Academia.eduAcademia.edu
Chính sách đối ngoại của Mỹ sau năm bầu cử 2016 (10 trang) Nền chính trị và hệ thống chính quyền liên bang, chính quyền bang Mỹ vốn có lịch sử kéo dài liên tục hơn 300 năm kể từ khi lập quốc, do vậy hết sức phức tạp và nhiều các thủ tục do lịch sử để lại. Bầu cử Tổng thống Mỹ là việc người dân bỏ phiếu chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống nhiệm kỳ tiếp theo sẽ lành đạo đất nước theo hình thức gián tiếp. Việc bầu cử Tổng thống được quy định trong Hiến pháp Mỹ tại Điều III khoản 2 và các Tu chính án XII, XXII, và XXIII, theo đó Tổng thống và Phó Tổng thống được Đại cử tri đoàn bầu chọn trong cùng danh sách ứng cử; việc tổ chức bầu cử cũng thuộc về trách nhiệm của các bang chứ không phải của liên bang. Quy trình tổ chức bầu cử trải qua nhiều giai đoạn như vận động tranh cử trong đảng, bỏ phiếu kín hoặc bỏ phiếu sơ bộ, tổ chức đại hội đảng, vận động tranh cử giữa ứng viên của 2 đảng và cuối cùng là giai đoạn bầu cử chính thức. Các hoạt động này đều thu hút được sự chú ý của dư luận Mỹ và quốc tế, các ứng viên cũng phải liên tục đưa ra những cương lĩnh tranh cử phù hợp với nguyện vọng của người dân để giành chiến thắng. Trong đa phần các cuộc bầu cử, nội dung vận động tranh cử của các ứng viên chủ yếu tập trung vào các vấn đề quốc nội, như chính sách kinh tế, chính sách xã hội, việc làm, nhập cư… còn chính sách đối ngoại, dù vẫn có vị trí quan trọng, song thường chỉ xuất hiện trong các cuộc tranh luận của các ứng viên. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nền kinh tế Mỹ phải đối mặt với tình trạng vỡ bong bóng bất động sản và thất nghiệp tràn lan khiến các cử tri dành sự quan tâm đặc biệt tới chính sách quốc nội. Theo kết quả thăm dò dư luận của Edison/Mitofsky trong cuộc bầu cử năm 2008, cứ 10 cử tri Mỹ thì có 6 người cho rằng kinh tế là vấn đề quan trọng nhất cần quan tâm, chỉ có 1 người chọn cuộc chiến tại Iraq và 1 người chọn chủ nghĩa khủng bố. Tương lai ảm đạm của cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan khiến nhiều chính khách Mỹ rút lại sự ủng hộ, kêu gọi nước Mỹ nên tự lo lấy các công việc nội bộ trước. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012, các ứng viên đều đưa ra cương lĩnh tranh cử xoay quanh các vấn đề kinh tế và phúc lợi xã hội trong nước như chính sách thuế, chương trình cải thiện y tế Obamacare… Sang tới cuộc bầu cử nghị viện giữa kỳ năm 2014, kết quả thăm dò dư luận của đài NBC News và Wall Street Journal cho thấy 77% người Mỹ cho rằng các vấn đề trong nước như nền kinh tế, hỗ trợ y tế, an sinh xã hội quan trọng hơn nhiều so với sự lây lan của virus Ebola và cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS. Chỉ có 7% người được hỏi ủng hộ sử dụng quân đội để chống lại ISIS, và 2% cho rằng nước Mỹ nên mở rộng hoạt động hỗ trợ cho các quốc gia giải quyết dịch bệnh Ebola. Tuy nhiên, xu hướng này hiện đang thay đổi trong xã hội Mỹ. Với việc người Mỹ nhìn nhận nền kinh tế đang phát triển tốt và tạo ra nhiều cơ hội việc làm thì chính sách đối ngoại được kỳ vọng sẽ đóng vai trò chính trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Theo kết quả thăm dò dư luận của HuffPost/YouGov, chỉ có 28% người có quan điểm tiêu cực về nền kinh tế Mỹ so với con số 64% trong năm 2014, và có tới 41% người được hỏi bày tỏ sự quan tâm tới chính sách đối ngoại. Cho dù phê phán và chỉ trích nặng nề Tổng thống Obama, song những người ủng hộ đảng Cộng hoà cũng phải thừa nhận chính sự ổn định và xu hướng phát triển tích cực của nền kinh tế trong thời gian gần đây chính là nguyên nhân khiến người Mỹ dành sự quan tâm lớn hơn tới thế giới xung quanh mình. “Dù ủng hộ Tổng thống Obama hay không, theo bạn đâu là vấn đề mà Tổng thống Obama giải quyết kém nhất? Hãy chọn 2 vấn đề.” Nguồn: YouGov Trong khi đánh giá nền kinh tế đang có xu hướng tốt hơn, thì có tới 56% người được hỏi cho rằng sự đe doạ của chủ nghĩa khủng bố tới nước Mỹ đang trở nên trầm trọng hơn so với 6% cho rằng chính quyền Mỹ đã khiến nước Mỹ an toàn hơn và 30% cho rằng chưa có nhiều thay đổi trong vấn đề này. Những người chỉ trích tập trung vào việc Tổng thống Obama không kiên quyết sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các điểm nóng tại Trung Đông ngay từ đầu, dẫn tới sự xuất hiện và phát triển của ISIS và những phe phái khủng bố có liên quan, cũng như bày tỏ lo ngại trước nỗ lực