You are on page 1of 12

TRƯỜNG ĐẠI HỌC THƯƠNG MẠI

TRUNG TÂM THÔNG TIN THƯ VIỆN

--------- o0o ----------

BÀI DỰ THI

“CUỘC THI ĐẠI SỨ VĂN HÓA ĐỌC 2021”

Sinh viên thực hiện: Đinh Trần Phương Uyên


Mã sinh viên: 19D155121
Lớp HC: K55DD2
Khoa Kế toán- Kiểm toán, trường Đại
học Thương Mại

Hà Nội 2021
Đề bài số 1
Câu 1: Chia sẻ về một cuốn sách mà anh (chị) yêu thích, đã làm thay đổi nhận thức
hoặc cuộc sống của anh (chị).
Câu 2: Nếu được chọn làm Đại sứ Văn hóa đọc, anh (chị) có biện pháp và kế hoạch
gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn?
Bài làm

Câu 1: Chia sẻ về một cuốn sách mà anh (chị) yêu thích, đã làm thay đổi nhận thức
hoặc cuộc sống của anh (chị).

Lần cuối cùng bạn cầm một quyển sách lên và đọc là khi nào? Bạn có tạo lập
một thói quen đọc hoặc tìm những cuốn sách không? Tôi đã từng đọc được một câu
danh ngôn như “nếu bạn là một trong vô số những người không đọc sách thường
xuyên, có thể bạn đang bỏ lỡ”. Thật vậy, một số người thường cho rằng việc đọc
sách là rất nhàm chán, thậm chí là coi nhẹ những lợi ích của việc đọc sách. Vì một
số lí do đó mà rất nhiều người tin rằng việc đọc sách không mang lại lợi ích gì nhiều
cho bản thân mà chỉ tốn thời gian khiến cho thói quen đọc sách càng ngày càng
không phổ biến. Nhưng có một sự thật là chúng ta không thể phủ nhận ở thế giới
ngoài kia, trong kho tàng sách nhân loại có biết bao nhiêu cuốn sách hay đã làm thay
đổi nhận thức, thay đổi suy nghĩ, thói quen và lối sống của nhiều người đọc. Đối với
bản thân tôi cũng vậy, có lẽ khi tìm và đọc được cuốn “Ai lấy miếng pho mát của
tôi?” (Who Moved My Cheese?) của tiến sĩ Spencer Johnson cũng chính là lúc
mà cuộc sống tôi đã có những thay đổi nhất định, tư duy về cuộc sống cũng dần thay
đổi theo hướng tích cực hơn, đặc biệt nó như là một nguồn cảm hứng giúp tôi hoàn
thành những mục tiêu trong học tập và những hoạt động khác.
Cũng chính vì tính chất nghề nghiệp của ba mẹ nên trong nhà tôi luôn có nhiều
loại sách khác nhau, cộng thêm sự khích lệ việc đọc sách từ họ đã tạo cho tôi cơ hội
tiếp xúc và đọc rất nhiều cuốn sách. Thói quen ấy được tôi giữ gìn và duy trì khá lâu,
cho đến khi quay cuồng trong việc ôn thi vào cấp 3 thì số lượng cuốn sách tôi tìm và
đọc càng ít đi, rồi đến khi ôn thi vào đại học thì thói quen đọc sách gần như không
còn nữa. Có nhiều tác động bên ngoài và cũng do chính bản thân mình đã không còn
nhiệt huyết với việc đọc sách nên thói quen tốt đẹp ấy đã không được duy trì. Mãi
cho đến một ngày vào tháng 2/2020 – ngày mà thời tiết nhẹ nhàng, êm dịu như biết
cách chiều lòng người khiến cho bản thân người ta cảm thấy rất thư giãn, khi mà bản
thân chỉ quanh quẩn ở nhà trong những ngày tháng tự cách ly do dịch COVID-19
bùng phát. Thì thực sự bản thân mới cảm thấy nhàm chán và thấy dường như quỹ
thời gian như dài thêm. Cũng chính vào lúc này, trong một lần lướt web tôi vô tình
tìm được cuốn “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” (Who Moved My Cheese?) của
tiến sĩ Spencer Johnson. Từ cái nhìn đầu tiên và tiêu đề của cuốn sách và các bài
trí của bìa sách như giúp tôi tìm lại được sự hứng thú của những năm về trước. Một
cuốn sách với cái tên rất dễ khiến người ta nhầm lẫn về thể loại của nó, “Ai lấy
miếng pho mát của tôi?” thoạt nhìn thì có vẻ như là một cuốn truyện cổ tích hoặc
truyện hài nhưng thực sự thì đây lại là một câu chuyện giản dị, thuộc thể loại tâm lí-
kỹ năng sống, chứa đựng những triết lý sâu sắc về cách vượt qua những khó khăn và
thay đổi trong cuộc sống. Nó giúp tôi có cái nhìn khác về cuộc sống “cuộc sống này
vốn dĩ không phức tạp mà là chính chúng ta luôn làm cho nó phức tạp lên, đôi khi
chỉ cần bình tĩnh, hiểu đơn giản hóa vấn đề hơn một chúc là đã có những giải pháp
tối ưu”.
Tôi thích nó vì trước tiên nội dung cuốn sách không dài, và ý nghĩa cốt lõi của
câu chuyện thật thú vị, sâu sắc, không gây ngán ngẩm cho người đọc. Có lẽ chính
điều này đã khiến cho cuốn sách được yêu thích nhiều hơn. Nếu bạn đang phải đứng
trước những thay đổi hay bất hạnh trong cuộc sống của mình thì cuốn sách này thực
sự rất đáng đọc và sẽ rất cần thiết cho bạn. Từ những trang sách đầu tiên, tôi đã bị
