Academia.eduAcademia.edu
PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN SƠN TRÀ- ĐÀ NẴNG Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ ngày càng trở nên mạnh mẽ. Với tốc độ tăng trưởng ngành bình quân là 11% trong nhiều năm, ngành du lịch xứng đáng được coi là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Bên cạnh đó, du lịch đã trở thành một nhu cầu cần thiết trong đời sống xã hội và nó đang phát triển với một tốc độ ngày càng nhanh trên toàn thế giới. Vì vậy, phát triển du lịch là điều kiện tốt nhất để tăng thu về ngoại tệ, khai thác nguồn lao động dư thừa, thực hiện xuất khẩu tại chỗ, đồng thời tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Tổng cục Du lịch cũng đã ban hành Chương trình hành động của ngành du lịch 2007-2012, chương trình này đã xác định rõ nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch ở Trung ương và các địa phương, của các doanh nghiệp du lịch nhằm tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa du lịch nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới, nhanh, mạnh và bền vững. Tuy nhiên, phát triển du lịch nhanh để trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn là chưa đủ mà nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan, tổ chức hoạt động trong ngành là phải xây dựng ngành theo hướng phát triển bền vững, lâu dài. Thực hiện chủ trương đó, Đà Nẵng - trung tâm kinh tế và là một trong những trung tâm văn hoá, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của khu vực miền Trung - Tây Nguyên cũng đã tập trung triển khai công tác quy hoạch sử dụng đất và các tuyến điểm du lịch song song với đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch và dân sinh. Nổi bật là 2 tuyến đường du lịch ven biển Liên Chiểu - Thuận Phước và Sơn Trà - Điện Ngọc, tạo bước đột phá để khai thác nguồn tài nguyên du lịch của thành phố mà trọng tâm là du lịch sinh thái biển theo hướng phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Bán đảo Sơn Trà - nơi mà Đà Nẵng vươn ra biển Đông xa nhất - khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều động thực vật quý hiếm với các khu khu du lịch (Suối Đá) và nhiều bãi biển đẹp như Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Bắc, Bãi Nồm dưới chân bán đảo cũng nằm trong hướng phát triển bền vững của Thành phố. Vậy để khai thác có hiệu quả các tiềm năng du lịch, tránh gây ra tác động lớn đối với môi trường, làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng tới nhịp độ phát triển kinh tế chung của toàn thành phố thì việc phân tích tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch ở bán đảo Sơn Trà nói riêng và tình hình quản lý, khai thác du lịch tại Khu bảo tồn tự nhiên Sơn Trà không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển du lịch một cách hợp lý mà còn có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.  II. GIÁ TRỊ SINH HỌC VÀ THỰC TẾ QUẢN LÝ TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN SƠN TRÀ Hình 1: Bán đảo Sơn trà nhìn từ đèo Hải Vân Bán đảo Sơn Trà như con sư tử của núi rừng Trường Sơn vươn mình ra với cát trắng, với biển Đông. Là khối núi chạy theo hướng Đông - Tây, chiều dài 13 km chiều rộng 5km, chỗ hẹp nhất 2km. Bán đảo có diện tích trên 4.370 ha, cách trung tâm thành phố 7km về hướng Đông - Bắc. Địa hình bán đảo chia cắt mạnh mẽ tạo thành những khu vực có cảnh quan đặc biệt. Vòng quanh bán đảo là một màu xanh ngọc bích của biển cả; trải dài và xen lẫn theo những ghềnh đá là các bãi cát trắng phau: Tiên Sa, Bãi Bụt, Bãi Rạng, Bãi Trẹm, Bãi Nam, Bãi Bắc ... còn rất hoang sơ. Mỗi bãi một nét khác nhau rất đẹp. Đỉnh cao nhất của bán đảo là 696m và nhiều đỉnh cao trên 500m. Qua bao thăng trầm của lịch sử, Sơn Trà vẫn nguyên vẹn là một bảo tàng thiên nhiên giữa lòng thành phố Đà Nẵng, vừa là bức bình phong vững chãi, vừa là một lá phổi lớn của thành phố. Tất cả tạo nên một hệ sinh thái hết sức đa dạng và độc đáo. Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nằm trên bán đảo Sơn Trà, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia năm 1980 với tổng diện tích tự nhiên 4.439ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 4.180 ha, trong đó đất có rừng là 3.431 ha (rừng tự nhiên 2.806 ha, rừng trồng 625 ha), đất chưa có rừng 748 ha. Xét về tầm quan trọng thì Sơn Trà là một bức bình phong chắn gió bão cho thành phố và cũng là nơi cung cấp nước ngọt cho toàn thành phố bên cạnh những thắng cảnh đẹp có giá trị du lịch lớn. . Theo nghiên cứu của TS. Đặng Thái Dương (Trường Đại học Nông Lâm Huế) đăng trên Tạp chí Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn số 6/2010 cho biết, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có tổng diện tích 6.437ha, về cơ bản được phân chia thành 7 đối tượng: rừng trung bình, rừng phục hồi, trảng cây bụi, trảng cỏ, rừng trồng, hồ nước, đất thổ cư và quân sự. Trong đó, diện tích rừng là 3.000 ha, hầu hết là rừng phục hồi với hơn 2.610 ha, chiếm gần 41% tổng diện tích khu bảo tồn. Rừng nguyên sinh trên bán đảo là nơi giao lưu của hai hệ động thực vật tiêu biểu của hai miền Nam – Bắc, gồm 298 loài thực vật bậc cao thuộc 271 chi, 90 họ, 64 loại gỗ lớn, đáng chú ý nhất là nhóm cây làm thuốc với 107 loài và nhiều giống lan rừng chiếm 37,02% . Nổi tiếng là nơi có thảm thực vật đặc sắc, nguồn gen thực vật nhiệt đới của Sơn Trà rất đa dạng, phong phú với số lượng cá thể lớn có khả năng cung cấp giống cây bản địa phục vụ trồng rừng như: chò chai, dẻ cau, dầu lá bóng… Hình 2: Cây hàng trăm tuổi tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà Về hệ động vật, được chia làm 4 nhóm, trong đó nhóm chim và nhóm thú chiếm tỷ lệ lớn hơn so với nhóm bò sát và lưỡng cư, nhiều loài động thực vật đặc hữu có giá trị cao về mặt kinh tế và khoa học như: Voọc chà vá chân nâu, Khỉ đuôi dài. Sơn Trà có hơn một trăm loài động vật với hàng chục loài quý hiếm nằm trong sách đỏ cần bảo tồn của thế giới như gà tiền mặt đỏ, trăn gấm, thủy sinh; trong đó voọc Chà Vá được xem là loài thú sinh trưởng đặc hữu của Đông Dương cần được bảo vệ. Tại đây có hơn 400 con voọc Chà Vá chân nâu được mệnh danh là Nữ hoàng của loài linh trưởng cùng với rất nhiều khỉ như khỉ đuôi dài, khỉ vàng (nên Sơn Trà được người Mỹ gọi là Monkey Mountain – Núi khỉ). Theo kết quả điều tra của TS. Đinh Thị Phương Anh (ĐH Sư phạm Đà Nẵng, năm 1997), ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã ghi nhận được 985 loài thực vật thuộc 483 chi, 143 họ; 36 loài thú thuộc 18 họ, 8 bộ; 106 loài chim thuộc 34 họ, 15 bộ; 23 loài bò sát thuộc 12 họ, 2 bộ; 9 loài ếch nhái thuộc 4 họ, 1 bộ; và 113 loài côn trùng thuộc 26 họ, 12 bộ. Theo ghi nhận của các nhà nghiên cứu, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có sự tồn tại của loài Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus nemaeus), là một trong 3 loài thuộc giống Pygathrix (phân họ Khỉ ăn lá – Colobinae). Đây là loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng do các hoạt động săn bắn trái phép, phá hoại rừng - môi trường sống của chúng và buôn bán động thực vật. Hiện nay, Chà vá chân nâu có tên trong nhóm IB của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP, mức Nguy cấp (E) trong Sách Đỏ Việt Nam (Bộ KHCN&MT, 2007), mức Nguy cấp (EN) trong Danh lục Đỏ IUCN 2006 (IUCN, 2009), và Phụ lục I của Công ước CITES (CITES Secretariate, 2009).          Theo kết quả điều tra của Thầy Vũ Ngọc Thành (Khoa Sinh học, Trường ĐH KHTN-ĐHQGHN) Chà vá chân nâu là một trong số những loài thú lớn còn khá phổ biến và phân bố rộng khắp ở các khu rừng của Khu Bảo tồn. Phần lớn, những người địa phương hay đi rừng đều có thể bắt gặp và mô tả khá chính xác về loài này. Đàn Số lượng cá thể Tọa độ Quan sát Ước tính 1 12 20 213267 1785801 2 11 20 213240 1785358 3 14 14 213920 1784526 4 6 6 214649 1784337 5 11 15 206182 1786309 6 24 24 206071 1786967 7 21 21 205905 1786621 8 19 25 206113 1786557 9 6 6 206075 1785857 10 19 19 209775 1784541 11 12 12 208979 1784042 12 16 16 204827 