gây dựng lại ảnh hưởng và can thiệp quân sự của Nga ở các nước Đông Âu. Như vậy, tại thời điểm này đã có rất nhiều chỉ dấu cho thấy cương lĩnh tranh cử của các ứng viên trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 sẽ có sự chuyển dịch, tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại cũng như việc triển khai chính sách đối ngoại của chính quyền mới sẽ chịu sức ép rất lớn từ dư luận trong nước. Những vấn đề bất biến và khả biến trong chính sách đối ngoại Mỹ Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, hoạt động đối ngoại của Mỹ đã có rất nhiều bước chuyển dịch, thay đổi và thích ứng với môi trường mới. Sự sụp đổ của khối Cộng sản ở phía Đông đã dẫn tới thời kỳ toàn cầu hoá mà trong đó người Mỹ phải tái xác định lại lợi ích quốc gia cũng như đưa chính sách kinh tế trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình. Nước Mỹ đã thích ứng rất tích cực trước những thách thức của thời đại toàn cầu hoá, và dựa trên nền tảng của một nền kinh tế quốc nội được phục hồi mạnh mẽ Washington đã áp dụng chính sách kinh tế đối ngoại khá cương quyết, định hình nền kinh tế thế giới hậu Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, trong khi Mỹ tiếp tục duy trì vai trò bá quyền, nắm giữ tiếng nói quan trọng nhất trong các vấn đề quốc tế thì Mỹ cũng phải đối mặt với sự chống đối từ khắp nơi trên thế giới với sự kiện 11/9 đánh dấu bước ngoặt cho thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh của nước Mỹ. Việc xác định lợi ích quốc gia của Mỹ đã trở thành trọng tâm của chính sách đối ngoại kể từ sau Chiến tranh lạnh. Trước đây, nhận thức phổ quát là nước Mỹ phải sống sót trong cuộc chiến với chủ nghĩa cộng sản và Liên bang Xô viết, và nhận thức này có tác động trực tiếp và chính yếu tới quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại của Mỹ, từ việc xây dựng các mối quan hệ đồng mình tới tham gia các cuộc chiến ở Triều Tiên, Việt Nam… Những chính sách này cũng giúp hợp lý hoá nỗ lực định hình cục diện thế giới theo lợi ích của Mỹ, và khi “con ngáo ộp” Liên Xô sụp đổ thì Washington cùng các nhà lý luận hàng đầu theo chủ nghĩa Tự do như Peter Trubowitz, Joseph Nye phải cân nhắc, tái xác định lại lợi ích quốc gia, đưa ra một ý niệm về an ninh quốc gia có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích kinh tế song hành cùng những vấn đề an ninh truyền thống khác. Dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, mục tiêu của chính sách đối ngoại đã mở rộng thêm phát triển dân chủ và thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu, mối quan hệ qua lại giữa kinh tế và an ninh được duy trì do thị trường chỉ có thể vận hành trên cơ sở tự do hoá các nhân tố sản xuất và quyền tư hữu được đảm bảo. Những lý luận này tiếp tục được phát triển, như một luận điểm gây tranh cãi của Thomas Friedman năm 2010 rằng hai quốc gia dân chủ sẽ không gây chiến với nhau. Do đó, thị trường tự do toàn cầu đã trở thành chìa khoá không chỉ dẫn tới thịnh vượng mà còn là an ninh và dân chủ trong mắt của các nhà hoạch định chính sách Mỹ vào đầu thế kỷ XXI. Mặt khác, nhiều chính khách Mỹ cho rằng trong một thế giới mà đa số các quốc gia không có đủ năng lực và môi trường thuận lợi để thay đổi hệ thống quốc tế mà chỉ đủ khả năng để tập trung các nguồn lực để tìm kiếm một vị trí thuận lợi trong vị trí ấy, nước Mỹ với vai trò là siêu cường duy nhất có cơ hội lịch sử để viết lại “luật chơi” và tạo ra một trật tự thế giới ổn định, dân chủ, thịnh vượng dựa trên nền tảng thị trường tự do. Một điểm thay đổi trong chính sách đối ngoại của Mỹ là nỗ lực san sẻ trách nhiệm cho các quốc gia khác. Trái với hình ảnh nước Mỹ siêu việt, nắm giữ vị trí lãnh đạo tuyệt đối thế giới của Hollywood và truyền thông Mỹ, Washington nhìn nhận nước Mỹ là một quốc gia bình thường, qua đó nước Mỹ sẽ phải bảo vệ lợi ích kinh tế, cũng như các lợi ích khác của mình tương tự như các quốc gia khác và trách nhiệm giải quyết các vấn đề toàn cầu nên được san sẻ giữa các quốc gia có cùng mối quan tâm để giảm chi phí lên Washington, với việc lôi kéo đồng minh tham gia đóng góp cho cuộc chiến tại Afghanistan, Iraq và việc Mỹ không tham gia vào các sáng kiến bảo vệ môi trường toàn cầu là những minh chứng rõ ràng cho nhận thức này. Tuy có chung nhận thức về vai trò tối quan trọng của thị trường tự do, về tầm quan trọng của những giá trị dân chủ, nhân quyền đã được Mỹ-hoá song chính quyền Mỹ dưới thời các tổng thống khác nhau lại cách thức bảo vệ và thúc đẩy các vấn đề đó khác nhau. Dưới thời Tổng thống Bill Clinton, nước Mỹ mở rộng các hiệp ước kinh tế - thương mại, tăng cường can dự dân chủ, gia tăng viện trợ cho các quốc gia Đông Âu và hạn chế sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế, như giới hạn việc sử dụng không quân tại Kosovo năm 1997. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, Washington đã triển khai lực lượng bộ binh tới Afghanistan và Iraq, không chỉ lật đổ chế độ “độc tài” tại các quốc gia này mà còn hỗ trợ xây dựng và bảo vệ chính quyền “dân chủ non trẻ” trong khi các thành tích, sáng kiến kinh tế khá mờ nhạt. Dưới thời Tổng thống Obama, Washington đã cắt giảm lực lượng quân sự tại Afghanistan và rút quân khỏi Iraq cũng như gia tăng tài trợ cho các lực lượng xã hội dân sự trên toàn cầu, hỗ trợ các lực lượng này thúc đẩy dân chủ, nhân quyền tại quốc gia của mình. Cho dù không ủng hộ chính sách “bàn tay sắt” của Tổng thống Bush, song chính quyền của Obama bổ sung thêm nội dung vãn hồi trật tự, duy trì dân chủ và nhân quyền cho cuộc chiến chống khủng bố. Như vậy, có thể khái quát rằng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, lợi ích quốc gia của Mỹ gồm an ninh quốc gia, lợi ích về kinh tế và một môi trường quốc tế có lợi cho bá quyền Mỹ đóng vai trò trọng tâm và chính yếu, là yếu tố không thể thay đổi trong giai đoạn hậu Chiến tranh lạnh, nhưng việc xác định lợi giới hạn ích quốc gia, cách thức tiếp cận và triển khai lại có thể thay đổi dưới thời của các tổng thống khác nhau. Một số nội dung chính trong chính sách đối ngoại Mỹ sau năm 2016 Là một siêu cường, Mỹ can dự mọi hoạt động của các chủ thể quan hệ quốc tế ở phạm vi toàn cầu, tập trung vào các khu vực, địa bàn mà ở đó Washington xác định có nhiều lợi ích về kinh tế, địa chính trị. Tuy nhiên bản thân Mỹ cũng có giới hạn về tài nguyên và nguồn lực, do vậy chính sách của Mỹ đối với từng khu vực đều khác nhau. Dưới đây là nội dung sơ lược và dự đoán chính sách đối ngoại của Mỹ đối với 3 khu vực trọng tâm, dựa trên mối quan hệ giữa Mỹ với chủ thể mục tiêu trong khu vực và 2 chính sách đối ngoại dưa trên chuyên đề mà Mỹ đặc biệt quan tâm. Trong quan hệ với Nga và khu vực châu Âu: Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự sụp đổ của Liên Xô, châu Âu – nơi tập trung nhiều đồng minh chia sẻ hệ giá trị dân chủ phương Tây với Mỹ vẫn đóng vai trò là khu vực quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Trong thập niên 90 và đầu những năm 2000, Mỹ đã tích cực ủng hộ quá trình tái thống nhất nước Đức cũng như quá trình chuyển hướng về phía Tây của các quốc gia Đông Âu trong thời kỳ hậu cộng sản thông qua các thể chế đa phương, trong đó nổi bật và quan trọng nhất là Liên minh châu Âu (EU) và khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong năm 2004 EU đã tiếp nhận thêm 10 nước, trong đó có nhiều nước thuộc khối XHCN Đông Âu cũ như Hungary, Ba Lan, Slovakia… Trong năm 2007, hai nước thuộc khối Đông Âu cũ tiếp tục gia nhập EU là Rumani và Bulgari. Tương tự như EU, NATO cũng mở rộng về phía Đông, từ năm 1999 tới năm 2009 đã tiếp nhận thêm 12 thành viên là các quốc gia thuộc khối XHCN Đông Âu cũ. Việc NATO tiến tới và triển khai các căn cứ quân sự hiện đại sát biên giới với Nga cho thấy cho dù Chiến tranh lạnh đã kết thúc nhưng Washington vẫn coi Nga là một mối đe doạ to lớn tiềm tàng. Dù không còn sức mạnh kinh tế như Liên Xô, song Nga lại được thừa hưởng sức mạnh quân sự (chỉ xếp sau Mỹ) cũng như khối tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, đặc biệt là về năng lượng như khí đốt, dầu mỏ… do vậy kiềm chế Nga vẫn luôn là mục tiêu lớn trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, trong những năm 2000 chính sách này bị thiếu động lực do Moscow và EU chủ trương thúc đẩy quan hệ hợp tác, đặc biệt là về kinh tế giữa hai bên. Tới năm 2013, Washington đã tìm thấy cơ hội để thúc đẩy chính sách kiềm chế Nga với việc tham gia vào cuộc biểu tình, cách mạng đường phố ở Kiev lật đổ chính quyền của Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych. Năm 2014, sau khi Tổng thống Yanukovych bị lật đổ, Moscow đã phản ứng nhanh chóng bằng cách sát nhập khu vực Krym, mở đầu cho các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ khởi xướng và căng thẳng giữa Nga với phương