You are on page 1of 29

PHÁP LUẬT VÀ TOÀ ÁN

Ở thời kì Pháp thuộc, do có nhiều Quy chế pháp lí nên pháp luật và toà
án càng liên quan mật thiết lẫn nhau. Thể chế Âu Tây dần xâm nhập, thể
chế phong kiến dần cải biến canh tân.

I. PHÁP LUẬT
Chính quyền thực dân - phong kiến rất chú trọng xây dựng luật pháp
và luôn coi đó là phương tiện cai trị hữu hiệu. Pháp luật thời thuộc Pháp
rất đa dạng và cực kì phức tạp, đan xen giữa yếu tố truyền thống phong
kiến và thực dân, tư bản.
1. Nguồn luật và hình thức văn bản, các quy chế pháp lí
Về hình thức, ở Việt Nam có hai hệ thống chính quyền của người Pháp
và của phong kiến bản xứ nên có hai hệ thống pháp luật của Pháp và của
triều Nguyễn.
a. Nguồn luật và hình thức văn bản
Ở những năm đầu, chính quyền thực dân phong kiến còn phải tạm thời
sử dụng Bộ luật Gia Long. Sau khi về cơ bản đã bình định được Việt Nam,
việc xây dựng luật pháp được tiến hành trên quy mô lớn.
Tương ứng với hai hệ thống pháp luật có hai nguồn luật, với nhiều
hình thức văn bản phong phú.
* Nguồn luật của Pháp
Pháp luật của Pháp có các hình thức văn bản sau đây:
- Các bộ luật, bao gồm một số bộ luật của chính quốc được đem sang
áp dụng ở Đông Dương, như Bộ luật dân sự năm 1804 (Bộ luật
Napôlêông), Bộ luật thương mại năm 1807, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ
luật hình sự... và một vài bộ luật được soạn thảo ngay ở Việt Nam là Bộ
hình luật tu chính và Bộ dân luật giản yếu. Những bộ luật của chính quốc
chỉ có hiệu lực ở thuộc địa kể từ khi Toàn quyền Đông Dương ra nghị định

349
về việc áp dụng nó. Bộ hình luật tu chính (thường được gọi là Bộ hình luật
Nam Kì) ban hành ngày 31/12/1902 và về cơ bản là sự sao chép Bộ luật hình
của nước Pháp. Còn Bộ dân luật giản yếu (thường được gọi là Bộ dân luật
Nam Kì) được ban hành ngày 10/3/1883. Bộ luật này sao chép một cách
máy móc và không đầy đủ Bộ dân luật Napôlêông. Bộ dân luật giản yếu
chỉ quy định về các quan hệ nhân thân (nói về người), như thất tung (mất
tích), giá thú, li hôn, phụ hệ và con trưởng, giám hộ, vị thành niên v.v..
- Các sắc lệnh của Tổng thống Pháp về những vấn đề ở Đông Dương.
Trong đó có hai loại chính: những sắc lệnh bổ nhiệm, quy định quyền hạn
của quan chức cao cấp của Pháp ở thuộc địa, những sắc lệnh quy định về
một số lĩnh vực của đời sống xã hội ở thuộc địa. Loại sắc lệnh thứ hai này
được coi như đạo luật và Toàn quyền Đông Dương ra nghị định công bố.
Ví dụ, Sắc lệnh ngày 21/7/1925 quy định về quan hệ tài sản, đã được ban
hành ở Nam Kì do Nghị định Toàn quyền Đông Dương ngày 7/11/1927;
- Các nghị định của Toàn quyền Đông Dương, của thống sứ, khâm sứ,
thống đốc. Hay nói cách khác, hình thức văn bản của các quan chức cao
cấp người Pháp ở thuộc địa là nghị định. Những văn bản này chỉ mang tính
lập quy ở xứ và phải được Toàn quyền Đông Dương phê duyệt trước khi
ban hành. Một số nghị định của Toàn quyền Đông Dương mang tính lập
quy, một số khác mang tính lập pháp ở thuộc địa. Những nghị định lập quy
thường không phải đệ trình lên chính quyền bên chính quốc. Còn những
nghị định lập pháp có quy trình ra văn bản tương đối phức tạp. Nghị định lập
pháp của Toàn quyền Đông Dương, trước khi ban bố, phải được chuyển
sang cho Bộ trưởng Bộ thuộc địa xem xét để rồi sau đó hoặc phê duyệt cho
thi hành hoặc bác bỏ hẳn. Bộ trưởng Bộ thuộc địa không có quyền sửa đổi
nội dung nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Muốn sửa đổi, bộ
trưởng phải soạn thảo một văn bản khác và đệ trình lên Tổng thống Pháp.
Nếu Tổng thống đồng ý và kí vào dự thảo văn bản của Bộ trưởng thì văn
bản đó mang tên gọi là sắc lệnh của Tổng thống, có tính lập pháp đối với
thuộc địa, thay thế cho nghị định của Toàn quyền Đông Dương đã bị bộ
trưởng bác bỏ.
Như vậy, nghị định có tính lập pháp của Toàn quyền Đông Dương chỉ
có thể được thay thế bằng sắc lệnh của Tổng thống đối với Đông Dương.
* Nguồn của luật phong kiến bản xứ:
- Những văn bản đơn hành của nhà vua, chủ yếu là các hình thức dụ
sắc và chỉ. Dụ là hình thức văn bản, lúc bấy giờ được coi như có tính lập
pháp hoặc lập quy, dùng để quy định những vấn đề có tính chất chung và
quan trọng, ví dụ như Đạo dụ ngày 16/7/1917 của vua Khải Định quy định

350
về chế độ tư pháp ở Bắc Kì. Sắc là hình thức văn bản, hoặc dùng để quy
định về tuyển dụng công chức, hoặc dùng để phong thần cho thành
hoàng làng. Đó chỉ là văn bản dùng để giải quyết các vấn đề hành chính
có tính cách cá nhân, như bổ người làm quan, hoặc cách chức quan lại.
Như vậy, đến thời kì Pháp thuộc, giữa các văn bản đơn hành đã có sự
phân định chức năng văn bản tương đối rõ ràng.
Ở thời kì Pháp thuộc không có hình thức hội điển, bởi đã có những tập
Công báo (về pháp luật) hàng tháng.
- Các bộ luật gồm có:
1. Bộ Hoàng Việt luật lệ (Bộ luật Gia Long) được sử dụng thời gian
đầu;
2. Bộ Bắc Kì pháp viện biên chế, được ban hành ngày 2/12/1921. Bộ
luật này có 9 chương, với 37 điều, quy định về cơ cấu tổ chức, thẩm quyền
và hoạt động của các toà án Nam Triều ở Bắc Kì;
3. Bộ luật dân sự, thương sự tố tụng Bắc Kì được ban hành ngày
2/12/1921. Bộ luật này có 4 chương, gồm 373 điều;
4. Bộ luật hình sự tố tụng Bắc Kì được ban hành ngày 2/12/1921. Bộ
luật có 13 chương, với 211 điều;
5. Bộ luật hình sự Bắc Kì được ban hành ngày 2/12/1922. Bộ luật có
30 chương, gồm 328 điều;
6. Bộ dân luật Bắc Kì được ban hành ngày 30/3/1931 và chính thức
được thi hành từ ngày 1/7/1931. Bộ luật này được chia thành 4 quyển, với
tổng số 1.455 điều;
7. Bộ Trung Kì pháp viện biên chế, được ban hành năm 1935;
8. Bộ luật dân sự, thương sự tố tụng Trung Kì được ban hành năm
1935;
9. Bộ luật hình sự tố tụng Trung Kì được ban hành năm 1935;
10. Bộ luật hình sự Trung Kì (tên chính thức là Luật hình Hoàng Việt)
được ban hành năm 1933;
11. Bộ luật dân sự Trung Kì (tên chính thức là Hoàng Việt hộ luật),
được ban hành năm 1936. Bộ luật này được chia làm 5 quyển, tất cả có
1.709 điều.
Như vậy, ở Trung Kì đều có các bộ luật tương ứng như những bộ
luật ở Bắc Kì. Về thực chất, từng bộ luật ở Trung Kì đều sao chép bộ
luật tương ứng ở Bắc Kì và có sửa đổi, bổ sung một số điều. Trong hệ
thống pháp luật Nam Triều có 10 bộ luật mới ban hành. Nếu tính cả Bộ
hình luật tu chính và Bộ dân luật giản yếu ở Nam Kì thì chính quyền

351
thực dân - phong kiến thời Pháp thuộc đã xây dựng và ban hành được 12
bộ luật và ít nhiều đều chịu ảnh hưởng pháp luật của Pháp.
- Hương ước đến thời kì Pháp thuộc, hầu như tất cả các lệ làng đều
được văn bản hoá. Các hương ước là hình thức, bộ phận trong hệ thống
pháp luật phong kiến.
Sự can dự của Pháp kiểm soát lập pháp tại Việt Nam. Đối với các văn
bản pháp luật của chính quyền phong kiến có quy trình soạn thảo và ra văn
bản tương đối phức tạp và rất chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa quyền lập
pháp của các vị vua Nguyễn. Việc soạn thảo văn bản được đặt dưới sự chỉ
đạo, giám sát chặt chẽ của viên Khâm sứ Trung Kì hoặc viên Thống sứ
Bắc Kì. Với tư cách là người đại diện cho chính quyền bảo hộ ở Trung Kì,
viên Khâm sứ Pháp có quyền giám sát việc soạn thảo luật pháp của triều
Nguyễn, có quyền chấp thuận hay không chấp thuận đối với bất cứ một
văn bản nào của triều đình. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thượng thư,
Khâm sứ có quyền tổ chức dự thảo sẵn một văn bản pháp luật nào đó rồi
đệ trình lên hoàng đế phê duyệt. Với tư cách là người đại diện cho chính
quyền bảo hộ ở Bắc Kì, đảm nhiệm chức năng quan Kinh lược thay mặt
nhà vua để cai quản Bắc Kì, viên Thống sứ thậm chí thường tự đứng ra
tổ chức việc soạn thảo văn bản pháp luật của triều Huế đối với Bắc Kì.
Nhìn chung, các văn bản pháp luật của Nam Triều đều phải được sự chấp
thuận trước của Khâm sứ hoặc Thống sứ thì nhà vua mới được ban bố và
đối với các văn bản quan trọng (dụ, bộ luật) còn phải có sự chuẩn y bằng
nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Ví dụ, Nghị định ngày
8/11/1933 của Toàn quyền Đông Dương chuẩn y đạo dụ cùng ngày của
vua Bảo Đại về chế độ cai trị đối với Bắc Kì.
b. Quy chế pháp lí
Do có hai nguồn luật, ba quy chế chính trị nên có nhiều loại quy chế
pháp lí.
Nếu xét theo vùng, ở ba xứ có ba quy chế chính trị khác nhau nên mỗi
xứ có một quy chế pháp lí:
- Nam Kì (cùng ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) là đất thuộc
địa nên khi xét xử, toà án Pháp sẽ áp dụng luật pháp của Pháp.
Về việc hộ, có Bộ dân luật giản yếu áp dụng cho người Việt Nam. Đối
với người Pháp và những người ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp (Âu,
Mỹ, Nhật, Trung Hoa) thì toà áp dụng Bộ dân luật Pháp.
Về việc hình, toà án áp dụng Bộ hình luật tu chính nếu phạm nhân là
người Việt Nam, Bộ luật hình của nước Pháp nếu phạm nhân là người Pháp
và những ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp.

