Academia.eduAcademia.edu
BẢO VỆ CHỦ QUYỀN QUỐC GIA THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH NHÌN TỪ THỰC TIỄN VIỆT NAM HIỆN NAY Võ Minh Tập ThS, NCS Trường Đại học KHXH-NV, ĐHQG TP.HCM. 1. Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mọi quốc gia. Chủ quyền quốc gia đã được xác lập trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, được quốc tế công nhận và tôn trọng tối thượng. Tuy nhiên, từ thời cổ đại đến đương đại, đây mãi luôn là vấn đề nhạy cảm, phức tạp và có những chuyển biến thay đổi, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa. Để bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia dân tộc, chính quyền và nhân dân Việt Nam trong mọi thời đại không ngừng đấu tranh, ra sức gìn gữ, bảo vệ bằng tất cả những phương cách như: chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa tinh thần… để đè bẹp mọi ý chí và tham vọng của kẻ thù (kể cả cũ và mới). Xuyên suốt trong lịch sử dân tộc Việt Nam là đấu tranh giành độc lập, chủ quyền và thống nhất. Thế nên tất cả quyền độc lập cơ bản ấy đã trở thành truyền thống. Từ thống nhất các bộ lạc (15 bộ lạc) thành nước Văn Lang, đến đấu tranh chống xâm lăng từ bên ngoài với 4 lần bắc thuộc từ Trung Quốc và 7 lần chống xâm lược Trung Quốc Trong các nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam là nước chịu nhiều hệ lụy nhất. Trong hơn 2000 năm lập quốc, Việt Nam đã bị 4 lần Bắc thuộc và chống xâm lược từ Trung Quốc bảy lần kể cả ba lần diễn ra khi Mông Cổ làm chủ Trung Quốc. Trong thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam bị đặt dưới quyền cai trị của các triều đình của phương Bắc. Bốn lần Bắc thuộc gồm: Lần 1 (năm 111 TCN – 39, nhà Triệu, Hán); Lần 2 (43-541, nhà Đông Hán, Đông Ngô, Tào Ngụy, Tấn, Tề, Lương); Lần 3 (602-905, nhà Tùy, Đường), Lần 4 (1407-1428, nhà Minh); Bảy lần đánh nhau với Trung Quốc: Nam Hán (938), 2 lần chống Tống (981, 1075-1077), 3 lần chống Mông-Nguyên thế kỉ XIII (1258-1288), Thanh (1788-1789), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1979)..., kháng chiến chống Xiêm (1785), hai lần kháng chiến chống thực dân Pháp (1858-1940; 1945-1954), kháng chiến chống Nhật (1940-1945), kháng chiến chống Mĩ (1954-1975)… Cùng với cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên, xây dựng đất nước, cuộc đấu tranh lâu dài chống ngoại xâm gìn giữ đất nước là cơ sở khách quan thứ hai qui định tính thống nhất, độc lập, chủ quyền… của lịch sử Việt Nam. Trong thế kỉ XX, tiêu biểu cho ý chí thống nhất và sức mạnh quật khởi của nhân dân cả nước, cuộc kháng chiến chống Mĩ (1954-1975), với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp lập lại nền thống nhất đất nước, thắng lợi này đã chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, khôi phục độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt sự chia cắt, thu non sông về một mối. Cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của nhân dân ta trong suốt 20 năm là cuộc đấu tranh bền bỉ, dũng cảm, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, đồng thời cũng sáng tạo bao hình thức tổ chức và đấu tranh phong phú, giành được nhiều thắng lợi to lớn. Sau khi giành lại hòa bình và thống nhất đất nước, nhân dân ta một mặt tiến hành xây dựng đất nước, mặt khác phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh mới đầy com go. Đó là cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chống chế độ Pol Pot (Campuchia) và phía Bắc với Trung Quốc (1979). Đây là hai cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù chống lại một quốc gia độc lập, có chủ quyền, phơi bầy âm mưu thâm độc của Trung Quốc, có sự ủng hộ của Mĩ. Tuy nhiên, nhân dân ta luôn nêu cao ý chí quyết tâm đánh bại kẻ thù, cầm súng đấu tranh anh