Academia.eduAcademia.edu
Câu hỏi 1:  Thực trạng sử dụng tên riêng nước ngoài và từ viết tắt nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Việt Nam hiện nay? Những kiến nghị? Đặt vấn đề: Lâu nay chúng ta vẫn thường tự hào vì vốn tiếng Việt giàu và đẹp. Cùng với sự phát triển của đời sống văn hóa - xã hội và các lĩnh vực khác, tiếng Việt ngày càng khẳng định giá trị, bản sắc, tinh hoa và khả năng phát triển ngày càng phong phú của nó. Trong suốt quá trình phát triển của lịch sử, ngay cả khi dân tộc đứng trước giai đoạn cam go liên quan tới vận mệnh dân tộc nhưng chưa khi nào trách nhiệm "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" bị lơ là. Lĩnh vực thông tin đại chúng là một lĩnh vực mà tiếng Việt được sử dụng với nhiều dung lượng, mức độ cũng như sắc thái khác nhau. Và điều quan trọng hơn, nó tác động mạnh mẽ, liên tục, sâu sắc tới đông đảo công chúng. Nói ngôn ngữ báo chí, truyền thông là nói tới những sản phẩm ngôn ngữ được thể hiện qua các kênh như báo in, phát thanh, truyền hình, báo điện tử... Bên cạnh những yêu cầu chung thì ngôn ngữ truyền thông cũng chứa đựng trong đó những đặc trưng riêng như chính xác, nhanh nhạy và hấp dẫn. Ngôn ngữ báo chí vì vậy luôn vận động, phát triển sinh động, tươi mới nhưng không xa lạ với con người. Thậm chí nếu không muốn nói, vì sự ảnh hưởng sâu rộng của nó, một yêu cầu đặt ra với ngôn ngữ truyền thông đại chúng phải thông dụng, chuẩn mực và mang tính văn hóa. Sự phát triển của đời sống, công nghệ thông tin đã kéo theo sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng. Có thể thấy mặt trận truyền thông ngày càng đa dạng về chủng loại: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, trang thông tin điện tử... Thông tin vì thế cũng đến với người đọc, người nghe và người xem nhanh hơn, đa chiều và sâu hơn. Qua báo chí và qua sự phát triển của các loại hình, các cơ quan báo chí thì chúng ta có thể thấy sự thay đổi, mạnh mẽ, sinh động của ngôn ngữ tiếng Việt. Các cơ quan báo chí luôn chú ý đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung thông tin, đặt tiêu đề độc đáo, sử dụng ngôn ngữ ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu...Tuy nhiên, cùng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông ấy cũng đặt ra một yêu cầu cấp bách về việc sử dụng ngôn ngữ của những nhà báo. Thời gian gần đây, có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến ngôn ngữ báo chí đang được dư luận quan tâm, lo lắng. Có thể tóm lược ở những vấn đề như việc dùng từ, câu văn tùy tiện, cẩu thả, cách đặt tiêu đề, rút tít vì ham "hấp dẫn" mà thiếu cân nhắc, sai thực tế, thậm chí sa vào tình trạng giật gân câu khách. Một số bài viết của phóng viên trẻ sử dụng tiếng nước ngoài vô tội vạ, thiếu nhất quán (khi nào thì dịch nghĩa, phiên âm hay để nguyên dạng). Tâm lý sính chữ, chuộng ngoại vẫn còn khá phổ biến, ngôn ngữ và cách trình bày của không ít phát thanh viên trên Đài phát thanh, truyền hình chưa có sự trau dồi, chưa hướng tới sự chuẩn mực cần thiết... Điều đáng lo ngại là những sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ, về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực, nhanh chóng và rộng khắp đến đông đảo giới trẻ, trở thành những hiệu ứng lan truyền. Từ nhiều năm nay, nhất là từ khi có công cuộc Đổi mới mà một nội dung quan trọng là hội nhập quốc tế thì vấn đề tiếp xúc ngôn ngữ cũng trở nên tất yếu và có tính thời sự, liên quan đến đời sống giao tiếp hàng ngày của chúng ta. Gần tám trăm tờ báo, hàng chục kênh truyền hình và phát thanh liên tục đưa các loại hình thông tin đến khán giả và bạn đọc. Trong tình huống ấy, một khi nước ta chưa có luật ngôn ngữ, thì mỗi chủ thể truyền thông đều tự tung, tự tác theo ý chí riêng của mình, không có sự can thiệp nào. Diện mạo tên riêng nước ngoài và từ viết tắt nước ngoài trong truyền thông tiếng Việt hiện nay cũng theo đó mà tha hồ tự phát. Như bất kỳ sự vật, hiện tượng nào, tiếng Việt đổi mới, phát triển là tất yếu nhưng làm sao đảm bảo sự phát triển này diễn ra một cách vững chắc trên cơ sở vốn cũ, làm cho tiếng Việt ngày càng giàu có nhưng vẫn giữ được phong cách, tinh hoa và bản sắc của nó là điều cần thiết.       II-   Các thuật ngữ chuyên ngành: Truyền thông đại chúng là cách thức truyền đạt thông tin thông qua các phương tiện kĩ thuật (như đài phát thanh, truyền hình, các ấn phẩm, phim ảnh, băng đĩa, mạng Internet) đến đám đông công chúng phân tán nhằm mục đích củng cố hoặc thay đổi nhận thức, quan điểm, hành vi của họ đối với các vấn đề khác nhau trong đời sống xã hội. Các phương tiện truyền thông đại chúng hay các phương tiện thông tin đại chúng là các phương tiện được sử dụng để truyền đạt thông tin một cách đại chúng, rộng rãi, tức là có khả năng đưa thông tin tới đối tượng đại chúng mục tiêu. Ví dụ: báo in, tạp chí, phát thanh, truyền hình, sách, internet... Cần phân biệt giữa nội dung truyền thông và phương tiện truyền thông. Theo đó phương tiện truyền thông đại chúng là một yếu tố trung gian có khả năng chứa đựng nội dung truyền thông đại chúng, chúng khác biệt với bản thân nội dung truyền thông đại chúng.      