Academia.eduAcademia.edu
GIỚI THIỆU Họ lan trở thành vua của thực vật với khoảng 25000 loài, 880 chi khác nhau. Lan có sự phân bố rộng khắp trên tất cả các châu lục, từ vùng khô hạn cho đến nơi đầm lầy ẩm ướt, từ nơi nóng như thiêu dưới cái nắng sa mạc cho đến nơi lạnh giá cận cực. Nơi duy nhất lan không thể sống đựơc là lãnh nguyên (tundra) băng giá quanh năm và vùng cực lạnh lẽo.Lan có khả năng thích nghi rất tốt với các điều kiện khô hạn và khắc nghiệt do đó đã đẩy mạnh tính cạnh tranh và chiếm cứ trên con đường tiến hoá của muôn loài. Lan phân bố rộng rãi khắp nơi trên thế giới, tập trung nhiều nhất ở vùng nhiệt đới, rất phong phú với nhiều hình dáng và màu sắc. Tại Việt Nam, hoa Lan cũng rất đa dạng. Theo giáo sư Phạm Hoàng Hộ, riêng lan rừng ở các tỉnh Nam Bộ đã biết là khoảng 500 loài khác nhau. Một số giống hoa có thể trồng được trong điều kiện khí hậu nhiệt đới cận của nước ta như Dendrobium, Mokara, Cattleya, Vandaccous,…Trong đó lan Mokara được trồng nhiều và có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh giá trị thẩm mỹ, lan Mokara còn được sử dụng để tách chiết một số hợp chất phục vụ ngành công nghiệp mỹ phẩm. Ngoài ra, đối với y học loài hoa này cũng có nhiều giá trị nhất định.Với giá trị như vậy, lượng hoa tiêu thụ trong ước ngày càng lớn. Hàng năm chúng ta phải nhập một số lượng lớn các giống hoa Lan (kể cả giống và cành hoa) từ Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc. Do đó giá thành của các cây giống còn rất cao, mỗi cây Lan Mokara kích cỡ trung bình 35 – 40 cm có giá trị từ 40.000 – 45.000 đồng/cây. Số kinh phí để đầu tư được một vườn lan 1000m2 ước tính lên đến gần 300 triệu đồng, trong đó giá trị cây giống chiếm 70%. Do đó việc giảm giá thành cây giống để cung cấp cho người sản xuất đang là vấn đề nhận được nhiều quan tâm. Để giải quyết vấn đề này người ta áp dụng nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô Kỹ thuật này thực sự cần thiết vì hệ số nhân cao, có thể nhân nhanh được hàng loạt các cây con giống có năng suất và phẩm chất tốt như bố mẹ chọn lọc. Từ một cây mẹ ban đầu ta có thể nhân ra hàng ngàn cây con có kích thước và chất lượng đồng đều như nhau, giúp việc nhân giống nhanh hơn. Mặt khác, cây con ổn định về mặt di truyền, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng cây giống và giảm giá thành. Hiện nay đã có nhiều phương pháp nhân giống lan Mokara dễ thực hiện và đạt hiệu quả cao. TỔNG QUAN VỀ LAN MOKARA II.1. Phân loại Lan Mokara là loài lan thuộc: Giới : Plantae Ngành: Angiospermatophyta (hiển hoa bí tử) Lớp:Monocotyliedoneae (đơn tử diệp) Bộ: Orchiddales Họ: Orchidaceae Loài: Vandaneous Giống: Vandan Jones Tên lai: Mokara (viết tắt Mkra) Tên Việt Nam: Lan đất II.2. Nguồn gốc Năm 1969, Lan lai Mokara Wai Liang đầu tiên trên thế giới chính thức được ra đời ở Singapore, dưới bàn tay tài hoa của C.Y.Mok. Đây là loài lan lai giữa ba loài là Arachnis, Ascoentrum và Vanda. Hình 1: Lan Arachnis, Ascoentrum và Vanda II.3. Hình thái Lan Mokara có đặc điểm tương tự như nhóm Vanda: là loài Lan đơn thân, thân hình trụ dài tiếp tục mọc cao lên mãi, không có giả hành, lá dài hình lòng máng hay hình trụ mọc cách hai bên thân. Phát hoa mọc từ nách lá giữa thân, phát hoa dài mang nhiều hoa thường không phân nhánh. Hoa cỡ trung bình đến lớn, cánh đài của hoa rất lớn. Hoa có nhiều màu sắc phong phú từ trắng, tím, hồng đỏ, cam, vàng nâu, xanh, trên cánh hoa thường có chấm, có đốm hoặc hình carô rất đẹp. Nhóm giống này rất thích hợp với việc trồng sản xuất hoa cắt cành do siêng ra hoa, có thể đạt 6 – 8 phát hoa/năm. Lan Mokara là loài dễ trồng, dễ tách chiết, hệ số nhân cao, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nóng ẩm. Hoa Mokara có nhiều màu sắc đẹp, thông dụng nhất là màu vàng chanh, có màu hồng sang, màu đỏ, màu tím. Thường có 8-16 hoa/cành, thời gian chung hoa dài 20-30 ngày. Thân Mokara luôn mọc cao về phía đỉnh. Sự mọc dài của đỉnh không có giới hạn nên cây chỉ có một cây phát triển vô hạn theo chiều thẳng đứng. Sự phát triển này chỉ dừng lại khi ngọn bị tổn thương, lúc đó chồi bên xẻ rách bẹ lá để mọc dài ra thành nhánh. Các nhánh này cũng phát triển vô hạn về đỉnh. Rễ xẻ bẹ lá chui ra ngoài dọc theo chiều dài của cây, là rễ trần (rễ phơi ra ngoài không khí) nên đòi hỏi ẩm độ của vườn rất cao. Phát hoa chỉ xuất phát từ nách lá, ở một bên thân mà không bao giờ ở đỉnh ngọn.. Hình 2: Phát hoa chỉ xuất hiện ở nách lá Hoa Lan Mokara có cấu trúc giống như cấu trúc tổng quát của bất kỳ cây Lan nào: Bên ngoài là 3 phiến hoa gọi là 3 lá đài thường cùng màu và cùng kích thước với nhau. Một lá đài nằm về phía sau hay nằm phía trên của hoa gọi là lá đài lưng, lá đài sau hay lá đài giữa. ail á đài còn lại là lá đài cạnh hay lá đài bên. Kế tiếp bên trong là 3 cánh hoa xem kẽ với 3 lá đài. Trong đó 2 cánh hoa bên thường giống nhau, còn cánh hoa thứ 3 nằm về phía trước, hay phía dưới của hoa, khác hẳn 2 cánh bên về hình dạng và màu sắc, được gọi là cánh môi. Cánh môi là đặc trưng của họ Lan nói chung. Cánh môi của Lan Mokara thường nhỏ hơn cánh bên, có rìa nhăn, và màu sắc cũng rất đa dạng. Tất cả 3 lá đài, 2 cánh hoa và cánh môi được gọi là bao hoa, có nhiệm vụ che chở cho bộ phận sinh dục nằm ở giữa của hoa. Bộ phận sinh dục của hoa gồm một cái trụ nổi lên giữa hoa. Trụ ấy gồm chung cả phần đực và phần cái của hoa nên được gọi là trục hợp nhụy. Phần đực nằm bên trên của trụ, thường có một nắp che chở. Dưới nắp là phấn khối do có rất nhiều hạt phấn dính lại với nhau. Thường mỗi phấn khối còn có them phần