intTypePromotion=1
zunia.vn Tuyển sinh 2024 dành cho Gen-Z zunia.vn zunia.vn
ADSENSE

Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng

Chia sẻ: Buemr KKK | Ngày: | Loại File: PDF | Số trang:9

60
lượt xem
16
download
 
  Download Vui lòng tải xuống để xem tài liệu đầy đủ

Bài viết qua việc nghiên cứu các chế độ dân chủ trong lịch sử, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, dân chủ là sản phẩm và là thành quả của quá trình đấu tranh giai cấp cho những giá trị tiến bộ của nhân loại; dân chủ là giá trị nhân văn của nhân loại, phản ánh trình độ phát triển của mỗi xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Chủ đề:
Lưu

Nội dung Text: Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng

  1. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ VÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG XÂY DỰNG ĐẢNG NGUYỄN VĂN HOÀ1,*, NGUYỄN VĂN TRANG2 1 Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế 2 Học viên Cao học, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế * Email: nguyenv nhoa@dhsphue.edu.vn Tóm tắt: Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là bản chất của chế độ ta, là chìa khoá vạn năng để giải quyết mọi khó khăn; thực hiện dân chủ trong Đảng là tiền đề tiên quyết để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, thực sự là “đạo đức, là văn minh”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng luôn là kim chỉ nam để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà lịch sử và nhân dân giao phó. Từ khoá: Dân chủ, thực hiện dân chủ, xây dựng đảng. 1. ĐẶT VẤN ĐỀ Qua việc nghiên cứu các chế độ dân chủ trong lịch sử, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin cho rằng, dân chủ là sản phẩm và là thành quả của quá trình đấu tranh giai cấp cho những giá trị tiến bộ của nhân loại; dân chủ là giá trị nhân văn của nhân loại, phản ánh trình độ phát triển của mỗi xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cộng sản Việt Nam đầu tiên kế thừa, vận dụng và đưa quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về dân chủ vào xây dựng lý luận và thực tiễn dân chủ ở Việt Nam. Dân chủ là bản chất, là đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Ngày nay, dân chủ đã trở thành giá trị phổ quát của toàn nhân loại, là mục đích của phát triển và tiến bộ xã hội. Theo đó, một đảng chân chính phải lấy dân chủ làm giá trị trung tâm, làm cơ sở cho sự phát triển của mình. Đặc biệt, trong điều kiện một đảng chính trị duy nhất lãnh đạo – cầm quyền như ở Việt Nam hiện nay, thì vấn đề dân chủ càng trở thành yêu cầu bức thiết” [2, tr.3]. 2. NỘI DUNG 2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ Dân chủ, bình đẳng, công bằng và tự do là những giá trị xã hội. Trong đó dân chủ là tiền đề của mọi giá trị. Dân chủ không phải là thứ tự nhiên có sẵn mà là thành quả của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ là tài sản quý giá của nhân dân, là chìa khóa của tiến bộ và phát triển, đồng thời là một giá trị xã hội mang tính toàn nhân loại. Người định nghĩa: Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ. Người nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” [6, tr.434], “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đày tớ trung thành của nhân dân” [8, tr.382]. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: “Chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do dân Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế ISSN 1859-1612, Số 1(57)/2021: tr.76-84 Ngày nhận bài: 09/4/2020; Hoàn thành phản biện: 21/5/2020; Ngày nhận đăng: 22/5/2020
  2. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ VÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ... 77 làm chủ” [6, tr.269] và khi nước ta là nước dân chủ thì dân chủ là “dân làm chủ. Dân làm chủ thì chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải làm quan cách mạng” [9, tr.572]. Điều đó chứng tỏ rằng mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. So với quan niệm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác – Lênin và của nhiều nhà tư tưởng khác trên thế giới, quan niệm của Hồ Chí Minh về dân chủ là một quan niệm ngắn gọn, cô đọng, súc tích, mang tính khái quát cao. Đặc biệt, quan niệm dân chủ của Hồ Chí Minh còn thể hiện tính độc đáo. Tính độc đáo đó thể hiện ở chỗ, Người không chỉ đặt nhân dân lên vị thế chủ thể xã hội (nhân dân là người chủ), mà còn thể hiện mối quan hệ mật thiết, không tách rời giữa vị thế chủ thể xã hội của nhân dân với hành động làm chủ xã hội của nhân dân (dân