Academia.eduAcademia.edu
TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG MỀM CHO SINH VIÊN TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC Lu Tùng Thanh, Nguyễn Thành Nhân* Khoa Giáo dục, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đai Học Quốc Gia TP.HCM TÓM TẮT Thông qua việc nghiên cứu về Kỹ năng mềm, tìm hiểu sự phát triển Kỹ năng mềm trên Thế giới và hiện trạng đào tạo Kỹ năng mềm tại Việt Nam, bài viết đặt ra nền tảng khoa học cho vấn đề phát triển Kỹ năng mềm cho Sinh viên trong chương trình đào tạo Đại học. Bên cạnh đó, bài viết cũng đưa ra mô hình gợi ý áp dụng, cũng như các phương pháp tiếp cận khoa học ở từng khía cạnh phát triển chương trình của một số nghiên cứu trên thế giới, để từ đó cung cấp cho người đọc một góc nhìn mới hơn về vấn đề này. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Sinh viên - Học sinh Việt Nam chúng ta rất tự hào về thành tích học tập của mình và vốn nổi tiếng ở tinh thần tự chủ trong học tập. Hàng năm, chúng ta luôn đạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi trí tuệ trên thế giới như toán, vật lý, cờ vua, robocon… Thế nhưng, năng lực lao động của người Việt Nam so với các nước bạn thì vẫn còn có một khoảng cách khá chênh lệch. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay đạt 3,79 điểm (thang điểm 10), xếp thứ 11 trong số 12 nước ở châu Á tham gia xếp hạng. Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam đạt 3,39/10 điểm và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam xếp thứ 73/133 nước được xếp hạng. Do vậy nên năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). Năng suất lao động của Việt Nam bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan [1]. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện trạng này, trong đó, nguyên nhân nổi bật là Sinh viên Việt Nam còn thiếu và yếu Kỹ năng mềm. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Giáo dục Việt Nam, hiện nay có đến 83% sinh viên tốt nghiệp ra trường bị đánh giá là thiếu kỹ năng mềm, 37% sinh viên không tìm được việc làm phù hợp do kỹ năng yếu. Còn theo điều tra của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong tổng số các sinh viên tốt nghiệp hàng năm, hơn 13% phải được đào tạo lại hoặc bổ sung kỹ năng, gần 40% phải được kèm cặp lại tại nơi làm việc và 41% cần thời gian làm quen với công việc qua một thời gian nhất định mới có thể thích ứng [2]. Qua đó, cho thấy những thiếu sót trong việc đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên bên cạnh bồi dưỡng kiến thức chuyên môn trên trường lớp. Sinh viên Việt Nam là nguồn nhân lực trẻ đầy tiềm năng, là trụ cột phát triển nền kinh tế quốc gia trong tương lai. Dưới sức ép của kinh tế thị trường, cơ hội giao thương mở cửa cạnh tranh với các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, đòi hỏi sinh viên cần hoàn thiện hơn về kỹ năng mềm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để có thể tự tin và bản lĩnh khi bước chân ngoài xã hội. ________________________ * TS, Phó Trưởng Khoa Giáo dục TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ 2. TỔNG QUAN VỀ KỸ NĂNG MỀM TRÊN THẾ GIỚI VÀ TẠI VIỆT NAM Trên dòng lịch sử những năm 70 - 80, nhiều tác giả đã đưa ra những quan niệm khác nhau về Kỹ năng, trong đó nổi bật là 2 khuynh hướng: xem xét kỹ năng nghiêng về mặt kỹ thuật của thao tác (khuynh hướng 1) và xem xét kỹ năng nghiêng về mặt năng lực hành động của con người (khuynh hướng 2). Kết hợp 2 khuynh hướng cho thấy kỹ năng vừa là mặt kỹ thuật của hành động hay còn gọi là cách thức thực hiện hành động hay công việc cụ thể nào đó, vừa là biểu hiện năng lực của con người. [3] Kỹ năng có thể được phân ra làm 2 loại: kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Theo Melih Arat (2014), kỹ năng