352
Về tố tụng, toà án đều áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự hoặc Bộ luật tố
tụng hình sự của nước Pháp;
- Ở Trung Kì (trừ thành phố Đã Nẵng) là đất bảo hộ nên khi xét xử,
toà án Nam Triều sẽ áp dụng luật pháp Nam Triều được ban bố thi hành ở
Trung Kì: Bộ Trung Kì pháp viện biên chế, Bộ dân luật Trung Kì, Bộ dân
sự, thương sự tố tụng Trung Kì, Bộ hình luật Trung Kì, Bộ luật tố tụng
hình sự Trung Kì;
- Ở Bắc Kì (trừ hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng) là đất nửa bảo hộ
nửa thuộc địa nên tại các toà án Nam Triều ở đây cũng áp dụng luật pháp
Nam Triều đã được ban bố thi hành ở Bắc Kì: Bộ Bắc Kì pháp viện biên
chế, Bộ dân luật Bắc Kì, Bộ dân sự, thương sự tố tụng Bắc Kì, Bộ hình
luật Bắc Kì, Bộ hình sự tố tụng Bắc Kì.
Nếu xét về đối tượng áp dụng pháp luật thì có hai quy chế pháp lí áp
dụng cho hai loại người:
Một là người Pháp và những ngoại kiều được biệt đãi như người Pháp,
người Việt Nam sinh ra ở vùng đất thuộc địa, dù đang sống ở đâu trên đất
Việt Nam, đều được xét xử tại toà án Pháp và được áp dụng pháp luật của
Pháp;
Hai là người Việt Nam là thần dân của hoàng đế Đại Nam, những ngoại
kiều không được hưởng biệt đãi như người Pháp đều được xử tại toà án
Nam Triều và được áp dụng luật pháp của Nam Triều.
2. Nội dung chủ yếu của pháp luật. Bộ dân luật Bắc Kì và Bộ hình
luật Trung Kì
a. Nội dung chủ yếu của pháp luật
Pháp luật của chính quyền thực dân - phong kiến điều chỉnh hầu hết
các lĩnh vực của đời sống xã hội thuộc địa.
Trước hết là việc củng cố và bảo vệ bộ máy hành chính cai trị. Chiếm
khối lượng khá lớn trong các sắc lệnh của Tổng thống Pháp, Toàn quyền,
khâm sứ, thống sứ, thống đốc, các đạo dụ của nhà vua là những văn bản
quy phạm pháp luật hành chính. Những văn bản pháp luật hành chính này
quy định về việc thành lập, tổ chức, chức năng, quyền hạn của các cơ quan
trong hệ thống chính quyền thực dân - phong kiến. Trong đó, nổi bật nhất
là các sắc lệnh của Tổng thống Pháp về việc thành lập Liên bang Đông
Dương và chế độ Toàn quyền Đông Dương.
Pháp luật về dân sự bao gồm các bộ luật dân sự được ban bố ở ba xứ
Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì, một số nghị định của Toàn quyền Đông
Dương, một số đạo dụ của nhà vua. Pháp luật dân sự quy định các quan hệ

353
về khế ước (hợp đồng) và trái vụ (nghĩa vụ của các bên tham gia hợp
đồng), về sở hữu, về hôn nhân và gia đình, về thừa kế, về trách nhiệm dân
sự, tất cả đều nhằm bảo vệ quyền lợi của các tập đoàn tư bản Pháp và địa
chủ phong kiến bản xứ và ở mức độ nhất định, bảo vệ quyền lợi hợp pháp
của người dân.
Pháp luật hình sự bao gồm các bộ luật hình được ban bố ở ba xứ,
một số sắc lệnh của Tổng thống Pháp, một số nghị định của Toàn quyền
Đông Dương và một số đạo dụ của nhà vua mà trong đó chứa đựng các
quy phạm pháp luật hình sự. Trước khi ban hành các bộ luật hình mới,
người Pháp đã sửa đổi một số điều quy định của luật hình cũ của phong
kiến bản xứ. Ví dụ, năm 1905, Tổng thống Pháp đã ra sắc lệnh bãi bỏ các
nhục hình (xuy, trượng, giảo, lăng trì...) đã được quy định trong Bộ luật
Gia Long và thay các hình phạt mới như xử tử, khổ sai, phạt giam... Luật
hình của chế độ thực dân đặc biệt chú trọng các tội chính trị mà được gọi
là “tội phiến loạn”, “tội chống lại chính phủ Pháp”... nhằm đặt cơ sở
pháp lí để đàn áp phong trào giải phóng dân tộc ở thuộc địa, bảo vệ chế
độ thuộc địa và ngai vàng của vua chúa phong kiến. Gắn liền với những
chế định về tội phạm và hình phạt là các cơ quan bảo vệ luật pháp như
cảnh sát, toà án, nhà tù.
Pháp luật lao động bao gồm các thể lệ tuyển dụng nhân công, chế độ
cưỡng bức lao động, chế độ tiền lương, giờ làm, bảo hiểm xã hội v.v..
Những quy định này nhằm khai thác triệt để và bóc lột nhân lực ở thuộc
địa.
Những luật lệ về khai thác thuộc địa, về quyền kinh tế nhằm bảo đảm
việc khai thác thuộc địa có hiệu quả và triệt để, bảo vệ sự độc quyền của
các nhà tư bản Pháp ở Đông Dương. Ví dụ: Nghị định ngày 11/1/1892 của
Toàn quyền Đông Dương quy định:
- Các sản phẩm của Pháp nhập vào Đông Dương không phải đóng thuế
nhập cảng;
- Các sản phẩm nước ngoài nhập vào Đông Dương phải chịu thuế như
khi nhập vào Pháp.
Pháp luật về tài chính quy định về tổ chức ngân hàng ở Đông Dương,
về việc phát hành đồng tiền Đông Dương, về nhiều thứ thuế đánh vào
người dân thuộc địa như thuế thân, thuế ruộng đất, thuế muối, thuế rượu...
Luật tố tụng có tố tụng dân sự và tố tụng hình sự, bao gồm các bộ luật
tố tụng ban hành ở ba xứ và một số văn bản đơn hành của Toàn quyền
Đông Dương, của nhà vua mà trong đó chứa đựng những quy phạm tố
tụng.

354
Tóm lại, hệ thống pháp luật thời Pháp thuộc, với những nội dung chủ
yếu như đã trình bày ở trên nhằm các mục đích chính sau đây:
- Duy trì chế độ thuộc địa ở Đông Dương, bảo vệ địa vị thống trị của
người Pháp ở Đông Dương và của phong kiến bản xứ.
- Khai thác triệt để và bóc lột sức người sức của ở thuộc địa;
- Bảo đảm sự độc quyền của tư bản Pháp, buộc nền kinh tế ở thuộc địa
hoàn toàn phụ thuộc vào chính quốc.
Trong hệ thống pháp luật thời Pháp thuộc, đáng chú ý nhất là Bộ dân luật
Bắc Kì và Bộ hình luật Trung Kì, ở đó chứa đựng nhiều nội dung quan trọng
của luật pháp của chế độ thực dân phong kiến bấy giờ.
b. Bộ dân luật Bắc Kì và nội dung chính của nó
Tên đầy đủ của Bộ luật này là “Bộ dân luật thi hành tại các toà Nam án
Bắc Kì”. Bộ luật này được soạn thảo trong một khoảng thời gian khá dài.
Ngay từ năm 1917, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định thành lập
một Uỷ ban Việt - Pháp soạn thảo Bộ dân luật Bắc Kì. Uỷ ban này đã làm
việc liên tục trong 4 năm và đến năm 1921, soạn thảo xong quyển thứ nhất,
gồm 91 điều, mới chỉ quy định về người và tài sản. Quyển này được ban
hành thực hiện thí nghiệm ở tỉnh Hà Đông. Năm 1927, Uỷ ban cố vấn về
luật lệ Việt Nam được thành lập, bao gồm một số người Pháp và người
Việt để khảo cứu các tục lệ về gia đình, thừa kế, hương hỏa, giúp cho việc
bổ sung và hoàn chỉnh bộ luật. Năm 1931, Bộ luật chính thức được ban bố.
Bộ dân luật Bắc Kì kế thừa nhiều quy định của Bộ luật Hồng Đức và
Bộ luật Gia Long, tiếp thu không ít về kĩ thuật làm luật, cơ cấu bộ luật,
hình thức pháp lí và một số nội dung của Bộ luật dân sự Napôlêông và
Bộ dân luật Thụy Sĩ (1912). Đồng thời, Bộ dân luật Bắc Kì, ở mức độ
nhất định đã hấp thụ những phong tục tập quán của người Việt Nam nên
có những quy định đặc thù khác với luật của các nước phương Tây và
luật Trung Hoa. Chính vì vậy, có thể nói Bộ dân luật Bắc Kì là bộ luật
tiêu biểu của luật pháp Việt Nam ở thời thuộc Pháp.
Bộ dân luật Bắc Kì gồm có thiên đầu và bốn quyển, mỗi quyển lại
được chia thành nhiều thiên, mỗi thiên lại được chia thành nhiều chương
ngắn, tổng cộng có 1.455 điều.
- Thiên đầu, nêu các nguyên tắc cơ bản của dân luật như nguyên tắc
công bố luật, nguyên tắc bất hồi tố, nguyên tắc bình đẳng, tự do cá nhân và
tôn trọng quyền tư hữu...
- Quyển thứ nhất: Nói về người, bao gồm các quy định về quốc tịch,
hộ tịch (khai sinh, khai tử, trú quán, thất tung - mất tích...), về hôn nhân và

