Academia.eduAcademia.edu
“BIẾN DỊ HỌC VĂN HỌC SO SÁNH” BƯỚC PHÁT TRIỂN MỚI CỦA KHOA NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SO SÁNH THẾ GIỚI NGÔ VIẾT HOÀN(*) T rong giới nghiên cứu văn học có nhiều người nhận định, văn học so sánh từ nghiên cứu ảnh hưởng của trường phái Pháp đến nghiên cứu song song của trường phái Mỹ trở về sau gần như thiếu hụt lực phát triển. Năm 1993, Susan Basnett từng nhận định: “Văn học so sánh ngày nay xét từ một góc độ nào đó có thể nói đã chết”(1). Năm 2003, cũng về vấn đề này, Gayatri Spivak thậm chí đã viết một quyển chuyên luận với tên gọi “Cái chết của một ngành học”. J. Hillis Miller cũng sôi nổi bàn luận về “nguy cơ của văn học so sánh”. Tuy vậy, Giáo sư Tào Thuận Khánh - Chủ tịch Hiệp hội Văn học so sánh Trung Quốc đương nhiệm lại có những quan điểm khác. Kể từ năm 2005, khi đưa ra vấn đề “Biến dị học” trên tạp chí “Tỷ giảo văn học”, ông liên tục có các bài viết liên quan đến lý luận “Biến dị học Văn học so sánh”. Năm 2014, cuốn chuyên luận Anh ngữ với tên gọi The Variation Theory of Comparative Literature của ông được nhà xuất bản Springer xuất bản và cùng lúc phát hành tại Heidelberg (Đức), London (Anh), New York (Mỹ), tạo ra một làn sóng thảo luận sôi nổi trong giới nghiên cứu văn học so sánh Trung Quốc và thế giới. Giáo sư D.W. Fokkema (Utrecht University) – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Văn học so sánh Thế giới viết lời tựa cho cuốn sách này, nhấn mạnh: “Biến dị học Văn học so sánh là sự phản hồi đối với những thiếu sót và bế tắc của các phương thức nghiên cứu đã trở thành điển phạm là Nghiên cứu ảnh hưởng và Nghiên cứu song song”(2). Tạp chí A&HCI CLCWeb: Comparative Literature and Culture cũng cho công bố bài viết dài giới thiệu và bình giá về cuốn sách nêu trên, đồng thời khẳng định rằng: “Chuyên luận này góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa nghiên cứu văn học so (*) TS - Viện Văn học. Biến dị học… 51 sánh”(3). Gần đây, Tạp chí Oxford Comparative Criticism and Translation Review cũng đánh giá cao công trình nêu trên của Giáo sư Tào, đồng thời kêu gọi độc giả toàn thế giới viết bài đánh giá và bình luận về cuốn chuyên luận này. Ngoài ra, có học giả thậm chí còn nhận định, “Biến dị học văn học so sánh” là đại biểu của văn học so sánh mới. Vậy văn học so sánh thực ra đã chết hay đang có được một sinh mệnh mới? Trong bài nghiên cứu này, chúng tôi tập trung giới thuyết về Biến dị học Văn học so sánh cũng như đối tượng, phạm vi nghiên cứu của nó. 1. Các giai đoạn phát triển và đặc trưng cơ bản của văn học so sánh thế giới Giai đoạn lý luận đầu tiên của văn học so sánh thế giới ghi nhận những đóng góp của trường phái Pháp với phương pháp nghiên cứu ảnh hưởng. Trường phái Pháp lấy nghiên cứu thực chứng làm nền tảng, kiên trì tinh thần khoa học thực chứng. Đại diện của trường phái văn học so sánh Pháp Paul Van Tieghem từng nhận định: “Đối tượng của văn học so sánh, về bản chất mà nói là nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa các tác phẩm thuộc các quốc gia khác nhau. Muốn nghiên cứu văn học so sánh trở nên thực tế, sống động thì càng phải tăng cường tính thực chứng của tinh thần khoa học”. Ông thậm chí còn xác quyết: “đặc trưng của văn học so sánh chính là tận lực tìm ra những chứng cớ để quy nạp các hiện thực có nhiều nguồn gốc khác nhau với nhau, làm cho hai chữ “so sánh” thoát ra ngoài hàm nghĩa của Mỹ học, mà trở thành một bộ môn nghiên cứu độc lập”(4). Một đại biểu khác của trường phái Văn học so sánh Pháp là Marie Francois Guyard thậm chí còn phát biểu: “Văn học so sánh không hẳn là so sánh. Văn học so sánh thực tế chỉ là một cách gọi sai lầm bị gán ghép cho một phương pháp nghiên cứu. Định nghĩa chính xác của nó nên là Lịch sử quan hệ văn học thế giới”(5). Sự định vị của trường phái Pháp với khoa nghiên cứu văn học so sánh là: vừa