You are on page 1of 5

LỄ HỘI HOA LƯ

Ninh Bình được coi là một mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa.
Không chỉ ẩn chứa tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, nơi đây còn có những di tích
lịch sử gắn liền với hai vị vua Đinh Tiên Hoàng Đế và Lê Đại Hành. Hằng năm, để tưởng
nhớ công lao của các vị anh hùng đã có công dựng nước và giữ nước, người dân Ninh
Bình long trọng tổ chức lễ hội Hoa Lư. Là một người con của mảnh đất cố đô thì không
ai trong chúng ta lại không biết đến lễ hội này cả. Hôm nay tôi cùng mọi người sẽ cùng
nhau tìm hiểu đôi chút về lễ hội này nhé.
Tương truyền, từ năm 1010 Lý Công Uẩn dời kinh đô ra Thăng Long, Hoa Lư trở
thành cố đô, thì lễ hội Hoa Lư bắt đầu được tổ chức. Việc tế lễ vua Đinh Tiên Hoàng
được các triều đình hết sức coi trọng, đặc biệt là dưới thời nhà Nguyễn. Kể từ năm 1823,
vua Minh Mệnh còn cho dựng miếu Đức vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Dương Xuân, kinh
đô Huế, thường thường trực tiếp đến tế lễ ở hai kì tế Xuân Thu. Để có lễ hội Hoa Lư như
nay là cả một quá trình, mà trong đó có sự hòa quyện cả những yếu tố lịch sử và cả
những truyền thuyết dân gian. Tên gọi ban đầu là lễ hội Trường Yên tuy nhiên được mọi
người đổi lại là lễ hội Hoa Lư.
Lễ hội truyền thống Hoa Lư có quy mô lớn nhất vào những năm có số hàng đơn vị
là 8. Lễ hội được tổ chức tại cố đô Hoa Lư vào rằm tháng hai, hoặc đầu tháng 3 từ mùng
6/3 đến 10/3 âm lịch. Bởi thế mới có câu ca truyền miệng:
“Dù ai buôn bán đâu đâu
Tháng hai mở hội rủ nhau mà về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng hai mở hội thì về Trường Yên”.
Trong 3 ngày diễn ra hội lễ có 2 phần là phần lễ và phần hội. Trước tiên ta tìm hiểu
về phần lễ.
Thứ nhất là lễ mở cửa đền được tiến hành trước khi diễn ra lễ hội một để cúng tế thần
linh và hai vua, xin được tổ chức lễ hội. Những người thực hiện công việc này là các bậc
cao niên có uy tín của làng, am hiểu về truyền thống dân tộc
Buổi sáng ngày khai hội, vào giờ Thìn, lễ rước nước bắt đầu. Đây là một trong hai
nghi thức quan trọng nhất của phần lễ và đông đảo quần chúng và nhân dân địa phương
tham gia hào hứng. Trước ngày khai hội, ở sông Hoàng Long chọn một cây tre lớn. trên
ngọn tre có treo một dải phướn màu vàng, ghi lời chú với nội dung thần dân, con cháu
trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã từng cứu giúp vua Đinh thuở hàn vi.
Tương truyền, khi còn nhỏ, vì mổ trâu khao quân, bị người chú đuổi phạt mà Đinh Bộ
Lĩnh phải chạy chốn, đến giữa sông Hoàng Long thì có một con Rồng hiện lên đưa ông
sang bờ, và cây nêu cắm ở đó tượng trưng cho con Rồng đang phun nước hay mắt của
con rồng. Nhưng cũng có tích cho rằng đây là nơi Thái hậu Dương Vân Nga đã từng nghỉ
chân sau khi đi thăm muôn dân, và cây nêu có ý nghĩa xua đuổi những tà khí. Vì vậy,
nước nơi đó là trong sạch nhất, tinh khiết nhất và nhà vua lấy nước ở nơi đó về tưới cho
đồng ruộng. Đoàn người khởi hành từ đền vua Đinh Tiên Hoàng, đi đầu là cờ ngũ hành,
cờ hành thủy (màu đen) đi giữa, sau đến đoàn múa rồng biểu hiện cho ý thức cầu nước và
là biểu tượng vật thiêng. Cầu mong thần sông giữ cho nước mát hiền hòa, phù trợ cho
dân ấm no, điều lành mang đến, tránh mọi điều ác dữ, bách bệnh tiêu tán, vạn bệnh thì
tiêu trừ. Rồi tới phường bát âm đi làm hàng đôi, tiếp theo đến kiệu long đình do 4 tráng sĩ
khiêng, trên có đặt có đặt một cái chóe để đựng nước thánh, đoàn rước tiến về sông. Đoàn
rước có một thuyền rồng chèo ra giữa sông làm lễ, sau đó thả đồ vàng mã và đồ lễ xuống
sông tạ ơn Hà Bá. Đến giữa dòng sông, người chủ tế thả một chiếc vòng tròn vải đỏ
xuống dòng sông, nước được múc từ trong vòng tròn này, đổ vào chóe qua một lớp vải
đỏ trên miệng. Lễ rước nước được tổ chức tế lễ hết sức trang nghiêm, thành kính: biểu
hiện cho một mối liên hệ mật thiết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả dân tộc và
thể hiện truyền thống đạo lý tốt đẹp bao đời “Uống nước nhớ nguồn”.
