Academia.eduAcademia.edu
Bài tham luận hội thảo quốc tế TED-2021 BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH VIỆT NAM THỜI HỘI NHẬP Lê Thế Hiển Giảng viên, Khoa Quản trị Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM Nghiên cứu sinh, Trường Đại học KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM Tóm tắt Trong bối cảnh của thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa quốc gia và hệ giá trị truyền thống của dân tộc luôn được nhiều nước trên thế giới lưu ý và xem trọng. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, vừa thực hiện nhiệm vụ phát huy giá trị văn hóa và con người trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Bài viết tập trung làm rõ các vấn đề lý luận về bản sắc văn hóa Việt Nam và mối liên hệ chặt chẽ với ngành du lịch thông qua phân tích các sản phẩm du lịch cộng đồng, các chiến lược phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, những giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Qua đó, tác giả cũng đặt ra một số vấn đề nghiên cứu mới để trao đổi thêm về những giải pháp khả thi cho việc phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của vùng Tây Bắc và Tây Nguyên gắn với bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa, nhằm tạo dựng thương hiệu du lịch quốc gia và phát huy thế mạnh, tiềm năng của Việt Nam trong thời đại mới. Từ khóa: bản sắc dân tộc, giá trị văn hóa, phát triển du lịch, hội nhập quốc tế In the context of globalization and integration of today’s world, the missions of conservation and promotion of national identity and traditional values have been major concerns of many countries and tourism authorities. In Vietnam, the government and Communist Party in particular have identified tourism is the spherehead sector of the national economy, along with the crutial goals of promoting and exploiting the cultural values and human competence in order to become an important thrive in developing the country’s socio-economy. This paper would focus in clarifying the theoretical and fundamental points of the Vietnam’s cultural identity, together with its tight relationships with the tourism industry through the analysis some typical community tourism products, the implementation of local tourism’s strategic development policies paralleling with the preservation of the intangible cultural heritages and the nice traditional values of our 54-ethnic minority groups. In conlusion, the author would also raise some issues for the researchers and scientific community to discuss the possible and suitable solutions to facilitate the unique and typical tourism products of the Western-north region and the Central Highland, in accordance with the missions of the conservation and promoting local cultural identity and branding the Vietnam’s national tourism, developing the country’s potential and strenghts in the new era. Key words: national identity, cultural values, tourism development, global integration 1 1. Đặt vấn đề Từ những năm đầu của thế kỷ XXI, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã trở thành vấn đề được quan tâm nổi bật và trong bối cảnh ấy, vấn đề đa dạng văn hóa, các trào lưu tiếp biến văn hóa cũng đã đặt ra cho cộng đồng dân tộc và chính phủ các nước nhiều băn khoăn, thử thách. Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã từng nhận định “văn hóa là cội nguồn trực tiếp của phát triển xã hội, có vị trí trung tâm và đóng vai trò điều tiết xã hội”. Xuất phát từ tình hình thực tế đó, kể từ năm 2001, Liên Hiệp Quốc đã đưa ra tuyên bố toàn cầu về đa dạng văn hóa, lấy ngày 21/5 hàng năm là Ngày thế giới về Đa dạng văn hóa vì Đối thoại và Phát triển. Riêng tại Đông Nam Á, nhiều văn bản quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) như bản Hiến chương năm 2007 và Tuyên bố Kuala Lumpur năm 2015 đã khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng bản sắc văn hóa khu vực, song song với thúc đẩy du lịch như là một ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo phát triển bền vững và bảo tồn các di sản, sự đa dạng văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc trong Cộng đồng chung ASEAN. Một trong những động cơ khiến con người đi du lịch là để tìm kiếm những điều mới lạ, khám phá những điểm đến chứa đựng các giá trị văn hóa lâu đời như những công trình kiến trúc nghệ thuật, phong tục tập quán, tôn giáo tín ngưỡng, ẩm thực, lễ hội, … Nhờ đó, du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự giao lưu, kết nối giữa du khách với cộng đồng dân địa phương, thể hiện chức năng giáo dục của du lịch trong hoạt động phát triển kinh tế dịch vụ và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - xã hội. Các yếu tố về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, cùng với