355
gia đình, chế độ tài sản của vợ chồng, thừa kế;
- Quyển thứ hai: Nói về tài sản, bao gồm các quy định về phân biệt các
tài sản (động sản và bất động sản), về quyền sở hữu, về các hình thức sở
hữu, về quyền của chủ sở hữu, về chuyển dịch sở hữu...
- Quyển thứ ba: Nói về nghĩa vụ khế ước;
- Quyển thứ tư: Nói về cách viện chứng, bao gồm các quy định về cách
thu nhận, đánh giá và viện dẫn các chứng cứ trong các vụ kiện dân sự. Sau
đây là một số chế định chủ yếu của Bộ dân luật Bắc Kì:
* Chế định sở hữu
Về sở hữu, Bộ dân luật Bắc Kì quy định những vấn đề sau:
Phân loại tài sản thành hai loại động sản và bất động sản. Bộ luật liệt kê
những tài sản thuộc bất động sản, những tài sản là động sản.
Về các hình thức sở hữu, Bộ luật thừa nhận và bảo vệ các hình thức sở
hữu sau:
- Sở hữu của các pháp nhân công, bao gồm sở hữu nhà nước và sở hữu
làng xã. Các điều 475, 476... nêu cụ thể những tài sản thuộc hai loại hình
sở hữu đó;
- Sở hữu của pháp nhân tư: Theo Điều 459, pháp nhân tư là các hội
thương mại và các hội khác mà được phép thành lập. Các pháp nhân tư có
quyền chiếm hữu, hưởng dụng, thu lợi, định đoạt tài sản thuộc quyền sở
hữu của mình theo quy định của pháp luật.
- Sở hữu tư nhân: Theo Điều 462, quyền sở hữu tư nhân được pháp
luật bảo vệ, bao gồm quyền chiếm hữu, hưởng dụng và định đoạt tài sản
một cách tuyệt đối, miễn là không vi phạm vào những điều mà pháp luật
cấm;
- Sở hữu chung: Theo Điều 482, khi một vật thuộc quyền sở hữu của
nhiều người mà không thể đem phân chia vật đó ra được thì những người
này là đồng sở hữu chủ. Mỗi một đồng sở hữu chủ đều có quyền lợi và
trách nhiệm đối với tài sản chung, đều có quyền định đoạt tài sản chung.
* Chế định khế ước
Về chủ thể của khế ước, theo Điều 666, bất cứ người nào không bị
pháp luật tuyên cáo là vô tư cách thì đều có thể giao ước được cả. Người
vô tư cách bao gồm: vị thành niên (chưa đủ 18 tuổi tròn), đàn bà có chồng
mà không được chồng cho phép, người bị cấm quyền (vợ chồng không
được lập khế ước mãi mại với nhau, người giám hộ không được mua tài
sản của người mà mình giám hội...);

356
Về các điều kiện của khế ước, khế ước được coi là hợp pháp khi có đủ
hai điều kiện:
- Các bên hoàn toàn tự nguyện, không có sự hiểu lầm hoặc sự cưỡng
bức;
- Người lập khế ước mà pháp luật đã quy định, hoặc có người đại diện
hợp pháp;
Bộ dân luật Bắc Kì quy định cụ thể các loại khế ước sau đây:
- Khế ước sinh thời tặng dữ, cho tặng là khế ước do bên tặng chủ bỏ
đứt ngay một tài sản để cho bên người thu tặng nhận lấy. Thông qua khế
ước này, bên tặng chủ đã chuyển quyền sở hữu tài sản đó cho người thu
tặng;
- Khế ước mãi mại (khế ước mua bán). Đây là loại khế ước phổ biến
nhất;
- Khế ước thuê vật, là loại khế ước thuê tài sản (động sản hoặc bất
động sản - ví dụ như ruộng đất) mà theo đó các bên thoả thuận với nhau
bên thuê được sử dụng tài sản đó và phải trả cho bên cho thuê một khoản
tiền nhất định;
- Khế ước thuê nhân công;
- Khế ước vận tải.
Về hình thức của khế ước, những khế ước có giá trị tài sản lớn hoặc
thời hạn của khế ước dài thì đều phải lập thành văn bản.
* Chế định hôn nhân và gia đình
Về kết hôn:
Bộ luật quy định việc kết hôn phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Tuổi kết hôn của nam là từ 18 tuổi, nữ từ 15 tuổi. Tuy nhiên, trong
trường hợp có lí do chính đáng, quan tỉnh có thể cho phép nam từ 15 tuổi
và nữ từ 12 tuổi kết hôn (các điều 73, 75).
- Không vi phạm các trường hợp cấm kết hôn:
+ Cấm lấy người thân thích về trực hệ và một số người thuộc bàng hệ
(anh chị em khác cha hoặc khác mẹ, chị dâu, em dâu, anh chồng, em
chồng, anh em nuôi hoặc chị em nuôi...) - Điều 74;
+ Cấm không được lấy vợ thứ nếu chưa lấy vợ chính (Điều 81);
+ Cấm kết hôn khi có tang cha mẹ (thời hạn chịu tang là 27 tháng).
Nếu người vợ chính chết thì người chồng chỉ được lấy vợ khác khi đã hết
tang vợ chính (1 năm). Đàn bà goá phải để tang chồng 27 tháng mới được
tái giá, sau khi li dị 10 tháng, người vợ mới được tái giá (Điều 84);

357
- Việc kết hôn phải do hai bên nam nữ bằng lòng (điều 76) đồng thời
phải được sự đồng ý của cha mẹ, hoặc chỉ cần của riêng cha, nếu cha mẹ
chết cả hoặc không bày tỏ được ý kiến thì phải được sự đồng ý của ông bà
hoặc chỉ cần riêng của ông là đủ, nếu ông bà còn mà không bày tỏ được ý
kiến thì người vị thành niên dưới 21 tuổi phải được sự đồng ý của người
giám hộ (Điều 77, 78).
- Về thủ tục kết hôn, các điều 68, 69 quy định:
+ Cha mẹ người con trai phải đưa lễ vật đến nhà gái để làm sính lễ
một cách trọng thể thì sính lễ mới có giá trị. Bên nào bãi bỏ lời hứa hôn
mà không có lí do chính đáng thì phải bồi thường thiệt hại cho bên kia.
+ Việc kết hôn phải được khai với chính quyền (hộ lại) thì mới có
giá trị.
Về tiêu hôn và li hôn:
- Tiêu hôn: Toà án có quyền tuyên bố tiêu hôn khi có một trong những
trường hợp sau:
+ Cuộc hôn nhân đã vi phạm một trong các quy định cấm kết hôn nói
trên;
+ Việc kết hôn không khai với chính quyền (Điều 82);
+ Khi người đàn bà đã có giá thú mà chưa tiêu hôn (Điều 82).
Đương sự có quyền xin toà án cho tiêu hôn khi một bên kết hôn bị
nhầm lẫn (nhầm người nọ thành người kia, người đàn bà bị lừa dối về thứ
bậc thê thiếp), hoặc bị cưỡng ép (các điều 86, 87). Nếu việc kết hôn không
được cha mẹ, ông bà hoặc người giám hộ đồng ý thì những người này có
quyền xin toà cho tiêu hôn. Nếu cuộc hôn nhân đó đã được quá 1 năm hoặc
nếu người vợ đang có thai hoặc đang có con thì cha mẹ, ông bà hay người
giám hộ không được xin toà cho tiêu hôn (Điều 88).
- Li hôn: Các điều 116, 117 quy định vợ chồng hoặc một trong hai
người có thể xin toà án cho li hôn và chỉ có toà mới có quyền xét cho li
hôn, khi có một trong những duyên cớ li hôn mà pháp luật đã quy định.
Chồng có thể xin li hôn vợ khi có một trong những duyên cớ sau
(Điều118):
+ Vợ gian dâm;
+ Vợ bỏ nhà chồng ra đi, tuy đã buộc phải trở về mà không chịu trở về;
+ Vợ thứ đánh chửi nhau với vợ chính;
Người vợ có thể xin li hôn chồng khi có một trong những duyên cớ sau
(Điều 119):

358
+ Chồng không lo cưu mang nuôi nấng vợ con;
+ Chồng bỏ nhà đi quá 2 năm mà không có lí do chính đáng;
+ Chồng đuổi vợ ra khỏi nhà mà không có lí do chính đáng;
+ Chồng làm trái trật tự thê thiếp.
Vợ chồng cùng có thể xin li hôn (thuận tình li hôn) khi có một trong
những duyên cớ sau (Điều 120)
+ Bên nọ hành hạ, chửi rủa thậm tệ đối với bên kia hoặc đối với tổ phụ
bên kia;
+ Một bên mắc trọng án;
+ Một bên vô hạnh làm nhơ nhuốc đến nỗi bên kia không thể ở chung
được;
+ Vì một bên bị bệnh tâm thần mà ai cũng biết hoặc phải ở suốt đời
trong bệnh viện.
Điều 121 quy định, vợ chồng chỉ có thể cùng nhau xin thuận tình li
hôn sau khi đã kết hôn được 2 năm. Theo Điều 122, đơn xin li hôn phải
nộp tại toà đệ nhị cấp nơi trú quán của bên bị đơn.
- Hậu quả pháp lí của việc tiêu hôn hoặc li hôn:
Theo Điều 112, trong trường hợp khi tiêu hôn hoặc li hôn mà vợ chồng
không có con, tài sản vợ chồng được chia theo quy định trong hôn ước,
nếu khi kết hôn không có hôn ước thì vợ được nhận lại phần tài sản riêng
của mình. Nếu tài sản riêng của vợ đã bị bán đi để chi dùng cho gia đình
hay cho riêng người chồng thì người vợ không có quyền đòi lại. Tài sản
chung được chia đôi cho vợ chồng. Tuy nhiên, nếu việc li hôn hay tiêu hôn
là do lỗi của người vợ thì người vợ chỉ được hưởng 1/4 số tài sản chung.
Trong trường hợp khi tiêu hôn hoặc li hôn mà vợ chồng đã có con,
người vợ chỉ được một phần tài sản chung, phần ấy tùy theo số tài sản mà
người vợ đã góp, tùy theo công sức của vợ đã cùng chồng làm ra tài sản và
do toà quyết định. Nếu người vợ thông gian mà bị li hôn thì phần đó sẽ bị
bớt đi một nửa. Người vợ bao giờ cũng được lấy lại đồ tư trang của mình.
Theo Điều 116, việc trông coi nuôi nấng con cái được giao cho người
cha. Nếu vì lợi ích của đứa trẻ ấy mà toà giao cho người mẹ thì người cha
phải có nghĩa vụ cấp dưỡng tiền nuôi con.
Các quan hệ vợ chồng:
Về các quan hệ nhân thân, vợ chồng có những nghĩa vụ và quyền hạn
sau:
- Vợ chồng cùng nhau làm cho gia đình hưng thịnh và nuôi dạy con cái