theo đuổi phương pháp nghiên cứu thực chứng, vừa nhấn mạnh lịch sử quan hệ văn học thế giới. Trong tầm nhìn nghiên cứu của họ, văn học so sánh là sự nghiên cứu các mối quan hệ văn học sử giữa các thế hệ văn học không cùng quốc gia; phương pháp nghiên cứu chủ yếu dựa trên cơ sở lý luận và phương pháp của ba hệ phái lý thuyết lớn là lưu truyền học, môi giới học và nguồn gốc học. Lưu truyền học nghiên cứu trạng thái, mức độ lưu truyền và ảnh hưởng của một hiện tượng văn học dân tộc này ở một hệ thống văn học dân tộc khác; Môi giới học nghiên cứu các yếu tố trung gian làm phát sinh mối quan hệ ảnh hưởng giữa văn học thuộc các quốc gia khác nhau; Nguồn gốc học lại tập trung truy tìm nguồn gốc phát sinh, hình thành của các tác phẩm văn học thuộc các thể chế văn 52 NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2018 học khác nhau, nhất là các tác phẩm có nguồn gốc xuất hiện chưa được xác minh rõ ràng. Có thể thấy, cơ sở hình thành khoa nghiên cứu văn học so sánh của trường phái Pháp là truy tìm các mối liên hệ thực chứng chứ không phải là “so sánh”, nó thuộc vào nhóm các nghiên cứu bên ngoài văn học. Giai đoạn thứ hai của văn học so sánh thế giới là nghiên cứu song song của trường phái Mỹ. Trường phái nghiên cứu Mỹ khởi xướng “nghiên cứu song song” và “nghiên cứu đa ngành”. Trường phái Mỹ đã khôi phục yếu tố “so sánh” từng một thời bị trường phái Pháp đưa vào “quên lãng”, đồng thời làm bộc lộ rõ các hạn chế về mặt phương pháp của trường phái này khi chỉ tập trung vào nghiên cứu các mối liên hệ thực chứng. Trường phái nghiên cứu Mỹ chủ trương nghiên cứu so sánh nền văn học này với nền văn học khác hoặc nhiều nền văn học với nhau mà không đòi hỏi phải có các mối quan hệ hay ảnh hưởng thực tế; nghiên cứu so sánh văn học với các lĩnh vực khác (bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, lịch sử và triết học). Mối quan tâm chủ yếu của họ là “tính văn học”, tức các quy luật và giá trị thẩm mỹ trong nội tại tác phẩm văn học, bởi vậy nó thuộc vào nhóm nghiên cứu các vấn đề tự thân của văn học. Nó lấy việc nghiên cứu các giá trị mỹ học của văn học để thay thế cho việc nghiên cứu sự ảnh hưởng có liên hệ thực tế mà trường phái Pháp khởi xướng. Hướng nghiên cứu này tạo ra những cống hiến mới cho văn học so sánh đương thời, nhất là việc vừa chú trọng nghiên cứu đa quốc văn học, vừa tập trung nghiên cứu đa ngành. Trước mắt, gần như tất cả các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực văn học so sánh đều cho rằng, nghiên cứu ảnh hưởng và nghiên cứu song song gần như đã hoàn thiện hóa “khung hệ hình lý luận” cho khoa nghiên cứu văn học so sánh. Thực tế liệu rằng có phải như thế? Kết quả của nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, cho đến thời điểm hiện tại, hệ thống lý luận của khoa nghiên cứu văn học so sánh không hề hoàn thiện vô khuyết như nhiều người vẫn lầm tưởng mà vẫn tồn tại rất nhiều vấn đề. Bởi, mặc dù đã có nghiên cứu ảnh hưởng và nghiên cứu song song, song chúng ta giống như trước đây vẫn không thể giải quyết triệt để nhiều vấn đề của khoa nghiên cứu văn học. Trước hết, cả nghiên cứu ảnh hưởng và nghiên cứu song song đều được xác lập trên cơ sở của việc truy tìm sự “tương đồng”. Họ tìm kiếm các vấn đề khác biệt trên cơ sở tương đồng, so sánh sự tương đồng giữa các nền văn học khác nhau, sự tương đồng giữa văn học với các bộ môn khoa học khác. Nghiên cứu ảnh hưởng của trường phái Pháp được xác lập trên cơ sở truy tìm “tính cùng nguồn gốc”, nghiên cứu Biến dị học… 53 song song của trường phái Mỹ lại được xác lập trên cơ sở truy tìm “tính đồng nhất”. Mô hình nghiên cứu dựa trên việc truy tìm sự “tương đồng” này, không hoàn toàn phù hợp với quy luật khách quan và thực tế sống động của văn học so sánh. Bởi trường phái Pháp nhấn mạnh yếu tố “quan hệ văn học quốc tế” làm hạt nhân cho “nghiên cứu ảnh hưởng”, tuy nhiên