III-      Việc sử dụng tên riêng nước ngoài trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay. Thực trạng: Một tên riêng nước ngoài cũng đã có mấy cách đọc, cách viết. Mươi năm gần đây nổi lên khuynh hướng cứ để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong tiếng Việt ( được hiểu là không phiên âm, cũng không chuyển tự) mà hướng này lại có mặt trên nhiều tờ báo có đông bạn đọc. Tự nhiên xu hướng này dần lấn át và cứ như đã giành được lẽ phải trong hướng dẫn xã hội: Không cần phiên chuyển sang tiếng Việt, phiên chuyển là vô ích, vô bổ, vô duyên. Lý do chính thường được dẫn ra biện minh cho việc để nguyên dạng các tên riêng ( mà chủ yếu là tiếng Anh ) đại loại là: Tiếng Anh nay là ngoại ngữ phổ dụng quốc tế, nước ta nay có nhiều người biết tiếng Anh rồi, và sẽ còn nhiều người biết nữa. Để nguyên dạng tên riêng thì đọc mới gần với nguyên ngữ, mới dễ hiểu nhau, mới thuận lợi cho hội nhập quốc tế được. Vả lại, đọc theo nguyên ngữ ( nhờ để nguyên dạng) nay cũng đã hình thành thói quen xã hội. Phiên chuyển (đọc, viết tên riêng nước ngoài theo lối ta) vừa xa lạ, vừa quê mùa vừa cổ hủ, không thể quay lại thời đã qua trong quá khứ. Việc một số tờ báo chính thống nay vẫn kiên trì theo đuổi lối phiên chuyển là đại diện cho tư duy bảo thủ và lạc hậu (!).   Để nguyên dạng còn tiết kiệm cho xử lý kỹ thuật, đỡ tốn thì giờ, tiền bạc, giấy bút,…                Còn có thể kể ra những lối biện luận khác nữa cho việc để nguyên dạng, không phiên chuyển sang tiếng Việt. Đánh giá: Ai cũng biết ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của người ta. Ngôn ngữ là công cụ, chưa bao giờ là mục đích. Ngôn ngữ ra đời theo nhu cầu của xã hội, nó phụng sự các lợi ích xã hội, cũng là đông lực phát triển xã hội và của chính bản thân nó. Đã là công cụ thì phải sắc bén, tiện dụng và khéo léo. Xã hội đối với ngôn ngữ là ai? Là những cộng đồng cụ thể sử dụng nó theo những lợi ích cũng rất cụ thể. Một dân tộc, một bộ tộc, một lĩnh vực, một địa hạt,… theo tính chất cộng đồng. Nền tảng của nó là văn hóa.          Đã từ lâu, những người nghiên cứu ngôn ngữ nhận thấy độ bền vững to lớn của văn hóa và độ kết dính chặt chẽ của nó trong cộng đồng bản ngữ. Văn hóa bản địa và bản ngữ có quan hệ chặt tới mức cái này là tiền đề của cái kia. Humboldt, Sapir, Saussure đã nói ra những chân lý trong vấn đề này.          Với ngôn ngữ, chúng tôi muốn nhấn mạnh đến quan niệm của F. De Saussure về cương vị của bản ngữ và người bản ngữ như là cái gì đó tuyệt đối trong các tương tác xã hội. Ông nói: “ Ngôn ngữ học đồng đại chỉ chấp nhận một quan điểm duy nhất: Quan điểm của người bản ngữ*”. Người bản ngữ, như ta biết, sở hữu văn hóa bản địa và cả cái thực tế xã hội của họ, biết cách tư duy và diễn đạt tư duy ấy bằng ngôn ngữ của họ. Vậy thì, trong khi làm chủ bản thân (chủ thể) họ sẵn sang tiếp thụ và tìm cách “ nội địa hóa” những gì từ bên ngoài mà họ có được qua các tiếp xúc. Dân gian ta có câu:” Nhập gia tùy tục”, ngôn ngữ cũng đúng như vậy. Tất cả những gì từ ngoại ngữ đến đều được chọn lọc,”xay giã”, làm mới cho phù hợp với lợi ích của người bản ngữ. “ Người bản ngữ luôn luôn đúng”,” Người bản ngữ luôn hành động theo lợi ích của mình”, “ Trong tiếp xúc ngôn ngữ, người bản ngữ không bài ngoại, không bắt chước mà luôn tận dụng cơ hội cho mình”.       Thực tế ngôn ngữ cho thấy những nhận xét trên đây là có cơ sở Người bản ngữ Việt đã sớm hình thành cách đọc Hán Việt. Âm Hán Việt là sản phẩm lịch sử của quá trình “nội địa hóa” cách đọc bắt đầu từ Đường âm ( và trước đó là cổ Hán Việt). Từ khi có tiếp xúc với các ngôn ngữ châu Âu, người Việt luôn tìm cách đọc thuận lợi nhất cho mình trong các tiếp nhận. Vốn từ gốc Âu là kết quả của lối phát âm Âu-Việt, trong đó các âm vị, âm tố châu Âu lần lượt được điều tiết theo hệ ngữ âm Việt ( Việt hóa trong cách đọc).        Việc để nguyên dạng thức văn tự tên riêng (chủ yếu là các nhân danh, địa danh tiếng châu Âu viết theo chữ Roman, đặc biệt là tiếng Anh hiện nay) chính là ngược lại xu hướng đó, là trái với nguyên lý: Bản ngữ trên hết và trước hết.   