359
(Điều 91), giúp đỡ lẫn nhau (Điều 92);
- Chồng phải bảo hộ vợ chính, vợ thứ. Chồng là người chủ trong gia
đình (Điều 92, 95);
- Vợ chính, vợ thứ phải giữ tiết hạnh và phục tùng người chồng. Vợ
thứ phải phục tùng và kính trọng vợ chính (Điều 92);
- Vợ chính có quyền được ở và buộc phải ở với chồng. Chồng có thể
cho phép hoặc buộc vợ thứ phải ở riêng (Điều 94);
- Chồng phải tùy theo tài sản của mình mà chi phí cho nhu cầu thiết
yếu của vợ chính, vợ thứ (Điều 96);
- Nếu được sự đồng ý công nhiên hoặc mặc nhiên của chồng thì vợ
chính hay vợ thứ được làm một chức nghiệp hoặc bất cứ công nghệ gì. Nếu
người chồng không đồng ý thì người vợ có thể chứng minh rằng làm việc
đó là vì lợi ích của gia đình và xin quan chánh án toà đệ nhị cấp cho phép
làm công việc đó (Điều 101);
- Vợ chính, vợ thứ phải được chồng cho phép mới được thưa kiện hoặc
tham gia khế ước (Điều 98). Khi vợ muốn kiện chồng, hoặc vợ chính, vợ
thứ muốn kiện nhau thì người vợ ấy phải xin phép quan chánh án toà đệ nhị
cấp hoặc quan thủ hiến bản tỉnh (Điều 97).
Về chế độ tài sản của vợ chồng, theo các điều 104 và 107, nếu khi kết
hôn không có hôn ước thì trong thời gian hôn nhân, tất cả các tài sản riêng
chung của vợ chồng đều là tài sản chung. Theo Điều 111, khối tài sản cộng
đồng đó phải gánh chịu các khoản nợ: vợ hoặc chồng vay trước khi kết
hôn, khoản nợ của chồng vay trong thời kì hôn nhân, các khoản nợ do vợ
vay với tư cách là đại diện cho toàn thể vợ chồng hoặc vay với sự ưng
thuận của người chồng, các khoản nợ do hành vi phạm pháp của người vợ
gây ra. Cụ thể, chồng hoặc vợ có những quyền và nghĩa vụ về tài sản như
sau:
- Chồng được quản lí tài sản trong gia đình. Còn vợ chỉ được
quyền quản lí tùy theo giới hạn được thay mặt gia đình mà thôi (Điều
108);
- Người chồng có quyền mua bán bất động sản (chỉ trừ bất động sản
riêng của người vợ) mà không cần có sự tham gia hoặc ưng thuận của
người vợ, miễn là việc mua bán đó đem lại lợi ích cho gia đình (Điều 109);
- Các giao dịch của vợ chính về tài sản như cầm cố, thế chấp, tặng
cho... đều phải được người chồng kí vào văn bản hoặc có giấy của người
chồng cho phép (Điều 102);
- Nếu người chồng không chu cấp để nuôi dưỡng vợ con hoặc phát tán

360
tài sản của gia đình thì người vợ có quyền xin toà án cấm người chồng sử
dụng các tài sản riêng của vợ (Điều 110).
Quan hệ cha mẹ - con cái:
Về nghĩa vụ và quyền của con cái, theo Điều 206, con cháu ở cùng nhà
với cha mẹ, ông bà nội thì thuộc hẳn quyền của người gia trưởng trong
nhà. Con cái có những nghĩa vụ và quyền cụ thể sau (Điều 207).
- Con cháu phải suốt đời hiếu thảo, cung kính, làm vinh dự cho cha mẹ
ông bà, phải cấp dưỡng cho ông bà cha mẹ;
- Con cháu không được kiện ông bà cha mẹ trước toà án;
- Không được phép của người cha, con cái không được bỏ nhà;
- Khi đã thành niên ra ở riêng hoặc đã thoát phụ quyền được phép lập
gia đình riêng thì con cái có quyền sở hữu tài sản riêng;
- Cha mẹ không được đem con cái đi cầm cố hoặc bán đi trừ nợ, con vị
thành niên chưa thoát quyền thì cha mẹ có thể cho thuê mướn để làm việc
cho người khác.
Về phía cha mẹ, có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Nuôi dưỡng giáo dục con vị thành niên, tùy lực mình và tùy tư chất
của đứa con mà dạy con học hoặc cho đi học (Điều 218);
- Quyền chủ tể đối với tất cả mọi người đồng cư trong nhà, là quyền
của người gia trưởng (Điều 204). Ông cha lấy lời khuyên bảo mà giám đốc
gia đình của con cháu, con cháu ấy lại chính mình là gia trưởng của gia
đình mình (Điều 205). Con cháu ở cùng nhà với cha mẹ, ông bà nội thì
thuộc hẳn quyền gia trưởng trong nhà (Điều 206). Nếu người chồng chết,
hoặc bị mất tích, hay bị cấm quyền thì người vợ chính được giữ quyền gia
trưởng đối với con cái của người chồng sinh ra (Điều 219);
- Đặc biệt, người cha có quyền xin tống giam con trong trường hợp quá
bất bình về cách ăn ở của người con đó. Bộ luật quy định cặn kẽ thủ tục xin
tống giam. Sự xin tống giam phải đệ đơn lên chánh án toà đệ nhị cấp, nếu
con chưa đủ 16 tuổi thì không được xin tống giam quá 1 tháng, từ 16 tuổi thì
giam không quá 6 tháng, nếu thành niên thì phải tha ngay. Người con không
thể bị giam chung với tù thường phạm. Quan chánh án có thể bác đơn xin
tống giam nếu đứa con bị bệnh tật. Trong thời gian con bị tống giam, người
cha phải chịu các phí tổn cho việc tống giam và phải nuôi dưỡng con.
* Chế định thừa kế
Những nguyên tắc thừa kế (các điều 310 - 319)
- Sự thừa kế khai phát tại nơi trú quán cuối cùng của người chủ tài sản

361
và bắt đầu từ lúc người đó chết;
- Những người không có tư cách hưởng thừa kế là người chưa thành
thai (như vậy có nghĩa người chưa lọt lòng cũng được hưởng thừa kế),
người mới được sinh ra đã chết ngay, người không xứng đáng hưởng thừa
kế và bị truất quyền thừa kế. Những người sau đây là người không xứng
đáng và bị truất quyền thừa kế:
+ Người đã bị ghi trong chúc thư là như vậy;
+ Kẻ đã xâm phạm đến tính mạng người chủ tài sản;
+ Kẻ đã cố ý đánh bị thương người chủ tài sản hoặc ông bà, cha mẹ
của người chủ tài sản;
+ Kẻ thành niên biết kẻ cố sát người chủ tài sản nhưng không tố cáo
với toà án, (trừ những người là ông bà, cha mẹ, chồng, anh chị em ruột và
những người họ hàng gần của kẻ cố sát);
+ Kẻ đã vu cáo người chủ tài sản hoặc ông bà cha mẹ của người này,
mà sự vu cáo ấy đã bị phạt tiểu hình hoặc đại hình.
- Quyền từ chối nhận thừa kế, trừ những người là con cháu, vợ, chồng
của người chủ tài sản;
- Tài sản thừa kế truyền lại cho ai là do ý muốn của người chủ tài sản
hoặc do luật định.
Thừa kế theo di chúc:
Người đã thành niên hoặc đã thoát quyền và có đủ trí khôn đều có thể
làm di chúc để xử trí tài sản của mình. Vợ chính và thứ khi đương giá thú,
nếu được chồng ưng thuận thì có thể lập di chúc định đoạt tài sản của mình
nhưng phải giữ quyền lợi cho người chồng (Điều 320).
Di chúc phải làm thành văn bản (chúc thư), có lí trưởng và người thành
niên khác làm chứng (các điều 323, 324). Chúc thư phải làm thành nhiều bản
chính, mỗi người nhận thừa kế một bản (Điều 328).
Thừa kế theo luật:
Theo các điều 337 - 343, nếu người để lại di sản mà không có chúc thư
thì tài sản được chia theo quy định của pháp luật theo thứ tự sau đây:
- Con trai con gái của người để lại di sản được chia đều nhau. Nếu
người được thừa kế chết thì con cháu đang sống của họ được thay mặt
nhận phần di sản ấy mà chia nhau;
- Nếu người để lại di sản không có con thì di sản được để lại cho bố
mẹ nhưng phải giữ quyền lợi cho người vợ hoặc người chồng đang sống;
- Nếu không còn con cháu, cha mẹ thì di sản thuộc về người chính hệ

362
tôn thuộc gần nhất (ông bà bên nội) nhưng vẫn phải giữ quyền lợi cho
người vợ hoặc người chồng;
- Nếu không còn người chính hệ tôn thuộc gần nhất thì di sản được
truyền cho anh chị em ruột và được chia đều nhau, anh chị em nào chết thì
con cháu của họ được nhận thay;
- Nếu anh chị em ruột và con cháu của những người này cũng không
còn ai thì di sản được truyền cho người còn lại của bên họ nội;
- Nếu thân tộc bên nội không còn một ai, di sản truyền cho bên ngoại;
- Nếu thân tộc ngoại không con ai thì người vợ chính được hưởng toàn
bộ di sản của người chồng để lại;
- Nếu không còn vợ goá thì di sản sung công vào Nhà nước.
Theo các điều 344 - 363, khi chồng chết, người vợ chính được thay
quyền chồng quản trị trong nhà, đối với con đẻ vị thành niên của mình và
con của vợ thứ, đối với tài sản trong gia đình. Đối với bất động sản riêng
của chồng hoặc của chung vợ chồng, người vợ chính muốn chuyển dịch
(khế ước) thì phải thoả hiệp với các con chồng đã thành niên hoặc người
giám hộ của con chồng (nếu chúng chưa thành niên). Trong lúc sinh thời,
người vợ goá có quyền ngăn cấm việc chia thừa kế đối với tất cả các tài
sản trong gia đình.
Theo Điều 364, vợ thứ không được hưởng một phần nào trong di sản
thừa kế của người chồng đã chết mà chỉ được tiếp tục ở nhà, cấp lương
thực và tiền chi dùng.
Theo Điều 368, khi người vợ chết thì tài sản riêng của người vợ do người
chồng chiếm hữu, quản lí và hưởng thụ để làm lợi cho gia đình.
Thừa kế hương hỏa:
Theo các điều 395 - 436, tài sản hương hỏa không được quá 1/5 tổng
số tài sản. Tài sản dùng làm hương hỏa không được chuyển dịch (không
được lấy làm vật để tham gia các loại hợp đồng). Tài sản hương hỏa
được truyền 5 đời, sau đó giao cho hội đồng gia tộc quyết định.
Tài sản hương hỏa được giao cho con trai trưởng của người vợ chính
nếu con trai trưởng không còn thì giao cho cháu đích tôn. Nếu không có
con trai trưởng, cháu trai trưởng thì hương hỏa giao cho con trai thứ của vợ
chính. Nếu vợ chính không có con trai, hương hỏa giao cho con trai của vợ
thứ và cũng theo trật tự như các con trai của vợ chính. Nếu con trai không
có thì hương hỏa được truyền cho con gái. Như vậy, về cơ bản, luật hương
hỏa của Bộ luật dân luật Bắc Kì đã theo tinh thần và nội dung của Bộ luật
Hồng Đức.