các nguồn lực xã hội, bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, độc đáo luôn được xem là các thế mạnh trong phát triển tiềm năng du lịch của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Trần Văn Thông, 2019). Việt Nam tự hào là một đất nước có hàng nghìn năm văn hiến, nơi sinh sống của 54 dân tộc anh em trên một dải đất hình chữ S với một nền văn hóa “thống nhất trong đa dạng”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân được thể hiện trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng. Du lịch Việt Nam cũng có những tiềm năng phát triển rất lớn, dựa trên những danh lam thắng cảnh đẹp tuyệt vời, non nước hữu tình, những khu vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao và nhiều địa danh thú vị, các di tích lịch sử - cách mạng cùng với hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể mang đậm dấu ấn bản địa và cội nguồn của những nền văn hóa đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. Đó là các nền văn hóa Sa Huỳnh với cụm đền tháp Chăm trong khu di tích Mỹ Sơn; đó là nền văn hóa Hòa Bình với chiếc trống đồng Đông Sơn, trống Ngọc Lũ - thành tựu nổi bật của nền văn hóa thời kỳ tiền sử – nét đặc trưng cho các nước Đông Nam Á lục địa và phía nam Trung Quốc. Từ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2005 hay nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát then và hát xoan Phú Thọ, đờn ca tài tử nam bộ, cho đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đều là những giá trị truyền thống của dân tộc cần được gìn giữ, bảo tồn và quan tâm đặc biệt. Chỉ có thể thông qua chính sách bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của Đảng và Nhà nước, cùng với sự hợp tác đầu tư và khai thác của các doanh nghiệp du lịch thì các thành tố đặc trưng của bản sắc sắc văn hóa truyền thống đó mới có điều kiện để phát huy giá trị và phát triển du lịch một cách hiệu quả, thành công. 2 2. Cơ sở lý luận về phát triển du lịch văn hóa Luận bàn về khái niệm của văn hóa, cho đến nay đã có hàng trăm nhà khoa học, nhà nghiên cứu và chuyên gia trên thế giới đưa ra nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau. Từ cách tiếp cận dưới góc độ, văn hóa hay văn minh (Tylor, 1871) - được hiểu theo nghĩa rộng của ngành khoa học văn hóa - là “toàn bộ một phức thể bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục và cả năng lực, tập quán khác mà con người đạt được với tư cách là một thành viên xã hội”. Cho đến việc tổ chức Văn hóa, Giáo dục và Khoa học của Liên Hiệp Quốc khái quát hóa thuật ngữ này thành một ‘tập hợp những nét khác biệt về đời sống tinh thần, vật chất, trí tuệ, và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm xã hội’ trong Tuyên ngôn phổ quát về đa dạng văn hóa (UNESCO, 2001). Ngày nay, các nhà Nhân học văn hóa phương Tây hiện đại lại xem tính cố hữu của hằng số văn hóa như là những “mã gien di truyền - meme”, là sự kế thừa di sản văn hóa, là truyền thống, bản sắc, giá trị văn hóa của các dân tộc (Nguyễn Duy Thiệu, 2019). Theo Luật Du lịch Việt Nam năm 2017, du lịch văn hóa là loại hình du lịch được phát triển dựa trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Tài nguyên du lịch văn hóa bao gồm các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc; giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội, văn nghệ dân gian và các giá trị văn hóa khác; công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng cho mục đích du lịch. Cùng với đó, du lịch cộng đồng cũng dựa trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Ngoài ra, vấn đề bản sắc văn hóa cũng được đề cập trong định nghĩa về du lịch sinh thái là “loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư, kết hợp mục đích giáo dục về bảo vệ môi trường”. Du lịch văn hóa có các đặc trưng cơ bản là: (1) tính tổng hợp, đan xen nhiều hình thái vật chất lẫn tinh thần, truyền thống lẫn hiện đại, văn hóa bản địa và văn hóa ngoại lai, vừa có truyền thống lịch sử, tín ngưỡng tôn giáo, phong tục tập quán, đặc trưng thể chế chính trị - xã hội; (2) tính khu vực: mỗi vùng, lãnh thổ và điểm đến du lịch đều có nét đặc trưng riêng, độc đáo về văn hóa, tạo thành sức hấp dẫn, tính đặc sắc để thu hút du khách; (3) tính kế thừa của các cảnh quan văn hóa đều là kết quả của quá trình diễn biến lâu dài của văn hóa nhân loại, hình thành trong quá trình lịch sử tất yếu của các quốc gia dân tộc; và (4) tính xung đột của du lịch văn hóa không chỉ nảy sinh trong sự va chạm giữa các nền văn hóa (clashes of civilizations) mà còn xảy ra trong nội bộ hệ thống và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch (Trần Văn Thông, 2019). Như vậy, du lịch có tác động tích cực đến văn hóa - xã hội thông qua vai trò góp phần nâng cao đạo đức con người, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần; đồng