thu hút bởi câu nói của Johnson: “nếu có ai đó ban cho tôi một cuộc sống không gặp
trở ngại nào thì hấp dẫn thật đấy nhưng tôi sẽ khước từ vì khi ấy tôi không còn học
được điều gì từ cuộc sống nữa”. Câu nói này giường như có một hiểu quả rất lớn,
nó đánh thẳng vào tâm lí và tiềm thức của người đọc, tạo ra một lực hấp dẫn khiến
bạn không thể không lật đến những trang sau đó. Qua đây, tôi nhận thấy rằng: nếu
cuộc sống này là một bản nhạc thì con người chúng ta lại là những nốt nhạc trong
bản nhạc ấy có thăng, có trầm, có cao, có thấp, …Còn nếu như cuộc sống là một
điện tâm đồ thì nó chỉ lên xuống khi chúng ta đang duy trì sự sống, còn nếu nó là
một đường thằng thì tức là khi trái tim ngừng đập và sự sống này cũng kết thúc. Và
trong cái dòng chảy vô thường của cuộc sống ấy chắc chắn sẽ có những gian truân,
thách thức. Ai trong số chúng ta cũng mong muốn có một cuộc sống bình an, hạnh
phúc, một con đường trải đầy hoa và không phải đối mặt với những biến cố, sự thay
đổi và những nghịch. Nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng những khó khăn, thay đổi
là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống đầy biến động này khiến cho “người
vững thì đứng lại được, người yếu thì bị cuốn trôi đi”. Quá trình thích nghi ấy đôi
khi diễn ra nhanh chóng và không mấy khó khăn nhưng cũng có lúc mất nhiều thời
gian, chứa đựng nhiều rủi ro và đau đớn, đòi hỏi bạn phải có một tầm nhìn, một niềm
tin vững chắc hay sẵn sàng từ bỏ những định kiến không còn hợp thời. Hãy dũng
cảm đối mặt với khó khăn, dù cho khó khăn ấy có khiến bản thân phải nhọc nhằn,
phải gồng mình hơn bao giờ hết. Bởi vì chính những khó khăn ấy sẽ là điều tất yếu
của cuộc sống mà ta phải trải qua và khi vượt qua được nó là một lần trau dồi, rèn
luyện bản thân.
Cuộc sống này không hề đứng yên mà luôn luôn vận hành, luôn luôn thay đổi
theo từng ngày, hầu hết mọi người đều gặp phải những rắc rối riêng khi thế giới của
chính mình “đột nhiên” xảy ra những biến động. “Ai lấy miếng pho mát của tôi”
được tiến sĩ Spencer Johnson viết như để giải quyết vấn đề của hầu hết mọi người
khi phải đối mặt với những thay đổi trong cuộc sống. Đây là một câu chuyện thuật
lại những đổi thay liên tục diễn ra trong một mê cung, nơi có 4 nhận vật thú vị luôn
tất bật đi tìm những miếng pho mát cho mình. 4 nhân vật đại diện cho 4 tính cách
của con người khi đối mặt với sự thay đổi: chú chuột Đánh Hơi luôn phát hiện những
thay đổi, chú chuột Nhanh Nhẹn luôn nhanh chóng hành đông trước mọi việc, chàng
tí hon Ù Lì thường phản đối và chống lại những thay đổi vì sợ rằng điều đó có thể
dẫn tới những việc tồi tệ hơn, chàng tí hon Chậm Chạp biết thích nghi đúng lúc khi
thấy những thay đổi sẽ mang đến những điều tốt đẹp. Những miếng “Pho mát” trong
câu chuyện tượng trung cho những điều chúng ta khao khát muốn có trong cuộc
sống. Đó có thể là một mái ấm, một điều khiến bạn hạnh phúc, hay thực hiện được
một mong ước mà bạn hằng ấp ủ, … Mỗi người chúng ta đều có cách nhìn riêng về
miếng “Pho mát” của mình và tất cả chúng ta đều vẫn theo đuổi chúng vì nghĩ rằng
chúng sẽ mang lại hạnh phúc cho ta, miếng pho mát ấy càng quan trọng bao nhiêu
thì người ta càng muốn giữ lại nó bấy nhiêu. Còn “Mê cung” trong câu chuyện chính
là nơi chúng ta tìm kiếm những điều mình muốn, trên hành trình đó sẽ gặp rất nhiều
trắc trở. Trong câu chuyện này, tác giả xây dựng cốt truyện theo lối các nhân vật
phải đối mặt với những thay đổi bất ngờ trong mê cung và mỗi nhân vật có những
phản ứng khác nhau tùy theo tính cách riêng của họ. Cách xử lí của từng nhân vật là
điểm chính mà câu chuyện mang lại cái nhìn mới mẻ về cuộc sống. Người thành
công trong số họ đã biết rút ra những kinh nghiệm, những bài học cho riêng mình và
ghi lại trên các bức tưởng ở Mê cung. Đó là những gì họ cô đọng, chắt góp qua quá
trình trải nghiệm, tuy giản dị nhưng lại chất chứa những lí lẽ triết lí uyên thâm, phù
hợp cho bất cứ ai khi đọc được nó.
Cuốn sách “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” đề cập trực tiếp vào vấn đề nan