363
Luật hôn nhân - gia đình và luật hương hỏa trong Bộ dân luật Bắc Kì
thể hiện rõ nhất tư tưởng gia trưởng phong kiến và phong tục tập quán của
người Việt.
c. Bộ hình luật Trung Kì và nội dung chính của nó
Sau khi trở về nước, năm 1933, vua Bảo Đại ban hành Bộ luật hình
Hoàng Việt, hay con gọi là Hoàng Việt hình luật hay Hoàng Việt tân định
hình luật, hoặc Bộ hình luật Trung Kì. Đến năm 1942, Bộ luật này được
sửa lại rất nhiều.
Bộ hình luật Trung Kì vừa kế thừa nhiều điều khoản của Bộ luật Gia
Long, vừa tiếp thu không ít về bố cục, nội dung, hình thức và khái niệm
pháp lí của Bộ luật hình sự của Pháp.
* Về bố cục của Bộ luật:
Bộ luật có điều khoản mở đầu và 29 chương, với tổng số 424 điều.
Điều khoản mở đầu và 10 chương đầu quy định những vấn đề chung
về tội phạm và hình phạt, bao gồm: định nghĩa tội phạm, các loại hình phạt
và phân loại tội phạm, tái phạm, đồng phạm, tòng phạm, trách nhiệm hình
sự, trách nhiệm bồi thường dân sự, v.v.
Các chương còn lại quy định về các nhóm tội phạm cụ thể, những tội
cụ thể.
* Về tội phạm:
Điều 2 đã định nghĩa khái niệm tội phạm: “Hễ trái một điều khoản nào
trong luật này, tức là phạm tội luật hình”. Việc có định nghĩa chung về tội
phạm là một điểm mới, không có trong các bộ luật phong kiến trước đây.
Căn cứ vào các loại hình phạt, tội phạm được chia ra làm 3 loại tội: tội
vi cảnh, tội trừng trị (tội tiểu hình), tội đại hình. Theo Điều 3, phạm tội vi
cảnh là phạm vào tội mà trong luật đã định phải xử theo tội danh vi cảnh,
phạm tội tiểu hình là phạm việc gì mà trong luật đã định phải xử theo tội
danh tiểu hình, phạm tội đại hình là phạm việc gì mà trong luật đã định
phải xử theo tội danh đại hình. Từng loại tội trên lại được chia thành các
tội danh theo hình phạt của tội danh ấy, ví dụ tội vi cảnh gồm tội phạt giam
và tội phạt bạc (phạt tiền).
Ngoài ra, qua các chương, từ Chương XI trở đi đã thể hiện sự phân
loại tội phạm theo từng đối tượng mà tội phạm xâm hại.
Đó là các nhóm tội chủ yếu sau đây:
- Nhóm tội xâm phạm đến hoàng đế, hoàng thân và cuộc trị yên của
Nhà nước (Chương XI). Ví dụ, Điều 99 quy định dùng binh khí chống

364
nước Đại Pháp là nước bảo hộ của nước Đại Nam sẽ bị xử tử hình. Theo
Điều 100, người nào dùng những phương lược để làm sự bạo hành mà
mục đích cốt để đánh đổ Chính phủ, hoặc thay đổi hoàng thống bản
quốc, hoặc xui dân nổi dậy chống với đế quyền, xâm hại đến hoàng đế,
hoàng hậu, hoàng tử, hoàng nữ thì đều phải xử tử hình;
- Nhóm tội làm rối trật tự xã hội (Chương XII). Trong đó, điển hình
nhất là các loại tội gây bạo loạn, chế tạo và tàng trữ vũ khí trái phép, lập
hội trái phép, chống đối hoặc hành hung công chức nhà nước.
Hai nhóm tội trên chủ yếu là những tội phạm chính trị. Hình phạt áp
dụng cho những tội này thường rất nặng, là đại hình, nhằm bảo vệ chế độ
thuộc địa, vương quyền và cung cấm.
- Nhóm tội gian dối (Chương XVIII) có các loại tội như giả mạo chữ kí,
văn khế... làm tiền giả, ấn tín giả, con dấu giả, mạo chức vụ v.v..
- Nhóm tội xâm phạm đến nhân thân cá nhân (Chương XXI), có các
loại tội như giết người, đánh người thành thương, các tội về tình dục, bắt
hoặc giam người trái phép, vu cáo, tố cáo những người thân (bất hiếu)...
- Nhóm tội xâm phạm tài sản (các chương XXII - XXV), gồm nhiều
loại tội như trộm cướp, cưỡng đoạt tài sản, lừa gạt tài sản, phá hoại tài sản,
đánh bạc, cân đong sai...
Ngoài ra còn có một số nhóm tội khác.
* Về hình phạt:
Hình phạt có chính hình và phụ hình
Chính hình, bao gồm 3 loại:
- Đại hình:
+ Tử hình, người bị tử hình sẽ bị bắn hay chém trước công chúng
(Điều 6). Theo Điều 7, tội tử hình không đem ra hành hình trong ngày
quốc khánh Pháp và những ngày lễ mà luật nước Pháp đã công nhận, ngày
chủ nhật, ngày lễ vạn thọ...;
+ Khổ sai chung thân, phạm nhân bị bắt đi làm những công việc nặng
nhọc suốt đời. Cụ thể, Điều 9 quy định: “Đàn ông bị khổ sai sẽ dùng hành
dịch rất khó nhọc trong những địa phương ở trong nước”. Và điều 10 quy
định: “Những người 60 tuổi trở lên và đàn bà con gái bị khổ sai sẽ phải
hành dịch trong những chỗ giam mà thôi”;
+ Phát lưu, Điều 11 quy định: “Tội phát lưu là phải giải đi và phải
chung thân ở một nơi nào trong xứ Đông Pháp” (Đông Pháp: các thuộc
địa của Pháp);

365
+ Khổ sai có kì hạn, theo Điều 12, kì hạn ít nhất là 5 năm, nhiều nhất
là 20 năm;
+ Câu cấm, theo Điều 13, tội câu cấm là bị giam cầm nhưng không
phải làm những công việc nặng nhọc, thời hạn 5 - 20 năm;
+ Tỉ tri, Điều 14 quy định: “Người nào bị tội tỉ tri thời bị giải đi một
chỗ và buộc phải ở đó (nghĩa là người đó bị quản thúc tại một nơi), thời
hạn 5 - 10 năm.
- Tiểu hình:
+ Phạt giam, theo Điều 15, là phải giam trong nhà lao ở tỉnh và phải
làm công việc mà nội quy của nhà lao đã định rõ, thời hạn phạt giam tiểu
hình là 15 ngày - 5 năm;
+ Phạt bạc, tiền phạt trong khoảng 5 đồng - 600 đồng, nếu phạm nhân
đã bị tam giam thì mỗi ngày tạm giam được trừ 0,30 đồng, mỗi tháng tạm
giam được trừ 10 đồng (theo Điều 16);
- Vi cảnh (Điều 17):
+ Phạt giam, có thời hạn là 1-10 ngày, giam riêng trong những chỗ
riêng hoặc giam chung một chỗ với những người bị phạt giam về tội tiểu
hình nhưng không phải làm việc nặng.
+ Phạt tiền
Phụ hình: Các tội đại hình và tiểu hình có thể bị áp dụng thêm phụ
hình. Các phụ hình gồm có:
- Chính quyền quản thúc hay còn được gọi là hương quyền quản thúc.
Theo các điều 19 - 26, đó là việc giao người bị giam khi mãn hạn về cho lí
hào địa phương ở nguyên quán, hoặc ở nơi trú quán, hoặc ở quê vợ hay
quê mẹ quản thúc. Người bị quản thúc có thể không được đi tới một số địa
phương khác mà toà án đã quy định, nếu không được phép thì không được
rời khỏi làng. Thời hạn quản thúc là 1 - 20 năm;
- Tước các quyền, theo Điều 27 những người bị án đại hình, hoặc một
số tội về tiểu hình, đồng thời suốt đời bị tước toàn bộ hoặc một số những
quyền: quyền bầu cử, quyền ứng cử, quyền được dự vào hội đồng làng xã
hay các hội đồng tư vấn của Chính phủ, quyền được làm công chức, quyền
được dự bàn trong hội nghị gia tộc, quyền làm người giám hộ (trừ giám hộ
cho con), quyền được làm người giám định hay người làm chứng trong các
khế ước, quyền được làm chứng trước toà, quyền được chức sắc và phẩm
hàm;
- Tịch thu tài sản, có thể tịch thu toàn bộ hoặc một phần tài sản (theo
các điều 29, 30);

366
- Đền lại tài sản và bồi thường tổn hại, theo Điều 32, việc đền lại nghĩa
là đem những tài sản đã bị người phạm tội lấy mất trả cho người bị hại. Và
theo Điều 36, can phạm phải bồi thường cho người bị hại những thiệt hại
về vật chất và tinh thần do hành vi phạm tội gây ra;
- Câu thúc thân thể, theo Điều 38, can phạm bị xử phạt tiền, phạt đền
lại tài sản, phạt bồi thường tổn hại có thể bị bắt giam đến khi nào nộp đủ
số tiền đó, nếu không nộp đủ thì phải lưu giam đến khi hết thời hạn câu
thúc, thời hạn lưu giam 5 ngày - 1 năm, tùy theo số tiền phải nộp (Điều
41);
- Niêm yết tội trạng, theo Điều 43, những tội đại hình, tội quản thúc,
tội tước quyền đều bị niêm yết tội trạng ở các làng trong tỉnh sở tại, ở nơi
người bị án đã phạm tội, ở làng nguyên quán của tội phạm và ở những nơi
khác mà toà án thấy cần thiết để cho mọi người ở địa phương biết.

