Academia.eduAcademia.edu
CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ SỰ KIẾN TẠO BẢN SẮC PHÁP NGỮ TS. Nguyễn Hoàng Như Thanh Phó Giám đốc CECOFAP Giảng viên Khoa Chính trị quốc tế Học viện Ngoại giao Kính thưa đoàn chủ tịch, Kính thưa các diễn giả, Kính thưa quý vị, Hôm nay tôi xin trình bày tham luận với chủ đề “Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự kiến tạo bản sắc Pháp ngữ”. Xin được làm rõ là tham luận của tôi thuộc lĩnh vực quan hệ quốc tế, cụ thể là lý thuyết quan hệ quốc tế. Vì theo thông tin mà tôi được biết, bài của tôi suýt nữa được xếp vào phiên 5 “những vấn đề văn hóa và giáo dục”. Chắc là do tôi có đề cập đến các khái niệm “kiến tạo” và “bản sắc”. Nhưng sự cố nói trên cũng nói lên một thực tế, đó là lý thuyết quan hệ quốc tế mà tôi triển khai trong tham luận của mình, chủ nghĩa kiến tạo (constructivisme), dựa trên nền tảng xã hội học, chẳng hạn khái niệm “kiến tạo xã hội về thực tại” và “bản sắc”. Tôi sẽ đề cập rõ hơn trong bài trình bày dưới đây. Bài trình bày của tôi gồm ba phần chính: phần đầu tôi xin nêu khái quát cách tiếp cận đối với bản sắc, đặc biệt là bản sắc quốc gia của chủ nghĩa kiến tạo QHQT; phần thứ hai tôi sẽ khái quát về bản sắc Pháp ngữ; phần cuối cùng, tôi xin nêu vài ý về vai trò của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với sự hình thành và phát triển của bản sắc Pháp ngữ ngày nay. Bản sắc là gì? Một cách chung nhất, bản sắc chính là những gì người ta trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, và ở một mức độ nào đó, “Tôi không phải là ai?”. Điều này giới hạn rằng chỉ những thực thể có cảm thức về cái Tôi mới có thể có bản sắc. Hơn nữa, việc trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”, “Tôi không phải là ai?” phụ thuộc rất lớn vào câu trả lời cho câu hỏi “Họ là ai?”. Như vậy, bản sắc của mỗi người được đặt trong hệ quy chiếu bản sắc của những người khác. Như vậy, ta có thể coi bản sắc là biểu hiện của sự tương tác giữa nhận thức của chủ thể về bản thân và nhận thức của chủ thể khác về chủ thể ban đầu. Sự tương tác này tạo nên bản sắc của chủ thể và các hành vi tương ứng. Bản sắc quyết định cách thức chủ thể xác định lợi ích của mình và chính sách cần thi hành để đảm bảo lợi ích đó. Một người có thể có nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi “Tôi là ai?”, cũng có nghĩa là một người có thể có nhiều bản sắc. Alexander Wendt đã phân loại bốn kiểu bản sắc: bản sắc cá thể (personal identity), bản sắc kiểu loại (type identity), bản sắc vai trò (role identity) và bản sắc tập thể (collective identity) Alexander Wendt, Social Theory of International Politics (Cambridge: Cambridge University Press, 1999), 224–33.. Bản sắc cá thể là nền tảng sinh lý của mỗi cá nhân, mà đặc trưng nhất chính là các cơ quan cơ thể tạo cho mỗi người một ý thức về cái tôi nội tại. Bản sắc kiểu loại, theo Jim Fearon là tầng lớp xã hội của mỗi người: công nhân, nông dân, trí thức, vị thành niên, trung niên, trung lưu, thượng lưu… James D. Fearon, “What Is Identity (as We Now Use the Word),” Unpublished Manuscript, Stanford University, Stanford, Calif, 1999. Mỗi kiểu tầng lớp xã hội nói trên lại có hành vi, cách ứng xử, giá trị, kỹ năng, kiến thức, trải nghiệm… riêng biệt làm nên đặc trưng cho những người thuộc tầng lớp xã hội đó. Trong cuốn Đám đông cô đơn, các tác giả đã vẽ nên một bức tranh kinh điển về đặc trưng tính cách xã hội của các tầng lớp người Mỹ qua những thời kỳ khác nhau. “Tính cách xã hội” là phần “tính cách” có chung ở các nhóm xã hội chính, là sản phẩm từ kinh nghiệm của các nhóm này. Ý niệm về tính cách xã hội cho phép chúng ta bàn đến tính cách của các giai cấp, các nhóm, vùng miền, và các dân tộc. David Riesman, Nathan Glazer, và Reuel Denney, Đám Đông Cô Đơn (Hà Nội: NXB Trí thức (Liên kết phát hành: Nhã Nam), 2012), 90. Hình SEQ Hình \* ARABIC 1. Vòng tròn bản sắc Bản sắc vai trò có tính xã hội cao độ, thể hiện chức năng của một người trong cộng đồng. Bản sắc vai trò không phụ thuộc vào đặc tính nội tại của mỗi người mà chỉ tồn tại trong mối tương quan với những người khác. Hoàn toàn không có tiền đề sinh học nào cho việc trở thành sinh viên hay giảng viên, người ta chỉ có thể có được chức năng này khi và chỉ khi thỏa mãn các yêu cầu xã hội đối với chức năng đó và có hành vi ứng