Academia.eduAcademia.edu
Tính đặc thù của “không gian công” trên báo điện tử Phan Văn Kiền Bài viết dùng phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp, phân tích nội dung và so sánh để tiếp cận lý thuyết “Không gian công” (Public Space) của Jurgen Habermas trên báo điện tử, một loại hình truyền thông đại chúng thông qua một case study cụ thể. Trong quá trình nghiên cứu về lý thuyết “không gian công” và báo điện tử, chúng tôi nhận thấy rằng báo điện tử cũng là một dạng “Không gian công” đặc thù với những nét đặc trưng riêng so với lý thuyết về không gian công mà Habermas đã chỉ ra. Nghiên cứu này cũng sẽ góp phần chứng minh cho luận điểm đó. Từ khóa: Không gian công, báo điện tử, không gian internet Tổng quan Khái niệm “không gian công” (public space) có mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với khái niệm “lĩnh vực công” (public sphere) do Jurgen Habermas đề cập đến năm 1962 từ việc khai triển khái niệm của Emmanuel Kant đề cập vào năm 1784 (Đỗ Văn Quân, 2012) . Theo Habermas, lĩnh vực công là “một địa hạt và là nơi chốn thoải mái để các công dân tranh luận, cân nhắc thiệt hơn, thỏa thuận thống nhất và hành động” (Habermas, 1980, trans 1989). Tại đây, các cá nhân có thể tự do chia sẻ quan điểm của mình một cách tự do với nhau. Mở rộng hơn nữa về khái niệm “không gian công”, David Koh đã nhận định rằng: “không gian công” không chỉ là một không gian vật chất cố định với các chức năng cụ thể mà còn là không gian công cộng do người sử dụng tạo ra. (David Koh, 2006) Theo đó, có hai thể loại “không gian công” chính: 1/ Không gian "vật thể" ví dụ như quảng trường, đường phố, công viên…; 2/ Không gian "phi vật thể" ví dụ như các diễn đàn trên internet hay các cuộc đối thoại tranh luận trên báo chí, tivi… Sự hình thành, phát triển, và thay đổi của không gian công phụ thuộc vào sự phát triển và đặc điểm của đời sống công cộng, vốn không giống nhau giữa các nền văn hóa khác nhau và ở các thời điểm khác nhau. (wikipedia, 4/2015). Trong tác phẩm “The Structural Transformation of the Public Sphere”, Habermas chỉ ra ba tiêu chí gọi là “tiêu chuẩn về thể chế” là điều kiện tiên quyết cho sự xuất hiện của lĩnh vực công mới. Những nơi thảo luận như quán cà phê của nước Anh, tiệm thẩm mĩ ở nước Pháp hay nhà hàng ở nước Đức “có thể khác nhau về kích thước và thành phần công chúng, phong cách của thảo luận, không khí của các cuộc tranh luận và chủ đề hướng tới”, nhưng “tất cả các cuộc thảo luận giữa mọi người có xu hướng tiếp diễn, vì vậy họ đã có một số tiêu chuẩn về thể chế chung”. Đó là: Không quan tâm đến địa vị xã hội Lĩnh vực quan tâm thảo luận Giới hạn tham gia (Habermas, 1962, trans 1989) Một số khái niệm liên quan đến không gian công từng được đề cập như “Không gian bán công cộng” (Semi - public space -Nguyễn Quý Thanh, Trịnh Ngọc Hà, 2009), “Không gian tư” (Private space - Zizi Papacharissi, 2010). Đặc biệt, khi môi trường internet ra đời, cùng với đó là sự phát triển của các mạng xã hội đã khiến cho khái niệm không gian công trở nên phong phú và phức tạp hơn khái niệm ban đầu, vốn đã khá phức tạp trong xã hội học. Môi trường internet ra đời trở thành một dạng đặc thù của không gian công – một lĩnh vực ảo – Virtual sphere (zizi Papacharissi, 2002). Ở đó, công chúng tham gia vào các quá trình thảo luận xã hội và dưới sự hướng dẫn của các “Thủ lĩnh ý kiến” (leader oppinion) là các nhà báo, một dạng thức sinh hoạt đặc thù của cộng đồng đã được tạo ra