giải của một trong những nỗi sợ hãi nội tâm lớn nhất của con người – sợ phải Thay
Đổi. “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” đã cho chúng ta một lời lý giải tại sao chúng
ta cần phải ứng phó với thay đổi. Đọc xong cuốn sách này, tôi không muốn mình là
Chậm Chạp và Ù Lì nữa. Tôi cũng đã rút ra được đôi điều cho chính bản thân mình,
đó không chỉ là cách xử lý một vài vấn đề trong cuộc sống mà mỗi khi tôi gặp phải
hay đang đối mặt trong thời gian qua, mà còn cả cái giá phải trả cho việc kháng cự
lại những thay đổi tất yếu trong tất cả những khía cạnh của cuộc đời. “Miếng pho
mát” của mỗi người luôn không ngừng di chuyển, thì dù ở bất kỳ mức độ nào, thì
chúng ta vẫn nên có sự chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thay đổi và hành động luôn khi nhận
thấy sự thay đổi như 2 nhân vật Đánh Hơi và Nhanh Nhẹn, chứ không phải là ngồi
“ôm cây đợi thỏ” như Ù lì và Chậm Chạp trong câu truyện này. Mỗi khi một sự thay
đổi nào xảy ra, hãy bình tĩnh và đón nhận nó rồi tìm ra cách xử lí tốt nhất, để bản
thân thích ứng được với cuộc sống, đừng khiến bản thân mang suy nghĩ của Ù Lì:
lúc nào cũng chỉ nghĩ ra những nguy hiểm trên hành trình đi tìm kho pho mát mới
rồi quay ra sợ hãi và bỏ cuộc. Tuy vậy, chúng ta cũng học được từ Chậm Chạp cái
cách rút ra kinh nghiệm và khiến bản thân ghi nhớ, khắc sâu hơn để tránh mắc phải
lần nữa: đó là cách mà cậu ghi chú sau khi đã đúc kết được lên những bức tường
trong mê cùng- nơi mà hàng ngày cậu sẽ đi qua, bắt gặp và nhìn thấy. Đây là một
cách khá hay cho bản thân và cho cả người bạn Ù Lì của mình. Quả thực là như vậy,
mỗi lần nhìn thấy sẽ là một lần khiến bản thân thêm ghi nhớ khắc sâu thêm, là động
lực nếu có nản chí vậy khi nhìn lên những bức tường ấy sẽ tiếp thêm cho họ sức
mạnh để vượt qua và đi tiếp trên con đường tìm “miếng pho mát” của đời mình.
Không phải lúc nào chúng ta sẽ luôn là nhân vật Đánh Hơi hoặc luôn là nhân vật
Nhanh Nhẹn. Đôi khi chúng ta có thể hành động như chú chuột Đánh Hơi - sớm phát
hiện những thay đổi, hay như chú chuột Nhanh Nhẹn - luôn nhanh chóng hành động
trước một sự việc, hoặc như anh chàng tí hon Ù Lì - thường phản đối và chống lại
những thay đổi vì sợ rằng điều đó có thể sẽ dẫn tới những sự việc tồi tệ hơn, hoặc
biết đâu cũng có thể là anh chàng tí hon Chậm Chạp - biết thích nghi đúng lúc khi
thấy thay đổi sẽ mang lại những điều tốt đẹp hơn. Dù chúng ta chọn tính cách nào
cho riêng mình đi chăng nữa, tất cả đều có một điểm chung - mong muốn tìm thấy
lối đi riêng trong mê cung để vượt qua những biến cố khó khăn và những lần thay
đổi để tìm được miếng “Pho Mát” của mình. Tôi nhận thấy rằng: cuộc sống không
phải là những hành lang thẳng tắp để ta có thể dễ dàng đi qua mà không gặp một vật
cản nào mà nó là những mê lộ sẽ có nhiều ngõ cụt, nhiều cạm bẫy khiến đôi khi ta
dễ bị sa ngã hoặc muốn bỏ cuộc, vậy nên buộc ta phải tìm kiếm lối đi cho riêng mình,
hãy nên có niềm tin rằng một viễn cảnh mới, một cánh cửa khác sẽ mở ra.
Với những hiểu biết thông thái, sâu sắc và lối kể chuyện độc đáo, tác giả Spencer
Johnson đã viết nên một “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” đặc biệt mà bất cứ độc
giả cũng như nhìn thấy bản thân mình trong đó. Cuốn sách tuyệt vời này chính là
chiếc chìa khóa cho bất cứ ai, hay bất kỳ tập thể nào muốn vượt lên những thay đổi
trong công việc và trong cuộc sống. Tôi đặc biệt đề xuất và chia sẻ cuốn sách này
với bất cứ ai, bởi nó là một cuốn sách đáng suy ngẫm chắc chắn nó sẽ giúp bạn có
những cách nhìn nhận về cuộc sống theo hướng tích cực và hoàn thiện hơn. Bởi vì,
trong cuộc sống, có những câu nói đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của một con
người, vậy tại sao những cuốn sách lại không thể nào được điều đó? Tôi tin chắc
rằng chắc chắn có những cuốn sách vô cùng hữu ích giúp bạn thay đổi hoàn toàn
nhận thức hoặc thay đổi cuộc sống của chính bạn, tất nhiên đó sẽ là theo một chiều
hướng tốt lên, tích cực hơn. Vậy nên các bạn hãy tìm và đọc cuốn sách này xem sao
nhé!
Câu 2: Nếu được chọn làm Đại sứ Văn hóa đọc, anh (chị) có biện pháp và kế
hoạch gì để khuyến khích mọi người đọc sách nhiều hơn?

