You are on page 1of 150

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC

MẦM NON MẪU GIÁO BÉ


HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
GIÁO DỤC MẦM NON MẪU GIÁO BÉ
ĐỒNG CHỦ BIÊN:
TS. LÊ THU HƯƠNG,
PGS.TS. LÊ THỊ ÁNH TUYẾT

LỜI NÓI ĐẦU

Tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non được
biên soạn nhằm hướng dẫn cán bộ quản lí và giáo viên mầm non tổ chức
triển khai thực hiện nội dung Chương trình giáo dục mầm non do Bộ Giáo dục
và Đào tạo ban hành theo Quyết định số 5205/QĐ-BGD&ĐT ngày 19 tháng 9
năm 2006.

Tài liệu Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non độ tuổi
mẫu giáo gồm 3 cuốn:

- Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non mẫu giáo bé 3 -
4 tuổi.

- Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non mẫu giáo nhỡ
4 - 5 tuổi.

- Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non mẫu giáo lớn 5
- 6 tuổi.

Tài liệu đưa ra những hướng dẫn mang tính gợi mở giúp cán bộ quản
lí, giáo viên thực hiện nội dung chương trình, đồng thời phát huy được khả
năng chủ động, sáng tạo, linh hoạt, mềm dẻo trong việc tổ chức thực hiện các
hoạt động chăm sóc - giáo dục trẻ theo hướng tích hợp chủ đề phù hợp với
trẻ và với điều kiện thực tế của địa phương; trên cơ sở đó thực hiện mục tiêu
phát triển toàn diện: thể chất, nhận thức, tình cảm - xã hội, ngôn ngữ, thẩm
mĩ.
Nội dung cuốn Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục mầm non
mẫu giáo bé 3 - 4 tuổi gồm 6 phần:

Phần một: Mục tiêu giáo dục và hướng dẫn thực hiện chế độ sinh
hoạt

Phần này đưa ra những mục tiêu giáo dục cụ thể cho trẻ cuối 3 tuổi,
các nguyên tắc và những gợi ý tổ chức các thời điểm chế độ sinh hoạt hằng
ngày phù hợp với trẻ lớp mẫu giáo bé 3 - 4 tuổi và với thực tế từng địa
phương.

Phần hai: Hướng dẫn thực hiện nội dung nuôi dưỡng và chăm sóc
sức khoẻ

Phần hai đề cập đến những hướng dẫn mang tính gợi ý giúp cho giáo
viên có những bài thực hành phù hợp với trẻ về: chăm sóc dinh dưỡng, vệ
sinh và sức khoẻ cho trẻ theo từng độ tuổi

Phần ba: Hướng dẫn thực hiện các nội dung giáo dục

Phần ba là những hướng dẫn, gợi ý giúp giáo viên nắm bắt cụ thể hơn
việc thực hiện mục tiêu nội dung giáo dục trong từng lĩnh vực giáo dục (giáo
dục phát triển thể chất, giáo dục phát triển nhận thức, giáo dục phát triển
ngôn ngữ, giáo dục phát triển tình cảm - xã hội, giáo dục phát triển thẩm mĩ)
phù hợp với trẻ 3 - 4 tuổi. Đồng thời, đây còn là những hướng dẫn, gợi ý cách
lựa chọn nội dung, cách tiến hành các hoạt động cụ thể theo hướng tích hợp
phù hợp với các chủ đề.

Phần bốn: Hướng dẫn lập kế hoạch và tổ chức thực hiện nội dung
giáo dục

Phần bốn hướng dẫn cách lập kế hoạch giáo dục năm, cách xây dựng
và triển khai chủ đề những gợi ý xây dựng kế hoạch tuần phù hợp với chủ đề
và trẻ trong lớp.

Trong phần này, tài liệu còn đưa ra những hướng dẫn, gợi ý về cách
thức tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường mầm non theo hướng tích
hợp chủ đề phù hợp với trẻ mẫu giáo bé 3 - 4 tuổi. Những gợi ý hướng dẫn
trong tài liệu giúp giáo viên có thể chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn chủ
đề, xác định mục tiêu, xây dựng mạng nội dung, mạng hoạt động theo chủ đề
và tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với trẻ, phù hợp với thực tế của
địa phương.

Phần năm: Hướng dẫn thực hiện đánh giá

Phần năm hướng dẫn những nội dung, phương pháp đánh giá trẻ trong
quá trình chăm sóc giáo dục và việc thực hiện chương trình giáo dục phù hợp
với độ tuổi. Cán bộ quản lí và giáo viên có thể tham khảo nội dung, các tiêu
chí đánh giá, các phương pháp đánh giá, mẫu phiếu quan sát… khi thực hiện
chương trình để chủ động hơn trong quá trình thực hiện chương trình giáo
dục trẻ và điều chỉnh nội dung, phương pháp phù hợp với trẻ và với thực tế
của trường, lớp, địa phương.

Phần sáu: Hướng dẫn sự tham gia của gia đình và cộng đồng
trong chăm sóc - giáo dục trẻ

Phần sáu hướng dẫn giúp giáo viên và nhà trường nắm được cách
thức và nội dung phối hợp với gia đình và cộng đồng trong chăm sóc - giáo
dục trẻ.

Tài liệu biên soạn lần đầu không tránh khỏi những thiếu sót, trong quá
trình thực hiện chúng tôi mong nhận được những ý kiến góp ý của cán bộ
quản lí, giáo viên và bạn đọc để tiếp tục hoàn thiện.

PHẦN MỘT. MỤC TIÊU GIÁO DỤC VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN
CHẾ ĐỘ SINH HOẠT

A - MỤC TIÊU GIÁO DỤC CUỐI 3 TUỔI


I - PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

- Cân nặng và chiều cao nằm trong kênh A, cụ thể:

Trẻ trai: Cân nặng đạt 12,9 - 20,8 kg  16,7 ± 3,8 kg.
Chiều cao đạt 94,4 - 1 1 1,5 em  102,9 ± 8,5 em.

Trẻ gái: Cân nặng đạt 12,6 - 20,7 kg  16,0 ± 3,4 kg.

Chiều cao đạt 93,5 - 109,6 em  101 ± 7,1 em.

- Đi chạy phối hợp chân tay nhịp nhàng.

- Giữ được thăng bằng trên một chân.

- Ném xa 2m bằng hai tay.

- Cầm kéo cắt.

- Rửa tay, lau mặt, đánh răng, cởi quần áo có sự giúp đỡ.

- Cầm được bình rót nước vào cốc.

- Nhận biết một số vật dụng và nơi nguy hiểm.

II - PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

- Thích tìm hiểu, khám phá đồ vật và hay đặt các câu hỏi: Ai đây? Cái gì
đây?…

- Nói được một vài đặc điểm nổi bật của sự vật, hiện tượng quen thuộc.

- Nhận biết được sự thay đổi rõ nét của sự vật, hiện tượng.

- Nhận biết được tay phải, tay trái của bản thân.

- Đếm được trong phạm vi 5.

- Nhận biết được sự khác nhau về kích thước của 2 đối tượng.

- Gọi đúng tên hình tròn, hình vuông, hình tam giác.

- Nhận biết một số nghề phổ biến, gần gũi.

- Biết họ và tên của bản thân, tên của người thân trong gia đình, tên
trường, lớp mầm non.

III - PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

- Nghe hiểu được lời nói trong giao tiếp đơn giản.

- Diễn đạt nhu cầu, mong muốn để người khác hiểu.


- Trả lời được một số câu hỏi của người khác.

- Kể lại chuyện dựa theo câu hỏi.

IV - PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM XÃ HỘI

- Thích chơi cùng bạn, không tranh giành đồ chơi.

- Có biểu hiện quan tâm đến người thân.

- Cảm nhận được một số trạng thái cảm xúc của người khác và có biểu
lộ phù hợp.

- Chấp nhận yêu cầu và làm theo chỉ dẫn đơn giản của người khác.

- Biết chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi, xin phép.

- Biết bỏ rác đúng nơi quy định, cất dọn đồ dùng, đồ chơi.

- Cố gắng tự thực hiện các công việc được giao.

V - PHÁT TRIỂN THẨM MĨ

- Trẻ bộc lộ cảm xúc trước vẻ đẹp của các sự vật, hiện tượng xung
quanh và các tác phẩm nghệ thuật gần gũi.

- Trẻ thích hát, nghe hát, nghe nhạc.

- Biết hát kết hợp với vận động đơn giản: nhún nhảy, giậm chân, vỗ
tay…

- Biết sử dụng màu sắc, đường nét, hình dạng tạo ra các sản phẩm đơn
giản.

- Biết giữ gìn sản phẩm.

B - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ SINH HOẠT


I - NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN

Chế độ sinh hoạt là sự phân bổ hợp lí về thời gian và các hoạt động
trong ngày ở trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm lí - sinh lí của
trẻ, qua đó giúp trẻ hình thành thái độ sống, nền nếp, thói quen và những kĩ
năng sống tích cực.

Tuỳ theo điều kiện thực tế địa phương, tuỳ theo mùa có thể điều chỉnh
thời gian biểu cho phù hợp, nhưng khi thực hiện cần đảm bảo các nguyên tắc
sau:

1. Đảm bảo tính khoa học, hợp lí, vừa sức, phù hợp với nhịp sinh học
của trẻ theo lứa tuổi và cá nhân trẻ.

2. Nội dung hoạt động một ngày cần phong phú đa dạng, gần gũi với
cuộc sống thực của trẻ, đáp ứng mục tiêu phát triển của trẻ.

3. Phân phối thời gian thích hợp và có sự cân bằng giữa các hoạt động
tĩnh và động, giữa hoạt động trong lớp và ngoài trời, giữa hoạt động chung cả
lớp và hoạt động theo nhóm, cá nhân.

4. Đảm bảo trình tự hoạt động được lặp đi lặp lại, nhằm tạo nền nếp và
hình thành những thói quen tốt ở trẻ.

5. Đảm bảo cho mọi trẻ được hoạt động tích cực và phù hợp với đặc
điểm riêng của từng trẻ, tránh sự đồng loạt, gò bó cứng nhắc.

6. Đảm bảo sự linh hoạt, mềm dẻo, nhằm đáp ứng các nhu cầu của trẻ
đang trong thời kì lớn lên và phát triển, phù hợp với điều kiện từng vùng miền,
địa phương.

II - GỢI Ý THỜI GIAN BIỂU

Thời gian
Nội dung
Mùa hè Mùa đông
6h45 - 8h00 7h00 - 8h30 Đón trẻ, chơi, thể dục sáng
8h00 - 8h30 8h30 - 9h00 Hoạt động học
8h30 - 9h10 9h00 - 9h40 Chơi, hoạt động ở các góc
9h10 - 10h00 9h40 - 10h20 Chơi và hoạt động ngoài trời
10h00 - 11h10 10h20 - 11h40 Vệ sinh, ăn trưa
11h10 - 14h00 11h40 - 14h00 Ngủ trưa
14h00 - 14h40 14h00 - 14h40 Vệ sinh, ăn phụ
14h40 - 15h40 14h40 - 15h40 Chơi và hoạt động theo ý
thích
15h40 - 17h00 15h40 - 17h00 Chơi, trả trẻ
Chú ý

- Theo điều kiện khí hậu và đặc điểm của từng vùng miền để xây dựng
thời gian biểu cho phù hợp với điều kiện thực tế, có thể xê dịch thời gian đón
và trả trẻ, không nhất thiết phải đúng như thời gian biểu trong chương trình.
Nhưng khi đón trẻ tại thời điểm nào thì thực hiện theo hoạt động của thời gian
biểu tại thời điểm đó để tránh xáo trộn nhịp điệu sinh học của trẻ.

- Trong quá trình thực hiện thời gian biểu, tuỳ theo điều kiện cụ thể của
ngày hôm đó hoặc thời tiết mà giáo viên có thể sắp xếp lại các hoạt động học,
chơi cho thích hợp nhưng vẫn đủ thời gian cho mỗi hoạt động và đảm bảo
cho trẻ ăn, ngủ đúng giờ.

- Chế độ sinh hoạt phải được áp dụng thường xuyên, đều đặn, nếu
không thực hiện đúng những yêu cầu của chế độ sinh hoạt thì sẽ làm ảnh
hưởng đến sức khoẻ và việc giáo dục trẻ.

III - HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ SINH HOẠT

1. Đón trẻ

a) Đón trẻ

Khi đón trẻ, cô phải nhẹ nhàng, dỗ dành và cho trẻ chơi đồ chơi mà trẻ
thích. Đối với những cháu mới đi mẫu giáo, một vài ngày đầu cô nên gần gũi,
tiếp xúc, làm quen với trẻ khi có cả cha mẹ trẻ, sau đó đón, dẫn trẻ vào lớp.
Trường hợp cá biệt trẻ khó xa rời bố mẹ hãy cho trẻ mang một vật gì đó mà
trẻ thích nhất ở nhà đến lớp. Đến khi trẻ đã quen với sinh hoạt của lớp, cô
cho trẻ tự lấy đồ chơi theo ý thích.

Trong giờ đón trẻ, cô giáo có thể trao đổi nhanh với phụ huynh về một
số điều cần thiết để tiếp tục theo dõi, chăm sóc khi trẻ ở trường.
Cô cho trẻ chơi tự do tại các góc hoặc cùng trẻ trò chuyện (cá nhân
hoặc nhóm). Nội dung trò chuyện là những điều liên quan đến chủ đề đang
tiến hành, về bản thân trẻ và những sự kiện xảy ra hằng ngày xung quanh trẻ
(thời tiết, những gì trẻ hứng thú…). Khi trò chuyện, cô giáo có thể gợi mở, nêu
tình huống để trẻ trả lời, giúp trẻ rèn luyện và phát triển kĩ năng ứng xử, giao
tiếp.

b) Thể dục sáng

Thể dục sáng có thể cho trẻ tập trong nhà hoặc cho trẻ tập ngoài sân
tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể của phòng lớp và thời tiết. Nên cho trẻ tập theo
nhạc là tốt nhất. Nếu trường có sân rộng thì có thể bố trí cho toàn trường tập
cùng một thời điểm, tạo điều kiện cho trẻ liếp xúc với nắng, không khí trong
lành.

c) Điểm danh

Cần thực hiện dưới nhiều hình thức, nhằm làm cho trẻ biết tên và quan
tâm đến nhau. Có thể cô lần lượt gọi tên từng trẻ, hoặc cô làm cho mỗi trẻ
một thẻ tên - kí hiệu. Khi đến lớp, trẻ tự cầm gắn lên bảng thành dãy theo tổ,
theo chữ cái đầu của tên. Sau đó, trẻ đếm tên - kí hiệu, phát hiện trẻ vắng mặt
hoặc cũng có thể cho trẻ trong tổ quan sát, phát hiện bạn vắng mặt.

2. Hoạt động học có chủ định

Hoạt động học của trẻ trong chế độ sinh hoạt hằng ngày được tổ chức
một cách có chủ định, dưới sự định hướng và hướng dẫn trực tiếp của giáo
viên. Nội dung hoạt động được tiến hành có hệ thống, theo mục đích, kế
hoạch đã được hoạch định trong kế hoạch tuần phù hợp với các lĩnh vực nội
dung giáo dục trong chương trình.

a) Thời gian tiến hành

Trong thời gian biểu, thời gian tiến hành hoạt động học có thể kéo dài
trong khoảng từ 20-25 phút vào các buổi sáng trong ngày, sau khi đón trẻ.
Thời gian đầu năm học, hoạt động không nên kéo dài quá 20 phút.
b) Nội dung thực hiện

Nội dung học có chủ định được tiến hành với những nội dung thuộc các
hoạt động: phát triển vận động và giáo dục dinh dưỡng sức khoẻ; khám phá
khoa học về thế giới tự nhiên, xã hội gần gũi và làm quen với toán; nghe kể
chuyện, đọc thơ, kể chuyện sáng tạo, làm quen với đọc, viết; hoạt động tạo
hình (vẽ, nặn, cắt, dán, xếp hình); âm nhạc (hát, vận động theo nhạc, nghe
hát, nhạc). Các hoạt động trên thường có nội dung phù hợp với các lĩnh vực
giáo dục trong chương trình theo hướng tích hợp và gắn với chủ đề.

Giáo viên cần lựa chọn, lên kế hoạch, sao cho trẻ lớp mẫu giáo bé có 5
lần học trong tuần và thích hợp nhất là các buổi sáng. Mỗi ngày trong tuần, trẻ
được học với 1 nội dung hoạt động trên là nội dung trọng tâm và tích hợp với
1 hoặc 2 nội dung khác mang tính chất củng cố, bổ trợ phù hợp với nội dung
trọng tâm đó.

Với lớp đông trẻ và có hai giáo viên, tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh cụ
thể, cô có thể tách nhỏ thành hai nhóm để dạy cùng một lúc hoặc tổ chức cho
một nhóm trẻ học trong lớp một nhóm chơi và hoạt động ở ngoài trời sau đó
đổi lại. Lưu ý: Nếu có tách thành các nhóm để dạy, giáo viên cần phải đảm
bảo việc tổ chức cũng như các điều kiện thực hiện, phương pháp tiến hành
hoạt động ở các nhóm là tương đương.

3. Chơi, hoạt động ở các góc

Tuỳ theo thời điểm và các mùa ở địa phương, thời gian tổ chức cho trẻ
tham gia vào các trò chơi, nhóm chơi, hoạt động ở các khu vực (góc) hoạt
động thường có thể tiến hành sau hoạt động học của trẻ hoặc sau thời điểm
chơi và hoạt động ở ngoài trời.

a) Thời gian tiến hành

Thời gian tiến hành từ 30 - 40 phút.

Trong thời gian này, việc tổ chức trò chơi đóng vai, trò chơi lắp ghép
xây dựng là một trong những trò chơi trung tâm. Đồng thời, cô tạo điều kiện,
khuyến khích trẻ tham gia vào các nhóm chơi, hoạt động mang tính sáng tạo
như vẽ, nặn, cắt dán, hát, múa, chơi ở góc tạo hình, góc âm nhạc và các góc
hoạt động khác… Nội dung chơi được tổ chức phù hợp với độ tuổi và thường
gắn với chủ đề. Thời gian tiến hành kéo dài không quá 40 phút, phụ thuộc vào
hứng thú của các trẻ trong các nhóm chơi.

b) Nội dung thực hiện

Hằng ngày, cô chuẩn bị môi trường, sắp xếp các góc chơi, tổ chức,
hướng dẫn, gợi mở tạo điều kiện để cho mọi trẻ được tự do lựa chọn các
nhóm chơi, tham gia vào các trò chơi, hoạt động tự nguyện, theo ý thích.

Hằng ngày, khi tổ chức hướng dẫn các trò chơi, cô nên có những gợi ý,
khuyến khích các trẻ được luân phiên tham gia vào các nhóm chơi và các
hoạt động khác, không nên để trẻ chơi hoặc hoạt động ở một nhóm nào đó
quá lâu trong một tuần.

Kết thúc thời gian chơi và hoạt động ở các góc, cô cần hướng dẫn trẻ
trong các nhóm chơi, cùng cô tự cất đồ chơi, sắp xếp đồ dùng, đồ chơi gọn
gàng, ngăn nắp đúng quy định để chuẩn bị chuyển sang hoạt động khác. Với
thời tiết nắng nóng, cô có thể tổ chức, tiến hành thời điểm này sau thời điểm
chơi và hoạt động ngoài trời.

4. Chơi, hoạt động ngoài trời

Ở thời điểm này, giáo viên tổ chức cho trẻ chơi và tham gia vào các
hoạt động ngoài phạm vi của lớp học với mục đích: Tạo điều kiện cho trẻ
được tiếp xúc với không khí trong lành của thiên nhiên, rèn luyện sức khoẻ,
thiết lập mối quan hệ giữa trẻ với môi trường xung quanh, góp phần mở rộng
vốn hiểu biết của trẻ về môi trường tự nhiên – xã hội; thoả mãn nhu cầu chơi
và hoạt động theo ý thích của trẻ.

a) Thời gian tiến hành:

Thời gian tiến hành vào các buổi sáng không quá 40 phút.

b) Nội dung thực hiện:


Tuỳ thuộc vào nội dung của chủ đề trong tuần, điều kiện của trường
lớp, hoạt động ngoài trời có thể được tiến hành với một số nội dung, hình
thức hoạt động sau:

- Chơi tự do với các thiết bị, đồ chơi ngoài trời; làm đồ chơi và chơi với
các vật liệu thiên nhiên như: cây, quả, hoa, lá, cát, sỏi, nước.

- Chơi với những trò chơi vận động dân gian mà trẻ yêu thích nhằm
tăng cường khả năng vận động cơ thể như: chạy nhảy, leo trèo, nắm bắt.

- Quan sát một số sự thay đổi của các hiện tượng thiên nhiên, âm
thanh, thời tiết, cây cối hoa lá, hoạt động của con người, con vật.

- Tham gia vào các hoạt động chăm sóc ở góc thiên nhiên: tưới cây, lau
lá, nhặt lá, chăm sóc và cho các con vật yêu thích ăn.

- Dạo chơi trong sân trường, thăm các khu vực trong trường (thăm nhà
bếp, phòng y tế và các nhóm lớp học khác…) hoặc tham quan ngoài khu vực
trường như: công viên, sở thú, cánh đồng, cửa hàng, siêu thị, trường tiểu học,
doanh trại bộ đội, xí nghiệp, nhà máy… thuộc cộng đồng dân cư gần trường.

Khi thực hiện kế hoạch tuần và tổ chức tiến hành cho trẻ chơi và hoạt
động ngoài trời, cô nên lưu ý:

Không nên triển khai cùng một lúc với tất cả những nội dung trên. Cô
nên lựa chọn, phối hợp các nội dung phù hợp với việc triển khai chủ đề trong
tuần và thích hợp với trẻ. Tuỳ theo tình huống, điều kiện cụ thể của trường,
lớp, mỗi ngày, cô nên lựa chọn và tổ chức cho trẻ thực hiện từ 2 đến 3 nội
dung.

Cô có thể cho trẻ tham gia khoảng 5-7 phút trò chơi vận động, trò chơi
dân gian mang tính tập thể mà trẻ thích, sau đó có thể cho trẻ cùng chơi nhặt
lá, làm đồ chơi bằng vật liệu thiên nhiên, chăm sóc cây cối, con vật yêu thích
ở góc thiên nhiên. Trẻ có thể đem một số đồ chơi mà trẻ thích ở trong lớp ra
để chơi như: búp bê, các khối gỗ, ô tô… hoặc có thể cho trẻ chơi theo ý thích
với đồ chơi thiết bị ngoài trời, chơi với cát, nước… ngồi dưới bóng râm nghe
kể chuyện, cùng hát với nhau bài hát nào đó… hoặc đi dạo, tham quan xung
quanh trường.

Khi tổ chức thực hiện những nội dung trên, cô giáo cần tổ chức phối
hợp hợp lí nội dung hoạt động có tính động (chạy, nhảy, leo, trèo) với những
nội dung mang tính chất tĩnh, như ngồi nghe kể chuyện, hát, đọc thơ xem
tranh truyện; làm đồ chơi bằng vật liệu thiên nhiên. Cô không nên tổ chức quá
nhiều hoạt động, hoặc cho trẻ tham gia vào một hoạt động nào đó quá lâu
khiến trẻ nhàm chán và làm trẻ mệt.

* Một số lưu ý khi tiến hành

- Trước khi đi ra ngoài trời, cô quan tâm nhắc nhở trẻ tự phục vụ: mặc
quần áo, đi giày dép phù hợp với thời tiết và chỉ hướng dẫn, giúp trẻ khi cần
thiết. Cô chú ý tới thể trạng của trẻ để gợi ý, khuyến khích trẻ tham gia vào
những nội dung phù hợp.

- Cô nên giới thiệu và nói rõ khu vực chơi của lớp. Tập cho trẻ làm
quen với hiệu lệnh, khi cần tập trung trẻ lại một chỗ hoặc chuẩn bị vào lớp.

- Trong quá trình chơi, cô luôn quan sát, bao quát trẻ với tất cả nhóm
chơi trong sân trường, nhắc nhở trẻ không được chơi quá khu vực quy định
của lớp…

- Khi trẻ chơi với vật liệu thiên nhiên, giáo viên cần chú ý bao quát,
nhắc nhở trẻ không nên dụi tay bẩn lên mặt, mắt, nghịch bẩn quần áo của
mình và của bạn. Khi cho trẻ chơi với cát, nước đặc biệt với những thiết bị
ngoài trời, cô cần chú ý quan sát giải quyết những xung đột của trẻ và xử lí
nhanh nhạy, kịp thời với những tình huống xảy ra trong quá trình chơi, đảm
bảo an toàn cho trẻ.

- Những hôm cho trẻ đi ra xa ngoài khu vực sân trường (đi chơi, tham
quan vườn hoa, công viên, cửa hàng mua bán, lăng Bác…), cô nên chuẩn bị
chu đáo, lên kế hoạch cụ thể và liên hệ từ trước.

- Những hôm thời tiết mưa, quá lạnh không thể tổ chức cho trẻ chơi và
tham gia vào các hoạt động ở ngoài trời, cô có thể cho trẻ chơi trò chơi vận
động trong lớp và chơi trò chơi học tập, quan sát hiện tượng thay đổi của thời
tiết. Cô có thể tổ chức cho trẻ tham gia vào các hoạt động: đọc sách, kể
chuyện, xem truyện tranh, làm sách truyện tranh… ở hiên của lớp hoặc chơi
theo ý thích ở các khu vực hoạt động trong lớp. Cô nên lưu ý nhắc nhở,
hướng dẫn trẻ biết cách tự mặc thêm áo hoặc cởi bớt khi thời tiết thay đổi.

- Đối với trẻ sức khoẻ yếu, cô nên quan tâm khuyến khích trẻ tham gia
vào các hoạt động, trò chơi phù hợp với sức khoẻ và khả năng của trẻ.

- Kết thúc hoạt động, cô nên tập trung trẻ lại hướng dẫn trẻ vào lớp tự
cất giày dép đúng nơi quy định, tự rửa tay, lau mặt nghỉ ngơi một vài phút và
chuẩn bị cho hoạt động tiếp theo.

- Với những hôm thời tiết nắng nóng, cô có thể tiến hành thời điểm này
trước thời điểm chơi và hoạt động ở các góc.

5. Vệ sinh, ăn trưa

Giờ ăn tiến hành trong khoảng 60 phút. Cô cần sắp xếp công việc một
cách hợp lí từ khâu chuẩn bị ăn cho đến khâu vệ sinh sau khi ăn, nhất là
trong trường hợp chỉ có một giáo viên đứng lớp.

Hướng dẫn và tạo cho trẻ thói quen vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn.
Trường hợp lớp có hai cô thì phân công một cô giám sát trẻ lau mặt, rửa tay
sạch sẽ trước khi ăn và cô còn lại kết hợp với một số trẻ trực nhật bữa ăn.
Trường hợp lớp có một cô thì cô vừa làm vừa bao quát chung cả lớp, nên
phân công một trẻ trong lớp giám sát các trẻ khác rửa tay, lau mặt và phân
công một số trẻ cùng cô trực nhật bữa ăn.

Sau khi trẻ ăn xong, cho trẻ cùng cô dọn dẹp chỗ ngồi ăn và nhắc nhở
trẻ vệ sinh sạch sẽ, không cho trẻ chạy, nhảy nhiều sau khi ăn. Trong thời
gian chờ đợi, cô cho trẻ nghỉ ngơi hoặc bố trí một số góc chơi thích hợp, nhẹ
nhàng để chuẩn bị cho giờ ngủ tiếp theo.

6. Ngủ trưa
Thời gian dành cho ngủ trưa là 150 phút. Cô nên bố trí thời gian thích
hợp cho các bước chuẩn bị nơi ngủ, thời gian trẻ đi vệ sinh trước khi ngủ và
đảm bảo thời gian cho trẻ ngủ đầy giấc. Nếu thời gian đầu có trẻ chưa quen
với giấc ngủ trưa, cô không ép trẻ ngủ ngay như các trẻ khác mà dần dần cho
trẻ làm quen, có thể cho trẻ ngủ muộn hơn các cháu khác hoặc nằm im tại
chỗ, không nhất thiết phải vào giấc ngủ ngay.

7. Ăn phụ

Sau khi trẻ ngủ dậy, cô nhắc nhở trẻ tự đi vệ sinh và lau mặt, rửa tay
sạch sẽ trước khi ăn phụ. Thời gian dành cho bữa ăn phụ là từ 40-50 phút.

8. Chơi và hoạt động theo ý thích buổi chiều

Thời gian tiến hành hoạt động này trong khoảng lừ 50 - 60 phút, sau
bữa ăn phụ buổi chiều. Lúc này, chủ yếu cô tổ chức cho trẻ tham gia vào các
trò chơi, hoạt động theo ý thích trong các khu vực hoạt động. Tuỳ thuộc nội
dung trong kế hoạch tuần, cô có thể tổ chức cho trẻ tham gia vào trò chơi vận
động, trò chơi đóng vai, chơi ở các góc mà trẻ thích hoặc tham gia vào trò
chơi học tập, trò chơi đóng kịch. Cô cũng có thể tổ chức cho trẻ nghe đọc
truyện, kể chuyện, đọc thơ hoặc cùng trò chuyện với nhau về một sự kiện nào
đó, biểu diễn những bài hát, múa đã biết, xem các chương trình dành cho
thiếu nhi trên vô tuyến hay chơi các trò chơi bằng máy vi tính… Với trò chơi
vận động, không nên chơi kéo dài quá 15 phút.

Nội dung chơi và hoạt động của trẻ thường gắn với chủ đề. Tuy nhiên,
cô có thể gợi mở để trẻ tự lựa chọn nhóm chơi, nội dung hoạt động theo ý
thích và phù hợp với trẻ. Trong thời gian này, cô gợi ý cho trẻ chọn nội dung
hoạt động theo ý thích trên cơ sở phối hợp hợp lí giữa hoạt động có tính chất
tĩnh với hoạt động có tính chất động. Không nên cho trẻ tham gia quá nhiều
nội dung cùng một lúc hay thời gian quá lâu với một hoạt động nào đó làm trẻ
mệt.

9. Trẻ chuẩn bị ra về và trả trẻ


Trong thời gian này, trước khi chuẩn bị ra về cô có thể cùng trò chuyện
với trẻ, khuyến khích trẻ tự nhận xét, nêu các gương tốt trong ngày, tạo cho
trẻ tâm trạng vui vẻ, hào hứng để có những ấn tượng tốt với lớp, với cô, với
bạn và ngày hôm sau trẻ lại thích đến trường. Hoạt động này tiến hành không
nên quá 10 phút.

Trước khi ra về, cô hướng dẫn cho trẻ tự vệ sinh cá nhân: rửa tay, lau
mặt, chải đầu tóc, sửa sang quần áo gọn gàng, sạch sẽ. Trong thời gian chờ
đợi bố mẹ đến đón, cô có thể cho trẻ chơi tự do với một số đồ chơi nhẹ
nhàng, dễ cất hay xem những truyện tranh mà trẻ thích… hoặc bao quát và
cho trẻ chơi với đồ chơi, thiết bị ngoài trời. Không nên để trẻ ngồi một chỗ
chờ bố mẹ đến đón.

Khi bố mẹ đến đón, cô hướng dẫn trẻ tự cất đồ chơi đúng nơi quy định,
chào bố mẹ, chào cô giáo, chào các bạn trước khi ra về. Cô nên trao đổi với
cha mẹ, gia đình một số thông tin cần thiết trong ngày về cá nhân của trẻ
cũng như một số hoạt động của lớp cần có sự phối hợp với gia đình. Cô cần
chú ý kiểm tra điện, nước, đóng cửa cẩn thận trước khi ra về.

PHẦN HAI. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NUÔI DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC
SỨC KHOẺ

A - TỔ CHỨC ĂN, NGỦ


I - TỔ CHỨC ĂN

1. Số lượng và chất lượng bữa ăn

a) Nhu cầu năng lượng

Nhu cầu năng lượng một ngày của trẻ ở độ tuổi này trung bình từ 1400
- 1600 Kcal, chia làm 4-5 bữa. Trong thời gian ở trường mầm non, trẻ cần
được ăn tối thiểu một bữa chính và một bữa phụ. Nhu cầu về năng lượng
chiếm 50 - 60% nhu cầu năng lượng cả ngày, khoảng 700 - 960 Kcal/ trẻ/
ngày.

Trong đó: bữa chính: 500 - 700 Kcal/ trẻ, bữa phụ: 200 - 260 Kcal/ trẻ.
b) Tỷ lệ giữa các chất sinh năng lượng

- Đối với trẻ bình thường:

+ Chất đạm (Protit) cung cấp khoảng 12 - 15 % năng lượng khẩu phần.

+ Chất béo (Lipit) cung cấp khoảng 15 - 25 % năng lượng khẩu phần.

+ Chất bột (Gluxit) cung cấp khoảng 60 -73 do năng lượng khẩu phần.

Ví dụ:

+ Chất đạm (Protit) cung cấp 13 % năng lượng khẩu phần.

+ Chất béo (Lipit) cung cấp 25 % năng lượng khẩu phần.

+ Chất bột (Gluxit) cung cấp 62 % năng lượng khẩu phần.

Tỉ lệ giữa các chất sinh năng lượng nên đảm bảo 100% và trong phạm
vi của từng chất.

- Đối với trẻ béo phì, năng lượng do chất béo và chất bột đường cung
cấp nên duy trì ở mức tối thiểu (tức là chất béo cung cấp 15% và chất bột
đường cung cấp 60% năng lượng khẩu phần), đồng thời tăng cường cho trẻ
ăn nhiều các loại rau, củ, quả và tích cực vận động.

c) Lượng thực phẩm

Mỗi bữa chính trẻ ăn 300 - 400g kể cả cơm và thức ăn (khoảng 2 bát)
với đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, béo, đường,
muối khoáng và sinh tố. Các chất dinh dưỡng này có nhiều trong gạo, đậu,
đỗ, thịt, cá, trứng, tôm, rau, đậu, lạc, vừng, dầu mỡ, các loại rau, củ, quả… và
những loại thực phẩm khác, sẵn có tại địa phương.

- Lượng thực phẩm cần cho một trẻ hằng ngày ở trường (một bữa
chính và một bữa phụ).

Thực phẩm bữa Một suất cơm Thực chẩm bữa Một suất
chính Gam (g) phụ Gam (g)
Gạo 80 - 1 00 Gao, mì sợi 40 - 60
Thịt cá trứng 25 - 40 Thịt hoặc cá 15-20
Đậu lạc 10 - 20 Hoặc đậu hạt 20-30
(khô). 20-30
Đường mật
Dầu, mỡ nước 10 -15 Hoặc quả chín 100-150
Rau, củ, quả 35 - 60 Sữa đậu nành 100 -150
2. Nước uống

- Hằng ngày, trẻ cần được uống nước đầy đủ, nhất là về mùa hè.
Lượng nước cần đưa vào cơ thể trẻ (dưới dạng nước uống, thức ăn, hoa
quả) từ 1,6 - 2 lít nước một ngày.

- Nước uống cần đun sôi kĩ và đựng trong bình hay ấm có nắp đậy kín.
Mỗi trẻ có một cốc riêng. Mùa đông cần ủ nước uống cho ấm. Mùa hè nếu có
điều kiện nên cho trẻ uống nước nấu bằng các loại lá như sài đất, râu ngô,
bông mã đề, kim ngân hoa… hoặc nước quả (dâu, chanh, cam).

- Giáo viên cho trẻ uống theo nhu cầu và chia làm nhiều lần trong ngày,
hướng dẫn trẻ tự lấy cốc uống nước, uống xong úp cốc đúng nơi quy định.
Không để trẻ quá khát mới uống hoặc uống một lần quá nhiều. Không nên
cho trẻ uống nhiều nước trước bữa ăn.

3. Chăm sóc bữa ăn

a) Trước khi ăn

- Hướng dẫn trẻ rửa sạch tay, đeo yếm trước khi ăn (nếu có).

- Hướng dẫn trẻ sắp xếp bàn ghế, cho 4-6 trẻ ngồi một bàn, có lối đi
quanh bàn dễ dàng.

- Chuẩn bị khăn mặt, bát thìa, cốc uống nước đầy đủ cho số lượng trẻ.

- Trước khi chia thức ăn, cô cần rửa tay sạch, quần áo và đầu tóc gọn
gàng. Cô chia thức ăn và cơm ra từng bát, trộn đều, không để trẻ chờ ăn lâu.

b) Trong khi ăn
- Giáo viên cần vui vẻ, nói năng dịu dàng, tạo không khí thoải mái cho
trẻ trong khi ăn. Động viên, khuyến khích trẻ ăn hết suất, kết hợp giáo dục
dinh dưỡng, hành vi vệ sinh văn minh trong ăn uống: dạy cho trẻ biết mời cô
và các bạn trước khi bắt đầu ăn; ngồi ăn ngay ngắn, không co chân lên ghế,
cầm thìa bằng tay phải và tự xúc ăn một cách gọn gàng, tránh đổ vãi; ăn từ
tốn, nhai kĩ, không nói chuyện và đùa nghịch trong khi ăn…

- Giáo viên cần chăm sóc, quan tâm hơn với những trẻ mới đến lớp, trẻ
yếu hoặc mới ốm dậy. Nếu thấy trẻ ăn kém, cô cần tìm hiểu nguyên nhân để
báo cho nhà bếp hoặc y tế hay bà mẹ biết để chủ động chăm sóc trẻ tốt hơn.
Đối với trẻ xúc chưa thạo, ăn chậm hoặc biếng ăn, cô có thể giúp trẻ xúc và
động viên trẻ ăn khẩn trương hơn. Có biện pháp phòng tránh hóc, sặc trong
khi trẻ ăn.

c) Sau khi ăn

Hướng dẫn trẻ xếp bát, thìa, ghế vào nơi quy định, uống nước, lau
miệng, lau tay sau khi ăn, đi vệ sinh (nếu trẻ có nhu cầu).

II - CHĂM SÓC GIẤC NGỦ

1. Chuẩn bị trước khi trẻ ngủ

- Trước khi trẻ ngủ, cô nhắc nhở đi vệ sinh trước khi ngủ. Hướng dẫn
trẻ tự lấy gối, chăn…

- Bố trí chỗ ngủ cho trẻ sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng mát về mùa hè, ấm áp
về mùa đông. Phòng ngủ nên giảm ánh sáng bằng cách đóng bớt một số cửa
sổ hoặc tắt bớt đèn.

- Khi đã ổn định chỗ ngủ, cô có thể hát hoặc cho trẻ nghe những bài hát
ru, dân ca êm dịu để trẻ dễ đi vào giấc ngủ. Với những cháu khó ngủ, cô gần
gũi, vỗ về trẻ giúp trẻ yên tâm, dễ ngủ hơn.

