Academia.eduAcademia.edu
Nhà Truyện Ngắn Hay Nhất Châu Mỹ Latin 0 Thế Kỷ 20 Hóa Ảo Hiện Thực vào Tâm Lý Siêu Thực Với Julio Cortazár Ngu Yên 1 Giới Thiệu Julio Cortázar, còn có bút hiệu Julio Denis, người Á Căn Đình, là tiểu thuyết gia, thi sĩ, viết truyện ngắn, viết tiểu luận, viết phê bình, dịch giả và viết kịch. Ông được xem như là một nhà văn đột biến xuất sắc trong thời đổi mới, Latin American Boom, của văn học Châu Mỹ Latin, suốt thập niên 1950-1960. Cùng với Jorge Luis Borges, Gabriel García Márquez, Carlos Fuentes ... và một số nhà văn Châu Mỹ Latin đương đại, tạo ra một phong trào văn chương kỳ quái nhưng không phải huyền thoại hoặc chuyện giả tưởng. Họ xây dựng tiểu thuyết và truyện ngắn trên những sự kiện thực tế từ lịch sử đến đương thời; nhưng trình bày qua phong cách tượng trưng, siêu nhiên hoặc siêu thực. Diễn đạt theo lối hiện thực, theo họ, không còn khả năng lột giải sự thật và thẩm mỹ thật sự. Bằng những lối mà con người, nhất là trí tưởng tượng của trẻ con, sự hoang tưởng của người nhạy cảm, đã 'giải quyết' những vấn nạn trong đời sống, một cách khác thường vá kỳ quái; lối viết này cho phép tác giả vượt qua những quy luật luận lý và những công nhận của xã hội, để bày tỏ sâu xa hơn về hình dáng của sự thật; lúc nào cũng mơ hồ. Không những chỉ cho phép tác giả, còn cho phép độc giả được cộng tác vào sự tưởng tượng của tác giả bằng trí tưởng tượng của chính mình. Mỗi độc giả có kiến thức riêng, kinh nghiệm riêng, cá tính đặc thù, sẽ tiếp nhận tùy 2 vào khả năng tiếp cận. Như vậy, cả hai, tác giả và độc giả, đều biến hóa những sự kiện thực tế, những chuyện hiện thực trở thành ảo. Jules Florencio Cortazár sinh ngày 26 tháng 8 năm 1914, tại Ixelles, thuộc Brussels, Belgium (Bỉ). Ông viết văn rất sớm, khi lên chín tuổi, ông đã hoàn tất một cuốn tiểu thuyết. Về sau, những tiểu thuyết của ông lại không nổi bật như truyện ngắn. Julio Cortazár được mệnh danh là "Tôn sư truyện ngắn thời hiện đại." Ngay từ thời thơ ấu, ông đã bị tổn thương khi cha ông rời bỏ gia đình, đi biệt tăm tích, lúc ông lên sáu tuổi. Lớn lên tại ngoại ô Buenos Aires, cùng với mẹ và em gái. Nhớ lại giai đoạn này, ông viết, "..đầy dẫy nhục nhằn, bị kích động quá sức, khủng hoảng và thường xuyên buồn sầu." Quanh năm bệnh hoạn, do đó, thời gian nằm trên giường chỉ dùng để đọc sách. Qua người mẹ yêu sách vở, ông tìm đến Jules Verne (1) tác giả những câu truyện giả tưởng nổi bật như Chuyến Du Hành Kỳ Lạ, Hai Mươi Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển, Hành Trình Xuống Giữa Địa Cầu, Vòng Quanh Thế Giới Tám Mươi Ngày, đả trở thành thần tượng của ông, suốt một đời. Ảnh hưởng đến văn chương của ông về sau. Một tác giả khác, ảnh hưởng trực tiếp đến bản chất sáng tác của ông, là nhà thơ đa tài, Edgar Allan Poe (2). Óc tưởng tượng phong phú, Poe đã tạo ra những cốt truyện bí ẩn, viết những bài thơ thần bí, đã kích hoạt tâm tư của Cortazár. Vào thời điểm của Poe, chủ nghĩa Tượng Trưng đang thành hình 3 và ảnh hưởng mạnh mẽ khắp Âu Châu và Hoa Kỳ. Tinh thần tượng trưng và không khí u ám của Poe đã dẫn đưa Cortazár tiến vào thế giới tưởng tượng nghiêng về Siêu Thực, tinh thần này đã thịnh hành trong thời đại của ông. Truyện của ông thời ban đầu được đánh giá bằng kỹ thuật và ảnh hưởng của trường phái Siêu Thực. Nhưng càng về sau, ông càng ngã sang tâm lý, có phần mơ hồ của tâm bệnh và hoang tưởng. Về điểm này, ông khác biệt với nhà văn đi trước, cùng phong trào Magic Realism, Jorge Luis Borges. Trong khi nhân vật của Borges được xem là không có tâm lý cá biệt, xuất hiện chỉ để tiêu biểu cho niềm tin của ông về siêu hình hoặc về giá trị xã hội và lương tâm; nhân vật của Cortazár, cưu mang những tâm lý âm u, có thể mường tượng nhưng khó xác quyết chuyện gì đang xảy ra trong tâm tư và ý nghĩ của nhân vật. Mấu chốt trong truyện của Cortazar là sự tương phản giữa kỳ quái và bình thường, giữa siêu nhiên và thực tế, giữa ước mơ và hiện thực, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, những thứ đó pha trộn để diễn tả nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Phê bình cho rằng ông tranh đấu trong sự hỗn loạn mơ hồ này, để thể hiện những gì có thể tồn tại ngoài sự nhận thức hợp lý của nhân loại. Chính ông đã đưa ra nhận định về sáng tác giữa tiểu thuyết và truyện ngắn, trong ẩn dụ một cuộc đấu quyền anh, "Tiểu thuyết thắng bằng cách tính điểm, truyện ngắn thắng bằng cú đấm đo ván." văn 4 chương của Cortazár là một phản ứng với truyền thống lý trí Tây Phương đang ngự trị và tiêu biểu thực tế. Người đọc tìm thấy nét vẻ khôi hài trong truyện, mặc dù chủ đế thường rất nghiêm trọng. Ngoài ra, phải ghi nhận những sáng kiến cải tiến về kỹ thuật viết, hình thức viết và ngôn ngữ viết của ông. Vi dụ, trong tiểu thuyết "Nhảy Lò Cò" (Hopscotch), ngay vào đầu. ông đã hướng dẫn người đọc chọn lựa một trong hai cách đọc khác nhau: Một cách bình thường và một cách khác thường. Truyện gồm 155 chương. 