xử phù hợp với các chức năng khác. Thông thường, các chức năng đi thành cặp tương ứng nhau: vợ/chồng, con cái/cha mẹ, học sinh/giáo viên, ông chủ/đầy tớ… Các cặp chức năng tương ứng này tồn tại trong cấu trúc xã hội vốn lâu đời và có trước cá nhân, quy định hành vi cá nhân trong xã hội. George H. Mead, Mind, Self and Society: From the Standpoint of a Social Behaviorist (Chicago: The University of Chicago Press, 1967); Peter J. Burke, “The Self: Measurement Requirements from an Interactionist Perspective,” Social Psychology Quarterly 43, no. 1 (1980): 18–29, https://doi.org/10.2307/3033745; Sheldon Stryker, Symbolic Interactionism: A Social Structural Version (Caldwell, N.J: The Blackburn Press, 2003). Bản sắc vai trò này cũng đã được đề cập khá chi tiết trong học thuyết Khổng Tử ở phương Đông. Lý tưởng của Nho gia là xây dựng một xã hội thịnh trị, xác định vị trí và chức năng của mỗi cá nhân, hướng đến thế giới đại đồng. Muốn được như vậy phải thực hiện “chính danh”, có nghĩa là làm cho sự vật ngay thẳng, đặt sự vật vào đúng chỗ, gọi đúng tên của nó. Trong quan hệ gia đình và xã hội, thực hiện chính danh đòi hỏi phải “sửa mình”, sao cho “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” (quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử). Mỗi chức năng trong xã hội lại có những quy định ứng xử tương ứng với chức năng xã hội khác, chẳng hạn như “quân xử thần tử thần bất tử bất trung”, “tại gia tòng phụ, xuất gia tòng phu, phu tử tòng tử”. Đinh Ngọc Thạch and Trần Quang Thái, Giáo Trình Lịch Sử Các Học Thuyết Chính Trị (TP. HCM: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016), 38–44. Nếu bản sắc vai trò gắn chặt cái Tôi trong mối tương quan mật thiết với Tha nhân thông qua các cặp chức năng xã hội, bản sắc tập thể tiếp nối mối liên hệ này và đẩy lên một tầm cao mới thông qua sự đồng nhất hóa (identification). Đồng nhất hóa là một quá trình nhận thức, trong đó ranh giới giữa Tôi và Tha nhân dần dần mờ đi để trở thành Chúng ta. Đồng nhất hóa diễn ra theo từng vấn đề và lĩnh vực và hiếm khi, hoặc không bao giờ, Tôi và Tha nhân đồng nhất hoàn toàn. Xem thêm Jonathan Mercer, “Anarchy and Identity,” International Organization 49, no. 2 (1995): 229–52; Jonathan H. Turner, A Theory of Social Interaction, 1 edition (Stanford, Calif: Stanford University Press, 1988). Như vậy, mối cá nhân trong xã hội sẽ thuộc về nhiều “vòng tròn bản sắc” khác nhau, và các vòng tròn này có sự giao thoa, tương tác với nhau. Mỗi vòng tròn bản sắc (sinh học, kiểu loại, vai trò, tập thể) đều có trước cá nhân và không nhiều thì ít được quy định trước về mặt xã hội. Tuy nhiên, sự kết hợp của bốn loại bản sắc đấy cùng với những trải nghiệm và cảm nhận riêng của mỗi người làm nên tính đặc sắc của họ, làm cho mỗi người là một cá thể riêng biệt, độc đáo trong xã hội. Chẳng hạn, một người có thể có bản sắc sinh học là đàn ông, thuộc tầng lớp trung lưu, tuổi trung niên, có chức năng giảng viên đại học và là công dân Việt Nam. Anh ta sẽ khác với các giảng viên đại học khác là nữ, hay thuộc tầng lớp thượng lưu, hay thuộc lứa tuổi thanh niên, hay là công dân nước ngoài… Rất ít có khả năng ta tìm thấy được hai con người có sự tương đồng hoàn toàn về cả bốn loại bản sắc nêu trên. Bản sắc quốc gia Chủ nghĩa hiện thực QHQT cho rằng không thể, và cũng không khôn ngoan, khi hoạch định chính sách đối ngoại dựa trên cái “bản sắc tập thể” nói trên. Lý do là vì theo các nhà hiện thực, quốc gia cũng như con người có bản chất vị kỷ, luôn theo đuổi lợi ích bản thân mà mặc kệ lợi ích của người khác. Thế nhưng, chính việc mỗi cá nhân đồng nhất mình và người khác vào quốc gia mới khiến ý niệm quốc gia trở thành hiện thực. Nói cách khác, bản sắc tập thể của cá nhân, có nghĩa là ý tưởng rằng họ cùng thuộc về một quốc gia-dân tộc, là tiền đề cho bản sắc quốc gia. Về phần mình, quốc gia cũng có bốn loại bản sắc nêu trên. Bản sắc cá thể chính là đặc tính cấu thành nên quốc gia, bao gồm dân cư, lãnh thổ, văn hóa-lịch sử, Nhà nước. Tổng hòa của những cá nhân cùng sinh sống trên một lãnh thổ, cùng chia sẻ các nhận thức về nguồn gốc và lịch sử phát triển chung, cùng sẻ chia những giá trị văn hóa dân tộc, dưới sự quản lý của một Nhà nước được công nhận chung tạo nên chủ thể tính cho quốc gia. Nhờ đó quốc gia có thể có được ý muốn, nhận thức, hành vi độc lập mà không phụ thuộc vào ý chí của bất kỳ một cá nhân đơn lẻ nào. Như Weber đã phân tích, “một trong những khía cạnh quan trọng của sự “tồn tại” quốc gia hiện đại […] nằm ở việc hành động của các cá nhân khác nhau được dẫn dắt bởi niềm tin rằng nó [quốc gia] có thật hoặc nên có thật”. Max Weber, Economie et société/1. Les catégories de la sociologie (Paris: Plon, 1995). Nhận thức chung về quốc gia được chia sẻ bởi các thành viên trở thành một thực tại xã hội, mà theo lập luận của Berger và Luckmann đã vượt lên trên cá nhân và trở thành chất keo kết dính giữa các thành viên với nhau, giữa họ với các thành viên trong quá khứ và cả với các thành viên trong tương lai. Peter L. Berger and Thomas Luckmann, La Construction sociale de la réalité - 3e éd. (Paris: Armand Colin, 2012). Bản sắc kiểu loại quốc gia liên quan đến thể chế hoặc hình thái Nhà nước của quốc gia đó: tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, quân chủ, dân chủ… Bản sắc kiểu loại được xác định bởi nguyên tắc tổ chức chính trị và tổ chức quyền lực Nhà nước (đối với tư liệu sản xuất và công cụ bạo lực). Xem thêm Robert Cox, Production Power and World Order, Reprint edition (New York: Columbia University Press, 1987). Cần lưu ý ở đây không có quy chuẩn được thừa nhận rộng rãi cho sự phân loại quốc gia “dân chủ” hay “không dân chủ”. Như Wendt đã đề cập, một quốc gia có thể “dân chủ theo cách riêng của mình. Các nhà chính trị học so sánh có thể kết luận rằng hai quốc gia có hình thái chính trị hoàn toàn khác nhau, tuy nhiên chúng vẫn có cùng bản sắc dân chủ”. Wendt, Social Theory of International Politics, 226. Đối với các nhà lý thuyết theo chủ nghĩa hiện thực, loại hình quốc gia tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa, dân chủ, quân chủ, độc tài… không thật sự khác biệt trong quan hệ quốc tế. Mà chính kiểu quốc gia “xét lại” hay “giữ nguyên trạng” mới tạo nên những hệ thống chính trị quốc tế khác nhau. Bản sắc vai trò của quốc gia đã được nhiều học giả đề cập. Chẳng hạn lý thuyết trung tâm/ngoại vi đã mô tả bản chất của chính trị quốc tế xoay quanh cặp chức năng giữa những nước ở trung tâm và ở ngoại vi, không chỉ về mặt kinh tế, công nghệ mà còn về các quy tắc ứng xử và hành động. Alexander Wendt đã khái quát hóa 3 loại quan hệ chức năng của các quốc gia tạo nên 3 kiểu vô chính phủ khác nhau. Đầu tiên, cặp quan hệ kẻ thù-kẻ thù, trong đó các quốc gia xem nhau là địch và sẵn sàng sử dụng bạo lực để tiêu diệt nhau. Cặp quan hệ này tạo nên kiểu vô chính phủ khớp với mô tả của chủ nghĩa hiện thực, nơi an ninh quốc gia không được đảm bảo và các nước đều phải tự bảo vệ lấy chính mình. Thứ hai, cặp quan hệ địch thủ-địch thủ, các nước xem đối phương là đối thủ cạnh tranh, tuy nhiên dựa trên nền tảng thừa nhận lẫn nhau và tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực ở mức toàn diện, triệt để. Kiểu vô chính phủ tương ứng chính là hệ thống quốc tế hiện nay. Cuối cùng, cặp quan hệ bạn bè-bạn bè, các quốc gia tồn tại trong một mối quan hệ xã hội, ở đó bắt đầu quá trình đồng nhất hóa và xuất hiện các dạng bản sắc tập thể. Cái đích cuối cùng hướng đến của kiểu vô chính phủ này là việc hình thành bản sắc an ninh tập thể trong các cộng đồng an ninh, với sự xóa nhòa ranh giới giữa Tôi và Tha nhân. Theo Wendt đây là tương lai của chính trị quốc tế. Wendt, chap. 6. Cùng với quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, bản sắc tập thể của các quốc gia ngày càng được định hình rõ rệt. Việc tham gia vào quản trị toàn cầu cũng như các tổ chức quốc tế và đối diện với nhiều mối đe dọa chung như biến đổi khí hậu, vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố quốc tế… khiến loài người dần cảm thấy đang ở chung trên một con thuyền và dần xác định lợi ích chung cũng như định hình một bản sắc chung. Ở cấp độ thấp hơn nhưng chặt chẽ hơn, việc tham gia vào tiến trình khu vực hóa đang làm xuất hiện một dạng bản sắc tập thể khá mạnh và dần làm biến đổi cả ba loại bản sắc còn lại của quốc gia. Ví dụ, quá trình nhất thể hóa châu Âu đã thay đổi các nước thành viên về thể chế chính trị, nhất là các nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ (bản sắc kiểu loại), xoa dịu hay thay đổi hẳn các cặp quan hệ chức năng, chẳng hạn cặp Pháp-Đức (bản sắc vai trò) Cặp quan