2. Theo dõi trẻ ngủ


- Trong thời gian trẻ ngủ cô phải thường xuyên có mặt để theo dõi lúc
trẻ ngủ, không để trẻ úp mặt vào gối hoặc trùm chăn kín, sửa lại tư thế để trẻ
ngủ thoải mái (nếu thấy cần thiết).

- Khi trẻ ngủ: về mùa hè, nếu dùng quạt điện chú ý vặn tốc độ vừa phải
và để xa, từ phía chân trẻ; nếu dùng điều hoà nhiệt độ không nên để nhiệt độ
lạnh quá. Mùa đông chú ý đắp chăn ấm cho trẻ, không nên để trẻ mặc quá
nhiều quần áo. Cho phép trẻ đi vệ sinh nếu trẻ có nhu cầu.

- Quan sát, phát hiện kịp thời và xử lí các tình huống có thể xảy ra trong
khi ngủ.

3. Chăm sóc sau khi trẻ thức dậy

- Không nên đánh thức trẻ dậy đồng loạt, trẻ nào thức giấc trước cô
cho dậy trước, tránh đánh thức cùng một lúc ảnh hưởng đến trẻ khác và sinh
hoạt của lớp. Không nên đánh thức trẻ dậy sớm trước khi trẻ tự thức giấc vì
dễ làm cho trẻ cáu kỉnh, mệt mỏi.

- Sau khi trẻ dậy hết, cô hướng dẫn trẻ tự làm các công việc vừa sức
với trẻ như: cất gối, chiếu. Có thể chuyển dần từ trạng thái ngủ sang hoạt
động khác bằng cách cho trẻ hát một bài hát hoặc âu yếm nói chuyện với trẻ,
hỏi trẻ mơ thấy gì. Cô bật đèn, mở cửa sổ từ từ. Cô nhắc nhở trẻ đi vệ sinh,
sau khi trẻ tỉnh táo cho trẻ ăn quà chiều.

B - VỆ SINH
I - VỆ SINH CÁ NHÂN

1. Vệ sinh cá nhân trẻ

a) Chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng vệ sinh cá nhân

* Khi trẻ rửa tay, rửa mặt

- Chuẩn bị đủ dụng cụ cho trẻ rửa tay: Thùng có vòi hoặc vòi nước vừa
tầm tay trẻ (nếu đựng nước vào xô hay chậu thì phải có gáo giội). Xà phòng
rửa tay. Khăn khô, sạch để lau tay. Xô hay chậu để hứng nước bẩn (nếu cần).
- Chuẩn bị đầy đủ khăn mặt đảm bảo vệ sinh (một khăn mặt/ trẻ).
Chuẩn bị đủ bô, xô, chậu.

- Chuẩn bị đầy đủ quần áo dự trữ để thay cho trẻ khi cần thiết, nhất là
về mùa đông.

* Khi trẻ đi vệ sinh

- Chuẩn bị giấy vệ sinh cho trẻ dùng, giấy vệ sinh đảm bảo mềm, sạch
sẽ phù hợp với trẻ.

- Lau, rửa cho trẻ sạch sẽ sau khi đi vệ sinh. Chuẩn bị đủ nước cho trẻ
giội sau khi đi vệ sinh.

- Đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch sẽ, không hôi khai, không ứ đọng
nước bẩn sau khi trẻ đi tiểu tiện cũng như đại tiện.

b) Giám sát và hướng dẫn trẻ thực hiện vệ sinh cá nhân

* Vệ sinh da

- Vệ sinh mặt mũi

Hướng dẫn và giám sát trẻ tự lau mặt sạch sẽ tại các thời điểm trước
và sau khi ăn, khi mặt bị bẩn. Khi dạy trẻ lau mặt cần hướng dẫn trẻ chuyển
dịch khăn sao cho da mặt của trẻ luôn luôn được tiếp xúc với phần khăn
sạch. Mùa rét phải chuẩn bị khăn ấm cho trẻ lau.

- Vệ sinh bàn tay

+ Thường xuyên giám sát và hướng dẫn trẻ cho trẻ tự rửa tay và tự lau
tay khô theo đúng trình tự, đảm bảo vệ sinh, không cắt xén các thao tác.

+ Cô cần chú ý sắp xếp đồ dùng vệ sinh vừa tầm với của trẻ, thuận tiện
cho trẻ khi sử dụng, không để trẻ phải chờ đợi lâu và tránh được tình trạng trẻ
bỏ qua các thao tác. Chỗ đứng cho trẻ rửa tay phải có một không gian nhất
định, đủ ánh sáng và không ẩm ướt.
+ Trường hợp trẻ mới chuyển lớp, trẻ mới vào lớp, cô hướng dẫn tỉ mỉ
từng thao tác rửa tay cho trẻ và cho trẻ làm quen dần với việc tự phục vụ
dưới sự giúp đỡ của cô.

* Vệ sinh răng miệng

- Cô thường xuyên nhắc nhở trẻ uống nước và súc miệng sau khi ăn.

- Hướng dẫn trẻ cách chải răng và kết hợp với gia đình để dạy trẻ tập
đánh răng ở nhà. Tuyên truyền cho phụ huynh không nên cho trẻ ăn quà vặt
nhất là kẹo, bánh ngọt.

- Khám răng định kì để phát hiện sớm răng sâu và chữa trị kịp thời. Tập
cho trẻ có thói quen ngậm miệng khi ngủ, thở bằng mũi để miệng và răng
không bị khô, răng khó sâu.

* Vệ sinh quần áo, giày dép

- Không để trẻ mặc quần áo ẩm ướt. Khi trẻ bị nôn, đại tiểu, tiện ra
quần áo hoặc khi mồ hôi ra nhiều, cô cần thay ngay cho trẻ. Cởi bớt quần áo
cho trẻ khi trời nóng hoặc mặc thêm khi trời lạnh.

- Để chống nhiễm lạnh đôi chân của trẻ, ngoài đôi dép hay giày trẻ đi
đến lớp, cần có thêm một đôi dép sạch cho trẻ đi trong lớp.

- Cô nhắc cha mẹ của trẻ đưa đủ tất, quần áo dự trữ để thay cho trẻ khi
cần thiết. Nên cho trẻ mặc quần áo bằng những loại vải mềm, thấm mồ hôi.
Nên dùng loại giày dép hơi rộng hơn so với chân trẻ một chút, dép mềm,
mỏng, nhẹ, dễ cởi, có quai sau cho trẻ dễ đi.

* Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh

Hướng dẫn trẻ đi vệ sinh đúng nơi quy định. Dạy trẻ cách giữ vệ sinh
cho bản thân, giữ gìn nhà vệ sinh sạch sẽ. Nhắc trẻ rửa tay sau khi đi vệ sinh.

2. Vệ sinh cá nhân cô

Cô giáo phải là tấm gương về giữ vệ sinh và chăm sóc bảo vệ sức
khoẻ cho bản thân và những người xung quanh để trẻ học tập và làm theo,
không làm lây lan bệnh tật sang trẻ và cộng đồng.
a) Vệ sinh thân thể

- Giữ gìn da sạch sẽ, nhất là hai bàn tay. Khi chăm sóc trẻ, hai bàn tay
cô phải luôn sạch sẽ. Cô phải rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi
cho trẻ ăn hoặc tiếp xúc với thức ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi làm vệ sinh
cho trẻ, sau khi quét rác hoặc lau nhà.

- Đầu tóc luôn gọn gàng, sạch sẽ. Không để móng tay dài khi chăm sóc
trẻ.

- Luôn giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ.

- Đeo khẩu trang khi chia cơm cho trẻ, khi ho, sổ mũi, viêm họng.

b) Vệ sinh quần áo, đồ dùng cá nhân

- Quần áo phải luôn gọn gàng, sạch sẽ. Nếu có quần áo công tác phải
thường xuyên mặc trong quá trình chăm sóc trẻ. Không mặc trang phục công
tác về gia đình hoặc ra ngoài trường.

- Đồ dùng cá nhân của trẻ và cô phải riêng biệt, không sử dụng đồ dùng
cá nhân của trẻ.

c) Khám sức khoẻ định kì

Nhà trường cần khám sức khoẻ định kì và tiêm phòng dịch đầy đủ cho
các giáo viên, cán bộ nhân viên. Nếu cô mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nhiễm
trùng cấp tính thì không được trực tiếp chăm sóc trẻ.

II - VỆ SINH MÔI TRƯỜNG

1. Vệ sinh đồ dùng, đồ chơi

a) Vệ sinh đồ dùng

- Bát, thìa, ca cốc phục vụ ăn uống cho trẻ cần có đủ theo quy định của
ngành: Mỗi trẻ có ca, cốc, bát thìa, khăn mặt riêng và có đánh dấu để trẻ dễ
nhận ra. Bình, thùng đựng nước uống cho trẻ phải có nắp đậy, cần được vệ
sinh hằng ngày, để nơi sạch sẽ tránh bụi, côn trùng. Tuyệt đối không cho trẻ
thò tay hoặc uống trực tiếp vào bình đựng nước. Nước không uống hết sau
một ngày phải đổ đi.

- Bát, thìa, ca, cốc uống nước của trẻ phải được rửa sạch hằng ngày,
phơi nắng, tráng nước sôi trước khi ăn.

- Không nên dùng các loại bát, thìa, cốc bằng nhựa tái sinh hoặc sứt
mẻ cho trẻ ăn, uống.

- Hằng ngày giặt khăn rửa mặt của trẻ bằng xà phòng và nước sạch,
sau đó phơi nắng hoặc sấy khô. Hằng tuần hấp khăn hoặc luộc khăn một lần.

- Bàn ghế, đồ trang trí thường xuyên lau bằng khăn ẩm để tránh bụi.

- Đồ dùng vệ sinh (xô, chậu…) dùng xong đánh rửa sạch sẽ, úp nơi khô
ráo, gọn gàng.

b) Vệ sinh đồ chơi

Đồ chơi của trẻ phải đảm bảo sạch sẽ, an toàn khi cho trẻ chơi. Hằng
tuần nên vệ sinh đồ chơi của trẻ ít nhất một lần.

2. Vệ sinh phòng nhóm

a) Thông gió

Hằng ngày, trước khi trẻ đến lớp, cô cần:

- Mở tất cả cửa sổ và cửa ra vào để phòng được thông thoáng.

- Nếu có phòng ngủ riêng thì khi trẻ ở phòng chơi, cô làm thông thoáng
phòng ngủ.

b) Vệ sinh nền nhà

- Mỗi ngày nên quét nhà và lau nhà ít nhất 3 lần (trước giờ đón trẻ, sau
2 bữa ăn sáng, chiều).

- Nếu có trẻ đái dầm khi ngủ, sau khi trẻ ngủ dậy cần làm vệ sinh nơi
ngủ để tránh mùi khai (trước tiên phải thấm ngay nước tiểu bằng khăn khô rồi
mới lau lại bằng khăn ẩm).
- Cô không được đi guốc dép bẩn vào phòng trẻ. Không được để gia
súc vào phòng trẻ.

Mỗi tuần cần tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ phòng trẻ: Lau các cửa sổ,
quét mạng nhện, lau bóng đèn, cọ rửa nền nhà, cọ giát gường, phơi chăn
chiếu. Cùng với các bộ phận khác làm vệ sinh ngoại cảnh (quét dọn sân
vườn, khơi thông cống rãnh, phát bụi rậm quanh nhà…).

c) Vệ sinh nơi đại tiện, tiểu tiện (nhà vệ sinh)

- Chỗ cho trẻ đi vệ sinh phải sạch sẽ, vì thế, sau khi trẻ đi vệ sinh xong,
cô phải kiểm tra để đảm bảo nhà vệ sinh luôn sạch. Luôn kiểm tra để tránh
trơn trượt khi trẻ đi vệ sinh.

- Hằng ngày tổng vệ sinh toàn bộ khu vệ sinh trước khi ra về.

- Hằng tuần tổng vệ toàn bộ khu vệ sinh và khu vực xung quanh.

3. Xử lí rác, nước thải

a) Xử lí rác

-Tập trung rác vào thùng đựng rác có nắp đậy, để ở xa phòng trẻ. Hằng
ngày phải đổ rác để tránh tình trạng ứ đọng rác. Cọ rửa thùng rác hằng ngày
sau khi đổ rác.

- Trường hợp có hố rác chung của trường, sau mỗi lần đổ rác lại lấp
phủ một lớp đất mỏng, khi đầy hố, lấp đất dày 15 - 20cm.

b) Xử lí nước thải

Thường xuyên khơi thông cống rãnh, tránh ứ đọng, nếu không sẽ tạo
điều kiện cho ruồi, muỗi sinh sản và phát triển. Hằng tuần tổng vệ sinh toàn
bộ hệ thống cống rãnh.

4. Giữ sạch nguồn nước

- Cung cấp đủ nước sạch: Đảm bảo có đủ nước sạch cho trẻ dùng: tối
thiểu trẻ học một buổi là 10 lít / trẻ/ buổi, còn trẻ bán trú là 50 - 60 lít/ trẻ/ ngày
bao gồm nước nấu ăn và sinh hoạt.
- Nguồn nước sạch: tốt nhất là nước máy. Trường hợp lấy từ nguồn
nước giếng (giếng khoan, giếng đào…), nước mưa, nước suối… thì phải xử lí
hoặc lắng lọc bằng các phương pháp lắng, lọc đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh
cho phép.

- Đánh giá nguồn nước: Nước phải không màu, không mùi, không vị lạ.
Nếu nguồn nước có nghi ngờ nên đề nghị cơ quan y tế kiểm tra.

- Đảm bảo vệ sinh dụng cụ chứa nước:

+ Dụng cụ chứa nước phải đảm bảo sạch, có nắp đậy, dễ cọ rửa,
không gây độc khi chứa nước thường xuyên. Nên có vòi để lấy nước.

+ Có kế hoạch thau rửa dụng cụ chứa nước, tránh để nước lưu quá lâu
ngày (tuỳ theo chất lượng nước và loại dụng cụ chứa nước mà có thể định kì
1 tháng/ 1 lần hoặc tối thiểu là 3 tháng/ 1 lần).

C - THEO DÕI SỨC KHOẺ VÀ PHÒNG BỆNH


I - KHÁM SỨC KHOẺ ĐỊNH KÌ

Mục đích khám sức khoẻ định kì là để phát hiện sớm tình trạng sức
khoẻ và bệnh tật để chữa trị kịp thời.

- Hằng năm, nhà trường cần liên hệ chặt chẽ với y tế địa phương (trạm
y tế phường, xã) để có kế hoạch khám sức khoẻ định kì cho trẻ mỗi năm hai
lần (đầu năm học và cuối năm học).

- Giáo viên có nhiệm vụ phối hợp với nhà trường tổ chức khám định kì
cho trẻ. Lưu kết quả khám và thông báo cho gia đình kết quả kiểm tra sức
khoẻ của trẻ.

II - THEO DÕI THỂ LỰC VÀ TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG

1. Chỉ số thể lực dùng để theo dõi trẻ

- Cân nặng (kg) theo tháng tuổi.

- Chiều cao đứng (cm) theo tháng tuổi.


- Cân nặng theo chiều cao đứng.

2. Yêu cầu

Tiến hành cân trẻ 3 tháng một lần và đo trẻ 6 tháng một lần.

- Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ thừa cân - béo phì nên cân và theo
dõi hằng tháng. Nếu trẻ vừa trải qua một đợt ốm, sức khoẻ giảm sút cần
được kiểm tra cân nặng để đánh giá sự hồi phục sức khoẻ của trẻ.

- Có thể cân trẻ bằng bất kì loại cân nào nhà trường có nhưng phải
thống nhất dùng một loại cân cho các lần cân.

- Đo chiều cao đứng của trẻ bằng thước đo chiều cao (hoặc có thể
dùng thước dây đóng vào tường). Khi đo chú ý để trẻ đứng thẳng và 3 điểm
đầu, mông, gót chân trên một đường thẳng. Chiều cao của trẻ được tính từ
điểm tiếp xúc gót chân với mặt sàn đến đỉnh đầu (điểm cao nhất của đầu trẻ).

- Quy định một số ngày thống nhất cho các lần cân, đo.

- Sau mỗi lần cân, đo cần chấm ngay lên biểu đồ để tránh quên và
nhầm lẫn, sau đó đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho từng trẻ và thông báo
cho gia đình.

- Mùa đông tiến hành cân, đo trong phòng, tránh gió lùa bỏ bớt quần áo
để cân, đo chính xác.

3. Cách đánh giá kết quả thể lực và tình trạng dinh dưỡng

a) Cân nặng theo tháng tuổi (được theo dõi bằng biểu đồ tăng
trưởng)

- Sau mỗi lần cân, chấm lên biểu đồ một điểm tương ứng với số cân và
số tháng tuổi của trẻ, nối các điểm chấm đó với nhau, ta sẽ được đường biểu
diễn về sự phát triển của trẻ.

* Ý nghĩa của đường biểu diễn về sự phát triển của trẻ

Khi đường biểu diễn

- Nằm ở kênh A
+ Có hướng đi lên là phát triển bình thường
+ Nằm ngang là đe doạ Cần tìm nguyên nhân và phối

+ Đi xuống là nguy hiểm hợp với gia đình để có biện


pháp can thiệp sớm, kịp thời
chăm sóc, phòng chống suy
dinh dưỡng
- Nằm ở kênh B (SDD độ I): suy dinh dưỡng Cần phối hợp với gia đình
vừa chặt chẽ và có biện pháp

- Nằm ở kênh C (SDD độ II): suy dinh dưỡng chăm sóc đặc biệt để nâng
nặng cao thể lực sức khoẻ của trẻ

- Nếu nằm ở kênh D (SDD độ III): suy dinh


dưỡng rất nặng
- Khi cân nặng của trẻ nằm trên kênh A và tốc độ tăng cân hằng tháng
nhanh cần theo lõi và có chế độ ăn uống hợp lí kết hợp với vận động phù hợp
để tránh thừa cân - béo phì.

b) Chiều cao theo tháng tuổi (được theo dõi bằng biểu đồ chiều cao
hoặc đánh giá theo bảng chiều cao)

- Chiều cao nằm trong khoảng trung bình trở lên là phát triển bình
thường. Chiều cao phản ánh trung thành tình trạng dinh dưỡng trong cả quá
trình phát triển của trẻ, chiều cao dù có tăng chậm nhưng không bao giờ
đứng hoặc giảm đi như cân nặng.

- Chiều cao nằm trong khoảng trung bình trở xuống phản ánh sự thiếu
dinh dưỡng rong một thời gian dài hay tình trạng suy dinh dưỡng trường diễn
(thể thấp còi).

Bảng: Chiều cao đứng theo tháng tuổi

Chiều cao trung bình (cm)


Tháng tuổi
Trẻ trai Trẻ gái
37 87,9 - 103,3 87,1 - 102,2
38 88,6 - 104,1 87,7 - 102,9
39 89,2 - 104,5 88,4 - 103,6
40 89,8 - 105,7 89,0 - 104,2
41 90,4 - 106,4 89,6 -105,0
42 91,0 - 107,2 90,2 - 105,7
43 91,6 - 107,5 90,7 - 106,4
44 92,1 -108,7 91,3 - 107,1
45 92,7 -109,4 91,9 - 107,7
46 93,3 - 110,1 92,4 - 108,4
47 93,9 - 110,8 93,0 - 109,0
48 94,4 - 111,5 93,5 - 109,6
c) Cân nặng theo chiều cao đứng (tra theo bảng)

- Ứng với một chiều cao nhất định sẽ có một cân nặng tương ứng. Chỉ
số này phản ánh tự phát triển cân đối của cơ thể.

- Nếu cân nặng tương ứng với chiều cao thấp hơn bình thường phản
ánh tình trạng thiếu dinh dưỡng. Nếu cân nặng tương ứng với chiều cao cao
hơn bình thường cần theo dõi thừa cân - béo phì.

Bảng: Cân nặng theo chiều cao đứng

Chiều cao Cân nặng nên có (kg) Chiều cao Cân nặng nên có (kg)
(cm) Trẻ trai Trẻ gái (cm) Trẻ trai Trẻ gái
86 10,1 - 15,2 9,8 - 14,8 101 13,2 - 19,2 12,9 - 19,1
87 10,2 -15,4 10,0 - 15,0 102 13,4 - 19,5 13,1 - 19,4
88 10,4 -15,6 10,2 - 15,3 103 13,6 -19,8 13,3 - 19,7
89 10,6 -15,9 10,4 - 15,6 104 13,9 - 20,2 13,6 - 20,0
90 10,8 -16,1 10,5 - 15,8 105 14,1 - 20,5 13,8 - 20,3
91 11,0 - 16,4 10,7 - 16,1 106 14,4 - 20,8 14,0 - 20,6
92 11,2 -16,6 11,0 - 16,4 107 14,7 - 21,1 14,3 - 21,0
93 11,4 -16,9 11,2 - 16,7 108 14,9 - 21,5 14,5 - 21,3
94 11,6 -17,2 11,4 - 17,1 109 15,2 - 21,8 14,8 - 21,7
95 11,9 - 17,5 11,6 - 17,3 110 15,5 - 22,2 15,0 - 22,0
96 12,1 - 17,8 11,8 - 17,6 111 15,8 - 22,6 15,3 - 22,4
97 12,3 - 18,1 12,0 - 17,9 112 16,1 - 23,0 15,6 - 22,8
98 12,5 - 18,4 12,3 - 18,2 113 16,4 -23,4 15,9 - 23,3
99 12,7 - 18,7 12,5 - 18,5 114 16,7 - 23,9 16,2 - 23,7
100 12,9 - 19,0 12,7 - 18,8 115 17,0 - 24,3 16,5 - 24,2

III - TIÊM CHỦNG VÀ PHÒNG DỊCH

1. Tiêm chủng

- Giáo viên nhắc nhở và tuyên truyền cho phụ huynh tiêm phòng đầy đủ
cho trẻ theo hướng dẫn của y tế địa phương.

- Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khoẻ của trẻ sau tiêm chủng:

+ Giữ vết tiêm chủng sạch sẽ, không để trẻ sờ mó hoặc gãi vào đó.

+ Ngày tiêm chủng cần cho trẻ hoạt động ít.

+ Lấy nhiệt độ cho trẻ cho trẻ hằng ngày, nếu trẻ sốt cho trẻ ăn nhẹ,
nghỉ ngơi.

+ Nếu trẻ đau vết tiêm chủng, chườm nóng chỗ tiêm bằng gạc sạch.

- Báo cho y tế địa phương những trường hợp bất thường để có biện
pháp xử lí kịp thời.

Lịch tiêm chủng

Tuổi Loại vắc xin Số lần Địa bàn triển


khai
Viêm não Nhật Tiêm 3 mũi: Vùng có nguy cơ
Bản - Tiêm mũi 2 cách mũi 1
1 - 5 tuổi sau 2 tuần.

- Tiêm mũi 3 cách mũi 2


sau một năm
2 - 5 tuổi Tả (uống trước - Uống 2 lần: lần 2 uống
mùa dịch hằng cách lần 1 sau 2 tuần
năm)
3 - 10 tuổi Thương hàn Tiêm 1 mũi
6 tuổi Sởi Tiêm mũi 2
(Nguồn: Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia)

Chú ý:

- Hằng năm, ngoài việc tổ chức tiêm chủng cho trẻ em theo lịch như
trên còn có những ngày tiêm chủng chiến dịch và có những đợt tiêm chủng
đột xuất tùy theo tình hình dịch bệnh ở các địa phương. Vì vậy, giáo viên và
nhà trường cần nắm được các thông tin này từ y tế địa phương để tuyên
truyền cho phụ huynh đưa con đi tiêm chủng đầy đủ.

2. Phòng dịch

- Nếu trong lớp có một số trẻ mắc cùng một bệnh, cô báo cho nhà
trường để mời y tế đến khám, tìm nguyên nhân, có biện pháp đề phòng dịch
bệnh lây lan.

- Trường hợp trong vùng đã xảy ra một dịch nào đó, nhà trường cần
phối hợp với y tế để phòng dịch cho trẻ.

3. Thời gian cách li một số bệnh truyền nhiễm

Khi trẻ mắc bệnh truyền nhiễm phải để trẻ ở nhà trong thời kì lây bệnh
và theo dõi những trẻ khoẻ để đề phòng dịch bệnh xảy ra.

Tên Thời gian cách li trẻ bị bệnh Theo dõi trẻ khoẻ
bệnh (ở nhà) (trong lớp)
Suốt thời gian trẻ mắc bệnh
Thuỷ đậu 11 - 21 ngày
(7 ngày kể từ khi mọc nốt mọng nước)
Bạch
Suốt thời gian trẻ mắc bệnh 7 ngày
hầu
Ho gà 30 ngày kể từ khi mắc bệnh 14 ngày
Quai bị 21 ngày 21 ngày
Viêm 30 ngày - Theo dõi 10 ngày
gan - Trong vòng 40 ngày
4. Tủ thuốc và cách sử dụng

Tủ thuốc và các thuốc thiết yếu giúp cho cô giáo có thể xử trí ban đầu
khi trẻ bị ốm, khi gặp một số tai nạn bất ngờ, hoặc trong việc phòng dịch bệnh
cho trẻ ngay tại trường. Vì vậy trường mầm non (các lớp ở điểm lẻ) cần được
trang bị tủ thuốc, có đầy đủ các loại thuốc và dụng cụ y tế thiết yếu.

a) Tủ thuốc

- Thuốc sát trùng ngoài da (cồn 70%, cồn tốt loãng 2,5%).

- Thuốc hạ nhiệt Paracetamol.

- ORESOL.

- Thuốc nhỏ mắt (Cloramphenicol 0,4%)

- Nhiệt kế, kéo, kẹp bông (pince), các loại nẹp, băng vải để cố định gãy
xương.

- Bông thấm nước, gạc sạch, băng cuộn, băng dính, dầu cao.

b) Bảo quản tủ thuốc

- Tủ thuốc phải đóng chắc chắn, có nhiều ngăn để đựng (lọ thuốc, bông
băng…), cửa bằng kính và có khoá. Tủ thuốc phải treo cao trên tầm với của
trẻ.

- Các loại thuốc viên đều phải để trong lọ riêng có nắp đậy kín chặt. Mỗi
lọ thuốc đều phải có nhãn dán ở ngoài và ghi rõ: Tên thuốc, cách dùng, liều
lượng, hạn dùng. Thường xuyên kiểm tra để vứt bỏ những thuốc đã hết hạn
dùng và bổ sung thuốc mới.

- Tủ thuốc phải được giữ sạch sẽ, không được để lẫn bất kì thứ gì khác
vào tủ thuốc.

Chú ý:

- Các cô giáo không được tự ý dùng thuốc kháng sinh cho trẻ và các
loại thuốc khác ngoài tủ thuốc khi không có sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
- Các thuốc sát trùng khác như crezin, cloramin để sát trùng các phòng
và nhà vệ sinh:

+ Không được để vào tủ thuốc và phải do cô phụ trách y tế (nếu có)


hoặc phân công một cô cất giữ ở một chỗ quy định riêng.

+ Không được để vào bất cứ chỗ nào trong phòng trẻ.

c) Cách sử dụng một số thuốc thông thường

- Cồn tốt 2,5%: dùng nguyên chất hoặc pha loãng với một ít cồn 90 o để
bôi ngoài da. Thường dùng để sát trùng vết thương nhỏ, rộng. Không dùng
cồn biến chất, vì da có thể bị ăn mòn. Bảo quản trong lọ đậy kín.

- Cloramphenicol 0,4%: chữa đau mắt đỏ, loét giác mạc; tra thuốc 3-6
lần/ngày.

- Paracetamol (viên nén 0,1; 0,2; 0,3; 0,5g).

Thuốc có tác dụng giảm đau, hạ nhiệt - chữa đau khớp mãn, nhức đầu,
đau mình mẩy, đau lưng, đau do chấn thương (bong gân, gãy xương), trị sốt
(không kể nguyên nhân) nhiễm khuẩn ở tai, mũi, họng, phế quản, sốt do tiêm
chủng, say nắng.

Trẻ em: ngày uống 2-3 lần sau khi ăn, mỗi lần tuỳ theo tuổi như sau:

+ Từ 6 – 12 tháng: 0,025 - 0,05 g (1/4 đến 1/2 viên loại 0,1g).

+ 13 tháng – 5 tuổi: 0,1 - 1,15g (1 đến 1,5 viên loại 0,1g).

Chú ý:

+ Chống chỉ định (không được dùng) trong bệnh gan và thận nặng.

+ Dùng liều cao kéo dài gây hại cho gan.

+ Tránh dùng thuốc 2 tuần liên tục.

- ORESOL: xem phần thực hành pha ORESOL.

IV - PHÒNG VÀ XỬ TRÍ BAN ĐẦU MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP

1. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp


Nhiễm khuẩn hô hấp cấp (NKHHC) là một nhóm bệnh rất đa dạng do vi
khuẩn hoặc vi rút gây bệnh trên toàn bộ hệ thống đường thở, bao gồm đường
hô hấp trên và dưới từ mũi, họng, thanh quản, khí phế quản đến nhu mô phổi.
Phổ biến nhất là viêm họng, viêm amidan, viêm phế quản và viêm phổi.

a) Cách nhận biết và biện pháp xử trí ban đầu

* Thể nhẹ: thường là NKHHC trên bao gồm các trường hợp viêm mũi,
viêm amidan, viêm xoang, viêm họng, viêm tai.

- Nhận biết

Trẻ thường có biểu hiện:

+ Sốt nhẹ dưới 38,5oC , kéo dài vài ngày đến 1 tuần.

+ Viêm họng, chảy nước mắt nước mũi, ho nhẹ.

+ Không có biểu hiện khó thở trẻ vẫn ăn chơi bình thường.

- Xử trí ban đầu

+ Báo cho gia đình và trao đổi cách chăm sóc trẻ cho cha mẹ trẻ.

+ Không cần dùng kháng sinh, chăm sóc tại nhà và điều trị triệu chứng
(để trẻ nằm nơi thoáng mát, giữ không bị lạnh và gió lùa, mặc quần áo rộng
rãi để trẻ dễ thở).

+ Ăn đủ chất. Uống đủ nước (nước sôi để nguội hoặc nước quả).


Thông thoáng mũi họng cho trẻ dễ thở (lau chùi mũi, nhỏ argyrol vào mũi
ngày 2-3 lần). Giảm ho bằng mật ong, bổ phế hoặc thuốc nam.

* Thể vừa và nặng: hay gặp khi trẻ bị NKHHC dưới như viêm thanh
quản, khí quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi và màng phổi.

- Nhận biết

Trẻ thường có biểu hiện:

+ Sốt cao từ 38,5oC trở lên (ở trẻ suy dinh dưỡng có thể không sốt
hoặc sốt nhẹ).
+ Ho có đờm. Nhịp thở nhanh, cánh mũi phập phồng, co kéo lồng ngực,
tím tái, tình trạng mệt mỏi quấy khóc, kém ăn.

Khi thấy trẻ ho, sốt cao trên 38,5 oC, nhịp thở nhanh. co rút lồng ngực,
tím tái cần chuyển ngay đến y tế gần nhất và báo cho cha mẹ.

b) Phòng bệnh

- Đảm bảo tiêm chủng đầy đủ cho trẻ trong những năm đầu. Chăm sóc
nuôi dưỡng trẻ tốt.

- Giữ vệ sinh nhà ở, lớp mẫu giáo. Không đun nấu trong nhà hoặc
không để trẻ hít thở khói thuốc lá, khói bếp, bụi bặm.

- Tránh nhiễm lạnh đột ngột. Không để trẻ nằm ngủ trực tiếp dưới sàn
nhà.

2. Bệnh ỉa chảy (tiêu chảy)

Ỉa chảy cấp là hiện tượng ngày ỉa trên 3 lần, phân lỏng nhiều nước, kéo
dài vài giờ đến vài ngày. Nếu ỉa chảy kéo dài trên hai tuần thì gọi là ỉa chảy
mãn tính.

Trong ỉa chảy cấp, sự mất nước thường kéo theo mất muối natri, kali và
máu nhiễm toan.

a) Nguyên nhân

Các nguyên nhân chủ yếu của bệnh ỉa chảy là kém vệ sinh và nguồn
nước không sạch.

- Trẻ bị ỉa chảy là do ăn uống phải thức ăn ôi thiu hoặc bị nhiễm bẩn.

- Trẻ bị các bệnh nhiễm khuẩn khác như sởi, viêm phổi rồi bị ỉa chảy.

- Do dùng kháng sinh bừa bãi huỷ diệt các vi sinh vật có ích trong ruột,
gây rối loạn tiêu hoá.

b) Chăm sóc trẻ bị ỉa chảy

* Chăm sóc trẻ trong khi bị ỉa chảy

- Cần cho trẻ uống thêm nước để thay thế cho chất dịch đã mất đi.
- Các loại đồ uống thích hợp cho trẻ để chống mất nước trong khi bị ỉa
chảy là: Oresol, cháo muối. Nếu không có các loại nước trên, có thể dùng các
loại nước khác như: nước quả tươi, chè loãng, búp ổi, búp sim, dừa non…

- Cho trẻ uống một trong các loại nước uống kể trên sau mỗi lần trẻ ỉa
chảy: mỗi lần từ một nửa đến cả cốc nước lớn (khoảng 250 mi). Nếu trẻ nôn,
cho trẻ uống từ từ từng ít một. Cần cho trẻ uống thêm nước cho đến khi
ngừng ỉa chảy.

* Chăm sóc trẻ sau khi bị ỉa chảy

- Trẻ bị ỉa chảy cần được tiếp tục ăn uống, không nên kiêng ăn. Trẻ cần
ăn thức ăn mềm và cho trẻ ăn làm nhiều bữa nhỏ (5 - 6 lần) trong một ngày.

- Hằng ngày cho trẻ ăn thêm bữa và kéo dài ít nhất một tuần lễ: bồi
dưỡng thêm cho trẻ sau khi bị ỉa chảy là rất cần thiết để cho trẻ có thể hồi
phục hoàn toàn. Trẻ được coi là hồi phục hoàn toàn sau tiêu chảy khi trẻ có
cân nặng bằng trước khi trẻ bị ỉa chảy.

Chú ý: Khi trẻ bị ỉa chảy, không nên tuỳ tiện dùng thuốc. Chỉ dùng thuốc
khi có hướng dẫn của cán bộ y tế.

c) Phòng bệnh

- Không cho trẻ ăn thức ăn ôi thiu. Uống nước sạch đã đun sôi kĩ.

- Rửa tay sạch cho trẻ trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn.

- Tiêm chủng đầy đủ, nhất là tiêm phòng sởi.

- Người chăm sóc trẻ rửa tay sạch trước khi cho trẻ ăn và chuẩn bị thức
ăn cho trẻ.

- Giữ vệ sinh môi trường, sử dụng nguồn nước sạch.

Chú ý: Phải đưa trẻ đến gặp ngay nhân viên y tế để khám khi trẻ có
một trong các 1 biểu hiện nào dưới đây:

- Bị mất nước mà biểu hiện: môi se, mắt trũng, rất khát nước; khóc
không có nước mắt, đái ít.
- Sốt kém ăn và nôn nhiều.

- Đi ngoài ra nước nhiều lần trong 1 hoặc 2 giờ (hoặc có máu trong
phân).

3. Béo phì ở trẻ em

Béo phì là tình trạng không bình thường của sức khoẻ, trong đó có
nguyên nhân do dinh dưỡng.

a) Nhận biết

- Trẻ tăng cân nhanh, nhiều so với bình thường.

- Lớp mỡ dưới da dày.

b) Xử trí

- Chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu.

- Khi nghi ngờ trẻ bị béo phì, cần đưa trẻ đến khám y tế để được tư
vấn.

- Đối với trẻ em lứa tuổi mầm non, mục tiêu điều trị thừa cân, béo phì
khác với người trưởng thành, bởi vì trẻ em vẫn còn đang phát triển với sự
phát triển khối nạc của cơ thể, việc điều trị tập trung vào ngăn ngừa tăng cân
hơn là tập trung vào giảm cân như ở người trưởng thành (theo Hội Dinh
dưỡng điều trị của Anh - 1996).

Lưu ý: Bất cứ mục tiêu điều trị nào liên quan đến điều hoà cân nặng cơ
thể và khối mỡ của cơ thể đều phải cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho
sự lớn lên và phát triển của đứa trẻ.

c) Phòng bệnh

- Theo dõi cân nặng của trẻ, đối chiếu với chuẩn chiều cao cho phép,
nếu có biểu hiện của thừa cân thì kịp thời can thiệp với sự hướng dẫn của y
tế.
- Thường xuyên trao đổi liên lạc giữa gia đình và nhà trường để có chế
độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, chế độ rèn luyện thể lực phù hợp với trẻ để đề
phòng thừa cân, béo phì.

V - MỘT SỐ KĨ NĂNG TRONG CHĂM SÓC TRẺ

1. Tắm nắng và tắm không khí

Tắm nắng và tắm không khí là một biện pháp rèn luyện rất tốt, nâng
cao sức đề kháng của cơ thể.

* Thời điểm tắm nắng

Mùa hè vào khoảng 7h30 đến 8h30 và mùa đông vào khoảng 8h30 đến
9h buổi sáng. Tốt nhất cho trẻ tắm nắng 2 lần trong 1 ngày, lần 1 vào lúc tập
thể dục buổi sáng, lần 2 vào lúc chơi trò chơi vận động hoặc dạo chơi ngoài
trời, thời gian khoảng từ 20 - 30 phút.

* Chuẩn bị trang phục cho trẻ

- Mùa hè nên cho trẻ mặc quần áo mỏng, mát, thoải mái, dễ thấm mồ
hôi.

- Mùa đông đảm bảo cho trẻ đủ ấm. Những ngày có nắng ấm, có thể bỏ
mũ, cởi tất để cho da trẻ được tăng cường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Chú ý: Khi tắm nắng và tắm không khí, nếu thấy trẻ có dấu hiệu mặt đỏ,
ra mồ hôi nhiều phải cho trẻ vào bóng râm ngay và cho trẻ uống nước. Trong
lúc trẻ đang ốm (sốt, viêm phổi, viêm họng,…) không nên cho trẻ tắm nắng.

2. Phát hiện sớm và chăm sóc trẻ ốm

a) Phát hiện sớm trẻ ốm

Khi đón trẻ và chăm sóc trẻ trong cả ngày, nếu thấy trẻ có gì khác
thường phải theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ một cách cẩn thận. Có thể trẻ
sốt nhẹ vì nguyên nhân nào đó hoặc do trẻ kém ăn, kém chơi sau khi ốm dậy.
Nếu nghi ngờ trẻ mắc bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, cúm, thuỷ đậu,…
hoặc sốt cao, viêm phổi,… phải đưa đến phòng y tế của trường hoặc đưa trẻ
đến khám ở cơ sở y tế gần nhất, đồng thời báo cho bố mẹ đến chăm sóc trẻ
ngay.

