You are on page 1of 15

94 Nghiên cứu Tôn giáo.

Số 7 – 2014

NGUYỄN THỊ QUẾ HƯƠNG*

TÍNH TỰ TRỊ VÀ TỰ QUẢN CỦA LÀNG CÔNG GIÁO


VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG QUA HƯƠNG ƯỚC

Tóm tắt: Trong hệ thống làng xã cổ truyền của người Việt vùng
Đồng bằng Sông Hồng có làng Công giáo, một sản phẩm văn hóa
trong quá trình truyền bá Công giáo vào Việt Nam. Với quá trình
du nhập và phát triển tại Việt Nam, trên cơ sở của làng Việt, Công
giáo đã tạo nên văn hóa đặc thù qua sự hình thành làng Công giáo
tồn tại song song với làng Việt cho đến ngày nay. Làng Công giáo
vừa có những tổ chức thiết chế chính trị của làng Việt cổ truyền,
vừa có sự khác biệt mang dấu ấn của những tổ chức thiết chế tôn
giáo. Bài viết đề cập tới quá trình hình thành làng Công giáo vùng
Đồng bằng Sông Hồng và các thiết chế chính trị - tôn giáo của
làng Công giáo thể hiện qua hương ước.
Từ khóa: Làng Công giáo, hương ước làng Công giáo, thiết chế
chính trị - tôn giáo, Đồng bằng Sông Hồng.

1. Khái quát quá trình hình thành làng Công giáo vùng Đồng
bằng Sông Hồng
Theo một số nhà nghiên cứu, Công giáo có mặt ở Việt Nam từ năm
1533 với sự kiện mà sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục của
Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Theo sách dã lục (một loại dã sử), thì
ngày, tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), đời vua Lê Trang Tông,
người Tây Dương tên là Ynêxu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh,
huyện Nam Chân và xã Trà Lũ, huyện Giao Thủy ngấm ngầm truyền
giáo về tả đạo Gia Tô”1. Tuy nhiên, các sử gia Công giáo thường lấy
mốc năm 1615 với sự xuất hiện của giáo sĩ Dòng Tên Buzomi vào Hội
An - Quảng Nam làm thời điểm Công giáo chính thức truyền giáo tại
Việt Nam. Trong quá trình truyền giáo, các giáo sĩ đã khéo léo lồng hệ
thống tổ chức của Giáo hội Công giáo vào trong tổ chức làng Việt. Đó là
một thành công của Công giáo trong công cuộc truyền giáo vào Việt

*
TS., Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
Nguyễn Thị Quế Hương. Tính tự trị và tự quản… 95

Nam. Về vấn đề này, Nguyễn Hồng nhận xét: “Về tổ chức và phương
pháp, chúng ta chỉ cần nêu ra tổ chức thày giảng, tổ chức các họ đạo với
trùm trưởng đàn anh theo tổ chức các làng mạc Việt Nam và sự liên kết,
điều hòa hoạt động giữa các thừa sai theo cùng một tinh thần và phương
pháp. Chúng ta muốn nhấn mạnh ở đây tinh thần thích ứng của các ngài
và nó là một thành công...”2.
Tìm hiểu lịch sử hình thành làng Công giáo là tìm hiểu sự hình thành
và phát triển của tổ chức xứ đạo, họ đạo. Theo Nguyễn Hồng Dương, quá
trình hình thành và phát triển làng Công giáo vùng Đồng bằng Bắc Bộ có
thể chia làm ba giai đoạn: giai đoạn hình thành làng Công giáo, giai đoạn
hoàn thiện làng Công giáo và giai đoạn chuyển hướng giáo hội cơ sở
trong xã hội hiện tại3.
Như vậy, trong buổi đầu truyền giáo, làng Công giáo chưa hình thành,
phải đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mới định hình rõ nét. Đi đôi
với sự hình thành làng Công giáo là sự xuất hiện hương ước làng Công
giáo4. Đó là những quy ước về tục lệ, lễ nghi của người Công giáo được
ghi chép thành văn bản. Theo tư liệu chúng tôi sưu tầm được, bản hương
ước làng Công giáo xuất hiện sớm nhất vào năm 1850 (Giáo xứ Bác
Trạch, tỉnh Thái Bình). Đây là thời điểm bắt đầu giai đoạn thứ hai, giai
đoạn làng Công giáo hoàn thiện và hình thành những đặc trưng cơ bản
của nó. Lúc này, hương ước làng Công giáo ra đời để điều chỉnh hoạt
động của người dân trong làng theo một trật tự chung.
Nội dung hương ước làng Công giáo vùng Đồng bằng Sông Hồng cho
thấy có hai hình thức hình thành và phát triển làng Công giáo, đó là tách
giáp và doanh điền.
- Hình thức tách giáp: Đây là hình thức làng Công giáo hình thành từ
việc tách các giáp giáo từ làng Việt cổ truyền. Với việc chia tách này, khi
có điều kiện, giáp giáo sẽ trở thành một làng/ xứ đạo toàn tòng (Giáo xứ
Bác Trạch, tỉnh Thái Bình), hoặc tiếp tục là một vài giáp giáo tồn tại cùng
với làng Việt cổ truyền (làng Chất Thành, tỉnh Ninh Bình; làng La Tinh,
thành phố Hà Nội). Việc chia tách giáp thực chất là việc phân chia tài sản
cố định của làng có từ trước, bởi vậy thường xảy ra mâu thuẫn. Cho nên,
việc lập các tờ giao ước là điều phải làm. Điều này thể hiện rõ nét trong
các bản hương ước làng Công giáo vùng Đồng bằng Sông Hồng.

