Academia.eduAcademia.edu
VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH. QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH. - Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, con người không tồn tại một cách chung chung, trừu tượng mà chỉ có con người mang đậm sắc thái lịch sử, cụ thể đó là nhân dân, những người lao động nghèo khổ bị áp bức, bóc lột. - Con người, theo Hồ Chí Minh, được hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp: “Chữ Người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bầu bạn. Nghĩa rộng là đồng bào cả nước. rộng hơn nữa là cả loài người” . - Ở đây, con người trong quan niệm của Hồ Chí Minh được biểu hiện như một phức hợp: vừa là một con người cụ thể, vừa là một cộng đồng xã hội, từ gia đình, giai cấp, dân tộc đến nhân loại nói chung. Hồ Chí Minh nhìn nhận con người không chỉ là một thực thể sinh học, mà còn nhấn mạnh và khẳng định rõ cái đóng vai trò quyết định trong việc hình thành bản chất con người là mặt xã hội. Khi bàn về chính sách xã hội, cũng như ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, Người luôn quan tâm đến nhu cầu, lợi ích của con người với tư cách nhu cầu chính đáng. Đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp chung vì nếu như những nhu cầu, lợi ích của mỗi cá nhân không được quan tâm thỏa đáng thì tính tích cực của họ sẽ không phát huy được. Trong khi phê phán một cách nghiêm khắc chủ nghĩa cá nhân, Người viết: “Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình”. Trong quan điểm về thực hiện một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, theo Hồ Chí Minh, phải là một nền dân chủ chân chính, không hình thức, không cực đoan, trong đó mỗi con người cụ thể phải được đảm bảo những quyền lợi và nghĩa vụ của mình theo hiến pháp và pháp luật. Con người, với tư cách là những cá nhân, không tồn tại biệt lập mà tồn tại trong mối quan hệ biện chứng với cộng đồng dân tộc và với loài người trên toàn thế giới. Con người trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh không tồn tại như một phạm trù bản thể luận có tính trừu tượng hóa và khái quát hóa mà được đề cập đến một cách cụ thể, đó là nhân dân Việt Nam, những con người lao động nghèo khổ bị áp bức cùng cực dưới ách thống trị của phong kiến, đế quốc; là dân tộc Việt Nam đang bị đô hộ bởi chủ nghĩa thực dân; và mở rộng hơn nữa là những người nô lệ mất nước và những người cùng khổ. Logic phát triển tư tưởng của Người là xuất phát từ chủ nghĩa yêu nước để đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với chủ nghĩa quốc tế chân chính. Theo logic phát triển tư tưởng ấy, khái niệm “con người” của Hồ Chí Minh tiếp cận với khái niệm “giai cấp vô sản cách mạng”. Người đề cập đến giai cấp vô sản cách mạng và sự thống nhất về lợi ích căn bản của giai cấp đó với các tầng lớp nhân dân lao động khác. Người nhận thức một cách sâu sắc rằng, chỉ có cuộc cách mạng duy nhất và tất yếu đạt tới được mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và toàn thể nhân loại khỏi mọi sự nô dịch, áp bức. Toàn bộ các tư tưởng, lý luận về thực chất chỉ là sự cụ thể hóa bằng thực tiễn tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh. Trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, con người được khái niệm vừa là mục tiêu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, vừa là động lực chính của sự nghiệp đó. Tư tưởng đó được thể hiện rất triệt để và cụ thể trong lý luận chỉ đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Theo Hồ Chí Minh, con người sinh ra, lớn lên trong môi trường xã hội, do đó, các điều kiện, hoàn cảnh xã hội làm nảy sinh trong con người cả cái thiện và cái ác. “Ngủ thì ai cũng như lương thiện. tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền. Hiền, dữ đâu phải là tính sẵn. Phần nhiều do giáo dục mà nên”. Vì vậy, “ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi” . Con người bị chi phối bởi lịch sử - xã hội, nhưng lịch sử - xã hội không dừng lại một chỗ, mà thường xuyên vận động, phát triển; bởi vậy, bản chất con người không phải là “nhất thành bất biến”. Hồ Chí Minh luôn tin tưởng rằng, bản chất con người là luôn hướng thiện. Tấm lòng Hồ Chí Minh luôn hướng về con người. Người thương yêu con người, tin tưởng con người, tin và thương yêu nhân dân, trước hết là người lao động, nhân dân mình và nhân dân các nước. Với Hồ Chí Minh, lòng thương yêu nhân dân, thương yêu nhân loại là không bao giờ thay đổi. Người có một niềm tin lớn ở sức mạnh sáng tạo của con người. Lòng tin mãnh liệt và vô tận của Hồ Chí Minh vào nhân dân, vào những con người bình thường đã được hình thành từ rất sớm. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết toàn dân. Quan điểm tin vào dân, vào nhân tố con người của Người thống nhất với quan điểm của Mác, Ăng ghen, Lê nin: Quần chúng nhân dân là người sáng tạo chân chính ra lịch sử. Quan niệm về con người, coi con người là một thực thể thống nhất của “cái cá nhân” và “cái xã hội”, con người tồn tại trong mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với cộng đồng, dân tộc, giai cấp, nhân loại; yêu thương con người, tin tưởng tuyệt đối ở con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp giải phóng xã hội và giải phóng chính bản thân con người, đó chính là những luận điểm cơ bản trong tư tưởng về con người của Hồ Chí Minh. Xuất phát từ những luận điểm đúng đắn đó, trong khi lãnh đạo nhân dân cả nước tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, Hồ Chí Minh luôn tin ở dân, hết lòng thương yêu, quý trọng nhân dân, biết tổ chức và phát huy sức mạnh của nhân dân. Tư tưởng về con người của Người thông qua thực tiễn cách mạng đã trở thành một sức mạnh vật chất to lớn và là nhân tố quyết định thắng lợi của chính sự nghiệp cách mạng ấy. MỤC TIÊU GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG NHÂN VĂN HỒ CHÍ MINH. Trong lý luận về xây dựng chế độ mới, Hồ Chí Minh đã khẳng định xây dựng chế độ dân chủ nhân dân gắn liền với việc thực hiện bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong kháng chiến giải phóng dân tộc cần xây dựng chế độ dân chủ nhân dân để đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, đồng thời tạo ra những tiền đề cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội; trong xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải thực hiện chế độ dân chủ nhân dân. Đây là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Cuộc chiến đấu ấy sẽ không đi đến thắng lợi nếu không dựa vào lực lượng của toàn dân. Về chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh không bao giờ quan niệm hình thái xã hội đó như một mô hình hoàn chỉnh, một công thức bất biến. Bao giờ Người cũng coi trọng những điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa khách quan. Người chỉ đề ra những mục tiêu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội với những bước đi thiết thực và những nội dung cơ bản nhất. Theo Người: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết là làm cho nhân dân lao động thoát khỏi bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và được sống đời hạnh phúc”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, con người luôn là mục tiêu của mọi hành động cách mạng. Với tư tưởng này, Người đã khẳng định rõ mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng con người phải do chính bản thân con người thực hiện. Trong những năm bôn ba tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người đã nhận định: Chính sự áp bức và thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân sẽ thúc giục nhân dân Đông Dương và các dân tộc thuộc địa khác vùng dậy tranh đấu đòi quyền làm người. Theo Hồ Chí Minh, “người cùng khổ” bao gồm người dân Việt Nam, nhân dân các nước thuộc địa bị áp bức. Đó là những người cần phải được giải phóng. Người sớm nhận thấy sức mạng to lớn của quần chúng lao động bị áp bức khi họ được giác ngộ, được tổ chức, lãnh đạo. - Mục tiêu giải phóng con người được Hồ Chí Minh nêu lên là: đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho mỗi con người. Mục tiêu đó vừa cụ thể, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng, vừa thể hiện tầm chiến lược lâu dài. - Người khẳng định: Đầu tiên là phải giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đem lại cuộc sống độc lập, tự do cho họ; sau đó phải hướng đến đáp ứng những nhu cầu thường nhật của con người như ăn, mặc, ở, học hành; phấn đấu cho mục tiêu, lý tưởng chiến lược là giải phóng con người với ý nghĩa đầy đủ nhất. - Hồ Chí Minh chỉ có một “ham muốn tột bậc” là đất nước hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đó là mục tiêu giải phóng con người mà Hồ Chí Minh luôn hướng tới. “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách đơn giản