Academia.eduAcademia.edu
Một phần của bài này đã được đăng trên tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 17-6-2004, tr. 42. Bài sau đây là bản gốc. Không gian báo chí Trần Hữu Quang Mấy tuần diễn ra phiên họp Quốc hội vừa qua có lẽ là thời gian mà công luận quan tâm chú ý nhiều nhất từ trước đến nay về vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng, đến mức mà mới đây Ban dân nguyện của Quốc hội dự định có thể sẽ tổ chức họp báo có truyền hình trực tiếp để các bộ trưởng trả lời các câu hỏi của nhà báo và của cử tri. Điều này không hẳn chỉ do sự chờ đợi của các tầng lớp cử tri trước những buổi trả lời chất vấn của một số bộ trưởng trước Quốc hội, mà còn do hiệu quả của hoạt động thông tin báo chí đối với sinh hoạt chính trị ở cơ quan quyền lực cao nhất đất nước này. Nhờ tường thuật các nội dung thảo luận và chất vấn tại Quốc hội cũng như đăng tải các ý kiến phản hồi của các giới cử tri, báo chí đã đóng góp không nhỏ vào việc mở rộng quá trình công khai hóa và từ đó tạo ra một áp lực thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Chẳng thế mà khi đề cập tới vai trò của báo chí trong việc công bố thông tin về những vụ đang bị thanh tra ở Tổng công ty Bưu chính viễn thông hay đang bị khởi tố ở Tổng công ty Dầu khí (Petro Vietnam), một vị đại biểu Quốc hội ở tỉnh Bình Định thừa nhận rằng “[nếu] báo chí mà không đăng tải chắc nhiều đại biểu cũng không thể biết để mà yêu cầu [Văn phòng Quốc hội] cung cấp thông tin.”1 Sau khi một vị phó tổng giám đốc Petro Vietnam bị bắt giam do liên quan tới một dự án trị giá gần 17 triệu đô-la, nhà báo Xuân Trung đã tìm đến những người có trách nhiệm ở tổng công ty này và được biết sở dĩ đến nay vụ việc mới đổ bể là do “guồng máy đã chạy như thế từ lâu rồi”, và lâu nay “gần như không ai dám ‘sờ’ vào ngành này”, vì “đây là ngành rất ‘nhạy cảm’, đóng góp rất lớn cho ngân sách, nói những chuyện không hay rất dễ làm mất uy tín ngành, ảnh hưởng đến mũi nhọn của đất nước.”2 Báo chí vừa là sản phẩm, vừa là động lực của một nền dân chủ. Nhà nghiên cứu lịch sử báo chí thế giới Pierre Albert từng nhận xét rằng tổ chức nhà nước nào cũng muốn kềm chế sự phát triển của báo chí, vì báo chí thường “gây khó dễ cho [việc] thực thi quyền lực.”3 Ở Việt Nam, chính chức năng “diễn đàn của nhân dân” làm cho báo chí đóng vai trò phản hồi và giám sát trở lại đối với hoạt động của các tổ chức nhà nước. Có những vụ mà nếu công luận không biết và không lên tiếng thì dễ rơi vào tình trạng quên lãng hay “chìm xuồng” như người ta thường nói. 1 Xem Tuổi trẻ, 9-6-2004, tr. 3. Xem Tuổi trẻ, 5-6-2004, tr. 1. 3 Pierre Albert, Lịch sử báo chí, Hà Nội, Nxb Thế giới, 2003, tr. 37. 