You are on page 1of 8

Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972

Trích lược từ cuốn Hồi ký “Bảo vệ bầu trời” của Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, nguyên
chính uỷ Quân chủng Phòng không.

Cuộc chiến tranh leo thang của địch đã lên đến nấc cao nhất trong năm 1967 và đã bị thất
bại thảm hại. Trong lúc đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở miền Nam vẫn đang diễn ra quyết liệt.
Quân chủng vẫn tiếp tục gửi những đơn vị phờng không vào chiến trường và được lệnh thành lập
thêm những trung đoàn tên lửa mới. Trên bầu trời Hà Nội, tiếng bom đạn, tiếng gầm rít của những bầy
phản lực bắt đầu giảm dần. Kẻ địch đã xuống thang.

Một buổi chiều, sau bữa cơm, chúng tôi kéo nhau sang phòng anh Đặng Tính để nghe đài
đưa tin chiến thắng. Kể từ hôm quân ta đánh vào Sài Gòn, tập trung nghe đài là một niềm vui của
chúng tôi.

- Sắp tới, bọn địch sẽ đánh Hà Nội như thế nào? - Cuối bản tin, anh Đặng Tính bống nêu
câu hỏi.

- Có thể sẽ là B-52. Bước đường cùng rồi. Thằng Mỹ sẽ không bao giờ chịu thua khi chưa
tung hết con bài cuối cùng ra - anh Lê Văn Tri nói.

Thế là buổi chiều hôm đó, mùa xuân rồi nhưng vẫn còn se lạnh, quanh đĩa sắn nướng mà
đồng chí công vụ bưng vào “chiêu đãi” các thủ trưởng, B-52 trở thành chủ đề chính trong cuộc trao
đổi ngoài giờ của chúng tôi. Chúng tôi nhắc đến kinh nghiệm Triều Tiên. Trước lúc đến Bàn Môn
Điếm, Mỹ đã huy động máy bay đến thả bom huỷ diệt Bình Nhưỡng. Chúng tôi nhắc tới lời dặn của
đồng chí Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng hôm đến thăm quan chủng hồi đầu năm; Tiếp tục
theo dõi giúp đỡ 238 đánh B-52 và chú ý đúc rút kinh nghiệm cho thật tốt. Vẫn đang là vấn đề mà trên
và dưới đang phải tìm đáp số.

- Phải có một phương án đánh B-52 bảo vệ Hà Nội ngay từ bây giờ. - Cuối cùng, đồng chí
Lê Văn Tri nói như kết luận cuộc trao đổi ý kiến.

Sau này, khi chúng ta đã giành được thắng lợi vang dội, đánh bại cuộc tập kích chiến lược
bằng B-52 của địch trên bầu trời Hà Nội những này cuối tháng 12 năm 1972, tôi lại nghĩ đến buổi
chiều bên đĩa sắn nướng hôm ấy.

Tôi vẫn nhớ rõ căn phòng của đòng chí Đặng Tính, hay nói đúng hơn là căn lán dã chiến
được làm bằng những tấm cót ép, lợp vải bạt. Chính từ căn lán như thế và quây quần xung quanh đĩa
sắn nướng, chúng tôi đã bắt đầu phác thảo kế hoặc đánh trả một cuộc tập kích chiến lược bằng máy
bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội. Một bản kế hoạch dùng cho 5 năm sau. Tất nhiên, so với bản
kế hoạch trực tiếp chuẩn bị cho chiến dịch 12 ngày đêm sau này thì bản kế hoạch tháng 2 năm 1968
còn đơn giản lắm. Rất cảm ơn các đồng chí bảo mật phòng không còn giữ được nó cho đến bây giờ,
và theo tôi, nên đăng ký nó thành một hiện vật bảo tàng. Bản kế hoạch được viết bằng chữ đỏ, nét
đạm, chưa được đánh máy, đề ngày 27/2/1968. Mở đầu, bản kế hoạch viết:
“Trước thất bại ngày càng nặng nề của địch trên cả 2 miền, với bản chất ngoan cố, với
quan điểm ỷ lại vào vũ khí - kỹ thuật, địch sẽ không từ một thủ đoạn dã man tàn bạo nào để uy hiếp
đánh phá ta, hòng cứu vãn thế thua của chúng. Địch sẽ có một bước leo thang mới, tiếp tục đánh mạnh
vào Hà Nội, Hải Phòng. Trong bước đường cùng, địch sẽ dùng B-52 tranh thủ mọi điều kiện, tạo thế
bất ngờ về chiến lược, về chiến thuật…”

“… Ta đã bắn rơi B-52 của địch. Với lực lượng hiện có của ta, với khả năg của các binh
chủng, ta hoàn toàn có đầy đủ điều kiện thực tế để tiêu diệt B-52 của địch, đánh rơi chúng tại chỗ,
đánh bại bước leo thang liều lĩnh bằng B-52 của chúng”.