để hình thành dư luận xã hội. Ở Việt Nam, khái niệm không gian công thường được đề cập dưới góc độ kiến trúc, quy hoạch và quản lý đô thị. Dưới góc độ khoa học xã hội, có Nguyễn Quý Thanh, Trịnh Ngọc Hà (2009), Đỗ Văn Quân (2010), Nguyễn Thị Bích Thủy (2012). Các nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào góc tiếp cận xã hội học, coi không gian công như là một nơi để có thể hình thành dư luận xã hội. Bài viết này tiếp cận khái niệm “không gian công” dưới một góc nhìn liên ngành: Xã hội học và truyền thông. Dưới góc nhìn xã hội học, chúng tôi coi không gian báo điện tử là một “không gian công” đặc thù, nơi có thể diễn ra các thảo luận xã hội rất rõ nét. Tuy nhiên, do những chế định của đặc trưng báo chí nên không gian công trong trường hợp này mang những đặc điểm rất khác biệt với các dạng không gian công vẫn được tiếp cận trước đó. Phương pháp Bài viết sử dụng 2 phương pháp nghiên cứu chính: Nghiên cứu tài liệu thứ cấp và phân tích nội dung. Phương pháp phân tích tài liệu thứ cấp sử dụng vào việc tổng hợp các nghiên cứu trước đó về “không gian công”, từ đó, vận dụng vào môi trường internet và báo điện tử để có những luận giải mới, nhằm khẳng định báo điện tử là một “không gian công” đặc thù. Phương pháp phân tích nội dung được sử dụng vào việc phân tích các dữ liệu khảo sát để chứng minh cho tính đặc thù của môi trường báo điện tử với tư cách là một “không gian công”. Nghiên cứu này là một nghiên cứu trường hợp (case study), hay có thể gọi là một nghiên cứu không tổng thể, thông qua việc nghiên cứu một trường hợp trên báo điện tử để rút ra những kết luận chứng minh cho vấn đề đặt ra trong giả thuyết. Không gian nghiên cứu là loạt bài liên quan đến lễ hội trên báo Tuổi Trẻ đầu năm 2015. Báo điện tử – một “không gian công” đặc thù Trong công trình của mình, Jurgen Habermas đã liệt kê những đặc trưng của sự tự do và bình đẳng cần thiết cho một “tình huống phát biểu lí tưởng” (J. Habermas, 1980) trong một xã hội dân chủ. Tuy nhiên, thành viên của các lĩnh vực công cũng phải tôn trọng những quy tắc nhất định của “tình huống phát biểu lí tưởng”. Những đặc trưng đó là: Mọi chủ thể có kiến thức (trình độ) để nói và hành động đều được tham dự thảo luận. Mọi người đều được nhận định mọi vấn đề, đều được đưa ra mọi sự nhận định vào thảo luận, đều được bày tỏ thái độ, mong muốn và nhu cầu của mình. Không một diễn giả nào bị ngăn ngừa trong việc thực thi các quyền của họ như được trình bày tại mục 1 và 2, bằng bất kì sự ép buộc bên trong hoặc bên ngoài nào. Như vậy, mặc dù những người tham gia vào không gian công là tự do, không quan tâm đến địa vị xã hội, nhưng vẫn có một sự sàng lọc. Habermas đã nhận định: không phải toàn thể đại chúng đều tham gia vào các quá trình thảo luận xã hội mà chỉ một bộ phận nhỏ của đại chúng. Dựa vào những đặc trưng của không gian công mà Habermas đưa ra ở trên, có thể rút ra những đặc điểm của nó như sau: Mang tính công cộng: là không gian chung, có thể tự do ra vào. Các cá nhân có thể tự do bày tỏ ý kiến của mình, tham gia thảo luận, tranh luận về các vấn đề mà mình quan tâm. Tập trung đông người, có các mối quan hệ xã hội đa dạng, phức tạp. Tuy nhiên chỉ một bộ phận đại chúng tham gia vào quá trình thảo luận. Chủ đề được thảo luận ở “không gian công” là “lĩnh vực công” với phạm vi không giới hạn. Con người tìm đến không gian công để thỏa mãn một số nhu cầu của mình. Mang tính duy lí và phê phán: có thể là nơi diễn ra xung đột hoặc