Academia.eduAcademia.edu
TÌM HIỂU VỀ CÁC PHƯƠNG PHÁP TRẢ THƯỞNG TRONG BÁN HÀNG ĐA CẤP HIỆN NAY Báo cáo viên: Nguyễn Thị Hường I. Đặt vấn đề Kế hoạch trả thưởng là một trong những yếu tố quyết định tới sự thành bại của các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh đa cấp, là một hệ thống các quy tắc của doanh nghiệp bán hàng đa cấp điều chỉnh việc trả hoa hồng hoặc tiền thưởng cho những người tham gia vào hệ thống tham gia của doanh nghiệp. Có rất nhiều kế hoạch trả thưởng, có loại tập trung vào trả thưởng cho việc bán hàng trong khi có loại lại dành phần lớn tiền thưởng của mình đối với việc xây dựng mạng lưới tiêu thụ. Chính vì kế hoạch trả thưởng quyết định hoa hồng và tiền thưởng mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp sẽ chi trả cho người tham gia nên nó có ảnh hưởng lớn tới thái độ của người tham gia trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có tác dụng khuyến khích mở rộng mạng lưới bán hàng của các doanh nghiệp bán hàng đa cấp hay không? II. Nội dung Kể từ khi hình thành cho tới nay đã có rất nhiều kế hoạch trả thưởng được các công ty bán hàng đa cấp áp dụng. Tuy nhiên, theo thống kê các chuyên gia trên thế giới trong lĩnh vực bán hàng đa cấp phân theo cơ cấu tổ chức thì hiện tại đang tồn tại 3 kiểu kế hoạch trả thưởng chính: Kế hoạch trả thưởng theo mô hình bậc thang ly khai, Mô hình đều tầng và Mô hình nhị phân – mô hình ma trận. 2.1. Mô hình bậc thang ly khai Bậc thang ly khai là mô hình tiên tiến nhất hiện nay. Nó cho phép mỗi nhà phân phối được tuyển tuyến dưới với số lượng tùy thích. Đặc trưng của Bậc thang ly khai là hệ thống được quản lý theo hệ thống cấp bậc, tức là phần trăm (%) hoa hồng sẽ được phân chia theo hệ thống cấp bậc. Mỗi cấp bậc sẽ có mức hoa hồng riêng và hoa hồng khối lượng (giá trị thặng dư) sẽ được tính dựa trên số dư từ % hoa hồng cao trừ đi % hoa hồng thấp hơn. Ví dụ, A tham gia vào mạng lưới và hiện giờ anh đang ở cấp bậc, mà tại đó anh nhận được 12%, và trong đội nhóm của anh có B hiện đang hưởng mức 5%, như vậy, A sẽ nhận được 7% giá trị hàng hóa do B tiêu thụ được, và cho dù B ở bất cứ tầng nào trong hệ thống A vẫn nhận được giá trị 7% (miễn là giữa hai người không có người có cấp bậc cao hơn B). Như vậy, hệ thống sẽ luôn bảo đảm rằng nó tồn tại và công bằng. Khi các nhà phân phối trong mạng lưới tầng dưới của bạn đạt đến trạng thái vượt cấp nhất định thì họ sẽ “bứt ra” khỏi nhóm của bạn. Bạn sẽ không còn nhận được các khoản hoa hồng trực tiếp từ các sản phẩm của họ hay là mạng lưới của họ bán nữa. Tuy nhiên bạn vẫn sẽ tiếp tục nhận được một khoản lợi tức hoa hồng nhỏ từ khối lượng của nhóm các nhà phân phối đã tách ra và từ mạng lưới của họ. Nên nhớ rằng, phần trăm hoa hồng nhỏ nhưng từ một mạng lưới lớn. - Ưu điểm: Trong số các sơ đồ kinh doanh thì sơ đồ bậc thang bảo đảm khả năng đạt được phúc lợi lớn nhất. Vấn đề ở chỗ là các đặc trưng thoát ly cho phép bạn xây dựng tổ chức