You are on page 1of 3

Cơ cấu tổ chức

1.Đại hội đồng (ĐHĐ)


ĐHĐ gồm tất cả các nước thành viên. Mỗi thành viên được bỏ một phiếu
duy nhất. Hằng năm, ĐHĐ sẽ nhóm họp ở trụ sở chính đặt tại New York trong
khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12. Có thể có những hội nghị bất thường
về các chủ đề riêng biệt như trật tự kinh tế thế giới mới, tài giảm binh bị… ĐHĐ
sử dụng 6 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Trung Quốc và Ảrập. ĐHĐ
hoạt động bằng “các khuyến cáo” được thông qua với đa số quá bán (riêng những
vấn đề quan trọng như: duy trì hòa bình, kết nạp hội viên mới… sẽ cần 2/3 ).
ĐHĐ cũng bỏ phiếu về ngân sách Liên Hợp Quốc
2.Hội đồng Bảo An (HĐBA)
HĐBA là cơ quan quan trọng nhất của Liên Hợp Quốc trong sứ mệnh bảo
vệ hòa bình và an ninh thế giới. HĐBA gồm 11 thành viên, trong đó 5 là thành
viên thường trực (Hoa Kì, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc) và 6 thành viên
không thường trực có nhiệm kì hai năm và được bầu theo chế độ luân phiên 3
thành viên mới mỗi năm (1).
Đối với những vấn đề ít quan trọng, HĐBA chỉ sử dụng quyền khuyến cáo
giống như ĐHĐ. Nhưng về những vấn đề quan trọng, HĐBA có quyền đưa ra
những biện pháp trừng phạt về ngoại giao, kinh tế hay quân sự. Một khi quyết
định đã được HĐBA thông qua, tất cả các nước thành viên buộc phải thi hành
theo nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
HĐBA biểu quyết theo đa số 7/11 (từ năm 1966 là 9/15). Đối với những
vấn đề quan trọng, phải hội đủ 5 phiếu của các thành viên thường trực. Điều này
có nghĩa là mỗi thành viên thường trực đều có quyền phủ quyết. Tuy nhiên, nếu
là đương sự trong một vụ tranh chấp, thì nước thành viên thường trực đó không
có quyền biểu quyết khi vấn đề được mang ra phán xét, nhưng được biểu quyết

1
Từ năm 1966, số thành viên không thường trực được nâng lên 10, và cứ mỗi năm bầu lại phân nửa số này.
về biện pháp giải quyết vụ việc. Việc kết nạp hội viên mới của Liên Hợp Quốc
phải thông qua HĐBA, phải được sự nhất trí của 5 thành viên thường trực, trước
khi được trình ra trước ĐHĐ.
3.Văn phòng thư kí
Văn phòng thư kí là cơ quan thường trực điều hành của Liên Hợp Quốc.
Các viên chức làm việc ở đây, về nguyên tắc, được xem là độc lập với quốc gia
gốc của họ. Cầm đầu cơ quan này là tổng thư kí được ĐHĐ bầu ra theo đề nghị
của HĐBA. Tổng thư kí không được chọn trong số công dân 5 nước hội viên
thường trực, có nhiệm kì 5 năm và có thể tái cử. Tổng thư kí có nhiệm vụ điều
hành mọi công việc hành chính, có quyền lưu ý HĐBA về các vấn đề đe dọa hoà
bình và an ninh quan trọng, soạn thảo báo cáo hàng năm ( 2).
4.Hội đồng kinh tế – xã hội
Hội đồng kinh tế xã hội có nhiệm vụ xúc tiến sự hợp tác quốc tế về các mặt
kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục… nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh
thần của các dân tộc. Hội đồng gồm 18 nước thành viên được ĐHĐ bầu ra với
nhiệm kì 3 năm theo chế độ luân phiên 6 thành viên mới mỗi năm.
Hội đồng bao gồm các ủy ban và ủy hội sau: Ủy ban Nhân quyền, Ủy hội
Dân số, Ủy hội Kinh tế châu Âu, Ủy hội Kinh tế châu Á và Viễn Đông ; Ủy hội
Kinh tế Mĩ latinh, Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)…
Bên cạnh đó có các cơ quan chuyên môn quốc tế liên kết với Liên Hợp
Quốc thông qua Hội đồng Kinh tế – Xã hội: Ngân hàng quốc tế về Tái thiết và
Phát triển (IBRD), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Lương Nông quốc tế

2
Từ khi được thành lập đến nay, LHQ đã trải qua các đời tổng thư kí sau: Trygve Lie người Na Uy (1945 – 1952),
Dag Hammarsjoeld người Thụy Điển( 1953 – 1961), Sithu U’Thant người Miến Điện (1961 – 1971), Kurt
Waldheim người Áo (1971 – 1981), Javier Perez de Cuellar người Peru (1982 – 1991), Butros-Butros Ghali người
Ai Cập (1992 – 1996), Kofi Annan người Ghana (1996 – 2006), Ban Ki-Moon người Hàn Quốc (2007 -…).
Nguồn: Tài liệu tham khảo nội bộ Trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM
(FAO), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục
của LHQ (UNESCO)…
5.Tòa án quốc tế
Tòa án quốc tế đặt trụ sở tại La Haye (Hà Lan) là cơ quan tư pháp của Liên
Hợp Quốc có nhiệm vụ xét xử các vụ tranh chấp giữa các quốc gia.
Tòa án quốc tế gồm 15 thẩm phán độc lập, được các nước đề cử, được
HĐBA và ĐHĐ tuyển chọn theo đa số quá bán tổng số các nước thành viên với
nhiệm kì 9 năm. Cứ ba năm bầu lại 5 người (có thể tái cử). Tòa án đưa ra những
bản án mang tính tư vấn, nhưng cũng có thể mang tính chất cưỡng chế, nếu các
quốc gia thành viên đã chấp thuận thẩm quyền của nó.
Sự thành lập Tổ chức Liên Hợp Quốc là một bước tiến của nhân loại trong
sự nghiệp bảo vệ hoà bình và an ninh thế giới, và phát triển sự hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, trong một thế giới mà trình độ phát triển và sức mạnh của các quốc
gia còn không đồng đều, nguyên tắc “chủ quyền bình đẳng” giữa các thành viên
Liên Hợp Quốc chỉ có ý nghĩa tương đối. Các cường quốc luôn tạo được ảnh
hưởng lớn ở Liên Hợp Quốc, nơi ưu thế vượt trội thuộc về hai siêu cường Hoa Kì
và Liên Xô. Sự đối đầu giữa hai siêu cường sẽ biến Liên Hợp Quốc trở thành vũ
đài đấu tranh giữa hai hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa trong gần
nửa thế kỉ.

You might also like