Academia.eduAcademia.edu
Phong Thái Truyền Đạt Văn Chương Hậu Hiện Đại Phong Cách Truyền Đạt Văn Chương Hậu Hiện Đại. Ngu Yên Về học thuật, có thể nói rằng, sau khi truyện Hiện Đại nỗ lực xây dựng những qui tắc, những tiêu chuẩn giá trị cao, tiến đến đỉnh hoàn hảo cho sáng tác, đã tự tạo thành sự tù túng, vây hãm sáng tạo. Yếu tính này vốn nghịch ngạo với văn chương. Sự thoát ly của Magic Realism là một thành công dẫn chứng cho sáng tác Hậu Hiện Đại cần đi tìm những con đường sáng tác mới. Những qui tắc, luật lệ sáng tác truyện ngắn và tiểu thuyết trong tinh thần Hiện Đại, có chủ ý tạo ra tiêu chuẩn phổ quát và phổ thông. Là siêu bản để giáo dục, kiểu mẫu hóa văn chương, mang tính thống trị. Là mục tiêu bị HHĐ bài bác và nỗ lực thay thế. HHĐ nhắm đến học thuật vi mô, mảnh rời, mang bản sắc và kỹ thuật của cộng đồng hoặc xã hội mà tác phẩm thành hình. Văn chương HHĐ không chỉ là một phần của văn hóa xã hội và lịch sử, mà còn là phương cách đặc biệt để mô tả đời sống, văn hóa và nỗi nghi ngờ sau thời Hiện Đại. Sự khủng hoảng khi nhận diện con người, bao gồm dân tộc, tình dục, xã hội, văn hóa, tâm lý, tôn giáo... Sự khủng hoảng khi tương tranh để hợp thức vào môi trường giả hình. Ví dụ, những tranh đấu nhân quyền, sắc tộc quyền, thiểu số quyền, nữ quyền, giới tính quyền.... Những đấu tranh trả lại thuộc địa và đòi hỏi quyền bình đẳng chung sống của các quốc gia.... Những khủng hoảng này là vấn đề giải quyết của HHĐ, thể hiện trong văn chương HHĐ. Vì không có siêu bản cho học thuật về kỹ thuật và thủ pháp, những vi mô bản của học thuật HHĐ tìm thấy trên từng tác giả thành danh và từng tác phẩm giá trị. Những vi mô bản mang tính độc lập, không cần thiết tập hợp hay thống nhất. Dẫn đến kết quả nghệ thuật và xác định kỹ thuật, thủ pháp trở nên rời rạc và bất nhất. Người đọc sẽ tìm thấy những đặc điểm chung như: nghịch biện, phân mảnh, kể truyện một cách nghi vấn ... 2 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. Tuy vậy, học thuật đến từ học thuyết. Kỹ thuật và thủ pháp sáng tác của HHĐ không thể ra ngoài phạm vi và yếu tính của HHĐ. Nghệ thuật sáng tác vẫn phải cưu mang đặc tính và yếu tố của thời đại mà nó được xây dựng. Một tác phẩm HHĐ là tác phẩm hội đủ chủ đề và bản sắc của HHĐ. Bao gồm luôn đặc điểm, đặc tính, thủ pháp, kỹ thuật và tinh thần. Tuy vậy, những điều vừa nêu ra nằm trong ý thức giả định vì rốt ráo HHĐ là một học thuyết tự nghi ngờ chính bản thân. Đặc điểm văn chương HHĐ. Quan niệm của văn chương HHĐ xây dựng trên khái niệm "siêu văn bản" và "vi mô bản" của Lyotard, trên quan điểm "chơi" của Derrida, trên khái niệm "quyền lực" của Foucault, trên khái niệm "cận giả mạo" của Baudrillard và những tư tưởng liên quan đến quyền lực của chủ thể (tức là cá nhân) nhỏ hơn và bị áp đảo bởi quyền lực xã hội mà cá nhân sinh hoạt bên trong. 1- Từ những khái niệm tư tưởng đưa đến những đặc điểm giả định dễ nhận ra: mỉa mai, khôi hài, u mặc trong văn bản. Những nhà văn HHĐ trong đội ngũ u mặc tân thời, (phân biệt với u mặc của Thiền) như John Barth, Joseph Heller, William Gaddis ... Kurt Vonnegut và Bruce Jay Friedman. (U mặc hiện thời không còn cư ngụ nơi triết học hoặc tư tưởng cao kỳ mà đi sâu vào đời sống bình thường, kể cả những địa phương tục tằn và kém trí thức.) Tính mỉa mai là phản ứng của thiểu số kém quyền lực. Trình bày một quan điểm chủ quan ngược lại với sự công nhận hoặc chấp nhận của đám đông, của chính sử, của quyền hành. Tính mỉa mai cũng nói lên tâm trạng không chắc hoàn toàn đúng, nhưng không hài lòng. Một tự ý thức trong văn chương. Tính mỉa mai thường xuyên xuất hiện trong văn chương HHĐ. Nói một cách khác, mỉa mai không hẳn đã đúng, hoặc có một ý tưởng đúng hơn, chỉ là một nhận thức, thông thường đến từ trực giác trước khi ý thức thành hình. Cảm tưởng mỉa mai đến từ không vừa ý, thấy sai lầm, biết hậu quả tai hại, nhưng không đủ quyền lực để thuyết phục đám đông. HHĐ vì nghi ngờ chính quyền lực và khả năng của bản thân, nên phản ứng nghi ngờ là bản sắc. Mỉa mai không đến từ ý tưởng hoặc tưởng tượng bịa đặt hay hoang tưởng mà đến từ kinh nghiệm sống. 2- Trình bày và diễn đạt theo mảnh rời. Vượt ra phạm vi cấu trúc căn bản của truyện Hiện Đại, đòi hỏi mở, kết và thân truyện. Đòi hỏi một luận lý mạch lạc và một thứ tự hợp lý xảy ra trong một khoảng thời gian dàn dựng. HHĐ chọn một cách trình bày khác, không phải là quy tắc, chỉ là hình thức văn phong: diễn đạt theo từng mảnh rời. Những phần truyện trong các mảnh rời như những mặt kính khác nhau, ráp lại thành một khối. Tuy không theo luận lý xuyên suốt nhưng có luận lý tổng hợp. Bản chất ngắn và tính nhất quán vẫn giữ nhưng không quyết tôn trọng như xưa. Ưu điểm của mảnh rời là câu truyện có thể nhảy vọt và thay đổi dễ dàng, không đòi hỏi sự liên kết. Do đó, tác giả có thể quyền biến cốt truyện, gây ra nhiều kinh ngạc, và cho văn học một thể loại kể truyện khác với truyền thống. Mỗi mảnh rời có thể độc lập, có thể liên hợp, tùy vào ý định và khả năng sáng tạo. Nghệ thuật kể truyện theo mảnh rời, đòi hỏi thủ pháp mô tả và dàn