thời, tính nhân sinh của du lịch thể hiện qua việc tích cực thúc đẩy du lịch trở thành yếu tố cơ bản của phồn vinh xã hội. Du khách tham gia vào hoạt động du lịch sẽ được tích lũy thêm kiến thức về đất nước, con người và lịch sử văn hóa - xã hội của quốc gia; có thêm nhiều hiểu biết về các danh lam thắng cảnh, giá trị văn hóa và đời sống cộng đồng địa phương; nhờ đó gia tăng lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, Tổ quốc, nâng cao tinh thần trách nhiệm xây dựng đất nước và bảo vệ môi trường, hội nhập quốc tế. Chiến lược xúc tiến, phát triển du lịch còn giúp thúc đẩy sự phát triển văn hóa dân tộc, tạo dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh quốc gia, bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa dân gian (Lê Thị Hải Lý, 2015). 3 Bất cứ một hiện tượng nào trong xã hội đều có khía cạnh văn hóa của nó nhưng đối với hoạt động du lịch, văn hóa vừa là tài nguyên vừa là biện pháp, cách thức làm ra lợi nhuận. Cho nên mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa luôn luôn là sự gắn kết vô cùng chặt chẽ, có tác động qua lại, ảnh hưởng nhau rõ rệt. Mặt trái của du lịch nói chung và tác động tiêu cực của du lịch văn hóa nói riêng có thể kể đến việc làm thay đổi cấu trúc kinh tế của vùng, làm biến đổi đáng kể đời sống xã hội của các cộng đồng dân cư địa phương; thương mại hóa nền văn hóa dân tộc, làm cho nó bị tầm thường hóa thành những hàng hóa, sản phẩm dịch vụ kém giá trị. Bên cạnh đó, du lịch đại chúng (mass tourism) và quá trình toàn cầu hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số theo xu hướng du lịch thông minh cũng làm cho nhiều quốc gia, cộng đồng địa phương thay đổi cách thức làm du lịch văn hóa, thậm chí là bị biến chất và bỏ quên các mục đích, nguyên tắc cơ bản của việc phát triển bền vững và mục tiêu bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc (Phan Huy Xu; Võ Văn Thành, 2016). Với cách tiếp cận hệ thống - cấu trúc, Trần Ngọc Thêm (2004) đã dùng phương pháp diễn dịch để xác định đặc trưng của bản sắc văn hóa Việt Nam, kết hợp hài hòa giữa cách nhìn đồng đại và lịch đại để phân tích hệ giá trị của một nền văn hóa đa tộc người, vừa nhằm làm rõ tính thống nhất về mặt địa lý, không gian gốc Bách Việt - Nam Á của chủ thể là người Việt nói chung. Văn hóa phải đảm bảo bốn thuộc tính: hệ thống, giá trị, nhân sinh và lịch sử. Trước hết, đặc trưng về hệ thống văn hóa cần được xem xét dựa trên các thành tố: văn hóa nhận thức, tổ chức cộng đồng, văn hóa ứng xử với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Theo đó, bản sắc văn hóa Việt Nam là hệ giá trị bao gồm các thành tố đặc trưng như: (1) về đời sống vật chất, nền kinh tế chủ đạo của người Việt là nghề nông nghiệp trồng lúa nước; (2) về tổ chức xã hội, tính cộng đồng và tính tự trị ở cấp độ làng xã đã khái quát hóa thành ý thức độc lập dân tộc và tinh thần đoàn kết toàn dân; (3) về nhận thức, người Việt thể hiện lối sống quân bình và tư duy biện chứng trong triết lý âm dương điển hình; (4) biểu hiện âm tính trong tổ chức gia đình truyền thống là việc đề cao vai trò phụ nữ, xu thế ưa ổn định và coi trọng tình cảm, đời sống tinh thần trong giao tiếp và quan hệ xã hội, trong đối ngoại thì mềm dẻo, chuộng hòa hiếu; (5) văn hóa Việt Nam chứa đựng sự kết hợp giữa cái ổn định và linh hoạt, tính tích hợp cao và tinh thần dung hợp phổ biến rộng rãi trong lối sống cộng đồng. Hoàng Thị Hương (2011) cũng đã phân tích kết cấu của bản sắc văn hóa dân tộc qua mô hình hóa cấu trúc phương thức biểu hiện của nó như sau: Hình 1. Cấu trúc phương thức biểu hiện của bản sắc văn hoá (chiều dọc) 4 Trên phương diện này, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam thường được nhắc đến nhiều nhất là hình ảnh chiếc áo dài, áo bà ba, áo tứ thân cùng với chiếc nón quai thao xứ quan họ Kinh bắc hay nón lá bài thơ xứ Huế mộng mơ. Ẩm thực Việt Nam, vượt qua khỏi những nguồn gốc, xuất xứ địa phương và những hương vị dân dã của nó, giờ đây đã được bạn bè năm châu biết đến và hàng triệu du khách thưởng thức, gật đầu khen ngon. Năm 2020, Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guiness đã công bố Việt Nam là quốc gia có nhiều món ăn về mì sợi nhất, với những đặc sản thương hiệu như: Phở, Bún bò Huế, Bún chả Hà Nội, Mì Quảng, Cao Lầu, hủ tiếu Sa Đéc, bún mắm miền Tây, v.v… Hơn 100 loại mắm và 100 món cuốn được tìm thấy ở khắp ba miền đất nước cùng với 140 món bánh làm từ bột gạo và nếp, nổi bật là bánh chưng, bánh dày, bánh tét, bánh ít, bánh xèo… là những lí do góp phần vinh danh nền ẩm thực Việt. Trang tin điện tử The Traveller của Australia đã từng xếp hạng Việt Nam đứng thứ 4 trong tốp 10 quốc gia với ẩm thực hấp dẫn nhất châu Á, trên cả Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ. Ở