Academia.eduAcademia.edu
LƯỢC SỬ VỀ NỮ QUYỀN HOA KÌ Nicholas Davidson Hồ Liễu dịch Hoa Kì đã từng biết hai làn sóng về nữ quyền, cách nhau năm mươi năm, trong thời gian đó hầu như không ai muốn nhận là theo nữ quyền. Làn sóng đầu tiên bắt đầu từ nửa sau thế kỉ 19 đến hết Thế chiến I và việc hội nhập quyền phụ nữ đầu phiếu vào Hiến pháp năm 1920. Làn sóng thứ hai bắt đầu năm 1969 như một trong nhiều đám cháy rừng bừng bừng trong xã hội của thập kỉ sáu mươi và vẫn tiếp tục tới nay. Trong mỗi trường hợp, sự khai sinh trí tuệ của phong trào này đi trước việc gieo rắc những ý tưởng của nó và sự hình thành những nhóm áp lực chính trị hữu hiệu bằng một số năm. Nữ quyền trong thế kỉ 19 là một phó sản [sản phẩm bất ngờ] của chủ trương bài nô [bãi bỏ chế độ nô lệ]. Giai cấp trung lưu, da trắng, chủ yếu là phụ nữ miền Bắc Hoa kì khi tham gia những chiến dịch chống lại việc nô lệ hoá những người da đen miền Nam đã thấy rằng khả năng tham gia vào những sự kiện công cộng bị eo hẹp bởi những hạn chế áp đặt lên giới tính. Cùng với vài nhà lãnh đạo nam giới bài nô, hai trong những người phụ nữ bài nô này thảo ra một “Bản tuyên ngôn Tình tự” (Declaration of Sentiments) mô phỏng Bản Tuyên ngôn Độc lập. Nó được lấy làm niên đại khai sinh cho nữ quyền Hoa Kì từ việc công bố của bản tuyên ngôn này trong cái năm nhiều sự kiện 1848 [sự ra đời bản Tuyên ngôn Đảng Cộng sản của Marx và Engels, và nhiều cuộc cách mạng chính trị, xã hội ở châu Âu]. Phong trào đi trước quan tâm tới những đề xuất rộng rãi như quyền sở hữu cho phụ nữ và sự kiến thiết bình đẳng giới giữa những thành viên cấp tiến hơn của phong trào này. Đến thập niên 1890, phong trào đã trở thành tâm điểm thu hẹp hơn vào việc tranh thủ quyền bỏ phiếu cho phụ nữ Hoa Kì. Phong trào mở rộng sự thu hút bằng cách giới hạn phạm vi tranh đấu nên đã thành công đến nỗi tới năm 1917 đã có hơn hai triệu thành viên đăng kí, và trong năm 1920 phong trào giúp đoan chắc việc thông qua bản Tu chánh án thứ Mười chín, ban cho phụ nữ quyền bỏ phiếu. Suốt thời kì này có một sự trùng lặp rộng lớn giữa phong trào đầu phiếu và phong trào cấm rượu. Vài nguyên lí giống nhau bị can dự. Việc đàn ông uống rượu tạo ra một sự tàn mạt xã hội nhưng hậu quả của nó lại do đàn bà gánh chịu, là những người thường chẳng được hỗ trợ mấy, bị đánh đập, hay bị bỏ rơi bởi những người chồng nghiện ngập. Như vậy nó không phải là tình cờ khi bản Tu chánh án thứ Mười tám, cấm đoán việc chế tạo, buôn bán, và nhập khẩu những đồ uống có chất cồn, được thông qua chỉ vài tháng trước bản Tu chánh án thứ Mười chín. Nhưng trong khi truyền thống bảo căn Hoa Kì ban cho phong trào cấm rượu một cơ sở bền vững mặc dù không đầy đủ, phong trào nữ quyền thế kỉ mười chín thất bại trong việc tìm ra số cử tri thường xuyên. Một khi đã có quyền bỏ phiếu rồi phụ nữ Hoa Kì ngừng hoạt động như một nhóm áp lực. Họ bỏ phiếu dựa theo giai cấp, vùng, chủng tộc, và quan điểm cá