95
96 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014

Giáo xứ Bác Trạch, tỉnh Thái Bình trở thành một làng Công giáo toàn
tòng vào năm 1910. Trước đó, đây là vùng đất của cả dân lương và dân
giáo. Trong công hàm của Giáo xứ Bác Trạch trình bày về lịch sử hình
thành làng Bác Trạch cho biết, từ năm 1735, Linh mục Tế đến đây truyền
giáo. Đến năm 1760, Linh mục Chu Án của Dòng Đa Minh đến Bác
Trạch giảng đạo. Trên mảnh đất này có nội tộc nửa lương, nửa giáo, có
một đình, một miếu thờ thần Nam Hải và một văn chỉ5. Khi địa phương
này trở thành làng Công giáo toàn tòng thì “Giáo tộc chức sắc, trùm
trưởng lý dịch, cùng người trên kẻ dưới trong toàn họ ở xã Bác Trạch,
tổng Cao Mại, huyện Trực Định, phủ Kiến Xương cùng lập khoán ước”6.
Đối với làng La Tinh, thành phố Hà Nội hiện nay, thì lại khác. Đây là
một làng lương giáo. Trước khi Công giáo tới đây (cuối thế kỷ XIX),
làng có năm giáp. Đến cuối thế kỷ XIX, giáp thứ sáu của làng ra đời, gọi
là giáp nghĩa (gồm các gia đình theo Công giáo)7. Do sự phân chia giáp
mới nên nảy sinh mâu thuẫn giữa người theo Phật giáo (làng gốc) với
người theo Công giáo (từ bên ngoài đến truyền giáo, trường hợp Nguyễn
Hữu Bằng). Bởi vậy, ngày 25/10/1896, làng phải làm khoán ước hòa
bình8.
Tờ khoán La Tinh, gồm 17 điều, trong đó ghi: “… hai bên lương giáo
tục lệ có khác nhau một phần, phải hội họp để bàn công việc hợp lý hợp
tình, chia giáp, chia phiên để lập khoán mới, quy định tục lệ các khoản để
chia ruộng đất thờ Thần thờ Phật... Hai bên lương giáo cùng một làng, chỉ
phân biệt lương giáo mà thôi, còn là người cùng làng, có thể cùng dòng
họ, phải biết sống với nhau có lý có tình, nên phải thống nhất với nhau
cùng một thể lệ, tôn trọng với nhau cùng một thể lệ riêng tư, không nên
tranh chấp làm phiền nhau mà nên theo lệ trong tờ khoán”9. Cho đến nay,
La Tinh vẫn là làng lương giáo, cùng với Đồng Nhân và Đông Lao hợp
thành xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Làng Chất Thành, tổng Chất Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình
là một trong những làng Việt cổ với việc chia giáp sau khi Công giáo du
nhập vào. Hương ước trước cải lương của xã Chất Thành chép: “Các vị
kỳ dịch lương và giáo làng Chất Thành, tổng Chất Thành, huyện Kim
Sơn, phủ Yên Khánh xin khấu trình việc phân chia giáp. Nguyên nhân
làng trước đây khi thiết lập đều là dân bên lương, việc đinh và điền đều
không phân biệt. Khoảng niên hiệu Tự Đức, đội ơn khoan điển, bấy giờ
có dân theo Công giáo, nay giáp ấy tình nguyện thành một giáp riêng để
Nguyễn Thị Quế Hương. Tính tự trị và tự quản… 97

tiện khu xử đã được quan Khâm sai Tuyên phủ sứ Đại nhân chỉ thị việc
phân chia giáp cốt hai bên phải cùng yên ổn... Tuy có phân chia giáp vốn
yêu kính nhưng tình không có gì khác... nay khấn tính chiểu theo 87 nhân
đinh trong toàn làng chia cấp mỗi đinh được 2 mẫu 5 sào 6 thước... giáp
giáo có 10 người được 25 mẫu 4 sào”10.
Hương ước cải lương nhiều làng khác ở Ninh Bình cũng đề cập đến
việc tách giáp sẽ chia tài sản chung của làng cũ thành hai (bên lương
và bên giáo), thí dụ như tại Điều 68, Hương ước làng Tuy Lộc, tỉnh
Ninh Bình11.
Như vậy, một làng cổ truyền, do số đinh tăng lên, nên tách dần ra
thành nhiều giáp. Ở những nơi nào có cả lương dân lẫn giáo dân, nơi đó
hoặc tạo thành một làng lương giáo, hoặc tạo thành một làng Công giáo
toàn tòng, riêng biệt cả về đinh và điền.
- Hình thức doanh điền: Đây là hình thức làng Công giáo hình thành
từ việc di dân khai hoang, lập ấp ở Bắc Bộ, còn gọi là doanh điền do
Nguyễn Công Trứ đề xuất với vua Minh Mệnh. Chính sách khẩn hoang
kết hợp giữa nhà nước và nhân dân, một mặt, giải quyết được việc làm
cho dân phiêu tán; mặt khác, chuyển được đất hoang thành đồng ruộng,
xóm làng, “phí tổn chẳng mấy mà mối lợi tự nhiên đến vô cùng, đất
không có chỗ bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục phiêu bạc nay lại
thành thuần hậu”12 như Nguyễn Công Trứ từng nhận định. Các làng Công
giáo thuộc hình thức này tiêu biểu như: làng Lưu Phương, huyện Kim
Sơn, tỉnh Ninh Bình; làng Cam Lai, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Đây
là những làng/ xứ đạo, họ đạo đặc trưng của vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Làng Lưu Phương thành lập cùng với công cuộc khẩn hoang thành
lập huyện Kim Sơn từ năm 1829 đến năm 1945, ban đầu do 36 nguyên
mộ từ Trà Lũ, Nam Định kéo xuống. Làng Công giáo này hình thành
cùng với sự truyền giáo của các thừa sai tới Phát Diệm. Điều 68, Hương
ước làng Lưu Phương đề cập đến việc chia ruộng như sau: “Công điền là
để giúp cho người gánh chịu việc quan, ruộng xấu tốt phải chia cho đều,
làng ta chia làm hai xứ: một xứ ở trong đê, một xứ ở ngoài đê. Nguyên
tục trước chia làm sáu giáp nay định đổ đồng quân cấp cho được công
bằng. Cứ chiểu trong sổ đinh những người ăn gánh và những người hợp
nghị mà cấp mỗi người một phần bằng nhau...”13.