Tây. Cho tới hiện tại (4/2015), quan hệ kinh tế giữa Nga và EU đã tan vỡ hoàn toàn, trong khi nền kinh tế Nga rơi vào tình trạng khủng hoảng thì bản thân các quốc gia EU cũng chịu thiệt hại nặng nề. Hai dự án năng lượng đặc biệt quan trọng với nền kinh tế EU và Nga là Dòng chảy phương Bắc và Dòng chảy phương Nam nhằm xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Nga sang Tây và Nam Âu, hạ giá thành năng lượng đã chính thức bị đình chỉ và chuyển hướng. Trong khi cuộc khủng hoảng ở Ukraina vẫn tiếp tục leo thang thì một số cường quốc lục địa như Đức, Pháp… bắt đầu tìm hướng để hoà hoãn với Moscow. Về chính sách kiềm chế Nga, các chính khách thuộc cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà của Mỹ khá đồng thuận. Trong khi các Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hoà đã trực tiếp tới Kiev để hô hào, kêu gọi ủng hộ người biểu tình trên quảng trường Maidan thì các chính khách đảng Dân chủ cũng nhiệt tình ủng hộ các lệnh cấm vận về kinh tế lên Nga. Do vậy, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cho dù chính khách từ đảng nào của Mỹ lên nắm quyền thì định hướng chính sách của Washington với khu vực này vẫn được duy trì. Trong trường hợp Tổng thống Mỹ là chính khách trong đảng Cộng hoà thì nhiều khả năng Mỹ sẽ mở rộng và gia tăng viện trợ quân sự cho Kiev, ngăn chặn khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraina bằng các biện pháp hoà bình. Với khả năng căng thẳng với Nga sẽ tiếp tục leo thang, Washington sẽ trấn an các quốc gia NATO gần Nga bằng cách tăng cường hiện diện quân sự tại các quốc gia này, tương tự như cuộc hành quân “Dragoon Ride” kéo dài 13 ngày qua 5 nước Đông Âu hoặc hỗ trợ tuần tra không phận cho các nước khu Phần Lan, Na Uy… trong bối cảnh Moscow tái triển khai tuần tra bằng máy bay ném bom chiến lược tới gần không phận các quốc gia này. Washington nhiều khả năng cũng sẽ thúc ép các thành viên NATO thực thi đúng cam kết đóng góp chi phí hoạt động cho tổ chức này, giúp giảm sức ép lên ngân sách của Mỹ. Tuy nhiên, Washington cũng sẽ phải tìm cách để giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai chính sách kiềm chế Nga, trong đó có việc Đức, Pháp… tìm cách đạt được thoả thuận riêng với Nga để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình cũng như nhiều người dân ở các nước Đông Âu không muốn quốc gia của mình trở thành tiền đồn đối đầu với Nga như trường hợp người Séc tổ chức tuần hành phản đối cuộc hành quân “Dragoon Ride”. Quan hệ giữa Mỹ với Đức, Pháp chắc chắn sẽ trải qua một thời kỳ khó khăn và một trong hai bên phải hy sinh bớt lợi ích của mình. Quan hệ giữa Washington và Moscow khó có thể đảo chiều trong tương lai gần trong bối cảnh Mỹ đã vô tình giúp Tổng thống Nga Vladimir Putin kích hoạt “chủ nghĩa dân tộc”. Nếu Mỹ cuối cùng đã tìm thấy một con “ngáo ộp” nước Nga của Putin để tập hợp các nước châu Âu và thúc đẩy sự phát triển của NATO thì Tổng thống Putin cũng tìm thấy con “ngáo ộp” phương Tây để tập hợp và giành lấy sự ủng hộ tuyệt đối của người dân Nga. Điều may mắn là chiến tranh vẫn khó có thể xảy ra giữa hai cường quốc này. Chính sách của Mỹ với khu vực Trung Đông Khu vực Trung Đông, với ý nghĩa to lớn về lợi ích kinh tế và địa chiến lược luôn là mối quan tâm hàng đầu của Washington. Chính sách đối ngoại của Mỹ với khu vực Trung Đông mang đậm màu sắc của chủ nghĩa thực dụng và tiêu chuẩn kép – một mặt Mỹ gây sức ép lên những quốc gia “không dân chủ”, mặt khác Mỹ xây dựng quan hệ đồng minh với các quốc gia thân Mỹ, trong số đó có nhiều chính thể quân chủ vận hành trên giáo luật Shariah (Arab Saudi, Các tiểu vương quốc Arab) hoặc độc tài chuyên chế (Qatar). Trước những chỉ trích từ các tổ chức nhân đạo hoạt động trong khu vực Trung Đông, trong bài phát biểu tại Viện Sáng kiến toàn cầu Clinton, New York tháng 10/2014, Tổng thống Obama đã nói “Trên thực tế, đôi khi vì lợi ích quốc gia của mình, nước Mỹ phải hợp tác với các quốc gia không tôn trọng đầy đủ những quyền phổ quát của công dân. Với tư cách là Tổng thống, tôi vĩnh viễn phải đưa ra những lựa chọn đó.” Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp gần đây trong khu vực Trung Đông – Bắc Phi như Mùa xuân Ả rập dẫn tới sự ra đi của nhiều chính quyền thân Mỹ, bất ổn kéo dài tại nhiều quốc gia và sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ISIS tại Iraq và Syria đặt ra nhiều khó khăn cho Washington. Vấn đề đầu tiên mà Washington cần giải quyết là ISIS. Tổ chức khủng bố này thực sự là một mối đe doạ khổng lồ tới lợi ích quốc gia của nước Mỹ, nhưng không theo cách mô tả của truyền thông phương Tây – ISIS chưa có đủ năng lực và cũng chưa có tham vọng tổ chức các cuộc tấn công khủng bố quy mô lớn vào nước Mỹ. Trên thực tế, sự nổi lên của ISIS tạo ra nguy cơ đổ vỡ và thay đổi hoàn toàn các đường biên giới trong khu vực Trung Đông vốn là di sản của những chủ nghĩa thực dân Anh, Pháp. Những đường biên này được vẽ ra trên bàn đàm phán của các nhà thực dân, chia cắt các bộ tộc, nhóm tôn giáo,… là một nguyên nhân khiến các quốc gia Trung Đông hậu thực dân luôn tồn tại trong tình trạng xung đột nội bộ. Ở góc độ chính trị, ISIS có nhiều điểm tương đồng với phong trào dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở châu Âu vào đầu thế kỷ XX – điểm khác biệt là ISIS lấy tôn chỉ Hồi giáo dòng Sunni thay vì sắc tộc làm cơ sở phân biệt. Do vậy, sự tồn tại của ISIS có thể dẫn tới sự ra đời của các phong trào tương tự khác trong khu vực, như phong trào của người Hồi giáo Shi’ite, người Ả-rập cấp tiến… Một chỉ dấu khá rõ ràng cho nhận định này là lực lượng người Kurd chống ISIS đang thu hút và tập hợp những người cùng sắc tộc này trên lãnh thổ Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ. Sự thay đổi đường biên như vậy là quá lớn, vượt khỏi tầm kiểm soát của Washington, đặt ra nhiều mối đe doạ về lợi ích kinh tế, địa chính trị và thậm chí là an ninh quốc gia của nước Mỹ. Hiện tại hầu hết các ứng viên Tổng thống Hoa Kỳ từ cả 2 đảng đều ít nhiều chỉ trích Tổng thống Obama thụ động và không quyết đoán trong chính sách với khu vực này. Một số Thượng Nghị sĩ đảng Cộng hoà, như John McKain, Katon Dawson thậm chí còn cho rằng chính việc Tổng thống Obama không can thiệp vào Syria đã khiến nội chiến bùng nổ và ISIS xuất hiện trong đông tro tàn. Chính sách viện trợ và vận động các đồng minh và các bên có chung lợi ích đứng ra giải quyết ISIS của Tổng thống Obama cũng đang gặp bế tắc khi quân đội Iraq, lực lượng người Kurd và phiến quân Syria không tạo ra được đột phá chiến trường trước ISIS, trong khi Arab Saudi cũng không có được kết quả tốt hơn khi chống phiến quân Houthi tại Yemen. Do vậy, nhiều khả năng chính quyền sau Obama sẽ vẫn tiếp tục viện trợ cho các lực lượng này nhưng sẽ can dự trực tiếp hơn. Trong cuộc thăm dò dư luận gần đây của đài CBS cho thấy có tới hơn 60% đảng viên Cộng hoà ủng hộ tăng cường biện pháp quân sự, đặc biệt là triển khai bộ binh trong cuộc chiến chống ISIS. Một hệ quả tích cực của cuộc chiến chống ISIS là mối quan hệ Mỹ - Iran được cải thiện. Tình trạng đối đầu giữa Iran và phương Tây kể từ sau cuộc Cách mạng Iran năm 1979 đang có triển vọng chấm dứt khi Iran và nhóm P5+1 ký được một bản thoả thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran cho dù còn nhiều bất đồng giữa các bên liên quan. Tehran vẫn còn trong trạng thái đối đầu với Washington khi các cuộc biểu tình, bạo động chống Tổng thống Al-Assad là đồng minh thân cận của Iran nổ ra ở Syria, nhưng khi ISIS xuất hiện tại Trung Đông thì Iran là một trong những quốc gia đầu tiên có hành động chống lại tổ chức này. Thông tin về mối quan hệ hợp tác ngầm giữa Tehran và Washington, cũng như viện trợ và tập huấn quân sự của Tehran cho các lực lượng Shi’ite ở Iraq và Syria vẫn chưa được tiết lộ chi tiết, song vào tháng 3/2015 Tổng tham mưu trưởng các lực lượng liên quân Martin Dempsey đã xác nhận Iran đã gửi vũ khí và huấn luyện cho khoảng 300.000 phiến quân Shi’ites tại Iraq. Mối quan hệ được cải thiện giữa Mỹ với cường quốc khu vực Iran có thể làm thay đổi tình hình chung trong khu vực Trung Đông, không chỉ tác động tới cuộc chiến chống ISIS mà còn có liên quan tới quan hệ Mỹ - Israel, phong trào Hamad và Hezbollah do Tehran chống lưng… Do vậy, nhiều khả năng sau năm 2016 Washington sẽ tiếp đà cải thiện quan hệ với Tehran, gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt, cấm vận lên Iran nhưng chưa thể có thay đổi quá lớn. Mối quan hệ giữa Washington và đồng minh thân cận, truyền thống Isreal chắc chắn không có nhiều thay đổi, cho dù gần đây (4/2015) Tổng thống Obama phải lên tiếng tái cam kết quan hệ đồng minh với Israel sau khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng thoả thuận với Iran có thể gây tổn hại tới quan hệ Mỹ - Israel. Với lực lượng vận động hành lang hùng hậu tại Washington, Israel có thể tác động được lên các chính sách của Mỹ, đặc biệt là các chính khách bảo thủ trong đảng Cộng hoà, do vậy chính sách của Mỹ tại Trung Đông sau năm 2016 sẽ ít nhiều phải tương đồng với mục tiêu và lợi ích của Israel. Ngoài ra, với rất ít chỉ dấu cho thấy trật tự đã được thiết lập và các phe phái thù địch đã bị tiêu diệt hoàn toàn, can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan khó có thể kết thúc trong nhiệm kỳ Tổng thống tiếp theo. Về Trung Quốc và châu Á – Thái Bình Dương Với sự trỗi dậy của Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 sau Mỹ cũng như là một trong các quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, Bắc Kinh trở nên quyết đoán hơn trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông và biển Hoa Đông. Dù Bắc Kinh có tuyên bố về “trỗi dậy hoà bình” thì trong chính giới Mỹ đã xuất hiện nhiều lời cảnh báo về “mối đe doạ Trung Quốc” với những lợi ích an ninh và kinh tế của Mỹ, trước hết là trong khu vực châu Á Thái Bình Dương (CATBD). Ngày 17/11/2011, Tổng thống Barack Obama đã tuyên bố chính thức về Chiến lược "Xoay trục" trong bài phát biểu trước Quốc hội Australia, được coi là động thái nhằm ứng phó với sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc. Theo tiết lộ của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Thomas Donilon, Tổng thống Obama khi còn là một ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2008 đã yêu cầu nhóm cố vấn nghiên cứu, đánh giá và đề xuất chính sách can dự tại CATBD, sau trở thành Chiến lược "Xoay trục". Với chiến lược này, Washington tuyên bố mục tiêu không nhằm kiềm chế Trung Quốc mà là đảm bảo Trung Quốc sẽ trỗi dậy thành một cường quốc có trách nhiệm qua các biện pháp chính sau: (1) tái triển khai quân đội trong khu vực CATBD; (2) tăng cường các liên minh và xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia trong khu vực; (3) hỗ trợ xây dựng cấu trúc cho các thể chế đa phương khu vực; (4) phục hồi kinh tế; (5) đảm bảo các giá trị, tư tưởng của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai có thể đánh giá sơ bộ rằng Washington vẫn chưa thành công trong việc “Xoay trục” về CATBD, Mỹ vẫn chưa thể rút bớt nguồn lực, tài nguyên và quyết tâm chính trị ra khỏi khu vực Trung Đông và Đông Âu để tái bố trí cho Chiến lược "Xoay trục". Hiện tại lực lượng quân đội Mỹ trú đóng trong khu vực CATBD chưa có nhiều thay đổi. Về mặt chính trị, các chuyến thăm ngắn ngày của Tổng thống Obama và một số tuyên bố của Ngoại trưởng Hilary Clinton về lợi ích tự do hàng hải của Mỹ tại biển Đông trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 10, những động thái trung dung của Washington trước các va chạm trên biển giữa các tàu dân sự của Trung Quốc với Nhật Bản, Việt Nam, Philippines… đã tạo ra một dilemma cho Washington – sự hiện diện mờ nhạt của Mỹ khiến các quốc gia nghi ngại, chưa dám bày tỏ sự ủng hộ với sự hiện diện của Mỹ, đặt Washington vào vị trí bất lợi khó có thể tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Xoay truc”. Về mặt kinh tế, một công cụ quan trọng và chính yếu là Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên TBD (TPP) – được coi là có giá trị quan trọng hơn cả một hạm đội vẫn đang trên bàn đàm phán bí mật, và theo đánh giá của một số Nghị sĩ đảng Cộng hoà thì Tổng thống Obama đã bỏ lỡ cơ hội hoàn thành đàm phán TPP từ nhiều năm trước, và hiện tại Obama phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn nữa do các công đoàn lao động Mỹ đã trở nên mạnh mẽ do kết quả lâu dài của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và lực lượng này không hề muốn nước Mỹ mất đi bất cứ việc làm nào. Cho dù Washington thực sự có mục tiêu kiềm chế Trung Quốc hay không, thì hiện thực rất rõ ràng là Washing không thể đạt được mục tiêu đó trong hoàn cảnh hiện tại vì Trung Quốc không phải và cũng không chia sẻ nhiều điểm tương đồng với Nga. Trung Quốc có nền kinh tế năng động, lớn thứ 2 thế giới và là đối tác thương mại lớn và quan trọng nhất của Mỹ cũng như với nhiều quốc gia khác. Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Chính phủ Mỹ, do vậy tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế đều sẽ khiến Mỹ phải trả giá đắt. Bắc Kinh cũng có quan hệ hợp tác về an ninh, quốc phòng với Washington. Ngoài ra, Trung Quốc đóng vai trò lớn trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Bắc Triều Tiên. Một hiện thực khá gai góc khác là ở một số góc độ nhất định, với việc thiết lập thành công Ngân hàng AIIB – một thể chế tài chính mang màu sắc Trung Quốc và bước đầu vận động được các quốc gia tham gia sáng kiến kinh tế toàn cầu Con đường tơ lụa, Bắc Kinh đang giành được thế chủ động trong khu vực. Sau cuộc bầu cử Nghị viện giữa kỳ 2014 với sự thắng thế của đảng Cộng hoà tại cả 2 viện, nhiều Nghị sĩ đảng Cộng hoà đã kêu gọi tạo sức ép lên Tổng thống Obama để Washington tập trung triển khai Chiến lược "Xoay trục" trước khi quá muộn trong khi nhiều Nghị sĩ đảng Dân chủ coi đây là cơ hội để nước Mỹ tái bố trí một cách có hiệu quả nguồn lực của mình với các khu vực và vấn đề trong chính sách đối ngoại. Do vậy, việc người chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 thuộc đảng Cộng hoà hay Dân chủ sẽ không có quá nhiều khác biệt. Trong thời gian tới Washington nhiều khả năng sẽ: (1) tiếp tục gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực CATBD, tăng cường viện trợ quân sự cho các quốc gia đồng minh nhằm trấn an và chia sẻ bớt trách nhiệm phòng thủ; (2) tích cực tham gia các cơ chế đa phương như APEC, ASEAN… cũng như đảm bảo Trung Quốc đóng vai trò phù hợp; (3) thúc đẩy các sáng kiến về hợp tác kinh tế, thương mại khu vực; (4) hạ thấp các yêu cầu về giá trị phổ quát của Mỹ như dân chủ, nhân quyền, tự do biểu đạt… trong quan hệ với một số quốc gia như Việt Nam, Myanmar nhằm tranh giành ảnh hưởng lên các quốc gia này với Bắc Kinh. Về các vấn đề đáng chú ý khác trong khu vực, chính sách đối với vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên sẽ khó có nhiều thay đổi sau năm 2016, do trên thực tế Washington không đóng vai trò chính trong giải quyết vấn đề này, do chính Bình Nhưỡng nắm phần chủ động và Bắc Kinh là cây cầu duy nhất để dẫn tới Bình Nhưỡng. Trong những năm gần đây Washington đang đẩy dần gánh nặng ngân sách cho quân đội phòng thủ lên chính phủ Hàn Quốc, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai gần Washington sẽ không chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến cho Hàn Quốc. Về chính sách hỗ trợ Xã hội dân sự Chính sách hỗ trợ Xã hội dân sự (XHDS) luôn nằm trong chiến lược toàn cầu của các đời Tổng thống Mỹ kể từ sau khi Tổng thống Dwight Eisenhower đề xuất chiến lược “Diễn biến hoà bình” cuối thập niên 50, và dần trở thành một chính sách lớn ít được công chúng chú ý tới, đặc biệt là trong và sau nhiệm kỳ của Tổng thống Bill Clinton. Với chính sách này, Washington hướng tới phát triển các lực lượng XHDS theo mô hình của Mỹ, xây dựng năng lực và ảnh hưởng cho XHDS để có thể gây ảnh hưởng, tác động tới công chúng và các cấp chính quyền sở tại, từng bước đưa các quốc gia vào quỹ đạo của Washington. Trên thực tế, cùng với truyền thông và Hollywood, chính sách hỗ trợ XHDS chính là “sức mạnh mềm” mà Mỹ đang tích cực sử dụng với hiệu quả cao, chi phí thấp. Các cuộc cách mạng sắc màu tại Đông Âu dẫn tới các chính quyền thân phương Tây, phong trào Mùa xuân Ả-rập loại bỏ các chính thể không “vừa mắt” Washington và gần đây nhất là cuộc bạo động trên quảng trường Maidan, Kiev dẫn tới việc lật đổ Tổng thống Yanukovych, thành lập một chính quyền bài Nga thân phương Tây và tạo ra một môi trường hỗn loạn ngay “trước cửa nhà” Moscow đều bắt nguồn từ các lực lượng XHDS - gồm các tổ chức phi chính phủ địa phương và các đảng phái do các tổ chức phi chính phủ Mỹ dựng lên và hỗ trợ lên kế hoạch, gây dựng quỹ và vận động người dân, đặc biệt là sinh viên và thanh niên. Thậm chí, trong cuộc bạo động ở Maidan, các chính khách đảng Cộng hoà Mỹ còn trực tiếp có mặt, hô hào người biểu tình. Trước đây chính sách này chưa được tập trung và nhất quán, chưa có phân công rõ ràng trong nhiều cơ quan hành pháp của Mỹ, tới tháng 10/2014 Tổng thống Barack Obama đã nâng cấp thành chính sách “Stand with civil society” (Sát cánh cùng XHDS), theo đó Washington tự gán cho mình nhiệm vụ bảo vệ, gây dựng và phát triển tất cả các lực lượng XHDS trên toàn cầu, cũng như tất cả các cơ quan hành pháp của Mỹ đều được phân công trách nhiệm chi tiết trong chính sách này. Sau năm 2016, chính sách hỗ trợ XHDS của Washington sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường can dự, đẩy mạnh hỗ trợ về chính trị và tài chính cho các tổ chức XHDS trên toàn cầu. Trong