Sau lễ rước nước là lễ mộc dục và dâng hướng. Tức lễ tắm thần linh, bao sái tượng
vua Đinh, vua Lê. Trước khi tiến hành công việc này, dân làng Trường Yên dâng lễ cáo
yết thần linh, xin phép được thực hiện. Nước dùng để bao sái là nước lấy từ sông Hoàng
Long, sau đó sẽ dùng tiếp nước thơm. Sau khi bao sái xong, tại đền hai vị vua dâng
hương, cúc cung bái, dâng rượu tuần và đọc lời chúc.
Cuối cùng là lễ tế chính - nghi thức quan trọng bậc nhất của buổi lễ. Để chuẩn bị cho
lễ tế, nhân dân Trường Yên cử người có học thức cao của làng, am hiểu lịch sử soạn bài
văn tế có nội dung gắn với tiểu sử, công trạng của các vị vua lúc còn tại vị trần thế. Lễ tế
diễn ra vào đêm cùng lúc ở hai đền vua Đinh và vua Lê. Bài văn tế chia thành cửu khúc 9
đoạn. Sau khi chủ tế sướng xong một đoạn có hai người phường nhà trò (một nam-đàn;
một nữ-hát) diễn giải lại nội dung đoạn văn tế bằng điệu ca trù. Kết thúc lễ tế, khách hành
hương trẩy hội vào điện thờ ở hai đền dâng hương làm lễ và chiêm bái di tích
Kết thúc phần lễ là lễ hội đăng hoa do Giáo Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, cùng các
Tăng Ni, Phật Tử tiến hành. Vào khoang tầm 19h tối trên bến sông Sào Khê sát quảng
trường cố đô, các phật tử cùng tiến hành nghi lễ và thả hoa đăng xuống dòng sông này
khiến cả dòng sông bừng sáng lung linh sắc màu huyền ảo giữa trời tối. Lễ hội hoa đăng
nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị văn hóa của người cố đô vào
những ngày lễ lớn. Lễ hội hoa đăng vừa ấm cúng, thẩm mỹ, giàu truyền thống. Những
bông hoa rực rỡ màu sắc trong đêm ấy như thay cho lời cầu mong một năm mới an lành,
thịnh vượng.
Nghi lễ này thể hiện lòng hiếu kính hướng về cửu huyền thất tổ, tình yêu nước, lòng
tri ân hướng tới các thê hệ cha ông đã hi sinh sương máu để bảo vệ chủ quyền non sông.
Đây cũng là thể hiện lòng trắc ẩn đối với các anh linh đã hi sinh vì đất nước
Ngoài phần “lễ” có phần “hội” bao gồm các trò chơi đặc sắc như kéo chữ, chọi gà,
đấu vật, múa quạt, cờ người, đu quay... Độc đáo nhất của hội là trò “Cờ lau tập trận”, tái
hiện lại sự tích quãng đời chăn trâu thuở nhỏ của Đinh Bộ Lĩnh trên đất Trường Yên. Lễ
hội Hoa Lư là dường như không năm nào thiếu vắng hội tiết đặc sắc này. Tiết mục tập
trận cờ lau ban đầu vốn là một lễ tiết, mà về sau đã trở thành một trò diễn dân gian. Đến
nay, các vị bô lão người Hoa Lư đều nhất trí cho rằng: “Tập trận cờ lau” là cuộc diễn
xướng gợi về thời niên thiếu của vua Đinh cùng các bạn trẻ mục đồng tập đánh trận, lấy
những bông lau để làm cờ.
