You are on page 1of 4

Nhập môn Các Nguyên lý cơ bản của CNMLN

I. KHÁI LƯỢC VỀ CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN


1. Chủ nghĩa Mác – Lênin và ba bộ phận cấu thành
- Chủ nghĩa Mác – Lênin: là hệ thống những quan điểm, là học thuyết khoa học của C. Mác – Ph.
Ăngghen và V. I. Lênin về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi
chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người. Có thể định nghĩa vắn tắt: Chủ nghĩa Mác
– Lênin là học thuyết về chủ nghĩa Cộng sản.
- Nội dung của chủ nghĩa Mác – Lênin bao gồm ba bộ phận lý luận: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế
chính trị Mác – Lênin và Chủ nghĩa Cộng sản khoa học.
- Triết học Mác – Lênin là bộ phận lý luận nghiên cứu những qui luật vận động, phát triển chung
nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy; xây dựng thế giới quan và phương pháp luận chung nhất của
nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng.
- Trên cơ sở thế giới quan và phương pháp luận triết học, kinh tế chính trị Mác – Lênin nghiên cứu
những qui luật kinh tế của xã hội. Đặc biệt là những qui luật kinh tế của phương thức sản xuất tư
bản chủ nghĩa và phương thức sản xuất mới – phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa.
- Chủ nghĩa xã hội khoa học là sự vận dụng thế giới quan, phương pháp luận triết học, kinh tế chính
trị học Mác – Lênin để nghiên cứu những qui luật của quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa – bước
quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
2. Khái lược sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa Mác - Lênin
a. Những điều kiện, tiền đề của sự ra đời chủ nghĩa Mác
- Điều kiện kinh tế - xã hội
Chủ nghĩa Mác ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX. Cùng với sự ra đời và phát triển của chủ
nghĩa tư bản, giai cấp vô sản thế giới hình thành và phát triển như một lực lượng chính trị độc lập,
một giai cấp cơ bản của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.
Sự hình thành và phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đã xuất hiện những mâu
thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của sản xuất công nghiệp với hình thức sở hữu tư
nhân tư bản chủ nghĩa. Biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, đó là
mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô
sản là một qui luật mang tính tất yếu khách quan của chủ nghĩa tư bản. Trong cuộc đấu tranh của
giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản được thể hiện qua những giai đoạn và các hình thức cụ thể
khác nhau.
Cuộc đấu tranh đó có nhu cầu tất yếu khách quan về mặt hệ tư tưởng, về mặt tổ chức chính trị xã
hội của giai cấp vô sản (Đảng cộng sản). Sự ra đời chủ nghĩa Mác có khả năng đáp ứng những nhu
cầu khách quan đó. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới vào những thập niên 30 -
40 của thế kỷ XIX như Ăngghen đã nhận xét, nó đã tạo nên bước ngoặt căn bản trong quan niệm
của Mác về lịch sử.
Nghiên cứu quá trình đấu tranh xã hội trong lịch sử và khái quát những kinh nghiệm trong phong
trào đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới ở Anh, Pháp, Đức. Mác và Ăngghen đã khẳng định,
giai cấp công nhân là giai cấp tiên tiến và cách mạng nhất, giai cấp có khả năng xóa bỏ chủ nghĩa tư
bản xây dựng một xã hội mới, xã hội cộng sản.
Sự ra đời của chủ nghĩa Mác, là một nhu cầu khách quan, phản ánh đúng những điều kiện khách
quan của lịch sử và có khả năng giải quyết những nhiệm vụ khách quan đó. Trước hết, nó phản ánh
nhu cầu khách quan về mặt hệ tư tưởng và sự ra đời chính đảng (cộng sản) của giai cấp công nhân,
thông qua đó để khẳng định vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với sự phát triển
tất yếu của xã hội.