Tôi đã từng đọc được một câu nói: “Đọc có thể không giàu, nhưng không đọc
chắc chắn bạn sẽ nghèo!”. Bạn có thể giàu có về vật chất nhưng xét về trí tuệ và đời
sống tinh thần lại không đầy đủ và rộng mở, vậy cuộc sống đó có thực sự ý nghĩa,
có thực sự hạnh phúc? Bạn có muốn một cuộc sống như vậy không? Vậy nên, nếu
trở thành Đại sứ Văn hóa đọc thì tôi cần luôn luôn nhận thức được trách nhiệm của
bản thân và cố gắng hoàn thiện bản thân hơn để hoàn thành trách nhiệm của một Đại
sứ Văn hóa đọc. Phải làm sao để mục đích của ban tổ chức khi tổ chức ra cuộc thi
này có thể đạt được một cách hiệu quả nhất, đó là: “thắp sáng lên và lan tỏa ngọn
lửa tình yêu, niềm đam mê với sách tới cộng đồng bạn đọc”, nhằm “khuyến khích
và thúc đẩy phong trào đọc sách trong thế hệ trẻ, hình thành nên kĩ năng đọc trong
sinh viên”. Bởi kĩ năng đọc, cũng như văn hóa đọc sách là một yếu tổ quan trọng
góp phát triển văn hóa cộng đồng, tôn vinh giá trị của sách, đồng thời khẳng định
được vị trí và tầm quan trọng của việc đọc sách cả trong học tập lẫn đời sống xã hội.
Trước tiên, tôi sẽ tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến cho việc đọc sách dần mất đi
độ phổ biến vì tôi tin rằng mọi việc xảy ra đều xuất phát từ một nguyên nhân nào đó.
Mỗi nguyên nhân dẫn tới thói quen lười đọc, ngại đọc nên dẫn tới không có văn hóa
đọc sách của mỗi người là khác nhau nên sau khi tìm hiểu và nhận biết được thực
trạng của vấn đề thì có thể dễ dàng đưa ra những biện pháp và đề xuất hơn. Có thể
một mình tôi không thể hoàn toàn thay đổi được ý nghĩ và thói quen của tất cả mọi
người nhưng với xứ mệnh là một Đại sứ Văn hóa đọc thì trách nhiệm của bản thân
phải là “đi đầu - luôn thực hiện - duy trì - lan tỏa cho mọi người”. Tiếp đó tôi sẽ
lên kế hoạch để hành động và thay đổi thói quen “ngại đọc”, “nản vì toàn chữ” của
mọi người. Đối tượng đầu tiên được nhắm tới là các bạn học sinh, sinh viên – vì đây
là những người chưa đi làm và phải lo nghĩ nhiều về tài chính, hầu hết vẫn là dựa
vào bố mẹ và có nhiều thời gian rảnh hơn. Nếu là đại sứ, tôi sẽ được tham gia các
hội sách, được giao lưu với những người chung niềm đam mê. Từ đó, tôi có thể lan
tỏa tình yêu sách, truyền cảm hứng đọc sách đến cộng đồng và tuyên truyền mọi
người đọc sách nhiều hơn giúp cho họ thấy được những lợi ích của việc đọc sáng,
giúp cho cộng đồng thấy rằng sách góp phần hình thành nên nhân cách con người,
giúp con người ta nâng cao tri thức của mình. Sau đó có thể là bằng cách liên hệ
các câu lạc bộ sách để cùng tổ chức ra ngày hội đọc sách định kì mỗi tháng một lần
với tên gọi “hứng đủ 100000 chữ” hoặc “tuần lễ đọc sách”, “ngày hội đọc sách”
nhằm tạo ra một môi trường để mọi người giao lưu, chia sẻ với nhau những cuốn
sách hay, thảo luận về những phương pháp đọc sách hiệu quả. Để có thể triển khai
tốt dự án này tôi sẽ liên hệ với các câu lạc bộ, đội khác để nhờ họ hỗ trợ truyền thông
khiến cho sức lan tỏa của dự án thêm rộng hơn. Thêm vào đó, tôi muốn các quyển
sách, báo hay tạp chí xuất hiện ở nhiều nơi hơn, đặc biệt là những nơi công cộng như
trạm xe buýt, trên xe buýt, xe khách đường dài để mọi người có thể đọc thường
xuyên, góp phần xây dựng văn hóa đọc sách và thúc đẩy việc tìm đến sách nhiều
hơn. Đó là điều mà chúng ta thấy ở rất nhiều các nước phương Tây như: Anh, Pháp,
Hà Lan, Ý, ... Tôi thấy đây là một cách khá hay mà chúng ta nên học hỏi nhưng điều
đó cũng đồng nghĩa với việc mọi người hãy có ý thức tự giác, bảo vệ và giữ gìn nó
ngay khi đọc xong. Vì bất kể việc gì cũng vậy, muốn làm tốt thì điều tiên quyết phải