trong các mối quan hệ văn học thế giới, “tính biến dị” hay sự khác biệt luôn phổ biến hơn so với “tính đồng nhất”. Ngay cả khi trường phái Mỹ trong khi tiến hành các “nghiên cứu song song” và “nghiên cứu đa ngành”, đồng thời lấy “tính đồng nhất” làm cơ sở cho nghiên cứu, bản thân họ cũng thừa nhận rằng vẫn tồn tại rất nhiều hiện tượng dị biệt trong văn học. Các học giả Trung Quốc mà đứng đầu là Giáo sư Tào Thuận Khánh nhận định rằng: “Chúng ta thừa nhận, trong nghiên cứu văn học so sánh, “tính cùng nguồn gốc” và “tính đồng nhất” là điều kiện cơ bản cho việc tiến hành nghiên cứu so sánh; song chúng ta đồng thời cũng phải nhận thấy rằng “tính biến dị” hay “tính khác biệt” cũng hoàn toàn có cơ sở để tiến hành các hoạt động nghiên cứu so sánh, nó thậm chí có ý nghĩa khoa học và giá trị lý luận hơn so với nghiên cứu ‘tính đồng nhất’”(6). Biến dị học văn học so sánh được xác lập dựa trên cơ sở của “tính dị chất” hay sự khác biệt. Vấn đề mà Biến dị học quan tâm là: giữa các đối tượng có sự khác biệt hoàn toàn liệu có thể tiến hành so sánh? Lý luận hạt nhân của Biến dị học nhận định rằng: “tính dị chất” cũng giống như “tính đồng nhất” hoàn toàn có thể tiến hành nghiên cứu so sánh. Các đối tượng có cùng một nguồn gốc xuất phát luôn tồn tại hàng loạt các vấn đề biến dị, bởi vì các hiện tượng văn học có cùng nguồn gốc thông qua một loạt các phương diện như ngôn ngữ dịch thuật, ý thức sáng tạo hình tượng văn học của nhà văn, văn bản văn học, văn hóa,… đều có thể sản sinh các vấn đề biến dị, đây chính là biểu hiện của “tính dị chất”. Trên thực tế, nghiên cứu ảnh hưởng và nghiên cứu song song cũng tồn tại vấn đề truy tìm sự “khác biệt”; tuy vậy, “biến dị” lại là vấn đề mà cả hai trường phái nghiên cứu đều không chú trọng. Cả trường phái Pháp và Mỹ đều không đứng từ góc độ lý luận khoa học chuyên ngành để thảo luận và có những tổng kết về vấn đề “biến dị” trong văn học so sánh. 2. Biến dị học văn học so sánh – hướng đi mới cho khoa nghiên cứu văn học so sánh thế giới Thông thường, các nhà nghiên cứu văn học so sánh thường không nghĩ đến việc ngay trong chính nghiên cứu song song cũng tồn tại vấn đề biến dị. Bởi thế, biến dị học mà các học giả Trung Quốc thường nhắc đến là vấn đề biến dị học 54 NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2018 trong nghiên cứu ảnh hưởng. Song, khi chúng ta vận dụng các phương pháp của trường phái nghiên cứu song song thì hai vấn đề tưởng như chẳng hề có chút liên hệ nào với nhau đã gặp gỡ nhau trong cái nhìn của nghiên cứu văn học so sánh thế giới. Các nguyên tố biến dị của hai trường phái nghiên cứu so sánh thế giới đã giao thoa và gặp gỡ nhau. Đây cũng chính là vấn đề biến dị trong nghiên cứu song song. Tào Thuận Khánh và các cộng sự chỉ ra rằng, khi hai nền văn hóa/ văn minh khác nhau gặp gỡ và giao thoa lẫn nhau chắc chắn sẽ sản sinh các yếu tố biến dị; loại biến dị này liên quan đến tính khác biệt thuộc về bản chất của các nền văn hóa/ văn minh trong quá trình giao thoa, xung đột hay tiếp biến. Trên cơ sở đó, họ đã đề xuất một quan điểm như sau: Vấn đề biến dị trong nghiên cứu song song được thể hiện rõ rệt nhất chính tại điểm giao thoa giữa hai yếu tố khác nhau, sự giao hòa giữa các nền văn hóa/ văn minh có sự khác biệt căn bản về bản chất đã sản sinh ra các yếu tố biến dị - sản phẩm của sự bất đồng văn hóa(7). Vấn đề biến dị trong nghiên cứu song song có thể thấy được một cách cụ thể nhất, tiêu biểu nhất chính là sự biến dị về mặt diễn ngôn. Có thể nói, cả Trung Quốc lẫn phương Tây vốn dĩ đều sở hữu một hệ thống thuật ngữ văn học tương đối độc lập. Lấy chủ nghĩa lãng mạn làm ví dụ. Các nhà thơ thuộc phái “Bên hồ”(8) đã khởi xướng chủ nghĩa lãng mạn, họ chú ý đến sự biểu đạt các yếu tố tình cảm, cảm xúc sao cho tự nhiên nhất. Giống như nhà thơ William Wordsworth từng nói: “Thơ ca là sự biểu hiện một cách tự