lớn hơn và lấy ra được các khoản hoa hồng từ nhiều cấp hơn các sơ đồ kiểu khác. Trong số các sơ đồ kinh doanh thì sơ đồ bậc thang bảo đảm khả năng đạt được phúc lợi lớn nhất. Vấn đề ở chỗ là các đặc trưng thoát ly cho phép bạn xây dựng tổ chức lớn hơn và lấy ra được các khoản hoa hồng từ nhiều cấp hơn các sơ đồ kiểu khác. Mô hình này cho phép bạn nhận được các khoản hoa hồng ở nhiều mức hơn bất kỳ sơ đồ nào khác. Nếu như nhà phân phối có một tổ chức 6 mức của mình thì điều đó có nghĩa là bạn sẽ nhận được các khoản hoa hồng từ số hàng hóa bán được ở mức thứ 12 của bạn. Mô hình này cho phép thu về các khoản thu nhập từ mức thứ 20, độ sâu này trong các mô hình khác không thể đạt tới. Bậc thang ly khai đem đến một độ rộng không hạn chế. Bạn có thể bảo trợ vào tầng 1 của mình bao nhiêu người tùy khả năng của bạn. Họ, đến lượt mình cũng có thể bảo trợ như thế. Bạn có thể mở rộng mãi mãi khi xây dựng mạng lưới tầng dưới rộng lớn của mình, có khi lên tới hàng chục nghìn nhà phân phối. - Điểm yếu: Bạn sẽ không nhận được một đồng hoa hồng nào từ nhóm mạnh nhất của bạn nếu nhóm đó đồng cấp hoặc vượt qua cấp của bạn. Để bạn có thể nhận được hoa hồng từ nhóm mạnh nhất của mình thì sơ đồ này đòi hỏi bạn phải phát triển và duy trì doanh số các nhóm mới rất cao. Hơn nữa, dạng sơ đồ này có doanh số bán hàng cá nhân và tuyển dụng đòi hỏi hàng tháng rất cao. Hay còn gọi là điểm năng động để tránh không làm việc, chỉ hưởng từ tuyến dưới. Do đó, mô hình này phù hợp với người năng động hơn. - Tính ổn định: Đa số các công ty ổn định đều sử dụng mô hình này. 86% công ty MLM tồn tại từ 7 năm trở lên sử dụng mô hình này. - Quá tải tầng trên hay tầng dưới: Mặc dù có nhiều tính ưu việt trong cách thức chi trả hoa hồng, mô hình bậc thang ly khai vẫn có nhược điểm nếu doanh nghiệp tổ chức không thể cân bằng tầng trên và tầng dưới. Cụ thể là, nếu chính sách không phù hợp, khi vừa vào sẽ có thu nhập rất nhỏ (nhỏ đến mức nhà phân phối không thể đủ kinh phí để duy trì công việc kinh doanh) hoặc nhà phân phối lâu năm sẽ không đạt được thu nhập đúng với công sức của họ. Vì thế dù biết mô hình bậc thang ly khai vượt trội so với các mô hình khác nhưng nhiều doanh nghiệp không đủ sức cân bằng, khi mà những nhà phân phối mới vẫn đủ thu nhập để duy trì hoạt động kinh doanh đến khi họ thật sự đạt được đến sự tự do về tài chính và thời gian. Ví dụ: công ty Amway, sophie paris áp dụng mô hình bậc thang ly khai. 2.2. Mô hình đều tầng (Sơ đồ một cấp) Mô hình đều tầng cho phép nhà phân phối tuyển không giới hạn nhà phân phối tuyến dưới, tức là không phải tuyển với số lượng tuyến dưới bắt buộc, có thể là một người, hai người, ba người hay bao nhiêu người tùy thích. Nhà phân phối được hưởng hoa hồng hay phần trăm hoa hồng từ đội nhóm của mình là như nhau đối với cùng một thế hệ, các thế hệ có thể có mức phần trăm giống hoặc khác nhau. Để bảo đảm tính công bằng giữa người vào trước và vào sau nên mô hình