dựng khác hơn lối viết dàn trải bày tỏ tâm lý, tình cảm và ý tưởng. Mỗi mảnh rời không thể quá dài, sẽ làm cho người đọc lạc mất những mảnh rời khác. Vì vậy, kỹ thuật chọn lựa chi tiết nào nên kể và trình bày chi tiết theo cách nào là tài năng và kinh nghiệm của mỗi tác giả. Mô hình thứ nhất, những mảnh rời như những cửa sổ, mở hé, mở rộng, che màn hoặc vén màn, mục đích để độc giả có cơ hội nhìn vào trung tâm và toàn bộ câu truyện. Mô hình thứ hai, những mảnh rời mở cửa lớn, cho phép độc giả đi từ phòng này qua phòng kia, đi hết các phòng không cần thứ tự, miễn sau khi xem, nhận thức được toàn truyện muốn nói điều gì, căn nhà đẹp hay xấu, phẩm chất xây cất ở cấp độ nào, và hữu dụng ra sao? Mô hình thứ ba, những mảnh rời chồng lên nhau như tòa lầu nhiều tầng. Tác giả dẫn độc giả đi thăm viếng từng khu vực, không cần theo thứ tự. Lối đi có thể là thang máy, thang tầng cấp, hoặc trèo qua cửa sổ, miễn là độc giả không bỏ cuộc giữa chừng. Việc này đòi hỏi tài khéo léo sắp đặt và kể lể của tác giả. 3- Sự biến dạng của thời gian. 4 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. Truyện HHĐ sử dụng sự biến dạng của thời gian trong nhiều cách khác nhau. Trước tiên và thông dụng là truyện băng qua thời gian để vào một thế giới xa xưa hay viễn lai. Nhưng đặc biệt hơn là sử dụng thời gian sai lệch với sự kiện thực tế, tạo ra một ảo cảnh, để diễn đạt ý định. Ví dụ trong truyện Flight to Canada của Ishmael Reed, kể về tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln sử dụng điện thoại. Ông Lincoln sống trong giai đoạn 1809-1865. Alexander GrahamBell phát minh và nhận bằng sáng chế ngày 7 tháng 3 năm 1876. Sự sai biệt này có mục đích chế giễu khoa học thực dụng. Trong một số truyện khác, những chuyện rời xảy ra trong cùng một thời điểm. Đồng loạt nhấn mạnh về quan điểm hoặc ý nghĩa của truyện. Sự sai biệt nghịch lý về thời gian luôn luôn là một ám chỉ, gợi ý, một hình thái ẩn dụ động, một biến dạng, mang ý nghĩa mạnh mẽ ẩn giấu bên trong hoặc móc nối với liên văn bản. Những nghịch lý chẳng những điềm chỉ sự nghi ngờ về sự kiện, sự vật, mà còn nói lên sự nghi ngờ về kiến thức và kinh nghiệm nội tâm. 4- Tái lập. Sự Tái Lập (parody) trong tư tưởng của Lind Hutcheon (A Theory of Parody, 1985), của Margaret Rose, của fredric jameson khác với áp dụng Tái Lập trong chủ nghĩa Hiện Thực. Tái Lập trong nghĩa Hiện Thực gần gũi với Tái Tạo. Trong khi Hutcheon xác định Tái Lập "như một kỹ thuật tự phản thân, nhưng cũng đưa đến nghệ thuật như sự nhảy vọt không thể tránh khỏi đến thẩm mỹ và ngay cả xã hội thời đã qua." Điều mà ông muốn mở rộng ở đây là nói về những hình thức nghệ thuật cũ, bao gồm thể loại và văn phong truyền thống như: trinh thám, chuyện tình, chuyện dâm, chuyện miền viễn tây, chuyện khoa học giả tưởng, chuyện kinh dị .... được HHĐ viết lại. Đưa vào bối cảnh đương thời và bất ngờ. Viết lại, chuyển đổi, thay đổi kiểu mẫu và văn phong từ những tác phẩm văn học nổi tiếng, HHĐ tái lập một nhãn quan khác về thực tế, lịch sử và vị trí cho các sắc tộc thiểu số, các xã hội địa phương, và những thành phần thất thế. Tóm lại, sự tái lập và tái dụng cho thấy sự khác biệt giữa thời hôm nay và thời quá khứ. Tái lập vừa là nghệ thuật, vừa là thủ pháp, quan trọng trong cách thành hình tác phẩm HHĐ. Chưa có quy luật nào kiểm soát sự tái lập văn chương và nghệ thuật, nhưng có một số điều bất thành văn căn cứ vào đời sống và đạo đức sáng tác. Ví dụ, tái lập không được chấp nhận khi có đính kèm ý đồ lừa đảo. 5- Tái dụng. Từ Pastiche, cóp nhặt, phỏng tác, đến từ ngôn ngữ Ý. Pasticcio, nghĩa là một hỗn hợp của các thành phần khác nhau. Tác phẩm HHĐ bao gồm các phong cách, thể loại, sắc giọng, và phương thức khác nhau. Mỗi yếu tố trên đóng vai trò quan trọng trong thành phần tạo ra tác phẩm. Khởi đầu, sự cóp nhặt và phỏng tác bị phê phán, chê bai vì thiếu giá trị nghệ thuật và nhất là mục đích không tốt đẹp, không văn chương. Về sau, HHĐ nghiêng về tái dụng, tức là bắt chước, vay mượn, nhưng viết lại với mỹ thuật khác, trong bối cảnh ngôn ngữ khác, và xã hội, văn hóa khác. Như Wiiliam S. Burroughs sử dụng khoa học giả tưởng phối hợp tiểu thuyết trinh thám và truyện miền viễn tây, Margaret Atwood dùng khoa học giả tưởng với truyện cổ tích, Umberto Atwood dùng khoa học, trinh thám và cổ tích.....Rõ rệt nhất là Thomas Pynchon, ông dùng tất cả thể loại, thêm vào ca khúc, và văn hóa Pop....Có những tác phẩm vượt qua tái dụng, tạo thành một loại "phỏng sáng tác". Đi xa hơn là tiểu thuyết The Unfortunates của B.S.Johnson, 1969. Cuốn tiểu thuyết được sắp xếp trong hộp, không đóng gáy. Độc giả có thể ráp đặt, dàn xếp lại theo ý riêng. Những tác phẩm HHĐ thường cưu mang hoặc thể hiện những đặc điểm, đặc tính của HHĐ. Vì có nhiều tác phẩm trong thời HHĐ nhưng vẫn là tác phẩm thuộc chủ nghĩa Hiện Đại. Nói một cách đúng đắn, trong thời HHĐ đang ngự trị vàng son (1970-1990), tác phẩm mang tính Hiện Đại không phải chết yểu hoặc biến mất, chúng vẫn có mặt, tuy âm thầm và số lượng ít. Nhìn chung, thủ pháp, kỹ thuật, văn phong HHĐ thể hiện một cách riêng rẽ, không cần phải qui tắc hóa. Tính mô phỏng, bắt chước và giả mạo xây dựng trên những gì đã có. Nghĩa là, HHĐ phải dựa vào một số quy tắc đã được công nhận. Sáng tác không nhất thiết cần tìm mẫu số chung của học thuật, mà cảm nhận những học thuật riêng của từng tác phẩm và từng tác giả, của từng phong trào hoặc từng học thuyết văn chương. 