là ý thức.
Bên cạnh đó tôi muốn tổ chức ra những hoạt động quyên góp hoặc tặng sách để
gửi tặng các em nhỏ ở vùng cao, vùng khó khăn- nơi mà thiếu thốn đủ thứ, đặc biệt
là những cuốn sách hay để khích lệ các em đến trường và đi học nhiều hơn. Tuy
không thể tặng cho tất cả mọi người nhưng việc tôi muốn làm nhất là mang sách đến
tận tay cho các em nhỏ vùng cao, thông qua chuyến đi thiện nguyện của các tổ chức,
các đội sinh viên tình nguyện diễn ra hằng năm. Vì tôi biết có rất nhiều chuyến đi
thiện nguyện được tổ chức với điểm đến được ưu tiên hàng đầu là các vùng có hoàn
cảnh khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số. Sau có thể là tôi sẽ xin đi cùng họ, vì
đó cũng là một cơ hội được đi đây đi đó, trải nghiệm và tận mắt chứng kiến những
mảnh đời khác nhau, giúp được một phần nhỏ bé nào đó, san sẻ những gánh nặng,
những vất vả cho con người nơi ấy. Còn nếu không thể trực tiếp tham gia tôi nghĩ
không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai muốn tặng những cuốn sách vở cho các em nhỏ
vùng cao cũng đều có thể thực hiện. Vì so với trước đây việc đi lại và liên lạc đã dễ
dàng hơn rất nhiều, chúng ta có thể liên hệ với các tổ chức, đội sinh viên tình nguyện
để họ mang giúp, vì đơn giản với tinh thần “1 người có thể giúp được 10 người,
nhưng 10 người có thể giúp được 100 người” tôi tin chắc rằng họ sẽ không từ chối.
Không thể trực tiếp giúp các em nhỏ ấy về tiền bạc, miếng cơm mang áo nhưng tôi
nghĩ những cuốn sách sẽ là món quà quý giá nhất đối với các em đó. Có thể nó sẽ
chính là động lực giúp các em vượt khó đến trường nhiều hơn, góp phần đưa nền
giáo dục nước ta càng thêm phát triển, vì chỉ có giáo dục mới xóa được cái nghèo,
đẩy lùi cái khó. Hiện nay, không phải tất cả các trẻ em vùng cao được đến trường và
cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách vở ở nơi đó còn thiếu thốn rất nhiều. Từ đó thông
qua các trang thông tin, các fanpage truyền thông sẽ biết đến việc làm này và chung
tay góp sức nhiều hơn. Và biết đâu đó cũng là một mũi tên trúng thêm một bia nữa
khiến cho những người khác sẽ đặt ngược lại câu hỏi cho bản thân: họ đã làm gì với
hàng ngàn cuốn sách, trong khi điều kiện để đọc sách tốt hơn rất nhiều tốt hơn rất
nhiều so với các em nhỏ vùng cao? Tại sao các em nhỏ vùng cao trước bao nhiêu
khó khăn của cuộc sống mang lại, phải lên nương rẫy, không đủ cái ăn cái mặc ấy
lại mong muốn có sách vở để được học, được đến trường trong khi nhìn lại điều kiện
của mình tốt hơn rất nhiều lại không làm được điều đó? Qua đó sẽ phần nào giúp
cho mọi người, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên đồng trang lứa nhận thức ra
tầm quan trọng của việc đọc sách. Với hy vọng thói quen đọc sách sẽ được duy trì
và cải thiện, bản thân tôi thật mong dự định này sẽ được hoàn thành và nhận được
nhiều hơn sự đồng thuận của mọi người.
Với tôi việc trở thành đại sứ đọc không quá quan trọng, quan trọng là ở bất kì
vị trí hay chức vụ nào nếu đủ đam mê và nhiệt huyết chúng ta vẫn có thể chung tay
giúp mọi người phát huy thói quen đọc sách. Bởi lẽ, thật lòng mà nói thì dù có vinh
dự nhận được danh hiệu đó không thì những điều tôi mong muốn như tôi đã chia sẻ
ở trên cũng là điều mà tôi thực sự muốn làm. Tất nhiên, nếu có cơ hội để đảm đương
danh hiệu là một “Đại sứ văn hóa đọc” thì chắc chắn tôi sẽ hoàn thiện bản thân hơn
để có thể hoàn thành mục tiêu của cuộc thi mà ban tổ chức đã đặt ra và tiên phong
trong các phong trào đọc sách. Đồng thời hết mình với những việc mà bản thân có
thể đảm đương.
Phụ lục