đều tầng chỉ cho phép hưởng tối đa ba thế hệ, bốn thế hệ hay năm thế hệ (tùy theo chính sách của mỗi công ty). Thêm một điều nữa là nếu cho hưởng tối đa các thế hệ thì xảy ra tình trạng: tiền dùng để chi trả hoa hồng cho nhà phân phối sẽ lớn hơn giá trị sản phẩm (giả sử cứ ở mỗi thế hệ công ty sẽ chi trả cho nhà phân phối 5% thì tới thế hệ thứ 10 đã có 50% dùng để chi trả hoa hồng, và để đến thế hệ 20 con số đã lên tới 100%) vì thế người tham gia chỉ được hưởng đến một mức nhất định nào đó. Vì mô hình này không có sự thoát ly cho nên kế hoạch một cấp chi trả cho bạn một số ít mức. Về mặt lý thuyết, bạn có thể bổ sung sự thiếu sót này bằng cách tuyển mộ một số lượng lớn người vào mức một của bạn. Nhưng, mặc dù các Sơ đồ một cấp không giới hạn số lượng người được bạn đỡ đầu, thì vẫn có sự hạn chế cơ học về tính hiệu quả của việc đỡ đầu. Do sự hạn chế mức chi trả nên có thể những người ở mức trên sẽ không cần chăm sóc, giúp đỡ những tầng mình không được hưởng hoa hồng và như thế không mang tính nhân bản và bền vững. Điểm mạnh của sơ đồ đều tầng nằm ở chỗ nó không phụ bạn khi bạn tìm được thủ lĩnh giỏi. Có nghĩa là thủ lĩnh đó không bị ly khai giống như cơ cấu của sơ đồ bậc thang ly khai. Chỉ cần bạn tìm được một người thật giỏi là bạn có thể kiếm được hàng nghìn đôla mỗi tháng. Bạn không nhận đủ hoa hồng theo sơ đồ trả thưởng nếu bạn không lên những cấp bậc cao. Để lên cấp bậc cao thì bạn phải tìm nhiều tầng 1 thật giỏi. Vấn đề là phần lớn mọi người không làm được điều này. Và đó cũng là câu trả lời cho việc nhiều người than phiền rằng họ không có nhiều tiền mặc dù họ có hệ thống rất lớn. Một khuyết điểm ẩn sâu bên trong sơ đồ đều tầng đó là thu nhập bị giới hạn tầng. Bạn làm việc càng lâu thì hệ thống tầng sâu càng lớn và quan trọng hơn là 80% thủ lĩnh thường xuất hiện ở tầng sâu nhưng bạn không được một xu nào từ hệ thống khổng lồ do bạn tạo ra. Khuyết điểm tiếp theo khiến nhiều người thất bại đối với những công ty đều tầng đang có mặt tại Việt Nam đó là vấn đề năng động (điều kiện để hưởng hoa hồng) quá cao so với nền kinh tế Việt Nam.. Ví dụ: Vision là công ty áp dụng kế hoạch trả thưởng theo mô hình đều tầng 2.3. Mô hình nhị phân - Mô hình ma trận 2.3.1. Mô hình nhị phân Mô hình trả thưởng nhị phân là một dạng của kế hoạch trả thưởng ma trận nhưng người tham gia chỉ được bảo trợ 2 người tham gia cấp 1, tạo ra hai nhánh của mạng tham gia cấp dưới và xây dựng mạng lưới trên hai nhánh này. Sơ đồ trả thưởng nhị phân là sơ đồ trong đó chiều rộng của mỗi nhà phân phối giới hạn bởi 2 chân, có nghĩa là bạn chỉ cần tuyển hai người trực tiếp với bạn, từ đó mà có từ nhị phân. Tất cả những người khác mà bạn tuyển đều được đặt dưới hai người đầu tiên này, bên trái hay bên phải tuỳ bạn chọn. Điều này tạo nên một điều rất tốt cho những nhà phân phối mới bởi một lý do hết sức đơn giản là những nhà phân phối đã làm việc lâu năm sẽ sẵn sàng giúp đỡ những nhà phân phối mới