Academia.eduAcademia.edu
Tạp chí Khoa học – Đại học Huế ISSN 2588–1213 Tập 126, Số 6B, 2017, Tr. 49–60 NHÂN VẬT LỊCH SỬ HITLER TRONG TIỂU THUYẾT NỬA KIA CỦA HITLER (ERIC-EMMANUEL SCHMITT) Trần Huyền Sâm1, 1 Trường Đại học Sư phạm – Đại học Huế, 34 Lê Lợi, Huế, Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Hân*2 2 Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, 477 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội, Việt Nam Tóm tắt. Eric-Emmanuel Schmitt là một trong những tiểu thuyết gia, kịch gia đương đại nổi tiếng của Pháp. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng lớn như giải Viện Hàn lâm Pháp, giải Chronos, giải Goncourt… Bằng những ngữ liệu lịch sử quen thuộc, Eric-Emmanuel Schmitt đã mang đến cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về chủ đề chiến tranh và tôn giáo. Hoang tưởng vào sứ mệnh cứu rỗi nhân loại, Hitler muốn thiết lập một nước Đại Đức ở châu Âu với cuồng vọng làm bá chủ thế giới. Trong “Nửa kia của Hitler” (nguyên tác tiếng Pháp “La part de l’autre”), Eric-Emmanuel Schmitt xây dựng một Hitler cực đoan trong suy nghĩ, hành động và được luận giải từ phương diện đời sống cá nhân. Xây dựng nhân vật lịch sử Hitler, nhà văn đưa ra lời cảnh báo về tham vọng quyền lực gắn liền với tư tưởng toàn trị. Từ khóa. Hitler, nhân vật lịch sử, tham vọng quyền lực, “Nửa kia của Hitler”, Eric-Emmanuel Schmitt 1. Tiểu thuyết gia Eric-Emmanuel Schmitt và những giả định lịch sử Một câu hỏi nhức nhối đối với các tiểu thuyết gia đương đại khi cầm bút: nhân loại sẽ đi về đâu trong bóng đêm lầm lũi của lòng hận thù sắc tộc, của những ảo tưởng chiến tranh và những tham vọng chính trị mù quáng? Sau Thế chiến thứ hai, nhân loại càng nhìn nhận rõ những thảm họa do chủ nghĩa toàn trị gây ra. Nhiều nhà văn đã lấy chủ đề lịch sử để lý giải những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hiện tại. Với Nửa kia của Hitler (nguyên tác tiếng Pháp là La part de l’autre), tiểu thuyết gia Eric-Emmanuel Schmitt đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc bi kịch của loài người với những tham vọng chính trị mù quáng. Eric-Emmanuel Schmitt là một trong những tiểu thuyết gia, kịch gia đương đại nổi tiếng của Pháp. Ông từng đoạt nhiều giải thưởng lớn như giải Viện Hàn lâm Pháp cho toàn bộ sự nghiệp sân khấu (2001), giải Chronos cho Oscar và bà áo hồng (2004), giải Goncourt cho tập truyện ngắn Một mối tình ở điện Élysée (2010)… Bằng những ngữ liệu lịch sử quen thuộc, EricEmmanuel Schmitt đã mang đến cho người đọc những chiêm nghiệm sâu sắc về chủ đề chiến tranh và tôn giáo. Trong buổi giao lưu với độc giả Việt Nam vào ngày 09 tháng 11 năm 2016, nhà văn đã nói về tác phẩm nổi tiếng Nửa kia của Hitler như sau: “Đây là hai tiểu thuyết trong một tác phẩm. Một tiểu thuyết về Hitler Đức quốc xã và một tiểu thuyết về Hitler trúng tuyển *Liên hệ: ngochan1078@gmail.com Nhận bài: 11–07–2017; Hoàn thành phản biện: 13–07–2017; Ngày nhận đăng: 30–08–2017 Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Hân Tập 126, Số 6B, 2017 Học viện Mỹ thuật Vienne... Lịch sử hoàn toàn khác so với nó vốn là. Tôi đi vào phân tích tâm trạng hai nhân vật. Thế giới song song chỉ có trong giấc mơ, trong văn học. Văn học là hành lang kết nối thế giới thực và thế giới giả tưởng”(1). Tác giả cũng đã bộc lộ nguyên nhân và hoàn cảnh viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng này trên trang cá nhân của mình. Ý tưởng viết về cuộc đời, số phận của Hitler đến với Eric-Emmanuel Schmitt khi ông đang dạo chơi ở Vienne (Áo), người sinh viên dẫn đường đã chỉ vào băng ghế đang ngồi và giải thích “Đây là nơi mà Adolf Hitler đã từng ngồi để chuẩn bị thi vào Học viện Mỹ thuật.” [21] Điều gì đã khiến chàng thanh niên say mê hội họa trở thành một nhà độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử loài người? Câu hỏi đó đã ám ảnh Eric-Emmanuel Schmitt và thôi thúc ông dựng lên hai cuộc đời song hành của Adolf Hitler: một nhà độc tài Đức quốc xã tàn bạo trong lịch sử nhân loại thế kỉ XX (như đã là) và một họa sĩ siêu thực tài năng (có thể là). Trong Nửa kia của Hitler, nhà văn tập trung lí giải con người Hitler trên phương diện cá nhân để soi chiếu những vùng mờ mà sử gia khó có thể đề cập đến. Đa phần bạn đọc Pháp đều nhận định rằng, lối viết giả định của Eric-Emmanuel Schmitt đã mang đến cho Nửa kia của Hitler một ý nghĩa đặc sắc về hình tượng lịch sử vốn đã quá quen thuộc. Bằng việc đồng thuận với lý thuyết giả định, trên trang Le Figaro Littéraire, Bruno Corty