Theo hồi ức của một số bô lão là người vùng Hoa Lư thì nơi diễn ra cuộc tập trận cờ
lau là một khoảng bình nguyên đồng cỏ rộng ngay dưới chân núi Mã Yên, phía trước
cổng đền thờ Vua Đinh. Đội quân tập trận gồm khoảng 50-60 thiếu niên tuổi chừng 13
đến 16, là người địa phương. Các thiếu niên này được chia thành hai cánh. Trang phục
của hai toán quan khác nhau về màu áo. Mỗi “nghĩa quân” có giắt chéo hai bông lau ở
sau lưng, tay cầm gậy hoặc kiếm. Mỗi bên có một tướng chỉ huy, mà một trong hai tướng
ấy chính là Đinh Bộ Lĩnh.
“Chủ tướng Bộ Lĩnh” vận áo đỏ, đầu đội mũ bình thiên được tết bằng rơm, tay phải
cầm kiếm, tay trái cầm bông lau làm cờ, cưỡi trên một con trâu mộng. Nếu không cưỡi
trâu thì chủ tướng có một nghĩa quân cầm lọng theo che. Còn đến những năm 1983,
1985, 1987, những con trâu trong tập trận cờ lau ở lễ hội Hoa Lư là trâu được làm bằng
khung tre, phất giấy nhựa, sơn đen giống như trâu thật do các thiếu niên “đội lốt” cho cử
động trên đồng cỏ. Viên tướng phía bên kia cũng cầm kiếm, cờ lau, đầu đội mũ tướng
được tết bằng lá mít, lá dứa...
Hai toán quân này mang ý nghĩa tượng trưng độc đáo và thú vị. Một bên là nghĩa
quân do Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy gồm các “nghĩa sĩ” cùng làng, thôn, còn phía bên kia là
đội quân của các thôn khác. Đó cũng có thể là một đội quân của Thung Lau và đội quân
của Thung Lá gần đó - theo truyền thuyết dân gian ở địa phương.
Sau một hồi múa kiếm, múa gậy và hiệu triệu quân sỹ, hai bên dàn thế trận giao
tranh, tiến thoái, hò reo cùng âm thanh của trống, chiêng, thanh la, mõ, tù và vang dậy cả
một vùng. Tại nơi đây, khách bốn phương về trẩy hội sẽ được thấy trang thiếu niên tuấn
kiệt Đinh Bộ Lĩnh hăng hái chỉ huy và xông pha chiến đấu cùng các nghĩa sỹ đánh đuổi
“quân thù”. Chiến cuộc kết thúc với chiến thắng thuộc về cánh quân Thung Lau. Chủ soái
Bộ Lĩnh được quân sỹ là chúng bạn công kênh, che lọng, đi giữa rừng cờ lau. Sau đó, các
binh tướng đôi bên tụ hội ca vang bài khải hoàn ca:
“Nay mừng gặp hội long vân
Mừng Đại Cồ Việt nhân dân thái bình
Cờ lau tập trận hoàn thành
Khấu đầu lạy tạ thánh minh cửu trùng...”
Ngoài trò chơi “cờ lau tập trận” còn những trò đặc sắc như tục kéo chữ, tục thổi
cơm.
Tục kéo chữ mới được khôi phục những năm gần đây. Khi bắt đầu, mỗi đội kéo chữ
khoảng 50 - 60 người mà chủ yếu là nữ thanh niên mặc đồng phục. Mỗi người chuẩn bị
một gậy tre dài 1,5m quấn giấy màu. Người kéo chữ chân quấn xà cạp đi giày vải, đầu
chít khăn. Dẫn đầu là hai lá cờ tiền, sau cùng là hai cờ hậu, gọi là cờ Ngũ hành. Vai trò
người cầm cờ tiền là phải thông thạo đường chạy để đoàn quân vào chữ “Thái bình”,
“Thịnh Trị”, “Đinh” sao cho khéo.
Tục thổi cơm từ xa xưa đến nay đều là một trò chơi đặc sắc trong các lễ hội của Việt
Nam .Các cô gái tham gia cuộc thi “mặc áo thay vai, thắt khăn hoa lý”, đầu chít khăn mỏ
quạ, tóc bỏ đuôi gà, quần lụa nái đen, biết hát trống quân và cò lả. Bắt đầu cuộc thi, mỗi
người một tay cầm cần tre có quang treo niêu, một tay cầm bó đuốc vừa đi quanh sân đền
vừa hơ lửa nấu cơm, miệng hát. Người đạt giải là người nấu cơm ngon và mau chóng, hát
hay và duyên dáng nhất.
