Academia.eduAcademia.edu
Bài đã đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 6-7-2006, trang 14-15. Từ lòng tin trong xã hội tới xã hội dân sự Trần Hữu Quang Lòng tin giữa con người với nhau đóng vai trò gì trong đời sống xã hội ? Đâu là nguyên nhân của tình trạng suy thoái đạo đức và lòng tin trong xã hội ? Tại sao phải đặt ra vấn đề xây dựng lại xã hội dân sự ?1 Khi nói tới “vốn xã hội” (social capital) xét như một yếu tố không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế, giới nghiên cứu hiện nay thường hiểu nó bao gồm những thành tố sau: lòng tin trong xã hội (social trust), các chuẩn mực xã hội (social norms), và khả năng hợp tác với nhau. Trong xã hội học, lòng tin (hay sự tin cậy) vào người khác (trust trong tiếng Anh, confiance trong tiếng Pháp) là một tâm thế được coi như một trong những điều kiện căn bản để có thể duy trì đời sống tập thể. Người ta không thể sống được với nhau nếu không tin nhau. Gia đình và cộng đồng là những tập thể mà người ta thường coi là điển hình cho mối quan hệ tin cậy giữa con người với nhau. Hai khái niệm bạn và thù tiêu biểu cho sự tương phản giữa thái độ tin cậy và thái độ ngờ vực. Sự tin cậy không phải là chuyện mang tính chất cá nhân, phụ thuộc vào lòng tốt hay thiện ý của từng người, mà chủ yếu bắt nguồn từ các định chế xã hội (từ các định chế thân tộc, văn hóa, cho tới các định chế kinh tế và các định chế chính trị). Mối quan hệ giữa con người với nhau thường diễn ra trong khuôn khổ của một định chế xã hội nào đó và luôn tuân theo các giá trị và chuẩn mực của định chế này. Vì thế, mức độ tin cậy giữa các cá nhân với nhau cũng là hệ quả của các giá trị và chuẩn mực đang ngự trị trong từng định chế, và phụ thuộc vào sự cảm nhận của các cá nhân đối với từng định chế. 1 Phần lớn nội dung bài viết này đã được trình bày tại cuộc hội thảo về “Vốn xã hội trong phát triển” do tạp chí Tia Sáng tổ chức ngày 24-6-2006 tại Hà Nội. -1- Ở Việt Nam thời quan liêu bao cấp trước đây, vào cửa hàng mậu dịch quốc doanh, khách hàng chỉ được phép nhìn các kệ hàng từ xa và nếu muốn mua thì phải nhờ cô nhân viên lấy ra. Ở cửa hàng ăn uống quốc doanh, ai cũng phải trả tiền trước khi ăn, chứ không như quán hủ tiếu hay tiệm phở tư nhân không bao giờ dám tính tiền trước khi người khách gọi tính tiền (không kể các cửa hàng thức ăn nhanh). Sở dĩ như vậy là do cửa hàng quốc doanh thời ấy không tin vào khách hàng, không tin là người ta sẽ trả tiền sau khi ăn xong tô phở, sợ rằng nếu để khách hàng tự tiện vào tận kệ hàng thì họ sẽ bỏ túi luôn món đồ nào đó ! Ngày nay, may mắn là tình hình ấy không còn nữa. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, vẫn còn tồn tại với mức độ đậm nhạt khác nhau những di chứng của chế độ quản lý tập trung quan liêu xuất phát từ một mô hình chủ nghĩa xã hội sùng bái Nhà nước. Trong số các di chứng ấy, theo chúng tôi, có hai cái đáng chú ý nhất liên quan đến mối quan hệ giữa Nhà nước và xã hội, hay cũng có thể nói là mối quan hệ tin cậy giữa Nhà nước và xã hội, đó là căn bệnh nhà nước hóa (xét về mặt tổ chức xã hội), và căn bệnh chính trị hóa (xét về mặt tư tưởng). Căn bệnh nhà nước hóa Trong thời kỳ đổi mới, Nhà nước đã công nhận quyền tự do kinh doanh và nhìn nhận sự tồn tại chính đáng và cần thiết của khu vực kinh tế tư nhân. Thế nhưng, sự thay đổi theo chiều hướng khuyến khích các sáng kiến và sự khởi nghiệp cá nhân chỉ diễn ra trong lĩnh vực kinh tế. Còn trong lĩnh vực xã hội, xu hướng nhà nước hóa vẫn còn rất nặng và chưa thực sự chuyển biến bao nhiêu. Chẳng hạn, mặc dù đã có chủ trương “xã hội hóa” giáo dục, y tế, thể thao... nhưng thực tế thì rất ít cơ sở mới của tư nhân ra đời, do vẫn còn vô vàn những rào cản từ chính các cơ quan nhà nước làm nản lòng những người có thiện chí. Trong khi đó, các quy chế quản lý