cứng là những kỹ năng cụ thể mà chúng ta dễ dàng học được từ trường lớp và sử dụng ngay trong công việc. Còn Kỹ năng mềm là những kỹ năng khó nhìn thấy được, cần thông qua đào tạo phát triển cá nhân, sử dụng trong cả công việc và cuộc sống. [4] Ở khía cạnh Kỹ năng mềm, trong 20 năm trở lại đây, thuật ngữ này ngày càng được đề cập nhiều trong các dòng sách phát triển bản thân (self help hay self improvement) với những tên gọi khác nhau. Cụ thể như: - - - Trong tác phẩm Trí tuệ xúc cảm (Emotional Intelligence, 1995) của Daniel Goleman [5], ông đã đề cập chỉ số xúc cảm EQ (Emotional Quotient) là chỉ số đo lường năng lực, khả năng hay cụ thể là kỹ năng của một người về việc cảm nhận, đánh giá và quản lý xúc cảm của bản thân, của người khác hay của một nhóm người. Trong tác phẩm Sự thật cứng về Kỹ năng mềm (The hard truth about soft skills, 2007) [6], Peggy Klaus cũng đã làm rõ thuật ngữ kỹ năng mềm, cho rằng Kỹ năng mềm bao gồm các hành vi cá nhân, xã hội, giao tiếp và khả năng kiểm soát bản thân. Gần đây nhất, trong tác phẩm Những kẻ xuất chúng (The Outliers, 2008) [7], Malcolm Gladwell có đề cập đến khái niệm Trí thông minh thực tiễn (Practical Intelligence). Ở mức độ nào đó, theo ông, IQ chính là thứ thước đo năng lực thiên phú, nhưng thái độ khôn ngoan trong ứng xử với xã hội (trí thông minh thực tiễn) lại là một loại kiến thức, nó là kỹ năng buộc người ta phải học. Năm 2013, trong bài viết “Các Kỹ năng mềm quan trọng cho Sinh viên Đại học ở thế kỉ 21” (Important Soft Skills for University Students in 21th Century), các tác giả Abbas Abdoli Sejzi, Baharuddin Aris và Chan Pey Yuh đã đưa ra khái niệm khá toàn diện về Kỹ năng mềm như sau: Kỹ năng mềm là thuật ngữ liên quan đến tập hợp các thuộc tính tích cực, mang tính cá nhân giúp tăng cường mối quan hệ, nâng cao hiệu suất công việc và đóng góp giá trị cho xã hội. Kỹ năng mềm được đề cập đến như tập hợp các kỹ năng quyết định cách thức chúng ta tương tác với người khác. Kỹ năng mềm đóng vai trò vô cùng quan trọng tại công sở cũng như trong lộ trình thành công của một cá nhân. [8] Nhiều nghiên cứu và đề xuất phân loại Kỹ năng mềm được tiến hành tại các Quốc gia trên thế giới, đơn cử như: - 13 kỹ năng cơ bản cần thiết để thành công trong công việc của Bộ Lao động Hoa Kỳ cùng Hiệp hội Đào tạo và Phát triển Hoa Kỳ đưa ra TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ - 8 kỹ năng hành nghề cho tương lai của Hội đồng Kinh doanh Úc và Phòng thương mại & công nghiệp Úc với sự bảo trợ của Bộ Giáo dục, Đào tạo và Khoa học - 6 kỹ năng nghề cho thế kỷ 21 của Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực và Kỹ năng Canada - 10 kỹ năng hành nghề trong hệ thống ESS do Cục phát triển lao động WDA – thuộc chính phú Singapore thiết lập. - Trong đó nổi bật là “Kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21” được Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các Kỹ năng của Thế kỷ 21, gọi tắt là AT21CS (Assessment and Teaching of 21 Century Skills) tại Đại học Melbourne (Úc) nghiên cứu và phát triển vào năm 2002. Mô hình này nhanh chóng được lan rộng và ứng dụng tại rất nhiều các quốc gia trên thế giới. Trong tài liệu “Teaching and Learning 21st Century Skills” của tổ chức Asia Society [9] và “21st Century Skills: Ancient, Ubiquitous, Enigmatic?” [10] đã đề cập về việc ứng dụng mô hình tại các quốc gia như Úc, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Singapore, Anh Quốc, Hoa Kỳ,… với sự tài trợ từ tập đoàn Cisco, Intel, Microsoft. Tại Việt Nam, thuật ngữ Kỹ năng mềm được phổ biến rộng rãi trong giai đoạn từ năm 2003. Năm 2009, Trung tâm hỗ trợ Sinh viên Tp.HCM tổ chức diễn đàn, cho ra mắt tài liệu “Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho Sinh viên” [11]. Tài liệu là cẩm nang gồm các kỹ năng mềm dành cho bạn trẻ trong thời kỳ hội nhập và phát triển của đất nước. Chủ đề Kỹ năng mềm nhận được sự thu hút quan tâm của nhiều tác giả với những công trình nghiên cứu, biên soạn tài liệu như: Lê Công Phượng, Nguyễn Thị Oanh, Nguyễn Thanh Bình, Huỳnh Văn Sơn, Lại Thế Luyện,… Tất cả đều vì mục tiêu chung trong việc hệ thống các Kỹ năng mềm cần thiết mà Sinh viên Việt Nam cần được trang bị để có thể hợp tác và phát triển trong thế kỷ 21. 3. VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG MỀM CỦA SINH VIÊN TRONG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC Theo nhận định của TS.Lê Thị Mai Thanh – Trưởng ban công tác Sinh viên ĐH Quốc Gia Tp.HCM trong đề án “Nâng cao hiệu quả đào tạo kỹ năng mềm ĐH Quốc gia TP.HCM giai đoạn 2013-2017”, đã chỉ ra rằng hầu hết Kỹ năng mềm các trường mới chỉ dừng lại ở tên gọi trong chuẩn đầu ra các chương trình giáo dục; việc triển khai đào tạo chủ yếu ở dạng phong trào, sinh hoạt Đoàn - hội mà chưa được quy đổi thành khối lượng kiến thức cần tích lũy trong chương trình giáo dục. Cụ thể: - Tại trường ĐH Bách Khoa, ngoài môn giao tiếp ngành nghề và một số buổi đào tạo kỹ năng mềm được tổ chức, thì nhìn chung hoạt động đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. - Chương trình đào tạo tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn được biên soạn, cập nhật phong phú, có lồng ghép kiến thức chuyên môn, ứng dụng nghiệp vụ. Tuy nhiên, các khóa học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của số đông sinh viên và thời lượng chỉ đủ trang bị kỹ năng cơ bản, chưa đủ để các em tham gia những tình huống thực tế. TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ - Sinh viên Trường ĐH Quốc tế có phần chưa hài lòng với chất lượng giảng viên và quy mô lớp đông. - Việc đào tạo kỹ năng mềm tại trường ĐH Công nghệ Thông tin hiện nay còn phụ thuộc vào chương trình giáo dục ở từng Khoa, chưa có sự định hướng chung ở cấp trường. - Chương trình đào tạo kỹ năng mềm tại Trường ĐH Kinh tế - Luật đa dạng nhưng còn mang tính tự nguyện, ngoại khóa, chưa có sự định hướng tổng thể từ phía trường. [12] Các vấn đề trên xuất phát từ những thiếu sót trong khâu: thiết kế xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả đào tạo Kỹ năng mềm từ phía nhà trường. Để công tác tổ chức hoạt động đào tạo Kỹ năng mềm đạt hiệu quả, cần có những giải pháp mang tính hệ thống, toàn diện. Trong năm 2010, một giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội trên cơ sở xác định chuẩn đầu ra để thiết kế chương trình và phương pháp đào tạo theo một quy trình khoa học với tên gọi CDIO đã được triển khai. Theo Edward F.Crawley (2007): CDIO (Conceive - hình thành ý tưởng, Design - thiết kế, Implement – triển khai và Operate - vận hành) là một đề xướng quốc tế lớn được hình thành để đáp ứng nhu cầu một thập kỷ mới của các doanh nghiệp và các bên liên quan khác trên toàn thế giới trong việc nâng cao khả năng của sinh viên tiếp thu các kiến thức cơ bản, đồng thời đẩy mạnh việc học các kỹ năng cá nhân và giao tiếp, kỹ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống... Cho tới nay, chương trình này đã mở rộng hơn 50 trường ĐH trên 25 Quốc gia trên toàn thế giới.” [13] CDIO gồm 12 tiêu chuẩn, có thể được hệ thống theo sơ đồ như sau: Sơ đồ: 12 tiêu chuẩn CDIO – Tài liệu “Đảm bảo chất lượng trong xây dựng và vận hành chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO” PGS.TS Nguyễn Hữu Lộc [14] Dựa vào sơ đồ trên, có thể chia ra 5 nội dung quan trọng liên quan đến chất lượng đào tạo chương trình tương ứng với 12 tiêu chuẩn trong CDIO, bao gồm: - Nội dung 1 (Chương trình đào tạo) : tiêu chuẩn 1, 2, 3, 4 - Nội dung 2 (Năng lực giảng viên) : tiêu chuẩn 9, 10 - Nội dung 3 (Phương pháp dạy và học) : tiêu