97
98 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014

Cùng với việc khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ là sự hình thành
làng Cam Lai, tổng Tân Phong, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Làng
này có số giáo dân nguyên mộ rất đông khi mới thành lập huyện Tiền Hải
năm 1828. Lúc đầu, khi dân số còn ít, cả dân lương và dân giáo sống
chung một làng, chết chôn chung một nghĩa địa. Sau này, dân số tăng
mới tách thành hai, gồm giáp giáo và giáp lương. Dân lương xây đình,
dân giáo xây nhà thờ.
Ngoài ra còn có hình thức linh mục mua ruộng đất sau đó chiêu mộ
người dân theo đạo, dần lập thành làng Công giáo. Giáo xứ Cồn Thoi,
huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình thành lập theo hình thức này. Đây là nơi
tập trung dân khắp nơi dưới sự quản lý của linh mục thuộc Sở Đồn điền.
Đặc điểm nổi bật của giáo xứ này là không có bộ máy chính quyền riêng,
mà lồng ghép sự quản lý vào Sở Quản lý khu. Ngoài linh mục phục trách
chung còn có một số người già làm công việc hành chính thay cho bộ
máy bảo an, xã trưởng.
Trong hai hình thức nêu trên, hình thức tách giáp phổ biến hơn. Bởi
vì, hình thức này tận dụng được cơ sở vật chất của làng truyền thống cho
việc truyền giáo.
Như vậy, làng Công giáo là sản phẩm của quá trình truyền bá Công
giáo vào Việt Nam trên cơ sở tách ra từ làng Việt cổ truyền hay chiêu mộ
dân từ làng Việt cổ truyền đến vùng đất mới khai hoang. Vì thế, làng
Công giáo mang trên mình yếu tố làng Việt cổ truyền và yếu tố Công
giáo du nhập từ bên ngoài.
2. Các thiết chế chính trị - tôn giáo qua hương ước làng Công giáo
vùng Đồng bằng sông Hồng
2.1. Bộ máy quản lý hành chính làng Công giáo qua hương ước
Bộ máy quản lý hành chính làng Việt cổ truyền nói chung, làng Công
giáo vùng Đồng bằng Sông Hồng nói riêng trước thời kỳ cải lương và
giai đoạn cải lương gồm Hội đồng Kỳ mục, Hội đồng Tộc biểu, bộ phận
kỳ dịch, các trùm phường, trùm phe, trùm giáp. Các tổ chức này quản trị
làng xã dưới sự bảo hộ của chính quyền đương nhiệm.
Trước hết phải kể đến Hội đồng Kỳ mục, với người đứng đầu là Tiên
chỉ, tiếp đến là Thứ chỉ. Đây là tổ chức cao nhất trong hệ thống tổ chức tự
quản của làng xã. Trong các hương ước luôn có những quy định về chức
năng của Hội đồng Kỳ mục, cụ thể: Những biên bản của Hội đồng Tộc
Nguyễn Thị Quế Hương. Tính tự trị và tự quản… 99

biểu can thiệp đến tài sản, khoán ước, tục lệ, tế tự của làng xã đều phải có
ý kiến của Hội đồng Kỳ mục. Bản dự thảo công biên và lục sổ công biên
thi hành xong đều phải đưa cho Hội đồng Kỳ mục ghi ý. Hội đồng Kỳ
mục không phải thi hành những thể lệ của hàng xã về việc quản trị và
tuần phòng, không phải quản trị tài sản của hàng chức dịch hàng xã như
lý trưởng, phó lý, v.v...
Hội đồng Tộc biểu, còn gọi là Hội đồng Hương hội, gồm chánh
hương hội, phó chánh hương hội, thường là người cao tuổi có phẩm hàm.
Hội đồng là “nghị viện” của làng, thông qua việc soạn thảo, ban hành,
sửa đổi bổ sung cũng như giám sát việc thực thi hương ước. Nội dung
hương ước quy định rõ nhiệm vụ của Hội đồng Tộc biểu: trông nom việc
quản trị làng xã; quản lý các quyền lợi và quản trị tài sản của làng xã; thi
hành lập lệ khoán ước lệ làng và lập sổ công biên, giám sát các sổ ấy; bổ
sưu thuế và các thứ thuế nộp kho bạc hoặc nộp vào quỹ làng xã; kiểm
soát các công việc chức dịch, như lý trưởng, phó lý, trương xã; trông nom
việc tuần phòng và thi hành luật lệ cùng các mệnh lệnh của quan trên;
hòa giải những việc dân, v.v…
Bộ phận kỳ dịch là bộ máy quản lý hành chính làng xã, với thành phần
gồm lý trưởng, phó lý, trương tuần, thư ký và thủ quỹ. Thành phần này
đều do Hội đồng Hương hội tuyển chọn, có trách nhiệm đảm bảo quyền
lợi và nghĩa vụ của từng người dân trong làng xã. Bộ phận kỳ dịch có
nhiệm vụ giao dịch với quan trên, thi hành mọi việc chính quyền cấp trên
giao như thu nộp thuế, gìn giữ trật tự xã hội. Lý trưởng là người chỉ huy,
giám sát trương tuần, thủ lộ, chưởng bạ.
Như vậy, chức danh, tiêu chuẩn, thời hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ,
quyền lợi của từng bộ phận trong bộ máy hành chính làng xã được quy
định tỷ mỷ, rõ ràng trong hương ước. Đây là một trong những lý do khiến
cho bộ máy quản lý hành chính ở làng xã nước ta dưới thời phong kiến
hoạt động nhịp nhàng, không bị chồng chéo.
Về bộ máy hành chính, Hương ước làng Vĩnh Trị (Nam Định), một
làng Công giáo toàn tòng, quy định: “Điều 1: Quản trị làng do Hội đồng
Kỳ mục, Hội đồng Tộc biểu và các chức dịch khác như lý trưởng, phó
trưởng... Điều 5: Các chức dịch hàng xã gồm: lý trưởng, phó lý, chưởng
bạ, xã tuần, trương tuần, thủ lộ, xã đê, quản đê”14.