dũng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc. Thắng lợi hoàn toàn của quân dân ta trong hai cuộc chiến đã đánh bại âm mưu chống lại phong trào giải phóng dân tộc và chính sách bành trướng bá quyền và đập tan chiến tranh tâm lí của Trung Quốc Tham khảo các công trình sau: Bộ ngoại giao (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội; N.X.Culesôp (1982), Bắc Kinh chống lại phong trào giải phóng dân tộc, Nxb KHXH, Hà Nội; Nhuận Vũ (1983), Chính sách bành trướng bá quyền Trung Quốc ở Đông Nam Á, Nxb Sự thật, Hà Nội; (1981), Đâp tan chiến tranh tâm lí của bọn bành trướng Bắc Kinh, Nxb Sự Thật và U. Bớc-sét (1986), Tam giác Trung Quốc – Campuchia – Việt Nam, Nxb Thông tin lí luận, Hà Nội.. Cùng với âm mưu xâm chiếm Việt Nam trên đất liền, Trung Quốc đã tăng cường hành động xâm chiếm lãnh thổ nước ta trên Biển Đông. Đầu năm 1974, Trung Quốc chiếm các đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm trong quần đảo Hoàng Sa do Hải Quân VNCH trấn giữ. Năm 1988, Trung Quốc chiếm 6 bãi đá ngầm thuộc nhóm đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) phía tây Trường Sa sau một cuộc giao tranh ngắn ngủi với hải quân Việt Nam. Đến nay, Trung Quốc ngày càng lấn lướt và muốn độc chiếm Biển Đông. Bước sang thế kỉ XXI, sự thay đổi nhanh chóng của đã tác động to lớn đến chủ quyền, lãnh thổ và tính ổn định độc lập của mọi quốc gia, điều này do tác động chủ yếu của vấn đề an ninh (cả truyền thống và phi truyền thống) và xu thế toàn cầu hóa. Biểu hiện rõ nhất là cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của toàn dân tộc Việt Nam. Trong chiều dài lịch sử đó, đặc biệt nhất khi Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc còn sống, không ngừng lãnh đạo cuộc đấu tranh thần thánh của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ, đồng thời cùng với Đảng ta luôn có tầm nhìn xa trông rộng, với những đường lối chủ trương, quan điểm chỉ đạo công tác đấu tranh, xây dựng và bảo vệ chủ quyền dân tộc hết sức đúng đắn và sáng tạo. Những di sản đó càng có ý nghĩa to lớn và tối thượng trong thời đại ngày nay, cần kế thừa, phát huy và tiến cùng thời đại khi môi trường địa chính trị, an ninh và tác động của toàn cầu hóa thay đổi phức tạp đe dọa chủ quyền quốc gia dân tộc. 2. Biên giới lãnh thổ kết hợp thành chủ quyền quốc gia dân tộc, là địa bàn chiến lược quan trọng được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định và ngày càng quan trọng đối với mọi thời đại. Việt Nam có địa hình, dân tộc đa dạng, biên giới lãnh thổ tiếp giáp với nhiều quốc gia (Trung Quốc, Lào, Campuchia với hơn 4000 km), đường bờ biển dài hơn 3000 km, với hệ thống hàng nghìn hòn đảo, vùng biển bao la (Biển Đông) tiếp giáp với nhiều nước và nằm trên con đường trục hàng hải quốc tế sôi động bật nhất thế giới. Cho nên Hồ Chí Minh chỉ rõ: “nước ta có rừng vàng biển bạc, miền núi có tài nguyên rất phong phú và có địa vị cực kì quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng” Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.608. . Ngày nay, biên giới, vùng biển nước ta giữ một vai trò quan trọng trong việc mở cửa, giao lưu, hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên hiện thực của chủ quyền dân tộc cũng là chỗ hiểm yếu mà kẻ thù không ngừng dùng thủ đoạn, âm mưu lợi dụng gây ra các tranh chấp, xung đột và khả năng xảy ra chiến tranh (Biển Đông là một ví dụ). Vì biên giới, chủ quyền Biển đảo là vị trí địa – chính trị xung yếu nên chúng ta phải đấu tranh bảo vệ không ngừng nghỉ, kiên trì và quyết tâm đến cùng như lời dạy của Hồ Chí Minh là phải biết triệt để lợi dụng ưu thế của biên giới, nhưng đồng thời phải tiến hành song song với việc tổ chức bảo vệ biên giới chặt chẽ để giữ vững địa bàn chiến lược của