II. TOÀ ÁN
Toà án xuất hiện ở Việt Nam lần đầu tiên từ thời Pháp thuộc, do ảnh
hưởng của nền tư pháp bên chính quốc. Loại hình toà án ở thời Pháp thuộc
rất phức tạp về hình thức, do ở Việt Nam thời đó có hệ thống chính quyền
Pháp và hệ thống chính quyền phong kiến bản xứ nên cũng có hai hệ thống
toà án: các toà án Pháp và các toà án Nam Triều. Đồng thời, do 3 xứ có 3
quy chế chính trị khác nhau, 3 hình thức tổ chức chính quyền khác nhau
nên những toà án ở 3 xứ cũng được tổ chức khác nhau.
1. Hệ thống các toà án Pháp tại Việt Nam
Về địa vực, các toà án Pháp được thiết lập không chỉ ở vùng đất hưởng
quy chế thuộc địa (Nam Kì và 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng)
mà còn cả ở đất bảo hộ Bắc Kì và Trung Kì (vì ở đây cũng có những người
thuộc thẩm quyền xét xử của toà án Pháp).
Về thẩm quyền, các toà án Pháp xét xử các vụ án liên quan đến người
Pháp, những người được biệt đãi như người Pháp (người Âu, Mỹ, Nhật,
Trung Hoa...); người Việt sinh ra ở vùng đất thuộc địa.
Các toà án Pháp được áp dụng một số nguyên tắc tư pháp của chính
quốc; trong nội bộ pháp đình có 3 cơ quan rõ ràng (công tố, điều tra, xét
xử), nguyên tắc phân quyền tư pháp với hành chính (có ngạch thẩm phán
riêng), đảm bảo quyền bào chữa cho các đương sự (đương sự có quyền
mượn luật sư bào chữa).
Hệ thống toà án Pháp gồm các cấp và loại toà án sau đây:
a. Các toà hoà giải thường

367
Đây là loại toà ở cấp thấp nhất. Toà hoà giải thường có hai loại. Toà
hoà giải thường do thẩm phán người Pháp chủ tọa (có 3 toà: một ở Sài
Gòn, một ở Hà Nội và một ở Hải Phòng), xét xử những vụ có liên quan tới
người Pháp hoặc những hạng người được biệt đãi như người Pháp và loại
toà hoà giải thường do thẩm phán người Việt chủ tọa, trong loại toà này
không có viện công tố, chỉ xử các vụ liên quan tới người Việt, các toà loại
này đặt ở các tỉnh Nam Kì.
Về thẩm quyền của toà án hoà giải thường
- Về dân sự và thương sự, toà chỉ xử các vụ kiện về động sản có giá trị
từ 300 quan (300 đồng Frăng) trở xuống và là xử chung thẩm, không có
quyền xử các vụ về bất động sản;
- Về hình sự, toà chỉ xử các tội vi cảnh (nếu bản án phạt tiền không
quá 5 quan thì đó là bản án chung thẩm).
b. Các toà hoà giải rộng quyền
Ở Nam Kì có 3 toà: Toà Bà Rịa quản hạt cả Vũng Tàu, Toà Biên Hoà
quản hạt cả Thủ Dầu Một và Toà Tây Ninh. Ba toà ở Nam Kì đặt dưới
quyền của Toà thượng thẩm Sài Gòn. Ở Trung Kì có Toà Vinh quản hạt 3 tỉnh
Nghệ An, Thanh Hoá, Hà Tĩnh. Ở Bắc Kì có Toà Nam Định, quản hạt 3 tỉnh
Nam Định, Thái Bình, Hà Nam. Toà Nam Định và Toà Vinh đặt dưới quyền
của Toà thượng thẩm Hà Nội. Tại các tỉnh mà không thuộc quản hạt 5 toà
án trên thì công việc của toà hoà giải rộng quyền được giao cho Công sứ
tỉnh đảm nhiệm.
Mỗi toà hoà giải rộng quyền chỉ có một thẩm phán và một lục sự phụ
tá. Toà hoà giải rộng quyền có thẩm quyền như sau:
- Về dân sự, thương mại, toà xét xử các vụ kiện về động sản hoặc cả
các vụ kiện về bất động sản. Nếu vụ kiện về động sản có giá trị từ 3000
quan trở xuống, về bất động sản từ 300 quan trở xuống thì toà xử chung
thẩm;
- Về hình sự, toà xử phúc thẩm đồng thời là chung thẩm các tội vi cảnh
và sơ thẩm các khinh tội (tiểu hình).
c. Các toà sơ thẩm
Toà sơ thẩm ngang hàng với toà hoà giải rộng quyền, nhưng đồng thời
có điểm khác là có đủ 3 cơ quan: công tố do biện lí phụ trách và có phó
biện lí phụ tá, điều tra do dự thẩm phụ trách, xử án do chánh án phụ trách
và có các thẩm phán phụ tá.
Có 3 hạng toà sơ thẩm: 3 toà sơ thẩm hạng nhất được đặt tại Hà Nội,
Hải Phòng và Sài Gòn, 4 toà sơ thẩm hạng nhì đặt tại Đà Nẵng, Mỹ Tho,

368
Vĩnh Long, Cần Thơ và các toà sơ thẩm hạng ba ở những tỉnh còn lại của
Nam Kỳ.
Các toà sơ thẩm có thẩm quyền như toà hoà giải rộng quyền.
d. Các toà thượng thẩm
Có hai toà thượng thẩm đặt ở Hà Nội và Sài Gòn.
Về tổ chức, ở mỗi toà thượng thẩm có sự phân công rõ rệt giữa ba cơ
quan:
- Viện công tố (còn được gọi là viện chưởng lí), có chưởng lí và phó
chưởng lí, tham lí (hay thẩm lí) và phó tham lí phụ tá;
- Ban xử án gồm chánh nhất, các chánh án phòng, một số hội thẩm.
Ban xử án có hai phòng: một phòng chuyên xét xử việc hộ, một phòng tiểu
hình, mỗi phòng do chánh án phòng đứng đầu. Khi xử việc hộ thì chánh án
phòng hộ ngồi ghế chánh án và có hai hội thẩm. Khi xử việc hình thì chánh
án phòng tiểu hình ngồi ghế chánh án và cũng có hai hội thẩm;
- Cơ quan thẩm cứu (điều tra) là phòng truy tố, gồm ba thẩm phán: một
ngồi ghế chánh thẩm và hai người còn lại ngồi ghế phụ thẩm.
Về thẩm quyền, toà thượng thẩm xử phúc thẩm đồng thời là chung
thẩm các bản án do toà sơ thẩm, toà hoà giải rộng quyền đã xử nhưng bị
kháng án.
đ. Các toà đại hình
Cứ khi nào có vụ đại hình thì toà đại hình được thiết lập để xét xử.
Toà đại hình gồm có các thẩm phán của toà thượng thẩm và một số phụ
thẩm. Các phụ thẩm được lựa chọn bằng cách rút thăm trong một danh
sách các thân hào do quan chức địa phương lập ra hàng năm. Bị can có
quyền cáo tị (từ chối) các phụ thẩm, nghĩa là yêu cầu toà cử phụ thẩm
khác để thay thế vị phụ thẩm mà mình có nhiều lí do để nghi ngờ vị
phụ thẩm đó sẽ không vô tư trong việc xét xử. Phụ thẩm chỉ có quyền
tham gia vào việc định tội mà không có quyền tham gia vào việc quyết
định vấn đề bồi thường về dân sự.
Toà đại hình chỉ xét xử các tội đại hình. Bản án của toà đại hình là án
chung thẩm. Bị cáo không có quyền xin toà án nào khác phúc lại bản án đó
mà chỉ có một phương pháp kháng tố là xin phá án. Những vụ án có liên
quan đến các chiến sĩ cộng sản thời bấy giờ thường bị xử ở các toà đại
hình.
Như vậy, ở các toà án Pháp chỉ có hai cấp xét xử (sơ thẩm và phúc
thẩm) hoặc chỉ có một cấp - chung thẩm (đối với các vụ kiện dân sự nhỏ

369
hoặc tội vi cảnh nhỏ, tội đại hình).
2. Hệ thống toà án Nam Triều
Về địa vực, các toà án phong kiến triều Nguyễn chỉ tồn tại ở vùng đất
bảo hộ Trung Kì và Bắc Kì.
Về thẩm quyền, toà án Nam Triều chỉ xét xử các vụ án là người Việt
Nam sinh ra ở vùng đất bảo hộ (tức là thần dân của nhà vua), những người
ngoại quốc sinh sống tại Bắc Kì và Trung Kì bị liệt ngang hàng với người
Việt (như người Lào, Cao Miên). Ngay cả đối với những người này, khi kí
kết khế ước nào đó với nhau mà họ đã thoả thuận rằng nếu xảy ra tranh
chấp sẽ để cho toà án Pháp xét xử thì toà án Nam Triều cũng không có
quyền xử.
Khác với toà án Pháp ở Việt Nam, nhiều nguyên tắc tư pháp của chính
quốc không được áp dụng ở toà án Nam Triều:
- Toà án Nam Triều không có ngạch thẩm phán riêng biệt với ngạch
quan hành chính. Các quan cai trị đứng đầu các địa phương kiêm chức
năng chánh án. Như vậy có thể nói triều Nguyễn ở thời Pháp thuộc bước
đầu có sự tách tư pháp ra khỏi hành pháp nhưng mới ở mức độ rất hạn chế.
- Trong từng toà án Nam Triều không có sự phân biệt thành ba cơ
quan (ba loại thẩm phán): xử án, thẩm cứu, công tố như ở toà án Pháp.
Chánh án thường kiêm nhiệm cả ba công việc đó;
- Ở hầu hết các toà án Nam Triều (trừ toà đệ tam cấp ở Bắc Kì), các
đương sự không có quyền mượn luật sư biện hộ cho mình.
Trung Kì là đất bảo hộ, còn Bắc Kì là đất nửa bảo hộ nửa thuộc địa
nên về cách tổ chức, các toà án Nam Triều ở Bắc Kì và ở Trung Kì có một
số nét khác nhau.
a. Các toà án Nam Triều tại Bắc Kì
Tổ chức toà án Nam Triều tại Bắc Kì được quy định trong Bắc Kì
pháp viện biên chế. Theo đó ở Bắc Kì có 3 cấp toà án:
* Các toà đệ nhất cấp (toà sơ cấp):
Các toà này được lập ở phủ - huyện - châu. Chánh án thường là tri phủ
hoặc tri huyện, hay tri châu và có một lục sự phụ tá.
Thẩm quyền của toà sơ cấp bao gồm:
- Về dân sự và thương sự, toà sơ thẩm có quyền hoà giải và xét xử
những vụ kiện có giá trị từ 300 đồng trở xuống nếu là động sản, hoặc từ
100 đồng trở xuống nếu là bất động sản. Hoà giải là nhiệm vụ chính của
toà sơ thẩm. Khi có vụ kiện thuộc thẩm quyền thì trước hết toà phải tiến