Trong phần “Quyết tâm tiêu diệt B-52 của quân chủng”, bản kế hoạch nhấn mạnh phải làm
tốt các khâu: Hiệp đồng chặt chẽ, phát hut hết khả năng chiến đấu của các binh chủng, chủ yếu là tên
lửa, không quân, pháo trung cao, kiên quyết bắn rơi B-52 tại chỗ, bắt sống giặc lái, bảo vệ mục tiêu do
quân chủng phụ trách, chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng”.

Thú vị nhất là khi đọc đến những dự kiến đường bay của B-52 vào đánh Hà Nội, Hải
Phòng, các “tác giả” của bản kế hoạch hồi đó đã chứng tỏ một trí tuệ tập thể sáng suốt, một năng
khiếu tham mưu đặc biệt: Dự kiến có 5 đường bay cơ bản địch đánh vào Hà Nội:

a) Từ Tây-Bắc xuống

b) Từ Tây-Nam vào

c) Từ Nam lên

d) Từ Đông-Nam tới

e) Từ Đông-Bắc đến

Thực tế, trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối năm 1972, 70% số máy bay B-
52 đã đột nhập từ hướng Tây-Bắc xuống. Còn đối với Hải Phòng thì độ chính xác gần như 100%.
Ngay từ hồi ấy đã nhận định địch sẽ theo:

a) Từ Đông-Bắc xuống theo cửa Nam Triệu

b) Từ Đông-Nam lên theo cửa sông Văn Úc

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Nếu như trong nghệ thuật tác chiến phòng ngự, việc phán
đoán chính xác hướng tiến công, nhất là hướng tiến công chủ yếu của đối phương, đã là thành công 1
nửa, thì trong chiến dịch phòng không cũng có ý nghĩa tương tự. Việc xác định đúng đường bat và
hướng bay của địch phải được xem như vấn đề cốt lõi của nghệ thuật chiến dịch phòng không, nhất là
đối với những yếu địa quan trọng. Bởi vì từ đây mới có biện pháp sử dụng lực lượng hợp lý, mới dàn
thế trận hiểm hóc để đánh địch và thắng địch.

Nhân đây, cũng xin kể lại điều tâm đắc nữa. Đó là việc sử dụng lực lượng ở Hải Phòng, có
một trùng khớp đến kỳ lạ giữa dự kiến và thực tế. Trong kế hoạch hồi đó nêu ra 2 phương án:

1. Đủ 8 tiểu đoàn

2. Chỉ có từ 5 đến 6 tiểu đoàn


Thật là thần tình! Năm năm sau, trong chiến dịch 12 ngày đêm, lực lượng tên lửa Hải
Phòng diễn ra đúng như thế. Lúc đầu có đủ 8 tiểu đoàn của 2 trung đoàn 238 và 285. Chiến dịch bắt
đầu được 2 ngày thì quân chủng điều 2 tiểu đoàn 71, 72 của trung đoàn 285 lên Hà Nội. Như vậy, Hải
Phòng chỉ còn lại đúng 6 tiểu đoàn. Nhưng tiểu đoàn 84 phải làm định kỳ, nên cuối cùng, Hải Phòng
chỉ có 5 tiểu đoàn

Tôi muốn nói kỹ vấn đề này để bạn đọc thấy rằng, chúng ta đã chuẩn bị cho trận “Điện
Biên Phủ trên không” từ rất lâu như thế đó. Tôi cũng muốn nói thêm rằng bản kế hoạch đánh B-52
ngày 27-2-1968 có được chính là dựa trên cơ sở bản báo cáo kinh nghiệm đánh B-52 dày 38 trang của
đoàn công tác B do đích thân đồng chí Hoàng Văn Khánh làm trưởng đoàn từ Vĩnh Linh mang về.
Như chúng ta đã biết, để có những kinh nghiệm mà báo cáo đã đúc kết được, biết bao nhiêu đồng chí
đã hy sinh. Chỉ tính riêng trong thời gian đoàn công tác B có mặt ở Vĩnh Linh, đã có đến 2 lần địch
đánh vào sở chỉ huy và cơ quan trung đoàn bộ, 6 đồng chí đã hy sinh.