Lập luận Tiếng Anh nay là ngoại ngữ phổ dụng quốc tế, để nguyên dạng tên riêng thì mới gần với cách đọc nguyên ngữ, mới dễ hiểu nhau, mới thuận lợi cho tiếp xúc quốc tế. Đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc về hội nhập. Để hội nhập thì cần tăng cường ngoại ngữ, khi dùng ngoại ngữ thì phải cố gắng tối đa phát âm theo bản ngữ của người ta. Còn khi ta nói tiếng Việt, đọc tiếng Việt mà lại ưu tiên cho việc nhất nhất phải giống người ta là hy sinh tiếng mẹ đẻ và lợi ích của người bản ngữ. Người bản ngữ không bao giờ hy sinh lợi ích này. Tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Ý, tiếng Tây ban nha đều có chung tự mấu Roman (Latin), nhưng không có ngôn ngữ nào để nguyên dạng tên riêng của tiếng khác ( Hãy so sánh California và Californie, Genève và Geneva,…). Trường hợp Canada là một ví dụ sinh động khác: Cộng đồng tiếng Pháp và cộng đồng tiếng Anh ở nước này bảo lưu không nhân nhượng nhau bất cứ phát âm và ghi chép tên riêng nào tuy trong cùng một quốc gia, một lãnh thổ) Lập luận để nguyên dạng tên riêng nước ngoài vì nay nó đã thành thói quen xã hội trong văn hoá đọc cũng không có cơ sở. Thói quen xã hội của ngôn ngữ phải được hiểu là thói quen của toàn thể  cộng đồng trong dụng ngôn. Cộng đồng Việt ngữ nay có gần chín chục triệu người. Số người biết ngoại ngữ tuy đã có tăng lên nhưng so với toàn dân thì vẫn còn rất hạn chế, mới chỉ giới hạn trong một bộ phận giới lao động trí óc, thanh thiếu niên và cư dân đô thị ( cả thảy hơn 20% dân số),… ngay cả những người biết chút ít ngoại ngữ thì việc để nguyên dạng cũng mới chỉ giúp người ta nhận dạng bằng mắt cứ chưa hẳn phát âm đúng được. Những báo nào để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong những bài viết thực ra người ta mới chỉ quan tâm đến lợi ích cục bộ của bộ phận tối thiểu đã quên đi lợi ích tối đa. Bà con cô bác của chúng ta ( 75 % dân số là ít nhất) rất khó khăn khi đọc những tờ báo để nguyên dạng, nhất là những tờ báo cực đoan: Để nguyên dạng tên các cuốn phim, tên bài hát, tên các sự kiện văn hóa thể thao, âm nhạc không thèm dịch ra tiếng Việt. Lập luận của những người chê bai chủ trương phiên chuyển cho rằng đó là làm như vậy ( phiên âm) là đọc theo lối ta vừa xa lạ, vừa méo mó, vừa quê mùa, vừa cổ hủ, đó chỉ là chuyện trong quá khứ. Theo đó, lập luận cũng cho rằng một số tờ báo chính thống ở ta nay vẫn theo đuổi lối phiên chuyển là đại diện cho tư duy bảo thủ này. Cách hiểu này vừa không có cơ sở khoa học, vừa lệch chuẩn văn hóa. Ngôn ngữ là những thói quen được xã hội cố định hóa thành thiết chế theo nguyên tắc “ người ta đi mãi thì thành đường thôi” ( Lỗ Tấn), con đường dụng ngôn là do cộng đồng ( đa số) tạo ra theo nhu cầu và cách thức của người bản ngữ ( trước lạ, sau quen). Một thời, các tên riêng ở ta được phiên âm qua Hán Việt, sau đó là phiên âm theo tiếng Pháp, rồi nay thì phiên âm ưu tiên theo nguyên ngữ ( nguyên gốc). Lúc đầu chưa quen, khí xa lạ, dần rồi thấy ổn ( Si li/ Chi lê, Brê din/ Bra xin, Ác giăng tin/ Ác hen ti na,…). Việc cho rằng để nguyên dạng là sang trọng, hiện đại,… là biểu hiện tâm lý thiếu tự tin, sùng ngoại, thích thể hiện chính là một biểu hiện của lệch chuẩn văn hóa.         Chủ trương để nguyên dạng tên riêng nước ngoài trong lối ghi chép ngôn ngữ mẹ đẻ ( bản ngữ) dường như nay chỉ thấy ở nước ta chứ chưa thấy có ở tiếng nào khác ( ngay cả các nước dùng chữ Roman). Tiếng ta không thể là một ngoại lệ khi hội nhập với thế giới. Kiến nghị giải pháp: Ban hành luật quy định rõ cách phiên âm tên riêng nước ngoài đảm bảo sự trong sang của tiếng Việt và đảm bảo phù hợp với mọi đối tượng đại chúng.     IV-     Việc sử dụng từ viết tắt nước ngoài trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam hiện nay. Thực trạng: - Trước hết phải kể đến lĩnh vực phát thanh, truyền hình. Những người dẫn chương trình mà ngày nay quen gọi là "em-xi" (MC viết tắt của master of ceremonies) thường có những từ (ngữ) cửa miệng như: "ghêm- xâu" (game show: trò chơi truyền hình), "phan" (fan: người hâm mộ), "cờ-líp" (clip: đoạn phim), "hót" (hot: nóng bỏng, đắt khách), "pi-gi" (PG viết tắt của promotion girl: cô gái quảng cáo bán hàng), "tin" hoặc "tuổi tin" (teen/ teen age: thanh thiếu niên), "tốp" (top: đứng đầu), xốp-ping (shopping: mua sắm), v.v. Báo chí, nhất là truyền hình và quảng cáo trên truyền hình có sức lan tỏa nhanh và mạnh trong xã hội. Theo đó, các lĩnh vực chủ chốt của đời sống xã hội phần nhiều được "trang sức" bằng tiếng Anh. - Trong các chương trình âm nhạc, người dẫn chương trình và các ca sĩ, nhạc sĩ thường có những từ cửa miệng như: nhạc cờ-lát-xích (classic: cổ điển), căn-truy (country: đồng quê), đan-xơ (dance: nhảy), xinh-gờ (singer: ca sĩ), "lai-xâu" (live show: biểu diễn trực tiếp), ai-đồ (idol: thần tượng), hát pờ-lây-bách (playback: phát lại nhạc thu sẵn), v.v. -  Lĩnh vực thể thao thì người ta nói "xì-pót" (sport). "Gôn" (goal: ghi bàn), "pê-nan-ti" (penalty: phạt đền) là những từ của bóng đá; "nốc-ao" (knock down) của môn "bốc-xing" (boxing: đấm bốc); "bờ-ríc-poi" (break point: lợi thế về điểm) là của môn "ten-nít": (tennis: quần vợt), v.v. Giải bóng đá lớn nhất quốc gia được người ta đặt cho một cái tên ngoại hoàn toàn: "V-league" cho giống với "champion league" của châu Âu. Gọi là "V-league" mới thể hiện tính chất "nhà nghề", "chuyên nghiệp" của giải đấu hay sao? -  Trên sàn "két-oắc" (catwalk: sàn diễn