và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” . Hồ Chí Minh yêu cầu mọi chủ trương, chính sách, quy định pháp luật đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi” . Người cũng yêu cầu: “Việc gì có lợi cho dân, chúng ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân chúng ta phải hết sức tránh” . Vì vậy trong đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong cả xây dựng chủ nghĩa xã hội khi định ra những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa. VAI TRÒ ĐỘNG LỰC CỦA CON NGƯỜI TRONG CÁCH MẠNG VIỆT NAM. -Cùng với mục tiêu giải phóng con người, Hồ Chí Minh luôn coi con người đồng thời là động lực của sự nghiệp cách mạng. Sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa có thắng lợi hay không, theo Người, phụ thuộc vào sự đóng góp của từng người, của tất cả cộng đồng, của những người lao động bởi cách mạng là sự nghiệp của họ. Con người là động lực của cách mạng, được nhìn nhận trên phạm vi cả nước, toàn thể đồng bào song trước hết là giai cấp công nhân và nông dân. - Con người là động lực của cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là con người được đặt trong từng hoàn cảnh lịch sử nhất định, trong quan hệ nghĩa vụ của họ đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với giai cấp mình và đối với bản thân mình. Điều này có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. cho nên Nhà nước mới lấy công – nông – trí làm nền tảng. Người cho rằng, suy cho cùng, sống ở đời và làm người là phải yêu nước thương dân, thương đồng loại bị áp bức đau khổ. Từ tình thương yêu như vậy, con người phải thực hiện nghĩa vụ của mình, phải tham gia sự nghiệp cách mạng dân chủ nhân dân, cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hồ Chí Minh chẳng những đặt nhân tố con người trong các điều kiện cần và đủ, có tính tất yếu để biến đổi cách mạng xã hội, mà còn với tư cách chủ thể lịch sử tạo ra, phát triển, hoàn thiện, quy tụ các điều kiện đó lại nhằm thực hiện mục tiêu mà cách mạng đề ra: “Vô luận việc gì đều do người làm ta, và từ nhỏ đến to, từ gần đến xa, đều thế cả”. - Không phải mọi người đều trở thành động lực mà phải là những con người được giác ngộ và tổ chức. họ phải có trí tuệ và bản lĩnh, văn hóa, đạo đức, được nuôi dưỡng trên nền truyền thống lịch sử và văn hóa của dân tộc Việt Nam… chính trị, văn hóa, tinh thần là động lực cơ bản trong động lực con người. con người là động lực chỉ khi thực hiện hoạt động có tổ chức, có lãnh đạo. Vì vậy cần phải có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh”, Người viết: “Muốn cách mệnh thành công thì phải có dân chúng (công nông) làm gốc”. Trong kháng chiến kiến quốc, Hồ Chí Minh nâng quan điểm “dân” lên một nấc thang mới “Nước lất dân làm gốc”. Xem con người là động lực của cách mạng, Hồ Chí Minh đã thành lập các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ chính trị từng giai đoạn để tập hợp, phát huy nhân tố con người. Người khẳng định: “Trong bầu trời không có gì đáng quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Hồ Chí Minh luôn nhìn nhận con người vừa là sản phẩm của lịch sử, vừa là động lực phát triển của lịch sử. Người chỉ rõ: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cần phải có con người xã hội chỉ nghĩa”. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thành công trên cơ sở ý thức tự giác đóng góp công sức của con người. Con người xã hội chủ nghĩa vừa là sản phẩm sinh thành của quá trình phát triển xã hội mới, vừa là kết quả của hoạt động tích cực, chủ động của hàng triệu con người trong xã hội. Giữa con người - mục tiêu và con người – động lực có mối quan hệ biện chứng với nhau. Càng chăm lo cho con người – mục tiêu tốt bao nhiêu thì sẽ tạo thành con người – động lực tốt bấy nhiêu. Ngược lại, tăng cường được sức mạnh của con người – động lực thì sẽ nhanh chóng đạt được con người – mục tiêu cách mạng. Phải kiên quyết khắc phục kịp thời các phản động lực trong con người và tổ chức. đó là chủ nghĩa cá nhân. Thứ vi trùng rất độc này đẻ ra hàng trăm thứ bệnh: thói quen truyền thống lạc hậu, tàn tích xã hội cũ để lại, bảo thủ, rụt rè không dám nói, không dám làm, không dám đề ra ý kiến, tóm lại không dám đổi mới và sáng tạo. Cần phải tăng cường giáo dục nhân dân, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thì mới tạo ra được những con người mới, vừa là động lực, mục tiêu của cách mạng.