* Phát hiện trẻ sốt

Để xác định trẻ có sốt hoặc sốt cao hay không, phải đo nhiệt độ cơ thể
trẻ.

- Cách đo nhiệt độ cho trẻ: Có nhiều phương pháp đo nhiệt độ cho trẻ
nhưng thông dụng nhất là phương pháp cặp nách.

+ Thực hiện: Cô cầm đầu trên ống nhiệt kế và vẩy mạnh xuống cho tới
khi cột thuỷ ngân tụt xuống dưới vạch 35 oC. Cô ngồi bế trẻ vào lòng, cầm ống
nhiệt kế bên tay phải nhấc cánh tay trái trẻ lên để giơ nách ra rồi đặt ống nhiệt
kế vào nách và hạ lay trẻ xuống, ép lấy nhiệt kế. Giữ cánh tay trẻ như vậy
trong 2 - 3 phút rồi lấy ra đọc nhiệt độ (nhiệt độ cặp ở nách thấp hơn thân
nhiệt thực tế 0,5 - 0,6oC).

+ Đánh giá: Nhiệt độ cơ thể của trẻ bình thường là 36,5 - 37 oC. Khi
nhiệt độ cơ thể tăng trên 37oC là trẻ sốt nhẹ; 39 - 40oC là trẻ sốt cao. Trẻ có
thể sốt do mắc các bệnh nhiễm trùng, do mất nước, do mặc quá nhiều quần
áo, do trời nóng và khát nước.

* Phát hiện trẻ thở nhanh trong bệnh đường hô hấp

Nhịp thở biểu hiện tình trạng hô hấp của trẻ. Trẻ thở nhanh là biểu hiện
tình trạng bệnh của đường hô hấp. Vì vậy, phải đếm nhịp thở của trẻ khi thấy
trẻ đang mắc bệnh đường hô hấp có biểu hiện không bình thường hoặc khó
thở.

Cách đếm nhịp thở: Đặt trẻ nằm ngửa trên giường, vén áo để có thể
quan sát toàn bộ lồng ngực của trẻ. Dùng đồng hồ có kim giây quan sát lồng
ngực và đếm nhịp thở, mỗi lần ngực phồng lên là một nhịp thở, đếm trong 1
phút. Trẻ 12 tháng - 5 tuổi nếu nhịp thở trên 40 lần trong phút là thở nhanh.

b) Chăm sóc trẻ ốm

* Chăm sóc khi trẻ sốt cao


Đặt trẻ nằm nơi yên tĩnh, cho trẻ uống nước quả, nước chè đường. Cởi
bớt quần áo, lau mình cho trẻ bằng nước ấm. Nếu trẻ toát mồ hôi cần thay
quần áo và lau khô da, không nên chườm lạnh cho trẻ. Cho trẻ uống
Paracetamol theo chỉ dẫn để đề phòng trẻ bị co giật và báo ngay cho cha mẹ
hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế.

* Chăm sóc khi trẻ nôn

- Đặt trẻ nằm nghiêng hoặc ngồi dậy đề phòng trẻ hít phải chất nôn gây
ngạt.

- Lau sạch chất nôn trên người trẻ, thay quần áo nếu cần.

- Thu dọn chất nôn và quan sát chất nôn, lưu giữ chất nôn vào dụng cụ
sạch, kín để báo với y tế và cha mẹ trẻ.

Lưu ý: Khi chăm sóc trẻ nôn, cô cần có thái độ ân cần, dịu dàng, không
làm trẻ sợ hãi, tránh để trẻ bị lạnh. Sau khi trẻ nôn nên cho trẻ uống nước ấm
ít một, có thể cho ăn nhẹ. Trẻ nôn nhiều cần khẩn trương đưa đến cơ sở y tế,
đồng thời thông báo cho cha mẹ trẻ.

* Cách cho trẻ uống thuốc

Cô chuẩn bị sẵn cốc đựng nước, thuốc cần cho trẻ uống. Cô ngồi đối
diện với trẻ, đưa thuốc cho trẻ và động viên trẻ tự cho thuốc vào miệng và
đưa nước cho trẻ tự uống. Sau đó bảo trẻ há miệng để xem trẻ đã nuốt hết
thuốc chưa.

Lưu ý: Khi cha mẹ gửi thuốc để cô giáo tiếp tục cho trẻ uống thuốc ở
lớp, cô giáo yêu cầu gia đình ghi tên trẻ vào lọ thuốc của trẻ, ghi rõ cách
dùng, số lần, liều lượng mà bác sĩ đã quy định khi điều trị cho trẻ, đồng thời
ghi vào một quyển số theo dõi và nhận bàn giao thuốc một cách cẩn thận có
kí xác nhận của cha mẹ trẻ về loại thuốc cho trẻ uống tại lớp.

* Cách pha Oresol (ORS) và nấu cháo muối

- Cách pha Oresol

+ Pha theo chỉ dẫn ghi trên gói.


+ Khuấy kĩ và cho trẻ uống. Sau 24 giờ, nếu trẻ chưa dùng hết nên bỏ
đi và pha gói mới.

+ Chú ý: Nếu pha đặc bệnh sẽ nặng thêm. Nếu pha loãng nước uống
sẽ kém hiệu quả. Không được pha gói Oresol với sữa, canh, nước hoa quả
hoặc nước giải khát.

- Nấu cháo muối

Nước cháo muối có thể thay thế dung dịch Oresol.

+ Công thức 1: 30g bột gạo tẻ + 1 gạt thìa cà phê muối ăn + 1 lít nước
(5 bát ăn cơm tương đương một lít nước) đun sôi trong 5 phút.

+ Công thức 2: 50g (1 nắm) gạo tẻ + 3,5 g (một nhúm) muối ăn + 6 bát
nước, đun nhỏ cho nhừ gạo và chất đủ 5 bát nước.

Một lít nước cháo cho 175 Kcal và một ít chất dinh dưỡng cho trẻ. Cho
trẻ uống theo nhu cầu. Sau 6 giờ, nếu trẻ chưa dùng hết nên đun lại trước khi
cho uống và sau 12 giờ nên bỏ đi và nấu cháo mới.

c) Chăm sóc trẻ sau khi ốm

- Sau khi ốm dậy, trẻ còn yếu mệt hay quấy khóc, kém ăn, ngủ ít, thích
được quan tâm, cô cần chú ý chăm sóc trẻ hơn (chơi với trẻ, nói chuyện với
trẻ nhiều hơn).

- Cho trẻ ăn uống từng ít một nhưng nhiều lần hơn trong ngày, tăng
cường giữ vệ sinh sạch sẽ và điều độ trong ăn uống. Nhắc nhở cha mẹ trẻ
tiếp tục cho trẻ ăn thêm bữa và dinh dưỡng tốt cho đến khi trẻ phục hồi sức
khỏe.

- Chăm sóc để trẻ được ngủ đủ, ngủ ngon và sạch sẽ.

D - BẢO VỆ AN TOÀN VÀ PHÒNG TRÁNH MỘT SỐ TAI NẠN


THƯỜNG GẶP
I - TẠO MÔI TRƯỜNG AN TOÀN CHO TRẺ
Trường mầm non là ngôi nhà thứ hai của trẻ. Khi trẻ ở trường, trẻ phải
được bảo đảm an toàn về thể lực, sức khoẻ, tâm lí và tính mạng.

1. An toàn về thể lực sức khoẻ

Giáo viên phối hợp gia đình và nhà trường chăm sóc, nuôi dưỡng đầy
đủ, vệ sinh và phòng tránh bệnh tật tốt.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nước uống và nước sinh hoạt
dùng cho trẻ đảm bảo vệ sinh.

- Tại các lớp cần có túi cứu thương (trong túi có đồ dùng sơ cứu và các
loại thuốc thông thường sử dụng cho trẻ - xem thêm mục tủ thuốc).

2. An toàn về tâm lí

Cô thương yêu và đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ. Dành thời gian tiếp xúc
vui vẻ với trẻ, tạo không khí thân mật như ở gia đình, tạo cảm giác yên ổn cho
trẻ khi ở trường mầm non, trẻ tin tưởng rằng cô yêu trẻ. Tránh gò ép, doạ nạt,
phê phán trẻ. Đặc biệt quan tâm chăm sóc các trẻ mới đến lớp và các trẻ có
nhu cầu đặc biệt.

3. An toàn về tính mạng

- Không để xảy ra tai nạn và thất lạc.

- Có hàng rào bảo vệ xung quanh khu vực trường (hoặc lớp). Sân chơi
và đồ chơi ngoài trời phù hợp với lứa tuổi, tránh trơn trượt. Trường và lớp học
không gần đường giao thông lớn.

- Bảo đảm đủ ánh sáng cho lớp học (bằng hệ thống cửa sổ hoặc đèn
chiếu sáng).

- Tạo không gian cho trẻ hoạt động trong lớp, tránh kê, bày quá nhiều
và sắp xếp đồ dùng, đồ chơi trong nhóm hợp lí.

- Đảm bảo đồ dùng, đồ chơi sạch sẽ. Lưu ý: Các đồ chơi, đồ dùng dễ
gây nguy hiểm cho trẻ phải được cất ngoài tầm với của trẻ. Khi cho trẻ sử
dụng các đồ chơi đó, phải có sự giám sát chặt chẽ của cô.
- Nhà vệ sinh phù hợp lứa tuổi, tránh để sàn bị trơn dễ gây trượt. Các
bể chứa nước, miệng cống phải có nắp đậy kín.

- Không để trẻ tiếp xúc hoặc nhận quà từ người lạ.

- Giáo viên cần có ý kiến kịp thời những vấn đề về cơ sở vật chất chưa
đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhóm, lớp mình phụ trách với ban giám hiệu nhà
trường, phụ huynh học sinh và cùng bàn bạc để có thể đưa ra các giải pháp
phù hợp tạo môi trường an toàn cho trẻ. (Ví dụ: chưa có tường rào bảo vệ
hoặc bị hỏng; chó của các nhà xung quanh thả rông chạy vào lớp học; đồ
dùng, đồ chơi không đảm bảo vệ sinh, an loàn; tường, trần lớp học bị hư
hỏng). Giáo viên cũng cần tham gia ý kiến khi xây dựng một lớp học mới
trong khu dân cư nên đặt ở vị trí nào để trẻ đến lớp không bị quá xa, không bị
ảnh hưởng của điều kiện thôi trường không tốt như gần đường giao thông
lớn, gần các cơ sở sản xuất có thải ra các chất độc hại, gây ồn…

II - MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CÓ THỂ XẢY RA TAI NẠN CHO TRẺ

Các tai nạn thương tích có thể xảy ra ở trẻ lứa tuổi mầm non là: bỏng,
ngã, ngộ độc, động vật cắn, liên quan đến giao thông, các vật sắc nhọn, các
vật tự nhiên, đuối nước, điện giật, máy móc, ngạt thở, sét đánh, các nguyên
nhân khác…

1. Khi đi học từ nhà đến trường và từ trường trở về nhà

Tai nạn trên quan đến giao thông, ngã, đuối nước, động vật cắn, thất
lạc…

2. Khi ở trường

a) Giờ chơi

* Chơi ở ngoài trời

Khi chơi tự do ở ngoài trời trẻ có thể gặp các tai nạn như: chấn thương
mềm, rách da, gãy xương, v.v… Nguyên nhân thường do trẻ đùa nghịch xô
đẩy nhau, dùng que làm kiếm nghịch, đấu kiếm, chọc vào nhau và trẻ có thể
vô tình chọc vào mắt gây chấn thương. Ngoài ra, trẻ còn chơi đùa cầm gạch,
sỏi, đá ném nhau hoặc trẻ chạy, nhảy va vào các bậc thềm gây chấn thương.

* Giờ chơi trong lớp

- Khi chơi trong nhóm, trẻ có thể gặp các tai nạn như: dị vật mũi, tai, do
trẻ tự nhét đồ chơi (hạt cườm, con xúc xắc, các loại hạt quả, đôi khi cả đất
nặn) vào mũi, tai mình hoặc nhét vào tai bạn, mũi bạn. Trẻ hay ngậm đồ chơi
vào mồm, chọc vào có thể rách niêm mạc miệng, hít vào gây dị vật đường
thở, nuốt vào gây dị vật đường ăn.

- Trẻ chơi tự do trong nhóm chạy đùa xô đẩy nhau va vào thành bàn,
cạnh ghế, mép tủ v.v… gây chấn thương.

* Giờ học

Trẻ có thể đùa nghịch chọc các vật vào mặt nhau (đặc biệt chọc bút vào
mắt nhau).

* Giờ ăn

- Sặc thức ăn (trong khi, ăn trẻ vừa ăn vừa cười đùa hoặc trẻ đang
khóc mà cố ép trẻ ăn, uống đều rất dễ gây sặc cho trẻ).

- Dị vật đường ăn (thường gặp là hóc xương do chế biến không kĩ)

- Bỏng thức ăn (canh, cháo súp, nước sôi): Nếu để thức ăn còn nóng
hoặc các phích nước sôi gần nơi trẻ chơi đùa; trẻ lỡ va, vướng phải sẽ gây
bỏng cho trẻ.

* Giờ ngủ

- Ngạt thở: Trẻ nằm sấp xuống đệm, úp mặt xuống gối, nếu để trẻ ngủ
lâu trong tư thế đó sẽ thiếu đường khí gây ngạt thở (đặc biệt lưu ý trẻ dưới
một tuổi).

- Hóc dị vật: Trẻ khi đi ngủ, nếu ngậm các loại hạt, kẹo cứng, thậm chí
ngậm đồ chơi rất dễ rơi vào đường thở gây ngạt.
- Ngộ độc: Trong khi trẻ ngủ nếu trẻ hít phải khí độc từ các nguồn gây ô
nhiễm không khí (thường do than tổ ong đốt tại nơi trẻ ngủ, do khói than củi
hoặc lớp mẫu giáo ở gần và cuối chiều gió bị ảnh hưởng bởi các lò gạch đang
hoạt động, xưởng sản xuất có thải ra các chất khí độc hại…) rất dễ bị ngộ
độc.

III - CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ XỬ TRÍ BAN ĐẦU MỘT SỐ TAI NẠN

1. Nguyên tắc chung

- Cô giáo phối hợp với nhà trường và phụ huynh tạo cho trẻ một môi
trường an toàn về sức khoẻ, tâm lí và thân thể.

- Trẻ lứa tuổi mầm non phải luôn luôn được sự chăm sóc, trông coi của
người có trách nhiệm. Cô giáo phải thường xuyên theo dõi, bao quát trẻ mọi
lúc mọi nơi.

- Giáo viên phải được tập huấn kiến thức và kĩ năng về phòng và xử trí
ban đầu một số tai nạn thường gặp. Hằng năm, nhà trường cần phối hợp với
y tế địa phương tập huấn, nhắc lại cho giáo viên về nội dung này.

- Khi trẻ bị tai nạn, phải bình tĩnh xử trí sơ cứu ban đầu tại chỗ, đồng
thời báo cho cha mẹ và y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời cho trẻ.

- Giáo dục về an toàn cho trẻ: Những đồ vật gây nguy hiểm, những
hành động gây nguy hiểm và những nơi nguy hiểm trẻ không được đến gần.

- Giáo viên cần nhắc nhở và tuyên truyền cho phụ huynh: Thực hiện
các biện pháp an toàn cho trẻ đề phòng những tai nạn có thể xảy ra tại gia
đình, khi cho trẻ đến trường hoặc đón trẻ từ trường về nhà.

2. Phòng tránh trẻ thất lạc và tai nạn

a) Đề phòng trẻ bị lạc

- Cô nhận trẻ trực tiếp từ tay cha mẹ trẻ.

- Đếm và kiểm tra trẻ nhiều lần trong ngày, chú ý những lúc đưa trẻ ra
ngoài lớp trong các hoạt động ngoài trời hoặc thăm quan. Bàn giao số trẻ khi
giao ca.
- Cửa phòng trẻ phải có rào chắn (nếu cần).

- Cô phải ở lại lớp cho tới khi trả hết trẻ.

- Chỉ trả trẻ cho cha mẹ trẻ, cho người lớn được uỷ quyền, không trả trẻ
cho người lạ.

b) Đề phòng dị vật đường thở

- Không cho trẻ cầm các đồ chơi quá nhỏ có thể cho vào miệng, mũi.

- Khi cho trẻ ăn các quả có hạt cần bóc bỏ hạt trước khi cho trẻ ăn.

- Giáo dục trẻ lớn khi ăn không được vừa ăn vừa đùa nghịch hoặc nói
chuyện.

- Không ép trẻ ăn, uống khi trẻ đang khóc. Thận trọng khi cho trẻ uống
thuốc, đặc biệt là các thuốc dạng viên.

- Giáo viên và người chăm sóc trẻ cần nắm vững cách phòng tránh dị
vật đường thở cho trẻ và có một số kỹ năng đơn giản giúp trẻ loại dị vật
đường thở ra ngoài.

Khi xảy ra trường hợp trẻ bị dị vật đường thở, giáo viên cần bình tĩnh
sơ cứu cho trẻ; đồng thời báo cho gia đình và đưa tới y tế nơi gần nhất để
cấp cứu cho trẻ.

c) Phòng tránh đuối nước

- Nếu có điều kiện nên dạy trẻ tập bơi sớm.

- Rào ao, các hố nước, kênh mương cạnh trường (hoặc lớp học)

- Không bao giờ được để trẻ ở một mình ở dưới nước hoặc gần nơi
nguy hiểm. Nhắc nhở cha mẹ khi đưa trẻ đi đến trường và từ trường về nhà,
nếu phải đi qua những nơi nguy hiểm (hồ, ao, kênh, rạch…) phải luôn để mắt
đến trẻ. Lớp học được được tổ chức ở các bè nổi trên mặt nước phải có biện
pháp bảo vệ tránh để trẻ ngã xuống nước.
- Tại các lớp học, không nên để trẻ một mình vào nơi chứa nước kể cả
xô nước, chậu nước. Giám sát khi trẻ đi vệ sinh, khi trẻ chơi gần khu vực có
chứa nguồn nước.

- Giếng nước, bể nước phải xây cao thành và có nắp đậy chắc chắn.
Cần đậy nắp các dụng cụ chứa nước như chum, vại…

d) Phòng tránh cháy bỏng

- Kiểm tra thức ăn trước khi cho trẻ ăn, uống. Tránh cho trẻ ăn thức ăn,
nước uống còn quá nóng.

- Không cho trẻ đến gần nơi đun bếp ga, bếp củi, nồi canh hoặc phích
nước còn nóng.

- Không để trẻ nghịch diêm, bật lửa và các chất khác gây cháy bỏng.
Để diêm, bật lửa, nến, đèn dầu, bàn là, vật nóng xa tầm với của trẻ hoặc nơi
an toàn đối với trẻ. Giáo dục cho trẻ nhận biết đồ vật và nơi nguy hiểm.

Lưu ý: Không để trẻ đến gần ống xả của xe máy khi vừa dừng vì rất dễ
gây bỏng. Khi bị bỏng thường bỏng sâu, dễ nhiễm trùng và để lại sẹo.

e) Phòng tránh ngộ độc

- Không để bếp than tổ ong, bếp củi đang đun hoặc đang ủ gần nơi sinh
hoạt của trẻ.

- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi nghi ngờ ăn thức bị ôi thiu
hoặc thức ăn có nhiều chất bảo quản, phụ gia (lạp xưởng, thịt nguội…), cô
giáo báo cho nhà trường hoặc phụ huynh (nếu là thức ăn do gia đình mang
tới) và không cho trẻ ăn.

- Thuốc chữa bệnh để trên cao, ngoài tầm với của trẻ.

- Không cho trẻ chơi đồ chơi có hoá chất: chai, lọ đựng thuốc, màu độc
hại cho trẻ.

- Không cho trẻ tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Không được đựng thuốc trừ
sâu, thuốc chuột, dầu hoả, a-xít trong vỏ chai nước ngọt, nước khoáng, lon
bia, chai dầu ăn, cốc…
g) Phòng tránh điện giật

- Đặt ổ điện, bảng điện ngoài tầm với của trẻ. Luôn đậy nắp các ổ điện.

- Khi thiết bị điện bị hở mát không được sử dụng và có biện pháp xử lí


ngay.

- Giáo dục trẻ không được nghịch, chọc vào các ổ điện, không tự động
cắm các đồ dùng bằng điện vào các ổ cắm.

h) Phòng tránh vết thương do các vật sắc nhọn

- Cất giữ vật dụng sắc nhọn xa tầm với của trẻ. Nếu trẻ lớn, có thể
hướng dẫn trẻ sử dụng một cách an toàn.

- Loại bỏ các vật sắc nhọn bằng kim loại, mảnh thuỷ tinh, gốm, sắt…
khỏi nơi vui chơi của trẻ.

- Giải thích cho trẻ về sự nguy hiểm của các vật sắc nhọn khi chơi, đùa
nghịch hay sinh hoạt.

i) Phòng tránh tai nạn giao thông

- Khi cho trẻ đi bộ: dắt trẻ đi trên vỉa hè, đi bộ đi bên tay phải để tạo thói
quen cho trẻ.

- Tuyên truyền cho phụ huynh khi cho trẻ từ nhà đến lớp: Khi đưa đón
trẻ bằng xe đạp, xe máy, cần để trẻ ngồi an toàn (tốt nhất khi đèo trẻ cần cho
trẻ ngồi trong ghế). Không để cho trẻ em dưới 15 tuổi đèo em đi học.

k) Phòng tránh động vật cắn: chó, mèo, rắn cắn, ong đốt…

- Không cho trẻ đến gần hoặc trêu chó và mèo lạ. Xích hoặc đeo rọ
mõm cho chó.

- Không để trẻ chơi gần các bụi rậm, nơi có tổ ong để đề phòng rắn
cắn, ong đốt.

3. Xử trí ban đầu một số tai nạn

a) Dị vật đường thở

* Nhận biết
Dị vật đường thở thường xảy ra đột ngột thường thấy các biểu hiện sau
đây:

- Trẻ đang ăn, uống hoặc chơi đột ngột ho sặc sụa, thở rít, mặt đỏ, chảy
nước mắt.

- Ngoài ra trẻ khó thở dữ dội, mặt môi tím tái và có thể ngừng thở, nặng
hơn là trẻ bị bất tỉnh, đái dầm.

* Cấp cứu

Khi trẻ bị dị vật đường thở, cần cấp cứu tại chỗ ngay lập tức; nếu
không, trẻ sẽ bị ngạt thở, dẫn đến tử vong.

- Cách 1: Người cấp cứu ngồi trên ghế hoặc quỳ một chân vuông góc,
đặt đầu trẻ trên đầu gối dốc xuống, một tay đỡ ngực trẻ, tay kia vỗ nhẹ 1-5 lần
giữa hai xương bả vai.

- Cách 2: Đặt trẻ nằm sấp vắt ngang phần bụng sát cơ hoành lên một
cẳng tay hoặc lên đùi người cấp cứu, tay kia vỗ giữa hai xương bả vai 1-5
lần.

- Nếu sơ cứu, dị vật bật ra và trẻ hết khó thở, cô cần theo dõi trẻ cho
đến khi trẻ trở lại bình thường. Nếu trẻ không thở lại bình thường, hãy tiến
hành làm hô hấp nhân tạo và chuyển ngay đến y tế.

- Nếu dị vật không thoát ra được thì phải lấy ngón tay móc dị vật ra, hãy
rất cẩn thận, đừng đẩy dị vật rơi sâu thêm vào họng trẻ.

- Nếu trẻ vẫn tiếp tục bị sặc, hãy đặt trẻ ngồi vào lòng, một tay đỡ lấy
lưng trẻ, tay kia nắm lại thành quả đấm, ngón cái nằm trong, ấy mạnh vào
trong và lên trên ở điểm giữa rốn và mũi ức 4 lần.

- Nếu vẫn không lấy được dị vật, hãy áp miệng mình vào miệng trẻ, thổi
nhẹ để không khí lọt qua chỗ bị tắc. Đồng thời, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ
sở y tế gần nhất để cấp cứu.

b) Điện giật

* Xử trí tại chỗ


- Cứu trẻ thoát khỏi dòng điện bằng cách nhanh chóng ngắt cầu dao
(hoặc rút cầu chì), dùng gậy gỗ (tre) khô gỡ dây điện khỏi cơ thể trẻ, hoặc kéo
trẻ khỏi nguồn điện (tránh điện truyền sang người cứu, không được dùng tay
không, phải đeo găng cao su hoặc quấn ni lông, vải khô; chân đi guốc, dép
khô hoặc đứng trên tấm ván khô).

- Nếu trẻ ngạt thở, tim ngừng đập trong khi chờ y tế đến hoặc trước khi
đưa trẻ đi bệnh viện, phải khẩn trương kiên trì thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài
lồng ngực cho tới khi trẻ thở lại (có khi phải làm 3-4 giờ mới hồi phục được).

Nếu có vết thương bỏng: phủ kín vết thương bằng cách băng khô vết
bỏng trước khi chuyển đi.

c) Đuối nước

* Xử lí tại chỗ

- Vớt trẻ lên rồi cởi nhanh quần áo ướt.

- Làm thông đường thở bằng cách dốc ngược đầu xuống thấp rồi lay
mạnh, ép vào lồng ngực để tháo nước ở đường hô hấp ra ngoài. Sau đó, lau
sạch miệng và tiến hành hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt) xoa bóp tim ngoài
lồng ngực (xem thực hành cách hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng
ngực) cho đến khi trẻ thở lại, tim đập lại.

- Khi trẻ bắt đầu thở lại, tim đập lại, phải lau khô người, xoa dầu cho
nóng toàn thân, quấn chăn ấm và chuyển ngay tới cơ sở y tế gần nhất.

Chú ý: Trong khi chuyển trẻ đến y tế, vẫn phải theo dõi sát, nếu cần
phải tiếp tục thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực.

d) Vết thương chảy máu

- Rửa vết thương bằng nước sôi để nguội.

- Bôi cồn sát trùng, băng lại, trường hợp vết thương rộng hay ở mặt
nên đưa đến bệnh viện.

- Không rắc các loại thuốc bột, thuốc mỡ lên vết thương.
* Xử trí khi vết thương ở các mạch máu lớn

- Động mạch ở chi

+ Cầm máu tạm thời bằng băng ép tại chỗ.

+ Đặt garô phía trên chỗ tổn thương.

+ Cách đặt garô: Dùng băng cao su mềm, mỏng, đàn hồi to bản (chiều
rộng 3 - 5 cm, dài 1,2 đến 2m với chi trên hoặc 5-8cm, dài 2 - 3m với chi dưới)
chặn trên đường đi của động mạch cách vết thương 2 - 3cm, phải lót vải mềm
ở da trước khi quấn garô. Quấn garô vừa phải khi không còn máu chảy ra ở
phía dưới là được.

Nếu không có garô (băng garô theo quy định), có thể dùng tạm khăn
vải, dây buộc hoặc dùng tay ấn vào đường đi của động mạch.

Sau đó, băng vết thương lại để tránh nhiễm khuẩn.

Khi đặt giữa xong, phải chuyển trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện ngay.

* Tổn thương mạch nội tạng

- Băng ép vết thương phía ngoài.

- Chuyển trẻ đến y tế, bệnh viện một cách nhanh nhất.

e) Rắn cắn

* Nhận biết

- Chỉ sau vài phút rắn độc cắn, xung quanh vết cắn bị phù nề, tấy đỏ.
Trẻ thấy nhức buốt chỗ cắn.

- Sau 30 phút hay 1 giờ, trẻ vã mồ hôi, mặt tái nhợt, nôn oẹ, ỉa chảy,
mạch nhanh.

* Xử trí

- Ngay sau khi bị rắn cắn, nên buộc ngay một garô lên phía trên vết cắn
độ vài centimét.
- Rửa sạch và rạch rộng vết cắn, nếu có thể, làm ngay giác hút để hút
máu lẫn nọc độc ra bớt, có thể rửa bằng dung dịch thuốc tím loãng.

- Chuyển gấp trẻ lên y tế để tiêm huyết thanh chống nọc rắn.

g) Chó cắn

- Rửa ngay vết cắn bằng nước xà phòng rồi băng lại và chuyển trẻ đến
cơ sở y tế có huyết thanh và vắc-xin phòng dại để điều trị càng sớm càng tốt.

- Tìm cách bắt nhốt con chó đã cắn và theo dõi trong vòng 10 ngày.
Nếu thấy chó có những biểu hiện lạ như run rẩy, xù lông, hung dữ, thè lưỡi và
dãi lòng thòng, tấn công đột ngột đồng loại hay người đến gần là biểu hiện
chó dại.

h) Xử trí một số tai nạn khác

* Hóc xương

- Nên mang đến bệnh viện.

- Không nên chữa mẹo hoặc moi tay vào cổ họng trẻ.

* Bỏng

- Loại trừ tác nhân gây bỏng. Rửa hoặc ngâm ngay vết thương bằng
nước sạch để giảm độ nóng, tránh làm bẩn vết bỏng, giữ không để vỡ nốt
phồng.

- Nếu bỏng nhẹ, diện tích da bị bỏng nhỏ có thể bôi dầu cá lên vết bỏng
(nếu có), nết phồng sẽ xẹp dần rồi khỏi.

- Nếu bỏng nặng phải đưa ngay trẻ đến y tế.

* Gãy xương

Giữ chỗ xương gãy ở tư thế bất động bằng cách: dùng hai nẹp bằng gỗ
hoặc thanh tre to bản, có chiều dài lớn hơn khoảng cách hai khớp lân cận, đặt
sát vào hai bên xương gãy rồi dùng cuộn băng hay miếng vải dài cuộn chặt
hai miếng nẹp lại (suốt từ đầu này đến đầu kia của nẹp) và nhẹ nhàng đưa trẻ
tới bệnh viện.
i) Hướng dẫn động tác hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng
ngực

Nhiều tai nạn có thể dẫn đến ngạt thở, ngừng thở và tim ngừng đập.
Khi trẻ bị tình trạng trên (có thể do hóc dị vật, chết đuối), cô cần bình tĩnh để
xử lí cấp cứu ngay bằng cách: Làm thông đường thở, hà hơi thổi ngạt, bóp
tim ngoài lồng ngực. Nếu được cấp cứu ngay và các động tác chính xác, trẻ
có thể thở lại được. Nếu để muộn quá 5 phút, bộ não thiếu ô-xi sẽ khó hồi
phục được.

- Nếu có hai người thì một người thổi ngạt, người kia bóp tim.

- Có thể phối hợp sau 1 lần thổi ngạt thì tiếp theo 5 lần xoa bóp tim.

Nếu có một người thì tay phải bóp tim, tay trái giữ đầu trẻ ngửa ra sau
để hà hơi.

- Kiểm tra nhịp thở:

+ Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng vững chắc.

+ Ghé tai gần miệng, mũi nghe hơi thở của trẻ.

+ Nhìn lồng ngực xem có chuyển động không.

+ Nếu không có dấu hiệu còn thở, phải hô hấp nhân tạo ngay, đồng
thời, người khác phải gọi xe cấp cứu hoặc y tế.

- Kiểm tra nhịp đập của tim

Làm thật nhanh trong vòng 5 giây, bằng cách: nghe nhịp đập của tim
hoặc bắt mạch ở các mạch máu lớn. Nếu không thấy tim đập hoặc không bắt
được mạch phải bóp tim ngoài lồng ngực ngay.

* Hô hấp nhân tạo

- Nhanh chóng làm thông đường thở

+ Nới rộng quần áo, mở rộng miệng trẻ để lấy các vật lạ, đờm dãi ra
khỏi miệng. Nếu trẻ nôn, lật trẻ nằm nghiêng và lau sạch chất nôn.
+ Đặt một bàn tay xuống dưới gáy, còn tay kia đặt ở trán làm cho đầu
trẻ ngửa ra sau tối đa. Theo dõi xem trẻ có thể thở được không, nếu không,
phải hà hơi thổi ngạt ngay cho trẻ.

- Hà hơi thổi ngạt: Sau khi đã làm thông đường thở, cô quỳ bên trái,
ngang đầu trẻ. Cô hít vào một hơi dài, bịt 2 lỗ mũi trẻ và mở rộng miệng trẻ,
sau đó áp miệng mình vào miệng trẻ, thổi nhẹ nhàng, rồi bỏ miệng mình ra để
cho hơi thở ở lồng ngực trẻ thoát ra, lấy hơi thổi tiếp một lần nữa. Mỗi phút
khoảng 20-25 lần, tiếp tục hà hơi cho đến khi trẻ thở được.

Chú ý:

- Quan sát khi thổi vào, lồng ngực trẻ phồng lên là được, nếu lồng ngực
không nhô lên là có dị vật làm tắc khí quản và cần lấy dị vật ra (xem phần xử
trí hóc dị vật) và móc lại miệng trẻ để cho hết đờm dãi.

- Thổi vừa phải, không thổi quá mạnh, vì như vậy sẽ làm rách phế
nang, gây chảy máu.

- Đầu trẻ trong suốt thời gian này phải ngửa hết ra sau.

* Xoa bóp tim ngoài lồng ngực

- Trường hợp tim ngừng đập phải xoa bóp tim

+ Đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng (giường hoặc ván)

+ Xác định vị trí để bóp tim: điểm giữa của mũi ức với phần đáy của cổ.

- Bóp tim ngoài lồng ngực

Dùng gót bàn tay ấn sâu 2,5 - 3 cm rồi thả ra, nhịp 3 lần / 2 giây (mỗi
lần ép, cô đếm từ 1 đến 5). Chỉ ép lồng ngực sau một động tác thổi ngạt và
xoa bóp tim, thấy trẻ hồi tỉnh dần lại là tốt. Tiếp tục làm như vậy cho đến khi
tim đập đều và trẻ thở được.

Chú ý: Khi ấn xương ức xuống nên làm vừa phải, nếu mạnh quá dễ gãy
xương, nếu nhẹ quá thì không có kết quả.
E - MỘT SỐ LƯU Ý TRONG CHĂM SÓC TRẺ KHUYẾT TẬT
1. Trẻ khuyết tật cần được ăn uống chăm sóc sức khoẻ như những trẻ
khoẻ mạnh, bình thường cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, tuỳ theo loại tật mà chú ý
cho trẻ ăn nhiều hơn một số loại thức ăn, ví dụ:

- Trẻ khiếm thị cần được ăn nhiều dầu, mỡ, rau có màu xanh non, xanh
thẫm, quả có màu vàng, đỏ, da cam…

- Trẻ bị giảm khả năng vận động cần được chú ý cho ăn nhiều hơn
những thức ăn giàu đạm, vitamin D và can xi giúp cho sự phát triển vận động
ở trẻ như trứng, sữa, thịt, bò, cá, tôm, cua, ốc, các loại đậu đỗ…

- Trẻ có khó khăn trong học tập cần được ăn nhiều loại thức ăn giàu
dinh dưỡng như đã nêu ở trên, đặc biệt là thức ăn giàu đạm, chất béo, muối
khoáng như muối iốt, cá biển, tôm, cua, trứng, sữa, dầu mỡ, lạc vừng…

Những thức ăn giàu dinh dưỡng có thể lấy ngay từ địa phương, trong
vườn của mỗi gia đình hoặc vườn trường, chế biến thành các món ăn khác
nhau cho trẻ ăn hằng ngày.

2. Khi tổ chức bữa ăn cho trẻ tại lớp, nên bố trí một chỗ nhất định cho
trẻ khiếm thị ngồi ăn đảm bảo người trông trẻ có thể bao quát, giúp đỡ trẻ. Đồ
dùng, các món ăn cũng cần được sắp xếp một cách thống nhất, Ví dụ: Các
món ăn nước để ở phía tay phải của trẻ, rau và thức ăn mặn đặt ở phía tay
trái. Đối với trẻ khuyết tật về vận động, cô giáo nên sắp xếp trẻ ngồi ở vị trí
thuận tiện để cô giáo, hoặc các bạn có thể hỗ trợ được trẻ. Tuy nhiên, tuỳ
theo mức độ khuyết tật mà hướng dẫn trẻ tự phục vụ một số hoạt động đơn
giản như tự xúc ăn, tự lấy nước uống, rửa tay, lau miệng.

3. Khi chăm sóc trẻ khuyết tật, không nên "bao bọc" trẻ quá mức (cha
mẹ, cô giáo thương trẻ nên nuông chiều trẻ, hoặc cho rằng trẻ không thể vận
động được nên cho trẻ ăn tuỳ thích, dẫn đến trẻ ăn quá nhiều), trong khi trẻ ít
vận động, tập luyện khiến trẻ trở nên, thụ động, béo phì. Do đó, phải kết hợp
cho trẻ ăn uống đủ chất, hợp lí với việc tập luyện giúp trẻ phát triển tốt.
4. Một số trẻ khuyết tật hoà nhập tự ti, mặc cảm, chậm chạp, khả năng
tự phục vụ yếu, giáo viên cần chú ý hướng dẫn các kĩ năng ăn uống, vệ sinh,
tự phục vụ cho trẻ, các kĩ năng này cần được lặp đi, lặp lại nhiều lần như
khuyến khích trẻ khuyết tật ăn cùng với trẻ khác, hoặc trẻ bình thường giúp
trẻ khuyết tật trong việc ăn uống, tự phục vụ (lau mũi, lau tay, thu dọn bàn sau
khi ăn…), tạo cơ hội cho trẻ tham gia càng nhiều, tự làm càng sớm, càng tốt
kiên nhẫn để trẻ chủ động trải nghiệm, học hỏi tránh trông coi một cách quá
mức (song vẫn phải đảm bảo an toàn cho trẻ). Như vậy, sẽ tạo cho trẻ cảm
giác mình giống như những trẻ khác, giúp trẻ phát triển sự tự tin và tính độc
lập.

PHẦN BA. HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NỘI DUNG GIÁO DỤC

Chương I. PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT


NỘI DUNG 1: GIÁO DỤC DINH DƯỠNG - SỨC KHOẺ

I - HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Nội dung

a) Nhận biết, làm quen với các nhóm thực phẩm và dạng chế biến

* Làm quen với một số thực phẩm thông thường, sẵn có ở địa phương

- Gọi tên, nhận biết thực phẩm sẵn có tại địa phương.