6 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. Dù vậy, giới nghiên cứu phê bình vẫn nỗ lực đi đến những giả định nét đặc biệt trong học thuật: 1- Hậu Hiện Đại không chấp nhận sự tồn tại giữa bản chất nghệ thuật "cao" và "thấp". 2- Duy trì tính tự phản ảnh và tự ý thức, sự phân mảnh, và mơ hồ. 3- Chủ yếu là đối tượng luôn luôn bị nghi ngờ vì vậy sự truyền đạt về đối tượng luôn luôn trong ý thức nghi vấn. Tuy chưa phải chính thức, nhưng bước sang thời đương đại, một số người gọi là thời Hậu-Hậu Hiện Đại (Post-Postmodernism). Cụm từ này cho thấy sự lưỡng lự trong việc định danh. Bản chất và hiệu quả HHĐ vẫn kéo dài ảnh hưởng. Nhất là diện văn chương, truyện ngắn có khả năng nhạy cảm và dễ thay đổi, trong khi tiểu thuyết bao giờ cũng chậm hơn. Vì vậy giữa HHĐ và HHHĐ sẽ là một khoảng hổn độn và sự biến dạng của tác phẩm, sự thay đổi của tác giả và sự ngập ngừng của văn học thế giới. Về mặt tư tưởng, sự trưởng thành và chứng minh được giá trị của học thuyết cần thời gian, Có những học thuyết bắt đầu với HHĐ nhưng nẩy nở hoặc phá triển mạnh vào đầu thế kỷ 21, như Mô Phỏng Hiện Đại, Thuyết Tối Thiểu, Tuyết Tối Đa, Thuyết nữ quyền, Thuyết giới tính ...v...v... Không một nhà phê bình nào, không một kết quả nghiên cứu nào có thể xác định rõ ràng về khả năng, hiệu quả, và những biến dạng trong tương lai của HHĐ, vì rõ ràng không bao giờ có thể rõ ràng. Ngay cả việc đơn giản như xác định thời điểm khởi đầu hoặc chấm dứt của HHĐ cũng không chắc chắn, chỉ có giá trị tương đối. Sự kiện chồng chéo lên nhau của các thời đại thường gây rối mù cho nghiên cứu phê bình trong công việc đánh mốc, phân biệt lịch sử, xác định tư tưởng, phê phán tác phẩm và sắp loại tác giả. Sự khó khăn này sẽ là mấu chốt mà văn học thế giới sẽ phải đối diện khi đưa ra một tên gọi tương ứng cho thời đương đại. Đọc ví dụ truyện Hậu Hiện Đại thời nay Lịch Sử Hoang Tưởng Của Tôi Đặng Thơ Thơ. [Câu truyện được trình bày trong 10 mảnh rời. Có kết thúc mở rộng và chưa chấm dứt. Thường xuyên dựng những tứ văn, ai đọc cũng biết là hư cấu. Ngay ở tựa đề, cụm từ “Hoang Tưởng”, nhắc nhở người đọc, đây là truyện tưởng tượng, dù được dựng từ đối tượng thực tế hoặc bối cảnh thời sự. Thời gian của các sự kiện và biến cố sai lệch nhau. Những nhân vật lịch sử như Nguyễn Ái Quốc, Barack Obama được tái lập, có tính gợi ý liên văn bản. Quan điểm chống kỳ thị, chống quyền lực chính trị, xã hội và chống cả quyền lực siêu nhiên. Bày tỏ tinh thần nghi ngờ và ý thức độc lập của cá nhân trong xã hội chung quanh đầy tai biến. Đây là một câu truyện mang khá nhiều đặc tính và đặc trưng của Hậu Hiện Đại. Có thể nói, những truyện ngắn cập nhật văn học thế giới trong tuyển tập Khả Thể của Đặng Thơ Thơ, phát hành năm 2014, chứng tỏ hướng sáng tác của cô có nguồn gốc từ Hậu Hiện Đại tiến vào đương đại.] Vào truyện Mảnh 1: Giới thiệu cuộc thi lý lịch toàn quốc. Tổ chức bốn năm một lần. Tìm một lý lịch biểu tượng cho đất nước. "Mục đích của ban tổ chức là tìm ra một lý lịch hoàn chỉnh và lý tưởng; một lý lịch vừa cá nhân vừa tập thể, một lý lịch vừa công cộng vừa riêng tư. Điều đó có nghĩa gì? Một lý lịch lớn nhất sẽ được chọn để làm đại diện cho tất 8 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. cả những lý lịch nhỏ cộng lại. Điều phiền phức thường xảy ra là đôi khi các lý lịch nhỏ cộng lại không giống đáp số là lý lịch lớn." Lý lịch được hiểu trong hai khía cạnh: 1- Lý lịch là bằng chứng kiểm soát của quyền lực xã hội, bất kỳ cá nhân nào trong tập thể này đều phải tuân theo. 2- Lý lịch là bản giả của mỗi người. Không có lý lịch nào hoàn toàn đúng, nhưng có lý lịch hoàn toàn sai, vì người tự khai báo và người truy lục viết lại đều uốn cong thông tin theo vô thức hoặc ý đồ. Do đó, tìm một lý lịch hoàn chỉnh, lý tưởng là tìm một bản giả dù tốt nhất, vẫn không có giá trị. Mảnh 2: Nhân vật Tôi không có cha, mang họ mẹ. Ngoại hình da đen, tóc quăn, lai mỹ đen. Học vấn cao, cử nhân kinh tế từ UCLA, tiến sĩ luật khoa Yale. Nhờ bằng cấp học vấn đã vượt qua cánh cửa khắt khe của chủng tộc. Nhất là con lai. [Mảnh 2 thể hiện sự mỉa mai về kỳ thị màu da.] "Mày là đồ da đen Tôi là công dân Mỹ Mày mà Mỹ chó gì! Mày là chệt da đen Hahaha, ủa còn có ba tàu lai mọi da đen nữa hay sao? Mảnh 3: Để bước qua những cửa kiểm tra, phải có giấy thông hành. "Chẳng có lý lịch nào vĩnh viễn cả. Mọi lý lịch chỉ là tạm thời. Lý lịch chỉ để băng qua những cánh cửa. Những cánh cửa chỉ để người băng qua. Không ai dừng lại ở đó, những cánh cửa xoay vòng sẽ nghiền nát họ." Băng qua cửa thì giống nhau, nhưng mỗi người băng qua cửa hàm chịu nhiều bất công khác nhau. Cuộc thi không công bằng." Đề thi nhắm vào nhược điểm của từng cá