Academia.eduAcademia.edu
MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ BẢN SẮC VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI ĐÔNG NAM Á SOME THEORETICAL AND PRACTICAL ISSUES OF CULTURAL IDENTITY IN TOURISM PROMOTION IN SOUTHEAST ASIA Lê Thế Hiển Tóm tắt: Trong bối cảnh của thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa quốc gia và hệ giá trị truyền thống của dân tộc luôn được lưu ý và xem trọng. Đông Nam Á từ lâu đã là một khu vực quan trọng với đặc trưng là tính “thống nhất trong đa dạng”. Các quốc gia ASEAN đã trở thành những điểm đến hấp dẫn của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nhờ các đặc điểm lịch sử, tài nguyên tự nhiên, văn hóa độc đáo, đầy tiểm năng. Bài viết này tập trung phân tích những lý thuyết, khái niệm về bản sắc văn hóa dân tộc nhằm làm rõ các lợi thế và tiềm năng phát triển của một số địa phương, đặt trong mối liên hệ với hiện trạng đầu tư, khai thác và mục tiêu nâng cao hiệu quả của loại hình du lịch văn hóa. Qua đó, tác giả cũng đưa ra các đề xuất, góp ý cho chiến lược phát triển du lịch dựa trên bản sắc văn hóa truyền thống và sự tham gia của cộng đồng địa phương. Từ khóa: bản sắc dân tộc, du lịch văn hóa, Đông Nam Á, ASEAN, hệ giá trị truyền thống  Thạc sĩ, Giảng viên Khoa Quản trị Du lịch & Khách sạn, trường ĐH. Kinh Tế Tài Chính TP.HCM, Nghiên cứu sinh khoa Văn hóa học, trường ĐH. KHXH&NV - ĐHQG. HCM Thông tin liên hệ: SĐT 0914378388, Email: thehien1704@gmail.com 1 1. Đặt vấn đề Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành vấn đề được quan tâm nổi bật và trong bối cảnh ấy, vấn đề đa dạng văn hóa, các trào lưu tiếp biến văn hóa cũng đã đặt ra cho cộng đồng dân tộc và chính phủ các nước nhiều băn khoăn, thử thách. Bên cạnh đó, văn hóa cũng có mối liên hệ vô cùng chặt chẽ với ngành du lịch, cụ thể là việc bảo tồn và khai thác các giá trị nhân văn, truyền thống cộng đồng đáp ứng cho việc phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương. Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã từng nhận định “văn hóa là cội nguồn trực tiếp của phát triển xã hội, có vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết xã hội”. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, kể từ năm 2001, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa, lấy ngày 21/5 hàng năm là Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển. Riêng tại Đông Nam Á, nhiều văn bản quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như bản Hiến chương năm 2007 và Tuyên bố Kuala Lumpur năm 2015 đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng bản sắc văn hóa khu vực, song song với thúc đẩy du lịch như là một ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn các di sản, sự đa dạng văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trong Cộng đồng chung ASEAN. Hiện nay, các nước Đông Nam Á đều tranh thủ bối cảnh quốc tế thuận lợi và tiềm lực quốc gia của mình để phát triển du lịch và khai thác, nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngành công nghiệp dịch vụ dựa trên sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, sự đa dạng và độc đáo và tài nguyên nhân văn và bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc. Nghị quyết Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 7/1998) cũng đã xác định: “Việt Nam ta có nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc” và nền văn hóa mà chúng ta xây dựng đó là “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Theo đó, văn hóa chính là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (Ban Tuyên giáo TW, 2019). Dưới tác động mạnh mẽ và sâu rộng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 trong mọi mặt đời sống, những thành tựu của khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại cùng với công cuộc chuyển đổi số và sự phát triển của mạng truyền thông đại chúng - mạng xã hội, bản sắc văn hóa của các quốc gia dân tộc, cộng đồng địa phương nhờ đó cũng có điều kiện để được quảng bá và phát huy mạnh mẽ vai trò quan trọng của nó trong việc 2 đình hình thương hiệu du lịch. Du lịch cộng đồng và du lịch văn hóa đã trở thành một xu thế tất yếu, một dộng lực quan trọng để phát triển ngành công nghiệp không khói này. 2. Nhận diện bản sắc văn hóa và vai trò, ý nghĩa của phát triển du lịch văn hóa Luận bàn về khái niệm của văn hóa, cho đến nay đã có hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia trên thế giới đưa ra nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau. Từ cách tiếp cận dưới góc độ, văn hóa hay văn minh (Tylor, 1871) - được hiểu theo nghĩa rộng của ngành khoa học văn hóa - là “toàn bộ một phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và cả năng lực, tập quán khác mà con người đạt được với tư cách là một thành viên xã hội”. Hay trong bộ từ điển Bách khoa toàn thư Britainnica, văn hóa được định nghĩa thành một tổng thể bao gồm các thành tố được liệt kê như: ngôn ngữ, tư tưởng, niềm tin, phong tục, những điều cấm kị, luật pháp, hiến pháp, công cụ, kỹ thuật, nghệ thuật, nghi