- Nhận biết và phân biệt thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực
phẩm có nguồn gốc thực vật

+ Thực phẩm có nguồn gốc động vật: Thịt, cá, trứng gia cầm, sữa và
các chế phẩm, tôm, cua, trai, ốc, hến, mỡ ăn…

+ Thực phẩm có nguồn gốc thực vật: gạo, mía, đậu đỗ, lạc, vừng, dầu
ăn, rau, củ, quả các loại…

- Các thực phẩm khác nhau về màu sắc, kích thước, hình dạng, mùi vị,
tính chất.
* Các dạng chế biến của thực phẩm: xào, nấu, rán, luộc, kho, muối
dưa… và cách ăn: ăn sống, ăn chín, muối dưa, đóng hộp…

b) Lợi ích của ăn uống đối với sức khoẻ, con người cồn ăn uống
đầy đủ, hợp lí, sạch sẽ có thái độ tích cực trong ăn uống

* Lợi ích của thực phẩm đối với sức khoẻ con người

- Thực phẩm cung cấp nhiều chất bổ, giúp cơ thể khoẻ mạnh. Mỗi loại
thực phẩm có giá trị dinh dưỡng riêng, vì vậy cần ăn nhiều loại thực phẩm
khác nhau.

- Cần ăn, uống đầy đủ, hợp lí và sạch sẽ để cơ thể sẽ: mau lớn, ít ốm
đau, da dẻ hồng hào, mắt sáng, nhanh nhẹn và để "lớn lên", làm việc vui chơi
và học tập. Không nên ăn quá nhiều để luôn khoẻ mạnh.

* Dạy trẻ biết cách chọn thức ăn sạch sẽ và bảo quản thực phẩm một
cách đơn giản:

Không nên ăn rau quả dập nát, thức ăn ôi thiu. Thức ăn không ăn hết
phải được cất đậy cẩn thận, không để ruồi đậu, kiến bâu…

* Các bữa ăn hằng ngày

- Dạy trẻ biết các bữa ăn trong ngày, thức ăn trong các bữa ăn đó là gì,
các bữa ăn trong ngày khác nhau thế nào (số lượng, dạng chế biến…). Kể
tên thức ăn ngày lễ, tết.

Ví dụ 1: Hằng ngày, trẻ ăn 3-5 bữa, ở trường trẻ ăn 1 bữa chính và bữa
phụ, bữa chính ăn 2 bát, bữa phụ ăn 1 bát.

Ví dụ 2: Thức ăn đặc trưng trong ngày sinh nhật là bánh sinh nhật
(gatô), ngày tết là bánh chưng, trung thu là bưởi, mâm ngũ quả…

- Dạy trẻ biết mỗi bữa cần ăn đủ các loại thức ăn khác nhau, cần ăn hết
suất.

- Dạy trẻ biết ăn uống sạch sẽ (thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm):
ăn thức ăn đã nấu chín, uống nước đã được đun sôi, ăn chậm nhai kể không
làm rơi vãi thức ăn…
- Tập cho trẻ có thái độ vui lòng chấp nhận, thử các thức ăn mới và ăn
các loại thức ăn khác nhau, có hứng thú trong ăn uống, hình thành ở trẻ sở
thích, thói quen ăn uống tốt. Không kén chọn thức ăn.

c) Tập làm một số công việc đơn giản, tự phục vụ, bước đầu biết
bảo vệ và chăm sóc các bộ phận cơ thể và giác quan

* Dạy trẻ cách sử dụng một sôi đồ dùng trong ăn uống, hình thành ở trẻ
kĩ năng sử dụng đồ dùng ăn uống đúng cách

- Dạy trẻ cách dùng ca, bát, cốc, thìa…

- Dạy trẻ cách chia thức ăn, rót, đong, đếm thức ăn trong phạm vi 5…

- Hướng dẫn trẻ cùng cô tham gia chuẩn bị phòng ăn, bữa ăn, hình
thành ở trẻ thói quen tự phục vụ.

- Luyện tập cho trẻ một số thói quen vệ sinh, hành vi văn minh trong ăn
uống như biết chào mời và không nói chuyện trong khi ăn…

* Làm quen cách bảo vệ và chăm sóc các bộ phận cơ thể, các giác
quan. Luyện tập một số thói quen tốt trong giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh
môi trường

- Dạy trẻ biết lợi ích việc giữ gìn sức khoẻ.

- Dạy trẻ tập rửa tay bằng xà phòng, làm quen với cách đánh răng, lau
mặt…

- Dạy trẻ tập rửa đồ chơi.

- Dạy trẻ cách giữ vệ sinh môi trường.

- Hướng dẫn trẻ biết nhận biết một số biểu hiện đơn giản khi ốm (ho,
sốt, đau bụng, đau đầu, đau răng), biết nói với người lớn và bước đầu biết
cách phòng tránh.

- Dạy trẻ nhận biết trang phục phù hợp với thời tiết, ích lợi của việc mặc
trang phục phù hợp với thời tiết đối với sức khoẻ, bước đầu tập mặc áo quần.
d) Nhận biết những nơi không an toàn, hành động nguy hiểm và
cách phòng tránh

- Giúp trẻ nhận biết, tránh xa những nơi và vật dụng nguy hiểm: bếp
lửa, nước sôi, ổ cắm điện, dao, kẻo, giếng, ao, hồ, bể nước, hố vôi. Dạy trẻ
không được đến gần canh, cơm còn nóng; không được chơi những vật sắc,
nhọn; không được ngậm hột hạt; không trêu chó, mèo.

- Dạy trẻ biết rằng không được tự mình đến trường hoặc về nhà khi
không được phép của cha mẹ (cô giáo). Trên đường đến trường không được
đi sát hồ, ao, vũng nước lớn; không được về cùng với người lạ khi cô giáo
chưa cho phép.

- Dạy cho trẻ biết phát hiện ra những chiếc ghế sắp gãy, thìa bát quá
cũ, không an toàn và báo cho người lớn.

- Không tự uống thuốc khi chưa được phép của người lớn.

2. Hướng dẫn thực hiện các hoạt động giáo dục dinh dưỡng và
sức khoẻ

a) Hình thức giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ

* Lồng ghép giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ trào hoạt động học tập
một cách trực quan, cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu hơn… làm phong phú cho nội
dung, phương pháp học tập

Ví dụ: Khi hướng dẫn trẻ hoạt động khám phá khoa học Một số đồ dùng
trong gia đình, cần đảm bảo yêu cầu: trẻ gọi đúng tên, biết công dụng của đồ
dùng. Sau đó, giáo viên có thể hướng dẫn trẻ cách sử dụng một vài đồ dùng
trong ăn uống phù hợp với nội dung của hoạt động khám phá khoa học như
tìm hiểu chức năng và cách sử dụng của thìa, cốc chén, bình đựng nước, bát.
Cho trẻ được thực hành sử dụng thìa, cốc, bát, bình đựng nước thông qua
một số hoạt động bé tập làm nội trợ như rót nước từ bình ra cốc, đong nước,
xúc chia bột (gạo, muối, đường); nhặt rau cho vào chậu/ rổ; tập pha nước
nước đường, nước chanh, nếm, thử thức ăn mà trẻ đã tạo ra…
Khi hướng dẫn trẻ hoạt động khám phá khoa học Một số loại quả, Một
số loại rau, Một số con vật nuôi trong gia đình, nên khai thác, mở rộng kiến
thức và thực hành dinh dưỡng cho trẻ như: lợi ích của con vật, rau, quả đối
với sức khoẻ con người, cần làm gì để đảm bảo vệ sinh thực phẩm trước khi
ăn, cách chọn rau quả (tươi, không dập nát, không bị thối,…), cách chế biến
đơn giản (nhặt rau muống, tuốt rau ngót, gọt vỏ, rửa quả…), cách ăn một số
loại hoa quả: gọt vỏ, bỏ hạt (cam bưởi, quýt) hay bóc vỏ ăn ruột (chuối), bỏ vỏ
ăn cùi, uống nước (ăn dừa).

* Đưa giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ vào hoạt động với chơi: Trò
chơi lô tô, chuyện kể, thơ ca, đồng dao, đóng kịch, tập tô, vẽ, xé, dán…

* Thực hiện giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ qua các hoạt động theo
thời điểm trong ngày, ở mọi lúc, mọi nơi: trong những hoàn cảnh có thể thực
hiện giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ một cách phù hợp.

- Thời điểm đón, trả trẻ: Khi trẻ đến lớp, cô nhắc nhở trẻ để guốc, dép
ngay ngắn, đúng nơi quy định, trò chuyện với trẻ để trẻ biết đi học cần ăn mặc
phù hợp với thời tiết, không được tự mình đến trường khi không được phép
của cha mẹ. Trên đường đi đến trường học, không được đi sát hồ, ao, vũng
nước lớn, không được về cùng với người lạ khi cô giáo chưa cho phép.

- Trong giờ dạo chơi ngoài trời: Cô cho trẻ quan sát, phân biệt, so sánh
các loại rau, quả, con vật, hướng dẫn cho trẻ một số nguyên tắc an toàn khi
chơi ngoài trời: chơi ở những nơi an toàn, không chơi gần hồ, ao, những đồ
chơi được phép chơi và không được phép chơi (vật sắc nhọn, nguy hiểm)…
Trong quá trình trẻ chơi ngoài trời, cô chỉ cho trẻ những nơi trẻ không được
đến gần như: giếng nước, vũng nước… và giải thích cho trẻ tại sao không
được đến gần. Nếu có bạn chẳng may bị ngã, phải báo ngay với cô giáo. Cô
nhắc nhở trẻ không đưa tay bẩn dụi lên mắt, không vứt rác ra sân trường,
không được chơi những vật sắc, nhọn; không được ngậm hột hạt, không
ngậm vật bẩn vào mồm và rửa tay sạch sẽ trước khi vào lớp.

- Trong giờ ăn, cô giới thiệu cho trẻ những thức ăn trẻ được ăn, nhắc
trẻ nhai kĩ, ăn uống gọn gàng.
- Giờ ngủ nhắc nhở trẻ đi vệ sinh trước khi đi ngủ, tự lấy gối ngủ, tuyệt
đối không được ra ngoài khi không được phép cô giáo.

- Hướng dẫn trẻ rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi tay bẩn.

- Thường xuyên nhắc nhở trẻ không vứt đồ chơi bừa bãi ra sàn nhà,
hướng dẫn trẻ thu dọn đồ chơi gọn gàng, sắp xếp đúng nơi quy định sau khi
chơi. Theo lịch vệ sinh, vào những thời điểm tổng vệ sinh đồ chơi, cô hướng
dẫn trẻ tham gia lau, rửa đồ chơi cùng cô.

- Phối hợp với gia đình để giáo dục dinh dưỡng, vệ sinh và sức khoẻ
cho trẻ tại gia đình, hình thành thói quen tốt về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi
trường, biết tự chăm sóc sức khoẻ và an toàn cho bản thân (ăn nhiều loại
thức ăn, không kiêng khem, mặc ấm, đi tất khi trời rét, đội mũ khi ra nắng,
không chơi cạnh hồ ao, không sờ vào điện, quạt.)

* Một số hình thức khác: Bản tin, ngày hội, ngày lễ, làm vườn, thăm
trang trại, đi chợ, siêu thị, Bé tập làm nội trợ…

b) Gợi ý tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ vào
một số chủ đề

Để triển khai hoạt động giáo dục dinh dưỡng - sức khoẻ cho trẻ ở độ
tuổi mầm non, cần lựa chọn các nội dung và các hình thức phù hợp cho trẻ ở
từng lứa tuổi. Lựa chọn các hình thức phù hợp sẽ làm cho trẻ tiếp nhận các
thông tin một cách hào hứng, không bị gò bó và gượng ép. Hình thức triển
khai các nội dung giáo dục dinh dưỡng - sức khoẻ thích hợp cho trẻ ở độ tuổi
mầm non nên theo phương thức tích hợp chủ đề, kết hợp giáo dục trong thời
điểm và tình huống thích hợp hằng ngày. Mỗi chủ đề được mở ra một cách
linh hoạt, có thể dựa vào các tình huống có thật xảy ra, ngẫu nhiên vào kế
hoạch hoạt động, đáp ứng nhu cầu và hứng thú của trẻ.

Ví dụ 1: Tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ vào chủ
đề "Bản thân":

- Nhu cầu và vai trò của dinh dưỡng đối với sức khoẻ: Cơ thể có nhiều
bộ phận khác nhau, các bộ phận giúp "tôi" chạy nhảy, đi lại, leo trèo… Muốn
khoẻ cần ăn uống nhiều loại thức ăn khác nhau: cơm, ngô, thịt, cá, trứng sữa,
cá đậu đỗ, dầu mỡ, rau quả… giúp con người không bị đói, mệt, "học giỏi", cơ
thể khoẻ mạnh, "lớn nhanh": cao hơn, nặng hơn…

- Kể tên các thực phẩm, dạng chế biến, món ăn giúp cho con người
khoẻ mạnh. Các món ăn ưa thích (không thích).

- Ăn uống đủ chất để cơ thể lớn lên và khoẻ mạnh. Một số thực phẩm
có lợi cho sức khoẻ: ăn nhiều rau xanh thẫm, quả vàng và đỏ có lợi cho mắt;
cá, tôm, rau bắp cải, cà rốt có lợi cho răng ăn nhiều rau xanh, quả chín đẹp
da…

- Các bữa ăn trong ngày: bữa ăn ở trường và ở nhà.

- Tập thói quen tốt về vệ sinh cá nhân: thân thể luôn sạch sẽ, quần áo,
đấu tóc sạch và gọn, móng tay ngắn và sạch.

- Một số bệnh liên quan đến ăn uống: ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ
trước khi ăn phòng bệnh tiêu chảy.

- Tập tự phục vụ trong sinh hoạt: tập rửa tay, tự lấy nước uống, cất cốc,
bát sau khi ăn, uống.

- Giữ gìn và bảo vệ sức khoẻ: giữ gìn vệ sinh ăn uống, ngủ đúng giờ,
có lợi cho sức khoẻ.

- Một số biểu hiện khi ốm: nét mặt buồn, người mệt mỏi, chóng mặt,
đau đầu.

- Trang phục phù hợp thời tiết: đội mũ khi đi nắng, mùa đông biết đi tất,
quàng khăn mặc quần áo ấm, trò chuyện về trang phục của bé.

- Phòng tránh nguy hiểm: không đi chân đất, dạy trẻ nhớ tên bố mẹ, địa
chỉ số nhà và nói với người lớn khi bị lạc, vì sao phải cẩn thận khi chơi với đồ
chơi…

Ví dụ 2: Tích hợp nội dung giáo dục dinh dưỡng và sức khoẻ vào chủ
đề “Trường mầm non”:
- Làm quen với các món ăn tại trường, tập ăn hết suất, rèn luyện hành
vi văn minh trong ăn uống: ăn uống gọn gàng, không nói chuyện, trêu chọc
bạn khi ăn.

- Tập tự phục vụ trong sinh hoạt hằng ngày tại trường: tự cất, dọn đồ
dùng ăn uống sau khi ăn, lấy gối lên thường đi ngủ.

- Tập luyện thói quen tốt về vệ sinh cá nhân, đi vệ sinh đúng nơi quy
định. Giữ gìn vệ sinh môi trường: không khạc nhổ nơi công cộng, vứt rác
đúng nơi quy định.

- Tập thể hiện bằng lời nói với cô giáo một số dấu hiệu khi bị ốm.

- Nhận biết những vật dụng, nơi an toàn và không an toàn tại trường.
Không theo người lạ không ra khỏi khu vực lớp, trường khi chưa được phép
của cô giáo. Giữ an toàn cho bản thân và cho bạn khi chơi.

II - GỢI Ý MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

Hoạt động 1: Nếm thức ăn

Mục đích: Trẻ biết được các vị khác nhau của thức ăn: ngọt, đắng,
chua, chát, béo ngậy, thông qua đó, trẻ nhận biết thức ăn, cách ăn và có thái
độ vui vẻ chấp nhận thức ăn.

Chuẩn bị: Nguyên vật liệu: bát, đĩa, thìa, dao nhựa, 5 rổ 5 màu (xanh,
đỏ, vàng, trắng, nâu tuỳ theo), 1 rổ đựng các hòn sỏi. Có đủ thực phẩm cho
trẻ nếm:

- Thức ăn có vị ngọt: chuối chín, hồng xiêm chín, đường…

- Thức ăn có vị mặn: nước mắm, muối, xì dầu…

- Thức ăn có vị chua: chanh, cam, khế…

- Thức ăn có vị chát: chuối xanh, hồng xiêm xanh.

- Thức ăn có vị béo ngậy: bơ, dầu ăn, quả bơ, dừa.

Tiến hành
Để mỗi loại thức ăn vào một đĩa. Chuẩn bị 5 cái rổ. Rổ màu xanh biểu
thị vị chua, rổ màu đỏ biểu thị vị ngọt, rổ màu vàng biểu thị vị chát, rổ màu nâu
biểu thị vị mặn, rổ màu trắng biểu thị vị béo ngậy. Trẻ tự chọn thức ăn để thử,
mỗi lần mỗi thứ và miêu tả cho các bạn nghe về vị của thức ăn mà mình vừa
nếm. Sau đó, trẻ nhặt 1 hòn sỏi và bỏ vào rổ tương ứng. Có thể bịt mắt trẻ và
cho trẻ nếm một thức ăn bất kì để trẻ miêu tả vị của loại thức ăn đó. Sau khi
trẻ đã nếm thử xong, cô giáo đặt câu hỏi cho trẻ nhắc lại những thức ăn có vị
"chua", "đắng", "ngọt", "chát", "béo ngậy". Có thể cho trẻ đếm số lượng của
mỗi loại.

Gợi ý lồng ghép vào các chủ đề: Bản thân, Gia đình, Thế giới thực vật,
Thế giới động vật.

Hoạt động 2: Làm gì khi em bé đói

Mục đích: Trẻ biết nói cần làm gì khi đói, khát.

Chuẩn bị: Búp bê, đồ chơi phục vụ ăn uống (bát, thìa, cốc…)

Tiến hành: Trong lớp.

Có thể tiến hành ở góc chơi gia đình khi trẻ đang chơi ở đó. Giáo viên
bế em bé búp bê, nói với trẻ rằng em bé đang đói. Hỏi trẻ xem cần làm gì và
chú ý xem trẻ có thể nói về thức ăn và và chỉ cách cho em bé ăn như thế nào.
Khuyến khích trẻ chơi và sử dụng nhiều từ mới, biết diễn đạt nhu cầu khi
chơi.

Gợi ý lồng ghép vào các chủ đề: Bản thân, Gia đình.

Hoạt động 3: Bé tập rửa tay

Mục đích

- Dạy trẻ biết rửa tay sạch sẽ.

- Giúp trẻ có thói quen giữ gìn tay chân luôn sạch sẽ.

Chuẩn bị

- Xà phòng rửa tay.


- Gáo múc nước, chậu đựng nước.

Nếu có vòi nước nên dạy cho trẻ rửa tay dưới vòi nước sạch. Nếu
không có vòi nước chảy, có thể hướng dẫn trẻ dùng gáo múc nước đổ ra
chậu để rửa hoặc cô giáo, cha mẹ, bạn khác múc nước dội cho trẻ rửa tay.
Cần phải chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ.

Tiến hành

Trước khi hướng dẫn cách rửa tay, cô có thể giải thích cho trẻ biết tại
sao phải rửa tay sạch sẽ (Vì nếu tay bẩn sờ vào quần áo làm bẩn và xấu
quần áo, đưa lên mắt có thể gây đau mắt, cho vào mồm có thể đau bụng đo
mắc bệnh giun sán…, do đó cần rửa tay sạch…). Cần phải rửa tay trước khi
ăn, khi tay bẩn, sau khi đi vệ sinh.

Hướng dẫn trẻ cách lấy nước: lấy nước từ vòi nước hoặc múc từ trong
xô, chậu, thùng, bể…

- Lấy nước từ vòi

+ Đối với kiểu thùng có vòi xoay: Khi mở, vặn ngược chiều kim đồng
hồ, vặn vừa phải để nước không bắn vào quần áo. Dùng xong, đóng vòi bằng
cách vặn theo chiều kim đồng hồ (hướng dẫn cụ thể để trẻ thực hành).

+ Đối với kiểu vòi “gật gù”: Lấy nước bằng cách đặt tay vào phía dưới
cần gạt, nâng nhẹ lên trên, hướng dẫn trẻ đẩy vừa phải để nước không chảy
mạnh quá, bắn vào quần áo. Dùng xong, tắt vòi bằng cách ấn nhẹ xuống dưới
về vị trí ban đầu.

- Dùng gáo lấy nước: Hướng dẫn trẻ cách cầm gáo, cách múc nước đổ
vào chậu hoặc hướng dẫn trẻ múc nước cho bạn rửa tay, dùng gáo xong treo
gáo (hoặc úp gáo) cẩn thận, không để gáo dưới đất. Nên có vật hứng nước
bẩn đặt phía dưới vòi nước, nếu dùng chậu, khi chậu đầy nước, phải đổ đi để
nước bẩn không bắn vào người.

Nên có thảm đặt dưới chân trẻ để tránh trơn trượt.

- Hướng dẫn các thao tác


Xắn cao tay áo, đưa tay vừa tầm xuôi dưới vòi nước sạch, sao cho
nước chảy từ cổ tay xuống làm ướt toàn bộ tay. Xoa hai lòng bàn tay vào
nhau làm sạch lòng bàn tay. Lấy xà phòng, xoa xà phòng vào lòng bàn tay, cổ
tay, bàn tay, ngón tay. Rửa nhẹ nhàng theo các bước: xoa hai lòng bàn tay
cho sạch xà phòng, sau đó dùng tay này kì tay kia từ cổ tay, mu bàn tay, ngón
tay, kẽ ngón tay, đầu ngón tay, lòng bàn tay, dùng tay này kì cọ cho tay kia
nhiều lần xuôi theo dòng nước chảy, kì chỗ bẩn cho đến khi sạch xà phòng
mới thôi. Vẩy tay cho hết nước, lau khô tay, bỏ ống tay áo xuống. Nếu dùng
gáo, cô có thể hướng dẫn trẻ dội cho nhau rửa theo cách trên.

Nếu rửa tay bằng chậu, các bước cũng tương tự như trên, nhưng sau
mỗi lần rửa, đổ nước bẩn, tráng chậu, múc nước khác. Nhúng tay vào chậu
nước mới múc, kì nhẹ một lượt, vẩy tay, lau khô tay. Bỏ ống tay áo xuống.

Sau khi rửa tay cho trẻ xong, cô giáo, cha mẹ nên trò chuyện, hỏi để trẻ
nhắc lại những điều cô và cha mẹ đã dạy, trên cơ sở đó giúp trẻ ghi nhớ
những điều đã học.

Đối với những trẻ lần đầu thực hành rửa tay, cô giáo, cha mẹ có thể
làm mẫu cho trẻ xem, sau đó để cho trẻ bắt chước theo, tiếp đó mới để trẻ tự
rửa với sự giúp đỡ của người lớn. Dần dần, khi trẻ đã quen, cô giáo, cha mẹ
để trẻ tự rửa và nhắc trẻ làm đúng động tác theo thứ tự đã hướng dẫn cho
trẻ.

Lưu ý:

- Động viên trẻ để trẻ mau tiến bộ.

- Các dụng cụ phải để đúng nơi quy định, thuận tiện và đảm bảo an
toàn cho trẻ.

- Rèn cho trẻ có thói quen rửa tay khi tay bẩn, trước khi ăn, sau khi đi
vệ sinh.

- Khi rửa tay cần rửa kĩ kẽ tay, rửa sạch xà phòng.

- Tiết kiệm nước sạch.


- Có thể thông qua bài hát, chuyện kể, thơ ca để giáo dục trẻ giữ vệ
sinh thân thể.

Xinh đẹp

(Tác giả: Kim Giao)

Xinh xỉnh xình xinh

Bàn tay trắng tinh

Mặt mày sạch sẽ

Áo, quần gọn ghẽ

Chân đi dép, giày

Bé không chơi, vầy

Lê la dưới đất

Thế là đẹp nhất

Cô quý, bạn yêu.

Gợi ý lồng ghép lào các chủ đề: Bản thân, Gia đình, Nước và hiện
tượng thiên nhiên.

Hoạt động 4: Vì sao phải cẩn thận?

Mục đích: Biết một số nguy hiểm thường gặp.

Tiến hành: Trong hoặc ngoài lớp.

Kết hợp với tình huống xảy ra, giáo viên lưu ý trẻ cần cẩn thận đối với
những vật có thể gây nguy hiểm. Giúp trẻ nói ra vì sao chúng cần cẩn thận.

Nam mang những quả bóng bay đến lớp nhân ngày sinh nhật.

Bóng bay thật là đẹp, nhưng chúng ta phải cẩn thận với chúng.

Các con có biết không được làm gì với những quả bóng bay không?

Đúng rồi, không được ngậm vào miệng.

Vì sao không được ngậm bóng vào miệng?Đúng rồi! Vì nó độc..


Vì sao phải cẩn thận là đề tài thú vị cho thảo luận nhóm. Giáo viên có
thể đưa hoạt động này khi có tình huống thích hợp như: cẩn thận với các
dụng cụ chơi ngoài trời, khi ăn, uống…

Gợi ý lồng ghép vào các chủ đề: Bản thân, Gia đình, Trường mầm non.

NỘI DUNG 2: GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG

Các mốc phát triển

• Đi nhanh nhẹn và phối hợp chân tay nhịp nhàng.

• Đi thăng bằng trong đường hẹp.

• Có thể đi trên ván dốc.

• Chạy được theo hướng thẳng.

• Đứng trên một chân khoảng 3 giây.

• Biết đi xe đạp ba bánh.

• Bật xa bằng hai chân khoảng 25cm.

• Bật hai chân liên tục lên trước (45 lần).

• Ném xa bằng một tay khoảng 3m.

• Bắt bóng bằng hai tay.

• Có thể nhào và lăn đất nặn.

• Xây tháp 9-10 khối vuông.

• Xâu được chuỗi hạt nhỏ.

• Biết cầm kẻo cắt theo đường thẳng.

• Dùng bút tô màu tranh và có thể vẽ một số hình theo mẫu.

• Tự cài cúc.
• Xoáy đóng, mở nắp chai.

A - CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN


Các hoạt động

- Các hoạt động phát triển các nhóm cơ và hô hấp.

- Các hoạt động phát triển vận động cơ bản.

- Các hoạt động phát triển sự khéo léo của tay.

I - HƯỚNG DẪN CHUNG

1. Hướng dẫn thực hiện các động tác phát triển các nhóm cơ và
hô hấp

a) Hướng dẫn tập các động tác

* Động tác hô hấp: Bao gồm động tác hít vào thật sâu và thở ra từ từ.

- Hít vào thật sâu khi mở rộng lồng ngực bằng động tác: hai tay dang
ngang, đưa tay ra trước giơ lên cao.

- Thở ra từ từ khi thu hẹp lồng ngực bằng động tác: hai tay thả xuôi
xuống, đưa tay ra trước, bắt chéo trước ngực.

- Hít vào, thở ra kết hợp với sử dụng đồ vật (dải lụa, sợi len…) hoặc bắt
chước tiếng kêu của động vật, đồ vật.

* Các động tác phát triển cơ tay và bả vai

- Đứng thẳng, hai chân ngang vai - Hai tay đưa thẳng lên cao quá đầu -
Đưa thẳng ra phía trước, ngang vai - Đưa sang ngang - Hạ xuống xuôi theo
người.

- Hai tay đưa sang ngang cao bằng vai - Giơ thẳng cao quá đầu - Đưa
sang ngang cao bằng vai - Hạ xuống xuôi theo người.
- Đứng thẳng, hai tay để trước ngực - Hai cánh tay xoay tròn vào nhau -
Đưa hai tay lên cao - Hai tay để trước ngực - Hạ xuống xuôi theo người.

- Đứng thẳng - Đưa tay phải về trước, tay trái phía sau và ngược lại -
Đưa hai tay lên cao ngang vai - Hạ xuống xuôi theo người.

- Đứng thẳng - Tay phải đưa lên cao, hạ xuống, đưa tay trái lên cao -
Đưa hai tay sang ngang - Hạ xuống xuôi theo người.

* Các động tác phát triển cơ lưng, bụng

- Hai tay đưa thẳng lên cao, hai chân ngang vai - Cúi xuống, hai tay
chạm đất - Đứng lên, hai tay giơ thẳng lên cao - Hai tay hạ xuống xuôi theo
người, hai chân khép lại - Hai tay chống hông, đứng thẳng.

- Hai tay chống vào hông - Nghiêng sang phải - Đứng thẳng - Hai tay
chống hông, nghiêng sang trái.

- Hai tay chống hông, quay người sang phải - Hai tay thả xuôi, đứng
thẳng - Hai tay chống hông, quay người sang trái - Hai tay thả xuôi, đứng
thẳng.

- Đứng thẳng, hai bàn tay để sau lưng - Cúi người về phía trước - Đứng
thẳng, hai tay để sau lưng - Ngẩng đầu, ngả người về phía sau - Đứng thẳng,
hai tay để sau lưng.

- Hai tay đưa lên cao hoặc để sau gáy - Nghiêng người sang phải -
Đứng thẳng, hai tay giơ thẳng lên - Nghiêng người sang trái - Đứng thẳng, hai
tay đưa cao - Hạ xuống.

* Các động tác phát triển cơ chân

- Đứng hai chân chụm vào nhau, hai tay chống hông - Nhún xuống, đầu
gối khuỵu - Đứng lên.

- Đứng thẳng - Nhảy tách hai chân sang ngang, kết hợp đưa hai tay
dang ngang - Nhảy đưa chân về, hai tay xuôi theo người.
- Đứng thẳng, tay chống hông, một chân làm trụ, chân kia đưa lên phía
trước - Đưa chân về phía sau - Đưa sang ngang - Đưa chân về vị trí ban đầu.
Đổi chân làm trụ, tập tiếp.

- Đứng hai chân ngang vai, một chân làm trụ, chân kia co cao đầu gối -
Đổi chân.

- Đứng thẳng, tay chống hông, nhảy lên phía trước - Nhảy lùi về phía
sau - Nhảy sang bên phải - Nhảy sang bên trái.

b) Lựa chọn động tác xây dựng bài tập phát triển các nhóm cơ và
hô hấp

Các động tác trong bài tập được sắp xếp theo một trình tự nhất định:
Động tác hô hấp - động tác phát triển cơ tay và bả vai - các động tác phát
triển cơ lưng, bụng rồi đến các động tác phát triển cơ chân. Một bài tập bao
giờ cũng đầy đủ các động tác trên để tác động phát triển toàn diện đến cơ
thể.

Mỗi bài tập thường có 4-5 động tác, mỗi động tác tập từ 3-4 lần. Bài tập
phát triển các nhóm cơ và hô hấp được sử dụng trong các hình thức:

+ Bài tập thể dục sáng.

+ Bài tập phát triển chung trong hoạt động học phát triển vận động.

Để trẻ vui vẻ, hứng thú với hoạt động, nên đặt tên các bài tập (hoạt
động) có hình ảnh gần gũi với trẻ và phù hợp với chủ đề như: Gà trống, Chim
sẻ, Những quả bóng màu…

c) Tổ chức tập luyện

* Nơi tập

Có thể tập ngay trong lớp học, nhưng tốt nhất là cho trẻ tập ở ngoài trời
để trẻ có cơ hội được tiếp xúc với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành.
Nơi tập của trẻ phải được bảo đảm vệ sinh và an toàn tuyệt đối.

* Thời gian tập


- Bài tập thể dục sáng tập hằng ngày, tập ngay sau giờ đón trẻ.

- Bài tập phát triển chung, tập trong giờ hoạt động học phát triển vận
động (giờ thể dục trước đây).

* Dung cụ

Sử dụng các dụng cụ nhỏ, vừa tay trẻ cầm; dụng cụ có thể là: gậy, lá
cờ, dải lụa màu, vòng, bóng… Trước khi cho trẻ tập, cần chuẩn bị đầy đủ
dụng cụ cho trẻ và giáo viên.

* Hướng dẫn trẻ tập

Thực hiện bài tập ở các đội bình khác nhau: đứng tự do, đứng thành
vòng tròn, đứng theo hàng dọc hoặc hàng ngang. Mỗi bài được tiến hành
trong thời gian từ 3 đến 4 tuần.

Cô thực hiện các động tác chính xác và chậm vừa phải, trẻ nhìn cô làm
và tập theo.

Bài tập thể dục sáng

Thể dục sáng tiến hành sau khi đón trẻ, thực hiện ở ngoài sân (trừ
những ngày mưa và quá lạnh).

- Trước tiên, cho trẻ đi bộ hoặc chạy nhẹ nhàng một vài vòng quanh lớp
hoặc sân (khoảng 1-2 phút); sau đó, cho trẻ đứng thành 2 3 hàng hoặc thành
vòng tròn để tập.

- Với bài tập trẻ mới biết, cô tập cùng với trẻ (cô cần đứng ở vị trí sao
cho tất cả trẻ trong lớp đều nhìn thấy).

- Nên kết hợp âm nhạc, bài hát phù hợp trong tập thể dục để trẻ hào
hứng, buổi tập không bị đơn điệu.

- Một tuần nên thay đổi 1-2 động tác trong bài.

Bài tập phát triển chung


Những động tác tập phát triển các nhóm cơ và hô hấp được sử dụng
trong thể dục sáng và trong phần trọng động của bài tập vận động trong hoạt
động học phát triển vận động.

Bài tập bao gồm:

- Những động tác phát triển hô hấp: Động tác từ 1- 4 tập cho trẻ thở ra,
hít vào sâu. Động tác 5: hít vào, thở ra sâu. Tất cả các động tác thực hiện với
tư thế đứng tự nhiên, chân đứng rộng bằng vai, tay thả xuôi, đầu không cúi.

- Những động tác phát triển cơ tay - vai: Đưa tay ra trước, đưa tay lên
cao mắt nhìn theo tay. Đưa tay ra sau, đưa tay dang ngang - thẳng ngang vai.
Các động tác thực hiện với tư thế đứng tự nhiên, chân đứng rộng bằng vai,
đầu không cúi.

- Những động tác phát triển cơ chân: Động lác ngồi xổm phải ngồi thấp
(không ngồi lưng chừng), khi co duỗi chân đưa đầu gối về phía trước ngực
(không đưa sang hai bên). Tư thế chuẩn bị: đứng tự nhiên, chân đứng rộng
bằng vai, tay thả xuôi, đầu không cúi.

- Những động tác phát triển cơ bụng - lườn: Khi thực hiện động tác cúi
người về trước - yêu cầu chân phải thẳng, cúi thấp nhiều. Nghiêng người
sang hai bên thì đầu không cúi, không gập bụng.

- Động tác bật - nhảy: Yêu cầu nhún bật bằng hai chân, khi chạm đất
bằng hai đầu bàn chân. Tư thế chuẩn bị: đứng thẳng, tay chống hông hoặc
đưa cao. Bật về trước hoặc bật tại chỗ theo nhịp.

- Lưu ý: Nên lựa chọn các động tác phù hợp với vận động cơ bản.

Những ngày có thể dục sáng và hoạt động học phát triển vận động thì
Bài tập phát triển chung cho trẻ tập nhẹ nhàng hơn, có thể số lần tập ít hơn.

2. Hướng dẫn các kĩ năng vận động cơ bản

a) Hướng dẫn thực hiện các hoạt động

* Đi, chạy và thăng bằng


- Đi và thực hiện theo hiệu lệnh: Cô cho trẻ đi và làm động tác hoặc
thay đổi tốc độ theo hiệu lệnh của cô: "Tay chống hông", "Đi chậm", "Đi
nhanh" khoảng 4-5 lần.

- Đi trên đường thẳng: Đi theo vạch kẻ hoặc hàng gạch trên sân. Trẻ đi
đúng đường, không chệch ra ngoài, phối hợp tay - chân, thẳng người.

- Đi trên đường hẹp, trên ghế TD (cao 15 cm - rộng 20 cm) - ban đầu
cho trẻ đi trên đường hẹp kẻ dưới đất; dần dần, cho trẻ đi trên bờ tường thấp,
ghế TD.

- Đi có đội vật ở trên đầu hoặc bê vật hoặc ôm giữ một quả bóng bằng
hai tay: Cho trẻ đi theo hướng thẳng, trên đầu đội túi cái, hoặc ôm giữ một
quả bóng đường kính khoảng 20cm, không ôm sát vào người, giữ bằng hai
bàn tay, phía trước ngực cách khoảng kiêm, đầu không cúi, mắt nhìn thẳng,
chân bước đều, người giữ thẳng ngay ngắn.

- Đi bước qua dây (gậy): Trẻ đi bước qua 4-5 dây (gậy) đặt cách đều
nhau khoảng 25cm. Yêu cầu trẻ khi bước qua không giẫm vào dây (gậy).

- Đi kiễng gót: Đi nhón trên mũi bàn chân, kiễng gót. Động tác này cho
trẻ đi kiễng gót khoảng 1,5-2 mà tiếp tục đi thường khoảng 2m, rồi lại đi kiễng
2m, đi thường 2m (thay đổi 2-3 lần).

- Chạy theo cô: Trẻ xếp thành hàng dọc, chạy theo cô. Cô chạy chậm
vừa phải, được khoảng 3m, cô đổi hướng rẽ vòng về bên phải (hoặc trái),
được khoảng 3m, cô đổi hướng chạy một lần nữa và trở về vị trí ban đầu. Cô
có thể đổi hướng chạy hai lần ngược nhau (lần trước vòng bên phải, lần sau
vòng bên trái) hoặc chạy theo vòng tròn tuỳ theo điều kiện thực tế. Nhắc trẻ
không chen lấn, xô đẩy nhau.

- Chạy thay đổi tốc độ theo hiệu lệnh: cô thực hiện cùng trẻ. Cho trẻ
xếp hàng ngang (tốp nhỏ), cô đứng cạnh cùng hàng của trẻ. Bắt đầu: chạy
bình thường, tốc độ vừa phải được khoảng 2,5-3m, cô hô "chạy nhanh" cô và
trẻ cùng chạy nhanh. Chạy nhanh khoảng 3-4m, cô hô "Chạy chậm lại", cô và
trẻ cùng chạy chậm lại, sau đó cho trẻ dừng.
- Chạy nhanh khoảng 10 m: Chạy nhanh và thẳng hướng, khi chạy
không cúi đầu, chạy trong khoảng 10 giây.

- Chạy theo đường dích dắc: Đường dích dắc có độ rộng khoảng 50cm,
có 3 điểm dích dắc (xem hình vẽ). Khoảng cách giữa 2 điểm dích dắc khoảng
2m. Trẻ đứng ở 1 đầu, khi có lệnh của cô trẻ phải chạy theo trong đường dích
dắc đó đến hết rồi vòng ra ngoài và về chỗ.

- Chạy theo bóng và bắt bóng: Cô lăn bóng cho trẻ chạy theo bóng
hoặc mỗi trẻ một quả bóng tự lăn bóng rồi đuổi theo bắt bóng.

