Academia.eduAcademia.edu
Mối tương quan giữa du lịch và văn hóa Giới thiệu chung: Văn hoá là sản phẩm do con người sáng tạo, có từ thuở bình minh của xã hội loài người. Đây là một khái niệm rộng và hầu như không có ranh giới rõ rệt giữa văn hoá và các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội. Về bản chất, du lịch là một hoạt động văn hóa cao cấp của con người. Văn hóa là nền tảng cho du lịch khai thác, phát triển, nhưng văn hóa cũng phải dựa vào du lịch để quảng bá. Đó là mối tương quan cơ bản và chặt chẽ, không thể tách rời, nhưng việc sử dụng, khai thác hiệu quả mối tương quan này như thế nào là điều cần quan tâm, nhằm đạt tới mục đích chung là sự phát triển của xã hội. Ảnh hưởng của văn hóa đến du lịch: “Văn hóa là yếu tố thúc đẩy động cơ du lịch của du khách” Các đối tượng văn hóa – tài nguyên du lịch nhân văn – là cơ sở để tạo nên các loại hình du lịch văn hóa phong phú. Nền văn hóa bản địa tạo nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, từ đó góp phần đưa hình ảnh quốc gia/địa phương đến với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng, trực tiếp và sinh động. Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên Văn hóa tiềm ẩn đằng sau du lịch là nhu cầu nội sinh thôi thúc du khách lên đường và khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới. Văn hóa là nguồn tài nguyên độc đáo của du lịch xét trên cả hai phương diện văn hóa vật thể (cảnh quan, di sản kiến trúc, di tích văn hóa - lịch sử, hàng thủ công mỹ nghệ, công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt, ẩm thực...) và văn hóa phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật truyền thống, lối sống bản địa, phong tục tập quán địa phương, tín ngưỡng...). Các sản phẩm văn hoá như tranh vẽ, điêu khắc, tượng nặn... tạo nên một động lực thúc đẩy quan trọng của du lịch. Văn hóa là nền tảng cho việc phát triển du lịch bền vững, vì nó vừa là điểm nhấn thu hút du khách, vừa là cội rễ để bảo tồn bản sắc độc đáo trong sự giao lưu văn hóa đa dạng, tạo nên tính nhân văn cộng đồng. Văn hóa còn biểu hiện trong việc kinh doanh du lịch như hành vi ứng xử và cách thức kinh doanh giữa công ty lữ hành với du khách, giữa cư dân địa phương tham gia làm du lịch với du khách, giữa con người với môi trường du lịch, thậm chí còn trong cả mối quan hệ giữa người dân không tham gia làm du lịch với du khách. (…) Trong một chừng mực nào đó, có thể xét mối quan hệ giữa du lịch và văn hóa thông qua một số phương tiện và sản phẩm văn hóa du lịch cụ thể. (…) Ảnh hưởng của du lịch đến văn hóa “Một trong những chức năng của du lịch là giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng” Tích cực: Qua con đường du lịch, văn hóa bản địa được đưa đến với du khách qua những cách thức khác nhau: tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, giao lưu văn hóa... Từ đó tăng cường sự đa dạng và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vùng miền. Sản phẩm du lịch đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa vì du khách khi tới một vùng đất mới thì nhu cầu văn hóa tinh thần luôn đi đôi với nhu cầu văn hóa vật chất. Du lịch đem lại nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế và văn hóa, nguồn thu từ du lịch được sử dụng để bảo tồn và duy tu các công trình văn hóa hiện có, xây dựng mới các công trình văn hóa, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, từ đó quay trở lại góp phần phát triển du lịch. (…) Du lịch góp phần phát huy khôi phục giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như các công trình kiến trúc văn hóa