99 chương cuối được viết như để 'bỏ đi'. Một số chương 'bỏ đi' này có thể dùng để bổ sung cho những chỗ gián đoạn trong chính truyện. Một số khác cho biết thêm thông tin về các nhân vật hoặc ghi lại những suy tư về thẫm mỹ và văn học của nhà văn Morelli. Một số chương 'bỏ đi' này lúc mới đọc có thể nghĩ là ngẫu nhiên. Đọc sâu vào mới thấy những thắc mắc gợi ra và những câu hỏi đó được giải tỏa bởi những chương 'bỏ đi'. Cortazar cho biết cách đọc thông thường: đọc từ chương 1 đến chương 56. Cách đọc khác thường: Đọc kiểu nhảy lò cò suốt 155 chương. Và câu truyện mở rộng, không kết thúc. 5 Truyện của Cortazar chứa đựng dày đặc những câu hỏi về kiến thức được đặt ra bởi kinh nghiệm sống. Độc giả không chỉ thụ động thu thập những ý tưởng, tâm tư qua cốt truyện; đọc Cortazár là tham dự vào nhân vật và những hoàn cảnh xảy ra. Ngoài đời, Cortazár còn là một nhạc sĩ chơi kèn trumpet, yêu thích nhạc Jazz. Nhạc điệu và tính nhạc đã nhìn thấy trong thơ và văn phong của ông. Tinh thần "ứng biển theo hứng" của Jazz đã tạo ra thói quen viết truyện của ông, " ... một thói quen không thay đổi và sẽ không bao giờ đổi thay, đó là hoàn toàn lộn xộn và vô trật tự. Tôi hoàn toàn không có phương pháp nào. Khi nào cảm thấy muốn viết truyện, tôi gát hết mọi thứ qua một bên để chỉ viết. Thỉnh thoảng khi viết xong một truyện, trong vòng một hoặc hai tháng tiếp theo, tôi viết thêm hai hoặc ba truyện nữa. Nói chung, các truyện thường đến theo từng đợt. Viết xong một truyện, khiến tôi thường ở trong trạng thái [hứng khởi] dễ đón nhận, và tiếp theo tôi "bắt" được truyện khác..." Như một người nhạc sĩ Jazz chơi kèn, chỉ cần có một chủ đề hoặc một ý tứ nhạc trong tâm trí, phần còn lại cứ theo nguồn cảm hứng. Thổi là một cách trực tiếp đưa tâm hồn vào tâm thức người nghe ngắn ngủi và cụ thể vì hơi thở tuôn ra từ lồng ngực. Và một cách nhìn khác, tuôn ra đầu ngón tay trên bàn chữ. "...Khi tôi khởi sự viết, chính là mở đầu. Tôi không quyết định câu truyện sẽ khởi đầu như vậy. Nói đơn giản là khởi đầu nơi đó và tiếp tục. Thông thường tôi cũng không có ý rõ ràng về kết cuộc. Tôi 6 chưa biết toàn thể chuyện gì sẽ xảy ra. Rồi từ từ, câu truyện diễn tiến, mọi việc trở thành sáng sủa và bất ngờ tôi nhìn thấy phần kết thúc." Phỏng Vấn Julio Cortázar Bởi Jason Weiss thực hiện Tạp chí The Paris Review số 83, Mùa thu 1984 Bài phỏng vấn được chia làm hai phần, để tiện việc theo dõi. Phần một, điểm quan trọng là khái niệm của Cortazar về sự kỳ quái. Theo ông, tất cả mọi thứ đều kỳ quái, kể cả những thứ bình thường. càng về sau, ông càng nhận thức sự kỳ quái và sự bình thường nhập lại thành một. Khoảnh cách giữa siêu nhiên và thực tế càng lúc càng thu gần. Nói một cách khác, đời sống đầy cả kinh ngạc khi khám phá, thực tại bình thường chỉ là cái vỏ bên ngoài, bên trong đầy sinh hoạt kỳ quái, lạ lùng. Phần hai, điểm chính là quan niệm, kỹ thuật và thói quen viết lách của ông. Lý do mà nhà văn hoặc nhà thơ luôn luôn bận rộn, dù không thấy làm gì, vì họ thường xuyên sinh hoạt trong thế giới nội tâm, nơi họ tư duy, xây dựng hoặc tranh luận với nghệ thuật. Cortazar là một nhà văn dấn thân, tranh đấu cho niềm tin nhân quyền của một số dân tộc trong Châu Mỹ Latin như Á căn Đình, Nicaragua...Nhưng cùng một lúc, ông cũng tranh đấu với chính bản 7 thân để giữ được mức cân bằng giữa văn chương và chính trị. Lời Dẫn Của Jason Weiss: Khi Julio Cortazar qua đời vì bệnh ung thư vào ngày 12, tháng Hai năm 1984, tuổi sáu mươi chín, nhật báo ở Madrid, tờ El Pais đã ca ngợi ông là một trong những nhà văn lớn nhất ở Châu Mỹ Latin và dành riêng hai ngày, trên mười một trang báo đầy bài vở, bày tỏ lòng kính trọng, những hồi tưởng, và lời vĩnh biệt. Mặc dù Coetazar đã sinh sống tại Paris từ năm 1951, ông vẫn thường hồi hương thăm viếng cho đến khi ông chính thức lưu vong, bởi chính quyền Á căn Đình trục xuất vì phản đối một số truyện ngắn của ông. Mùa thu năm rồi (1983), với chiến thắng chính trị, chính phủ dân chủ Alfosin lên nắm chính quyền, Cortazar đã có thể về thăm quê hương lần cuối. Bộ trưởng văn hóa của chính phủ Alfosin đã chọn không đón tiếp ông một cách chính thức, sợ rằng quan điểm chính trị cực đoan thiên tả của ông, nhưng nhà văn vẫn được tiếp rước như một vị anh hùng hồi hương. Một đêm ở Buenos Aires, Cortazar cùng bè bạn đi xem phim No Habra Ni Mas Pena Ni Olvido, dựa lên cuốn tiểu thuyết của Osvaldo Soriano; khi ra về, gặp phải đoàn sinh viên đang biểu tình, vừa thoáng thấy nhà văn, ngay lập tức, sính viên túa đến vây quanh ông reo mừng. 8 Những nhà sách chung quanh đại lộ còn mở cửa, sinh viên nhanh chóng ùa vào mua sách của ông và mang đến cho tác giả ký tên. Một nhân viên bán hàng, sau khi tuyên bố không còn sách của Cortazar, đã đưa riêng cuốn tiểu thuyết Carlos Fuentes cho ông ký tặng. Từ Brussels, sau chiến tranh, gia đình ông quay về lại Á Căn Đình, ông lớn lên tại Banfield, gần thủ đô Buenos Aires. Ông tốt nghiệp sư phạm, dạy học và viết văn tại một thành phố nhỏ, ngoại ô thủ đô, cho đến năm 1940. Một trong những truyện đầu tay được ấn hành năm 1946, 'Căn Nhà Bị Tiếp Quản', đã xuất hiện trên tạp chí văn chương mà chủ bút là nhà văn Jorge Luis Borges. Tuy vậy, mãi đến năm 1951, khi dời sang Paris, ông mới bắt đầu xuất bản tác phẩm của mình một cách nghiêm túc. Ở Paris, ông hành nghề thông dịch viên, dịch thuật cho UNESCO và những cơ quan khác. Về văn học, ông dịch tác phẩm của Poe, Defoe, và Marguerite Yourcenar. Năm 1963, cuốn tiểu thuyết thứ hai Rayuela, (Hopscotch, Nhảy Lò Cò,) ra đời, đã tạo nên tên tuổi Cortazar thêm vững chắc. Nội dung cuốn sách nói về cuộc tìm kiếm của một người Á Căn Đình về sự sinh tồn và tâm linh của ông qua đời sống về đêm ở Paris và Buenos Aires. Mặc dù ông vô cùng nổi tiếng như một tôn sư trong lãnh vực truyện ngắn hiện đại, bốn cuốn tiểu thuyết của Cortazar đã chứng minh sự sẵn sàng đổi mới 9 trong hình thức, cùng một lúc, thám hiểm những câu hỏi cơ bản về con người trong xã hội. Gồm có Los Premios, 1960 (Các Giải Thưởng); Rayuela, 1963 (Nhảy Lò Cò); Modelo Para Armar, 1968 ( A Model Kit) [...]; Libro de Manuel, 1973 ( Sổ Tay Cho Manuel) [...]; Trước khi ông qua đời, một tuyển tập truyện của ông bằng Anh ngữ được xuất bản, 'We Love Glenda So Much' và cuốn sách 'Los Autonautas de la Cosmopsta', ghi lại cuộc du hành, viết chung với vợ ông, Carol Dunlop, từ Paris đến Marseilles bằng xe cắm trại. [...] Đây là một trong vài cuốn sách bán chạy nhất của ông. [...] (Đoạn này, đã lược bỏ bớt một số chi tiết không quan trọng.) Những năm tháng lưu vong ở Paris, Cortazar đã di chuyển chỗ ở qua nhiều khu phố khác nhau. Mãi đến thập niên cuối cùng, ông mới đủ sức mua căn hộ riêng bằng tiền nhuận bút. [...] Cortazar dong dỏng cao, 6'4", ốm hơn nhìn thấy trong hình. Những tháng cuối cùng trước cuộc phỏng vấn, tình trạng của ông đặc biệt khó khăn vì người vợ cuối của ông, Carol, vừa qua đời vì bệnh ung thư. Thêm vào đó, chuyến du hành lâu dài, đặc biệt là về thăm Châu Mỹ Latin, rõ ràng đã khiến ông kiệt sức. Về nhà khoảng gần một tuần, cuối cùng, cũng được ngồi dựa thoải mái trong chiếc ghế ông yêu thích, phì phà ống vố, trong khi chúng tôi bắt đầu trò chuyện. 