Sau khi bản kế hoạch đánh B-52 đầu tiên của quân chủng ra đời, tôi thấy đồng chí Lê Văn
Tri và đồng chí Lương Hữu Sắt, tư lệnh bộ đội radar, cứ như hình với bóng. Hễ có dịp là 2 con người
cùng quê Quảng Bình đó lại tìm đến nhau, không phải để nói chuyện đồng hương, mà chỉ tập trung
vào một chủ đề: “Bắt B-52” như thế nào?Tư lệnh bộ đội radar Lương Hữu Sắt dành sự quan tâm đặc
biệt tới kíp trắc thủ và toàn thể đại đội 12 đang đóng quân ở Tân Truyền, Quảng Bình. Đại đội 12 là
đơn vị có mặt ở tuyến lửa suốt từ đầu cuộc chiến tranh phá hoại cho đến lúc này. Trong những trận
đánh đầu tiên của địch ngày 7,8 và 11 tháng 2 năm 1965, đại đội 12 đã lập công xuất sắc, không
những phát hiện được địch từ xa, thông báo kịp thời cho các đơn vị hoả lực mà còn trực tiếp bắn rơi 4
máy bay địch. Thực hiện chỉ thị của đồng chí tư lệnh quân chủng, đồng chí tư lệnh binh chủng tiếp tục
giao cho đại đội 12 nhiệm vụ mới nặng nề: phát hiện B-52 đầu tiên cho toàn binh chủng đúc rút kinh
nghiệm để phổ biến cho các đơn vị khác. Để thực hiện nhiệm vụ này, bộ tư lệnh radar đã có một chủ
trương tích cực và cụ thể, tập trung một số đài trưởng và trắc thủ giỏi ở các đại đội
18,19,25,30,35,39,40,… vào đại đội 12 để thực tập trực tiếp “bắt B-52” và rút kinh nghiệm về bắt “B-
52”. Đoàn do đồng chí trưởng ban trinh sát bộ đội radar phụ trách.

Theo chỉ thị của đồng chí tư lệnh binh chủng, đoàn trắc thủ đi “bắt B-52” được ưu tiên
trang bị 1 chiếc Gaz-63 mới nguyên và 1 đồng chí lái xe giỏi, có kinh nghiệm. Trước khi lên đường,
đồng chí trưởng đoàn được gọi lên gặp đồng chí tư lệnh quân chủng:

- Thế nào, các cậu chuẩn bị đầy đủ cả rồi chứ?

- Báo cáo, đầy đủ!

- Nếu dọc đường xe bị địch đánh hỏng thì cậu giải quyết thế nào?

- Báo cao, nếu bị đánh hỏng ở địa phận Nghệ An, chủng tôi sẽ lấy xe của 290 đi tiếp. Nếu
bị đánh hỏng ở địa phận Hà Tĩnh, Quảng Bình thì chúng tôi tiếp tục đi bộ.

- Các cậu có quyết tâm thế là tốt.

Đồng chí tư lệnh quân chủng bắt ta đồng chí trưởng ban trinh sát thông minh và hoạt bát,
nói tiếp:
- Chúc các cậu hoàn thành thắng lợi chuyến đi. Bắt cho được B-52 và mang kinh nghiệm
trở về. Bộ tư lệnh quân chủng chờ tin các cậu.

Cuối tháng 3 năm 1968, đoàn công tác “bắt B-52” lên đường. Vượt qua chặng đường địch
đánh phá ác liệt ở khu Bốn, đoàn đến đại đội 12 an toàn. Tại đây, suốt 3 tháng trời, dưới sự chỉ đạo
trực tiếp của đồng chí trưởng ban chinh sát binh chủng, đại đội 12 và đoàn công tác “bắt B-52” đã
hoàn thành 1 công trình có giá trị. Đồng chí Đỗ Công Hoa, trắc thủ của đại đội 12, người đầu tiên của
bộ đội radar “bắt” được B-52, đã trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp của mình. Tất cả các trắc
thủ của các đơn vị bạn đều lần lượt lên máy “nhận dạng” B-52. Các quy trình thao tác được lặp đi, lặp
lại nhiều lần và lựa chọn lấy 1 quy trình tối ưu. Đặc biệt, các dạng nhiễu của B-52 qua các giai đoạn
từ xa đến gần, từ nặng đến nhẹ, đều được chụp ảnh lại, phóng to ra, đóng thành 1 tập album với nhan
đề: “B-52 trên màn hiện sóng”.