xây dựng hệ thống. Bởi chỉ có như vậy họ mới có thể đạt được mục tiêu của họ. Điều này làm cho sơ đồ trả thưởng nhị phân hấp dẫn vì có một sự hỗ trợ lớn trong hệ thống giữa các nhà phân phối, điều này tạo ra một môi trường tốt cho mọi người cùng hoạt động để đạt đến mục đích chung. Trong sơ đồ nhị phân, bạn có 2 nhánh gọi là “chân”, khi bạn đăng kí người mới vào nhóm của bạn, bạn có thể đặt họ vào chân trái hoặc chân phải, tuy nhiên tùy theo yêu cầu của từng công ty, có công ty không cho phép bạn thực hiện việc này, mà việc đặt người mới tham gia và nhánh trái hay phải là do người bảo trợ của bạn thực hiện. Chiều dài của các nhánh thường là không bị giới hạn. - Nhánh mạnh (Chân mạnh/Power Leg): Thông thường nhánh mạnh bạn không nhất thiết phải xây dựng, vì tuyến trên của bạn sẽ thêm người vào nhánh này, bởi anh ta cũng đang xây dựng 2 nhánh của chính anh ta. - Nhánh yếu (chân yếu/Paid Leg): Bạn sẽ chịu 100% trách nhiệm phát triển nhánh này, đây là cơ sở để tính hoa hồng của bạn. Một yêu cầu bắt buộc với mô hình nhị phân là khi bạn đáp ứng được yêu cầu cân chân (hai nhánh bằng nhau) bạn mới có thể nhận được thu nhập, nghĩa là bạn chỉ có thể nhận được hoa hồng dựa trên tổng doanh số của nhánh yếu. Đây mới là nhánh do bạn thực sự xây dựng và bạn nhận được thu nhập từ những người trong nhánh này. Tùy thuộc vào mô hình hoạt động của từng công ty, có công ty sẽ cố định các nhánh này, nhưng cũng có công ty cho phép bạn thay đổi, họ chỉ quan tâm đến mỗi kỳ tính hoa hồng, nhánh nào có doanh số bán hàng thấp hơn sẽ coi đó là nhánh yếu và ngược lại. Mô hình này cho phép người tham gia có nhiều hơn một vị trí trong mạng lưới, có thể từ 2 tới 7 vị trí. Những kế hoạch trả thưởng khác chỉ cho phép người tham gia có một vị trí duy nhất trong mạng lưới. Ví dụ người tham gia A có thể bảo trợ 2 người tham gia cấp 1 của mình là B và C, sau đó A có thể tự đăng ký mình vào mạng lưới dưới vị trí của B hoặc C. Một điểm quan trọng mà người tham gia cần phải chú ý đối với kế hoạch trả thưởng nhị phân là việc xếp người. Nếu một người tham gia có hai trợ thủ đắc lực mà anh ta lại xếp hai người này vào cùng một nhánh thì kết quả là anh ta hầu như không thu được tiền hoa hồng từ mạng lưới của mình vì sẽ xuất hiện trường hợp một nhánh có doanh thu quá lớn trong khi nhánh còn lại lại có doanh thu nhỏ, để có thể được nhận hoa hồng các nhà phân phối ở tuyến trên phải thường xuyên thực hiện việc cân chân, nghĩa là phải tự mình bỏ tiền để đầu tư nhiều mã số ở nhánh yếu cho bằng nhánh mạnh hoặc là phải tuyển dụng các nhà phân phối mới gắn vào nhánh yếu và dụ dỗ họ mua hàng để cân chân. Hệ quả của việc này là nhiều người đã đầu tư một lượng lớn tiền để mua sản phẩm nhưng sản phẩm thì không bán lại được cho người tiêu dùng nên đã mất tiền hoặc khi doanh nghiệp tạm ngừng, chấm dứt hoạt động thì người tham gia phải chịu thiệt thòi lớn. Mục đích của sơ đồ trả thưởng này là cân bằng khối lượng bán hàng