cách mạng. Việc này không đơn thuần là nhiệm vụ của lực lượng Hải quân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà còn là trách nhiệm ở sự tin yêu, giúp đỡ của nhân dân, lực lượng kiều bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, cùng đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển, chủ quyền của Tổ quốc. 3. Bảo vệ chủ quyền quốc gia là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, muốn bảo vệ phải không ngừng xây dựng và tăng cường thực lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở toàn quân, toàn dân luôn coi trọng công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ dân tộc. Người từng nói: “Nơi biên giới, bờ biển, hải đảo, giới tuyến tạm thời là nơi thù trong giặc ngoài chống phá nước ta, là nơi nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, cũng là nơi tài nguyên phong phú, biên giói lại tiếp giáp với các nước láng giềng. Từ đó bảo vệ biên giới là quan trọng” Bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ thành lập Công an nhân dân vũ trang, ngày 28/3/1959.. Đánh giá vai trò của Biển đảo, tháng 3-1961 nhân dịp đến thăm bộ đội hải quân, Người chỉ rõ: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó” Dẫn theo: Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam, Nxb.QĐND, Hà Nội, 2005, tr.80. và căn dặn các chiến sĩ Hải quân: “Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm ra cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên” Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Tập 8: 1961-1963, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2009, tr.46. Đây không chỉ là tình cảm của Người đối với hải quân nhân dân Việt Nam, khẳng định vị trí vai trò của lực lượng hải quân đối với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ với miền Bắc sau này mà còn là định hướng chiến lược, sự khái quát về tiềm năng của biển nước ta và trách nhiệm của mọi thế hệ người Việt Nam phải biết khai thác, quản lý và bảo vệ biển. Ngày 13-11-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm căn cứ Hải quân tại đảo Vạn Hoa, Quảng Ninh, Người căn dặn các chiến sĩ: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước”. Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến đời sống các chiến sĩ trên các hải đảo của Tổ quốc. Cổ vũ lòng yêu nước, yêu quê hương của các chiến sĩ, tinh thần gìn giữ biển, đảo như gìn giữ chính nhà mình. Người vạch hướng xây dựng các đảo của Tổ quốc thành những mảnh đất giàu mạnh của Tổ quốc. Với chiến lược xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Người nhắc nhở thế hệ sau phải luôn ý thức được trách nhiệm quản lí bảo vệ chủ quyền dân tộc (biên giới, biển đảo, các địa bàn chiến lược). Việc đấu tranh và bảo vệ chủ quyền dân tộc không những đấu tranh chống kẻ thù bên ngoài, mà còn chống cả kẻ thù bên trong. Người chỉ rõ “kẻ thù bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội; kẻ thù bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược” Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.381.. Vì vậy, phải xây dựng lực lượng quân đội mạnh, dựa vào dân, đoàn kết toàn dân, phải xây dựng được thực lực, ra sức coi trọng tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới là vấn đề được Hồ Chí Minh và Đảng ta hết sức quan tâm. Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập lực lượng vũ trang cách mạng chuyên trách công tác bảo vệ biên giới, bờ biển và các đơn vị Công an biên phòng và Cảnh sát vũ trang Dẫn theo: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước và giữ nước, Nxb QĐND, 2003, tr.564.