- Tiền đề lý luận
Sự xuất hiện triết học Mác là sự kế thừa mang tính phê phán với toàn bộ lịch sử tư tưởng của nhân
loại trước đó. Về cơ bản là sự tiếp thu mang tính phê phán đối với với triết học cổ điển Đức, kinh tế
chính trị Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng của Pháp và Anh…
+ Triết học cổ điển Đức, đặc biệt là triết học Hêghen[1] và Phoiơbách[2] đã ảnh hưởng trực tiếp đến
sự hình thành thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác.
Hêghen đã phê phán mạnh mẽ phương pháp tư duy siêu hình, đồng thời là người đầu tiên diễn đạt
những phạm trù, qui luật cơ bản của phép biện chứng với tính cách là lý luận về sự phát triển.
Nhưng Hêghen lại thừa nhận vai trò quyết định của “ý niệm tuyệt đối”, nên triết học của ông là triết
học duy tâm khách quan, chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Mác và Ăngghen đã tiếp thu một cách có
phê phán những tư tưởng khoa học trong phép biện chứng của Hêghen và từ đó xây dựng những
nguyên tắc cơ bản của phép biện chứng duy vật, với tính cách là hình thức cao của phép biện
chứng.
Phoiơbách với những quan niệm duy vật về tự nhiên và sự phê phán tôn giáo, chủ nghĩa duy tâm
huyền bí của Hêghen. Chủ nghĩa duy vật vô thần của Phoiơbách tạo điều kiện tiền đề quan trọng
cho bước chuyển tiếp của Mác và Ăngghen từ thế giới quan duy tâm sang thế giới quan duy vật, từ
lập trường chủ nghĩa dân chủ – cách mạng sang lập trường của chủ nghĩa cộng sản. Song, Mác và
Ăngghen cũng thấy được những thiếu sót hạn chế của chủ nghĩa duy vật Phoiơbách về vấn đề tôn
giáo, và ngay cả sự phê phán của Phoiơbách đối với Hêghen. Khi Phoiơbách không thấy được cái
hạt nhân hợp lý trong phép biện chứng của Hêghen.
+ Các học thuyết kinh tế chính trị của Anh ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát
triển quan niệm về chủ nghĩa duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác. Đó là lý luận về giá trị của kinh tế
chính trị học được thể hiện trong quá trình xây dựng học thuyết giá trị lao động của A. Đ. Ximít[3],
Đ.Ricácđô[4]. A. Đ. Ximít, Đ.Ricácđô đã đưa những kết luận quan trọng về giá trị, nguồn gốc của lợi
nhuận, tính chất quan trọng hàng đầu của sản xuất vật chất, về qui luật khách quan của sản xuất
hàng hóa.
Do những hạn chế về phương pháp, nên các nhà kinh tế chính trị cổ điển Anh chưa thấy được tính
lịch sử của giá trị, mâu thuẫn của hàng hóa và sản xuất hàng hóa, tính hai mặt của lao động sản xuất
hàng hóa cũng như không phân biệt rõ sự khác nhau giữa sản xuất hàng hóa giản đơn và sản xuất
hàng hóa tư bản chủ nghĩa.
Kế thừa những tư tưởng khoa học trong lý luận giá trị lao động của các nhà kinh tế chính trị cổ điển
Anh, Mác và Ăngghen xây dựng lý luận giá trị thặng dư. Lý luận về giá trị thặng dư được Mác và
Ăngghen nghiên cứu và trình bày trong bộ “Tư bản”[5]. Bộ “Tư bản” của Mác bao gồm nhiều tư
tưởng về kinh tế chính trị học, duy vật lịch sử và nhất là vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô
sản thế giới.
+ Chủ nghĩa xã hội không tưởng của Pháp và Anh cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Đó là các tư
tưởng của Xanhximông[6], Phuriê[7]và Ôoen[8] đã chỉ ra những mâu thuẫn xã hội của chủ nghĩa tư
bản, sự đối lập giữa tư bản và lao động. Nhất là tư tưởng nhân đạo, tư tưởng về giải phóng con
người giải phóng xã hội của chủ nghĩa xã hội không tưởng của Pháp cũng ảnh hưởng rất lớn đến
quá trình hình thành thế giới quan duy vật và phương pháp luận khoa học của Mác - Ăngghen về
lịch sử, về giai cấp công nhân. Song, họ lại không thấy được qui luật phát triển của xã hội và vai trò
của giai cấp công nhân trong sự phát triển của xã hội.