nhiên nhất những thăng hoa của tình cảm, cảm xúc. Nó được bắt nguồn từ những tình cảm xuất hiện vào lúc tâm thái của thi nhân ở vào trạng thái bình thản nhất”(9). William Wordsworth trong thi phẩm của mình với tựa “Viết trong buổi xuân sớm” hay Samuel Taylor Coleridge trong thi phẩm của mình “Bài ca mặt trời mọc từ khe núi Chamouni”(10) đều thể hiện niềm hân hoan trước vẻ đẹp của tự nhiên, mỗi câu thơ đều toát lên những tình cảm, cảm xúc tức thời của thi nhân đối với từng bông hoa, ngọn cỏ hay vẻ đẹp hùng vĩ núi cao, sông sâu của tự nhiên. Từ hai bài thơ này, chúng ta có thể khái quát được đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây – đó chính là sự ghi nhận những cảm xúc thăng hoa của cá nhân nhà thơ được biểu đạt ra bằng ngôn từ; nó cũng thể hiện năng lực tưởng tượng và cảm xúc chủ quan của thi nhân. Nếu lấy những tiêu chuẩn này của chủ nghĩa lãng mạn phương Tây để đi vào phân tích và bình luận văn học Trung Quốc thì gần như đều có thể quy thơ ca cổ điển Trung Quốc vào phạm trù của chủ nghĩa lãng mạn, bởi lẽ thơ ca cổ điển Trung Quốc hết sức chú trọng vấn đề tình cảm, Biến dị học… 55 cảm xúc, ca ngợi cảm xúc. Giống như Bạch Cư Dị đã từng định nghĩa về thơ như sau: “Cảm nhân tâm giả, mạc tiên hồ tình, mạc thủy ngôn, mạc thiết hồ thanh, mạc thâm hồ nghĩa. Thi giả: Căn tình, miêu ngôn, hóa thanh, thực nghĩa”(11). Đại ý là không có gì có thể cảm động lòng người bằng chính những tình cảm xuất phát từ đáy lòng. Với cái được gọi là thơ thì tình cảm, cảm xúc giống như gốc rễ, từ ngữ lời lẽ giống như lá ngọn, âm luật giống như trăm hoa, còn nội dung, ý nghĩa thì giống như trái chín vậy. Thế cho nên, cái được gọi là chủ nghĩa lãng mạn Trung Quốc kỳ thực không phải là “chủ nghĩa lãng mạn” theo định nghĩa của phương Tây. Như thế, một sự vật từ quốc gia này được truyền bá đến quốc gia khác, chắc chắn sẽ làm xuất hiện một sự vật mới, theo như cách diễn giải của các học giả Trung Quốc thì đây chính là biến dị. Nói cách khác, hệ thống thuật ngữ phương Tây khi đi vào Trung Quốc, mặc dù cái khung hệ hình vẫn là của phương Tây, nhưng trên lãnh thổ Trung Quốc nó đã sản sinh biến dị, không hoàn toàn là hệ hình diễn ngôn phương Tây nữa rồi. Ví dụ, Thiền tông không hoàn toàn thuộc về Phật giáo Ấn Độ, nó là hệ quả của quá trình biến dị từ sự kết hợp giữa hệ hình diễn ngôn Ấn Độ và hệ hình diễn ngôn Trung Quốc mà thành. Chúng ta đều thừa nhận rằng, đối với tác phẩm văn chương, lý luận chính là một loại định nghĩa. Nói cách khác, lý luận văn học chính là hệ thống quy tắc cơ bản được tổng kết từ các tác phẩm văn chương, đến lượt mình, lý luận văn học lại có tác dụng định hướng và chỉ đạo đối với hoạt động sáng tác. Các học giả Trung Quốc cho rằng, đối với sự biến dị trong lý luận, có thể dẫn ra trường hợp lý luận du hành của Edward Wadie Said để minh chứng(12). Edward Wadie Said chỉ ra rằng, khi một hệ hình lý luận văn học từ một quốc gia này “du hành” đến một quốc gia khác nó sẽ sản sinh biến dị. Sự “du hành” của lý thuyết văn chương đương đại về cơ bản đều từ phương Tây sang phương Đông; phương Đông trong suốt một thời gian dài gần như chỉ tiếp thu các hệ hình lý luận phương Tây. Lý luận văn học phương Tây khi đến Trung Quốc đã làm sản sinh biến dị trên hai phương diện chủ yếu: Trước hết, trên phương diện hệ hình tri thức, lý luận phương Tây gần như hoàn toàn thay thế hệ hình lý luận cổ điển Trung Quốc trước đây. Hệ thống thuật ngữ khoa học cũng như phương pháp nghiên cứu văn học của lý luận Trung Quốc đương đại gần như đều được vay mượn từ phương Tây, điều này khiến cho cách lập luận cũng như diễn giải quan điểm của lý luận Trung Quốc hiện đại đều có hơi hướng phương Tây. Trong thời kỳ mới, Trung Quốc đẩy mạnh việc giới thiệu, vận dụng văn học và lý luận phương Tây; các nhà văn học, lý luận văn học phương Tây như Martin 56 NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2018 