99
100 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014

Về tiêu chuẩn và thời hạn, Hương ước làng Quảng Bá (Hà Nội) quy
định: “Các họ hợp lại với nhau thành một làng, bởi thế việc làng do các
họ cử người thay thế mà trông coi. Mỗi dòng họ cử các tộc biểu từ 25
tuổi trở lên, biết chữ, có gia sản, không can phạm. Tộc biểu giữ việc ba
năm là một hạn... các tộc biểu tự chọn ra một người làm hội trưởng, hội
phó, thư ký, thủ quỹ... Tộc biểu nếu làm việc gì trái với hương ước... Hội
đồng chức sắc có quyền phạt tiền...”15.
Một quy định khác ghi trong Hương ước làng Hạ Linh (Nam Định),
một làng Công giáo toàn tòng: “Hội đồng Tộc biểu cùng lý trưởng,
chưởng bạ, hộ tịch, ngoài những phiên hội đồng khác không kể, cứ mỗi
tháng vào ngày 15 là phải hội đồng tại đình để bàn định các công việc
quan trọng của làng...”16.
Đi kèm với nhiệm vụ, chức trách là quyền lợi mà các chức việc được
hưởng, ví dụ việc chi trả công tác phí hay chi trả lương. Về công tác phí,
Hương ước làng Quảng Bá (Hà Nội) quy định: “Tộc biểu và lý trưởng, vì
việc làng mà phải đi xa trong 5 km, làng không phải chi tiền, quá số ấy,
làng chi mỗi ngày 0đ50, lên tỉnh hạn cho hai ngày, lên huyện hạn cho
một ngày”17. Về chi trả lương, Điều 17, Hương ước làng Vĩnh Trị (Nam
Định) ghi rõ: “Việc chi lương đồng niên cho lý trưởng, phó lý, thư ký,
thủ quỹ thời trước nay vẫn có, nhưng nay xét các hương chức thuận
nhượng số tiền ấy lại cho làng để cung phụng về việc đạo, vì làng toàn
tòng theo Công giáo, các số lương ấy vẫn trích ở lúa sương lúa sa”18.
Việc canh phòng, giữ gìn tính mạng của dân và tài sản của làng là rất
quan trọng. Bởi vậy, để nâng cao trách nhiệm của từng người dân, tất cả
mọi người trong làng từ 18 đến 50 tuổi đều phải đi canh phòng. Tuy
nhiên, một vài trường hợp được ưu tiên, miễn giảm như người đang làm
việc công sở, người chức sắc, khoa mục đang đi học và người có bệnh
tật. Nếu người nào vắng nhà hoặc bận việc không ra canh phòng được thì
phải nhờ bà con, bạn hữu thay cho, hoặc phải nộp tiền cho làng để thuê
người canh hộ. Bởi vậy, trong hương ước quy định khá kỹ về trách
nhiệm, quyền hạn của trương tuần trong việc canh phòng của làng. Ví dụ,
Hương ước làng Trung Lao (Nam Định) có ghi: “Điều 30: Trương tuần
và tuần tráng là người mạnh bạo, thực thà và có gia sản. Người nào có
tiếng bất hảo không được làm... Điều 37: Trương tuần làm việc ba năm,
đều được chu toàn với làng cho ngôi tộc biểu, cũng như là phó lý,
Nguyễn Thị Quế Hương. Tính tự trị và tự quản… 101

