Academia.eduAcademia.edu
Bài chuyên đề viết cho Đề tài nghiên cứu “Tính phổ biến và tính đặc thù của xã hội dân sự” (chủ nhiệm : PGS.TSKH Bùi Quang Dũng) của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, tháng 9-2008. Hướng đến một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự Trần Hữu Quang Mở đầu Tại Việt Nam hiện nay, thuật ngữ "xã hội dân sự" hay "xã hội công dân" đã dần dà xuất hiện ngày càng nhiều hơn từ khoảng trên dưới năm năm trở lại đây trên báo chí và một số diễn đàn, cũng như bắt đầu trở thành đối tượng thảo luận và nghiên cứu trong một số tập san nghiên cứu1 và công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, điểm mới ở đây không phải là chuyện ngôn từ hay thuật ngữ, mà đáng chú ý là sự xuất hiện của một khái niệm mới, nói chính xác hơn là một cách nhìn nhận mới, hay thậm chí có thể nói là biểu hiện của sự xuất hiện của một số quan điểm lý thuyết có thể hết sức khác biệt nhau, về hiện thực xã hội. Để so sánh mà không sợ quá khiên cưỡng, chúng ta có thể nói rằng số 1 Xem chẳng hạn Lê Văn Quang, "Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và đời sống xã hội dân sự", Tạp chí Triết học, tháng 3-2004 ; Trần Hữu Quang, "Phát triển các định chế xã hội : Một trong những tiền đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh", Tạp chí Khoa học xã hội, số 11 (87), 2005, trang 2026 ; Tương Lai, "Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự", Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 11-2005 ; Quý Đỗ, "Thế nào là 'xã hội công dân' ?", Tạp chí Tia sáng, 8-52006 ; Bùi Quang Dũng, "Xã hội dân sự : khái niệm và các vấn đề", tạp chí Triết học, số 2 (189), 2007 ; Nguyễn Thanh Tuấn, "Xã hội dân sự : từ kinh điển MácLênin đến thực tiễn Việt Nam hiện nay", Tạp chí Cộng sản, số 12 (132), tháng 72007 ; "Xã hội dân sự", Tạp chí Cộng sản, số 12 (132), tháng 7-2007 ; Trần Ngọc Hiên, "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta", Tạp chí Cộng sản, số 10 (154) tháng 5-2008 ; Võ Khánh Vinh, "Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự", Tạp chí Khoa học xã hội, số 04 (116), 2008. 1 phận bị nghi ngại và né tránh của khái niệm "xã hội dân sự" ở Việt Nam hiện nay cũng có phần tương tự như số phận của khái niệm "kinh tế thị trường" vào đầu thời kỳ đổi mới.2 Tác giả bài này còn nhớ một câu chuyện nghe kể lại như sau : trong thập niên 1980, có một cán bộ khi bắt đầu đi tìm hiểu và nghiên cứu về kinh tế thị trường ở TPHCM, đã có lần vào khu vực Chợ Lớn vốn nổi tiếng về truyền thống buôn bán kinh doanh và hỏi ý kiến một nhà kinh doanh người Hoa xem người này định nghĩa thế nào là "kinh tế thị trường" ; ông này lúng túng không biết trả lời thế nào, vì ông ta thực sự không hiểu câu hỏi mà cũng chẳng biết thế nào là "kinh tế thị trường" ! Nhà kinh doanh trong xã hội Sài Gòn ngày xưa làm ăn sinh sống một cách tự nhiên trong nền kinh tế thị trường mà không cần phải hiểu thế nào là "kinh tế thị trường", cũng giống y như chúng ta hít thở không khí hàng ngày hàng giờ mà chẳng hề thắc mắc coi phải định nghĩa thế nào là không khí. Có lẽ cũng chính vì lý do tương tự mà trong giới học thuật khoa học xã hội ở phương Tây sau thế kỷ XIX, khái niệm "xã hội dân sự" hầu như rất ít được nhắc tới, và thuật ngữ này chỉ được thực sự hồi sinh mạnh mẽ khi họ quan tâm nghiên cứu trở lại mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội sau khi hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Trong tiếng Việt, các thuật ngữ "xã hội dân sự", "xã hội công dân" hay cũng có người gọi là "xã hội thị dân", "xã hội dân chính" hay "xã hội nhân dân", được dùng để biểu thị khái niệm civil society (tiếng Anh, hay société civile trong tiếng Pháp, bürgerliche Gesellschaft hay Zivilgesellschaft trong tiếng Đức, hay гражданскоe общество trong tiếng Nga). Các bản dịch trong bộ Mác-Ăng-ghen Toàn tập do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 1995 thường sử dụng cụm từ "xã hội công dân", nhưng cũng có một số đoạn dịch là "xã hội tư sản". Theo một học giả Trung Quốc là Du Khả Bình, thuật ngữ tiếng Anh 2 Xem thêm vài nhận định sau : "Trước đây, chúng ta đã e ngại kinh tế thị trường, sau đó cũng đắn đo mãi khi xác định Nhà nước pháp quyền và bây giờ lại chần chừ về xã hội dân sự. Trạng thái tư duy ấy càng dễ hiểu, vì chỗ đứng hiện nay của chúng ta vẫn chưa cách xa điểm xuất phát bao nhiêu, nơi mà tư duy chủ quan duy ý chí với bệ đỡ nền văn hóa tiểu nông từng ngự trị" (Trần Ngọc Hiên, "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta", Tạp chí Cộng sản, số 10 (154) tháng 5-2008). "Năm 2002 Civicus vào Việt Nam phối hợp cùng UNDP tìm đối tác nghiên cứu về xã hội dân sự nhưng sau gần hai năm vẫn không có đơn vị nào nhận, bởi lúc đó khái niệm xã hội dân sự được xem là nhạy cảm" (Đặng Ngọc Dinh, "Đừng sợ xã hội dân sự !", Tuổi trẻ cuối tuần, 21-5-2006, trang 15). 2 civil society thường được dịch sang tiếng Trung bằng ba thuật ngữ “xã hội thị dân” (市民社会), “xã hội dân gian” (民间社会) và “xã hội công dân” (公民社会), nhưng phổ biến nhất hiện nay là thuật ngữ “xã hội công dân”. "'Xã hội thị dân' là cách dịch kinh điển của từ 'civil society' trong những bản dịch các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác sang tiếng Trung. Tuy nhiên, nhiều người lại dùng thuật ngữ này để chỉ xã hội tư sản, vì thế nó ít nhiều mang ý nghĩa tiêu cực. 'Xã hội dân gian' được nhiều nhà sử học sử dụng khi nghiên cứu về tổ chức dân gian trong thời kỳ Trung Quốc cận đại, nhưng chủ yếu là để nói tới các tổ chức trung gian giữa người dân và nhà nước, mà không thể hiện được hết ý nghĩa chính trị của từ nguyên gốc tiếng Anh 'civil society'. Sau năm 1978, thuật ngữ 'xã hội công dân' được giới học giả Trung Quốc sử dụng và dần trở nên phổ biến trong giới học thuật nước này."3 Thực ra, ngay tính từ civil (tiếng Anh và tiếng Pháp) hay bürgerliche (tiếng Đức) cũng đã mang những nội hàm khác nhau tùy theo bối cảnh sử dụng. Tính từ civil (dân sự, hay dân chính, hay thuộc về lĩnh vực công dân) có thể hiểu là đối lập với cái gì thuộc về tôn giáo (religious), đối lập với lĩnh vực quân sự (military), hay trong luật học là đối lập với hình sự (penal) hay thương mại (commercial), trong chiến tranh thì được hiểu là nội chiến (civil war) đối lập với chiến tranh với ngoại bang, hay hiểu theo nghĩa là văn minh, lịch sự (cùng gốc với chữ civilized) đối lập với cái gì hoang dã, thô lỗ, và tất nhiên cũng có nghĩa là lĩnh vực dân sự đối lập với lĩnh vực chính trị (political). Trong tiếng Đức, tính từ bürgerliche (trong cụm từ bürgerliche Gesellschaft mà Georg F. Hegel và Karl Marx sử dụng) xuất phát từ chữ Bürger (tương ứng với chữ bourgeois trong tiếng Anh và tiếng Pháp) là một thuật ngữ khó tìm được một chữ tương đương duy nhất trong tiếng Việt, và cần được hiểu và được dịch theo từng văn cảnh, chứ không thể chỉ đơn giản dùng chữ “tư sản”. Ở châu Âu ngày xưa, chữ Bürger hay bourgeois thoạt đầu là kẻ bảo vệ một lâu đài hay một thị tứ (Burg, bourg), rồi từ thế kỷ XII, trong thời trung đại, là cư dân ở đô thị, gần với nghĩa “thị dân”. Nó còn có nghĩa là citizen (“thường dân”) tức những tầng lớp không thuộc hàng giáo sĩ (tăng lữ) mà cũng không phải là quí tộc hay quan lại, nhưng có tài sản và không phải sống bằng lao động chân tay. Nhưng, kể từ Hegel, nó lại được phân biệt với citoyen (từ La Tinh : civis), tức với “công dân” của một “nhà nước”, xuất phát từ quan niệm của Hegel về xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft). Hegel 3 Du Khả Bình. "Xã hội công dân Trung Quốc : khái niệm, phân loại và hoàn cảnh chế độ", Tạp chí Khoa học Xã hội Trung Quốc, số 1-2006, dẫn lại theo Phùng Thị Huệ, Phạm Ngọc Thạch, "Xã hội công dân Trung Quốc : cơ sở hình thành và môi trường chính sách", Tạp chí Triết học, số 7 (194), tháng 7-2007, trang 25-26. 3 phân biệt "xã hội dân sự" với gia đình và nhà nước, coi đây là lĩnh vực hoạt động kinh tế-xã hội của những cá nhân với nhau, trong khi nhà nước có mục đích cao hơn nhiều so với sự điều tiết những quan hệ giữa những cá nhân trong “xã hội dân sự”. “Xã hội dân sự” biến cá nhân thành một Bürger, còn “nhà nước” biến cá nhân thành một citoyen, tức thành một công dân của một nhà nước nhất định như nước Pháp, nước Phổ, chứ không đơn thuần là một Bürger (trader) có thể làm ăn buôn bán với cả người Pháp lẫn người Phổ. Nhưng chữ Bürger trong tiếng Đức hiện nay lại chỉ có nghĩa là “người công dân”, còn bürgerliche Gesellschaft có nghĩa là “xã hội tư sản” hay “xã hội dân sự”.4 Trong tiếng Việt, cách dịch thuật ngữ "civil society" cho đến nay chưa phải đã thống nhất, nhưng ở đây chúng tôi tạm sử dụng thuật ngữ "xã hội dân sự". Ở Tây Âu, thuật ngữ civil society kể từ khi ra đời tới nay thực ra là một thuật ngữ khá mơ hồ và đa nghĩa, thậm chí có thể mang những nội hàm trái ngược hẳn nhau, tùy theo từng tác giả vào từng thời kỳ lịch sử, và gần đây được cả những người phe tả lẫn phe hữu sử dụng theo những ý nghĩa khác nhau nhằm biện hộ cho các quan điểm của mình, đến mức mà cụm từ này gần như trở thành một thứ khẩu hiệu thời trang hay đồ trang sức !5 Trong các ngành khoa học xã hội, người ta thường không đồng ý với nhau về sự tách biệt về mặt lý thuyết, cũng như về mối quan hệ giữa các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội. Sự thay đổi về ý nghĩa của khái niệm "xã hội dân sự" chứng tỏ sự thay đổi trong các quan điểm lý thuyết về các mối quan hệ này, đặc biệt là mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội.6 Trong bài viết này, chúng tôi trước hết sẽ điểm lại các quan niệm của một số tác giả cổ điển về xã hội dân sự (phần I), sau đó là một số quan niệm 4 Xem phần chú giải về thuật ngữ Bürger trong Max Weber, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản, Bản dịch tiếng Việt của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2008, trang 423. 5 Xem François Rangeon, "Société civile : histoire d'un mot", trong Jacques Chevalier et al., La société civile, Paris, Presses Universitaires de France, 1986, trang 9-10, và Danièle Lochak, "La société civile : du concept au gadget", trong Jacques Chevalier et al., sách đã dẫn, trang 44-45. 6 Xem Nicholas Abercrombie, Stephen Hill và Bryan S. Turner, The Penguin Dictionary of Sociology, 2nd edition, London, Penguin Books, 1988, trang 34. 4 "huyền thoại hóa" và "công cụ hóa" đương đại về xã hội dân sự (phần II), và cuối cùng, chúng tôi điểm lại một số quan niệm về xã hội dân sự ở Việt Nam gần đây, và từ đó thử xác định một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự (phần III) – xét như một khái niệm thích hợp cho một công cuộc phân tích lý thuyết đối với thực tiễn xã hội Việt Nam ngày nay. I. Một số quan niệm cổ điển về xã hội dân sự Theo Guy Berger, tựu trung chúng ta có thể phân biệt được sáu quan niệm chủ yếu sau đây về xã hội dân sự (société civile) :7 . Trước hết là quan niệm theo truyền thống Aristote do Thomas d’Aquin lấy lại và triển khai, đó là quan niệm về một tập hợp con người hoàn chỉnh, có thể tự nuôi sống mình, mang mục tiêu đem lại hạnh phúc trần thế cho con người và sự hòa thuận giữa các thành viên với nhau. . Thứ hai là các định nghĩa của Hobbes, Locke và Rousseau. Xã hội dân sự là một tập hợp con người ở trình độ cao, phát sinh từ ý chí của các cá nhân và được thiết lập vì lợi ích chung nhằm giúp cho các cá nhân và gia đình thoát ra khỏi tình trạng tự nhiên (état de nature). . Thứ ba là định nghĩa của Hegel. Xã hội dân sự là một giai đoạn của trật tự đạo đức, được thiết lập trong kỷ nguyên hiện đại, nằm giữa tập hợp tự nhiên là gia đình và nhà nước. . Thứ tư là định nghĩa của Marx : đó là một xã hội phi chính trị được cấu trúc bởi các quan hệ kinh tế và hệ thống các giai cấp. . Thứ năm là định nghĩa của Gramsci : đó là toàn bộ các định chế và các nhóm xã hội chi phối và thống lãnh hệ tư tưởng. . Thứ sáu là quan niệm của các nhà tư tưởng Ba Lan khi họ phê phán chế độ toàn trị : xã hội dân sự là toàn thể xã hội với tất cả các thành tố của mình trong chừng mực mà những thành tố này chỉ theo đuổi những mục tiêu tự nhiên. Ở La Mã vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Cicero (106-43 trước Công nguyên) đã từng dùng từ societas civilis (tiếng La-tinh) để nói về res publica (có nghĩa là việc công, nhà nước, hay đời sống chính trị) hoặc nói về đô thị, xét như một thực thể được hợp nhất trong cùng một nền luật pháp : 7 Theo Guy Berger, "La société civile et son discours" (Xã hội dân sự và diễn ngôn về xã hội dân sự) (bài I đến bài VI), trong Commentaire, từ số 46 đến số 52, năm 1989-1990, dẫn lại theo Jean-Joseph Régent, trong www.nantes-citoyennete.com. 5 "Lex est civilis societatis vinculum" ("Luật pháp là sợi dây liên kết xã hội dân sự" (De Republica, I, 32). Đối với Cicero, societas civilis là cộng đồng được tổ chức về mặt chính trị và về mặt pháp lý, đối lập với nhân loại nói chung hay xã hội con người nói chung.8 Vào năm 1677, nhà tư tưởng người Pháp Bossuet (1627-1704) định nghĩa cụm từ "société civile" phần nào tương tự như ý niệm của Cicero nói trên : đó là "xã hội con người hợp nhất với nhau dưới cùng một chính quyền và cùng các luật lệ".9 Theo François Rangeon, chúng ta cũng có thể nhận diện bốn nhóm quan niệm khác nhau về xã hội dân sự nơi các tác giả cổ điển như sau : (1) quan niệm đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia (State hay État) ; (2) xã hội dân sự là xã hội thị trường ; (3) xã hội dân sự tách khỏi nhà nước ; và (4) xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản.10 1. Đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia Ở đây, thoạt tiên chúng ta cần lưu ý rằng chữ État trong tiếng Pháp hay chữ State trong tiếng Anh không phải chỉ có nghĩa là "nhà nước", mà còn có nghĩa là "quốc gia" hay "nước". Vì thế, quan niệm coi xã hội dân sự như đồng hóa với État hay State ở đây là hiểu theo nghĩa rộng, chứ không phải là "nhà nước" theo nghĩa hẹp của từ này. Khái niệm xã hội dân sự trong thế kỷ XVII ở Tây Âu gắn liền chặt chẽ với những ý niệm liên quan tới quốc gia, dân tộc hay tổ quốc.11 Theo Z. A. Pelczynski, với tư tưởng đề cao ý niệm quốc gia-dân tộc (nation-state) và chủ nghĩa quốc gia (nationalism), giai cấp tư sản Âu châu vào các thế kỷ XVIII và XIX đã triển khai ý niệm xã hội dân sự trong các phân tích triết học và chính trị học, và quan niệm rằng xã hội dân sự cần được xem như một yếu tố hiện đại quan trọng nhằm thực hiện một nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa trong khuôn khổ nền dân chủ tự do quốc gia.12 8 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 11. 9 "Société d'hommes unis ensemble sous le même gouvernement et sous les mêmes lois" (Bossuet, dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 12). 10 Xem François Rangeon, bài đã dẫn, trang 12-27. 11 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, chú thích 43, trang 18. 12 Z. A. Pelczynski, "The significance of Hegel’s separation of the state and civil society" (Ý nghĩa của sự phân biệt của Hegel giữa nhà nước với xã hội dân sự), trong Z. A. Pelczynski (chủ biên), The State and Civil Society (Nhà nước và xã hội 6 Nhà chính trị và nhà tư tưởng người Anh Thomas Hobbes (1588-1679) được coi là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ "xã hội dân sự" (societas civilis) theo nghĩa đối lập với "tình trạng tự nhiên" (status naturae) trong quyển De Cive xuất bản năm 1649. Trong quyển Elements of Law (1640), Hobbes đã sử dụng cụm từ civil society để dịch chữ Hy Lạp polis (đô thị) : nhưng theo Hobbes, khác với đô thị Hy Lạp cổ, "xã hội dân sự" không phải là một xã hội tự nhiên, mà ngược lại, là kết quả của một sự sáng tạo, một sự quyết định của các cá nhân nhằm mục tiêu tạo nên một trật tự chính trị ổn định và thuận hòa. Hobbes phân biệt "xã hội dân sự" một mặt với tình trạng tự nhiên trong đó "mọi người chống lại mọi người", và mặt khác, với những xã hội tự nhiên mà Hobbes cho là được cấu tạo nên bởi các gia đình.13 Nhà luật học và sử học người Đức Samuel Pufendorf (1632-1694) trong quyển De jure naturae et gentium (Bàn về luật pháp của tự nhiên và của người dân) đã phát triển ý tưởng của Hobbes và đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia.14 Cũng đi theo chiều hướng của Hobbes và Pufendorf, nhà triết học người Anh John Locke (1632-1704) cũng phân biệt giữa xã hội dân sự vốn là cái "được thiết lập", "được cấu tạo", với tình trạng tự nhiên vốn là nơi chứa đựng nhiều cái xấu. Tuy nhiên, nếu Hobbes coi xã hội dân sự có mục tiêu đầu tiên là đảm bảo sự thuận hòa và sự an ninh cho các thành viên, thì Locke lại coi "mục tiêu chính yếu [của xã hội dân sự] là bảo vệ quyền sở hữu" (Of political or civil society, 1690). Như vậy, theo Locke, "xã hội dân sự", ngoài trật tự pháp lý (hay chính trị, như trong định nghĩa của Hobbes), còn mang ý nghĩa của một trật tự kinh tế.15 Tương tự như Hobbes và Locke, Jean-Jacques Rousseau (1712-1778) cũng gắn liền xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia, nhưng nhấn mạnh thêm khía cạnh sở hữu tư nhân : "Người đầu tiên nào có một miếng đất rào kín và biết nói được rằng đất này là của tôi... thì đó là kẻ sáng lập thực thụ của xã hội dân sự" (Discours sur l'origine et les fondements de l'inégalité parmi les dân sự), Cambridge University Press, 1984, dẫn lại theo Loghman Pireh Babi, "Reflections on the Role of Civil Society in the Democratisation Process of Third World Countries", IDS (Phần Lan), Working Paper, 10/1998. 13 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 11-12. 14 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 12. 15 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 13-14. 7 hommes, 1755).16 2. Xã hội dân sự là xã hội thị trường Năm 1714, Bernard Mandeville (1670-1733), một nhà tư tưởng gốc Hà Lan sinh sống ở Anh, xuất bản tác phẩm The Fable of the Bees (Ngụ ngôn về những con ong), trong đó ông đưa ra một quan niệm mới về xã hội dân sự, coi đây là nơi của các lợi ích và các nhu cầu. P.F. Moreau viết như sau : "Theo Mandeville, thuật ngữ xã hội dân sự vốn từ lâu được coi là đồng nghĩa với xã hội chính trị có xu hướng tách ra khỏi ý nghĩa này và biểu thị vô số những mối quan hệ trao đổi, tiêu thụ và lợi ích vốn được coi là dệt nên mạng lưới xã hội".17 Luận điểm chính của Mandeville là cho rằng : lợi ích chung có thể đạt được mà không phụ thuộc vào ý muốn riêng của các cá nhân ; mỗi người theo đuổi lợi ích riêng của mình và qua đó, góp phần vào lợi ích của mọi người mà không hề mong muốn. Adam Ferguson (1723-1816), một nhà tư tưởng người Anh, cho rằng xã hội dân sự là "kết quả của hoạt động của con người, chứ không phải của ý định của con người" (An Essay on the History of Civil Society, 1767). Ông còn coi "civil society" là một trạng thái của "tính văn minh" (civility) và là kết quả của quá trình văn minh hóa (civilization), trái với xã hội thô lỗ, man rợ trong một nước chuyên chế (despotic state).18 Cả Mandeville và Ferguson đều cho rằng xã hội dân sự không xuất phát từ sự chủ định của con người, mà là từ sự vận động tự phát của các lợi ích, các nhu cầu và các tham vọng của con người. Ở đây, chúng ta thấy thuật ngữ xã hội dân sự đã chuyển từ khái niệm "xã hội dân sự mang tính quốc gia/nhà nước" (société civile étatique) nơi những tác giả như Hobbes hay Locke, sang khái niệm "xã hội dân sự mang tính thị trường" (société civile commerçante hay marchande).19 Nhà triết học và kinh tế học người Anh, Adam Smith (1723-1790), trong quyển An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations 16 "Le premier qui ayant enclos un terrain s'avisa de dire : ceci est à moi... fut le vrai fondateur de la société civile." Dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 14. 