10 Phỏng Vấn Kỳ Quái-Siêu Nhiên và Bình Thường-Thực Tế. Hỏi: Có một số câu truyện trong cuốn sách Deshoras (3) của ông xuất bản gần đây, cho thấy dường như sự kỳ quái lấn áp thế giới thực tế nhiều hơn bao giờ hết. Có phải ông tự cảm thấy sự kỳ quái và sự tầm thường đang nhập lại thành một? Cortazar: Đúng, trong những truyện gần đây, tôi cũng cảm thấy khoảng cách ngắn lại giữa cái gọi là kỳ quái và cái gọi là thực tế. Trong những truyện cũ, khoảng cách ấy xa hơn vì kỳ quái thực sự là kỳ quái, và đôi khi pha trộn chút siêu nhiên. Dĩ nhiên, sự kỳ quái có biến hóa, thay đổi. Khái niệm về kỳ quái mà chúng ta biết, ví dụ như tiểu thuyết thời kỳ Gô-tích ở Anh, hoàn toàn không dính líu gì đến quan niệm ký quái ngày hôm nay. Giờ đây, chúng ta bật cười khi đọc Lâu Đài của Horace Walpole của Otranto, (Horace Walpole's Castle,) con ma mặc toàn đồ trắng, bộ xương đi lang thang kéo xiềng xích, gây ra tiếng động. Ngày nay, khái niệm kỳ quái của tôi gần gũi với điều chúng ta gọi là hiện thực. Có lẽ vì thực tế tiếp cận đến ký quái mỗi lúc mỗi gần. 11 Hỏi: Mấy năm gần đây, ông đã bỏ nhiều thời gian để hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh giải phóng khác nhau ở Châu Mỹ Latin. Có phải việc làm đó giúp cho ông mang thực tế và kỳ quái đến gần nhau; và cũng khiến ông nghiêm túc hơn? Cortazar: Vâng, tôi không thích ý tưởng "nghiêm túc," vì tôi nghĩ, tôi không nghiêm túc; tối thiểu không theo ý nghĩa mà người ta thường gọi một người đàn ông nghiêm túc hoặc một phụ nữ nghiêm trọng. Trong vài năm qua, những nỗ lực của tôi liên quan đến một số chế độ ở Châu Mỹ Latin như Á căn đình, Chí Lợi, Uruguay và bây giờ, trên hết là Nicaragua; đã lôi cuốn tôi đến điểm phải sử dụng sự kỳ quái trong một số truyện, để giải quyết vấn đề, mới có thể tiếp cận thực tế, theo quan điểm riêng tôi. Vì vậy cảm thấy ít tự do hơn xưa. Đúng ra, ba mươi năm về trước, tôi viết xuống những gì xuất hiện trong đầu và chỉ xét đoán chúng theo tiêu chuẩn thẩm mỹ. Mặc dù bây giờ vẫn tiếp tục đánh giá theo tiêu chuẩn đẹp, nhưng trước kia tôi chỉ là nhà văn, bây giờ tôi là nhà văn của những người đau khổ. Tôi rất bận tâm về tình trạng ở Châu Mỹ Latin, do đó, vô tình hoặc cố ý, những ý tưởng ấy thường xuất hiện trong bài viết. Nhưng bất chấp những câu truyện có tài liệu tham khảo chính xác cho những câu hỏi về tư tưởng và chính trị, trong thực chất những truyện tôi viết vẫn 12 không thay đổi. Chúng vẫn là những truyện thuộc về kỳ quái. Vấn đề đối với nhà văn dấn thân, như người ta thường gọi bây giờ, là tiếp tục làm nhà văn. Nếu những gì họ viết trở nên đơn giản là văn chương với nội dung chính trị, thì có thể rất tầm thường. Điều này đã xảy ra cho một số nhà văn. Như vậy, vấn đề ở đây là sự cân bằng. Đối với tôi, những gì viết ra phải luôn luôn thiên về văn chương ở mức cao nhất mà tôi có thể diễn đạt. ... để vượt xa hơn sự có thể. Nhưng cùng một lúc, phải cố tâm xen lẫn với những thực tại đương thời. Đó là sự cân bằng rất khó khăn. Ví dụ, trong câu truyện Deshoras viết về những quân kháng chiến, "Satarsa", là tập sách dựa trên cuộc đấu tranh chống lại các du kích quân Á căn Đình; Trong phần này, sự cám dỗ là hoàn toàn chỉ muốn viết những gì dính dáng đến mức độ chính trị. Hỏi: Phản ứng về những truyện này như thế nào? Có sai biệt nhiều không, giữa những phản ứng nhận được từ giới văn chương và giới chính trị? Cortazar: Tất nhiên. Độc giả giai cấp tư sản ở Châu Mỹ Latin rất bàng quang với chính trị, hoặc những người tự cho mình đứng vào phe bảo thủ, thực tế, họ không quan tâm về những vấn đề mà tôi lo nghĩ, như vấn nạn về bóc lột, về đàn áp, và còn nữa... Những người này lấy làm tiếc cho những truyện của tôi 13 thường rẽ sang đưòng chính trị. Độc giả khác, đa số là giới trẻ, chia xẻ tình cảm và nhu cầu của tôi về đấu tranh. Những người yêu văn chương thường yêu chuộng những truyện này. Dân Cuba thưởng thức truyện "Meeting", "Apocalyse at Solentiname" là truyện được dân Nicaragua rất thích thú đọc đi đọc lại. Hỏi: Điều gì đã làm cho ông quyết định tham gia chính trị nhiều hơn? Cortazar: Quân đội ở Châu Mỹ Latin, họ là những người khiến tôi làm việc tích cực hơn. Nếu họ bị giải tán, nếu có sự thay đổi, tôi có thể nghỉ ngơi một chút và làm thơ, viết truyện hoàn toàn thiên về văn chương. Nhưng chính họ đã cho tôi công việc để bề bộn. Hỏi: Trong nhiều thời điểm khác nhau, ông đã từng nói, văn chương giống như một trò chơi. Ý ông như thế nào? Cortazar: Với tôi, văn chương là một hình thức để chơi. Nhưng tôi luôn luôn nói thêm, có hai tầng lớp để chơi: Ví dụ, môn đấu banh bầu dục (football), căn bản là một trò chơi, nhưng trên nữa là trò chơi rất sâu sắc và nghiêm túc. Khi trẻ em chơi, mặc dù chúng vui đùa nhưng chúng chơi rất nghiêm chỉnh. 