn học làm rõ những nét tính cách, tâm lý chung rất dân tộc và cách mạng : thủy chung tình nghĩa không chỉ với gia đình, người thân, làng xóm mà cả với đất nước, quê hương ; không chỉ yêu nước, căm thù giặc trên cơ sở tình dân tộc, nghĩa đồng bào mà còn mở rộng đến ý thức vô sản ở tầm quốc tế. Mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh đã khác trước. Con người không còn là nạn nhân đáng thương hoặc phản kháng tự phát trước hoàn cảnh mà đã xuất hiện trong tư thế chủ nhân chân chính, giác ngộ ngày càng sâu sắc, tự giải phóng mình và góp phần giải phóng dân tộc, giai cấp (Xung kích, Vùng mỏ, Con trâu, Truyện Tây Bắc). Thể loại của văn xuôi cũng có những phát triển đáng ghi nhận. Nếu trong mấy năm đầu, ký và truyện ngắn chiếm ưu thế, thì dần về sau, xuất hiện những thể loại dài hơi hơn như truyện vừa, tiểu thuyết. Theo đó, khả năng bao quát hiện thực - biểu hiện sự trưởng thành của văn xuôi kháng chiến - được khẳng định.  Câu 4. Thơ Vn giai đoạn 1945 – 1954 có đặc điểm nội dung gì nổi bật. Phân tích 1 bài thơ thể hiện 1 trong những nội dung đó?  Về nội dung tư tưởng, thơ ca 1945-1954 luôn gắn bó chặt chẽ, phản ánh chân thực và sinh động hiện thực kháng chiến hoành tráng. Lần giở những trang thơ, có thể gặp lại bước đường của lịch sử. Khác với thơ lãng mạn trước đó, thơ ca kháng chiến phát triển trên nền hiện thực tâm trạng của nhân dân. Từ chỗ thơ Mới chỉ bộc lộc cái Ðẹp trong từng con người riêng lẻ, trường cảm xúc giờ đây được mở rộng ; phạm vi phản ánh cũng bao gồm từ nơi sâu kín tâm hồn người cho tới khoảng rộng bao la của cả đất nước, dân tộc. - Các thi sĩ đã đưa được không khí thời đại mới mẻ, khỏe khoắn vào thơ. Khuynh hướng sử thi ngày càng nổi rõ. Thơ tập trung thể hiện tâm tình phơi phới tin yêu, lạc quan, tự tin, tự hào của người Việt Nam được giải phóng ; những ước mơ, khát vọng cháy bỏng ; những sắc thái tình cảm cao cả trong cuộc chiến đấu tuy gian khó nhưng vô cùng anh dũng. - Cảm hứng thơ chủ yếu hướng ngoại, chú ý nhiều đến tình cảm công dân nên ít nói tới con người trong đời sống riêng tư. Tình yêu lứa đôi cũng như mọi cung bậc tình cảm khác đều được cảm nhận thông qua tình đồng chí. Do đó, trong khi mặt chói sáng của hiện thực được phản ánh sinh động thì chiều sâu đời sống, ở đó có nỗi buồn mất mát, chia lìa - chất bi tráng - lại chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, sự phiến diện ở đây là tự giác và cần thiết. Hoàn cảnh lịch sử đòi hỏi mỗi cá nhân phải biết hi sinh cái riêng tư, vì vận mệnh đất nước. Thơ ca không thể đứng ngoài sự hi sinh vĩ đại ấy. Không có gì quí hơn độc lập tự do, các nhà thơ sẽ chẳng được ngợi ca nếu chỉ chuyên tâm sáng tác nhiều thơ mà để nước mất, dân nô lệ một lần nữa. - Nhân vật trữ tình trong thơ kháng chiến nghĩ suy và hành động chủ yếu hướng về số phận tổ quốc. Các nhà thơ đặc biệt khơi gợi, đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức làm chủ và quyết tâm xả thân (Ðất nước  - Nguyễn Ðình Thi ; Bao giờ trở lại - Hoàng Trung Thông ; Bên kia sông Ðuống - Hoàng Cầm ; Ðôi mắt người Sơn Tây - Quang Dũng). Tình yêu nước, trước hết, được thể hiện rất đậm nét qua tình cảm đối với những con người trong kháng chiến. Ðó là những con người vừa bình thường, chân chất vừa phi thường, chói sáng. Truyền thống