17 P.F. Moreau, "Société civile et civilisation" (Xã hội dân sự và văn minh), trong F. Châtelet, Histoire des idéologies (Lịch sử các hệ tư tưởng), Hachette, 1978, dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 16. 18 Xem Nicholas Abercrombie, Stephen Hill và Bryan S. Turner, The Penguin Dictionary of Sociology, 2nd edition, London, Penguin Books, 1988, trang 34. 19 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 17. 8 (Tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của sự thịnh vượng của các quốc gia) (1776) không lần nào sử dụng thuật ngữ "civil society" mà chỉ dùng gọn chữ "society", có lẽ vì muốn tránh né tính từ "civil" vốn lúc ấy có thể gây hiểu lầm vì còn mang nặng hàm ý quốc gia/nhà nước. Tuy vậy, theo P. Rosanvallon, chúng ta có thể hiểu "xã hội" mà Smith nói tới chính là "xã hội dân sự".20 Smith hiểu đây là một xã hội của sự trao đổi thương mại, một cơ chế trong đó các lợi ích tự chúng phối hợp hài hòa với nhau ngoài ý muốn chủ định của các cá nhân. Xã hội này có những qui luật riêng của nó, đó là những qui luật của lợi ích riêng tư, của sự trao đổi, của các nhu cầu, mà nhà nước hoàn toàn không nên can thiệp vào. Theo Smith, nhà nước chỉ có ba chức năng hay ba "bổn phận" chính : bảo đảm an ninh đối với bên ngoài, duy trì trật tự đối với bên trong, và "đảm đương một số công trình công cộng" mà tư nhân không thể đảm đương nổi.21 3. Xã hội dân sự tách khỏi nhà nước Khác với nhiều nhà tư tưởng của thế kỷ XVIII vốn chỉ chú trọng tới khía cạnh kinh tế của xã hội dân sự, nhà triết học Đức Immanuel Kant (17241804) nhấn mạnh tới khía cạnh pháp lý. Ông cho rằng xã hội dân sự là lĩnh vực của luật pháp, kể cả công pháp lẫn tư pháp. Ông viết trong công trình Schriften zur Rechtstheorie (Những bài viết về lý thuyết pháp quyền) : "Những thành viên tập hợp trong xã hội ấy (societas civilis), nghĩa là trong đô thị, nhằm vào pháp chế, thì được gọi là công dân". Ông còn nói thêm rằng "xã hội dân sự [đảm bảo] cái của-tôi, cái của-anh, bằng các luật lệ nhà nước".22 Còn trong quyển Kritik der Urteilskraft (Phê phán năng lực phán đoán) (1790), Kant đã mô tả như sau về xã hội dân sự : "... việc sắp xếp các mối quan hệ giữa con người với nhau, sao cho pháp quyền (gesetzmässige Gewalt) trong một cái toàn bộ - mà ta gọi là Xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) - đối lập lại sự lạm dụng của các quyền tự do đang xung đột nhau ; và, chỉ trong một xã hội như thế, sự phát triển tối đa những tố chất tự nhiên mới diễn ra được."23 Trong thế kỷ XVIII, chính nhờ sự phát triển của các bộ luật, nên khái 20 Dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 17. 21 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 17-18. 22 Immanuel Kant, Schriften zur Rechtstheorie, dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 20. 23 Immanuel Kant, Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2006, § 83, trang 468. 9 niệm xã hội dân sự bắt đầu có cơ sở cắt đứt sợi dây để thoát ra khỏi ý niệm nhà nước/quốc gia, và kể từ đây, người ta thấy xuất hiện cặp khái niệm đối lập dân sự/chính trị (civil/politique) – khác hẳn quan niệm về sự đồng hóa giữa xã hội dân sự với xã hội chính trị hay với nhà nước/quốc gia như trước kia. Tác giả thể hiện rõ sự đoạn tuyệt này là nhà chính trị và nhà tư tưởng người PhápThụy Sĩ Benjamin Constant (1767-1830). Sự xuất hiện của xã hội dân sự trong tư thế độc lập với nhà nước chính là một trong những điểm đặc trưng nhất của xã hội theo nền kinh tế tự do. Trong quyển De la liberté chez les Modernes (Bàn về tự do nơi các nhà tư tưởng cận đại), B. Constant tin tưởng rằng xã hội dân sự hoàn toàn có thể tồn tại tự nó, và ông đề cao quyền tự do dân sự (tức là quyền "được yên ổn hưởng quyền độc lập cá nhân"), cho rằng nó quan trọng không thua kém gì so với các quyền tự do chính trị. Khác với nhiều tác giả trước, ông đảo ngược trật tự và cho rằng xã hội dân sự quan trọng hơn và có trước nhà nước xét về mặt hữu thể học (hay bản thể học, ontologique). Nhà nước xuất phát từ xã hội dân sự, chứ không phải ngược lại. Ông viết : "Kể từ khi có xã hội, thì giữa con người với nhau hình thành nên một số mối liên hệ... Các luật lệ... không phải là nguyên nhân của những mối liên hệ ấy – những mối liên hệ này vốn có trước các luật lệ."24 Ông cho rằng chính sự tiến bộ của nền văn minh đã làm cho xã hội dân sự ngày càng tự trị so với nhà nước. Nhưng theo Constant, quá trình củng cố nhà nước diễn ra song song với quá trình tự trị hóa của xã hội dân sự, chứ hai quá trình này không hề loại trừ nhau, mà thậm chí còn bổ trợ cho nhau. Khác với quan điểm của nhiều nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do hiện nay, B. Constant cho rằng xã hội dân sự và nhà nước không phải là hai lĩnh vực đối lập nhau, mà ngược lại, còn "phối hợp" với nhau : muốn có một nhà nước mạnh, thì nhất thiết phải có một xã hội dân sự cường tráng.25 4. Xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản Trong số các tác giả cổ điển, chính Georg W. F. Hegel (1770-1831) mới là người có công xác lập rõ rệt nhất khái niệm xã hội dân sự theo nghĩa hiện đại của thuật ngữ này. Theo Pelczynski, sự tách biệt của Hegel về mặt khái niệm giữa nhà nước với xã hội dân sự đã tạo ra một trong những thay đổi nền tảng quan trọng nhất trong ý thức Âu châu hiện đại.26 24 Benjamin Constant, De la liberté chez les Modernes (Bàn về tự do nơi các nhà tư tưởng cận đại), dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 21. 25 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 21-22. 26 Dẫn lại theo Loghman Pireh Babi, "Reflections on the Role of Civil Society in the Democratisation Process of Third World Countries", IDS (Phần Lan) Working 10 Có thể nói một cách vắn tắt rằng, theo Hegel, xã hội dân sự (bürgerliche Gesellschaft) không phải được hình thành bởi sự khế ước, mà là lĩnh vực của sự khế ước, nghĩa là lĩnh vực của sự liên kết tự nguyện giữa các cá nhân. Xã hội dân sự là một khía cạnh, một giai đoạn, hay một "mô-men" của trật tự chính trị, mà khía cạnh khác của trật tự này chính là nhà nước.27 Ảnh hưởng bởi tư tưởng của các nhà kinh tế học thế kỷ XVIII như Adam Smith, Hegel cũng cho rằng xã hội dân sự là lĩnh vực của các nhu cầu, của sự sản xuất, và của sự phân công lao động. Tuy nhiên, phần nào tương tự như Kant, ông cũng nhấn mạnh ngay sau đó đến vị trí của luật pháp và của nhà nước trong sự hình thành nên xã hội dân sự. Ông viết trong quyển Grundlinien der Philosophie des Rechts (Những nguyên lý của triết học pháp quyền) (1821) : "Xã hội dân sự - một sự liên hợp của các thành viên với tư cách là những cá nhân tự sinh tồn trong một tính phổ quát vốn chỉ mang tính chất trừu tượng, bởi tính chất tự sinh tồn của họ. Sự liên hợp của họ được hình thành bởi các nhu cầu của họ, bởi hệ thống luật pháp – phương tiện đảm bảo an ninh cho con người và tài sản – và bởi một tổ chức bên ngoài nhằm đạt được các lợi ích đặc thù và các lợi ích chung của họ."28 Khi ra khỏi gia đình, con người trở thành một người bourgeois (hiểu theo nghĩa thị dân)29 : Hegel ít khi sử dụng tiếng nước ngoài, nhưng ở mục § 190 trong quyển sách dẫn trên, ông cố ý dùng chữ bourgeois trong tiếng Pháp ("der Bürger als bourgeois") để phân biệt rõ với chữ Bürger theo nghĩa "công dân" (citizen hay citoyen). Chính vì thế mà cụm từ bürgerliche Gesellschaft đối với Hegel gần với nghĩa "xã hội thị dân" hơn. Chữ bourgeois (thị dân) ở đây không phải là tư sản, cũng không chỉ bao gồm các nhà buôn và các nhà công nghiệp, mà là bao gồm chung mọi cá nhân chỉ quan tâm tới lợi ích riêng Paper 10/1998. 27 Theo Roger Scruton, A Dictionary of Political Thought, London, Pan Books, 1982, trang 66. 28 "Civil society - an association of members as self-subsistent individuals in a universality which, because of their self-subsistence, is only abstract. Their association is brought about by their needs, by the legal system - the means to security of person and property - and by an external organisation for attaining their particular and common interests." (Georg W. F. Hegel, Philosophy of Right, translated by T. M. Knox, Clarendon Press, 1952, § 157). 29 Xem Georg W. F. Hegel, Philosophy of Right, sách đã dẫn, phần ghi chú của Hegel cho mục § 190. 11 của mình (đối lập với "công dân", là người quan tâm tới lợi ích công cộng).30 Theo Hegel, xã hội dân sự là "giai đoạn của sự khác biệt nằm xen vào giữa gia đình và nhà nước". Sự hình thành nên xã hội dân sự là "một thành tựu của thế giới hiện đại". Trong xã hội dân sự, "mỗi cá nhân là cứu cánh của chính mình, ngoài ra mọi cái khác đều vô nghĩa đối với anh ta". Thế nhưng chính là thông qua người khác, anh ta mới đạt được mục tiêu của mình, và do đó, "một mục tiêu cụ thể khoác lấy hình thức phổ quát tính thông qua mối quan hệ với tha nhân". Chính là "vì tính đặc thù [particularity] bị điều kiện hóa một cách tất yếu bởi tính phổ quát [universality], nên toàn bộ lĩnh vực xã hội dân sự là lãnh địa của sự trung giới [mediation]."31 Hegel quan niệm bürgerliche Gesellschaft (xã hội dân sự hay xã hội thị dân) là nơi bao gồm những "con người" với tính cách là những cá nhân vị kỷ vốn chỉ quan tâm tới những nhu cầu của mình mà thôi. Ông viết trong quyển Những nguyên lý của triết học pháp quyền (1821) một câu tóm gọn như sau : "Trong pháp quyền, đối tượng là nhân thân ; đứng trên quan điểm đạo đức, đó là chủ thể ; trong gia đình, đó là thành viên gia đình ; trong xã hội dân sự, đó là thị dân xét như là người bourgeois. Ở đây, xét trên quan điểm các nhu cầu, chính là cái biểu hiện cụ thể của cái biểu tượng mà chúng ta gọi là con người ; 30 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 23. 31 Toàn bộ những câu trích dẫn trên của Hegel nằm trong đoạn sau : "Civil society is the [stage of] difference which intervenes between the family and the state, even if its formation follows later in time than that of the state, because, as [the stage of] difference, it presupposes the state; to subsist itself, it must have the state before its eyes as something self-subsistent. Moreover, the creation of civil society is the achievement of the modern world which has for the first time given all determinations of the Idea their due. (...) In civil society each member is his own end, everything else is nothing to him. But except in contact with others he cannot attain the whole compass of his ends, and therefore these others are means to the end of the particular member. A particular end, however, assumes the form of universality through this relation to other people, and it is attained in the simultaneous attainment of the welfare of others. Since particularity is inevitably conditioned by universality, the whole sphere of civil society is the territory of mediation where there is free play for every idiosyncrasy, every talent, every accident of birth and fortune, and where waves of every passion gush forth, regulated only by reason glinting through them. Particularity, restricted by universality, is the only standard whereby each particular member promotes his welfare." (Georg W. F. Hegel, Philosophy of Right, sách đã dẫn, phần ghi chú của Hegel cho mục § 182). 12 như vậy, chỉ có ở đây và nói đúng ra thì cũng chỉ ở đây, mới nói tới con người theo nghĩa này."32 Theo Hegel, xã hội dân sự là mô-men (das Moment)33 trung gian giữa gia đình và nhà nước trong tiến trình của trật tự đạo đức (Sittlichkeit) ; nói chính xác hơn, gia đình là mô-men thứ nhất của trật tự đạo đức, xã hội dân sự là mô-men thứ hai, và nhà nước là mô-men thứ ba – mô-men cuối cùng và hoàn chỉnh nhất của Sittlichkeit.34 Đặc điểm của xã hội dân sự là lĩnh vực bao hàm cả cái đặc thù lẫn cái phổ quát. Nhưng tính phổ quát chỉ đạt tới sự hoàn chỉnh ở mô-men nhà nước. Vì thế, theo Hegel, nhà nước mới chính là "nền tảng thực thụ" của cả gia đình lẫn xã hội dân sự, là giai đoạn, là mô-men phát triển cao nhất của trật tự đạo đức (Sittlichkeit). Nhưng Hegel không quan niệm rằng xã hội dân sự chỉ tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước ; nó vẫn mang tính độc lập tương đối so với nhà nước. Xã hội dân sự không phải là một "tình 32 "Dans le droit, l’objet, c’est la personne, dans le point de vue de la moralité, c’est le sujet, dans la famille, le membre de cette famille, dans la société civile, c’est le Bürger comme bourgeois. Ici, au point de vue des besoins, c’est le concret de la représentation que l’on nomme l’homme ; c’est donc seulement maintenant et à proprement parler seulement ici, qu’il est question de l’homme en ce sens." (Georg W. F. Hegel, Principes de la Philosophie du Droit, bản dịch tiếng Pháp của Robert Derathe, Librairie Philosophique J. Vrin, 1986, mục § 190). Bản gốc tiếng Đức của Hegel : "Im Rechte ist der Gegenstand die Person, im moralischen Standpunkt das Subjekt, in der Familie das Familienglied, in der bürgerlichen Gesellschaft überhaupt der Bürger (als bourgeois) – hier auf dem Standpunkte der Bedürfnisse ist es das Konkretum der Vorstellung, das man Mensch nennt; es ist also erst hier und auch eigentlich nur hier vom Menschen in diesem Sinne die Rede." (Georg W. F. Hegel, Grundlinien der Philosophie des Rechts, 1821, mục § 190). Trong câu trên, chúng tôi dịch chữ personne (Person) là "nhân thân", theo Vũ Văn Mẫu, Từ điển Pháp-Việt. Pháp-chính-kinh-tài xã hội, Sài Gòn, Viện Đại học Vạn hạnh, 1970, trang 679. 33 "Das Moment" là một chữ khó dịch và được nhà triết học Bùi Văn Nam Sơn dùng chữ phiên âm là "mô-men", với lời giải thích như sau : mô-men "vừa là yếu tố bản chất hay phương diện (Seite) của một toàn bộ xét như một hệ thống tĩnh tại, vừa là một giai đoạn bản chất trong một toàn bộ xét như một tiến trình vận động biện chứng" (xem G. W. F. Hegel, Hiện tượng học tinh thần (Phänomenologie des Geistes), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học, 2006, chú thích số 8 của Bùi Văn Nam Sơn, trang 4-5). 34 Xem thêm Philippe Dupire, "Famille, besoin, travail et société civile chez Hegel", trong Jacques Chevalier et al., La société civile, Paris, Presses Universitaires de France, 1986, trang 33-43. 13 trạng tự nhiên" trong đó mọi người chống lại nhau, bella omnium contra omnes ; trong xã hội dân sự, các thị dân đã tự tổ chức với nhau và đạt được một mức độ phổ quát nhất định, bao gồm các công ty, các hiệp hội... Nhưng nó vẫn mang những nguy cơ tranh chấp và xung đột tiềm ẩn trong nội bộ do các định chế tư nhân không phải lúc nào cũng giải quyết được ổn thỏa các tranh chấp và đạt được lợi ích chung. Chỉ có nhà nước mới xứng đáng là mômen "hòa giải" hiệu quả nhất các mối tranh chấp trong xã hội dân sự. Khác với các nhà tư tưởng theo quan điểm khế ước xã hội của thế kỷ XVII và XVIII vốn đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia, Hegel coi xã hội dân sự là lĩnh vực của nhu cầu, chủ yếu dựa trên lối tư duy "giác tính" (Verstand, understanding, entendement), nghĩa là tương đương với loại lương tri thông thường (common sense) vốn hời hợt, mang nhiều định kiến, chỉ dựa trên kinh nghiệm, trong khi nhà nước mới là lĩnh vực đặt nền tảng trên "lý tính" (Vernunft, reason, raison), tức quan năng suy luận, có vai trò cao hơn giác tính, "có khả năng phản tư về những nhận thức của giác tính và hướng dẫn nhận thức này vươn đến cái toàn bộ tuyệt đối vượt ta khỏi các giới hạn của kinh nghiệm".35 Nói tóm lại, Hegel vừa nhấn mạnh đến tính chất độc lập lẫn tính chất phụ thuộc của xã hội dân sự đối với nhà nước. Xã hội dân sự chỉ được hiện thực hóa bằng một cái khác với nó, đó là nhà nước. Đối với Hegel, xã hội dân sự không phải là nhà nước, nhưng đồng thời, xã hội dân sự chỉ tồn tại trong mối quan hệ với nhà nước.36 Liên quan tới khái niệm xã hội dân sự, Karl Marx (1818-1883) viết như sau trong phần mở đầu cho quyển Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị (1859) : "Các công trình nghiên cứu của tôi đi đến kết quả này, đó là : các mối quan hệ pháp lý – cũng như các hình thái của nhà nước – không thể được giải thích nếu dựa vào chính chúng mà thôi, hay nếu dựa trên cái mà người ta cho là sự tiến hóa chung của ý thức con người, nhưng ngược lại, phải xem chúng như bắt nguồn từ trong những điều kiện vật chất sinh tồn mà Hegel, theo gương những người Anh và người Pháp ở thế kỷ XVIII, gọi chung dưới cái tên 'xã hội dân sự', và việc giải phẫu xã hội dân sự, đến lượt nó, cần được tìm 35 Bùi Văn Nam Sơn, phần chú giải về sự phân biệt giữa khái niệm "giác tính" và khái niệm "lý tính" theo Hegel, trong Georg W. F. Hegel, Hiện tượng học tinh thần (Phänomenologie des Geistes), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học, 2006, trang 563-566. 36 Xem François Rangeon, bài đã dẫn, trang 24. 14 thấy trong môn kinh tế chính trị."37 Marx cho rằng nếu đối chiếu quan niệm của Hegel về xã hội dân sự với xã hội dân sự và nhà nước trong thực tế, chúng ta sẽ thấy sự bất tương thích : nhà nước không phải là nơi hiện thực hóa thực thụ sự tự do và lợi ích chung, mà xã hội dân sự cũng chẳng phải chỉ phụ thuộc một cách đơn giản vào nhà nước. Marx đảo ngược lại quan niệm về xã hội dân sự của Hegel, và cho rằng nhà nước không phải là nền tảng của xã hội dân sự, mà ngược lại, chính xã hội dân sự mới là nền tảng trên đó nhà nước được thiết lập. Trong quyển Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (1843), Marx viết như sau : "Gia đình và xã hội công dân được Hê-ghen coi là những lĩnh vực của khái niệm nhà nước, cụ thể là những lĩnh vực của giai đoạn hữu hạn của nhà nước, là tính hữu hạn của nhà nước. (...) Trên thực tế, gia đình và xã hội công dân là những tiền đề của nhà nước, chính chúng mới là những yếu tố thật sự tích cực; nhưng trong tư duy tư biện thì tất cả điều đó đều bị đặt lộn ngược. (...) nhà nước chính trị không thể tồn tại nếu không có cơ sở tự nhiên là gia đình và cơ sở nhân tạo là xã hội công dân. Chúng là conditio sine qua non - điều kiện cần thiết của nhà nước. Nhưng [ở Hê-ghen] điều kiện biến thành cái chịu điều kiện, cái quy định biến thành cái bị quy định, cái sản sinh biến thành sản phẩm của sản phẩm của nó."38 Marx cũng nhấn mạnh tới nội hàm kinh tế và khía cạnh phát triển của luật pháp trong khái niệm xã hội dân sự, coi đây như một bước phát triển "văn minh" của xã hội, vì đã chuyển những "quan hệ cá nhân" sang những "quan hệ 37 Đoạn này do chúng tôi dịch ra tiếng Việt (T.H.Q.), dựa trên văn bản sau : "Mes recherches aboutirent à ce résultat que les rapports juridiques - ainsi que les formes de l'État - ne peuvent être compris ni par eux-mêmes, ni par la prétendue évolution générale de l'esprit humain, mais qu'ils prennent au contraire leurs racines dans les conditions d'existence matérielles dont Hegel, à l'exemple des Anglais et des Français du XVIIIe siècle, comprend l'ensemble sous le nom de « société civile », et que l'anatomie de la société civile doit être cherchée à son tour dans l'économie politique." (Karl Marx, "Préface", trong Contribution à la critique de l’économie politique, bản dịch của Maurice Husson, Paris, Éditions sociales, 1972, trang 18). 