14 Điều đó quan trọng. Đối với chúng, chuyện này lúc bây giờ cũng nghiêm chỉnh như chuyện ái tình sẽ đến mười năm sau. Tôi nhớ khi còn nhỏ, bố mẹ tôi thường nói:" Được rồi, con chơi đã đủ, đến giờ tắm rửa." Tôi cảm thấy hoàn toàn ngu ngốc, bởi vì, với tôi, tắm rửa là chuyện ngớ ngẩn. Chẳng có chút nào quan trọng, trong khi chơi với bạn bè mới là điều đáng nói. Văn chương cũng như vậy, là một trò chơi, nhưng là trò chơi mà người chơi có thể dâng tặng hết cuộc đời của mình. Người ta có thể làm tất cả mọi thứ cho trò chơi này. Hỏi: Khi nào thì ông quan tâm đến sự kỳ quái? Có phải lúc ông còn rất trẻ? Cortazar: Bắt đầu từ thời thơ ấu. Hầu hết các bạn đồng lớp đều không biết gì về sự kỳ quái. Mọi thứ thế nào, họ thấy thế đó... Đây là cái cây, kia là chiếc ghế bành. Nhưng với tôi, mọi thứ không được xác định rõ như vậy. Mẹ tôi, bà vẫn còn sống, là một người giàu trí tưởng tượng, thường khuyến khích tôi. Thay vì nói, "Không, không, con cần phải nghiêm chỉnh," bà tỏ vẻ hài lòng vì tôi tưởng tượng. Khi tôi quay vào thế giới kỳ quái, bà đã hướng dẫn bằng cách tìm sách cho tôi đọc. Lần đầu tiên, đọc Edgar Allan Poe , tôi chỉ mới chín tuổi. Tôi đã đọc lén vì mẹ không cho, bà nghĩ rằng tôi còn quá trẻ và bà rất đúng. Cuốn sách khiến tôi 15 sợ hãi đổ bệnh đến ba tháng vì tôi quá tin vào nó...dur comme fer như người Pháp nói. Đối với tôi, sự kỳ quái là hoàn toàn tự nhiên. Không có gì nghi ngờ. Mọi thứ là như vậy. Khi tôi đưa những loại sách này cho bạn bè đọc, họ nói, "Không, chúng tôi thích đọc truyện cao bồi hơn." Trong thời điểm đó, cao bồi, đặc biệt, rất thịnh hành. Tôi không hiểu được.Tôi thích thế giới siêu nhiên, kỳ quái hơn.... GHI: (1) Jules Verne (1828-1905), nhà văn Pháp, thi sĩ, kịch tác gia, Nổi tiếng với tác phẩm: Hai Mươi Ngàn Dặm Dưới Đáy Biển. Vòng Quanh Thế Giới Trong Tám Mươi Ngày... (2) Edgar Allan Poe (1809-1849) thi sĩ, văn sĩ, phê bình gia, chuyên sáng tác những tác phẩm bí ẩn và rùng rợn. Và chính cái chết của ông cũng đầy bí ẩn. Qua nhiều tranh cãi, cho đến nay, vẫn không ai biết được nguyên nhân và những sự kiện kỳ lạ xảy ra chung quanh giây phút cuối cùng của đời ông. Danh phẩm nổi tiếng khắp thế giới là bài thơ Con Quạ. (The Raven). (3) Deshoras là tác phẩm cuối cùng của Julio Cortazar, xuất bản 1983. 16 Phong Cách Viết Truyện Của Cortazár 17 (Nguồn: Zonaliteratura.com.ar.) Hỏi: Nhiều năm sau, ông đã dịch toàn bộ tác phẩm của Poe, ông có khám phá điều gì mới lạ khi phải đọc thật kỹ không? Cortazar: Nhiều, rất nhiều. Tôi khảo sát ngôn ngữ của ông, đã bị phê phán bởi cả hai phe Anh và Mỹ bởi họ nhận thấy quá Barốc (quái dị) (2). Vì tôi không phải người Anh cũng không phải người Mỹ, tôi nhìn với một góc độ khác. Tôi biết có những lối viết lỗi thời, quá cường điệu , nhưng điều này không có nghĩa gì so với tài năng thiên phú của Poe. Trong thời kỳ đó, để viết những tác phẩm, "The Fall of the House of Usher," "Ligeia," "Berenice," hoặc "The Black Cat," bất cứ truyện nào cũng cho thấy một thiên tài thực sự trong khía cạnh kỳ quái và siêu nhiên. Hôm qua, tôi ghé thăm một người bạn cư ngụ trên đường Edgar Allan Poe. Thấy một tấm bản viết:" Edgar Poe, nhà văn Anh." Ông không phải người Anh, họ nên sửa lại. Cả hai chúng ta cần lên tiếng phản đối. Hỏi: Trong lối viết của ông, bên cạnh sự kỳ quái, còn có sự nồng hậu và tình cảm thật sự cho những nhân vật trong truyện. Cortazar: 18 Khi những nhân vật của tôi là trẻ em và thanh thiếu niên, tôi dành cho họ nhiều sự ân cần. Họ rất sống động trong tiểu thuyết và truyện ngắn của tôi. Tôi đối đải họ rất trìu mến. Khi tôi viết truyện có nhân vật thanh niên, tôi trở thành người thanh niên đang viết truyện. Nếu nhân vật là người lớn, thì lại khác. Hỏi: Có phải khá nhiều nhân vật trong truyện dựa trên những người thật mà ông quen biết? Cortazar: Tôi không nghĩ là nhiều, nhưng có vài trường hợp. Rất thường tình, những nhân vật được hỗn hợp bởi hai hoặc ba người ở ngoài đời. Ví dụ, tôi đã từng xây dựng một nhân vật nữ từ hai người đàn bà tôi quen. Điều này cho phép nhân vật trong truyện mang cá tính phức tạp và khó đoán hơn. Hỏi: Ý ông muốn nói là khi nào ông cần xây dựng một nhân vật chất lượng, ông sẽ phối hợp hai người khác lại với nhau? Cortazar: Chuyện không phải như vậy. Ngược lại, chính nhân vật điều khiển tôi. Như thế này, tôi nhìn ngắm nhân vật, hắn ở đó, tôi nhận ra người quen hoặc đôi khi là hai người quen lẫn lộn vào nhau, nhưng chỉ thế thôi. Sau đó, các nhân vật tự sinh hoạt trong vai trò của họ. Khi họ nói....tôi không bao giờ biết trước bất kỳ điều gì họ muốn nói, ngay cả lúc tôi 19 đang viết đối thoại. Thật vậy, tùy vào họ. Còn tôi, chỉ việc gõ xuống những gì họ nói. Thỉnh thoảng tôi bật cười hoặc ném bỏ một trang viết và thầm nghĩ, "Thấy chưa, đó, các người nói năng lôi thôi. Dẹp đi." Rồi đặt trang giấy khác vào, bắt đầu trở lại cuộc chuyện trò của họ. Hỏi: Nói như vậy, không phải là nhân vật ông quen biết đã thúc đẩy ông viết? Cortazar: Không, hoàn toàn không phải, tôi bắt đầu một ý nghĩ về câu truyện, nhưng chưa có một nhân vật nào. Tôi trầm ngâm một ý tưởng kỳ lạ: chuyện gì đó sẽ xảy ra trong căn nhà ở miền thôn dã, để coi...tôi rất trọng hình ảnh khi viết, tôi thấy toàn bộ và thấy mọi chi tiết. Thế thì, tôi thấy căn nhà ở thôn quê và rồi, bất chợt, bắt đầu tạo ra vị trí cho các nhân vật. Đến lúc này, một trong những nhân vật có thể là người quen. Nhưng không chắc lắm. Cuối cùng, những nhân vật cũng được dựng nên. Bây giờ, dĩ nhiên, có cả bản thân tôi. Trong truyện "Nhảy Lò Cò," (Hopscotch), nhân vật Oliveira là kết quả của nhiều tài liệu tham khảo về tự truyện. Không phải tôi nhưng rất nhiều dữ liệu bắt nguồn từ lúc khởi đầu thời gian lãng tử ở Paris. Tuy nhiên, độc