làm chủ). Không chỉ thế, Hồ Chí Minh còn đặt vấn đề dân chủ trong mối quan hệ mật thiết, không tách rời với các quyền tự do, công bằng và bình đẳng, quyền được sống, quyền làm người, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân với tư cách những quyền thiêng liêng, không thể bị xâm phạm. Điều này được thể hiện rõ trong nhiều chỉ thị, bài viết, bài phát biểu của Người. Với quan niệm dân chủ như trên, theo Hồ Chí Minh, dân phải thực sự là chủ thể của xã hội và hơn nữa, dân phải được làm chủ một cách toàn diện: làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội và làm chủ chính bản thân mình, làm chủ và sở hữu mọi năng lực sáng tạo của mình với tư cách chủ thể thực sự của xã hội. Theo Hồ Chí Minh, dân chủ phải có nội dung toàn diện, bao quát mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; trong đó, hai lĩnh vực quan trọng hàng đầu và nổi bật nhất là dân chủ trong kinh tế và dân chủ trong chính trị. Dân chủ trong hai lĩnh vực này quy định và quyết định dân chủ trong các lĩnh vực xã hội khác. Không chỉ thế, dân chủ trong kinh tế và dân chủ trong chính trị còn thể hiện trực tiếp quyền con người và quyền công dân của người dân, khi dân thực sự là chủ thể xã hội và làm chủ xã hội một cách thực sự. Dân chủ chẳng những là bản chất của chế độ ta mà còn là động lực mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, vì dân chủ chính là lợi ích cao nhất mà mọi người đều quan tâm và đòi hỏi phải được thực hiện. Dân chủ là lợi ích thiết thực của nhân dân, là cái thúc đẩy nhân dân hành động vì đất nước, vì dân tộc. “Trong quá trình hoạt động sinh sống, mỗi người đều mưu cầu lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần. Do đó, lợi ích trở thành mục tiêu, định hướng cho hoạt động của mỗi người dân. Chẳng những thế, lợi ích còn là động lực mạnh mẽ nhất đối với việc phát huy tính tích cực và sáng tạo của mỗi người dân” [2, tr.5]. Đảm bảo được lợi ích chính đáng của nhân dân là thực chất của dân chủ. Chính vì thế, Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của nhân dân” [9, tr.457] và rằng: “Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều” [4, tr.284].
  3. 78 NGUYỄN VĂN HÒA, NGUYỄN VĂN TRANG Khi cho rằng, dân chủ gắn liền với lợi ích chính đáng của nhân dân, với việc phát huy sức sáng tạo và tinh thần hăng say làm việc của nhân dân thì việc đề ra đường lối dân chủ không chỉ để đấy, mà phải phát triển dân chủ để sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước thực sự có hiệu quả, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sáng tạo của Nhân dân, làm cho mọi công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội” [10, tr.374]. Như vậy, đối với Hồ Chí Minh, dân chủ là động lực không chỉ cho những thành công của cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn cho những thành công trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước ta. Đối với Hồ Chí Minh, dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ thì cũng có nghĩa là quyền lực thuộc về nhân dân và “bao nhiêu quyền hạn đều của dân” [5, tr.232]. Nhân dân là người đóng vai trò quyết định đối với vận mệnh của đất nước. Chính vì vậy, lý tưởng cách mạng mà Người suốt đời đấu tranh là xây dựng đất nước ta thành một nước dân chủ thực sự, đúng nghĩa một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mà ở đó, nhân dân được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột, có điều kiện phát triển và tự hoàn thiện mình, nâng mình lên địa vị “làm chủ”. Theo Hồ Chí Minh, với tư cách là chủ thể nắm quyền lực, nhân dân có quyền tự do chọn ra những người sáng suốt nhất, có đủ đức và tài để thi hành quyền được làm chủ của mình. Người nói: “Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ” [7, tr.263]. 2.2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng 2.2.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện và trực tiếp lãnh đạo Đảng ta. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ trong xây dựng Đảng được thể hiện trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng, từ tổ chức xây dựng đảng đến sinh hoạt và hoạt động thực tiễn của Đảng. Có thể khái quát, những nội dung đó trên những phương diện chủ yếu sau: thực hiện và phát huy quyền làm chủ của đảng viên; dân chủ trong sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; dân chủ trong công tác cán bộ; dân chủ trong phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, thực hiện dân chủ trong Đảng thực chất là thực hiện và phát huy quyền làm chủ của đảng viên. Khi coi dân chủ là quyền lợi cơ bản nhất của mọi đảng viên, Người luôn nhấn mạnh: Dân chủ là “của quý báu nhất” mà mọi đảng viên đều hướng đến. Chính vì vậy, Đảng “phải thực sự mở rộng dân chủ để tất cả các đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình; phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt” [10, tr.544]. Để làm rõ hơn về quyền lợi này, Hồ Chí Minh cho rằng, mọi đảng viên đều có các quyền sau: quyền tự do phát biểu ý kiến và thảo luận về chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng; quyền ứng cử và trúng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng; quyền đề xuất kiến nghị, thanh minh và bày tỏ,