Heidegger, Franz Kafka, Jurgen Habermas,... trở nên quá quen thuộc và gần như không thể không nhắc đến mỗi khi bàn luận bất cứ vấn đề văn học nào. Điều này khiến cho giới học thuật Trung Quốc khó lòng sáng tạo ra hệ hình lý luận của riêng mình. Các học giả Trung Quốc dần phát hiện ra rằng, trên thực tế họ đang ở vào trạng thái “thất ngữ chứng”(13) về lý luận và thuật ngữ khoa học. Họ nhận ra rằng, họ không hề đứng trên cơ sở của hệ hình ngôn ngữ và học thuật Trung Hoa để tiếp nhận và cải tạo lý luận phương Tây hay biến nó thành cái mang màu sắc bản địa mà chỉ đơn thuần chạy theo và vay mượn phương Tây. Trên một phương diện khác, bản thân lý luận phương Tây sau khi du nhập vào Trung Quốc cũng đã có những biến dị tự thân, đó chính là nỗ lực của các học giả Trung Quốc trong việc xây dựng một hệ thống lý thuyết văn học phương Tây mang màu sắc Trung Quốc. Bàn luận về vấn đề này, nhiều học giả Trung Quốc cho rằng, chỉ khi đứng trên lập trường của hệ hình tri thức Trung Quốc truyền thống để chọn lựa và tiếp nhận lý luận phương Tây, đồng thời vận dụng một cách có sáng tạo cũng như không ngừng đề cao và quảng bá các hệ thống lý thuyết hay kinh điển Trung Quốc mới có thể triệt để thực hiện chủ trương “Trung Quốc hóa” lý luận văn học phương Tây; mới có thể giải quyết tình trạng “thất ngữ chứng” của lý luận Trung Quốc đương đại. Để hiểu được một cách khách quan và đầy đủ về vấn đề “Trung Quốc hóa” lý luận văn học phương Tây, cần chú ý đến vấn đề “nội địa hóa/ bản thổ hóa” của lý luận văn học. Do sự khác biệt về bối cảnh văn hóa xã hội và ngôn ngữ, lý luận văn học phương Tây khi được dịch thuật và giới thiệu tại Trung Quốc (cũng như các quốc gia phi Anh ngữ khác - NVH) đều không thể tránh khỏi việc phát sinh hoặc có thêm những hàm ý mới mang màu sắc văn hóa bản ngữ. Bởi lẽ, trong những hệ hình văn minh khác nhau, khi một yếu tố văn hóa được truyền bá đến một hệ hình văn minh khác, chắc chắn sẽ trải qua quá trình tiếp nhận, chọn lọc, thanh lọc, lý giải và sáng tạo lại. Sự phát triển vượt trội của lý luận phê bình văn học phương Tây trong thế kỷ 20 đã tạo ra tình trạng “mất tiếng nói” toàn diện của lý luận phê bình văn học Trung Quốc. Năm 1995, Giáo sư Tào Thuận Khánh đã công bố bài nghiên cứu “Chiến lược phát triển của lý luận phê bình Trung Quốc thế kỷ XXI và việc tái thiết lập hệ hình diễn ngôn của lý luận phê bình văn học Trung Quốc”(14). Trong bài viết này, ông lần đầu tiên đưa ra vấn đề “thất ngữ chứng – chứng mất tiếng nói” trong lý luận phê bình văn học Trung Quốc, tạo ra một làn sóng tranh luận mạnh mẽ trong học giới Trung Quốc suốt hơn mười năm qua. Tào Thuận Khánh Biến dị học… 57 cho rằng, trạng thái “mất tiếng nói” của lý luận phê bình văn học Trung Quốc được thể hiện trên hai phương diện: một là, sự mai một của hệ hình diễn ngôn lý luận phê bình văn nghệ truyền thống; hai là, quá trình hiện đại hóa của bản thân văn hóa, ngôn ngữ Trung Quốc. Ông cho rằng, “mất tiếng nói” cũng là một phạm trù thuộc về biến dị, đó chính là sự biến dị tự thân của lý luận phê bình văn nghệ Trung Quốc, là biểu hiện bệnh thái của lý luận phê bình văn nghệ Trung Quốc trong quá trình hiện đại hóa. Theo Tào Thuận Khánh, điều này được thể hiện một cách tập trung trên bốn phương diện: một là, nỗ lực hiện đại hóa lý luận phê bình văn học Trung Quốc cổ điển; hai là, văn học nghệ thuật hiện đại phủ nhận phương thức diễn ngôn cũng như phạm trù của lý luận phê bình văn nghệ cổ điển, trong khi đó lại tiếp nhận một cách triệt để hệ hình diễn ngôn của lý luận phương Tây; ba là, dựa trên hệ thống phạm trù và phương pháp nghiên cứu của phương Tây để nghiên cứu văn học cổ điển Trung Quốc, dẫn đến những cách hiểu sai lệch; bốn là, sự phủ nhận của xã hội đối với văn hóa và kinh điển truyền thống Trung Quốc, đặc biệt là từ sau những cải cách về mặt ngôn ngữ, văn