tầng diện thứ ba của sơ đồ cấu trúc bản sắc văn hóa này, chúng ta cũng có thể liên tưởng đến những phong tục tập quán của người Việt mang những nét đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á và các tín ngưỡng bản địa như: lễ hội tịch điền, lễ mừng lúa mới, tục dựng cây nêu, gói bánh chưng bánh tét ngày Tết Nguyên Đán, tục diệt sâu bọ vào tiết Đoan Ngọ, tục ăn trầu, nhuộm răng đen của người Việt cổ. Bên cạnh đó, những công trình kiến trúc cổ kính, thiêng liêng như đình, đền, chùa, miếu cũng đã trở thành những địa điểm hành hương và điểm tham quan du lịch thu hút du khách thập phương. Có thể hiểu, du lịch văn hoá là một loại du lịch mà mục đích chính là nâng cao hiểu biết cho cá nhân các giá trị văn hóa nhân văn khi họ trải nghiệm ở những vùng đất mới, cộng đồng mới. Đó có thể là những di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuât, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi mà du khách đặt chân đến. Xu thế quốc tế hoá trong sinh hoạt văn hoá giữa cộng đồng và các dân tộc trên thế giới được mở rộng, dẫn tới việc giao lưu văn hoá, tìm kiếm những giá trị về nền văn hoá nhân loại, về những miền đất lạ đã trở thành một nhu cầu cho nhiều tầng lớp dân cư trong xã hội. Du lịch không còn hoàn toàn là nghỉ ngơi giải trí đơn thuần, mà còn là hình thức nghỉ ngơi tích cực có tác dụng bổ sung tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần của con người. Đó chính là nội hàm của khái niệm du lịch văn hoá. Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đến năm 2020, cả nước đã có 28 di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản thiên nhiên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là di sản thế giới. Trong đó có 8 di sản thiên nhiên và di sản văn hóa vật thể (Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, quần thể danh thắng Tràng An, thành Nhà Hồ, Phong Nha - Kẻ Bàng, Cố đô Huế, phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn); 13 di sản văn hóa phi vật thể (nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ, lễ hội Gióng, ca trù, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, nghi lễ kéo co, đờn ca tài tử Nam Bộ, bài chòi Trung Bộ, hát Then) và 7 di sản tư liệu (mộc bản Triều Nguyễn, châu bản Triều Nguyễn, mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê, Mạc, hệ thống thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ). Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều danh hiệu được UNESCO trao tặng nhất cũng như sở hữu nhiều di tích nhất, với gần 6.000 di tích lịch sử, văn hóa… 5 Hình 2. Cấu trúc phương thức biểu hiện của bản sắc văn hoá (chiều ngang) Khi tìm hiểu về bản sắc văn hóa, hầu hết học giả ở Việt Nam đều tìm hiểu ở các giá trị cốt lõi, các đặc trưng, tính cách nổi bật có tính khu biệt của đối tượng nghiên cứu; còn các nhà nhân học người Mỹ và học giả phương Tây khi nghiên cứu về cultural identity lại đi chủ đích tìm cái cảm thức sở thuộc hay tự ý thức về mình của một chủ thể văn hóa, xét trong quy chiếu so sánh giữa cộng đồng của mình với cộng đồng khác (the sense of belonging). Như thế, theo chiều ngang, bản sắc văn hóa được xem là những giá trị truyền thống cốt lõi của một cộng đồng tộc người hay một quốc gia dân tộc (tầng diện 1), các yếu tố nội sinh đó được đặt trong mối liên hệ với hai yếu tố ngoại sinh là quá trình giao lưu, tiếp xúc (tầng diện 2) và sự biến đổi, hội nhập (tầng diện 3). Nói cách khác, “bản sắc văn hóa” của một vùng/ không gian được hình thành từ một nền văn hóa bản địa và đời sống vật chất và tinh thần của chủ thể. Văn hóa bản địa đó không phải là một hằng số bất biến mà nó sẽ có thể tiếp biến với nền văn minh thời đại mới. Đời sống của chủ thể văn hóa (con người bản địa) dễ bị biến đổi trong quá trình hội nhập và đổi mới. Các yếu tố ngoại sinh luôn tác động làm chuyển biến, thay đổi yếu tố nội sinh. Do đó, nền văn hóa bản địa không nên quá khép kín hay biệt lập mà cần chủ động giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác trong thời đại mới để có điều kiện phát triển theo hướng tích cực hơn, biết chắt lọc tinh hoa của nền văn minh nhân loại và thừa hưởng các thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại nhưng đồng thời cũng phải có ý thức và chiến lược bảo tồn, gìn giữ những di sản lâu đời và hệ giá trị truyền thống vốn có của mình. Đó chính là tư duy tích cực và phương pháp luận đúng đắn để phát triển ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay. Do tâm lý thích tìm tòi, ngưỡng mộ, mến yêu đất nước, con người, văn hóa Việt Nam mà du khách sẽ tìm đến các sản phẩm của các ngành công nghiệp văn hóa khác để thỏa mãn nhu cầu của họ trong các chương trình du lịch và các dịch vụ du lịch văn hóa. Không những thế, phát triển công nghiệp du lịch văn hóa được xem như một ngành “xuất khẩu văn hóa Việt Nam” ra nước ngoài và trở thành một trong những chiến lược phát triển đất nước bền vững như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Sản phẩm công nghiệp du lịch văn hóa Việt Nam là thành quả của sự sáng tạo, kết tinh những giá trị truyền thống cũng như đương đại về sự đa dạng và đặc sắc của văn hóa dân tộc (Nguyễn Văn Bốn, 2020). 