cổ, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sinh hoạt vật chất cổ xưa mang bản sắc địa phương. Du lịch cũng góp phần tích cực vào sự đa dạng của văn hóa, mang các nét văn hóa của du khách đến với nền văn hóa bản địa, du nhập những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa bên ngoài và tôn vinh văn hóa bản địa trên phương diện vừa kế thừa vừa đổi mới. Tiêu cực: Giá trị truyền thống dần bị lu mờ do sự lạm dụng vì mục đích kinh tế. Những giá trị văn hóa đích thực của một cộng đồng đáng ra phải được trân trọng lại bị đem ra làm trò tiêu khiển, mua vui cho du khách. Từ đó làm méo mó giá trị chân thực của truyền thống, làm sai lệch hình ảnh của một nền văn hóa bản địa. Xu hướng chối bỏ truyền thống và thay đổi cách sống theo mốt du khách ở các nước nghèo đón khách từ nước giàu, nhất là giới trẻ. Theo thời gian, thái độ của dân sở tại đối với du khách thay đổi dần dần từ tích cực sang tiêu cực. Tồi tệ hơn khi xuất hiện tư tưởng và hành động chống đối du khách. Mất cảm tình vì thái độ lạnh nhạt, sợ hãi tấn công… sẽ làm cho số lượng du khách ngày càng giảm dần. Mở rộng: Trong cộng đồng, không phải ai cũng có thái độ và hành vi cư xử như nhau đối với du khách. Có thể thể hiện qua bảng sau: Thái độ Chủ động Thụ động Tích cực Ủng hộ mạnh mẽ hoạt động du lịch và du khách Chấp nhận hoạt động du lịch và sự có mặt của du khách × Tiêu cực Chống đối kịch liệt hoạt động du lịch và tỏ thái độ thù địch với du khách Lặng lẽ chống đối Bảng 1. Mối quan hệ biến động giữa các loại thái độ cư xử đối với du khách Nhóm 1 (Chủ động, tích cực): Chấp nhận lối sống của du khách, đồng thời vẫn giữ lối sống của mình. Nhóm 2 (Thụ động, tích cực): Có thái độ dè dặt hơn, giữ khoảng cách nhất định với du khách. Nhóm 3 (Thụ động, tiêu cực): Né tránh, không chấp nhận lối sống của du khách. Nhóm 4 (Chủ động, tiêu cực): Có thái độ chống đối, thù địch với các du khách hoặc công khai hoặc kín đáo. Phát triển văn hóa du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa Toàn cầu hóa là một xu thế khách quan không thể đảo ngược được. Thế giới càng ngày càng trở lên nhỏ bé và mong manh. Chiến tranh, ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên, biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức,… tất cả những vấn đề ấy diễn ra trong phạm vi toàn cầu, không một nước nào có thể đứng ngoài để tự mình giải quyết được. Du lịch là ngành hoạt động đặc biệt nhạy cảm với các vấn đề trên. Toàn cầu hóa du lịch đem đến những lợi ích to lớn: quốc gia nào gia nhập quá trình này thì sẽ trở nên thịnh vượng và văn minh, quốc gia nào quay lưng lại với nó thì nghèo đói và lạc hậu. Toàn cầu hóa du lịch không chỉ có nghĩa là du lịch toàn cầu mà còn có nghĩa là phát triển du lịch theo những tiêu chuẩn toàn cầu. Tiêu chuẩn toàn cầu thể hiện ở cung cách phục vụ, tiêu chuẩn phòng ốc, thức ăn, nhưng quan trọng nhất chính là ở chỗ phải tôn trọng những giá trị chung, trong đó thái độ với văn hóa và môi trường sinh thái là quan trọng nhất. Vì vậy, toàn cầu hóa du lịch không có nghĩa là xóa mờ những đặc tính riêng biệt của mỗi nền văn hóa và mỗi vùng sinh quyển. Nhìn từ phương diện văn hóa, toàn cầu hóa là quá trình xác lập những giá trị và chuẩn mực chung trên phạm vi toàn cầu nhưng toàn cầu hóa văn hóa cũng phải đi liền với việc khẳng định và bảo vệ các giá trị của mỗi nền văn hóa.  Vì vậy, toàn cầu hóa du lịch cũng chính là tạo ra một tư duy toàn cầu về việc tôn trọng, giữ gìn, bảo vệ những giá trị đặc thù của các nền văn hoá, cũng có nghĩa là tạo ra những động thái của việc phát triển du lịch bền vững…