- Tiền đề khoa học tự nhiên
Từ những thập niên 30 - 40 thế kỷ XIX, sự phát triển của khoa học tự nhiên và các thành tựu của
nó, đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh chống lại những quan điểm siêu hình,
duy tâm trong triết học; đồng thời nó tạo ra những tiền đề khách quan cho sự xuất hiện triết học
Mác.
+ Qui luật bảo toàn và chuyển hóa năng lượng[9], chứng minh rằng cơ học, nhiệt ánh sáng, điện, từ
các dạng trong các hình thức vận động khác nhau của vật chất không tách rời nhau, có khả năng
chuyển hóa cho nhau. Không có sự sinh ra và mất đi của năng lượng mà chỉ có sự chuyển hóa lẫn
nhau từ dạng này sang dạng khác.
+ Học thuyết tế bào[10], đã chống lại những quan niệm duy tâm siêu hình về nguồn gốc, về mối quan
hệ giữa hình thái thực vật - động vật. Nó xác định được mối liên hệ biện chứng về nguồn gốc lịch
sử và các qui luật phát triển của sinh học.
+ Học thuyết tiến hóa[11] đã bác bỏ quan niệm duy tâm, siêu hình về sự bất biến trong sinh học, và
Đácuyn cũng là người đầu tiên xác định tính biến dị, di truyền giữa các loài.
Như vậy, những thành tựu của khoa học tự nhiên giữa thế kỷ XIX đã nêu được mối liên hệ biện
chứng, sự biến đổi chuyển hóa về mặt chất lượng trong các lĩnh vực khác nhau của giới tự nhiên.
Khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên Mác - Ăngghen đã phát triển và cụ thể hóa những
vấn đề triết học của chủ nghĩa duy vật biện chứng.
b. Giai đoạn hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác
Giai đoạn hình thành phát triển chủ nghĩa Mác do C. Mác và Ph. Ăngghen thực hiện diễn ra từ
những năm 1842 – 1843 đến những năm 1847 – 1848, sau đó, từ năm 1849 – 1895 là quá trình phát
triển sâu sác và hoàn thiện hơn. Trong giai đoạn này, cùng với hoạt động thực tiễn C. Mác và Ph.
Ăngghen đã nghiên cứu tư tưởng của nhân loại trên nhiều lĩnh vực từ cổ đại đến xã hội đương thời
để bổ sung, hoàn thiện quan điểm của mình.
Những tác phẩm của C. Mác và Ph. Ăngghen như: “Bản thảo kinh tế – triết học” (C. Mác, 1844);
“Gia đình thần thánh” (C. Mác và Ph.Ăngghen, 1845); “Hệ tư tưởng Đức” (C. Mác và Ph. Ăngghen
(1845 – 1846) đã thể hiện quá trình xây dựng thế giới quan duy vật biện chứng và phép biện chứng
duy vật của chủ nghĩa Mác.
Đến tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học” (C. Mác, 1847) và “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”
(C. Mác và Ph. Ăngghen, 1848) chủ nghĩa Mác đã được trình bày như một chỉnh thể thống nhất của
ba bộ phận lý luận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng sản khoa học. Đặc
biệt với những quan điểm trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” C. Mác và Ph. Ăngghen đã sáng
lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Lý luận về giá trị thặng dư được C. Mác và Ph. Ăngghen nghiên cứu và trình bày trong bộ “Tư
bản”[12]. Bộ “Tư bản” của C. Mác bao gồm nhiều tư tưởng về kinh tế chính trị học, duy vật lịch sử
và nhất là vai trò sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản thế giới.
c. Giai đoạn bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác (Giai đoạn Lênin)
Những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản đã phát triển sang giai đoạn mới –
giai đoạn chủ nghĩa đế quốc. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc tạo nên sự thống nhất giữa
cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng vô sản, giữa nhân dân ở các nước thuộc địa và công
nhân ở chính quốc. Trung tâm của cuộc đấu tranh cách mạng trong giai đoạn này là nước Nga. Giai
cấp vô sản và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsơvích và đứng đầu là Lênin
đã trở thành ngọn cờ đầu của cách mạng thế giới.