sự hòa giải, kết quả có thể hình thành các ý kiến chung. Dựa vào năm “dấu hiệu” nhận biết của không gian công như trên, có thể khẳng định rằng, báo điện tử là một dạng không gian công. Khi nói về các phương tiện truyền thông và lĩnh vực công, Jurgen Habermas cho rằng: “phương tiện truyền thông đặc biệt quan trọng để xây dựng và duy trì một không gian công. Các phương tiện truyền thông như các diễn viên trong các lĩnh vực chính trị công”. Theo Habermas, “có hai loại diễn viên mà không có họ thì không lĩnh vực chính trị công nào có thể làm việc: Chuyên gia trong các hệ thống truyền thông và chuyên gia về chính trị. (Habermas, 1962, trans 1989) Truyền thông (trong đó báo chí là chủ lực), “không còn là lãnh địa hẹp của các nhà truyền thông, mà thuộc về đại chúng, vừa là nơi trình bày các thông tin, tri thức, vừa là nơi diễn ra các mỗi quan hệ, tiếp xúc, liên lạc giữa các nhóm, các tầng lớp xã hội”. (Habermas, 1962, trans 1989) Theo Habermas, chính các phương tiện truyền thông đại chúng là định chế điển hình nhất của không gian công cộng. Chúng đó vai trò làm trung gian liên lạc và tiếp xúc trong nội bộ xã hội dân sự và các thiết chế nhà nước. Hiểu theo ý nghĩa này, truyền thông đại chúng không phải là một lãnh địa dành riêng cho những người có quyền lực, nhà truyền thông hay các chuyên gia, mà nó là nơi trình bày các kiến thức về xã hội, vừa là nơi diễn ra các mối quan hệ giữa các tầng lớp, nhóm xã hội. Sự ra đời của phương tiện internet trong vài thập niên gần đây đã đặt ra nhiều vấn đề mới với vấn đề không gian công trong xã hội hiện đại. Internet, xét trong cả mặt có lợi và có hại của nó đã khiến người ta phải nhìn lại khái niệm không gian công không như vốn nó vẫn được nhìn nhận. “Internet và các công nghệ của nó đã làm sống lại lĩnh vực công; Tuy nhiên, một số khía cạnh của các công nghệ mới đã đồng thời cản trở hoặc làm tăng thêm các tiềm năng này của internet. Trước hết, khả năng lưu trữ dữ liệu và áp dụng các công nghệ dựa trên internet đã khiến cho các cuộc thảo luận chính trị được kết nối với các thông tin khác không có trước đó. Thứ hai, công nghệ internet cho phép hai cá nhân ở hai đầu thế giới có thể cùng lúc thảo luận về một vấn đề, nhưng cũng thường xuyên xảy ra sự không thống nhất về chính trị. Thứ ba, với các mô hình của chủ nghĩa tư bản toàn cầu, công nghệ internet sẽ thay đổi để thích nghi với nền văn hóa chính trị hiện tại, chứ không phải là tạo ra một cái mới. Công nghệ internet đã tạo ra một không gian công mới cho các cuộc thảo luận định hướng chính trị. Liệu không gian công do internet tạo ra có thể vượt ra khỏi định chế của không gian công truyền thống trước đó mà không nằm ở bản thân công nghệ mà nó mang lại?” (Zizi Papacharissi, 2002) Có thể thấy, không gian công trên báo điện tử ngoài những đặc điểm cơ bản đã được Habermas đề xuất như trên, còn có những đặc trưng riêng. Thứ nhất, đó là một không gian ảo. Các cá nhân tham gia vào diễn đàn của internet nói chung và báo điện tử nói riêng đều dưới nhận dạng là một nick name. Vì tính ảo của không gian này khiến cho tính tự chịu trách nhiệm về ý kiến cá nhân khó được đảm bảo. Thứ hai, dù tham gia vào một không gian công, nhưng các thành viên tham gia vào quá trình thảo luận là những cá nhân riêng biệt (với từng máy tính kết nối internet của riêng mình). Vì vậy, về mặt nội dung thảo luận là không gian công, nhưng về mặt không gian thảo luận vẫn là không gian cá nhân. Đặc trưng này làm cho tính