Tháng 7-1968, đồng chí Lương Hữu Sắt vào Quảng Bình kiểm tra tình hình. Sau khi nghe
báo cáo của đoàn công tác “bắt B-52”, thấy không những đã đạt mà có những mặt còn vượt yêu cầu
đề ra, đồng chí lệnh cho đoàn rút về Hà Nội.

Sau đó ít lâu, hội nghị tập huấn “bắt B-52” trong nhiễu, cùng với các chuyên đề khác đã
được mở ở đại đội 37. Bản báo cáo của đoàn công tác “bắt B-52” được hội nghị đánh giá cao.

Từ những hạt giống đó, một phong trào học tập, rèn luyện bắt B-52 trong nhiễu sôi nổi
khắp các đơn vị của bộ đội radar. Nhờ vậy, trong các năm 1969,1970, 1971, các đơn vị radar ở tuyến
trong đã lần lượt bắt được B-52 phục vụ cho các đơn vị ở cửa khẩu các tuyến hành lang đánh rơi B-
52.

Từng ngày, từng ngày, qua thực tế chiến đấu trên chiến trường, kinh nghiệm được bồi đắp
thêm. Thế hệ chiến sĩ radar lớp trước trao kinh nghiệm lại cho lớp sau. Tài liệu “bắt B-52 trong nhiễu”
của đoàn công tác “bắt B-52” được bổ sung thêm những trang mới, với nhiều kinh nghiệm mới. Điều
đó cũng là dễ hiểu, vì kẻ địch những năm 1969-1971 không còn là kẻ địch của năm 1968. Trình độ
của chiến sĩ ta cũng dần dần được nâng lên. Cánh sóng của bộ đội radar ngày càng vươn xa, vượt cả
Trường Sơn, vươn sang tận sông Mekong.

Bước sang năm 1972, các chiến sĩ radar lại đứng trước một thử thách mới. Ngoài việc phải
đối phó với cường độ nhiễu ngày càng nặng hơn của địch, đặc biệt là của B-52, việc phân biệt B-52
thật và B-52 giả trở nên 1 vấn đề thời sự nóng hổi và hết sức cấp bách. Ngày 16-4-1972, địch chỉ dùng
3 tốp, 9 chiếc B-52 đánh hải Phòng mà ta đã bắn hết 1 lượng đạn không nhỏ, nhưng phần lớn bắn vào
B-52 giả. Cũng ngày 16-4-1972, địch dùng 44 lần chiếc đánh Hà Nội, không có chiếc B-52 nào,
nhưng tên lửa và không quân của ta cũng đã “đánh” rất “tích cực” vào những tốp B-52 giả.. Tôi xuống
gặp đồng chí Bùi Đình Cường, đồng chí Hoàng Văn Ngữ, tư lệnh và chính uỷ bộ đội radar. Vừa trông
thấy 2 đồng chí, tôi không kìm được, nói ngay:

- “Mắt thần” của các đồng chí dạo này không thiêng rồi! B-52 thật thì không biết. B-52 giả
thì đường bay trên tiêu đồ lại cứ y như thật.

Vóc dáng to lớn của đồng chí Bùi Đình Cường cựa quạy trên chiếc ghế, cặp mắt thường
ngày vốn đỏ ngầu, nay càng thêm đỏ, giọng nói Nghệ Tĩnh của đồng chí nghe như dao chém đá:
- Cái thằng Nixon bây giờ nó xảo quyệt quá, anh ạ. Tôi đã vào tận máy với anh em rồi:
Nhiễu trắng hết cả màn, không nhìn thấy gì hết. Trên thì cứ giục. Thế là khi thấy bọn B-52 giả hiện
lên là lính ta chộp ngay, thông báo luôn…