nhân, hệt như là đàn ông. Lớp đàn chị nữ quyền thất vọng vì phụ nữ Hoa Kì trong thập niên 1920 đánh mất niềm yêu thích trong lí tưởng lớn hơn về bình đẳng giới. Một làn sóng của chủ nghĩa bảo thủ xã hội quét qua đất nước này. Và một văn hoá đồng đẳng triệt để theo thời tràn ngập thanh niên Hoa Kì: trở thành một nhà nữ quyền là lỗi thời đến vô vọng. Chưa được giải quyết, những đề xuất các nhà nữ quyền nêu lên vẫn còn như thể được treo trong không khí, và nhạt nhoà dần dần vì sự thiếu chú ý và thiếu sự quan tâm. Nhưng chẳng bao giờ biến mất hoàn toàn, chúng đợi chờ cơ hội để mang lấy thực chất mới. Qua năm thập kỉ tiếp nhau, từ 1920 đến 1969, thông lệ cho bất cứ phụ nữ nào trong vị thế hiển lộ công cộng là tuyên bố “Tôi không phải là một nhà nữ quyền.” Bà tổng thống Eleanor Roosevelt và nữ Tiến sĩ nhân loại học lừng danh Margaret Mead chỉ là hai trong hàng nghìn phụ nữ Hoa Kì đã tuyên bố như thế trong những năm đó. Và rồi về cuối thập niên 1960 có một điều đã xảy ra, gây tác động mà gần một thế hệ sau tất cả chúng ta vẫn đang hấp thụ. Chủ nghĩa nữ quyền tái xuất hiện như phần tử của cuộc nổi dậy trong những năm sáu mươi và đầu những năm bảy mươi. Trong khoảng thời gian khi tất cả những cơ sở của xã hội đang bị thách thức, có lẽ không tránh được rằng vai trò truyền thống của phụ nữ cũng nên đặt thành chất vấn. Bất cứ cuộc thảo luận nào của những năm sáu mươi cũng phải xử lí “khoảng cách thế hệ”. Hệt như mỗi đứa trẻ phải tách lìa khỏi cha mẹ để đạt tới sự tự chủ, vì vậy mọi thế hệ đều nổi dậy chống lại thế hệ đi trước. Nhưng những hoàn cảnh dân số ngoại lệ tạo ra sự chia lìa giữa thế hệ những năm sáu mươi và cái thế hệ của cha mẹ họ trọn vẹn một cách khác thường. Hoa Kì đã từng trải qua một tỉ lệ sinh đẻ thấp trong suốt Thế chiến II, khi hàng triệu thanh niên rời xa vào quân đội và xã hội mở rộng đang nín thở đợi chờ kết quả của cuộc tranh chấp. Chiến thắng, sự giải ngũ hàng loạt, và vị thế chủ chốt mới trên thế giới của Hoa Kì dẫn tới một sự bùng nổ của chủ nghĩa lạc quan và năng lượng bắt đầu cuối những năm bốn mươi. Bị cuốn theo sự hăng say – với giới tính đối lập sau những năm cách li, với niềm vui vật chất sau những năm khắc khổ cưỡng bách, và với đời sống riêng tư sau những năm phục vụ trực tiếp và gián tiếp cho sự tranh đấu chống lại chủ nghĩa toàn trị – vô số những cặp đôi đã kết hôn và sinh con đẻ cái chưa từng có. Tỉ lệ sinh đẻ thấp của thời Kinh tế Suy Thoái trong những năm ba mươi và của Thế chiến Hai trong những năm bốn mươi nhường chỗ cho một sự “bùng nổ con nít” trong những năm năm mươi. Như vậy thế hệ đang tới vừa đông đảo một cách ngoại lệ vừa tách biệt về dân số với thế hệ cha mẹ. Chính thế hệ cha mẹ đã đạt được một sự gắn bó mạnh mẽ khác thường dựa trên những kinh nghiệm chia sẻ mãnh liệt. Nhiều người trong họ đủ lớn tuổi để bị xúc động bởi sự nổi loạn của những năm hai mươi, đã đưa nhạc jazz, điệu vũ, son môi, sự lãng