xã hội của các thành viên tham gia thảo luận trong môi trường báo điện tử giảm xuống đáng kể so với việc trực tiếp tập trung tại một không gian thực. Thứ ba, các nội dung thảo luận dù rộng rãi, không hạn chế nhưng về cơ bản vẫn phải giới hạn trong một chủ đề được đề xuất ban đầu. Nghĩa là tính tập trung về ý kiến cao hơn các không gian công khác. Thứ tư, dù là diễn đàn công, nhưng không gian trên báo điện tử luôn được một “Thủ lĩnh ý kiến” (leader oppinion) dẫn dắt bằng một hoặc nhiều bài viết mang tính định hướng, thông tin cơ bản ban đầu. Thủ lĩnh ý kiến đó chính là nhà báo. Các thảo luận trên diễn đàn báo điện tử luôn bắt đầu từ một hoặc một số bài viết của phóng viên, sau đó, tòa soạn tiếp tục mở diễn đàn để bạn đọc tham góp ý kiến. Đặc trưng này cho thấy, không gian công trên báo điện tử là một không gian mở trong định hướng. Tính đặc thù này của không gian báo điện tử đã khiến nó trở thành một không gian công đặc thù xét về cả nội dung lẫn hình thức. “Không gian công” trên tuoitre.vn qua loạt bài về lễ hội Đầu năm 2015, mùa lễ hội ở miền Bắc diễn ra như thường lệ. Nhưng trong năm này, hàng loạt mặt trái của các lễ hội lần lượt được báo chí phản ánh một cách rầm rộ dưới nhiều góc độ. Từ đưa tin, phản ánh, ghi nhận đến hỏi ý kiến chuyên gia, chính quyền, ghi nhận ý kiến của công chúng… Tất cả tạo nên một diễn đàn sôi nổi trên internet về một hiện tượng trong đời sống văn hóa – tâm linh rất gắn bó với người Việt. Báo Tuổi Trẻ tham gia nội dung này với 29 bài viết dưới các dạng và các nội dung khác nhau và cũng đã tạo ra được một diễn đàn sôi nổi với nhiều thành phần tham gia. Trong quá trình khảo sát, chúng tôi tạm thời chia các mảng nội dung phản ánh trong các bài chính thống trên tuoitre.vn thành 4 nội dung chính: 1/ nhóm nội dung phản ánh, ghi nhận của phóng viên tòa soạn về lễ hội. 2/ Nhóm nội dung phỏng vấn chính quyền, cơ quan quản lý. 3/ Nhóm nội dung phân tích của các chuyên gia. 4/ Ý kiến của bạn đọc, người trong cuộc, nhân chứng trong các bài viết. Bốn nội dung này được chúng tôi thống kê trong 29 bài viết đăng trên tuoitre.vn về nội dung liên quan đến lễ hội đầu năm 2015. Với nội dung thứ tư (ý kiến của bạn đọc, người trong cuộc, nhân chứng) được chúng tôi mặc định là những ý kiến được đăng, trích dẫn trong các bài viết chính thống từ loạt 29 bài chứ không phải là lượng comment (phản hồi) ở dưới mỗi bài viết. Phần này sẽ được phân tích ở mục sau. Từ khảo sát dữ liệu trên báo Tuổi Trẻ online, chúng tôi rút ra một số kết quả như sau Tỷ lệ nội dung của các nhóm bài phản ánh tính định hướng của “Thủ lĩnh ý kiến” đến việc thảo luận trên không gian báo điện tử TT Chủ đề Lượng bài/ ý kiến Tỷ lệ (%) 1 Phản ánh, ghi nhận của phóng viên về lễ hội 21 30.4 2 Phỏng vấn chính quyền, người có trách nhiệm 26 37.6 3 Phân tích của chuyên gia 19 27.5 4 Ý kiến của bạn đọc, người trong cuộc, nhân chứng 3 4.3 Bảng 1. Tỷ lệ bài viết, lượng ý kiến về các nội dung liên quan đến mùa lễ hội năm 2015 Biểu đồ 1. Tỷ lệ nội dung của các nhóm bài trên tuoitre.vn về loạt bài lễ hội Số liệu khảo sát cho thấy, tỷ lệ bài phản ánh, ghi nhận của phóng viên (30,4%), ý kiến phỏng vấn người có trách nhiệm, chính quyền (37,6%) và bài phân tích của chuyên gia (27.5%) vượt trội hẳn so với ý kiến của bạn đọc, nhân chứng (4.3%) trong bài viết. Sự hiện diện của phóng viên, các chuyên gia hoặc chính quyền, người có trách nhiệm là một dạng hiện diện của “thủ lĩnh ý kiến” trong quá trình thảo luận