370
hành hoà giải, nếu không xong thì mới đem ra xét xử. Trong đó, nếu vụ
kiện về động sản và có giá trị dưới 100 đồng thì toà xử chung thẩm.
- Về hình sự, toà sơ thẩm chỉ có quyền xét xử các tội vi cảnh. Đối với
tội tiểu hình và tội đại hình, toà sơ thẩm không có quyền xét xử nhưng có
nhiệm vụ điều tra, lập hồ sơ và đệ trình lên toà án cấp trên.
* Các toà đệ nhị cấp:
Toà đệ nhị cấp được đặt ở từng tỉnh nên thường được gọi là toà án
tỉnh. Toà án tỉnh có chánh án thực thụ (do công sứ đảm nhiệm) và chánh
án dự khuyết (bố chánh hoặc án sát). Chánh án thực thụ - công sứ Pháp
kiểm soát hoạt động của toà án và chỉ ngồi ghế chánh án để xét xử những
vụ án quan trọng hoặc các vụ án chính trị. Các án khác do chánh án dự
khuyết - Bố chánh hay án sát xét xử. Ngoài ra, ở toà còn có dự thẩm, lục
sự, phụ thẩm giúp việc cho chánh án.
Thẩm quyền của toà đệ nhị cấp bao gồm:
- Về dân sự và thương sự, toà án tỉnh có quyền chung thẩm các vụ kiện
mà toà sơ thẩm đã xử nhưng bị chống án, xử sơ thẩm chủ yếu đối với các
vụ kiện có động sản giá trị trên 300 đồng hoặc bất động sản có trị giá trên
100 đồng, đối với các vụ kiện về người (xem phần Bộ dân luật Bắc Kì).
- Về hình sự, toà án tỉnh chung thẩm việc kháng cáo bản án mà toà sơ
thẩm đã xử, xử sơ thẩm tội tiểu hình và đại hình.
* Toà đệ tam cấp:
Toà đệ tam cấp còn được gọi là toà thượng thẩm hoặc viện kháng tố.
Cả Bắc Kì chỉ có một toà đệ tam cấp đặt ở Hà Nội cùng trụ sở của toà
thượng thẩm Pháp.
Toà đệ tam cấp gồm có chánh án do chánh nhất hoặc chánh án phòng
của toà thượng thẩm Pháp đảm nhiệm, một thẩm phán người Pháp và một
quan lại người Việt ngồi ghế phụ thẩm. Như vậy, thực chất toà đệ tam cấp
chỉ như là một phòng của toà thượng thẩm Pháp tại Hà Nội.
Toà đệ tam cấp có những thẩm quyền sau:
- Xử phúc thẩm các bản án sơ thẩm (dân sự, thương sự, hình sự) mà
toà đệ nhị cấp đã xử sơ thẩm nhưng bị chống án;
- Xét xử những vụ án mà các toà án cấp dưới đã xử chung thẩm nhưng
đương sự làm đơn xin tiêu án và toà đệ tam cấp xét thấy toà án cấp dưới đã
xử sai.
Đứng đầu tất cả các toà án Nam Triều tại Bắc Kì là viên thẩm phán
người Pháp được gọi là quan Nam án thủ hiến Bắc Kì, trực thuộc Thống sứ

371
Bắc Kì chứ không phụ thuộc triều đình Huế. Hàng năm, viên Nam án thủ
hiến đó phải làm tờ trình về công việc xét xử của các toà án Nam Triều ở
Bắc Kì gửi lên Toàn quyền Đông Dương và có một bản sao gửi vào Viện
cơ mật Huế để hoàng đế duyệt. Như vậy, quyền hành của triều đình Huế
đối với các toà án Nam Triều ở Bắc Kì chỉ còn là hình thức.
Ở Bắc Kì tuy có 3 cấp toà án nhưng án chỉ được xét xử tối đa là 2 lần
(sơ thẩm và phúc thẩm).
b. Các toà án Nam Triều tại Trung Kì
Tổ chức các toà án Nam Triều ở Trung Kì được quy định trong Trung Kì
pháp viện biên chế. Theo đó, ở Trung Kì cũng có 3 cấp toà án:
* Các toà đệ nhất cấp:
Cũng như ở Bắc Kì, các toà đệ nhất cấp ở Trung Kì là toà sơ cấp lập ở
các phủ - huyện - châu, có một chánh án do tri phủ hoặc tri huyện hay tri
châu kiêm nhiệm và có một lục sự phụ tá.
Thẩm quyền của toà đệ nhất cấp ở Trung Kì rộng hơn thẩm quyền của
loại toà này ở Bắc Kì, cụ thể bao gồm:
Về dân sự, thương sự, các toà đệ nhất cấp ở Trung Kì xử chung thẩm
các vụ có giá trị tài sản từ 30 đồng trở xuống, sơ thẩm nếu phạt giam hoặc
phạt tiền quá 30 đồng. Đặc biệt, toà có quyền xử sơ thẩm tội tiểu hình.
* Các toà đệ nhị cấp:
Cũng như ở Bắc Kì, các toà đệ nhị cấp Trung Kì lập ở các tỉnh. Khác
với Bắc Kì, toà ở Trung Kì gồm có chánh án là tổng đốc và hai phụ thẩm
là án sát và bố chánh (nếu là tỉnh lớn) hoặc chánh án là tuần vũ và một phụ
thẩm là án sát, riêng ở Thừa Thiên thì chánh án là phủ doãn và phụ thẩm là
phủ thừa.
Thẩm quyền của toà đệ nhị cấp tại Trung Kì bao gồm:
- Về dân sự và thương sự, toà có quyền:
+ Chung thẩm các vụ đã được toà đệ nhất cấp xử sơ thẩm nhưng bị
chống án;
+ Xử sơ thẩm các vụ có giá trị tài sản từ 150 đồng trở lên;
+ Xử lại các bản án do toà đệ nhất cấp đã xử, mặc dù không bị chống
án nhưng đại diện Pháp không chấp thuận.
- Về hình toà có quyền:
+ Sơ thẩm các tội đại hình và đệ bản án sơ thẩm đại hình lên toà đệ
tam cấp, dù bản án đó có kháng cáo hay không;

372
+ Phúc thẩm các án tiểu hình mà toà đệ nhất cấp đã xử nhưng có
chống án, những bản án không có chống án thì cũng phải duyệt lại;
+ Chung thẩm đối với các bản án vi cảnh do toà đệ nhất cấp đã xử sơ
thẩm nhưng bị chống án;
+ Xử lại và chung thẩm những án vi cảnh do toà đệ nhất cấp đã chung
thẩm nhưng đại diện Pháp không chấp thuận.
* Toà đệ tam cấp:
Ở Trung Kì cũng chỉ có một toà đệ tam cấp và được đặt ở Huế. Trước
khi có sự cải cách năm 1942, toà đệ tam cấp có chánh án là Thượng thư Bộ
hình và 3 viên phụ thẩm là thị lang, tham tri, tá lí, nên toà này còn được
gọi là toà án Bộ hình. Năm 1942, toà này có sự cải cách: chánh án và 3 phụ
thẩm không phải là thượng thư, thị lang, tham tri, tá lí của Bộ hình nhưng
cũng vẫn là những người trong ngạch quan lại. Và từ đây, toà này còn
được gọi là toà phúc thẩm. Ngoài ra, khi xét xử các vụ án có liên quan đến
người trong hoàng tộc thì phải có một đại diện của Tôn nhân phủ ngồi ghế
phụ thẩm.
Thẩm quyền của toà đệ tam cấp bao gồm:
- Chung thẩm tất cả các bản án đại hình do toà đệ nhị cấp đã sơ thẩm;
- Chung thẩm các vụ kháng cáo bản án tiểu hình do toà đệ nhị cấp đã
xử. Đối với các bản bán tiểu hình dù không có kháng cáo của đương sự
nhưng có sự phản đối của đại diện Pháp thì đều được toà đệ tam cấp xét xử
lại;
- Chung thẩm các vụ kháng cáo các bản án dân sự, thương sự do toà đệ
nhị cấp đã xử sơ thẩm, xử lại các bản án loại này dù đương sự không
kháng cáo nhưng có sự phản đối của đại diện Pháp.
Như vậy, ở Trung Kì, trừ các tội vi cảnh còn các vụ án khác (cả về
hình, hộ, thương mại) thường được xét xử 3 lần, dù đương sự có kháng cáo
hay không.
Ở Trung Kì có những đương sự được hưởng đặc quyền tư pháp, cụ thể
là:
- Người trong hoàng tộc chỉ bị truy tố khi có sự chấp thuận của Hội
đồng tôn nhân phủ và được sự chuẩn y của Thượng thư Bộ hình;
- Những quan đứng đầu các cấp, từ huyện trở lên, chỉ bị truy tố khi có sự
đề nghị của Thượng thư Bộ lại và sự chấp thuận của viên Khâm sứ.
Mặc dù không có viên Nam án thủ hiến người Pháp và không có một
số thẩm phán người Pháp trong toà án Nam Triều như ở Bắc Kì, nhưng các
toà án Nam Triều ở Trung Kì cũng vẫn phụ thuộc vào chính quyền Pháp

373
(tuy ở mức độ ít hơn). Điều này được thể hiện tập trung ở sự kiểm soát của
chính quyền bảo hộ đối với hoạt động xét xử của các toà án. Sự kiểm soát
đó được quy định ở ngay hai đạo dụ của nhà vua ngày 2/8/1932 ngày
3/5/1933.
Nhìn chung lại, dù về hình thức tổ chức có hai hệ thống toà án của
người Pháp và của phong kiến bản xứ, dù ở ba xứ có ba cách tổ chức toà
án khác nhau nhưng về thực chất chỉ là một, đó là tổ chức toà án của chế
độ thuộc địa.