2 Trở lại một chút với lịch sử. Năm 1867, tức là hai năm sau khi ra đời tờ Gia Định báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên do nhà cầm quyền thuộc địa chủ trương, Nguyễn Trường Tộ từng đề nghị triều đình cho lập nhà xuất bản và cho ra báo nhằm “đăng tải các chiếu, chỉ, sớ, dụ, những việc làm của các bậc có tiếng tăm, những công vụ quốc gia hiện thời cho học sinh đọc để biết công việc trong nước,” và ông nhấn mạnh rằng điều này sẽ đem lại “một ích lợi lớn (ích lợi ấy rộng rãi như mưa móc thấm nhuần, không thể chỉ ra từng cái được, làm sẽ thấy ngay).”4 Năm 1892, Trương Gia Mô từ Bến Tre ra Huế làm thừa phái bộ Công cũng viết một bản điều trần gồm năm điểm trong đó có đề nghị “mở báo quán.”5 Tuy nhiên cả hai lời đề nghị này đều không được triều đình nhà Nguyễn quan tâm. Sang đầu thế kỷ XX, trên cả nước mới chỉ có một vài tờ báo chữ quốc ngữ in ở Sài Gòn. Năm 1904, tức là cách đây đúng 100 năm, các nhà chí sĩ theo tư tưởng Duy tân đã viết tập Văn minh tân học sách để đề xuất sáu phương kế mở mang dân trí, trong đó phương kế thứ sáu là “mở tòa báo” : “Bao nhiêu phép tốt, ý hay, nghề lạ, ngón khéo ở Âu Mỹ, cùng là những việc xưa nay ở nước ta (…) thì đều đăng hết lên báo để cho mọi người cùng biết. (…) Nhờ báo chương rồi sẽ phá tan được cái giới câu nệ, tối tăm.”6 Tuy lúc ấy chưa thể thấy hết những chức năng của báo chí, nhưng các bậc tiền bối đã ý thức nhu cầu mở ra một kênh thông tin mới chưa hề có trước đó, và hiệu quả của nó đối với xã hội. Trong một bài viết trên tờ Tri tân năm 1945, cụ Nguyễn Văn Tố cho rằng thực ra có thể tìm thấy những mầm mống tiền thân của báo chí qua hình thức thông tin ở Quảng Văn Đình thời Lê Thánh Tôn (“nơi niêm yết những phép tắc trị dân”), ở Quảng Minh Đình thời Gia Long (cũng là nơi dán các huấn lệnh của nhà vua), hay qua những sinh hoạt “giảng thập điều” ở các đình làng.7 Cái đình ở nước ta ngày xưa có chức năng tương tự như những quảng trường ở trung tâm các đô thị cổ đại ở Hy Lạp (gọi là agora) hay ở La Mã (gọi là forum) – vốn là những nơi công cộng được dùng để tụ tập, hội họp và thông tin. Chúng ta cũng có thể ví không gian báo chí như một thứ “đình”, một thứ “agora” hay “forum” của xã hội hiện đại. Xét về mặt xã hội học, định chế báo chí chỉ có thể hình thành trong xã hội hiện đại. Điều có ý nghĩa sâu xa là định chế này tạo ra một không gian công cộng mới, nơi mà thông tin được đưa ra công khai cho bàn dân thiên hạ được biết. Sức mạnh của báo chí chính là ở chỗ này, và có phát huy được dân chủ hay không cũng bắt đầu từ điểm này. Hiểu theo nghĩa đó, định chế báo chí của xã hội dân sự chính là một nguồn lực bổ trợ đắc lực cho định chế chính trị là Quốc hội. Không có tự do báo chí thì không có dân chủ, và không có dân chủ thì không có tự do báo chí. TPHCM, 15-6-2004 T.H.Q. 4 Trích trong bản điều trần “Tế cấp bát điều”, xem Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, con người và di thảo, TPHCM, Nxb TPHCM, 2002, tr. 299. 5 Xem Đỗ Quang Hưng, “Buổi đầu tiên của báo chí Việt Nam”, Xưa và Nay, số 64B, 6-1999, tr. 39. 6 “Văn minh tân học sách”, xem Đặng Thai Mai, Văn thơ cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ XX (19001925), Hà Nội, Nxb Văn học, 1974, tr. 224-225. 7 Xem Đỗ Quang Hưng, bài đã dẫn, tr. 5.