3. Thực trạng khai thác du lịch văn hóa tại Việt Nam Đối với khách du lịch có sở thích nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa, thì du lịch văn hóa là cơ hội để thỏa mãn nhu cầu của họ. Phần lớn 6 hoạt động du lịch văn hóa gắn liền với địa phương, cộng đồng dân tộc thiểu số - nơi lưu giữ nhiều lễ hội văn hóa và cũng là nơi có những công trình kiến trúc đặc trưng. Chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn, chùa đồng Yên Tử, đền thờ Hùng Vương, đền vua Đinh và vua Lê tại cố đô Hoa Lư, cổng Ngọ Môn và lăng Khải Định, lăng Minh Mạng, cụm di tích đền tháp Mỹ Sơn, chùa Thiên Mụ ở cố đô Huế cho đến những cây cầu Vàng và cầu Rồng ở Đà Nẵng, chùa Linh Phước (Đà Lạt), chùa Bái Đính (Ninh Bình), chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Vĩnh Tràng (Tiền Giang) là một vài trong số hàng trăm công trình kiến trúc nổi bật, tượng trưng cho khiếu thẩm mỹ tinh tế, sức sáng tạo và trình độ xây dựng khéo léo, đời sống tâm linh phong phú và khát vọng hội nhập của người Việt. Nhắc đến các tour du lịch trải nghiệm và khám phá văn hóa tại Việt Nam, không thể bỏ qua những điểm đến hàng đầu như: Sapa (Lào Cai), Mèo Vạc - Lũng Cú (Hà Giang), Mường Thanh - Mường Nhé (Điện Biên), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mộc Châu (Sơn La), Mai Châu (Hòa Bình), Hội An (Quảng Nam), Buôn Đôn (Đăk Lăk), Langbiang (Lâm Đồng), Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), v.v… Bên cạnh đó, du khách cả trong và ngoài nước cũng luôn trầm trồ ngạc nhiên thích thú khi được trải nghiệm những lễ hội làng quê đặc trưng và các hoạt động văn hóa cộng đồng vô cùng đặc sắc như: những phiên chợ vùng cao Tây Bắc, lễ hội chùa Hương, lễ hội Đền Hùng, lễ Cầu Ngư ở tỉnh Thừa Thiên Huế, lễ vía Bà Chúa Xứ An Giang, hội Gióng Sóc Sơn, hội Lim Kinh Bắc, hội chọi trâu Đồ Sơn, hội đua ghe ngo Sóc Trăng, lễ hội Kate của đồng bào Chăm Ninh Thuận, v.v… mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Hiện nay, ngành du lịch Việt Nam còn đang đầu tư phát triển nhiều hoạt động du lịch lễ hội gắn với thế mạnh và tiềm lực của từng tỉnh, thành như: Festival hoa Đà Lạt, Festival Huế, Festival biển Nha Trang, Carnaval Hạ Long, lễ hội trái cây Nam Bộ, … Có thể điểm qua một vài tour du lịch được quảng bá rộng rãi, phổ biến bởi các đại lý lữ hành và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch của một số địa phương ở vùng trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên như: (1) Chương trình du lịch trải nghiệm “Điện Biên - Những sắc màu văn hóa”: tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử và Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tìm hiểu trận chiến “lừng lẫy năm châu, trấn động địa cầu” của dân tộc Việt Nam, đi dạo và trải nghiệm Chợ Mường Thanh, khám phá cuộc sống đời thường của 19 đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc, lưu trú tại cơ sở Homestay Mường Then trong khung cảnh yên bình của bản làng vùng cao, thưởng thức các món đặc sản tại Nhà hàng dân tộc Thái và tham dự chương trình giao lưu văn nghệ, múa xòe, sạp với người dân địa phương. Tham quan Bản văn hóa Che Căn - một dấu ấn văn hóa Thái cổ, nơi còn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Đông Nam Á lục địa xa xưa độc đáo, du khách sẽ được tìm hiểu kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái đen, nét văn hóa đặc sắc trong trang phục, tín ngưỡng, lễ hội. (2) Tour du lịch Sapa - Lào Cai: cho du khách có dịp chìm đắm trong vẻ đẹp bình yên của vùng cao Tây Bắc, tham quan đỉnh Fansipan - “nóc nhà của Đông Dương”, khám phá những nét đẹp của đồng bào Hmong, Tày, Giáy, Dao đỏ được thể hiện trong tính cách, tâm hồn, trong trang phục thật tự nhiên, trong trẻo, vô tư, trong cả những lễ hội truyền thống: hội Gầu Tàu1, Lễ Tết nhảy, Lễ hội xuống đồng ngày xuân ở xã Bản Với ý nghĩa là “cầu phúc – cầu mệnh” cho một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình mạnh khỏe hạnh phúc, làm ăn sinh lời lãi, người Mông tổ chức lễ hội Gầu Tào vào sáng mùng 1 Tết tại Sapa. 1 7 Hồ; trải nghiệm một phiên chợ tình Sapa2 - nơi hẹn hò, trao gửi tình cảm của các chàng trai cô gái bản địa. Đến với Lào Cai, du khách không thể bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các đặc sản vùng cao Tây Bắc như: món thắng cố, Pa pỉnh tộp, rêu đá nướng, mèn mén… Đặc biệt, các bạn trẻ có máu phiêu lưu, thích khám phá còn có thể thuê