You are on page 1of 5

ĐIỆN PANTHÉON VÀ BÀI BÁO HAY NHẤT TRONG LỊCH SỬ BÁO CHÍ

Zola thời trẻ

Điện Pantheon và bài báo hay nhất trong lịch sử báo chí
Source: TPO

Như đã biết, Điện Pantheon là nơi an nghỉ ngàn thu của các vĩ nhân Cộng hòa Pháp. Lần đầu tiên, Quốc hội Pháp
và ban quản lý Pantheon tổ chức 100 năm ngày di hài văn hào Emile Zola (1840-1902) được chuyển vào đây.

Hiện diện tại buổi lễ, bên cạnh Chủ tịch Quốc hội Pháp Bernard Accoyer là chắt gái Brigitte Emile-Zola của nhà văn
và Charles Dreyfus, chắt trai của đại úy Alfred Dreyfus (1859-1935), nạn nhân ê chề của một vụ án kinh thiên động
địa đến nay vẫn rất thời sự.

Hai ngày sau lễ trên, diễn ra trong lòng Pantheon một hội thảo lớn. Chuyện vừa nêu cũng là trọng tâm của cuộc triển
lãm Zola ở Pantheon tại quảng trường Pantheon, Paris, mở cửa ngay hôm sau, 5 tháng sáu...

Năm 1894, đại úy Alfred Dreyfus, người do thái, bị kết tội bán bí mật quân sự cho tùy viên quân sự Đức
Schwartzkoppen ở Paris, bị tước lon và đầy suốt đời đến đảo Quỷ.

Dreyfus kêu oan, nhưng ông vô tình trở thành biểu tượng của tộc người do thái đáng ghét và đáng miệt thị. Một
chiến dịch thóa mạ dân do thái rùm beng một dạo. Rồi vụ án chìm vào quên lãng.

Năm 1896, thiếu tá Picquart, chỉ huy mới của đơn vị phản gián mà Dreyfus làm việc, thu lượm được những bằng
chứng cho thấy tội đồ thực sự là viên sỹ quan Esterhazy, tố cáo tên này và đòi trả lại sự vô tội cho Dreyfus.

Tại phiên xử đầu tiên, Esterhazy được tòa án binh tha bổng. Picquart bị chuyển công tác sang Tunisie, chính phủ
Pháp một mực tuyên bố “Không hề có vụ Dreyfus” trong khi dư luận bán tin bán nghi. Zola vào cuộc (như đề cập ở
dưới), buộc người ta phải rà lại vụ án và sự thật được phanh phui dần dần.

Năm 1898, một số giấy tờ giả mạo được phát hiện và kẻ dựng lên hồ sơ man trá, đại tá Henry, phải tự tử. Việc xem
lại vụ án không đảo ngược được nữa.

Tuy thế, năm 1899, một hội đồng chiến tranh mới vẫn tuyên phạt Alfred Dreyfus 10 năm lao động cải tạo. Có điều,
mấy ngày sau, Tổng thống Pháp Loubet ra lệnh ân xá.

Song năm 1906, Dreyfus mới được tuyên trắng án và được phục hồi chức vụ và công việc.

Năm 1930, các sổ ghi chép của tùy viên quân sự Đức nói trên được công bố, tiết lộ sự thật rằng Esterhazy đã cung
cấp cho y thông tin quân sự Pháp, và vu cáo Dreyfus để chạy tội.

Emile Zola không hay biết gì về vụ Dreyfus, cho tới năm 1895, ông cất công tự điều tra và kết thúc bài thứ nhất ngày
25 tháng mười hai 1897 trên tờ Figaro bằng câu bất hủ: “Sự thật đang tiến bước và không gì cản nó được”.

Ngày 10 tháng một 1898, “tên phản bội Tổ quốc” đích thực Esterhazy bị đưa xét xử tại Hội đồng chiến tranh Paris,
và được miễn tố tức thì. Zola không làm ngơ được nữa. Ông dồn tâm sức cho Tôi tố cáo, hiện được suy tôn là bài
báo hay nhất trong lịch sử báo chí toàn cầu.

Tờ Figaro thân thiết của nhà văn vì nhiều lý do, không dám đăng nó. Ông bèn thuyết phục chủ bút tờ Aurore (Bình
minh) và nó chấn động toàn xã hội Pháp từ ngày xuất hiện, 13 tháng một 1898.

Số Aurore hôm ấy tăng lượng phát hành lên 300.000 bản, gấp mười thường ngày. Và tiêu thụ hết veo chỉ trong vài
tiếng. Chứng cứ xác thực, lập luận đanh thép, bài báo không phải một tư liệu lịch sử hay một bản buộc tội, mà một
đòn công kích thức tỉnh lương tâm trước sự tham nhũng kép, nhằm vào một tên tội phạm và một người vô tội.