của hai chân, điều này khuyến khích những người bảo trợ ra sức giúp đỡ những nhà phân phối của họ gặp khó khăn nhất trong việc xây dựng hệ thống của họ, đồng thời cũng là để họ có thể đạt trạng thái cân bằng về doanh số và có được tiền thưởng hấp dẫn. Với sơ đồ trả thưởng này, bạn sẽ được trả theo chân có doanh số bé nhất. Ví dụ như bạn có 800 điểm bán hàng cho chân trái và 500 điểm bán hàng cho chân phải, tiền hoa hồng của bạn sẽ được trả theo phần trăm doanh số của chân phải. Khi sơ đồ trả thưởng này lần đầu tiên được đưa vào áp dụng trong các công ty kinh doanh theo mạng, phần chênh lệch giữa hai chân bị mất đi (300 điểm ở chân trái); điều này gây ra sự khó khăn lớn cho những người làm việc bán thời gian. Nhưng hiện nay, sơ đồ này đã được cải thiện, phần chênh lệch giữa hai chân sẽ được cộng vào tuần sau, hay tháng sau. Điều này có nghĩa là tất cả những gì mà bạn xây dựng sẽ vẫn còn đó và không khi nào bị mất đi. Trong sơ đồ trả thưởng này, thường không có sự giới hạn về chiều sâu và mỗi một thế hệ trong tổ chức của bạn sẽ được trả phần trăm hoa hồng đồng nhất làm cho sơ đồ trả thưởng trở nên rất dễ hiểu. Sự phân biệt chủ yếu của sơ đồ trả thưởng này là sự dựa trên khối lượng bán hàng mà không dựa trên thế hệ liên kết với bạn vì vậy mà bạn không cần phải có một hệ thống lớn để thành công. Điều này cũng khuyến khích bạn giúp cho những người khác trong hệ thống của bạn dù họ nằm bất cứ thế hệ nào so với bạn. Bởi vì không có sự giới hạn trả thưởng theo chiều sâu nên mỗi một nhánh của bạn sẽ được thưởng một số tiền hoa hồng giới hạn. Điều này đảm bảo cho các nhà phân phối và công ty đều có lợi. Hiện nay, mô hình trả thưởng này đã được các công ty cải tiến cách trả thưởng ngày càng hoàn thiện hơn. Ví dụ như khi một người rút ra khỏi mạng lưới, trong sơ đồ nhị phân vẫn tính hoa hồng cho các nhánh dưới của anh này, vị trí của anh này trong mạng lưới vẫn được giữ nguyên (điểm chết) nhưng không tính phần trăm hoa hồng. Mô hình nhị phân cải tiến cho phép khi một người rút ra khỏi mô hình các nhánh dưới của anh ta được phép đẩy lên thay vị trí cũ và tính hoa hồng như bình thường. Ví dụ: Chính sách trả thưởng Isagenix 2.3.2 Mô hình ma trận Mô hình ma trận được nâng cấp từ mô hình nhị phân, nhà phân phối sẽ được tuyển nhiều hơn con số 2 người. Tùy theo chính sách quy định, sơ đồ hạn chế độ lớn và số người trong mức một của bạn. Ví dụ, sơ đồ 3×6 cho phép bạn tuyển vào 3 người ở mức một và giới hạn mức 6 là mức chi trả hoa hồng cuối cùng. Nếu giả sử bạn tham gia vào dạng mô hình này, và bạn đã bảo trợ đủ số người tối đa vào thế hệ thứ nhất của mình. Nếu bây giờ có một người bạn thân của bạn cũng muốn tham gia vào doanh nghiệp thì bạn sẽ phải làm sao? Nếu vẫn muốn cho bạn mình tham gia, bạn phải đặt người đó vào những vị trí thấp hơn ở những thế hệ dưới. Hơn nữa, tốc độ phát triển đội nhóm của người tầng dưới sẽ luôn chậm hơn những người tuyến trên. Chính vì những lý