hiện nay đối với các nhà trường, bệnh viện, các cơ sở văn hóa và truyền thông, viện nghiên cứu... vẫn còn hết sức quan liêu và trì trệ, trói tay và làm thui chột những ý tưởng đột phá. Phần lớn các đoàn thể xã hội đã từ lâu rơi vào tình trạng hành chính hóa (cơ quan đoàn thể cũng không khác gì cơ quan nhà nước, và hưởng lương nhà nước). Cho đến nay, người dân bình thường không dễ gì mà lập được hội đoàn theo sáng kiến và thiện chí của mình, và những cuộc thảo luận gần đây về bản dự thảo luật về quyền lập hội cho thấy tư duy nhà nước hóa và ôm đồm bao biện vẫn còn nguyên vẹn khi người ta đòi hỏi mỗi hội phải có cơ quan “chủ quản”. Căn bệnh chính trị hóa Nếu căn bệnh nhà nước hóa tồn tại trên bình diện tổ chức xã hội, thì trên -2- bình diện tư tưởng, có một căn bệnh khác là chính trị hóa. Người ta có xu hướng qui mọi thứ về “chính trị”, quan niệm rằng cái gì cũng phải được xem xét dưới quan điểm chính trị. Có thể kể ra rất nhiều thí dụ biểu hiện xu hướng này. Chẳng hạn trong lĩnh vực nhân sự, việc tuyển dụng và đề bạt được thực hiện căn cứ trên lý lịch, chủ yếu là lý lịch chính trị của gia đình, chứ không phải dựa trên năng lực và phẩm chất của bản thân. Các đoàn thể xã hội thì phần lớn được coi là các “tổ chức chính trị-xã hội”. Trong lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học, ngay cả môn triết học cũng không được giảng dạy như một bộ môn khoa học thực thụ và độc lập, mà thường được trình bày và diễn giải một cách máy móc theo quan điểm chính trị. Theo lời kể của ông Việt Phương, người từng làm trợ lý cho cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, có lần nhà triết học Trần Đức Thảo nói với cố thủ tướng như sau : “Tạp chí Triết học của Việt Nam toàn là chính trị, chẳng có chút triết học nào trong đó cả”.2 Ở trường đại học, sinh viên nào cũng bị buộc phải học môn chủ nghĩa Mác-Lênin, cho dù ngành học của mình không liên quan gì tới môn này. Trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, xu hướng quản lý và đánh giá nặng về chính trị diễn ra cũng tương tự như vậy (điển hình gần đây nhất là vụ “kiểm điểm” nhà văn Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau). Thậm chí ngay cả lứa tuổi thiếu nhi cũng thường được dạy dỗ trong đoàn thể và ở nhà trường nặng về chính trị hơn là về đạo đức làm người… Nguồn gốc xã hội Theo giả thuyết của chúng tôi, hai căn bệnh nói trên có hai nguồn gốc sâu xa. Thứ nhất, đó là não trạng còn nặng tiềm thức phong kiến cho rằng nhà nước và những người lãnh đạo là “dân chi phụ mẫu” (cha mẹ của dân), do đó thuộc về một tầng lớp cao hơn và đứng bên trên dân chúng. Thứ hai (hệ luận của cái thứ nhất), đó là não trạng độc quyền chân lý, không chấp nhận những ai nói khác với mình, cho rằng mình có quyền nghĩ thay cho người dân, có quyền ban hành các quyết sách mà không cần hỏi ý kiến của họ. Cái gì cũng muốn trực tiếp nắm lấy, “quản chặt”, và hậu quả là không còn chỗ cho các hoạt động tự nguyện của người dân. Dù có biện minh thế nào và nhân danh cái gì đi nữa thì hai não trạng này thực chất phản ánh thái độ không tin vào người dân,3 không tin vào trí tuệ cũng như sự lương thiện của họ. Trong khuôn khổ của những định chế đã bị nhà nước hóa và chính trị hóa, 2 3 Xem bài phỏng vấn ông Việt Phương của phóng viên Thu Hà, “Thủ tướng giữ bản thảo cho nhà triết học”, Tuổi trẻ, 4-6-2006, tr.10. Xem thêm Trần Thượng Tuấn, “Hãy tin dân”, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 23-22006, tr.14. -3- vị thế và giá trị của cá nhân được xét đoán chủ yếu dựa trên những tiêu chuẩn “chính trị” (như có lý lịch tốt, thuộc gia đình công nông, gia đình cách mạng, bản thân là đảng viên hay đoàn viên…), và những chuẩn mực biểu hiện ở bên ngoài (như lập thành tích, đạt danh hiệu thi đua…) chứ không dựa trên những chuẩn mực xuất phát từ bên