thời trang) thì người mẫu, diễn viên, nhà thiết kế phải biết nói những từ: "đì-rai" (design: thiết kế), "xai" (size: cỡ), "mếch-ắp" (make up: trang điểm), "xì-tai" (style: kiểu, mẫu), "cát xê" (tiền công diễn), "chạy sô", "sô diễn" (show: diễn), v.v. thì mới thể hiện mình là người "pờ-rồ" (nói tắt của professional: chuyên nghiệp). -  Thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán thì người ta nói: đến "banh" (bank: ngân hàng) mở "ơ-cao" (account: tài khoản), xem "chát" (chart: biểu đồ), "rinh" (range: biên độ), tìm "chen" (trend: xu hướng), "chết-đơ" (trader: nhà buôn), cổ phiếu "bờ-lu-chíp" (bluechip), rút "cạc" (card: rút tiền từ thẻ), v.v. - Lĩnh vực điện tử, tin học, mạng in-tơ-nét (internet) là địa hạt có sự cập nhật mạnh mẽ của từ ngữ, thuật ngữ tiếng Anh. Những từ ngữ tiếng Anh như: file, game, download, chip, laptop, online, offline, chat, virut, hack, hacker (tin tặc),blog, wifi, e-mail, v.v. xuất hiện ở khắp các báo chí mà hầu như không cần giải thích. Tác giả bài viết đã thử làm thống kê trong một số bài báo về tin học cho thấy: thông thường từ ngữ, thuật ngữ bằng tiếng Anh chiếm gần 4% dung lượng bài báo. Có lẽ hiếm nơi nào trên thế giới lại phổ biến quảng cáo bằng tiếng nước ngoài như Việt Nam. Nước láng giềng Trung Quốc quy định quảng cáo tiếng nước ngoài bắt buộc phải phiên âm ra tiếng Hán, kể cả các thương hiệu đã rất nổi tiếng bằng tiếng Anh như: Coca cola, Walmart, v.v. Còn ở ta, xuống phố là đập vào mắt chúng ta là biết bao biển quảng cáo bằng tiếng Anh nguyên dạng không cần dịch: coffee, massage, salon, galery ,resort, fast food, tailor, beauty care, spa, v.v. Rất nhiều từ trong số đó đã được phiên âm ra tiếng Việt và đã đi vào ngôn ngữ phổ thông nhưng không được dùng như:cà phê, mát-xa, xa-lông, ga-le-ri. Số còn lại hoàn toàn có thể dịch ra tiếng Việt cho dễ hiểu: khu nghỉ dưỡng (resort), ăn nhanh (fast food), tiệm may (tailor), chăm sóc sắc đẹp (beauty care), v.v. Ngôn ngữ sử dụng trên phương tiện thông tin đại chúng phải là ngôn ngữ chuẩn mực, phổ thông, trong sáng để ai ai cũng có thể hiểu được. Nhưng ở nước ta, từ báo viết đến báo nói, báo hình đang hình thành một trào lưu dùng tiếng Anh nguyên ngữ tràn lan. Điều đó dẫn đến hiện tượng “có nhiều người Việt Nam bỗng nhiên trở nên mù chữ vì không đọc được và hiểu được hết những gì người ta viết trên báo chí”. Trong những trường hợp bất đắc dĩ phải dùng tiếng nước ngoài thì cũng cần phải giải thích cho rõ ràng. Đằng này, báo đài nghiễm nhiên coi như khán thính giả Việt Nam đều thông thạo tiếng Anh. Chẳng hạn những dòng tiêu đề kiểu này: “Mỹ Linh sợ hát playback và minidisc”, “Nhạt liveshow, đậm phòng trà”, “Nhóm côn đồ tuổi teen tấn công trưởng công an xã”, “Scandal của superstar”, v.v. (ví dụ dẫn theo) Như vậy, khác nào việc dùng tiếng lóng hay biệt ngữ trong một nhóm người. Hệt như thể có gì khuất tất cần phải che giấu. Vì vậy, tâm lí chung của khán thính giả (độ tuổi trên 30) là thấy mình bị tách ra khỏi cộng đồng “tiếng lóng” đó, thậm chí còn cảm thấy bị xúc phạm. “Nếu một người trẻ tuổi sử dụng một câu tiếng Việt “bồi” kiểu “Nâu vấn đề.” (Không có vấn đề gì) trong khi nói chuyện với người hàng trên như ông bà, bố mẹ thì sẽ bị cho là vô lễ, thiếu giáo dục” . Chúng tôi cho rằng, nhìn rộng ra, đây cũng chính là một khía cạnh vi phạm các nguyên tắc về lịch sự giao tiếp trong tiếng Việt. Đánh giá: Cũng như các ngôn ngữ khác, tiếng Việt của chúng ta đang chịu sự tác động mạnh mẽ của tiếng Anh từ trong cấu trúc-hệ thống đến chức năng giao tiếp. Trước thực trạng này, tiếng Việt không thể chọn một giải pháp cực đoan: không thể “be bờ”, “đóng cửa” nhưng cũng không thể để cho “vỡ đê” hay “mở toang cánh cửa”. Hơn lúc nào hết, chúng ta lại càng thấm thía lời Bác dạy, khi ứng xử với từ ngữ nước ngoài phải chống hai khuynh hướng cực đoan hoặc “hẹp hòi” hoặc “lạm dụng”. Một cách thẳng thắn mà nói rằng, truyền thông đang lạm dụng các yếu tố tiếng Anh đến mức tha hóa. Thực trạng sử dụng từ viết tắt nước ngoài tại Việt Nam hiện nay diễn ra vô cùng phổ biển và có ảnh hưởng tiêu cực tới sự trong sáng của tiếng Việt.  Sự lệch chuẩn tiếng Việt trên truyền thông đã đến mức báo động. Chúng ta đang ở trong thời kì hội nhập nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta tiếp thu một cách không chọn lọc. Không có điều gì quan trọng hơn việc giữ gìn và bảo vệ tiếng mẹ đẻ như Phạm Quỳnh đã từng nói: “ Tiếng ta còn nước ta còn”. Việc hiện nay mọi người có thói quen thay thế quá nhiều từ tiếng Việt bằng các từ tiếng Anh khiến cho một bộ phận người dân không hiểu được nghĩa gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc truyền tải thông tin và một điều quan trọng hơn cả là thói quen này về lâu về dài sẽ dẫn đến sự đánh mất hoàn toàn tiếng Việt. Kiến nghị giải pháp: Truyền thông phải định hướng về sử dụng ngôn ngữ. Truyền thông có vai trò định hướng