do trên mà mô hình ma trận (và nhị phân) bị quy kết vào “hình tháp ảo” và bị cấm (hoặc kiểm tra hoạt động rất gắt gao) tại các nước trên thế giới. Mô hình ma trận cho phép tạo ra tính đơn giản trong công việc. Trong sơ đồ ma trận, bạn chỉ phải chăm lo, chịu hoàn toàn trách nhiệm đào tạo cho những người ở thế hệ thứ nhất của bạn. Bạn cũng có thể ngồi ở nhà để người đỡ đầu tuyển người cho mạng lưới của bạn. Sơ đồ ma trận rất đơn giản để giải thích cho những người mới của bạn. Mô hình ma trận thích hợp để sử dụng phân phối các sản phẩm đặc thù mà tính xoay vòng sản phẩm nhỏ hoặc không có, để tránh sự bão hòa của thị trường. Mô hình ma trận thu hút những người không muốn làm việc nhiều và/hoặc thiếu kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh theo mạng. Các kế hoạch ma trận theo kiểu phân chia các khoản hoa hồng có khuynh hướng khá “xã hội”. Ban thưởng cho những nhà phân phối tích cực ít hơn các nhà phân phối lười biếng. Các nhà phân phối xuất sắc nhận được sự đền đáp ít hơn so với thời gian và sức lực mà mình bỏ ra, bởi vì phần lớn các khoản hoa hồng bị người ta hút mất như những con đỉa, mạng lưới của họ đầy rẫy những kẻ ranh mãnh và lười biếng. Mô hình ma trận hạn chế quy mô tổ chức của bạn. Chẳng hạn, trong ma trận 3×4, bạn không bao giờ có thể có quá 120 người trong mạng lưới tầng dưới. Phép tính được mô tả như sau: mỗi cấp dưới có 3 người và ta có 4 tầng, tối đa có 3^1 + 3^2 + 3^3 + 3^4 = 3 + 9 + 27 + 81 = 120 người tham gia dưới quyền 1 người. Một số chính sách của mô hình ma trận cho phép tuyển vào số lượng không hạn chế (để bù bắp sự thiếu hụt do có thành viên nghỉ việc hoặc làm việc không hiệu quả), tuy nhiên, quá trình làm việc vẫn chỉ dựa trên một số người nhất định, khi bạn có 3 người trong mạng lưới, bạn sẽ là thành viên cấp một, khi giúp cho ba người này đạt cấp một, bạn sẽ đạt cấp hai. Điều này làm cho tính thống nhất (đoàn kết) của đội nhóm bị hạn chế. Ví dụ: Unicity áp dụng mô hình ma trận 5×5 trả thưởng đến 12 tầng Ngay từ khi ra đời, mô hình trả thưởng này đã gây ra nhiều tranh cãi, đã có quốc gia ban đầu họ đã cấm các doanh nghiệp sử dụng mô hình trả thưởng này vì họ cho rằng đây là mô hình trả thưởng bất chính, vì mô hình này trả thưởng cho người tham gia chủ yếu dựa vào việc dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới bán hàng chứ không phải dựa và kết quả bán hàng của họ. Tuy nhiên, về sau các quốc gia này cũng đã thừa nhận đây là một mô hình trả thưởng hợp pháp vì các nhà chức trách không chứng minh được đây là mô hình bất chính. - Tính đơn giản: Mô hình cho phép tạo ra tính đơn giản trong công việc. Trong sơ đồ, bạn chỉ phải chăm lo, chịu hoàn toàn trách nhiệm đào tạo cho những người ở mức một của bạn, bạn cũng có thể ngồi ở nhà để người đỡ đầu tuyển người cho mạng lưới của bạn và rất đơn giản để giải thích cho những người mới của bạn. Mô hình này thích hợp để sử dụng phân phối các sản phẩm đặc thù mà tính xoay