giả đọc nhân vật Oliveira, có thể nhận thấy như Cortazar đã sống ở Paris, cảm tưởng như vậy là sai lầm. Không, không, lúc đó, tôi rất khác. 20 Hỏi: Có phải vì ông không muốn viết tự truyện về đời mình? Cortazar: Tôi không thích tự truyện. Tôi sẽ không bao giờ viết hồi ký. Tôi thích đọc tự truyện của người khác nhưng không phải của chính mình. Nếu tôi viết tự truyện, sẽ phải thành thật và trung thực. Không thể kể những gì tưởng tượng. Như vậy, tôi sẽ làm công việc của nhà sử học, một sử gia về lịch sử bản thân, điều này khiến tôi khó chịu. Tôi thích tìm tòi cái mới, thích tưởng tượng. Dĩ nhiên, rất thường xuyên khi tôi tích tụ ý tưởng để viết tiểu thuyết hoặc truyện, những tình huống và những mảnh đời riêng của tôi tự nhiên xuất hiện vào những bối cảnh đó. Như truyện "Deshoras," ý tưởng về cậu bé đang yêu cô bạn thân của người chị, trong thực tế, dựa trên một hoàn cảnh tự truyện. Vì vậy một phần nhỏ trong đó là hồi ký, nhưng phần áp đảo còn lại là phi hiện thực hoặc tưởng tượng. Hỏi: Ông thường bắt đầu một câu truyện ra sao? Bằng một cách đặc biệt nào hoặc bằng một hình cảnh? Cortazar: Đối với tôi, truyện ngắn và tiểu thuyết có thể bắt đầu bất cứ ở đâu. Nói riêng về cốt truyện, khi tôi bắt đầu viết, câu truyện đã phát triển khởi sắc trong 21 tôi từ lâu, đôi khi kéo dài nhiều tuần lể. Nhưng không có cách nào cảm thấy rõ ràng, một loại ý tưởng tổng quát. Có lẽ, ngôi nhà kia nơi trồng một cây lá đỏ, tôi thấy, có người đàn ông lớn tuổi thường đi lòng vòng trong nhà. Chỉ biết bấy nhiêu thôi. Chuyện xảy ra như thế. Tiếp theo là những mơ mộng. Trong thời kỳ thai nghén, giấc mơ của tôi chứa đầy những chất liệu tham khảo và ám chỉ chuyện gì sẽ diễn tiến trong truyện. Đôi khi cả câu truyện nằm trong một giấc mơ; như câu truyện đầu tay rất phổ biến, "House Taken Over," là một cơn ác mộng của tôi. Lúc đó, tôi ngồi bật dậy và viết liền. Tuy nhiên nói chung, những gì đến từ giấc mơ thường là những mảnh vỡ của tài liệu tham khảo. Đây là vô thức trong tiến trình hoạt động thông qua câu truyện; thể hiện trong mơ, nó đang viết trong tôi. Vì vậy, khi tôi nói 'có thể bắt đầu bất cứ ở đâu,' có nghĩa, trong lúc đó, tôi chưa biết điều gì để bắt đầu hoặc chấm dứt. Khi tôi khởi sự viết, chính là mở đầu. Tôi không quyết định câu truyện sẽ khởi đầu như vậy. Nói đơn giản là khởi đầu nơi đó và tiếp tục. Thông thường tôi cũng không có ý rõ ràng về kết cuộc. Tôi chưa biết toàn thể chuyện gì sẽ xảy ra. Rồi từ từ, câu truyện diễn tiến, mọi việc trở thành sáng sủa và bất ngờ tôi nhìn thấy phần kết thúc. Hỏi: Nghĩa là ông khám phá câu truyện trong khi ông sáng tác? 22 Cortazar: Đúng như vậy. Tương tựa như chuyện ứng biến trong nhạc Jazz. Chúng ta không thể hỏi một người nhạc sĩ Jazz, " Ông sắp trình bày bài gì?" Ông ta sẽ cười chế nhạo. Ông ta có đề tài, có một dãy hợp âm làm phương tiện, rồi đưa kèn đồng lên môi, bắt đầu thổi. Không cần thắc mắc về vấn đề ý nghĩ. Ông trình diễn bằng một loạt rung động khác nhau trong tâm hồn. Đôi khi hay, đôi khi không được. Giống như tôi. Đôi khi, cảm thấy hơi bối rối khi ký tên vào những câu truyện của mình. Còn tiểu thuyết thì khác, bởi phải làm rất nhiều việc, cần phải có một cấu trúc tổng thể. Nhưng những câu truyện dường như đã sai khiến tôi bằng những điều gì bên trong nội tâm, mà tôi không phải là người chịu trách nhiệm. Vâng, nhưng kể từ khi những điều này xuất hiện, dù sao chúng đã thuộc về mình, tôi cho rằng, nên thừa nhận chúng. Hỏi: Có những khía cạnh nào luôn luôn gây trở ngại cho ông khi viết truyện? Cortazar: Nói chung thì không vì như tôi đã giải thích, câu truyện đã được tạo dựng ở một nơi nào đó trong tôi. Vì vậy, truyện đã có hình thể và cấu trúc. Nếu câu truyện trở thành ngắn hoặc dài, điều này dường như đã được quyết định trước. Nhưng mấy năm gần đây, tôi bắt đầu cảm thấy có vài vấn đề. Tôi ngẫm nghĩ nhiều hơn trước trang giấy. Viết 23 chậm hơn và viết theo lối nhàn rỗi hơn. Một số nhà phê bình vì vậy đã chê trách tôi. Họ nói, dần dần tôi sẽ đánh mất tính chất linh động trong truyện. Dường như tôi được quyền nói những gì tôi muốn với khả năng kinh tế khá hơn. Không biết như vậy là tốt hay xấu, trong mọi trường hợp, đó là cách viết của tôi bây giờ. Hỏi: Ông vừa nói, tiểu thuyết cần có một cấu trúc tổng thể. Có phải ý ông là xây dựng một cách rất khác? Cortazar: Trong truyện "Nhảy Lò Cò", chương đầu tiên tôi viết, nay lại nằm ở giữa. Là chương mà những nhân vật đã bắt tấm ván đi qua, từ cửa sổ phòng chung cư này sang phòng chung cư khác. Tôi viết mà không biết lý do tại sao viết. Tôi nhìn thấy người thật, tình cảnh thật, chính là ở Buenos Aires. Nhớ hôm ấy, trời rất nóng, ngồi bên cửa sổ với bàn đánh máy chữ. Tôi thấy cảnh một người đàn ông đang cố bắt vợ đi qua tấm ván vì ông không chịu đi, để lấy cái gì đó rất ngớ ngẩn như một mớ đinh. Tôi viết lại tất cả, rất dài, khoảng bốn mươi trang. Sau khi viết xong, tôi tự nhủ, "Được rồi, nhưng tôi đã viết điều gì? Bởi điều này đâu phải là truyện. Thứ gì đây? ". Rôi tôi tự hiểu mình đã bắt đầu một cuốn tiểu thuyết, nhưng lại không thể tiếp tục từ điểm này. Đành phải ngừng vá quay lại viết toàn bộ từ thời ở Paris; phần này xảy ra trước; trở thành toàn thể khung nền cho nhân vật Oliveira. Cho đến 24 khi tôi viết đến chương có nhân vật leo qua tấm ván, thế là, tôi viết luôn một mạch. Hỏi: Ông có phải sửa lại nhiều sau khi viết? Cortazar: Rất ít. Đúng ra vì câu truyện đã diễn tiến bên trong nội tâm. Khi đọc bản thảo của một số bạn bè văn sĩ, thấy mọi thứ bị sửa chữa, mọi thứ thay đổi, di dời chung quanh, và những mũi tên ghi chú khắp nơi.... Không, không đâu...bản thảo của tôi rất sạch sẽ. Hỏi: José Lezama Lima trong Paradiso has Cemí nói rằng, " Thời đại Barốc...là những gì thích thú ở Tây Ban Nha và giống dân gốc tây ban Nha ở Châu Mỹ." Vì sao ông lại nghĩ như vậy? Cortazar: Tôi không thể trả lời như một chuyên gia. Nhưng đúng như vậy, Barốc rất quan trọng ở Châu Mỹ Latin trong cả nghệ thuật lẫn văn chương. Tinh thần Barốc có thể cung cấp một sự phong phú lớn lao; nó cho phép trí tưởng tượng lao vút vào nhiều phương hướng xoắn ốc, như trong nhà thờ thời Barốc với những thiên thần trang trí và các thứ tưởng tượng, hoặc trong âm nhạc của thời kỳ này. Nhưng tôi không tán thành Barốc. Những nhà văn Barốc thường xuyên thả lỏng bản thân khi viết. Họ viết năm trang những gì mà người khác chỉ viết 25 trong một trang. Tôi cũng rơi vào tình trạng Barốc vì tôi là người Châu Mỹ Latin, nhưng tôi luôn luôn hoài nghi về nó. Tôi không thích khoa trương, viết những câu cường điệu, đầy tỉnh từ và mô tả, ngọt ngào thủ thỉ vào tai người đọc. Tất nhiên, tôi biết nó quyến rủ, nó đẹp đẻ, nhưng không phải cho tôi. Tôi nghiêng về phía Jorge Luis Borges. Ông luôn luôn là kẻ thù của Barốc. Ông viết cô đọng như dùng kềm siết chặt. Tuy vậy, tôi viết khác với lối viết của Borges, nhưng bài học lớn lao ông đã dạy cho tôi là bài học kinh tế (tài chánh). Khi bắt đầu đọc ông, tôi còn rất trẻ, ông dạy tôi rằng, người ta có thể cố nói những gì họ muốn vì tài chánh (kinh tế) nhưng hãy nói với tinh thần tài chánh đẹp đẻ. Có lẽ, đó là sự khác biệt giữa cây cối đầy lá rậm rạp, trông rất đẹp, tiêu biểu cho Barốc, và viên đá thủy tinh quí giá. Đối với tôi, đá thủy tinh đẹp hơn. Hỏi: Thói quen viết lách của ông là gì? Có thói quen nào thay đổi không? Cortazar: Có một thói quen không thay đổi và sẽ không bao giờ đổi thay, đó là hoàn toàn lộn xộn và vô trật tự. Tôi hoàn toàn không có phương pháp nào. Khi nào cảm thấy muốn viết truyện, tôi gát hết mọi thứ qua một bên để chỉ viết. Thỉnh thoảng khi viết xong một truyện, trong vòng một hoặc hai tháng tiếp theo, tôi viết thêm hai hoặc ba truyện nữa. Nói chung, các truyện thường đến theo từng đợt. Viết xong một 26 truyện, khiến tôi thường ở trong trạng thái dễ đón nhận, và tiếp theo tôi "bắt" được truyện khác. Chắc ông hiểu được những loại ảnh tượng tôi trình bày, thực tế, giống như vậy, câu truyện rơi xuống trong tôi. Nhưng rồi có khi cả năm trôi qua tôi không viết được gì....không viết gì cả. Dĩ nhiên, vài năm gần đây, tôi bỏ rất nhiều thời giờ để viết những tiểu luận chính trị. Bài viết về Nicaragua, tất cả các bài viết về Á Căn Đình, không liên quan gì đến văn chương. Chỉ là chuyện tranh đấu. .[...] Hỏi: Ông có ưa thích nơi nào hơn để viết? Cortazar: Thật ra, không có. Ban đầu, khi tôi còn trẻ, thể chất chịu đựng bền bỉ hơn, Ví dụ, ở đây, Paris, tôi viết một phần lớn truyện Hopscotch trong tiệm cà phê mà tiếng động không gây khó chịu, ngược lại còn là một nơi thích hợp. Tôi đọc và viết rất nhiều ở đó. Nhưng khi lớn tuổi khiến tôi trở nên rắc rối, chỉ viết khi chắc chắn có được sự im lặng. Không viết được khi có nhạc, điều đó hoàn toàn không ngoại lệ. Nhạc là một chuyện, viết là chuyện khác. Tôi cần mức độ thanh thản nào đó, nhưng nói đi thì cũng nói lại, đôi khi khách sạn, máy bay, nhà bạn hoặc ngay tại đây cũng là nơi viết được. Hỏi: 27 Còn Paris thì sao? Điều gi đã cho ông thêm can đảm để quyết định di chuyển đến Paris, hơn ba mươi năm về trước? Cortazar: Can đảm? Không, không cần nhiều can đảm. Nói đơn giản là chấp nhận ý định dời đến Paris và cắt đứt đường về Á Căn Đình. Lúc đó, biết rằng, phải sống nghèo, sinh kế khó khăn. Nhưng điều đó không làm tôi lo lắng. Bằng cách này hay cách khác, tôi biết mình sẽ giải quyết được. Đến Paris chủ yếu vì Paris, toàn thể văn hóa Pháp, thu hút lôi cuốn tôi mạnh mẻ. Từ lúc ở Á Căn Đình tôi đã say mê đọc văn chương Pháp, vì vậy, tôi muốn đến đây, tìm quen những con đường, những nơi chốn mà một người đã biết qua sách vở và tiểu thuyết. Đi qua con đường Balzac hoặc Baudelaire... cuộc dạo chơi rất lãng mạn. Tôi là người lãng mạn. Thực tế, tôi phải rất cẩn thận khi viết, vì rất thường xuyên, hay để cho mình rơi vào....tôi không muốn nói là sở thích tồi, có lẽ không phải, nhưng có một chút trong chiều hướng cường điệu của chủ nghĩa lãng mạn. Trong đời sống riêng tư, không cần phải kềm chế bản thân, tôi thực sự rất tình cảm, rất lãng mạn. Tôi là người nhạy cảm; có nhiều thương mến để chia xẻ. Những gì tôi đang cho Nicaragua, chính là lòng thương mến. Đó cũng là lòng tin chính trị mà phong trào giải phóng quốc gia Sandinistas (3) hữu lý trong hành động dẫn đầu một cuộc đấu tranh đáng 28 ngưỡng mộ. Nhưng đó không phải chỉ là những động lực chính trị, còn là một sự thương mến lớn lao vì đó là dân tộc tôi yêu, như tôi yêu người Cuba, yêu dân Á Căn Đình. Vâng, tất cả những thứ đó tạo nên một phần những nhân vật của tôi. Khi viết truyện, tôi phải tự kiểm soát mình, nhất là khi còn trẻ. Tôi viết những điều trở thành truyện tình ướt át, thực sự hết sức lãng mạn, [...] Mẹ tôi vừa đọc vừa khóc. Hỏi: Hầu như tất cả những gì ông viết từ khi đến Paris đều được người ta biết. Nhưng ông đã viết rất nhiều trước đó, phải vậy không? Một vài tác phẩm cũ đã được ấn hành. Cortazar: Tôi viết từ năm chín tuổi, qua hết thời mới lớn cho đến tuổi thiếu niên, trong thời đó tôi đã có khả năng viết truyện ngắn và tiểu thuyết, điều này chứng minh tôi chọn đúng đường. Nhưng tôi không nôn nóng xuất bản. Tôi rất khắc khe với bản thân và sẽ tiếp tục như vậy. Tôi còn nhớ các bạn viết lách, khi họ làm được một số bài thơ hoặc viết được một cuốn tiểu thuyết ngắn, vội vã tìm kiếm nhà xuất bản. Còn tôi, tự nói với mình, "Không, tôi sẽ không xuất