một thế giới nhiều biến động phức tạp và với thực tế Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì vị thế siêu cường và bá quyền của mình, đây chính là một hướng phát triển chính sách đối ngoại của Mỹ trong tương lai dài hạn. Về cuộc chiến chống khủng bố Thuật ngữ Cuộc chiến toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố (Global War on Terrorism) lần đầu tiên được Tổng thống George Bush sử dụng để chỉ các hoạt động quân sự, chính trị, luật pháp, kinh tế và tư tưởng của chính quyền Mỹ nhằm chống lại các tổ chức được coi là khủng bố, cũng như những chính quyền, tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoặc có liên quan tới các tổ chức này sau vụ tấn công 11/9. Mục tiêu ban đầu của Cuộc chiến chống khủng bố gồm: (1) Tiêu diệt các trùm khủng bố như Osama bin Laden, Abu Musab al-Zarqawi và tổ chức của chúng; (2) Xác định, định vị và tiêu diệt các tên khủng bố cùng tổ chức của chúng; (3) Triệt tiêu nguồn tài trợ, hỗ trợ cho khủng bố; (4) Xoá bỏ các điều kiện mà bọn khủng bố thường lợi dụng; (5) Bảo vệ lợi ích của Mỹ và công dân Mỹ ở trong nước và hải ngoại. Với những mục tiêu này, ngoài cuộc chiến tại Afghanistan mà Washington phát động ngay sau vụ 11/9 nhằm tiêu diệt chính quyền Taliban và cuộc chiến Iraq nhằm lật đổ Tổng thống Saddam Hussein bị liệt vào danh sách tài trợ khủng bố, Mỹ đã triển khai nhiều chiến dịch khác trên toàn cầu như các chiến dịch mang tên “Enduring Freedom” tại Philippines, khu vực Nam Phi, khu vực Sahara, các chiến dịch ngắn hạn tại Pakistan, Yemen, Kashmir… và các chiến dịch ám sát, tiêu diệt các đối tượng trùm khủng bố quốc tế. Ngoài các chiến dịch quân sự, Washington còn viện trợ cho các nước như Pakistan, Philippines,… trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như đề xuất hợp tác an ninh với chủ đề chống khủng bố với rất nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Sau hơn một thập kỷ triển khai, cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ vẫn chưa đạt được các dấu hiệu khả quan khi các tổ chức khủng bố thay nhau xuất hiện, sự an toàn của công dân và tổ chức Mỹ ở nước ngoài vẫn chưa được đảm bảo trong khi chi phí triển khai quá lớn (theo Báo cáo Nghị viện Mỹ năm 2011, chi phí trong cả năm tài khoá 2011 cho cuộc chiến chống khủng bố là 1208 tỷ USD). Cuộc chiến chống khủng bố cũng bị lên án là cái cớ Mỹ sử dụng để triển khai hoạt động quân sự tại quốc gia khác, cũng như việc Mỹ giảm triển khai bộ binh, tăng cường sử dụng máy bay không người lái đánh bom tràn lan ở khu vực Trung Đông khiến thương vong của dân thường liên tục tăng cao qua các năm. Tuy nhiên, trong tương lai gần chắc chắn Washington sẽ không giảm bớt các hoạt động quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng như với những diễn biến gần đây ở chính trường Mỹ đối với cuộc chiến chống ISIS có thể thấy nhiều khả năng Mỹ sẽ triển khai bộ binh để tiêu diệt tổ chức này trong khi sẽ tiếp tục tăng cường sử dụng máy bay không người lái tại các khu vực mà sự hiện diện của quân đội của Mỹ khá nhạy cảm như Pakistan, Yemen. Theo nhiều chuyên gia, với những ưu điểm như rẻ tiền, không gây thiệt hại về nhân mạng của Mỹ, dễ triển khai và dễ chối bỏ trách nhiệm, máy bay không người lái sẽ dần trở thành lực lượng chính trong cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Như vậy, về tổng thể chính sách đối ngoại của Mỹ sau năm 2016 sẽ hướng tới tăng cường can dự, đặc biệt là thông qua “sức mạnh mềm” tại tất cả các khu vực trên toàn cầu, tập trung kiềm chế nước Nga và tập hợp lực lượng tại châu Âu trong khi chính sách đối với Trung Quốc vẫn còn quá nhiều biến số chưa có chỉ dấu để giải đáp. Và để giảm áp lực lên ngân sách của mình, Washington sẽ đẩy bớt trách nhiệm cho các quốc gia đồng minh và các quốc gia có liên quan khác, và xu hướng này cũng có thể tạo ra tiền đề cho chủ nghĩa biệt lập quay trở lại nước Mỹ lần đầu tiên sau Thế chiến II. Tuy nhiên, bất cứ nhận định rằng nước Mỹ là một cường quốc đang đi xuống, và chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ dần chuyển dịch theo hướng co cụm lại trong nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới là võ đoán và thiếu cơ sở. Mỹ vẫn sẽ là một siêu cường, và cũng ứng xử với đúng tư cách đó, và như nhận định của một số chính khách Mỹ, các quốc gia nhỏ nên tự tìm lấy vị trí thuận lợi để đảm bảo môi trường phát triển cho chính mình.