Đây là vài dòng chia sẻ, nói lên những suy nghĩ của mình!

Mình biết đến cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc 2021” sau khi Fanpage của trường
đã đăng được 2 ngày trước đó (tức là ngày 19/3/2021 mình thấy bài đăng và trường
đã đăng từ 17/3/2021). Nhưng nhớ lại thì mình đã được nghe về cuộc thi này từ khi
sinh hoạt lớp hành chính sau khi kết thúc học kì 1 của năm học này. Mình thấy đây
là cuộc thi thực sự rất rất hay và không có gì gọi là quá thách thức các sinh viên cả
nhưng mình thắc mắc rằng tại sao lượt tương tác lại thấp đến vậy? Đến hôm nay là
8/4/2021- trước hạn cuối nộp bài 2 hôm, thì trên bài đăng cũng chỉ có tất cả 285 lượt
thích và 23 lượt chia sẻ. Điều đó nói lên rằng cuộc thi chưa nhận được quá nhiều sự
quan tâm của các bạn TMUER. Tại sao chúng ta có thể bỏ lỡ một cuộc thi hay đến
vậy? Có thể một phần là do lượt tương tác của Fangage nên qua đây em cũng muốn
bày tỏ một mong muốn đó là: mỗi khi có một cuộc thi hay một chương trình nào hay
và ý nghĩa được tổ chức thì nhà trường có thể liên hệ với các câu lạc bộ để lên kế
hoạch hỗ trợ truyền thông giúp cho độ lan tỏa thêm rộng rãi và các bạn TMUER có
cơ hội biết đến nhiều hơn.