cho rằng sở dĩ Eric-Emmanuel Schmitt thành công là bởi chứng minh được điều này: con người sinh ra không phải là một con quái vật, nhưng có thể người ta sẽ trở thành quái vật vì những tác nhân khác nhau... Tác giả cho rằng cuốn tiểu thuyết La part de l’autre đã đặt ra một câu hỏi nghiêm túc đối với người đọc: “Cái ác có thể nằm ngay bên trong mỗi chúng ta, nó là bóng tối ẩn tàng trong mỗi con người.” [19] Cũng theo chiều hướng đó, trên Le Magazine littéraire, Gérard Cortanze nhận định: “La part de l’autre đã mang đến một siêu hình học trong lịch sử, và đi xa hơn bằng việc hư cấu về một nhân vật đặc biệt – Hitler. La part de l’autre khơi gợi và chia sẻ ở mỗi chúng ta về bóng tối và cái chết.” [20] Theo Foucault, giải trình ngôn ngữ lịch sử là diễn ngôn của nhà viết sử. Việc sử gia tái tạo lịch sử là không thể thực hiện được bởi tài liệu không còn được xem như sự phản ánh của quá khứ mà đã được xử lí, sắp xếp tạo thành một diễn ngôn mới từ hiện tại, tạo ra ý nghĩa gì đó cho hiện tại từ những hiểu biết về quá khứ. Với thuyết tân lịch sử, quá khứ hiện lên trong cái nhìn đa chiều của con người chứ không mang tính áp đặt. Mang tinh thần hoài nghi nên con người hiện tại có nhu cầu đối thoại, phản biện lại lịch sử nhằm khám phá những “tầng ẩn chìm” dưới những sự kiện, con người của thời quá khứ. Nhà văn tìm kiếm giả định về quá khứ bằng số phận con người trong cơn biến động của lịch sử. Bakhtin cho rằng “Sự phá vỡ khoảng cách sử thi và chuyển vị hình tượng con người từ nơi xa cách vào trong khu vực xúc tiếp với 1 Chiều ngày 09 tháng 11 năm 2016, người viết (N. H.) đã tham dự buổi giao lưu, gặp gỡ giữa nhà văn Eric-Emmanuel Schmitt và độc giả tại L’Espace, trung tâm Văn hóa Pháp, số 24 Tràng Tiền, Hà Nội. 50 Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 6B, 2017 những sự việc còn dang dở, chưa hoàn thành của cái hiện tại (và như thế là của cả tương lai) đưa đến việc cấu trúc lại từ nền móng hình tượng con người trong tiểu thuyết.” [1, Tr. 77] Nhà văn khám phá những mâu thuẫn, xung đột, những khoảng trắng còn bỏ ngỏ để con người lịch sử hiện lên như một thực thể cá nhân sống động trong các mối quan hệ phức tạp, đa chiều. Eric-Emmanuel Schmitt đã tiếp cận quá khứ từ điểm nhìn hiện tại. Vì vậy, lịch sử được nhà văn soi chiếu ở mọi góc nhìn và buộc người đọc đối diện với những vấn đề gay cấn của cuộc sống hiện tại: tình yêu, quyền lực và dục vọng. Trong tiểu thuyết, Eric-Emmanuel Schmitt đã “mượn” Hitler của quá khứ để đặt ra một giả định: chiến tranh thế giới có thể sẽ không xảy ra, người Do Thái sẽ không bị sát hại, nếu Hitler thi đỗ vào trường hội họa của Áo. Bằng hình thức đối thoại, phản biện, nghi vấn, Eric-Emmanuel Schmitt đã mang đến cho các sử gia và công chúng bạn đọc những kiến giải mới về nhân vật lịch sử nổi tiếng Adolf Hitler. 2. Hitler và bi kịch cô độc Điểm độc đáo của Nửa kia của Hitler là không đi sâu phê phán tội ác của Hitler như nhiều tác phẩm trước đó mà chủ yếu tập trung lý giải những nguyên dẫn đến bản chất tàn bạo của nhân vật này. Vấn đề mà Eric-Emmanuel Schmitt xoáy sâu đó chính là bi kịch cô độc của Hitler trùm phát xít. Hitler dồn vận mệnh nhân loại vào vực thẳm bởi bản thân “anh ta” đã từng bị con người dồn vào bóng tối của chân tường. Nhân cách của một con người không thể “đổ lỗi” cho hoàn cảnh, nhưng chính hoàn cảnh lịch sử là cơ sở để tạo nên nhân vị của một cá thể. Các chuyên gia tâm lý nghiên cứu về Hitler đã chỉ ra những bất hạnh trong cuộc đời của Hitler. Ngay từ nhỏ, Hitler đã nếm mùi cô độc. Sinh ra vốn ốm yếu và không được bạn bè đồng lứa yêu mến, Hitler đã bị “loại ra rìa” ngay từ khởi điểm của sự “nhập cuộc”. Chỉ số sức khỏe khiêm tốn khiến Hitler bị quân đội Áo từ chối chấp nhận nhập ngũ. Về mặt giới tính, Hitler bị “bất lực” tình dục nên mặc cảm về sức mạnh nam giới trước phụ nữ (Đó là nguyên nhân dẫn đến hành động bạo dâm sau này của y). Thời niên thiếu, Hitler bị bố cưỡng ép lựa chọn nghề nghiệp là một viên chức, nhưng hắn lại thích hội họa. Ở Hitler cũng có những tố chất có thể trở thành họa sĩ nhưng bị Hội đồng nghệ thuật Vienne đánh trượt. Đây là cú sốc mạnh nhất dẫn đến những mặt tiêu cực trong nhân vị tàn bạo của Hitler. Khi một con người mất niềm tin vào đồng loại – đồng nghĩa với việc anh ta căm phẫn đồng loại. Ước mơ trở thành họa sĩ nên Hitler một lần nữa thi vào Học viện Mỹ thuật Vienne. Một biến cố lớn của cuộc đời hắn xảy ra vào buổi sáng định mệnh ngày 08 tháng 10 năm 1908. Lời kể khách quan với điểm nhìn hướng ngoại khiến nhân