lễ và các thành tố liên quan khác; cho đến việc tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc khái quát hóa thuật ngữ này thành một ‘tập hợp những nét khác biệt về đời sống tinh thần, vật chất, trí tuệ, và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội’ trong Tuyên ngôn phổ quát về đa dạng văn hóa (UNESCO, 2001). Ngày nay, các nhà Nhân học văn hóa phương Tây hiện đại lại xem tính cố hữu của hằng số văn hóa như là những “mã gien di truyền - meme”, là sự kế thừa di sản văn hóa, là truyền thống, bản sắc, giá trị văn hóa của các dân tộc (Nguyễn Duy Thiệu, 2019). Như vậy, bản sắc văn hóa (cultural identity) thường được hiểu như là một căn cước, đặc tính của các cộng đồng, dân tộc. Nếu tiếp cận văn hóa theo nghĩa rộng nhất, bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và giá trị tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử thì bản sắc văn hoá dân tộc là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần được dân tộc sáng tạo ra trong lịch sử, là những nét độc đáo rất riêng của dân tộc này so với dân tộc khác (Hoàng Thị Hương, 2011). Những đặc trưng văn hóa khu biệt dùng để nhận diện các cộng đồng, tộc người, mang tính phổ biến và bền vững đối với từng xã hội, các quốc gia; đồng thời là những thuộc tính đặc hữu để phân biệt vùng văn hóa này với vùng văn hóa khác (Nguyễn Văn Kim, 2016). Trong quan hệ quốc tế, bản sắc văn hóa dân tộc được xem như cái “thẻ căn cước”, là cốt cách của mỗi dân tộc thể hiện trên mọi phương diện quan hệ ngoại giao về kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Trước đây, các nhà Nho học thường gọi đó là ‘quốc hồn, quốc túy’, bản sắc văn hóa luôn gắn liền với sức sống và tinh thần dân tộc. Tuy nhiên, theo nhà triết học Pháp đương đại Fernand B. (1992), 3 ‘văn hóa vừa là một hằng số, vừa là một biến số’. Một nền văn hóa không còn thay đổi được nữa, cũng giống như một tử ngữ, sẽ là một nền văn hóa chết (Braudel, 2004). Nhà nghiên cứu Phan Ngọc (1998) khi bàn về tính mở và sự vận động, biến đổi không ngừng của văn hóa, cho rằng: “duy trì bản sắc văn hóa không có nghĩa là đóng cửa lại, chỉ chấp nhận một cách giải thích mà phải thích ứng với mọi sự thay đổi; như vậy có nghĩa là phải chấp nhận mọi sự tiếp xúc, mọi mối quan hệ.” Indonesia là quốc gia đầu tiên công bố hệ giá trị định hình bản sắc dân tộc. Trong bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ II sắp kết thúc và phát xít Đức thất bại ở mặt trận phía Tây, các nhà yêu nước đã nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng một cương lĩnh phục vụ cho việc thống nhất lãnh thổ của hơn 300 sắc tộc và 740 ngôn ngữ, phát triển đất nước và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Sukarno đã đưa ra đề xuất một hệ thống năm nguyên tắc trong một phiên họp của Ủy ban nghiên cứu xây dựng độc lập (BPUPKI) và sau này được biết đến phổ biến như là hệ giá trị Pancasila, bao gồm: (1) Thượng đế tối cao và duy nhất; (2) Nhân loại công bằng và văn minh; (3) Mở rộng đoàn kết quốc gia, dân tộc; (4) Tính dân chủ được định hướng bằng trí tuệ; và (5) Công bằng xã hội cho toàn dân. Ngay sau khi xứ sở vạn đảo vừa giành độc lập từ thực dân Hà Lan vào ngày 17/8/1945, Pancasila được chính thức đưa vào Hiến pháp Indonesia. Từ năm 1975, dưới thời Tổng thống Suharto, Pancasila cũng được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông. Đến năm 1978, Pancasila đã trở thành kim chỉ nam cho toàn bộ xã hội, được tất cả tôn giáo và các tộc người hưởng ứng, tham gia (Trần Ngọc Thêm, 2017). Cũng trong giai đoạn ấy, nhiều cuộc xung đột và bạo loạn sắc tộc khiến cho tình hình an ninh chính trị - xã hội trở nên căng thẳng và rơi vào khủng hoảng những năm 1959-1965. Hội đồng Tư vấn Quốc gia (MAPEN) của Chính phủ Liên bang Malaysia đã công bố “năm nguyên tắc quốc gia - Rukun Negara” vào năm 1970 đã thúc đẩy thành công quá trình đại đoàn kết toàn dân, nhằm tạo nên sự khoan dung tôn giáo và không khí dân chủ, pháp trị trong xã hội. Rukun Negara đã giúp làm giảm sự xung đột giữa cộng đồng người Mã Lai bản địa với các tộc người gốc Ấn và gốc Hoa nhập cư, tạo nên một Malaysia thống nhất - Satu Malaysia (Najib Tun Razak, 2009) ngày nay, hệ giá trị này bao gồm: (1) Niềm tin vào Thượng đế; (2) Trung thành với Quốc vương và Đất nước; (3) Tuân thủ Hiến pháp; (4) Cai trị bằng pháp luật; (5) Hành vi tốt, đạo đức tốt (Mohamed, 1995). 