thông tin, trong đó có cả sự định hướng về sử dụng ngôn ngữ. Nói cách khác, phải coi việc định hướng sử dụng ngôn ngữ là một nhiệm vụ hàng đầu của phương tiện truyền thông, vì thế, truyền thông cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong sử dụng để lan tỏa ra toàn xã hội. Và muốn chuẩn hóa tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông thì chuẩn hóa tiếng Việt nói chung phải đi trước một bước. Bởi một nội dung của tiếng Việt được chuẩn hóa sẽ được các phương tiện truyền thông tuân thủ, sử dụng thống nhất, định hướng cho toàn xã hội theo đó sử dụng. Các cơ quan báo chí và các nhà báo phải coi trọng việc sử dụng tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các loại hình, phương tiện truyền thông của cơ quan báo chí mình. Mỗi cơ quan báo chí nên có một bộ phận thường xuyên chăm lo trau dồi ngôn ngữ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các ấn phẩm, chương trình, kênh sóng, trang báo của mình. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi, sinh hoạt nghiệp vụ về vấn đề này. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và các cơ quan liên quan cần chăm lo công tác chỉ đạo, quản lý, tư vấn việc sử dụng tiếng Việt, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng; hoàn thiện luật pháp, chính sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt, tiến tới xây dựng bộ luật tiếng Việt; khen thưởng những tập thể, cá nhân có nỗ lực và thành tích trong công tác này chấn chỉnh, xử phạt nghiêm minh các hành vi sai trái, lệch lạc. Vấn đề chuẩn hóa tiếng Việt, như lời của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, hiện tượng ngôn ngữ nào có thể chuẩn hóa được thì nên tiến hành chuẩn hóa. Trong sự chuẩn hóa đó, cần có sự can thiệp của Nhà nước hay mang tính Nhà nước. Điều này phù hợp với lý thuyết về chính sách ngôn ngữ: chuẩn hóa ngôn ngữ là công việc của mọi người dân ở mọi lúc mọi nơi, nhưng đóng vai trò quyết định là Nhà nước vì “Nhà nước vừa có quyền vừa có kinh phí”. Câu hỏi 2: So sánh ngôn ngữ một loại hình truyền thông mà anh chị quan tâm với ngôn ngữ một loại hình truyền thông khác. *Lựa chọn ngôn ngữ báo mạng điện tử và ngôn ngữ báo in.            I- Các thuật ngữ: Báo mạng điện tử: Báo trực tuyến, báo điện tử, báo mạng hay tin tức trực tuyến là loại hình báo chí được xây dựng theo hình thức một trang web và phát hành dựa trên nền tảng Internet. Báo điện tử được tòa soạn điện tử xuất bản, còn người đọc báo dựa trên máy tính, thiết bị cá nhân như máy tính bảng, điện thoại di động trung cao cấp,... có kết nối internet. Khác với một trang web nói chung hay trang thông tin điện tử, báo trực tuyến cập nhật thường xuyên tin tức, đặc biệt là đăng "tin tức thời" hay "tin giật gân" (Breaking news). Báo điện tử cho phép mọi người trên khắp thế giới tiếp cận tin tức nhanh chóng không phụ thuộc vào không gian và thời gian. Sự phát triển của Báo điện tử đã làm thay đổi thói quen đọc tin và ít nhiều có ảnh hưởng đến việc phát triển báo giấy truyền thống . Về thuật ngữ báo trực tuyến trong tiếng Anh gọi là "Online newspaper". Sự phổ biến và thuận tiện của việc dùng từ "Online" dẫn đến trên thế giới và trong nước từ này được gắn thẳng vào tên báo, ví dụ "Báo Tin Tức Online", "Tuổi Trẻ Online",... để chỉ phiên bản trực tuyến. Báo in:  là các ấn phẩm xuất bản và phát hành định kỳ đưa thông tin đến với công chúng. Báo viết cũng có thể hiểu là một thể loại của báo chí bên cạnh báo nói, báo hình và báo điện tử. So sánh với các thể loại đó, báo viết chính là hình thức truyền thống và lâu đời nhất của báo chí. Những tờ báo đã xuất hiện từ rất lâu ở cả phương Đông và phương Tây. Thời nhà Hán tại Trung Quốc có lệ các vị hoàng đế phát mỗi năm vài kỳ các thông báo cho những đơn vị hành chính về những sự kiện và chủ trương của triều đình, được gọi là Hán triều để báo. Tại châu Âu, thế kỷ 16, một số người ở Venezia làm những bản thông tin hàng hoá có tên gọi là gazeta. Ban đầu không bán, nhưng về sau các gazeta được bán với giá 1 đồng tiền khi đó. Đến giữa thế kỷ 18, cách mạng công nghiệp đẩy mạnh kỹ thuật làm báo, các tờ báo trở thành công vụ truyền đạt thông tin, tri thức hiệu quả. Theo tổ chức UNESCO, đến năm 1993, toàn thế giới có 53 nghìn tờ báo, 830 triệu bản được phát hành hàng ngày. II- So sánh ngôn ngữ của báo in với ngôn ngữ của báo mạng điện tử. Tính đại chúng : Báo in:  Ngôn ngữ trên báo in hiện nay là thứ ngôn ngữ dành cho số đông vì thế có đặc điểm chung là dễ hiểu. Kể cả đối với những vấn đề lý luận, phức tạp, phần lớn người viết cố gắng tìm các cách trình bày, sử dụng ngôn ngữ cho đại bộ phận công chúng mà báo hướng tới có thể hiểu được. Tuy nhiên có một số trường hợp báo chí còn sử dụng các từ chuyên ngành phức tạp. VD như: Tin trên một số tờ báo có tiêu đề: " Khởi công xây dựng Nhà máy Polypropylene tại Dung Quất" Từ "Polypropylene" mang tính chuyên ngành, hơn