- Đứng co một chân: Yêu cầu trẻ đứng trên một chân, một chân co gấp
gối. Tư thế chuẩn bị đứng tự nhiên, hai tay chống vào hông, đứng trên một
chân, chân kia từ từ co lên gập đầu gối. Cô có thể đếm 1-2-3… để khuyến
khích trẻ giữ thăng bằng và đứng được lâu hơn.

* Bật, nhảy

- Bật nhảy tại chỗ: Tư thế chuẩn bị: đứng tự nhiên, hai tay chống hông.
Động tác bật: Bật thẳng người lên cao, chạm đất bằng đầu bàn chân. Cho trẻ
bật 3-5 lần liên tiếp tuỳ theo khả năng của trẻ.

- Nhảy xa 25-30cm: Tư thế chuẩn bị như bật nhảy tại chỗ. Cho trẻ bật/
nhảy qua hai vạch kẻ hoặc bật qua tờ bìa có độ rộng 25-30 cài đặt trên sàn.

Yêu cầu trẻ bật/ nhảy cùng một lúc cả hai chân qua hai vạch kẻ (hoặc
tờ bìa), bàn chân không chạm giẫm vào vạch. Mỗi trẻ tập 4-5 lần.

* Bò, trườn, trèo

- Trườn theo hướng thẳng: Trẻ thực hiện trườn hoặc bò trong hoặc theo
đường thẳng khoảng 40cm.

- Bò, trườn chui dưới dây (cổng): Cổng hình cung (cao 40 cm, rộng 40
cm), hoặc căng một sợi dây cao cách sàn 40cm. Trẻ trườn, bò chui qua cổng
dưới dây mà không bị chạm hoặc làm đổ cổng.
- Bò theo đường dích dắc: Đường dích dắc có 3-4 điểm dích dắc cách
nhau khoảng 2m. Tổ chức cho trẻ lần rượt, liên tục bò trong đường dích dắc.
Mỗi trẻ thực hiện hai lần.

- Bò, trườn và trèo qua vật cản: Dùng chăn (chiếu) cuộn lại để làm vật
cản. Trẻ từ chỗ chuẩn bị của mình, bò tới vật cản, trèo qua rồi bò tiếp.

- Trèo lên, xuống bậc thang: Cho trẻ trèo lên xuống bậc thang hoặc trèo
lên xuống ghế thấp (độ cao khoảng 15 cm) có sự giúp đỡ của cô (lần lượt
bước từng chân lên ghế và đưa từng chân xuống đất, tay bám giữ vào thành
ghế).

* Tung, ném, bắt

- Ném xa bằng một tay: Trẻ đứng chân trước, chân sau. Một tay cầm
bóng (bóng nhỏ) hoặc túi cát ném mạnh về phía trước. Lưu ý tay ném và
chân đặt trước trái chiều nhau (tay phải ném thì chân phải đặt sau, chân trái
đặt trước). Cho trẻ đổi tay để hai tay cùng được rèn luyện.

- Ném xa bằng hai tay: hai tay cùng cầm một vật (bóng, túi cát) để ném
mạnh về phía trước. Khoảng cách ném tuỳ theo khả năng của trẻ.

- Ném trúng đích bằng một tay: Trẻ đứng cách đích (xô/ rổ) khoảng
1,5m, một tay cầm bóng và ném trúng vào xô (rổ) để phía trước.

- Tung bóng lên cao bằng hai tay: Trẻ cầm bóng bằng hai tay (bóng
nhựa có đường kính khoảng 15 cm và tung bóng lên cao - bóng rơi xuống đất
- trẻ nhặt bóng và thực hiện tiếp. Chuẩn bị mỗi trẻ một quả bóng hoặc 2-3 trẻ
một quả để trẻ được vận động nhiều, liên tục.

- Tung bóng cho cô: Cô đứng đối diện, cách trẻ 2m. Trẻ hai tay cầm
bóng tung cho cô. Cô đón bắt lấy bóng rồi đặt bóng xuống sàn lăn lại cho trẻ,
trẻ đón bóng nhặt lên và tung lại cho cô. Cho trẻ tập 3-5 lần.

- Đập bóng xuống sàn: Trẻ hai tay cầm bóng (bóng có đường kính
khoảng 15cm), đập bóng xuống sàn; sau đó, nhặt bóng và tiếp tục đập. Hoặc
bắt được bóng khi bóng nảy lên, tiếp tục đập xuống sàn. Thực hiện khoảng 5-
6 lần.

- Bắt và tung bóng với cô bằng 2 tay: cô đứng cách trẻ khoảng 1,5m
tung bóng cho trẻ bằng 2 tay, trẻ đón bóng bằng 2 tay và tung lại cho cô (bóng
có đường kính khoảng 15cm).

b) Hướng dẫn lựa chọn nội dung và tổ chức thực hiện

Căn cứ vào nội dung trong chương trình theo độ tuổi; căn cứ vào thời
gian/ thời điểm thực hiện bài tập ở vào giai đoạn nào của chương trình năm
học; căn cứ vào mức độ phát triển, khả năng thực tế của trẻ, xây dựng một kế
hoạch nội dung các vận động tập luyện cho trẻ, xác định độ khó của từng bài
tập và sắp xếp theo trình tự để đưa vào hướng dẫn trẻ cho phù hợp đi từ dễ
đến khó đảm bảo củng cố, phát triển những vận động trẻ đã biết, đồng thời
chuẩn bị cho những vận động sắp xuất hiện. Nội dung trong chương trình đã
được trình bày theo từng loại vận động và theo mức độ tăng dần từ dễ đến
khó.

Các bài tập vận động cần sắp xếp để thực hiện đi từ dễ đến khó, từ
đơn giản đến phức tạp như: "Đi trong đường hẹp"  "Đi theo đường thẳng"
(khi đi chân không được bước chệch ra khỏi đường thẳng)  Đi trên tấm ván
đặt trên sàn  "Đi trên ghế thể dục"  "Đi trên ván dốc"… hoặc khi tập cho
trẻ các bài tập Bật, nhảy thì hướng dẫn trẻ "Nhún bật tại chỗ" trước rồi mới
tập "Bật nhảy lên phía trước" và tập "Bật xa"… Các vận động khác (Chạy Bò,
trườn; Tung, ném, bắt) cũng cần sắp xếp tương tự như vậy.

Trong kế hoạch triển khai chủ đề, phải lựa chọn các nội dung trong
chương trình và sắp xếp để đưa vào hoạt động học có chủ định sao cho mỗi
chủ đề đều phải thực hiện đấy đủ các nội dung của vận động cơ bản bao gồm
các vận động: Đi, Chạy, Bò (trườn), Tung, Ném- Bắt và Bật nhảy.

Một hoạt động học có chủ định có một vận động cơ bản mới, vận động
khó cần tập luyện cho trẻ và một trò chơi vận động hoặc một đến hai vận
động ôn luyện thực hiện dưới hình thức trò chơi. Vận động mới và vận động
ôn luyện không cùng một dạng vận động.

Tuỳ điều kiện thực tế sẵn có (nếu phù hợp), có thể tận dụng các bậc lên
xuống, các đường dắt xe lên xuống có chiều dài khoảng 3-5 bậc cầu thang,
hoặc các gờ xây ở sân, ở vườn hoa… để cho trẻ tập luyện thay thang leo
hoặc ghế thể dục…

Hướng dẫn trẻ tập theo phương pháp hướng dẫn tập của bài tập vận
động cơ bản.

Tổ chức tập luyện

* Nơi tập

Cho tập ở trong lớp hoặc ở ngoài trời tuỳ thuộc vào điều kiện sân bãi,
thời tiết và nội dung hoạt động. Nơi tập phải bằng phẳng, đảm bảo vệ sinh và
an toàn cho trẻ.

* Thời gian thực hiện

- Mỗi lần tập khoảng 15 - 20 phút.

- Thực hiện trong Hoạt động học có chủ định.

- Được củng cố và rèn luyện trong các hoạt động khác trong ngày như
Hoạt động ngoài trời hay Hoạt động chiều…

* Hình thức

Tổ chức dưới dạng các bài tập, trò chơi. Có thể tiến hành với cả lớp
hay lần lượt từng nhóm 4-5 trẻ hoặc nhóm 2-3 trẻ hay hướng dẫn từng cá
nhân tuỳ theo nội dung và điều kiện thực tế.

* Dụng cụ

Ghế thể dục, dây thừng, ván gỗ, thang leo, bóng, cổng hình vòng cung,
vòng… hoặc đồ dùng sẵn có nếu phù hợp.

* Thực hiện

• Hoạt động học có chủ định gồm 3 phần:


- Khởi động: Đi, chạy nhẹ nhàng 1-2 phút, sau đó đứng thành vòng
tròn, vòng cung hoặc hàng ngang theo tổ.

- Trọng động: Khoảng 12-15 phút.

+ Tập bài tập phát triển cơ và hô hấp theo trình tự: thở, tay - vai, thân
mình, chân.

+ Tập 2 vận động cơ bản (1 VĐ mới, 1 VĐ ôn luyện thực hiện dưới hình
thức trò chơi), hoặc 1 VĐCB và 1 TCVĐ mà trẻ đã biết và không cùng dạng
với VĐCB (Ví dụ: VĐCB là ném - "Ném trúng đích" hoặc "Ném xa" thì trò chơi
VĐ có thể là "Mèo đuổi chuột" hay "Cáo và thỏ"). Hoặc vận động cơ bản mới
là "Chạy - Chạy đổi hướng" và vận động ôn luyện là "Bò - Bò theo đường dích
dắc và "Lăn bóng bằng hai tay".

- Hồi tĩnh: Vận động nhẹ nhàng 1-2 phút hoặc 1 TCVĐ tĩnh (Ví dụ trò
chơi bàn tay, ngón tay) để chuyển sang hoạt động khác.

• Tổ chức hoạt động vận động tích hợp theo chủ đề hoặc gắn với chủ
đề

- Tuỳ theo nội dung cụ thể của mỗi hoạt động (hoạt động học hay trước
đây gọi là giờ thể dục) nếu phù hợp cô tổ chức thực hiện gắn với chủ đề.

- Cô cần hiểu rõ, tích hợp trong hoạt động vận động là bao gồm:

+ Tích hợp nội dung theo chiều dọc: Đó là các vận động được đưa vào
phối hợp với nhau trong hoạt động (bài tập).

+ Tích hợp nội dung theo chiều ngang: Đó là hoạt động vận động không
chỉ giúp trẻ phát triển các kĩ năng vận động mà còn phát triển cho trẻ cả về
các mặt nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm - xã hội và thẩm mĩ qua các trao đổi
giữa cô và trẻ, giữa trẻ với nhau về nội dung, nhiệm vụ v.v… của hoạt động,
và cũng qua đó cô cho trẻ biết vẻ đẹp của cơ thể phát triển cân đối, hài hoà,
dáng đi, đứng ngay ngắn.

+ Tích hợp gắn với chủ đề: Hoạt động phát triển vận động có thể tổ
chức thực hiện gắn với chủ đề hoặc hướng vào chủ đề, ví dụ: "Đi trong
đường hẹp có mang/ bê vật trên tay" - "Bé giúp mẹ mang rau về nhà" hay
"Thu hái quả" v.v…

Việc tích hợp nên thực hiện linh hoạt khi phù hợp, nếu quá gò vào chủ
đề thì hoạt động trở nên khiên cưỡng, cứng nhắc, mất tự nhiên.

Lưu ý: Để hoạt động học phát triển vận động được hấp dẫn, không làm
trẻ mệt mỏi, cô cần:

- Đưa thêm nhiều các yếu tố của trò chơi vào bài tập.

- Các động tác trong bài tập không nên hoàn toàn mới, ví dụ: nếu có 3
động tác thì 2 động tác cũ và 1 động tác mới.

Nếu bài tập có sử dụng đồ dùng dụng cụ thì đồ dùng dụng cụ đó phải
được sắp xếp ở chỗ sao cho trẻ lấy dễ dàng khi chuyển từ khởi động sang
thực hiện bài tập phát triển chung ở trọng động.

• Vận động ngoài giờ tập luyện

Nhu cầu vận động của trẻ là rất lớn. Được tự do vận động một cách
tích cực và thoải mái sẽ giúp trẻ không chỉ khoẻ mạnh cả về thể chất và tinh
thần mà còn giúp cho trẻ ngày càng hoàn thiện hơn những kĩ năng vận động,
phát triển khả năng kiểm soát cơ thể, khả năng định hướng trong không gian.
khả năng cảm nhận nguy hiểm và ý thức an toàn trong vận động.

Ngoài giờ tập luyện, cô cần tạo cơ hội cho trẻ được tự do vận động
như:

* Trong lớp học

Cô cần tạo ra một khoảng trống đủ rộng để trẻ được vận động tự do và
có thể chơi trò chơi vận động.

- Trẻ có thể nằm trên sàn nhà để nói chuyện, làm các động tác khác
nhau: đạp xe đạp, lăn, bê, trườn, vận động tay chân theo ý thích của mình.

- Trẻ dùng cơ thể của mình vận động để mô tả những đặc trưng của
các nhân vật trong thơ, truyện, tính cách mà trẻ yêu thích, bắt chước các vận
động của các con vật.
- Trẻ vận động theo nhạc bằng những động tác mà trẻ tự sáng tác ra.

- Trẻ sử dụng đồ dùng, dụng cụ sẵn có ở trong lớp để chơi vận động:
xếp ghế thành đoàn tàu, chui qua các hộp bìa chuông rỗng, nhảy qua hàng
rào (nhảy qua chiếu cuộn lại)…

Trong sinh hoạt hằng ngày, cần rèn luyện cho trẻ các kĩ năng: cầm, với
lấy đồ dùng, đồ chơi và vận động trong không gian chật hẹp khéo léo và an
toàn.

* Ngoài lớp học

Cần tận dụng tối đa môi trường sẵn có ở sân vườn để cho trẻ thực hiện
nhiều vận động khác nhau:

- Đi, chạy, nhảy tự do theo ý thích, chạy đuổi bắt nhau, nhảy lò cò, bắt
chước vận động của các con vật: ngựa phi, rùa bò, gấu đi, ếch nhảy…

- Chơi với các thiết bị ngoài trời: cầu trượt, bập bênh, đánh đu, đu quay,
nhảy ở hố cát, bơi, lội nước.

- Sử dụng môi trường tự nhiên sẵn có để vận động chạy xung quanh
gốc cây, đi trên bờ tường thấp, nhảy qua rãnh nước, nhảy lên với cành cây,
đi, chạy, cúi dưới lùm cây, chạy bắt bướm…

Chơi với đồ dùng, dụng cụ thể dục: lăn bóng, ném, bắt bóng, đá bóng.
nhảy dây, đi trên dây (dây căng thẳng dưới mặt đất), đánh cầu lông, đi xe ba
bánh…

Chú ý

- Sân phải đảm bảo an toàn và vệ sinh sạch sẽ; phải thường xuyên
kiểm tra thiết bị, đồ đùng đồ chơi ngoài trời, những thứ hỏng không an toàn
cho trẻ phải được sửa chữa ngay hoặc bỏ đi. Tuyệt đối không được sử dụng
những thiết bị đồ dùng đồ chơi không an toàn với trẻ.

- Trước khi cho trẻ vận động tự do, cần nói rõ cho trẻ biết được phép
chơi, vận động trong giới hạn khu vực như: chỉ được chơi từ cây bàng kia đến
hố cát này… để cô dễ dàng theo dõi, bao quát trẻ trong khi chơi.
- Cần giúp trẻ ý thức được sự thay đổi của cơ thể để điều chỉnh vận
động và nghỉ ngơi đúng lúc. Trẻ bắt đầu thấy mệt (mặt đỏ hoặc tái, thở và
mạch đập nhanh) thì cần nghỉ ngơi đôi chút.

- Giáo viên đặc biệt chú ý đối với trẻ nhút nhát trong vận động cũng như
những trẻ quá hưng phấn ham vận động khó kiềm chế để có biện pháp giúp
đỡ kịp thời.

3. Hướng dẫn thực hiện các hoạt động phát triển sự khéo léo của
tay

a) Nội dung

Phát triển cử động, vận động khéo léo và phối hợp tay - mắt cho trẻ
mẫu giáo bé 3-4 tuổi qua các hoạt động lập luyện: vỗ tay, vẫy tay; co duỗi
ngón tay; quay ngón tay, cổ tay; đan các ngón tay vào nhau; di ngón tay; dùng
ngón tay nhặt vật nhỏ; xoa hai lòng bàn tay vào nhau; rót; tết; xâu xỏ thành
chuỗi; cài-cởi cúc, khùy, nút; kéo khoá/ phéc- mơ- tuya; xếp chồng; lập sử
dụng bút và kẻo thủ công…

b) Tổ chức thực hiện

- Cô làm mẫu các động tác/ thao tác mới và khó, sau đó trẻ thực hiện
giống cô. Nếu 2-3 lẫn trẻ vẫn không thực hiện được, cô cầm tay trẻ và giúp
trẻ thực hiện - Hướng dẫn trẻ sử dụng dụng cụ, công cụ và nguyên vật liệu
một cách hiệu quả và an toàn để dạy trẻ những kĩ năng cần thiết và cho trẻ
luyện tập nhiều lần.

- Khi chỉ dẫn cách thực hiện động tác, cô kết hợp với lời nói để giúp trẻ
có thêm từ mới. Ví dụ: vừa thực hiện động tác vừa nói "gập", "cài cúc",
"nhào", "nắm lại rồi vo tròn"…

- Cô chuẩn bị điều kiện phù hợp và mở rộng phạm vi hoạt động (thời
gian, địa điểm, nguyên vật liệu, trang thiết bị), sau đó theo dõi trẻ hoạt động,
khuyến khích, giúp đỡ và hướng dẫn nhiệt tình khi cần thiết để tạo cho trẻ cơ
hội, động cơ tích cực thực hành các kĩ năng thao tác tay. Quan tâm và động
viên khi trẻ thực hiện tốt các thao tác.
* Thời gian

- Phát triển sự khéo léo, tinh tế của đôi tay được thực hiện lồng ghép,
kết hợp trong các nội dung hoạt động theo phân phối thời gian trong chế độ
sinh hoạt hằng ngày: đón/ trả trẻ; chơi; hoạt động theo kế hoạch giáo dục có
chủ đích của giáo viên; vệ sinh; ăn; ngủ…Vì vậy cần sắp xếp để tiến hành
một cách hợp lí nhằm đảm bảo đạt được yêu cầu đối với từng nội dung cụ
thể.

- Ví dụ: Vào thời điểm đón/ trả trẻ, vệ sinh, ăn, ngủ, luyện tập các thao
tác sử dụng đồ dùng sinh hoạt cá nhân: cốc, bát, thìa, bàn chải răng, lược,
quần áo, mũ, dép…Trong hoạt động theo kế hoạch giáo dục có chủ đích của
giáo viên: tập luyện cử động của bàn tay, ngón tay thông qua việc thực hiện
các nội dung của hoạt động đó (thể dục, múa, tạo hình, tìm hiểu một số khái
niệm sơ đẳng về toán, chuẩn bị cho việc học đọc/ học viết…). Ngoài ra, bố trí
vào thời gian chơi các bài tập, trò chơi phát triển sự khéo léo, tinh tế của đôi
tay (cài khuy, kéo khoá, buộc dây, lắp ghép…).

* Hình thức tổ chức

- Hoạt động cá nhân - hoạt động theo nhóm nhỏ (2-5 trẻ) hoặc cả lớp.

- Hoạt động tự do - hoạt động có hướng dẫn.

- Hoạt động ôn luyện - hoạt động mới.

* Địa điểm

- Trong lớp với các góc chơi khác nhau thay đổi theo chủ đề.

- Ngoài sân chơi cát, nước, chăm sóc vật nuôi, cây trồng…

* Đồ dùng, đồ chơi

Cung cấp đồ dùng và nguyên vật liệu đảm bảo yêu cầu hoạt động và an
toàn, đáp ứng đủ số lượng và phong phú về chủng loại, kích cỡ:

- Những thứ sẵn có trong thiên nhiên như cát, nước, đất, đất sét, lá cây,
hoa, sỏi đá…
- Những thứ sưu tầm trong sinh hoạt hằng ngày như hộp cũ, sách báo,
bìa, giấy, vải vụn, đồ dùng lụng cụ gia đình…

- Những thứ phải mua như bút, kéo, nhạc cụ…

Cần phải xếp đặt những thứ cần dùng trong tầm với của trẻ, ở vị trí
thuận tiện sao cho trẻ lúc nào cũng có thể tự lấy được một cách dễ dàng.

Có thể cho trẻ chơi với các ngón tay.

Gợi ý thực hiện

Việc phát triển cử động bàn tay-ngón tay và phối hợp vận động mắt- tay
được tiến hành thường xuyên.

* Hoạt động phục vụ sinh hoạt hằng ngày

- Ăn uống: cầm thìa/ bát đúng, tự xúc ăn và nhặt cơm rơi vãi; cầm cốc
uống nước.

- Mặc quần áo: tự cởi/ mặc quần áo có sự hỗ trợ của người lớn: gài/
mở khuy áo, cài/ tháo thắt lưng, buộc dây, kéo phéc mơ tuya.

- Vệ sinh cá nhân: xắn tay áo, rửa tay, lau tay, lau mặt, sử dụng khăn
mùi xoa chùi mũi.

- Chăm sóc cây trồng, vật nuôi: tưới cây, luống rau, bồn hoa; nhặt lá
rụng; gieo hạt; cho gà, chim, cá, thỏ ăn… dưới sự quan sát của người lớn.

- Đóng, mở cửa ra vào.

* Các bài tập, trò chơi theo những lĩnh vực giáo dục phát triển khác
nhau, đặc biệt là thẩm mĩ (thao tác tay khi múa, tạo hình)

- Luyện tay: Vỗ tay, vẫy tay. Co duỗi ngón tay. Đan các ngón tay vào
nhau. Xoa hai lòng bàn tay vào nhau…

- Các trò chơi dân gian với tay: Đôi chim. Oẳn tù tì. Làm bóng hình
tay…

- Tập giở sách.

- Chồng tháp, ghép hình, xếp hình khoảng 6 khối/ mảnh.


- Chơi với cát chơi với nước và chơi với đất nặn: Đổ cát, lấp đầy, đắp
núi. Rót nước, múc nước, tắm búp bê, rửa đồ chơi. In, đồ, nặn hình…

- Cuộn dây.

- Vò giấy.

- Gấp giấy theo đường vạch sẵn, gấp đôi, gấp chéo, gấp lộn…

- Xé giấy: xé vụn, xé theo hình châm kim, xé theo hình vẽ sẵn…

- Dán hình cắt sẵn lên vệt chấm hồ.

- Vẽ tự do bằng bàn tay, ngón tay, phấn, bút to. Vạch xung quanh hình.
Di màu.

- Đập gõ đóng bằng búa nhỏ.

- Luồn dây qua lỗ.

- Bỏ vào lấy ra.

- Đóng, mở nắp chai, lọ, hộp (có ren và không ren).

- Tết 2 sợi.

- Tập sử dụng kéo (loại kéo nhẹ, đầu tròn và vừa tay cầm của trẻ): cầm
kéo bằng 3 ngón: ngón cái và ngón trỏ làng vào lỗ tay cầm của kéo (mỗi ngón
một lỗ), ngón trỏ cong lại đỡ cán kéo phía bên ngoài lỗ kéo ngón giữa, ngón
thứ tư và ngón út cong vào lòng bàn tay và co duỗi lòng bàn tay, cử động các
ngón tay làm động tác cắt.

II - GỢI Ý MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỤ THỂ

1. Thể dục sáng

Bài 1: "Gà trống"

Tiến hành

Trẻ đi vòng quanh lớp vừa đi vừa hát bài "Con gà trống" (hát 2 - 3 lần)
rồi xếp thành vòng tròn.

- Động tác 1: "Gà gáy"


Tập 3 - 4 lần.

+ Tư thế chuẩn bị: Trẻ đứng chân rộng bằng vai, tay thả xuôi.

+ Tập: Hít vào thật sâu, kết hợp tay giơ cao ngang vai, hai bàn tay
khum trước miệng.

Thở ra làm gà gáy “ò ó o o…” (khuyến khích trẻ ngân dài); Nghỉ 2 - 3
giây rồi cho trẻ làm tập tiếp.

- Động tác 2: "Gà vỗ cánh"

Tập 4 - 5 lần

+ Tư thế chuẩn bị: Đứng chân song song, gập khuỷu tay trước ngực,
cánh tay đưa cao ngang vai.

+ Tập: Làm gà vỗ cánh: Hai tay khép vào người; Trở về tư thế ban đầu.

- Động tác 3: "Gà mổ thóc"

Tập 3 - 4 lần.

+ Tư thế chuẩn bị: Trẻ đứng tự nhiên, tay duỗi thẳng.

+ Tập: Làm gà mỏ thóc: Trẻ cúi xuống, tay gõ vào đầu gối hoặc sàn
nhà, vừa tập vừa nói "Tốc! Tốc! Tốc!…"; Đứng lên trở về tư thế ban đầu.

- Động tác 4: "Gà tìm giun"

Tập 3 - 4 lần.

+ Tư thế chuẩn bị: Đứng hai chân ngang bằng vai, tay chống hông.

+ Tập: Trẻ giậm chân tại chỗ tại chỗ, vừa dậm chân vừa nói "gà bới đất
tìm giun"; Trẻ ngừng 2, 3 giây rồi lại tập tiếp.

- Động tác 5: "Gà bay"

+ Tư thế chuẩn bị: hai chân đứng tự nhiên, tay duỗi thẳng.

+ Tập: Bật tại chỗ kết hợp với tay dang ngang, vừa tập vừa nói "gà bay"
(tập 3-4 lần)
+ Kết thúc: Cho trẻ đi nhẹ nhàng 3-4 vòng quanh lớp 1-2 phút ("gà về
chuồng").

Bài 2: Tập với cờ, nơ

Mục đích

- Mỗi trẻ 2 lá cờ (hoặc 2 nơ). Mỗi trẻ 3 lá cờ màu (đỏ, vàng, xanh) để
chơi trò chơi “tín hiệu”.

- Cho trẻ xếp thành vòng tròn.

Tiến hành

- Khởi động: Trẻ cầm mỗi tay 1 lá cờ hoặc nơ, đi, chạy nhẹ nhàng theo
hiệu lệnh của cô. Cho trẻ chơi trò chơi “Tín hiệu” 2-3 lần. Sau đó, đứng thành
vòng tròn.

- Trọng động:

+ Hô hấp: Thổi nơ bay (cờ bay) 3-4 lần.

+ Tay: Tay thay nhau đưa ra trước ra sau 3-4 lần.

+ Chân: Ngồi xổm - đứng lên 3-4 lần (khi ngồi gõ cán cờ xuống
sàn).

+ Bụng: Đưa tay lên cao, nghiêng người sang 2 bên 4 lần.

+ Bật: Tay chống hông, bật về trước 2 lần.

- Hồi tĩnh: Đi nhẹ nhàng 1-2 vòng rồi cất cờ (nơ) vào nơi quy định.

Bài 3: Tập với gậy hoặc vòng thể dục

Mục đích

- Mỗi trẻ 1 gậy hoặc vòng.

- Trẻ xếp thành hàng ngang theo tổ.

Tiến hành
- Khởi động: Trẻ đi, chạy nhẹ nhàng kết hợp với đi kiễng chân, đi bằng
gót chân 1-2 vòng. Sau đó cầm gậy (vòng) đứng thành hàng dọc theo tổ và
giãn cách đều.

- Trọng động:

+ Tư thế chuẩn bị: Đứng tự nhiên, hai tay để xuôi.

+ Thực hiện: Cầm sắt 2 đầu gậy (hoặc 2 bên vòng), thực hiện các động
tác (mỗi động tác tập 4 lần).

- Hồi tĩnh: Vác gậy (khoác vòng) trên vai đi nhẹ nhàng. Sau đó, cất gậy
(vòng) vào nơi quy định.

2. Hoạt động phát triển vận động cơ bản

a) Hoạt động học có chủ định

Hoạt động 1: Bò chui, Bật về phía trước - "Những chú thỏ"

(Có thể sử dụng trong chủ đề động vật)

Mục đích

- Tập luyện kĩ năng vận động: "Bò chui".

- Vận động ôn luyện: "Bật về phía trước".

Gợi lại cho trẻ một số kiến thức về thỏ: Thỏ ăn cà rốt, thỏ biết nhảy, thỏ
rất nhanh và nhẹ nhàng.

Chuẩn bị

- Làm một chỗ tượng trưng là nhà hay chuồng thỏ.

- Một chiếc cổng chui cao 40 cm, rộng 40 cm hoặc dây thừng để căng
cho trẻ chui qua.

- Một số củ cà rốt bằng nhựa hoặc bằng đất nặn, hoặc bằng bìa, giấy
bồi.

Tiến hành
Cô trao đổi cùng trẻ: Những chú thỏ đi dạo chơi và về nhà ngủ. Thỏ ngủ
dậy và tập thể dục. Thỏ thấy đói bụng, thỏ muốn ra vườn ăn cà rốt. Thỏ phải
bò chui qua cổng rồi nhảy bằng 2 chân tới vườn ăn cà rốt. Sau đó, thỏ lại
nhảy về, bò chui qua cổng vào nhà.

- Khởi động: "Thỏ đi dạo". Cho trẻ đi, chạy nhẹ nhàng 1-2 vòng quanh
lớp, sau đó đứng thành hàng ngang ở "nhà của thỏ".

- Trọng động:

+ Tập các động tác phát triển chung ("Thỏ tập thể dục")

Động tác tay: Xoay cổ tay (4 lần).

Động tác chân: Giậm chân tại chỗ (7-8 nhịp).

Động tác lườn: Gió thổi cây nghiêng (4 lần).

Động tác bật: Bật tại chỗ 4-5 lần.

+ Vận động cơ bản:

Bò chui qua cổng.

Bật về phía trước.

Sau khi làm động tác phát triển chung, trẻ thực hiện "Bò chui qua
cổng". Trẻ bò thẳng từ chỗ của mình - "nhà thỏ" tới cổng, rồi bò chui qua
cổng, cố gắng không làm đổ cổng. Sau khi bò qua cổng trẻ đứng dậy, bật
nhảy liên tiếp về phía trước - "Thỏ nhảy tới vườn để ăn cà rốt", trẻ làm động
tác giả vờ ăn cà rốt, xong trẻ quay lại bật nhảy tới chỗ đặt cổng, bò chui qua
cổng - "Thỏ ăn cà rốt xong lại trở về nhà". Cho trẻ khác lên thực hiện.

- Hồi tĩnh: Cho trẻ đi nhẹ nhàng một vòng quanh lớp rồi về chỗ nghỉ.

Lưu ý: Từ chỗ trẻ đứng - nhà của thỏ tới chỗ đặt cổng khoảng cách là
1,5 m.

Từ chỗ đặt cổng tới chỗ tượng trưng là vườn cà rốt khoảng cách là 2m.

Tiến hành với từng tốp nhỏ 3- trẻ, mỗi trẻ thực hiện một lần

Hoạt động thực hiện trong khoảng 20 phút.


Hoạt động 2: Chạy đổi hướng theo vật chuẩn - Ném trúng đích

Tập luyện giống chú bộ đội

Mục đích: Phát triển kĩ năng phối hợp vận động với giác quan và định
hướng trong không gian

Chuẩn bị

- Một số đồ chơi to (con giống, ngôi nhà, cây…) hoặc 3-4 lá cờ có màu
khác nhau để làm vật chuẩn.

-Một số bóng hoặc túi cát cho trẻ ném.

Tiến hành

- Khởi động: Cho trẻ đi nhẹ nhàng, hát kết hợp vỗ tay bài ''Cháu yêu
chú bộ đội''.

- Trọng động: Bài tập phát triển chung

+ Động tác tay-vai: Đưa ra trước - lên cao - dang ngang bằng vai - thả
xuôi theo người. Tập 3-4 lần

+ Động tác lườn: Nghiêng sang hai bên phải - trái. Tập 3-4 lần.

+ Động tác chân: Hai tay chống hông, giậm chân tại chỗ. Tập 4-5 lần.
Bật tại chỗ 3-4 lần

- Vận động cơ bản:

+ Chạy đổi hướng theo vật chuẩn.

+ Ném trúng đích (đích nằm ngang).

Cô dùng đồ chơi hoặc cờ đã chuẩn bị để đặt các mốc làm chuẩn cho
trẻ chạy (theo sơ đồ vẽ) ở mốc 4 cô đặt rổ đựng một số bóng, ở mốc 1 đặt
một rổ không.

Từng trẻ thực hiện, đứng ở vạch chuẩn bị. Khi có hiệu lệnh của cô, trẻ
chạy đến mốc 1 (là con gấu, hay lá cờ đỏ…), tiếp theo chạy đến mốc 2 (là
ngôi nhà hoặc cờ xanh…), chạy đến mốc 3, chạy tiếp đến mốc 4 và nhặt một
quả bóng trong rổ, chạy về chỗ ban đầu thả bóng vào rổ cô đã chuẩn bị. Lần
lượt từng trẻ trong nhóm thực hiện. Mỗi trẻ chạy 2-3 lần.

Sau khi chạy xong, cho trẻ đứng vòng tròn chơi ném bóng vào rổ.

b)Trò chơi vận động (chơi và rèn luyện, củng cố ở mọi lúc, mọi
nơi)

Hoạt động 1: Đoàn tàu hoả

Mục đích

- Phát triển kĩ năng vận động đi, chạy thay đổi tốc độ, thay đổi hướng
và giữ thăng bằng cơ thể.

- Trẻ tự tin vào bản thân, có những tình cảm tốt trong hoạt động cùng
nhau.

Chuẩn bị

- Dùng bìa vẽ mô hình một đầu tàu hoặc làm một vô-lăng lái tàu bằng
bìa hoặc giấy bồi hoặc đan bằng tre, nứa…

- Có thể cho người đi đầu cầm một lá cờ giơ lên chạy dẫn đường.

- Phấn để kẻ hoặc dây để làm vạch đường ray tàu hoả. Khoảng cách
giữa 2 đường kẻ khoảng 30 cm. Con đường dài khoảng 12-15 m, có 2 lần đổi
hướng, một lần rẽ trái và một lần rẽ phải.

Nội dung: Đoàn tàu chạy theo yêu cầu thay đổi tốc độ, hướng. Các từ
cần nhớ: đầu tàu, toa tàu, nhà ga, đường ray, tàu chuyển bánh, dừng bánh.
Kiến thức: Tàu vận chuyển hàng hoá, đưa mọi người về các nơi.

Tiến hành

Trước tiên, trẻ có thể hát bài Một đoàn tàu.

Trẻ trao đổi nội dung chơi: Đoàn tàu gồm đầu tàu và các toa tàu, tàu đỗ
ở ga. Trẻ sẽ bàn xem đoàn tàu này sẽ chở gì; tàu chạy từ đâu đến đâu… (ví
dụ: từ Hà Nội đến Hải Phòng). Tàu hoả chạy trên đường ray không được
chệch ra ngoài, nếu chệch tàu sẽ bị đổ. Khi tàu chạy phát ra tiếng kêu xình…
xịch, còi tàu kêu tu…tu để báo hiệu. Khi tàu dừng lại sẽ phát ra tiếng kêu xì…
xì… Tàu chuyển bánh chạy chậm, sau đó chạy nhanh hơn, đến ga chuẩn bị
dừng tàu lại chạy chậm rồi dừng hẳn.

Trò chơi thực hiện: Trẻ làm thành đoàn tàu, người đi đầu sẽ cầm mô
hình đầu tàu hoặc tay lái tàu vừa chạy vừa nói xình xịch… xình xịch… nhanh,
chậm tuỳ theo nhịp tàu chạy. Thỉnh thoảng, tàu kéo còi kêu tu… tu…

Cô hướng dẫn và điều khiển trẻ thực hiện.

Đoàn tàu sẽ chạy từ nơi bắt đầu xuất phát, đến ga phải dừng lại, rồi
quay đầu chạy về nơi xuất phát. Trẻ có thể luân phiên nhau làm người lái tàu.

Kết thúc: Tuỳ theo sự trao đổi lúc ban đầu để kết thúc cho phù hợp: Cô
và trẻ cùng trao đổi xem đoàn tàu chạy có tốt không, nếu là tàu chở hàng - khi
tàu dừng lại hàng sẽ được cất vào kho; nếu là tàu chở khách, mọi người sẽ ra
ga đi về nhà. Sau đó cho trẻ chuyển sang hoạt động khác.

Lưu ý: Với trò chơi này, thực hiện với trẻ lớn hơn có thể tăng thêm
lượng thông tin kiến thức và mức độ yêu cầu vận động cao hơn. Ví dụ: đầu
tàu chạy bằng gì (hơi nước hoặc dầu diesel), số lượng toa tàu (đoàn tàu
ngắn, ít toa, 3-4 toa; Đoàn tàu dài, nhiều toa có thể 10-11 toa). Tàu có thể
chạy chui qua hầm, chạy lên dốc, xuống dốc v.v…

Hoạt động ở bên ngoài hay ở trong lớp học đều được. Tuỳ vào hoàn
cảnh cụ thể mà tổ chức nhóm đông hay ít trẻ. Mức độ nội dung và yêu cầu tuỳ
thuộc vào khả năng thực tế của trẻ. Nên giải thích rõ yêu cầu trước khi hoạt
động. Hoạt động có thể được sử dụng trong chủ đề Giao thông hoặc chủ đề
Nghề nghiệp.

Hoạt động 2: Tập làm bộ đội

Nội dung: Tập xếp hàng, tập thể dục, tập bò, trườn như chú bộ đội

Mục đích:

- Rèn luyện và phát triển các vận động bò, trườn, các kĩ năng khéo léo,
nhanh nhẹn trong vận động.
- Trẻ biết làm theo hướng dẫn của cô, phát triển ngôn ngữ qua đàm
thoại về công việc của chú bộ đội.

Chuẩn bị

Sân tập, vòng, dây. Trẻ thuộc bài hát "Em thích làm chú bộ đội".

Tiến hành

- Cho trẻ đi theo cô và hát "Em thích làm chú bộ đội", đi theo đường
thẳng, đi vòng tròn, tập xếp 1-2 hàng dọc, đứng thành vòng tròn.

- Tập các động tác tay, chân, bụng. Mỗi động tác thực hiện 3-4 lần.

- Tập bò, trườn bằng bàn tay và cẳng chân theo hướng thẳng, theo
đường dích dắc, chui qua dây. Mỗi lần có thể cho một nhóm 3-4 trẻ lần lượt
thực hiện.

- Thi đua xem ai nhanh, tổ nào nhanh.

Kết thúc cho trẻ đi dạo quanh nơi chơi tập.

Hoạt động này có thể sử dụng trong chủ đề Môi trường xã hội.