38 C. Mác, "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen", trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 1, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, trang 312315. Bản dịch của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia trong tập này cũng như trong nhiều tập sau đều sử dụng cụm từ "xã hội công dân" để dịch thuật ngữ bürgerliche Gesellschaft, nhưng chúng tôi cho rằng đáng lý phải dịch là "xã hội thị dân" thì mới chính xác hơn, nhất là trong dòng mạch tư tưởng của Hegel. 15 chung", đồng thời nhờ có những "quan hệ pháp luật" mới nên đã vượt qua được "những biện pháp dã man để thực hiện pháp luật". Điểm mới trong luận điểm của Marx về xã hội dân sự là còn nhấn mạnh tới sự xuất hiện của các "giai cấp" (Klasse) trong xã hội dân sự tư bản chủ nghĩa, xét như là một sự khác biệt căn bản so với sự tồn tại của các "đẳng cấp" (Stand) trong các thể cộng đồng cổ truyền tiền tư bản chủ nghĩa (Gemeinwesen). Marx và Engels viết như sau trong quyển Hệ tư tưởng Đức (1845-1846) : "Với sự phát triển của xã hội công dân, nghĩa là với sự phát triển của những lợi ích cá nhân thành lợi ích giai cấp, những quan hệ pháp luật thay đổi và có một hình thức văn minh. Người ta không còn coi những quan hệ đó là những quan hệ cá nhân mà là những quan hệ chung. Đồng thời, do phân công lao động, việc bảo vệ những lợi ích của những cá nhân riêng rẽ – những lợi ích này xung đột lẫn nhau, – chuyển vào tay một số ít người cho nên biện pháp dã man để thực hiện pháp luật cũng biến mất."39 Đồng ý với Hegel, Marx nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của xã hội dân sự, hay nói cách khác, sự tách biệt giữa nhà nước với xã hội dân sự, không phải là một hiện tượng đương nhiên, phi thời gian, mà là một hiện tượng mang tính lịch sử. Trong thời trung cổ, chưa có xã hội dân sự, cũng chưa có sự phân biệt giữa civil với politique (giữa dân sự/thị dân với chính trị), bởi lẽ lúc ấy tất cả mọi lĩnh vực đều thuộc về nhà nước, đều bị đồng nhất với chính trị. Marx viết trong quyển Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel : "Thời trung cổ đã có nông nô, sở hữu ruộng đất phong kiến, phường hội thủ công, hội của các học giả v.v.; nghĩa là vào thời trung cổ, sở hữu, thương nghiệp, đoàn thể xã hội, con người đều đã có tính chất chính trị ; ở đây nội dung vật chất của nhà nước được quy định bởi hình thức của nhà nước. Ở đây, mọi lĩnh vực tư nhân đều có tính chất chính trị, hoặc đều là lĩnh vực chính trị; nói cách khác, chính trị cũng là tính chất của những lĩnh vực tư nhân. (...) Ở thời trung cổ, đời sống nhân dân và đời sống nhà nước là đồng nhất."40 Chỉ trong chế độ tư bản chủ nghĩa, nghĩa là vào "thời hiện đại" (modernen Zeit), mới xuất hiện sự tách biệt giữa "đời sống nhà nước" với "đời sống tư nhân", nghĩa là giữa nhà nước với xã hội dân sự/thị dân. Marx viết : "Sự tách biệt [Abstraktion] của nhà nước xét như là nhà nước chỉ thuộc về thời hiện đại, vì sự tách biệt của đời sống tư nhân chỉ thuộc về thời hiện đại 39 C. Mác và Ph. Ăng-ghen, "Hệ tư tưởng Đức", trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 3, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, 1995, trang 494. 40 C. Mác, "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen", trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 1, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, trang 353. 16 mà thôi. Sự tách biệt của nhà nước chính trị là một sản phẩm hiện đại."41 Nhưng khác hẳn với quan niệm của Hegel vốn coi xã hội dân sự là một "mô-men" của Ý niệm đạo đức, Marx quan niệm xã hội dân sự là nơi diễn ra các mối quan hệ xã hội, các mối quan hệ sản xuất, trong những điều kiện tồn tại vật chất của các cá nhân, nơi biểu hiện thực thụ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Theo Marx, xã hội dân sự chỉ xuất hiện trong chế độ tư bản chủ nghĩa, từ khi giai cấp tư sản nắm quyền thống trị. Marx và Engels viết : "Xã hội công dân [bürgerliche Gesellschaft] bao trùm toàn bộ sự giao tiếp vật chất của các cá nhân trong một giai đoạn phát triển nhất định của lực lượng sản xuất. Nó bao trùm toàn bộ đời sống thương nghiệp và công nghiệp trong giai đoạn đó và do đó, vượt ra ngoài phạm vi quốc gia và dân tộc, mặc dù, mặt khác, về đối ngoại nó vẫn phải hiện ra như là một dân tộc và về đối nội nó vẫn phải tự tổ chức thành một nhà nước. Thuật ngữ 'xã hội công dân' [bürgerliche Gesellschaft] xuất hiện trong thế kỷ XVIII khi những quan hệ sở hữu thoát khỏi thể cộng đồng [Gemeinwesen] cổ đại và trung cổ. Xã hội tư sản [bürgerliche Gesellschaft] với tính cách là xã hội tư sản chỉ phát triển cùng với giai cấp tư sản [der Bourgeoisie]."42 41 Karl Marx, Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel (Đoạn này do chúng tôi dịch, T.H.Q.) (những chỗ nhấn mạnh là do Marx). Chữ Abstraktion trong câu này cũng có thể được dịch là "sự trừu xuất". Cách dịch của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia đối với từ Abstraktion là "sự trừu tượng" theo chúng tôi là không ổn và vì thế có thể làm sai lạc ý nghĩa và làm cho câu này trở nên khó hiểu : "Sự trừu tượng của nhà nước với tính cách là nhà nước chỉ là đặc trưng của thời cận đại, vì sự trừu tượng của đời sống tư nhân chỉ là đặc trưng của thời cận đại thôi. Sự trừu tượng của nhà nước chính trị là sản phẩm của thời đại ngày nay." (C. Mác, "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen", trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 1, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, 1995, trang 353). Bản gốc tiếng Đức đoạn này của Marx như sau : "Die Abstraktion des Staats als solchen gehört erst der modernen Zeit, weil die Abstraktion des Privatlebens erst der modernen Zeit gehört. Die Abstraktion des politischen Staats ist ein modernes Produkt." Còn bản dịch tiếng Anh của Annette Jolin và Joseph O’Malley thì như sau : "The abstraction of the state as such belongs only to modern times because the abstraction of private life belongs only to modern times. The abstraction of the political state is a modern product." (Critique of Hegel's Philosophy of Right, Joseph O’Malley chủ biên, Cambridge University Press, 1970). 42 C. Mác và Ph. Ăng-ghen, "Hệ tư tưởng Đức", sách đã dẫn, trang 51-52. Ở câu đầu của đoạn này, thuật ngữ bürgerliche Gesellschaft được dịch là "xã hội công dân", nhưng ở câu cuối thì lại được dịch là "xã hội tư sản", và các dịch giả chú thích thêm rằng thuật ngữ bürgerliche Gesellschaft bao hàm cả hai nghĩa này. Chúng tôi 17 Hiểu theo nghĩa đó, xã hội dân sự không phải chỉ là nền tảng của nhà nước, mà còn của toàn bộ lịch sử : "... đó là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử."43 Điều này có nghĩa là, theo Marx, các sự kiện chính trị, những sự thay đổi về luật pháp, những sự phát triển về văn hóa, chỉ có thể được giải thích nếu tìm về ngọn nguồn của sự phát triển của cấu trúc của xã hội dân sự, nơi diễn ra những cuộc xung đột cũng như đấu tranh giữa các giai cấp đối kháng.44 Tựu trung, Marx nhìn xã hội dân sự dưới hai khía cạnh : một mặt, nó là nền tảng hiện thực và vật chất của nhà nước, mặt khác, nó là mặt đối lập với nhà nước. Hay cũng có thể nói, theo lời một tác giả, rằng Marx có hai quan niệm về xã hội dân sự, hay "hai lý thuyết về nhà nước".45 Xét về mặt kinh tế học, xã hội dân sự là cơ sở hạ tầng trên đó xây dựng nên kiến trúc chính trị nhà nước ; theo nghĩa này, xã hội dân sự chính là xã hội tư sản nhìn dưới góc độ vận hành kinh tế-xã hội. Xét về mặt xã hội học, trong lịch sử nhà nước hiện đại (Marx lấy hai thí dụ là nhà nước của Bonaparte và nhà nước Phổ), xã hội dân sự chính là tổ chức xã hội vốn được hình thành từ quá trình biệt dị hóa (différentiation) của nhà nước. Như vậy, sự hình thành của xã hội dân sự xét về mặt lịch sử đã diễn ra song hành với sự hình thành của nhà nước hiện đại. Và xã hội dân sự có thể được hiểu theo hai nghĩa : một mặt là xã hội dân sự kinh tế (société civile économique), và mặt kia là xã hội dân sự chính trị (société civile politique).46 Chính là thiên về nghĩa thứ hai này mà Gramsci đã cho rằng ở đoạn này, nên dịch bürgerliche Gesellschaft là "xã hội thị dân" hoặc "xã hội tư sản" ở cả câu trên lẫn câu dưới thì mới xác đáng. Nguyên văn tiếng Đức câu này như sau : "Die bürgerliche Gesellschaft umfaßt den gesamten materiellen Verkehr der Individuen innerhalb einer bestimmten Entwicklungsstufe der Produktivkräfte. Sie umfaßt das gesamte kommerzielle und industrielle Leben einer Stufe und geht insofern über den Staat und die Nation hinaus, obwohl sie andrerseits wieder nach Außen hin als Nationalität sich geltend machen, nach Innen als Staat sich gliedern muß. Das Wort bürgerliche Gesellschaft kam auf im achtzehnten Jahrhundert, als die Eigentumsverhältnisse bereits aus dem antiken und mittelalterlichen Gemeinwesen sich herausgearbeitet hatten. Die bürgerliche Gesellschaft als solche entwickelt sich erst mit der Bourgeoisie". 43 C. Mác và Ph. Ăng-ghen, "Hệ tư tưởng Đức", sách đã dẫn, trang 51. 44 Xem Nicholas Abercrombie, Stephen Hill và Bryan S. Turner, The Penguin Dictionary of Sociology, 2nd edition, London, Penguin Books, 1988, trang 34. 45 Theo B. Badie, P. Birnbaum, Sociologie de l'Etat, Le livre de poche, coll. Pluriel, 1983, trang 15, dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 26. 46 Xem François Rangeon, bài đã dẫn, trang 26. 18 triển khai khái niệm của mình về xã hội dân sự. Nhà triết học và nhà chính trị mác-xít người Ý Antonio Gramsci (18911937) phân biệt giữa "xã hội dân sự" với "xã hội chính trị", tức là nhà nước. Cho đến nay, nhiều người thường lầm tưởng rằng quan niệm về "xã hội dân sự" của Gramsci chỉ thuộc về kiến trúc thượng tầng, khác với quan niệm của Marx cho rằng xã hội dân sự chủ yếu thuộc về cơ sở hạ tầng. Nhưng theo Jacques Texier, Gramsci trong tập các luận văn viết trong nhà tù phát-xít đã có ít nhất hai cách hiểu về xã hội dân sự. Cách thứ nhất là coi xã hội dân sự như là nơi đấu tranh giành quyền "thống lãnh" (hégémonie) về văn hóa-tư tưởng, và cách thứ hai coi đây là nơi diễn ra các hoạt động kinh tế của một cấu trúc kinh tế nhất định.47 Theo Gramsci, xã hội dân sự "nằm giữa cơ sở kinh tế và nhà nước với nền pháp chế và sự cưỡng chế của mình".48 Ông coi xã hội dân sự như một "tầng" (étage) nằm trong lĩnh vực kiến trúc thượng tầng : "Người ta có thể... hình dung hai 'tầng' chính trong các kiến trúc thượng tầng, một tầng mà người ta có thể gọi là tầng 'xã hội dân sự', tức bao gồm các tổ chức thường gọi nôm na là 'tư nhân', và tầng 'xã hội chính trị' hay nhà nước ; [cả hai tầng này] tương ứng với chức năng 'thống lãnh' [hégémonie] mà nhóm thống trị thực thi đối với toàn bộ xã hội, và với chức năng 'thống trị trực tiếp' [domination directe] hay chỉ huy [commandement] vốn được biểu hiện trong nhà nước và trong sự cai trị 'pháp lý'."49 Ông coi xã hội dân sự là lĩnh vực bao gồm những định chế 'tư nhân' (private) về mặt pháp lý như các giáo hội, các nhà trường, các phương tiện truyền thông đại chúng và các nghiệp đoàn. Trong các xã hội tư bản chủ nghĩa, những định chế này đảm bảo sự "thống lãnh" (hégémonie)50 hoặc "lãnh 47 Jacques Texier, "Une lettre de clarification de Jacques Texier", trong International Gramsci Society Newsletter, No 11, Dec. 2000, trang 50-51. 48 Antonio Gramsci, Gramsci dans le texte, tuyển tập do François Ricci và Jean Bramant chủ biên, bản dịch từ tiếng Ý ra tiếng Pháp của J. Bramant, G. Moget, A. Monjo, F. Ricci, Paris, Ed. Sociales, 1975, trang 270-271. 49 Antonio Gramsci, Gramsci dans le texte, sách đã dẫn, trang 606-607. 50 Thuật ngữ hégémonie (tiếng Pháp, hay hegemony tiếng Anh, egemonia tiếng Ý) lâu nay thường được dịch trong tiếng Việt là "bá quyền", nhưng trong bối cảnh tư tưởng của Gramsci, chúng tôi cho rằng nên dùng chữ "thống lãnh" thì xác đáng hơn, phân biệt với khái niệm "thống trị" (domination) hay khái niệm "lãnh đạo" (direction). 19 đạo" của giai cấp tư sản về mặt hệ tư tưởng, bên cạnh sự thống trị về mặt kinh tế và chính trị, bằng cách tạo ra sự "đồng thuận" (consensus) của các giai cấp bị trị trong lòng xã hội dân sự. Quan niệm này của Gramsci đã phát triển một cách phong phú và sâu sắc luận điểm của Marx và Engels trong quyển Hệ tư tưởng Đức (1845) : "Trong mọi thời đại, những tư tưởng của giai cấp thống trị là những tư tưởng thống trị. Điều đó có nghĩa là giai cấp nào là lực lượng vật chất thống trị trong xã hội thì cũng là lực lượng tinh thần thống trị trong xã hội. (...) Chừng nào họ [tức giai cấp thống trị] thống trị với tư cách là giai cấp và quyết định quy mô và phạm vi của một thời đại lịch sử thì dĩ nhiên là họ thống trị về mọi mặt, cho nên ngoài ra, họ cũng thống trị với tư cách là những người đang tư duy, là những người sản xuất ra tư tưởng, điều tiết sự sản xuất và sự phân phối những tư tưởng của thời đại họ; bởi vậy, những tư tưởng của họ là những tư tưởng thống trị của thời đại."51 Định nghĩa của Gramsci về xã hội dân sự gần như luôn luôn đi đôi với, và chỉ có thể hiểu được, trong mối quan hệ với khái niệm xã hội chính trị hay nhà nước. Trong Các lá thư trong tù, Gramsci cho rằng khái niệm nhà nước, vốn thường được hiểu như là sự "chuyên chính",52 cần được hiểu là "sự cân bằng giữa xã hội chính trị với xã hội dân sự, hay là sự thống lãnh (hégémonie) của một nhóm xã hội đối với toàn thể xã hội quốc gia, một sự thống lãnh được thực hiện thông qua các tổ chức tư nhân như giáo hội, các nghiệp đoàn, các nhà trường, v.v."53 Nếu đối với Marx, xã hội dân sự là nơi biểu hiện tập trung 51 C. Mác và Ph. Ăng-ghen, "Hệ tư tưởng Đức" (1845), trong C. Mác và Ph. Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, 1995, trang 66-67. 52 Gramsci phân biệt rất rõ giữa sự "chuyên chính" (dictature) với sự "thống lãnh" (hégémonie) : chế độ chuyên chính là một chế độ mà trong đó một nhóm thực hiện sự thống trị xã hội (domination) bằng cách chiếm giữ bộ máy nhà nước, chứ không thống lãnh được xã hội bằng sự lãnh đạo (direction) về mặt ý thức hệ. Một giai cấp nắm giữ sự thống lãnh có thể đến một lúc nào đó đánh mất và để rơi sự thống lãnh này vào tay một giai cấp khác, và lúc đó nó chỉ còn duy trì sự thống trị của mình bằng sự cưỡng chế của nhà nước mà thôi ; đó là trường hợp của chế độ phát-xít của Mussolini ở Ý (xem Jean-Pierre Cot và Jean-Pierre Mounier, Pour une sociologie politique, tome 2, Paris, Ed. Seuil, 1974, trang 60-61). 53 "...équilibre de la société politique avec la société civile, ou hégémonie d'un groupe social sur la société nationale tout entière, hégémonie exercée par le moyen d'organismes privés, comme l'Eglise, les syndicats, les écoles, etc." (Antonio Gramsci, Lettres de la prison, bản dịch từ tiếng Ý ra tiếng Pháp của J. 20 nhất phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thì đối với Gramsci, xã hội dân sự là nơi hiện thực hóa chức năng "thống lãnh" về hệ tư tưởng cũng như về chính trị của nhà nước. "Xã hội chính trị" (tức nhà nước) là nơi thực hiện chức năng cưỡng chế, còn "xã hội dân sự" nơi thực hiện chức năng quyền lực về mặt hệ tư tưởng. Chính vì thế, theo ông, "nhà nước chỉ là một đường hào tiền tiêu, phía sau nó mới là một chuỗi vững chắc các chiến lũy và pháo đài".54 Tuy nhiên, theo Gramsci, cả xã hội chính trị (tức nhà nước theo nghĩa hẹp) và xã hội dân sự đều thuộc về nhà nước "theo nghĩa rộng", như ông tóm tắt trong câu sau : "Nhà nước/quốc gia [État] = xã hội chính trị + xã hội dân sự, nghĩa là sự thống lãnh được bọc sắt bằng sự cưỡng chế."55 Như vậy, chúng ta có thể thấy định nghĩa của Gramsci về xã hội dân sự chủ yếu là một định nghĩa triết học chính trị hay xã hội học chính trị, và ông luôn luôn phản bác quan niệm "duy kinh tế" về xã hội dân sự vốn thường thấy nơi các nhà kinh tế học theo trường phái tự do khi họ sử dụng quan niệm này để phủ nhận vai trò điều tiết hay can thiệp của nhà nước đối với các hoạt động kinh tế-xã hội. Theo Gramsci, sự phân biệt giữa xã hội dân sự với nhà nước là một sự phân biệt về mặt phương pháp luận, nghĩa là trên bình diện lý thuyết trừu tượng, còn trong thực tế, xã hội dân sự và nhà nước là hai cái luôn gắn quyện với nhau, xâm nhập vào nhau. Ông viết : "Các quan điểm của trào lưu mậu dịch tự do đặt nền tảng trên một sự sai lầm lý thuyết mà người ta không khó nhận ra nguồn gốc thực tiễn của nó : [đó là dựa trên] sự phân biệt giữa xã hội chính trị và xã hội dân sự, vốn từ chỗ phân biệt mang tính phương pháp luận chuyển sang một sự phân biệt máy móc (...). Chính do vậy mà người ta khẳng định rằng hoạt động kinh tế là cái chỉ thuộc về xã hội dân sự và rằng nhà nước không được can thiệp bằng cách điều tiết nó. Nhưng, vì trong thực tế hiện thực, xã hội dân sự và nhà nước đồng hóa với nhau [s'identifient], nên chúng ta buộc phải thừa nhận rằng hệ thống mậu dịch tự do chính nó cũng là Noaro, Paris, Ed. Sociales, 1953, thư số 89, trang 313, dẫn lại theo Antonio Gramsci, Gramsci dans le texte, sách đã dẫn, trang 148-149). 54 Antonio Gramsci : "L'État est seulement une tranchée avancée, derrière laquelle se trouve une robuste chaîne de forteresses et de casemates." Dẫn lại theo JeanPierre Cot và Jean-Pierre Mounier, Pour une sociologie politique, tome 2, Paris, Ed. Seuil, 1974, trang 60. 55 "Etat = société politique + société civile, c'est-à-dire hégémonie cuirassée de coercition" (Antonio Gramsci, Gramsci dans le texte, sách đã dẫn, trang 577). Từ État (tiếng Pháp) hay State (tiếng Anh) cũng có nghĩa là quốc gia, nước, chứ không chỉ có nghĩa là nhà nước. Vì thế, chữ État trong câu trên đây cần được hiểu thiên về nghĩa "quốc gia" chứ không phải là nhà nước theo nghĩa hẹp. 21 một sự 'qui định hóa' [réglementation] mang dấu ấn của nhà nước, do các luật lệ và sự cưỡng chế đưa ra và duy trì."56 (Với câu này, chúng ta có thể nhận thấy rằng cách hiểu của Gramsci về xã hội dân sự bao hàm cả các hoạt động kinh tế, như nhận xét của Jacques Texier nói trên.) Chúng ta có thể nhận thấy rằng, đến Gramsci, quan niệm về xã hội dân sự đã khác rất xa so với những định nghĩa ban đầu của John Locke hay Adam Smith. Thuật ngữ "civil society" từ chỗ mang nội hàm đồng hóa với nhà nước/quốc gia nơi Pufendorf hay Locke nhằm thoát ra khỏi sự áp chế của những chế độ quân chủ và thần quyền, chuyển sang nội hàm xã hội của những quan hệ thị trường nơi Ferguson hay Adam Smith, rồi tách ra khỏi nhà nước kể từ Benjamin Constant và Hegel, mang nội dung "xã hội thị dân" của những quan hệ kinh tế nơi Hegel, đến "xã hội tư sản" mang nội dung đấu tranh giai cấp nơi Marx, để rồi cuối cùng mang nội dung "xã hội dân sự" mang tính chất chính trị và "thống lãnh" về mặt tư tưởng của giai cấp tư sản nơi Gramsci. Diễn tiến thay đổi của khái niệm này hoàn toàn không phải ngẫu nhiên hay tự phát. Có thể nói như Anil Louis-Juste rằng toàn bộ lịch sử "biến thể lý thuyết" [transsubstantiation théorique] của khái niệm "xã hội dân sự" qua các tác giả cổ điển nêu trên thực chất mang tính chất ý thức hệ [idéologique] bởi lẽ lịch sử này tương ứng với những quá trình đấu tranh chính trị : "Như vậy, người ta có thể hiểu rằng ý niệm về xã hội dân sự phản ánh những hoàn cảnh cụ thể đang tồn tại ; nó biểu hiện tình hình đấu tranh xã hội diễn ra trong những thời cơ nhất định."57 Sang thế kỷ XX, những sự chuyển hóa về nội dung của thuật ngữ này vẫn còn tiếp tục diễn ra mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. II. Một số quan niệm "huyền thoại hóa" và "công cụ hóa" về xã hội dân sự François Rangeon đã lưu ý về sự vắng bóng của thuật ngữ "xã hội dân sự" kể từ giữa thế kỷ XIX, đặc biệt là nơi các nhà tư tưởng theo trường phái tự do (liberalism) trong thế kỷ XX như F. Hayek, J. Rawls, B. de Jouvenel hay R. Aron, để rồi sau này xuất hiện trở lại một cách khá ồn ào và đa nghĩa,58 đến 56 Antonio Gramsci, Gramsci dans le texte, sách đã dẫn, trang 469. 