… Thực tiễn bảo vệ chủ quyền ngày nay càng khẳng định sự chỉ đạo đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng suốt, việc xây dựng đó đến nay cần phải tiếp tục được củng cố, xây dựng cho được đội quân chính quy chuyên trách nòng cốt hiệu quả trong đấu tranh giữ chủ quyền dân tộc, tăng cường xây dựng lực lượng hải quân, tuần tra trên đất liền, trên biển, đầu tư mua trang chiến bị vũ trang, hợp tác quốc tế về quân sự, hải quân, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh cho một nước Việt Nam thống nhất, bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thỗ. 4. Tăng cường đoàn kết quốc tế, duy trì biên giới lãnh thổ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ khi mới ra đời, Người và Đảng ta luôn xác định cách mạng Việt Nam là bộ phận không tách rời cách mạng thế giới. Quan điểm ngoại giao xuyên suốt của Chủ tịch Hồ chí Minh là “với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tườn trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài” Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.83.. Ngày nay, chính sách đối ngoại của ta là đa phương hóa, đa dạng hóa và muốn làm bạn với tất cả các nước. Quan điểm đó góp phần gắn bó tinh thần đoàn kết hữu nghị với các nước láng giềng, sống bình đẳng, tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhau, đoàn kết các nước giải quyết các tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, tránh gây xung đột, đe dọa đến hòa bình, an ninh và phát triển của nhau. Ngày nay, tranh chấp chủ quyền ngày càng phức tạp, lược lượng bộ đội biên phòng, lực lượng hải quân Việt Nam phải không ngừng phát huy vai trò, chức năng của mình, nắm vững tư tưởng và đường lối của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ bản chủ yếu, thường xuyên là quản lí bảo vệ chủ quyền dân tộc, giữ vững ổn định chính trị trên đất liền, trên biển, các tuyến biên giới, duy trì hòa bình, hữu nghị với các nước. Trong tình hình tranh chấp Biển Đông ngày càng phức tạp, phát huy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt Nam cần triển khai đối thoại, hợp tác với các nước lớn để giải quyết tranh chấp, nhưng tránh xung đột, cần tạo môi trường hòa bình, ổn định để giải quyết tranh chấp. Chúng ta cần phải có giải pháp ngoại giao thông minh, khôn khéo, vừa mềm dẻo về sách lược, cứng rắn về nguyên tắc để đối phó với các thế lực thù địch… góp phần tạo điều kiện phát triển kinh tế, mở cửa giao lưu với bên ngoài, tăng tiềm lực quốc gia, hoàn thành đại nghiệp đổi mới theo hướng phát triển cao hơn, hiệu quả và thắng lợi. 5. Sáng tạo ứng phó với các thách thức mới đe dọa chủ quyền dân tộc, tăng cường vai trò của Nhà nước. Bên cạnh các vấn đề về chủ quyền được phân tích ở trên, chủ quyền quốc gia không những ngày càng phải thích ứng với đòi hỏi mới trong quá trình tham gia vào các thể chế khu vực và quốc tế mà còn chịu sự chi phối của những hoạt động kinh tế, các công ty xuyên quốc gia, các tập đoàn tài chính, chịu sự chi phối của toàn bộ quá trình toàn cầu hóa. Nhiều nước trên thế giới đưa ra các khái niệm “biên giới mềm” bằng các lời tuyên bố: hàng hóa của mình đi tới đâu là chủ quyền quốc gia đi tới đó”, đây không khác gì hình tượng bành trướng chủ quyền quốc gia. Chủ quyền quốc gia hiện nay cùng lúc phải đối phó với yếu tố bên ngoài chi phối làm thu hẹp lại (hàng hóa, các dịch vụ văn hóa, chủ nghĩa khủng bố, các tệ nạn xã hội… tràn ngập vào lãnh thổ quốc gia), dẫn đến vai trò của nhà nước bị thu hẹp. Điều này hoàn toàn là một thực tế và Chính phủ phải có sách lược ứng phó thích hợp nếu không sẽ mất vai trò, chức năng của Nhà nước. Đây quả là một thách thức khó khăn trong thời đại ngày nay. 6. Ngày nay, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, hội nhập khu vực và quốc tế nói chung, chủ quyền dân tộc nói riêng, nhất là chủ quyền Biển đảo ngày càng giữ vai trò quan trọng, làm tăng chiều sâu phòng thủ đất nước từ biển. Vươn ra biển, làm giàu