4 Để giữ gìn bản sắc châu Á đa dạng của đảo quốc Singapore trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập khu vực ASEAN, vào năm 1991, Quốc hội đã thông qua năm giá trị chung - Singapore Shared Values do Phó Thủ tướng Goj Chok Tong đề xuất, đó là: (1) Dân tộc trước cộng đồng và xã hội, trên cá nhân; (2) Gia đình là tế bào hạt nhân của xã hội; (3) Hỗ trợ cộng đồng và tôn trọng cá nhân; (4) Đồng thuận, không xung đột; và (5) Hòa hợp chủng tộc và tôn giáo (Trần Ngọc Thêm, 2017). Tương tự, một quốc gia Nam Đảo khác đó là Philippines cũng là một đất nước có đến 176 phương ngữ được sử dụng trên 8 vùng miền, rải rác khắp 7107 hòn đảo lớn nhỏ. Hệ giá trị Philippines được chính thức công nhận hiện nay bao gồm 9 thành tố (Cruz, 2003): - Gia đình gần gũi và đoàn kết; - Sự lễ phép và tôn ti trong xã hội thứ bậc; - Lòng biết ơn; - Sự hiếu khách; - Lòng tự trọng và biết xấu hổ; - Tính linh hoạt, khả năng thích nghi và sáng tạo; - Lòng trung thành; - Tinh thần làm việc chăm chỉ và tác phong công nghiệp; - Sự nhẫn nhịn và năng lực từ chối. Với cách tiếp cận hệ thống - cấu trúc, Trần Ngọc Thêm (2004) đã dùng phương pháp diễn dịch để xác định đặc trưng của bản sắc văn hóa Việt Nam, kết hợp hài hòa giữa cách nhìn đồng đại và lịch đại để phân tích hệ giá trị của một nền văn hóa đa tộc người, vừa nhằm làm rõ tính thống nhất về mặt địa lý, không gian gốc Bách Việt - Nam Á của chủ thể là người Việt nói chung. Văn hóa phải đảm bảo 4 thuộc tính: hệ thống, giá trị, nhân sinh và lịch sử. Trước hết, đặc trưng về hệ thống văn hóa cần được xem xét dựa trên 4 thành tố: văn hóa nhận thức, tổ chức cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Theo đó, bản sắc văn hóa Việt Nam bao gồm các thành tố đặc trưng như: (1) về đời sống vật chất, nền kinh tế chủ đạo của người Việt là nghề nông nghiệp trồng lúa nước; (2) về tổ chức xã hội, tính cộng đồng và tính tự trị ở cấp độ làng xã đã khái quát hóa thành ý thức độc lập dân tộc và tinh thần đoàn kết toàn dân; (3) về nhận thức, người Việt thể hiện lối sống quân bình và tư duy biện chứng trong triết lý ân dương điển hình; (4) biểu hiện âm tính trong tổ chức gia đình truyền thống là 5 việc đề cao vai trò phụ nữ, xu thế ưa ổn định và coi trọng tình cảm, đời sống tinh thần trong giao tiếp và quan hệ xã hội, trong đối ngoại thì mềm dẻo, chuộng hòa hiếu; (5) văn hóa Việt Nam chứa đựng sự kết hợp giữa cái ổn định và linh hoạt, tính tích hợp cao và tinh thần dung hợp phổ biến rộng rãi trong lối sống cộng đồng. Hoàng Thị Hương (2011) cũng đã phân tích kết cấu của bản sắc văn hóa dân tộc qua mô hình hóa cấu trúc phương thức biểu hiện của nó (theo chiều dọc và chiều ngang) như sau: Hình 1. Cấu trúc phương thức biểu hiện của bản sắc văn hoá (chiều ngang) Hình 2. Cấu trúc phương thức biểu hiện của bản sắc văn hoá (chiều dọc) Là một quốc gia có lịch sử lâu đời hàng ngàn năm và là đất nước Phật giáo tiểu thừa điển hình tại Đông Nam Á lục địa, Vương quốc Thái Lan cũng đã công bố Hệ thống 12 giá trị cốt lõi của người Thái (Thai Core Values system). Đó cũng trở thành một niềm tự hào dân tộc và tạo nên thế mạnh để phát triển nền văn hóa bản địa đặc sắc cũng như thúc đẩy du lịch văn hóa một cách hiệu quả, sáng tạo và năng động tại xứ sở Chùa Vàng Suvarnabhum. Một trong những động cơ khiến con người đi du lịch là để tìm kiếm những điều mới lạ, khám phá những điểm đến chứa đựng các giá trị văn hóa lâu đời như những công 6 trình kiến trúc nghệ thuật, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội, … Nhờ đó, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự giao lưu, kết nối giữa du khách với cộng đồng dân địa phương, thể hiện chức năng giáo dục của du lịch trong hoạt động phát triển kinh tế dịch vụ và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - xã hội. Các yếu tố về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, cùng với các nguồn lực xã hội, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo luôn được xem là các thế mạnh trong phát triển tiềm năng du lịch của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Trần Văn Thông, 2019). Theo Luật du lịch Việt Nam năm 2017, du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển dựa trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Cùng với đó, du lịch cộng đồng cũng dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Tuy nhiên, vấn đề bản sắc văn hóa cũng được đề cập trong định nghĩa về du lịch sinh thái - ‘loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp mục đích giáo dục về bảo vệ môi trường’. Du lịch văn hóa có các đặc trưng cơ bản là: (1) tính tổng hợp, đan xen nhiều hình thái vật chất lẫn tinh thần, truyền thống lẫn hiện đại, văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai, vừa có truyền thống lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, đặc trưng thể chế chính trị - xã hội; (2) tính khu vực: mỗi vùng, lãnh thổ và điểm đến du lịch đều có nét đặc trưng riêng, độc đáo về văn hóa, tạo thành sức hấp dẫn, tính đặc sắc để thu hút du khách; (3) tính kế thừa của các cảnh quan văn hóa đều là kết quả của quá trình diễn biến lâu dài của văn hóa nhân loại, hình thành trong quá trình lịch sử tất yếu của các quốc gia dân tộc; và (4) tính xung đột của du lịch văn hóa không chỉ nảy sinh trong sự va chạm giữa các nền văn hóa (clashes of civilizations) mà còn xảy ra trong nội bộ hệ thống và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch (Trần Văn Thông, 2019). Như vậy, du lịch có tác động tích cực đến văn hóa - xã hội thông qua vai trò góp phần nâng cao đạo đức con người, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần; đồng thời, tính nhân sinh của du lịch thể hiện qua việc tích cực thúc đẩy du lịch