xe máy để đi vòng quanh những bản làng Cát Cát, Lao Chải, Y Tý, Tả Văn, Tả Phìn,... Hình 3. Thiếu nữ Hmong và món thắng cố tại chợ đêm Sapa (nguồn: tác giả chụp tháng 10/2019) (3) Du lịch Hà Giang - khám phá cao nguyên đá Đồng Văn: Hà Giang là vùng đất Đông Bắc nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp của hoa tam giác mạch kết hợp với những ruộng lúa bậc thang, xung quanh là dãy núi đá cao bao bọc. Khi có dịp đặt chân đến Mèo Vạc, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc trưng tại vùng đất này như: thắng cố, xôi màu, cải xanh… Sau khi chinh phục những điểm đến nổi tiếng nơi địa đầu Tổ quốc như cột cờ Lũng Cú, hang Lùng Khúy, đỉnh Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đèo kỳ vĩ ngoạn mục nhất Việt Nam và trải nghiệm du thuyền trên dòng sông Nho Quế hẻm Tu Sản3, du khách sẽ ghé thăm Dinh thự Vua Mèo, phố cổ Đồng Văn, hay làng Lô Lô thuộc thôn Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc. Hình 4. Nhóm bạn trẻ Hà Nội tham quan Dinh Vua Mèo tại Hà Giang (nguồn: tác giả chụp tháng 9/2020) 2 Mỗi tuần, từ đêm thứ 7 các nam thanh nữ tú ở các vùng thường đến trung tâm thị trấn Sapa để qua đêm gặp gỡ và giao lưu tình cảm. Chợ tình thường tổ chức các trò chơi giao lưu như kéo co, thổi kèn lá, hát giao duyên,… 3 Hẻm Tu Sản là một những hẻm vưc nổi tiếng sâu nhất Đông Nam Á, nằm giữa Đồng Văn và Mèo Vạc. 8 (4) Tour du lịch Buôn Đôn: Trung tâm Du lịch Buôn Đôn dự kiến phối hợp các đại lý lữ hành triển khai các chương trình liên kết, các sản phẩm tour: dã ngoại thăm vườn quốc gia YorkDon (thác Phật), đi thuyền trên sông Serepok, tham quan cầu treo4 và Khu du lịch sinh thái Bản Đôn (khu tâm linh), cảnh quang thiên nhiên sinh thái đảo Ây-Nô, xem dấu ấn Phật giáo tại Buôn Yanh Lành… đón tiếp và phục vụ khoảng 170.000 lượt khách mỗi năm. Du khách sẽ được nghe thuyết trình lịch sử hình thành Buôn Đôn, viếng thăm nhà sàn cổ kiến trúc Lào trên 127 năm, nhà mồ có mộ vua săn voi KhunJuNop, giao lưu văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra, du khách còn hứng thú khhi thưởng thức các món đặc sản: cơm lam, gà nướng, heo tộc, canh chua cá sông Serepok, gỏi cà đắng, canh cà đắng các món đặc trưng vùng miền, rượu cần, rượu AmaCông… (5) Chương trình giao lưu cồng chiêng Langbiang chính là một trong những điểm nhấn độc đáo của tour du lịch đến với “xứ sở ngàn hoa”. Tuy chỉ kéo dài trong khoảng 2 tiếng nhưng hoạt động du lịch cộng đồng này phần nào cũng đã lột tả được bản sắc văn hóa Tây Nguyên đến với các du khách miền xuôi. Du khách sẽ được giới thiệu chi tiết về buôn làng LơmBiêng của người K’ho Lạch, nghe kể về các huyền thoại núi rừng và chuyện tình bi sử giữa chàng K'lang và nàng Hơbiang, tìm hiểu phong tục cổ truyền, đời sống sinh hoạt của người đồng bào dân tộc Chil, Lạch. Sau nghi thức cầu Thần lửa, cời cầu Yàng (Ông Trời) là điệu múa Ching Wă Kwăng, xem cảnh tái hiện lễ ăn mừng mùa lúa mới, nghe các chàng trai buôn làng đánh chiêng K’Ràm trong ngày hội nhà mồ; tiếp đó là lúc thưởng thức hương vị thơm ngon của những xiên thịt nướng, sự nồng nàn của ché rượu cần tuyệt hảo. Hình 4. Hoạt động trải nghiệm giao lưu cồng chiêng tại Đà Lạt (nguồn: https://www.dalattrip.com) Nhìn chung, các hoạt động du lịch văn hóa tại hai vùng trung du miền núi này của Việt Nam đều rất thu hút du khách, có tiềm năng phát triển rất lớn và là thế mạnh cạnh tranh của ngành du lịch địa phương. Nhiều dự án khai thác du lịch cộng đồng đang được quan tâm đầu tư, lan tỏa. Hầu hết du khách trong và ngoài nước đều có những cảm nhận tốt đẹp và đánh giá cao các giá trị văn hóa đặc sắc này của đồng bào địa phương, là điểu kiện thuận lợi để giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa quý báu của cộng đồng dân tộc bản địa. Đa số các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch và đại lý lữ hành đều đã nhận rõ tầm quan trọng và sức hút của du lịch văn hóa để Cầu treo dài 463m là một thắng cảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế, nằm trên dòng sông Sêrêpôk tại Buôn trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk. 4 9 tổ chức các tour tham quan, tour hành hương, du lịch lễ hội và trải nghiệp văn hóa bản địa bằng nhiều sản phẩm phong phú, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm đó còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập, đáng trăn trở và cần sự quan tâm của những cơ quan quản lý, các doanh nghiệp làm du lịch. Một là, công tác quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch còn những hạn chế và thiếu sót. Kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch thiếu thốn và thiếu đồng bộ khiến nhiều di sản trở nên kém sức hút, một số di sản khác do hạ tầng và dịch vụ xung quanh vùng di sản phát triển tự do ồ ạt và thiếu quản lý của ngành