mạn, thuốc lá, và rượu pha chống lại Thời Cấm rượu và chủ nghĩa thanh giáo còn sót lại của kỉ nguyên Victoria [1837 – 1901]. Tất cả đều nhớ cuộc Kinh tế Suy thoái của những năm ba mươi như khoảng thời gian của sự tuyệt vọng và tranh đấu, khi công nhân mất việc, gia đình mất những khoản tiết kiệm, và đời sống trở thành một sự tranh đấu chua cay và bất định, một vấn đề cực nghiêm trọng. Ngược lại, thế hệ sinh trong giai đoạn bùng nổ con nít của những năm năm mươi lớn lên giữa sự thịnh vượng, những sự mong đợi dâng cao, và tỉ lệ thất nghiệp thấp của những năm sáu mươi. Trong khi cha mẹ thế hệ ấy bị một sự hiểu biết về những ràng buộc trong đời sống ghi dấu không thể phai mờ, thì thế hệ những năm sáu mươi tràn trề một cảm thức là làm gì cũng được. Tham vọng vô hạn rồi ra là dấu hiệu của thế hệ này. Sự khác biệt cơ bản này đã thôi thúc khoảng cách thế hệ và khiến sự truyền thông giữa hai thế hệ trở nên khó khăn. Hiếm khi có hai tâm thức đối nghịch triệt để đến như thế cùng xảy ra đồng thời. Những nhân tố phụ thêm đã mở rộng khoảng cách ấy. Thế hệ mới thịnh vượng hơn, hay tự cảm thấy như vậy. Cha mẹ thế hệ này đại đa số là tầng lớp thợ thuyền: công nhân nhà máy, người lao động, và tá điền. Những kinh nghiệm định rõ của thế hệ bùng nổ con nít này thì khác biệt. Những thành viên của thế hệ này đã mong mỏi những công việc văn phòng, hoặc mong mỏi những vai trò thuộc nghệ thuật hay sáng tạo. Cha mẹ của họ đã từng làm việc nặng nhọc để đạt được sự yên ổn về tài chính và xem chính mình có phúc khác thường nếu họ có cơ hội nhờ mảnh bằng cao đẳng. Mặt khác, những người thuộc sự bùng nổ dân số này lớn lên được kết quả của sự thành công thế hệ đi trước bao quanh, và xem việc học cao đẳng như quyền đương nhiên chứ không phải là một cơ may. Nếu họ có lao động lúc còn trẻ, thì chỉ vì để có tiền riêng hoặc “để xây dựng cá tính”, không như một điều thiết yếu để sống còn theo nghĩa đen. Sự tương phản trong giáo dục đã khởi đầu sớm. Những người thuộc thế hệ bùng nổ con nít là “thế hệ đầu tiên của bác sĩ Spock” [vị bác sĩ này viết sách giáo khoa dạy dỗ cha mẹ phải dễ dãi và chăm sóc thương yêu con cái từ khi còn nhỏ, tuyệt đối không áp dụng kỉ luật nặng nề sẽ làm thui chột tiềm năng của chúng]. Lo âu trước những tường thuật của nhà phân tâm học Freud về bệnh thần kinh của người lớn do sự khắc nghiệt của cha mẹ, Bác sĩ Benjamin Spock đã viết những cuốn sách cung cấp cho người Hoa Kì một lối xúc tiến mới vô cùng phổ thông về việc nuôi dạy con trẻ. Thế hệ cũ đã được nuôi nấng bởi những bậc phụ huynh coi vai trò chính của mình như sự khuôn đúc cá tính, với một sự nhấn mạnh về hợp tác, cung kính, và kỉ luật. Sự trừng phạt về thân xác là một món căn bản của chế độ này. Ngược lại, những người thuộc thời bùng nổ con nít lại được nuôi nấng bởi những bậc phụ huynh dễ dãi coi vai trò chính của mình như sự cung cấp về tình thương và sự an toàn; họ hi vọng mỗi đứa trẻ sẽ “tự thực