Hoạt động 3: Hái quả

Mục đích

Rèn luyện phát triển các kĩ năng tung, bắt bằng tay, sự phối hợp tay -
mắt.

Chuẩn bị

- Một số quả bằng nhựa hoặc bóng (5-6 quả).

- Xô hoặc rổ để đựng (2 cái).

Tiến hành

- Cho 2 trẻ đứng thành hàng ngang, cách nhau khoảng 1,5m. Cô đứng
đối diện một trẻ, cách trẻ 0,5m. Một xô đựng quả để cạnh cô, còn xô không
đặt cạnh trẻ kia. Cô nói: "Chúng ta hái quả nào" rồi nhặt quả giơ lên cao để
trẻ kiễng chân đưa tay lên với và "hái" quả. Sau khi "hái" được quả, trẻ quay
sang tung quả cho trẻ kia. Trẻ bắt được quả sẽ để vào xô hay rổ đựng. Hết
một lần cho hai trẻ đổi nhau, sau đó cho trẻ khiêng xô/ rổ quả đi cất vào kho".
Tiếp tục hai trẻ khác lên chơi.

- Hoạt động có thể được sử dụng trong chủ đề Thực vật.

3. Hoạt động phát triển sự khéo léo, tinh tế của bàn tay

Hoạt động 1: Chơi với chai lọ

Mục đích

Thực hiện các thao tác đóng, mở nắp chai, súc chai lọ, vạch xung
quanh hình chai lọ, xếp chồng các chai lọ lên nhau, bỏ vào, lấy ra, rót-múc
nước bằng chai lọ.

Chuẩn bị

- Chiếu, bàn ghế đủ cho trẻ ngồi.

- Các loại chai, lọ kích thước, hình dáng và màu sắc khác nhau có nắp/
nút (có ren, không ren).

- Rổ/ giỏ đựng.

- Dây, que có số lượng bằng số chai.

- Kéo thủ công.

- Bút, giấy.

- Cát, nước.

- Bàn chải đánh răng cũ.

Tiến hành

- Đặt tất cả chai, lọ vào trong một rổ và để nắp, nút vào một cái rổ khác.

- Lựa chọn đúng nắp nào chai ấy bằng cách tháo ra lắp vào.

- Dùng dây đo vòng quanh chai, lọ và dùng que đo chiều cao chai lọ
(dùng một dây và một que cho mỗi chai, lọ), lấy kéo cắt đánh dấu đoạn đo rồi
đặt cạnh từng chai, lọ.
- Sắp xếp các sợi dây, que theo thứ tự từ dài nhất/ cao nhất đến ngắn
nhất/ thấp nhất hoặc ngược lại và đặt các chai, lọ tương ứng bên cạnh để so
sánh hai kích thước đã đo.

- Đếm bằng tay số lượng chai lọ, nắp nút. Có thể phân loại đếm theo
hình dáng hay màu sắc hoặc chất liệu.

- Dùng tay nhặt từng chai lọ, nắp nút, dây que hoặc cầm cùng một lúc
nhiều chai lọ, nắp nút, dây que bỏ vào rổ.

- Lấy bút hay que vạch hình chai lọ, nắp nút trên giấy hoặc lên cát.

- Đong nước, cát vào chai, lọ với các nắp nút và xem chai lọ nào to-
nhỏ.

- Xếp chai lọ (xếp chồng, xếp cạnh, xếp cách).

- Súc rửa chai lọ, chải sạch nắp nút.

* Lưu ý: Chơi với chai lọ được tiến hành theo các chủ điểm và ở các
góc chơi: đóng vai, tạo hình, lắp ráp/ xây dựng, khám phá thiên nhiên và khoa
học, hoạt động âm nhạc.

Hoạt động 2: “Oẳn tù tì”

Mục đích: Xoay cổ tay, xoè bàn tay và co duỗi các ngón tay.

Tiến hành

- Hai hay vài trẻ nắm tay lại vung vẩy theo nhịp hát: “Oẳn tù tì…Ra cái
gì? Ra cái này!”. Hát hết câu thì dừng tay ở các tư thế khác nhau: nắm lại là
búa, xoè ra là giấy, giơ ngón trỏ là dùi, giơ ngón trỏ và ngón giữa là kéo.

- Quy ước: búa nện được kéo và dùi nhưng bị giấy bọc, giấy bị kéo cắt
và dùi đâm thủng, dùi khoan được lỗ kéo.

* Lưu ý: Thực hiện với các chủ đề.

Hoạt động 3: Chơi với lá cây


Mục đích: Luyện tập thao tác bàn tay, ngón tay: nhặt; nhón; cầm bằng 2
ngón: ngón cái, ngón trỏ và 3 ngón: ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa; phối hợp
cử động của 2 tay và vận động mắt-tay.

Chuẩn bị

- Chọn nơi có nhiều lá rụng.

- Giấy, kéo, dây có đầu cứng để xâu, màu in.

Tiến hành

- Nhặt, thu gom lá cây.

- Dán lá cây vào vở hay lên giấy to, cửa ra vào hoặc ô kính cửa sổ.

- Xé cắt lá cây thành những hình khác nhau.

- Xâu xỏ lá cây

- Vò nát ngửi mùi lá.

- Luồn dây qua các lỗ trên lá.

* Lưu ý kết hợp:

- Nhận biết lá cây: tên gọi, hình dáng, màu sắc, kích cỡ, mùi vị…

- So sánh, phân loại lá cây theo các dấu hiệu khác nhau.

- Đếm lá cây, sắp xếp theo thứ tự nhất định.

- Tạo hình: in, đồ, vẽ, tô màu lá cây.

B - MỘT SỐ LƯU Ý TRONG GIÁO DỤC TRẺ KHUYẾT TẬT VẬN


ĐỘNG HỌC HOÀ NHẬP
Trẻ khuyết tật cũng có quyền được đi học. Trên thực tế, hiện nay, ở một
số trường mẫu giáo đã có một số trẻ khuyết tật được học hoà nhập.

Theo ý kiến của các chuyên gia về tật học (Trung tâm Nghiên cứu chiến
lược và Phát triển chương trình giáo dục Chuyên biệt - Viện Chiến lược và
Chương trình giáo dục), các hình thức hoạt động ở trường mầm non là
phương pháp phát triển tốt nhất cho giáo dục phát triển và phục hồi chức
năng cho trẻ khuyết tật. Trẻ khuyết tật đi học hoà nhập, trẻ vẫn học theo
chương trình chung nhưng khả năng của trẻ không như những trẻ bình
thường khác, vì thế đã đặt ra một số yêu cầu đối với cô giáo: cô phải có một
số hiểu biết thêm nhất định về trẻ khuyết tật và có thêm phương pháp về
chăm sóc và giáo dục trẻ khuyết tật.

Trẻ khuyết tật vận động là những trẻ gặp rất nhiều khó khăn trong việc
đi lại, di chuyển, nằm, ngồi, ăn uống… Tóm lại, đó là những trẻ có khó khăn,
thậm chí không thể thực hiện được những hoạt động, cử động của tay hay
chân hay những hoạt động của toàn bộ cơ thể. Tuy trẻ có khó khăn về vận
động nhưng trí tuệ của trẻ vẫn phát triển bình thường nên trẻ vẫn có khả năng
tiếp thu kiến thức được. Để giúp trẻ có khó khăn về vận động phát triển tốt,
chúng ta cần lưu ý một số điểm sau:

- Giúp trẻ luyện tập để các cơ không bị cứng: cho trẻ nằm xuống, giúp
trẻ co, duỗi chân, tay.

- Cho trẻ ngồi, đưa các đồ vật, đồ chơi cho trẻ cầm chơi để tập luyện
cử động của tay.

- Tạo một số đồ dùng, dụng cụ hỗ trợ cho trẻ như:

+ Ca, cốc có hai quai để trẻ tự uống nước.

+ Ghế liền bàn có đai giữ trẻ, hộp ngồi bằng gỗ hoặc bìa các-tông để
trẻ tự ngồi.

+ Ghế có bánh xe hoặc xe lăn để trẻ luyện tập cơ tay.

+ Làm nẹp chân cho trẻ để tránh bị co cơ và giúp cho việc tập đi.

+ Lối đi có thang song song để giúp trẻ giữ thăng bằng và tập đi.

+ Làm khung tập đi có bánh xe cho trẻ.

- Nếu có điều kiện cho trẻ tập luyện dưới nước: tập đi, tập nổi, tập bơi
(lưu ý thường xuyên có cô bên cạnh).
- Với các bài tập phát triển vận động, nếu trẻ khó khăn về đi lại, cho trẻ
ngồi, làm các vận động của tay như: lăn bóng trên sàn, ném bóng về phía
trước, xếp chồng các vật… Cũng như vậy, nếu tay trẻ quá yếu nhưng chân trẻ
đi được cho trẻ tham gia tập đi, chạy nhưng mức độ tuỳ thuộc vào trẻ và
không đánh giá trẻ, chỉ nhận xét theo khả năng trẻ làm được và khuyến khích
động viên trẻ cố gắng thực hiện.

Chương II. PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC


Các mốc phát triển

- Nhận ra một số sự vật, hiện tượng quen thuộc.

- Nhận ra các màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh.

- Nhận ra các hình cơ bản: hình tròn, hình vuông, hình tam giác, hình
chữ nhật.

- Có thể thuộc lòng số đếm từ 1 đến 10.

- Nhận ra sự tương ứng 1-1.

- Nhận ra một vài điểm giống và khác nhau nổi bật rõ nét giữa hai đối
tượng (theo hình dạng, kích thước, màu…)

- Nhận ra nóng/ lạnh, âm thanh to / nhỏ.

- Nhận ra mối quan hệ không gian xa/ gần, trong/ ngoài, đằng trước/
đằng sau.

A - CÁC HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC VÀ HƯỚNG DẪN


THỰC HIỆN
I - Các hoạt động khám phá khoa học và làm quen với toán

1. Các hoạt động khám phá khoa học về

- Các bộ phận của cơ thể con người.

- Đồ vật và chất liệu.


- Thực vật.

- Động vật.

- Các hiện tượng tự nhiên.

2. Các hoạt động làm quen với toán về

- Tập hợp, số lượng, số thứ tự và đếm.

- Xếp tương ứng.

- So sánh, phân loại và sắp xếp theo quy tắc.

- Hình dạng.

- Định hướng trong không gian và định hướng thời gian.

II - Các hoạt động tìm hiểu xã hội

1. Các hoạt động tìm hiểu về bản thân, gia đình, trường mầm non,
cộng đồng

2. Các hoạt động giúp trẻ biết một số nghề gần gũi và phổ biến

3. Các hoạt động cho trẻ làm quen với danh lam thắng cảnh, lễ hội,
sự kiện văn hoá của quê hương

I - KHÁM PHÁ KHOA HỌC VÀ LÀM QUEN VỚI TOÁN

Khả năng nhận thức của trẻ được phát triển qua việc tiếp xúc, tìm hiểu
các đồ dùng, đồ chơi và các nguyên vật liệu, qua các hoạt động tìm hiểu cây
cối, con vật, các hiện tượng tự nhiên, xã hội và qua làm quen với toán. Trẻ
cần các cơ hội nhìn, nghe, tiếp xúc, nếm, ngửi… các sự vật. Khả năng nhận
thức của trẻ được phát triển trong giải quyết vấn đề, suy luận và hình thành
kiến thức về các sự vật và hiện tượng xung quanh. Chơi là con đường chủ
yếu để trẻ nhận thức thế giới xung quanh. Phần này sẽ đề cập các hoạt động
giáo dục phát triển nhận thức và hướng dẫn thực hiện ở lĩnh vực Khoa học và
Toán.

1. Các hoạt động khám phá khoa học


Khoa học không chỉ là kiến thức mà còn là quá trình hay con đường tìm
hiểu. khám phá thế giới vật chất. Khoa học với trẻ nhỏ là quá trình tìm hiểu,
khám phá thế giới tự nhiên. Khám phá khoa học với trẻ nhỏ là quá trình tích
cực tham gia hoạt động thăm dò, tìm hiểu thế giới tự nhiên. Ở giai đoạn này,
giáo viên không nhất thiết phải dạy hoặc giải thích những kiến thức khoa học
cho trẻ mà chủ yếu là giúp trẻ suy nghĩ nhiều hơn về những gì chúng nhìn
thấy và đang làm, kích thích trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán các sự vật,
hiện tượng xung quanh và thảo luận/ chia sẻ điều trẻ nhìn thấy, điều trẻ nghĩ
hoặc điều còn băn khoăn, thắc mắc.

Các quá trình khoa học thích hợp với trẻ nhỏ và cần được trau dồi khi
trẻ thăm dò, khám phá thế giới là: quan sát, so sánh, phân loại, đo lường, thử
nghiệm, dự đoán, suy luận… Giáo viên cần chủ động, linh hoạt tạo cơ hội cho
trẻ thực hành các kĩ năng quan sát, so sánh, phân loại, dự đoán, thử nghiệm,
thảo luận… cho thích hợp với tình huống của hoạt động cụ thể.

* Khi tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho trẻ, giáo viên cần:

- Cho trẻ khám phá và nhận ra những nét đặc trưng của vật sống, đồ
vật và những sự vật hiện tượng quan sát được bằng cách sử dụng tất cả các
giác quan một cách thích hợp.

- Cho trẻ xem xét những nét giống nhau và khác nhau của các sự vật,
hiện tượng.

- Cho trẻ quan sát, xem xét, phỏng đoán các sự vật và hiện tượng xung
quanh.

- Dành thời gian cho trẻ tự khám phá, trải nghiệm và chia sẻ, bày tỏ ý
kiến của mình.

- Khích lệ trẻ suy nghĩ về những gì chúng đang nhìn thấy, đang làm và
phát triển những suy nghe ý tưởng của mình và quan tâm đến môi trường
xung quanh.

- Sử dụng câu hỏi gợi mở để giúp trẻ phát triển suy nghĩ của mình.
- Cho phép trẻ được hoạt động và làm những công việc phục vụ cho
bản thân trẻ vì những công việc đó có thể sẽ là những bài học và trải nghiệm
tốt cho trẻ về khoa học.

- Tạo cho trẻ môi trường hoạt động khám phá khoa học phong phú, hấp
dẫn với các đồ dùng, đồ chơi, các nguyên vật liệu khác nhau.

* Môi trường cho trẻ hoạt động khám phá khoa học nên có:

- Kính phóng đại (chẳng hạn kính lúp), cân, nam châm, gương.

- Các con vật nuôi: chim, thỏ…

- Bể cá.

- Cây các hạt giống và bình gieo hạt.

- Các bộ sưu tập: lá, hoa, côn trùng…

- Vỏ trai, sò.

- Tranh, ảnh về các con vật hoặc cây, lá, hoa, quả…

- Sách về các hoạt động khoa học dành cho trẻ nhỏ.

- Bàn chơi nước: Chai trong suốt, dụng cụ chứa nước, các vật chìm
hoặc nổi trong nước…

Trẻ nhỏ học chủ yếu qua chơi, qua tự mày mò, khám phá. Giáo viên
nên bày phòng nhóm sao cho kích thích trẻ hoạt động và dành phần lớn thời
gian cho trẻ tự học qua chơi. Ví dụ: Cạnh bể cá có thể treo ảnh về cá hoặc
sách sẽ kích thích trẻ nhận dạng các loại cá, quan sát, so sánh các con cá.

a) Các hoạt động khám phá khoa học về các bộ phận của cơ thể
con người

• Hướng dẫn thực hiện

- Các hoạt động giúp trẻ khám phá chức năng các giác quan, một số bộ
phận của cơ thể và cho trẻ làm quen cách chăm sóc bản thân (sử dụng một
số đồ dùng vệ sinh cá nhân, giữ gìn quần áo sạch), giáo viên cần tổ chức các
hoạt động sau đây:
+ Cho trẻ quan sát các giác quan và một số bộ phận trên chính cơ thể
trẻ hoặc xem tranh ảnh.

+ Trò chuyện với trẻ về một số bộ phận cơ thể và chức năng của
chúng. Ví dụ: Cháu vừa nghe tiếng gì? Nhờ cái gì mà cháu nghe được? Điều
gì xảy ra nếu như bây giờ bịt tai lại?…

+ Kể chuyện cho trẻ nghe và yêu cầu trẻ kể lại chuyện nói về chức
năng của một số bộ phận cơ thể như truyện: Mỗi người một việc, Gấu con
đau răng. Cho trẻ đọc thơ: Thỏ Bông bị ôm, Đôi mắt…

+ Tạo tình huống cho trẻ trải nghiệm qua các trò chơi: Cửa hàng giày,
mũ thời trang, Chiếc túi kì lạ, Siêu thị…

+ Tận dụng cơ hội khi chăm sóc vệ sinh cá nhân cho trẻ: khi rửa tay,
rửa mặt, rửa chân và giải thích cho trẻ biết lợi ích của việc làm đó thông qua
các thời điểm sinh hoạt hằng ngày.

+ Làm đồ chơi (trẻ và cô cùng làm), cắt, dán tranh nhận biết về chức
năng của các giác quan.

+ Chơi với búp bê hoặc con vật: cho búp bê ăn, tắm, rửa mặt cho búp
bê…

+ Tổ chức chơi các trò chơi vận động và hát các bài hát về một số bộ
phận cơ thể như: "Tay ngoan, tay xinh", " Hãy đặt tay lên mũi", "Xoè bàn tay".
Cho trẻ vừa hát vừa minh hoạ nội dung bài hát bằng vận động hoặc cử chỉ
thích hợp.

- Thời gian thực hiện: ở mọi lúc, mọi nơi và hoạt động học có chủ định.

Trong giờ đón và trả trẻ, cho trẻ so sánh chiều cao của một số bạn với
nhau hoặc với cô hoặc nhận ra bạn qua việc cô miêu tả một số nét nổi bật
của bạn.

Khi vui chơi ngoài trời: cho trẻ nhìn, sờ các vật và nói lên cảm nhận của
mình về những vật đó. Hướng dẫn trẻ chú ý lắng nghe âm thanh tự nhiên
như: tiếng chim hót, tiếng động cơ các phương tiện giao thông…; Chơi in hình
bàn tay, bàn chân trên cát…

Ở góc khoa học: Cho trẻ hoạt động cá nhân hoặc theo nhóm: nhận biết,
phân loại các đồ vật theo vài đặc điểm nổi bật bằng các giác quan: sờ (xúc
giác) các vật nhẵn, xốp, sần sùi, ráp…; khứu giác (ngửi) để nhận biết các mùi:
mùi thức ăn, mùi hoa, quả… Sử dụng kính lúp cho trẻ quan sát da, móng tay,
móng chân. Trẻ nghe giọng nói và đoán tên bạn trong lớp…

• Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Khám phá chức năng của mắt

Mục đích

Trẻ nhận biết mắt dùng để nhìn.

Chuẩn bị

- Giấy, bút sáp màu cho trẻ vẽ.

- Mảnh vải nhỏ để bịt mắt trẻ.

Tiến hành

Hoạt động này thực hiện thông qua chủ đề bản thân.

- Cho trẻ chơi trò chơi "Bịt mắt" bằng cách: Bịt mắt trẻ nhẹ nhàng bằng
mảnh vải, cho trẻ ngồi hoặc đi để trẻ cảm giác khi không có mắt thì như thế
nào.

Sau đó, cô hỏi trẻ có nhìn thấy gì không; nói cho trẻ biết mắt để nhìn
các đồ vật, con vật, cây cối nhìn đường đi…, nếu không có mắt thì không nhìn
thấy gì; người bị hỏng mắt không nhìn thấy gì gọi là người mù.

- Cô trò chuyện với trẻ về việc giữ gìn mắt: không dụi tay lên mắt,
không chọc đồ chơi, que vào mắt, nếu bị đau mắt phải đi khám để bác sĩ cho
thuốc nhỏ mắt.

- Cô trò chuyện với trẻ về những thứ mà trẻ nhìn thấy (cô hỏi - trẻ trả
lời).
Hoạt động 2: Chiếc túi kì diệu

Mục đích

- Phát triển xúc giác qua đôi bàn tay.

- Trẻ tập phân loại đồ vật theo vài đặc điểm như cứng - mềm.

Chuẩn bị

Một túi đẹp, đựng nhiều thứ đồ dùng, đồ chơi quen thuộc đối với trẻ.

Tiến hành

Tổ chức hoạt động này cho một nhóm trẻ 4-5 cháu.

- Cô đưa cái túi đã chuẩn bị ra và gợi sự tò mò của trẻ.

- Từng trẻ lần lượt cho tay vào túi sờ nắn một thứ và gọi tên đồ vật đó
trước khi đưa nó ra khỏi túi. Có thể yêu cầu trẻ nói 1-2 đặc điểm của vật đó.

- Cho trẻ phân loại đồ vật theo vài đặc điểm như cứng - mềm, nhẵn -
sần sùi…

Hoạt động này có thể mở rộng bằng cách: Cho mỗi trẻ đi quanh sân và
tìm một đồ vật cho vào túi được phát sẵn và sau đó cho trẻ khác thò tay vào
túi sờ và xác định vật đó, nói tên và nói lên vài đặc điểm của vật cho các bạn
nghe.

Thực hiện hoạt động này ở chủ đề bản thân và các chủ đề khác.

b) Các hoạt động khám phá khoa học về đồ vật và chất liệu

• Hướng dẫn thực hiện

Để giúp trẻ khám phá đặc điểm nổi bật, công dụng, cách sử dụng đồ
dùng đồ chơi và phương tiện giao thông quen thuộc, làm quen một vài chất
liệu (gỗ, nhựa. kim loại), đồng thời phát triển các kỹ năng so sánh, phân biệt
màu sắc, kích thước (to - nhỏ, dài - ngắn) các đồ vật trong lớp, trong gia đình,
có thể tổ chức các hoạt động sau đây cho trẻ:

- Trải nghiệm, được tiếp xúc với đồ vật cần khám phá bằng các giác
quan và sau đó đưa ra nhận xét đơn giản bằng cách trả lời các câu hỏi của
cô. Các câu hỏi thường dùng là: Đây là cái gì? Nó kêu thế nào? Hai đồ vật
này có gì giống nhau, có gì khác nhau? Tại sao cháu nghĩ là quả bóng này lăn
được? Cái này để làm gì?…

- Chơi đóng vai theo nhóm 5-6 trẻ: "Cửa hàng mua bán", "Siêu thị"… để
nhận biết một số đồ dùng và chất liệu của chúng.

- Nhận biết, phân nhóm các đồ vật và phương tiện giao thông qua các
câu chuyện, bài thơ, câu đố và hoạt động tạo hình: xếp hình, lắp ghép các đồ
vật, tô màu các đồ vật, các phương tiện giao thông, tô màu xanh, đỏ, vàng
làm biển báo giao thông…

Các nội dung trên được thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi và thông qua hoạt
động học có chủ định trong quá trình triển khai các chủ đề: bản thân, gia đình,
trường mầm non, phương tiện giao thông, và được củng cố, mở rộng các chủ
đề khác trong suốt năm học.

• Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động: Một số phương tiện giao thông

Mục đích

- Luyện kĩ năng quan sát, so sánh.

- Trẻ nhận biết một số phương tiện giao thông theo nơi hoạt động của
chúng.

Chuẩn bị

- Một số đồ chơi phương tiện giao thông: xe đạp, xe máy, ôtô, tàu hoả.

- Mỗi trẻ một tờ có vẽ hình các phương tiện giao thông (đủ các loại
phương tiện hoạt động ở các nơi khác nhau).

- Bút sáp/ dạ/ chì màu.

Tiến hành

- Cho trẻ cầm xem các phương tiện giao thông đã chuẩn bị. Sau đó, cô
đặt câu hỏi để trẻ nhận biết:
+ Tên gọi của từng phương tiện, đếm bánh xe, cửa xe của ôtô và xe
máy.

+ Nơi hoạt động: chạy ở đâu?

- Cho trẻ so sánh sự giống nhau và khác nhau của ôtô và xe máy:

+ Khác nhau: thô có 4 bánh, xe máy 2 bánh (đếm); phương tiện nào to
hơn? nhỏ hơn?

+ Giống nhau: ôtô và xe máy đều chở người và các thứ khác.

+ Vì sao ôtô chở được nhiều người hơn xe máy?

- Chơi: "Phương tiện nào biến mất".

- Chơi: Chọn nhanh phương tiện giao thông theo yêu cầu của cô.

- Cho trẻ quan sát các hình vẽ trong bức tranh và kể về những gì chúng
nhìn thấy.

c) Các hoạt động khám phá khoa học về thực vật

• Hướng dẫn thực hiện

Để khơi dậy ở trẻ tính tò mò tự nhiên và tạo cơ hội cho trẻ khám phá về
đặc điểm nổi bật và ích là của cây cối, một vài mối liên hệ đơn giản giữa cây
với môi trường sống, cách chăm sóc và bảo vệ chúng, đồng thời trau dồi óc
quan sát, so sánh, nhận xét và phỏng đoán của trẻ, hình thành ở trẻ tình cảm,
thái độ đúng đắn đối với cây cỏ, hoa lá, có thể tổ chức các hoạt động sau đây
cho trẻ:

- Quan sát, tiếp xúc (cầm nắm, sờ, ngửi…), gọi tên, so sánh, nhận xét
cây (thân, lá, hoa, quả) về màu sắc, kích thước, hình dạng…; mô tả, thảo luận
một số dấu hiệu nổi bật của chúng.

- Thu nhặt lá, hoa, quả, hạt và tạo nhóm theo dấu hiệu rõ nét về màu
sắc, kích thước, hình dạng… cho trước.

- Quan sát, theo dõi sự lớn lên của cây: nảy mầm, ra lá và lớn lên.
- Thử nghiệm: Gieo hạt đậu vào chậu để gần cửa sổ sẽ khuyến khích
trẻ theo dõi sự nảy mầm và lớn lên của cây…

Các hoạt động trên đây có thể tiến hành trong chủ đề Thế giới thực vật
ở hoạt động học hoặc ở mọi lúc mọi nơi, nhưng cũng có thể tận dụng những
tình huống thuận lợi trong tất cả các chủ đề khác để tiến hành. Chẳng hạn,
trong khi tiến hành các chủ đề khác, có thể cho trẻ quan sát, gọi tên, so sánh
nhận xét cây (thân, lá, hoa, quả) và thu nhặt lá, hoa, quả, hạt… khi trẻ ra hoạt
động ngoài trời hoặc đi dạo chơi tham quan mà có cơ hội thuận lợi.

• Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Quan sát cây

Mục đích

- Trau dồi kĩ năng so sánh và ngôn ngữ, giáo dục tình cảm - thẩm mĩ
cho trẻ.

- Trẻ nhận biết một vài đặc điểm nổi bật và một vài bộ phận của cây.

Chuẩn bị

Chọn một cây đẹp (ở khu vực trường hoặc gần trường) rõ thân, cành,
lá… và trẻ có thể đến gần để quan sát.

Tiến hành

Cả lớp hoặc theo nhóm nhỏ, trong khoảng 10-15 phút, ở trong nhà
hoặc ngoài trời.

- Cho trẻ quan sát cây đã chọn, sờ thân cây (lá, quả…).

- Cô gợi hỏi để trẻ: gọi tên cây, những bộ phận chính của cây và nhận
xét những đặc điểm nổi bật của cây. Chẳng hạn cô hỏi: Đây là cây gì? Thân
(lá, hoa…) như thế nào?

- Cho trẻ đoán xem người ta trồng cây đó để làm gì? (làm cảnh, lấy gỗ,
lấy bóng mát, lấy quả…).
- Cho trẻ nghe đọc hoặc đọc bài thơ nói về vẻ đẹp hoặc ích lợi… của
cây.

Hoạt động 2: Chọn lá

Mục đích

- Trau dồi óc quan sát và khả năng chú ý.

- Trẻ nhận biết tên gọi, đặc điểm nổi bật của những chiếc lá quen thuộc
với trẻ.

Chuẩn bị

Thu thập nhiều loại lá có màu sắc, kích thước, hình dạng khác nhau.

Tiến hành

Cả lớp hoặc theo nhóm nhỏ, ở trong nhà hoặc ngoài trời.

- Cho trẻ cầm, sờ, xem xét các lá.

- Cho trẻ chọn lá theo dấu hiệu cho trước. Khi cô nêu dấu hiệu cụ thể
về màu sắc, hình dạng… thì trẻ chọn và xếp nhanh những lá có đặc điểm đó
thành một nhóm. Ví dụ, cô nêu: "Những chiếc lá màu vàng" (hoặc "Những
chiếc lá màu xanh", hoặc "Những chiếc lá nhẵn"…).

- Cho trẻ gọi tên những chiếc lá.

Cô cho trẻ đổi lá cho nhau và trò chơi tiếp tục.

Có thể cho trẻ chơi trò chơi Chọn hoa hoặc Chọn quả tương tự như trò
chơi Chọn lá.

Hoạt động 3: So sánh các lá

Mục đích

- Trau dồi kĩ năng so sánh và ngôn ngữ.

- Trẻ phân biệt được một vài loại lá.

Chuẩn bị
Thu thập nhiều loại lá có kích thước, màu sắc khác nhau. Nếu có các
loại cây khác nhau ở gần trường, dẫn trẻ đi dạo để thu nhặt các loại lá khác
nhau. Mặt khác, giáo viên sưu tập lá cho trẻ sử dụng.

Tiến hành

Cả lớp hoặc theo nhóm nhỏ, trong khoảng 10-15 phút, ở trong nhà
hoặc ngoài trời.

- Cho mỗi trẻ chọn 2 lá khác nhau để quan sát, xem xét (cầm, sờ…).

- Cho trẻ so sánh, nhận xét, mô tả chúng giống nhau và khác nhau như
thế nào (về màu sắc kích thước, hình dạng…).

- Cho trẻ gọi tên lá.

Cô cho trẻ đổi lá cho nhau và trò chơi tiếp tục.

Có thể cho trẻ chơi trò chơi so sánh các hoa hoặc so sánh các quả
tương tự như trò chơi trên.

d) Các hoạt động khám phá khoa học về động vật

• Hướng dẫn thực hiện

Để khơi dậy ở trẻ tính tò mò tự nhiên và tạo cơ hội cho trẻ khám phá về
đặc điểm nổi bật và ích lợi của các con vật quen thuộc, một vài mối liên hệ
đơn giản giữa con vật với môi trường sống, cách chăm sóc và bảo vệ chúng,
đồng thời trau dồi óc quan sát, so sánh, nhận xét của trẻ, hình thành ở trẻ tình
cảm, thái độ đúng đắn đối với các con vật, có thể tổ chức các hoạt động sau
đây cho trẻ:

- Quan sát, gọi tên các con vật gần gũi; mô tả và thảo luận về chúng.

- Chọn tranh hoặc đồ chơi các con vật theo dấu hiệu cho trước (theo
tên gọi hoặc đặc điểm nổi bật).

- Quan sát, nhận xét một số mối liên hệ đơn giản giữa đặc điểm cấu tạo
với môi trường sống, vận động và cách kiếm ăn của các con vật quen thuộc
với trẻ.
Các hoạt động trên đây có thể tiến hành trong chủ đề Thế giới động vật
ở hoạt động học hoặc ở mọi lúc mọi nơi, nhưng cũng có thể tận dụng những
tình huống thuận lợi trong tất cả các chủ đề khác để tiến hành. Chẳng hạn,
trong khi tiến hành các chủ đề khác, có thể cho trẻ quan sát, gọi tên, so sánh,
nhận xét về các con vật… khi trẻ ra hoạt động ngoài trời hoặc đi dạo chơi
tham quan hoặc khi hoạt động ở các góc mà có cơ hội thuận lợi.

• Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Quan sát cá

Mục đích

- Trau dồi óc quan sát, khả năng nhận xét và ngôn ngữ.

- Trẻ biết tên gọi, một số bộ phận và vận động của con cá.

Chuẩn bị

Bể cá với một vài loại cá khác nhau.

Tiến hành

Theo nhóm nhỏ, trong khoảng 10-15 phút, ở trong nhà hoặc ngoài trời.

- Cho trẻ quan sát từng con cá và nhận xét về màu sắc, hình dạng, gọi
tên. Chẳng hạn cô hỏi: Đây là con gì? Nó đang làm gì? (bơi, lặn, đớp mồi,
ngoi lên mặt nước…)? Nó có màu gì (nếu màu sắc rõ nét)?

- Cô gợi hỏi để trẻ quan sát và gọi tên các bộ phận của cá (như vẩy,
mang, vây, đuôi cá) nhận ra một vài đặc điểm khác khi cá thở, bơi và đoán
xem vây và đuôi cá để làm gì.

- Cho trẻ quan sát, nhận xét những điểm giống nhau và khác nhau của
một vài loại cá.

- Có thể cho trẻ quan sát các kiểu bơi khác nhau và những nơi cá ở đó
lâu hơn cả.

- Cho trẻ biết tên gọi của một vài loại cá khác nhau và mô tả các đặc
điểm riêng của mỗi loại cá đó.
- Cho trẻ nghe đọc thơ (hoặc bài hát) hoặc đọc bài thơ (hoặc hát) về
con cá, chẳng hạn bài thơ Con cá vàng hoặc bài hát Cá vàng bơi.

Hoạt động 2: Quan sát một số con vật nuôi trong gia đình có 4 chân, đẻ
con

Mục đích

- Trau dồi khả năng quan sát, nhận xét và ngôn ngữ; khả năng chú ý,
phán đoán.

- Trẻ biết tên gọi và một vài đặc điểm nổi bật của các con vật nuôi quen
thuộc với trẻ.

Chuẩn bị

- Các con vật nuôi thật (nếu có).

- Bộ tranh các con vật nuôi trong gia đình có 4 chân, đẻ con.

Tiến hành

Theo nhóm nhỏ, trong khoảng 10-15 phút, ở trong nhà.

- Cho trẻ quan sát một con vật nào đó và thảo luận về nó. Có thể cho
trẻ ngắm nhìn, vuốt lên lông con vật. Nên tạo điều kiện cho con vật ăn, vận
động (đi, chạy, nhảy…) để trẻ quan sát, nhận xét và phỏng đoán. Cô có thể
hỏi: Đó là con gì? Bộ lông của nó như thế nào? Mắt (tai, đuôi) nó như thế
nào? Chân nó có móng sắc để làm gì…? Nó thích ăn gì? Nuôi nó để làm gì?

- Tiến hành tương tự với các con vật khác đã chuẩn bị.

- Cho trẻ nêu câu hỏi về các con vật nuôi trong gia đình.

- Cho trẻ chơi giải câu đố về các con vật nuôi gần gũi hoặc nghe (hát)
bài hát về các con vật nuôi.

Có thể cho trẻ quan sát một số con vật nuôi trong gia đình có 4 chân,
có mỏ: Mục đích, chuẩn bị và tiến hành tương tự như quan sát một số con vật
nuôi trong gia đình có 4 chân, đẻ con.

e) Các hoạt động khám phá khoa học về các hiện tượng tự nhiên
• Hướng dẫn thực hiện

- Để tạo cơ hội cho trẻ khám phá các hiện tượng thời tiết (nắng, mưa,
nóng, lạnh; ảnh hưởng của nắng, mưa, nóng, lạnh đến sinh hoạt của trẻ), một
số dấu hiệu nổi bật của ngày và đêm, cô cần tận dụng các điều kiện, hoàn
cảnh cụ thể diễn ra hằng ngày và tổ chức cho trẻ các hoạt động như:

+ Quan sát, nhận xét các hiện tượng thời tiết: nắng, mưa, nóng, lạnh,
gió…

+ Quan sát bầu trời, nhận xét cảnh vật ngày và đêm.

+ Trò chuyện, thảo luận về các hiện tượng thời tiết, ngày và đêm…

- Để tạo cơ hội cho trẻ khám phá một số nguồn nước và ánh sáng trong
sinh hoạt hằng ngày, đặc điểm và ích lợi của nước, ánh sáng, cát…, cô cần
tận dụng các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể diễn ra hằng ngày và tổ chức cho
trẻ các hoạt động như:

+ Quan sát các nguồn nước, ánh sáng trong sinh hoạt hằng ngày trong
thực tế và qua tranh ảnh.

+ Trò chuyện, thảo luận về đặc điểm, ích lợi của nước và ánh sáng với
đời sống con người, cây cối, con vật.

+ Chơi với cát, nước để trẻ cảm nhận một vài đặc điểm, tính chất của
cát, nước…

Các hoạt động trên đây có thể tiến hành trong chủ đề Nước và Các
hiện tượng tự nhiên ở hoạt động học hoặc ở mọi lúc mọi nơi, nhưng cũng có
thể tận dụng những tình huống thuận lợi trong tất cả các chủ đề khác để tiến
hành. Chẳng hạn, trong khi tiến hành các chủ đề khác, có thể cho trẻ quan
sát, gọi tên các nguồn nước, nhận xét về các hiện tượng thời tiết… khi trẻ ra
hoạt động ngoài trời hoặc đi dạo chơi tham quan hoặc khi hoạt động ở các
góc mà có cơ hội thuận lợi.

• Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Quan sát đám mây


Mục đích: Trau dồi óc quan sát của trẻ và khả năng ngôn ngữ.

Chuẩn bị: Chọn ngày đẹp trời, gió nhẹ.

Tiến hành: Cả lớp hoặc theo nhóm nhỏ, trong khoảng 15 -20 phút, ở
ngoài trời.

- Dẫn trẻ ra ngoài trời và tìm nơi trẻ có thể ngồi xuống và theo dõi các
đám mây.

- Cho trẻ quan sát đám mây chuyển động trong gió nhẹ sao cho trẻ có
thể nhìn thấy các đám mây thay đổi và mô tả về chúng.

- Cho trẻ thảo luận thời tiết lúc đó như thế nào.

Hoạt động 2: Quan sát, mô tả nước

Mục đích

- Trau dồi óc quan sát, khả năng ngôn ngữ.

- Trẻ nhận biết màu sắc, mùi vị của nước.

Chuẩn bị

- Nước đun sôi để nguội đủ cho mỗi trẻ một ít để uống.

- Bồn chơi nước hoặc chậu nhựa to. Đổ nước vào các vật chứa nước
đã chuẩn bị.

Tiến hành

- Cho mỗi trẻ một ít nước vào cốc để uống. Yêu cầu trẻ nhìn, ngửi nước
trong cốc trước khi uống, sau đó uống nước và chú ý vị của nước.

- Cho trẻ trò chuyện về màu sắc, mùi vị của nước đun sôi để nguội
(nước lọc) vừa uống.

- Cho trẻ quan sát nước sạch đựng trong bồn hoặc chậu và hỏi trẻ:

+ Nước trông như thế nào? Nước có màu gì?