Về phía các bạn TMUER, mình nghĩ rằng ngoài thời gian cho việc học các bạn
hãy nên dành chút thời gian cho việc tìm và đọc những cuốn sách. Hãy làm cho
những năm tháng thanh xuân bên giảng đường đại học thật ý nghĩa và lấp đầy cho
mình những kiến thức bổ ích từ sách vở. Đừng coi nó là một việc tốn thời gian mà
hãy tạo lập một thói quen, một văn hóa đọc và hơn hết đó là đừng để bất kì một lí do
nào hết mà bác bỏ đi văn hóa tốt đẹp ấy. Bởi không đọc sách, chính là bạn đang bỏ
lỡ một điều gì đó. Đọc sách và có văn hóa đọc sách có thể được coi là một thú vui
tao nhã, lành mạnh vậy nên “thức tỉnh- hành động luôn- và duy trì thói quen”. Bạn
có thể tưởng tượng ra cảnh bạn ngồi “chill” với từng tách trà sau đó cầm lên tay và
đọc một cuốn sách trong một buổi chiều với tiết trời yên ả của Hà Nội, hay khi có
thời gian rảnh vội giấu mình trong một quán cà phê sách hoặc một tiệm sách cổ.
Nghe thật thư thái đúng không? Bên cạnh đó chúng ta thật may mắn vì có cơ sở vật
chất hiện đại, đáp ứng đủ tất cả yêu cầu của chúng ta khi muốn tìm và đọc sách. Đó
chính là thư viện kết hợp với khu học 11 tầng hiện đại bậc nhất mà trường vừa mới
hoàn thành nhằm đáp ứng mong muốn và yêu cầu của chúng ta, vậy nên hãy lên thư
viện nhiều hơn nhé!