không làm hết bổn phận thời phải bãi chức, đã phải bãi chức thời mất
ngôi tộc biểu”19.
Thủ lộ là người trông coi đường xá, đê điều, cầu cống, thủy lợi ở làng
xã. Trong hương ước quy định chi tiết về chức trách, nhiệm vụ và hình
phạt đối với người này nếu không làm tròn bổn phận.
Ngoài ra, trùm phường, trùm phe, trùm giáp phụ trách các phe, các
phường, các giáp cũng tham gia vào hoạt động của làng xã. Vì vậy, nội
dung hương ước đề cập tới trách nhiệm và quyền hạn của các chức danh
này trong bộ máy tự quản ở làng xã, trong đó có làng Công giáo.
Có thể nói, bộ máy quản lý hành chính của làng Công giáo vùng Đồng
bằng Sông Hồng đã bao quát được các chức năng và nhiệm vụ được giao.
Tính tự trị, tự quản đã phát huy vai trò của người dân trong cuộc sống bằng
những quy định cụ thể trong hương ước. Các tổ chức thiết chế kết hợp
nhuần nhuyễn với nhau một cách thông suốt, tuy riêng biệt nhưng lại thống
nhất trong một chỉnh thể. Điều này chứng tỏ, việc quản lý của người dân
trong làng xã đã đi vào nền nếp. Tính gọn nhẹ và dân chủ trong cơ cấu tổ
chức, tính rành mạch trong trách nhiệm và nghĩa vụ cùng với những chế tài
xử lý vi phạm phần nào khích lệ, động viên chức việc hay người dân trong
việc tự trị, tự quản đời sống làng xã. Đây là bài học có giá trị trong việc
quản lý hành chính cấp cơ sở hiện nay của nhà nước ta.
2.2. Tổ chức xứ đạo, họ đạo qua hương ước
Tổ chức xứ đạo, họ đạo được xây dựng dựa trên thiết chế chính trị
làng Việt cổ truyền. Cơ cấu tổ chức và chức danh của Ban hành giáo xứ
đạo, họ đạo đề cập khá rõ trong cuốn Sử ký Địa phận Trung, với tên gọi
khác là Hội chung. Trong các xứ đạo thường có Hội chung để lo những
việc của xứ đạo. Người đứng đầu Hội chung là chánh trương và một số
người giúp việc như phó trương hay thư ký20.
Qua khảo cứu, chúng tôi thấy, tổ chức Ban hành giáo xứ đạo, họ đạo
được đề cập đến trong hương ước các làng Công giáo vùng Đồng bằng
Sông Hồng. Đây là tổ chức phi quan phương được bầu ra để giúp linh
mục chính xứ cùng bộ máy hành chính tự quản lý làng xã Công giáo. Ban
hành giáo xứ đạo gồm: chánh trương, phó trương, thư ký, thủ quỹ, tuần
kiểm, quản giáo (quản học trò). Ban hành giáo họ đạo gồm: trùm trưởng,
trùm phó, thư ký và các trương đồng nam nữ (ông trương, bà trương).

101
102 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014

Tiêu chuẩn lựa chọn các chức vụ nói trên được quy định khắt khe
trong hương ước làng Công giáo. Người được chọn phải có phẩm hạnh
cao và tùy từng trình độ mà chọn người cho phù hợp với công việc.
Hương ước làng Bác Trạch (Thái Bình) quy định: “Trong họ phải chọn
trong hàng sắc mục kỳ dịch lấy hai người có đức hạnh nhân chính mà bầu
làm chánh phó trùm, lại hai người coi sóc tư tích khăn, ba người làm cán
sự, hai người coi sóc kẻ liệt, ba người giữ hành phiên, ba ông trương, ba
bà trương coi sóc đồng nhi cùng việc người trương. Chân khăn luân ba
người chân kiệu khăn, một người trương phường bát âm, cùng một người
trương phường trống, lại bầu một người trương thủ hạ để giúp việc trong
nhà chung khăn, hàng xã sẽ chước tạp dịch cùng đắp đê, xẻ sông, mà
những đơn bảo ấy phải ký kết dẫn trình xin giữ nhà, đấng bản quản phê
phó mới được nhận việc cho nghiêm phép đạo”21.
Nhiệm vụ của Ban hành giáo xứ đạo hay Ban hành giáo họ đạo về cơ
bản là giống nhau, cùng giúp việc cho linh mục chính xứ. Ngoài ra, họ
còn tổ chức các hoạt động văn hóa xã hội, quản các ông trương, bà
trương trong việc dạy bảo trẻ em học đọc Kinh Thánh. Bên cạnh đó, Ban
hành giáo xứ đạo còn tổ chức các cuộc mua trùm, bán trương trong làng
xã. Các điều nêu trên đều được ghi chép trong hương ước các làng Công
giáo với từng vụ việc cụ thể, ví dụ đối với các chức việc phải thực hiện
tốt nhiệm vụ được giao phó, không được trễ nải mọi việc của làng, nếu
không sẽ bị phạt22.
Một nhiệm vụ khác quan trọng mà Ban hành giáo xứ đạo, họ đạo ở
các xứ đạo, họ đạo lẻ là phải đón linh mục ở chính tòa về làm lễ trong
những ngày lễ của làng hoặc kỳ làm phúc. Điều này được ghi trong
Hương ước làng Đồng Tỉnh (Thái Bình) như sau: “Trong Họ, mỗi năm
một lần mời linh mục về chủ trì phúc lễ cầu an...”23.
Hương ước các làng Công giáo cũng quy định về quyền lợi của chức
việc trong Ban hành giáo được hưởng khi chết/ trăm tuổi. Hương ước
làng Lạc Nhuế (Hà Nam) nói rõ: “... người nào làm Trùm tộc từ sáu năm
trở lên, đảm nhận trách nhiệm mà không kể lể, khi trăm tuổi, bản tộc truy
báo một lễ cầu (kỳ) hồn. Thảng được mười năm trở lên đang đảm trách
công vụ mà chết thì truy báo Lễ Misa cầu hồn để biểu trưng cho huân
lao... sáu năm là một khóa đối với viên chức, thảng được mười năm trở
lên thì thưởng công một lễ cầu hồn. Nếu người nào cẩu thả thì không
được sung thêm khóa nào nữa và vĩnh viễn làm hạng thường”24.
Nguyễn Thị Quế Hương. Tính tự trị và tự quản… 103