57 Anil Louis-Juste, "La société civile hier et aujourd’hui [II]. Hegel, Marx et la 'société civile'", trong Alter Presse, 16-1-2006, www.alterpresse.org/article.php3? id_article=3939. 58 Dominique Colas từng nhận xét rằng "cụm từ mơ hồ này [société civile], vốn được 22 mức mà nó không còn là một "khái niệm", mà trở thành như một thứ "huyền thoại", hiểu theo nghĩa của Roland Barthes.59 Thay vào chỗ của những hệ thống lý thuyết phức tạp của Hegel, Marx hay Gramsci về mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự, ngày nay nhiều người hài lòng dễ dãi với lối lập luận hết sức giản lược về sự đối lập giữa xã hội dân sự với nhà nước, cho rằng nhà nước là biểu tượng của cái xấu, và ngược lại, xã hội dân sự là hình tượng lý tưởng của cái tốt. Xã hội dân sự là nơi mang nhiều đức tính như sức sáng tạo, tính năng động, tự do, tính liên đới, khả năng tự quản... đối lập với nhà nước vốn mang tính quan liêu, xơ cứng, nặng nề, mất sức sống...60 Krishan Kumar nêu câu hỏi phải chăng ngày nay thuật ngữ "xã hội dân sự" không còn là một khái niệm có thực chất nữa mà chỉ còn là một "lời kêu gọi hiệu triệu" (rallying cry) hay một "khẩu hiệu" (slogan).61 Danièle Lochak cho rằng, nếu vào thế kỷ XIX, việc sử dụng khái niệm xã hội dân sự nơi những tác giả như Hegel hay Marx chính là biểu hiện của một lối tiếp cận, một khuôn khổ lý thuyết giải thích thực tại, thì ngày nay, điều đáng ngạc nhiên là thuật ngữ này thường bị lạm dụng một cách phi phân tích, phi phê phán, dựa trên sự lưỡng phân và cách ly thô thiển giữa một bên sử dụng quá nhiều kể từ đầu thập niên 1970, thường nói về toàn bộ những gì trong xã hội không thuộc về nhà nước – 'phi nhà nước' ['non étatique'] là một phạm trù tạm chấp nhận được về mặt khái niệm, cũng giống y như phạm trù 'không phải lạc đà' ['non dromadaire'] nói về toàn bộ những hữu thể nào không phải là con lạc đà" (trong François Châtelet, Olivier Duhamel, Évelyne Pisier chủ biên, Dictionnaire des œuvres politiques, Paris, Ed. Presses universitaires de France, Coll. Quadrige / Référence, 2001, trang 588, dẫn lại theo http://fr.wikiquote.org/wiki/Société_ civile). 59 Theo Barthes, "huyền thoại là một hệ thống truyền thông… [nó] không phải là một đồ vật, một khái niệm, hay một ý tưởng ; đó là một phương thức biểu đạt ý nghĩa... [nó là] một giá trị" ("Le mythe est un système de communication... [il] ne saurait être un objet, un concept, ou une idée ; c'est un mode de signification... une valeur", Roland Barthes, Mythologies, Seuil, 1970, trang 193 và 209, dẫn lại theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 30. 60 Theo François Rangeon, bài đã dẫn, trang 29-30. 61 Theo Krishan Kumar, "Civil society", trong Adam Kuper và Jessica Kuper (chủ biên), The Social Science Encyclopedia, 2nd edition, London, New York, Routledge, 1999, trang 90. 23 là nhà nước và một bên là xã hội dân sự.62 Một trong những nguồn gốc sâu xa của hiện tượng thoái hóa của khái niệm xã hội dân sự, hay của những quan niệm sai lầm về xã hội dân sự, đó là sự lên ngôi thống trị của những tư tưởng của học thuyết tự do (liberalism) và tân tự do (neoliberalism) trước sự thoái trào của các nước xã hội chủ nghĩa và sự "hụt hơi" đuối sức của cánh tả ở Tây Âu. Hay nói như Samir Amin, sự thống trị này diễn ra trong bối cảnh mà quá trình nhất thể hóa kinh tế toàn cầu sau Thế chiến thứ hai đã làm sụp đổ ba trụ cột lớn trên thế giới, đó là mô hình Keynes ở các nước phương Tây, chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, và mô hình Bandung ở các nước phương Nam.63 Tôn Thất Nguyễn Thiêm diễn giải quá trình này như sau : "Trong bối cảnh đó [tức kể từ cuối thập niên 1980, với sự suy thoái của các chính thể theo mô hình của Keynes (chủ yếu là ở Tây và Bắc Âu) và sự lan rộng của những chính sách kinh tế tân tự do, cũng như với những chính sách ‘giải lệ’ (‘Deregulation’) vào giữa thập niên 1990], cán cân ‘tương quan lực lượng’ giữa thị trường, Nhà nước và xã hội công dân nghiêng hẳn về thị trường ngày càng trở thành một tác nhân thống lĩnh. Và cũng trong diễn trình đó, các ‘học thuyết tân tự do’ trong khoa học xã hội, nhân văn và chính trị – dựa vào ‘trọng lượng’ của các trường phái tân cổ điển trong kinh tế học – đã phổ biến những ‘định nghĩa mới’ về ‘Civil Society’: đó là khoảng không gian riêng biệt của những mối quan hệ hợp tác giữa tư nhân, nghĩa là những cá nhân trưởng thành, tự do và ý thức, có quyền thiết lập cho riêng mình mọi ‘thể loại hợp đồng quan hệ’ miễn sao các ‘hoạt động dân sự’ ấy không đụng chạm đến quyền lợi của cá nhân khác trong cộng đồng."64 Các tác giả theo học thuyết tự do đã cách ly và đặt cặp khái niệm nhà nước/xã hội dân sự thành hai vế đối lập một cách cực đoan bằng cách đặt nền tảng trên sự đối lập giữa công và tư (public/private). Sự phân biệt công/tư này chính là sự "phân biệt mang tính qui tắc" (distinction canonique) trong học 62 Danièle Lochak, "La société civile : du concept au gadget", trong Jacques Chevalier et al., La société civile, Paris, Presses Universitaires de France, 1986, trang 45. 63 Dẫn lại theo "La société civile : enjeu des luttes sociales pour l'hégémonie" (Editorial), Alternatives Sud, Vol. V, No 1, 1998, trang 11. 64 Tôn Thất Nguyễn Thiêm, "Vốn xã hội nhìn từ tương quan giữa ba giác độ : nhà nước, thị trường, xã hội dân chính", tạp chí Tia sáng, 12-7-2006, xem www.tiasang.com.vn/news?id=634. 24 thuyết tự do kinh tế.65 Họ lập luận rằng lĩnh vực công (public) đồng hóa với lĩnh vực chính trị (political), còn lĩnh vực tư (private) thì đồng hóa với lĩnh vực kinh tế (economic), và vì thế, lĩnh vực công chính là lĩnh vực của nhà nước (State), còn lĩnh vực tư chính là lĩnh vực của xã hội dân sự (civil society). Cặp khái niệm công/tư được đồng hóa về mặt ngữ nghĩa với cặp khái niệm chính trị/kinh tế, và cuối cùng đồng hóa luôn với cặp khái niệm nhà nước/xã hội dân sự ! Tín điều căn bản của học thuyết tự do là : nhà nước và xã hội dân sự là hai cái tách rời nhau, và phải tách rời nhau. Lĩnh vực nhà nước là lĩnh vực của lợi ích chung, phúc lợi chung ; còn lĩnh vực xã hội dân sự là lĩnh vực của những lợi ích tư nhân, những vấn đề riêng tư. Theo Adam Smith, nếu can thiệp vào đời sống kinh tế, nhà nước sẽ xâm phạm đến quyền tự do của các sở hữu chủ, cản trở sự tự do trao đổi, và do đó sẽ làm rối loạn trật tự hài hòa tự nhiên xuất phát từ sự vận hành của thị trường. Trong cặp khái niệm nhà nước/xã hội dân sự, người ta phải ưu tiên chú trọng tới xã hội dân sự : nhà nước có nhiệm vụ phục vụ cho xã hội dân sự, và chính trị phải phụ thuộc vào kinh tế.66 Trong khuôn khổ quan niệm này của học thuyết tự do, chữ civil vô hình trung bị đẩy lui về phía private (tư nhân), mặc dù xét về ngữ nghĩa, chữ civil xuất phát từ chữ La-tinh civis vốn thường được hiểu thiên theo nghĩa "công dân", và mặc dù nơi những tác giả cổ điển trước Hegel, đặc biệt là nơi Locke, chữ civil được dùng để nói về một xã hội được tổ chức về mặt chính trị, có nhà nước, tức là được "văn minh hóa" (civilized) so với xã hội còn trong tình trạng tự nhiên. Cần nói thêm, ngay trong quan niệm của Adam Smith hay của Hegel, chữ civil cũng không hoàn toàn tương ứng với chữ private, vì các hoạt động kinh tế và thương mại, vốn là thành phần cấu tạo nên xã hội dân sự, luôn diễn ra bên ngoài khuôn khổ gia đình, vốn chính là lĩnh vực private theo đúng nghĩa gốc của từ này67, và do đó về mặt này chúng cũng mang tính chất "công 65 Xem Gérard Mairet, "Le libéralisme. Présupposés et significations", trong François Chatelet chủ biên, Les idéologies, Ed. Marabout, 1981, tập III, trang 131159, dẫn lại theo Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 52. 66 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 52. 67 Theo Jürgen Habermas, sự phân biệt giữa công và tư đã có từ thời cổ đại Hy Lạp : trong đô thị Hy Lạp cổ đại, lĩnh vực polis (đô thị) là lĩnh vực công cộng, nơi thanh thiên bạch nhật mà mọi công dân đều có thể tham gia, phân biệt với lĩnh vực oikos (nhà, hay gia đình) là chốn riêng tư, nơi diễn ra hoạt động tái sản xuất sinh học, nơi làm việc của các nô lệ, nơi sinh hoạt của phụ nữ, diễn ra trong bóng tối, bên 25 cộng". Ở đây, sự đồng hóa giữa khái niệm xã hội dân sự với khái niệm tư nhân chỉ có thể được quan niệm trong chừng mực mà cả hai đều đối lập với khái niệm nhà nước hay lĩnh vực công cộng, thế thôi.68 Theo Lochak, chữ public và chữ private cũng không kém phần mơ hồ và đa nghĩa. Chữ public (tương ứng với các từ trong tiếng Việt như : "chung", "công", "công cộng" hay "công khai") có hai nghĩa : nghĩa "chức năng" (sens "fonctionnel") – cái gì có liên quan đến cộng đồng, thuộc về mọi người ; và nghĩa "cơ hữu" hay "qui chế" (sens "organique" ou statutaire) – cái gì có liên quan đến nhà nước và các định chế của nhà nước. Còn chữ private (tương ứng với các từ trong tiếng Việt như : "tư", "tư nhân" hay "riêng tư") thì thường được định nghĩa theo kiểu phủ định, bằng cách qui chiếu về cái đối lập với nó : cái gì không phải công cộng, không mang tính chất chính trị, không có liên quan đến người khác, không phụ thuộc vào nhà nước. Theo Lochak, nhờ quá trình định chế hóa lĩnh vực công cộng (thành các tổ chức của nhà nước) mà chúng ta dễ dàng nhận ra những gì thuộc về lĩnh vực nhà nước hơn là những gì không thuộc về lĩnh vực này, cho nên không có gì phải ngạc nhiên nếu lĩnh vực nhà nước trở thành điểm qui chiếu để định nghĩa lĩnh vực công một cách khẳng định, và định nghĩa lĩnh vực tư theo kiểu phủ định.69 Lochak cho rằng chính vì máy móc hiểu cặp tính từ công/tư theo cái trục ngữ nghĩa nhà nước/phi nhà nước mà quan niệm của học thuyết tự do đã làm nghèo đi một cách thảm hại cặp khái niệm nhà nước/xã hội dân sự vốn từng được triển khai và diễn giải một cách hết sức phong phú bởi Hegel, Marx hay Gramsci. Và vì thế, mối quan hệ giữa xã hội dân sự với nhà nước hoàn toàn mất đi tính chất biện chứng, tác động lẫn nhau hoặc bổ trợ cho nhau, mà chỉ còn lại sự đối lập máy móc và thô thiển giữa công và tư theo kiểu loại trừ lẫn nhau.70 Trong bối cảnh quan niệm như vậy, theo Lochak, việc sử dụng một cách ồn ào thuật ngữ "xã hội dân sự" gần đây, nhất là nơi giới chính trị, chứng tỏ rõ rệt những hàm ý ý thức hệ nằm đằng sau. "Xã hội dân sự" trở thành "điểm quĩ tích của mọi tư tưởng chống nhà nước và chống gò bó".71 trong nhà (theo Jürgen Habermas, L'espace public. Archéologie de la publicité comme dimension constitutive de la société bourgeoise, 1962, dẫn lại theo Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 47). 68 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 54. 69 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 55. 70 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 55-56. 71 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 66. 26 Một trong những nguồn gốc của sự sai lầm ở đây là từ chỗ phê phán những mặt tiêu cực hoặc thất bại của nhà nước phúc lợi (Welfare State) hay nhà nước quan phòng (État providence), họ đi đến chỗ phê phán bản thân nhà nước với tư cách là nhà nước. Cũng nằm trong chiều hướng này, quan niệm sai lạc về xã hội dân sự còn có thể được biểu hiện qua định kiến về sự đối lập giữa thị trường và nhà nước, làm như thể đây là hai lĩnh vực tự bản chất là đối kháng nhau, làm như thể thị trường hoàn toàn không có quan hệ gì với nhà nước, và cho rằng nhà nước tự nó là xấu, là sự cưỡng chế, còn thị trường tự nó là tốt, là nơi phát huy sự tự do, là nơi đẻ ra sự tự do (một bảng quảng cáo ở Costa Rica thậm chí còn đưa ra khẩu hiệu : "Xí nghiệp tư nhân sản xuất ra sự tự do"). Quan niệm này cũng hay đồng hóa thị trường với xã hội dân sự.72 Rangeon nhận xét rằng, ngày nay, thuật ngữ xã hội dân sự đã bị lột bỏ hết mọi nội hàm của khái niệm để khoác lên mình cả một hệ thống các giá trị hoa mỹ mà người ta võ đoán gán ghép cho nó, và do đó, nó biến thành một "huyền thoại". Và điều này không phải không có những hệ quả thực tiễn. Thuật ngữ "xã hội dân sự" thường được nhiều người sử dụng như một trong những công cụ để phê phán nhà nước, để tố cáo những sự can thiệp cụ thể của nhà nước. Nhưng theo Rangeon, đây là một con dao hai lưỡi : vì cụm từ này có thể được khoác lấy những giá trị hết sức khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, chẳng hạn một bên thì đề cao sự liên đới và sự tự quản, còn bên kia thì tán dương sáng kiến cá nhân và sự cạnh tranh tự do.73 Một trong những biểu hiện của hiện tượng huyền thoại hóa khái niệm xã hội dân sự, theo chúng tôi, đó còn là việc công cụ hóa khái niệm này, tức là biến những khái niệm trừu tượng thành những công cụ cụ thể nhằm phục vụ cho những mục tiêu cụ thể. Nói theo ngôn từ triết học, có thể nói rằng hiện tượng này biểu hiện xu hướng vật hóa khái niệm này (reification) – tức là biến những mối quan hệ xã hội thành những mối quan hệ giữa các "đồ vật" với nhau74 –, và vì thế mặc nhiên che giấu và tước bỏ đi nội hàm thực thụ của khái niệm xã hội dân sự vốn phải được luôn luôn quan niệm trong mối quan hệ 72 Xem Helio Gallardo, "Notes sur la société civile : l'évolution du concept", trong Alternatives Sud, Vol. V, No 1, 1998, trang 105-110. 73 Xem François Rangeon, bài đã dẫn, trang 31-32. 74 Xem Georges Labica, "Réification", trong Georges Labica và Gérard Bensussan, Dictionnaire critique du marxisme (Từ điển phân tích học thuyết mác-xít), Paris, Presses Universitaires de France, 1985, trang 979-982. 27 biện chứng với khái niệm nhà nước hay khái niệm xã hội chính trị. Xu hướng công cụ hóa này đã diễn ra, theo chúng tôi, ít nhất theo hai hướng mà chúng ta có thể nhận diện được. Hướng thứ nhất là quy giản và tầm thường hóa khái niệm trừu tượng về xã hội dân sự với tư cách là một "mômen" nói theo Hegel, một "tầng" nói theo Gramsci, hay như một không gian xã hội xét-trong-mối-quan-hệ-hữu-cơ-với nhà nước, thành một khái niệm chỉ còn bao gồm một số tổ chức xã hội cụ thể, hoặc là xem xã hội dân sự như là "người trung gian" giữa công dân với nhà nước, như một "lực lượng đối trọng" hay một "bạn đối tác" với nhà nước, nghĩa là hoàn toàn tách rời khỏi nhà nước. Hướng thứ hai là biến khái niệm "xã hội dân sự", vốn là một khái niệm phân tích (concept analytique) chỉ mang tính trung tính (neutre) thành gần như một thứ mô hình xã hội lý tưởng, mang đủ mọi phẩm chất và đức tính tốt đẹp mà loài người ở vào thời đại nào cũng có thể mong muốn và mơ ước. Cả hai hướng vừa nói đều nhằm mục tiêu sử dụng khái niệm "xã hội dân sự" đã được định nghĩa lại để làm công cụ hay phương tiện biện minh cho những ý thức hệ ẩn tàng hoặc cổ xúy cho những hoạt động thực tiễn nhất định. Về xu hướng biến xã hội dân sự thành một thứ mô hình xã hội lý tưởng, chúng ta có thể xem chẳng hạn định nghĩa sau đây của Partha Chatterjee : xã hội dân sự bao gồm "những định chế đặc trưng của đời sống hiệp hội hiện đại phát sinh từ các xã hội Tây phương - những định chế này đặt nền tảng trên sự bình đẳng, sự tự trị, sự tự do gia nhập và rời khỏi, những qui trình lấy quyết định dựa trên khế ước, những quyền và nghĩa vụ của thành viên, và nhiều nguyên tắc khác tương tự." Apoorv Kurup nhận định rằng "rút ra từ định nghĩa này của Partha Chatterjee, điều hiển nhiên là xã hội dân sự được coi ngang như sự bình đẳng [equality]".75 Biểu hiện dễ thấy nhất của xu hướng công cụ hóa là lối định nghĩa rất phổ thông hiện nay của nhiều tổ chức quốc tế, coi "xã hội dân sự" như chỉ bao gồm các tổ chức phi chính phủ (NGO – Non-governmental organization).76 75 Partha Chatterjee, "On Civil and Political Society in Postcolonial Democracies", trong Sudipta Kaviraj và Sunil Khilnani chủ biên, Civil Society: History and Possibilities, Cambridge University Press, 2001, trang 172, dẫn lại theo Apoorv Kurup, “Fostering Democracy and Regulating Markets for Good Governance: The Contemporary Role of Civil Society in India”, International Journal of Civil Society Law, Vol. III, Issue 2, April 2005, trang 60, và 62. 76 Trong khi đáng lý việc nói đến xã hội dân sự thực chất là nói đến mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội, thì nhiều tổ chức và nhiều học giả Tây phương thường bó hẹp khái niệm "xã hội dân sự" bằng cách định nghĩa đồng hóa nó với các tổ 28 Ngân hàng Thế giới (World Bank), chẳng hạn, "sử dụng thuật ngữ xã hội dân sự [civil society] để nói về toàn bộ các tổ chức phi chính phủ và phi lợi nhuận đang hoạt động trong lĩnh vực công cộng, biểu hiện các lợi ích và các giá trị của các thành viên hoặc của những người khác, dựa trên những mối quan tâm về mặt đạo đức, văn hóa, chính trị, khoa học, tôn giáo hay nhân đạo". Cũng vẫn theo Ngân hàng Thế giới, các "tổ chức xã hội dân sự" (Civil Society Organization - CSO) bao gồm : các nhóm cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các nghiệp đoàn, các nhóm người bản địa, các tổ chức từ thiện, các tổ chức tôn giáo, các hiệp hội nghề nghiệp, và các quỹ tài trợ xã hội.77 Tổ chức Civicus (World Alliance for Citizen Participation) thì tuy coi xã hội dân sự là "lãnh vực ở bên ngoài gia đình, nhà nước, và thị trường, nơi người dân kết hợp hoạt động nhằm thăng tiến các lợi ích chung", nhưng rồi cũng vẫn đóng khung hạn hẹp khái niệm xã hội dân sự vào các "tổ chức xã hội dân sự" khi mà, sau đó, Civicus cho rằng định nghĩa này bao phủ rộng hơn các "tổ chức xã hội dân sự" chính thức (CSO) vì bao hàm cả những tổ chức và hiệp hội phi chính thức (informal).78 Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì đưa ra một định nghĩa cụ thể hơn về các "tổ chức xã hội dân sự" (CSO) : đó là "toàn bộ những hiệp hội của công dân [citizens' associations]... nhằm mục tiêu cung ứng các phúc lợi, dịch vụ, hoặc ảnh hưởng chính trị đối với những nhóm cụ thể trong lòng xã hội", nhưng không bao gồm các đơn vị của chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân, các đảng phái chính trị, và các phương tiện truyền thông đại chúng.79 Nhưng Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (Inter-American Development Bank - IDB) thì lại coi các "tổ chức xã hội dân sự" (CSO) là bao gồm cả các chức phi chính phủ và các hiệp hội. Có thể xem thêm Henry E. Hale, "Civil society from above? Statist and liberal models of state-building in Russia", Demokratizatsiya, Hè 2002. 