hệ Pháp – Đức có tính chức năng, có tính lịch sử. Trong đó xung đột và cạnh tranh Pháp – Đức chính là nguồn gốc gây ra các xung đột lớn ở châu Âu. Hiện nay, kể từ khi hai nước gia nhập Cộng đồng than thép châu Âu sau Thế chiến II và nhất là trong quá trình hội nhập châu Âu, cặp quan hệ này đang là đầu tàu, là động lực cho tiến trình này.. Hơn nữa, tiến trình này còn đang làm biến đổi nhận thức của người dân các nước thành viên về nguồn gốc, lịch sử và văn hóa của họ (bản sắc sinh học). Các nước Đông Âu ngày nay đã thừa nhận bản sắc châu Âu bên cạnh bản sắc truyền thống của họ, tuy rằng trong lịch sử những nước này thường là chiến trường của cuộc xung đột Đông-Tây. Hoặc việc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt ra vấn đề cho cả hai phía. Đối với châu Âu, liệu có nên chấp nhận bản sắc Hồi giáo vào trong vòng tròn bản sắc của mình? Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, liệu phương Tây và Hồi giáo có dung hòa được với nhau hay không? Bản sắc có tính liên chủ thể Cần nhớ là bản sắc nói chung và bản sắc quốc gia nói riêng có tính liên chủ quan mạnh mẽ. Bản sắc hình thành dựa vào quá trình nhận thức của chủ thể và sự cọ xát nhận thức đó với nhận thức của chủ thể khác. Rõ ràng, bản sắc vai trò có tính tương tác rất cao, khi vai trò của chủ thể thường đi theo cặp và có tính định hình qua lại như: cha mẹ/con cái, vợ/chồng, thầy giá/học sinh, bạn/thù, xét lại/nguyên trạng. Bản sắc tập thể cũng có tính xã hội cao độ, do cần phải được xác định trong quá trình thảo luận để định hình bản sắc chung giữa các chủ thể. Bản sắc kiểu loại của mỗi cá nhân, tức tầng lớp xã hội của cá nhân đó, tất nhiên có tính xã hội cao độ. Khi mà đặc tính của mỗi tầng lớp xã hội (trung lưu, thượng lưu…) đã được định sẵn bởi tập hợp những cá nhân thuộc tầng lớp xã hội đó. Đối với các quốc gia, lựa chọn thể chế chính trị hoàn toàn thuộc về chủ quyền của quốc gia. Tuy nhiên, cần lưu ý là trong đa số trường hợp “thể chế chính trị” thường tồn tại trước quốc gia. Chẳng hạn, sau một thời gian giành được độc lập, Việt Nam đã chọn áp dụng mô hình xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Tất nhiên chủ thể vẫn còn biên độ sáng tạo nhất định để tự do “cải biến” mô hình cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Tuy nhiên vẫn phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định để được các chủ thể khác nhìn nhận là thuộc về một kiểu loại nào đó. Bản sắc sinh học của quốc gia là loại bản sắc ít phụ thuộc vào nhận thức chủ thể khác nhất. Lãnh thổ, dân cư, lịch sử văn hóa, Nhà nước là những phạm trù thuộc chủ quyền riêng của mỗi nước. Thế nhưng, khái niệm chủ quyền quốc gia đến lượt nó lại có tính liên chủ thể và phụ thuộc một mặt vào năng lực thực tế của quốc gia trong việc quản lý lãnh thổ, dân cư, thực thi quyền lực Nhà nước. Mặt khác chủ quyền còn phụ thuộc vào sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế. Chẳng hạn, có một vài chủ thể như Palestine về cơ bản có đầy đủ bốn thành tố nêu trên của bản sắc sinh học quốc gia nhưng vẫn chưa có được sự thừa nhận của quốc tế, đặc biệt là Israel nên vẫn chưa có được bản sắc sinh học của một quốc gia hoàn chỉnh. Hầu hết các tranh chấp chủ quyền trên thế giới hiện nay xuất phát từ sự không thừa nhận chủ quyền đầy đủ của đối phương về lãnh thổ, về cư dân hay về một trong số các thành tố nêu trên. Ngoài ra, trong thời đại toàn cầu hóa, sự giao lưu và tiếp biến văn hóa được đẩy mạnh cả về lượng và chất. Quá trình tiếp xúc giữa các nền văn hóa đã tạo nên sự biến đổi trong bản sắc văn hóa (và bản sắc sinh học của quốc gia). Phân tích về bản sắc Pháp ngữ dưới đây sẽ làm rõ hơn vấn đề này. Mối quan hệ giữa bản sắc và lợi ích Lợi ích quốc gia luôn là kim chỉ nam cho chính sách đối ngoại mỗi nước trên trường quốc tế. Tuy nhiên, cách thức chủ thể xác định lợi ích quốc gia đối với từng trường hợp cụ thể lại phụ thuộc vào nhận thức của chủ thể đó về môi trường xung quanh, về bản thân mình và về vấn đề mình phải đối mặt. Đối diện cùng một vấn đề, nhận thức về bản sắc của ta và chủ thể có liên quan sẽ quyết định cách thức phản ứng của mỗi bên. Ví dụ, đối với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ, phản ứng của châu Âu và Nga rõ ràng là khác nhau. Đối với các nước thành viên NATO, bản sắc của họ và Mỹ là bạn bè/đồng