vòng sản phẩm nhỏ hoặc không có, để tránh sự bão hòa của thị trường. Ưu nhược điểm kế hoạch trả thưởng theo mô hình nhị phân – mô hình ma trận - Hiệu ứng con đỉa: Mô hình thu hút những người không muốn làm việc nhiều và/hoặc thiếu kiến thức trong lĩnh vực kinh doanh theo mạng. Các kế hoạch ma trận theo kiểu phân chia các khoản hoa hồng có khuynh hướng khá “xã hội”. Ban thưởng cho những nhà phân phối tích cực ít hơn các nhà phân phối lười biếng. Các nhà phân phối xuất sắc nhận được sự đền đáp ít hơn so với thời gian và sức lực mà mình bỏ ra, bởi vì phần lớn các khoản hoa hồng bị người ta hút mất như những con đỉa, mạng lưới của họ đầy rẫy những kẻ ranh mãnh và lười biếng. - Sự giới hạn: Mô hình nhị phân hay ma trận hạn chế quy mô tổ chức của bạn. - Biến thể: Một số chính sách của mô hình ma trận (hay nhị phân) cho phép tuyển vào số lượng không hạn chế (để bù bắp sự thiếu hụt do có thành viên nghỉ việc hoặc làm việc không hiệu quả), tuy nhiên, quá trình làm việc vẫn chỉ dựa trên một số người nhất định, khi bạn có 3 người trong mạng lưới, bạn sẽ là thành viên cấp một, khi giúp cho ba người này đạt cấp một, bạn sẽ đạt cấp hai. Điều này làm cho tính thống nhất (đoàn kết) của đội nhóm bị hạn chế. * Sơ Đồ Nhị Phân Cải Tiến Sơ đồ nhị phân cải tiến được xem là sơ đồ trả thưởng tiên tiến nhất thế giới hiện nay. Sơ đồ nhị phân cải tiến vẫn được đánh giá và bình chọn là sơ đồ trả thưởng tốt nhất trong hơn một thập kỷ qua. - Tính đơn giản: Các thủ lĩnh ở những sơ đồ trả thưởng khác cũng công nhận Sơ đồ nhị phân cải tiến rất đơn giản. Càng đơn giản thì càng dễ sao chép. Cái gì càng đơn giản thì càng hiệu quả! - Tính tự nhiên: Tế bào phát triển bằng cách nhân đôi, thuật toán phát triển dựa trên hệ nhị phân. - Tính bền vững: Cây cổ thụ có bộ rễ cọc bám sâu dưới đất rất bền vững. Cây lúa có bộ rễ chùm rất dễ ngã. Sơ đồ nhị phân cải tiến cho phép bạn phát triển hệ thống theo chiều sâu nhanh nhất. Nhược điểm của Sơ đồ nhị phân cải tiến cải tiến là tạo cho nhà phân phối cấp dưới có ảo tưởng rằng sẽ được tuyến trên gắn người xuống cho mình nhưng thực ra họ không thật hiểu rằng Sơ đồ nhị phân cải tiến cần phát triển ra 2 nhánh. Trong đó , có một nhánh cộng hưởng và một nhánh tự xây. Bạn và các tuyến trên sẽ cùng nhau xây dựng nhánh cộng hưởng . Đó là tính công bằng trong sơ đồ nhị phân cải tiến. III. Kết luận Các công ty lựa chọn phương pháp trả thưởng hay người tham gia công ty đa cấp còn dựa vào nhiều yếu tố như các chính sách phúc lợi, quà tặng, chế độ đãi ngộ nhưng quan trọng nhất vẫn là lợi nhuận hoa hồng mà họ thu được. Tùy vào phần lợi nhuận hoa hồng thu về mà cá nhân tham gia mạng lưới đa cấp hay công ty lựa chọn kế hoạch trả thưởng phù hợp. Vì vậy, phải biết cân đối hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể để có thể đưa ra một phương pháp trả thưởng là tối ưu nhất, cân đối hài hòa giữa hai bên nhằm xây dựng một hệ thống bán hàng đa cấp vững mạnh bền lâu.