77 Xem http://web.worldbank.org. 78 "The arena between the family, state and the market, where people associate to advance common interests." (CIVICUS - World Alliance for Citizen Participation, Civil Society Index – Shortened Assessment Tool (CSI-SAT), A Guide for CSI-SAT Implementation Agencies, CIVICUS, VIDS, SNV, UNDP, Washington D.C., 2005). 79 Xem www.imf.org/external/np/exr/facts/civ.htm. 29 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội, lẫn các đơn vị kinh tế tư nhân.80 "Cuốn sách trắng về sự quản trị" của Liên minh Âu châu viết rằng "xã hội dân sự bao gồm đặc biệt các tổ chức nghiệp đoàn của công nhân và của giới chủ..., các tổ chức phi chính phủ, các hiệp hội nghề nghiệp, các hội từ thiện, các tổ chức cơ sở, các tổ chức có sự tham gia của các công dân trong đời sống địa phương và thành phố, với sự đóng góp đặc thù của các giáo hội và các cộng đoàn tôn giáo"81, tức cũng không bao gồm khu vực kinh tế. Trung tâm nghiên cứu về xã hội dân sự của ngôi trường danh tiếng London School of Economics đưa ra một định nghĩa tương đối trừu tượng hơn, nhưng vẫn loại trừ lĩnh vực kinh tế ra ngoài : "Xã hội dân sự [là thuật ngữ] nói về phạm vi hoạt động tập thể tự nguyện [uncoerced] có liên quan tới những lợi ích, những mục tiêu và những giá trị chung. Về lý thuyết, các hình thức định chế của [xã hội dân sự] khác biệt với các hình thức định chế của nhà nước, gia đình và thị trường, mặc dù trong thực tế, các ranh giới giữa nhà nước, xã hội dân sự, gia đình và thị trường thường khá phức tạp, mù mờ và bị lấn qua lấn lại. Xã hội dân sự thường bao trùm nhiều không gian, nhiều tác nhân, và những hình thức định chế khác nhau, khác biệt nhau về mức độ chính thức, mức độ tự trị và mức độ quyền lực. Xã hội dân sự thường bao gồm những tổ chức như các hội từ thiện có đăng ký, các tổ chức phát triển phi chính phủ, các nhóm cộng đồng, các tổ chức của phụ nữ, các tổ chức tôn giáo, các hiệp hội nghề nghiệp, các nghiệp đoàn, các nhóm tương trợ, các phong trào xã hội, các hiệp hội kinh doanh, các liên minh và các nhóm vận động."82 Một trong những biểu hiện của xu hướng "công cụ hóa" xã hội dân sự còn là quan niệm coi xã hội dân sự như một "tác nhân xã hội" bên cạnh nhà nước và/hoặc thị trường, cho dù coi đó là đối trọng hay là đối tác với nhà nước và/hoặc với thị trường. Văn bản dẫn trên của Ngân hàng Thế giới nói rõ rằng xã hội dân sự là "một khu vực đang nổi lên như một tác nhân xã hội [societal actor] trọn vẹn" tại nhiều nơi trên thế giới.83 Rob Jenkins nhận xét rằng các cơ quan viện trợ thuộc các nước Tây phương thường coi vai trò của "xã hội dân sự" như mang 80 Xem www.iadb.org/aboutus/VI/civilsociety.cfm?language=English. 81 Xem http://ec.europa.eu/governance/white_paper/index_fr.htm. 82 The Center for Civil Society, London School of Economics, xem www.lse.ac.uk/ collections/CCS/introduction.htm. 83 Xem mục "Defining Civil Society" trong http://web.worldbank.org. 30 tính chất "công cụ" (instrumental) trong việc thúc đẩy sự phát triển dân chủ ở các nước thế giới thứ ba.84 Khi bàn luận về xã hội dân sự ở Ấn Độ, quan điểm của Apoorv Kurup là coi xã hội dân sự "về thực chất" chính là "một người trung gian then chốt [key interlocutor] giữa nhà nước và xã hội", xét như là "một công cụ thương lượng" (instrument of negotiation) với nhà nước nhằm tạo ra những điều kiện giúp nhà nước hoàn thiện sự quản trị (governance) của mình.85 Nếu Geoffrey Hawthorne cho rằng xã hội dân sự "có thể cải thiện sự truyền thông giữa công dân với chính phủ của mình, nâng cao nền đạo đức công cộng, tạo ra một sự cân bằng đúng đắn hơn về quyền lực, và nhờ đó hình thành một nền dân chủ thỏa đáng", thì Kurup bổ sung rằng, nếu làm như vậy, xã hội dân sự sẽ trở thành "một lực lượng đối trọng [countervailing force], kiềm chế các hành vi độc đoán và những sự can thiệp quá đáng của nhà nước".86 Vì bộ máy hành chính nhà nước thường hay gây khó khăn phiền phức cho người dân, nên trong những trường hợp này, xã hội dân sự có thể "giúp làm cho mối quan hệ giữa nhà nước và cá nhân từ chỗ đối đầu (confrontation) chuyển sang hợp tác (cooperation)".87 Theo Marc Morje Howard, "nhà nước không phải là kẻ đối lập [opponent] mà cũng chẳng phải là phản đề [antithesis] của xã hội dân sự, nhưng là người bạn hợp tác [cooperative partner] với xã hội dân sự".88 Nhận định về mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự ở Nga, Marcia Weigle nhấn mạnh đến mô hình "quan hệ đối tác" ("partnership" model) và cho rằng không thể coi mối quan hệ này như một "trận đấu quyền anh", vì đúng ra nó giống như "một cuộc khiêu vũ của hai người bạn đối tác không bình đẳng" (a dance of two unequal partners) : nhà nước cần bước lên sàn nhảy và đi bước chính trước, vì nếu không thì xã hội dân sự không thể bước chân vào cuộc 84 Theo Rob Jenkins, “Mistaking ‘Governance’ for ‘Politics’: Foreign Aid, Democracy and the Construction of Civil Society,” trong Sudipta Kaviraj và Sunil Khilnani chủ biên, Civil Society: History and Possibilities, Cambridge University Press, 2001, trang 263, dẫn lại theo Apoorv Kurup, bài đã dẫn, trang 62. 85 Apoorv Kurup, bài đã dẫn, trang 65. 86 Apoorv Kurup, bài đã dẫn, trang 62. 87 Apoorv Kurup, bài đã dẫn, trang 62. 88 Marc Morje Howard, The Weakness of Civil Society in Post-Communist Europe, Cambridge University Press, 2002. 31 chơi này được.89 Ngoài ra, liên quan tới thị trường và những mặt trái của nó, Kurup còn cho rằng, vì các định chế của xã hội dân sự gần gũi và gắn bó với những giá trị xã hội và những giá trị tôn giáo sâu xa, nên chúng có thể "tạo điều kiện phát triển một hệ thống thị trường có trách nhiệm giải trình [accountable], tự điều tiết [self-regulating], có hiệu quả, mang tính nhân bản [human], và có tính cạnh tranh". "Cái giao diện [interface] giữa xã hội dân sự và các thị trường sẽ nỗ lực hướng đến chỗ tạo ra một nền kinh tế dân sự [civil economy]."90 Theo Howell và Pearce, trong các hoạt động của xã hội dân sự có liên quan tới kinh tế, có thể phân biệt được hai giòng trào lưu chính sau đây : (a) vai trò của xã hội dân sự trong việc "làm cho chủ nghĩa tư bản có ý thức trách nhiệm về mặt xã hội" (making capitalism socially responsible); và (b) xây dựng một con đường phát triển khác (alternative development).91 Tuy nhiên, khác với xu hướng chú ý tới những mặt trái của kinh tế thị trường nêu trên, cũng có những tác giả lại dựa trên tư tưởng của Adam Smith để huyền thoại hóa vai trò của thị trường và xem đây như chiếc đũa thần có khả năng hóa giải mọi vấn đề xã hội và chính trị. Điển hình như Václav Klaus, trong quyển The Ten Commandments of Systematic Reform (Mười điều răn của cuộc cải cách hệ thống) (1993), lập luận rằng ý thức công dân tốt được đặt nền tảng trên sự tính toán duy lý về lợi ích cá nhân. Homo politicus (con người chính trị) là một hệ quả của Homo oeconomicus (con người kinh tế). Dẫn lời Adam Smith, Klaus cho rằng "động lực mạnh nhất là 'nỗ lực đồng nhất, bền bỉ và không ngưng nghỉ của mọi cá nhân con người nhằm cải thiện điều kiện sống của mình'." Nếu bản tính con người là bền bỉ như vậy, thì theo Klaus, sự tính toán về "thu nhập và giá cả" đóng vai trò trong "bất cứ quyết định kinh tế (và phi kinh tế) nào". Điểm then chốt để tạo dựng và duy trì một chính quyền dân chủ là thiết lập một hệ thống kinh tế cung ứng được tiền công cao nhất so với giá cả hàng hóa. Theo Klaus, không chỉ hệ thống kinh tế mà cả đời sống chính trị cũng vận hành thuận theo "bàn tay vô hình" của Adam 89 Marcia A. Weigle, "On the road to the civic forum: State and civil society from Yeltsin to Putin", trong Demokratizatsiya, Spring 2002. 90 Apoorv Kurup, bài đã dẫn, trang 63-64. 91 Jude Howell và Jenny Pearce, Civil Society and Development: A Critical Exploration, London, Lynne Rienner, 2001, dẫn lại trong bài "Civil Society and Market", xem www.iss.nl/Research-clusters/Civil-Society-and-Market. 32 Smith.92 Một quan niệm khác về xã hội dân sự, xuất phát từ trường phái mà người ta thường gọi ở Pháp là "cánh tả thứ hai" ("deuxième gauche"), mong muốn đi tìm những phương thức tổ chức xã hội mới, khác với chủ nghĩa tư bản lẫn với xu hướng duy nhà nước (étatisme). Lập trường của trường phái này là coi "xã hội dân sự" như một "khu vực thứ ba" (troisième secteur) nằm giữa khu vực công và khu vực tư, hoặc là coi đó như một "con đường thứ ba" (troisième voie) cho phép người ta thoát ra khỏi lôgic của quyền lực lẫn lôgic của lợi nhuận. Khu vực tư nhân ở đây không còn được đề cao, mà bị đánh giá tiêu cực cũng giống như khu vực công : khu vực tư nhân được coi là đồng hóa với chủ nghĩa tư bản, còn khu vực công thì đồng hóa với bộ máy hành chính quan liêu áp bức. Đây là luận điểm tiêu biểu của Pierre Rosanvallon, một nhà sử học Pháp, trong quyển L'âge de l'autogestion (Thời đại tự quản) (1976) : ông nói đến "một xã hội dân sự bị biến dạng bởi chủ nghĩa tư bản, lệ thuộc vào sự ngự trị của mệnh lệnh thị trường", đứng trước "một nhà nước vừa xâm nhập vào mọi lĩnh vực, vừa bất lực, siêu tập trung và kém hiệu lực". Do đó, ý định của trường phái "tự quản" này (autogestion) là xây dựng lại "một xã hội dân sự thực thụ trong một thế giới bị đè bẹp bởi bộ máy quan liêu nhà nước và sự ngự trị của hàng hóa vốn làm biến dạng mọi quan hệ xã hội".93 Nền tảng của quan niệm này là ý tưởng tam phân (ternaire) về xã hội (bao gồm nhà nước, thị trường, và xã hội dân sự), chứ không còn là nhị phân (binaire) (bao gồm nhà nước và xã hội dân sự): giữa một khu vực tư nhân ô tạp bị thống trị bởi qui luật lợi nhuận, và một khu vực nhà nước bị quan liêu hóa và có thể mang tính áp bức, có "khu vực thứ ba" là nơi của sự tự do, sự bình đẳng, và tình nhân ái. Về mặt lý thuyết, đây rõ ràng là quan niệm đi theo "lôgic ngăn cắt [découpage] và chia ô [compartimentage] đối với không gian xã hội".94 Theo Lochak, có ba lối diễn giải khác nhau trong quan niệm về xã hội dân sự như một "khu vực thứ ba". Thứ nhất, đó là coi "khu vực thứ ba" như một không gian độc lập, một vùng trung gian nằm giữa các khu vực công và tư, có những chức năng riêng biệt đặc thù thông qua hoạt động của các hiệp 92 Dẫn lại theo James F. Pontuso, "Transformation Politics: The Debate Between Václav Havel and Václav Klaus on the Free Market and Civil Society", Studies in East European Thought, Vol. 54, No 3, Sept. 2002 trang 153-177. 93 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 70. 94 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 72-73. 33 hội như quản lý những lợi ích tập thể, đảm nhiệm khu vực phi lợi nhuận... vốn không thuộc về chức năng của nhà nước lẫn của xí nghiệp tư nhân. Lối diễn giải thứ hai, đó là coi "khu vực thứ ba" như một không gian trung giới (médiation) giữa nhà nước với xã hội dân sự. Trong không gian này, các hiệp hội được coi như nơi chuyển tiếp, nơi truyền đạt những yêu cầu của xã hội đối với nhà nước, nơi mà nhà nước có thể sử dụng như trung gian đối với xã hội. Lối diễn giải thứ ba, đó là coi "khu vực thứ ba" như một phương tiện nhằm phục hồi và tái sinh xã hội dân sự vốn bị chi phối bởi những lợi ích cá nhân vị kỷ và bởi qui luật của lợi nhuận.95 Trung tâm nghiên cứu về xã hội dân sự của Đại học California cũng đưa ra một định nghĩa tương tự, coi xã hội dân sự là thuật ngữ nói về "toàn bộ các định chế, các tổ chức và ứng xử nằm giữa nhà nước, thế giới kinh doanh, và gia đình", và cho rằng "các định chế tư nhân" (private institutions) trong lĩnh vực này chính là "khu vực thứ ba" (third sector) mà lâu nay giới khoa học xã hội không chú tâm coi trọng, nằm giữa hai khu vực thường được nói đến là nhà nước và thị trường.96 Cũng theo chiều hướng này, Nicanor Perlas viết : "Xã hội dân sự hiện đại đã đưa ra hai lời tuyên ngôn độc lập – một là độc lập khỏi nhà nước và hai là độc lập khỏi thị trường. Xã hội dân sự tự nhìn nhận một cách có ý thức rằng mình là một lực lượng đối trọng chống lại những xu hướng toàn trị nơi nhà nước và thị trường (...). Xã hội dân sự là lực lượng thứ ba toàn cầu [third global force] bên cạnh nhà nước và thị trường. (...) Chúng ta đang sống trong một thế giới tam cực [tri-polar world], được cấu thành bởi các lực lượng của thị trường, nhà nước và xã hội dân sự. Nhưng thế nào là xã hội dân sự ? Mọi xã hội đều có ba lĩnh vực tự trị, nhưng có liên hệ hữu cơ lẫn nhau. Đó là các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Thị trường nằm trong nền kinh tế. Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực chính trị. Nơi cư trú tự nhiên của xã hội dân sự là trong nền văn hóa. Thị trường có quyền lực kinh tế, nhà nước sử dụng quyền lực chính trị, và xã hội dân sự huy động quyền lực văn hóa. (...) Xã hội dân sự huy động quyền lực văn hóa đối với nhà nước bằng cách trao cho hoặc tước đi tính hợp thức [legitimacy] của nhà nước. (...) Xã hội dân sự cũng có thể huy động quyền lực văn hóa đối với thị trường, chẳng hạn bằng cách ảnh 95 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 72-73. 96 The Center for Civil Society, University Of California, Los Angeles, xem www.sppsr.ucla.edu/ccs. 34 hưởng tới nhu cầu đối với những mặt hàng nhất định thông qua sự tẩy chay."97 Anil Louis-Juste đã phê phán ý tưởng về "con đường thứ ba" của Anthony Giddens như sau. Xuất phát từ nhận định rằng ngày nay đang diễn ra rộng khắp sự "suy thoái về ý thức công dân", sự "sụt giảm của ý thức liên đới", sự "gia tăng về tỷ lệ tội phạm" và sự "tan vỡ của hôn nhân và gia đình", Giddens kêu gọi đổi mới lại xã hội dân sự bằng cách triển khai các chương trình phát triển cộng đồng và đề xướng một sự hợp tác chủ động giữa xã hội dân sự với nhà nước. Xã hội dân sự chưa bao giờ không phải là nơi hàm chứa những xung đột xã hội – Giddens cũng buộc phải thừa nhận thực tế này, nhưng ông lại chọn lối tiếp cận giải quyết "vấn đề xã hội" ("social question") bằng cách đề cao ý thức công dân và quyền công dân ; chính vì vậy mà ông nhấn mạnh vai trò của xã hội dân sự trong việc "xây dựng lại một không gian công cộng". Ông gạt ra ngoài ý tưởng về sự giải phóng con người khỏi thân phận bất công, bị thống trị, và vì thế, khi nhấn mạnh đến khái niệm "cơ hội sống", thực chất ông đã "tước bỏ nội dung xã hội của lao động và của các phương tiện sinh sống để che giấu sự bóc lột, sự thống trị và sự kỳ thị xã hội, và từ đó đề xướng sự hòa hợp xã hội hay sự cộng tác giữa các giai cấp thông qua chương trình 'mới' của ông mang tên là 'chương trình Con đường thứ ba' " (những chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi – T.H.Q.).98 Diễn đàn Xã hội Thế giới (Forum Social Mondial), theo Louis-Juste, cũng rơi vào sai lầm tương tự khi họ muốn huy động một loạt các phong trào, các tổ chức và các mạng lưới nhằm liên kết lại chúng với nhau trong những cuộc phản kháng rộng rãi đấu tranh cho mục tiêu "xã hội" chống lại quá trình "toàn cầu hóa của các công ty" (corporate globalization). Theo những người chủ trương Diễn đàn này, quá trình này sẽ được đảm nhiệm bởi chính "các thực thể của xã hội dân sự" ; họ "dường như quên mất cuộc đấu tranh giai cấp đang diễn ra hàng ngày ngay trong lòng 'xã hội dân sự' – một cái nhãn hiệu mà họ muốn xem như một khối đồng nhất". Lý thuyết "toàn cầu khác" (altermondialism) đặt nền tảng trên những hoạt động khởi xướng từ sự liên đới (solidarity) và sự phổ quát hóa ý thức công dân, và do đó, ý tưởng về xã hội dân sự của Diễn đàn Xã hội Thế giới thực chất là một chủ trương hòa hợp 97 Nicanor Perlas, "Social Threefolding – Channeling the Tensions Between Civil Society and State to Constructive Uses", GlobeNet3, Pasig City, Philippines, xem www.globenet3.org. 98 Anil Louis-Juste, "La société civile hier et aujourd’hui [III]. La Société Civile solidaire de la 'Troisième Voie' et du Forum Social Mondial", trong Alter Presse, 20-1-2006, xem www.alterpresse.org/article.php3?id_article=3983. 35 và hợp tác giai cấp mà không hề bận tâm gì đến việc đặt lại vấn đề "về nền tảng vật chất của sự bóc lột tư bản chủ nghĩa", và suy cho cùng là củng cố cho ý thức hệ tân tự do. Louis-Juste nhận định về quan điểm này như sau : "Từ chỗ là một không gian, là những cuộc đấu tranh đối kháng, xã hội dân sự chuyển sang cương vị của một tác nhân đồng thuận và đa nguyên muốn tìm cách hành động nhằm tiến tới một khế ước xã hội mới, nghĩa là đặt nền tảng trên cá nhân thị dân/tư sản [l’individu bourgeois], chủ thể quyền lợi [sujet-dedroit]."99 Sau khi điểm lại các quan niệm mới khác nhau về xã hội dân sự, Rangeon nhận xét như sau : "[Vì] không có một nội dung cố định, [nên] xã hội dân sự đã khoác lấy những ý nghĩa khác nhau trong suốt lịch sử thăng trầm của mình, một lịch sử trong đó nó không ngừng bị giành giật và bị đánh giá lại trong chừng mực mà nó đang là một trong những chủ đề của cuộc tranh luận chính trị hiện nay."100 Còn Lochak thì bi quan hơn khi cho rằng "những tiềm năng đổi mới lý thuyết của khái niệm xã hội dân sự đã nhanh chóng bị dìm chết đuối bởi cách thức mà người ta sử dụng khái niệm này một cách phi phê phán" trong những bối cảnh mang nặng tính chính trị và tính ý thức hệ, và do đó thuật ngữ này cuối cùng đã trở thành như một thứ đồ trang sức không hơn không kém !101 III. Khái niệm xã hội dân sự ở Việt Nam Trong các nước xã hội chủ nghĩa, thuật ngữ "xã hội dân sự" hầu như rất hiếm khi được các nhà khoa học xã hội nhắc tới. Ngay cả ở Nga, mãi cho tới cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, giới nghiên cứu mới bắt đầu đề cập tới khái niệm này. 102 Ở Trung Quốc, thuật ngữ "civil society" thường được dịch là "xã hội công dân". "Xã hội công dân đang dần có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội Trung Quốc và nó cũng là một chủ đề thu hút sự thảo luận rộng rãi trong giới học thuật của nước này."103 99 Anil Louis-Juste, bài đã dẫn. 100 François Rangeon, bài đã dẫn, trang 32. 101 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 75. 102 Xem Tanya Narozhna, "Civil Society in the Post-Communist Context: Linking Theoretical Concept and Social Transformation", trong Demokratizatsiya, Xuân 2004. 