tự càng khiến cho người Trung Quốc cảm thấy xa lạ và khó hiểu đối với kinh điển do chính tổ tiên họ để lại. Một hình thức khác của biến dị trên phương diện diễn ngôn cần được nhắc đến đó chính là hiện tượng tái “kích hoạt” của lý luận phê bình văn nghệ cổ điển Trung Quốc trong quá trình giao thoa, xung đột và tiếp biến với phương Tây. Biểu hiện của nó nằm ở chỗ các học giả Trung Quốc dần cảm thấy tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống Trung Quốc và có xu hướng “trở về” với diễn ngôn lý luận phê bình văn nghệ truyền thống. Họ cho rằng nên đánh giá lại một cách nghiêm túc việc tiếp nhận kinh điển truyền thống, đặc biệt là từ sau khi có những cách tân về mặt văn tự và ngôn ngữ. Sau nữa là sự lĩnh hội và truyền thừa các giá trị của văn hóa truyền thống, trong đó có hệ thống điển tịch, cần phải dựa trên nền tảng của văn hóa Trung Hoa chứ không phải là từ góc nhìn của phương Tây. Chỉ có như vậy, diễn ngôn lý luận phê bình văn học Trung Quốc mới có được vị trí tương đồng trong quá trình giao lưu với diễn ngôn lý luận phê bình văn học phương Tây; từ đó phát huy các đặc trưng riêng có của bản thân vào việc giải quyết các vấn đề mới của khoa học chuyên ngành. Có thể thấy, theo các học giả Trung Quốc, hệ hình diễn ngôn của lý luận phê bình văn học Trung Quốc cần có sự tái thiết lập trên cơ sở của phương thức tư duy của ngôn ngữ, văn hóa truyền thống của đất nước này, đồng thời tiếp 58 NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2018 biến, vay mượn và dung hợp cùng phương Tây. Chỉ có như vậy, diễn ngôn lý luận phê bình văn nghệ Trung Quốc mới có thể đạt được bước phát triển mới, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa cả về phương thức biểu đạt, hệ thống lý luận lẫn phương pháp nghiên cứu mà không bị lệ thuộc hoặc quy chiếu bởi hệ hình diễn ngôn phương Tây. Giáo sư Tào Thuận Khánh cho rằng, trường hợp điển hình nhất của biến dị trên phương diện diễn ngôn trong văn học so sánh chính là việc các học giả Trung Quốc đề xuất việc tiếp nhận và lý giải các tác phẩm văn học Trung Quốc trên cơ sở hệ thống phương pháp luận và diễn ngôn phương Tây. Điều này dẫn đến hai hệ quả đối với văn học Trung Quốc đương đại: một là, lý luận phê bình văn học phương Tây đã làm thay đổi hệ hình diễn ngôn của văn học Trung Quốc. Ví như việc dùng chủ nghĩa lãng mạn phương Tây để tiếp nhận và giải nghĩa “Kinh thi”, hay các tác phẩm của Lý Bạch, Khuất Nguyên,… vận dụng chủ nghĩa hiện thực phương Tây vào lý giải Đỗ Phủ hay Bạch Cư Dị,… Điều này trở thành một hiện tượng phổ biến trên văn đàn Trung Quốc trong suốt một thời gian dài, mà cho đến nay vẫn còn khá rõ rệt. Hai là, quá trình giao thoa và tiếp biến giữa văn học Trung Quốc và hệ hình diễn ngôn của lý luận phê bình văn học phương Tây đã làm nảy sinh những biến dị mang tính đặc thù. Chẳng hạn như khi người Trung Quốc vận dụng chủ nghĩa lãng mạn phương Tây vào lý giải, tiếp nhận Lý Bạch, Khuất Nguyên,… thì chính lý luận phê bình văn học phương Tây cũng phát sinh biến dị. Bởi lẽ, trước khi được tiếp nhận và vận dụng tại Trung Quốc, chủ nghĩa lãng mạn mà William Wordsworth hay Samuel Taylor Coleridge đề xuất nhấn mạnh hình thức biểu đạt của thơ ca giống như một thứ tình cảm mãnh liệt. Trong khi đó, Trung Quốc trong quá trình vận dụng chủ nghĩa lãng mạn chú trọng nhiều hơn tính lý tưởng hóa và sự khoa trương của vấn đề được biểu đạt. Do đó, trong quá trình giao thoa, tiếp biến, không chỉ có văn học Trung Quốc xảy ra biến dị, mà ngay cả lý luận phê bình văn học phương Tây cũng phát sinh biến dị. Trong tình trạng gần như toàn bộ lịch sử văn học Trung Quốc cổ, trung, cận, hiện đại đều được nghiên cứu và biên soạn trên cơ sở lý thuyết, phương pháp và hệ hình diễn ngôn phương Tây, lý luận phê bình văn học Trung Quốc cũng đã có những biến dị tự thân, bao gồm cả trên hàm ý tích cực và tiêu cực. Vấn