Nó cũng là bản tổng hợp đầu tiên về vụ Dreyfus, mở đường cho dân chúng nắm được tổng thể sự việc. Nó bóc trần
một sự dàn dựng tinh vi và thâm độc, nhằm tới những mục tiêu xã hội và chính trị đáng sợ.

Một lần và mãi mãi, nó khẳng định rằng vụ Dreyfus không đơn thuần là một sai lầm pháp lý, mà quan trọng hơn, một
cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng của nền Cộng hòa thứ ba.

Nó phân chia dứt khoát xã hội Pháp thành hai phe, ủng hộ và kết tội Dreyfus. Nó khiến tổ chức bảo vệ nhân quyền
ra đời sau đó vài ngày. Nó phơi bày một ứng xử đau lòng, ấy là việc không chấp nhận những dân tộc khác biệt như
về tôn giáo, ngay trong lòng một đất nước được coi là văn minh nhất hành tinh.

Nó phát lộ cho toàn thế giới hình ảnh lẫm liệt của một chiến sỹ kiên cường đấu tranh cho công lý và nhân phẩm, một
hiền nhân quyết liệt bảo vệ những giá trị của bao dung, của công bằng và của sự thật.

Vua heo Zola - biếm họa

Mấy ngày tiếp theo bài báo, Zola nhận được khoảng hai ngàn bức thư khen ngợi và cổ vũ, một nửa từ nước ngoài.
Đương nhiên, các nhà quân sự kiện ông về tội xúc phạm danh dự của họ.

Tòa đại hình vùng Seine lúc đầu định xử ông qua ba phiên, cuối cùng hành hạ ông liên tục qua mười lăm phiên, từ 7
đến 23 tháng hai 1898. Luật sư của ông đưa vào Tòa 200 nhân chứng để bênh vực ông.

Việc bào chữa bị bóp méo và nhấn chìm. Dù bên nguyên không đưa được bằng chứng buộc tội, Tòa vẫn kết án ông
một năm tù giam và 3.000 francs tiền phạt.
Lường trước sự ngoắt ngoéo của những người cầm cân nảy mực, từ phiên xử thứ nhất, luật sư của Zola đã khuyên
ông tính chuyện lưu vong, để khỏi bị đày đọa oan uổng.

Ông biết không tránh khỏi “sự hy sinh ác độc nhất trong đời ” ấy. Kể cũng lạ, phán quyết của Tòa đại hình vùng
Seine hôm 23 tháng hai 1898 không bao giờ được tống đạt đến bên bị.

Còn Zola, trong khi chờ bản án được ký duyệt và có hiệu lực, ngày 18 tháng bảy năm đó, ông một mình lặng lẽ rời
nhà, đáp chuyến tầu hỏa 21 giờ đi Calais, ven biển Manche. Hành lý mang theo chỉ là một chiếc sơ mi ngủ, bọc
trong một tờ báo.

Ngay trong đêm, ông xuống tầu thủy vượt biển sang Xứ sở sương mù. Sáng ngày 19 tháng bảy, ông tới được
London, vào trọ Khách sạn Grosvernor, dưới tên Ông Pascal.

Tại Pháp, vụ bỏ trốn nhanh chóng loang ra, báo chí cho đấy là sự thú nhận tội lỗi. Tin tức đủ loại, thường trái chiều,
tới tấp xuất hiện trên mặt báo không chỉ ở đất nước ông. Tài sản của ông bị tịch thu để thi hành án.

Một nhà xuất bản phải bảo lãnh để bảo tồn chúng cho “lương tâm nhân loại một thời”. Cảnh sát lùng sục ông khắp
hang cùng ngõ hẻm, nhất là ở các vùng biên ải. Một kiểu lệnh truy nã đặc biệt được ban bố khẩn cấp, nhằm bắt thật
nhanh “tên tội phạm nguy hiểm”.

Trong khi đó, bí mật được giữ kín hoàn toàn. Ông vẫn bình an vô sự, được bạn hữu và vợ con sang thăm. Ernest
Vizetelly, dịch giả người Anh chuyên in ấn tác phẩm của ông tại quê hương của Dickenz, cho con gái ngày ngày đến
giúp ông như một người phiên dịch và quán xuyến việc vặt.

Cô gái cập nhật thông tin cho ông, nhất là diễn biến của vụ án đau đầu. Đáng khâm phục, trong bối cảnh ức chế về
tinh thần, ông vẫn tìm cách rèn luyện sức khỏe và làm việc không mệt mỏi. Đôi lúc bi quan không chịu nổi. Niềm vui
chen lẫn nỗi buồn.

Tên Henry chủ mưu trong vụ Dreyfus tự kết liễu đời hắn chưa lâu, ông mất ăn mất ngủ vì con chó Pinpin thân thiết
với ông bao năm ròng bỗng một đi không trở lại.

Ông rất mừng rằng việc cứu xét vụ án được tiến hành khẩn trương từ đầu 1899. Quyết định của Tòa phá án sẽ được
đưa ra vào tháng sáu cùng năm. Ông gấp rút hoàn thành tiểu thuyết Mắn đẻ (tạm dịch Fecondité) và chuẩn bị lên
đường trở về.

Ngày 3 tháng sáu 1899, bản án 1894 bị hủy bỏ. Hôm sau, Emile Zola đã có mặt ở Paris, kết thúc mười một tháng ăn
đậu ở nhờ, với Mắn đẻ, về sau được đánh giá là một kiệt tác.

Từ bấy, ông không lộ liễn mà âm thầm che chở Dreyfus. Bản án dành cho ông như vô tình bị lãng quên. Mặc dù vậy,
ông vẫn bị đánh đập tơi bời. Trong mấy năm, ông là đối tượng chế diễu và cười cợt của những người chống Dreyfus.
Dưới con mắt ghẻ lạnh của báo chí, ông là kẻ duy nhất phản lại Tổ quốc và quân đội.
Từ 1898, những lời đả kích cay độc, những tranh biếm họa, những bài ca chế nhạo, những tờ gấp thóa mạ tuôn đổ
về ông như bao dòng thác rợn người.

Đốn mạt nhất là vụ tổng biên tập tờ Le Petit Journal (Báo nhỏ, tạm dịch) đăng tải một chuỗi bài bôi nhọ cha ông, kỹ
sư cầu dường Francois Zola qua đời đã lâu lắm, nhằm luật nhân quả “cha nào con nấy”.

Loạt bài ấy cho rằng cha ông từng biển thủ công quỹ, và bị đuổi khỏi quân ngũ khoảng năm 1830, thời gian cha mẹ
ông chưa gặp gỡ. Ông đích thân điều tra và tại phiên tòa liên quan, bác bỏ từng điểm dựng chuyện một...

Cứ như thế, cây bút tiếng lòng của hàng triệu phó thường dân vượt được mọi oái oăm và cơ cực trí não để giữ vững
niềm tin của họ vào chính nghĩa và nhân tâm.

Chuyện thần kỳ đã xảy ra như để đền bù cho những tổn thương của những người hâm mộ và tin tưởng vào ông.
Bốn năm sau khi ông tạ thế, có lẽ bị ám sát bằng khí độc tại nhà, Alfred Dreyfus được khôi phục toàn diện ngày 13
tháng sáu 1906.

Hôm sau, ông được Quốc hội Pháp biểu quyết thông qua việc đưa ông vào thờ tại Pantheon, sau một cuộc khẩu
chiến nảy lửa. Tuy nhiên, Quốc hội còn phải thông qua 35.000 francs ngân sách di chuyển hài cốt nhà văn.

Và ngày 4 tháng sáu 1908, việc di chuyển đó mới được tiến hành. Bất chấp quốc ca được cử hành và sự hiện diện
của tổng thống Pháp, một nhóm phần tử bài do thái và bài ngoại (Zola gốc Italia) vẫn rống lên: “Hãy quẳng Zola vào
hố cứt!”.

Thậm chí, Alfred Dreyfus đứng cúi đầu trên bậc thềm Pantheon khi linh cữu đi qua, đã bị một nhà báo bắn súng lục
bị thương nhẹ ở tay.

Hiện nay, công lao, đức độ và tầm vóc của Emile Zola đang được đồng thanh long trọng ghi nhận. Triển lãm Zola ở
Pantheon kéo dài cho tới 31 tháng mười.

Thế nhưng, một đôi tờ báo đưa tin về lễ kỷ niệm 100 năm ông nhập điện với lời lẽ thiếu thiện ý. Có bài đặt câu hỏi tại
sao Nhà nước Cộng hòa cho vào ngự trong Đền thiêng đó một kẻ chuyên viết văn đồi trụy?

“Đồi trụy” nói đây thực chất là những tác oai tác quái của bản năng và nhục dục đối với cuộc sống con người. Zola
phải chăng không đáng được xem như người dự báo về thảm họa tình dục hiện tại?...
Phú Khê - Bạch Nga
Theo nhiều tài liệu nước ngoài

You might also like