chuẩn 5, 7 , 8 - Nội dung 4 (Không gian học tập & phòng thí nghiệm): tiêu chuẩn 6 - Nội dung 5 (Phương pháp đánh giá, kiểm định) : tiêu chuẩn 11, 12 Trong đó: - Nội dung 1 là nền tảng cơ sở cho việc lựa chọn và thiết kế chương trình TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ - Nội dung 2, 3 là cơ sở của phương thức tổ chức hoạt động đào tạo - Nội dung 5 là cơ sở của vấn đề kiểm tra, đánh giá chương trình - Nội dung 4 là cơ sở của việc tổ chức hoạt động trải nghiệm và môi trường phù hợp Không chỉ cho những môn chuyên ngành, mà việc áp dụng CDIO vào công tác phát triển Kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo sẽ đảm bảo tính khoa học, toàn diện trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình. 3.1. Cơ sở lựa chọn Kỹ năng mềm PGS.TS. Võ Văn Thắng (2011) đã đưa ra luận điểm: Với cách đào tạo hiện nay, các trường đưa ra chương trình đào tạo rồi mới xác định chuẩn đầu ra, điều này khiến cho các đơn vị tuyển dụng lao động gặp khó khăn, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Cho nên, thực tế ở Việt Nam trong thời gian qua là buộc các đơn vị tuyển dụng lao động phải đào tạo lại hoặc bổ sung kiến thức, kỹ năng sau tuyển dụng. Trong khi đó, CDIO đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực đạt chất lượng cao, bởi vì chương trình đào tạo này được thiết kế trên cơ sở khảo sát kỹ yêu cầu thực tế xã hội mà nhà tuyển dụng lao động đòi hỏi, nên nó góp phần giảm chi phí và nguồn lực liên quan đến đào tạo. [15] Nghiên cứu sinh Ann-Marie Williams (2015) cho rằng có 4 đối tượng liên quan mà chúng ta cần khảo sát, lấy nhu cầu khi phát triển Kỹ năng mềm, bao gồm: Khoa chuyên môn, Sinh viên/Cựu Sinh viên, Doanh nghiệp và Các cơ quan quản lý. Trong đó, chủ đạo là 2 đối tượng: Doanh nghiệp và Sinh viên [16]. Thông qua kết quả khảo sát 2 đối tượng chủ đạo trên (biết được nhu cầu thực tế của Doanh nghiệp, thực trạng Kỹ năng mềm của Sinh viên tại Khoa), kết hợp với việc xem xét đặc thù của từng chuyên ngành (tiêu chuẩn 1 của CDIO), và căn cứ vào mục tiêu đào tạo theo chương trình đào tạo của nhà trường, cụ thể là chuẩn đầu ra của các ngành đào tạo (tiêu chuẩn 2 của CDIO) từ đó làm cơ sở, căn cứ cho việc lựa chọn Kỹ năng mềm phù hợp với ngành Sinh viên theo học. 3.2. Phương thức tổ chức và quản lý đào tạo Viện Doanh trí Văn Hiến trường Đại học Văn Hiến Tp.HCM, đã đưa ra những bất cập trong việc đào tạo Kỹ năng mềm hiện nay ở người học và người dạy, cụ thể Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng người giảng dạy “đọc chép” theo kiểu truyền thống, có thực tế này vì giảng viên chưa được đào tạo để thay đổi suy nghĩ và quan trọng có được năng lực, kỹ năng truyền đạt đúng như phương châm dạy kỹ năng mềm phải khác hoàn toàn với dạy văn hóa. Nhận biết được sự bất cập này thì một số nơi đào tạo cũng có mời những chuyên gia, chuyên viên được đào tạo chuyên nghiệp, dạy đúng với đặc trưng bản chất của kỹ năng mềm. Nhưng rất tiếc khi chuyên gia đi rồi thì người học cũng “nguội tắt” theo. Tóm lại, người dạy không biết cách dạy, không giúp người học tự hình thành dần trong cuộc sống hằng ngày thì những năng lực mà chúng ta mong muốn ở người học, sẽ mãi mãi chỉ là mong muốn. [17] TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ Chính vì vậy, năng lực giảng viên và phương thức dạy và học Kỹ năng là hai nội dung trọng tâm cần phân tích trong phương thức tổ chức và quản lý đào tạo Kỹ năng mềm. Về khía cạnh đầu tiên - năng lực giảng viên: Tác giả Tang Keow Ngang, Nor Hashimah Hashim và Hashimah Mohd Yunus (2014), đã đưa ra các năng lực về Kỹ năng mềm mà giảng viên dạy kỹ năng cần được trang bị khi đào tạo Kỹ năng mềm, bao gồm: Kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thông tin và học tập suốt đời, tư duy làm