+ Đoán xem điều gì xảy ra khi chuyển động tay trong nước?…

- Cho trẻ để bàn tay, cánh tay vào nước. Cô có thể hỏi trẻ:
+ Cháu cảm thấy nước như thế nào?

+ Điều gì xảy ra khi di chuyển tay trong nước?

+ Điều gì xảy ra khi cho tay ra khỏi nước?…

Cho trẻ trao đổi với nhau về những gì trẻ nhận thấy khi chơi với nước.

Hoạt động 3: Các vật nổi, các vật chìm trong nước

Mục đích

- Trau dồi óc quan sát, khả năng phỏng đoán và phân nhóm.

- Trẻ nhận biết có những vật nổi, có những vật chìm trong nước.

Chuẩn bị

- Một chậu nước.

- Một vài vật khác nhau có thể chìm hoặc nổi, như: hòn sỏi, đồng xu,
kẹp quần áo, nắp nhựa, mẩu gỗ…

Tiến hành

- Cho trẻ cầm, sờ các vật đã chuẩn bị và đoán xem vật nào sẽ nổi, vật
nào sẽ chìm.

- Thả các vật đó vào nước và quan sát xem vật nào nổi, vật nào chìm.

- Cho trẻ chọn riêng thành những vật nổi và những vật chìm.

2. Các hoạt động làm quen với toán

Những biểu tượng ban đầu về toán của trẻ em xuất hiện thông qua các
trải nghiệm hằng ngày trong môi trường học tập phong phú và hấp dẫn. Do
vậy, trong việc hình thành các biểu tượng ban đầu về toán cho trẻ ở độ tuổi
này, giáo viên cần:

- Tạo nhiều cơ hội cho trẻ được trải nghiệm dưới nhiều hình thức khác
nhau.

- Tạo và duy trì hứng thú và sự say mê của trẻ, phát triển thái độ tích
cực của trẻ đối với việc học toán.
- Lập kế hoạch hằng ngày tạo nhiều cơ hội trải nghiệm về toán cho trẻ
qua chơi, vẽ, tô màu, xây dựng, chơi với nước, cát, chơi đóng vai…

- Phát triển tư duy, kích thích suy nghĩ của trẻ bằng cách đưa ra các
câu hỏi mở, khuyến khích trẻ tìm cách giải quyết: Đã làm gì, làm thế nào?

- Tạo môi trường trong và ngoài lớp phong phú, hấp dẫn trẻ để kích
thích sự tò mò, khám phá, phân loại, so sánh, đếm…

Giáo viên nên áp dụng các cách làm sau tuỳ theo khả năng nhận thức
của trẻ trong từng trường hợp cụ thể:

- Giáo viên giải thích - trẻ nghe và bắt chước theo (giáo viên nói và làm
hành động mẫu).

- Trẻ thực hành theo hướng dẫn bằng lời của giáo viên (không có các
hành động mẫu).

- Trẻ thực hành giải quyết nhiệm vụ không có hướng dẫn trực tiếp.

- Tạo môi trường cho trẻ hoạt động khám phá. Giáo viên quan sát và
giúp đỡ khi cần thiết.

- Giáo viên đưa ra vấn đề cho trẻ suy nghĩ, tìm cách giải quyết.

Trẻ ở mọi độ tuổi đều có thể tham gia vào việc làm quen các khái niệm
toán, nhưng giáo viên phải chọn những hoạt động phù hợp với khả năng và
sở thích riêng của trẻ trong lớp. Hằng ngày, giáo viên có thể làm cho toán trở
nên hấp dẫn và có ý nghĩa đối với trẻ bằng các nguyên vật liệu, trò chơi và
thông qua các hoạt động của trẻ. Có những hoạt động được tổ chức cho
nhóm lớn, có những hoạt động thì phù hợp với nhóm nhỏ, một số khác sẽ tốt
cho cá nhân trẻ khám phá trong góc học tập. Nhiều khái niệm toán cũng được
củng cố và mở rộng cho trẻ trong các góc nghệ thuật, khoa học, âm nhạc và
các hoạt động chơi khác. Cũng như các lĩnh vực khác, các nhiệm vụ toán đặt
ra cho trẻ cũng được đi từ đơn giản đến phức tạp để trẻ có được những trải
nghiệm thành công.
Dưới đây là một số gợi ý về nội dung cho trẻ 3 tuổi làm quen với toán
được sắp xếp từ dễ đến khó. Nhưng điều đó không có nghĩa là giáo viên thực
hiện tuần tự theo cách sắp xếp này. Việc sắp xếp này chỉ là tương đối trong
phạm vi từng phần. Trong quá trình lập kế hoạch, lựa chọn các nội dung, giáo
viên vẫn cần cân nhắc thêm mức độ khó dễ của các nội dung giữa các phần.

a) Các hoạt động làm quen với tập hợp, số lượng, số thứ tự và
đếm

• Hướng dẫn thực hiện

* Đếm và nhận biết số lượng trong phạm vi 5

- Thuộc số đếm: Trước khi trẻ có thể đếm đúng trên các đối tượng cụ
thể, trẻ phải thuộc lòng được tên các số theo thứ tự. Đây chỉ là khả năng bắt
chước của trẻ mà chưa có sự liên quan thực sự tới khái niệm toán, nhưng nó
lại rất cần thiết cho việc học đếm của trẻ. Trẻ không thể đếm đúng trên các
đối tượng nếu không thuộc lòng được các số theo thứ tự. Hoạt động này cần
được cô giáo và phụ huynh khuyến khích ngay từ khi dạy trẻ tập nói.

- Đếm đúng trên đồ vật: Đếm không lặp lại (không lặp lại tên một số nào
đó, không đếm lại các đối tượng đã đếm), không bỏ sót (mỗi đối tượng đều có
một tên số theo thứ tự mà không bị bỏ qua đối tượng). Ví dụ: 1, 2, 3 - có tất
cả 3 bông hoa.

- Khi giới thiệu một số lượng mới bao giờ cũng phải dựa trên số lượng
cũ mà trẻ đã biết ít hơn số lượng mới 1 đơn vị. Thông thường, nếu trẻ nhìn
vào một nhóm đối tượng có số lượng ít hơn 5 mà nói được kết quả (không
phải đếm) thì sẽ dạy số lượng tiếp theo. Vì vậy các nội dung nên được thực
hiện theo trình tự sau:

+ Thuộc các số đếm trong phạm vi 5 (từ 1, 2, 3, 4 và 5).

+ Đếm trên đối tượng trong phạm vi 1.

+ Đếm trên đối tượng trong phạm vi 2.

+ Đếm trên đối tượng trong phạm vi 3.


+ Đếm trên đối tượng trong phạm vi 4.

+ Đếm trên đối tượng trong phạm vi 5.

Đối với trẻ 3 tuổi, hướng dẫn đếm số mới bằng cách thêm một đơn vị
vào số đã biết theo trình tự:

+ Trẻ đếm số lượng đã biết

+ Thêm 1 vào nhóm đó. Cho trẻ đếm số lượng mới tạo thành.

+ Nhận xét cách tạo số mới (thêm 1).

+ Có thể cho trẻ so sánh số lượng mới với số lượng đã biết.

Giáo viên cần tận dụng mọi cơ hội cho trẻ đếm: đếm các đối tượng
được xếp thành dãy, đếm theo các hướng khác nhau, đếm các đối tượng
không được xếp thành dãy… sao cho không bị bỏ sót hay trùng lặp đối
tượng. Ở bất kì chủ đề nào, trong những tình huống thích hợp với các đối
tượng có thể đếm được, hãy cho trẻ đếm như: đếm các ngón tay của mình,
đếm số hột hạt vừa xâu được, đếm số kẹo vừa được chia, đếm quả trên bàn,
đếm số các bạn trong nhóm, tổ…

* Nhận biết 1 và nhiều

- Hướng dẫn trẻ theo các bước:

+ Nhận biết số lượng 1.

+ Gộp nhiều đối tượng riêng rẽ (“nhiều - 1”) để thành 1 nhóm có nhiều
đối tượng.

+ Tách riêng rẽ từng đối tượng của nhóm để được 1.

+ Cho trẻ dùng các từ: "một", "nhiều" tương ứng với các hoạt động
"tách" hay "gộp" như trên.

- Hoạt động này có thể thực hiện ở nhiều chủ đề khác nhau để trẻ phân
biệt 1 và nhiều với các từ dùng hằng ngày như 1 đĩa có nhiều quả, 1 tổ có
nhiều bạn, 1 chùm có nhiều bông hoa…

* Gộp hai nhóm đối tượng và đếm


Khi trẻ đã nhận biết được số lượng của nhóm thì hãy cho trẻ gộp các
nhóm. Các nhóm này phải giống nhau về tên gọi, chủng loại. Hãy cho trẻ thao
tác trên các nhóm đối tượng cụ thể. Nhóm mới được gộp từ hai nhóm, có số
lượng không vượt quá số lượng trẻ đã biết. Các nội dung sau được sắp xếp
từ dễ đến khó cho trẻ làm quen:

+ Gộp 2 nhóm đối tượng (mỗi nhóm có số lượng ít hơn hoặc bằng 2) và
đếm.

+ Gộp 2 nhóm đối tượng (mỗi nhóm có số lượng là 2) và đếm.

+ Gộp 2 nhóm đối tượng (1 nhóm có 2 đối tượng, 1 nhóm có 3 đối


tượng) và đếm.

Hoạt động "gộp 2 nhóm đối tượng và đếm" cần được tiến hành như sau
đối với trẻ 3 tuổi.

- Đếm số lượng của từng nhóm.

- Gộp 2 nhóm để thành một nhóm mới (cho cùng vào một chỗ, để
chung vào một chỗ, dồn vào cùng một nơi,…).

- Đếm số lượng của nhóm mới tạo thành.

* Tách một nhóm thành hai nhóm

Đối với trẻ 3 tuổi, hãy để trẻ tách một nhóm đối tượng có số lượng đã
biết thành hai nhóm theo ý thích của trẻ theo các bước:

- Đếm số lượng nhóm ban đầu.

- Chia nhóm đó thành hai nhóm.

- Đếm số lượng của từng nhóm vừa chia.

Để luyện cho trẻ kỹ năng này, có thể cho trẻ gộp hai nhóm vừa tách rồi
lại tách ra theo cách khác. Hoạt động này cần được lặp đi lặp lại với các hoạt
động tách, gộp, tách… Trong hoạt động học có chủ định nên giới thiệu cẩn
thận khái niệm "gộp", "tách" và luyện kĩ năng đếm cho trẻ thông qua hành
động "cho chung đồ chơi của 2 bạn vào cùng 1 hộp, dồn 2 giỏ quả vào chung
1 túi… 1, hay "như chia kẹo cho 2 bạn, chia quả sang 2 giỏ…" ở các chủ đề
vè trường mầm non, thế giới thực vật… Nên tổ chức cho trẻ hoạt động từ dễ
đến khó với các nội dung gợi ý sau:

+ Tách một nhóm có 2 đối tượng thành hai nhóm.

+ Tách một nhóm có 3 đối tượng thành hai nhóm.

+ Tách một nhóm có 4 đối tượng thành hai nhóm.

+ Tách một nhóm có 5 đối tượng thành hai nhóm.

• Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Có bao nhiêu?

(Hoạt động này có thể thực hiện ở chủ thế giới thực vật với thời gian
15-20 phút)

Mục đích: Trẻ đếm đúng số lượng 3 trên các đối tượng.

Chuẩn bị

- Ít nhất 3 quả táo.

- 1 hộp bìa các-tông.

Tiến hành

- Cho trẻ xem và cầm những quả táo. Cô hỏi trẻ: Đây là quả gì? Nó có
màu gì? Nó có hình gì? Nó nhẵn hay ráp? Ai đã ăn rồi?… (Giáo viên có thể
lựa chọn và đặt nhiều hay ít câu hỏi hơn tuỳ theo khả năng của trẻ)

- Sau đó, cô xếp 3 quả táo thành một hàng. Cô và trẻ cùng đếm: Mỗi
lần đọc một tên số theo thứ tự thì chỉ vào một quả táo. Ví dụ: 1, 2, 3. - Tất cả
có 3 quả táo. Cô gọi vài trẻ đếm lại.

- Cô xếp lại 3 quả táo không thành hàng và cho trẻ đếm; sau đó, gọi
một vài trẻ vừa đếm vừa chỉ lần lượt vào từng quả táo mỗi khi gọi tên số.

- Khi trẻ đã đếm đúng, cô cho các quả táo vào trong hộp kín để trẻ sờ
và đếm. Sau đó mở hộp cho trẻ kiểm tra lại.
- Cho mỗi trẻ trong lớp lấy cho mình 3 thứ đồ chơi hay bất cứ đồ vật gì
sẵn có trong lớp. Yêu cầu 2 trẻ kiểm tra lẫn nhau và nói xem bạn mình lấy có
đúng số lượng yêu cầu không.

- Cô có thể để ít hơn hay nhiều hơn 3 quả táo trong hộp rồi cho trẻ sờ
và hỏi trẻ "trong hộp có 3 quả táo phải không?". Gọi một vài trẻ thử và trả lời
"đúng" hay "không đúng". Sau đó cho cả lớp mở ra để kiểm tra lại và cho trẻ
thêm hoặc bớt để được số lượng là 3 quả táo.

- Tiếp theo cô có thể cho trẻ nếm thử táo và nói về mùi vị của nó hoặc
cho trẻ in hình quả táo từ việc dùng một nửa quả chấm vào phẩm màu trong
góc hoạt động.

Hoạt động này có thể tiến hành như một hoạt động học có chủ định
trong thời gian 15-20 phút với nội dung là đếm đến 3 trên đối tượng cụ thể,
nội dung tích hợp là khám phá khoa học (hình dạng, màu sắc, mùi vị, vỏ ráp
hay nhẵn… của những quả táo) và tạo hình (in hình quả táo)

b) Xếp tương ứng 1-1, ghép đôi

 Hướng dẫn thực hiện

Nói đến tương ứng 1-1 bao giờ cũng cần hai nhóm có số lượng bằng
nhau để có thể ghép một đối tượng của nhóm này với một đối tượng của
nhóm kia. Như vậy, với việc xếp tương ứng 1 - 1 có thể so sánh được nhóm
nào có số lượng nhiều hơn mà không cần phải đếm. Nhóm nào thừa ra
(không còn đối tượng nào của nhóm kia để ghép cùng) thì nhóm đó có số
lượng nhiều hơn, hay nhóm nào thiếu (không còn đối tượng nào để ghép với
những đối tượng còn lại của nhóm kia) thì nhóm đó ít hơn. Tuy nhiên, trong
nội dung chương trình giáo dục mầm non, trẻ 3 tuổi mới được nhận biết số
lượng trong phạm vi 5. Vì vậy xếp tương ứng 1-1 nên được tiến hành giữa 2
nhóm đối tượng có cùng số lượng trong phạm vi 5.

Ghép đôi là một trường hợp đặc biệt của xếp tương ứng 1-1 để tạo ra
được những nhóm hai đối tượng gần giống nhau hoặc có liên quan đến nhau.

Trẻ 3 tuổi có các hoạt động xếp tương ứng như:


- Xếp tương ứng 1-1 giữa 2 nhóm đối tượng gần giống nhau. (Ví dụ:
Một nhóm là những bông hoa đỏ, một nhóm là những bông hoa vàng: 1 bông
hoa đỏ được xếp với 1 bông hoa vàng; một bát to với 1 bát nhỏ).

- Ghép đôi: tìm, chọn hai đối tượng gần giống nhau như tìm các đôi
giày, đôi dép, đôi găng tay, đôi đũa,…

Xếp tương ứng 1-1 cũng cần được tăng cường trong các trò chơi và
trong các sinh hoạt hằng ngày của trẻ với các hoạt động như: lấy cho mỗi bạn
một cái bát, mỗi người một cái ghế, mỗi bạn một cái cốc hay mỗi bát có một
thìa, ghép một bạn trai với một bạn gái trong lớp ghép thành các đôi giày, đôi
dép…

 Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Những chiếc giày tìm đôi

(Có thể thực hiện trong chủ đề trường mầm non)

Mục đích

Trẻ biết ghép hai đối tượng để tạo thành một đôi.

Chuẩn bị

Tất cả những đôi giày dép của trẻ trong lớp.

Tiến hành

- Trò chuyện với trẻ về giày: Đây là giày của ai? Ai mua cho cháu? Tại
sao phải đi giày? Đi một chiếc có được không? Tại sao?

- Lấy 2 chiếc giày không cùng đôi. Hỏi trẻ xem đi 2 chiếc này có được
không? Điều gì sẽ xảy ra nếu đi như vậy ra đường?

- Sau đó, lấy ba đôi giày của trẻ: xếp một đôi đúng, hai đôi kia xếp sai
(không tạo thành đôi).

- Chỉ cho trẻ từng cặp hai chiếc giày và hỏi xem đây có phải là một đôi
giày không?

- Yêu cầu trẻ xếp lại những chiếc giày cho đúng đôi.
- Sử dụng 3 đôi giày khác: cho trẻ 3 chiếc giày (mỗi đôi một chiếc). Yêu
cầu trẻ tìm những chiếc còn lại để tạo thành ba đôi giày đúng.

Khi trẻ đã thành thạo, tăng số lượng đôi giày và làm tương tự.

Mục đích chính là nhận biết được đôi giày đúng, không bị cọc cạch
nhưng có thể tích hợp mục tiêu về kĩ năng xã hội và phát triển vốn từ: "đôi
giày": Phải đi giày dép đúng đôi để bảo vệ đôi chân, không đi giày dép cọc
cạnh và sử dụng từ "đôi giày", "đôi dép".

Hoạt động 2: Người phục vụ giỏi

(Có thể tiến hành trước khi các cháu chuẩn bị ăn bữa trưa)

Mục đích: Trẻ biết xếp tương ứng 1-1.

Chuẩn bị

- 3 - 5 bát ăn cơm.

- 3 - 5 thìa.

Tiến hành: Yêu cầu trẻ chuẩn bị bát và thìa cho bữa ăn trưa của nhóm.

- Cô gọi một trẻ. Yêu cầu trẻ đặt lên bàn trước mặt các bạn trong nhóm
để mỗi bạn có 1 bát. Nhắc trẻ nhớ là có 1 bát của mình.

- Sau khi trẻ đặt xong yêu cầu cả nhóm nói "mỗi người có một cái bát".

- Hỏi trẻ xem chúng ta cần gì để xúc cơm. Yêu cầu trẻ làm hết nhiệm vụ
của mình (để vào mỗi bát 1 cái thìa). Sau đó hỏi cả nhóm xem mỗi bát có một
thìa chưa? Còn bát nào chưa có thìa? Có bát nào 2 thìa không? và cho cả
nhóm nói "Mỗi bát có một thìa"…

c) So sánh, phân loại và xếp theo quy tắc

 Hướng dẫn thực hiện

Đối với trẻ 3 tuổi, các nội dung sau cần được cho trẻ làm quen:

+ So sánh kích thước của hai đối tượng: to - nhỏ, cao - thấp, dài - ngắn.

+ Xếp xen kẽ dạng AB AB


- So sánh kích thước của hai đối tượng: Nhận ra sự giống nhau hay
khác nhau về kích thước giữa 2 đối tượng. Các khái niệm to - nhỏ, dài - ngắn,
cao - thấp cần cho trẻ nhận biết và sử dụng các từ này trên các đồ dùng của
trẻ như bát, khăn, nơ, người, cây cối… ở các chủ đề khác nhau.

Khi so sánh phải cho trẻ thấy được sự hơn kém thông qua các vật cụ
thể như đặt cạnh nhau, đặt kề nhau, đặt chồng lên nhau (dài - ngắn), đặt lồng
vào nhau (to - nhỏ), đặt trên cùng một mặt phẳng (cao - thấp)…

Đối với trẻ 3 tuổi, nên so sánh 2 đối tượng có sự khác biệt về kích
thước và phải rõ chiều cần so sánh là chiều dài, chiều rộng hay chiều cao để
trẻ dễ ước lượng bằng mắt; sau đó kiểm tra lại phán đoán bằng các kĩ năng
so sánh nêu trên.

Chú ý cho trẻ dùng các từ so sánh như to hơn, nhỏ hơn, dài hơn, ngắn
hơn, cao hơn, thấp hơn…

- Phân loại: tạo thành nhóm các đối tượng theo đặc điểm hay dấu hiệu
nào đó. Chú ý tới các đặc điểm của đối tượng mà trẻ 3 tuổi đã được làm quen
trước đó như màu sắc, hình dạng, kích thước. Các nội dung gợi ý sau được
sắp xếp từ dễ đến khó:

+ Phân thành 2 nhóm thêm dấu hiệu màu sắc.

+ Phân thành 2 nhóm theo 1 dấu hiệu kích thước.

+ Phân thành 2 nhóm theo 1 dấu hiệu hình dạng (sau khi trẻ nhận biết
được về hình dạng).

+ Phân thành 2 nhóm theo 2 dấu hiệu: màu sắc và kích thước.

+ Phân thành 2 nhóm theo 2 dấu hiệu: màu sắc và hình dạng.

+ Phân thành 2 nhóm theo 2 dấu hiệu: kích thước và hình dạng

Có thể hướng dẫn trẻ 3 tuổi thực hiện hoạt động phân loại như sau:

+ Chọn riêng các đối tượng theo một dấu hiệu cho trước như chọn
riêng tất cả các hình vuông, chọn riêng các hình tròn… (dấu hiệu về hình)
+ Chọn riêng các đối tượng theo hai dấu hiệu cho trước như chọn riêng
các hình vuông có màu đỏ… (dấu hiệu về hình và màu)

+ Nhắc lại dấu hiệu của nhóm vừa chọn như "toàn là hình vuông" hay
"toàn là hình vuông màu đỏ"…

- Xếp xen kẽ là cách xếp đan xen 1-1 hay dạng AB AB: 1 cái này rồi đến
1 cái kia và cứ thế tiếp tục. Đây là cách xếp dễ nhận thấy quy luật của nó.
Các hoạt động có thể tổ chức cho trẻ 3 tuổi là:

+ Giới thiệu cho trẻ một số cách sắp xếp này trong thực tế.

+ Cho trẻ tìm thêm cách xếp theo quy tắc này ở các đồ vật xung quanh
như các ô gạch trên sàn nhà, trên quần áo của trẻ…

+ Cho trẻ thực hành xếp theo quy tắc này như xếp 1 bạn trai - 1 bạn
gái, 1 bạn trai - 1 bạn gái… hay dán các băng giấy hai màu tạo thành dây xúc
xích để trang trí trong hoạt động nghệ thuật…

Các hoạt động về so sánh kích thước cần được giới thiệu cẩn thận
trong các hoạt động học có chủ định để trẻ biết được cách so sánh và thực
hành các kỹ năng khi so sánh. Hoạt động phân loại cần được tích hợp trong
các hoạt động về hình dạng, khám phá khoa học ở các chủ đề khác nhau.
Hoạt động xếp xen kẽ được thực hiện trong hoạt động nghệ thuật và tạo hình:
như vẽ trang trí đường diềm, trang trí khung tranh, ảnh, bưu thiếp…

 Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Bé tự làm một bữa ăn ngon miệng

(Có thể thực hiện trong chủ đề thế giới thực vật)

Mục đích: Trẻ biết tạo ra mẫu xen kẽ.

Chuẩn bị

- Chuối và nho đủ cho trẻ trong lớp ăn bữa phụ.


- Chuối bóc vỏ, cắt ngang thành khoanh cho vào đĩa. Nho rửa sạch, bứt
rời từng quả cho vào một đĩa khác. Những chiếc đĩa để đựng sản phẩm của
trẻ đủ cho mỗi nhóm.

- Những đĩa tăm tre hoặc gỗ (không nhọn đầu) đủ cho mỗi trẻ ít nhất
có một chiếc.

Tiến hành

Chia trẻ thành từng nhóm. Mỗi nhóm một đĩa chuối, 1 đĩa nho, 1 đĩa
tăm và 1 chiếc đĩa không đựng gì.

Yêu cầu mỗi trẻ lấy 1 chiếc tăm xiên 1 miếng chuối, 1 quả nho rồi lại 1
miếng chuối, một quả nho… Được xiên nào, yêu cầu trẻ cho vào đĩa, xếp xiên
nọ nối tiếp xiên kia.

Sau khi đã xiên hết nho và chuối, yêu cầu trẻ đọc thứ tự tên quả trong
xiên của mình: Chuối - nho; chuối - nho; chuối - nho… Sau đó, cho trẻ ăn quả
trong từng xiên và cảm nhận mùi vị của nho và chuối.

Hoạt động 2: To - nhỏ

(Có thể thực hiện trong chủ đề gia đình)

Mục đích: Trẻ biết cách so sánh độ lớn của hai vật.

Chuẩn bị

- 2 bát có độ lớn chênh lệch rõ nét (có thể dùng 1 bát ăn cơm và 1 bát
canh).

- 1 chậu nước.

Tiến hành

- Cho trẻ xem và cầm thử từng bát. Hỏi trẻ xem bát này có thể dùng
vào những việc gì? Bát nào to hơn, bát nào nhỏ hơn? Ở nhà cháu dùng bát
nhỏ để làm gì, bát to để làm gì?…

- Cho trẻ đặt bát nhỏ vào trong bát to và nói về vị trí của bát nhỏ so với
bát to. Cho trẻ nói "bát nhỏ ở trong bát to" hay "bát to ở ngoài".
- Sau đó, cho trẻ đặt bát to lên bát nhỏ và nói về vị trí của bát to so với
bát nhỏ (bát to ở trên bát nhỏ hay bát nhỏ ở dưới bát to) và hỏi trẻ: Liệu bát to
có thể ở trong bát nhỏ được không? Vì sao?

- Sau cùng, hãy dùng bát to múc đầy một bát nước ở trong chậu và hỏi
trẻ: Điều gì sẽ xảy ra khi cô đổ hết chỗ nước này vào bát nhỏ? (hãy hứng vào
chậu và cho trẻ làm để kiểm tra lại phán đoán của mình) rồi hỏi trẻ tại sao lại
như vậy? Chú ý sử dụng các từ to hơn - nhỏ hơn.

Cho trẻ thử lại hoạt động này ở góc thiên nhiên và đoán xem điều gì
xảy ra khi đổ nước ở bát nhỏ vào bát to…

d) Hình dạng

 Hướng dẫn thực hiện

Để cho trẻ nhận biết và gọi tên các hình vuông, hình chữ nhật, hình
tròn, hình tam giác và nhận biết các hình đó trong thực tế, giáo viên có thể tổ
chức các hoạt động như sau:

- Cho trẻ chọn hình theo mẫu của cô.

- Nói tên hình đã chọn.

- Cho trẻ chọn hình theo tên gọi.

- Phân biệt các hình qua những dấu hiệu bề ngoài rõ nét như: hình tròn
lăn được do tính chất của đường bao quanh, hình vuông với hình chữ nhật
giống nhau ở chỗ là đều có 4 cạnh, nhưng khác nhau ở chỗ là hình vuông có
4 cạnh dài bằng nhau còn hình chữ nhật thì có 2 cạnh dài hơn.

Cho trẻ làm quen với ngôn ngữ hình dạng thông qua các hoạt động
chơi và nghe người lớn sử dụng các từ ngữ đó một cách thích hợp. Ví dụ: Trò
chơi tìm đúng nhà theo yêu cầu (nhà là các hình vuông, tròn, tam giác, chữ
nhật mà giáo viên vẽ lên sàn nhà hoặc sân chơi…), giáo viên nói: "Hình tròn"
thì trẻ phải tìm đúng nhà (hình tròn) để đứng vào đó… Hay ở hoạt động ghép
hình, trẻ phải tìm đúng hình cần thiết để lắp ghép vào vị trí thích hợp. Ngoài
ra, giáo viên nên thường xuyên sử dụng các từ ngữ về hình dạng trong sinh
hoạt hằng ngày để giúp trẻ luôn được tiếp xúc với ngôn ngữ hình dạng, qua
đó, trẻ sẽ nhận biết và gọi tên các hình một cách tốt hơn. Chẳng hạn, giáo
viên có thể nói: quả bóng này hình tròn, quyển truyện hình chữ nhật, viên
gạch hình vuông…

Đồ dùng, dụng cụ được sử dụng trong các hoạt động nhận biết và gọi
tên các hình là các hình bằng bìa, gỗ, nhựa… Đối với lần hướng dẫn đầu tiên,
giáo viên nên chọn các hình có kích thước như nhau và chỉ trong khi luyện
tập củng cố kiến thức, giáo viên mới sử dụng các hình có kích thước, màu
sắc khác nhau. Khi cho trẻ nhận biết về hình chữ nhật, cần phải chọn các
hình có khác biệt rõ rệt về chiều dài và chiều rộng.

Khi hướng dẫn trẻ, giáo viên phải dựa vào khả năng nhận thức của trẻ
mà lựa chọn nội dung và tích hợp các nội dung đó vào các chủ đề một cách
thích hợp. Ví dụ: Với chủ đề bản thân, trong một giờ học có chủ đích nếu giáo
viên chọn nội dung trọng tâm là: Nhận dạng và gọi tên các hình tròn, tam giác
thì nội dung tích hợp có thể là: Chơi lắp ghép hình người bằng các hình đã
học. Đếm số hình trên hình người vừa lắp ghép, nói màu sắc của các hình đó.
Hát "Xoè bàn tay, nắm ngón tay…"

 Gợi ý một số hoạt động

Hoạt động 1: Chọn hình theo mẫu

Mục đích

Trẻ nhận biết và gọi tên các hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình
chữ nhật.

Chuẩn bị

- Mỗi trẻ ít nhất 2 hình vuông, 2 hình tròn, 2 hình tam giác, 2 hình chữ
nhật, mỗi loại có kích thước bằng nhau nhưng màu sắc khác nhau. Giáo viên
có một bộ hình mẫu giống như của trẻ.

- Mỗi trẻ một tờ giấy khổ A4 trong đó có các hình trên.

Tiến hành
Tiến hành theo nhóm nhỏ hoặc cả lớp. Thời gian từ 10 - 15 phút.

- Cô giơ từng hình và đặt các câu hỏi để khuyến khích trẻ gọi tên và
nêu màu sắc của hình đó: Đây là hình gì? Hình có màu gì? Nếu trẻ không trả
lời được, cô nói tên và màu sắc của hình rồi yêu cầu trẻ nhắc lại.

- Cô cho trẻ chọn các hình theo mẫu.

- Cho trẻ chơi trò chơi "Thi xem ai chọn hình nhanh". Cô gọi tên hình
bất kì và yêu cầu trẻ chọn đúng hình giơ lên đồng thời nói tên hình.

- Cho trẻ tô màu các hình theo ý thích.

Hoạt động này có thể tiến hành ở các chủ đề Gia đình, Trường mầm
non, Bản thân.

Hoạt động 2: Ghép dựng hình ban đầu

Mục đích

Trẻ nhận biết các hình dạng và màu sắc của hình vuông, hình tam giác,
hình tròn, hình chữ nhật.

Chuẩn bị

Bìa các tông hoặc giấy cứng.

Tiến hành

Số trẻ tham gia từ 4 - 6. Thời gian thực hiện khoảng 10 - 15 phút.

- Cô cùng trẻ tạo một số hình vuông, hình tam giác, hình tròn, hình chữ
nhật bằng bìa cát tông hoặc giấy cứng. Cắt các hình đó ra thành một số mảnh
rồi dán giấy màu lên các mảnh (ví dụ: màu đỏ, màu xanh, màu vàng…).

- Lúc đầu có thể cho trẻ luyện tập tìm ba đến bốn mảnh để ghép thành
từng hình ban đầu rồi nói tên hình và màu sắc của nó.

- Sau đó, có thể cắt thành nhiều mảnh hơn tuỳ thuộc vào khả năng của
trẻ rồi cho trẻ ghép các mảnh đó thành hình ban đầu.

Lưu ý các đường cắt có thể là đường răng cưa hoặc đường lượn sóng
trông cho đẹp mắt.
e) Định hướng không gian và định hướng thời gian

 Hướng dẫn thực hiện

Để giúp trẻ định hướng vị trí trong không gian, thời gian, nhận biết phía
trên - phía dưới, phía trước - phía sau, nhận biết tay phải - tay trái của bản
thân. Cô có thể tiến hành như sau:

- Định hướng vị trí trong không gian: Cho trẻ sử dụng cơ thể của chính
mình để nắm được những từ ngữ về vị trí trong không gian. Ví dụ:

+ Xác định phía trên - phía dưới của bản thân bằng cách cho trẻ ngẩng
đầu lên hay cúi đầu xuống để có thể nhìn thấy vật ở vị trí nào đó; phía trước -
phía sau được xác định qua việc trẻ có nhìn thấy vật đó ở trước mặt hay
không.

+ Phân biệt tay phải, tay trái của bản thân bằng cách cho trẻ dựa vào
thói quen sử dụng tay phải, tay trái trong các công việc hằng ngày. Ví dụ tay
phải cầm bút vẽ, cầm thìa xúc ăn cơm… còn tay trái giữ vở vẽ, cầm bát
cơm…

- Nhận biết ngày và đêm

+ Qua các thời điểm sinh hoạt trong ngày, qua các cuộc trò chuyện,
thảo luận… để giúp trẻ nhận biết ngày - đêm. Ví dụ: Cô và trẻ trò chuyện về
một ngày của bé như: Ban ngày Bé đi đến trường mầm non, Bé ăn cơm, tắm
rửa, đi chơi công viên… Ban đêm Bé đi ngủ…

+ Cho trẻ xem các bức tranh vẽ về cảnh sinh hoạt của gia đình vào ban
ngày, ban đêm; nghe các câu chuyện nói về ban ngày, ban đêm.

Khi hướng dẫn, giáo viên phải dựa vào khả năng nhận thức của trẻ mà
lựa chọn nội dung và tích hợp các nội dung đó vào các chủ đề một cách thích
hợp. Ví dụ: Trong chủ đề thực vật, giáo viên có thể tích hợp nội dung giáo dục
trẻ về định hướng trong không gian như cho trẻ tìm xem trên cây có những
gì? Dưới gốc cây có những gì?…
Ngoài những hoạt động học có chủ đích, giáo viên cần tận dụng các cơ
hội ở mọi lúc, mọi nơi cho trẻ được luyện tập, trải nghiệm. Ví dụ: Trong lúc
dạo chơi giáo viên có thể cho trẻ quan sát, nói xem ở phía trước cửa lớp có
những cái gì? Hay phía sau nhà bếp có những cái gì?…

 Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Xác định vị trí phía trên - phía dưới

Mục đích

Trẻ biết được vị trí phía trên, phía dưới (so với bản thân trẻ).

Chuẩn bị

Mỗi trẻ một chiếc mũ và một quả bóng.

Tiến hành

Số trẻ tham gia từ 10 - 15. Thời gian thực hiện khoảng 5 - 10 phút

Cho trẻ chơi "Thi xem ai nhanh. Cô có thể nói:

- "Hãy đặt tay của cháu dưới cằm", "Hãy đặt hai tay của cháu lên trên
đỉnh đầu".

- "Hãy đội mũ lên đầu và đặt quả bóng dưới chân của cháu", "Hãy tìm
những đồ vật, đồ chơi ở phía trên đầu (Quạt trần, bóng đèn, đồng hồ…) và ở
phía dưới chân (viên gạch lát sàn, dép…).

Hoạt động 2: Trò chơi trời sáng và tối

Mục đích: Cho trẻ nhận biết ngày và đêm.

Chuẩn bị

- 1 bức tranh vẽ cảnh mặt trời mọc, bé đến trường mầm non, bố mẹ đi
làm.

- 1 bức tranh vẽ cảnh buổi tối có đèn sáng, có giương đã mắc màn bé
chuẩn bị đi ngủ…

Tiến hành
- Cho trẻ xem tranh và kể về cảnh sinh hoạt vào ban ngày và ban đêm
của gia đình bé.

- Cô và trẻ cùng thảo luận về các công việc diễn ra vào ban ngày và
ban đêm như: Con làm các công việc gì vào ban ngày? Buổi tối con làm gì?

- Cho trẻ chơi: "Trời sáng và tối". Cô làm gà mẹ và trẻ làm gà con đang
đi tìm mồi. Khi cô hô: "Trời tối", các chú gà chạy về vị trí - ngồi im và nhắm
mắt ngủ. Khi cô hô: "Trời sáng", Đàn gà con mở mắt - Vỗ cánh rồi chạy đi
kiếm ăn.

II - CÁC HOẠT ĐỘNG TÌM HIỂU XÃ HỘI

1. Các hoạt động giúp trẻ tìm hiểu về bản thân, gia đình, trường
mầm non, cộng đồng

a) Hướng dẫn thực hiện

Để tạo cơ hội để trẻ tìm hiểu về bản thân mình (tên tuổi, đặc điểm bề
ngoài, giới tính, sở thích…), về những người thân trong gia đình, bạn bè, cô
giáo; về mối quan hệ của trẻ đối với những người trong gia đình, trường mầm
non, cộng đồng gần gũi có thể tổ chức các hoạt động sau đây:

- Xem ảnh, soi gương để nhận biết dáng vẻ, đặc điểm và các bộ phận
bên ngoài của bản thân.

- Trò chuyện về bản thân và những thành viên trong gia đình (tên, địa
chỉ nhà ở, trường lớp nhu cầu của gia đình,…); về trường mầm non (bạn bè,
cô giáo, đồ dùng đồ chơi, các hoạt động…).

- Quan sát, so sánh những điểm giống và khác nhau về dáng vẻ bề


ngoài của mình, của bạn.

- Chơi các trò chơi để tìm hiểu về bản thân (so sánh chiều cao của
mình với bạn, nhận biết chức năng của các giác quan: mắt, mũi, mồm, tai;
chơi in hình bàn tay, bàn chân trên cát); chọn các đồ dùng cần thiết phù hợp
với nhu cầu của các thành viên trong gia đình…; trò chơi đóng vai gia đình,
trường mầm non.
Các hoạt động nêu trên có thể tiến hành trong chủ đề Bản thân, Gia
đình, Trường mầm non.

b) Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động: Bạn và tôi

Mục đích

- Nhận biết một vài đặc điểm của mình, của bạn.

- Giúp trẻ mạnh dạn giao tiếp với bạn bè.

Chuẩn bị: ảnh chụp của trẻ, album ảnh của lớp.

Tiến hành

- Giáo viên trò chuyện với trẻ về bức ảnh của trẻ. Đặt các câu hỏi để
gợi trẻ nhớ lại các sự kiện khi xem ảnh: ảnh của ai? chụp vào lúc nào? trong
ảnh có những ai?…

- Trẻ xem ảnh, quan sát để nhận biết một vài đặc điểm bề ngoài của
mình, của bạn qua những bức ảnh chụp: Bạn Hoa có tóc màu gì? Bạn Hà
mặc áo gì đấy? Theo con, vì sao bạn Chi cười tươi thế? Còn bạn Bình đang
nghĩ gì? Con hãy chọn ảnh của các bạn trai ra đây đi nào…

- Trẻ so sánh và phân biệt một vài điểm khác biệt của mình với các bạn:
về chiều cao, về kiểu tóc, về trang phục… Ví dụ: Trò chơi "đoán tên" trẻ nhận
ra bạn qua việc cô miêu tả một số nét nổi bật của bạn trong lớp.