hiện” và “sống hết tiềm năng.” Sự trừng phạt về thân xác không còn được ưa chuộng nữa. Hàng triệu phụ huynh đến với quan điểm rằng việc tát tai một đứa trẻ thì kinh sợ lắm. Cũng trong phương diện này, có một sự khác biệt nền tảng giữa các thế hệ: trách nhiệm chủ yếu cảm nhận được của những thế hệ đi trước là đối với kẻ khác, nhưng thế hệ những người thuộc thời bùng nổ con nít là đối với chính mình. Bằng cách “tự thực hiện”, họ đã tạo ra sự đóng góp lớn lao nhất có thể được đối với sự tiến bộ của nhân loại. Như vậy, một sự ích kỉ thâm sâu và một chủ nghĩa lí tưởng thâm sâu được pha trộn với nhau đến không thể gỡ ra được trong ý thức của cái thế hệ bùng nổ con nít. Chúng ta thực sự không thể nào đánh giá được họ khi không gán trọng lượng đúng cách cho cả hai thành tố này. Dĩ nhiên không phải tất cả những đứa trẻ thuộc thời bùng nổ con nít đều là kiểu Spock. Thực vậy, rất có thể những ý tưởng của Spock chỉ đạt tới một thiểu số các bậc cha mẹ, thậm chí ngay cả trong tầng lớp trung lưu cấp trên vốn thấm đượm trọn vẹn những ý tưởng đó nhất. Nhưng chúng ảnh hưởng đủ vào những người thuộc bùng nổ con nít để cho thế hệ họ một cung bậc rất khác biệt so với thế hệ đi trước. Tâm lí học mới này kết nối với giáo dục cao đẳng quần chúng để tạo ra cái khoảng cách chính trị như một phần của khoảng cách thế hệt. Tại các đại học mới được mở rộng để thích nghi với họ, những người thuộc thời bùng nổ con nít được gặp gỡ những môn học như xã hội học và nhân loại học văn hóa, những thứ đã bắt đầu như những phụ tuỳ cho những phong trào xã hội của Thời Cải cách cuối thế kỉ 19. Các đại học này có những giáo sư nghiêng nhiều về phía tả của trung tâm trọng lực chính trị Hoa kì, nuôi dưỡng những kí ức ấm áp về Thời Xử lí mới của tổng thống Franklin D. Roosevelt trong những năm ba mươi và những hồi tưởng chua cay về sự bách hại những người Cộng sản và những người bị tình nghi Cộng sản của thượng nghị sĩ Joe McCarthy trong những năm năm mươi. Những người thuộc thời bùng nổ con nít, – những con cái phần lớn có cha mẹ là giai cấp lao động vốn chẳng bao giờ biết chút nào về đời sống trí tuệ, – bị say mê bởi những giáo sư tự tin, tinh tế, mặc quần áo nỉ này, và hăm hở đáp ứng sự khen ngợi lặp đi lặp lại của họ về chủ trương lí tưởng trẻ trung của mình. Thực vậy, tại sao ngày nay ta không xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn? Họ đến với niềm tin rằng mình đã chạm tới Cây Hiểu biết bằng một cung cách mà cha mẹ họ chưa từng: rằng họ đã trở thành có ý thức về chính mình và vị trí của mình trong tiến trình xã hội, qua viễn kiến được hiểu biết tri thức ban cho. Trong điều này họ không phải hoàn toàn sai lầm; nhưng họ cũng không phải hoàn toàn đúng. Sức lôi cuốn đặc biệt nhất của những giáo sư tả phái, giống như Richard Hofstadter, nhạo báng một cách tinh tế những giá trị của lớp người vô học, miệt thị những quan niệm kinh tế “tự do mậu dịch” và niềm tin kì