Không thể kể đến một trong những trò chơi độc đáo và hấp dẫn nhất đó chính là trò
cờ người. Ở Bắc Bộ nói chung và trong lễ hội Hoa Lư nói riêng, cờ người gồm 16 quân
cờ tướng do nam thủ vai và 16 quân cờ tướng do nữ thủ vai. Tất cả 32 quân cờ ngồi trên
một bàn cờ tướng vẽ ở một sân rộng, trong trang phục phù hợp với vai cờ của mình đóng.
Bàn cờ được chọn là sân đất rộng hoặc sân đình, chùa. Trang phục trên sân cờ là màu
quân đỏ hoặc vàng và màu quân đen hoặc xanh. Trang phục của “quân cờ” phải chỉnh tề
và thống nhất, trước ngực và sau lưng áo đều in tên quân cờ: tướng, sĩ, tượng, xe, pháo,
mã, tốt hoặc cầm theo các quân cờ có cán gỗ, chữ được chạm khắc đặt phía trên, có chân
đế vững vàng để thuận tiện di chuyển. Tướng được đội mũ tướng soái, mặc triều phục bá
quan văn võ, chân đi hài, lọng che. Sĩ đội mũ cánh chuồn có tua vàng. Trước khi cuộc thi
diễn ra, các “quân cờ” sẽ tiến hành tập luyện các thế đi, đường võ để khi chuẩn bị xung
trận biểu diễn cho từng thế cờ. Hai người chơi cờ đứng trong sân cờ trực tiếp đến chỉ đạo
từng quân cờ di chuyển, bên cạnh là một người đánh trống bỏi thúc giục. Cũng tương tự
như luật cờ tướng, bên nào bị chiếu bí trước là thua. Các trò chơi dân gian vẫn luôn là
điểm đặc sắc, thu hút được sự quan tâm của du khách đi chảy hội. Bầu không khí vui vẻ
hòa chung sức sống ngày xuân của cả nước.
Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư là một biểu hiện độc đáo sự bảo tồn tích cực, kế
tục truyền thống thượng võ của dân tộc ta – một dân tộc đã mấy nghìn năm lịch sử từng
bao phen anh dũng vùng lên đánh đuổi các thế lực ngoại xâm hùng mạnh hơn gấp nhiều
lần. Đồng thời các trò chơi dân gian nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc. Giúp chúng la
luôn ghi nhớ rằng lòng đoàn kết luôn là thứ cốt yếu trong việc giữ gìn đất nước hơn 1000
năm qua. Phần hội được tổ chức nhằm khích lệ tinh thần người nông dân sau một vụ mùa
vất vả và để bắt đầu một mùa màng bội thu mới.
Lễ hội Hoa Lư kết tinh trong mình giá trị của hàng ngàn năm dựng nước. Với chiều
dài lịch sử, lễ hội là sự tích hợp những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và truyền
thuyết dân gian về vua Đinh Tiên Hoàng. Các nghi thức trong lễ hội chính là sự biểu hiện
giữa quá khứ và hiện tại, sự cố kết cộng đồng không chỉ ở một làng một xã, liên làng liên
xã mà cả vùng đất Trường Yên (Ninh Bình ngày nay). Lễ hội Hoa Lư có ý nghĩa giáo dục
vô cùng sâu sắc, đó là sự khơi dòng lịch sử với sứ mệnh dựng nước, giữ nước, chấn hưng,
phát triển và tự chủ dân tộc. Mỗi chúng ta hãy luôn nhớ rằng:
“Ai là con cháu rồng tiên
Tháng Ba mở hội Trường Yên thì về"

Tên nhóm: Đức và những cô gái xinh đẹp.


Thành viên:
- Đới Thị Bích Ngọc ( nhóm trưởng, thuyết trình )
- Nguyễn Phạm Thu Huệ ( thuyết trình )
- Phạm Thị Thanh Hiền ( powerpoint )
- Phạm Linh Thảo ( word )
- Nguyễn Trung Đức ( word )
Nội dung: Thuyết minh về một lễ hội ở quê hương em.

You might also like