103 Phùng Thị Huệ, Phạm Ngọc Thạch, "Xã hội công dân Trung Quốc : cơ sở hình 36 Phùng Thị Huệ và Phạm Ngọc Thạch định nghĩa xã hội công dân là "tổng hòa các tổ chức công dân hoặc quan hệ công dân ngoài khu vực nhà nước và thị trường, với thành phần cơ bản là các tổ chức công dân, bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội tự nguyện của công dân, các tổ chức cộng đồng cư dân và các nhóm lợi ích hoặc các phong trào được tổ chức bởi sự tự nguyện của công dân, hay còn gọi là 'khu vực thứ ba' giữa nhà nước và xã hội."104 Một tác giả khác người Trung Quốc là Chen Kuide thì định nghĩa "xã hội công dân bao gồm cả 'các xí nghiệp tư, các đại học, báo chí, công đoàn, giáo hội, và tất cả các tổ chức đứng độc lập với guồng máy nhà nước'."105 Ở Trung Quốc, " 'xã hội công dân' – một bộ phận nằm ngoài nhà nước và thị trường, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc kết nối người dân. Với cách thức tổ chức nhỏ gọn, linh hoạt cũng như có khả năng huy động sáng kiến và nguồn lực của người dân nhằm phục vụ xã hội, 'xã hội công dân' có tầm quan trọng chiến lược trong quá trình tìm kiếm 'con đường trung dung', hay cách thức tránh sự quá phụ thuộc vào Nhà nước và thị trường để giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội nghiêm trọng đang tồn tại hiện nay. (…) Từ những thay đổi quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội do các biện pháp cải cách mang lại, các tổ chức công dân ở Trung Quốc bắt đầu phát triển nhanh trong thập niên 80 của thế kỷ XX. Các tổ chức công dân vốn bị kiểm soát triệt để nhằm phục vụ mục tiêu của nhà nước trước cải cách, đến nay đã bắt đầu có được sự tự chủ tương đối và hoạt động tích cực nhằm thúc đẩy các lợi ích của xã hội."106 Do sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong vòng 20 năm qua, nên nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng sự thay đổi về cấu trúc của xã hội chính là kết quả của những cuộc cải tổ trong lĩnh vực kinh tế.107 Rebecca Moore cho thành và môi trường chính sách", Tạp chí Triết học, số 7 (194), tháng 7-2007, trang 25. 104 Phùng Thị Huệ, Phạm Ngọc Thạch, bài đã dẫn, trang 26. 105 Theo Ma Shu Yun, trong China Quarterly số 137, 1994, dẫn lại theo Quý Đỗ, "Thế nào là 'xã hội công dân' ?", Tạp chí Tia sáng, 8-5-2006. 106 Phùng Thị Huệ, Phạm Ngọc Thạch, bài đã dẫn, trang 25 và 29. 107 Xem Li Peilin, Guo Yuhua, Liu Shiding, "La sociologie chinoise face à la transition sociale", trong Laurence Roulleau-Berger, Guo Yuhua, Li Peilin, Liu Shiding (chủ biên), La nouvelle sociologie chinoise, Paris, CNRS Editions, 2008, trang 85. 37 rằng "những thay đổi gần đây trong mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội ở Trung Quốc, trong đó có sự trỗi dậy của các hiệp hội hoặc tổ chức xã hội mới (shehui tuanti) phần lớn đều là sản phẩm của những cải cách kinh tế vốn được khởi xướng bởi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình bắt đầu từ cuối thập niên 1970".108 Tình hình ở Việt Nam nói một cách tổng quát cũng phần nào tương tự như tình hình ở Trung Quốc. Sau đây, chúng ta sẽ điểm lại một số quan niệm về xã hội dân sự ở Việt Nam trong những năm gần đây. 1. Quan niệm ở Việt Nam Ở Việt Nam, có tác giả thì cho là xã hội dân sự đã có từ lâu, nhưng cũng có tác giả lại cho rằng xã hội dân sự chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Đặng Ngọc Dinh viết như sau : "Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy xã hội dân sự đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu. Nói nôm na, đó là các tổ chức xã hội nằm ngoài Nhà nước, nằm ngoài các hoạt động của doanh nghiệp (thị trường), nằm ngoài gia đình, để liên kết người dân với nhau trong những hoạt động vì một mục đích chung. Như vậy, thành phần quan trọng của xã hội dân sự là các hội, hiệp hội trong dân chúng, trong làng xóm, mang tính chất liên kết cộng đồng. Theo quan niệm đó thì ở Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc là tổ chức xã hội dân sự lớn nhất, bao gồm các đoàn thể (công đoàn, phụ nữ, thanh niên, nông dân...), hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ..."109 Nhưng Nguyễn Quân thì lại cho rằng "ở Việt Nam, xã hội công dân hầu như chưa xuất hiện dù đã có mấy chục năm thuộc địa 100% ở Nam Kỳ, chế độ cộng hoà phụ thuộc Mỹ cũng như những thập niên xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc."110 108 Rebecca R. Moore, "China's fledgling civil society: a force for democratization?", World Policy Journal, Vol. 18, No 1, Spring 2001. Khi bàn luận về việc làm sao xây dựng lại vốn xã hội ở Nga nói riêng và ở các nước Đông Âu nói chung sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ sụp đổ, Robert Putnam từng cho rằng phải mất hàng thế kỷ, nhưng cũng có một số tác giả khác cho rằng chỉ cần vài chục năm (xem Lene Hjollund, Martin Paldam, Gert Tinggaard Svendsen, “Social capital in Russia and Denmark : A comparative study”, 2001, www.gov.si/zmar/ conference/2001/pdf-konf/17-paldam.pdf). 109 Đặng Ngọc Dinh, "Đừng sợ xã hội dân sự !", Tuổi trẻ cuối tuần, 21-5-2006, trang 14. 110 Nguyễn Quân, "Vốn xã hội - nguồn lực hay cản trở ?", tạp chí Tia sáng, 8-52006. 38 Xã hội dân sự đã có mặt ở Việt Nam từ khi nào, với hình hài thế nào, các loại hội trong làng xã cổ truyền có nằm trong khái niệm xã hội dân sự hay không... đó là những vấn đề thuộc về một chủ đề khác nằm ngoài tiêu điểm của bài này. Tuy nhiên, ít ra chúng ta có thể đồng ý với một nhận xét chung như sau : "Kể từ khi đổi mới, nhất là từ cuối những năm chín mươi đến nay, cùng với sự lớn mạnh của thị trường và những điều chỉnh của nhà nước, xã hội dân sự bắt đầu phát triển mạnh mẽ với nhiều tổ chức ra đời."111 Nguyễn Thanh Tuấn nhận định như sau : "Ở Việt Nam, cho đến nay, mặc dù các văn kiện Đảng và Nhà nước chưa trực tiếp nêu khái niệm 'xã hội dân sự' hay 'xã hội công dân', song trên thực tế, ở mức độ nhất định, Đảng và Nhà nước đã bước đầu chú ý đến việc xây dựng các thể chế và cơ sở pháp lý của xã hội dân sự. (…) Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế đã, đang thúc đẩy sự hình thành, phát triển nhiều ý kiến, thậm chí luồng tư tưởng khác nhau trong xã hội về vai trò của các tổ chức dân sự trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản và Nhà nước pháp quyền."112 Trần Ngọc Hiên cũng đưa ra một nhận xét tương tự : "Trên thực tế, hiện nay đã hình thành rất nhiều các tổ chức xã hội dân sự như các hội, các ngành kinh tế, các lĩnh vực khoa học và công nghệ, các lĩnh vực dịch vụ. Sự thực, một khuôn mặt xã hội dân sự kiểu mới ở nước ta đang hình thành, có thể coi đó là bước tiến của nền dân chủ, khác về bản chất với xã hội trước đổi mới. Tuy vậy, về mặt thể chế, phạm trù xã hội dân sự chưa được xác định trong văn bản, tức là chưa dám đặt viên gạch thứ ba (là xã hội dân sự) tạo cơ sở đầy đủ cho mối quan hệ thể chế kinh tế chính trị nước ta."113 Về yêu cầu hình thành xã hội dân sự, hầu hết các tác giả đều nhấn mạnh tới điều này như một yêu cầu cấp thiết đối với xã hội Việt Nam hiện nay. Phan Xuân Sơn nói như sau : "Chúng ta từ lâu nêu khẩu hiệu : 'Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra', 'Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ'... Nhưng nếu dân chỉ là 111 Lê Bạch Dương, "Xã hội dân sự khỏe, nhà nước khỏe", Pháp luật TPHCM, 23-42008. 112 Nguyễn Thanh Tuấn, "Xã hội dân sự : từ kinh điển Mác-Lênin đến thực tiễn Việt Nam hiện nay", Tạp chí Cộng sản, số 12 (132), tháng 7-2007. 113 Trần Ngọc Hiên, "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta", Tạp chí Cộng sản, số 10 (154) tháng 52008. Có thể xem thêm bài phân tích về khái niệm xã hội dân sự và thực tế xã hội dân sự trong thời kỳ quá độ ở Việt Nam của Lữ Phương, "Xã hội công dân : từ triệt tiêu đến phục hồi", xem www.viet-studies.info/LuPhuong.htm. 39 những cá thể đơn độc thì không thể biết, bàn, cũng chẳng thể kiểm tra, làm chủ. Nếu người dân tập hợp lại trong các hội đoàn của xã hội dân sự thì chính những hội đoàn đó sẽ luôn ở thế cân bằng với nhau, phối hợp với nhau, kiểm soát nhau và cân bằng với cả nhà nước. (...) Thiếu xã hội dân sự thì quyền lực nhà nước tuột khỏi tay dân, nhà nước có nguy cơ tha hóa. (...) Tôi nghĩ đảng cầm quyền mạnh thì không nên chỉ lo kiểm soát xã hội, ngược lại luôn cố gắng kéo nhân dân vào quá trình kiểm soát quyền lực, động viên nhân dân vào quá trình thực thi quyền lực."114 Tôn Thất Nguyễn Thiêm viết : "Có thể nói như nhận định của Joseph Schumpeter (Capitalism, Socialism and Democracy, Peter Smith Publishers, 1984) là ‘tính đối trọng’ giữa Nhà nước và xã hội công dân trong chế độ tư bản tương tự như sự ‘cân bằng giữa mã lực của chiếc xe và sức chận của cái phanh : xe chạy nhanh mà không có phanh tốt thì dễ toi đời’. Và ‘tuyệt chiêu’ của tư bản là Nhà nước và xã hội công dân hoạt động tương tác với nhau : cái này phóng nhanh quá thì cái kia đạp phanh và cái kia chậm quá thì cái này lại rồ máy tăng ga’. Nói cách khác, Nhà nước và xã hội công dân vừa thúc đẩy tính năng động của nhau vừa làm đối lực cho ‘sức mạnh’ của nhau !"115 Một bài viết về khái niệm xã hội dân sự trên tạp chí Cộng sản cũng khẳng định rằng "dưới chủ nghĩa xã hội, kể cả trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cũng cần phải xây dựng xã hội dân sự".116 Thế nhưng cần hiểu thế nào là "xã hội dân sự" ? Phần lớn những bài viết xuất hiện trong thời gian qua thường có xu hướng thiên về lối định nghĩa coi xã hội dân sự như một mô hình tổ chức xã hội dân chủ, tốt đẹp, và lý tưởng. Bài vừa dẫn trên đây trong tạp chí Cộng sản cho rằng xã hội dân sự "là xã hội của những con người tự chủ, giàu tính người, đoàn kết thúc đẩy phát triển và thực hành quyền lợi cộng đồng, chứ không phải những con người cá nhân vị kỷ, nô lệ cho kinh tế thị trường, nô lệ cho nhu cầu hám lợi của mình và của người khác."117 Trong một bài phát biểu, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An cũng nói rằng : "Tiến đến xã hội 114 Phan Xuân Sơn (Nghĩa Nhân phỏng vấn), "Xã hội dân sự yếu thì nhà nước yếu", Pháp luật TPHCM, 21-6-2006, trang 3. 115 Tôn Thất Nguyễn Thiêm, "Vốn xã hội nhìn từ tương quan giữa ba giác độ: nhà nước, thị trường, xã hội dân chính", Tạp chí Tia sáng, 12-7-2006. 116 "Xã hội dân sự", Tạp chí Cộng sản, số 12 (132), tháng 7-2007. Xem thêm Trần Hữu Quang, "Phát triển các định chế xã hội : Một trong những tiền đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh", Tạp chí Khoa học xã hội, số 11 (87), 2005, trang 20-26. 40 pháp quyền cũng là tiến đến một xã hội công dân với đặc tính chủ quản, tự tổ chức rất cao của nhân dân. Khi ấy nhà nước sẽ nhỏ đi, đúng như Mác nói là 'nhà nước nửa nhà nước'."118 Phan Xuân Sơn cũng cho rằng "xã hội dân sự bản tính hướng tới chân thiện mỹ, là minh bạch, công khai, công bằng nên khả năng giám sát, đối trọng cao, hạn chế được tiêu cực, tham nhũng" (những chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi, T.H.Q.).119 Võ Khánh Vinh cũng có một cái nhìn mang tính qui phạm (normative) về xã hội dân sự, coi "xã hội dân sự" là một mô hình xã hội lý tưởng, ở trình độ cao, trong đó có những chuẩn mực nhất định cần đạt tới, coi xã hội dân sự là một "nguồn lực xã hội", là "vốn xã hội".120 Nhưng điểm đáng lưu ý ở đây là dường như ông rơi vào quan điểm duy kinh tế khi cho rằng "kinh tế thị trường, phát triển kinh tế thị trường tạo lập ra cơ sở nền tảng, đặc biệt là nền tảng kinh tế cho sự ra đời và vận hành của xã hội dân sự", và nhất là khi nhấn mạnh rằng "việc chuyển đổi nhanh chóng đất nước chúng ta đến nền kinh tế thị trường văn minh, hiện đại là tiền đề, điều kiện quan trọng nhất cho sự hình thành, vận động và phát triển xã hội dân sự" (những chỗ nhấn mạnh là do chúng tôi – T.H.Q.).121 Có lẽ quan điểm này cũng tìm được sự đồng thuận nơi một số tác giả khác, chẳng hạn Đặng Ngọc Dinh viết như sau : [một xã hội phát triển, trong đó tôn trọng vai trò xã hội dân sự] sẽ phát triển "song hành với quá trình phát triển thị trường đích thực. Khi có thị trường đích thực thì sẽ có tư pháp độc lập, khi đó có nhà nước pháp quyền đích thực và có thượng tôn pháp luật."122 Cũng có nhiều tác giả đồng hóa xã hội dân sự với các hiệp hội và tổ chức xã hội. Chẳng hạn, Nguyễn Thanh Tuấn quan niệm "xã hội dân sự là lĩnh vực thuộc đời sống xã hội ; bao gồm các tổ chức đoàn thể, hiệp hội với quy chế dân lập, hoạt động tự quản trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật, để phản biện, giám sát và phối hợp với Nhà nước, nhằm đảm bảo và thực hiện dân chủ, 117 "Xã hội dân sự", Tạp chí Cộng sản, bài đã dẫn. 118 Nguyễn Văn An, "Xã hội dân sự trong mắt chuyên gia", Pháp luật TPHCM, 3112-2007. 119 Phan Xuân Sơn, bài đã dẫn. 120 Võ Khánh Vinh, "Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự", Tạp chí Khoa học xã hội, số 04 (116)-2008, trang 24-25. 121 Võ Khánh Vinh, bài đã dẫn, trang 24 và 32. 122 Đặng Ngọc Dinh, bài đã dẫn. 41 quyền con người, lợi ích cộng đồng…"123 Khi quan niệm về xã hội dân sự, Đặng Ngọc Dinh nhấn mạnh đến tính chất "diễn đàn" của xã hội dân sự và đưa ra một quan niệm tam phân về hệ thống xã hội tổng thể (bao gồm nhà nước, thị trường, và xã hội dân sự), trong đó xã hội dân sự là nơi phát huy các phẩm chất "đạo đức", "tính nhân văn" và "tính cộng đồng". Ông viết : "Có thể coi xã hội dân sự là diễn đàn, là nơi mọi người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung. Xã hội dân sự hỗ trợ người dân thực thi luật pháp, đồng thời phản ánh nguyện vọng người dân. Nếu thể chế nhà nước hoạt động dựa vào luật, thể chế thị trường hoạt động dựa vào lợi nhuận thì xã hội dân sự vẫn tuân theo pháp luật, tuân theo thị trường, nhưng thúc đẩy khía cạnh đạo đức, khai thác tính nhân văn, tính cộng đồng." Ông nói thêm rằng "không nên cực đoan hiểu xã hội dân sự là đối lập với chính quyền, hoặc chính quyền có thể bao trùm hết mọi việc của người dân cho nên không cần xã hội dân sự. Có thể nói xã hội dân sự và chính quyền là bổ sung cho nhau."124 Tác giả Tương Lai thì hình dung xã hội dân sự như một "đối tác" của nhà nước, và nhấn mạnh đến khía cạnh tham gia và "phản biện" của người dân đối với nhà nước : "Xã hội dân sự là đối tác bình đẳng của nhà nước chứ không phải là cái đuôi của Nhà nước, về thực chất là tạo điều kiện để người dân thực sự tham gia vào việc hoạch định, thực hiện chính sách và giám sát nhà nước, thực hiện phản biện xã hội đối với Nhà nước, kể cả đối với phẩm chất và hành vi của viên chức Nhà nước."125 Lê Bạch Dương quan niệm xã hội dân sự như một "khu vực thứ ba", bên cạnh nhà nước và thị trường – cả ba cấu thành nên xã hội tổng thể. Ông viết : "Một xã hội muốn phát triển được phải dựa vào sự phát triển của ba khu vực: một là khu vực nhà nước; hai là nền kinh tế thị trường. Ngoài hai khu vực trên, còn có một khu vực thứ ba bao gồm các tổ chức, các nhóm, các hình thức liên minh, liên kết xã hội, không nằm trong cấu trúc thiết chế của nhà nước, cũng không phải thuộc khu vực kinh tế tư nhân chạy theo lợi nhuận. Đây là khu vực mà trong đó những nhóm cá nhân tự nguyện tham gia với những mục đích hướng tới phục vụ cho các lợi ích của nhóm và của xã hội. 123 Nguyễn Thanh Tuấn, bài đã dẫn. 124 Đặng Ngọc Dinh, bài đã dẫn, trang 14-15. 125 Tương Lai, "Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự", Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 11-2005. 42 Đó chính là xã hội dân sự."126 Tuy nhiên đáng chú ý là có một số tác giả khi đề cập tới khái niệm xã hội dân sự, còn đặc biệt nhấn mạnh tới mối quan hệ chặt chẽ với khái niệm nhà nước pháp quyền, như Trần Ngọc Hiên, Nguyễn Trung, Tương Lai. Trần Ngọc Hiên phân tích như sau : "Ở đâu có kinh tế thị trường thì ở đó phải có Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự. Ba bộ phận đó cấu thành hệ thống của một thể chế kinh tế chính trị, mà sự hoàn thiện của hệ thống thể chế hoàn toàn chỉ dựa vào sự liên hệ tương tác với nhau giữa ba bộ phận. Đó chính là quá trình phát triển chế độ dân chủ. Không hình thành hệ thống với ba bộ phận và không có quy chế liên hệ tương tác thì thể chế kinh tế chính trị chỉ dừng lại ở mong muốn chủ quan, kinh tế thị trường sẽ trở nên hoang dại. Thể chế Nhà nước sẽ sa vào quan liêu, tham nhũng nặng nề." Ông còn nói rõ yêu cầu cần "từng bước tổ chức lại bộ máy theo đúng tính chất Nhà nước pháp quyền của dân", bởi lẽ theo ông, "vai trò kiểm soát của xã hội dân sự đối với Nhà nước là nhân tố rất quyết định."127 Nguyễn Trung cũng gắn liền khái niệm xã hội dân sự với khái niệm nhà nước pháp quyền : "Nhưng để nuôi dưỡng, tiếp tục làm giàu và phát triển vốn xã hội đã sẵn có, thì còn phải đồng thời phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội công dân (còn gọi là xã hội dân sự), điều kiện không thể thiếu cho việc nâng cao phẩm chất công dân. Đối với những nước đang phát triển tìm đường đi lên, việc phát triển vốn xã hội trên cơ sở phát triển nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là bảo đảm tốt nhất loại bớt những hiện tượng hoang dã trên con đường hướng tới tương lai, là cách trả giá ít nhất những cái giá phải trả trong quá trình này, và là cách sử dụng tối ưu nhất, tiết kiệm nhất mọi nguồn lực có thể huy động được. (...) Có thể nói dứt khoát, tìm con đường phát triển từ nghèo nàn lạc hậu lên hiện đại cho một quốc gia trên cơ sở phát huy vốn xã hội, nhà nước pháp quyền và xã hội công dân là con đường tiệm tiến, mang nhiều tính xã hội chủ nghĩa nhất."128 Trong quyển Từ điển xã hội học do Nguyễn Khắc Viện chủ biên xuất bản năm 1994, tác giả cũng đã gắn khái niệm xã hội dân sự đi đôi với khái niệm nhà nước pháp quyền. "Xã hội công dân" là "một thành tựu to lớn của sự phát triển lịch sử của con người", là "xã hội trong đó các công dân là chủ thể của xã hội và do đó của nhà nước, nhà nước phục tùng lợi ích của công dân 126 Lê Bạch Dương, bài đã dẫn. 127 Trần Ngọc Hiên, bài đã dẫn. 128 Nguyễn Trung, "Bàn về Vốn xã hội", Tạp chí Tia sáng, 22-4-2006. 43 mà không phải ngược lại". "Những yếu tố cấu thành [xã hội công dân] là : sở hữu của các công dân với tư cách cá nhân, các quyền tự nhiên của con người và các quyền tự do cá nhân của công dân, chế độ dân chủ về mặt chính trị và nhà nước pháp quyền." Xã hội công dân được xem như "đối lập với xã hội toàn trị".129 Cũng có tác giả tuy có gắn khái niệm xã hội dân sự với khái niệm "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", nhưng lại hoàn toàn bỏ quên những mối quan hệ biện chứng phong phú giữa nhà nước với xã hội dân sự và chỉ nhấn mạnh tới vai trò "điều tiết" hay "giữ vững kỷ cương pháp luật" của nhà nước đối với xã hội. Lê Văn Quang viết như sau : "Quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự là quan hệ giữa hệ thống thiết chế điều tiết với khách thể của sự điều tiết ấy; đồng thời, đó còn là quan hệ giữa bản thân thiết chế với cơ sở xã hội của thiết chế ấy. (…) Quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với đời sống xã hội dân sự, một mặt, được thực hiện trực tiếp thông qua quan hệ giữa các cơ quan chính quyền nhà nước với các công dân; mặt khác, là quan hệ giữa Nhà nước với các định chế xã hội. (…) Xét đến cùng, quan hệ giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và đời sống xã hội dân sự thực chất là quan hệ giữ vững kỷ cương pháp luật với phát huy cao nhất quyền dân chủ của quần chúng nhân dân."130 Nhìn chung lại, chúng tôi nhận thấy nhiều quan niệm về xã hội dân sự ở Việt Nam gần đây thường bị ảnh hưởng bởi các định nghĩa của các tổ chức quốc tế đương đại (điển hình nhất là thường giản lược hóa và vì thế đồng hóa xã hội dân sự với các "tổ chức xã hội dân sự" [CSO] hay các tổ chức phi chính phủ [NGO]), và từ đó vô hình trung tầm thường hóa khái niệm này và tước bỏ đi nội dung biện chứng phong phú của khái niệm này xét trong mối quan hệ với nhà nước – vốn đã từng được khai triển nơi các tác giả cổ điển. Ngoài ra, không ít quan niệm cũng rơi vào xu hướng huyền thoại hóa hay công cụ hóa khái niệm này – tương tự như những quan niệm mà chúng tôi đã lược thuật trong phần II. Như vậy, trong khuôn khổ học thuật khoa học xã hội, vấn đề cần thiết là chúng ta cần xác định lại thế nào là "xã hội dân sự", xét như một khái niệm khoa học có thể được sử dụng trong một công cuộc phân tích lý thuyết đối với 129 Nguyễn Khắc Viện (chủ biên), Từ điển xã hội học, Hà Nội, Nxb Thế giới, 1994, trang 326-330. 