Đúng là ở đây không có vấn đề trách nhiệm, mà là kẻ địch rất xảo quyệt

Sau đó chúng tôi được báo cáo, bộ dội radar đã mở hội nghị “đầu bờ”, “xây dựng quy trình
bắt B-52 trong nhiễu” tại đại đội 18. Tất cả các đại đội trong toàn binh chủng từ biên giới đến hải đảo,
từ miền Đông Bắc đến giới tuyến, đều cử đại biểu đến dự đông đủ. các đồng chí tư lệnh Bùi Đình
Cường, phó chính uỷ Nguyễn Đăng Tuất, tham mưu trưởng Nguyên Tâm Trinh đã trực tiếp chủ trì hội
nghị. Suốt 3 ngày làm việc sô nổi, khẩn trương, với khẩu hiệu hừng hực khí thế cách mạng tiến công
“vạch nhiễu tìm kẻ thù”, hội nghị đã thu được kết quả tốt đẹp. Một lần nữa, các đơn vị ở tuyến trong
lại đóng góp những kinh nghiệm quý báu. Các đơn vị ở vùng đồng bằng Bắc Bộ lần đầu tiên tiếp xúc
với B-52 cũng đưa ra những ý kiến mới mẻ, với những dẫn chứng cụ thể, nóng hổi. Trận địa radar ở
khắp miền đất nước, sóng điện từ bản chất giốgn nhau, nhưng ở mỗi địa bàn nó lại được thể hiện bằng
những màu, những vẻ khác nhau. Các công tắc, núm, nút trên mặt máy cái nào cũng như cái nào,
nhưng qua bàn tay của từng người chiến sĩ trắc thủ, những hình sóng hiện về cũng cho những kết quả
khác nhau. Người chỉ huy giỏi là người biết chắt lọc từ tất cả những cái riêng đó, nắm lấy cái chung
nhất, biến thành bài học, thành quy trình cho tất cả mọi người. Kết quả của hội nghị chuyên đề được
mở tại đại đội 18 là 1 tài liệu về quy trình bắt B-52 trong nhiễu của bộ đội radar ra đời, kế thừa và
nâng cao lên những kinh nghiệm đã có trước đó.

Chất lượng phát hiện B-52 ngày một tăng lên, nổi bật nhất là trung đoàn 291, gồm các đại
đội đóng trên địa bàn Thanh hoá, Nghệ An. Đi đôi với việc rèn luyện nâng cao trình độ kỹ thuật bắt B-
52 của bộ đội radar, quân chủng cũng dành nhiều công phu nghiên cứu bố trí lại đội hình chiến thuật
của các đơn vị.

Sau các trận B-52 đánh ra Vinh ngày 10-4-1972, Thanh Hoá ngày 13-4-1972 và Hải Phòng
ngày 16-4-1972, quân chủng tập trung suy nghĩ rất nhiều về hiệu suất chiến đấu của bộ đội tên lửa.
Đặc biệt đối với trận Hải Phòng ngày 16-4-1972.

Từ 23 giờ đêm 15 tháng 4 năm 1972, trên đã thông báo sẽ có B-52 ra đánh phá Hải Phòng.
Lúc này, bộ đội đoàn H63 đang ở trong tình huống diễn tập theo phương án đánh B-52. Các phái viên
của quân chủng đang có mặt ở sở chỉ huy và các trận địa. Rõ ràng đây là một điều kiện rất thuận lợi
để đơn vị đánh thắng.

2h15 phút, cường kích vào đánh phá.

2h28 phút, trên bảng tiêu đồ ghi tình báo của tổng trạm radar, những tốp B-52 bắt đầu xuất
hiện. Sau này ta mới biết đây là những tốp F-4 đóng giả B-52.

2h32 phút, tổng trạm radar lại thông báo có B-52 hoạt động ở độ cao 9 đến 10km. Các đơn
vị của trung đoàn 285, 238 đã bắn hết hơn 10 quả đạn. Thấy không hiệu quả gì, sở chỉ huy sư đoàn
nhắc nhở các đơn vị phải chú ý đánh chắc thắng, tiết kiệm đạn. Nhưng ngay sau đó, các tốp B-52 thật
bắt đầu bay vào và loạt bom đầu tiên nổ vào lúc 2h56phút. Chính lúc này lại không thấy các tiểu đoàn
tên lửa phóng đạn. Sở chỉ huy giục bắn thì các đơn vị báo cáo là không thấy gì hết cả. Mãi đến 3h36
phút, lúc loạt bom cuối cùng nổ và B-52 đã quay ra mới thấy có 5 quả đạn phóng lên.