1786028 Tổng số 171 198       Bảng 1. Số lượng đàn và cá thể Chà vá chân nâu ghi nhận được ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, tháng 12/2007       Bằng quan sát trực tiếp trên thực địa đã xác định  được 12 đàn Chà vá chân nâu, với số lượng khoảng 171 – 198 cá thể. Kích cỡ đàn trung bình là 14 – 17 cá thể/ đàn. Nhìn chung, các đàn Chà vá chân nâu đã quan sát được có số lượng 6 – 24 cá thể /đàn (Bảng 1). Kết quả điều tra cũng cho thấy quần thể Chà vá chân nâu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả điều tra đã ghi nhận được một số cá thể nhỏ, con non trong một số đàn. Hình 3: Mẹ con  Chà vá chân nâu ở Khu BTTN Sơn Trà Ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Chà vá chân nâu thường phân bố ở những khu rừng còn có hiện trạng tốt, theo kết quả khảo sát vào tháng 8/2010 thì Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà còn khoảng 200 cá thể Voọc chà vá chân nâu sinh sống với nhiều cây to và cao như Chò đen, Trâm. Có thể khẳng định, đây là những khu vực rừng tốt nhất hiện có của khu bảo tồn. Ngoài những ưu điểm này thì hiện nay Thành phố có 6 dự án du lịch đã và đang đầu tư xây dựng, với tham vọng hình thành các khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp cùng các dịch vụ giải trí thể thao biển. Song song với việc đầu tư xây dựng các khu du lịch sinh thái núi - biển, thành phố đang quy hoạch khai thác các cụm biệt thự du lịch như: Khu biệt thự Suối Đá, Khu biệt thự Hồ Xanh. Tuy nhiên, bên cạnh sự đầu tư và khai thác mạnh mẽ để phát triển du lịch, thì vấn đề ảnh hưởng tác động đến môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà cần phải được đặt ra. Và một điều đáng quan tâm nữa là hiện nay tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà vẫn còn một số hoạt động của con người có tác động không tốt đến cuộc sống và nơi sống của các loài động-thực vật như: - Săn bắt trái phép: Hiện nay, hoạt động săn bắt động vật hoang dã vẫn luôn là một trong những mối đe doạ chủ yếu đến các quần thể động vật hoang dã trong Khu Bảo tồn (Phan Thế Dũng, 2005). Tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà thì các hoạt động bẫy bắt là chủ yếu và vẫn đang diễn ra thường ngày. - Khai thác lâm sản ngoài gỗ: Các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ đã và đang diễn ra khá phổ biến trong Khu bảo tồn và chưa được kiểm soát tốt. Người dân thường khai thác các loại lâm sản ngoài gỗ như nhựa cây Chò đen, lá của các loài Lá nón  và Tuế lược, song mây và mật ong. Các hoạt động này của con người không những đang làm suy giảm nghiêm trọng tài nguyên rừng của Khu bảo tồn mà còn tác động xấu đến cuộc sống và nơi sống của các loài động vật rừng, trong đó có loài Chà vá chân nâu quý hiếm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.         - Khai thác củi: Dấu vết cũ về hoạt động khai thác củi được thấy ở nhiều nơi trong Khu bảo tồn. Ngay trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, một số bộ đội cũng như người dân còn chặt rất nhiều cây tươi làm củi, hay hoạt động đào trộm cây cảnh (Lộc vừng) cũng đã xảy ra tại Khu bảo tồn. - Khai thác san hô: Theo Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, ít nhất 5ha san hô quanh bán đảo này, nhất là khu vực Bãi Bụt, Bãi Nồm bị trầm tích gây chết. Theo nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang và Công ty Coral Reef Center, tiềm năng về rạn san hô ở bán đảo Sơn Trà không thua kém vịnh Hạ Long và Nha Trang. Riêng vùng biển Mũi Nghê đã có 42 loài san hô với màu sắc còn sặc sỡ hơn cả khu vực Hòn Mun (Nha Trang). Nhưng hiện nay việc khai thác san hô và nuôi trồng thủy hải sản tự phát ở vùng biển gần bờ cũng tác động xấu đến các rạn san hô và hệ sinh thái liên quan khu vực gần bờ.   - Xây dựng cơ sở hạ tầng: Do Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà nằm trong khu vực có tầm quan trọng về quân sự và du lịch nên đã và đang có một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, các khu du lịch…). Hệ thống đường giao thông dày đặc ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đã làm chia cắt sự liên tục của một số khu rừng trong Khu bảo tồn, điều này đồng nghĩa với nơi sống của các loài động vật rừng, đặc biệt là Chà vá chân nâu bị chia cắt. Hiện tượng này sẽ gây bất lợi cho sự sinh trưởng và phát triển lâu dài cho những quần thể động vật này vì sẽ gây ảnh hưởng đến sự giao lưu và trao đổi gen giữa các cá thể và các đàn của chúng. Ngoài ra sự chia cắt này còn dẫn đến việc các đàn Chà vá cố gắng di chuyển khỏi những khu vực đang xây dựng tới vùng  rừng lớn hơn để tồn tại, dẫn đến chúng dễ bị săn bắt hơn. - Hoạt động khai thác phục vụ du lịch: Bên cạnh việc tạo cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân địa phương ở khu vực Sơn Trà thì hoạt động du lịch ở khu vực vùng ven và du lịch sinh thái ở Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà đang và sẽ là một trong những nguyên nhân trực tiếp và gián tiếp tác động đến Khu bảo tồn như: quấy rối cuộc sống của các loài động vật rừng, đặc biệt Chà vá chân nâu và các loài thú quý hiếm khác; xả rác gây ô nhiễm môi trường, tăng nhu cầu sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã và lâm sản ngoài gỗ… III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN SƠN TRÀ Với các hoạt động và tình trạng đang diễn ra tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, cần phải có các việc làm và hành động của các cấp, các ngành cùng mỗi người dân, du khách hãy cùng nhau bảo vệ các loài động - thực vật tại đây. Để làm được điều này, cần phải có sự chung sức và phối kết hợp của tất cả chúng ta, nhất là sự phối kết hợp giữa các ban ngành của địa phương trong công tác thực hiện và quản lý các hoạt động này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của chúng đến Khu bảo tồn và các loài động vật hoang dã.  - Ngăn chặn kịp thời các hoạt động bẫy bắt động vật hoang dã trong khu bảo tồn để bảo tồn nguồn tài nguyên động vật quý hiếm: Ưu tiên công tác tuần tra và tháo gỡ bẫy đặt trên nền đất (dưới tán rừng). Đây là một trong những nguyên nhân chính đang từng ngày từng giờ đe dọa đến sự sống còn của loài Chà vá chân nâu và các loài động vật khác.   - Ngăn chặn và chấm dứt các hoạt động khai thác lâm sản ngoài gỗ, củi ở Khu bảo tồn: Đưa ra các quy định và mức phạt nếu người dân vi phạm. Đồng thời quy hoạch các khu vực, địa bàn giúp người dân đảm bảo cuộc sống - đây chính là tiền đề cho việc giúp giảm thiểu các hoạt động kiếm sống của người dân. - Cần có sự đánh giá và đề ra những giải pháp lâu dài để giảm thiểu ảnh hưởng của khu dân cư xung quanh và hệ thống giao thông đến Khu bảo tồn trong tương lai: + Để bảo đảm phát triển bền vững, bán đảo Sơn Trà cần phải có chiến lược phát triển dài hạn, quy hoạch chung, phân khu chức năng, phân vùng quản lý rõ ràng làm cơ sở cho việc tổ chức phối hợp quản lý quy hoạch và xây dựng. + Lập bản đồ về các tuyến đường ô tô tại các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt cho việc làm các cầu nối, tạo điều kiện cho các đàn Chà vá và các loài động vật khác di chuyển giữa các khu vực  rừng  bị chia cắt bởi các tuyến đường ô tô này. - Phát triển loại hình du lịch phù hợp: Phát triển Đô thị du lịch sinh thái Sơn Trà trên quan điểm phát triển bền vững, lấy du lịch sinh thái làm trọng tâm, xác định các chỉ số về cấu trúc và hình thể của không gian (các yếu tố mang tính vật thể) làm cơ sở cho việc thực thiện các dự án phát triển. Quy hoạch phát triển du lịch sinh thái cần phải nghiên cứu xem xét đầy đủ về "sức chứa" của các điểm du lịch. Đó là sự vượt trội của các thành phần tự nhiên so với thành phần nhân tạo, hạn chế tối đa sự can thiệp vào môi trường thiên nhiên. Phân khu chức năng trong việc định hướng phát triển được chia thành: Vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng bảo tồn phát triển, vùng đệm và vùng phát triển. Từ đó làm cơ sở để quản lý và bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường, tính đa dạng sinh học. Giải pháp kiến trúc phải phù hợp với đặc điểm địa hình, khí hậu, tạo ra tỷ lệ hài hòa giữa kiến trúc - con người - thiên nhiên. Các vật liệu địa phương được cân nhắc sử dụng như: gỗ, sỏi, đá, mái ngói, mái lá, tre ...  