Qua những quy định về Ban hành giáo xứ đạo, họ đạo trong hương
ước, có thể thấy vai trò quan trọng của tổ chức xứ đạo, họ đạo ở làng
Công giáo trong việc trợ giúp linh mục chính xứ điều hành sinh hoạt của
giáo dân. Nói cách khác, thông qua Ban hành giáo, linh mục chính xứ
nắm bắt tình hình đời sống sinh hoạt của giáo dân trong xứ đạo. Điều đó
giúp cho linh mục quản xứ được tốt hơn.
2.3. Vấn đề giáo quyền trong hương ước
Linh mục chính xứ là người có quyền quyết định cao nhất trong làng
Công giáo đối với giáo dân cả về đạo và đời, nghĩa là ở cả phương diện
quản lý xã hội và phương diện đời sống đạo. Điều này thể hiện rõ nét
nhất trong hương ước của làng Công giáo toàn tòng.
Về phương diện quản lý xã hội: Trước hết, đó là việc tuyển chọn
người đủ tiêu chuẩn để bầu vào Ban hành giáo. Hương ước làng Tăng
Bổng quy định, chánh trùm, phó trùm, thư ký, trương đồng và trương
tuần phải là “người có đạo đức và phải có giấy xác nhận (của linh mục
chính xứ)”25.
Sau khi soạn xong, các điều lệ trong hương ước được các chức việc
cùng nhau thương nghị, thuận tình liên danh ký điểm lưu trong các giáo
họ. Các văn bản khoán ước, tục lệ, hương ước tại làng Công giáo sau khi
soạn xong đều phải trình linh mục chính xứ để chuẩn y, sau đó gửi lên
quan trên xét duyệt. Hương ước thường được lập thành ba bản, một bản
giao cho nhà thờ lưu giữ, một bản giao chánh trùm giữ “đề phòng luân lý
biến đổi, thế đời nhiều mối”, bản còn lại “để chiểu theo sự việc hằng năm
mà thi hành”.
Tổ chức xứ đạo, họ đạo có vai trò nhất định trong việc hòa giải khiếu
kiện, gìn giữ an ninh và trật tự xã hội, chống tệ nạn, giáo dục tôn giáo tại
gia đình và làng xã. Tuy nhiên, vai trò của linh mục chính xứ trong việc
phân giải mâu thuẫn của làng Công giáo không kém phần quan trọng.
Trong trường hợp trùm trưởng không giải quyết được mâu thuẫn trong
giáo họ, lúc đó phải trình lên linh mục chính xứ trước khi trình quan trên.
Quy định này được thể hiện rõ trong Hương ước làng Ngọc Đồng (Hải
Dương)26.
Việc quy định chặt chẽ biện pháp xử lý gây mất đoàn kết, ảnh hưởng
đến phong hóa giúp mỗi người dân trong làng tự điều chỉnh hành vi của
mình, đồng thời cũng là lời răn dạy con cháu phải biết hòa hợp trong

103
104 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014

làng, ngoài xóm, cùng nhau gây dựng làng xóm tốt đẹp hơn. Tùy theo
từng làng mà có những hình phạt khác nhau về vấn đề này. Hương ước
làng Tôn Đạo (Ninh Bình) ghi rõ: “Lệ hương đảng quý ở hòa mục, người
nào như có bất bình, nhẹ thì trình lân trưởng, sau đến lý trưởng; nặng thì
trình linh mục để làm cho phải lẽ với chính đạo. Nếu bất cứ ai sinh tình
tranh cạnh, dẫn đến hai bên ẩu đả, bắt phạt tiền sáu mạch, đánh 30 roi.
Nếu không chịu, đem sự việc trình quan mà thất lý, lại bắt phạt ba quan
đánh 100 roi. Người đó còn ngang ngạnh, truất làm người ngoài”27.
Về phương diện đời sống đạo: Các hương ước quy định việc thực
hành nghi lễ Công giáo phải tuân theo giáo luật, nếu không phải chịu
mức phạt do làng đề ra. Hương ước làng Đông Châu (Thái Bình) quy
định: “Mỗi năm hai kỳ làm phúc, từ bảy tuổi trở lên phải xưng tội cả, ai
bỏ kỳ vụ trai (mùa chay) thì bắt ba tiền, bỏ kỳ tháng Rôsa (tháng 10) thì
bắt một tiền rưỡi”(28).
Hôn nhân là một vấn đề hệ trọng đối với giáo dân. Theo quy định của
hương ước các làng Công giáo, trình tự việc tổ chức hôn lễ như sau:
Trước tiên, hai gia đình phải trình linh mục về vấn đề hôn nhân của con
cái họ, tiếp đó mới tổ chức lễ dẫn trầu và các lễ khác. Hương ước làng
Ngọc Đồng quy định: “Trong làng hễ ai có con cái lấy vợ lấy chồng thì
hai bên cha mẹ phải đưa chúng nó đến trình Đấng coi sóc linh hồn, để
Người tra xét hoặc có mắc ngăn trở gì chăng đã, đoạn mới được đi hỏi và
chịu trầu cau. Bằng không thì cứ bắt khoán cả hai bên, mỗi bên một quan
hai tiền. Lại khi đã hỏi và chịu trầu cau rồi, đến sau lại chê bôi thời bắt
khoán bên chê ấy sáu quan. Bằng kẻ toan lấy nhau khi đến trình đã tra
cần mà kẻ ấy chẳng trình cho rõ mình bằng lòng lấy hay là phải ép, đến
sau lại muốn tháo lời giao mà nói rằng bởi bố mẹ ép thì bắt khoán gấp
đôi, cùng là ra hiệu ba ngày, đánh đòn 30 roi”29.
Trong giai đoạn trước cải lương hương chính, giáo dân phải thực hiện
một số điều cấm kỵ của làng Công giáo đề ra liên quan đến tôn giáo
truyền thống và thờ cúng trong người Việt như thờ Thần Phật, bói toán,
coi ngày giờ, đốt vàng mã, v.v... Nếu người nào không thực hiện những
điều cấm kỵ này sẽ phải chịu hình phạt do làng quy định30.
Hương ước làng Công giáo trước cải lương còn quy định việc tróc
phạt người nhập đạo lại bỏ đạo. Hương ước làng Lãnh Trì (Hà Nam) đưa
ra “điều lệ về việc người nào trong giáp khi trước nhập giáo mà về sau từ
Nguyễn Thị Quế Hương. Tính tự trị và tự quản… 105