phụ bộ đặc sắc: đôi khi chúng gắn vào một cọng nhỏ, đàn hồi, gọi là vĩ phấn. Vĩ phấn có thể gắn vào một cọng chung gọi là gót phấn. Đáy gót có thể có đĩa nhầy giúp cho phấn khối dễ dàng dính vào côn trùng trong sự vận chuyển để thụ phấn. Đĩa nhầy của gót phấn nằm ở ngay đầu của một chỗ lồi ở mắt trước của trụ, nơi đó gọi là mỏ. Phần cái bắt đầu ở ngay dưới cái mỏ ấy, đó là một cái hốc lõm chứa chất nhầy để giữ các phấn khối khi chúng chạm vào. Hốc lõm đó gọi là nướm, tức là phần đầu của bộ nhụy cái, nơi tiếp nhận phấn hoa của bộ nhụy đực trong sự thụ phấn để thành lập trái, tạo hột về sau qua hiện tượng thụ tinh. Hình 3: Cấu trúc hoa Lan Mokara Nằm bên dưới hoa là bầu noãn và cọng hoa. Trong bầu noãn chứa vô số hạt nhỏ li ti gọi là tiểu noãn nằm trên 3 đường dọc theo chiều dài của 3 mép tâm bì dính lại với nhau gọi là 3 đường thai tòa. Sauk hi thụ phấn và thụ tinh thì các tiểu noãn sẽ biến đổi phát triển thành hột trong khi bầu noãn to ra thành trái. Trái chính khô gọi là nang sẽ nứt dọc theo 2 bên đường thai tòa thành ra 3 mảnh lớn và 3 sợi mảnh để phóng thích hột ra ngoài. Hôt rất nhỏ và rất nhiều, nhờ gió phát tán đi khắp nơi, nếu gặp được vị trí và điều kiện thuận lợi thì hột sẽ nảy mầm và phát triển thành cây mới. Hoa Lan Mokara có thể tươi trong hai tuần kể từ khi cắt, phụ thuộc vào giai đoạn hoa mới nở và điều kiện môi trường. II.4. Phân bố Phần lớn hoa Lan trên thế giới đều mọc tự nhiên ở vùng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhất là ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ la-tinh. Trên thế giới có từ 25000 đến 30000 loài hoa Lan, gồm khoảng 800 chi. Loài Lan Mokara được nhập từ Bangkok và Singapore,phân bố trên các vùng thuộc Châu Á nhiệt đới, tập trung nhiều nhất ở Đông Nam Á với điều kiện sinh thái vô cùng đa dạng. Hiện nay lan Mokara được trồng với mục đích thương mại ở nhiều nơi kéo dài từ Philippin đến Nam Á, Hawaii,… Hình 4: Bản đồ sự phân bố hoa Lan trên thế giới Ở Việt Nam: thuộc vùng nhiệt đới, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cùng với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ có điều kiện khí hậu thích hợp cho loại Lan Mokara phát triển. Lâm Đồng là tỉnh có diện tích trồng Lan và sản lượng lớn nhất cả nước, là nguồn cung cấp hoa Lan chủ yếu cho TP.HCM. Ở Củ Chi hiện nay mô hình trồng lan Mokara cũng được triển khai mạnh mẽ. Hình 5: Một vườn Lan Mokara ở Củ Chi Danh sách các loài lan Mokara lai   Mokara Chark Kuan “Pink” pink with spot.  Mokara Chark Kuan” Orange” orange with spot.  Mokara Dinahn Shore red.  Mokara Khaw Paik suan X Kultana Gold gold  MokaraWalter Oumea Pink pink Mokara Mak Chin On red  Mokara Sayan dark pink   Mokara Khaw Paik Suan yellow  Mokara Chark Kuan Red red red  Mokara Yellow yellow  Mokara Orange orange spot  Mokara Pink pink  Mokara Red red  Mokara New Nora Blue blue .Một số hình ảnh về các loại Lan Mokara: Chark Kuan Super Pink Mokara Chark Kuan Pink Mokara Chark Kuan Blooming size Mokara Chark Kuan Orange Mokara Dinah Shore Mokara Chao Praya Sunrise CHĂM SÓC VÀ NUÔI TRỒNG LAN MOKARA III.1. Môi trường và các điều kiện ngoại cảnh III.1.1. Nhiệt độ: Nhiệt độ tác động đến cây lan qua con đường quang hợp. Cường độ quang hợp tăng theo nhiệt độ. Khi nhiệt độ tăng cao , nhu cầu dinh dưỡng ở cây cũng tăng theo. Vì vậy vào mùa nắng ta nên tăng cường bón phân cho cây để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng này. Tuy nhiên nếu nhiệt độ thấm vào cây mà không tỏa ra được thì diệp lục tố sẽ bị tiêu hủy, lá ngả vàng và phản ứng quang hợp bị đình chỉ. Ngoài ra nguyên sinh chất trong tế bào cũng bị đặc quánh lại do mất nước, hậu quả là cây ngừng hô hấp và chết đi. Trường hợp ngược lại, khi nhiệt độ quá thấp sẽ làm gia tăng thể tích nước trong tế bào, làm phá vỡ cấu trúc tế bào. Nhiệt độ thích hợp cho lan Mokara phát triển là từ 20-300C. Ban ngày cây cần nhiệt độ không dưới 210C, ban đêm không dưới 18,50C. Nhiệt độ là yếu tố quan trọng quyết định sự ra hoa của lan Mokara. III.1.2. Ẩm độ: Yếu tố ảnh hưởng quan trọng nhất đối với ẩm độ là mưa, nhưng không phải là mưa to hay nhỏ mà chính là sự phân bố lượng mưa trong năm: mưa rải rác rác làm ẩm độ cao hơn mưa tập trung. Nước từ các trận mưa, từ không khí ẩm vào rễ, di chuyển qua thân và thoát hơi nước qua lá. Sự di chuyển ấy có ý nghĩa rất quan trọng với lan vì nó giúp cho việc vận chuyển chất dinh dưỡng và các sản phẩm do tạo thành trong cây được dễ dàng. Lượng nước ấy rất lớn nên phải tưới nước cho Lan. Cây thiếu nước vì hiện tượng thoát hơi nước qua lá. Sự thoát hơi nước là hiện tượng bốc hơi nên nó tùy thuộc vào độ ẩm. Sự thiếu nước xảy ra vào mùa khô, lúc ấy là khô héo rụng đi, cường độ quang hợp thấp. Tuy nhiên, không phải tất cả nước của cây đều bị thải ra ngoài. Nước là yếu tố quan trọng chiếm tỉ lệ 60-90% trọng lượng của cây Lan. Phần lớn nước ở dạng tự do hòa tan các chất ( như nước ở nhựa cây), chính sự thoát hơi nước này làm cây héo rụng đi. Rễ của Mokara là loại rễ trần (rễ phơi ra ngài không khí) nên đòi hỏi độ ẩm của vườn rất cao. Cây lan Mokara không chịu úng nên cũng phải trồng thật thoáng. Vì đặc điểm là loài lan đơn thân, không có giả hành nên dễ mất nước. Bổ sung nước cho cây bằng cách tưới ngày 2 lần vào lúc sáng và chiều mát. Tăng cường tưới nước vào mùa khô để tránh rụng lá và giảm cường độ quang hợp làm cây sinh trưởng kém. III.1.3. Ánh sáng: Ánh sáng là yếu tố cần thiết cho sự sinh trưởng của Lan. Ánh sáng đem năng lượng cần thiết cho phản ứng quang hợp, nhờ đó cây tạo được chất dinh dưỡng. Khi