quái vào “bản tính con người” của “giới doanh thương tư bản ở Phố Chính”. Nhiều người thuộc thời bùng nổ con nít trở nên cảm thấy xấu hổ về cha mẹ mình, cho rằng họ, dường như, có những quan điểm hẹp hòi và kinh nghiệm đời sống bị giới hạn – những nông dân cù lần, những tiểu thương chỉ ham vơ vét tiền bạc, và những người nhập cư vừa mới-bước-từ-tàu-xuống không nắm vững ngôn ngữ và văn hóa Hoa Kì đôi khi làm cho con cái họ bối rối. Thực vậy, thế hệ mới này bị ám ảnh về một sự thanh lịch mới, và tự cảm thấy bị lạc lõng một cách sâu xa trong dòng chủ lưu Hoa Kì mà trong đó họ lớn lên – một thế giới của những ánh đèn huỳnh quang hoa dạng và những quán ăn ven đường thiết kế thô kệch, về những quảng cáo truyền hình trắng trợn thao túng khán giả và những xe hơi quá cỡ hung hăng – về, yếu tính, một sự tuân thủ thương mại dường như toàn năng ngự trị trong sự thiếu vắng bất cứ dấu vết nào về văn hóa cao cấp mà họ đã từng biết và quý trọng qua giáo dục. Phản ứng trước một sự đồng thuận văn hóa nhận thức chống lại điều mà thoạt tiên họ cảm thấy bất lực, họ bị thôi thúc để hướng tới gần như bất cứ nguồn mạch căn cước nào và kiếm tìm cái đó mọi nơi từ những phòng hoà nhạc cổ điển Châu Âu tới những quán có máy hát đĩa ở cấm khu Chicago. Khi lớn lên, họ sẽ giới thiệu cho dòng hợp lưu Hoa Kì về sự đa dạng gần như vô hạn của những nghệ phẩm lạ lùng được khám phá trong những chuyến du lịch của họ, từ bánh nhân mặn cho tới môn võ karatê (không thủ đạo). Trong vài khía cạnh, thế hệ mới thực sự trội hơn thế hệ cha mẹ mình; nhưng thế hệ ấy không biết cách nào để thẩm định giá trị về những sự khám phá của họ ngoại trừ thông qua thử để biết đúng sai – tiến trình tốn kém, u ám của việc thí nghiệm qua đó sự tiến bộ thường diễn ra. Cùng với nhiều giá trị, thì nhiều sự nhập khẩu mới xáo trộn hơn đã lộ ra, bao gồm văn hoá sử dụng ma tuý của ma cô Da đen và những người viết nhạc bebop, và cả một đường lối chính trị bằng cách mạng bạo động. Vào cuối thập niên tám mươi, tiến trình sàng lọc còn xa sự hoàn tất lắm. Đời sống gia đình bị thế hệ này xem như là một sự thoả hiệp nhục nhã và như một cãi bẫy, vì nó chứa đầy những mộng mơ và thất vọng thời niên thiếu – những thất vọng này được những cuộc chiến đấu khắc khoải để vượt qua khoảng cách thế hệ mài sắc lưỡi dao – thế hệ này tiến về trước để đòi chỗ trên sân khấu quốc gia. Như việc thường xảy ra, là do hậu quả của sự thận trọng hơn là do sự việc, đời sống tình ái của cha mẹ họ dường như thuần phục một cách vô vọng, có lẽ không hiện hữu, đối với thế hệ kế tiếp. Qua những hoàn cảnh lịch sử phần lớn bị cô lập khỏi tấm gương đối trọng của lớp người lớn tuổi hơn, nên nhiều người trong thế hệ bùng nổ con nít cứ ngỡ là thế hệ của mình đã phát minh tính dục. Trong tình yêu, tính dục, hôn nhân, đời sống gia đình, và nuôi dạy con trẻ, tấm gương của thế hệ lớn tuổi hơn dường như không phải chỉ không thích hợp cho bằng không hiện hữu