chủ, đạo đức & phẩm hạnh nghề nghiệp và kỹ năng lãnh đạo [18]. Cụ thể từng năng lực: 1. Kỹ năng giao tiếp: giảng viên cần truyền thông trôi chảy cả hai ngôn ngữ - ngôn ngữ quốc gia và ngôn ngữ quốc tế. Họ có thể diễn đạt ý tưởng một cách rõ ràng và tự tin qua hình thức nói và viết, đồng thời cũng là người lắng nghe chủ động; tự tin trong việc sử dụng công nghệ khi giảng dạy. 2. Kỹ năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề: giảng viên có khả năng tư duy phản biện, đổi mới và sáng tạo, áp dụng kiến thức vào thực tế; có thể nhận dạng, phân tích và đánh giá vấn đề ở những tình huống phức tạp. 3. Kỹ năng làm việc nhóm: giảng viên làm việc và phối hợp với nhiều đối tượng, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng thái độ, hành vi và niềm tin khác biệt của học viên. 4. Kỹ năng quản lý thông tin và học tập suốt đời: Giảng viên cần là người có năng lực tự nghiên cứu, tìm kiếm và quản lý hiệu quả thông tin liên quan từ nhiều nguồn khác nhau. 5. Tư duy làm chủ: Bao gồm khả năng nhận dạng cơ hội; có thể chuẩn bị, xây dựng và phát triển một kế hoạch kinh doanh. 6. Đạo đức và phẩm hạnh nghề nghiệp: nắm vững các tiêu chuẩn đạo đức hành nghề chuyên nghiệp, hiểu tác động của nền kinh tế và yếu tố xã hội đến việc hành nghề; phân tích và ra quyết định trong những tình huống liên quan đến phẩm hạnh; giữ đạo đức trong môi trường công sở song song với ý thức trách nhiệm với xã hội. 7. Kỹ năng lãnh đạo: giảng viên có thể điều phối các hoạt động khác nhau, hiểu về lý thuyết lãnh đạo cơ bản để hướng dẫn các dự án. Trên đây là 7 năng lực về kỹ năng mà giảng viên đào tạo Kỹ năng mềm cần. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ không tránh khỏi những thách thức cần khéo léo vượt qua khi đứng lớp như: không gian phòng học hạn chế, thời gian giới hạn trong việc truyền tải nội dung, cách thức truyền tải môn học và thái độ tiêu cực của học viên. Khía cạnh thứ hai cần xem xét: đó là phương thức dạy và học Kỹ năng mềm. Theo K. Kechagias (2011), có hai trường phái giảng dạy và phát triển Kỹ năng mềm: theo hướng phổ quát và hướng chuyên biệt [19]. Hướng phổ quát với quan điểm cho rằng kỹ năng mềm là những kỹ năng mang tính khái quát, do đó có thể được dạy riêng và sau đó ứng dụng trong bất kỳ trường hợp nào. Trong khi ngược lại, hướng chuyên biệt cho rằng thuộc tính của kỹ năng không thể tách rời khỏi bối cảnh liên quan đến nó. Hai cách tiếp cận này cũng là nền tảng để trả lời cho câu hỏi: Kỹ năng mềm nên được đào tạo như một môn học độc lập (hướng phổ quát) hay TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ được lồng ghép vào các tình huống, bối cảnh ở môn chuyên ngành của sinh viên (hướng chuyên biệt). Quan điểm theo hướng phổ quát đề cao việc sinh viên nên học “các kỹ năng khái quát” để nắm các “nguyên lý đúng đắn tuyệt đối”, có thể sử dụng và phát triển trong nghề nghiệp và cuộc sống. Tuy nhiên, khó khăn cần nhìn nhận là làm thế nào để dạy các “nguyên lý đúng đắn tuyệt đối” ở môi trường với bối cảnh tự do, dễ thay đổi? Thậm chí việc chuyển hóa kiến thức giữa hai tình huống ở cùng một công sở nhưng khác bối cảnh là không dễ dàng. Tuy nhiên, không vì thế mà phủ nhận quan điểm theo hướng phổ quát, vì theo nghiên cứu của Billett vào năm 1999 mà trong bài viết có đề cập, cho thấy những công nhân kết hợp học tập tại cả môi trường giáo dục và môi trường thực nghiệm, đều được cung cấp tri thức và kinh nghiệm thực tế rất quý giá. Tổng quan ở khía cạnh này, các kỹ năng khái quát nên được tích hợp vào chuyên môn của Sinh viên. Mặc dù hướng tiếp cận này không dễ để thực hiện, nhưng sẽ tăng tính liên đới và động lực học tập ở người học nhiều hơn. Tuy nhiên, vài kỹ năng khái quát như giao tiếp, làm việc nhóm, các kỹ năng học tập, có thể xem là đơn vị nền tảng, cho