Trung đoàn 238 và trung đoàn 285 là 2 đơn vị được thành lập sớm nhất của bộ đội tên lửa.
Cả hai đơn vị đều đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong chiến đấu. Đặc biệt, trung đoàn 238 là
đơn vị từng bắn rơi B-52 ở Vĩnh Linh, ở hành lang 559. Quân chủng đã cân nhắc rất kỹ khi điều 2
trung đoàn này về bảo vệ Hải Phòng. Thế mà trận đánh đã diễn ra không đúng như lòng mong muốn
của mọi người. Chỉ trong vòng chưa đầy một tiếng đồng hồ, cả hai trung đoàn đã phóng hàng chục
quả đạn tên lửa để đổi lấy 1 chiếc B-52 nhưng không phải là rơi tại chỗ.

Trước tình hình đó, cuối tháng 4 năm 1972, Bộ Tổng tham mưu đã cử một đoàn kiểm tra
xuống nắm tình hình chiến đấu của quân chủng. Đoàn gồm có 2 bộ phận. Bộ phận chiến thuật gồm 8
đồng chí, một đồng chí ở Cục tác chiến, 3 đồng chí ở Viện nghiên cứu khoa học quân sự, 2 đồng chí ở
Cục quân huấn, 2 đồng chí ở Bộ tư lệnh thông tin. Bộ phận này do đồng chí Thế Bôn, Cục trưởng Cục
quân huấn phụ trách. Bộ phận kỹ thuật gồm 5 đồng chí của Viện nghiên cứu kỹ thuật quân sự, là
những chuyên viên tên lửa, radar, thông tin, do đồng chí Hoàng Đình Phu, Viện trưởng Viện nghiên
cứu kỹ thuật quân sự phụ trách.

Chúng tôi có ấn tượng hết sức tốt đẹp đối với các đồng chí trong đoàn kiểm tra, do tinh
thần làm việc tận tuy, tác phong công tác tỉ mỉ, khoa học của các đồng chí đó. Trong vòng chưa đấy
nửa tháng, các đồng chí đã lần lượt đi sâu vào các trận đánh ở Thanh Hoá, Hải Phòng, Hà Nội.

Sau khi làm việc với cơ quan tham mưu quân chủng, nghiên cứu các văn kiện liên quan
đến trận đánh, các đồng chí đã xuống tận các đơn vị cơ sở gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, nghe báo cáo diễn
biến các trận đánh và kinh nghiệm thực tiễn của từng người.

Trong nội dung báo cáo của đoàn sau đợt kiểm tra, có những vấn đề giúp cho quân chủng
thấy rõ hơn để có những biện pháp khắc phục. Ví dụ trong báo cáo của đoàn có đoạn viết:

“Cán bộ cấp tiểu đoàn trở xuống phần đông mới đề bạt, ít kinh nghiệm, lần đầu chỉ huy
chiến đấu ở chức vụ đang đảm nhiệm, nên có nhiều bỡ ngỡ khó khăn. Chiến sĩ và phân đội trình độ
thao tác bắn, sử dụng các phương tiện, khí tài, các trang bị kỹ thuật chưa thành thạo, còn yếu. Số trắc
thủ có kinh nghiệm đã chuyển nhiệm vụ khác. Theo thống kê của đoàn H61 thì chỉ có 2 trắc thủ cũ đã
trực tiếp đánh trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, còn lại hoàn toàn mới”.

Đây là vấn đề từ lâu đã làm chúng tôi phải đau đầu. Muốn có một đội ngũ trắc thủ giỏi,
thông thường phải có một quá trình xây dựng từ 3 đến 5 năm. Người ta đã ví bàn tay của người trắc
thủ tên lửa giống như bàn tay của nghệ sĩ chơi đàn dương cầm. Kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại lần
thứ nhất, chúng ta đã có những kíp trắc thủ nổi tiếng như kíp Đài - Hưng - Tân - Khải của tiểu đoàn
61, kíp Vương - Chính - Nhu của tiểu đoàn 73, kíp Thư - Nam - Ty của tiểu đoàn 52.