Trong giai đoạn này chủ nghĩa Mác đã được truyền bá rộng rãi vào nước Nga… Để bảo vệ địa vị và
lợi ích của giai cấp tư sản, những trào lưu tư tưởng của chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa
xét lại, v.v.. đã mang danh đổi mới chủ nghĩa Mác để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác.
Trong bối cảnh như vậy, nhu cầu phải khái quát những thành tựu của khoa học tự nhiên để rút ra
những kết luận về mặt thế giới quan và phương pháp luận, phải thực hiện cuộc đấu tranh lý luận
chống lại sự xuyên tạc chủ nghĩa Mác và phát triển chủ nghĩa Mác đã được thực tiễn nước Nga đặt
ra. Lênin đã đáp ứng được nhu cầu lịch sử này.
Chủ nghĩa Mác hình thành và phát triển mang tính khách quan. Mác- Ăngghen đã nhấn mạnh: Nó
không phải là một hệ thống lý luận giáo điều, kinh viện hoặc đã hoàn chỉnh, nên nó cũng như các
khoa học khác cần phải được bổ sung và phát triển thêm về mặt lý luận và phải được vận dụng một
cách sáng tạo trong những điều kiện lịch sử nhất định.
Mác và Ăngghen đã sáng tạo ra học thuyết về chủ nghĩa xã hội chưa được đặt ra một cách trực tiếp
trước mắt. Lê-nin đã phát triển chủ nghĩa Mác trong những điều kiện lịch sử mới để thực hiện bước
chuyển cách mạng đó.
Chủ nghĩa tư bản đã chuyển sang một giai đoạn mới: giai đoạn chủ nghĩa đế quốc và thời đại của
cách mạng vô sản. Xuất hiện những điều kiện khách quan và chủ quan cho phép thực hiện nhiệm vụ
cách mạng của bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội hiện thực trên phạm vi toàn
thế giới, thông qua cách mạng vô sản.
Sự phát triển của Lê-nin đối với chủ nghĩa Mác được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của chủ
nghĩa Mác. Từ những quan điểm triết học đến kinh tế chính trị – xã hội và chủ nghĩa Cộng sản khoa
học. Quan trọng hơn là lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa, về quá trình xây dựng và phát triển
chủ nghĩa xã hội hiện thực. Sự phát triển của Lê-nin đối với chủ nghĩa Mác không chỉ có ý nghĩa về
mặt lý luận mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn đối với sự phát triển của khoa học và xã hội hiện
đại.
d. Chủ nghĩa Mác – Lênin và thực tiễn phong trào cách mạng thế giới
- Công xã Pari năm 1871;
- Cách mạng tháng mười Nga năm 1917;
- Quốc tế cộng sản thành lập năm 1919 và sự ra đời của Liên Bang Xô Viết năm 1922;
- Sự hình thành hệ thống XHCN sau chiến tranh thế giới lần thứ II năm 1945;
- Phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và định hướng của chủ nghĩa Mác – Lênin vì
hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội;
- Sự khủng hoảng và thoái trào của hệ thống XHXN và những nguyên nhân của nó;
- Liên hệ với sự nghiệp cách mạng hiện nay ở Việt Nam.