xã hội trên không gian báo điện tử Tuổi Trẻ. Những ý kiến này thể hiện quan điểm, nhận định, phân tích, đánh giá và trách nhiệm của những người liên quan với vấn đề được để cập, phản ánh. Những nội dung này như là một gợi ý, một định hướng cho việc thảo luận của bạn đọc trong từng bài viết. Đặc điểm này là biểu hiện của đặc trưng riêng thứ tư mà chúng tôi đã đề cập trong mục 3 ở bài viết này. Về các cá nhân tham gia quá trình thảo luận trên không gian báo điện tử Như thống kê ở bảng 1, có thể thấy 4 nhóm cá nhân tham gia quá trình thảo luận trên không gian báo điện tử tuoitre.vn trong loạt bài về lễ hội này thì 3 nhóm đầu chính là các Leader Opponion (thủ lĩnh ý kiến), vì vậy, họ không tham gia thảo luận với tư cách là các cá nhân trên không gian công này. Sự tham gia của họ đại diện cho cơ quan quản lý, tiếng nói của chuyên gia và là tiếng nói của người hướng dẫn dư luận. Các đối tượng này đều tham gia quá trình thảo luận với tư cách là cá nhân, nhưng không phải để bộc lộ quan điểm, ý kiến cá nhân mà dựa trên những tiêu chuẩn chung được quy định trong đặc thù công việc, nghề nghiệp của họ. Đối tượng còn lại là bạn đọc hoặc các cá nhân là người trong cuộc, nhân chứng của vấn đề thì tỷ lệ xuất hiện trong các bài viết quá thấp (4,3% so với 95,7%). Dưới góc độ này, con số áp đảo trên cho thấy, không gian công trên báo điện tử tuoitre.vn mang đặc trưng của “không gian bán công cộng” (Nguyễn Quý Thanh, Trịnh Ngọc Hà, 2009) hơn là không gian công như Habermas đề cập. Tuy nhiên, kết quả trên được tính trên tương quan là 29 bài viết chính thống được đăng trên tuoitre.vn về chủ đề lễ hội đầu năm 2015. Trên thực tế, các bài viết mới chỉ là một phần của không gian công trên báo điện tử. Với đặc điểm tính tương tác cao như là một lợi thế để chiếm lĩnh hệ thống báo chí, các ý kiến phản hồi (comments) luôn là một bộ phận không thể thiếu của các trang báo điện tử. Hệ thống các comments là một bộ phận thứ hai của không gian công trên báo điện tử tuoitre.vn khi thảo luận về chủ đề lễ hội. Kết quả khảo sát về lượng comments ở các nội dung bài viết như sau Xin cảm ơn phóng viên Vũ Viết Tuân của báo Tuổi Trẻ đã giúp cung cấp dữ liệu hệ thống các bài viết liên quan đến nội dung này và đề xuất một số nhóm nội dung trên diễn đàn Tuổi Trẻ – đề xuất này là cơ sở để chúng tôi xây dựng 6 tiêu chí nội dung cơ bản này.: TT Nội dung Lượng bài viết Tỷ lệ (%) Lượng comment Tỷ lệ (%) 1 Lễ hội chém lợn Ném Thượng, Bắc Ninh 7 24.1 322 47.2 2 Bạo lực lễ hội 5 17.2 163 23.9 3 Ý kiến chuyên gia về lễ hội 5 17.2 52 7.6 4 Xe công dự lễ hội 3 10.3 33 4.8 5 Lễ khai ấn đền Trần – Nam Định 5 17.2 92 13.4 6 Chính sách của cơ quan nhà nước về lễ hội 4 13.7 20 2.9 Tổng 29 100 682 100 Bảng 2: Thống kê về lượng bài viết và comment trên tuoitre.vn về các nội dung trong loạt bài về lễ hội. Biểu đồ 2: Tỷ lệ về lượng bài viết trên tuoitre.vn về các nội dung trong loạt bài về lễ hội. Biểu đồ 3: Tỷ lệ về lượng comment trên tuoitre.vn về các nội dung trong loạt bài về lễ hội. Qua kết quả khảo sát, có thể thấy, nội dung về Lễ hội Chém lợn Ném Thượng, Bắc Ninh chiếm tỷ lệ bài viết cũng như lượng comment lớn nhất (24.1% bài viết và 47.2% comment), tiếp đó là nội dung “Bạo lực trong lễ hội” (17.2% bài viết và 23.9% comment); thấp nhất là nội dung “Xe công dự lễ hội” ( 10.3% bài viết và 4.8% comment) và “Chính sách của cơ quan nhà nước” (13.7% bài viết và 2.9% comment). Sở dĩ có sự cách biệt này là bởi nội dung về Lễ hội