Ở những kíp trắc thủ này, bàn tay điều khiển đạn của họ không chỉ là những động tác có
tính chất cơ học, mà đã quyện vào đó cả tâm hồn và tình cảm của mình. Nhưng khi đã đạt đến trình độ
cao của nghệ thuật điều khiển đạn thì lại được cử đi học sĩ quan hoặc phải chuyển công tác. Bởi vì
theo chế độ, chính sách thì trắc thủ chỉ là những hạ sĩ quan. Muốn phát triển thành sĩ quan, họ phải rời
khỏi cái ghế quen thuộc mà họ đã từng ngồi, đã cùng đồng đội đánh thắng trăm trận.
Đúng như bản báo cáo của đoàn kiểm tra nêu, đội ngũ trắc thủ giỏi của những năm chiến
tranh phá hoại lần thứ nhất đến nay chỉ còn lác đác vài người. Một số phát triển thành sĩ quan điều
khiển, thành cán bộ đại đội, cán bộ tiểu đoàn. Còn phần đông đã chuyển sang công tác khác. Cũng có
những đồng chí đã chuyển ngành, phục viên. Cá biệt ở binh chủng radar có đồng chí gắn bó với
“nghề” trắc thủ của mình từ đầu cuộc chiến tranh cho đến ngày toàn thắng với quân hàm thượng sĩ.
Khi mới bước chân lên máy, làm quen với màn hiện sóng, đồng chí đó mới 18 tuổi. Cho đến lúc từ
biệt chiếc máy thân yêu đã cùng mình trải qua những năm tháng thử thách ác liệt, đồng chí đó đã có
đến 3 con. Bây giờ với tuổi 30, với quân hàm thượng sĩ, đồng chí được trở về hậu phương và nhường
lại chiếc ghế trắc thủ cho những chiến sĩ mới với tâm hồn thanh thản, không hề suy tính thiệt hơn.
Mãi mãi chúng ta ca ngợi cái nhân sinh quan trong vắt như pha lê ấy. Lịch sử sẽ không quên những
chiến công nhỏ bé mà khắc sâu ấy của các trắc thủ. Nhưng về phần chúng ta - những người lãnh đạo
và chỉ huy thì phải có nhiệm vụ quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của họ; hơn thế nữa, phải
suy nghĩ tìm ra biện pháp hay nhằm xây dựng một đội ngũ có phẩm chất và năng lực như họ để góp
phần bảo vệ bầu trời của tổ quốc.

Thế hệ trắc thủ sắp bước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với kẻ thù này tuyệt đại đa số mới
được tuyển vào đội ngũ trong một, hai năm gần đây. Phần đông chưa trải qua thực tế chiến đấu. Nhiều
đồng chí chưa từng được một lần nhìn thấy kẻ địch trên màn hiện sóng. Trong lúc đó thì càng về cuối
cuộc chiến tranh, kẻ địch càng tung vào những tên giặc lái sừng sỏ nhất, những phương tiện chiến
tranh càng được cải tiến tinh vi hơn.

Tháng 2 năm 1970, vừa lên cầm quyền được mấy tháng, Nixon đã chỉ thị cho Kít-xin-giơ,
cố vấn an ninh số 1 của Nhà trắng, gặp những nhà lãnh đạo của Uỷ ban cố vấn khoa học của tổng
thống để đề nghị các nhà khoa học kỹ thuật có sự giúp đỡ chính quyền trong việc nghiên cứu và giải
quyết những vấn đề mới do cuộc chiến tranh ở Việt Nam đặt ra.

Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam càng thất bại thì chúng sàng sốt
ruột, càng hối hả tìm ra những biện pháp mới về kỹ thuạt với hy vọng bằng cách đó đánh bại đối
phương trong canh bạc cuối cùng này. Lẽ nào một nước Mỹ công nghiệp hiện đại, khoa học kỹ thuật
hiện đại lại chịu thua một nước nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam.

Chúng ta sẽ thử tìm hiểu xem nền khoa học kỹ thuật hiện đại của bọn Mỹ đã trang bị cho 1
chiếc B-52 những máy móc hiện đại như thế nào.