thiếu ánh sáng, cây không tạo đủ dưỡng chất để sống. Vì cường độ quang hợp tỉ lệ với cường độ ánh sáng nên vào những ngày nắng, cây cần nhiều nước và muối khoáng hơn là lúc trời âm u. Cho nên chúng ta phải chú ý tăng lượng nước tưới và phân bón vào mùa nắng, giảm vào mùa mưa, không nên bón phân vào những ngày âm u, ít nắng. Lan Mokara là loài ưa sáng trung bình, cường độ ánh sáng từ 50-60% là phù hợp. Trồng với quy mô lớn cần thiết kế giàn che bằng lưới để ánh sáng vừa phải, thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển. Hình 6: Nhà lưới trồng lan Mokara Nên xem xét kĩ lưỡng hướng nắng phù hợp cho lan, đảm bỏa thời gian chiếu sáng từ 5-6h. Để lan không thiếu độ ẩm do nắng gay gắt nên đặt lan hướng nắng theo hướng đông và tránh ánh nắng từ hướng tây chiếu lại. III.1.4. Độ thông thoáng và giá thể: Nhóm Lan Mokara rất cần độ thông thoáng nhiều, nhất là trường hợp cây trồng trong chậu vì hệ rễ của cây rất phát triển mà giá thể (chất trồng) lại bí. Nên sử dụng chậu đất có nhiều lỗ thoát, bỏ một ít (rất nhỏ) chất trồng vào chậu hoặc không cần bỏ nhưng phải cung cấp dinh dưỡng đầy đủ và thường xuyên cho cây. Theo kinh nghiệm của anh Nguyễn Tấn Lập, một chủ vườn Lan Mokaraa ở Củ Chi, nên sử dụng giá thể là vỏ đậu phộng vì vỏ đậu phộng vừa giữa được ẩm vừa tạo được độ thông thoáng cho Lan. Hình 7: Sử dụng vỏ đậu phộng làm giá thể III.1.5. Nhu cầu dinh dưỡng Mokara cần dinh dưỡng khá cao và thường xuyên. Nên kết hợp sử dụng phân chuồng, phân cá và phân hỗn hợp N-P-K 30-10-10 hoặc 20-20-20, tùy theo tuổi cây và tình hình sinh trưởng. Do đặc điểm của Mokara là có hệ rễ trần nên khi sử dụng phân bón nên sử dụng với liều lượng thấp và nồng độ loãng. Lưu ý vấn để vàng lá và tuột lá ở chân là do thiếu nước, thiếu dinh dưỡng (nhất là đạm) III.2. Các giai đoạn phát triển của Lan Mokara III.2.1. Giai đoạn nảy mầm của hạt Hạt Lan Mokara quá nhỏ không có chất dự trữ để sữ dụng lúc nảy mầm nên nó phải lấy thức ăn từ nấm cung cấp. Trong thiên nhiên, hạt Lan chỉ nảy mầm khi có được sự cộng sinh với nấm phù hợp. Người ta đã thay thế nấm bằng đường trong môi trường gieo hạt. Sau khi nảy mầm và chỉ sau khi thành lâp được diệp lục tố ở lá, cây lan con mới có khả năng sử dụng khí carbonic để tổng hợp ra hydratecarbon cần cho sự phát triển của nó qua hiện tượng quang hợp. Giai đoạn gieo hạt này được thực hiện trong các phòng nuôi cấy, nhân giống. Hình 8: Hạt Lan Mokara nảy mẩm III.2.2. Giai đoạn cây con Sự phát triển của cây con chịu chi phối của điều kiện bên ngoài đến quá trình quang tổng hợp. Nước và muối khoáng được cung cấp trong môi trường nuôi cấy, ánh sáng nhân tạo từ các bóng đèn được sử dụng thay thế cho ánh sang mặt trời. Khi đưa cây con ra bên ngoài thì các nhu cầu ấy gia tăng hơn nhưng không lớn hơn giai đoạn cây trưởng thành. III.2.3. Giai đoạn trưởng thành Giai đoạn này cây Lan ra rễ, nảy chồi, ra lá nên nhu cầu về ánh sáng, nhiệt độ, phân bón cao hơn giai đoạn cây con. Đặc biệt đến giai đoạn ra hoa thì nhu cầu ấy càng khắt khe, nghiêm ngặt hơn. Giai đoạn chuẩn bị ra hoa (thời kì tượng hoa)xảy ra trước khi thấy các chồi hoa xuất hiện trên cây Lan. Mọi yếu tố tác động vào việc ra hoa phải được đáp ứng vào giai đoạn này nếu không thì cây Lan sẽ không ra hoa. Một hiện tượng đáng chú ý trong giai đoạn này là thời kì nghỉ. Thời kì nghỉ có thể rất ngắn: 1-2 ngày hay có thể kéo dài đến một vài tháng: xảy ra trước khi có hoa hoặc sau khi hoa tàn của cây Lan. Nếu không được đáp ứng tốt thì cây Lan phát triển không tốt, có thể tàn lụi hoặc không ra hoa. III.2.4. Giai đoạn mang hoa, đậu trái và tạo hạt Các nhu cầu trong giai đoạn này cũng khác so với giai đoạn trưởng thành. Ánh sáng và nhiệt độ thấp xuống để hoa lâu tàn. Cách trồng và chăm sóc Lan Mokara IV.1. Cách trồng Lan Mokara có thể được trồng trên lưới, trồng trong luống có chứa vỏ đậu, trồng trong các chậu gốm, nhựa không có chất trồng hoặc có chất trồng là xơ dừa, vỏ đậu, than; hoặc được trồng bằng cách bó vào trụ xi măng đứng. Tuy nhiên kiểu trồng trên các luống có chứa vỏ đậu là cách trồng phổ biến nhất và hiệu quả nhất vì cây Lan thường phát triển rất cao lớn nên trồng trong chậu không thuận tiện. Trồng trên lưới thì cần bổ sung nước thường xuyên cho cây vì rễ cây ngoài không khí dễ bị mất nước. Hình 9: Trồng Lan Mokara trên lưới Hình 10: Trồng Lan Mokara trên luống Mokara là loài lan đơn trụ, phát triển nhanh. Cây con khi mới mua về thường cao 3-4 tấc với vài cọng rễ mới nhú. Vì vậy chúng ta phải giúp cây phát triển bộ rễ bằng cách sử dụng thêm B1 và Atonik (liều lượng rất loãng) cho đến khi ra rễ. Có nhiều cây ra hoa rất sớm, chúng ta nên loại bỏ bông bói này để dưỡng cây. Đồng thời ta cũng phải chú ý sử dụng phân hữu cơ để ngừa nấm bệnh. Đất trồng Lan Mokara cần chọn đất nơi khô ráo thoáng mát sạch sẽ, chủ yếu là đất phù sa ven sông có tỉ lệ cát cao là tốt. Tùy theo diện tích vườn lan để thiết kế luống trồng thích hợp. Nơi chọn làm luốc phải thoáng, nhiều năng, không bị ngập nước, toàn bộ luống Lan phải có giàn che. Thông thường quy cách luống như sau: Chiều ngang luống từ 0,8-1,2 m; chiều dài từ 10-15 m, chiều cao từ 25-30 cm. Xung quanh luống tạo các lỗ hở để thoát nước. Luống nên xây bằng gạch nung vừa rẻ tiền, vừa giữ được giá thể bên trong không bị vung vãi ra bên ngoài. Khoảng cách giữa các luống từ 0,5-0,6 m, thuận tiện cho việc đi lại chăm sóc. Lối đi chính trong vườn có chiều rộng tối đa là 1 m để tiết kiệm diện tích vườn, tăng hiệu quả sử dụng diện tích nhà lưới. Bên trong luống cắm trụ sắt hoặc bê tông để căng dây trồng lan, trụ cao 1-1,2 m tính từ mặt đất. Tùy theo chiều rộng luống có thể bố trí số hàng trồng thích hợp: 2 hàng (chiều ngang 0,8 m); 3 hàng (chiều ngang 1 m); 4 hàng (chiều ngang 1,2 m). Căng dây cáp (dây điện) hoặc cắm ống nước để buộc cây lan vào. Khoảng cách trồng từ 0,3-0,5 m, tùy theo giống và kích thước cây. Cây được trồng theo kiểu nanh sấu (so le) để tận dụng ánh sáng tối đa. (hoalansadec.com) IV.2. Chăm sóc Cây Lan khi mới trồng phải che nắng bằng các phên tre hay các tàu lá dừa, hoặc lưới che để có khoảng 50-60% ánh sáng. Khi cây đã phát triển tốt, đến khi có lá che chắn cho nhau thì gỡ bỏ dần giàn che, chỉ sử dụng lưới thưa cho độ nắng khoảng 60-80%. Muốn cây ra hoa nhiều thì gỡ bỏ lưới che hoặc che lưới thưa hơn. Lá có thể ngả vàng nhưng cây mạnh, ra hoa nhiều. Duy trì độ ẩm cao thường xuyên, ngày râm mát tưới 1 lần, ngày nắng tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát, tưới phun sương hoặc tưới nhỏ giọt tạo môi trường thoáng mát thường xuyên. Làm cỏ để tránh cạnh tranh dinh dưỡng với Lan và thường xuyên bón phân cho Lan. Có 3 giai đoạn tưới phân: a. Phục hồi và ra rễ: Một số loại phân thường dùng: – Terra sorb – 4 dùng với liều lượng 2ml/lít nước – NPK 30-10-10 hoặc NPK 30-15-10 liều lượng dùng 1g/lít – Vitamin B1 dùng với liều lượng 1ml/lít Cách phun: Phun định kỳ cho lan 5 ngày/ lần để cung cấp dinh dưỡng cần thiết. b. Giai đoạn sinh trưởng: Một số loại phân thường dùng: – Phân cá Fish Emulsion dùng với liều lượng 1ml/lít nước – NPK 20-20-20 liều lượng dùng 1-1.5gam/lít – Vitamin B1 dùng với lượng 1ml/lít – NPK 30-15-10 dùng với liều lượng 1g-1.5/lít Phun 5 ngày/ lần. – Phân Dynamic dùng để rải gốc với liều lượng 10g/gốc. Rải gốc định kì 1-1.5 tháng/lần.Khi Mokara ra nhiều rễ và chạm vào vỏ đậu thì nên rải phân. c. Giai đoạn ra hoa Một số loại phân thường dùng: – Phân cá Fish Emulsion dùng với liều lượng 1ml/lít nước – NPK 20-20-20 với lượng 1-1.5gam/lít – Vitamin B1 dùng với liều lượng 1ml/lít – Phân Dynamic rải gốc định kì 10g/gốc;1-1.5 tháng/lần – Rong biển dùng với 10g/30ml (hoalandep.net) IV.3. Phòng trừ sâu bệnh hại: Một số bệnh thường gặp ở cây Lan Mokara: Bệnh đen lá non thường xuất hiện trên những vườn trồng lan Mokara. Vết bệnh ban đầu là những chấm đen nhỏ li ti, sau đó vết bệnh lan rộng và làm thối cả một vùng rộng lớn. Nguyên nhân là do điều kiện trồng quá ẩm. Phòng trị: Hạn chế tưới nước. Khi bệnh có dấu hiệu nặng thì sử dụng  Physan 20 hoặc Ridomil. Bệnh thiếu các yếu tố đa vi lượng: Đạm, Lân, Kali, Magie, Canxi, Sắt, Bor, Mangan,... Bệnh thối đen do nấm Pythium sp. Và Phytophthora sp. Gây ra, gặp nhiều trên lá đang thối. Bệnh thối đọt: Do nấm Phytophtora palmivora gây ra, làm cho các đọt Phong lan bị đen lại. Lúc đầu ở gốc các lá non có màu nâu đậm sau đó trở thành đen và làm lá rụng dễ dàng. Bệnh lan dần xuống thân và làm chết cả cây. Nguyên nhân cơ bản cũng do nước đọng lại lâu ở gốc bẹ lá, làm nõn cây bị phá hoại. Do đó vào mùa mưa cố tránh không để giọt mưa rơi và đọng lại ở các nõn lá. Cũng như các bệnh khác, cần phát hiện kịp thời và cắt bỏ đi phần bị bệnh và làm khô môi trường quá ẩm ướt xung quanh. Nếu bệnh có chiều hướng gia tăng, cần phun thuốc để trị. Hòa tan ít bột thuốc Thiram trong vài giọt nước, rồi trát ngay vào chỗ bị bệnh, để cứu chiếc lá đó khỏi bị rụng.  Bệnh thối rễ và gốc: Do nấm Pellicularia rolsii và Sclerotium rolsii gây ra. Cây Phong lan bị vàng lá, rễ bị mềm nhũn và nâu lại. Bệnh thường bắt đầu lan từ đỉnh rễ rồi chuyền vào gốc thân. Do cây Phong lan trồng trong các chậu, bộ rễ bị che lấp nên khó thấy bệnh ngay, nhưng để ý thấy chậm phát triển, kèm theo có vài lá úa vàng, cần phải nhấc cây khỏi đám gạch, than để kiểm tra bộ rễ ngay. Nếu phát hiện sớm ở ít cây thì lấy toàn bộ cây ra khỏi chậu, xịt thuốc trực tiếp vào bộ rễ (Thiram) và ngưng việc tưới ẩm cho bộ rễ. Nếu cần có thể ngâm ngập để cổ thân cây Phong lan trong dung dịch Sulphat đồng 1%, dung dịch Thiram, sau đó đem trồng vào chậu mới sạch sẽ. Chất liệu trồng cũng chọn than, gạch lớn để có thể tiếp tục xịt thuốc tới cả bộ rễ. Chế độ tưới nước phải được xem xét lại, tránh để ấm quá lâu trong bộ rễ (nhất là vào mùa mưa), các vật liệu trồng không nên nhuyễn quá, cây Phong lan luôn phải chịu độ ẩm cao, không thông thoáng. Bỏ bớt giàn che để có nhiều nắng hơn làm cho môi trường nuôi trồng khô ráo hơn. Bệnh khô cháy lá do nấm thuộc giống Phylostica. Bệnh đốm nâu do nấm Phllostictina piriformis gây ra Bệnh đốm vàng: do nấm Cercosporasp. Có bào tử màu nâu đen.  Bệnh thường phát triển phổ biến ở những vườn lan trồng Dendrobium và lan Mokara. Gây hại chủ yếu trong mùa mưa, ở những vườn có ẩm độ cao. Vết bệnh là những đốm nhỏ tròn màu đen, hình trong hơi lõm, ở giữa màu nâu nhạt, xung quanh có gờ nổi màu nâu đậm. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá già. Phòng ngừa bệnh đốm vàng lá: + Thường xuyên dọn vệ sinh vườn lan. Phun thuốc phòng bệnh khi cây còn nhỏ, chưa xuất hiện triệu chứng bệnh. + Xử lý khi bệnh đốm lá vừa xuất hiện: cắt bỏ phần vết bệnh trên lá, sau đó bôi thuốc trị nấm. + Khi cần thiết có thể sử dụng một trong các loại thuốc như: Rydomyl Gold 68 WP, Dipomate 80 WP, Zineb, Captan + Aliette, hỗn hợp Carbenzim với Dipomate... Bệnh do virus: virus thường lây lan qua các dụng cụ , bệnh cũng lây lan bằng các côn trùng châm hút, bệnh phát triển theo các vết thương. Bên cạnh đó, có rất nhiều loại côn trùng đến hại Phong lan từ mầm cây đến hoa quả: -Rệp sáp, rất thích hút nhựa cây Phong lan kể cả cây nhỏ đến cây lớn, làm cho cây khô héo dần. Rệp sáp thuộc họ Cocoidea, có vỏ cứng màu nâu, lây lan do kiến đem đến. Nó phát triển rất mạnh ở các giàn lan bị che tối, do đó luôn phảicó ánh sáng trong giàn lan, thông thoáng và độ ẩm vừa phải. (Nếu có hiện tượng bị rệp sáp cần phơi các chậu Phong lan ra nắng) Rệp hút nhựa cây làm cây bị thương tổn lại là cơ sở cho các bệnh xâm nhập. Nếu trồng ít chậu thì có thể dùng bông tẩm dầu hôi để lau các mặt lá và dọc theo thân. (Nên làm vào buổi chiều để tránh sự cháy nắng lá). -Rầy trắng, cũng hút nhựa cây làm cây khô héo dần. Nó được bọc bởi 1 lớp vảy màu trắng mịn và cũng thuộc họ Coccidea. Nếu sớm phát hiện có rầy trắng phá hoại, thì phun lên lá và thân dầu hôi với wofatox. Mỗi tuần phun 1 lần và làm cả mặt dưới lẫn mặt trên lá. Nếu cây bị nặng, thì gỡ cây khỏi chậu và ngâm trong dung dịch thuốc trên, rửa sạch các vết bẩn rồi trồng lại vào chậu khác. Tiếp tục làm vệ sinh quanh vườn và trong giàn (rẫy cỏ, phun thuốc sát trùng và chặt bỏ các cây có thể gây nguồn sâu bọ). Sâu : ấu trùng của các loài Bướm ngày và đêm cũng phá hoại lá Phong lan khá mạnh (Phá hoại lá có Chliaria, phá hoại rễ có lọi Creatonotus, Diacrisia). CÓ thể phòng trừ bằng bắt sâu, hay thuốc pha loãng (Malathion, Gam ma BHC...). - Gián: cắn phá rễ Phong lan rất nhanh, chúng thường ở ngay trong chậu Phong lan và lẫn trốn trong các khe than gạch, hoặc di chuyển từ nơi cống rãnh, chân cột giàn lên. Chúng rất thích ăn phần đầu rễ non làm cây bị tổn thương nặng, yếu đuối, tăng trưởng chậm và dễ nhiễm bệnh. Gián rất khó diệt vì chúng lẩn trốn kín, ban đêm mới ra cắn phá. Thường xuyên kiểm tra các chậu Phong lan bằng cách ngâm cả chậu (đến miệng) vào chậu nước lớn, gián sẽ phải bò ra (kể cả gián con), tốt nhất là dùng mồi có tẩm thuốc để nhử gián, sẽ diệt được cả gián trong chậu lẫn ở xung quanh. Một mẫu nhỏ bánh mì có tẩm thuốc (Zso-proposyl-phenil-N-Methylcarbonate) sẽ diệt được chúng về đêm. Sau đó phải làm vệ sinh toàn bộ nơi trồng Phong lan không để các chỗ cho chúng ẩn nấp. Rầy vàng có nhiều loài, trong đó chủ yếu thuộc loài Lem pectorallis phá hoại Phong lan nhiều nhất. Chúng thường làm hại nụ và hoa Phong lan, bằng cách đẻ trứng trên búp hoa và cắn phá mạnh cả cụm hoa (ấu trùng lớn màu đỏ vàng và nước tiết ra màu đỏ cam). Do đó mỗi khi cây bắt đầu cho nụ hoa phải kịp thời phát hiện và phun thuốc ngay. Rầy hay gieo hoan vào buổi tối do đó nên phun thuốc ngay vào buổi chiều, nó sẽ không hoạt động được. - Rệp đỏ rất nhỏ bé, thường cắn mặt dưới lá làm lá có lấm tấm đen rồi rụng (như lá bị tàn nhang). Khi phát hiện có các đám nhỏ di động ở mặt dưới lá già phải có biện pháp xịt thuốc ngay. Dùng Malathion, Dicrotophos, hay imethoate phun cách 10 ngày 1 lần và cả 2 mặt lá. Ngoài ra còn có thể thấy ở các vườn Phong lan các loại Bọ Trĩ (côn trùng châm hút nhỏ có cánh), Rệp vảy (loại có vỏ cứng hay vỏ mỏng) Rệp bột (cơ thể mềm nhũn)... tất cả đều có thể bị tiêu diệt bằng cách phun thuốc [4] NHÂN GIỐNG HOA LAN MOKARA Như các loại Lan khác, Mokara cũng được nhân giống bằng 2 phương pháp: phương pháp nhân giống truyền thống và phương pháp nhân giống hiện đại bằng kỹ thuật nuôi cấy mô. V.1. Nhân giống Mokara truyền thống a). Nhân giống bằng hạt Cây Lan rất khó hình thành hạt do khó thụ phấn. Hạt Lan rất nhỏ, vỏ lại cứng, khả năng hút nước kém nên tỉ lệ nảy mầm khi gieo rất ít. Người ta tính ra xác suất để mọc một cây lan con là 1/5.000, nghĩa là gieo 5.000 hạt mới có một hạt thành cây và hàng nhiều năm mới nở hoa. Hình 12: Hạt Lan Các bước nhân giống bằng hạt: Sau 5-10 tuần thu phấn cho hoa, ta tiến hành thu quả. Không nên để cho quả chín, tốt nhất là thu quả đang có màu vàng. Quả thu về nên xử lý với Formalin 0,5% để chống nấm, chống vi khuẩn, rồi ủ trong 2 giờ, sau đó hong khô để nơi thoáng gió, chờ hạt nứt vỏ rồi ta thu hạt. Do hạt Lan khó nảy mầm nên trước khi gieo phải qua khâu xử lý hạt, và phải gieo hạt trong môi trường nhân tạo. Khâu xử lý hạt như sau: Cho hạt vào lọ thủy tinh đổ nước oxy già (H2O2) nồng độ 3% ngâm trong 16 phút, sau đó hút dung dịch oxy già ra ngoài, rửa 3 lần với nước cất. Sau đó cho vào phòng cấy vô trùng để cấy. Chiếu sang 18 giờ. Nếu không có ánh sang tự nhiên, chiếu sang nhân tạo 4000 lux. Môi trường nhân tạo gieo hại Lan gồm các thành phần như sau: + Ca(PO4)2 0,2g nước cất + 2 giọt HCl 0,1N + K3NO3 0,53g + MgSO4.7H2O 0,5g + (NH4)2SO4 0,25g + KHSO4 0,225g + Fe2(CuH4O3).3H2O 0,28g + MnSO4.4H2O 0,007g + Saccharose 20g + Thạch agar 10g + Nước cất 1 lít Khi nhân giống bằng hạt thông thường, kết hợp tạo hoa giống có màu sắc đẹp hấp dẫn b). Nhân giống bằng cách cắt ngọn Cây mẹ có độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm có thể cho ghép cắt cành để nhân giống. Có thể cắt cành vào bất cứ dịp nào trong năm miễn là điều kiện môi trường thuận lợi nhưng tốt nhất là vào đầu mùa mưa. Đó là thời gian khí hậu mát mẻ, cây cỏ phát triển tươi tốt. Mỗi lần cắt có thể cho nhiều cây con vì chỉ cần một đoạn 3 – 5 cm với ít nhất hai tầng rễ gió là có thể tách ra thành nhiều cây mới, trong các cây con tách ra, phần có ngọn sẽ cho hoa hơn các phần khác. Cây mẹ sau khi bị cắt ngọn sẽ ra chồi nách và phát triển thành một thân mới. Cây con tách ra được trồng trong giá thể mới như cây trưởng thành. Cây con cần để nơi có độ ẩm cao. Thoáng, ít nắng, tưới theo kiểu phun sương 4 lần trong ngày khi cây đã có rễ chắc chắn mới bắt đầu bón phân và đưa ra nắng. Không nên để chồi con trên cây mẹ quá lâu, sẽ làm mất sức cây mẹ. Muốn khai thác hoa trên cây mẹ, nên để lại một chồi con trên cùng