cha ông và khí phách của giai cấp vô sản được kết tinh ở người anh hùng thời đại mới. Tiêu biểu hơn cả là hình ảnh người Vệ quốc quân. Tầm cao tư tưởng và chiều sâu tâm hồn của hình tượng người Việt Nam được tập trung làm nổi bật ở hai phương diện : phẩm chất cách mạng tốt đẹp và tình nghĩa quân dân thắm thiết. Ðặc biệt, tình yêu nước còn được thể hiện đầy xúc động qua lòng kính yêu Chủ Tịch Hồ Chí Minh. Rất nhiều bài thơ hay về Bác : Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm (Tố Hữu) ; Ảnh cụ Hồ, Thơ dâng Bác (Xuân Diệu) ; Bộ đội ông Cụ (Nông Quốc Chấn); Ðêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ). Tất cả góp phần xây lên hình tượng cao đẹp về lãnh tụ, đó là một con người tài năng kiệt xuất, có lòng nhân ái mênh mông và lối sống giản dị, khiêm tốn.  Vẻ đẹp độc đáo của người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng Có người đã từng nói: Nếu chọn 5 tác giả tiêu biểu nhất của thời kỳ chiến tranh chống Pháp( 1945-1954) thì chắc hẳn sẽ không có Quang Dũng, nhưng nếu chọn 5 bài thơ tiêu biểu nhất của thời kỳ chiến tranh chống Pháp này thì nhất định bài thơ “ Tây Tiến “ của Quang Dũng sẽ đứng ở hàng danh dự. Một nhận xét mà theo tôi nó rất thỏa đáng đối với một bài thơ hay như thế. “Tây Tiến” là một bài thơ hay nhất, xuất sắc nhất, không chỉ trong đời thơ Quang Dũng , mà là cho cả thời kỳ thơ ca kháng chiến chống Pháp.Với bài thơ này khi đọc lên độc giả thấy trần ngập một nỗi nhớ Tây Tiến ( Đoàn binh). Do nỗi nhớ như thế, cho nên hình tượng trung tâm của bài thơ là người lính. Và người lính Tây Tiến được Quang Dũng vẽ lên bằng một nét độc đáo, mang vẻ đẹp kiêu hùng, hào hoa và đầy thơ mộng.  Đoàn quân Tây Tiến được thành lập năm 1947, phần lớn là nhưng học sinh, sinh viên, trí thức Hà Nội tuổi mới đôi mươi mặc áo lính đi lên chiến trường miền Tây đầy gian nan, khổ ải. Cái chiến trường miền Tây ấy lại gắn bó với đoàn quân Tây Tiến suốt chặng đường dài hành quân. Trong thời gian chiến đấu, sống chung cùng đoàn quân Tây Tiến đã làm cho Quang Dũng càng thêm gắn bó với đồng đội, với núi rừng miền Tây đầy khốc liệt, dữ dội, song cũng không kém phần thơ mộng. Và do yêu cầu công tác Quang Dũng phải xa đoàn quân Tây Tiến. Xa Tây Tiến được một thời gianQuang Dũng cảm thấy nhớ cồn cào, da diết, cháy bỏng.Nỗi nhớ ấy được tích tụ theo năm tháng dần lớn lên và có nguy cơ nổ tung , bật trào ra thành thơ: Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi! Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi Rồi cứ từ đó tứ thơ tuôn trào như suối chảy ven dòng sông Đáy thơ mộng, hiền hòa năm 1948. Đi suốt bài thơ “Tây Tiến” ta thấy có hai hình tượng là đoàn quân và thiên nhiên núi rừng Tây Bắc. Đoàn quân ấy, thiên nhiên ấy hòa quện vào nhau tạo nên nét đa thanh cho bài thơ. Có thiên nhiên dữ dội, mới có những con người oai hùng; có thiên nhiên mơ mộng, mới có những con người mộng mơ…Người lính nổi lên giữa thiên nhiên với một vẻ đẹp lung linh, kỳ diệu. Vẻ đẹp độc đáo của người lính Tây Tiến, trước hết là một vẻ đẹp bi mà không lụy. Đó là một vẻ đẹp kiêu hùng của người lính một ra đi không bao giờ trở lại.Đã mang áo lính,mang chí lớn quyết quét sạch quân thù ra ngoài biên ải thì có lẽ nào lại nản lòng, có lẽ nào lại không kiêu hùng. Tuy rằng biết khi ra đi là phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh, nhưng người lính ấy vẫn ra đi không hẹn ngày trở về. Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi Mường lát hoa về trong đêm hơi.              Chặng đầu hành quân cũng khá vất vả mà cũng khá nên thơ. “Đoàn quân mỏi” bị lấp đi bởi những màn sương giăng giăng mờ ảo như thực, như hư.Đoàn quân ấy ta tưởng tượng như đang đi trên mây khói điệp trùng để rồi thoảng hiện ra một ‘ đêm hơi”, “ hoa về” ở Mường Lát thật dịu nhẹ, tha thiết. Cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc rất dữ dội, khắc nghiệt. Cho nên đoàn quân Tây Tiến đa số là người Hà Thành này phải đối chọi với biết bao nguy nan đang dình dập trên đường hành quân và có những người phải tách khỏi đội hình nằm lại phía sau: Anh bạn dãi dầu không bước nữa Gục lên súng mũ, bở quên đời. Đây là một cái chết rất nhẹ nhàng, thanh thoát mang dáng quân hành rất đậm nét, một cái chết thanh thàn nhẹ tựa lông hồng. Những người còn lại, lại tiếp tục hành quân và cũng gặp không biết bao nhiêu là nguy khốn: Chiều chiều oai linh thác gầm thét Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người Sống chung với loài thú dữ, nhất là cọp thì đó quả là một tinh thần gan góc của người lính. Chất anh hùng ấy như toát lên bao nhiêu phẩm chất kiên trung của người lính và đặc biệt là người lính nơi thành phố lần đầu tiên lên rừng núi mà đã phải đến địa danh Mường Hịch nghe cọp gầm gào suốt đêm thì thật là khiếp sợ. Cảnh núi rừng hoang dại, ma thiêng nước độc đã làm cho người lính phải lao đao khốn khó chống lại với bệnh tật, nhất là bệnh sốt rét: Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc Quân xanh màu lá dữ oai hùm Một hiện thực hiện lên thật khốc liệt và đau đớn, bệnh sốt rét đã làm cho những người lính trọc hết tóc, tiều tụy đến kinhnguwowif khi da xanh nhợt nhạt vì bệnh tật.Neeuskhoong cosba chữ “ dữ oai hùm” thì hẳn câu thơ đã mieeutar người lính vaofcais biluyj. Nhờ có ba chữ ấy mà miêu tả cái bi như vậy nhưng vẫn giữ được hiện thực tàn khốc của bệnh tật. Song cũng nhờ cái bệnh tật đoa Quang Dũng đã đẩy caisbi lên cái tráng làm cho người chiến sĩ ốm mà chẳng yếu. Đó chính là con mắt nhìn thẳng vào những mất mát do chiến tranh mà Quang Dũng đã không hề né tránh. Đặc biệt khi cái chết nổi lên rõ mồn một dọc dài biên giới mà họ vẫn còn “ chẳng tiếc đời xanh”: Rải rác biên cương mồ viễn xứ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh Áo bào thay chiếu anh về đất Sông Mã gầm lên khúc độc hành “Mồ viễn xứ” rải rác khắp biên cương làm ớn lạnh khi người ta chứng kiến. Một câu thơ mang đầy nét sầu thảm, đau thương. Những cái chết chất ngất, rải ra suốt dọc dài biên giới như những cô hồn không nơi nương tựa.Song với Quang Dũng nhìn thẳng vào hiện thực đó để nhận thấy sự dũng cảm của người lính cứ mỗi lúc lại trào dâng. Do đó “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, có lẽ cũng là một ý tưởng một ra đi thì không bao giờ trở lại.Câu thơ này gợi cho ta nhớ tới câu thơ của Thâm Tâm và câu thơ của Nguyễn Đình Thi: Chí nhớn không về bàn tay không? (Tống biệt hành) Người ra đi đầu không ngoảnh lại          ( Đất nước) Bản chất anh hùng đó chiếu rọi vào cái bi lại càng thấy thêm phần bi tráng: Áo bào thay chiếu anh về đất “Về đất” - một câu