trở thành yếu tố cơ bản của phồn vinh xã hội. Du khách tham gia vào hoạt động du lịch sẽ được tích lũy 7 thêm kiến thức về đất nước, con người và lịch sử văn hóa - xã hội của quốc gia; có thêm nhiều hiểu biết về các danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa và đời sống cộng đồng địa phương; nhờ đó gia tăng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, Tổ quốc, nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng đất nước và bảo vệ môi trường, hội nhập quốc tế. Chiến lược xúc tiến, phát triển du lịch còn giúp thúc đẩy sự phát triển văn hóa dân tộc, tạo dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc gia, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa dân gian (Lê Thị Hải Lý, 2015) Bất cứ một hiện tượng nào trong xã hội đều có khía cạnh văn hóa của nó nhưng đối với hoạt động du lịch, văn hóa vừa là tài nguyên vừa là biện pháp, cách thức làm ra lợi nhuận. Cho nên mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa luôn luôn là sự gắn kết vô cùng chặt chẽ, có tác động qua lại, ảnh hưởng nhau rõ rệt. Mặt trái của du lịch nói chung và tác động tiêu cực của du lịch văn hóa nói riêng có thể kể đến việc làm thay đổi cấu trúc kinh tế của vùng, làm biến đổi đáng kể đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư địa phương; thương mại hóa nền văn hóa dân tộc, làm cho nó bị tầm thường hóa thành những hàng hóa, sản phẩm dịch vụ kém giá trị. Bên cạnh đó, du lịch đại chúng (mass tourism) và quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số theo xu hướng du lịch thông minh cũng làm cho nhiều quốc gia, cộng đồng địa phương thay đổi cách thức làm du lịch văn hóa, thậm chí là bị biến chất và bỏ quên các mục đích, nguyên tắc cơ bản của việc phát triển bền vững và mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (Phan Huy Xu; Võ Văn Thành, 2016). 3. Thực trạng khai thác du lịch văn hóa tại các nước ASEAN Hiện nay, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều đang coi du lịch là một ngành dịch vụ có vai trò quan trọng và là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hội nhập hiệu quả. Trong đó, du lịch văn hóa đã trở thành một loại hình đặc thù, được xem là thế mạnh của ngành du lịch tại các nước vốn giàu bản sắc văn hóa phương Đông này. Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều danh lam thắng cảnh nổi bật thì ASEAN cũng được biết đến như một cộng đồng của các dân tộc đa ngôn ngữ, đa văn hóa, nhiều lễ hội đặc sắc, cùng với các nền văn hóa bản địa độc đáo, thú vị. Nổi bật nhất đó là khối các nước Phật giáo tại Đông Nam Á lục địa, điển hình là Thái Lan, Myanmar, Lào và Campuchia với hoạt động du lịch văn hóa trở thành chủ đạo nhờ vào hàng nghìn di sản quốc gia và thế giới đa dạng cả về tính vật thể hay phi vật thể (Nguyễn Văn Lưu, 2013). 8 Nhắc đến Thái Lan, không thể bỏ qua những tour du lịch hành hương viếng thăm những điểm đến nổi tiếng là các công trình kiến trúc tôn giáo mang đậm nét bản địa và các di tích văn hóa - lịch sử đầy ấn tượng và giá trị nghệ thuật như chùa Phật vàng Wat Traimit, chùa Núi vàng Wat Saket, chùa Bình Minh - Wat Arun nằm bên bờ sông Chao Phraya, Chùa Trắng - Wat Rong Khun ở tỉnh Chieng Rai, v.v... Đó còn là ngôi chùa Wat Phra Kaew - nằm trong khuôn viên Đại hoàng cung - là nơi thường xuyên tổ chức những buổi lễ quan trọng của quốc gia; gần đó là ngôi chùa Phra Chetuphon lớn nhất Bangkok với diện tích 80.000m2 - còn có tên là Wat Pho, được xây dựng năm 1848, vốn là học viện đào tạo nghề matxa cổ truyền lớn nhất nước. Chùa Wat Mahathat được xây dựng năm 1374 là di tích trung tâm tại cố đô Ayutthaya, là một tác phẩm nghệ thuật sống động, kỳ lạ - đầu tượng Phật với khuôn mặt đẹp, phúc hậu hiện ra trong chùm rễ cây là nơi từng được sử dụng như một ngôi đền dành cho các nghi lễ hoàng gia Thái. Đến với Thái Lan, du khách còn được trải nghiệm hàng trăm lễ hội đặc sắc quanh năm tại mọi địa phương, vùng miền khắp cả nước. Trong đó, tiêu biểu và thu hút nhất là lễ hội Songkran - tục lệ té nước đón mừng năm mới, lễ hội thả đèn Loy Krathong với lịch sử hơn 700 năm diễn ra vào dịp cuối năm. Lễ hội voi Surin tại vùng Đông Bắc Thái (còn gọi là Issan), lễ hội ăn chay vào ngày 10/10 của người dân Phuket, lễ hội trăng rằm trên đảo Koh Pangan để tạ ơn Thần Mặt trăng. Báo cáo “Quốc gia tốt nhất năm 2017” của U.S. News xếp Thái Lan đã đứng thứ 4 thế giới về giá trị du lịch và thứ 7 thế giới về di sản văn hóa. Năm 2012, Bangkok lần thứ ba liên tiếp được Tạp chí Travel&Leisure trao tặng danh hiệu “Thành phố lý tưởng nhất thế giới” dựa trên cuộc thăm dò ý kiến trực tuyến với du khách, khảo sát về 6 tiêu chuẩn cảnh đẹp, nhà hàng và ẩm thực, con người, mua sắm, và các giá trị văn hoá, nghệ thuật. Vào năm 2016, thủ đô Bangkok đã vượt qua cả London và New York để đứng đầu danh sách “thành phố đáng tham quan nhất” do Euromonitor công bố với gần 35 triệu lượt khách và 71,4 tỷ USD doanh thu. “Xứ sở chùa vàng” này luôn phải khiến du khách thốt lên “Amazing Thailand” khi đặt chân đến những trung tâm du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới như Pattaya, Chiang Mai, Chiang Rai, Phuket, Ayutthaya, Udon Thani,… Thái Lan được đánh giá là một trong 10 quốc gia có nền văn hóa ẩm thực phong phú nhất thế giới nhờ sự hòa trộn tinh tế của thảo dược, gia vị và thực phẩm tươi sống với những phong cách nấu nướng đặc biệt. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Thái Lan 9 đã thực hiện chiến dịch tập trung riêng để quảng bá nền ẩm thực Thái Lan mang tên Thailand - Kitchen to the World (Thái Lan: bếp ăn của thế giới) với mục tiêu chính của nhằm khuyếch trương ẩm thực Thái, được thực hiện rộng rãi trên qui mô toàn cầu. Cựu Thủ tướng Thaksin Sinawatra đã từng phát biểu: “Ẩm thực là phương thức thứ ba để quảng bá du lịch” và ông đã đích thân tiếp thị cho thịt gà và trứng gà Thái trong thời gian dịch cúm gia cầm bùng phát hay từng trực tiếp chủ trì giới thiệu cho chương trình quảng cáo “Hãy là khách hàng của chúng tôi” cho ngành Du lịch Thái Lan. Song song với các chiến dịch ngắn hạn, Cục Xúc tiến Du lịch (TAT) phối hợp xuất bản ấn phẩm Tin tức về nhà hàng Thái và tổ chức hội thảo để giúp các nhà đầu tư Thái phát triển thương hiệu nhà hàng Thái ở nước ngoài. Một số hoạt động nội bật trong Chiến dịch “Amazing Thailand” gồm: tổ chức các hội nghị về ẩm thực Thái Lan; hội chợ ẩm thực Thái ở trong nước và cả các gian hàng Thái ở Hội chợ nước ngoài; thiết kế các tour du lịch cho khách quốc tế đến thăm, thưởng thức và học nấu món ăn Thái; tạo điều kiện thuận lợi cho các đầu bếp Thái Lan ra nước ngoài hành nghề... (Trần Ngọc Thêm, 2017) Bên cạnh sự hấp dẫn, đặc sắc của ẩm thực đường phố, được xem là một trong những nét văn hóa đặc trưng độc đáo của người Thái, còn có nhiều hoạt động khai thác du lịch luôn diễn ra sôi động quanh năm trên khắp mọi miền đất nước. Không chỉ thành công nhờ mô hình 4S: Sea - Sun - Shop - Sex mà Vương quốc Thái Lan còn trở thành vùng đất của những nụ cười thân thiện, mến khách và những Phật tử hiền hòa, chất phác hay những người bán hàng rong, chợ trời tại Pratunam, Chatuchak, Maeklong, chợ đêm Jatujak Green và Silom - Patpong, Khao San, Sukhumvit... Ngoài ra, phải kể đến các tour tham quan chợ nổi như Damnoen Saduak, Amphawa, Taling Chan, Bang nam Pheung, Khlong Lat Mayom,…Theo một nghiên cứu của Nalin S. và cộng sự (2020), các yếu tố tạo nên sự hấp dẫn và phát triển mạnh mẽ của du lịch Thái Lan bao gồm: đứng đầu là nền văn hóa bản địa và các giá trị truyền thống dân tộc; đặc sản địa phương; hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch; điểm đến, điểm tham quan; kiến trúc và nhà ở; văn hóa ẩm thực; và cuối cùng là đời sống người dân. Cùng với Thái Lan thì các quốc gia láng giềng trong Tiểu vùng Sông Mekong như Lào, Campuchia và Miến Điện đều tận dụng những di sản văn hóa dân tộc để tạo nên sức hút và các sản phẩm đặc thù của du lịch văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của quốc gia mình. Các di sản mang giá trị văn hóa - lịch sử được xếp hạng đặc biệt như các khu di tích quốc gia và các di sản thế giới do Tổ chức UNESCO công 10 nhận như: khu di sản Wat Phou, tỉnh Champasak và Cố đô Luongphabang của Lào; Thánh địa Phật giáo Bagan ở vùng Mandalay, miền trung Myanmar cùng với Các thị quốc Pyu (Hanlin, Beikthano và Sri Kestra) hay quần thể đền tháp Angkor tại tỉnh Siem Riep (được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1992), Khu vực đền Sambor Prei Kuk và di chỉ khảo cổ học của thành cổ Ishanapura (được công nhận năm 2017) của vương quốc Campuchia, v.v... Các công trình kiến trúc nổi bật nêu trên đều là những dấu ấn của nền văn hóa Ấn Độ mà cụ thể là Hindu giáo và Phật giáo nguyên thủy (Theravada) tại khu vực Đông Nam Á lục địa từ những thế kỷ đầu Công nguyên; cho thấy đời sống tinh thần lẫn vật chất và tổ chức cộng đồng, đặc điểm xã hội truyền thống luôn gắn liền với các đền chùa, nơi thờ tự tôn giáo. Mỗi địa phương đều có nơi thờ tự và đền chùa cũng đồng thời là trường học, nơi hình thành nhân cách và giáo dục đạo đức, lối sống, thể hiện tinh thần tương trợ, đoàn kết cộng đồng. Những nghi lễ vòng đời như tang ma, cưới hỏi hay thậm chí là hoạt động y tế, chữa bệnh cũng đều diễn ra tại nhà chùa hay do các sư sãi chủ trì thực hiện. Những đặc điểm nêu trên đều thể hiện một sự huyền bí, khác lạ trong đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân bản địa và trở thành các giá trị văn hóa độc đáo, tài nguyên du lịch hấp dẫn, đầy tiềm năng để thu hút du khách nước ngoài đến khám phá, trải nghiệm. Tuy chưa có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hay cơ sở hạ tầng du lịch tốt như các nước trong khu vực, nhưng Lào, Campuchia và Myanmar đều có những nét đặc trưng văn hóa truyền thống dân tộc mang giá trị cao và thể hiện tiềm năng rất lớn. Đặc biệt là khách du lịch phương Tây như Mỹ, Úc, Châu Âu đều hứng thú trải nghiệm những tour khám phá văn hóa bản địa, trekking qua những cánh rừng rậm hoang sơ hay trên dòng sông Mekong huyền thoại và tham gia trải nghiệm các lễ hội đặc sắc, thưởng thức các món ăn dân dã