Tiện đây mình cũng xin chia sẻ thêm với mọi người một vài cách đọc sách
hiệu quả mà bản thân mình đã áp dụng thành công trước đó và cả các cách mà
mình tìm hiểu thêm được trong những ngày tháng tự cách ly tại nhà (vì mình ở
vùng dịch của tỉnh Hải Dương) vừa qua:
 Khi đọc sách hãy bắt đầu bằng những câu nói “có sức công phá lớn đánh thẳng
vào tâm lí”, có thể là các câu nói tích cực về việc đọc sách, việc học tập… để
cho các noron thần kinh trong não giãn ra, giúp bản thân có thêm hứng khởi
với việc đọc sách.
 Hành động luôn ngay khi có ý nghĩ: mỗi khi bạn tìm được quyển sách hay
hoặc “ưng” nó ngay từ cái nhìn đầu tiên hãy tìm và đọc luôn. Bởi vì “để mai
đọc ư? Thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 rồi thứ 7, chủ nhật đâu có thứ nào là
ngày mai”.
 Hãy tìm cho mình một không gian cực “chill” và yên tĩnh. Có thể là ngoài ban
công với một tách trà, trên tầng cao nhất của một quán cà phê hoặc là tìm đến
những quán cà-phê sách hay những thư viện với vô vàn nguồn sách.
 Bắt gặp bất cứ câu nào hay, truyền cảm hứng trong cuốn sách bạn đọc, hãy
note và ghi lại luôn, sau đó dán lên chỗ bạn thường nhìn thấy hoặc đi qua đặc
biệt là góc học tập. Và đó cũng là cách mà tiến sĩ Spencer Johnson đã chia sẻ
với các độc giả của mình trong cuốn “Ai lấy miếng pho mát của tôi?” thông
qua việc xây dựng hình ảnh nhân vật Chậm Chạp (các bạn có thể tìm và đọc
cuốn sách này nhé!).
 Khi viết ra một list các việc bạn phải hoàn thành hàng ngày hãy cho thêm một
chỗ trống cho việc đọc sách. Sau đó việc bạn cần làm là thực hiện nó, không
cần dành quá nhiều thời gian cho nó mà hãy cân bằng nó với các hoạt động
khác. Bởi vì đọc nhiều đọc ít không quan trọng, quan trọng là bạn “hứng”
được những gì từ những trang sách bạn đọc.
 Nếu quên việc đọc sách hàng ngày bạn có thể dùng các app trên điện thoại
nhắc nhở, trường hợp hi hữu nào đó thì hãy cho bản thân một lí do thật thuyết
phục và sẵn sàng duy trì thói quen vào các ngày sau.
 Mua sách mất khá nhiều tiền ư? Ngày nay bạn vẫn có thể đọc sách miễn phí
trên nhiều nguồn khác nhau mà. Ví dụ như Wattpad, Amazon Kindle, Ibooks,
VINABOOK reader, Tea book, Waka…và chắc chắn khả năng ngoại ngữ của
bạn sẽ nâng cao khi đọc trên những web cung cấp e-books của nước ngoài đó.
Đọc sách thường xuyên chính là bạn đã xây dựng được văn hóa đọc sách. Tác
dụng của việc đọc sách là rất lớn, chúng ta không thể phủ nhận điều đó nhưng hãy
biết chọn cho mình một cuốn sách phù hợp, biết chắt lọc và áp dụng những cái hay
từ trong sách. Hãy tự mình mở cho mình cánh của mới, xây lên cho bản thân mình
một nền tảng kiến thức vững chắc thông qua cả việc nghiên cứu tìm tòi từ sách vở.
Tất nhiên mình không thể áp đặt tất cả các bạn đều phải đọc sách, mỗi người có sẽ
có mình một cách đọc và nghiên cứu hiệu quả, tuy từng cách là khác nhau nhưng
đều có một mục đích chung là đem lại những tri thức và lợi ích cho bản thân. Trên
đây là những chia sẻ theo quan điểm cá nhân của mình, mình rất vui và mong rằng
sẽ nhận được những chia sẻ, góp ý từ phía các bạn. Chúng ta hãy cùng chung tay để
văn hóa đọc sách ngày càng phổ biến trong cộng đồng, duy trì và phát triển hơn nữa
nhé!

You might also like