  4. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ VÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ... 79 giải trình nguyện vọng của mình trước các cơ quan của Đảng; quyền phê bình các đảng viên khác, kể cả đó là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo và phê bình công tác của các cơ quan Đảng. Trong các quyền đó, Hồ Chí Minh cho rằng, quyền phê bình của đảng viên đóng vai trò quan trọng. Bởi theo Người, quyền phê bình là một vũ khí chống bệnh quan liêu, cải thiện mối quan hệ giữa cán bộ và đảng viên, nâng cao khả năng công tác của đảng viên và của Đảng. Do đó, Đảng phải tôn trọng quyền phê bình của đảng viên. Thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng theo Hồ Chí Minh còn thể hiện ở dân chủ trong sinh hoạt Đảng. Về vấn đề này, Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện dân chủ trong sinh hoạt Đảng là tiền đề tiên quyết, là môi trường thuận lợi, là điều kiện thiết yếu để tất cả đảng viên đều có thể tham gia đóng góp ý kiến cho Đảng nhằm tránh bệnh quan liêu, chuyên quyền, độc đoán có thể dẫn đến quyết định sai lầm, gây hậu quả khôn lường. Trên cơ sở tổng kết thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Lãnh đạo nhà nước và xã hội là sứ mệnh cao cả và nặng nề của Đảng. Do vậy, để làm tròn sứ mệnh này, Đảng không chỉ lãnh đạo bằng tài đức, bằng trí tuệ, lương tâm, trách nhiệm và phẩm giá, mà còn phải hoạch định đường lối, tổ chức thực hiện cho quần chúng. Hơn nữa, cán bộ, đảng viên của Đảng là những người đem chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với dân chúng, do đó càng cần thiết phải thực hiện dân chủ trong Đảng. 2.2.2. Các biện pháp thực hiện dân chủ trong Đảng của Tư tưởng Hồ Chí Minh Theo Hồ Chí Minh, để thực hiện và mở rộng dân chủ trong Đảng, cần phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, chuyên quyền, độc đoán. Người chỉ ra rằng: “Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng công tác thực tế… nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ… họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ” [6, tr.176]. Do vậy, Đảng phải lãnh đạo cuộc đấu tranh chống bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền và chống cả tình trạng lợi dụng địa vị, quyền lực, lợi dụng tổ chức đảng, cơ quan nhà nước để thu lợi cá nhân, tham nhũng, tham ô, lãng phí. Có như vậy, dân chủ trong Đảng mới được thực thi. Đảng phải dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, trong đó có việc dựa vào dân để thực thi dân chủ ngay trong Đảng, từ đó mới có thể phát triển dân chủ trong toàn xã hội. Thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng Đảng thì phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình; tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng; tự phê bình và phê bình là “thứ vũ khí sắc bén nhất, nó giúp Đảng ta mạnh và ngày thêm mạnh. Nhờ đó mà chúng ta sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, tiến bộ không ngừng” [8, tr.521]. Tự phê bình và phê bình phải được tiến hành thật sự dân chủ và bình đẳng. Chỉ có thực hiện dân chủ rộng rãi thì mọi cán bộ, đảng viên, nhân dân mới tích cực, dám nói thẳng, nói thật. Tuy nhiên, mở rộng dân chủ trong tự phê bình và phê bình không có nghĩa là muốn phê gì cũng được, ai cũng có thể đem ra phê bình. Người nói: “Trong lúc thảo luận, mọi người hoàn toàn được tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng
  5. 80 NGUYỄN VĂN HÒA, NGUYỄN VĂN TRANG cũng vậy, song không được nói gàn, nói vòng quanh” [4, tr.272]. Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu dân chủ là do trong lòng họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thích được đề cao, tâng bốc, nịnh nọt. Cán bộ lãnh đạo, quản lý có phong cách làm việc dân chủ là phải “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” [4, tr.319]. “Người lãnh đạo muốn biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của mình, muốn biết công tác của mình tốt hay xấu, không gì bằng khuyên cán bộ mình mạnh bạo đề ra ý kiến và phê bình. Như thế, chẳng những không phạm gì đến uy tín của người lãnh đạo, mà lại tỏ ra dân chủ thật thà trong Đảng” [4, tr.319]. 2.2.3. Thực hành dân chủ trong công tác cán bộ Một trong những nội dung hết sức quan trọng để thực hành dân chủ trong xây dựng Đảng được Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm và đặc biệt nhấn mạnh là thực hành dân chủ trong công tác cán bộ. Trong sự nghiệp cách mạng, cũng như trong công tác xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt sâu sắc cho vấn đề cán bộ. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” [4, tr.309]. “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém... Vì vậy, vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp” [4, tr.313]. Người cán bộ của Đảng phải là những người đủ đức, đủ tài; không chuyên quyền độc đoán, không đặc quyền, đặc lợi và được mọi người tin yêu. Công tác cán bộ có nhiều mặt, mỗi mặt đều phải được thực hiện một cách dân chủ. Chẳng hạn, muốn lựa chọn, sử dụng đúng cán bộ thì phải dân chủ trong đánh giá cán bộ, muốn dùng cán bộ cho đúng phải hết sức khách quan, công tâm và đặc biệt phải chống tư tưởng cục bộ, bởi vì một khi mắc phải căn bệnh đó thì “ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không hẩu với mình thì dù có tài cũng dìm họ xuống, họ phải mấy cũng không nghe” [4, tr.88]. Căn bệnh “kéo bè kéo cánh” có căn nguyên từ tư tưởng độc đoán, chuyên quyền, gia trưởng, cục bộ, địa phương chủ nghĩa. Hễ ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, nâng đỡ, nịnh bợ lẫn nhau, ủng hộ nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách dèm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Chính điều này mà trong Đảng bớt dần nhân tài, không thực hành một cách đầy đủ chính sách của mình, làm hại sự thống nhất, làm mất sự thân ái, đoàn kết trong Đảng, gây ra những mối nghi ngờ, đố kỵ, tranh giành địa vị, quyền lợi. Để khắc phục tình trạng trên, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng phải thực hiện dân chủ trong công tác cán bộ phải chống chủ nghĩa biệt phái, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, bệnh hẹp hòi trong công tác cán bộ nói chung và trong chính sách cán bộ nói riêng. Chỉ rõ những tác hại của những căn bệnh này trong công tác cán bộ của Đảng, Người cho rằng, Đảng chỉ có thể có được một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, hết mực trung thành với sự nghiệp của Đảng khi những căn bệnh đó được loại bỏ hoàn toàn. Người còn nhấn mạnh rằng, để cán bộ làm được việc, vui vẻ làm việc, phải “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến” [4, tr.319] và cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu thực hành dân chủ. Đối với Hồ Chí Minh, thực hành dân chủ trong Đảng đồng nghĩa với việc cán bộ, đảng viên của Đảng nói không với thái độ gia trưởng, quan liêu, mệnh lệnh, nói không với mọi sự áp đặt công việc, đồng thời phải chú trọng, phải thường xuyên, kiểm tra công tác
  6. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ VÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ... 81 đảng của các tổ chức đảng cấp dưới, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở và đặc biệt là không khi nào được xa rời quần chúng. Do vậy, dân chủ trong Đảng còn là sự cảm thông, ghi nhận năng lực, sở trường của đồng chí, đồng nghiệp, tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể làm chủ công việc mà mình được giao phó, làm cho họ tự ý thức và phát huy được vai trò người làm chủ và gương mẫu của mình trong sinh hoạt đảng và thực tiễn cách mạng. Làm tốt điều đó, theo Người, Đảng sẽ tránh được tình trạng “nội bộ của Đảng âm u, cán bộ trở nên những cái máy, trong lòng uất ức, không dám nói ra, do uất ức mà hóa ra oán ghét, chán nản” [4, tr.320]. Để thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên mạnh dạn đề xuất ý kiến, mà còn phải luôn thực hiện, nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Bởi, không phải Đảng ta chỉ có thành tích và thắng lợi, mà không có sai lầm, khuyết điểm. Với Người, khuyết điểm cũng như chứng bệnh. Người đời không ai tránh khỏi chứng bệnh – khuyết điểm. “Đảng là người, nên có sai lầm”. Do vậy, một khi đã phát hiện ra sai lầm, khuyết điểm thì bản thân Đảng phải dũng cảm thừa nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa. Tự phê bình và phê bình trên tinh thần thật dân chủ là thang thuốc đặc hiệu để khắc phục, hạn chế những sai lầm, khuyết điểm của tổ chức đảng và của mỗi cá nhân đảng viên. Chỉ có một đảng chân chính cách mạng, thực sự dân chủ mới dám mạnh dạn phê bình, hoan nghênh phê bình và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm để luôn trong sạch, vững mạnh, để Đảng thật sự “là đạo đức, là văn minh”. 