luôn. Chủ nghĩa thanh giáo đã chiếm ưu thế ở phương Tây từ đầu thế kỉ 19 khiến họ khó thâm nhập vào bức màn im lặng bên dưới đó những thế hệ trước giấu giếm kinh nghiệm về sinh lí. Song đây là một thế hệ đột nhiên bị những nhân số học riêng biệt của mình cắt đứt khỏi những lớp trước, những người đã có thể đền bù sự thiếu hụt về sự minh triết qua sách in bằng văn hoá truyền khẩu. Phong trào đòi quyền công dân cuối thập niên năm mươi và đầu thập niên sáu mươi tìm cách chấm dứt sự phân biệt cưỡng bách về mặt pháp lí đối với những người da đen ở miền Nam, hoạt động thêm nữa để thuyết phục thế hệ trẻ rằng “cái hệ thống cai trị” là nguồn gốc sai lầm, và sự đối lập với nó là đường lối duy nhất có thể thực hiện được. Những từ như “li khai”, “thay đổi”, và “tranh đấu”, luôn luôn được hoan nghênh giữa những người hoạt động xã hội theo tả phái, trong hay ngoài quyền lực, như vậy thu được một tích điện đặc biệt cho hàng triệu thành viên của thế hệ mới. Cuối cùng, có sự tương phản lớn lao giữa kinh nghiệm về chiến tranh của hai thế hệ – một sự khác biệt nền tảng trong nhiều trường hợp đã chứng tỏ không thể bắc cầu và miễn nhiễm đối với những nỗ lực lí lẽ kèm theo. Thế hệ cha mẹ đã chiến đấu trong một cuộc chiến tranh tàn nhẫn và đẫm máu bên phía chính nghĩa. Bất cứ ai cũng có thể thấy rằng Hitler và những đồng minh phải bị chặn bằng bất cứ giá nào. Những người lính đã trở về nhà như những anh hùng với một quốc gia hạnh phúc tự hào vì chiến công của họ. Những người thương tật, những người bị chấn thương vì đại bác, và những người thương vong có thể tìm an ủi trong việc biết rằng sự hi sinh của họ không phải là vô ích. Những nam thanh niên trẻ lê bước trở về những thị trấn vùng quê và hàng xóm láng giềng tầng lớp lao động sau những nghĩa vụ quân sự ở Việt nam, mặt khác, không có kinh nghiệm như vậy. Họ đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh có tính chất phòng thủ mà không có những mục đích rõ ràng, giữa một dân tộc không thông cảm với họ ai nấy đều trông giống hệt như du kích quân Cộng sản, mà họ được giả thiết phải đẩy lui. Đối với nhiều người cùng thế hệ, họ về nhà như những kẻ côn đồ – những kẻ phản bội nhân loại tệ hại nhất, những kẻ bị đánh lừa bởi một hệ thống bị xem là có tốt nhất thì cũng hoá rồ. Trong suốt Thế chiến Hai, con gái không thèm nhìn những người đàn ông không mặc binh phục; trong suốt Chiến tranh Việt nam, họ lại không thèm nhìn những người đàn ông mặc binh phục. Không phải những quân nhân chiến đấu là những tổn thương duy nhất của Chiến tranh Việt nam. Hàng chục ngàn thanh niên Hoa Kì trốn qua biên giới sang Canada để trốn lính trong một cuộc chiến mà họ đã kết luận là trái đạo đức. Hàng triệu người khác nữa bị đẩy vào những mức độ khác nhau về sự đối lập với chính phủ của họ, sắp xếp từ những sự hoạt động xã hội chính trị tốn thời gian và năng lượng cho tới việc kéo dài một cách giả tạo việc học để lợi dụng sự hoãn