nữa, trong thông tin cũng không nói rõ đó là chất gì, nhà máy đó có vai trò nhiệm vụ như thế nào, nên người đọc rất khó hiểu.Hay có nhiều tờ báo hàng ngày đưa các thuật ngữ như: “Tìm kiếm,phát hiện và khai thác có hiệu quả các thân dầu trong đá móng Granitoit trước đệ tam Bể Cửu Long thềm lục địa Việt Nam”, mà không kèm theo một lời giải thích nào, gây khó hiểu cho bạn đọc. Nhiều trường hợp đưa các đồ thị, các bảng thống kê quá phức tạp cũng làm cho bạn đọc khó hiểu... Báo mạng điện tử: Tùy vào từng trang báo hướng tới đối tượng nào mà bài báo sẽ sử dụng ngôn ngữ phù hợp với đối tượng đó, không phải ngôn ngữ của bất kì trang báo mạng nào cũng phù hợp với tất cả đối tượng độc giả chứ ngôn ngữ không hướng tới chuẩn mực đại chúng như đối với báo in. Tính đa dạng: Báo in: :Mặc dù không đa dạng bằng báo điện tử nhưng báo in cũng đang nỗ lực đa dạng hóa cách truyền tải thông điệp. Ngoài ngôn ngữ bằng chữ viết còn có hình ảnh (ảnh, tranh vẽ), biểu đồ, bảng thống kê. Tính đa dạng của ngôn ngữ báo in nhằm chuyển tải các loại nội dung thông tin dưới nhiều thể loại và phục vụ nhiều nhóm công chúng khác nhau. Đồng thời, làm sinh động thêm tác phẩm báo chí, giúp tác phẩm báo chí không chỉ diễn đạt bằng ngôn từ gây nhàm chán mà còn có cách thể hiện thông tin khác ngắn gọn, dễ tiếp thu hơn Báo mạng điện tử: báo mạng điện tử là một loại hình báo chí tổng hợp, tích hợp nhiều công nghệ (multimedia). Trên một tờ báo mạng, thậm chí ngay trong một tác phẩm báo mạng có thể tích hợp cả báo viết, báo phát thanh và báo hình. Một sản phẩm báo chí đa phương tiện phải bao gồm những thành phần sau: văn bản , hình ảnh tĩnh và đồ họa, âm thanh, hình ảnh động, các chương trình tương tác. Hay nói cách khác, đa phương tiện trên báo mạng điện tử là việc sử dụng nhiều phương tiện( ngôn ngữ văn tự và phi văn tự ) để thực hiện 1 sản phẩm báo chí. Chính vì vậy khi đọc báo mạng độc giả có thể chủ động xem những tác phẩm mình quan tâm ở bất kì trang nào giống như báo in. Đồng thời cũng được trực quan những hình ảnh, video clip, lắng nghe những âm thanh mà không hề bị phụ thuộc vào các yếu tố thời gian, không gian. Có thể nói đa phương tiện là là 1 trong những ưu điểm vượt trội của báo mạng điện tử so với các loại hình báo chí truyền thông khác. Sự tích hợp đa dạng này giúp cho báo mạng điện tử có được những yếu tố hấp dẫn của các loại hình báo chí khác, vì thế mà trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì tính đa phương tiện vẫn chưa thực sự được phát huy mạnh mẽ trên các tờ báo điện tử ở Việt Nam. Nguyên nhân do : cơ sở hạ tầng,đường truyền và hệ thống máy móc, công nghệ còn nhiều yếu kém; một số lãnh đạo báo mạng điện tử chưa đánh giá hết sức ảnh hưởng, vai trò của tính đa phương tiện nên còn chưa chú ý đầu tư cả về vật chất và con người. Tính chính xác: Báo in: Hiện nay ngôn ngữ trên báo in được yêu cầu phải có tính chính xác cao. Vì báo chí có sự ảnh hưởng rộng lớn tới xã hội, có chức năng định hướng dư luận xã hội. Chỉ cần một sơ suất dù nhỏ nhất về ngôn từ cũng có thể làm cho độc giả khó hiểu hoặc hiểu sai thông tin, có thể gây ra những gây hậu quả xã hội nghiêm trọng không lường trước được. Có thể nói, tính chính xác của ngôn ngữ trên báo in đòi hỏi ở mức độ cao nhất so với các loại hình báo chí khác bởi sai sót trên báo in khó khắc phục, sửa chữa. Tuy nhiên, trên thực tế không tránh khỏi những sai sót khi sử dụng ngôn ngữ.Một số kiểu sai sót trong sử dụng ngôn ngữ trên báo in Dùng từ sai. VD: "Chúng tôi đã chia tay với tình hữu nghị dạt dào của hai nước Việt - Trung ". Rõ ràng, từ " với " ở đây là không thể chấp nhận được (vì cụm từ " chia tay với..." biểu đạt ý nghĩa " từ bỏ, từ giã "), cần phải thay nó bằng từ "trong".  Báo Nhân dân vừa phải đính chính vì dùng sai chữ "Thủ trưởng"thành "Thủ tướng" trong một bài viết, dẫn tới những cách hiểu khác nhau. Đưa số liệu sai. VD: Viết về nhập khẩu ô tô, có một tờ báo cho biết Trong quý I năm 2005, kim ngạch nhập khẩu ô tô của nước ta lên tới hàng 5 tỷ USD." Thật ra, con số chỉ là hàng trăm triệu USD. Chỉ một con số sai sót đã ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ.Đưa hình ảnh sai: Hình ảnh cũng được coi là một loại ngôn ngữ. Trong báo chí hiện đại thì ngôn ngữ hình ảnh ngày càng có vai trò quan trọng, thậm chí có giá trị cao hơn ngôn ngữ chữ viết. VD : Do sự cẩu thả của phóng viên, có một tờ báo đã lấy nhầm hình ảnh nhà sàn của Bác Hồ để minh họa cho bài báo "Nhà sàn xuống phố" nói về thói phô trương, tốn kém khi xây nhà sàn ở thành phố. Báo mạng điện tử:Tính chính xác của ngôn ngữ ở báo mạng điện tử không cao bằng báo in do khối lượng thông tin khổng lồ khó kiểm soát, việc kiểm định thông tin còn hạn chế và chính phủ không có yêu cầu chặt chẽ cụ thể đối với tính chính xác của ngôn ngữ báo mạng điện tử. Tính cụ thể: Báo in: Tính cụ thể của ngôn ngữ báo in còn nằm ở việc tạo ra sự xác định cho đối tượng được phản ánh. Mỗi sự kiện được đề cập trong tác phẩm báo in thường được gắn liền với một không gian, thời gian xác định; với những con người cũng xác định (có tên tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, giới tính... cụ thể). Ngoài ngôn ngữ bằng chữ viết, còn có ảnh của đối tượng, vấn đề được nhắc đến. Đây là cội nguồn của sự thuyết phục, vì nhờ những yếu tố đó người đọc có thể kiểm chứng thông tin một cách dễ dàng. Tuy nhiên vẫn còn những ngôn ngữ phiếm chỉ, mơ hồ xuất hiện trên báo. Ví dụ như:  Một người dân xin giấu tên cho biết...., Có ý kiến cho rằng....