minh, do đó vũ khí hạt nhân của Mỹ có ý nghĩa tích cực đối với những nước này (công cụ bảo đảm an ninh). Ngược lại, do Nga và Mỹ có bản sắc đối thủ/kẻ thù, vũ khí hạt nhân của nước này là mối đe dọa với nước kia. Từ đó chính sách của các nước châu Âu và Nga rất khác nhau đối với chủ đề này. Đến đây, có thể tóm tắt về bản sắc quốc gia trong quan hệ quốc tế như sau: Bản sắc là câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai”. Bản sắc bao hàm các đặc điểm phân biệt mỗi cá thể: đặc điểm sinh học, tầng lớp xã hội, vai trò/chức năng của mỗi người trong xã hội cũng như đặc tính chung của chủ thể với các chủ thể khác trong cùng một cộng đồng, quần thể… Tương tự, bản sắc quốc gia bao gồm những đặc điểm được chia sẻ giữa các cá nhân trong quốc gia để phân biệt với cá nhân thuộc quốc gia khác. Quốc gia có nhiều loại bản sắc: sinh học, kiểu loại, vai trò và tập thể. Sự kết hợp bốn loại bản sắc này tạo nên một bản sắc quốc gia riêng biệt, không trùng lắp với quốc gia khác. Bản sắc là một quá trình liên chủ thể: là một quá trình, bản sắc có tính động, thay đổi theo thời gian chứ không bất biến, không thể “giả định” như cách tiếp cận của chủ nghĩa hiện thực và tự do. Có tính liên chủ thể (intersubjectif), bản sắc là một quá trình tương tác qua lại giữa nhận thức của chủ thể về bản thân và nhận thức của khách thể về bản thân chủ thể. Tương tác này xảy ra liên tục, có sự điều chỉnh liên tục vì hai nhận thức này hiếm khi nào, hay không thể, trùng với nhau. Bản sắc chủ thể được hình thành do đó cũng thể hiện tương quan sức mạnh giữa hai bên: bên nào mạnh hơn thì nhận thức của họ sẽ áp đảo nhận thức của bên kia, từ đó dần định hình nên bản sắc của cả hai. Ví dụ: cuộc gặp gỡ đầu tiên (First Encounter) giữa người Tây Ban Nha và người da đỏ bản địa, việc xác định nội hàm của định nghĩa “thế giới thứ nhất”, “thế giới thứ ba”, “các nước đang phát triển” là do phương Tây áp đặt, qua đó cũng xác định bản sắc của các nước yếu hơn. Bản sắc Pháp ngữ Đã có nhiều tranh luận về bản sắc Pháp ngữ, nhưng tựu trung lại các ý kiến đều cho rằng bản sắc này xoay quanh sự chia sẻ một ngôn ngữ chung (tiếng Pháp), các giá trị văn hóa chung và một tổ chức chính trị chung (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ - OIF). Rõ ràng là tiếng Pháp là thành tố căn bản của bản sắc Pháp ngữ, là điều kiện cần để gia nhập cộng đồng Pháp ngữ. Về mặt từ nguyên, danh từ “francophonie” (Pháp ngữ) đi từ tính từ “francophone” để chỉ “người nói tiếng Pháp”. Hiện nay danh từ này dùng để chỉ tập hợp các quốc gia và vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp. Vị trí của tiếng Pháp đối với bản sắc Pháp ngữ được thể hiện rõ ràng trong trường hợp của các cộng đồng người nói tiếng Pháp thuộc các quốc gia đa ngôn ngữ, đa văn hóa và do đó đa bản sắc. Chẳng hạn cộng đồng vùng Wallonie-Bruxelle thuộc Bỉ, nơi sử dụng ba ngôn ngữ chính tiếng Đức, Hà Lan, Pháp; vùng Quebec và Nouveau Brunswick thuộc Canada có hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Pháp… Tại những cộng đồng này, chính sách bảo vệ và thúc đẩy sử dụng tiếng Pháp là một công cụ bảo vệ bản sắc riêng của cộng đồng trong môi trường đa bản sắc quốc gia. Nói một thứ tiếng không đơn thuần chỉ là sử dụng ngôn ngữ cho cuộc sống và công việc hàng ngày, mà còn là tiếp cận và dung nạp cách tư duy và các giá trị chuyên chở bởi ngôn ngữ đó. Cũng như vậy, qua việc chia sẻ tiếng Pháp, cộng đồng những người nói tiếng Pháp trên thế giới cùng nhau chia sẻ một số giá trị văn hóa chung. Đó là những giá trị của Cách mạng Tư sản Pháp năm 1791 (tự do, bình đẳng, bác ái/liberté, égalité, solidarité) được mang đến xứ thuộc địa cùng với hệ thống chính trị, giáo dục, kinh tế… của mẫu quốc. Dù trên thực tế chỉ được áp dụng một cách “có chọn lọc” bởi thực dân Pháp, các giá trị này đã trở thành di sản không thể chối bỏ của quá trình tiếp xúc với văn hóa Pháp của các dân tộc thuộc địa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp, bên cạnh Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, làm cơ sở pháp lý cho bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1970, sau khi giành được độc lập, các nước thuộc địa cũ của Pháp đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ trên cơ sở di sản Pháp ngữ, thể hiện qua sự thành lập của Cơ quan hợp tác văn hóa kỹ thuật (Agence de coopération culturelle et technique). Sự thành lập của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ đánh dấu bước phát triển mới của bản sắc Pháp ngữ. Nếu như hai thành tố đầu (ngôn ngữ và văn hóa) thuộc về bản sắc sinh học của quốc gia, thì việc hoàn thiện thể chế OIF theo hướng chính trị hóa đã bước đầu hình thành nên một loại “bản sắc tập thể” của các nước Pháp ngữ. Nếu như đối với mỗi cá nhân, bản sắc quốc gia là một loại bản sắc tập thể được kiến tạo và duy trì bởi hình thức tổ chức chính trị là Nhà nước. Thì trên bình diện quốc tế, các tổ chức quốc tế liên chính phủ hiện là hình thái cao nhất có vai trò thúc đẩy sự hình thành bản sắc tập thể của các quốc gia. Việc thể chế hóa cộng đồng Pháp ngữ đã manh nha trong những năm 1960 với ý tưởng thành lập một tổ chức liên kết các nước cùng sử dụng tiếng Pháp và chia sẻ các giá trị văn hóa Pháp ngữ. Quá trình này đạt được bước đột phá năm 1986, khi Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ lần thứ nhất được tổ chức tại Versailles. Tại Hội nghị cấp cao lần thứ 7 tổ chức tại Hà Nội, các nước thành viên thống nhất thiết lập vai trò Tổng thư ký, qua đó hoàn thiện Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ về mặt thể chế để tham gia vào tiến trình quan hệ quốc tế. Sự thể chế hóa nói trên đánh dấu bước đầu hình thành bản sắc tập thể của các nước Pháp ngữ; đến lượt nó cũng hoàn thiện thêm bản sắc này. Thật vậy, các nước thành viên OIF, bên cạnh sự chia sẻ các giá trị Pháp ngữ, có sự đa dạng về bản sắc do thuộc về nhiều nhóm văn hóa khác nhau (châu Phi, châu Âu, châu Á, châu Mỹ). Quá trình trao đổi, hợp tác của các nước đã mang lại một đặc điểm khác của Pháp ngữ: đa dạng văn hóa và tôn trọng sự khác biệt. Tiêu biểu cho điều này là việc OIF và các nước thành viên đã đóng vai trò chủ đạo thúc đẩy UNESCO thông qua Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa năm 2005. Hình SEQ Hình \* ARABIC 2. Các thành tố của bản sắc Pháp ngữ Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự kiến tạo bản sắc Pháp ngữ Nhiều tác giả cũng cho rằng không chỉ tồn tại một mà có nhiều bản sắc Pháp ngữ khác nhau. Bản sắc Pháp ngữ đầu tiên gắn với thời kỳ thuộc địa từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 20. Tiếng Pháp, khi đó, cùng với bước tiến của đội quân viễn chinh, các nhà truyền giáo… dần trở thành một ngôn ngữ quốc tế vượt ra ngoài ranh giới châu Âu. D. Wolton, “L’identité Francophone Dans La Mondialisation” (Paris: Cellule de Réflexion stratégique de la Francophonie, 2008). Bản sắc Pháp ngữ thứ hai bắt đầu trong những năm 1960 cùng với các người cha sáng lập Cộng đồng Pháp ngữ (Senghor, Bourguiba, Diori, Sihanouk) và được hoàn thiện trong những năm cuối thế kỷ 20 với sự thể chế hóa Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ. Michel Guillou đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chuẩn bị và kiến tạo một bản sắc Pháp ngữ thứ ba, trong thời đại toàn cầu hóa của thế kỷ 21. WOLTON Dominique, Demain La Francophonie (Paris: Flammarion, 2006); Michel Guillou, Serge Arnaud, và Albert Salon, Les défis de la Francophonie. Pour une mondialisation humaniste (Paris: Alpharès, 2002). Do gắn bó chặt chẽ với quá trình thực dân hóa, bản sắc Pháp ngữ thứ nhất có trọng tâm xoay quanh nền văn hóa mẫu quốc, qua đó có phần “xa lạ” với bản sắc Pháp ngữ hiện nay, vốn có đặc điểm đa dạng và khác biệt như trên đã phân tích. Bản sắc thứ nhất này bị bao trùm bởi cặp bản sắc vai trò thực dân-thuộc địa đặc thù, có tính một chiều và áp đặt. Trong đó, kẻ thực dân có nghĩa vụ cao cả của “Người da trắng”, đó là mang tới ánh sáng văn minh cho các dân tộc bản địa. Cặp bản sắc vai trò này được mô tả điển hình trong bài thơ “Gánh nặng của Người da trắng” (Le fardeau de l’Homme blanc) của nhà văn đạt giải Nobel Rudyard Kipling: Ô Blanc, reprends ton lourd fardeau : Envoie au loin ta génération choisie, Jette tes fils dans l'exil  Pour servir les besoins de tes captifs, Pour, bien harnachés, veiller  Sur les peuples sauvages, errants, Tes peuples récemment conquis,  Mi-diables, mi-enfants. Hoặc :  Ô Blanc, reprends ton lourd fardeau,    Les sauvages guerres de la paix  Nourris la bouche de la famine   Fais la maladie cesser ; Đối với Kipling, các dân tộc bản địa được cho là dã man và mông muội (mi-diables, mi-enfants). Trong khi thực dân da trắng châu Âu có nghĩa vụ khai sáng, mang lại hòa bình, đẩy lùi đói nghèo và bệnh tật cho các dân tộc thuộc địa. Trong cặp bản sắc này, “kẻ khai sáng” truyền bá nền văn minh-văn hóa của mình cho “người được khai sáng”; và vì “người được khai sáng” là các dân tộc “dã man” còn “mông muội” nên cần tiếp thu ánh sáng văn minh từ mẫu quốc, chứ không phải ngược lại. Tinh thần này đại diện cho cả một thời kỳ thuộc địa của châu Âu vào cuối thế kỷ XIX. Về phần mình, các dân tộc bản địa, tuy trên thực tế cũng được tiếp xúc và hấp thụ những tinh hoa văn hóa của mẫu quốc, luôn luôn âm ỉ tư tưởng phản kháng chống lại kẻ thực dân với tâm thế “người mất nước”, “bị bóc lột”, “bị đô hộ”. Cặp vai trò đối nghịch thực dân-thuộc địa như vậy đã cầm tù hoàn toàn mọi sự giao thoa văn hóa có thể xảy ra trong quá trình tiếp xúc của hai phía. Nó khiến cho quá trình này không thể đạt được kết quả tốt đẹp nhất, cũng như khiến cho mọi di sản của nó không thể được nhìn nhận và đánh giá một cách khách quan, đầy đủ. Sang thế kỷ XX, sự suy yếu của nước Pháp đã kéo theo sự sụp đổ dần dần của hệ thống thuộc địa nước này. Đỉnh điểm chính là thất bại tại Điện Biên Phủ của mẫu quốc – Pháp trước một nước thuộc địa cũ – Việt Nam. Thất bại này đã giáng một đòn mạnh vào ý đồ duy trì hệ thống thuộc địa của Pháp tại Đông Dương cũng như trên thế giới. Theo Pierre Journoud, chính thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ và nguy cơ chính phủ của họ bị lật đổ cuối cùng đã đẩy các nhà chức trách Pháp đến chỗ thay đổi chính sách vào phút chót, khi mở ra cho Quốc gia Việt Nam khả năng đạt được một nền độc lập thực thụ. Pierre Journoud, David Schalk, và Robert Frank, De Gaulle et le Vietnam : 1945-1969, La réconciliation (Paris: Editions Tallandier, 2011). Hơn thế nữa, sau thất bại Điện Biên Phủ Pháp không còn cách nào khác hơn là phải ký kết hiệp định Genève công nhận độc lập của ba nước Đông Dương. Trên bình diện quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động trực tiếp lên phong trào giải phóng dân tộc Algérie. Abdelkader Bensalah - Chủ tịch Thượng viện Algérie cho rằng: “Việt Nam là nguồn cảm hứng lớn. Cuộc đấu tranh anh hùng của Nhân dân Việt Nam đã thôi thúc chúng tôi đi đến cùng trong cuộc kháng chiến giành độc lập. Việt Nam là biểu tượng của tự do và lòng dũng cảm. Chiến thắng Điện Biên Phủ trả lời cho chúng tôi câu hỏi Nhân dân Việt Nam có thể chiến thắng đế quốc thực dân, thì tại sao Algieri lại không thể ?”. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", tháng 11/1954, các chiến sĩ Algérie đã nổ phát súng cách mạng đầu tiên phát động khởi nghĩa vũ trang giành độc lập dân. Phong trào giải phóng dân tộc Algérie phát triển mạnh, mặt trận giải phóng dân tộc (FLN) lãnh đạo các cuộc khởi nghĩa, nổi dậy và sau đó đã biến thành một cuộc chiến tranh vũ trang trường kỳ, gian khổ trong suốt 8 năm. Năm 1958, một phái đoàn quân đội Algérie cũng từng sang Việt Nam và được Bác Hồ tiếp đón thịnh tình, chu đáo. Đến cuối năm 1962, Nhân dân Algérie đã buộc Chính phủ Pháp phải thừa nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chấm dứt nền thống trị 132 năm của chủ nghĩa thực dân ở đây. Được truyền cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ, phong trào giải phóng dân tộc diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi. Riêng tại lục địa đen, trong năm 1960, 17 quốc gia đã giành được độc lập, khiến năm này được gọi là “Năm châu Phi”. Trong đó bao gồm tất cả các thuộc địa của Pháp ở Tây Phi và châu Phi xích đạo, Madagascar – lãnh thổ bảo hộ của Pháp. Cùng với việc giành độc lập dân tộc, trong năm 1960, hàng loạt cuộc biểu tình, bãi công đòi nâng cao mức sống cho công nhân, chống phân biệt chủng tộc đã nổ ra ở Nam Phi, Kenya, Uganda, Tanzanie, Rhodesia, v.v… Không thể nói đó hoàn toàn chịu ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng cũng không thể phủ nhận tác động to lớn của chiến thắng này. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gióng hồi chuông báo tử cho thời kỳ thuộc địa Pháp, qua đó phá bỏ cặp bản sắc vai trò thực dân-thuộc địa đã phân tích ở trên. Điều này đã “giải phóng” những di sản tích cực của quá trình thực dân khỏi bóng ma quá khứ. Các nước thuộc địa cũ của Pháp, sau khi giành được độc lập, đã sử dụng di sản Pháp ngữ chung có được qua thời kỳ tiếp xúc văn hóa Pháp, để kiến tạo nên bản sắc Pháp ngữ thứ hai với các ý nghĩa nhân văn như đoàn kết, tương trợ, đa dạng văn hóa, tôn trọng khác biệt. Cụ thể, từ cuối những năm 1960, các nước châu Phi thuộc địa cũ, sau khi giành được độc lập, muốn có một hình thức liên kết khu vực để cùng nhau phục hồi và phát triển kinh tế. Một số nhà lãnh đạo châu Phi, tiêu biểu là Léopol Sédar Senghor (Senegal), Habib Bourguiba (Tunisie) và Hamani Diori (Nigérie) đã không đoạn tuyệt hoàn toàn với quá khứ thực dân, mà lại muốn phát huy những di sản tích cực của nó và lấy đó làm nền tảng cho hợp tác phát triển. Điều thú vị là các nhà lãnh đạo này cũng mong muốn Pháp tham gia vào hình thức liên kết nói trên để hỗ trợ cho các nước thuộc địa cũ. Tuy nhiên, nước Pháp của De Gaulle lại có thái độ nước đôi đối với ý tưởng này. Lefèvre đã chỉ ra rằng, một mặt, do thất vọng vì sáng kiến về Liên hiệp Pháp bị thất bại, không muốn bị gán cho các mác “thực dân mới”, đồng thời vốn đã có thành kiến với các tổ chức quốc tế đa phương như NATO, De Gaulle luôn tìm cách tránh bị liên hệ trực tiếp với dự án thành lập một tập hợp các nước thuộc địa cũ của Pháp. Mặt khác, châu Phi có vai trò quan trọng đối với các lý do kinh tế (thị trường, nguyên liệu) cũng như địa chính trị mà Pháp không thể bỏ qua. Do đó, Pháp tỏ ra không mặn mà tuy nhiên vẫn ngầm thúc đẩy các nước thuộc địa cũ triển khai sáng kiến về cộng đồng Pháp ngữ. Marine Lefèvre, Le soutien américain à la Francophonie. Enjeux africains 1960-1970 (Paris: Presses de Science Po, 2010), 172–86. Kết quả là, năm 1970 Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (Agence de coopération culturelle et technique) của các nước Pháp ngữ được thành lập. Hoạt động trên lĩnh vực hợp tác văn hóa-kỹ thuật, ACCT không hoàn toàn đáp ứng được tham vọng ban đầu của các nhà sáng lập về một tổ chức quốc tế của các nước Pháp ngữ. Nhưng ACCT cũng đã cụ thể hóa sự đoạn tuyệt với bản sắc Pháp ngữ thứ nhất của quá trình thực dân. Sự kiến tạo bản sắc Pháp ngữ thứ hai, vốn được kích hoạt bởi chiến thắng Điện Biên Phủ, đã trải qua một chặng đường dài kể từ năm 1970. Quá trình này có thêm động lực mới từ Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ nhất năm 1986 ở Versailles và được hoàn thiện tại Hội nghị cấp cao 7 năm 1997 ở Hà Nội. Biểu hiện rõ nhất của bản sắc Pháp ngữ thứ hai là việc các nước Pháp ngữ đã đoàn kết thúc đẩy UNESCO thông qua Công ước bảo hộ và củng cố đa dạng các biểu đạt văn hóa năm 2005. DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Berger, Peter L., và Thomas Luckmann. La Construction sociale de la réalité - 3e éd. Paris: Armand Colin, 2012. Burke, Peter J. “The Self: Measurement Requirements from an Interactionist Perspective.” Social Psychology Quarterly 43, no. 1 (1980): 18–29. https://doi.org/10.2307/3033745. David Riesman, Nathan Glazer, và Reuel Denney. Đám Đông Cô Đơn. Hà Nội: NXB Trí thức (Liên kết phát hành: Nhã Nam), 2012. Đinh Ngọc Thạch và Trần Quang Thái. Giáo Trình Lịch Sử Các Học Thuyết Chính Trị. TP. HCM: NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. Dominique, WOLTON. Demain La Francophonie. Paris: Flammarion, 2006. Fearon, James D. “What Is Identity (as We Now Use the Word).” Unpublished Manuscript, Stanford University, Stanford, Calif, 1999. Guillou, Michel, Serge Arnaud, và Albert Salon. Les défis de la Francophonie. Pour une mondialisation humaniste. Paris: Alpharès, 2002. Journoud, Pierre, David Schalk, và Robert Frank. De Gaulle et le Vietnam : 1945-1969, La réconciliation. Paris: Editions Tallandier, 2011. Lefèvre, Marine. Le soutien américain à la Francophonie. Enjeux africains 1960-1970. Paris: Presses de Science Po, 2010. Mead, George H. Mind, Self and Society: From the Standpoint of a Social Behaviorist. Chicago: The University of Chicago Press, 1967. Stryker, Sheldon. Symbolic Interactionism: A Social Structural Version. Caldwell, N.J: The Blackburn Press, 2003. Weber, Max. Economie et société/1. Les catégories de la sociologie. Paris: Plon, 1995. Wendt, Alexander. Social Theory of International Politics. Cambridge: Cambridge University Press, 1999. Wolton, D. “L’identité Francophone Dans La Mondialisation.” Paris: Cellule de Réflexion stratégique de la Francophonie, 2008. 11