dịch được ban cho sinh viên cao đẳng. Một số đi tù. Bị tách lìa khỏi quá khứ đại diện bởi thế hệ cha mẹ và bị tách lìa khỏi hiện tại đại diện bởi “chế độ”, hàng triệu người của thế hệ mới đã hiến thân để tạo ra một tương lai khác biệt. Chính từ “khác biệt” thường được sử dụng như một lời ca tụng lớn lao. “Bạn không thể tin cậy bất cứ ai trên ba mươi tuổi” trở thành một câu cửa miệng thông dụng. Sự làm sang theo thuyết hư vô của thế hệ trẻ châu Âu đã vượt qua Đại tây dương cùng với bài quốc ca nhan đề “Thế hệ Tôi” bởi nhóm nhạc pop nước Anh[từ viết tắt của popular tức nhạc bình dân] mang tên Ai (Who), họ rống lên bài hát “Hi vọng tôi chết trước lúc già” (Hope I die before I get old) trước khi đập tan những nhạc khí trên sân khấu. Tại Liên hoan nhạc Pop ở Monterey [bờ biển tiểu bang California] năm 1967, Jimi Hendrix, còn tiến hơn họ một bước và đốt luôn cây đàn ghita. Điều đó có thể là xuẩn trí hoàn toàn, nhưng chắc chắn nó rất gây hứng thú. Con đường dường như rộng mở cho sự biến đổi bất tận, sự tự thám hiểm bất tận, sự hứng thú bất tận – và kết thúc vết thương sâu thẳm của khoảng cách thế hệ và sự giận dữ cay đắng về Chiếm tranh Việt nam đã hiện ra thấp thoáng, có lẽ, hạnh phúc, hay một thế giới tốt đẹp hơn. Trong bầu không khí này thì phong trào nữ quyền mới bắt đầu. Những nhà hoạt động xã hội chính trị nữ chịu trách nhiệm về sự nổi lên lại của chủ nghĩa nữ quyền Hoa Kì vào cuối những năm sáu mươi đã nhận được một sự giáo dục thiết yếu đồng nhất với sự giáo dục của những nhà hoạt động xã hội nam cùng chung lí tưởng trong phong trào đòi quyền công dân. Một cách mặc nhiên, họ tin rằng sự đóng góp của mình đối với phong trào cũng bình đẳng với đóng góp của đám đàn ông. Thêm nữa, khi cuộc nổi dậy thế hệ tăng thêm khí thế, có phát triển thành một sự loại bỏ những giá trị của thế hệ cũ, đặc biệt, cũng bác bỏ tiêu chuẩn hôn nhân và lí tưởng gia đình hạt nhân ngoại ô, cùng với những vai trò giới được vạch ra dứt khoát. Mong đợi đàn ông chấp nhận mình như những người cộng tác bình đẳng, nhưng thay vì thế những phụ nữ hoạt động xã hội này thường tìm thấy chính mình bị đẩy vào những nhiệm vụ như lo việc giấy tờ và pha chế càphê trong khi đàn ông tham dự những vấn đề uy thế hơn về hệ tư tưởng và chiến lược. Hơn nữa, chủ nghĩa cấp tiến những năm sáu mươi thường trưng ra một sự coi thường đàn bà mãnh liệt. Như ông Stokely Carmichel một người da đen cấp tiến đã tuyên bố: “Vị thế đúng đắn của phụ nữ trong phong trào này là nằm ngửa.” Sự xung đột giữa những sự mong đợi và kinh nghiệm của những thiếu nữ cấp tiến trước hết dẫn tới hoang mang và rồi đến nổi dậy, được đốt cháy bởi sự khám phá ra tác phẩm Huyền thoại Nữ tính (The Feminine Mystique, 1963) của Betty Friedan. Kết quả của cuộc nổi dậy này là việc hiện xuất phong trào nữ quyền như chúng ta biết nó ngày nay. Phong trào này đã đề nghị phát sinh một sự phân tích xã hội toàn diện, đầy đủ với những