Chém lợn Ném Thượng, Bắc Ninh năm 2015 và nội dung Bạo lực trong lễ hội có những nội dung mới, được bàn luận sôi nổi trong dư luận cũng như trên các diễn đàn công cộng. Đó là yếu tố được coi là man rợ trong lễ hội Ném Thượng (đao phủ dùng đao chặt đầu con lợn tế để tế thành hoàng làng). Yếu tố này được thảo luận dưới nhiều chiều kích và nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Các chuyên gia văn hóa thì đề nghị giữ nguyên vì đặc điểm văn hóa của lễ hội là như vậy. Còn một số tổ chức bảo vệ động vật thì lên tiếng chỉ trích và kêu gọi lễ hội bỏ nghi thức khai đao này ra khỏi lễ hội của làng Ném Thượng. Nội dung “Bạo lực trong lễ hội” cũng là một nội dung mới xuất hiện năm 2015 và có xu hướng phổ biến khi các lễ hội được khôi phục rầm rộ ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là ở miền Bắc. Sự “lên ngôi” của bạo lực trong các lễ hội cho thấy sự báo động về mặt văn hóa lễ hội. Ngược lại, vấn đề “Xe công dự lễ hội” và chủ trương, chính sách của các cơ quan nhà nước là vấn đề đã được đề cập nhiều năm nay. Cho nên trong mùa lễ hội 2015, nó lại là vấn đề “đến hẹn lại lên”, bởi vậy không thu hút được nhiều thảo luận. Ở một khía cạnh khác, qua kết quả này cũng có thể thấy hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý các lễ hội đã không đáp ứng được niềm tin của công chúng và không còn nhận được sự trông đợi từ phía công chúng. Kết quả trên cho thấy rằng, trên không gia công của báo điện tử, các vấn đề mới, thu hút được sự tranh luận của các cá nhân tham gia thì vẫn thường thu hút được sự chú ý và thảo luận hơn là các vấn đề cũ, đã được bàn luận trước đó. Vì lượng ý kiến phản hồi trong cả loạt bài về lễ hội năm 2015 quá lớn so với khuôn khổ của một bài viết nghiên cứu (29 bài viết với 682 phản hồi), vì vậy, chúng tôi chọn hai bài viết có lượng comment cao nhất trong loạt bài này để khảo sát về khía cạnh nội dung của các ý kiến phản hồi. Đó là bài “Tranh cướp hỗn loạn, giật cả ‘bảo kiếm’ tại lễ khai ấn Đền Trần” (73 comments) và “Dân Ném Thượng quyết giữ nghi thức ‘khai đao chém ông ỉn” (67 comments). TT Nội dung Lượng comment 1 Phản đối việc giữ nghi thức chém lợn 16 2 Ủng hộ việc giữ nghi thức chém lợn 10 3 Giải pháp để chấm dứt nghi thức này 9 4 Thư gửi các bô lão thôn Ném Thượng 3 5 Chê bai, mỉa mai việc giữ nghi thức chém lợn 11 6 Than trách, than vãn 9 7 Trách móc báo chí đưa tin quá nhiều 3 8 So sánh với các nghi lễ khác tiến bộ hơn 2 9 Khác 4 Bảng 3. Thống kê nội dung phản hồi trong bài viết “Dân Ném Thượng quyết giữ nghi thức “khai đao chém ông ỉn” TT Nội dung Lượng comment 1 Mỉa mai, chê bai 30 2 Lý giải nguyên nhân 5 3 Than vãn, trách móc 15 4 Lo lắng 12 5 Đề xuất giải pháp: 4 6 Khác 7 Bảng 4. Thống kê nội dung phản hồi trong bài viết “Tranh cướp hỗn loạn, giật cả ‘bảo kiếm’ tại lễ khai ấn Đền Trần” Qua kết quả khảo sát ở hai bài viết trên, có thể thấy, kết quả khá phân tán ra nhiều nội dung khác nhau, điều đó cho thấy, khi tham gia vào không gian công của báo điện tử, các cá nhân khác nhau thì sẽ có những quan điểm, suy nghĩ rất khác nhau. Đơn giản vì họ là những cá nhân riêng biệt trong những không gian cá nhân riêng tư. Vì không gian của báo điện tử là một dạng không gian ảo như đã nói ở trên, cho nên các cá nhân dù đang cùng bàn về một nội dung nhưng thực ra họ ở trong các không gian riêng biệt. Bởi vậy, các ý kiến thảo luận thường rất phân tán. Tuy vậy, nhìn vào hai bảng 3 và 4 cũng có thể thấy, trong bài “Dân Ném Thượng