vật tự bộc lộ tính cách của mình qua lời nói, hành động và cách quan hệ ứng xử với mọi người xung quanh. Khi nghe tin mình thi trượt, Hitler có cảm tưởng hắn không còn thuộc về thế giới này nữa. Trong ánh mắt tuyệt vọng của chàng thanh niên mười chín tuổi, hình ảnh người giáo vụ hiện lên là “một tên đao phủ” đang tuyên đọc bản án tử hình cho cuộc đời mình. Nỗi đau mất mẹ chưa nguôi ngoai, con đường trở 51 Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Hân Tập 126, Số 6B, 2017 thành họa sĩ vĩnh viễn khép lại khiến Hitler tưởng chừng ở thế giới này, hắn là người duy nhất phải gánh chịu những bất hạnh của cuộc đời. Người kể chuyện như một nhà quay phim tài ba lia ống kính của mình thâu tóm quang cảnh nhốn nháo trong buổi công bố kết quả, nhưng Hitler thấy mình thật cô đơn, trơ trọi. Nỗi đau buồn khiến y nhìn mọi người bằng cặp mắt nghi ngờ “Vậy là, cả thiên nhiên, cả con người cũng vậy ư? Không ai buồn đồng cảm với nỗi đau của ta ư?” [14, Tr. 17] Tin rằng mình sẽ được cuộc đời bù đắp bằng một cách khác nên Hitler dồn hết niềm tin vào tờ vé số, nhưng may mắn đã không xảy ra. Thực tế phũ phàng đã cướp đi niềm tin cuối cùng của Hitler đối với cuộc đời “Vũ trụ đã không giữ dù chỉ là một lời hứa.” [14, Tr. 36] Khép chặt lòng mình, Hitler không còn tin vào bất cứ điều gì nữa. Trong tác phẩm, nhà văn tập trung vào những chi tiết đời tư của nhân vật Hitler, một cá nhân có tính cách phức tạp. Bằng cái nhìn khách quan, nhà văn phát hiện ra đằng sau hình ảnh của kẻ tự cho mình là một thiên tài nghệ thuật là cái tôi cô độc. Eric-Emmanuel Schmitt chú ý khai thác nhân vật trong những vấn đề rất đời thường: kiếm sống nhọc nhằn từ việc vác vali thuê ở ga tàu. Không muốn bị phát hiện là kẻ giả danh sinh viên Mỹ thuật nên Hitler hạn chế sự giao tiếp đến mức tối thiểu. Hắn chui vào ốc đảo của chính mình, e ngại sự tiếp xúc với mọi người đặc biệt là phụ nữ “Con muỗi sẽ bị thiêu cháy nếu nó đến quá gần ngọn lửa.” [14, Tr. 94] Hitler luôn giữ một mối quan hệ bất đắc dĩ với cuộc sống con người. Trong những ngày sống ở Vienne, Hitler có một vài người bạn, nhưng rồi hắn là người chủ động rời xa họ. Từ chỗ quí mến Guido, anh chàng người Ý có nụ cười thân thiện và tràn đầy nam tính, Hitler ngay lập tức khinh miệt và rời xa người bạn của mình không chút do dự khi nhìn thấy “một sự thô tục, thô tục nặng nề, xác thịt, ám khói, dễ dãi” nơi anh ta [14, Tr. 47]. Hắn không thể chấp nhận việc Guido thực hiện bản năng của một người đàn ông. Tự nhận mình là kẻ thất bại, với anh bạn August Kubizek, Hitler cảm thấy xấu hổ không dám đối mặt và “xoay người sang phía khác, khoác túi lên vai để che mặt, bám sát tường lùi ra phía cửa ga.” [14, Tr. 173] Con người khi rơi vào cảnh bần cùng, cô đơn thường tìm về với tình thân như một chỗ dựa. Mục đích của Hitler khi quay về thăm người dì để kiếm ít tiền, nhưng cảm giác cô độc cần sự an ủi khiến Hitler suýt tí nữa đã lao vào vòng tay của dì Johanna để rồi ngay lập tức hắn sững người lại vì “Đây là mẹ mà không có cái nhìn của mẹ.” [14, Tr. 175] Chắc rằng khi nhìn thấy hắn trong bộ quần áo thảm hại với đôi giày rách bươm tơi tả, dì Johanna, người từng phản đối hắn trở thành họa sĩ, sẽ vui mừng khi thấy hắn đã thất bại. Hitler cảm thấy mình thực sự cô độc, và đây sẽ là lần quay trở về cuối cùng của hắn. Như vậy, Hitler đã tự cắt đứt mối quan hệ xã hội và gia đình – nhân tố cơ bản trong sự hiện tồn của một con người bình thường. Nhân vật trong tiểu thuyết lịch sử vừa là những “con người nếm trải” gắn liền với hoàn cảnh vừa là những con người có thật trong lịch sử. Khi chạm vào nhân vật lịch sử phức tạp như Hitler, nhà văn soi chiếu nhân vật dưới nhiều điểm nhìn để từ đó nhân vật hiện lên đa chiều kích. Trong mắt của thượng sĩ Hugo Gutmann, Hitler là một người lính hoàn hảo “luôn tỏ ra kiên cường, phục tùng mệnh lệnh, dũng cảm”, nhưng điều đặc biệt ở y là cách sống lập dị “cô 52 Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 6B, 2017 độc, không thư từ, không có nhu cầu nói chuyện tiếu lâm.” [14, Tr. 249] Điều này khiến Hitler ngày càng lánh xa con người. Dưới ngòi bút của Eric-Emmanuel Schmitt, Hitler cũng sống những phút giây đau đớn, căm phẫn tột cùng khi chứng kiến cái chết của con Foxl. Khóc thương con chó chứng tỏ Hitler vẫn còn xúc cảm nhưng theo hướng tiêu cực “Không được giết động vật! Chúng mày muốn giết bao nhiêu người tùy ý nhưng không được giết động vật! Paris sẽ thuộc về nước Đức! Tao căm thù chúng mày! Tao sẽ trả thù và không gì đủ mạnh để thỏa mối thù này.” [14, Tr. 