những phương thuốc để chữa trị các căn bệnh của nó. Chủ nghĩa nữ quyền tái phát trong báo chí Hoa Kì chung quanh năm 1969 đã chia sẻ những đặc trưng chung của cuộc nổi dậy văn hoá đối nghịch rộng lớn hơn mà từ đó nó phát triển. Nó mang tính lí tưởng, bởi tin vào sự khả tính về một thế giới tốt đẹp hơn, thậm chí tốt đẹp nhất trong mọi thế giới có thể có được, chỉ cần người ta có thể trừ bỏ những vướng mắc và hoạt động cùng nhau. Phong trào này xảy ra ở Hoa Kì, tại thời điểm nước này thống trị thế giới như ít nước đã làm được trong dòng lịch sử, và bị thông tin một cách tệ hại về những thời và những nơi khác bất chấp sự mê luyến có hệ thống với những thứ hương xa. Nó mang tính thế hệ, nghi ngờ về những động cơ và giá trị của thế hệ cha mẹ, tin chắc rằng chỉ có nền văn hoá mới của thế hệ trẻ mới có thể định nghĩa được những vấn đề đúng và cung cấp những câu trả lời đúng. Nó nhấn mạnh sự quan trọng của cá nhân và nhóm làm thiệt đến những mối quan hệ thiết thân – một sự nhấn mạnh dường như được biện minh bằng tỉ lệ li dị cao của thế hệ cha mẹ và tính chất tạm thời của đời sống thiếu niên trong các kí túc xá, nhà trọ tạm, và khu tạm trú lưu động. Và họ giận dữ tin rằng phụ nữ đang bị lừa mất những thứ đúng là thuộc quyền của họ, chỉ có thể được giành lại qua sự đối đầu có tổ chức và sự duy trì một mức độ cao về sự thịnh nộ chống lại “chế độ”. Đó là một giai đoạn cách mạng, hay mong mỏi là vậy: như trong tất cả những giai đoạn cách mạng, mọi thứ dường như có thể. Sự tồn tại của bất cứ bất công nào được nhận thức đều được thông giải như chẳng gì ngoài một tội phạm, hoặc do sai khiến hay do bỏ sót [cố tình hoặc vô ý]. Nhiều người ở thế hệ những năm sáu mươi đã sa xuống một tinh thần bới móc. Dạng thức yêu thích nhất của họ về văn học là phê bình: Không an toàn trong bất cứ tốc độ nào (Unsafe at Any Speed) đã vạch trần nền công nghiệp xe hơi, Sự cám dỗ tiềm ẩn (Subliminal Seduction) làm cùng việc như vậy với ngành quảng cáo, Huyền thoại về bộ từ điển Bách khoa Britannica tấn công tác phẩm tham khảo được yêu thích nhất của Hoa Kì. Không hoạt động, khu vực, hay tập hợp khái niệm nào được miễn công kích khi các tác giả, nín thở vì nóng giận, vượt qua vượt lại lằn ranh lung lay giữa cải cách và cách mạng, tâng bốc ý kiến của thế hệ này về chính nó và sứ mệnh của nó khéo léo như bất cứ chính khách mị dân nào vậy. Như vậy, những nhà nữ quyền mới tin rằng họ có quyền, bổn phận, và khả năng để tái tạo những vai trò nữ giới “truyền thống”, hay thậm chí hoàn toàn định nghĩa lại phái nữ. Sự tự tin ấy là cần thiết để nhận thức sự thay đổi, và những nhà nữ quyền mới chắc chắn xúc tiến sự thay đổi. Việc họ có hay không sự minh triết thiết yếu là một câu hỏi hoàn toàn khác. Hầu như một thế hệ sau, đã đến lúc chúng ta định giá lại triết lí về giới tính mà họ đã phát triển. Trích Chương 1 cuốn “Sự thất bại của nữ quyền” (The Failure of Feminism) PAGE \* MERGEFORMAT 11