bỏ. Giáo giáp bắt nộp phạt mười đồng nguyên bạc. Nếu không chịu nhận
phải lập tức hướng trình”31.
Như vậy, những quy định khắt khe trong hương ước làng Công giáo
cũng như các chế tài xử phạt nếu vi phạm làm cho giáo dân có ý thức
hơn, trách nhiệm hơn, tự giác hơn trong việc thực hiện trách nhiệm công
dân và nghĩa vụ giáo dân, từ đó tạo ra một lối sống đạo với phương thức
quản lý làng xã có tính tự trị, tự quản cao. Tuy nhiên, phương thức này
dẫn đến một hệ lụy khác là sự biệt lập và khép kín của làng xã Công giáo.
Cộng đồng giáo dân trong làng xã Công giáo thường xa rời các phong
tục, tập quán cổ truyền của dân tộc. Đây là một trong số những nguyên
nhân dẫn tới sự xung đột văn hóa - tôn giáo trong quá trình Công giáo du
nhập và phát triển ở Việt Nam những buổi đầu.
3. Kết luận
Sự du nhập của Công giáo vào Việt Nam đã tạo ra một loại hình làng
mới bên cạnh làng Việt cổ truyền: làng Công giáo. Làng Công giáo mang
trên mình hai yếu tố: yếu tố làng Việt và yếu tố tôn giáo. Cũng như làng
Việt, làng Công giáo có tính hai mặt là đồng thuận và xung đột, biệt lập
và giao lưu của các tổ chức thiết chế và hoạt động văn hóa trong xã thôn.
Sự hội nhập với văn hóa dân tộc của Công giáo là một quá trình lâu
dài, là sự trăn trở của nhiều thế hệ người Công giáo Việt Nam, đến nay có
được những kết quả đáng khích lệ. Đường hướng “Sống Phúc âm giữa
lòng dân tộc” và “Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối
diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc” trong Thư chung 1980
của Hội đồng Giám mục Việt Nam với đường lối “Xây dựng và phát triển
nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong Nghị
quyết Trung ương 5 khóa VIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo ra
những điều kiện thuận lợi để người Công giáo hội nhập vào truyền thống
văn hóa của dân tộc Việt Nam, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân
đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần củng cố khối đại đoàn
kết toàn dân tộc.
Sự phong phú và đa dạng của văn hóa làng Việt truyền thống cộng
thêm nét độc đáo của văn hóa Công giáo tạo ra sự đặc thù của hương ước
làng Công giáo vùng Đồng bằng Sông Hồng. Vai trò cố kết cộng đồng
thể hiện ở tính tự trị, tự quản của làng xã và thiết chế chính trị - tôn giáo
là hai mặt tồn tại song song, có sức thuyết phục, phù hợp với quản lý của

105
106 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014

Nhà nước và quản lý của Giáo hội. Ở đó, vai trò của Ban hành giáo xứ
đạo, họ đạo rất quan trọng đối với cuộc sống bên đời cũng như bên đạo
của giáo dân. Tuy nhiên, nó cũng tạo ra sự khép kín và cục bộ, đôi khi là
sự biệt lập của người Công giáo với văn hóa cổ truyền vốn có trong tâm
thức của họ từ lâu./.

CHÚ THÍCH:
1 Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
tập 2, Nxb. Giáo dục: 301.
2 Nguyễn Hồng (1959), Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển 1, Nxb. Hiện tại,
Sài Gòn: 278
3 Hương ước làng Công giáo có ba loại tương ứng với ba giai đoạn: Giai đoạn
trước cải lương (trước 1921), gọi là hương ước trước cải lương, được viết bằng
chữ Hán - Nôm. Các văn bản Hán - Nôm này đã dịch sang chữ Quốc ngữ. Giai
đoạn cải lương (1921-1944), gọi là hương ước cải lương, được viết bằng chữ
Quốc ngữ, chữ Hán hoặc chữ Pháp. Giai đoạn hiện đại, sau khi có Chỉ thị số
24/1998/CT-TTg về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng,
bản, thôn, ấp, cụm dân cư, gọi là hương ước mới, viết bằng chữ Quốc ngữ.
4 Xem thêm: Nguyễn Hồng Dương (2011), Tổ chức xứ, họ đạo Công giáo ở Việt
Nam: lịch sử - hiện tại và những vấn đề đặt ra, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội:
82 - 126.
5 Công hàm xứ Bác Trạch, Cao Mại, Kiến Xương, Thái Bình, 1989.
6 Tục lệ xã Bác Trạch, tổng Cao Mại, huyện Trực Định, tỉnh Thái Bình, 1916, tư
liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF.a5/68.
7 Jonh Kleinen (2007), Làng Việt đối diện tương lai hồi sinh quá khứ, Nxb. Đà
Nẵng và Tạp chí Xưa & Nay, Đà Nẵng: 19 và 50.
8 Jonh Kleinen (2007), Làng Việt đối diện tương lai hồi sinh quá khứ, sđd: 56.
9 Tờ khoán xã La Tinh, tổng La Hội, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Tây,
1896.
10 Tục lệ xã Chất Thành, tổng Chất Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, 1897,
tư liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF.a4/23.
11 Hương ước làng Tuy Lộc, huyện Kim Sơn, Ninh Bình, 1924, tư liệu lưu trữ tại
Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu HƯ 4622.
12 Phạm Thị Nết (1999), “Bước đầu tìm hiểu về các đơn vị lý, ấp, trại, giáp ở Tiền
Hải (Thái Bình) thế kỷ XIX”, Nghiên cứu Lịch sử, số 6: 43 - 45.
13 Hương ước làng Lưu Phương, huyện Kin Sơn, Ninh Bình, 1922, tư liệu lưu trữ
tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu HƯ 4623.
14 Hương ước làng Vĩnh Trị, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định, 1942, tư liệu lưu trữ
tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu HƯ 3528.
15 Hương ước làng Quảng Bá, Hà Nội, 1921, tư liệu lưu trữ tại Viện Thông tin Khoa
học xã hội, ký hiệu HƯ 877.
16 Hương ước làng Hạ Linh, huyện Xuân Trường, Nam Định, 1940, tư liệu lưu trữ
tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu HƯ 4220.
17 Hương ước làng Quảng Bá, Hà Nội, tlđd.
18 Hương ước làng Phú Nhai, huyện Xuân Trường, Nam Định, 1940, tư liệu lưu trữ
tại Viện Thông tin Khoa học xã hội, ký hiệu HƯ 4232.
Nguyễn Thị Quế Hương. Tính tự trị và tự quản… 107