bản, hãy giữ đó đã." Tôi giữ lại một số, bỏ đi một số khác. Hơn ba mươi tuổi tôi mới xuất bản tác phẩm, trước khi dời sang Pháp. Đó là cuốn truyện đầu tiên, Bestiario, phát hành trong năm '51, cùng một tháng tôi lên thuyền sang đây. Trước đó, tôi có 29 in một cuốn sách nhỏ, mang tên Los Reyes (Ông Vua), là một tập truyện thơ. Một người bạn giàu có, thường in những phiên bản nhỏ của anh ta và của bạn bè, đã in thành sách chỉ phổ biến riêng tư. Và tất cả là như vậy. Không, còn một điều nữa, một lầm lỗi tuổi trẻ, một cuốn thơ. Tôi tự xuất bản dưới bút hiệu khác. [...] Hỏi: Sau tác phẩm A Manual For Manuel (Sổ Tay cho Manuel), ông có đang viết cuốn tiểu thuyết nào nữa không? Cortazar: Tiếc quá, không có, lý do rất minh bạch, vì những việc liên quan đến chính trị. Đối với tôi, để viết tiểu thuyết, đòi hỏi sự tập trung tinh thần và một số thời giờ cần thiết. Tối thiểu là một năm làm việc yên tĩnh và không bỏ dở. Bây giờ, không thể được. Một tuần lễ trước. tôi không biết sẽ phải đi Nicaragua trong ba ngày. Khi trở về, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nhưng một cuốn tiểu thuyết đã được viết. Nó đã có mặt, trong giấc mơ của tôi và tôi đã mơ về cuốn tiểu thuyết này suốt thời gian qua. Dù chưa biết rõ những gì sẽ xảy đến trong cuốn tiểu thuyết, nhưng tôi có ý tưởng đại khái. Tôi biết có thể sẽ khá dài, những câu chuyện với những chi tiết kỳ quái, nhưng không nhiều lắm. Cùng thể loại với Sổ Tay Cho Manuel, có yếu tố kỳ quái lẫn lộn bên trong; nhưng không phải là sách 30 chính trị. Cuốn sách này hoàn toàn văn chương. Hy vọng cuộc sống sẽ nhốt tôi vào ốc đảo giữa sa mạc, ngay cả ốc đảo sa mạc là căn phòng này...và một năm. Tôi chỉ xin một năm. Nhưng khi những kẻ khốn kiếp, Hondura, Somocista và Reagan, đang hành động tiêu diệt Nicaragua, tôi không còn ốc đảo nữa. Tôi không thể khởi sự viết vì sẽ bị ám ảnh liên tục bởi vấn nạn đó. Điều này đòi hỏi ưu tiên hàng đầu. Hỏi: Và cũng có thể đủ khó khăn trong việc cân bằng giữa đời sống và văn chương . Cortazar: Cũng đúng mà không đúng. Tùy điều gì ưu tiên. Nếu ưu tiên là điều tôi vừa đề cập, đụng vào trách nhiệm đạo đức cá nhân, tôi cho là đúng. Nhưng tôi biết nhiều người luôn luôn phàn nàn, "Ô, tôi muốn viết tiểu thuyết, nhưng bận phải bán nhà, sau đó phải lo thuế má, bảo tôi làm sao đây?" Hoặc có lý do như, "Làm việc suốt ngày trong văn phòng, bạn nghĩ, làm sao có thể viết?" Tôi, làm việc suốt ngày ở UNESCO, tối về nhà, viết cuốn Nhảy Lò Cò. Khi người nào muốn viết, sẽ viết. Nếu tự ý chí viết, sẽ viết. Hỏi: Ông còn tiếp tục hành ghề thông dịch viên nữa không? Cortazar: 31 Thôi, đã nghỉ rồi. Tôi muốn sống thoải mái hơn. Không cần nhiều tiền chi tiêu Tôi chỉ thích đĩa nhạc, sách và thuốc lá. Như vậy, tiền nhuận bút đã đủ. Họ dịch sách tôi ra nhiều ngôn ngữ do đó tôi nhận đủ thù lao để sống. Dĩ nhiên, cần phải tính toán. Không thể chạy ra mua thuyền buồm, nhưng từ đầu tôi hoàn toàn không có ý định mua du thuyền. Hỏi: Danh vọng và thành công có mang lại vui sướng không? Cortazar: À, nghe điều này, tôi sẽ nói những gì đáng lẽ không nên nói vì không ai có thể tin. Đối với tôi, thành công không có gì vui sướng. Tôi thích thú vì có thể sinh sống bằng viết văn, như vậy tôi đành phải chấp nhận nổi tiếng và phê phán của bên kia mặt thành công. Nhưng tôi sung sướng hơn khi tôi còn vô danh, sung sướng hơn nhiều. Bây giờ, tôi không thể đi Châu Mỹ Latin hoặc Tây Ban Nha mà không bị nhận ra trong vòng mười thước tây, rồi ký tên kỷ niệm, rồi ôm chào....Rất cảm động vì họ là độc giả, thường xuyên thuộc giới trẻ. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì họ yêu thích những gì tôi làm, nhưng trong mức độ riêng tư, đã khiến tôi kiệt sức không chịu nổi. Tôi không thể đi đến bãi tắm ở Âu Châu vì cứ năm phút sẽ có một nhiếp ảnh gia đến viếng. Tôi có một bộ dạng không thể che giấu. Nếu còn nhỏ, có thể cạo sạch râu, mang kính râm, nhưng với chiều cao 32 của tôi, tay dài nhòng, tất cả như thế này, họ nhận ra ngay từ đàng xa. Mặt khác, cũng có nhiều điều tốt đẹp: Tháng trước tôi đến Barcelona, một buổi chiều đang đi dạo trong khung viên Gothic, có một thiếu nữ người Hoa Kỳ rất mỹ miều, chơi tây ban cầm và hát rất hay. Cô ngồi sát đất hát xin tiền. Giọng hát hơi giống Joan Baez, cá tính và trong sáng. Một đám trẻ Barcelona đông đảo đứng nghe. Tôi dừng lại thưởng thức nhưng đứng núp trong bóng mát. Đến một lúc, một cậu trẻ trong đám đông, khoảng hai mươi tuổi, rất trẻ, điển trai, tiến đến tôi. Tay cầm chiếc bánh. Cậu nói, " Julio, ăn một miếng nha." Tôi lấy một phần, vừa ăn vừa nói, " Cảm ơn cậu, đã mang cho tôi bánh." Anh ta trả lời, " Nhưng, thưa ông, tôi cho ông rất ít so với những gì ông đã cho tôi." Tôi đáp, " Đừng nói vậy, đừng nói vậy," và chúng tôi ôm nhau, rồi anh ta chào đi. Vâng, chuyện như thế, là phần thưởng tốt nhất cho công việc viết văn. Một cậu trẻ hoặc một thiếu nữ đến nói chuyện với ông và tặng ông một miếng bánh, thật là tuyệt diệu. Điều đó xứng đáng bõ công vượt mọi khó khăn để viết. Ghi: (2) Baroque: Quái dị. Kỳ lạ. Thời kỳ Baroque là thời kỳ thế kỷ 17-18 phát xuất từ Âu Châu. Văn phong cường điệu nhưng dễ hiểu. 33 Phát triển mạnh trong lãnh vực hội họa, kiến trúc và điêu khắc. (3) Sandinistas: Phong trào giải phóng quốc gia. Một nhóm người ở Nicaragua đã lật đổ tổng thống Anastasio Somoza Debayle năm 1979, chấm dứt chế độ độc tài 46 năm. Phong trào Sandinista cai trị Nicaragua từ 1979 đến 1990. Thơ Tuyển. Julio Cortazár 34 Thơ của Julio Cortazár không mấy liên quan đến Magic Realism, cũng tương tựa như thơ của Jorge Luis Borges, đa số trầm tư với những vấn nạn siêu hình; thơ Cortazar nhẹ nhàng hơn, đi sát đời sống hơn và kỳ lạ hơn. Những tượng trưng trong thơ ông thường gây nên sự ngạc nhiên vì tứ thơ nổi bật những dị biệt và mới lạ. Thơ của ông phần lớn chưa được dịch ra ngoại ngữ, cùng chung số phận với thơ của Borges, vì cả hai ông được biết đến qua phong trào Magic Realism trong truyện và tiểu thuyết. Thơ của cả hai đều không mấy mang hình ảnh hoặc tứ thơ, tứ truyện thơ có tính kỳ quái; có lẽ vì vậy mà các nhà phê bình ít đề cập và dịch thuật không mấy quan tâm. Có thể, ở một nơi nào đó trên địa cầu, có những nhà thơ bước chân vào lãnh địa Magic Realism, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy xuất hiện trên văn đàn thế giới. Có lẽ, cần phải có thời gian hoặc tài năng vượt trội và may mắn. Sau đây là vài bài thơ tuyển của Julio Cortazár. 