II. ĐỐI TƯỢNG, MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC TẬP, NGHIÊN
CỨU MÔN HỌC NHỮNG NGUYÊN LÝ CƠ BẢN CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN
1. Đối tượng và mục đích của việc học tập, nghiên cứu
a. Đối tượng của việc học tập, nghiên cứu môn học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác –
Lênin trên cả ba bộ phận lý luận là các nguyên lý triết học – kinh tế chính trị học và chủ nghĩa cộng
sản khoa học.
b. Mục đích của việc nghiên cứu môn học những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin là
nắm vững những quan điểm khoa học, cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác – Lênin; hiểu rõ
cơ sở lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam đối
với sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
2. Một số yêu cầu cơ bản về phương pháp học tập, nghiên cứu
- Thứ nhất, phải hiểu được tính lịch sử cụ thể về tinh thần và bản chất những luận điểm của chủ
nghĩa Mác – Lênin chống xu hướng kinh viện, giáo điều;
- Thứ hai, phải thấy được quá trình hình thành phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin, sự thống nhất
giữa các bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác – Lênin;
- Thứ ba, hiểu rõ cơ sở lý luận tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản
Việt Nam;
- Thứ tư, để đáp ứng những yêu cầu của con người Việt Nam trong giai đoạn mới;
- Thứ năm, là phải tổng kết, đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn để góp phần phát triển chủ nghĩa
Mác – Lênin trong thời đại mới và sự vận dụng sáng tạo vào những điều kiện cụ thể.
*Chú thích:
Đọc thêm các tài liệu tham khảo trong mục: Tài liệu tham khảo của Blog để hiểu rõ hơn những tư
tưởng của các nhà triết học trong lịch sử triết học. Nhất là triết học Cổ điển Đức.

[1] Goerge Wihelm Priedrich Hégel (1770 – 1831). Giáo sư triết học, nhà triết học duy tâm khách quan đại biểu vĩ đại
nhất của triết học cổ điển Đức.
[2] Ludwig Feuerbach (1804 – 1872). Giáo sư triết học, nhà triết học duy vật đại biểu tiêu biểu của triết học cổ điển
Đức.
[3] Adam Smith (1723 – 1790). Giáo sư logíc, triết học đạo đức, nhà kinh tế học người Anh.
[4] David Ricardo (1772 – 1823). Nhà kinh tế học người Anh
[5] Tác phẩm chủ yếu của C. Mác về kinh tế chính trị học, gồm 4 quyển, là sự nghiệp của cả cuộc đời C. Mác và một
phần quan trọng trong cuộc đời của Ăngghen. C. Mác bắt đều viết “Tư bản” vào những năm 1840 và tiếp tục thực hiện
nó đến khi mất năm 1883.
[6] Claude Henri de Rouvroy Saint Simon (1760 – 1825). Nhà triết học, kinh tế học, nhà hoạt động xã hội không tưởng;
Bá tước người Pháp.
[7] Sarle Fourier (1772 – 1837). Nhà triết học, kinh tế học, nhà hoạt động xã hội không tưởng; người Pháp.
[8] Robert Owen (1771 – 1858). Nhà hoạt động xã hội kông tưởng, chủ công xưởng bông sợi, người Anh.
[9] Mayer (1814- 1878) là bác sỹ y khoa, ông là người đầu tiên phát minh ra định luật bảo tồn và chuyển hóa năng
lượng, để ghi nhớ công lao của ông đối với vật lý người ta đặt hệ thức Cp – Cv = R là “phương trình Mayer”. Định luật
này khác với định luật bảo toàn chuyển hóa khối lượng của Mikhail Vasilyevich Lomonosov (1748) đặt ra định đề và
đến năm 1769 được Antoine Lavoiser phát biểu định luật này.
[10] Do Slâyđen (Matthias Schleiden, 1804 – 1881) và Svan (Theodor Schwan, 1810 – 1882) phát minh.
[11] Học thuyết tiến hóa của Đác Uyn (Darwin Chales)
[12] Tác phẩm chủ yếu của C. Mác về kinh tế chính trị học, gồm 4 quyển, là sự nghiệp của cả cuộc đời C. Mác và một
phần quan trọng trong cuộc đời của Ăngghen. C. Mác bắt đều viết “Tư bản” vào những năm 1840 và tiếp tục thực hiện
nó đến khi mất năm 1883.

You might also like