như: cá hấp dừa Amok, mắm Prohoc vị nồng đặc trưng Campuchia, mì gạo Nom Banh Chok của xứ sở Chùa Tháp; món xá lách lá trà Lephet, cơm cá chiên Nga Htamin của người Shan, cà-ri kiểu Miến, bún phở xào Nangyi Thoke… là các món ăn truyền thống phổ biến tại Myanmar; hay các món trứ danh như nộm đu đủ Tam Mak Houng, Lạp Lào (Laap với nghĩa là “lộc”), cá nướng (Sindat) gà nướng xiên Ping Gai. Tạp chí Times đã đặt tên cho thương hiệu BeerLao là “Bia ngon nhất châu Á”, Tờ Bangkok Post đã đặt tên cho nó là “Dom Perignon của châu Á”. Một số đặc sản và mặt hàng thủ công mỹ nghệ khéo léo, đầy màu sắc và tinh tế do cư dân địa phương trực tiếp sản xuất cũng trở thành các món quà lưu niệm mà du 11 khách quốc tế ưa chuộng như: váy thổ cẩm Sinh và khăn thêu Pa, Thip Khao - những chiếc giỏ đan lát dùng để đựng xôi nếp, cà phê thơm Jing Jhai, trà đen vùng Xieng Khoung; Khăn rằng Krama, chuối sấy và đường thốt nốt, me sấy, thịt trâu khô cùng với các đồ dùng bằng bạc, sản phẩm điêu khắc đá của Campuchia. Loại hình du lịch văn hóa tại các quốc gia này còn được phát triển nhờ vào các dịp lễ hội và hoạt động cộng đồng tiêu biểu như: tết cổ truyền Chol Chnam Thmey, lễ cúng trăng Ok Om Bok, lễ báo hiếu Đôn-tà, hội đua ghe ngo Bon Om Thook ở Campuchia; tết năm mới Thingyan, lễ hội trăng tròn - tuần chay Wazo, lễ hội Ánh sáng Thadingyut ở Myanmar; tết Bun Pi May, hội That Luang, hội vía lúa Bun Khun-khau ở Lào, v.v… Ngày hội thắp đèn (hay còn gọi là Tazaungdaing) được tổ chức với quy mô hoành tráng bậc nhất thế giới tại hai địa điểm là thủ phủ Taunggyi của bang Shan và thị trấn Pyin Oo Lwin ở cố đô Bagan của Myanmar. Đó là sự kết hợp giữa khinh khí cầu với ánh sáng và âm nhạc, mang lại những trải nghiệm ấn tượng, lãng mạn nhất cho du khách bay lượn trên miền đất cổ kính, đầy thi vị với hơn 2000 ngôi chùa dát vàng lấp lánh, đền tháp rêu phong ở miền trung Miến Điện. 4. Đánh giá những thuận lợi và thách thức đối với việc phát triển du lịch dựa trên bản sắc văn hóa dân tộc của các nước Đông Nam Á 4.1 Thế mạnh (Strength) - Đông Nam Á là một khu vực có vị trí địa lý quan trọng, nằm gần với hai nền văn minh lớn của thế giới là Ấn Độ và Trung Hoa; nợi đây cũng được xem là ngã tư đường quan trọng của Châu Á-Thái Bình Dương, giúp kết nối giao thương giữa các vương quốc Hồi giáo Trung Đông và Đông Bắc Á, là nền tảng cơ sở của sự giao lưu và tiếp biến văn hóa, tạo nên sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch nhân văn, đặc biệt là bản sắc văn hóa địa phương độc đáo của cộng đồng tộc người. - Đông Nam Á cũng được biết đến như là một trong những cái nôi của nhân loại; với lịch sử hình thành từ gần 10.000 năm trước của chủng người Mongoloid phương Nam và tiểu chủng Mã Lai-Đa Đảo (Indonesien) tạo nên cộng đồng dân cư đa sắc tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa phân bố ở cả hai khối lục địa và hải đảo. - Đông Nam Á mang đặc điểm chung của một nền văn hóa “thống nhất trong đa dạng”, với cơ sở kinh tế ban đầu là nền nông nghiệp lúa nước và một Cộng đồng ASEAN đang được xây dựng trở thành một tổ chức liên kết khu vực thành công, hướng đến mục tiêu chung: “Một tầm nhìn, một bản sắc, một cộng đồng”. 12 - Đa số các quốc gia ASEAN đều đã xác định cho mình bản sắc dân tộc và hệ giá trị đặc trưng, đồng thời chú trọng xây dựng ngành du lịch trở thành nền kinh tế mũi nhọn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên nhân văn cũng như các hệ thống di tích lịch sử, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, đặc sắc đã từng được UNESCO công nhận (Phạm Từ, 2017). - Các doanh nghiệp lữ hành và nhiều khu du lịch, vườn quốc gia, các trung tâm du lịch tại Đông Nam Á đã thành công trong việc quảng bá thương hiệu và tạo ra nhiều sản phẩm đặc thù, biết cách khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của cư dân bản địa để tạo nên sức hấp dẫn, cạnh tranh cho ngành du lịch. 4.2 Cơ hội (Opportunity) Trên đà phát triển và hội nhập Cộng đồng ASEAN, ngành du lịch đã đề ra chiến lược nhằm khẳng định vai trò của khu vực là một điểm đến du lịch cạnh tranh, bền vững, toàn diện và hội nhập hơn về kinh tế xã hội, với tầm nhìn trung hạn 2015-2025, đó là: “Đến năm 2025, ASEAN sẽ là một điểm đến du lịch chất lượng, cung cấp trải nghiệm về một ASEAN đa dạng và độc đáo, với cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng, để góp phần đáng kể vào sự thịnh vượng về kinh tế - xã hội của người dân ASEAN”. Theo đó, ASEAN sẽ được tiếp thị ASEAN là một điểm đến duy nhất, thực hiện các tiêu chuẩn du lịch ASEAN và thực hiện Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về Nghề Du lịch trong ASEAN (MRA - TP); áp dụng các phương pháp mới và sáng tạo để phát triển và tiếp thị điểm đến sản phẩm; lồng ghép các sáng kiến du lịch tiểu vùng hiện có như Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Khu vực Tăng trưởng Đông ASEAN bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines (BIMP - EAGA) và Tam giác Tăng trưởng bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan (IMT - GT) trong khu vực ASEAN; và phối hợp với các cơ quan khác có nhiệm vụ kiểm soát hoặc ảnh hưởng đến các thách thức về kết nối then chốt, đầu tư, an toàn và an ninh và bảo tồn các di sản thiên nhiên và văn hóa đối với hội nhập và phát triển của ngành du lịch khu vực Đông Nam Á. Nhờ vậy, các quốc gia càng có thêm điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh của mình, xây dựng thương hiệu về bản sắc văn hóa dân tộc cũng như phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa đặc thù mang tính độc đáo, hấp dẫn, cạnh tranh (ASEAN Secretariat, 2015). Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với những tác động tích cực của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập đã giúp cho các nước ASEAN tiếp cận thuận lợi hơn với thị 13 trường khách du lịch phương Tây. Công cuộc chuyển giao khoa học công nghệ và số hóa du lịch đã giúp cho các nước kém phát triển tại Đông Nam Á như Tiểu vùng Mekong (CMLV) có điều kiện thu hẹp khoảng cách phát triển và tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ của quốc tế trong chiến lược phát triển du lịch và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 4.3 Điểm yếu và mặt hạn chế (Weakness) - Cơ sở hạ tầng du lịch chưa được đầu tư đồng bộ; năng lực quản lý của một số chính quyền địa phương còn yếu kém, đặc biệt là những nơi vùng sâu vùng xa, nơi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn kém phát triển, khá cách biệt so với vùng đồng bằng hay đô thị dẫn đến việc khó tiếp cận (Access trong mô hình kinh doanh 4A) và không thoải mái, không đáp ứng/thỏa mãn nhu cầu cho du khách. - Chủ thể của du lịch văn hóa thường là các tộc người bản địa có trình độ dân trí thấp, luôn tồn tại quan điểm bảo thủ, thiếu tác phong công nghiệp cũng như không được đào tạo bài bản để làm việc trong ngành kinh doanh dịch vụ du lịch; do đó trở thành sự hạn chế và kiềm hãm đáng kể đối với việc xúc tiến du lịch và khai thác các sản phẩm đặc thù về du lịch văn hóa. - Nhiều doanh nghiệp lữ hành hay các cơ sở kinh doanh du lịch khác như nhà hàng, khách sạn, công viên, khu du lịch còn chưa quan tâm đúng mức đến giá trị của bản sắc văn hóa dân tộc; hay chưa biết cách khai thác hiệu quả loại hình du lịch văn hóa; dẫn đến số lượng điểm đến hay sản phẩm tour du lịch còn đơn điệu, kém chất lượng dịch vụ. - Mặc dù đa số các nước ASEAN đều đã xác định hệ giá trị truyền thống của dân tộc, hay đã công bố những linh vật, slogan, biểu trưng, quốc phục, đặc sản ẩm thực, v.v…để sử dụng cho việc quảng bá thương hiệu và xúc tiến du lịch; tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm chưa thống nhất. Đơn cử là việc tranh cãi về quốc hoa và quốc phục của Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ, hay việc xác định linh vật là trâu vàng hay chim lạc để trở thành hình ảnh đại diện cho các sản phẩm lưu niệm. Việc bình chọn các món ăn tiêu biểu như Phở, Bún chả và Bánh mì dù được các tạp chí uy tín trên thế giới đưa vào danh sách những món ngon hàng đầu nhưng rất ít thấy Tổng cục du lịch hay các Sở du lịch tỉnh thành có những ấn phẩm quảng bá chính thức cho du khách tham khảo. 4.4 Thách thức và những khó khăn, trở ngại (Threats) - Đại dịch Covid-19 hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, du lịch và mọi mặt của đời sống người dân trên khắp thế giới. 14 Việc đóng cửa biên giới hoặc hạn chế lưu thông, di chuyển cũng gây nên sự sụt giảm doanh thu rất đáng kể đối với ngành lữ hành quốc tế; dẫn đến nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch phải phá sản. Do đó, loại hình du lịch văn hóa cũng bị trì trệ do đối tượng quan tâm trải nghiệm là khách quốc tế đến từ phương Tây không thể đến du lịch tại các nước Đông Nam Á. - Những phần tử phản động và các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại tinh thần đại đoàn kết toàn dân tại các nước ASEAN; phong trào ly khai của một số cộng đồng thiểu số hay xung đột tôn giáo, sắc tộc tại miền Nam Thái Lan, Đông Bắc Myanmar hay miền Nam Philippines, các đảo phía Tây Indonesia luôn là mối đe dọa, trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội và do đó cũng cản trở sự phát triển của các tour du lịch văn hóa, khi mà những nơi đó không còn là điểm đến an toàn và thân thiện cho du khách. - Quá trình hội nhập nhập khu vực hay toàn cầu hóa cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư luôn có những tác động tích cực lẫn tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Đặc biệt, cộng đồng các dân tộc thiểu sổ - chủ thể của sản phẩm du lịch văn hóa rất dễ bị ảnh hưởng và biến đổi. Hệ giá trị truyền thống dân tộc dù đã được Chính phủ công bố và tích cực tuyên truyền quảng bá nhưng ở góc độ địa phương và từng cá nhân, mỗi tộc người đều rất dễ thay đổi các phong tục tập quán, lối ứng xử đặc trưng (cách ăn, mặc, ở, tín ngưỡng, lễ hội…) cho phù hợp với xu thế hiện đại và đáp ứng sự tiện nghi, thoải mái của đời sống con người. 