và chính quyền địa phương đã gây ra sự lộn xộn, thay đổi về mặt cảnh quan xung quanh. Việc xả rác bừa bãi làm môi trường xung quanh di sản bị ô nhiễm nặng nề hay tình trạng mất an ninh trật tự, trộm cướp và ứng xử thiếu văn minh tại nhiều địa phương còn diễn ra phổ biến. Các Trung tâm/Ban quản lý Di sản chưa tổ chức các cuộc nghiên cứu về công tác quản lý hằng năm để điều chỉnh với tình hình thực tiễn. Một số di sản như ở Hội An, Mỹ Sơn, Huế đến nay vẫn chưa có kế hoạch quản lý tổng hợp theo quy định hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới 1972. Những di sản khác như: Hoàng Thành Thăng Long, cố đô Huế, Thánh địa Mỹ Sơn chưa có quy chế quản lý, bảo tồn hoặc đã có nhưng chưa điều chỉnh để phù hợp với thực tế công tác quản lý trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa nhanh chóng… Mặc dù những năm qua, Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, nhưng trên thực tế, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức duy trì các hoạt động thực hành cũng như đào tạo, truyền nghề cho các thế hệ kế cận… Hiện tại, chỉ có một vài điểm tham quan di sản văn hóa vật thể trên cả nước có tổ chức các hoạt động thực hành và trình diễn giới thiệu các loại hình văn hóa phi vật thể thông qua các đoàn nghệ thuật hoạt động mang tính xã hội hóa. Hai là, hiện trạng đầu tư khai thác du lịch nói chung và loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch văn hóa của các địa phương lẫn doanh nghiệp còn thiếu sự đồng bộ dẫn đến nhiều bất cập. Các tập đoàn đầu tư vốn chưa đảm bảo triệt để các nguyên tắc của việc phát triển du lịch bền vững, gây ảnh hưởng đáng kể đến cảnh quan tự nhiên và các di sản văn hóa, thậm chí tác động tiêu cực làm biến đổi đời sống kinh tế - xã hội và văn hóa - tinh thần của cộng đồng người dân địa phương. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng và các chính sách phát triển của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa và du lịch chưa phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp/ chủ đầu tư bên ngoài hay các cơ sở dịch vụ tại địa phương, dẫn đến nhiều rắc rối về thủ tục hành chính, về triển khai hoạt động kinh doanh dịch vụ. Ba là, xét về thực chất hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn còn thiếu tính cạnh tranh chiến lược. Việc liên kết với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương (suppliers) chưa được kiểm tra, giám sát chất lượng thực tế, dẫn đến nhiều sự cố hay phản hồi không tốt từ du khách. Năng lực điều hành tour hay hướng dẫn du lịch và bộ phận chăm sóc khách hàng vẫn còn chênh lệnh khá nhiều giữa các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch tốp đầu với các công ty, đại lý lữ hành nhỏ lẻ, và thậm chí là với những cơ sở cung ứng dịch vụ tại địa phương (cơ sở lưu trú, nhà hàng/ quán ăn, đơn vị vận chuyển…). Mặt khác, nói về nguồn nhân lực để quản lý, kiểm tra giám sát và triển khai thực hiện các sản phẩm dịch vụ thuộc loại hình du lịch văn hóa thì gần như là chưa thể đáp ứng về trình độ năng lực, kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm thực tiễn. Từ đội ngũ cán bộ chuyên viên về văn hóa - du lịch của các cơ quan quản lý các cấp cho đến các chủ doanh 10 nghiệp và cơ sở kinh doanh du lịch, nhân viên phục vụ lẫn hướng dẫn viên đa số đều chưa qua đào tạo chuyên môn bài bản hoặc rất ít nhân lực có nhận thức đúng đắn và năng lực hoạt động phù hợp với vị trí, ngành nghề này. Sự yếu kém về trình độ tin học, khoa học công nghệ, kỹ năng mềm và ngoại ngữ cũng một phần trở thành hạn chế trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ của hoạt động du lịch văn hóa, đặc biệt là lĩnh vực inbound (du lịch quốc tế tại Việt Nam). 4. Một số ý kiến trao đổi, thảo luận và giải pháp đề xuất Trước hết, cần xác định rõ và nhận thức đúng đắn hơn về loại hình du lịch văn hóa và vấn đề bảo tồn di sản quốc gia và các giá trị truyền thống của dân tộc. Về mặt cơ sở lý luận, như đã trình bày ở phần trên, bản sắc văn hóa của một chủ thể dù là cộng đồng tộc người ở một địa phương cụ thể hay một quốc gia dân tộc đều có giá trị ngang nhau và là một thể phức hợp, sự tổng hòa của nhiều thành tố. Sản phẩm của du lịch văn hóa không chỉ đơn thuần bao gồm việc tham quan, thưởng ngoạn những di sản văn hóa vật thể như công trình kiến trúc tôn giáo, các tác phẩm nghệ thuật (điêu khắc, mỹ thuật), các món ăn đặc sản hay quà lưu niệm, mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống mà còn bao hàm cả hoạt động trải nghiệm những buổi họp chợ phiên, trực tiếp tham dự vào các nghi thức lễ hội bản địa và sinh hoạt động đồng cùng với cư dân địa phương. Du khách cần tự tay học cách chế biến những món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc hoặc thử tài dệt thổ cẩm, làm gốm, đan lát, trồng lúa/ gặt