- Gợi ý để trẻ tiếp tục kể về các bức ảnh trong các thời điểm thích hợp.

Hoạt động 2: Bé hãy kể về gia đình thân yêu!

Mục đích

- Trẻ biết tên và một vài đặc điểm của những người thân trong gia đình;
mối quan hệ của các thành viên trong gia đình; một số công việc của mọi
người trong gia đình và địa chỉ gia đình.

- Trẻ hiểu gia đình sống chung trong cùng một nhà, mọi người trong gia
đình đều yêu thương nhau.
Chuẩn bị: Mỗi trẻ một bức ảnh về gia đình mình.

Tiến hành

- Cùng trẻ xem ảnh và trò chuyện về những bức ảnh gia đình mà trẻ
mang đến lớp.

- Đặt câu hỏi gợi ý để trẻ kể về gia đình mình: Tên và vị trí của những
người trong gia đình (ông, bà, bố, mẹ, anh, chị, em…), công việc của bố mẹ
và những người thân khi ở nhà, địa chỉ gia đình.

- Đếm, so sánh các thành viên trong gia đình của mình và gia đình của
bạn.

- Nghe và vận động theo nhạc bài hát "Ba ngọn nến".

Hoạt động 3: Gia đình bé cần những đồ dùng gì?

Mục đích

- Trẻ biết một số đồ dùng cần thiết của gia đình, biết tên, công dụng,
chất liệu của chúng.

- Phát triển ở trẻ khả năng chú ý, quan sát và ghi nhớ.

Chuẩn bị: Tranh ảnh, lô tô / vật thật về đồ dùng gia đình.

Tiến hành

- Quan sát qua tranh, ảnh hoặc vật thật một số đồ dùng gia đình.

- Trò chuyện về các đồ dùng gia đình (đồ dùng để ăn uống, để đi lại, để
ở…): tên gọi, công dụng, chất liệu, cách sử dụng và giữ gìn bảo quản đồ
dùng.

- Trẻ tự kể về những đồ dùng của gia đình mình.

- Chơi trò chơi phân loại các đồ dùng theo công dụng.

Hoạt động 4: Trò chơi "Đoán xem ai nào?"

Mục đích: Giúp trẻ nhận biết và nhớ tên các bạn trong lớp.

Chuẩn bị: Mũ đội đầu hoặc khăn bịt mặt.


Tiến hành

Trẻ đứng thành vòng tròn. Một trẻ đứng ở giữa (cháu A). Cô yêu cầu A
quan sát kĩ các bạn đứng xung quanh, sau đó cô bịt mắt hoặc đội mũ che mắt
của A. Cô ra hiệu cho một trẻ đứng trong vòng tròn trốn ra ngoài, trong khi cả
nhóm hát hoặc vận động theo bài hát quen thuộc, khi bản nhạc hoặc bài hát
kết thúc cô cho bạn A mở khăn và tìm xem bạn nào ra ngoài. Tương tự cô
giáo có thể thay bằng việc cho thêm trẻ đứng vào vòng tròn và cho A đoán.

2. Các hoạt động giúp trẻ biết một số nghề gần gũi và phổ biến

a) Hướng dẫn thực hiện

Đối với trẻ 3-4 tuổi, cần cho trẻ biết về tên gọi, công cụ lao động và sản
phẩm của một số nghề quen thuộc và phổ biến trong xã hội như: nghề dạy
học, xây dựng, chăm sóc sức khoẻ nghề nông… Mỗi nghề có tên gọi, công cụ
lao động và sản phẩm khác nhau, nhưng nghề nào cũng có ích cho con
người. Để thực hiện, cô giáo có thể tổ chức các hoạt động sau:

- Trò chuyện, thảo luận về nghề: tên gọi, dụng cụ lao động, sản phẩm
và lợi ích của nghề.

- Xem tranh ảnh, băng hình về công việc, dụng cụ sản phẩm của một
số nghề.

- Tham quan công việc của nghề quen thuộc, phổ biến.

- Đọc thơ, kể chuyện, câu đố về các nghề gần gũi.

- Xé dán, tô màu công cụ lao động, sản phẩm… của các nghề.

- Chơi đóng vai, trò chơi phân loại đồ dùng, dụng cụ của nghề.

b) Gợi ý một số hoạt động cụ thể (có thể tích hợp trong chủ đề
(Nghề nghiệp) Hoạt động 1: Trò chuyện về nghề dạy học

Mục đích

- Trẻ biết được công việc của cô giáo, các dụng cụ đồ dùng cần thiết,
ích lợi của nghề.
- Trẻ quý trọng thầy cô giáo, thích đến lớp.

Chuẩn bị

- Một số đồ dùng dạy học và của một vài nghề khác: Bút, sách, bảng,
phấn, thước…, ống nghe, cặp nhiệt độ…, xoong nồi, muôi thìa…

- Tranh ảnh về nghề dạy học và một vài nghề khác như: cấp dưỡng,
bác sĩ…

Tiến hành

- Cho trẻ xem tranh ảnh hoặc băng hình vé công việc của cô giáo ở
trường, lớp mầm non và một vài nghề khác.

- Trò chuyện thảo luận về nội dung của bức tranh hoặc của băng hình:
Tên gọi? Các đồ dùng của nghề? Công việc cụ thể của người làm nghề? Ích
lợi của nghề…

- Đoán câu đố về nghề.

Hoạt động 2: Trò chơi - chọn đồ dùng/ sản phẩm phù hợp cho mỗi nghề

Mục đích: Trẻ biết đồ dùng/ sản phẩm của một số nghề.

Chuẩn bị: Bộ tranh chủ đề nghề nghiệp.

Tiến hành

- Cùng trẻ nhắc lại tên, đồ dùng, sản phẩm của một số nghề trẻ đã
được tìm hiểu.

- Giao nhiệm vụ: phân loại đồ dùng, sản phẩm theo nghề.

- Trẻ tự thực hiện. Cô giáo theo dõi và giúp đỡ khi cần.

3. Các hoạt động cho trẻ làm quen với danh lam thắng cảnh, lễ hội,
sự kiện văn hoá của quê hương

a) Hướng dẫn thực hiện

Mỗi địa phương, đất nước đều có những danh lam thắng cảnh, lễ hội
riêng của mình. Việc cho trẻ tìm hiểu về vấn đề này không chỉ giúp trẻ có
thêm những hiểu biết về xã hội, kích thích phát triển ngôn ngữ, khả năng sáng
tạo mà còn giúp trẻ biết được ý nghĩa của di tích, danh lam, lễ hội truyền
thống và trở nên gắn bó với quê hương mình. Để thực hiện nội dung này, cô
giáo có thể tổ chức các hoạt động sau:

- Cho trẻ xem tranh ảnh, băng hình về một số danh lam, thắng cảnh, di
tích lịch sử, hình ảnh Bác Hồ, lễ hội truyền thống.

- Tham quan di tích lịch sử, danh thắng.

- Đọc và kể cho trẻ các câu chuyện lịch sử, truyền thuyết…

- Tham gia vào các ngày lễ, hội: ngày sinh nhật Bác, tết trung thu, Tết
cổ truyền, hội Lim, hội Gióng…

Các hoạt động này có thể tích hợp trong các chủ đề "Tết - mùa xuân",
"Quê hương – đất nước – Bác Hồ".

b) Gợi ý hoạt động cụ thể (có thể tích hợp trong chủ đề Quê
hương - Đất nước)

Hoạt động 1: Cảnh đẹp quê hương em

Mục đích: Trẻ biết một số danh lam thắng cảnh của quê hương, đất
nước (tên gọi, địa danh, một vài đặc điểm nổi bật).

Chuẩn bị: Băng vi deo hoặc bộ tranh về cảnh đẹp quê hương.

Tiến hành

- Trò chuyện, khuyến khích trẻ kể về những địa danh của quê hương,
đất nước mà trẻ đã được đến, được nghe kể hoặc nhìn thấy qua phim ảnh.

- Cho trẻ xem băng hình/ tranh ảnh về một số địa danh, cảnh đẹp của
quê hương. Cô giáo giới thiệu cho trẻ biết tên, địa điểm của các danh lam
hoặc di tích lịch sử.

- Cho trẻ đi tham quan (nếu có điều kiện).

Hoạt động 2: Lễ hội của quê em

Mục đích
- Trẻ biết được ngày lễ hội truyền thống của quê hương (Ví dụ: Hội Lim,
Hội Gióng, Hội đua ghe…): tên gọi, một vài đặc điểm nổi bật của lễ hội (thời
gian diễn ra lễ hội, các hoạt động, quang cảnh, trang trí…).

- Trẻ trân trọng văn hoá truyền thống.

Chuẩn bị

- Tranh ảnh, băng hình về ngày lễ hội.

- Một số nguyên vật liệu để trang trí cho ngày lễ hội, bài hát, băng
nhạc…

Tiến hành

- Cô cùng trẻ xem tranh ảnh/ băng hình về lễ hội.

- Thảo luận về những đặc điểm của lễ hội (tên gọi, quang cảnh, người
tham gia lễ hội…) nêu lên những công việc chuẩn bị cho ngày lễ: những việc
cần làm và những dụng cụ, nguyên vật liệu cần dùng.

- Cùng trẻ làm dây xúc xích, cờ, dán và trang trí trang phục của người
đi hội.

- Cho trẻ nghe các bài hát, làn điệu dân ca phù hợp.

Khuyến khích bố mẹ cho trẻ được tham gia lễ hội ở địa phương để trẻ
được trực tiếp quan sát quang cảnh, các hoạt động của ngày lễ hội.

Sau khi trẻ được dự lễ hội, gợi ý để trẻ kể về quang cảnh của ngày hội,
có thể giới thiệu cho trẻ biết nguồn gốc của ngày hội.

B - MỘT SỐ LƯU Ý TRONG GIÁO DỤC HOÀ NHẬP ĐỐI VỚI TRẺ
CHẬM PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ
Mỗi hoạt động trong chương trình giáo dục được biên soạn nhằm phát
triển kiến thức, kĩ năng nhất định cho trẻ bình thường. Tuy nhiên, những hoạt
động đó cũng rất cần thiết đối với trẻ khuyết tật (chậm phát triển,…) trong lớp
học.
Vốn sống, môi trường chăm sóc giáo dục tại gia đình, năng lực nhận
thức, khả năng ngôn ngữ,… của những trẻ chậm phát triển trí tuệ/ khó khăn
về học rất đa dạng. Do vậy, khi trong lớp học có trẻ chậm phát triển trí tuệ/
khó khăn về học, giáo viên cần căn cứ vào đặc điểm về năng lực và nhu cầu
để linh hoạt điều chỉnh các hoạt động sao cho trẻ tích cực tham gia vào các
hoạt động của trẻ. Việc điều chỉnh cần được tiến hành về mục tiêu, nội dung,
phương pháp và phương tiện hoạt động và cách đánh giá kết quả hoạt động.

Việc điều chỉnh cần được tiến hành ngay từ khi đặt mục tiêu (yêu cầu)
của hoạt động. Cơ sở của việc điều chỉnh này là "Thang nhận thức Bloom
gồm 6 mức độ: biết  hiểu  vận dụng  phân tích  tổng hợp - đánh giá".
Sau đó, tuỳ thuộc vào hoạt động, năng lực của trẻ, giáo viên cần linh hoạt xác
định mục tiêu cho phù hợp với trẻ và chuẩn bị đồ dùng cho phù hợp. Ví dụ:
Khi cho trẻ ghép hình, đối với trẻ bình thường, mục tiêu lúc đầu có thể là ghép
3 - 4 mảnh và ghép theo khả năng của trẻ, nhưng đối với trẻ chậm phát triển,
lúc đầu, có thể chỉ cần yêu cầu trẻ ghép 2 - 3 mảnh và sau đó tăng dần số
mảnh ghép lên tuỳ theo khả năng của trẻ.

Để đạt được các mục tiêu của các hoạt động (đã được điều chỉnh) giáo
viên cũng cần lựa chọn nội dung hoạt động cho phù hợp với khả năng của
trẻ. Thông thường, đối với trẻ chậm phát triển trí tuệ, giáo viên không nên cho
trẻ hoạt động với quá nhiều nội dung như khi cho trẻ ghép hình, giáo viên có
thể chỉ dùng hình cắt rời 2 - 3 mảnh để cho trẻ ghép (thay bằng 3 hoặc 4 hình
đối với trẻ bình thường) và với 2 màu sắc khác nhau (đỏ - xanh hoặc đỏ -
vàng…).

Phương pháp hướng dẫn các hoạt động cũng cần được thay đổi cho
phù hợp với khả năng của trẻ. Thông thường, trẻ chậm phát triển chậm hiểu,
khó nhớ, khó khăn trong việc thực hiện các yêu cầu của hoạt động và khó
biểu đạt kết quả/ sản phẩm của mình bằng lời. Do vậy, khi hướng dẫn các
hoạt động, giáo viên cần kết hợp cả bằng lời với các thao tác cụ thể, thậm chí
trực tiếp giúp trẻ, như khi cho trẻ ghép hình, để trẻ nhận ra và ghép được các
hình, giáo viên có thể làm mẫu cho trẻ xem, hướng dẫn trẻ một cách tỉ mỉ, khi
cần cũng có thể cùng làm với trẻ.

Một điểm lưu ý khi hướng dẫn trẻ thực hiện một nhiệm và là cần chia
các hoạt động thành nhiều bước nhỏ. Số lượng các bước phụ thuộc vào khả
năng của trẻ. Ví dụ: Cho trẻ chơi ghép hình, trẻ bình thường có thể hoàn
thành được nhiệm vụ khi giáo viên yêu cầu: ghép 3 đến 4 mảnh để tạo thành
các hình theo yêu cầu của cô. Đối với trẻ chậm phát triển, giáo viên có thể
chia thành các bước khác nhau như sau: Hãy để 3 (hoặc 2) mảnh gần nhau;
cho trẻ nhìn kĩ xem các mảnh có thể sắp xếp như thế nào. Trong trường hợp
trẻ vẫn chưa thực hiện được, giáo viên có thể vừa nói và cùng làm với trẻ.

Để trẻ có thể độc lập hơn trong hoạt động, giáo viên cần giảm dần mức
độ hỗ trợ. Ví dụ: lúc đầu giáo viên có thể chủ động làm mẫu cho trẻ và trẻ thụ
động cùng làm theo, sau đó, để trẻ chủ động làm - giáo viên lựa theo trẻ và
chỉ hướng dẫn khi trẻ chưa làm đúng; khi trẻ tự làm được, giáo viên không
giúp trẻ nữa.

Trong cùng hoạt động, giáo viên cần lựa chọn vật liệu, đồ chơi, đồ dùng
dạy học phù hợp với khả năng của trẻ. Trong hoạt động ghép hình, giáo viên
cần cho trẻ chậm phát triển những mảnh để xếp vừa với tầm tay của trẻ
(không nhỏ quá dễ lọt tay, không to quá để trẻ khó sắp đặt vì trẻ thường vụng
về).

Cuối cùng, việc đánh giá kết quả hoạt động cũng cần được điều chỉnh
cho phù hợp với năng lực của trẻ. Trong hoạt động ghép hình, đối với trẻ bình
thường có thể yêu cầu trẻ nói cách làm, sắp xếp đúng theo yêu cầu, thậm chí
xếp đẹp, ngay ngắn và nói cả màu sắc của chúng,… Còn đối với trẻ chậm
phát triển, có thể chỉ cần trẻ xếp (đặt) đúng.

Trẻ chậm phát triển rất đa dạng, không trẻ nào giống trẻ nào. Vì vậy,
việc điều chỉnh các hoạt động đối mỗi trẻ cần linh hoạt đối với từng cá nhân
trẻ. Đối với cá nhân trẻ những hoạt động khác nhau cũng cần điều chỉnh khác
nhau. Khi tiến hành các hoạt động, giáo viên cần đặt cho mình câu hỏi: Liệu
trẻ có thể tham gia vào hoạt động không? Nếu không tham gia được, thì cần
điều chỉnh như thế nào để trẻ có thể tham gia được? Có bao nhiêu cách điều
chỉnh? Cách nào có thể là tối ưu?…

Chương III. PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ


Các mốc phát triển

Nghe hiểu được lời nói.

• Phát âm được hầu hết các âm tiếng Việt.

• Nghe hiểu và trả lời được các câu hỏi: Như thế nào? Bao giờ? Để
làm gì? Ở đâu?

• Diễn đạt được nhu cầu mong muốn bằng các câu đơn và câu đơn
mở rộng.

• Thích nghe hát, đọc thơ, kể chuyện.

• Kể lại truyện dựa theo câu hỏi.

A- CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN


Các hoạt động

Các hoạt động phát triển khả năng nghe và nói

• Nghe các âm thanh khác nhau.

• Trò chuyện.

• Mô tả đồ dùng, đồ chơi, tranh ảnh.

• Nghe và làm theo một lời chỉ dẫn.

• Nghe kể, đọc truyện.

• Nghe đọc thơ, ca dao, đồng dao, tục ngữ.

• Kể lại truyện đã được nghe.

• Đóng vai các nhân vật trong truyện quen thuộc.


Các hoạt động phát triển khả năng tiền đọc, viết

• Làm quen với một số kí hiệu thông thường trong cuộc sống.

• Nghe đọc các loại sách khác nhau.

• Làm quen với cách đọc và viết tiếng Việt.

• Xem tranh và "tập đọc" truyện.

I - HOẠT ĐỘNG PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG NGHE VÀ NÓI

1. Hướng dẫn thực hiện

a) Luyện nghe

Phát triển khả năng nghe và nói cho trẻ mẫu giáo là hết sức quan trọng.
Để nói được tốt, trẻ cần phải được luyện nghe các âm thanh của ngôn ngữ.

Luyện nghe cho trẻ mẫu giáo tuỳ thuộc vào từng độ tuổi để có thể cho
trẻ:

- Nghe nhiều nhiều loại âm khác nhau trong các từ, các câu.

- Nghe ngữ điệu thể hiện các sắc thái tình cảm khác nhau.

- Nghe các giọng nói biểu cảm khác nhau…

Chẳng hạn đối với trẻ mẫu giáo bé, ta cần chú ý luyện nghe để trẻ phân
biệt được các tiếng, từ gần giống nhau, chỉ khác một âm vị hay một thanh:

Tai - Tay

Gan - Ngan

Múi - Núi

Cà - Gà

Cá - Lá

Cà - Cá
Nội dung này có thể thực hiện qua các trò chơi dân gian có các lời đồng
dao như: Dung Dăng dung dẻ, Lộn cầu vồng; Thả đỉa ba ba, Câu ếch.

Nghe hiểu nghĩa các từ, nghe và hiểu nội dung các câu đơn, câu đơn
mở rộng trong giao tiếp. Bày tỏ các nhu cầu của mình bằng các câu đơn, câu
đơn mở rộng. Những nội dung này có thể được thực hiện ở các trò chơi: Tìm
bạn, Tìm đồ vật cho đúng, Ở cửa hàng, Bạn lấy được cái gì?…

Tuy nhiên, đối với trẻ mẫu giáo thì khả năng nghe và nói luôn liên quan
chặt chẽ với nhau. Trong quá trình giao tiếp, những nội dung nhằm phát triển
khả năng nghe và nói ở trẻ mẫu giáo bé có thể được thực hiện trong nhiều
hoạt động khác nhau của trẻ.

Các hoạt động nghe và nói có thể thực hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong
các hoạt động giao tiếp hằng ngày, trong trò chuyện với trẻ, trong hoạt động
chơi và các trò chơi, trong hoạt động kể chuyện…

* Khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt ở lớp, cô tạo điều kiện để trẻ có
thể nghe các câu nói có ngữ điệu khác nhau như dùng yêu cầu trẻ làm theo
một lời chỉ dẫn của cô, hoặc khi dùng đến một vật nào đó hoặc làm một việc
gì, cô chú ý gọi tên các đồ vật, hành động của chúng. Cô nói với trẻ bằng các
câu đơn và câu đơn mở rộng để giúp trẻ hiểu được nghĩa của các từ và nội
dung của các câu nói trong giao tiếp.

b) Trò chuyện

Trò chuyện với trẻ là một hoạt động nhằm giúp trẻ nâng cao cả khả
năng nghe và nói. Thông qua việc trò chuyện với trẻ, cô luyện cho trẻ nghe
các âm, các từ giúp trẻ hiểu được nghĩa của nhiều từ, hiểu được nội dung
câu nói của người trò chuyện, đồng thời tạo hoàn cảnh cho trẻ nói lên được
điều trẻ muốn nói (làm cho trẻ có nhu cầu cần trao đổi bộc lộ).

Khi trò chuyện với trẻ mẫu giáo bé, cô lựa chọn các chủ đề gần gũi,
quen thuộc để trò chuyện với trẻ: Đồ dùng trong lớp của bé, Một ngày chủ
nhật ở nhà, Buổi tối ở gia đình bé.
Khi trò chuyện với trẻ, cô nói nhẹ nhàng, tình cảm với ngữ điệu khác
nhau, xen kẽ các loại câu hỏi thu hút sự chú ý lắng nghe của trẻ. Đồng thời cô
kích thích trẻ nói các từ, các câu nói được những hiểu biết của trẻ về chủ đề
mà cô đang trò chuyện với trẻ.

Giáo viên nên sử dụng ngôn ngữ biểu cảm trong giao tiếp hằng ngày
với trẻ ở mọi lúc mọi nơi. Ví dụ: Tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc với thiên nhiên và
hướng dẫn trẻ miêu tả bằng lời. Khi quan sát, cô có thể hỏi: “Các con thấy
bầu trời hôm nay thế nào?”, “Đám mây giống cái gì?” Cô thể hiện cảm xúc
bằng ngôn ngữ: “Bầu trời đẹp quá! Thời tiết cũng thật đẹp!”, "Mây trắng như
bông", "Đám mây như hình ông tiên râu tóc bạc phơ"…

Hoạt động chơi, nhất là qua các trò chơi, có thể thực hiện được rất
nhiều nội dung nghe nói và phát triển ngôn ngữ nghệ thuật, ngôn ngữ sáng
tạo, dạy trẻ cách nói có văn hoá trong giao tiếp.

2. Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Trò chơi "Câu ếch"

Mục đích

- Luyện cho trẻ nghe âm thanh khác nhau. các âm láy âm như: "ộp ộp",
“ặp ặp”, "bì bọp".

Cách chơi

- Cô đọc cho trẻ nghe bài:

Ếch ở dưới ao

Vừa ngớt mưa rào

Nhảy ra bì bọp

Ếch kêu ộp ộp

Ếch kêu ặp ặp

Thấy bác đi câu

Rủ nhau trốn mau


Ếch kêu ộp ộp

Ếch kêu ặp ặp.

Sau đó, cô vẽ một vòng tròn lớn làm ao. Tất cả các cháu đứng trong
vòng tròn làm ếch. Một cháu làm người câu ếch đứng cách vòng tròn 1 đến
2m, tay cầm một cần câu có dây không có lưỡi câu. Các cháu làm "ếch" ở
trong ao vừa kêu "ộp ộp", “ặp ặp”, vừa nhảy ra ngoài. Cháu làm bác đi câu
đuổi theo ếch. Dây câu ếch chạm vào người cháu nào, cháu đó sẽ thay làm
người câu ếch.

Hoạt động 2: Trò chuyện “Một ngày đi chơi của bé”

Mục đích

- Trẻ nghe hiểu và trả lời được nhiều loại câu hỏi.

- Nghe hiểu các từ chỉ tên gọi các loài hoa, cây cảnh, trò chơi trong
công viên.

- Trẻ biết bày tỏ những nhu cầu mong muốn của mình bằng ngôn ngữ.

Chuẩn bị

Cô chuẩn bị các câu hỏi, các từ mới và nội dung các câu nói về chủ đề
bé đi chơi ở công viên mà cô sẽ trò chuyện với trẻ.

Tiến hành

Cô nhẹ nhàng hỏi trẻ bằng các câu hỏi khác nhau như: Bạn nào được
bố mẹ cho đi chơi ở công viên? Ở công viên, con nhìn thấy những gì? Mẹ cho
con chơi gì?

Các câu hỏi này được hỏi xen kẽ nhau vào trước hoặc sau các câu trả
lời của trẻ.

Sau khi trẻ trả lời, cô có thể nói thêm một số từ mới là tên gọi, màu sắc
của các loài hoa, cây cảnh mà trẻ chưa biết. Cô chú ý dùng các ta có hình
ảnh, màu sắc gợi cảm để cho trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của các cỏ cây, hoa
lá trong công viên như: những bông hoa sao bé xíu, hoa mào gà đỏ chót…
Đồng thời cô hỏi để trẻ bày tỏ những mong muốn của mình khi đi chơi ở công
viên với bố mẹ: Con thích những gì ở công viên? Con thích đồ chơi nào ở
công viên?

Hoạt động 3. Trò chuyện theo tranh “Cửa hàng quần áo”

Mục đích

- Giúp trẻ chú ý lắng nghe, hiểu và trả lời các loại câu hỏi của cô theo
nội dung tranh; nghe hiểu nội dung tranh theo lời kể của cô.

- Giúp trẻ tự kể lại những gì nhìn thấy trong tranh bằng các câu đơn và
câu đơn mở rộng.

Chuẩn bị: Một bức tranh vẽ về cửa hàng quần áo có nhiều loại quần áo
có màu sắc đẹp.

Tiến hành: Cô cho trẻ xem tranh và nói với các trẻ về các loại quần áo
được vẽ trong tranh bằng các loại câu đơn dễ hiểu như: Đây là cửa hàng bán
quần áo. Cửa hàng có rất nhiều quần áo đẹp. Đây là áo khoác. Đây là áo len,
còn đây là áo hoa…

Sau đó, cô đặt các câu hỏi để trẻ trả lời và kể lại được những gì mà trẻ
đã nhìn thấy trong tranh.

Hoạt động 4: Trò chơi Cửa hàng bán hoa

Mục đích

- Trẻ nghe các câu nói có ngữ điệu giọng nói khác nhau.

- Nghe hiểu nghĩa của các từ, nghe hiểu nội dung các câu đơn, câu đơn
mở rộng trong giao tiếp.

- Biết bày tỏ các nhu cầu mong muốn của mình bằng ngôn ngữ.

Chuẩn bị: Cô chuẩn bị một số loại hoa có màu sắc đẹp và bày như ở
trong một cửa hàng.

Tiến hành
Cô chọn một trẻ làm người bán hàng, dạy trẻ cách nói của người bán
hàng như:

- Mời các bạn mua hoa nào. Cửa hàng tôi có nhiều loại hoa lắm.

- Các bạn nhìn này, đây là hoa hồng đỏ thắm, còn đây là bông cúc vàng
tươi.

- Bạn muốn mua hoa gì nào?

- Bạn có thích mua những bông hoa cúc tím này không?

Các trẻ khác là người mua hàng, cô hướng dẫn trẻ khi muốn mua hàng
thì phải nói đúng tên vật mà mình cần mua và màu sắc của nó: Bạn cho tôi
mua những bông hoa hồng nhung này đi… Khi nhận tiền và nhận hàng thì
người bán và người mua biết nói "Cảm ơn".

Trò chơi cửa hàng có thể tiến hành nhiều lần với các cửa hàng khác
nhau như: Cửa hàng rau quả, cửa hàng bách hoá…

Hoạt động 5: Trò chuyện về những con vật thân yêu

Mục đích

- Trẻ nghe hiểu và trả lời các câu hỏi của cô.

- Trẻ quan sát và mô tả đồ chơi bằng các từ loại khác nhau và các câu
đơn giản.

- Biết thể hiện tình cảm của mình đối với đồ chơi đó.

Chuẩn bị

Từ 2-3 con vật là đồ chơi: thỏ, mèo, gà chó bông…

Tiến hành

Cô cho trẻ chơi các đồ chơi. Trò chuyện về từng đồ chơi như:

- Tên con vật, hình dáng các bộ phận: mắt, tai, đuôi của nó như thế
nào?

- Lông và mắt của nó màu gì?


- Nó có những đặc điểm gì? (Chó sủa khi có người lạ. Mèo biết leo trèo
giỏi, đi rất êm. Thỏ chạy rất nhanh…)

Cô chọn một con vật, kể cho trẻ nghe về con vật đó và đặt tên cho nó:
"Chú Thỏ Bông thông minh".

Sau đó, cô cho trẻ chọn một đồ chơi và giúp trẻ tự kể về con vật đồ
chơi của mình.

II - KỂ CHUYỆN; ĐỌC THƠ, ĐỒNG DAO, CA DAO, TỤC NGỮ

1. Hướng dẫn thực hiện

a) Kể chuyện

Với lứa tuổi này, giáo viên nên lựa chọn các bài thơ, đồng dao ngắn, có
nhịp điệu sôi động, giai điệu sảng khoái, trẻ có thể kết hợp vừa đọc, vừa vận
động theo vần điệu, nhịp điệu của các câu thơ; những bài đồng dao, ca dao
nhẹ nhàng, vui vẻ.

Trong cảm thụ tác phẩm văn học, trẻ 3-4 tuổi trước hết chú ý vào nhân
vật, bề ngoài của nhân vật, hành động, cử chỉ của nhân vật. Truyện kể cho trẻ
3-4 tuổi cần có nội dung vui nhộn, hoặc có những hành động hồi hộp; có các
đoạn hoặc các từ được lặp đi lặp lại và ngữ điệu biểu cảm.

Chuẩn bị

- Học thuộc nội dung của truyện, tập kể diễn cảm trước khi kể cho trẻ
nghe.

- Các đồ dùng minh họa sử dụng khi kể chuyện.

- Sưu tầm tranh ảnh, bài thơ, bài hát có nội dung gần gũi với nội dung
truyện kể.

* Khơi gợi hứng thú của trẻ đến với truyện

- Trước khi kể, giáo viên có thể cho trẻ xem tranh, nghe đọc thơ, nghe
kể chuyện, hát các bài có nội dung gần gũi với truyện sắp kể hoặc kể một
đoạn trong truyện,…
- Giáo viên kể chuyện diễn cảm, khi kể nên thay đổi giọng phù hợp với
các nhân vật trong truyện, phù hợp với tính cách, tâm trạng của các nhân vật
đó.

- Cho trẻ xem tranh minh hoạ, xem rối diễn kịch trong quá trình nghe kể
chuyện.

* Giúp trẻ hiểu nội dung truyện

- Nhằm giúp trẻ hiểu nội dung câu truyện, nhớ được trình tự các sự
kiện của câu truyện, hiểu và biết cách sử dụng các từ ngữ văn học nghệ thuật
trong mỗi tác phẩm văn học nghệ thuật giáo viên đàm thoại với trẻ theo hệ
thống các loại câu hỏi sau đây:

+ Loại câu hỏi về nội dung (Truyện gì? Kể về ai? Kể về chuyện gì? Có
những ai? Làm gì? Ở đâu? Tại sao?).

+ Loại câu hỏi yêu cầu câu trả lời sử dụng ngôn ngữ miêu tả (Như thế
nào?).

+ Loại câu hỏi về thái độ của trẻ đối với nhân vật trong chuyện (Vì
sao?).

+ Loại câu hỏi về ngữ điệu giọng của các nhân vật phù hợp với hành
động và tính cách nhân vật (Giọng như thế nào?).

- Cho trẻ mô phỏng hành động hoặc lời nói của các nhân vật trong
truyện.

* Hướng dẫn trẻ kể lại truyện

- Để giúp trẻ nhớ được truyện, sau khi đàm thoại các loại câu hỏi trên,
giáo viên nên kể lại truyện cho trẻ nghe, lúc đầu kèm tranh minh hoạ, sau đó
không có tranh minh hoạ. Lần kể sau này, giáo viên kể thật diễn cảm, kết hợp
ngữ điệu với biểu hiện của nét mặt, các động tác minh họa của cơ thể).

- Trước tiên, giáo viên cho trẻ kể lại đoạn điệp khúc, đoạn đối thoại
bằng cách cho trẻ đồng thanh bắt chước cô và cho từng cháu nhắc lại giống
cô.
- Tiếp theo cho trẻ kể lại từng đoạn bằng cách kể tiếp theo cô.

* Tổ chức kể chuyện

- Trẻ được nghe kể chuyện nhiều lần, trên các giờ luyện tập có chủ đích
và ở mọi lúc, mọi nơi, nhất là vào các giờ chơi buổi chiều. Các lần kể khác
nhau nên có yêu cầu và hình thức tổ chức khác nhau như:

+ Đầu tiên cho trẻ làm quen với truyện, nhớ tên các nhân vật trong
truyện, do đó giáo viên kể chuyện kèm minh hoạ, sau đó đặt các câu hỏi về
tên truyện, về tên các nhân vật trong truyện, về các hành động của các nhân
vật để trẻ trả lời.

+ Lần dạy tiếp theo giáo viên kể lại chuyện kèm theo minh hoạ hoặc
không kèm theo minh họa. Giáo viên trò chuyện với trẻ về các từ, cụm từ
miêu tả đặc điểm, tính cách hành động của các nhân vật, dạy trẻ nhắc lại một
cách diễn cảm câu nói của các nhân vật. Để giúp trẻ nhớ được trình tự của
câu truyện, giáo viên có thể kể trích dẫn và đặt câu hỏi để lôi kéo trẻ kể tiếp
theo cô.

+ Khi trẻ đã thuộc truyện, giáo viên cho trẻ tự kể hoặc cho trẻ kể
chuyện theo vai trong đó cô làm người dẫn truyện, đóng kịch theo vai diễn.

- Khi kể chuyện cho trẻ nghe, giáo viên ngồi trước mặt trẻ và ngang
bằng với trẻ, sao cho tất cả trẻ đều nhìn rõ cô và đồ dùng minh hoạ.

- Đồ dùng minh hoạ (tranh, con rối) phải đẹp, có màu sắc tươi sáng,
sinh động, không làm trẻ sợ hãi, kích thước không được quá bé, sao cho mọi
trẻ đều nhìn rõ được các nhân vật.

- Nếu sử dụng tranh minh hoạ thì tranh phải để ngay ngắn (có giá để
tranh hoặc cô cầm tranh bằng hai tay).
Tải bản FULL (318 trang): https://bit.ly/3xgs9qT
b) Đọc bài thơ, đồng dao Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net

- Đồng dao

Lời các bài đồng dao thường ít có ý nghĩa, giáo viên không cần giảng
giải nội dung của các bài đồng dao, mà chủ yếu truyền đạt các âm điệu vui
tươi, sảng khoái và nghịch ngợm để gây hứng thú cho trẻ và giúp trẻ cảm
nhận được nhạc tính trong ngôn ngữ thơ ca.

Khi đọc hoặc dạy trẻ đọc các bài đồng dao, giáo viên nên vừa đọc, vừa
kết hợp với cử động của cơ thể, sao cho có sự phù hợp giữa lời với nhịp điệu
vận động. Cần phân công trẻ chơi theo cặp hoặc nhóm nhỏ.

- Thơ

Để giúp trẻ cảm thụ tốt ngôn ngữ của thơ, điều quan trọng nhất là phải
đọc diễn cảm, thể hiện nhịp điệu, âm điệu và sắc thái của bài thơ.

Trò chuyện với trẻ về nội dung của bài thơ, giải thích nghĩa của một số
từ, ý của các câu thơ, vẻ đẹp mà các câu thơ mô tả…

Kết hợp xem tranh minh hoạ hoặc quan sát thiên nhiên hoặc làm các
động tác minh hoạ.

Trẻ được nghe nhiều lần, được đọc thơ theo cá nhân, theo nhóm.
Luyện tập cho trẻ cách đọc diễn cảm.

Cần cho trẻ biết tên bài thơ, tác giả của bài thơ.

2. Gợi ý một số hoạt động cụ thể

Hoạt động 1: Truyện Nhổ củ cải

Mục đích Tải bản FULL (318 trang): https://bit.ly/3xgs9qT


Dự phòng: fb.com/TaiHo123doc.net
- Trẻ hiểu được nội dung truyện.

- Nhớ được tên gọi và hành động của các nhân vật.

- Kể lại truyện.

Chuẩn bị

- Bộ rối dẹt: ngôi nhà, vườn củ cải, các mô hình ông, bà, cô bé, chó,
mèo, chuột và một cây củ cải thật to. Bộ tranh kể chuyện nhổ củ cải.

- Trang phục để đóng kịch truyện Nhổ củ cải (mũ, quần áo, khăn,
râu…).
- Sách truyện Nhổ củ cải.

Tiến hành

- Có thể kể chuyện "Nhổ củ cải" cho trẻ nghe khi thực hiện chủ đề "gia
đình" hoặc chủ đề "thực vật".

- Tổ chức trẻ thực hiện các hoạt động sau:

+ Nghe kể chuyện và đàm thoại theo các câu hỏi của cô giáo

+ Trẻ kể chuyện

+ Chơi trò chơi đóng kịch.

+ “Đọc” sách truyện.

- Trẻ được nghe kể chuyện nhiều lần trước khi cho trẻ tự kể chuyện và
chơi đóng kịch.

• Nghe kể chuyện

- Gây hứng thú cho trẻ: Cho trẻ xem tranh cây củ cải, nói chuyện về cây
củ cải và gợi hứng thú của trẻ nghe kể chuyện về một cây củ cải khổng lồ, to
chưa từng thay.

- Kể chuyện (giáo viên vừa kể, vừa điều khiển các con rối để minh hoạ).
Khi kể chuyện, giáo viên chú ý:

+ Nhấn mạnh ở các từ, các câu: ông già, bà già, cô cháu gái, con chó,
con mèo, chuột nhắt; lớn nhanh như thổi; khổng lồ, to chưa từng thấy; nhổ
mãi nhổ mãi; không hề nhúc nhích… để trẻ nhớ tên các nhân vật, biết cách
mô tả độ lớn của cây củ cải, mô tả việc nhổ củ cải khó như thế nào.

+ Thể hiện các câu gọi của các nhân vật khác nhau bằng các giọng
điệu khác nhau: ông già gọi bà già bằng giọng chậm rãi, bà già gọi cháu gái
bằng giọng âu yếm, dịu dàng, cháu gái gọi con chó bằng giọng nhanh nhảu,
vui tươi…

- Các câu hỏi đàm thoại: Truyện gì? Có những ai? Mọi người cùng
nhau làm gì? Củ cải to như thế nào? Ông gọi bà (cháu gái, chó, mèo, chuột)

4105143

You might also like