phép tách biệt khỏi chuyên môn của sinh viên mà giảng dạy. Đặc biệt với những sinh viên trước khi vào chương trình chuyên môn, môn kỹ năng mềm (theo hướng phổ quát) vẫn mang lại cho Sinh viên những giá trị nhất định. 3.3. Vấn đề kiểm tra, đánh giá Theo CDIO, có 2 tiêu chuẩn dành cho việc kiểm tra, đánh giá, cụ thể là tiêu chuẩn 11 – Đánh giá học tập của sinh viên và tiêu chuẩn số 12 – Kiểm định chương trình đào tạo. Về vấn đề đánh giá học tập của Sinh viên, có hai điều kiện cần mà trong Sổ tay dành cho nhà đào tạo của Hiệp hội Quốc tế EC-Council [20] đề cập: - Một là giảng viên cần trao đổi rõ với học viên về mục tiêu môn học (chuẩn đầu ra) lúc bắt đầu môn để sinh viên hiểu chính xác điều mà giảng viên mong đợi từ phía người học. Các chuẩn đầu ra này được thể hiện dưới dạng các chuẩn kiến thức, kỹ năng hay thái độ người học cần đạt được khi kết thúc môn. - Hai là để đánh giá chính xác năng lực của sinh viên, đặc biệt ở khía cạnh kỹ năng mềm, cần xây dựng môi trường học tập tích cực, nơi mà sinh viên có thể cảm thấy thoải mái thể hiện bản thân và đón nhận thử thách. Nếu sinh viên không cảm thấy thoải mái trong việc tương tác, họ sẽ không phản hồi cho người dạy, từ đó việc xác định mức độ hiểu biết của người học trở nên khó khăn, đặc biệt khi đánh giá không chính thức (được nêu bên dưới). Điều quan trọng cần đề cập là các phương pháp tiến hành đánh giá. Có thể chia làm hai phương pháp đánh giá: đánh giá chính thức (formal methods) và không chính thức (informal methods). - Việc đánh giá chính thức (dùng để đánh giá kết quả) được tiến hành thông qua bài kiểm tra dưới hình thức các câu hỏi như: đúng/sai, nối các ý phù hợp, câu hỏi nhiều chọn lựa, trả lời câu hỏi, viết bài luận, giải quyết tình huống, mô phỏng thực hành. - Việc đánh giá không chính thức (dùng để đánh giá quá trình) được tiến hành thông qua các bài tập, thuyết trình nhóm nhỏ, thực hiện dự án, sinh viên tự đánh giá. TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ Theo K. Kechagias, có nhiều phương pháp và cách thức đa dạng để đánh giá năng lực học tập Kỹ năng mềm của Sinh viên, việc ứng dụng chỉ một phương thức sẽ không hẳn hoàn toàn phù hợp. Việc lựa chọn phương thức nào phụ thuộc rất nhiều vào chuẩn đầu ra của môn học, thời lượng khóa học, phù hợp với nguồn lực sẵn có. Về vấn đề kiểm định chất lượng chương trình, cần sự phối hợp giữa các bên liên quan: lực lượng bên ngoài nhà trường gồm: nhà tuyển dụng, cựu sinh viên và bên trong nhà trường gồm sinh viên, giảng viên, người quản lý chương trình. Theo EC-Council, hồ sơ minh chứng trong việc đánh giá Kỹ năng mềm là bản báo cáo đầy đủ 5 mục: - Năng lực của Sinh viên (trình bày ở trên) - Năng lực của Giảng viên (trình bày ở phần 3.2) - Mức độ hài lòng của Sinh viên về Khóa học, Môi trường học tập và Giảng viên. - Mức độ hài lòng của Giảng viên về Cấu trúc chương trình, Môi trường và Sinh viên - Đề nghị sửa đổi: Tất cả những vấn đề liên quan đến Kho học liệu cần hiệu chỉnh Hồ sơ này sau khi hoàn thành, được chuyển đến cho sinh viên, giảng viên, nhà tuyển dụng (nếu họ có liên kết đến chương trình), nhà thiết kế chương trình, nhà quản lý chương trình. Sự phản hồi này hình thành cơ sở cho các quyết định về chương trình và các kế hoạch cải tiến liên tục. 3.4. Yếu tố hoạt động trải nghiệm và môi trường EC-Council có đề cập đến 4 thành phần vật lý để tạo nên môi trường tích cực cho học viên: - Cách bố trí phòng học: có 4 cách sắp xếp như sau: Hàng ngang (Rows) Phù hợp khi Giảng viên thuyết giảng hay Sinh viên làm việc độc lập Chữ U (U-shape) Phù hợp cho thuyết giảng và thảo luận nhóm lớn Tròn (Circle) Phù hợp nhất cho thảo luận nhóm lớn Cụm (Cluster) Thích hợp nhất cho tương tác các nhóm nhỏ và làm việc độc lập. Trong 4 mô hình sắp xếp, mô hình theo cụm