đề lớn nhất của học giả Trung Quốc và thế giới đương thời nằm ở chỗ đều phổ biến cho rằng lý luận phê bình văn học phương Tây có tính “phổ quát”. Giáo sư Tào Thuận Khánh cùng các cộng sự của ông cho rằng, văn luận phương Biến dị học… 59 Tây có những ưu thế không thể phủ nhận nhưng đồng thời cũng tồn tại những hạn chế của nó. Lưu Nhược Ngu trong Lý luận Văn học Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm này của Tào Thuận Khánh. Ông lập luận rằng: “Đối với những nền văn hóa khác nhau, ở những giai đoạn khác nhau với phương thức tư duy, thiên kiến, giả định hay tín ngưỡng khác nhau, qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy, chúng ta cần dựa trên nền tảng của siêu lịch sử và siêu văn hóa để chỉ ra được những đặc trưng của văn học trên cơ sở những khác biệt mang tính dị chất của các nền văn minh khác nhau; đồng thời đưa ra được các khái niệm và tiêu chí cụ thể cho phê bình văn học. Nếu không chúng ta không nên tiếp tục bàn luận đến “văn học” (literature) mà chỉ nên bàn về “các loại hình văn học” (literatures); không nên bàn luận về “phê bình” (criticism) mà chỉ nên luận giải về “các loại hình phê bình” (criticisms)”(15). Có thể thấy, các học giả Trung Quốc trong quá trình tiếp nhận, vận dụng lý thuyết phương Tây đã tự giác ý thức đến “tính dị chất” giữa các nền văn minh khác nhau trong quá trình giao thoa, xung đột và tiếp biến. Họ vận dụng lý thuyết văn học phương Tây vào việc đánh giá, lý giải văn học Trung Quốc; đồng thời cũng dùng chính tác phẩm văn học Trung Quốc để nghiệm chứng và hiệu chính lý thuyết văn học phương Tây. Có thể nói, văn học so sánh Trung Quốc được hình thành trên cơ sở của sự xung đột giữa hai nền văn minh Đông – Tây, là kết quả của quá trình xung đột và tiếp biến của văn hóa Trung Quốc và phương Tây. Trong quá trình xung đột văn minh, những biểu hiện của tính dị chất dường như phổ biến hơn nhiều so với tính đồng chất, mà tính dị chất hay tính biến dị lại chính là hình thái biểu hiện của văn học so sánh Trung Quốc, cũng là vấn đề hạt nhân của các nghiên cứu đa văn minh. Tính dị chất là sản phẩm tất yếu của quá trình giao thoa, xung đột và tiếp biến giữa các nền văn minh. Đương nhiên giữa các nền văn minh tương đồng vẫn tồn tại “tính biến dị”, nhưng giữa các nền văn minh khác nhau, tính chất này càng biểu hiện một cách rõ rệt hơn. Do đó, nếu đứng từ góc độ “tương đồng” để nghiên cứu đa văn minh tất yếu sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, do đó, các nhà văn học so sánh Trung Quốc cho rằng, biến dị mới chính là nội dung mà khoa nghiên cứu văn học so sánh ngày nay cần tập trung nghiên cứu và thảo luận. Phạm vi nghiên cứu của biến dị học văn học so sánh, theo đó bao gồm sáu phương diện chính: Nghiên cứu dịch thuật, hình tượng học, tiếp nhận học, chủ đề học, văn loại học, chọn lọc văn hóa và vấn đề lý giải sai trong quá trình tiếp NGHIÊN CỨU VĂN HỌC SỐ 6 - 2018 60 nhận văn học. Vấn đề mấu chốt của biến dị học văn học so sánh là tính biến dị và tính văn học, nó tập trung đi sâu nghiên cứu trạng thái biến dị xuất hiện trong quá trình giao lưu giữa các hiện tượng văn học thuộc các quốc gia khác nhau, các nền văn minh khác nhau. Khác với nghiên cứu ảnh hưởng hay nghiên cứu song song, biến dị học văn học so sánh tập trung vào tính dị chất của hiện tượng hơn là các yếu tố tương đồng. Ví dụ, chọn lọc văn hóa đi sâu vào phân tích hiện tượng trong quá trình giao lưu và đối thoại của văn học, đối tượng tiếp nhận do các yếu tố văn hóa tự thân mà vô tình hoặc hữu ý tiến hành chọn lựa, xóa bỏ, cải tạo, lai ghép các thông tin văn học trong quá trình tiếp nhận và truyền bá. Hệ quả của quá trình này chính là sự biến dị trong văn học hay hiện tượng lý giải sai trong quá trình tiếp nhận văn học. Giáo sư Tào Thuận Khánh và các cộng sự của ông nhấn mạnh, trong khi tôn trọng và kế thừa các thành tựu của lý