quyết giữ nghi thức ‘khai đao chém ông ỉn”, nội dung được comment nhiều nhất là phản đối việc giữ nghi thức chém lợn, tiếp đó là nội dung ủng hộ. Tương tự như vậy với bài “Tranh cướp hỗn loạn, giật cả ‘bảo kiếm’ tại lễ khai ấn Đền Trần”, nội dung chê bai, trách móc chiếm ưu thế về lượng comment. Điều đó cho thấy dù nội dung bị phân tán trên một mức độ rộng, nhưng về cơ bản vẫn giới hạn trong những nội dung gần với nội dung mà bài viết đề xuất hoặc định hướng. Điều đó chứng tỏ không gian trên báo internet có tính tập trung khá cao. Cũng trong ý kiến phản hồi về hai bài này, các nội dung mang tính mỉa mai, chê bai khá nhiều (11 và 30). Chúng tôi đặt một giả thiết, nếu không phải ở trong một không gian ảo như môi trường internet, nghĩa là không gian công ở đây là không gian thực, các cá thể đối diện với nhau trong việc thảo luận các nội dung được bàn, thì liệu các nội dung mỉa mai, chê bai như trong hai bài viết trên có nhiều như vậy không? Chúng tôi phỏng đoán là không, lý do là bởi trong không gian thực, các cá thể bị chế định bởi đặc tính xã hội. Bởi vậy, trong phát ngôn, trong đề xuất ý kiến, họ bị đặc tính xã hội này cản trở nói ra những lời khó tiếp nhận với đối phương hơn. Về đặc tính thứ nhất của không gian công trên báo điện tử (tính tự chịu trách nhiệm về ý kiến cá nhân khó được đảm bảo), chúng tôi không có cơ hội khảo sát bởi trên môi trường báo điện tử, đặc biệt là báo điện tử ở Việt Nam, việc đăng các ý kiến phản hồi của độc giả phải qua sự sàng lọc của tòa soạn. Bởi vậy, rất khó để chúng tôi có thể có cơ hội khảo sát chính xác đặc trưng này qua tất cả các ý kiến phản hồi của độc giả. Những phản hồi được đăng trên trang tuoitre.vn là các phản hồi đã qua sàng lọc của tòa soạn, vì vậy, mức độ toàn diện của nó không đảm bảo cho việc khảo sát. Tuy nhiên, có thể thông qua những ý kiến mỉa mai, chê trách như vừa đề cập để khẳng định phần nào cho đặc trưng này của không gian công trên báo điện tử. Thảo luận Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng, không gian công trên báo điện tử rõ ràng là một không gian đăc thù, có những khác biệt rõ ràng với không gian công vẫn được đề cập trong lý thuyết của Habermas trước đó. Các biểu hiện của những đặc trưng này khá rõ ràng trong các kết quả khảo sát của chúng tôi trong bài viết này. Kết quả khảo sát này cũng khẳng định thêm vai trò của các yếu tố nội dung của báo chí trong việc thu hút sự chú ý của công chúng để tạo ra các thảo luận xã hội rộng rãi. Những nội dung hấp dẫn, công chúng có hứng thú và dễ bày tỏ quan điểm hơn thì bao giờ cũng được thảo luận rộng rãi hơn. Tuy nhiên, một đề xuất với báo Tuổi Trẻ nói riêng trong loạt bài này là cần phải đưa ý kiến của công chúng vào nội dung của các bài chính trong tuyến phản ánh nhiều hơn, thay vì chỉ để ở dạng ý kiến phản hồi. Chính sự xuất hiện của công chúng trong các nội dung phản ánh sẽ khiến cho độc giả thấy sự xuất hiện của chính mình ở trên không gian vốn được coi là ảo này. Đó chính là biểu hiện của sự gần gũi trong thông điệp mà lý luận báo chí vẫn thường yêu cầu. Sự xuất hiện của công chúng trong bài viết sẽ rút ngắn bớt khoảng cách của các cá nhân do không gian ảo của mạng internet tạo ra. Do vậy, có thể giảm bớt sự chế định của các đặc tính xã hội trong các cá nhân tham gia thảo luận trên không gian công của báo điện tử. Bên cạnh những nội dung hấp dẫn, những người quản trị không gian công trên báo điện tử cũng cần tạo ra các diễn đàn để công chúng