là mô hình lý tưởng nhất trong công tác đào tạo Kỹ năng mềm, giúp tăng sự tương tác giữa Sinh viên với Sinh viên trong cùng một nhóm và việc tổ chức hoạt động của Giảng viên cũng trở nên dễ dàng. TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ - Ánh sáng: chú ý lượng ánh sáng cần đầy đủ trong phòng, việc tắt mở hệ thống đèn cũng cần thời gian chờ để tránh tình trạng ánh sáng tăng giảm đột ngột, hại mắt Sinh viên. - Thiết bị: kiểm tra độ hoạt động ổn định của thiết bị và đáp ứng tốt nhu cầu Giảng viên - Vật dụng: có thoải mái, thuận tiện cho Giảng viên và Sinh viên sử dụng, cũng như độ linh hoạt sắp xếp của bàn ghế. Ở khía cạnh hoạt động trải nghiệm, ODEP thuộc Bộ Lao động Hoa Kỳ [21] có đưa ra 3 phương pháp phổ biến cho việc tạo cơ hội nâng cao Kỹ năng mềm thông qua trải nghiệm: - Đầu tiên là sự tương tác trong quá trình giảng dạy, giảng viên tạo hoạt động cung cấp cơ hội cho Sinh viên trải nghiệm, thực tập, củng cố và phản ánh năng lực. Mức độ khó của nhiệm vụ để hình thành kỹ năng cũng tăng dần. Cách tiếp cận này đòi hỏi giảng viên cần có kỹ năng và chuyên môn cao cộng với giáo trình được thiết kế tốt. Nhược điểm đi kèm là hoạt động dù thiết kế tốt, nhưng vẫn thiếu tính xác thực như môi trường công sở. - Phương pháp thứ hai là tìm trợ giảng (người có kinh nghiệm làm việc tại môi trường công sở) phối hợp dạy Kỹ năng mềm cho Sinh viên. Hình thức này cũng giống với hình thức đào tạo ngay trên công việc, thực tập thực tế nhằm đạt được tính thực tiễn một cách tối ưu. Khuyết điểm của phương pháp này là khó có chủ doanh nghiệp sẵn lòng cung cấp cơ hội và người hướng dẫn dành thời gian cho sinh viên hơn công việc. - Phương pháp thứ ba là thay đổi các khía cảnh trong không gian lớp học để mô phỏng lớp như môi trường công sở. Cách tiếp cận này mang lại bối cảnh thực tế cho việc dạy và thực hành kỹ năng, nhưng đòi hỏi giảng viên phải kiểm soát tốt tiến độ giảng dạy và tạo ra môi trường học tập giúp nâng cao kỹ năng cho sinh viên, cũng như cần sự đầu tư cơ sở vật chất phù hợp. Việc lựa chọn phương pháp phù hợp phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực sẵn có của nhà trường cũng như sự phối hợp giữa lực lượng trong và ngoài trường học. 4. KẾT LUẬN 4.1. Về quan niệm Nếu như Kỹ năng cứng là kỹ năng quan trọng để sinh viên ra trường làm nghề, thì Kỹ năng mềm lại là kỹ năng cần thiết để sinh viên có thể ra trường làm việc. Hiện trạng cho thấy Kỹ năng mềm của Sinh viên đang ở mức báo động, và việc phát triển Kỹ năng mềm là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp bách cho Sinh viên trong thế kỷ 21. 4.2. Về phân loại Trên thế giới có nhiều những nghiên cứu và đề xuất phân loại Kỹ năng mềm, trong đó, nổi bật là “Kỹ năng thiết yếu thế kỷ 21” được Tổ chức Đánh giá và Giảng dạy Các Kỹ năng của Thế kỷ 21 tại Đại học Melbourne (Úc) nghiên cứu và phát triển. Mô hình này nhanh chóng được lan rộng và ứng dụng thành công tại rất nhiều các quốc gia trên thế giới như Úc, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Singapore, Anh Quốc, Hoa Kỳ,… Tại Việt Nam, một vài tổ chức đã nghiên cứu triển khai (như TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ công ty đào tạo TGM, Hội đồng Anh, ĐH FPT,…), thế nhưng vẫn cần được sự quan tâm đúng mực ở cấp nhà nước để có thể thực hiện nghiên cứu và triển khai trên diện rộng. 4.3. Về phát triển kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo đại học Việc phát triển Kỹ năng mềm tại các trường Đại học vẫn còn những điểm khuyết, rất cần mô hình mang tính toàn diện và phương pháp khoa học đã qua nghiên cứu làm nền tảng cho sự phát triển. Hướng tiếp cận theo chuẩn CDIO vào công tác phát triển Kỹ năng mềm trong chương trình đào tạo sẽ đảm bảo tính khoa học, toàn diện trong quá trình xây dựng và triển khai chương trình. 