Ngoài các loại máy thu mang ký hiệu ALR-20, APR-25, APS-54 dùng để phát hiện radar
của ta, thu được tần số của nhiều loại như radar cảnh giới, radar dẫn đường, radar đo cao, radar tên
lửa, cao xạ để gây nhiễu trở lại làm cho radar của ta không bắt được mục tiêu; mỗi máy bay B-52 còn
được trang bị tất cả 15 máy gây nhiễu để làm tê liệt các loại khí tài điện tử của đối phương. Chưa hết,
mỗi chiếc B-52 còn được trang bị thêm 2 máy gây nhiễu tiêu cực ALE-24, mỗi máy đựng khoảng 450
bó nhiễu, mỗi bó nặng 0,225kg, gồm hàng chục vạn sợi kim loại dài ngắn khác nhau. Như vậy, tổng
số máy thu và gây nhiễu tiêu cực, mỗi B-52 có tới 19 chiếc tất cả. Vì vậy chúng phải bố trí trên mỗi
chiếc B-52 một tổ bay đông đến 6 người, trong đó có những nhân viên có trình độ kỹ sư chuyên sử
dụng những máy móc điện tử. Ở phần trên, chúng tôi đã kể với bạn đọc, để phục vụ cho những trận
đánh lớn vào Hà Nội năm 1967, chúng đã sử dụng từ 4 đến 6 chiếc máy bay gây nhiễu EB-66. Hồi đó,
chúng ta gọi loại máy bay này là những nhà máy điện nhỏ di động trên không. Còn bây giờ thì khác
hơn nhiều. Có thẻ nói không ngoa chút nào, là trong lòng mỗi chiếc B-52 ở vào thời điểm này chứa
gọn 1 máy bay EB-66. Thế nghĩa là, có bao nhiêu máy bay B-52 đi đánh phá là có bấy nhiêu máy bay
EB-66 gây nhiễu.

Hãy làm một con tính cụ thể để thấy rõ vấn đề hơn: Ví dụ một trận đánh với 9 máy bay B-
52 thì trên vùng trời nhỏ hẹp đã có hơn 150 máy gây nhiễu tích cực và gây nhiễu tiêu cực với 8.100
bó nhiễu gồm hàng triệu sợi kim loại, phủ kín cả một góc trời. Đấy là chưa kể mỗi phi vụ B-52 đi
đánh phá, địch còn phái thêm rất máy bay tiêm kích, cường kích khác làm nhiệm vụ bảo vệ, mà các
loại máy bay này cũng đều có máy gây nhiễu, để gây nên “mưa” nhiễu trên bầu trời. Như vậy địch đã
tạo nên một “bức tường” nhiễu trên không trung để che mắt các chiến sĩ radar và tên lửa của ta.

Trong tình hình như vậy, chúng ta phải làm gì và làm như thế nào để chiến thắng kẻ thù?
Bất giác chúng tôi nghĩ đến đồng chí Bùi Đình Cường, tư lệnh bộ đội radar của chúng ta hiện nay.
Sinh ra trong 1 gia đình nông dân nghèo, mãi khi vào bộ đội, đồng chí Cường mới học chữ, mới biết
đọc, biết viết. Những ngày đầu tiên vào bộ đội, đồng chí Cường được phân công làm anh nuôi, mà lúc
bấy giờ gọi là cấp dưỡng. Vừa tận tuỵ trong công tác được phân công, vừa tích cực học văn hoá, nên
đồng chí được đề bạt làm tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng. Thể theo nguyện vọng, cấp trên đồng ý
chuyển đồng chí ra đơn vị chiến đấu. Sống ở môi trường mới, đồng chí Cường tỏ ra rất dũng cảm
trong chiến đấu, nhiều năm là chiến sĩ thi đua, tặng thưởng huân chương Chiến công. Kết thúc cuộc
kháng chiến chống Pháp, đồng chí đã là cán bộ tiểu đoàn. Nhớ hồi năm 1960, khi quân chủng giao
quyết định bổ nhiệm đồng chí làm tham mưu trưởng 1 trung đoàn radar, cặp mắt đỏ ngầu của đồng chí
cứ mở to ra một cách ngạc nhiên:

- Đề nghị cấp trên nghiên cứu lại xem, tôi có đảm đương được nhiệm vụ hay không?

Và đúng là đồng chí Cường đã không phụ lòng tin của Đảng. Với tinh thần tự học, tự rèn,
lại được tổ chức quan tâm bồi dưỡng, đồng chí Cường chẳng những đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tham
mưu trưởng trung đoàn, mà còn lần lượt đảm đương xuất sắc các nhiệm vụ tiếp sau: trung đoàn phó,
trung đoàn trưởng radar, phó tư lệnh và bây giờ - ở vào giai đoạn gay go, quyết định nhất trong cuộc
đọ sức cuối cùng với kẻ thù, đồng chí đã trở thành tư lệnh của bộ đội radar Việt Nam…

(còn tiếp)

You might also like