19 Hương ước làng Trung Lao, huyện Trực Ninh, Nam Định, 1923, tư liệu cá nhân.
20 Sử ký Địa phận Trung, Nhà in Phú Nhai đường, 1916: 210.
21 Tục lệ xã Bác Trạch, tổng Cao Mại, huyện Trực Định, tỉnh Thái Bình, tlđd.
22 Khoán lệ xã Tăng Bổng, tổng Thuận Vi, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, 1908, tư
liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF.a5/65.
23 Tục lệ xã Đồng Tỉnh, huyện Thanh Khai, tỉnh Thái Bình, 1872, tư liệu lưu trữ tại
Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
24 Tục lệ xã Lạc Nhuế, tổng Phương Đàn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, 1920, tư
liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
25 Khoán lệ xã Tăng Bổng, tổng Thuận Vi, huyện Vũ Thư, Thái Bình, tlđd.
26 Hương ước Ngọc Đồng, tổng Đức Chiêm, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu,
tỉnh Hưng Yên, 1913, tư liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký
hiệu AB.324.
27 Tục lệ ấp Tôn Đạo, tổng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, 1917, tư liệu
lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF.a4/27.
28 Tục lệ xã Đông Châu, tổng Đồng Trực, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình, 1880,
tư liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF.a5/28.
29 Hương ước Ngọc Đồng, tổng Đức Chiêm, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu,
tỉnh Hưng Yên, 1913, tư liệu lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký
hiệu AB.324.
30 Khoán lệ xã Tăng Bổng, tổng Thuận Vi, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, tlđd.
31 Tục lệ xã Lãnh Trì, tổng Mộc Hoàn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, 1918, tư liệu
lưu trữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu AF.a5/70.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thiện Cẩm (2004), “Làng xóm và họ đạo”, Công giáo & Dân tộc (nguyệt san),
số113.
2. Công hàm xứ Bác Trạch, Cao Mại, Kiến Xương, Thái Bình, 1989.
3. Nguyễn Hồng Dương (1997), Làng Công giáo Lưu Phương (Ninh Bình) từ năm
1828 đến năm 1945, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
4. Nguyễn Hồng Dương (2001), Nghi lễ và lối sống Công giáo trong văn hóa Việt
Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Nguyễn Hồng Dương (2011), Tổ chức xứ, họ đạo Công giáo ở Việt Nam: lịch sử
- hiện tại và những vấn đề đặt ra, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
6. Bùi Xuân Đính (2008), Hành trình về làng Việt cổ, tập 1: Các làng quê xứ Đoài,
Nxb. Từ điển Bách khoa & Viện Văn hóa, Hà Nội.
7. Nguyễn Phan Hoàng (1986), “Bước đầu tìm hiểu về một làng Thiên Chúa giáo
thời cận đại: làng Lưu Phương”, Nghiên cứu Lịch sử, số 4: 62-72.
8. Hội đồng Giám mục Việt Nam (2004), Sống đạo theo cung cách Việt Nam, Nxb.
Tôn giáo, Hà Nội.
9. Nguyễn Hồng (1959), Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, quyển 1, Nxb. Hiện tại,
Sài Gòn.
10. Jonh Kleinen (2007), Làng Việt đối diện tương lai hồi sinh quá khứ, Nxb. Đà
Nẵng và Tạp chí Xưa & Nay, Đà Nẵng.
11. Phạm Thị Nết (1999), “Bước đầu tìm hiểu về các đơn vị lý, ấp, trại, giáp ở Tiền
Hải (Thái Bình) thế kỷ XIX”, Nghiên cứu Lịch sử, số 6: 43-50.

107
108 Nghiên cứu Tôn giáo. Số 7 - 2014

12. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục,
tập 2, Nxb. Giáo dục.
13. Đặng Chí San (1998), “Vài nét phác về làng và giáo xứ làng”, Công giáo & Dân tộc
(nguyệt san), số 42: 46 - 50.
14. Trần Tam Tỉnh (1995), Thập giá và Lưỡi gươm, Nxb. Trẻ, Hồ Chí Minh.
15. Nguyễn Thanh Xuân (2007), Một số tôn giáo ở Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà
Nội.

Abstract

THE AUTONOMY AND SEFT- MANAGEMENT


OF THE CATHOLIC VILLAGES IN RED RIVER DELTA
THROUGH VILLAGE CONVENTIONS
There are Catholic villages in the traditional village system of Viet
people in the Red River delta. These villages are cultural products on
processing of propagation of the Catholicism in Vietnam. In the process
of introducing and developing in Vietnam, the Catholicism created a
typical culture through establishing the Catholic villages which co-exist
with the other Viet’s villages until the present time. The Catholic villages
have both political institutional organizations as Vietnamese traditional
villages and the differences marked by religious institutional
organizations. This article mentioned the process of establishing the
Catholic villages in the Red River delta and the political - religious
institutions through village conventions.
Keywords: Catholic villages, village conventions, political- religious
institutions, red river delta.

You might also like