Academia.eduAcademia.edu
Một số kết quả ban đầu điều tra tai biến địa chất điển hình khu vực Tây Nguyên. (Mã số TN3/T04) Cuối năm 2011, đầu năm 2012, Đề tài TN3/T04 “Nghiên cứu một số dạng tai biến địa chất điển hình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên” đã triển khai một số chuyến khảo sát nhằm nghiên cứu, đánh giá hiện trạng 4 dạng tai biến địa chất điển hình: nứt sụt đất, trượt lở đất, lũ quét - lũ bùn đá và xói lở bờ sông trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng). Các chuyến khảo sát đã triển khai phủ kín những khu vực có tai biến địa chất xảy ra. Tài liệu khảo sát thực địa đã được xử lý và thể hiện trong 20 chuyên đề nghiên cứu và 4 bản đồ hiện trạng nứt sụt đất, trượt lở đất, lũ quét - lũ bùn đá và xói lở bờ sông. Ngoài ra, để phục vụ các nội dung nghiên cứu của đề tài, đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu gồm các loại bản đồ nền (địa chất, địa hình, địa mạo, địa chất thủy văn, tân kiến tạo,...). Dưới đây là một số kết quả ban đầu về hiện trạng 4 dạng tai biến nói trên. 1. Nứt sụt đất Trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, nứt sụt đất xảy ra và phát triển khá phức tạp, gây hư hại các hệ thống đường giao thông, các công trình xây dựng dân dụng; đập thủy điện, thủy lợi, một số khu vực dân sinh. Các điểm nứt sụt đất lớn mang tính điển hình, xuất hiện nhiều lần, tập trung ở huyện Đắk Glây, Đắk Tô, Tu Mơ Rông, Pleiku, Buôn Mê Thuột, Đắk Rlấp, Đức Trọng và Di Linh (Ảnh 1). Các vị trí nứt sụt đất phân bố chủ yếu dọc theo các đới đứt gẫy và đứt gãy (ĐG) hoạt động có phương TB-ĐN, ĐB-TN, á vỹ tuyến, á kinh tuyến và tạo thành các dải nứt sụt đất có phương kéo dài nhất định, trong đó rõ nhất là hiện tượng nứt sụt đất dọc các đới đứt gãy chính: đứt gãy sông Pô Kô, đứt gãy sông Re, đứt gãy La Sir - Sông Ba, đứt gãy Tuy Hòa - Củ Chi, đứt gãy Nha Trang - Tánh Linh và một số đới đứt gãy bậc cao khác. Ảnh 1. Nứt sụt đất trên vỏ phong hóa bazan thôn 3, Tân Thượng, Di Linh, Lâm Đồng Ảnh 2. Trượt đất trong taluy âm, QL14 (đường HCM)- tỉnh Kon Tum 2. Trượt lở đất Trượt lở đất là dạng tai biến phát triển mạnh và rất mạnh trên các khu vực có địa hình dốc lớn, phân cắt mạnh ở bắc và đông bắc Kon Tum, khu vực các đèo: Lò xo, Violac, Phượng Hoàng, Phú Mỹ, Chuối, Đa Cho, Sông Pha,… (Ảnh 2). Trượt lở xảy ra tập trung trên một số tuyến quốc lộ (QL14, Ql 24, QL 26, QL 27, QL 28, các tuyến tỉnh lộ (673, 674,  678, 672, 671,..), đồng thời còn xuất hiện nhiều nơi trên đất canh tác cà phê, cao su, bạch đàn,… và các sườn đồi núi. Ở Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum là nơi trượt lở đất xảy ra mạnh nhất. Trượt lở đất với quy mô lớn, thường xuất hiện trên các thành tạo vỏ phong hóa của đá biến chất cổ Proterozoi (phức hệ Sông Re), đá granit thuộc các phức hệ Ankroet- Định Quán, Đèo Cả, đá bazan tuổi N, N2-Q1 và Q, và tái diễn nhiều lần với mức độ trầm trọng trong một số các đới phá hủy kiến tạo. 3.  Lũ quét - lũ bùn đá Ở Tây Nguyên, lũ quét - lũ bùn đá xảy ra không đồng đều, với mức độ nguy hiểm rất khác nhau. Các huyện ở phía đông bắc tỉnh Kon Tum như Tu Mơ Rông xảy ra lũ quét - lũ bùn đá nhiều và mạnh nhất; khu vực phía tây Đăk Lắk (huyện Krông Bông), phía tây thành phố Đà Lạt (làng Cù Lần), các suối phía đông huyện Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc, lũ quét - lũ bùn đá xảy ra ở mức độ trung bình; các nơi khác ở Tây Nguyên ít xảy ra lũ quét - lũ bùn đá. Lũ quét - lũ bùn đá thường xảy ra trên các dòng chảy từ cấp 1 đến cấp 3. Trận lũ quét - lũ bùn đá điển hình xảy ra ở Kon Tum vào tháng 9/2009, đã làm thiệt hại chừng 37 tỉ đồng, 12 người bị thiệt mạng, riêng tại xã Đắk Na huyện Tu Mơ Rông có tới 10 người (Ảnh 3). Ảnh 3. Lũ quét - Lũ bùn đá huyện Tu Mơ Rông Ảnh 4. Xói lở bờ sông Pô Kô hư hại QL 14 (đường HCM) 4. Xói lở bờ sông Xói lở bờ sông trên địa bàn Tây Nguyên diễn ra hết sức phức tạp, cả về cường độ lẫn tần suất. Gia Lai là tỉnh có số lượng điểm xói lở bờ sông nhiều nhất; Kon