2.2.4. Thực hành dân chủ trong phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của Đảng Một nội dung quan trọng trong thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng được Hồ Chí Minh coi trọng, đó là thực hiện dân chủ trong phương thức lãnh đạo, lề lối làm việc của Đảng. Người rất quan tâm đến công tác kiểm tra của Đảng. Theo Người, chỉ khi tổ chức đảng cấp trên thường xuyên kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và ngược lại, tổ chức đảng cấp dưới phải thường xuyên phê bình tổ chức đảng cấp trên, thì nội bộ Đảng mới thực sự đoàn kết và sức mạnh của sự thống nhất đó mới được nhân lên. Trong quá trình kiểm tra, mỗi cán bộ, đảng viên khi được góp ý về những vi phạm mà mình đã mắc phải đều phải dũng cảm thừa nhận, sửa chữa, nêu gương mẫu mực sửa chữa theo tinh thần tự phê bình và phê bình. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” [4, tr.301]. Không chỉ thế, Hồ Chí Minh còn chỉ ra lối ứng xử có văn hóa trong phê bình và tự phê bình để thực hiện dân chủ thực sự trong Đảng. Đó là, mỗi khi bị phê bình, cán bộ, đảng viên bị phê bình chớ nên quở trách, riễu cợt cán bộ đã phê bình mình, bởi thái độ cầu thị của cấp trên, sự thành tâm của cấp dưới khi tiến hành phê bình công khai, phê bình một cách có văn hóa trên cơ sở “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” sẽ giúp cho mọi người hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau và đó mới thực sự là dân chủ trong Đảng. Theo Hồ Chí Minh, thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng phải tuân theo “nguyên tắc dân chủ tập trung” – tập thể lãnh đạo, cá nhân phục trách. Đó là tổ chức sinh hoạt và
  7. 82 NGUYỄN VĂN HÒA, NGUYỄN VĂN TRANG hoạt động của Đảng và cũng là một nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Theo Hồ Chí Minh, “Tập thể lãnh đạo là dân chủ. Cá nhân phụ trách là tập trung. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tức là dân chủ tập trung. Làm việc mà không theo đúng cách đó, tức là làm trái dân chủ tập trung” [4, tr.620]. Với Người, độc đoán, chuyên quyền hoàn toàn xa rời với nguyên tắc này. Tập thể lãnh đạo đảm bảo dân chủ nhưng không dựa dẫm vào nhau. Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao trí tuệ tập thể. Người cho rằng, một người dù khôn ngoan tài giỏi đến mấy, dù nhiều kinh nghiệm đến đâu cũng chỉ trông thấy, chỉ xem xét được một hoặc nhiều mặt của một vấn đề, không thể trông thấy và xem xét tất cả mọi mặt của một vấn đề. Nhiều người thì nhiều kinh nghiệm. Có sự đóng góp kinh nghiệm và sự xem xét của nhiều người, thì một vấn đề nào đó mới được thấy rõ mọi mặt và có như vậy, vấn đề ấy mới được giải quyết chu đáo, mới tránh khỏi sai lầm. Hồ Chí Minh khẳng định: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ. Kết quả là hỏng việc” [4, tr.620]. Do vậy, “tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau” [4, tr.620]. Tuy nhiên, theo Hồ Chí Minh, “không phải vấn đề gì nhỏ nhặt, vụn vặt, một người vẫn có thể giải quyết được, cũng đưa ra bàn – mới là tập thể lãnh đạo. Nếu làm như vậy, là hiểu tập thể lãnh đạo một cách máy móc. Kết quả cứ khai hội mà hết ngày giờ. Những việc bình thường, một người có thể giải quyết đúng, thì người phụ trách cứ cẩn thận giải quyết đi. Những việc quan trọng, mới cần tập thể quyết định” [4, tr.620]. Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng “cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực. Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế. Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo, các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình” [4, tr.283]. Từ thực trạng này, Hồ Chí Minh khẳng định: Trong Đảng phải phát huy dân chủ đến cao độ mới làm cho cán bộ, đảng viên hăng hái, đề ra nhiều sáng kiến. Đảng có phát huy dân chủ đến cao độ, làm cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm, thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên. Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng, nhất là từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh rất chú trọng đến cách thức làm việc, đến tác phong và lề lối làm việc của người cán bộ, đảng viên. Đối với Người, cán bộ, đảng viên không chỉ cần cố gắng rèn luyện đạo đức cách mạng, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, mà còn phải biết lắng nghe những người cộng sự, dù người đó không thuộc phe cánh với mình, nhất là lắng nghe ý kiến đóng góp của quần chúng trước khi quyết định một vấn đề trong thực tế. Hồ Chí Minh cho rằng, thực hiện dân chủ là tôn chỉ của Đảng nhằm thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Trong Đảng, thực hiện dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, thực hiện bầu cử dân chủ, giám sát dân chủ là biện pháp hữu hiệu để phát huy trí tuệ của tập thể, của mỗi cá nhân đảng viên, để tăng cường, củng cố đoàn kết, tạo sự thống nhất, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