12 tiêu chuẩn của CDIO là cơ sở vững chắc cũa bốn khía cạnh: lựa chọn & thiết kế, phương thức tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá và tổ chức hoạt động trải nghiệm, lựa chọn môi trường phù hợp đào tạo Kỹ năng mềm. Bài viết cũng cung cấp thêm các góc nhìn khoa học từ một số nghiên cứu trên thế giới cho bốn khía cạnh đã nêu, nhằm tăng cường tính hiệu quả cho xây dựng và triển khai chương trình. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đảng Cộng Sản Việt Nam (08/02/2016). Cộng đồng kinh tế ASEAN: Nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Truy cập ngày 10/02/2016 từ http://dangcongsan.vn/thoi-su/-cong-dong-kinh-te-aseannhieu-co-hoi-cho-lao-dong-viet-nam-369078.html [2] Ong Quốc Cường, Vương Quốc Duy, Lê Trọng Hậu và Trần Thị Hạnh (26/08/2014). Đánh giá nhu cầu của sinh viên khoa kinh tế - quản trị kinh doanh đối với lớp kỹ năng giao tiếp. Tạp chí Đại học Cần Thơ, 35(2014), 50 - 56. [3] Phan Thanh Long. (2004). Các biện pháp rèn luyện kỹ năng dạy học cho sinh viên Cao đẳng sư phạm. Luận văn tiến sĩ Giáo dục, Đại học Sư Phạm Hà Nội. [4] Melih Arat (2014), Acquiring soft skills at university, Journal of educational and instructional studies in the world, 46 - 51. [5] Daniel Goleman (1995). Trí tuệ xúc cảm. NXB Lao động Xã hội Tp.HCM [6] Peggy Klaus (2007). Sự thật cứng về Kỹ năng mềm. NXB Trẻ [7] Malcolm Gladwell (2008), Những kẻ xuất chúng. NXB Alphabooks [8] Sejzi A.A. , Ariz B., Yuh C.P (2013). Important Soft Skills for University Students in 21th Century. Presented at 4th International Graduate Conference on Engineering, Science, and Humanities (IGCESH 2013). [9] Asia Society (2012). Teaching and Learning 21st Century Skills. Rand Corporation, 4 - 6 [10] Irenka Suto (2013, 1st). 21st Century skills: Ancient, ubiquitous, enigmatic?. Cambridge Assessment Publication, page 4-5. [11] Nhiều tác giả (2009). Những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho Sinh viên. Nhà xuất bản Trẻ [12] Báo điện tử Giáo dục (23/11/2013). Cần đánh giá hiệu quả đào tạo Kỹ năng mềm. TẠP CHÍ KHOA HỌC GIÁO DỤC, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM _____________________________________________________________________________________ Truy cập ngày 31/12/2015 từ http://www.giaoduc.edu.vn/can-danh-gia-hieu-qua-daotao-ky-nang-mem.htm [13] Hồ Tấn Nhựt, Đoàn Thị Minh Trinh (Biên dịch). Cải cách và xây dựng chương trình đào tạo kỹ thuật theo phương pháp tiếp cận CDIO. NXB Đại học Quốc gia Tp.HCM, 2009. [14] PGS.TS. Nguyễn Hữu Lộc (T4-2015). Đảm bảo chất lượng trong xây dựng và vận hành chương trình đào tạo theo phương pháp tiếp cận CDIO. ĐH Tài Nguyên Môi trường, Tp.HCM [15] Võ Văn Thắng (2011). Tiếp cận CDIO để nâng cao chất lượng đào tạo đại học. ĐH An Giang, Tp.HCM [16] Ann-Marie Williams (2015). Soft Skills Perceived by Students and Employers as Relevant Employability Skills. Walden University, 19 - 21 [17] Viện doanh trí Văn Hiến (10/122015). Vấn đề đào tạo các khóa ngắn hạn và kỹ năng mềm cho sinh viên. ĐH Văn Hiến, Tp.HCM [18] Tang Keow Ngang, Nor Hashimah Hashim, Hashimah Mohd Yunus (07/2014). Novice Teacher Perceptions of the Soft Skills Needed in Today's Workplace. Global Conference on Contemporary Issues in Education, USA, page 284 – 288. doi: 10.1016/j.sbspro.2015.02.338 [19] K. Kechagias (Ed.) (2011). Teaching and Assessing Soft Skills. Mass project (The Measuring and Assessing Soft Skills Project), 57 – 58. [20] International council of E-commerce consultants (2013). EC-Council Instructor Handbook. Official Course Material of CEP. [21] ODEP (Office of Disability Employment Policy) (06/2010). Teaching Soft Skills Through Workplace Simulations in Classroom Settings. U.S. Department of Labor, 1 – 9.