130 Lê Văn Quang, "Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và đời sống xã hội dân sự", Tạp chí Triết học, tháng 3-2004. 44 thực tiễn xã hội Việt Nam ngày nay. 2. Thử xác định một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự Trong quyển Sociologie de l'Etat (Xã hội học về nhà nước, Nxb Grasset, 1979), Bertrand Badie và Pierre Birnbaum đã đưa ra hai mô hình xã hội dân sự tiêu biểu đối lập nhau, đó là mô hình nhà nước cai quản xã hội dân sự (mô hình Pháp), và mô hình xã hội dân sự tự tổ chức, nơi mà nhà nước chỉ có mặt ở mức độ tối thiểu (mô hình Anh-Mỹ). Theo Lochak, tuy lược đồ này tỏ ra có triển vọng vì nó có thể gợi lên nhiều ý tưởng mới, nhưng rất tiếc hai tác giả này lại không đưa ra được một định nghĩa rạch ròi về xã hội dân sự để khả dĩ tiếp tục đào sâu sự phân tích.131 Trước khi thử cố gắng xác định một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự, chúng tôi cho rằng cần giải tỏa một số quan điểm ngộ nhận có liên quan tới khái niệm xã hội dân sự. Trước hết là ngộ nhận trong nhận thức về bản chất của thị trường, cho rằng thị trường là một lĩnh vực hoàn toàn độc lập, nằm ngoài chính trị, chỉ tuân theo những qui luật riêng của nó, được điều hành bởi "bàn tay vô hình", vì thế nhà nước nhất thiết không được can thiệp vào. Từ đó, ý niệm về một thị trường độc lập và tự điều tiết được trường phái tự do chuyển sang thành ý niệm về sự độc lập và khả năng tự điều tiết của xã hội dân sự đối với nhà nước. Trong lịch sử, quả là sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa khởi phát từ quá trình hình thành thị trường. Thế nhưng những quyền như quyền tự do sản xuất (laisser-faire, "để cho làm"), quyền tự do buôn bán (laisser-passer, "để cho đi qua", cũng tương tự như việc bãi bỏ những qui định "ngăn sông cấm chợ" ở Việt Nam trước đây), quyền tự do sử dụng tài sản, quyền tự do hợp đồng (hay khế ước) hay nói chung nền mậu dịch tự do hoàn toàn không phải là những cái tự nhiên mà có hoặc tự động xuất hiện, mà tất cả đều là sản phẩm của những hoạt động của nhà nước.132 Karl Polanyi trong công trình nổi tiếng The Great Transformation (1944) viết rõ như sau : "Lịch sử kinh tế cho thấy rằng sự nổi lên của các thị trường quốc gia hoàn toàn không phải là kết quả của sự giải thoát tiệm tiến và tự phát của lĩnh vực kinh tế ra khỏi sự kiểm soát của chính quyền. Ngược lại, thị trường là kết quả của một sự can thiệp có ý thức và thường mang tính chất bạo lực từ phía chính quyền vốn áp đặt tổ chức thị trường lên xã hội nhằm vào 131 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 67. 132 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 49. 45 những mục tiêu phi kinh tế."133 Trước đó, chính Antonio Gramsci cũng từng nêu một nhận xét phần nào tương tự để phê phán quan điểm của trường phái tự do kinh tế : "Chúng ta buộc phải thừa nhận rằng hệ thống mậu dịch tự do chính nó cũng là một sự 'qui định hóa' [réglementation] mang dấu ấn của nhà nước, do các luật lệ và sự cưỡng chế đưa ra và duy trì : đây là kết quả của một ý chí có ý thức về các mục tiêu của mình, chứ không phải là sự biểu hiện bột phát, tự động của sự kiện kinh tế. Như vậy, hệ thống mậu dịch tự do là một chương trình chính trị (programme politique) nhằm mục tiêu thay đổi nhân sự lãnh đạo của một nhà nước và thay đổi chương trình kinh tế của chính nhà nước, nghĩa là thay đổi sự phân phối thu nhập quốc dân – nếu nó thắng thế [tức là nếu nó lên nắm chính quyền – chú thích của chúng tôi, T.H.Q.]."134 Ngộ nhận thứ hai là ngộ nhận trong sự phân biệt giản lược giữa công và tư, cũng như trong sự phân biệt máy móc giữa lĩnh vực chính trị với lĩnh vực kinh tế. Cao Huy Thuần phân tích như sau : "Chủ nghĩa tư bản tràn vào câu hỏi đó [thế nào là công thế nào là tư, đâu là biên giới giữa công và tư] để tách biệt hoạt động kinh tế, hoạt động thương mại ra khỏi lĩnh vực công, lĩnh vực Nhà nước, và tuyên bố : lĩnh vực kinh tế không phải là lĩnh vực của Nhà nước, đó là lĩnh vực của tư nhân, do đó thị trường thuộc vào xã hội dân sự. Song song với xác quyết đó, chủ nghĩa tự do đưa ý thức hệ vào ngay, quả quyết rằng tự do cạnh tranh mang lại cho xã hội dân sự khả năng tự điều tiết - với điều kiện là không được có một can thiệp nào ngoài can thiệp kinh tế vào những trao đổi kinh tế. Nghĩa là Nhà nước không được can thiệp. Nói như vậy, các lý thuyết gia của chủ nghĩa tự do mô tả đúng một thực trạng mới, khuynh hướng mới, diễn ra trước mắt mọi người, nhưng họ không phải chỉ mô tả, họ còn nâng sự mô tả lên thành nguyên tắc, quy luật, như thử phát xuất từ bản chất của sự vật, của thiên nhiên, của chân lý muôn đời. Từ đó, Nhà nước là xấu, vì cưỡng bức ; xã hội dân sự là tốt, vì tự do. (...) Đứng về mặt nhận thức khoa học, không có gì lầm lẫn cho bằng, bởi vì không thể vạch ra biên giới giữa Nhà nước và xã hội dân sự cũng như không thể vạch ra biên giới giữa chính trị và phi chính trị."135 Như Hegel và Marx đã nói, trong các chế độ phong kiến và tiền tư bản 133 Karl Polanyi, The Great Transformation. The Political and Economic Origins of Our Time (1944), Boston, Beacon Press, 2001, trang 258. 134 Antonio Gramsci, Gramsci dans le texte, sách đã dẫn, trang 469. 135 Cao Huy Thuần, "Xã hội dân sự ?", Tạp chí Thời đại mới, số 3, tháng 11-2004. 46 chủ nghĩa, toàn bộ xã hội đều thuộc về nhà nước, thuộc về lĩnh vực chính trị ; sau đó, với sự ra đời của xã hội tư bản chủ nghĩa, các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo... dần dà tách ra khỏi lĩnh vực chính trị. Nhưng, theo Danièle Lochak, nếu từ đó mà suy ra rằng có một sự khác biệt về bản chất giữa cái gì thuộc về chính trị và cái gì không, thì đó là một "huyền thoại". Lochak viết như sau : "Hẳn nhiên, không phải tất cả mọi chuyện đều mang tính chất chính trị, nhưng chính trị là một chiều kích cấu thành nên các cộng đồng con người, thấm nhiễm vào toàn bộ đời sống xã hội, kể cả đời sống hàng ngày của chúng ta, và do đó sẽ là hão huyền nếu có tham vọng tách nó riêng ra khỏi những cái khác. Vì không thể vạch ra được cái ranh giới ấy, nên việc định nghĩa xã hội dân sự như toàn bộ các mối quan hệ phi chính trị là một định nghĩa sai lầm về mặt khái niệm."136 Ngộ nhận thứ ba là cho rằng xã hội dân sự là một dạng tổ chức, một phương thức tổ chức xã hội nhất định, hay một mô hình xã hội nhất định – đây là quan niệm mà chúng tôi đã đề cập ở phần II cũng như trong phần III. Quan niệm này đã lầm lẫn giữa một khái niệm trừu tượng được dùng để phân tích hiện thực xã hội, với một lý tưởng xã hội mà người ta nỗ lực vươn tới, và vì thế đã làm cạn kiệt nội hàm mang tính phân tích học thuật của khái niệm xã hội dân sự và biến nó thành một thứ ước mơ hay thậm chí một thứ huyền thoại. Nếu người ta biện minh rằng dù sao thì vẫn có thể sử dụng khái niệm xã hội dân sự như một "mô hình xã hội lý tưởng" để phê phán hiện thực xã hội, thì e rằng đây chỉ là một sự phê phán đặt nền tảng trên sự ước mơ (cho dù hết sức tốt đẹp !), chứ chưa phải là một sự phê phán thực thụ dựa trên vũ khí của sự phân tích duy lý. Thường đi đôi với ngộ nhận trên đây là ngộ nhận thứ tư quan niệm về xã hội dân sự như một định chế (institution) hay một tác nhân xã hội (social actor), từ đó mặc nhiên biến xã hội dân sự vốn là một khái niệm phức hợp dung chứa nhiều quan hệ xã hội, nhiều giai cấp, tầng lớp và nhiều định chế xã hội khác nhau, thành một "đối tác" (của nhà nước), một "lực lượng đối trọng" (với nhà nước và/hoặc thị trường), hoặc một tổ chức "trung gian" (giữa nhà nước với cá nhân) – làm như thể "xã hội dân sự" là một khối người đồng dạng, đồng quan điểm, bình đẳng và phi giai cấp ! Trong quyển A Dictionary of Sociology (Từ điển xã hội học), Gordon Marshall nhận xét rằng hiện nay có nhiều định nghĩa khác nhau về xã hội dân sự, tuy nhiên người ta thường đồng ý về những đặc trưng chính sau đây của 136 Xem Danièle Lochak, bài đã dẫn, trang 70. 47 khái niệm xã hội dân sự : (a) khái niệm này nói về đời sống công cộng (public) hơn là đời sống riêng tư (private) hay sinh hoạt gia đình ; (b) nó nằm ngoài gia đình và nhà nước ; và (c) nó tồn tại trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền (rule of law).137 Chúng tôi muốn bổ sung thêm một đặc trưng thứ tư : đó là việc định nghĩa khái niệm xã hội dân sự nhất thiết không thể tách rời khỏi mối quan hệ với nhà nước. Nếu đồng ý với những đặc trưng trên, thì chúng tôi cho rằng lý thuyết của Antonio Gramsci về xã hội dân sự cho đến nay vẫn là một lý thuyết hữu hiệu và có nhiều triển vọng nhất đối với việc phân tích các mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội trong các hệ thống xã hội đương đại, kể cả ở Việt Nam. Mặc dù Gramsci triển khai các ý tưởng này khi phân tích đối tượng xã hội tư bản chủ nghĩa, nhưng khung lý thuyết của ông về nhà nước và xã hội dân sự vẫn hoàn toàn có thể được vận dụng một cách xác đáng và phong phú để phân tích xã hội Việt Nam ngày nay, vốn vẫn còn là một xã hội có giai cấp. Xuất phát từ lý thuyết của Gramsci, chúng ta có thể phát triển một định nghĩa tóm tắt về xã hội dân sự bao gồm các vế như sau (định nghĩa mà chúng tôi đề xuất sau đây không hoàn toàn giống với định nghĩa của Gramsci) : (a) Xã hội dân sự là một khái niệm được dùng để chỉ không gian xã hội công cộng nằm ngoài nhà nước và ngoài lĩnh vực riêng tư của cá nhân và gia đình, bao gồm tổng thể các định chế độc lập tương đối với nhà nước và các hoạt động tự nguyện trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, truyền thông đại chúng, tôn giáo, xã hội... (tức bao gồm cả các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp, và các đảng phái chính trị). (b) Xã hội dân sự và nhà nước cấu thành hệ thống xã hội tổng thể của một nhà nước/quốc gia (tức nhà nước hiểu theo nghĩa rộng), trong đó nhà nước (hiểu theo nghĩa hẹp) là nơi thực hiện chức năng cưỡng chế, và xã hội dân sự là nơi thực hiện sự thống lãnh (hegemony) hay lãnh đạo về mặt văn hóa-tư tưởng của giai cấp thống trị bằng cách tạo ra sự đồng thuận (consensus) nơi các giai cấp và tầng lớp khác trong xã hội. Vì thế, xã hội dân sự có những mối quan hệ ít nhiều chặt chẽ và hữu cơ với nhà nước. Nhưng đồng thời, nó cũng có tính độc lập tương đối, bởi lẽ nếu không tạo ra được sự đồng thuận nơi xã hội dân sự, nhà nước sẽ không còn giữ được sự thống lãnh tư tưởng, và vì thế tất yếu sẽ mất đi tính hợp thức (hay tính chính đáng, legitimacy) của mình và chỉ còn nắm được sự cưỡng chế mà thôi. 137 Gordon Marshall (chủ biên), A Dictionary of Sociology, Oxford, New York, Oxford University Press, 1998, trang 74. 48 (c) Xã hội dân sự là nơi luôn luôn xuất hiện những xung đột về lợi ích, và do đó là nơi diễn ra những cuộc đấu tranh về mặt kinh tế cũng như về mặt văn hóa-tư tưởng giữa các nhóm và các tầng lớp xã hội với nhau, cũng như giữa giai cấp thống trị với các giai cấp và tầng lớp bên dưới. (d) Hình thái xã hội dân sự chỉ xuất hiện khi ra đời hình thái kinh tế-xã hội tư bản chủ nghĩa, trong khuôn khổ của hình thức nhà nước hiện đại tương ứng là nhà nước pháp quyền. Do đó, xã hội dân sự chỉ thực sự tồn tại khi xác lập được một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa và lành mạnh.138 Định nghĩa trên đây về xã hội dân sự, theo chúng tôi, không phải là một định nghĩa chính trị học hay luật học, mà là một định nghĩa xã hội học chính trị hay triết học chính trị. Định nghĩa này coi xã hội dân sự như một khái niệm phân tích (concept analytique), tức là nó mang tính trừu tượng và trung tính (neutre), và do đó không thể nói rằng nó tốt hay xấu, tích cực hay tiêu cực, vì khái niệm này không bao hàm những giá trị hoặc những phán đoán về giá trị. Nói cách khác, thuật ngữ này chỉ có thể được sử dụng để khảo sát và mổ xẻ mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội, chứ tuyệt nhiên không thể được dùng như một ngọn cờ hay một khẩu hiệu hiệu triệu, bởi lẽ, chúng tôi xin lập lại, nó chỉ là một khái niệm phân tích chứ hoàn toàn không phải là một mô hình xã hội lý tưởng nào đó. Mặt khác, thiết tưởng cũng cần nhắc lại điểm lưu ý của Gramsci khi ông nhấn mạnh rằng sự phân biệt giữa khái niệm xã hội dân sự với khái niệm nhà nước là một "sự phân biệt mang tính phương pháp luận" và cần tránh rơi vào một "sự phân biệt máy móc" mang tính giản lược. Đến đây, chúng ta cũng có thể phân biệt giữa xã hội dân sự với xã hội công dân.139 138 Lý thuyết của Gramsci về xã hội dân sự cũng đã được một số tác giả đương đại ít nhiều vận dụng trong các công trình nghiên cứu của mình, chẳng hạn như P. Ramasamy, "Civil Society in Malaysia: An Arena of Contestations?", trong Lee Hock Guan (chủ biên), Civil Society in Southeast Asia, Singapore, Institute for Southeast Asian Studies, 2004 ; Muthiah Alagappa (chủ biên), Civil Society and Political Change in Asia: Expanding and Contracting Democratic Space, Palo Alto, Stanford University Press, 2004 ; Ingrid Landau, "Law and Civil Society in Cambodia and Vietnam: A Gramscian Perspective", trong Journal of Contemporary Asia, Vol. 38, No. 2, tháng 5-2008. 139 Theo chúng tôi, thuật ngữ "xã hội dân sự" tương ứng với civil society (trong tiếng Anh), société civile (Pháp) và Zivilgesellschaft (Đức) ; còn "xã hội công dân" thì tương ứng với civic society (tiếng Anh), société civique hay société des citoyens (Pháp) và Bürgergesellschaft (Đức). 49 Khi đề cập tới sự phân biệt giữa "xã hội dân sự" với "xã hội công dân", Nguyễn Trần Bạt cho rằng "xã hội công dân là một xã hội mà các thành viên của nó là công dân theo đúng nghĩa". Chúng tôi hoàn toàn đồng ý về điểm này. Tuy nhiên, chúng tôi lại không đồng ý với cách phân biệt như sau của tác giả này : "...nếu xã hội dân sự là xã hội nằm ngoài nhà nước, không cần đến nhà nước thì xã hội công dân là pháp chế hóa xã hội dân sự. (...) Xã hội công dân là xã hội cần đến nhà nước và nhà nước phải tuân thủ các quy luật của xã hội công dân để hành xử. Còn xã hội dân sự là xã hội không lệ thuộc vào nhà nước. Nói cách khác, nói đến xã hội dân sự là nói đến nhân quyền còn nói đến xã hội công dân là nói đến dân quyền. (...) xã hội công dân là xã hội có liên quan chặt chẽ với nhà nước, với pháp luật còn xã hội dân sự là xã hội tự nó, không lệ thuộc vào nhà nước. Vậy xã hội dân sự lệ thuộc vào cái gì ? Bởi nếu pháp luật là công cụ điều chỉnh mối quan hệ trong xã hội công dân thì cái gì điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội dân sự ? Tôi cho rằng, đó là văn hoá."140 Theo thiển ý chúng tôi, xã hội dân sự quả thực "nằm ngoài nhà nước", nhưng tuyệt nhiên nó không phải là một "xã hội tự nó", lại càng không thể "không lệ thuộc vào nhà nước" hay "không cần đến nhà nước". Vả lại, một khi đã nói tới "nhân quyền" (nơi xã hội dân sự) thì nếu không có vai trò then chốt của nhà nước và của hệ thống luật pháp, vậy ai sẽ là người đủ quyền năng để bảo đảm việc tôn trọng và thực thi các quyền này trong lòng xã hội dân sự ? Chúng tôi cho rằng chỉ dựa trên văn hóa mà thôi thì hoàn toàn không đủ và bất khả, mặc dù nhân tố này hết sức quan yếu và cần thiết. Định nghĩa về xã hội dân sự mà chúng tôi đề xuất trên đây có thể được hiểu như bao hàm cả hai nghĩa : (a) "xã hội dân sự" theo nghĩa hẹp, hay nói đúng hơn là theo nghĩa của Hegel, nhấn mạnh tới tính chất cộng đồng cá nhân hay "con người"141; và (b) "xã hội công dân", nhấn mạnh tới tính chất cộng đồng công dân của một nhà nước/quốc gia (citizen, citoyen, hay Bürger). Xét về mặt luật pháp, "xã hội dân sự" (theo nghĩa hẹp) là nơi chịu sự chi phối của những đạo luật liên quan tới lĩnh vực dân sự, hay nói chính xác hơn là lĩnh vực tư pháp (droit privé, đối lập với công pháp, droit public), tức lĩnh vực quan hệ giữa các thể nhân và pháp nhân với nhau (như Luật dân sự, Luật thương mại, Luật lao động...). Khi nói tới khái niệm "xã hội công dân", người ta chú trọng tới vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa cộng đồng con người 140 Nguyễn Trần Bạt, "Bàn về xã hội dân sự", 15-8-2007, www.triethoc.com.vn/ Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Ban_ve_xa_hoi_dan_su (đoạn in nghiêng là do tác giả, còn những chỗ in đậm là do chúng tôi, T.H.Q.). 141 Xin xem lại chú thích 33. 50 có tư cách công dân đối với nhà nước/quốc gia, nhưng nội dung này vẫn nằm trong khuôn khổ định nghĩa tổng quát về xã hội dân sự (theo nghĩa rộng) mà chúng tôi đã nêu trên. Đứng trên bình diện cá nhân, có thể nói rằng mỗi con người chúng ta đều luôn luôn phải đảm nhiệm ba tư thế khác nhau trong cuộc sống của mình : (a) tư thế thành viên của một gia đình (tư thế này thuộc lĩnh vực đời sống riêng tư) ; (b) tư thế một người lao động (tìm kế sinh nhai), một khách hàng (khi đi chợ chẳng hạn) hay thành viên của một hiệp hội, đoàn thể (đây là lĩnh vực đời sống công cộng) ; và (c) tư thế công dân (thuộc về một nhà nước/quốc gia, và xét trong mối quan hệ với nhà nước/quốc gia). Ngay như một công chức nhà nước chẳng hạn, sau giờ làm việc ở công sở, cá nhân anh ta/chị ta vẫn phải đảm nhiệm hàng ngày cả ba tư thế này : vẫn phải đi chợ, đi đón con, và cũng không hề được miễn trừ nghĩa vụ công dân của chính mình đối với nhà nước. Cả hai tư thế b và c đều diễn ra trong lòng xã hội dân sự. Thay lời kết Khi phân tích về mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ở Việt Nam, Trần Ngọc Hiên nhận xét rằng đường lối chuyển sang kinh tế thị trường vào năm 1986 đã "đặt viên gạch đầu tiên" cho mối quan hệ này, sau đó là "viên gạch thứ hai" với việc xác định ý tưởng về nhà nước pháp quyền vào năm 2001 (qua văn kiện Đại hội IX của Đảng), nhưng cho đến nay vẫn "chưa dám đặt viên gạch thứ ba (là xã hội dân sự)" để "tạo cơ sở đầy đủ cho mối quan hệ thể chế kinh tế chính trị nước ta".142 Trong khuôn khổ lý thuyết về mối quan hệ giữa nhà nước và xã hội dân sự đã trình bầy ở cuối phần III trên đây, chúng tôi cho rằng, ngay từ năm 1986, công cuộc "đổi mới" thực chất đã là một bước ngoặt đánh dấu một tiến trình hoàn toàn mới trong mối quan hệ giữa nhà nước với xã hội dân sự – tuy mới chỉ là những thay đổi chủ yếu giới hạn trong lĩnh vực kinh tế. Lúc ấy, các định chế và các hoạt động kinh tế được dần dà trao trả lại cho lĩnh vực dân sự (thừa nhận quyền tự do kinh doanh, bãi bỏ những biện pháp ngăn sông cấm chợ, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước...). Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, nhiều định chế văn hóa và xã hội khác (như giáo dục, y tế, xuất bản, báo chí...) vẫn còn chủ yếu nằm trong sự quản lý và vận hành trực tiếp của nhà nước, tức là vẫn chưa được dân sự hóa, chưa được trao trả cho lĩnh vực dân 142 Xem Trần Ngọc Hiên, "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta", Tạp chí Cộng sản, số 10 (154), tháng 5-2008.. 