nhân. Trong nghĩa đó, đây là cuộc thi công bằng nhất." "Tôi tên Amabo Kcarab Nguyễn. Xin lỗi tôi nghe không rõ? A- M- A- BO ... A như Adam, M như Mary, A như Adam, B như betty, O như Olson Cảm ơn. Bạn đánh vần chữ "Crap" ra sao? Crap phát âm sai từ Kcarab. Crap có nghĩa cứt, phế thải. Chi tiết này mỉa mai và thú vị. Khái niệm công bằng là một điều "phức hệ" trong xã hội. Không giải thích chính xác được. Ý niệm công bằng trong lòng người khác với ý thức công bằng của tập thể. HHĐ cho rằng chỉ có công bằng trong từng trường hợp. Không có công bằng phổ quát. Mảnh 4: Hầu hết người Việt tin tử vi. Có người tin đến độ mê tín. Mọi thứ đều có số. Không thể cãi mệnh trời. "Tôi không tin. Thời tiểu học và trung cấp của tôi, lý lịch viết bằng bút chì, hoàn toàn có thể tẩy xóa được. Tôi được giáo dục rằng lý lịch của tôi là kết quả của ý chí tôi. Chính tôi sẽ tạo nên con người của tôi, không phải cha mẹ, không phải đảng phái, không phải thế lực, càng không phải khoa bói toán." "Đường định mệnh thẳng tắp giữa lòng bàn tay này là do tôi khắc lên, mỗi ngày, với cả quyết tâm." Mảnh 5: Nhân vật Tôi nghĩ rằng nước Mỹ không kỳ thị. Nước Mỹ là nơi chúng ta có thể viết lên những lý lịch hoàn chỉnh nhất. Tôi trở thành dân biểu của tiểu bang. "Lý lịch tôi bắt đầu nổi từ lúc tôi làm dân biểu tiểu bang. Việc một người thuộc nhóm thiểu số, da màu, da vàng, họ Nguyễn, tham gia chính trường đã là một chuyện rất bình thường. Người ta đã cởi mở nhiều về chính kiến. Nước Mỹ không kỳ thị. Nước Mỹ là nơi duy nhất trên trái đất cho phép chúng ta thực hiện những điều tưởng như bất khả..." Cho đến năm 2042, tôi dự định tranh cử ngôi vị tổng thống Hoa Kỳ. Tức thì lý lịch bị xáo trộn, bị sửa đổi, bị thêm thắt. Niềm tin về lý lịch hoàn chỉnh bị đổ vỡ. 10 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. Mảnh 6: Năm 2042, cộng đồng Á Châu ở Mỹ tăng trưởng 25 triệu. Màu da của tôi trở thành chướng ngại. Một người Việt phát biểu, "chẳng thà bị một ông chủ da trắng sai khiến hơn có một anh bạn da đen giúp đỡ." Một đứa con lai, lai đen, không thể trở thành đại diện. "... với họ, tôi là dấu tích của phản bội vì người đàn bà đã từ chối đàn ông da vàng để chạy theo một gã da đen. Đó là một cuộc tình đáng xấu hổ. Và đáng ghen tị, nếu nghĩ đến khả năng sinh lý vượt trội của người da đen." Trong khi đó, tôi được cộng đồng da đen đón nhận và ủng hộ. Mảnh 7: Lý lịch cá nhân càng ngày càng rối rắm. Tin đồn tôi là bạn thân của Nguyễn Ái Quốc, hiện đang du học ở UC Berkley. Tôi trở thành kẻ thân cộng. Lý lịch mẹ tôi cũng bị bới móc. Đến Bolsa 1992. Sống độc thân. 1995 chửa hoang, sinh ra tôi. Foucault nhận định con người thời đại do xã hội tạo ra và chính trị là quyền lực. Có thể nhìn thấy một khía cạnh cụ thể, mất nguyên bản trong trường hợp này. Lý lịch của người cha mờ ám, cũng bị lục lọi. “Mẹ tôi đến ngân hàng tinh trùng, xem xét từng hồ sơ, và mất 3 tháng trời để tìm ra một con tinh trùng lý tưởng nhất cho tôi. Theo hồ sơ của 47 năm trước, đó là tinh trùng của một đàn ông lai chủng, nửa trắng nửa đen, học thức rất cao, có lý tưởng xã hội, thích nhạc Bach, tranh Picasso, tư tưởng Gandhi, và khâm phục tổng thống Abraham Lincoln. Đấy là những yếu tố bà muốn tôi phải có.” Mảnh 8: Rồi cuối cùng, người ta tìm ra cha tôi, bằng cách đảo ngược tên tôi. Amabo Kcarab, nói lái là Barack Obama. “Bây giờ tôi được biết, Barack Obama, thời gian tranh cử tổng thống đã ngoại tình với mẹ tôi, lúc đó đang ở trong nhóm vận động tranh cử toàn quốc. Tôi là con ngoại hôn.” Mảnh 9: Đêm trước khi vào vòng tuyển cuối cùng thi lý lịch. Mẹ tôi gọi điện thoại, khóc lóc, năn nỉ tôi bỏ cuộc vì sợ rằng họ sẽ ám sát tôi. “Tôi đã thấy nhiều lý lịch đang rất tốt bị cắt ngang chỉ vì những vụ tình dục nhảm nhí, sự tham lam quá độ, tính bè đảng và sự giả dối đáng thương của con người.” “Có ai làm chủ được lý lịch của mình? Tất cả, nếu muốn, đều có thể viết vào lý lịch của bạn. Họ viết trong đầu, bạn làm gì được họ? Người nổi tiếng không có bản quyền trên lý lịch. Nhưng nếu bạn đoạt giải nhất, bạn sẽ viết, sẽ tha hồ viết nhiều hồi ký để dựng lại một lý lịch mới. Những ngộ nhận mù quáng sẽ hết. Cuộc ám sát lý lịch sẽ chấm dứt.” Đây là một loại bút pháp thể hiện tính HHĐ. Tác giả trực tiếp lý luận quan điểm của mình với độc giả. Mảnh 10: Thế là tôi bỏ cuộc. “Nhiều năm sau, tôi vẫn tự vấn, cái chết bôi xóa lý lịch hay hoàn tất lý lịch? Hay đó là cách tốt nhất để thoát khỏi một lý lịch?” “Tôi vẫn là nạn nhân của lý lịch của mình. Những người khảo sát lý lịch vẫn đang điều tra tôi. Đó là cuộc thi mà một khi bước vào sẽ không thể bước ra. Họ tiếp tục bắt tôi viết lý lịch mỗi ngày. Họ bắt tôi viết bằng tốc ký, bằng thu âm, thu hình, quay phim, phỏng vấn. Họ khảo sát thường trực 360 độ, 24 giờ mỗi ngày, 365 ngày mỗi năm, cả những giấc mơ mỗi tối… để dựng một cuốn phim dài chính xác bằng một đời người. Cho nên tất cả mọi thành quả chỉ là tạm thời. Vì tôi vẫn còn đang viết lý lịch và lý lịch của tôi vẫn chưa hoàn chỉnh. Đó là thứ lý lịch thời Hậu Hiện Đại. Đó là thứ lý lịch bị phân mảnh, bị hủy