Nên sử dụng màu xanh của cây lá, màu nâu của đất và màu xám của đá núi, thân cây...  Góp phần tạo nên phong cách kiến trúc bản địa - đặc trưng cho bán đảo Sơn Trà. Các loại hình dịch vụ du lịch cần được khuyến khích đầu tư tại đô thị du lịch sinh thái Sơn Trà như: Du lịch dã ngoại - Các khu resort cao cấp - Du lịch tín ngưỡng - Các khu biệt thự sườn núi - Trung tâm ẩm thực biển - câu lạc bộ du thuyền - Nhà trưng bày sinh vật biển - Vườn thú - Các sân golf mini - Phim trường -  Đồi Casino - Vườn thuốc - Vật lý trị liệu - Du lịch lặn biển - Du lịch mạo hiểm ... Ngoài ra cần tiến hành các hoạt động: - Cần sớm hoàn thiện hệ thống tổ chức Ban Quản lý Khu Bảo tồn, đặc biệt là lực lượng kiểm lâm trên địa bàn; đẩy mạnh công tác bảo vệ phát triển rừng, có sự tham gia, chia sẻ lợi ích của người dân địa phương; gắn lợi ích phát triển du lịch trên cơ sở phát triển bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng. - Tiến hành các cuộc điều tra, nghiên cứu sâu rộng xác định chính xác số lượng và địa bàn phân bố của Chà vá chân nâu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà để có kế hoạch bảo vệ, phát triển tốt môi trường sinh trưởng cảu Chà vá.  - Đẩy mạnh các hoạt động điều tra, nghiên cứu về đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thien nhiên Sơn Trà nhằm đánh giá được tiềm năng và đề ra những giải pháp bảo tồn hiệu quả đối với Khu bảo tồn này.  - Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt đối với loài Chà vá chân nâu quý hiếm ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp mạnh đối với những người phá rừng lấy gỗ, săn bắt thú, xây dựng ý thức giữ gìn môi trường sinh thái trong cộng đồng cư dân đô thị. - Xúc tiến các hoạt động hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn  với các cơ quan, tổ chức nghiên cứu và bảo tồn động, thực vật trong nước và quốc tế. KẾT LUẬN    Bảo tồn và phát triển bền vững các nguồn gen và động thực vật quý hiếm không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với hệ sinh thái và môi trường Đà Nẵng mà còn có ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc phát triển du lịch của Thành phố nói riêng và nước ta nói chung. Chính điều này đã thôi thúc lãnh đạo thành phố cùng các các ban ngành cùng phối hợp thực hiện. Sự kiện Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt đề án "Bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà" vào 6/2010 với tổng kinh phí 40 tỷ đồng gồm 4 chương trình chính: Bảo tồn, Tăng cường năng lực nhận thức, Nâng cao nhận thức và Phát triển kinh tế; sẽ được triển khai trong giai đoạn 2010 - 2020 đã chứng minh cho quyết tâm cho việc bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học và bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái trong vùng, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên trong khu vực. Trước đó, Uỷ ban nhân dân thành phố cũng ban hành quy định về việc bảo vệ rạn san hô và các hệ sinh thái biển khu vực bán đảo Sơn Trà. Theo đó, có 5 khu vực được thả phao để bảo vệ, gồm: Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hòn Sụp, Hục Lỡ - Vũng Đá, Bãi Bắc. Đây là những tiền đề cơ bản cho định hướng bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng này. TÀI LIỆU THAM KHẢO http://vn.360plus.yahoo.com/ktsminhhaidn/article?mid=17&fid=-1 http://www.dulichao.com/du-lich-trong-nuoc/khu-bao-ton-thien-nhien-son-tra http://www.danang.gov.vn/TabID/65/CID/629/ItemID/2210/default.aspx Hình 1: http://vn.360plus.yahoo.com/ktsminhhaidn/article?mid=17&fid=-1 Hình 2,3: http://www.dulichao.com/du-lich-trong-nuoc/khu-bao-ton-thien-nhien-son-tra Bảng 1: Kết quả nghiên cứu về Chà vá chân nâu ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà của Vũ Ngọc Thành - Khoa Sinh học, Trường ĐH KHTN-ĐHQGHN-2007) PAGE 10/9