294–295] Bom đạn giết chết con Foxl, Hitler càng có thêm lí do yêu chiến tranh để trả thù cho con chó yêu quí. Đây là một biến cố quan trọng tác động đến Hitler và trở thành một trong những nguyên nhân lí giải hành động đánh chiếm Paris của Hitler sau này. Thông thường, một người biết yêu thương động vật không phải là kẻ có máu lạnh, nhưng có lẽ Hitler là trường hợp đặc biệt vì nhận thức của y chịu sự chi phối mãnh liệt của lòng hận thù vô lý. Điều gì sẽ chờ đón nước Đức trong tương lai khi trong suy nghĩ của Hitler không còn chỗ dành cho tình người? Nhằm khôi phục quá khứ bằng cảm quan của hiện tại, tiểu thuyết lịch sử thường đặt nhân vật trong mối quan hệ tình yêu, tình dục, Eric-Emmanuel Schmitt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này trong Nửa kia của Hitler. Trở thành ngôi sao diễn thuyết, Hitler được nhiều phụ nữ ngưỡng mộ, trong đó có Mimi, một cô gái tóc vàng xinh đẹp khiến hắn thấy mình được hồi sinh. Ba mươi bảy tuổi, lần đầu tiên Hitler phát hiện ra rằng “hắn cảm thấy nhu cầu có một thân xác dùng vào việc gì đó ngoài việc nói, ăn… và cái nhu cầu mới này làm hắn tê dại.” [14, Tr. 413] Hitler dùng lí trí cố gắng kìm hãm nhu cầu ấy. Hắn giữ gìn “sự trinh trắng” của mình bằng cách chạy trốn khỏi Mimi. Hitler tìm thấy khoái cảm khi nhìn ánh mắt thèm khát của những gã đàn ông đối với Geli Raubal, cô cháu gái xinh đẹp. Đối với Hitler, Geli trở thành “một tạo vật nhỏ bé, tràn trề sức sống, tỏa ánh sáng và niềm vui quanh hắn.” [14, Tr. 448] Ở cạnh Geli, cuộc đời hắn trở nên đầy đủ khi vừa có quyền lực, sự tán dương vừa có cả phụ nữ đẹp. Đối với Eva Braun, Hitler khinh bỉ nàng vì đã phạm phải một tội tày trời: làm hắn đánh mất sự trinh nguyên gìn giữ bấy lâu “hắn vĩnh viễn khinh bỉ Eva, hắn cũng khinh bỉ thân thể chính mình như thế, hoàn toàn như thế.” [14, Tr. 477] Mặc dù bị lí trí kìm hãm, nhưng có đôi lần bản năng tính dục thoát khỏi sự chế ngự của Hitler khiến hắn làm tình cùng nàng. Điều này chỉ khiến sự khinh bỉ của hắn đối với Eva Braun càng tăng thêm. Vậy, lí do gì khiến Hitler cầu hôn Eva? Viễn cảnh nằm chết cạnh một người phụ nữ xinh đẹp, và đặc biệt là cô ta say đắm mình khiến Hitler mơ màng nghĩ đến một cái chết thật lãng mạn sẽ tô thêm lớp vàng son về cuộc đời hắn “Adolf và Eva, những người tình anh hùng và vĩnh cửu.” [14, Tr. 593] Nếu biết mở rộng tâm hồn, Hitler có thể sống trong sự yêu thương vì ở một phương diện nào đó. Wetti, Mimi, Geli và Eva Braun, hoặc ít hoặc nhiều, đều dành tình cảm cho hắn ở một mức độ nhất định, nhưng bằng cách này hay cách khác, Hitler hoặc chối bỏ hoặc làm tổn thương tình cảm ấy. Hắn rất hài lòng vì xây cho mình một tòa tháp cô độc, đây là sự lựa chọn 53 Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Hân Tập 126, Số 6B, 2017 có chủ ý của một cá nhân. Con người càng cô đơn, càng vẫy vùng để đi tìm cái mà mình thuộc về thì dường như cái đích ấy lại càng xa. Hitler chống trả với cô đơn một cách tuyệt vọng “thêm một điều nghịch lí trong hắn: khi thật sự ở một mình, hắn cảm thấy ít cô độc hơn khi bên cạnh người khác.” [14, Tr. 474] Khép chặt lòng mình, Hitler chặt bỏ mọi mối liên hệ dù nhỏ nhất giữa người với người. Có thể nói, Hitler là kẻ cô đơn tuyệt đối trong cả cuộc đời mình Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự cô độc ở Hitler? Chính sự mất niềm tin vào đồng loại khiến Hitler rơi vào bi kịch đánh mất bản ngã. Trong Nửa kia của Hitler, Eric-Emmanuel Schmitt luận giải những hành động lịch sử của nhân vật Hitler bằng quá trình phát triển tính cách: một chàng thanh niên nhút nhát đã trở thành một nhà độc tài toàn trị. Tính cách đặc biệt và sự lựa chọn chủ ý của một cá nhân góp phần tạo nên một Hitler cuồng tín và man rợ. 3. Hitler và cuồng vọng bá chủ thế giới Trong Nửa kia của Hitler, nhân vật được soi chiếu, luận giải ở nhiều góc nhìn nên sự kiện lịch sử chỉ là phông nền cho nhà văn bộc lộ sự sáng tạo khi tìm cách giải mã những bí ẩn, xung đột lịch sử. Nhà văn kiến tạo và làm sống lại quá khứ như nó có thể là chứ không phải như cái đã là. Nguồn nuôi dưỡng tinh thần Hitler trong những ngày sống khốn khó ở Vienne là những vở nhạc kịch của Wagner “Hắn cảm ơn các nghệ sĩ vì đã hát; hắn cảm ơn họ vì đã soạn nên tác phẩm này; hắn cảm ơn họ vì đã giúp hắn hiểu được chính mình. Chính trị mới đẹp làm sao khi nó cũng trở thành một nghệ thuật.” [14, Tr. 182] Và, Hitler nhận ra rằng con đường hội họa không có chỗ dành cho hắn, nhưng chính trị là cái phao cứu sinh cho cuộc đời mình. Không chấp nhận được thực