luận phê bình của hai trường phái nghiên cứu so sánh Pháp, Mỹ, không thể không chú ý tới một vấn đề khác, đó chính là sự thiếu hụt của các nghiên cứu biến dị (dị chất) trong cả hệ thống của khoa nghiên cứu văn học so sánh hiện thời(16). Nói cách khác, biến dị học văn học so sánh chính là một hướng đi mới, một cống hiến mới về lý luận cũng như phương pháp cho khoa nghiên cứu văn học so sánh, là đột phá mới của văn học so sánh toàn thế giới. Biến dị học văn học so sánh đã bổ khuyết cũng như đưa ra một giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết các khó khăn mà hai trường phái nghiên cứu ảnh hưởng (trường phái Pháp) và nghiên cứu song song (trường phái Mỹ) đang gặp phải; đồng thời, mở ra một giai đoạn mới cho khoa nghiên cứu văn học so sánh, đặc biệt là về mặt lý luận, đó chính là tập trung nghiên cứu và lý giải về hiện tượng biến dị và tính dị chất trong văn học, nó đặt ra dấu mốc mới cho nghiên cứu đa văn minh trong văn học so sánh. Bởi lẽ, trong tiến trình phát triển của văn học nhân loại, sự giao thoa, xung đột và tiếp biến giữa các nền văn minh sẽ sản sinh những tính chất mới cho văn học, đồng thời cũng sẽ bộc lộ ra tính dị chất và tính biến dị vốn có giữa các nền văn minh. 3. Kết luận Trong bối cảnh các hệ thống lý luận và phương pháp của khoa nghiên cứu văn học so sánh thế giới đều xuất phát cũng như đặt trọng tâm vào nghiên cứu các hiện tượng văn học trên cơ sở “đồng chất” hay “tương đồng”; việc các học giả Trung Quốc mà đứng đầu là Giáo sư Tào Thuận Khánh đề xuất hệ thống lý thuyết và phương pháp lấy “tính dị chất” và “tính biến dị” làm trọng tâm nghiên cứu có ý nghĩa khoa học hết sức đặc biệt đối với khoa nghiên cứu văn học so Biến dị học… 61 sánh Trung Quốc và thế giới. Cống hiến quan trọng về lý luận cũng như phương pháp này, đồng thời cũng góp phần làm dịu đi tình trạng bế tắc của văn học so sánh thế giới hiện thời và mở ra những khả năng cũng những hướng đi mới cho khoa nghiên cứu văn học nói chung, hướng nghiên cứu đa văn minh trong văn học so sánh nói riêng Susan Barnett: Comparative Literature: A Critical Introduction, Blackwell Publishers; 1st (1) edition (October 8, 1993), p. 47. (2) Cao Shunqing: The Variation Theory of Comparative Literature, Springer, 2014. Ning Wang: “Variation Theory and Comparative Literature: A Book Review Article (3) about Cao's Work”, CLCWeb: Comparative Literature and Culture, Volume 15 (2013) Issue 6, Article 18. (4) 梵·第根:《比较文学论》,干永昌等编《比较文学译文集》,上海译文出版社,1985 年, 第 57 页. (Tieghem, Paul vanHistoria de la literatura universal,Miguel Arimany, Barcelona, 1975) 基亚:《比较文学》,颜保译,北京大学出版社,1983 年,第 46 页 (基亚 tên phiên âm (5) Hán ngữ của Marius-FrancoisGuyard). (6) 曹顺庆:《论比较文学学科理论发展的三个阶段》,《中国比较文学》,2001年第三期,第 16页. 曹顺庆、张莉莉:《从变异学的角度重新审视异国形象研究》,湘潭大学学报(哲学社 (7) 会科学),2014 年 5 月,第 38 卷,第 3 期,第 121-125 页. (8) Nhóm Lake Poets (Phái Bên hồ) một trong những đại biểu của Chủ nghĩa lãng mạn Anh thời kỳ đầu với ba nhà thơ William Wordsworth, Samuel Taylor Coleridge và Robert Southey. (9) Poems for Spring: “Lines Written in Early Spring” by William Wordsworth (1798) (10) Hymn Before Sunrise, in the Vale of Chamouni by Samuel Taylor Coleridge, English Poetry II: From Collins to Fitzgerald, The Harvard Classics, 1909–14 (11) Xem:霍松林:《“根情、苗言、华声、实义”一个现实主义的诗歌定义》 ,古代文学理论 研究,1981 年,第四辑. (12) Xem Edward Said: “Traveling Theory”, The World, the Text, and the Critic (1983). (13) “Thất ngữ chứng” hay “chứng mất tiếng nói” là một thuật ngữ thuộc chuyên ngành Y, được Giáo sư Tào Thuận Khánh vay mượn để ám chỉ hiện tượng diễn ngôn lý luận phê bình Trung Quốc gần như không có trọng lượng trên văn đàn thế giới trong suốt những thập kỷ gần đây. (14) Xem:曹顺庆:《21 世纪中国文化发展战略与重建中国文论话语》,东方丛刊,1995 年, 第 3 辑, 总第十三辑. (15) 刘若愚,杜国清:《中国文学理论》,凤凰出版传媒集团,2006 年,第 30 页. (16) Xem 庄佩娜:《填补世界比较文学学科理论的空白:曹顺庆教授英文专著《比较文学变 异学》评介》,外国文学研究,2014 年第 3 期,第 154-157 页.