từ biển theo tư tưởng Hồ Chí Minh là định hướng đúng đắn phù hợp với Việt Nam - một quốc gia có biển và nhiều hải đảo. Với quyết tâm cao, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã và đang tập trung huy động mọi tiềm năng và lợi thế của biển, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, từng bước tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và phát triển đất nước. Bên cạnh đó, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, làm chủ biển, bảo vệ và khai thác nguồn lợi từ biển đang là cơ hội, đồng thời là thách thức lớn đối với Việt Nam, nhất là vấn đề Biển Đông đang là điểm nóng mang tính toàn cầu. Từ đó xác định mục tiêu phấn đấu, không ngừng xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam và các lực lượng phòng không không quân, Bộ đội biên phòng (trong đó quán triệt sự kết nối dân và quốc tế) vững mạnh, theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ tiến lên hiện đại, ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, nhằm “đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển, giàu lên từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo”./ Như vậy, vấn đề độc lập chủ quyền dân tộc có ý nghĩa vô cùng quan trọng và bất biến đối với mỗi quốc gia, lịch sử mỗi dân tộc chứng minh đã phải trải trả bằng bao nhiêu hy sinh mất mát để giành và bảo vệ các quyền ấy. Vì thế, bất cứ dân tộc nào trên thế giới cũng đều thấy được sự quí giá lớn lao của độc lập, tự do của chủ quyền quốc gia thống nhất trọn vẹn. Sự biến đổi và tác động to lớn của thế giới ngày nay, nhất là xu thế toàn cầu hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, vấn đề chủ quyền dân tộc… có phần bị thay đổi biến dạng, tạo nên những cơ hội đan xen những thách thức khó lường. Làm thế nào để giữ vững chủ quyền dân tộc, tính thống nhất và độc lập của mỗi quốc gia? Đây là câu hỏi cần được nhận thức và trả lời nghiêm túc. Nhìn về quá khứ, thực tại và hướng đến tương lai, cho thấy cuộc đấu tranh giành chủ quyền dân tộc Việt Nam xuất phát từ các yêu cầu khách quan và cấp thiết, được hình thành khá sớm và ngày càng được củng cố, nâng cao cùng với quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, những bước trưởng thành của dân tộc. Cuộc đấu tranh giành chủ quyền dân tộc đã vượt qua nhiều trở ngại do thù trong giặc ngoài gây ra, nhưng luôn phát huy tác dụng toàn thắng như một ý chí mãnh liệt, một tình cảm cao quí của nhân dân, một sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn của dân tộc. Vì vậy, hiện nay và tương lai, chúng ta cần nhận thức toàn diện và các giải pháp nhằm đấu tranh, bảo vệ và giữ vững độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam trong tình hình mới: - Thứ nhất, không ngừng nâng cao nhận thức và vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng trong việc đấu tranh, bảo vệ các quyền độc lập cơ bản của đất nước. - Thứ hai, phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp chung là xây dựng Đất nước và bảo vệ Tổ quốc. - Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vai trò của truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, yêu quê hương, đất nước, cộng đồng dân tộc là cách bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. - Thứ tư, mở rộng quan hệ giao lưu với bên ngoài, hội nhập với thế giới đi đôi với bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. - Thứ năm, xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh vững mạnh, sẵng sàng chiến đấu, hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên nhiều chiến tuyến (trên bộ, trên biển, trên không)./ Thông tin tác giả: Họ và tên: Võ Minh Tập Địa chỉ thư: 276/3/45 Mã Lò, Bình Trị Đông A, Bình Tân, HCM Đt: 0932 020 248, Email: tapminhs@gmail.com PAGE \* MERGEFORMAT 9