1. Mối Tình Phù Phiếm Ô, thật là ngọt dịu dìu tôi lên giường mơ nơi hương tình mê mải, 35 ngón tay nàng vờn trên thịt da dẫn hồn gặp nụ hôn, hồi hộp cho môi cong đốt lửa liên hoàn lửa từ tốn nhen dần kích động điệu nhịp nhàng tăng ngọn bập bùng đan đôi ta cuồng xoay sấm sét tỉnh mê trong bão khói chập chờn ( Rồi, tại sao trong tim điều còn lại chỉ lịm dần vào đống tro tàn không giả biệt, phải chăng là kinh ngạc khi vô tình tay rời bỏ bàn tay? ) 2. Xin Em Thoát Ly Công Sở ( Lá Thư Tình) Tất cả những điều anh xin em cho cùng đều bé nhỏ rốt cuộc rồi, chỉ có thế thôi, như chó lang thang, như ngọn đồi, 36 chuyện hàng ngày, nhàm không đáng kể dáng điệu, tóc dài, đôi núm ngọt ngào, và mùi hương em mang trên thân thể, kể cả bất cứ điều gì em nói, dù hài lòng hay phản đối anh, vì yêu em anh chỉ đòi hỏi những điều rất nhỏ nhoi. Xin nhìn tận hồn anh sâu kín yêu bất cần áp lực mai sau, để tiếng thét em gào ngay tận mặt chủ nhiệm văn phòng [ thành tiếng thoát ly ], Rồi hoan lạc đôi ta sáng tác dấu mới đời tự do. 3. Đọc Như Một Câu Hỏi Anh đã thấy thật sự đã thấy tuyết những ngôi sao lộng lẫy lướt gió bay Anh đã sờ 37 thật sự đã sờ đĩa bánh khuôn mặt đàn bà yêu quá đổi Anh đã sống như bị đập vào trán ánh chớp rụng rơi hổn hển cánh bay Anh đã biết tận cùng lỗ chân lông đã biết đôi mắt bàn tay giới tính trái tim mềm cần vứt bỏ cần khóc than cần tái tạo từ đầu 4. Bài Thơ (2) Trôi nổi với đàn ong trong gió bị vây bởi trống không tôi sống như cành tạm, giữa kẻ thù mỉm cười tay tôi đan huyền thoại, sáng tạo thế giới chói lòa, giương buồm ra khơi. 5. Bolero 38 Huyền ảo là gì trong tưởng tượng Anh hứa cho em tất cả, hoan lạc và tình yêu, hành trình, trò chơi và âm nhạc. Đương nhiên, chuyện như thế này: những gì anh có sẽ cho em tất cả, thật vậy, nhưng không đầy lòng em như những gì em có cũng không đủ cho anh. Vì vậy, đôi ta không bao giờ thành uyên ương hoàn hảo, bưu thiếp, nếu không thể bằng lòng chỉ có trong số học hai bằng một cộng một. Trên tấm bưu thiếp này viết: Em mãi mãi là gương soi của tôi, nghĩa là, muốn thấy tôi phải nhìn vào em. Và đoạn sau đây: 39 Bộ máy khổ đau chạy chậm rãi xoay ngược những bánh quay thân xác rời khỏi gối, bỏ khăn giường, xa môi hôn đứng trước gương tự hỏi mỗi câu cho chính mình không còn nhìn nhau nữa không trần truồng cho nhau anh hết yêu em rồi, em yêu dấu. GHI: 1. Elbreve Amor Con qué tersa dulzura me levanta del lecho en que soñaba profundas plantaciones perfumadas, me pasea los dedos por la piel y me dibuja en le espacio, en vilo, hasta que el beso se posa curvo y recurrente para que a fuego lento empiece la danza cadenciosa de la hoguera tejiédose en ráfagas, en hélices, 40 ir y venir de un huracán de humo(¿Por qué, después, lo que queda de mí es sólo un anegarse entre las cenizas sin un adiós, sin nada más que el gesto de liberar las manos ? 2. Una carta de amor Todo lo que de vos quisiera es tan poco en el fondo porque en el fondo es todo, como un perro que pasa, una colina, esas cosas de nada, cotidianas, espiga y cabellera y dos terrones, el olor de tu cuerpo, lo que decís de cualquier cosa, conmigo o contra mía, todo eso es tan poco, yo lo quiero de vos porque te quiero. Que mires más allá de mí, que me ames con violenta prescindencia del mañana, que el grito de tu entrega se estrelle en la cara de un jefe de oficina, y que el placer que juntos inventamos sea otro signo de la libertad. 41 3. Para leer en forma interrogativa Has visto verdaderamente has visto la nieve los astros los pasos afelpados de la brisa Has tocado de verdad has tocado el plato el pan la cara de esa mujer que tanto amás Has vivido como un golpe en la frente el instante el jadeo la caída la fuga Has sabido con cada poro de la piel sabido que tus ojos tus manos tu sexo tu blando corazón había que tirarlos había que llorarlos había que inventarlos otra vez. 4. Poema 2 Empapado de abejas en el viento asediado de vacío vivo como una rama, y en medio de enemigos sonrientes mis manos tejen la leyenda, crean el mundo espléndido, esa vela tendida. 5. Bolero Qué vanidad imaginar que puedo darte todo, el amor y la dicha, itinerarios, música, juguetes. 42 Es cierto que es así: todo lo mío te lo doy, es cierto, pero todo lo mío no te basta como a mí no me basta que me des todo lo tuyo. Por eso no seremos nunca la pareja perfecta, la tarjeta postal, si no somos capaces de aceptar que sólo en la aritmética el dos nace del uno más el uno. Por ahí un papelito que solamente dice: Siempre fuiste mi espejo, quiero decir que para verme tenía que mirarte. Y este fragmento: La lenta máquina del desamor los engranajes del reflujo los cuerpos que abandonan las almohadas las sábanas los besos y de pie ante el espejo interrogándose cada uno a sí mismo ya no mirándose entre ellos ya no desnudos para el otro ya no te amo, mi amor. 43