nói thật nhẹ nhàng, thanh thàn. “ Về đất” là về với nơi yên nghỉ cuối cùng khi con người đã hoàn thành xong sứ mênh lịch sử vẻ vang của mình. Hình ảnh ‘áo bào” thật đẹp, mang dáng dấp cổ kính nên thơ. Quang Dũng dùng hình ảnh này có lẽ là để cho câu thơ có dáng vẻ trang nhã, làm vợi đi nỗi đau khi người lính phải từ biệt cõi trần. Người tử chiến nếu không so le với lý tưởng tiến bộ nhất của thời đại mình thì cái chết đó sẽ được đời đời ghi nhớ. Sự ghi nhớ tiếc nuối ấy không chỉ đối với con người, mà sự ghi nhớ , tiếc nuối còn thấm cả vào cả vật vô tri, vô giác. Ở Tây Tiến trước sự hy sinh của ngườ lính sông Mã cũng thấy hãng hụt, gầm gào thương nhớ và gầm gào căm ghét kẻ thù xiết bao, muốn cuốn phăng đi những kẻ cướp nước, xóa tan đi đêm trường nô lệ. Chất anh hùng không phải là một nét riêng của nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện trong bài thơ “ Tây Tiến” này, mà chất anh hùng của người lính trong thời đại đao binh đã được khá nhiều nhà thơ, nhà văn khai thác.Tuy nhiên, để có một chất anh hùng bi tráng của người lính Tay Tiến thông qua bài thơ cùng tên của thi sĩ Quang Dũng thì dường như nhưng xtcas phẩm khác là không có.Cho nên, chất anh hùng bi tráng ở “ Tây Tiến” vẫn được coi là một vẻ đẹp hết sức độc đáo. Chất anh hùng gắn liền với lãng tử thì chất anh hùng đó càng nên thơ. “ Tây Tiến” của thi sĩ Quang Dũng đã hòa chộ hai phẩm chất đó vào nhau để tạo cho người lính vốn đã anh hùng thì lại càng anh hùng hơn, ấy là nét đẹp hào hoa, mơ mộng. Có thể nói nét đẹp hào hoa, mơ mộng  là một nét đẹp độc đáo trong nét đẹp độc đáo của người chiến binh Tây Tiến. Chúng ta sẽ bắt gặp một “ hội đuốc hoa” hết sức phong tình, ý vị: Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa Kìa em xiêm áo tự bao giờ Khen lên man điệu nàng e ấp Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ. Một cảnh sinh hoạt ấm áp tình quân dân. Cảnh sinh hoạt đó thật hiếm có trong lửa đạn chiến tranh. Ở đây cảnh sinh hoạt thật dịu nhẹ như một bức tranh sơn thủy hữu tình thật lãng mạn, thật nên thơ biết bao.’ Doang trại bừng lên hội đuốc hoa”kéo theo mọi tầm hồn vào cuộc vui ca hát, thả hồn cho gió trăng, chơi vơi cùng sương gió, đắm say từng nốt nhạc, ý thơ. Đặc biệt khi trong đêm hội đuốc hoa lại có những nàng sơn nữ xinh xắn rực rỡ sắc màu đã chắp cánh cho tâm hồn người lính vốn đã đắm say thì lại càng đắm say, mơ mộng. Hai tiếng ‘ kìa em” hiện lên như một nét lếnh loáng, mơ hồ làm cho khoảng không dìu dịu mơ những ảnh mắt, nụ cười tình tứ khiến cho những nàng sơn nữ phải “e ấp” theo teengs khèn” man điệu”.Cảnh sinh hoạt “ hội đuốc hoa” chỉ diễn ra đơn giản như vậy, song nó mang đậm tính trữ tình khiến cho người lính khoác ba lô đi dọc khắp chiến trường vẫn còn mang theo như là động lực, càng thôi thúc người lính chiến đấu đến cùng với kẻ thù. Cái khát khao trở lại cuộc sống thanh bình sinh hoạt vui tươi, rộn ràng như thế càng bùng cháy khát vọng lập chiến công của người lính. Một thoáng mơ mộng, một thoáng lãng mạn cũng là vũ khí, thứ vũ khí vô hình mà lại hữu hình. Cảnh sinh hoạt “ hội đuốc hoa” ngân theo khoảng không đi theo người lính tới tận thủ đô Viên Chăn của nước bạn Lào, và thế là người lính lại ngợp hồn thơ, run rún cho những ước mơ chơi vơi tan vào khoảng không đầy mùi