cấu trúc, bị tách rời khỏi căn cước nguyên dạng của nó” Tôi vẫn tiếp tục thắc mắc về lý lịch của cha. Tiếp tục thao thức những suy tư về lý lịch trong những chức năng kỳ quái. "... Đây là trò chơi mang tính loại trừ khi thành công của một người được tạo từ thất bại của kẻ khác. Lý lịch của kẻ thắng cuộc phải bằng tổng số những lý lịch khác cộng lại. 12 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. Điều đáng sợ nhất là khi các lý lịch tự triệt tiêu nhau biến tổng số thành một số không. Trong trường hợp đó, ban tổ chức sẽ phải chọn một lý lịch bất kỳ để triệt tiêu, dù hèn mọn nhất, tăm tối nhất..." Và tác giả kết thúc truyện bằng câu nói không kết thúc: “ Còn tiếp, chưa thể nào chấm dứt tại đây.” Ví dụ truyện Hậu Hiện Đại thời nay . Tuổi Mười Một Eleven (2010) Sandra Cisnero (1954 - ) [Đề tài: chuyện tâm lý trẻ em, một mô vi bản. Hình thể: hình thức bình thường. Nội dung: kể lại những truyện không hài lòng xảy ra trong ngày sinh nhật mười một tuổi của cô bé Rachel. Định nghĩa lại, sinh nhật là gì? Quan điểm: Trẻ con luôn luôn bị người lớn, giáo dục, luật pháp áp chế. Không có khả năng phản kháng. Trẻ em là do người lớn và xã hội xây dựng lên. Ý nghĩa: Mất mát thời gian, mất mát ước mơ, mất mát ngây thơ. Dàn dựng: theo dạng truyện ngắn Hiện Đại. Kỹ thuật truyền đạt: ý nghĩ thầm, độc thoại và đối thoại. Văn phong: bình thường, giản dị. Nhận xét chung, truyện này tái dụng những gì đã có trong các văn bản khác. Không có nhiều đặc điểm của văn chương HHĐ. Những dàn dựng và phong cách kể truyện, có thể nói là truyện theo chủ nghĩa Hiện Đại. ] Vào truyện. Những gì người ta không hiểu về sinh nhật và những điều người ta không bao giờ nói với bạn là khi bạn mười một tuổi, cùng một lúc bạn là mười, chín, tám, bảy, sáu, năm, bốn, ba, hai, một tuổi. Khi bạn thức dậy ngày sinh nhật thứ mười một, bạn mong đợi cảm giác mười một, nhưng không thấy gì. Mở mắt ra, mọi thứ giống như hôm qua, khác chăng là hôm nay. Chẳng có cảm giác mười một nào cả. Vẫn cảm thấy mười. Năm mười một đè trên người bạn. Nếu hôm nào bạn nói điều gì ngu ngốc, điều đó thuộc về mười tuổi. Hoặc có một lúc nào bạn muốn ngồi vào lòng mẹ vì sợ hãi, chuyện này thuộc về tuổi lên năm. Ròi có thể một ngày, bạn đã lớn khôn, nhưng muốn khóc như trẻ lên ba, cũng không sao. Tôi nói với mẹ như vậy, khi thấy bà buồn rầu, muốn khóc. Có lẽ, bà cảm thấy đang ba tuổi. Bởi vì cách bạn lớn lên gần giống như củ hành tây, hoặc như những vòng tròn trong thân cây, hoặc như những búp bê gỗ, có thể bỏ vào bên trong búp bê khác. Mỗi năm nhét một búp bê vào búp bê lớn hơn. Đó là kiểu bạn lớn khôn. Bạn không cảm thấy mười một ngay lập tức. Phải mất đôi ngày, thận chí vài tuần, đôi khi vài tháng, để bạn có thể trả lời mười một, khi bị hỏi tuổi. Bạn không cảm thấy khôn hơn ở tuổi mười một, cho đến khi gần tuổi mười hai, đúng như vậy thôi. Hôm nay, tôi ước ao không chỉ mười một năm kêu lách cách trong lòng như những đồng xu bỏ vào hộp đồng binh bằng thiếc. Hôm nay tôi ước mình một trăm lẻ hai thay vì mười một, bởi khi một trăm lẻ hai tuổi, tôi biết sẽ phải nói gì khi bà Price đặt chiếc áo len đỏ lên bàn. Biết nói, đây không phải áo của tôi, thay vì ngồi đực mặt nhìn, không nói nên lời. "Của ai đây?" Bà Price hỏi, đưa áo len đỏ lên cao cho cả lớp nhìn thấy. "Của ai bỏ quên cả tháng trong phòng treo áo?" "Không phải của em." Mọi người trả lời. "Phải của một người nào đó," bà Price tiếp tục thắc mắc, nhưng không ai nhớ. Chiếc áo len đỏ xấu xí với bộ nút đỏ bằng nhựa, cổ và tay áo giãn dài, có thể dùng nhảy dây. Trông như cả ngàn năm cũ. Thậm chí nếu của tôi, tôi sẽ không nhận. 14 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. Có thể bởi vì tôi gầy trơ xương, có thể vì không thích tôi, con nhỏ Sylvia Saldivar đần độn lên tiếng, "Em nghĩ là của Rachel." Chiếc áo xấu quắc , lèo nhèo, cũ rích, vậy mà bà Price đặt xuống ngay trên bàn, tôi mở miệng định nói nhưng nghẹn lời. "Không phải,...em không... cô đừng ...Không phải của em ..." Sau cùng tôi cũng lí nhí thốt ra như trẻ lên bốn. "Đúng của em rồi," bà Price nói. "Cô nhớ đã thấy em mặc một lần." Vì bà lớn tuổi và cô giáo nên bà đúng, tôi sai. Không phải của tôi, không phải của tôi, không phải của tôi, nhưng bà Price đã lật sang trang ba mươi hai, bài toán đố số bốn. Không hiểu vì sao, đột nhiên, tôi cảm thấy đau lòng, giống như thuở lên ba muốn trào nước mắt. Chỉ khác là tôi lấy gân kềm lại, cắn răng thật chặt, và cố nhớ hôm nay tôi mười một, mười một tuổi. Mẹ đang làm bánh, chờ ba trở về, mọi người sẽ hát Chúc mừng sinh nhật. Chúc mừng sinh nhật. Nhưng khi cảm giác đau lòng đã hết, tôi mở mắt, áo len đỏ vẫn nằm như trái núi đỏ. Dùng cây thước đẩy áo len vào góc bàn. Dời bút chì, gôm và sách ra xa hết mức. Nhích ghế ngồi qua bên tay mặt. Không phải của tôi, không phải của tôi, không phải của tôi. Suy nghĩ thầm, không biết bao lâu mới đến giờ ăn trưa. Còn bao lâu nữa để mang áo len này quăng qua hàng rào sân trường, hoặc móc lên trụ tính tiền đậu xe, hoặc cuốn tròn như trái banh thảy vào trong hẻm. Không ngờ khi giờ học toán vừa hết, bà Price lớn tiếng trước mặt mọi người, "Rachel, đủ rồi," bà bắt gặp tôi đẩy chiếc áo ra tận cạnh bàn, nó rớt xuống nửa chừng như nước đổ, nhưng tôi không để ý. "Rachel," bà Price nói có vẻ giận dữ. "Mặc áo vào ngay lập tức. Đừng lộn xộn nữa." "Nhưng không phải ..." "Ngay bây giờ!" bà gằn giọng. Ngay lúc này, tôi ước mình không phải mười một, vì tất cả những tuổi trong tôi, mười chín tám bảy sáu năm bốn ba hai một, đang xô đẩy sau đôi mắt. Khi xỏ một tay vào áo, đã ngửi được mùi phô mai mốc meo. Rôi xỏ tay kia, đứng giang hai tay như thể chiếc áo làm tôi khó chịu. Nó ngứa ngáy, đầy cả vi trùng, thậm chí, không phải của tôi. Ngay lúc đó, tất cả mọi chuyện được kiềm chế từ sáng nay, từ lúc bà Price đặt áo len lên bàn, cuối cùng tuôn ra, đột nhiên, tôi bật khóc trước mặt mọi người. Ước gì tôi có thể biến mất, nhưng không được. Tôi mười một tuổi, sinh nhật ngày hôm nay, và tôi khóc trước mọi người như trẻ lên ba. Gục đầu xuống bàn, vùi vào đôi tay áo len dơ bẩn. Mặt nóng rang, nước dãi trào ra, cho đến khi nước mắt đã cạn, chỉ còn thân hình nẩy lên như khi bị nấc cụt. Cả đầu óc đau nhức giống như vội uống sữa bị sặc. Đáng ghét nhất là ngay trước khi chuông reo giờ ăn trưa, con Phyllis Lopez ngu ngốc, hơn cả con Sylvia Saldivar đần độn, xác nhận, nó đã nhớ ra, áo len đỏ là của nó. Tôi cởi nhanh và đưa áo cho Phyllis, chỉ có bà Prices cứ giả vờ như mọi chuyện vẫn bình thường. Hôm nay tôi mười một tuổi. Chiếc bánh mẹ nướng cho đêm nay, chờ ba đi làm về, cả nhà sẽ ăn mừng. Có đèn cầy và nhiều quà, rồi mọi người sẽ hát Chúc mừng sinh nhật. Chúc mừng sinh nhật Rachel, nhưng hơi muộn. Tôi đã mười một, mười chín tám bảy sáu năm bốn ba hai một, nhưng tôi ước một trăm lẻ hai. Tôi ước tuổi nào cũng được ngoài trừ mười một, vì ngày hôm nay đã trôi xa, thật xa như trái bong bóng bay cao, chỉ còn một chấm nhỏ trên nền trời, nhỏ đến độ phải nhắm mắt lại mới thấy. Ví dụ truyện Hậu Hiện Đại Người Mỹ Khỏa Thân Tuyệt Vời The Great American Nude. J.G. Ballard (1930-2009). [Truyện này được xây dựng bởi 14 mảnh rời hư cấu. Mỗi mảnh có chủ đề riêng, hợp lại thành quan điểm chính về tình dục trong nhãn 16 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. quan khoa học và xã hội văn minh. Mỗi mảnh rời được sáng tác ngắn, chứa đầy ẩn dụ và tượng trưng. Nối kết liên văn bản với y khoa, toán học và hội họa. Bên cạnh là 7 mảnh rời của dữ liệu, liên kết với 14 mảnh kia, cộng thêm phần ký hiệu tranh vẽ của tác giả, tạo ra một tác phẩm thể hiện tinh thần và học thuật Hậu Hiện Đại. Đặc điểm của truyện HHĐ là không phân biệt ranh giới giữa văn bản văn chương và văn bản văn xuôi trong các lãnh vực khác. Ngoài ra, HHĐ sử dụng các thể loại nghệ thuật để hỗ trợ văn bản như ký hiệu tường thuật. Câu truyện liên quan đến cuộc triển lãm của nghệ sĩ pop art, Tom Wesselmann, tháng 6, năm 1968. Truyện này đòi hỏi người đọc phải tham gia tích cực vào nội dung và ý nghĩa. Vừa gợi ý vừa ám chỉ vừa có tính chuyên môn, tạo cho tác phẩm một phong cách khác thường và không dễ hiểu. J.G.Ballard (1930-2009) là nhà văn đại biểu cho phong trào Hậu Hiện Đại, sự thành đạt của ông tạo ra một môn phái riêng, gọi là Ballardian. Quan tâm đến những ảnh hưởng tâm lý từ sức phát triển công kỹ nghệ, khoa học và xã hội. Bài dịch sẽ trích dẫn đoạn đầu và đoạn cuối để tránh quy tắc bản quyền. Bạn đọc có thể xem toàn truyện trong tác phẩm The Astro City.] Vào truyện. Vùng da thịt. Mỗi buổi sáng, trong thời kỳ cuối cùng của tác phẩm Talbert tại học viện, Catherine Austin để ý phân tích nhiều hơn những sự kiện xảy ra chung quanh. Khi cô bước vào rạp chiếu bóng, âm thanh từ phim vang lên khắp khu vườn đầy tượng điêu khắc, một điềm báo u sầu nghe từ tiếng giảng giải lạc điệu rời rạc của Talbert. Trong bóng tối cô có thể trông thấy đám bệnh nhân bị tê liệt nhẹ, ngồi giữa những y tá trên hàng ghế đầu tiên. Cả tuần họ đã xem nhiều phim thương mại có nội dung khiêu dâm, lắng nghe nhưng không phản ứng gì khi Talbert phân tích những tư thế và những chỗ dính nhau. Catherine Austin nhìn sửng khung hình lớn. Bị hóa thạch vào màn ảnh, những hình vú mông vun cao chẳng còn ý nghĩa gì. Máy chiếu hình lên mặt và áo quần của ông. Talbert tựa người vào màn ảnh, như thể mệt mỏi về phần trình bày của chính mình. Mỗi buổi chiều ông kiểm soát các bản câu hỏi gần như chỉ đủ để hiểu, rõ ràng đang tìm kiếm một quan điểm về hành vi của ông, chìa khóa cho một dâm tính mới. Khi đèn mở sáng, cô vội cài áo choàng trắng, như đột nhiên sực nhớ đến thân thể của mình. Thần Tính Ái mới. Từ cửa sổ văn phòng, bác sĩ Nathan theo dõi Talbert đứng trên sân mái nhà lầu đậu xe nhiều tầng. Sân vắng vẻ là nơi chim thích đến đậu. Mặt sàn nghiêng dường như giống mô hình theo cá tính lệch hướng của Talbert, luôn luôn đáp ứng những sự kiện thời gian và không gian từ một góc nhìn vô hình. Biết Catherine Austin đang đứng bên cạnh, bác sĩ Nathan đốt điếu thuốc đầu lọc màu vàng. Một phụ nữ trẻ trong y phục quần vợt trắng đi bộ ngang khu vườn nhiều tượng. Đôi mắt Talbert theo sát nàng như người 18 "Người Mỹ Khỏa Thân Tuyệt Vời" là tựa đề của một loạt tranh Pop Art thực hiện bởi nghệ sĩ Tom Wesselmann, tái lập những khả năng biểu tượng cho sự khỏa thân đã bị thương mại hóa. Như thể đối với nhiều pop art, bề mặt vô nghĩa làm mất giá trị của chủ đề, tạo ra những nhận xét đáng ngại về khái niệm danh tiếng và nhân vật tên tuổi. Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. xem phim dâm. Ông đã thu thập một bộ sưu tập đáng kể về dâm tình . Ông có tìm được liên hệ nào mới trong hành vi nhục dục? Sơ đồ của xương. Talbert dừng lại trước lối vào khu vườn điêu khắc. Sinh viên cầm tờ chương trình trong tay, đi lanh quanh giữa những triển lãm, nhìn ngắm những đoạn ống nhựa màu cắt ngắn, loại hình học của Disney. Vì nụ cười của cô gái trẻ ngồi ngoài bàn lộ thiên, ông nhận một tờ chương trình. Trên bìa in một mảnh nửa khuôn mặt quen thuộc, có chi tiết phóng lớn từ ổ mắt bên trái của nữ diễn viên điện ảnh. Rải rác trên sân cỏ các sinh viên đang cùng nhau ráp thành những khung hình. Xương mu nằm đâu? Người phụ nữ trẻ trong y phục trắng đi giữa những đường đứt đoạn trên nét mặt nhìn nghiêng của Mia Farrow và Elizabeth Taylor. Nhìn xuyên qua não bộ. Quăng tờ chương trình, Karen Novotny hối hả tiến về cổng bãi đậu xe. Chiếc xe Hoa Kỳ màu trắng lái theo nàng chung quanh khu vườn điêu khắc, giữ khoảng cách chừng 45 mét. Nàng cua lên đường dốc dẫn đến tầng một. Trong lúc chiếc xe ngừng lại nơi trả tiền, nàng nhận ra người cầm tay lái. Cả tuần rồi, gã đàn ông cao lớn, lưng khòm, trán hói, mang kính mát dở hơi này theo quay phim nàng. Thậm chí gây cho nàng thêm bực bội khi ông thâu vào cuốn phim trong lễ hội phim ảnh khiêu dâm, chắc chắn những bệnh nhân tâm thần của ông đã nhỏ nước dãi lên áo khoác. Khi nàng lên đến sân mái nhà, chiếc xe trắng chạy về hướng nàng. Kiệt sức, nàng dựa lưng vào góc tường bao lơn. Talbert nhìn nàng đăm đăm gần như tò mò một cách hiền lành, mắt ông đang thăm dò khuôn mặt. Một tay gát ra ngoài cửa xe, như thể sắp chạm vào đùi người nữ. Ông cầm tờ chương trình mà nàng Trên khắp thế giới những bảo tàng viện lớn đều nghiêng mình trước ảnh hưởng của Disney và trở thành công viên có chủ đề riêng. Trong quá khứ, dù thời Phục Hưng Ý hay Ai Cập cổ đại, đều được tái dụng và tương đồng hóa thành một dạng dễ tiêu thụ. Không hy vọng điều gì mới mẻ, nhưng tuyệt vọng với mọi thứ đã có, ngoại trừ những gì quen thuộc, chúng ta tái định địa danh quá khứ và tương lai. Khuynh hướng tương tựa có thể nhìn thấy trong liên hệ cá nhân, theo cách người ta tự trang bị cho họ, cảm xúc với dục tính bằng các hình thức hấp dẫn và lôi cuốn cấp thời. bỏ rơi. Đưa một mảnh lên ngang tầm vú bên trái. Ăn khớp với đường kẻ giữa ngực và núm vú. Hôn nhân ô uế. Khi họ rời rạp chiếu bóng, bên ngoài một thanh niên râu rậm đứng cạnh xe vận tải. Đang kiểm soát việc khuân ra một bức tượng hoạt cảnh lớn, tác phẩm của Segal điêu khắc một nam một nữ làm tình trong khi tắm. Karen nắm lấy tay ông. "Talbert, họ là anh và em ..." Bị kích thích bởi trò đùa quái ác của sinh viên nghiên cứu, Talbert đi đến Koester. Ánh mắt ông như vị linh mục đang lo lắng vì sắp làm lễ cho một hôn nhân ô uế. Lịch sử của hư vô. Những yếu tố kể truyện: một tuần lễ đi tìm các cầu xa lộ cao, thăm dò vô số những chung cư. Với lò nấu và túi ngủ, họ cắm trại như các nhà thám hiểm trong phòng khách. Talbert từ chối đụng vào đồ đạc và vật dụng trong bếp. "Karen những thứ này dùng để chưng bày, quan niệm thụ thai mà vẫn còn đồng trinh." Sau đó họ chạy quanh thành phố, xem xét hàng chục công trình kiến trúc. Talbert đẩy nàng vào tường và góc lan can, kéo nàng dọc theo bao lơn, trên ghế ngồi băng sau cuốn sách dạy dỗ tình dục tạo thành một bách khoa toàn thư về các tư thế, như các bản sơ đồ cho cuộc hôn nhân sắp xảy ra với một căn phòng có bao lơn trên tầng lầu bảy trong khách sạn Hilton. [...] [Bạn đọc có thể cảm thấy câu truyện này rời rạc và khó theo dõi. Đây là một hình thức kể truyện chưa được quen thuộc. Những mảnh rời, viết ngắn, như lối viết dụ ngôn theo kiểu tân thời. Triết gia Lyotard đề nghị một lối viết tương tựa vì ông không còn tin tưởng vào những văn bản dài dòng. Hậu Hiện Đại như một sân khấu văn chương, nơi trình diễn nhiều hình thức, sắc thái 20 Theo tôi biết, tác phẩm Segal này là tưởng tượng. Những tượng thạch cao của ông không dính dáng đến hành vi tình dục, có lẽ, vì những tượng này đã chết một cách hiệu nghiệm dưới tro tàn của thành phố Pompeii. Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. truyền đạt, nỗ lực tách rời các hình thức và thể loại đã thịnh hành trong thời chủ nghĩa Hiện Đại. Lối kể truyện theo mảnh rời phát sinh từ ý niệm, không có siêu bản. Tất cả xã hội, ngôn ngữ, tư tưởng, văn hóa, chính trị, kinh tế, tự do, nhân quyền ... kể cả văn chương, đều chỉ có giá trị khi được xem xét trong hình thái mảnh, tức là vi mô bản. Khái niệm này được chứng minh khi những quy luật tổng quát, phổ thông, những nguyên tắc chung không phù hợp để giải quyết những trường hợp vấn nạn riêng rẽ.] [Câu truyện diễn tiến với Talbert, Catherine Austin, Bác Sĩ Nathan, Karen Novotny, Koester. Webster, Những mảnh rời lần lượt ráp lại dẫn người đọc đến phim trường. Một thử nghiệm về dục tính qua phim ảnh với quan niệm thân thể phụ nữ so sánh với đường nét thiên nhiên và kiến trúc. Tuy nhiên, tai nạn đã xảy ra ...] [...] Một lỗ hổng khốn nạn. Che tay lên mắt, Webster lấn qua đám nhân viên quay phim. Nhìn chăm chú người phụ nữ trẻ đứng trên mái cong, một nơi hỗn độn, bất lực cố che giấu thân thể trần truồng bằng đôi tay nhỏ bé. Cô tìm cách thoát khỏi tình trạng nguy cập, không thể nào giải quyết hệ thống cơ bắp kỳ quặc này. Nhìn cô một cách thích thú, Webster suy nghĩ không biết có nên leo lên mái, vì có nhiều cơ hội té gãy chân hoặc rơi xuống những lỗ hổng khốn nạn. Anh thanh niên râu rậm, miệng nhỏ và ánh mắt trực tính, bước lui. Trong lúc Talbert đi lanh quanh ở giữa nơi hỗn độn, không quan tâm đám đông bên dưới, bình tĩnh chờ xem nếu cô gái trẻ có thể phá vỡ mật mã của thân thể vô hạn. Tất cả thấy rõ ràng sự nghiêm trọng khi lựa chọn vai trò diễn viên không thích hợp. 'Thay thế' cái chết. Trực thăng đang bốc cháy. Khi thùng nhiên liệu nổ, bác sĩ Nathan vấp té ngửa qua sợi dây cáp. Máy bay rơi xuống bên cạnh vùng hổn độn, đè nát một máy quay phim. Từng đợt bọt đổ lên đầu các kỹ thuật viên đang bỏ chạy, đốt sôi trên bê tông nóng chung quang trực thăng. Xác cô gái nằm sát bên bộ máy điều khiển, trông giống như hoạt cảnh điêu khắc, đám bọt phủ trắng như mớ lông trên vai nàng trần trụi. Hình học của mặc cảm tội lỗi. Sau đó, khi phim trường đóng cửa, bác sĩ Nathan thấy Talbert đứng trên mái của nơi hổn độn, quan sát những đường viền dốc xuống bồn chứa nước bên dưới. Khuôn mặt ông sẫm lại trông như một kiến trúc sư đang trầm tư. Một lần nữa, Karen Novotny đã chết, những nỗi sợ hãi và ám ảnh của Talbert ghi lại từng phần thay thế cái chết. Bác sĩ Nathan quyết định không nói gì với ông. Bản tính riêng của Talbert có vẻ nhiều hơn một chút sự tóm lược các tư thế, hình học của một cáo trạng. Phơi bày nhau thai nhi. Tuần lễ sau, khi bác sĩ Nathan trở lại, Talbert vẫn chưa di chuyển. Ông ngồi trên mép bồn chứa đầy nước, nhìn đăm đăm vào những khoảng sâu sáng sủa, phơi bày nhau thai nhi. Hình hài hốc hác của ông bây giờ trông nhiều hơn một bộ sưu tập rác rưới. Sau khi theo dõi ông khoảng nửa giờ, bác sĩ Nathan bỏ đi, vào lại trong xe hơi. Ngu Yên. 22 "Thay thế cái chết" xảy ra lần nữa và lần nữa trong cuộc Triển Lãm Tàn bạo. Những gì tôi muốn nói là sự ban hành lại nhiều bi kịch khác nhau do Traven và nhiều cái tôi của ông. Một phần diễn ra trong tâm trí, một phần ở bên ngoài đời sống, thể hiện nỗ lực tạo ra ý nghĩa cho những sự kiện khốn khổ và quy chiếu kích thước đạo đức, thậm chí, có lẽ, một cân đo cho hy vọng. Trong ý nghĩ của Traven, Kennedy và Monroe đả qua đời, nhưng chưa hẳn được nghỉ ngơi. Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. Tác Phẩm Phát Hành. 1986. Hóa Ra Nét Chữ Lên Đàng Quẩn Quanh. Thơ 1987. Tựa Đề Ở Bên Trong. Thơ. 1991. Hỡi Ơi. Thơ. 1993. Hãy Cho Ta Sống Giùm Đời Nhau Và Tình. Thơ đôi. 2002. Thi Sĩ và Tôi. Thơ và tùy luận. 2009. Thơ Tóc Bạc. Thơ và Tùy luận. ebooks và phát hành: 2012. Nháp và Nốt. Phần 1. Tùy luận. 2013. Nháp và Nốt. Phần 2. Tùy Luận. 2012. Chấm Hết. Thơ. 2013. Cuối Cùng Là Thơ. Thơ. 2013. Federico Garcia Lorca. Phần 1. Dịch Thơ. 2013. Federico Garcia Lorca. Phần 2. Dịch thơ. 2013. Thơ Tuyển Phi Châu. Nam Phi. Dịch Thơ. Sách in Amazon: 2016. Ý Thức Về Dịch Thuật. Biên Khảo. 2016. Độc Quạnh. Thơ 2017.Tôi-Không-Biết. Wislawa Szymborska. Giới thiệu, nhận định, và dịch Thơ. 2017. Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại. Bộ 1. Biên Khảo 2017. Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại. Biên Khảo 2017. Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại. Biên Khảo. 2017. Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại. Đến Cuối Thế Kỷ 20. Biên Khảo. 2017. Federico Garcia Lorca. Toàn tập. Thơ dịch. [ Tập 1: Tôi Học Được Bí mật Của U sầu. Tập 2: Mộ Phần Tôi Ở Đâu?] 2018. Văn Học Truyện Đương Đại Thế Kỷ 21. Biên Khảo. 2018. Ý Thức Sáng Tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại. Bộ 2. Biên khảo. 2018. Nghiệm. Thơ. 2018. Thơ Tái Tạo. Biên khảo thơ về giả thiết thơ. 2019. Ý Thức Sáng Tác Thơ. Cuốn Một. Biên Khảo. 2020. Ra Ngoài Thơ Hẹn Thơ. Thơ. 2020. Những Ngôi Sao Đen Trên Vòng Nguyệt Quế. Thơ dịch 22 Đất Nước Châu Phi. Cuốn Một. 2021. Vòng Nguyệt Quế Thơ Nam Phi. Thơ Dịch. Sách đang viết: Ý Thức Sáng tác Thơ. Cuốn Hai. Nghiên cứu. Ý Thức Về Kịch Nghệ Tây Phương. Biên Khảo. Những Ngôi Sao Đen Trên Vòng Nguyệt Quế. Thơ dịch. 22 Đất nước Châu phi. Cuốn Hai. Hú và Thơ Allen Ginsberg. Thơ dịch. Lạc Đà Rống Đêm Sa Mạc. Thơ Trung Đông. Thơ dịch. Ý Thức Về Phê Bình Văn Học. Biên khảo. Sách Anh Ngữ: Withered Breaths at 5202 Contour Place. Poetry. Nhạc: 2001. Bóng Nắng Khuya. CD. 2003. Hát Không Dám Buồn. CD. 2004. Đợi Chờ Không Biết Đợi Chờ Ai. CD. 2021. Lời Hỏi Nốt Hẹn Hò Giai Điệu. Tập nhạc. 24 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2. 26 Ý Thức Sáng Tác Thơ. Tập 2.