và tiếp tục chăm sóc bình thường. Nhược điểm của phương pháp này là giống đợt đầu nhân ra với số lượng hạn chế, cứ một cây mẹ thì cắt được một ngọn – tức 1 cây con. Tuy nhiên sau khi cắt ngọn, cây mẹ nếu chăm sóc tốt từ các nách lá, tập trung phần trên gần chỗ cắt sẽ ra tiếp tục các mầm cây con. Thông thường từ cây mẹ sẽ ra được 2 – 3 chồi, tối đa có thể 4 chồi, sau khoảng 6 tháng cây con sẽ phát triển hoàn chỉnh và có thể tách ra để trồng. Giá thành cây giống cũng cao như cây mẹ. c). Nhân giống bằng cách chiết Cách ngọn 20-30 cm, cắt một lớp cắt để bóc vỏ đi, bọc nhanh vết cắt bằng một tảng rêu giữ ẩm có tẩm dung dịch tạo rễ. Sau khi rễ được tạo thành, cây con được tách ra và cấy vào chậu. V.2. Nhân giống hiện đại Nhân giống Mokara bằng kĩ thuật in -vitro Các bước nhân giống in-vitro Nhân giống vô tính các cây trồng in-vitro thường trải qua các bước sau Tạo thể nhân giống in-vitro Nhân giống in-vitro Tái sinh cây hoàn chỉnh in-vitro Chuyển cây in-vitro ra vườn ươm Việc nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô in-vitro tạo ra hàng loạt cây con ổn định về mặt di truyền và đáp ứng giá cả phải chăng là vô cùng hữu ích. Quy trình cơ bản nhân giống Lan bằng phương pháp nuôi cấy mô in-vitro được tiến hành qua các giai đoạn sau: 1. Chọn mẫu và khử trùng mẫu cấy: Tách các vảy hành ra từ cây, bóc lần các lá già cho đến khi xuất hiện các mầm chồi bên mang đỉnh sinh trưởng. Cắt bỏ gốc của mỗi mầm, sau đó khử trùng bằng cách ngâm trong cồn 70° trong 30 giây, rửa sạch bằng nước cất vô trùng ngâm trong dung dịch Ca(OCl)2 2% trong 25 phút, việc khử trùng được tiến hành trong tủ cấy. Mô được rửa lại với nước cất vô trùng 4 - 5 lần. Hình 13: Đỉnh sinh trưởng Mỗi mầm được đặt trong đĩa petri vô trùng và cẩn thận tách các lá non. Sau mỗi lần tách, nhúng mầm vào cồn 70° trong 1 giây và rửa với nước cất vô trùng. Chuyển sang một đĩa petri vô trùng khác, tách các lá mầm bằng dao nhọn vô trùng. Dùng kìm nhọn tách các lớp lá, cắt đỉnh sinh trưởng ra khỏi mô và cấy vào môi trường nhân giống ban đầu. 2. Nhân giống: Môi trường nhân giống thường là môi trường MS (Murashige Skoog, 1962) có bổ sung các chất điều hoà tăng trưởng (auxin, cytokinin,…) với tỷ lệ phù hợp tùy loài nhằm tạo điều kiện cho quá trình nhân chồi. Nồng độ các chất điều hoà sinh trưởng nên giảm dần trong các lần cấy chuyền sau đó. Các chất chiết trái cây cũng được đề nghị dùng như nước cốt cà chua, nước dừa, nước chuối, nước khoai tây... nhưng chúng chỉ có hiệu quả trong các lần cấy chuyền và thể tích cũng không quá 10% thể tích môi trường. Nhiệt độ lý tưởng để nhân giống Lan là 22°C - 26°C và tuỳ vào mỗi loài. Sau 4-8 tuần, đỉnh sinh trưởng chuyển sang màu xanh lục và tạo ra các khối tròn gọi là thể chồi. Thể chồi được lấy ra khỏi môi trường cấy ban đầu, dùng dao nhọn cắt làm 4-6 miếng tuỳ kích thước của chồi. Lát cắt được chuyển vào môi trường duy trì (môi trường phát triển chồi). Mỗi đỉnh sinh trưởng sẽ phát triển ra một thể chồi mới sau khoảng 4 tuần, có thể cắt tiếp và cấy chuyền sang môi trường mới. Hình 14: Thể protocorm 3. Tái sinh cây hoàn chỉnh in-vitro: Khi đạt đến số cây giống cần thiết, ta chuyển thể chồi sang môi trường tạo rễ (môi trường có lượng auxin tăng lên để kích thích ra rễ). Sau 4 -5 tháng, các thể chồi sẽ phát triển thành cây con. Hình 15: Cây Lan Mokara con 4. Chuyển cây ra vườn ươm: Cây con cao 5-7 cm và có từ 3-4 lá có thể chuyển sang cấy vào bầu đất mùn vô trùng có bổ sung các chất dinh dưỡng. Sau một thời gian cây phát triển ổn định ta đem chuyển vào chậu. Sau khi chuyển chậu khoảng một tuần mới được bón phân, lúc này cây đã có đủ sức chống chọi với bệnh tật. Như vậy, từ một mô hoa Lan được chọn nuôi cấy cho đến ra cây con có 3-4 lá chuyển ra vườn trồng mất thời gian khoảng từ 8 đến 11 tháng. Với phương pháp nhân giống vô tính như trên sẽ đảm bảo tạo ra cây con mang đặc tính giống hoàn toàn với cây cha mẹ (cây con ổn định về mặt di truyền), cây con không nhiễm bệnh và tạo được một số lượng lớn cây con trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, việc cấy mô phải được thực hiện thật nghiêm túc và tỉ mỉ theo đúng quy trình, phải có điều kiện về trang thiết bị đầy đủ, môi trường nhân tạo thích hợp, đặc biệt là điều kiện vô trùng phải được đảm bảo nghiêm ngặt. Cần chú ý thêm, đối với các loài không phải là cây bản địa, phải được thuần hoá tại vùng mới chọn mẫu đem nuôi cấy, có như vậy mới đảm bảo hiệu quả từ khâu nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đến trồng ngoài vườn ươm. [5] Những giai đoạn trong phương pháp cấy mô hoa Lan Những giai đoạn trong phương pháp cấy mô hoa Lan có thể tóm tắt như sau B1: Chọn cây khỏe, sạch bệnh, lấy đỉnh sinh trưởng, bóc lá ngoài, xử lý vô trùng bằng Hypodoritnatri 7-10% B2: Dùng dao đã khử trùng tách lấy 0,1-1mm3 mô phân sinh và đưa vào môi trường nuôi cấy có chứa các chất dinh dưỡng thích hợp với các chất kích thích tế bào sinh trưởng, nuôi cấy dưới điều kiện ánh sáng 4000 lux, chiếu sáng 12 giờ/ngày, nhiệt độ 28-30oC. B3: Sau 4-8 tuần, đỉnh sinh trưởng (meristem) chuyển sang màu xanh lục và tao ra các khối tròn gọi là thể chồi (protocorm). Nếu cắt các thể chồi này ra thành mảnh thì mỗi mảnh sẽ tạo ra một thể chồi mới. B4: Dưới kính lúp, trong điều kiện vô trùng, tách thể chồi và đặt thể chồi mới trên môi trường thạch trong ống nghiệm hay bình tam giác có chứa chất dinh dưỡng để chồi tạo rễ, thân, lá. B5: Rút cây đã được tái sinh hoàn chỉnh (cao 10-16 cm) khỏi ống nghiệm, rưa sạch và cấy lên giá thể (dớn băm mịn) trong điều kiện