tế phũ phàng vây quanh nên Hitler tìm thấy chính mình qua hình ảnh của chàng Rienzi “được dân chúng tung hô, yêu mến, ngợi ca, trở thành lãnh tụ, đạp đổ chế độ thối nát quí tộc và hám lợi con buôn. Rienzi là người thuần khiết, lí tưởng, xuất chúng.” [14, Tr. 180– 181] Cuộc đời, cái chết của Rienzi sẽ trở thành cuộc đời, cái chết đẹp của hắn. Hitler “tự thỏa mãn” bằng cách tin rằng mình đang chịu đựng nỗi khổ mà bất cứ thiên tài nào cũng trải qua “là vĩ nhân bao giờ cũng bị người đời đối xử tàn tệ, rằng thiên tài đồng nghĩa với việc sống trong đau khổ.” [14, Tr. 181] Đây là niềm tin giúp Hitler vượt qua những chuỗi ngày nghèo khó. Không hòa nhập với cuộc sống xung quanh khiến Hitler cô đơn đến điên dại. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi cuộc đời tẻ nhạt, vô vị của Hitler. Từ chỗ cố tình thoát khỏi quân dịch Áo, Hitler chủ động tham gia chiến tranh và tận tụy phục vụ cuộc chiến với lòng nhiệt thành hăng say vì hắn giác ngộ ra rằng “chiến tranh chính là bản chất của sự tồn tại trên đời.” [14, Tr. 286] Nước Đức thua trận và đầu hàng là cú sốc khiến Hitler rơi vào chấn thương tinh thần khiến y bị mù lòa. Nhà văn xoáy sâu vào những xung đột, bi kịch nội tâm để tìm ra bí ẩn đời sống tinh thần bên trong nhân vật, luận giải lịch sử có chiều sâu. Cái tôi ở Hitler không chấp nhận mình là kẻ thất bại. Ở phương diện này, Hitler 54 Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 6B, 2017 giống Nero – tên nghệ sĩ giả trong Quo vadis, cả hai đều có một cái tôi tự đề cao mình là vĩ nhân, thiên tài nhưng lại vừa yếu ớt nên mong muốn được người khác công nhận tài năng ấy “Hiếm khi gặp một người có cái Tôi mạnh như vậy và yếu như vậy. Mạnh vì anh ta cho rằng mình là trung tâm tuyệt đối của thế giới, một cái đầu nhồi nhét đầy những điều chắc chắn không gì lay chuyển nổi, tin chắc rằng mình luôn nghĩ đúng. Yếu vì anh ta có nhu cầu ghê gớm được người khác công nhận chiến công của mình.” [14, Tr. 307] Để cứu đôi mắt của Hitler, bác sĩ Forster đã dùng phương pháp thôi miên để giải tỏa những xúc cảm tiêu cực dồn nén trong tinh thần hắn nhằm vô hiệu hóa triệu chứng bệnh lí, nhưng những ham muốn chưa được thỏa mãn bị loại khỏi ý thức đang bị kìm giữ trong vô thức đã trỗi dậy. Ước mơ trở thành họa sĩ của Hitler chưa bao giờ trở thành hiện thực, còn chiến tranh mang lại cho hắn niềm hạnh phúc vô bờ. Chiến tranh là lí tưởng của cuộc đời Hitler, nhưng sự thất bại của nước Đức là cái tát phũ phàng khiến hắn vô cùng đau đớn. Thế chiến thứ nhất chấm dứt đồng nghĩa với lí tưởng của Hitler sụp đổ và phải có đối tượng để y trút cơn phẫn nộ “Chúng ta đã thua trận vì lũ người Do Thái. Làm thế nào mà ta không nhận ra điều ấy sớm hơn nhỉ? Những tên Do Thái ở chiến trường, ở hậu phương – tấn công vào khu vực hành chính và chính trị, tổ chức những cuộc đình công để ngưng cung cấp đạn dược.” [14, Tr. 315] Ban đầu, Hitler không phải là người bài Do Thái, mà ngược lại, “được mẹ dạy phải tôn trọng người khác, Hitler đã học cách khinh bỉ những người bài Do Thái.” [14, Tr. 83] Từng ngạc nhiên vì sao Schopenhauer, Wagner và Nietzsche lại để tình cảm thù hận người Do Thái lấn lướt trong tư tưởng, nhưng giờ đây Hitler thấy rằng họ đã đúng. Suy diễn lệch lạc về nguyên nhân thất bại của nước Đức càng khiến Hitler tin chắc rằng mình được định mệnh che chở để trao nhiệm vụ chấn hưng nước Đức nên “phức cảm cứu thế” từ trong vô thức trỗi dậy “Ta tin ở ta… Ta sẽ là bác sĩ của nước Đức. Ta sẽ tận diệt loài Do Thái. Ta sẽ tố cáo chúng, ngăn cản chúng sinh sản và sẽ đưa chúng đi chỗ khác… Ta sẽ thẳng tiến và không thất bại. Ta đã hiểu sứ mệnh của mình rồi.” [14, Tr. 316–317] Tin chắc rằng người Do Thái là nguyên nhân khiến nước Đức thua trận là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong suy nghĩ của Hitler: căm thù người Do Thái. Theo quan điểm của Freud, nhân cách con người luôn hướng về Siêu tôi (lí tưởng đạo đức và quy tắc cư xử, lương tâm), nhưng khi cái Nó áp đảo thì vô thức thắng thế, đó là sự dồn nén những nội dung bị ý thức loại trừ. Con người một khi để vô thức hoàn toàn chi phối, điều khiển thì nhân cách sẽ trở nên lệch lạc. Và Hitler là một trường hợp điển hình theo xu hướng mà Freud đã chỉ ra. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, Hitler là một dạng “chệch hướng” tư tưởng triết học Nietzsche. Hitler là người cổ xúy mạnh mẽ các học thuyết của Nietzsche theo hướng cực đoan, đặc biệt là thuyết siêu nhân “Con người sẽ thay thế Thượng đế. Nhưng con người ở đây không phải là con người chung chung mà phải là con người mạnh (siêu nhân – người hùng).” [10, Tr. 6] Ở Hitler, quan điểm về chủng tộc bị đẩy đến mức cực đoan. Sinh ra không phải là người Đức, nhưng Hitler đã chọn nước Đức làm quê hương. Người Đức, chủng tộc Aryen ưu việt, trở 55 Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Hân Tập 126, Số 6B, 2017 thành “dân tộc được lựa chọn” và dân Do Thái, một giống loài hạ đẳng, cần bị loại trừ. Vượt qua cú sốc tinh thần – đôi mắt nhìn thấy trở lại, Hitler vạch ra hình ảnh nước Đức dũng mãnh trong tương lai và cách thức để trở thành chủ nhân của thế giới: dùng quyền lực và sự tàn bạo. Khi viết Quo vadis, Henryk Sienkievich chọn những năm cuối trong cuộc đời Nero với những lát cắt mỏng để xoáy sâu vào bi kịch tinh thần của tên bạo chúa giả nghệ sĩ. Để xây dựng hình tượng Nero, nhà văn đã miêu tả thành công bản chất tàn bạo, tự tôn của tên bạo chúa. Là Hoàng đế nên Nero đã lợi dụng quyền lực thực hiện ước muốn ngông cuồng: đốt thành Rome tìm thi hứng. Trong Nửa kia của Hitler, Eric-Emmanuel Schmitt có điểm tương đồng với nhà văn Henryk Sienkievich trong cách luận giải hình tượng nhân vật lịch sử quyền lực. Hoang tưởng về vai trò “Đấng cứu thế” nên Hitler muốn cải tạo lại thế giới dựa trên sự hủy diệt. Bằng cách để cho Hitler phát ngôn, Eric-Emmanuel Schmitt để nhân vật tự bộc lộ quan điểm, tư tưởng: bạo tàn và tôn sùng chiến tranh. Với những tư tưởng quái đản và đầu óc chính trị bệnh hoạn, Hitler công khai những dự định mà trước và sau y khó ai có thể vượt qua được về sự tàn bạo “cần phải gom nhốt chúng lại để tránh việc chúng tiếp tục làm suy thoái dòng máu của chúng ta. Vả lại, cần phải nhốt chung tất cả các đối tượng bị bệnh không chữa được để chúng không lây nhiễm sang những người khỏe mạnh, cần phải ngay lập tức cách ly những người bị bệnh giang mai và những người bệnh lao... Chúng ta cần một không gian sinh tồn.” [14, Tr. 391–392] Điều ngạc nhiên là kế hoạch đó được hiện thực hóa với sự tán thành của nhiều người. Thực ra, hoàn cảnh chính trị và sự xuất hiện đúng lúc của Adolf Hitler trên chính trường như là một định mệnh và cuộc đảo chính nhà hàng bia đã tạo nền tảng chính trị vững chắc cho y bước chân vào chính trường. Hitler dùng sức mạnh năng lực diễn ngôn của cá nhân để gõ vào tâm thức cộng đồng đẩy niềm kiêu hãnh dân tộc Đức lên đỉnh cao khiến đám đông hưng phấn tột độ. Xét về mức độ tàn bạo có lẽ Hitler hơn hẳn bất cứ nhân vật quyền lực nào trong lịch sử, kể cả Nero bạo chúa. Khi muốn tiêu diệt toàn bộ dân Do Thái ở châu Âu và chọn thù hận làm cương lĩnh chính trị, “cả trăm lần, ngàn lần, hắn đã công bố những ý tưởng ma quỷ của mình: tiêu diệt dân Do Thái, tận diệt những người cộng sản, trả thù nước Pháp.” [14, Tr. 466–467] Có lòng tin vào sự siêu việt bất khả chiến bại của mình nên ở Hitler tham vọng quyền lực đi đến mức cực đoan. Bản năng con người là vậy. Đẩy ham vọng lên mức đỉnh điểm, y muốn thiết lập một nước Đại Đức ở châu Âu và trở thành bá chủ thế giới “hai lãnh thổ sẽ mang lại ruộng đồng, nguyên liệu và những thị trường hấp dẫn cho nước Đức chính là Hoa Kì và Liên bang Xô viết. Chúng ta sẽ bắt đầu từ phía đông vì chúng ta cần vựa thóc lớn của châu Âu trước khi tấn công sang phía Tây.” [14, Tr. 393] Hitler đẩy nước Đức vào con đường chinh phục bên ngoài dẫn đến cuộc đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ gây hậu quả nặng nề cho cả nhân loại. Những ý tưởng điên rồ của Hitler, để được hiện thực hóa, cần một thứ quan trọng: quyền lực. Đạt được quyền lực một cách quá dễ dàng càng khiến Hitler trở thành kẻ cuồng tín bởi sứ 56 Jos.hueuni.edu.vn Tập 126, Số 6B, 2017 mệnh cứu thế của mình. Từ vị trí một anh tuyên truyền viên trở thành lãnh tụ duy nhất của đảng Quốc gia – xã hội rồi trở thành Thủ tướng Đức nắm trong tay quyền lực tuyệt đối, những ảo tưởng của Hitler tồn tại được nhờ sự tán dương của đám đông, trong cơn biến động của lịch sử, bị thôi miên bởi một kẻ có tố chất cầm đầu đám đông hoàn hảo, nhưng giờ đây họ đã nhìn rõ chân tướng của hắn “Cả đất nước này đã bỏ rơi Hitler và chống lại hắn, kết tội hắn đã kéo họ vào một cuộc chiến vô ích với kết cục tất sẽ bi thảm. Trên những bức tường ở Berlin đã xuất hiện những dòng chữ “Hitler dối trá”, “Hitler sát nhân”.” [14, Tr. 561–562] Chiến tranh gắn với sự hủy diệt mà chỉ những người tham chiến mới cảm nhận rõ nhất. Những người lính trung thành nhất cũng thử đào ngũ, tự làm mình bị thương để chuyển về tuyến sau. Đôi lúc thượng sĩ Hugo Gutmann cũng dao động tinh thần, mơ được