trực tiếp góp tiếng nói rõ ràng của mình vào quá trình thảo luận. Về mặt lý thuyết, không gian công của báo điện tử bao giờ cũng là sự hợp thành của hai mảng nội dung: bài viết và các ý kiến phản hồi của độc giả. Cho nên vai trò để thảo luận trong không gian công của cả hai mảng nội dung này là như nhau. Nhưng trên thực tế, mảng nội dung bài viết chính thống thường được để ý trước và để ý nhiều hơn là mảng nội dung phản hồi ở dưới các bài viết. Bởi vậy, việc tạo ra các diễn đàn về các vấn đề thời sự chính là tạo ra một cơ hội để công chúng của báo điện tử có thể góp ý kiến của mình một cách chính thống vào quá trình thảo luận xã hội trên không gian ảo của báo điện tử. Sự tham gia chính thống này sẽ giảm thiểu được các nhược điểm trong đặc trưng của không gian công trên báo điện tử như sự tự chịu trách nhiệm về nội dung thảo luận, đặc tính xã hội của cá nhân tham gia thảo luận. Kết luận Nghiên cứu này là một tiếp cận mới về các đặc tính của báo điện tử ở Việt Nam dưới góc nhìn của lý thuyết không gian công. Nó đã chứng minh được những giả thuyết đặt ra trong phần lý luận của bài viết thông qua việc khảo sát trên một không gian cụ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới chỉ dừng lại ở một loạt bài viết không lớn, nghĩa là tính đại diện cho loại hình của đối tượng khảo sát ít nhiều chưa thật chuẩn mực. Đồng thời, nó là một nghiên cứu thực nghiệm, tiếp nối vấn đề lý thuyết được Zizi Papacharissi đặt ra trong một nghiên cứu trước đó. Các biểu hiện đặc trưng của không gian công trên báo điện tử có hoàn toàn đúng với những giả thiết đã đặt ra trong bài viết này trên một không gian khác của cùng “lĩnh vực ảo” (Zizi Papacharissi, 2002) là môi trường internet hay không? (thí dụ không gian mạng xã hội). Liệu còn có thể có những biểu hiện khác ngoài bốn đặc trưng đã được chúng tôi chỉ ra hay không? Đó là những gợi mở cho các hướng nghiên cứu sau tiếp tục nghiên cứu về không gian công trong một môi trường mới – lĩnh vực ảo (virtual sphere). Tài liệu trích dẫn: Jurgen Habermas (1962 trans 1989) The Structural Transformation of the Public Sphere: An Inquiry into a category of Bourgeois Society, Polity, Cambridge Jurgen Habermas (1980), Discourse Ethics: Notes on Philosophical Justification."Moral Consciousness and Communicative Action. Trans. Christian Lenhart and Shierry Weber Nicholson. Cambridge: MIT Press. http://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%C3%B4ng_gian_c%C3%B4ng_c%E1%BB%99ng (truy cập ngày 04/5/2015) http://tuoitre.vn David Wee Hock Koh, (2006), Wards of Hanoi, Institute of Southeast Asian Studies. Zizi Papacharissi (2002), The virtual sphere: The internet as a public sphere, SAGE publications, London, Thousand Oak, CA and New Delhi, Vol 4, 9-27. Zizi Papacharissi (2010), A Private Sphere: Democracy in a Digital Age. Cambridge: Polity Press. Đỗ văn Quân (2012), Phản biện xã hội qua báo chí ở Việt Nam hiện nay, luận án Tiến sĩ Xã hội học, Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nguyễn Quý Thanh, Trịnh Ngọc Hà (2009), Không gian bán công cộng và sự hình thành dư luận xã hội: nghiên cứu trường hợp quán cà phê ở Hà Nội.Tạp chí Xã hội học số 2, 72 – 81. Nguyễn Thị Bích Thủy (2012), Chợ nông thôn một không gian công cộng cho sự hình thành dư luận xã hội (nghiên cứu trường hợp chợ mai trang và chợ mộc, huyện nghi lộc, tỉnh nghệ an) , luận văn thạc sĩ Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN. PAGE \* MERGEFORMAT 2