ánh sáng và độ ẩm thích hợp. B6: Một tháng sau, khi cây đã có rễ thật thì trồng chuyển túi P.E (nylon) hay chậu sành đựng dớn băm. B7: Chuyển cây sang chậu lớn hơn trong nhiều lần chăm sóc như đối với Lan thông thường. B8: Tùy theo giống, 2-4 năm sau, cây Lan sẽ ra hoa. Như vậy, có thể tóm tắt quy trình nuôi cấy đỉnh sinh trưởng của Lan Mokara như sau: Hình 16: Tóm tắt quy trình nuôi cấy đỉnh sinh trưởng Lan Mokara 5. Thuận lợi và khó khăn trong phương pháp nuôi cấy in-vitro Thuận lợi - Cây nhân giống in-vitro đồng nhất về di truyền. - Được nuôi cấy trong điều kiện vô trùng, cây khỏe mạnh, sạch bệnh thông qua xử lý nhiệt hay nuôi cấy đỉnh sinh trưởng. - Có thể sản xuất quanh năm và chủ động kiểm soát được các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm. - Sản xuất được số lượng lớn cây giống với một diện tích nhỏ trong thời gian ngắn. - Đáp ứng kịp thời nhu cầu của những người trồng thương mại. - Giúp bảo quản lượng giống cây in vitro với số lượng lớn nhưng lại chiếm diện tích nhỏ. Khó khăn: Nhân giống trên môi trường agar thì giá thành cao và thời gian nhân giống dài. Khi sản xuất ở quy mô công nghiệp thì chi phí cho năng lượng và nhân công rất tốn kém. Đôi khi xảy ra biến dị soma trong quá trình nuôi cấy, đặc biệt là tái sinh thông qua mô sẹo. Giới hạn sự đa dạng của dòng sản phẩm nhân giống do cây con tạo ra thường đồng nhất về mặt di truyền. Quá trình nhân giống phức tạp, bao gồm nhiều giai đoạn liên quan đến nhau và kéo dài nhiều tháng trước khi cây tái sinh có thể thích ứng và trồng ngoài vườn ươm. 6. Các bước tiến hành thí nghiệm nhân giống Thí nghiệm 1: Tạo chồi Mẫu cấy: Cây Lan Mokara nuôi cấy in vitro, cao 4-5 cm, có 4-5 lá. Gỡ bỏ hết lá, cắt bỏ hết rễ, hủy đỉnh, dùng dao chích ở gốc để tạo vết thương. Môi trường nuôi cấy: Môi trường Knudson C + agar + BA với các nồng độ 0,00 ppm; 0,5ppm; 1,0ppm; 2,0ppm. Trong nuôi cấy mô thực vật, môi trường MS vẫn thường được sử dụng do nó thích hợp với đa số thực vật và được xem là môi trường nghiên cứu cơ bản. Tuy nhiên môi trường Knudson C nghèo thành phần khoáng lại tỏ ra thích hợp hơn. Trong thí nghiệm này, lượng cytokinin BA được bổ sung kết hợp với lượng Auxin nội sinh tích trữ sẵn trong mẫu đã kích thích sự phân chia tế bào, nồng độ BA 0,5ppm là thích hợp nhất cho sự tạo chồi. Thí nghiệm 2: Nhân chồi Mẫu cấy: Cụm chồi in-vitro. Cụm chồi được tách ra thành từng cụm nhỏ hơn, đường kính 0,5 – 0,7 cm. Môi trường nuôi cấy: Môi trường Knudson C + agar + BA với các nồng độ 0,00 ppm; 0,5ppm; 1,0ppm; 2,0ppm. Kết quả: Sau 5 tuần nuôi cấy, nhận thấy sự phát triển của các cụm chồi trên các môi trường thí nghiệm đều không có sự khác biệt. Tuy nhiên ở môi trường có nồng độ BA là 2,0ppm chồi lan rộng hơn, đường kính cụm chồi 2,371 cm, chồi phát triển xanh, khỏe mạnh. Thí nghiệm 3: Ra rễ Mẫu cấy : cây Lan Mokara nuôi cấy in-vitro, cao 4-5cm, có 4-5 lá. Cắt bỏ hết rễ đã hình thành sẵn trên mẫu. Môi trường nuôi cấy: Môi trường Knudson C + agar + NAA với các nồng độ 0,00 ppm; 0,1ppm; 0,5ppm; 1,0ppm. Kết quả: Sau 5 tuần nuôi cấy, nhận thấy ở môi trường có nồng độ NAA 0,1ppm thì có 100% số mẫu hình thành rễ, số rễ trên mẫu là 2, và độ dài của rễ dài nhất là 1cm. 7. Nuôi cấy Lan sau ống nghiệm Khi mầm rễ đã phát triển tốt thì chuyển cây ra ngoài, ngâm cây vào dung dịch nước sạch có pha ¼ thìa cà phê N:P:K tỷ lệ 1:1:1 chuyển ra giá thể gạch nung già cho vào trong chậu. Thời gian 10 ngày phun vào dung dịch N:P:K nồng độ 1% - 2 %. Cây Lan trong quá trình này rất dễ bị nhiều bệnh nên chậu và thành chậu phải được xử lý Formalin, với cây Lan con có thể phun thường xuyên Boocđô hay Zinep nồng độ 1% hoặc Casuran 1% Cây con trong chậu có giá thể gạch nung 4 tháng chuyển qua chậu nhỏ, tách riêng lẻ nuôi trong chậu (đường kính 8-10 cm) trong vòng 22 tháng nữa rồi đưa vào chậu lớn cố định. Hình 16: Cây lan trong chậu nhỏ Trước khi sang chậu lớn có thể ngâm toàn thể chậu cây Lan trong nước (có thể pha thuốc sát trùng để diệt trùng những cây bị bệnh) để cho rễ mềm, dễ tách ra khỏi chậu con. Sau đó gỡ toàn bộ cây Lan ra, cho mỗi cây vào một chậu lớn, cho thêm than vào chậu. Lưu ý: Mokara là loại Lan có rễ thoáng nên khi trồng cần dung chậu con có lỗ bên nhiều. Bên cạnh đó nên dùng loại than khối to khoảng 4-5 cm3 vì chất trồng cũng phải thoáng. Đôi khi người ta có thể trồng các cây con chung một lưới Lan (đã xếp lại 2 hoặc 3 lớp). Khi cây đã khỏe, người ta cắt lưới gỡ từng cây ra trồng riêng. Không nên trồng bằng cách để nguyên chậu con lồng trong chậu lớn vì làm như vậy sẽ rất khó thay đất khi đất trong chậu con đã quá mục, để lâu ngày sẽ làm thối chồi cũ, lây lan sang chồi mới. 8. Tách chiết và bảo quản Công việc tách chiết và bảo quản phải được tiến hành vào cuối mùa sinh trưởng, thông thường vào cuối mùa xuân. Ở miền Nam tách chiết vào đầu hoặc cuối mùa mưa. Phải chuẩn bị giá thể trước lúc tách chiết, kích thước giá thể gỗ thường 8-10 cm. Ở miền Nam thường dung cây Sao và cây Vú Sữa làm giá thể. Trước mùa sinh trưởng nếu là cây nhiều thân thì cắt Lan làm nhiều đơn vị, mỗi đơn vị từ 2-3 đốt (giả hành), ngâm giò Lan trong nước khoảng 30 phút để rễ bong ra rồi nhấc các đoạn thân đưa ra giá thể mới, nếu dung chậu nhựa thì cho gạch nhuyễn dưới đáy hay than nhuyễn ở trên rổ đặt đốt đó. Nếu là Lan đơn thân thì đặt vào giữa, còn đa thân thì đặt bên cạnh, cắm một phần đề thân Lan tựa vào. GIÁ TRỊ CỦA LAN MOKARA VI.1. Giá trị thẩm mỹ Hoa Lan nói chung và Mokara nói riêng, được dung để trang trí nhà cửa, sân vườn, bàn giấy, phòng làm việc, các buổi dạ hội và tặng nhau trong các dịp lễ Tết hoặc ngày cưới. Tuy không được sử dụng nhiều như lan Dendrobium, nhưng Lan Mokara cũng có được những vị trí quan trọng trong thẩm mỹ. Hình 17: Hoa Lan Mokara trang trí tiệc cưới VI.2. Giá trị kinh tế Hiện tại trồng Lan Mokara có hiệu quả cao và chăm sóc tương đối dễ hơn, không khó tính như Dendrobium. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì với một giống cây cao cỡ 50-60cm, chỉ sau khoảng 2-3 tháng trồng đã có thể cho một cành hoa và các tháng tiếp theo sau đó năng suất tăng dần, 12 cành hoa/năm là điều có thể đạt được. Hơn thế nữa, khi cây Lann cao cỡ 1m (khoảng su 1,5 năm trồng từ hom cây) có thể cắt ngọn bán hoặc làm giống. Gốc cây còn lại có thể cho 1-5 cây con từ nách lá. Các cây con này có thể tách để trồng sau 4-6 tháng. Nhìn chung khả năng tiêu thụ vẫn còn tốt so với sức sản xuất hoa lan Mokara của thành phố hiện nay. Trong những năm gần đây cho thấy tiêu thụ hoa tăng cao từ tháng 10 cho đến tháng 3 năm sau, thị trường bắt đầu lắng dịu từ tháng 4 đến tháng 10. Nhu cầu tiêu thụ hoa lan Mokara có thời điểm tăng rất cao chủ yếu vào dịp cuối năm như trong các ngày lễ động thổ xây dựng, khai trương, khánh thành, cưới hỏi, hội nghị, tổng kết, ngày 8/3, ngày 20/10, ngày 20/11, Tết cổ truyền,… TP.Hồ Chí Minh có hàng trăm nhà hàng và khách sạn cao cấp có nhu cầu tiêu thụ hoa Lan ngày càng nhiều. Mỗi năm thành phố phải nhập khẩu hơn một triệu cành hoa Lan (bao gồm cả Dendrobium, Mokara, Taka, Vanda) và số tiền phải chi là hơn 4 tỉ đồng. Do nhập khẩu Lan Mokara từ nước ngoài nên hiện nay giá của nó tăng khá cao so với năm 2004, trên 45.000 đồng/cành hoa Mokara. Cho nên thời điểm này trồng Lan Mokara hiệu quả cao vì cành hoa cắt và giống cây trồng đang có nhu cầu lớn, được giá. Bên cạnh đó, việc triển khai công tác nhân giống hoa Lan Việt Nam sẽ giảm được Lan nhập khẩu, góp phần phát triển kinh tế đất nước. Rất nhiều hộ dân ở nông thôn triển khai mô hình trồng Lan Mokara và đã thành công. “Cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara mang lại hiệu quả kinh tế gấp 1,5 lần so với việc chỉ thu hoạch cành hoa”. Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Lanh, nhà vườn tại Củ Chi (TP. HCM) sau khi áp dụng “mô hình sản xuất hoa cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara”. Hình 18: Một nhà vườn tại Củ Chi áp dụng “mô hình sản xuất hoa  cắt cành và nhân giống hoa lan Mokara” (Ảnh: Bích Nhàn) Đây cũng là dự án nghiên cứu do TS. Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP. HCM thực hiện. Dự án đã thực nghiệm tại 4 vườn hoa của người dân trên địa bàn TP.HCM với tổng diện tích hơn 14.000 m2. Các vườn nói trên đã cho năng suất hoa cao hơn từ 10,8 – 32,4% so với vườn không áp dụng mô hình. “Chi phí đầu tư mô hình này khoảng 200 – 250 triệu đồng/1.000m2, nhưng người dân nên đầu tư quy mô từ 2.500 – 3000m2 thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn do cùng một công chăm sóc như nhau nhưng lượng cành nhiều thì càng thu nhiều lợi nhuận”, TS. Dương Hoa Xô cho biết. Hoa lan Mokara có nhiều hoa trên một cành, màu sắc rực rỡ, ra hoa quanh năm. Giá hoa khoảng trên 10.000 đồng/cành và thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Ý, Pháp, Đức và Mỹ. [5] Mô hình trồng lan không những tạo hem việc làm cho hội viên nông dân, mà còn tăng thu nhập cho gia đình và góp phần tạo mỹ quan đô thị, giảm ô nhiễm môi trường. VI.3. Công dụng khác Nhiều dân tộc Trung và Nam Mỹ dung các bộ phận của một số loài cây hoa Lan làm thức ăn, nước uống thay trà, trị bệnh lở loét, táo bón, nhức đầu, bệnh suy dinh dưỡng của trẻ em, đan chiếu, đan rổ từ thân cây, làm kèn để thổi trong các buổi đình đám hội hè. Cây hoa Mokara cũng có công dụng như vậy Hương hoa Lan thơm nhẹ dịu nên được sử dụng để làm nước hoa hay ứng dụng hương liệu pháp trong các spa cao cấp. Hình 19: Hoa Lan trong bồn tắm spa KẾT LUẬN Hoa Lan nói chung và Mokara nói riêng hiện nay rất được thế giới ưa chuộng và có nhu cầu rất lớn vì những nét đẹp hấp dẫn và tao nhã của nó. Lan Mokara dù không được sử dụng phổ biến như Dendrobium hay lan Hồ Điệp, nhưng số lượng tiêu thụ vẫn rất lớn, cho nên việc mở rộng mô hình nhân giống và trồng Lan Mokara vẫn cần thiết để giảm chi phí nhập khẩu hoa từ nước ngoài. Hiện các nhà vườn Việt Nam sản xuất Lan Mokara cắt cành có chất lượng không thua kém Lan nhập khẩu, nhưng do chưa có hướng, cũng như chưa tạo được thị trường ổn định nên việc sản xuất còn nhiều hạn chế. Trong số các phương pháp nhân giống Lan Mokara, phương pháp nuôi cấy mô sử dụng đỉnh sinh trưởng là phương pháp mang lại hiệu quả cao hơn so với những phương pháp khác. Tuy tốn kém về tài chính và còn nhiều hạn chế, nhưng phương pháp nuôi cấy mô hoa Lan chiếm ưu thế rất lớn cho quá trình sản xuất đáp ứng nhu cầu cho người Việt Nam và thế giới trong tương lai không xa. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] TS. Dương Công Kiên, 2006, Giáo trình nuôi cấy mô tập 3 [2] Nguyễn Thiện Tịch, 2006, Kỹ thuật nuôi trồng hoa lan Nxb Nông Nghiệp TpHCM. [3] Đặng Xuân Viên, 2011, Nhân nhanh in vitro hoa Lan Mokara, Luận văn tốt nghiệp, trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. [4] Vườn Lan Mokara 3Di: bệnh của Mokara và cách phòng trị, http://mokara-3di.blogspot.com/p/benh-cua-mokara-va-cach-phong-tri.html [5] Cắt cành, nhân giống Lan có lợi lớn, Báo điện tử Khoahoc.tv [6] Kinh nghiệm mới nhất để trồng và chăm sóc Lan Mokara, Báo điện tử Hoalandep.net MỤC LỤC KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG LAN MOKARA 30