5. Một số kiến nghị, giải pháp đề xuất nhằm phát triển du lịch văn hóa tại các nước ASEAN - Trước tiên, đối với Cộng đồng ASEAN, như là một liên kết khu vực thống nhất, cần thực thi chặt chẽ và triệt để các mục tiêu, định hướng chiến lược đã đề ra, cụ thể là: (1) Tăng cường năng lực cạnh tranh của ASEAN là một điểm đến du lịch duy nhất và (2) Đảm báo tính bền vững và toàn diện của Du lịch ASEAN thông qua việc đảm bảo an toàn và an ninh, ưu tiên bảo vệ và quản lý các di sản; nâng cao sự tham gia của khối công tư và của cộng đồng địa phương vào chuỗi giá trị du lịch. - Hai là, các cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia cần lưu ý hơn nữa việc xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch ngành du lịch dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, khai thác hợp lý và hiệu quả đối với các nguồn tài nguyên nhân văn, hệ thống các di sản và những giá trị nền tảng, bản sắc văn hóa dân tộc. 15 - Ba là, đối với các doanh nghiệp khai thác, kinh doanh dịch vụ du lịch như các đại lý lữ hành, khu du lịch, nhà hàng, khách sạn cần hiểu rõ hơn về loại hình du lịch văn hóa và nắm vững các nguyên tắc bảo tồn, phát triển di sản, hệ giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi nguồn lực nhân sự, từ vị trí quản lý cho đến bộ phận phục vụ cần được đào tạo và tập huấn chuyên môn về du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững. - Đối với các chuyên gia tư vấn du lịch và các nhà nghiên cứu văn hóa, các giảng viên đại học-cao đẳng: cần phối hợp với các sở ngành quản lý du lịch và doanh nghiệp để trao đổi ý kiến, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, khắc phục hạn chế của sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa; tăng cường đối thoại với cộng đồng địa phương và cả nhiều đối tượng du khách để nâng cao chất lượng cho ngành du lịch; tìm ra những mô hình giải pháp phù hợp để học hỏi và nhân rộng. - Có hướng đào tạo và tập huấn cho chính những người dân địa phương để trở thành nguồn nhân lực chủ chốt phục vụ cho loại hình du lịch văn hóa, với vai trò là các hướng dẫn viên bản địa, nhân viên khách sạn, nhà hàng hay thuyết minh viên tại các khu du lịch. Qua đó, du khách sẽ có thể trải nghiệm giá trị văn hóa chân thực nhất và tiếp thu những tri thức bản địa, thông qua các dịch vụ và hoạt động do người dân địa phương trực tiếp đảm nhiệm. - Cần tổ chức thêm một số buổi triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa và các điểm đến mới lạ cho du khách; đồng thời xúc tiến một số nền tảng ứng dụng công nghệ như website, tiện ích (application) trên điện thoại thông minh, và số hóa các thông tin, cơ sở dữ liệu (big data) về điểm đến và sản phẩm tour du lịch văn hóa, từ đó giúp đa dạng hóa đối tượng tiếp cận và giúp cho du khách dễ dàng tra cứu thông tin, hiểu rõ hơn về các địa phương. 16 Tài liệu tham khảo ASEAN Secretariat. (2015). Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2016 - 2025. Jakarta, Indonesia. Braudel, F. (2004). Tìm hiểu các nền văn minh trên thế giới. Hà Nội: NXB. Khoa học Xã hội. Cruz, R. G. (2003). Towards Sustainable Tourism Development in the Philippines and Other ASEAN Countries: An Examination of Programs and Practices of National Tourism Organizations. Journal of ASEAN Institute of Tourism, 11-14. Hoàng, H. T. (2011). Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc nước ta hiện nay. Hà Nội: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Lưu, N. V. (2013). Du lịch Việt Nam hội nhập trong ASEAN. Hà Nội: NXB. Văn hóa Thông tin. Lý, L. T. (2015). Mối quan hệ giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: NXB. Đại học Quốc gia . Mohamed, N. (1995). Conservation in Malaysia : landscape, tourism and culture. New York, USA: University of York. Phan Ngọc. (1998). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB. Văn Học. Simasathiansophon, Nalin; Chotima Jotikasthira; Suraporn Onputtha; Atchira Tiwasing. (2020). Tourist’s decision to travel to Thai cultural tourism destination in central part of Thailand. E3S Web Conf., 164. doi:https://doi.org/10.1051/e3sconf/202016410002 Thêm, T. N. (2004). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. TP.HCM: NXB. Tổng Hợp. Thêm, T. N. (2017). Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Hội nhập quốc tế. Hà Nội: NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật. Thiệu, N. D. (2019). Các dân tộc ở Đông Nam Á. Hà Nội: NXB. Đại học Quốc gia . Thông, T. V. (2019). Giáo trình Tổng quan du lịch (Tài liệu lưu hành nội bộ). TP.HCM: Trường Đại học Kinh tế Tài chính UEF. Phạm Từ. (2017, 2 19). Văn hóa với du lịch trong thế giới hội nhập. Tuy Hòa, Phú Yên, Việt Nam. Retrieved from https://vneconomy.vn/thi-truong/van-hoa-voi-du-lich-trong-the-gioihoi-nhap-20170219102636459.htm Ban Tuyên Giáo TW. (2019). Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Retrieved from https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/xay-dung-nen-van-hoa-viet-nam-tien-tien-dam-daban-sac-dan-toc-208817.html Tylor, E. B. (1871). Primitive Culture. London: Oxford Press. Xu, Phan Huy; Thành, Võ Văn. (2016). Bàn về Văn hóa Du lịch Việt Nam. TP.HCM: NXB. Tổng Hợp.