Ảnh kèm theo bài còn mang tính minh họa chung chung. Ví dụ như: Đưa ảnh công nhân đang ngồi bên máy may rồi chú thích rằng: Ngành dệt may là mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam hiện nay. Báo mạng điện tử: Do đọc báo mạng lâu sẽ dẫn đến mỏi mắt nên đặc điểm dung lượng của báo mạng thường ít, ngắn gọn, xúc tích nên chỉ nói tập trung vào vấn đề chứ không đi quá sâu, quá chi tiết cụ thể. Tính ngắn gọn: Báo in: Ngôn ngữ trên báo in ngày càng ngắn gọn, đậm chất thông tấn để tạo điều kiện thuận lợi cho bạn đọc nắm bắt thông tin. Một câu thường có độ dài dưới 40 chữ, chỉ gồm những thành phần chính yếu nhất trong câu như: chủ ngữ, vị ngữ. Các câu phức, câu quá dài, có quá nhiều thành phần được hạn chế sử dụng. Đặc điểm này là một trong những nét mới của ngôn ngữ báo in hiện đại, bởi công chúng báo in ở thời điểm hiện tại có ít thời gian để tiếp nhận thông tin. Tác phẩm báo chí càng ngắn gọn, chính xác càng dễ được tiếp nhận. Không ít bạn đọc ngại ngay khi nhìn thấy những dòng tít dài, những câu văn dài hay những bài báo dài lê thê. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp báo sử dụng câu quá dài, nhất là khi đăng toàn văn hoặc trích dẫn các văn kiện đại hội, nghị quyết, văn bản pháp luật. Báo mạng điện tử: Do đặc thù đọc thông tin trên máy tính dễ mỏi mắt, đối tượng công chúng lại là lực lượng trẻ là những người thường xuyên bận rộn, đọc lướt nhiều hơn là đọc toàn bộ tác phẩm nên ngắn gọn là yêu cầu quan trọng của báo mạng điện tử. Tính định lượng: +Báo in: Thường các báo đều quy định số lượng chữ trong nhan đề, trong mỗi tin, bài, mỗi dạng chuyên mục. VD: Nhan đề bài viết thường được quy định tối đa không quá 12 chữ. Báo Quân đội nhân dân được quy định: Tin vắn có dung lượng không quá 30 chữ, tin trong khối tin các trang trong không quá 120 chữ và tin trang nhất không quá 150 chữ. Bài chính trang trong không quá 1.000 chữ, trang nhất không quá 1500 chữ...Báo An ninh Thủ đô giới hạn bài viết chính của trang không quá 1.000 chữ, loại bài thường dùng là từ 750 chữ đến 900 chữ kèm theo 1 ảnh minh họa. Các loại tin ngắn thường từ 150-180 chữ. + Báo mạng điện tử: Thông thường một tin được đăng ở mức 200 - 300 chữ, dung lượng một bài là 700 - 900 chữ. Do yêu cầu cô đọng của dung lượng nên câu từ báo điện tử đặc biệt đơn giản, một câu không quá dài, việc tách đoạn trong báo điện tử được phát huy tối đa. Tính bình giá: Báo in: Ngôn ngữ trên nhiều tờ báo mang đậm sắc thái bình luận, đánh giá nhất là đối với các bài chính luận. Đây là đặc trưng của ngôn ngữ báo in bởi công chúng tìm đến báo in đọc không chỉ nắm bắt thông tin một cách đơn thuần, mà họ còn muốn tìm sự định hướng, sự phân tích, bình luận sâu sắc từ báo in. Các loại hình báo chí khác không có được lợi thế này. Ví dụ: Món quà đẹp của Bill Gates (Báo Quân đội nhân dân 23-4-2006), Sự thật ghê rợn (Báo Quân đội nhân dân, 08-03-2002). Một số tin cũng mang ngôn ngữ bình giá. Ví dụ như: Cần thiết ban hành Nghị định Kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng (QĐND, 9-10-2012). Báo mạng điện tử: Tính bình giá không cao, sự bình luận đánh giá của báo mạng rất ít và không nhận được sự tin tưởng cao từ độc giả. Tính biểu cảm Báo in: Đọc giả thường xuyên bắt gặp ngôn ngữ biểu cảm, giàu màu sắc và hình ảnh, âm thanh, đầy sự so sánh, ẩn dụ trên báo in. VD như:Ngôn ngữ giàu hình ảnh, so sánh: Chuyển dịch lớn trong "vòng cung lửa" (Nhân Dân cuối tuần, 15-06-2012), Đừng dựng dậy "thây ma" lịch sử(Quân đội nhân dân, 2-2-2003). Ngôn ngữ giàu âm thanh: Tiếng kèn rè lạc điệu (Báo Quân đội nhân dân 25-05-2000). Ngôn ngữ đầy tính chơi chữ: Yên Thế - Thế sao yên! (Quân đội nhân dân 2002) Báo mạng điện tử: Ngôn ngữ giàu tính biểu cảm, hình ảnh sinh động hấp dẫn. Tính khuôn mẫu Báo in: Tin trên báo in luôn thường phải trả lời được 6 câu hỏi: "Bao giờ? Ở đâu? Ai? Cái gì? Tại sao? Như thế nào?" Tất nhiên, tùy theo dung lượng mà thông tin mà có thể trả lời hết cả 6 câu hỏi, hoặc chỉ trả lời 4 câu hỏi là: Bao giờ? Ở đâu? Ai? Cái gì? Các tin, bài thường có một số công thức chung trong cách viết, cách trình bày.VD:Đối với bài: Tít chính, sa- pô, tít phụ, nội dung, ảnh, hộp thông tin(box), biểu đồ Đối với tin: Tít, chữ viết tắt tên của cơ quan báo (QĐND, HNM, LĐ,TT...), nội dung thông tin.  