khói lửa của chiến trang để nhớ về nơi thanh bình: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy Có thấy hồn lau nẻo bến bờ Có nhớ dáng người trên độc mộc Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa. Những hình ảnh “người đi Châu Mộc”, “hồn lau nẻo bến bờ”, “dáng người trên độc mộc”, “hoa đong đưa” được người lính nhớ tới bằng cả tâm hồn thơ trẻ của mình nâng con người trở nên lãng mạn hơn. Hào hoa, phong nhã, mơ mộng là những nét hết sức tài tử của người chiến binh Tây Tiến. Người chiến binh Tây Tiến trong trận địa thì anh dũng xông pha, trong mơ mộng thì lãng mạn bay bổng. Tuy nhiện sự mơ mộng của người lính Tây Tiến chủ yếu là mơ mộng một cách lãng mạn, song cũng có những cái mơ mộng cũng hết sức hiện thực: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Những câu thơ kiểu như thế này một thời đã làm cho Quang Dũng phải gánh chịu biết bao nhiêu họa. Và tất nhiên bản thân những câu thơ đó cũng bị tơi bời “trận đánh”, hết những cây bút nọ, lại đến cây bút kia chỉ trích là “ tiểu tư sản”, “ buồn rớt”, “ mộng rớt”. Có lẽ cũng chính vì vậy, mà sau này người ta đem ra suy xét lại, khẳng định nội dung lại thì những câu thơ bị “ lên bờ, xuống ruộng” một thời thì giờ đây lại là những câu thơ ngọc ngà nhất. Nói như vậy là tôi không có ý nói tới những câu thơ tầm thường, đơn giản đã từng bị phê phán một thời mà nay lại trở thành những câu thơ hay được như thơ của Bút Tre chẳng hạn. Hai câu thơ được lọc qua một tâm hồn hào hoa, mơ mộng, lãng tử thì nó cũng mang một dáng dấp như vậy: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm Chất anh hùng lại hiện lên khi một ước vọng lại ngân dài, khát khao chiến thắng. Đôi” mắt trừng” “ gửi qua biên giới” là đôi mắt dữ dội, quắc lên vẻ anh hùng muốn giết giặc lập công. Đó là một ước mơ lớn mà bất kỳ một người lính Tây Tiến nào cũng nghĩ tới: chỉ mong diệt được nhiều thù bảo vệ quê hương xóm làng. Song người lính Tây Tiến cũng mang nỗi nhớ của mình nhớ về người thiếu nữ Hà Nội, đó chính là vũ khí làm cho cái mơ ước giết giặc lập công càng cháy bỏng hơn. Với những kỷ niệm một thuở cắp sách tới trường cùng với người yêu dấu, với nụ hôn vụng dại sẽ là hành trang lấn lướt cuộc chiến tranh đầy gian nan khổ ải. Chế Lan Viên đã từng nói về một kỷ niệm như thế: Kỷ niệm có gì? Một chiếc hôn Cũng là vũ khí mười năm ta đánh giặc Ai thử lao qua cuộc chiến tranh mà không có nơi mơ mộng thì khó có thể nhân sức mạnh nội lực và lại càng khó có thể có những chiến công hiển hách. Vì vậy sự mơ mộng của người lính Tây tiến ở đây tuy nó có mang một nỗi buồn vì phải xa quê hương, xa người yêu . Nhưng nỗi buồn đó là một nỗi buồn sầu hận trút lên đầu kẻ thù xâm lăng. Vẻ đẹp hào hoa,phong nhã, lịch lãm, mơ mộng là một vẻ đẹp hết sức độc đáo và chỉ có ở “ Tây Tiến” của thi sĩ Quang Dũng mới có. Người chiến binh Tây Tiến hiện lên trong bài thơ cùng tên của Quang Dũng mang một vẻ đẹp hết sức độc đáo: kiêu hùng, hào hoa, mơ mộng. Vẻ đẹp độc đáo đó của người lính đã kết hợp hài hòa với nhau tạo cho người lính Tây Tiến không những là người chiến sĩ trong trận mạc, mà còn là người chiến sĩ trong tâm hồn nghệ sĩ. Do đó, chỉ có những người lính mang cả hai vẻ đẹp như vậy mới băng qua cuộc chiến tranh hết sức lạc quan và tin tưởng ở ngày mai chiến thắng./.