51 sự, mặc dù cũng đã có những chủ trương gọi là "xã hội hóa". Cần lưu ý ngay rằng khái niệm "dân sự hóa" mà chúng tôi đề cập ở đây hoàn toàn không tương ứng với khái niệm "tư nhân hóa" (mặc dù nội hàm của khái niệm "dân sự hóa" có thể bao hàm những biện pháp tư nhân hóa, nghĩa là để cho tư nhân được quyền tham gia hoạt động, đầu tư...). Nêu vấn đề "dân sự hóa" ở đây có nghĩa là đặt lại vấn đề về cấu trúc và về nội dung hoạt động của các định chế xã hội (hiểu theo nghĩa xã hội học, social institution)143 : nhà nước hay chính quyền ngày nay không phải và không thể là chủ thể của mọi hoạt động xã hội, mà trái lại, trong định chế nhà trường chẳng hạn, chính thầy giáo mới là chủ thể của công việc giảng dạy144, hay trong định chế bệnh viện, chính bác sĩ mới là chủ thể của công việc chữa trị cho bệnh nhân. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là nhà nước hoàn toàn không can dự gì tới những lĩnh vực như giáo dục và y tế ; ngược lại, nhà nước (trong thời hiện đại) luôn luôn phải đảm đương trách nhiệm của mình đối với quyền được học tập và được chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thông qua việc giành thích đáng tỷ lệ ngân sách quốc gia cũng như cung ứng những điều kiện cần thiết khác như chính sách, luật lệ, đất đai... cho những lĩnh vực này. Tuy vậy, nhà nước lại không phải và không thể là người đứng ra trực tiếp dạy học hay chữa bệnh cho người dân, mà chính nhà trường và bệnh viện mới đảm đương những công việc này. Trường công hay bệnh viện công, tuy là những đơn vị của nhà nước, nhưng không phải vì thế mà có thể coi chúng như là những đơn vị nằm trong bộ máy hành chính nhà nước. Nhà trường hay bệnh viện không phải là những tổ chức thuộc về định chế chính trị giống như chính phủ, ủy ban nhân dân, các bộ, các sở, tòa án... mà là thuộc về định chế giáo dục và định chế y tế. Chính vì không phân biệt rạch ròi giữa chức năng cai trị (hay cai quản, hay nói theo ngôn từ chính thống hiện nay là chức năng "quản lý nhà nước" của các bộ, các sở) với các chức năng chuyên môn nghề nghiệp vốn thuộc về các định chế xã hội và văn hóa (tức thuộc về lĩnh vực xã hội dân sự) mà lâu nay vẫn còn dai dẳng hiện tượng "nhà nước hóa" hay "hành chính hóa" nơi hầu hết các tổ chức văn hóa, giáo dục, xã hội, kể cả các đoàn thể và hiệp hội. 143 Xem thêm Cao Huy Thuần, “Định chế : cái 'đã' và cái 'đang' ”, tạp chí Thời đại, số 5, 2001, trang 1-8 ; Trần Hữu Quang, "Phát triển các định chế xã hội : Một trong những tiền đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh", Tạp chí Khoa học xã hội, số 11 (87), 2005, trang 20-26. 144 Xem thêm Trần Hữu Quang, "Thử bàn về triết lý giáo dục", www.diendan.org/ viet-nam/ban-ve-triet-ly-giao-duc. 52 Đặc trưng của tình hình này cũng gần giống y hệt như tình hình các doanh nghiệp quốc doanh và tập thể thời bao cấp, đến khi "đổi mới" mới đặt ra yêu cầu tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng sản xuất-kinh doanh nơi các bộ và các sở, hay yêu cầu phân biệt rạch ròi giữa cơ quan chủ quản với các đơn vị trực tiếp sản xuất-kinh doanh. Cuối cùng, liên quan tới thực tiễn xã hội Việt Nam, chúng tôi muốn nói tới hai hệ luận trong số nhiều hệ luận có thể diễn dịch từ định nghĩa mà chúng tôi đề xuất trên đây về khái niệm xã hội dân sự. (a) Nếu đạt được sự đồng thuận cao, thì các hoạt động của xã hội dân sự sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc huy động các năng lực, các sáng kiến và các khả năng khởi xướng hết sức đa dạng của các tầng lớp xã hội vào quá trình phát triển đất nước, và từ đó sẽ mặc nhiên tăng cường cho sức mạnh và tính hợp thức của chính nhà nước, cũng như củng cố cho sự đoàn kết quốc gia. Nhưng điều cần nhấn mạnh là sự đồng thuận này chỉ có thể đạt được nếu xác lập được sự "thống lãnh" (hegemony) hay sự "lãnh đạo" về mặt văn hóa-tư tưởng đối với xã hội dân sự, bằng cách chủ động thiết lập những điều kiện pháp lý và mở ra những điều kiện thực tế thuận lợi cho các định chế của xã hội dân sự cũng như các loại hoạt động tự nguyện đa dạng được tự do hoạt động. Nguy cơ của tình trạng đánh mất sự "thống lãnh" này là chỉ còn lại sự "cưỡng chế" của bộ máy nhà nước đối với xã hội. Sự phát triển lành mạnh và sôi động của đời sống xã hội dân sự chính là thước đo của tính hợp thức hay tính chính đáng (legitimacy) của nhà nước. (b) Vì xã hội dân sự là một khái niệm trừu tượng và phức hợp, chứ không phải là một định chế hay một tổ chức có hình hài cụ thể theo một mô hình nhất định nào đó, cho nên chúng ta gần như khó lòng mà nói đến một phương hướng "xây dựng xã hội dân sự", và cũng khó lòng mà thiết kế được một chương trình cụ thể để "củng cố" hay "phát huy xã hội dân sự". Nếu muốn thực sự hình thành xã hội dân sự, có lẽ chúng ta chỉ có thể và chỉ cần đặt ra yêu cầu xây dựng một nhà nước pháp quyền. Bởi lẽ, suy cho cùng, chỉ có trong khuôn khổ hình thức nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa của từ này thì mới có xã hội dân sự. TPHCM, ngày 11-9-2008 Trần Hữu Quang 53 Tài liệu tham khảo 1. ABERCROMBIE Nicholas, Stephen Hill và Bryan S. Turner, The Penguin Dictionary of Sociology (Từ điển Penguin về xã hội học), 2nd edition, London, Penguin Books, 1988. 2. BABI Loghman Pireh, "Reflections on the Role of Civil Society in the Democratisation Process of Third World Countries" (Suy nghĩ về vai trò của xã hội dân sự trong quá trình dân chủ hóa tại các nước thế giới thứ ba), IDS (Phần Lan) Working Paper 10/1998, www.valt.helsinki.fi/kmi/Julkais/WPt/1998/ WP1098.HTM. 3. BRUSZT Laszlo, "Market Making as State Making: Constitutions and Economic Development in Post-communist Eastern Europe" (Xây dựng thị trường xét như là việc xây dựng nhà nước/quốc gia : các hiến pháp và sự phát triển kinh tế ở Đông Âu hậu cộng sản), Constitutional Political Economy, Vol. 13, No 1, March 2002, trang 53-72. 4. BÙI Quang Dũng, "Xã hội dân sự : khái niệm và các vấn đề", Tạp chí Triết học, số 2 (189), 2007. 5. BÙI Thế Cường, "Các tổ chức xã hội ở Việt Nam", Tạp chí Xã hội học, số 2 (90), 2005, trang 10-22. 6. BYKER Gaylen J., "The religious and moral foundations of civil society and free market economy" (Những nền tảng tôn giáo và đạo đức của xã hội dân sự và nền kinh tế thị trường tự do), Journal of Interdisciplinary Studies, Vol. 13, No 1/2 (2001), trang 1-14. 7. CAO Huy Thuần, “Định chế : cái 'đã' và cái 'đang' ”, tạp chí Thời đại, số 5, 2001, trang 1-8. 8. CAO Huy Thuần, "Xã hội dân sự ?", Tạp chí Thời đại mới, số 3, tháng 11-2004. 9. CAO Huy Thuần, "Nhà nước pháp quyền", Tạp chí Tia sáng, 24-12-2007. 10. CHEVALIER Jacques et al., La société civile (Xã hội dân sự), Paris, Presses Universitaires de France, 1986. 11. CIVICUS (World Alliance for Citizen Participation), Civil Society Index – Shortened Assessment Tool (CSI-SAT), A Guide for CSI-SAT Implementation Agencies (Bản chỉ báo về xã hội dân sự - một công cụ đánh giá vắn tắt), CIVICUS, Washington D.C., 2005. 12. CIVICUS, The Emerging Civil Society – An Initial Assessment of Civil Society in Vietnam (Xã hội dân sự đang trỗi dậy - một đánh giá sơ bộ về xã hội dân sự ở Việt Nam), Hanoi, CIVICUS, 3-2006. 54 13. COT Jean-Pierre và Jean-Pierre Mounier, Pour une sociologie politique (Về một ngành xã hội học chính trị), tome 2, Paris, Ed. Seuil, 1974. 14. DALTON Russell J., Nhu-Ngoc T. Ong, "Civil Society and Social Capital in Vietnam" (Xã hội dân sự và vốn xã hội ở Việt Nam), trong Gerd Mutz, Rainer Klump (Eds.), Modernization and Social Transformation in Vietnam. Social Capital Formation and Institution Building (Hiện đại hóa và sự chuyển biến xã hội ở Việt Nam. Sự hình thành vốn xã hội và việc xây dựng định chế), Hamburg, Institut für Asienkunde, No 385, 2005, trang 30-48. 15. DUPIRE Philippe, "Famille, besoin, travail et société civile chez Hegel" (Gia đình, nhu cầu, lao động và xã hội dân sự theo Hegel), trong Jacques Chevalier et al., La société civile (Xã hội dân sự), Paris, Presses Universitaires de France, 1986, trang 33-43. 16. ĐẶNG Ngọc Dinh, "Đừng sợ xã hội dân sự !", Tuổi trẻ cuối tuần, 21-5-2006, trang 14-15. 17. FUKUYAMA Francis, “Social capital and civil society” (Vốn xã hội và xã hội dân sự), IMF Working paper WP/2000/74. 18. GALLARDO Helio, "Notes sur la société civile : l'évolution du concept" (Một số ghi chú về xã hội dân sự : sự tiến triển của một khái niệm), trong Alternatives Sud, Vol. V, No 1, 1998, trang 85-117. 19. GRAMSCI Antonio, Gramsci dans le texte (Gramsci qua văn bản), tuyển tập do François Ricci và Jean Bramant chủ biên, bản dịch từ tiếng Ý ra tiếng Pháp của J. Bramant, G. Moget, A. Monjo, F. Ricci, Paris, Ed. Sociales, 1975. 20. HALE Henry E., "Civil society from above? Statist and liberal models of state-building in Russia" (Xây dựng xã hội dân sự từ bên trên ? Mô hình duy nhà nước và mô hình tự do trong quá trình xây dựng nhà nước ở Nga), Demokratizatsiya, Hè 2002. 21. HEGEL Georg W. F., Hiện tượng học tinh thần (Phänomenologie des Geistes) (1807), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Văn học, 2006. 22. HEGEL Georg W. F., Philosophy of Right (Triết học pháp quyền) (1821), translated by T. M. Knox, Clarendon Press, 1952. 23. HEGEL Georg W. F., Principes de la Philosophie du Droit (Những nguyên lý của triết học pháp quyền), bản dịch tiếng Pháp của Robert Derathe, Librairie Philosophique J. Vrin, 1986. 24. HOWARD Marc Morje, The Weakness of Civil Society in Post-Communist Europe (Sự yếu ớt của xã hội dân sự tại châu Âu hậu cộng sản), Cambridge University Press, 2002. 25. KANT Immanuel, Phê phán năng lực phán đoán (Kritik der Urteilskraft) 55 (1790), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2006. 26. KUMAR Krishan, "Civil society" (Xã hội dân sự), trong Adam Kuper và Jessica Kuper (chủ biên), The Social Science Encyclopedia (Từ điển bách khoa khoa học xã hội), 2nd edition, London, New York, Routledge, 1999, trang 88-90. 27. KUPER Adam và Jessica Kuper (chủ biên), The Social Science Encyclopedia (Từ điển bách khoa khoa học xã hội), 2nd edition, London, New York, Routledge, 1999. 28. KURUP Apoorv, “Fostering Democracy and Regulating Markets for Good Governance: The Contemporary Role of Civil Society in India” (Nuôi dưỡng nền dân chủ và điều tiết thị trường nhằm hướng đến sự cai trị tốt), International Journal of Civil Society Law, Vol. III, Issue 2, April 2005. 29. LABICA Georges và Gérard Bensussan, Dictionnaire critique du marxisme (Từ điển phân tích học thuyết mác-xít), Paris, Presses Universitaires de France, 1985. 30. LANDAU Ingrid, "Law and Civil Society in Cambodia and Vietnam: A Gramscian Perspective" (Luật pháp và xã hội dân sự ở Kampuchia và Việt Nam : Một nhãn giới phân tích theo Gramsci), trong Journal of Contemporary Asia, Vol. 38, No. 2, tháng 5-2008, trang 244-258 31. LE BEC Jean-Yves, "Etat / Société civile" (Nhà nước / xã hội dân sự), trong Georges Labica và Gérard Bensussan, Dictionnaire critique du marxisme (Từ điển phân tích học thuyết mác-xít), Paris, Presses Universitaires de France, 1985, trang 413-421. 32. LÊ Bạch Dương, "Xã hội dân sự khỏe, nhà nước khỏe", Pháp luật TPHCM, 23-4-2008. 33. LÊ Văn Quang, "Quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa và đời sống xã hội dân sự", Tạp chí Triết học, tháng 3-2004. 34. LI Peilin, Guo Yuhua, Liu Shiding, "La sociologie chinoise face à la transition sociale" (Xã hội học Trung Quốc trước sự quá độ xã hội), trong Laurence Roulleau-Berger, Guo Yuhua, Li Peilin, Liu Shiding (chủ biên), La nouvelle sociologie chinoise (Nền xã hội học Trung Quốc mới), Paris, CNRS Editions, 2008. 35. LOCHAK Danièle, "La société civile : du concept au gadget" (Xã hội dân sự : từ khái niệm tới món đồ mới lạ), trong Jacques Chevalier et al., La société civile (Xã hội dân sự), Paris, Presses Universitaires de France, 1986, trang 44-75. 36. LOUIS-JUSTE Anil, "La société civile hier et aujourd’hui" (Xã hội dân sự quá khứ và ngày nay), trong Alter Presse, 12-1-2006, 16-1-2006, 20-1-2006 và 25-1-2006, xem www.alterpresse. org. 56 37. LỮ Phương, "Xã hội công dân : từ triệt tiêu đến phục hồi", xem www.vietstudies.info/LuPhuong.htm. 38. MARSHALL Gordon (chủ biên), A Dictionary of Sociology (Từ điển xã hội học), Oxford, New York, Oxford University Press, 1998. 39. C. MÁC và Ph. Ăng-ghen, "Hệ tư tưởng Đức" (1845), trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 3, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, Sự thật, 1995. 40. C. MÁC, "Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hê-ghen" (1843), trong C. Mác và Ph. Ăng-ghen, Toàn tập, tập 1, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia, 1995. 41. MARX Karl, Contribution à la critique de l’économie politique (Góp phần phê phán khoa kinh tế học chính trị) (1859), bản dịch của Maurice Husson, Paris, Éditions sociales, 1972. 42. MOORE Rebecca R., "China's fledgling civil society: a force for democratization?" (Xã hội dân sự non nớt ở Trung Quốc : một lực lượng dân chủ hóa ?), World Policy Journal, Vol. 18, No 1, Spring 2001, trang 56-66. 43. NAROZHNA Tanya, "Civil Society in the Post-Communist Context: Linking Theoretical Concept and Social Transformation" (Xã hội dân sự trong bối cảnh hậu cộng sản : Nối kết khái niệm lý thuyết với sự chuyển biến xã hội), trong Demokratizatsiya, Xuân 2004. 44. NGUYỄN Khắc Viện (chủ biên), Từ điển xã hội học, Hà Nội, Nxb Thế giới, 1994. 45. NGUYỄN Quân, "Vốn xã hội - nguồn lực hay cản trở ?", Tạp chí Tia sáng, 8-5-2006. 46. NGUYỄN Thanh Tuấn, "Xã hội dân sự : từ kinh điển Mác-Lênin đến thực tiễn Việt Nam hiện nay", Tạp chí Cộng sản, số 12 (132), tháng 7-2007. 47. NGUYỄN Trần Bạt, "Bàn về xã hội dân sự", 15-8-2007, www.triethoc.com. vn/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luat-Phap/Ban_ve_xa_hoi_dan_su. 48. NGUYỄN Trung, "Bàn về Vốn xã hội", Tạp chí Tia sáng, 22-4-2006. 49. NORLUND Irene, "La société civile au Vietnam" (Xã hội dân sự ở Việt Nam), Etudes Vietnamiennes, No. 4-2006 (162), trang 5-40. 50. PERLAS Nicanor, "Social Threefolding – Channeling the Tensions Between Civil Society and State to Constructive Uses" (Tiếp cận xã hội trên ba mặt – Lèo lái những sự căng thẳng giữa xã hội dân sự với nhà nước vào những lợi ích xây dựng), GlobeNet3, Pasig City, Philippines, xem www.globenet3.org. 51. PHAN Xuân Sơn (Nghĩa Nhân phỏng vấn), "Xã hội dân sự yếu thì nhà nước yếu", Pháp luật TPHCM, 21-6-2006, trang 3. 57 52. PHÙNG Thị Huệ, Phạm Ngọc Thạch, "Xã hội công dân Trung Quốc : cơ sở hình thành và môi trường chính sách", Tạp chí Triết học, số 7 (194), tháng 72007, trang 25-36. 53. POLANYI Karl, The Great Transformation. The Political and Economic Origins of Our Time (Sự chuyển biến lớn lao. Những nguồn gốc chính trị và kinh tế của thời đại chúng ta) (1944), Boston, Beacon Press, 2001. 54. PONTUSO James F., "Transformation Politics: The Debate Between Václav Havel and Václav Klaus on the Free Market and Civil Society" (Chính trị học về sự chuyển biến : Cuộc tranh luận giữa Václav Havel và Václav Klaus về thị trường tự do và xã hội dân sự), Studies in East European Thought, Vol. 54, No 3, Sept. 2002 trang 153-177. 55. QUÝ Đỗ, "Thế nào là 'xã hội công dân' ?", Tạp chí Tia sáng, 8-5-2006 56. RANGEON François, "Société civile : histoire d'un mot" (Xã hội dân sự : lịch sử của một từ), trong Jacques Chevalier et al., La société civile (Xã hội dân sự), Paris, Presses Universitaires de France, 1986, trang 9-32. 57. RODAN Garry, "Civil society and other political possibilities in Southeast Asia" (Xã hội dân sự và các khả năng chính trị khác ở Đông Nam Á), Journal of Contemporary Asia, Vol. 27, No 2 (1997), trang 156-178. 58. ROULLEAU-BERGER Laurence, Guo Yuhua, Li Peilin, Liu Shiding (chủ biên), La nouvelle sociologie chinoise (Nền xã hội học Trung Quốc mới), Paris, CNRS Editions, 2008. 59. SCRUTON Roger, A Dictionary of Political Thought (Từ điển tư tưởng chính trị), London, Pan Books, 1982. 60. "La Société civile : enjeu des luttes sociales pour l'hégémonie" (Xã hội dân sự : một luận điểm trong các cuộc đấu tranh xã hội giành quyền thống lãnh) (Editorial – Bài xã luận), Alternatives Sud, Vol. V, No 1, 1998, trang 5-19. 61. TEXIER Jacques, "Une lettre de clarification de Jacques Texier" (Một lá thư của Jacques Texier nhằm làm sáng tỏ vấn đề), trong International Gramsci Society Newsletter, No 11, Dec. 2000, trang 50-51. 62. TÔN Thất Nguyễn Thiêm, "Vốn xã hội nhìn từ tương quan giữa ba giác độ : nhà nước, thị trường, xã hội dân chính", Tạp chí Tia sáng, 12-7-2006, xem www.tiasang.com.vn/news?id=634. 63. TRẦN Hữu Quang, "Phát triển các định chế xã hội : Một trong những tiền đề xã hội của quá trình phát triển ở thành phố Hồ Chí Minh", Tạp chí Khoa học xã hội, số 11 (87), 2005, trang 20-26. 64. TRẦN Hữu Quang, "Lòng tin trong xã hội và vốn xã hội", Tạp chí Tia sáng, 19-7-2006, www.tiasang.com.vn/news?id=649. 58 65. TRẦN Hữu Quang, “Từ lòng tin trong xã hội tới xã hội dân sự”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 6-7-2006, trang 14-15. 66. TRẦN Hữu Quang, "Thử bàn về triết lý giáo dục", www.diendan.org/vietnam/ban-ve-triet-ly-giao-duc. 67. TRẦN Ngọc Hiên, "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự nước ta", Tạp chí Cộng sản, số 10 (154), tháng 5-2008. 68. TƯƠNG Lai, "Nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự", Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, 11-2005. 69. VÕ Khánh Vinh, "Một số vấn đề lý luận về xã hội dân sự", tạp chí Khoa học xã hội, số 04 (116)-2008, trang 21-35. 70. VOGEL Bernhard, "The formation of active civil societies in post-communist States: The challenges and opportunities of a political foundation" (Sự hình thành của các xã hội dân sự tích cực trong các quốc gia hậu cộng sản : Những thánh đố và những cơ hội của một nền tảng chính trị), European View, Vol. 7, No 1, June 2008, trang 129-138. 71. WEBER Max, Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (1920), bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng và Trần Hữu Quang, Hà Nội, Nxb Tri thức, 2008. 72. WEIGLE Marcia A., "On the road to the civic forum: State and civil society from Yeltsin to Putin" (Trên con đường tiến tới diễn đàn công dân : nhà nước và xã hội dân sự từ Yeltsin tới Putin), trong Demokratizatsiya, Xuân 2002. 73. "Xã hội dân sự", Tạp chí Cộng sản, số 12 (132), tháng 7-2007. 59 Mục lục trang Mở đầu ........................................................................................................... 1 I. Một số quan niệm cổ điển về xã hội dân sự ................................................. 5 1. Đồng hóa xã hội dân sự với nhà nước/quốc gia ...................................... 6 2. Xã hội dân sự là xã hội thị trường .......................................................... 8 3. Xã hội dân sự tách khỏi nhà nước ........................................................... 9 4. Xã hội dân sự là xã hội thị dân hay xã hội tư sản.................................. 10 II. Một số quan niệm "huyền thoại hóa" và "công cụ hóa" về xã hội dân sự.. 22 III. Khái niệm xã hội dân sự ở Việt Nam ...................................................... 36 1. Quan niệm ở Việt Nam.......................................................................... 38 2. Thử xác định một khái niệm xã hội học về xã hội dân sự....................... 45 Thay lời kết .................................................................................................. 51 Tài liệu tham khảo........................................................................................ 54 60