Nhiều phóng viên rập khuôn nhau trong cách mở đầu tin. Ví dụ: Tít tin là: "Khẩn trương triển khai Đề án dạy, học ngoại ngữ ở địa phương", sau đó sẽ mở đầu tin bằng câu: "Đó là chỉ thị của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân… Báo mạng điện tử: Ngôn ngữ của báo mạng điện tử không có tính khuôn mẫu. Tính đặc thù Báo in: Do hướng tới những đối tượng độc giả nhất định nên một số tờ báo in còn có tính đặc thù trong sử dụng ngôn ngữ.Cách viết dài để phục vụ đối tượng có nhiều thời gian như: các bà nội trợ, người bán hàng, các bác xe ôm... VD: Các tờ báo Đang yêu, Đời sống & Pháp luật hay xuất hiện các nhan đề bài báo rất dài: Hi hữu xóm đàn ông nhất quyết không chịu lấy vợ dù chính quyền ra sức khuyên nhủ (Đời sống & Pháp luật, số 43 tháng 10-2012).Các bài viết này thường dùng thứ ngôn ngữ "kể lể" dài dòng về chuyện đời tư, với nhiều chi tiết hết sức vụn vặt để thỏa mãn tính hiếu kỳ của đọc giả. Các báo đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ thích hợp cho các đối tượng thích hợp, viết cho thiếu nhi thì vui tươi, nhí nhảnh, viết cho người lớn tuổi thì nghiêm túc. Đã xuất hiện các sử dụng ngôn ngữ "lạ", để nhằm phục vụ nhóm đối tượng muốn hướng tới. Báo mạng điện tử: Do cần sự thu hút được sự chú ý của người đọc nên ngôn ngữ được sử dụng để đặt tít báo mạng thường được người viết khai thác một cách triệt để, mặc sức tưởng tượng sáng tạo với những tít báo kêu như chuông khiến khán giả đã lướt qua thì không thể không đọc bài. Tính thẩm mỹ: Báo in: Ngôn ngữ trên báo in có tính thẩm mỹ, vì ngôn ngữ trên báo in rất phong phú, giàu tính biểu cảm, giàu màu sắc và hình ảnh. Nhìn chung, ngôn ngữ hình ảnh trên báo in luôn cố gắng hướng tới cái đẹp. Ví dụ: Các ảnh trên báo in đều thể hiện tính sống động của cuộc sống. Tất nhiên, còn nhiều hình ảnh trên báo in còn chưa đẹp, còn khiên cưỡng. Báo mạng điện tử: Ngôn ngữ báo mạng điện tử có tính thẩm mỹ chưa cao, nhiều bài báo còn sử dụng ngôn ngữ không phù hợp với văn hóa Việt. Những báo điện tử phát triển từ báo in thường có sự chỉn chu nhất định về ngôn từ do phải trải qua một quá trình biên tập gắt gao song các báo điện tử thuần túy thì dường như đang đi theo xu hướng tự nhiên chủ nghĩa về ngôn từ. Tính quốc tế: Báo in:Ngôn ngữ trên báo in tại Việt Nam hiện nay đang bị ảnh hưởng bởi chuẩn mực ngôn ngữ có tính quốc tế về lối hành văn, các trình bày, cách sử dụng từ ngữ mang tính quốc tế hóa. Báo mạng điện tử: ngôn ngữ báo mạng điện tử vừa giàu bản sắc dân tộc vừa mang tính quốc tế. Báo mạng là nơi có sự giao lưu thông tin với các nước khác, các nền văn hóa khác trên thế giới vì thế ngôn ngữ của báo mạng cũng phải được thể hiện trên tinh thần quốc tế, sao cho khi đọc báo mạng Việt Nam bạn bè quốc tế lại có thêm cơ hội để biết thêm về văn hóa và con người Việt Nam. Tính tương tác: Báo in: Tương tác là sự tác động qua lại, có ảnh hưởng lẫn nhau giữa độc giả và đội ngũ làm báo. Tương tác có vai trò rất quan trọng trong hoạt động truyền thông nói chung và trong hoạt động báo chí nói riêng. Tương tác là đặc điểm chính của công nghệ mới, đòi hỏi mô hình đa chiều trong truyền thông.           Khả năng tương tác hai chiều giữa người viết và đọc giả của báo in  kém. Báo mạng điện tử: Tính tương tác cao. Người đọc có thể chủ động tìm kiếm và lựa chọn  thông tin hơn chỉ là đơn thuần nhận thông tin từ nhà báo. Ngoài ra độc giả còn tham gia vào quá trình cung cấp thông tin, vì thế khoảng cách giữa nhà báo, tờ báo và người đọc được rút ngắn lại, là động lực thúc đẩy sự phát triển và góp phần nâng cao hiệu quả truyên thông.        Quá trình tương tác trên báo mạng điện tử nhanh chóng và thuận tiện hơn nhiều so với các loại hình báo chí khác. Ngay sau mỗi tác phẩm báo chí đăng trên trang báo mạng điện tử đều có mục phản hồi, ngoài ra còn có rất nhiều kênh tương tác khác như feedback, vote, email, forum… tiện cho độc giả dễ dàng đóng góp ý kiến của mình. Điều này khó thấy trên báo hình, phát thanh hay báo giấy.        Tính tương tác của báo mạng điện tử được hiểu ở 3 góc độ sau: tính tương tác có định hướng – là sự định vị trên các văn bản giúp công chúng chủ động và di chuyển dễ dàng trong 1 trang hoặc giữa các trang báo với nhau ; tương tác chức năng – là sự linh hoạt của các đường dẫn cho phép người đọc khả năng tham chiếu tới các nội dung khác; tương tác tùy biến – là tính thông minh ở các công cụ cá nhân, ở các site nội dung chia sẻ và thảo luận. Tính tương tác trên báo mạng điện tử có nhiều ưu điểm như nhận sự phản hồi rấy nhanh qua hệ thống thư điện tử,  là chiếc cầu nối thân thiện kết nối tòa soạn với độc giả thông qua thiết lập các cuộc giao lưu trực tuyến, phỏng vấn trực tuyến… ngoài ra báo mạng điện tử còn có lợi thế trong việc thiết lập các diễn đàn nhằm thu hút sự quan tâm, trao đổi, tăng mối quan hệ giữa tòa soạn với độc giả, độc giả với độc giả.