Tum có số lượng điểm xói lở bờ sông cao; các tỉnh còn lại thì mức xói lở bờ sông thấp hơn. Tỉnh Kon Tum xói lở bờ sông có quy mô xảy ra lớn, gây tác hại nghiêm trọng nhất. Xói lở diễn ra mạnh nhất dọc các sông Krong Nô, Krong Ana, Sông Ba và sông Đồng Nai, phân bố tập trung tại khu vực bờ cong, nơi được cấu thành bởi các trầm tích bở rời như cát bột, bột sét (Ảnh 4) .5. Nhận xét  chung Trên khu vực Tây Nguyên, 4 dạng tai biến địa chất: nứt sụt đất, trượt lở đất, lũ quét-lũ bùn đá, xói lở bờ sông vẫn là những dạng tai biến điển hình, xảy ra mạnh và diễn biến phức tạp vào mùa mưa hàng năm. Tỉnh Kon Tum là khu vực tai biến địa chất xuất hiện nhiều nhất với cường độ lớn nhất và hội tụ đầy đủ cả 4 dạng tai biến. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, 4 dạng tai biến địa chất này có xụ hướng phát triển mạnh hơn, xảy ra trên nhiều khu vực hơn , gây thiệt hại và ảnh hưởng tới đời sống an sinh- xã hội ngày càng lớn hơn. Chúng đã và đang phá hủy hoặc làm hư hỏng nặng nhiều tuyến giao thông, đe dọa các công trình chuyển tải điện, ảnh hưởng đến vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phá vỡ nhiều cầu cống và mất đất canh tác, thậm chí còn gây chết người. Các nghiên cứu tiếp theo, đề tài sẽ tập trung làm sáng tỏ nguyên nhân, quy luật hình thành và phát triển các dạng tai biến địa chất trên địa bàn Tây Nguyên nhằm đề xuất các giải pháp phòng chống và phòng tránh có hiệu quả. Tai biến địa chất là gì? "Tai biến địa chất là các hiện tượng tự nhiên tham gia tích cực vào quá trình biến đổi địa hình bề mặt thạch quyển". Tai biến địa chất là một dạng tai biến môi trường phát sinh trong thạch quyển. Các dạng tai biến địa chất chủ yếu gồm núi lửa phun, động đất, nứt đất, lún đất, trượt lở đất. Chúng liên quan tới các quá trình địa chất xảy ra bên trong lòng trái đất. Nguyên nhân chính là do lớp vỏ trái đất hoàn toàn không đồng nhất về thành phần và chiều dày, có những khu vực vỏ trái đất mỏng manh hoặc các hệ thống đứt gãy chia cắt vỏ trái đất thành những khối, mảng nhỏ. Do vậy, lớp vỏ trái đất trong thực tế luôn chuyển động theo chiều đứng cũng như chiều ngang. Tại các khu vực vỏ trái đất có kết cấu yếu, dòng nhiệt xuất phát từ mantia dưới dạng đất đá nóng chảy (dung nham) hoặc khói, hơi nước: chảy theo độ dốc địa hình kéo theo các tác động huỷ diệt đối với con người và môi trường sống. Những điểm xuất hiện sự phun trào đất đá nóng chảy hoặc bụi, hơi nước được gọi là núi lửa. Các vùng như vậy phân bố có quy luật trên trái đất tạo thành đai núi lửa. Hai đai núi lửa nổi tiếng được biết trên trái đất là đai núi lửa Ðịa Trung Hải và đai núi lửa Thái Bình Dương. Sự phun trào dung nham hoặc sự dịch chuyển của các khối đất đá trong vỏ trái đất thông thường xảy ra một cách từ từ nhưng đôi khi cũng xảy ra một cách đột ngột, tạo nên hiện tượng động đất có mức độ phá hoại mạnh. Các hoạt động của con người như khai thác khoáng sản trong lòng đất, xây dựng các hồ chứa nước lớn đôi khi cũng gây ra động đất kích thích và các khe nứt nhân tạo. Trên bề mặt trái đất, hoạt động của nước và gió gây ra sự xói mòn. Xói mòn do nước mưa là dạng xói mòn phổ biến nhất. Ở Việt Nam, hàng năm lượng đất xói mòn do mưa trên một hecta đất vùng núi và trung du có tới vài trăm tấn. Xói mòn do gió thường gặp ở những nơi gió có tốc độ thường xuyên lớn, trong các vùng lớp phủ thực vật kém phát triển. Trượt lở đất là một dạng biến đổi bề mặt trái đất khác. Tại đây, một khối lượng đất đá khác theo các bề mặt đặc biệt bị trọng lực kéo trượt xuống các địa hình thấp. Bề mặt trượt có thể là các bề mặt khe nứt hoặc các lớp đất đá có tính chất cơ lý yếu như đất sét thấm nước. Hiện tượng trượt lở đất thường xuất hiện một cách tự nhiên trong các vùng núi vào thời kỳ mưa nhiều hàng năm. Các hoạt động như mở đường, khai thác khoáng sản đang làm xuất hiện tác nhân trượt lở đất nhân tạo. Một số hiện tượng tự nhiên khác như sóng biển, thay đổi dòng chảy của các dòng sông cũng tạo nên sự trượt lở đất.