lúa một cách khéo léo với sự hướng dẫn, thị phạm của người địa phương. Ngoài ra, du khách cũng có thể mặc thử những bộ trang phục truyền thống, học cách sử dụng nông cụ, ở nhà dân và hóa thân thành một người bản xứ để có được “cảm thức thuộc về văn hóa bản địa”. Hai là, ở góc độ quản lý nhà nước về du lịch và văn hóa các cấp, cần có sự trao đổi nghiêm túc và phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan (nhà nước - doanh nghiệp cộng đồng - du khách). Một vài giải pháp từng được nhiều hội thảo đề cập như: cải cách thủ tục hành chính, nâng cao trình độ năng lực quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch nói chung và lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa nói riêng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch, Cục Di sản văn hóa, Vụ UNESCO cần ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể việc quản lý, kinh doanh hoạt động và khai thác dịch vụ của loại hình du lịch văn hóa gắn với phát triển bền vững, đảm bảo các yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp, thị trường khách du lịch, cân bằng lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội, bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương. Luật Du lịch 2017 dù đã được cập nhật nhiều nội dung, quan điểm mới nhưng chưa thật sự đầy đủ và chi tiết. Đây chính là bài toán khó nhất của việc quản trị chiến lược tầm vĩ mô. Ba là, ở góc độ những người là du lịch như lực lượng hướng dẫn viên và đội ngũ nhân viên phục vụ nhà hàng, quán ăn hay cơ sở lưu trú đều cần được trang bị lượng kiến thức đầy đủ và rèn luyện tác phong chuyên nghiệp như chính những chủ thể văn hóa để có thể chuyển tải đầy đủ các giá trị và ý nghĩa của hoạt động du lịch đậm chất địa phương. Bên cạnh đó, cũng rất cần thiết huy động, đào tạo người dân địa phương tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng hoặc hỗ trợ tích cực cho các hoạt động du lịch văn hóa, góp phần nâng cao giá trị thực tiễn của các sản phẩm dịch vụ du lịch văn hóa. Đây chính là một quan điểm có lợi cho tất cả các bên liên quan, từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch, du khách và dân địa phương để chung tay cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy hệ giá trị truyền thống cộng đồng và bản sắc văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc. 11 TÀI LIỆU THAM KHẢO Dương Văn Sáu (2017). Văn hóa du lịch. Hà Nội: NXB. Lao Động. Đoàn Mạnh Cương (2021). Văn hóa gắn với du lịch – mối quan hệ trong việc đào tạo nhân lực. Trang tin điện tử của Tổng cục Du lịch. https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/35260 (truy cập ngày 5/7/2021) Đổng Ngọc Minh - Vương Đình Lôi (2001). Kinh tế du lịch và Du lịch học. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Trẻ. Hoàng Thị Hương (2011). Mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc nước ta hiện nay. Hà Nội: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Lê Hồng Lý (2010). Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch. Hà Nội: NXB. Đại học Quốc gia, tr.24. Lê Thị Hải Lý (2015). Mối quan hệ giữa văn hóa du lịch và du lịch văn hóa - Những vấn đề lý luận và thực tiễn. Hà Nội: NXB. Đại học Quốc gia. Nguyễn Phạm Hùng (2017). Văn hóa du lịch. Hà Nội: NXB. Đại học Quốc gia, tr.261. Nguyễn Duy Thiệu (2019). Các dân tộc ở Đông Nam Á. Hà Nội: NXB. Đại học Quốc gia. Nguyễn Văn Bốn (2012). Phát triển du lịch văn hóa thành ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Hà Nội: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 335. Phan Ngọc. (1998). Bản sắc văn hóa Việt Nam. Hà Nội: NXB. Văn Học. Thủ tướng Chính phủ (2016). Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hà Nội. Tổng cục Du lịch Việt Nam (2017). Luật Du lịch. Hà Nội: NXB. Lao Động. Trần Ngọc Thêm (2004). Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. TP.HCM: NXB. Tổng Hợp. Trần Ngọc Thêm (2017). Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ Công nghiệp hóa, Hiện đại hóa và Hội nhập quốc tế. Hà Nội: NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật. Trần Văn Thông (2019). Giáo trình Tổng quan du lịch. TP.HCM: Trường Đại học Kinh tế Tài chính, tr.67. Tylor, E. B. (1871). Primitive Culture. London: Oxford Press. Phan Huy Xu & Võ Văn Thành (2016). Bàn về Văn hóa Du lịch Việt Nam. TP.HCM: NXB. Tổng Hợp. Giải pháp phát triển du lịch di sản văn hóa. Tạp chí Quản lý Nhà nước, Học viện hành chính quốc gia. https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/06/18/giai-phap-phat-trien-du-lich-di-sanvan-hoa/ (truy cập ngày 5/7/2021) Điện Biên - Những sắc màu văn hóa. Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên. http://www.dienbien.gov.vn/portal/Pages/2020-9-10/Gioi-thieu-Tour-DienBien--Nhung-sac-mau-van-hoa-xffbhm.aspx (truy cập ngày 5/7/2021)