trong (những chuẩn mực đạo lý), và đồng thời cũng không chú trọng đủ đến những phẩm chất nghề nghiệp và lương tâm nghề nghiệp. Xu hướng coi trọng chính trị hơn là đạo đức làm cho người ta quan tâm tới mục đích hơn là phương tiện, chỉ nhằm đạt thành tích hơn là coi trọng nỗ lực vươn tới mục tiêu – và từ đó hình thành một thứ tâm lý thực dụng (theo nghĩa tiêu cực).4 Chính vì thế mà nhiều người không còn cảm thấy bị lương tâm cắn rứt, hối hận (“bị đứt dây xấu hổ”) khi giành được một mảnh bằng, một hợp đồng hay một cái ghế bằng cách đút lót, gian dối. Tâm lý này càng được củng cố khi mà trong một thời gian dài người ta hoài nghi và bài xích một cách thô thiển và sai lầm các giá trị tín ngưỡng và tôn giáo. Ngoài ra, còn có xu hướng coi trọng chính trị hơn là pháp luật (cho rằng “chính trị” là lĩnh vực thống soái nên nó có thể vượt lên trên pháp luật), vốn là lối suy nghĩ cũng có thể dẫn tới những kiểu hành xử võ đoán, tùy tiện và coi nhẹ luật pháp. Khủng hoảng về đạo đức và lòng tin Chính trong môi trường xã hội bao gồm những định chế đã bị nhà nước hóa và chính trị hóa ấy, người ta quan tâm tới những chuẩn mực bên ngoài hơn là những giá trị nội tâm, chú trọng “lập trường chính trị” hơn là đạo đức, ý thức luật pháp và lương tâm nghề nghiệp…), và đó là nguyên nhân xã hội và cơ sở xã hội của tình trạng suy thoái về đạo đức và nhân cách, làm sinh sôi những thói tật như giả dối, sống hai mặt, chạy chọt, tham nhũng… Sống trong bối cảnh mà xã hội dân sự không có đất để tồn tại vì đã bị “xã hội chính trị” (tức là nhà nước) lấn át, trong bối cảnh mà phần lớn các quan hệ giữa cá nhân với cá nhân cũng như giữa cá nhân với xã hội đều ít nhiều bị chính trị hóa, cá nhân rơi vào tình trạng hụt hẫng và hoài nghi. Khi mà người ta mất đi lòng trung thực đối với người khác cũng như đối với chính mình, thì người ta khó lòng mà thiết lập được mối quan hệ tin cậy bình thường và lành mạnh với người khác, và do đó cũng khó mà đi đến những quan hệ hợp tác tự nguyện giữa các cá 4 Người ta thường dễ ngả từ cực đoan này sang cực đoan khác : chẳng hạn, tại sao gần đây nhiều người lại đề cao khẩu hiệu “làm giàu” như một lý tưởng sống, trong khi đáng lý cái cần đề cao hơn là học giỏi, kinh doanh giỏi, hay giỏi nghề chẳng hạn mà hệ quả của chúng mới là trở nên giàu có ? -4- nhân với nhau.5 Trong khi đó, thực tế lại cho thấy các dạng quan hệ xã hội theo kiểu nhờ vả, chạy chọt… có chiều hướng ngày càng lan rộng một cách đáng ngại. X Sự khủng hoảng về đạo đức và lòng tin hiện nay, nếu có thể nói như vậy, thực ra phản ánh một sự khủng hoảng trong bản thân mô hình tổ chức đời sống xã hội vốn đã bị nhà nước hóa và chính trị hóa một cách nặng nề. Để có thể vượt qua tình trạng khủng hoảng này, không có câu trả lời nào khác ngoài yêu cầu bức thiết khôi phục lại một xã hội dân sự lành mạnh.6 Và để có thể hình thành được một xã hội dân sự lành mạnh và bền vững, không có con đường nào khác ngoài con đường xây dựng một nhà nước pháp quyền, đặt nền tảng trên những tư tưởng dân chủ, công bằng, và văn minh. TPHCM, ngày 30-6-2006 T.H.Q. 5 6 Tình hình tương tự cũng đã được ghi nhận tại nước Nga sau nhiều thập niên theo mô hình xã hội chủ nghĩa xô-viết, qua một cuộc điều tra đối chiếu về vốn xã hội giữa hai nước Nga và Đan Mạch (xem Lene Hjollund, Martin Paldam, Gert Tinggaard Svendsen, “Social capital in Russia and Denmark : A comparative study”, 2001, www.gov.si/zmar/conference/2001/pdf-konf/17-paldam.pdf). Khi bàn luận về việc làm sao xây dựng lại vốn xã hội ở Nga nói riêng và ở các nước Đông Âu nói chung sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội theo kiểu cũ sụp đổ, Robert Putnam từng cho rằng phải mất hàng thế kỷ, nhưng cũng có một số tác giả khác cho rằng chỉ cần vài chục năm (xem Lene Hjollund, et al., bài đã dẫn). -5-