  8. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN CHỦ VÀ THỰC HIỆN DÂN CHỦ... 83 Việc thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng trong thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ trong công tác xây dựng Đảng vần tồn tại một số hạn chế nhất định như; nhận thức về dân chủ trong một số cán bộ, đảng viên còn hạn chế; nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách có nơi chỉ là hình thức; chế độ tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện nghiêm túc; một số chủ trương của Đảng về dân chủ chậm được thể chế hoá; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi. Một trong những nguyên nhân của những hạn chế khuyết điểm trên, đã được Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ: “Chưa thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, phát huy vai trò giám sát, tham gia của nhân dân vào công tác xây dựng Đảng” [1, tr.198]. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hành dân chủ trong xây dựng Đảng là vấn đề cấp bách và có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi cán bộ, đảng viên; là cơ sở để thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hành dân chủ trong xây dựng Đảng là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu tất yếu đối với sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. 3. KẾT LUẬN Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mục tiêu này vẫn là yêu cầu bức thiết hiện nay đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. “Dân chủ có vai trò quan trọng đối với xây dựng Đảng thành một tổ chức chiến đấu chặt chẽ, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân” [3, tr.20]. Thực hiện dân chủ trong Đảng không những là điều kiện, tiền đề, mà còn làm gương thực hiện dân chủ trong nhân dân, dân chủ trong xã hội. Tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và thực hiện dân chủ trong xây dựng Đảng có hệ thống nội dung, giá trị và ý nghĩa to lớn. Tư tưởng đó luôn là kim chỉ nam để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà lịch sử và nhân dân giao phó. Tư tưởng của Người về vấn đề này, vẫn tươi nguyên giá trị và tính thời sự cấp thiết. TÀI LIỆU THAM KHẢO [1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [2] Nguyễn Văn Hoà (2015). Thực hiện dân chủ để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, Tạp chí Triết học, số 8 (291). [3] Nguyễn Văn Hoà (2019). Đoàn kết chặt chẽ trong Đảng để phục vụ nhân dân, Tạp chí Triết học, số 11 (342). [4] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [5] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
  9. 84 NGUYỄN VĂN HÒA, NGUYỄN VĂN TRANG [6] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 7, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [7] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [8] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [9] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 10, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. [10] Hồ Chí Minh (2011). Toàn tập, tập 12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. Title: HO CHI MINH IDEOLOGY ON DEMOCRACY AND DEMOCRACY IMPLEMENTATION IN THE CONSTRUCTION OF THE PARTY Abstract: According to Ho Chi Minh, democracy is the nature of our regime and also the universal key to solving all difficulties. Exercising democracy in the Party is a prerequisite for building a clean and strong, truly “ethical and civilized” Party. Ho Chi Minh's thoughts on democracy and the implementation of democracy in the construction of the Party have always been a guideline to constantly improve the leadership and fighting power of the Party and to make it capable enough to carry out the tasks that history and the people have entrusted. Keywords: Democracy, democracy implementation, construction of the Party.
ADSENSE

CÓ THỂ BẠN MUỐN DOWNLOAD

 

Đồng bộ tài khoản
2=>2