III. NHẬN XÉT CHUNG VỀ CHÍNH QUYỀN VÀ PHÁP LUẬT


THỜI PHÁP THUỘC
1. Về bản chất
Gần một thế kỉ, Đông Dương trong đó có Việt Nam là thuộc địa của
Pháp. Chính quyền và pháp luật ở Việt Nam thời Pháp thuộc là công cụ
chính trị chủ yếu mà thông qua đó, đế quốc Pháp duy trì chế độ thuộc địa -
nửa phong kiến, bảo vệ quyền lợi của chính quốc và tập đoàn phong kiến
bản xứ.
2. Về đặc trưng của phương thức cai trị
a. Đặc trưng phương thức cai trị của người Pháp ở Việt Nam là kết
hợp chặt chẽ chính sách chia để trị với nguyên tắc tập trung quyền lực
trong tay người Pháp.
Chính sách “chia để trị” được thực hiện như sau:
- Về hình thức, có hai hệ thống chính quyền: một của người Pháp và
một của phong kiến bản xứ. Tương ứng là hai hệ thống pháp luật của Pháp
và của Nam Triều, hai hệ thống toà án của Pháp và của triều Nguyễn. Đối
tượng quản lí của chính quyền và đối tượng áp dụng của luật pháp được
phân thành hai hạng người: người Pháp, ngoại kiều được biệt đãi như
người Pháp và người Việt sinh ra ở vùng đất hưởng quy chế bảo hộ; người
Việt là thần dân của hoàng đế bản xứ và những ngoại kiều bị liệt ngang
hàng với người Việt;
- Về hình thức, Việt Nam bị chia thành 3 xứ với 3 quy chế chính trị
khác nhau: Nam Kì và ba thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng là đất
thuộc địa (ba thành phố này thường được coi là nhượng địa, về cơ bản
giống đất thuộc địa), Trung Kì là đất bảo hộ, Bắc Kì lúc đầu cũng là đất
bảo hộ nhưng dần dần đã trở thành đất nửa bảo hộ nửa thuộc địa. Do có 3
quy chế chính trị nên 3 xứ có 3 hình thức tổ chức chính quyền, 3 quy chế
pháp lí, 3 cách thức tổ chức toà án và 3 nguồn luật viện dẫn.

374
Nguyên tắc tập trung quyền lực trong tay người Pháp được thể hiện
trên toàn như sau:
- Đứng đầu mỗi cấp (toàn Đông Dương, cấp kì, cấp tỉnh...) chỉ là một
người (Toàn quyền Đông Dương, Thống sứ Bắc Kì, Khâm sứ Trung Kì,
Thống đốc Nam Kì, công sứ tỉnh hoặc chủ tỉnh...). Tất cả các cơ quan ở
từng cấp chỉ giữ vai trò tư vấn, phụ tá cho quan chức đứng đầu cấp đó. Hay
nói cách khác, ở từng cấp, từng địa phương, quyền lực đều tập trung vào
trong tay một người;
- Người Pháp không xoá bỏ mà sử dụng chính quyền phong kiến bản
xứ làm công cụ thống trị, làm chỗ dựa cho họ ở Việt Nam. Đồng thời,
chính quyền Pháp được thiết lập trùm lên và chỉ đạo chính quyền phong
kiến tay sai, cả hai tạo thành hệ thống chính quyền thuộc địa ở Việt Nam.
Hay nói cách khác, chính quyền triều Nguyễn chỉ là một bộ phận của hệ
thống chính quyền thuộc địa. Pháp luật của Nam Triều cũng chỉ là một bộ
phận của hệ thống pháp luật thuộc địa;
- Trong hệ thống chính quyền thuộc địa, quan chức đứng đầu cấp dưới
phải chịu sự chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước quan chức đứng đầu cấp trên
và tất cả quy về một mối: Toàn quyền Đông Dương. Chính quyền thuộc địa
ở Đông Dương, trong đó có Việt Nam, đặt dưới sự chỉ đạo và giám sát trực
tiếp của chính quyền chính quốc.
Nếu như chính sách chia để trị nhằm làm cho dân Việt Nam sống ở
từng xứ như là sống ở từng “quốc gia” khác biệt nhằm phá hoại khối đoàn
kết của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng
thời để áp dụng những hình thức và biện pháp cai trị phù hợp với từng
vùng thì nguyên tắc tập trung tất cả quyền lực vào tay người Pháp để chỉ
đạo việc cai trị một cách nhanh nhạy, có hiệu lực và hiệu quả. Nếu chính
sách chia để trị là hình thức thì nguyên tắc tập trung quyền lực là nội dung
của phương thức cai trị. Hay nói cách khác, sự kết hợp đó là sự kết hợp
giữa tính hình thức và tính thực chất của phương thức cai trị.
b. Đặc trưng nổi bật thứ hai là Pháp không du nhập vào thuộc địa tư
tưởng và những thể chế cơ bản của nền dân chủ tư sản.
Đặc trưng nổi bật của phương thức cai trị của người Pháp ở Việt Nam
là khác với thực dân Anh thống trị ở Ấn Độ cùng thời, nhất là khác với
phương thức cai trị của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt
Nam sau này, người Pháp không du nhập vào thuộc địa tư tưởng và những
thể chế cơ bản của nền dân chủ tư sản. Không những phong trào vô sản mà
trước đó, các trào lưu yêu nước mang màu sắc dân chủ tư sản (như phong
trào Đông du của Phan Bội Châu, phong trào Đông kinh nghĩa thục...) đều
bị Pháp đàn áp quyết liệt. Ở Việt Nam trong thời kì Pháp thuộc không có

375
các thể chế dân chủ tư sản như chế độ lập hiến, chế độ đại nghị, chế độ bầu
cử;... Từ đầu thế kỉ XX, Pháp có lập ra Viện dân biểu Bắc Kì, Viện dân
biểu Trung Kì, các hội đồng hàng tỉnh. Nhưng thực chất, như đã trình bày
ở phần trên, chúng không phải là cơ quan đại nghị, cơ quan dân cử tư sản.
Bởi vậy, cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, tư tưởng
chính trị chủ đạo trong xã hội Việt Nam chủ yếu vẫn là tư tưởng phong
kiến.
3. Một số chuyển biến của chính quyền và pháp luật của phong
kiến triều Nguyễn
Chính quyền và pháp luật của phong kiến triều Nguyễn, do tồn tại
trong một xã hội thuộc địa và chịu ảnh hưởng một số yếu tố chính trị -
pháp lí tư sản phương Tây nên ít nhiều có những sự chuyển biến ở hai
điểm nổi bật sau đây:
a. Triều Nguyễn không còn là một nhà nước phong kiến tự chủ mà đã
mất hầu hết quyền lực, trở thành chính quyền bù nhìn tay sai của thực dân
Pháp.
Về không gian lãnh thổ, chính quyền nhà Nguyễn chỉ còn tồn tại ở
Trung Kì và Bắc Kì, là hai xứ nằm dưới sự bảo hộ của người Pháp nhưng
thực chất cũng là đất thuộc địa. Trong đó, Bắc Kì bị tách dần từng bước ra
khỏi sự quản lí của triều đình Huế và trở thành xứ nửa bảo hộ, nửa thuộc
địa.
Về phạm vi quyền hạn, các vị vua Nguyễn không còn quyền hành về
quân sự và quyền thu thuế. Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng bị
hạn chế tới mức tối đa. Có chăng chỉ còn thần quyền của nhà vua là còn
tương đối toàn vẹn, bởi nó không ảnh hưởng tới quyền lực của chính
quyền thực dân.
b. Trong tổ chức bộ máy nhà nước và pháp luật, ở mức độ hạn chế, triều
Nguyễn đã tiếp thu một số yếu tố chính trị - pháp lí tư sản phương Tây
Về tổ chức bộ máy, điều đó thể hiện rõ nhất ở các bộ: Lục bộ vốn là cơ
quan xương sống trong bộ máy quan liêu phong kiến. Đến thời thuộc Pháp
Lục bộ hầu như bị giải thể và thay vào đó có rất nhiều bộ khác, trong đó
nhiều bộ thường thấy có ở các nước tư sản phương Tây và lần đầu tiên
hiện diện trong nền hành chính ở Việt Nam như Bộ quốc gia giáo dục, Bộ
tài chính, Bộ tư pháp, Bộ công chính, Bộ kinh tế nông thôn.
Hệ thống Toà án cũng là loại cơ quan lần đầu tiên xuất hiện. Đó là dấu
hiệu bước đầu của sự phân biệt giữa tư pháp với hành pháp nhưng về cơ
bản, vẫn chưa có sự tách bạch thẩm quyền giữa tư pháp và hành pháp.

376
Về pháp luật, với việc ban hành các bộ luật mới về dân sự, hình sự, tố
tụng dân sự, tố tụng hình sự, các nhà làm luật đã bắt đầu phân loại luật
pháp thành các ngành luật. Trong các bộ luật đã thể hiện một số yếu tố tiến
bộ của luật pháp phương Tây, về kĩ thuật lập pháp, khái niệm pháp lí, hình
thức và cấu trúc pháp luật... Nhưng, như đã nói ở trên, đó chỉ là sự tiếp thu
ở một mức độ rất hạn chế, còn các thiết chế chính trị-pháp lí cơ bản của
nền dân chủ tư sản phương Tây đã không được áp dụng vì mục đích cai trị
thuộc địa theo thể chế quân sự hóa.
Chính quyền triều Nguyễn và luật pháp Nam Triều từ 1885 đến 1945
vẫn nằm trong phạm trù kiểu nhà nước và pháp luật phong kiến.
Trong suốt thời Pháp thuộc, dân tộc Việt Nam đã kiên cường đấu tranh
để giành lại độc lập dân tộc. Cuối cùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã đánh đổ được chế độ thuộc địa và xây
dựng xã hội mới.

377

You might also like