thoát khỏi không khí chết chóc ở chiến trường. Chiến tranh, xét về bản chất là một trò chơi tàn bạo mà khi đã tham gia, người chơi buộc phải chơi tới cùng, hoặc họ trở về như một anh hùng hoặc là chết “Máu phọt ra từ động mạch thành vòi như thể đang hối hả rời xa thân xác. Người lính đổ gục xuống.” [14, Tr. 224] Chiến tranh thực sự là một thảm họa khi nó hủy diệt sự sống, gây ra những tổn thất về vật chất, tinh thần, đặc biệt hủy hoại con người từ tầng sâu nhất. Khi cần thiết, nhà văn mượn điểm nhìn nhân vật để bộc lộ những triết lý sâu sắc về tội ác chiến tranh “Chính con người đã làm nên chiến tranh giữa họ. Chỉ có họ mà thôi.” [14, Tr. 289] Trải qua nhiều cuộc chiến đẫm máu, dân chúng Đức đã có cái nhìn thực tế về chiến tranh, họ muốn “phải đình chiến càng nhanh càng tốt” [14, Tr. 586]. Điều này cho thấy bộ mặt khủng khiếp của chiến tranh đã hiện lên rõ nét. Thất bại trong cuồng vọng của mình, cuộc chiến sắp kết thúc khi pháo binh Nga đang tiến vào Berlin, nhưng Hitler vẫn đắm chìm trong sự hoang tưởng về Đấng cứu thế dẫn dắt nhân loại được người đời tôn thờ “những đám rước linh đình nhân ngày giỗ và ngày sinh của hắn, những cây cờ đỏ và đen mang hình chữ thập ngoặc, những đám đông đứng tưởng niệm, hài hòa và thống nhất như một dàn hợp xướng trong nhà hát, cả bộ mặt đẹp đẽ của hắn trên những bức ảnh dài mười mét, rộng mười mét, với cặp mắt sáng bao dung nhìn vào các thế hệ mai sau.” [14, Tr. 591] Đầu óc của Hitler đặc nghẹt cái tôi hoang tưởng nên không còn chỗ cho những nhận thức được thực tại đang diễn ra xung quanh mình. Nhìn thấy con Blondi chết, nhưng hắn vẫn nuôi ảo tưởng sẽ có một điều kì lạ xảy đến cho số mệnh của mình “Hitler nhìn cảnh tượng không nói một câu rồi nhốt mình trong văn phòng. Hắn không muốn người ta nhìn thấy hắn khóc. Hắn quyết định cho mình thêm một ngày nữa. Dù gì, có thể Hồng quân sẽ lùi bước chăng? Có thể…” [14, Tr. 598] Chắc rằng, không bao giờ Hitler nghĩ đến cái kết thảm bại của cuộc đời mình vì chưa bao giờ hắn hối hận vì những gì mình đã thực hiện. Với những tội ác mình đã gây ra, Hitler trở thành một trong những kẻ tàn bạo nhất trong lịch sử loài người. Với cái nhìn biện chứng và khách quan, Eric-Emmanuel Schmitt khai thác những sự kiện có sức khái quát cao, chọn lọc chi tiết độc đáo để xây dựng nhân vật lịch sử Hitler. Cách cắt nghĩa, lý giải mới về lịch sử đã giúp người đọc nhận thức sâu sắc những gì đã diễn ra trong lịch sử nhân loại. Khi tiếp cận nhân vật lịch sử Hitler, nhà văn kéo con người lịch sử về với đời sống 57 Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Hân Tập 126, Số 6B, 2017 cá nhân trong sự phát triển tự nhiên của tính cách. Bản chất của lịch sử với những bi kịch cá nhân, tính cách của một dân tộc được phơi bày bằng cái nhìn đa chiều. Cai trị đệ tam đế chế bằng quyền lực tuyệt đối và những hành động bạo tàn, Hitler trở thành tên cuồng sát mang tầm vóc thế kỉ vì lí thuyết chủng tộc thượng đẳng. Để vô thức thống trị, Hitler rơi vào bi kịch đánh mất bản ngã để rồi trở thành tên đồ tể trong lịch sử nhân loại. Bất kì một khuynh hướng chính trị nào mang tính chất cực đoan, độc đoán đều dẫn đến tội ác. Chiến tranh thế giới thứ hai và chính sách bài Do Thái đã lùi vào quá khứ, nhưng những mất mát, đau thương tàn khốc của nó để lại là một dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử nhân loại. Chọn tên trùm phát xít độc tài, tàn bạo có tác động và ảnh hưởng lớn đến lịch sử nhân loại như Adolf Hitler, Eric-Emmanuel Schmitt đã chạm vào những vấn đề nóng bỏng nhất của lịch sử và thời đại: chiến tranh và sắc tộc. Khi ý thức về sự tự do, quyền bình đẳng của con người ngày càng mãnh liệt thì việc nhìn nhận lại lịch sử để chiêm nghiệm về cái ác và chiến tranh là một trong những nguyên nhân thúc đẩy con người truy tìm sự thật về những nhân vật quyền lực đã từng mưu đồ thống ngự thế giới. Với Nửa kia của Hitler, Eric-Emmanuel Schmitt đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lật lại quá khứ để chiêm nghiệm, khám phá lịch sử từ nhân vật quyền lực trong lịch sử. Lịch sử đã hoàn tất trong quá khứ, nhưng con người phải đối diện với nó trong thực tại. Sự sai lệch hành vi cá nhân, đặc biệt là của những kẻ quyền lực ắt mang lại hệ lụy cho nhiều người. Tiểu thuyết Nửa kia của Hitler giúp chúng ta nhận thức sâu sắc tấn bi kịch của con người dưới sự cai trị của những kẻ độc tài, quân phiệt như Adolf Hitler. Tham vọng quyền lực luôn gắn liền với sự tha hóa và hủy diệt con người. Ở phương diện này, Nửa kia của Hitler đã dự phần vào “đập phá” chủ nghĩa toàn trị. Với hình tượng Hitler, Eric-Emmanuel Schmitt đã cảnh báo thảm họa hủy diệt loài người: Loài người phải làm gì để thoát ra sự lầm lũi trong bóng đêm man rợ của chiến tranh? Đó là câu hỏi xoáy sâu vào mỗi chúng ta, nhất là trong khung cảnh khốc liệt hiện nay ở chiến sự Trung Đông do nhà nước Hồi giáo tự xưng gây ra. Tài liệu tham khảo 1. Bakhtin M. (Phạm Vĩnh Cư dịch) (2003), Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội. 2. Guy Bourdé và Hervé Martin (Phạm Quang Trung, Vũ Huy Phúc dịch) (2001), Các trường phái sử học, Viện sử học Việt Nam, Hà Nội. 3. Dorothy Brewster và John Angus Burrell (Dương Thanh Bình dịch) (2003), Tiểu thuyết hiện đại, Nxb. Lao động, 2003, Hà Nội. 4. Trương Đăng Dung (1998), “Tiểu thuyết lịch sử trong quan niệm mĩ học của G.Lukacs”, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. Tr. 127–142. 5. Sigmund Freud (Thụ Nhân dịch) (1970), Phân tâm học về tính dục, Nxb. Nhị Nùng, Sài Gòn. 58 Tập 126, Số 6B, 2017 Jos.hueuni.edu.vn 6. Sigmund Freud (Thân Thị Mận dịch) (2015), Cái Tôi và cái nó – Nxb. Tri thức, Hà Nội. 7. Milan Kundera (Nguyên Ngọc dịch) (2001), Tiểu luận (Nghệ thuật tiểu thuyết, Những di chúc bị phản bội), Nxb. Văn hóa Thông tin, TT Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây. 8. Shirer W. L. (Diệp Minh Tâm dịch) (2013), Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba, Nxb. Tri thức, Hà Nội. 9. Albert Marrin (Cảnh Dương – Anh Đức dịch) (2004), Trùm phát xít Hitler cuộc đời và tội ác, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội. 10. Nietzsche F. (Nguyễn Tường Văn dịch) (2008), Bên kia thiện ác, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội. 11. Thế Phong (1960), Frederick Nietzsche và chủ nghĩa đi lên con người, Nxb. Đại Nam Văn Hiến, Sài Gòn. 12. Karl Popper (Chu Lan Đình dịch) (2012), Sự nghèo nàn của Thuyết Sử luận, Nxb. Tri thức, Hà Nội. 13. Trần Huyền Sâm (2016), Tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các hướng tiếp cận, Nxb. Văn học, Hà Nội. 14. Eric-Emmanuel Schmitt (Nguyễn Đình Thành dịch) (2011), Nửa kia của Hitler, Nxb. Hội nhà văn, Hà Nội. 15. Henryk Sienkievich (Nguyễn Hữu Dũng dịch) (1995), Quo vadis, Tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội. 16. Henryk Sienkievich (Nguyễn Hữu Dũng dịch) (1995), Quo vadis, Tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội. 17. Christophe Adam, Le Journal d’Eric-Emmanuel Schmitt: traiter le monstre et se faire traiter de monstre, https://www.erudit.org/fr/revues/pv/2009-v9-n1-pv3569/038872ar. 18. Noëlle Eric-Emmanuel Bréham, Schmitt: J’ai un grand désir de rendre la vie meilleure, https://www.franceinter.fr/emissions/etat-d-esprit/etat-d-esprit-15-janvier-2017, 15/01/2017. 19. Bruno Corty, La Part de l’aute, Le Figaro Littéraire, http://www.eric-emmanuel- schmitt.com/Litterature-romans-la-part-de-l-autre.html. 20. Gérard Cortanze, La Part de l’aute, Le Magazine littéraire, http://www.eric-emmanuel- schmitt.com/Litterature-romans-la-part-de-l-autre.html. 21. Eric-Emmanuel Schmitt, Voici le livre qui m’a..., http://www.eric-emmanuel-schmitt.com/Litteratureromans-la-part-de-l-autre.html. 59 Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thị Ngọc Hân Tập 126, Số 6B, 2017 HITLER – HISTORICAL FIGURE IN THE NOVEL THE ALTERNATIVE HYPOTHESIS (ERIC-EMMANUEL SCHMITT) Tran Huyen Sam1, Nguyen Thi Ngoc Han*2 1 2 HU – University of Education, 34 Le Loi St., Hue, Vietnam Vietnam Academy of Social Sciences, 477 Nguyen Trai St., Thanh Xuan, Hanoi, Vietnam Abstract. Eric-Emmanuel Schmitt is one of the most famous contemporary playwrights and novelists in France. He was awarded the Grand Prizes of the Theatre of the French Academy, Prize Chronos, Prize Goncourt, etc. With familiar historical language, Eric-Emmanuel Schmitt has given readers very deep insights into the topics of wars and religion. Being under the delusion of his mission of salvation, Hitler was determined to establish a Third Reich in Europe, under the megalomania of ruling the whole world. In his novel “The Alternative Hypothesis” (original title in French is “La part de l’autre”), Eric-Emmanuel Schmitt portrayed Hitler as an extremist in both mind and actions deduced from the aspects of personal life. With such a historical character – Hitler, the author warns a connection between the ambition of power and totalitarianism. Keywords. Hitler, historical figure, ambition of power, “The Alternative Hypothesis”, Eric-Emmanuel Schmitt 60